KINH VĂN-THÙ-THI-LỢI HÀNH

Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Đậu-na-quật-đa, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Con là Đậu-na-quật-đa, quy mạng Đức Như Lai Đại Trí Hải Tỳ-lô-giá-na

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Thế Tôn ở tại núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành Vương xá, cùng với năm trăm vị đại Tỳ-kheo hội đủ. Các vị ấy đều là bac Ala-hán, các lậu đã hết, không còn phiền não, đạt ba Minh, sáu Thông, có đủ tám môn Giải thoát, tuệ và tâm không còn chướng ngại, tất cả đều trong sạch. Năm trăm vị Tỳ-kheo này, mỗi người đều ở phòng riêng của mình, ngồi kiết già, thân tâm vắng lặng, nhập Tam-muội chánh thọ.

Bấy giờ, Đồng chân Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi, vì muốn phát khởi pháp hạnh của mình và cũng muốn cho mọi người thấy, nghe, biết, đạt được lợi ích, nên đã dậy thật sớm tuần tự dạo khắp các phòng, thấy Tôn giả Xá-lợi-phất một mình ở trong phòng ngồi kiết già nhập Tammuội hàng phục tự thân. Đồng chân Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi thấy như vậy nhưng không gọi. Lại đến các phòng khác xem xét, như thế lần lượt cho tới khi mặt trời mọc. Ngay lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất… cùng năm trăm vị Tỳ-kheo đều đã xuất định. Các vị Tỳ-kheo đó và các Tỳkheo ở phương khác đến cùng đại chúng thảy đều tập hợp.

Lúc này, Đức Thế Tôn từ tòa đứng dậy, thân tướng đoan nghiêm, ung dung yên lặng bước đi như Sư tử vương, ra khỏi phòng trải tòa ngồi. Tất cả đại chúng vây quanh hai bên, thể hiện sự cung kính đối với Đức Thế Tôn, không ai dám đến trước mặt. Ở giữa đại chúng Đức Thế Tôn là bậc đứng đầu, vô thượng, với sắc diện rạng rỡ như núi vàng, với tâm đại Bi bủa khắp như mây lành ban cho những cơn mưa pháp.

Bấy giờ, Đồng chân Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi, ở trong chúng hội hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Vừa rồi tôi xem khắp các phòng, thấy Tôn giả ngồi kiết già một mình điều phục tự thân, lúc đó Tôn giả đang ngồi thiền hay không ngồi thiền?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

–Lúc ấy thật sự là tôi đang ngồi thiền.

Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi lại hỏi:

–Ý Tôn giả thế nào? Vì muốn trừ bỏ phiền não chưa đoạn nên ngồi thiền chăng? Hay vì phiền não đã đoạn rồi, lại cầu đoạn trừ nữa cho nên ngồi thiền? Vì nương vào các pháp trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai nên ngồi thiền? Hay nương vào các pháp của năm ấm như sắc, thọ, tưởng, hành, thức nên ngồi thiền? Hay vì nương nơi các căn thức nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý mà ngồi thiền? Hoặc vì nương vào các pháp nơi sáu trần như sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp cho nên ngồi thiền? Hoặc nương vào pháp nơi ba cõi Dục, Sắc, Vô sắc nên ngồi thiền? Hoặc nương vào các pháp sai khác ở bên trong, bên ngoài, hay cả trong ngoài mà ngồi thiền? Hoặc vì nương vào các pháp nơi thân, nơi tâm, hoặc danh sắc của thân tâm cho nên ngồi thiền? Như thế các pháp mà tôi hỏi, xin Tôn giả mau đáp, nương vào pháp nào mà ngồi thiền?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

–Thưa Nhân giả! Tôi nay hiện thấy các pháp lạc hạnh nhớ mãi không quên, vì thế mà ngồi thiền.

Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi lại hỏi:

–Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Thật có các pháp có thể hiện thấy lạc hạnh, nhớ nghĩ không quên chăng?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

–Nhân giả Văn-thù! Các pháp lạc hạnh như thế tôi thật không thấy, nhưng Đức Thế Tôn đã vì hàng Thanh văn và tất cả đại chúng nói pháp thiền định vắng lặng. Tôi nương theo các pháp như thế mà hành trì.

Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Như Lai đã vì hàng Thanh văn giảng nói các pháp gì gọi là thiền định vắng lặng, để Tôn giả nương theo đó mà tu hành?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

–Thưa Nhân giả Văn-thù! Có Tỳ-kheo ở đời quá khứ, hiện tại, vị lai, nương theo các pháp đó mà tu hành. Nói lược, cho đến nương vào các pháp nơi tâm, ý… mà thực hành, giống như các pháp hạnh kia. Đó chính là các pháp thiền định vắng lặng, Đức Thế Tôn đã vì hàng Thanh văn và đại chúng mà chỉ bày. Tôi y theo đó tu hành.

Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi lại hỏi:

–Tôn giả nói Như Lai đã vì Thanh văn và đại chúng giảng nói pháp ba đời, cho đến tâm ý… Tôn giả nương theo đó mà tu hành là không đúng. Vì sao? Vì đời quá khứ hiện không có Như Lai, đời vị lai hiện không có Như Lai và đời hiện tại hiện cũng không có Như Lai. Nếu như thế, đối với tất cả pháp cầu mong ở thân Như Lai đều không thể được. Tôn giả nay vì sao lại nói: Tôi nương theo các pháp đời quá khứ, hiện tại, vị lai mà tu hành?

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Cùng tột nơi đời quá khứ, hiện tại, vị lai, kia không phải là đây, đây không phải là kia, mỗi mỗi đều sai khác, không có tướng để tạo ra, không có xứ sở, cũng không có chỗ nương trụ, là không có chỗ trú, tức không có nơi chốn nương tựa để có thể thủ đắc.

Lại nữa, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu có người nói: Đời quá khứ, hiện tại, vị lai, ở trong thực tế nói là có chỗ nương, hoặc không có chỗ nương, phải biết những người kia đã hủy báng Như Lai, là mắc trọng tội. Vì sao? Vì trong chân thật tế kia, không có nhớ nghĩ, cũng không co rơi rớt, không có hình sắc cũng không có tướng trạng để có thể thủ đắc. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Trong chân thật tế, các pháp quá khứ, hiện tại, vị lai, thật không thể thủ đắc, lược nói cho đến các pháp như tâm, ý cũng không thể thủ đắc. Lìa ngoài thật tế thì không có một pháp nào có thể thủ đắc, nên gọi là không, vì không nên không pháp, không thể hiển bày, nêu giảng.

Tôn giả Xá-lợi-phất liền hỏi Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi:

–Như Lai há không trụ ở trong thật tế mà thuyết pháp sao?

Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi đáp:

–Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Trong chân thật tế, có chỗ nào là xứ sở để nói Như Lai trụ trong thật tế mà thuyết pháp? Này Tôn giả Xálợi-phất! Pháp vốn tự là không, vì sao nói Như Lai trụ trong thật tế rồi thuyết pháp? Chẳng những không có pháp mà Như Lai cũng không. Đã không thì vì sao nói Như Lai trụ trong thật tế để thuyết pháp? Vì sao? Vì tất cả các pháp đều không thủ đắc. Như Lai cũng vậy, thật không thể thủ đắc, thể của pháp được giảng nói cũng lại như vậy. Hợp thời không thể thủ đắc, không hợp thời cũng không thể thủ đắc. Cả hợp và không hợp thời cũng đều không thể thủ đắc. Như Lai lại không thể hiển hiện trong các thời để thuyết giảng hay không thuyết giảng. Vì sao? Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Vì đối với Như Lai, tất cả đường ngôn ngữ đều dứt bặt, đều là vô vi, vô tác, không có chỗ để nêu, đặt.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi:

–Thưa Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi! Như lời Nhân giả nói: Ở đây ai có thể là bậc Pháp khí?

Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi đáp:

–Nếu người có thể phá bỏ được chân lý của thế gian, cũng lại không cần nhập Niết-bàn, ở đây người ấy đáng là bậc Pháp khí. Nếu có thể đối với các pháp quá khứ, hiện tại, vị lai mà không chứng, không thuyết, người ấy ở đây đáng là bậc Pháp khí. Không thấy có phiền não có thanh tịnh, không thấy có hữu vi, vô vi, ở đây, người ấy là bậc Pháp khí. Nếu không có ngã, cũng không không ngã, đối với việc làm không giữ, không bỏ, người ấy là bậc Pháp khí. Những người như thế, dù có lắng nghe, lãnh thọ, đối với pháp được giảng nói cũng không giữ lấy, quyết định cho là liễu nghĩa.

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi:

–Nếu nói như thế thì đối với nghĩa đó làm sao tu hành, làm sao giáo hóa, an trụ?

Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi nói:

–Trong nghĩa đó mà còn có nói năng hoặc hỏi về chỗ giáo hóa an trụ sao? Vì trong nghĩa ấy đã không còn ngôn thuyết và cắt đứt mọi nẻo hành của tâm, tại sao còn hỏi ve giáo hóa an trụ?

Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi:

–Thưa Nhân giả! Nghĩa này rất sâu xa, ít người chứng biết, ít người thọ trì. Vì sao? Vì tất cả những vị Hữu học và A-la-hán ở quả vị đó còn bị mê mờ, huống gì là hàng phàm phu đối với nghĩa lý thâm diệu mà có thể hiểu rõ.

Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi nói:

–Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Các vị A-la-hán ở trong nghĩa đó không có sự phân biệt các địa. Do A-la-hán không phan biệt các địa để có thể trụ. Vì không trụ nên mới gọi là A-la-hán, vì không thủ đắc nên mới gọi là A-la-hán, vì dứt đường ngôn ngữ nên mới gọi A-la-hán. Do dứt đường ngôn ngữ mà A-la-hán có được sự phân biệt các địa để tu hành, nhưng không có nơi chứng. Do không có nơi chứng nên A-lahán có được sự phân biệt các địa để tu hành, lấy pháp vô vi mà đặt tên. Vì không hiển bày nên gọi là vô vi, vì không có người tạo ra cũng không có nơi để trụ. Vì sao gọi A-la-hán là quả vị có thể đạt được? Các vị A-la-hán không do danh nên gọi là A-la-hán, không do sắc nên gọi là A-la-hán, chỉ có phàm phu ở trong danh sắc, vọng khởi lên sự phân biệt. Danh sắc thật sự không có phân biệt như vậy. Các bậc A-lahán đều biết như thế nên không sinh phân biệt. Do đấy các vị A-lahán không do danh, không do sắc, nên gọi là A-la-hán. Không có phàm phu, cũng không có pháp của phàm phu. Không có A-la-hán, cũng không có pháp của A-la-hán có thể chứng đắc. Thế nên A-la-hán không tạo ra sự phân biệt. Do không tạo các hành, không có hành xứ, không có người tạo ra, nên mới là thiền định vắng lặng. Không tạo ra là có, không tạo ra là không, không tạo ra là chẳng có chẳng không. Nếu vô tác, vô vi, thì trong đó không thể có thủ đắc. Đều xa lìa tất cả tâm có, không và không hành nào có thể thủ đắc. Nói vậy là quyết định chính trụ trong quả Sa-môn.

Bấy giờ, khi Đồng chân Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi giảng nói như vậy, ở trong đại chúng có năm trăm vị Tỳ-kheo, từ tòa ngồi đứng dậy, đến trước Đức Thế Tôn nói lớn:

–Từ nay trở đi, không cần thấy thân tướng Bồ-tát Văn-thù, lại cũng không cần nghe danh hiệu của Bồ-tát Văn-thù, như thế mới mau lìa bỏ, không cần hướng đến tất cả trụ xứ của Bồ-tát Văn-thù. Vì sao? Vì Bồ-tát Văn-thù đã nói phiền não và giải thoát đều cùng một tướng. Năm trăm Tỳ-kheo nói những lời đó rồi đều ra khỏi chúng hội khởi lên ý nghĩ: Tại sao chúng ta ở trong pháp hội của Đức Thế Tôn, vui mừng ưa tu học phạm hạnh, ngày nay bỗng nghe những pháp tệ ác như thế? Thế rồi, năm trăm A-la hán ấy bỏ đi.

Tôn giả Xá-lợi-phất thấy sự việc đó, liền bảo Bồ-tát Văn-thùthi-lợi:

–Này Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi! Bồ-tát giảng nói pháp mà không muốn cho chúng sinh quyết định để hiểu rõ về pháp ấy như thế nào sao?

Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi đáp:

–Đúng thế, đúng thế!

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo:

–Này Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi! Nếu nói như thế, thì vì sao năm trăm Tỳ-kheo ấy, từ tòa ngồi đứng dậy bỏ đi, chê bai lời Nhân giả đã nói, còn ở trước Đức Phật nói lớn: Không cần thấy thân tướng, cũng không cần nghe danh hiệu của Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi…

Bấy giờ, Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi khen ngợi Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Lành thay! Lành thay! Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Tôn giả đã khéo nêu bày. Các Tỳ-kheo kia đã nói rất đúng. Vì sao? Vì thật không có Văn-thù để có thể thủ đắc. Nếu thật sự không có Văn-thù để có thể nắm giữ, thì những vị kia không thể thấy, không thể nghe và như thế, những nơi chốn kia cũng phải lìa bỏ. Vì sao? Vì tất cả chỗ ở của Bồtát Văn-thù và thân của Bồ-tát Văn-thù đều không thật có, cái không thật có đó không thể gần gũi, nên cũng phải xa lìa.

Khi Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi nói lời này, thì năm trăm vị Tỳ-kheo kia đã trở lại, nhập vào chúng hội và cùng thưa với Bồ-tát Văn-thù:

–Như lời Nhân giả đã giảng nói, không phải là vì chúng tôi, nên chúng tôi làm sao hiểu được.

Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi khen ngợi các Tỳ-kheo:

–Lành thay! Lành thay! Đúng vậy! Đúng vậy! Đức Như Lai Thế Tôn dạy hàng Thanh văn ở trong pháp ấy nên làm như thế, không cần nhận biết. Các Tỳ-kheo ở trong pháp ấy cũng làm như thế mà không cần nhận biết, cũng chẳng phải là không cần nhận biết. Vì sao? Vì pháp như vậy tức là thường trụ cũng gọi là pháp giới. Nếu pháp giới thường trụ thì không có nhớ nghĩ. Không có nhớ nghĩ tức tất cả là không chứng, cũng không phải là không chứng. Không không chứng cũng chẳng phải là không chứng, không nhớ, không nghĩ. Hiểu được như thế, mới gọi là đệ tử Thanh văn chân thật của Như Lai, gọi là cao tột, đáng được mọi người cúng dường.

Khi Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi giảng nói như vậy, thì trong năm trăm vị Tỳ-kheo đó, có bốn trăm vị ở trong pháp vô lậu tâm được giải thoát. Còn một trăm vị Tỳ-kheo kia, lại khởi thêm tâm chê bai hủy báng, ngay thân của đời này bị đọa vào đại địa ngục.

Tôn giả Xá-lợi-phất liền nói với Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi:

–Thưa Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi! Nhân giả cớ sao không thuận theo chúng sinh mà thuyết pháp, khiến một trăm vị Tỳ-kheo bị thoái chuyển đọa lạc?

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Chớ nên nói như vậy. Vì sao? Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Một trăm vị Tỳ-kheo đó, nếu không được nghe chỗ căn bản của pháp sâu xa này, nên biết là họ nhất định bị đọa vào đại địa ngục, thọ khổ một kiếp, ra khỏi địa ngục, sau đó được làm thân người ở cõi người. Nhưng do các Tỳ-kheo ấy vốn đã nghe được pháp sâu xa kia, nên mọi tội nặng của nghiệp ác hiện có đáng bị đọa vào đại địa ngục thọ khổ một kiếp, ngày nay bị đọa vào địa ngục Khiếu hoán, chỉ chịu khổ một lần liền được sinh lên cõi trời Đâu-suất, hưởng mọi an vui.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Tôn giả nên biết các Tỳ-kheo đó do đã được nghe pháp này rồi, sẽ mau trừ được tội nặng, chỉ còn chịu ít tội nhẹ.

Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Tôn giả phải biết, một trăm vị Tỳkheo đó, vào thời Đức Phật Di-lặc hạ sinh thành đạo, trong hội thuyết pháp ban đầu, họ đều có mặt trong chúng Thanh văn, chứng được quả A-la-hán, dứt các hữu lậu, không còn phiền não, đạt ba Minh, sáu Thông, đủ tám môn Giải thoát, những ràng buộc của thân tâm đều trừ sạch. Thế nên, này Tôn giả Xá-lợi-phất! Đối với pháp căn bản của Tu-đa-la, thà có tâm nghi nghe nhận, không cần thành tựu tâm bốn Thiền định và tâm bốn Vô lượng, lại cũng không cần thành tựu tâm bốn Định vô sắc. Vì sao? Vì thành tựu các pháp như thế, nhưng nếu không nghe được pháp căn bản sâu xa này, thì vẫn ở trong phiền não, không được giải thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ não. Ta thương xót những người đó nên nói rõ về pháp căn bản này.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi:

–Thật là hiếm có! Chính Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi mới có thể khéo giảng nói pháp căn bản như thế, vì nhằm giáo hóa chúng sinh.

Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi đáp:

–Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Chân thật tế là không tăng, không giảm. Pháp giới không tăng không giảm. Chúng sinh giới cũng không tăng không giảm. Vì sao? Vì các pháp như thế đều dùng lời mà nói, nên không thể thủ đắc. Kia không phải đây, đây không phải kia, tức tự không tự có thì nương vào chỗ nào? Thế nên, này Tôn giả Xá-lợiphất! Bồ-đề tức là giải thoát. Vì sao? Vì pháp trí hiện có chứ không có gì khác. Chẳng phải tạo tác chẳng phải không tạo tác nếu hiểu như thế, gọi là nhập Niết-bàn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Đúng thế! Đúng thế! Như Bồ-tát Văn-thù-thi-lợi đã nói. Trong chân thật tế là không tăng, không giảm. Pháp giới, chúng sinh giới cũng không tăng không giảm, nên không thọ nhận phiền não cũng không thọ nhận giải thoát.

Đức Thế Tôn nói lời đó rồi, muốn làm rõ nghĩa chân thật ấy, nên dùng kệ:

Pháp quá, hiện, vị lai
Là lời không chân thật
Pháp kia nơi xứ thật
Một tướng không sai khác.
Nếu không tướng phân biệt
Đó tức có chân tướng
Không tướng, không phân biệt
Phân biệt cũng không tướng.
Nếu không khởi phân biệt
Không hiểu rõ Niết-bàn
Cả hai đều ma sự
Người trí cần phải biết.
Trong các ấm giới nhập
Ta tuy nói danh tự
Không khởi chấp danh tự
Cả hai thành một tướng.
Khởi tâm chánh phân biệt
Liền trở thành tà niệm
Diệu trí không phân biệt
Dùng quán hạnh có không.
Phân biệt có suy lường
Không phân biệt không nghĩ
Biệt rõ tức là tướng
Không rõ được Niết-bàn.
Nếu hiểu được như thế
Gọi là bậc Đại trí
Thế nên người đại trí
Được trí không phân biệt.
Trí thuyết nêu về trí
Trí nêu hoàn tự không
Trong đó người nhẫn nhịn
Thì gọi la đại trí.
Giả sử đầy ba cõi
Đem bảy báu bố thí
Người tin hiểu pháp này
Phước kia là hơn hết.
Giả sử trong ức kiếp
Thí, giới, nhẫn, tinh tấn
Biện thông, thành tựu phước
Không bằng trì kinh này.
Bậc chí chân đã nói
Ai thọ trì kinh này
Là kinh sức công đức
Tất cả được thành Phật.

Khi Thế Tôn nói kệ về pháp căn bản của Tu-đa-la rồi, có một vạn đủ các loài chúng sinh xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Năm trăm Tỳ-kheo ở trong pháp vô lậu, tâm đều được giải thoát. Tám vạn Thiên tử nơi cõi Dục chưa phát tâm, nay đều phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền thọ ký cho họ, đều ở trong kiếp Tinh tú, chứng được đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đồng một danh hiệu là Như Lai Khai Hoa Chí Chân Đẳng Chánh Giác.

Phật giảng nói kinh này xong, Đồng tử Văn-thù-thi-lợi, Tôn giả Xá-lợi-phất cùng năm trăm Tỳ-kheo, tám bộ Trời, Rồng cùng các Quỷ, Thần… nghe Phật giảng nói đều vui vẻ phụng hành.