KINH VĂN-THÙ-SƯ-LỢI VẤN BỒ-ĐỀ

Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy Tư
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, khi Đức Phật mới thành đạo, Phật ở tại đền thờ nơi núi Già-da, thuộc nước Ma-già, cùng đông đủ chúng đại Tỳ-kheo một ngàn người. Các vị ấy trước đây là Tiên nhân bện tóc, nay đều thành tựu đạo quả A-la-hán, việc làm đã xong, tâm rất tự tại, hoàn thành việc lợi mình, cắt đứt các ràng buộc của phiền não, được chánh trí và giải thoát. Lại có một vạn Bồ-tát nơi mười phương thế giới cũng đến nhóm họp. Các vị đều có oai đức lớn, đã đạt được các pháp nhẫn, các Đà-la-ni, các Tam-muội nhiệm mầu, đầy đủ thần thông. Tên của các vị ấy là Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí, Bồ-tát Hương Tượng, Bồ-tát Dũng Thí, Bồ-tát Tùy Trí Hành… đều là bậc đứng đầu. Còn rất nhiều chúng Đại Bồ-tát như vậy, số lượng có cả trăm ngàn vạn ức, không thể lường tính.

Lại có các chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Calâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, người và không phải người… tất cả họp thành chung lớn vây quanh.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vào trong Tam-muội sâu xa của chư Phật, xem xét thật kỹ tánh, tướng của các pháp, mới khởi sinh ý nghĩ: “Ta đã được đạo Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, đạt hết thảy trí tuệ, đã bỏ gánh nặng xuống, vượt qua hiểm nạn của ba cõi, diệt trừ vô minh, được chân minh, gạt phăng mũi tên tà kiến, đoạn trừ khát ái, thành tựu thuyền pháp, khua vang trống pháp, thổi lớn loa pháp, thành lập cờ pháp, chuyển hạt giống sinh tử, chỉ bày tánh Niết-bàn, bít lấp nẻo tà, khai mở đường chánh, lìa các nghiệp ác, chỉ chỗ ruộng phước. Ta nay nên xem xét lại, cái gì đạt được quả Chánh đẳng Vô thượng Bồ-đề.

Là do thân mà được? Hay từ tâm mà được?

Nếu do thân mà được? Nhưng thân thì không biết, không tự tạo ra, như cỏ cây, ngói đá, do bốn đại hợp thành, từ cha mẹ sinh, nhờ y phục, ăn uống, đồ nằm, tắm rửa mà thân được tồn tại, rồi cũng trở về chỗ hư hoại, bị vô thường hủy diệt. Còn như Bồ-đề, nó chỉ là danh tự, do thế tục cho nên mới nói. Nó không hình, không sắc, không định, không tướng, không hướng, không có nẻo vào, không có đường ra, vượt qua sự nói năng, ra ngoài ba cõi. Không thấy, không nghe, không rõ, không biết, cũng không có chỗ nắm bắt, cũng không hý luận, không thể hỏi, không thể chỉ, không có văn tự, bặt đường nói năng.

Nếu do tâm mà được? Tâm từ các duyên sinh, do duyên sinh, cho nên nó vốn là không, như huyễn, không nơi chốn, không tướng, không tánh, cũng không thật có. Ở trong đó mà được Bồ-đề thì pháp dùng để được đạo Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, pháp ấy đều không, chỉ có danh tự, do thế tục nên có thể nói năng, đều là do nhớ tưởng phân biệt, thật ra nó vốn không thật có, không có căn bản, cũng không thể tướng, không thọ, không mắc phải, không nhiễm, không lìa, một tướng cũng gọi là vô tướng. Vì vậy nên ở trong pháp này đều không có chỗ được, không có pháp để sử dụng, cũng không Bồ-đề. Như vậy mà thông suốt, mà thấu đạt, thì gọi là Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng.”

Khi ấy, Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi ở trong chúng hội, đứng hầu bên phải Đức Phật, tay cầm lọng báu lớn để che Đức Thế Tôn. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi im lặng, biết được Thế Tôn đã có những suy nghĩ như vậy, liền bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn! Nếu tướng của Bồ-đề là như vậy thì các thiện nam tín nữ làm sao phát tâm?

Đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Các thiện nam, tín nữ, nên tùy theo tướng của Bồ-đề mà phát tâm.

–Bạch Thế Tôn! Tướng của Bồ-đề ấy làm sao nói ra?

Đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Tướng của Bồ-đề ra khỏi ba cõi, vượt ngoài pháp của thế tục, cắt đứt đường nói năng, dứt hẳn các vấn đề phát tâm hay không phát tâm. Như vậy mới gọi là phát tâm Bồ-đề.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Vì vậy Bồ-tát nên bỏ hết các pháp tâm, để phát tâm Bồ-đề. Không phát chính là phát tâm Bồ-đề. Phát tâm Bồ-đề như tánh tướng của như pháp, như thật tế, không phân biệt, không duyên với thân tâm, đó là phát tâm Bồ-đề. Không vướng mắc vào các pháp, không tăng, không giảm, không khác, không một, đó là phát tâm Bồ-đề. Như ảnh tượng trong gương, như ánh sáng lửa khi cháy, như hình bóng, như tiếng vang, như trăng trong nước, phải nên như vậy mà phát tâm Bồ-đề.

Khi ấy, ở trong chúng hội, có một vị Thiên tử tên là Nguyệt Tịnh Quang Đức, đã được pháp Bất thoái chuyển, hỏi Pháp vương tử Vănthù-sư-lợi:

–Bồ-tát nương vào sự duyên gì mà thực hành đạo Bồ-tát?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói:

–Thiên tử nên đem câu hỏi này thưa hỏi Đức Thế Tôn.

Đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Bồ-tát nên trả lời cho Thiên tử Nguyệt Tịnh Quang Đức câu hỏi về pháp hạnh của Bồ-tát.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi vì Thiên tử Nguyet Tịnh Quang Đức nói:

–Ông hãy khéo lắng nghe, ta nay sẽ nói. Này Thiên tử! Ông nên biết, các vị Bồ-tát hành đạo, dùng lòng thương rộng lớn làm căn bản để gieo duyên với chúng sinh.

Thiên tử thưa:

–Lòng thương rộng lớn của Bồ-tát lấy gì làm gốc?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói:

–Dùng tâm ngay thẳng làm gốc.

Lại hỏi:

–Tâm ngay thẳng lấy gì làm gốc?

Đáp:

–Đối với hết thảy chúng sinh, dùng tâm bình đẳng làm gốc.

Lại hỏi:

–Tâm bình đẳng lấy gì làm gốc?

Đáp:

–Không phân biệt có hành sai khác làm gốc.

Lại hỏi:

–Không phân biệt có hành sai khác ấy, lấy gì làm gốc?

Đáp:

–Dùng tâm thanh tịnh sâu xa làm gốc.

Lại hỏi:

–Tâm thanh tịnh sâu xa lấy gì làm gốc?

Đáp:

–Dùng tâm Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng làm gốc.

Lại hỏi:

–Tâm Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng lấy gì làm gốc?

Đáp:

–Dùng sáu pháp Ba-la-mật làm gốc.

Lại hỏi:

–Sáu pháp Ba-la-mật lấy gì làm gốc?

Đáp:

–Dùng trí tuệ phương tiện làm gốc.

Lại hỏi:

–Trí tuệ phương tiện lấy gì làm gốc?

Đáp:

–Dùng không buông lung làm gốc.

Lại hỏi:

–Không buông lung lấy gì làm gốc?

Đáp:

–Dùng ba hạnh thiện làm gốc.

Lại hỏi:

–Ba hạnh thiện lấy gì làm gốc?

Đáp:

–Dùng mười nghiệp thiện làm gốc.

Lại hỏi:

–Mười nghiệp thiện lấy gì làm gốc?

Đáp:

–Do thâu giữ sáu căn làm gốc.

Lại hỏi:

–Thâu giữ sáu căn lấy gì làm gốc?

Đáp:

–Do nhớ nghĩ chân chánh làm gốc.

Lại hỏi:

–Nhớ nghĩ chân chánh lấy gì làm gốc?

Đáp:

–Dùng quan sát chân chánh làm gốc.

Lại hỏi:

–Quan sát chân chánh lấy gì làm gốc?

Đáp:

–Dùng niệm vưng chắc không quên làm gốc.

Thiên tử nói:

–Thưa Đại sĩ Văn-thù-sư-lợi! Bồ-tát có bao nhiêu tâm mà có thể thâu giữ được nhân, thâu giữ được quả?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Các Bồ-tát có bốn tâm có thể thâu giữ được nhân, thâu giữ được quả. Những gì là bốn?

  1. Tâm mới phát.
  2. Tâm hành đạo.
  3. Tâm không thoái chuyển.
  4. Tâm còn một đời sẽ được thành Phật.

Tâm mới phát do tâm hành đạo làm nhân duyên.

Tâm hành đạo do tâm không thoái chuyển làm nhân duyên.

Tâm không thoái chuyển do tâm còn một đời sẽ được thành Phật làm nhân duyên.

Lại nữa, này Thiên tử! Ông nên biết, tâm của người mới phát như hạt giống lúa gieo vào ruộng. Tâm của người hành đạo như cây lúa đã tăng trưởng. Tâm không thoái chuyển như hoa quả mới thành.

Tâm một đời bổ xứ như sự hữu dụng của hoa và quả.

Tâm của người mới phát như thợ mộc muốn đóng xe phải gom gỗ. Tâm của người hành đạo như chặt đẽo, sửa sang cây gỗ. Tâm không thoái chuyển như lắp ráp cây gỗ. Tâm của một đời bổ xứ như xe đã hoàn thành, sử dụng vận chuyển.

Tâm của người mới phát như mặt trăng non. Tâm của người hành đạo như mặt trăng ngày mồng năm. Tâm không thoái chuyển như mặt trăng ngày mồng mười. Tâm Bồ-tát còn một đời sẽ được thành Phật như mặt trăng như mười bốn. Trí tuệ của Như Lai như mặt trăng đêm rằm.

Tâm của người mới phát vượt qua quả vị Thanh văn. Tâm của người đang hành đạo vượt qua quả vị Bích-chi-phật. Tâm không còn thoái chuyển vượt qua địa bất định. Tâm một đời bổ xứ sẽ an trú vào địa định.

Tâm của người mới phát như học chương đầu. Tâm của người hành đạo như học chương thứ hai. Tâm không thoái chuyển như đem chương kinh đó ra ứng dụng. Tâm của vị một đời bổ xứ như đã thông đạt chỗ nhiệm mầu của kinh.

Tâm của người mới phát từ nhân đức mà sinh. Tâm của người hành đạo từ trí đức mà sinh. Tâm ở vị không thoái chuyển từ đoạn đức mà sinh. Tâm ở vị một đời bổ xứ từ quả đức mà sinh.

Tâm của người mới phát từ uy lực của nhân đức. Tâm của người hành đạo từ uy lực của trí đức. Tâm của người không thoái chuyển từ uy lực của đoạn đức. Tâm Bồ-tát bổ xứ từ uy lực của quả đức.

Tâm của người mới phát như người bệnh tìm cầu thuốc. Tâm của người hành đạo như phân biệt được thuốc. Tâm của người không thoái chuyển như bệnh đang uống thuốc. Tâm Bồ-tát bổ xứ như bệnh được lành.

Tâm của người mới phát như được sinh vào nhà Pháp vương. Tâm của người hành đạo như đang học pháp của đấng Pháp vương. Tâm không thoái chuyển như người đang học đầy đủ pháp của đấng Pháp vương. Tâm Bồ-tát bổ xứ như người học được pháp của Pháp vương và được tự tại.

Bấy giờ, ở trong đại chúng có một vị Thiên tử tên là Định Quang

Minh Chủ, đối với đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng không còn thoái chuyển, thưa với Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi:

–Thế nào là Đại Bồ-tát rút ngắn được thời gian tu đạo, do rút ngắn được thời gian tu đạo, cho nên mau được đạo Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói:

–Này Thiên tử! Đại Bồ-tát muốn rút gọn được thời gian tu đạo thì có hai việc, do rút gọn được việc tu đạo này, nên mau được Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Hai việc đó là gì?

  1. Phương tiện.
  2. Trí tuệ.

Thu tóm các pháp thiện gọi là phương tiện. Phân tích các pháp goi là tuệ.

Lại nữa, gọi phương tiện là tùy theo các hành của chúng sinh. Gọi tuệ là không chạy theo tướng của tất cả pháp.

Phương tiện là sự ứng hợp với tâm của chúng sinh. Tuệ là không chờ đợi hết thảy pháp.

Phương tiện là hòa hợp với các pháp. Tuệ xa lìa các pháp.

Phương tiện là tạo khởi nhân duyên. Tuệ là diệt nhân duyên.

Phương tiện là biết phân biệt các pháp. Tuệ là pháp tánh không phân biệt.

Phương tiện là trang nghiêm cõi Phật. Tuệ là trang nghiêm cõi Phật mà không có chỗ để phân biệt.

Phương tiện là biết các căn lợi, hay độn của chúng sinh. Tuệ là chúng sinh không thể thủ đắc.

Phương tiện là có thể đến đạo tràng. Tuệ là khéo đạt được tất cả pháp Phật.

Này Thiên tử! Ông nên biết, Đại Bồ-tát lại có hai con đường, do hai con đường này mà người tu hành mau đạt đến đạo Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Hai đường đó là gì?

  1. Trợ đạo.
  2. Đoạn đạo.

Trợ đạo là gồm có năm Ba-la-mật. Đoạn đạo là Bát-nhã ba-lamật.

Lại có hai con đường. Hai đường ấy là gì?

  1. Có liên hệ với đạo.
  2. Không liên hệ với đạo.

Có liên hệ với đạo là năm Ba-la-mật. Không liên hệ với đạo là Bát-nhã ba-la-mật.

Lại có hai con đường:

  1. Con đường có thể lường được.
  2. Con đường không thể lường được.

Đường có thể lường được là phân biệt giữ lấy tướng. Đường không thể so lường là không giữ lấy tướng, phân biệt.

Lại có hai con đường:

  1. Con đường trí đạo.
  2. Con đường đoạn đạo.

Trí đạo là từ Địa thứ nhất đến Địa thứ bảy. Đoạn đạo là từ Địa thứ tám đến Địa thứ mười.

Khi ấy, trong chúng hội có Bồ-tát tên là Tùy Trí Dũng Hành, hỏi Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi:

–Nghĩa của Bồ-tát là gì? Trí của Bồ-tát như thế nào?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói:

–Này Thiện nam! Nghĩa là vô dụng, trí là hữu dụng. Vì sao nghĩa là vô dụng? Do nghĩa là vô vi, pháp vô vi đối với các pháp là vô dụng, chẳng phải là dùng. Vả lại, nghĩa chẳng phải là tướng nhiễm, chẳng phải là tướng lìa, nghĩa ấy đối với pháp là vô dụng, chang phải là dùng. Nghĩa lại là không tăng, không giảm, đối với pháp là vô dụng, chẳng phải là dùng.

Này Thiên tử! Thế nào gọi là trí? Trí là nhẫn đạo, là tâm có thể dụng, chẳng phải là không dụng. Vì vậy, nên trí là có sử dụng, chẳng phải là không sử dụng. Trí có công năng trở về với đoạn đức, vì vậy nên trí gọi là hữu dụng, chẳng phải là vô dụng. Trí là khéo biết năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới, mười hai nhân duyên, thị xứ, phi xứ. Vì vậy, trí là hữu dụng, chẳng phải là vô dụng.

Lại nữa, này Thiên tử! Các vị Bồ-tát có mười trí. Những gì là mười?

  1. Trí nhân.
  2. Trí quả.
  3. Trí nghĩa.
  4. Trí phương tiện.
  5. Trí tuệ.
  6. Trí thâu tóm pháp.
  7. Trí Ba-la-mật.
  8. Trí đại Bi.
  9. Trí thành tựu chúng sinh.
  10. Trí không vướng mắc nơi hết thảy pháp.

Lại nữa, này Thiên tử! Các Bồ-tát có mười sự phát khởi. Những gì là mười?

  1. Phát khởi về thân, muốn làm cho thân nghiệp của chúng sinh được trong sạch.
  2. Phát khởi về miệng, là muốn cho khẩu nghiệp của chúng sinh được trong sạch.
  3. Phát khởi về ý, là muốn cho ý nghiệp của chúng sinh được trong sạch.
  4. Phát khởi bên trong, không tham lam vướng mắc vao các vật ở bên trong thân ta.
  5. Phát khởi bên ngoài, muốn làm cho tất cả chúng sinh đều được an vui, trụ trong hạnh chánh chân.
  6. Phát khởi trí để đầy đủ được trí Phật.
  7. Phát khởi tâm Từ, suy nghĩ nhớ tưởng đến tất cả cong đức trang ng hiêm.
  8. Phát khởi sự thành thục cho tất cảc chúng sinh, giữ gìn niềm vui trí tuệ.
  9. Phát khởi trí hữu vi, đầy đủ các định nhóm họp.
  10. Phát khởi trí vô vi, tâm không vướng chấp trong ba cõi.

Lại nữa, này Thiên tử! Các vị Bồ-tát có mười hạnh. Những gì là mười?

  1. Hạnh Ba-la-mật.
  2. Hạnh thâu phục, giáo hóa.
  3. Hạnh trí tuệ.
  4. Hạnh phương tiện.
  5. Hạnh đại Bi.
  6. Hạnh cầu hỗ trợ tuệ pháp.
  7. Hạnh cầu hỗ trợ trí pháp.
  8. Hạnh làm thanh tịnh tâm.
  9. Hạnh quan sát các chân lý.
  10. Hạnh đối với hết thảy các ái đều không tham vướng mắc.

Lại nữa, này Thiên tử! Các Bồ-tát cũng có mười suy nghĩ cùng tận. Những gì là mười?

  1. Tư duy sự việc cùng tận.
  2. Tư duy về ái cùng tận.
  3. Tư duy về pháp Phật cùng tận.
  4. Tư duy về phiền não cùng tận.
  5. Tư duy về kiến cùng tận.
  6. Tư duy về trợ đạo cùng tận.
  7. Tư duy về thọ cùng tận.
  8. Tư duy về không vướng mắc cùng tận.
  9. Tư duy về những ràng buộc của phiền não cùng tận.
  10. Tư duy về hạnh hỗ trợ đạo tràng cùng tận.

Lại nữa, này Thiên tử! Các Bồ-tát lại có mười pháp trị. Những gì là mười?

  1. Trị tâm tham lam keo kiệt bằng cách mưa các trận mưa bố thí.
  2. Trị tâm phá giới bằng cách dùng ba pháp trong sạch.
  3. Trị tâm sân giận phải dùng sự tu hành về Từ bi, nhẫn nhục.
  4. Trị tâm biếng nhác bằng cách tìm cầu pháp Phật không chán.
  5. Trị tâm giác quán bất thiện bằng cách được thiền định, giải thoát tự tại.
  6. Trị tâm ngu si bằng cách sinh tâm hỗ trợ và quyết định tu pháp Bát-nhã ba-la-mật.
  7. Trị các tâm phiền não bằng cách sinh khởi pháp trợ đạo.
  8. Trị tâm bị điên đảo phải dùng pháp bốn Đế để hỗ trợ cho việc tu tập.
  9. Trị tâm thời, phi thời bằng cách hành hóa tự tại.
  10. Trị chấp ngã bằng quán pháp vô ngã.

Lại nữa, này Thiên tử! Các Bồ-tát lại có mười việc thiện. Những gì là mười?

  1. Về thân, khéo xa lìa ba nghiệp ác của thân.
  2. Về miệng, khéo xa lìa bốn nghiệp ác của miệng.
  3. Về ý, khéo xa lìa ba nghiệp ác của ý.
  4. Bên trong khéo không vướng mắc về thân kiến.
  5. Bên ngoài khéo không vướng mắc nơi hết thảy các pháp.
  6. Không mắc vào trợ trí, khéo không tham pháp trợ đạo.
  7. Không tự cao, khéo suy nghĩ về tánh của Thánh đạo.
  8. Trừ thân kiến, khéo tu tập Bát-nhã ba-la-mật.
  9. Lìa điên đảo, khéo không lừa dối hết thảy chúng sinh.
  10. Không tiếc thân mạng, khéo dùng tâm đại Bi để giáo hóa chúng sinh.

Lại nữa, này Thiên tử! Các vị Bồ-tát rất quý trọng nơi Tùy pháp hành nên thành tựu đạo quả Bồ-đề, chẳng phải là không quý trọng Tùy pháp hành. Người Tùy pháp hành, là cứ như lời nói mà thực hành, người không Tùy pháp hành chỉ biết nói năng, không có thể theo như lời nói mà thực hành.

Lại nữa, này Thiên tử! Các Bồ-tát lại còn có hai loại Tùy pháp hành. Hai pháp ấy là gì?

  1. Hành đạo.
  2. Hành đạo đã xong.

Lại có hai Tùy pháp hành. Hai pháp ấy là gì?

  1. Tự mình tu hành các việc thiện.
  2. Giáo hóa cho tất cả chúng sinh.

Lại có hai Tùy pháp hành. Hai pháp ấy là gì?

  1. Việc đáng làm thì nên theo trí mà hành động.
  2. Việc không đáng làm, cũng nên theo trí mà hành động.

Lại có hai Tùy pháp hành. Hai pháp ấy là gì?

  1. Khéo biết phân biệt các địa.
  2. Không phân biệt các địa và chẳng phải địa. Lại có hai Tùy pháp hành. Hai pháp ấy là gì?
  3. Biết vượt qua các địa mà chuyển tiến.
  4. Khéo biết đầy đủ từ một địa tiến lên một địa khác. Lại có hai Tùy pháp hành. Hai pháp ấy là gì?
  5. Khéo biết con đường của hàng Thanh văn, Bích-chi-phật.
  6. Khéo biết sự tu hành Phật đạo không thoái chuyển.

Bấy giờ, Đức Phật khen ngợi Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi:

–Lành thay! Lành thay! Đại sĩ có thể vì các Đại Bồ-tát mà giảng nói về gốc nơi sự nghiệp tu đạo. Thật đúng như Đại sĩ đã nói.

Khi Đức Thế Tôn giảng nói pháp này, có mười ngàn Bồ-tát được pháp Nhẫn vô sinh. Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi… tất cả thế gian, các chúng Trời, Người, A-tu-la, nghe lời Đức Phật dạy đều vui vẻ, tin tưởng, tiếp nhận.