KINH TỲ-KHEO TỊ NỮ Ố DANH DỤC TỰ SÁT

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Sa-môn Pháp Cự
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật đang trú tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, ở nước Câu-tát-la, có một Tỳ-kheo trú trong một khu rừng, đã cùng với một phụ nữ Trưởng giả đùa giỡn, bị mang tiếng xấu.

Khi đó, Tỳ-kheo kia nghĩ: “Ta nay không nên cùng với phụ nữ khác gây ra tiếng xấu. Ta muốn ở trong rừng này tự sát.” Lúc này, trong khu rừng ấy có vị Thiên thần suy nghĩ như vầy: “Không phải là hạng ác, bất thiện, Tỳ-kheo này không có xấu ác, không lỗi lầm mà muốn tự sát ở đây, ta nên dùng phương tiện để khai ngộ.”

Rồi Thiên thần kia hóa làm thân nữ trưởng giả, nói với Tỳ-kheo:

–Ở khắp nẻo đường, hang cùng ngõ hẻm, mọi người trong thế gian cho tôi và thầy gây ra tiếng xấu, họ nói tôi và thầy kề cận với nhau, làm việc bất chính. Đã có tiếng xấu, nay thầy có thể hoàn tục để cùng nhau hưởng an vui.

Tỳ-kheo đáp:

–Vì ở khắp nẻo đường, trong xóm kia, mọi người cho tôi và cô gây ra tiếng xấu, kề cận với nhau, làm việc bất chính, tôi nay tự sát cho rồi.

Bấy giờ, Thiên thần kia hiện lại nguyên hình, nói kệ:

Tuy nghe nhiều tiếng xấu
Người khổ hạnh nhẫn chịu
Khổ không nên tự hại
Cũng không nên buồn phiền.
Người nghe tiếng mà sợ
Thì như thú trong rừng
Là chúng sinh tầm thường
Không thành pháp xuất gia.
Nhân giả nên gắng nhẫn
Chịu tất cả tiếng xấu
Người giữ tâm vững chắc
Đó là pháp xuất gia.
Không vì người khác nói
Khiến mình thành giặc cướp
Cũng chẳng do người khác
Khiến mình đắc La-hán
Tự biết như pháp rồi
Chư Thiên lại cũng biết.

Lúc ấy, Tỳ-kheo nhờ Thiên thần khai ngộ, nên tinh chuyên tư duy, tu tập đoạn trừ phiền não, đắc A-la-hán.