KINH TỲ-KHEO THÍNH THÍ

Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Đàm-vô-lan, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật trú tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo đi đến chỗ các Tỳ-kheo ở giảng đường nói:

–Tôi nay không ưa kinh pháp, rất mê ngủ nghỉ, chẳng thích hành đạo, nghi các kinh pháp.

Nơi giảng đường có một Tỳ-kheo liền đến bạch Phật:

–Có một Tỳ-kheo tên là Thính Thí, đi đến giảng đường, nói với các Tỳ-kheo: “Tôi nay không ưa kinh pháp, rất mê ngủ nghỉ, chẳng thích hành đạo, nghi các kinh pháp.” Đức Phật nói:

–Tỳ-kheo ấy si mê, không giữ các căn môn, ăn nhiều, vào đầu đêm cuối đêm không cảnh tỉnh tu hành, không quán các pháp thiện, như vậy làm sao ưa kinh pháp, lìa bỏ ngủ nghỉ, thích hành đạo, không nghi cac kinh pháp? Tỳ-kheo Thính Thí chẳng bao giờ làm theo điều này nên bị như vậy.

Phật bảo Tỳ-kheo:

–Do không giữ các căn môn, ăn nhiều, đầu đêm cuối đêm không cảnh tỉnh tu hành, không quán các pháp thiện, làm sao Tỳkheo kia ưa kinh pháp, lìa ngủ nghỉ, thích hành đạo, không nghi các kinh pháp. Vì Tỳ-kheo Thính Thí chẳng bao giờ làm đúng những điều ấy nên bị như vậy.

Nếu Tỳ-kheo nào giữ các căn môn, ăn ít, đầu đêm cuối đêm cảnh tỉnh tu hành, quán các pháp thiện thì liền ưa kinh pháp, lìa ngủ nghỉ, thích hành đạo, không nghi các kinh pháp. Vì làm theo điều ấy nên được như vậy.

Phật bảo Tỳ-kheo:

–Hãy gọi Thính Thí đến đây.

Tỳ-kheo đứng dậy, đầu mặt lễ sát chân Phật, rồi đi gọi Thính Thí. Tỳ-kheo Thính Thí liền đến chỗ Phật, đầu mặt lễ sát chân Phật, rồi ngoi xuống.

Phật hỏi:

–Này Thính Thí! Ông muốn điều gì hãy nói đi!

Thính Thí bạch:

–Nay con không ưa kinh pháp, rất mê ngủ nghỉ, không thích hành đạo, nghi các kinh pháp.

Phật nói với Thính Thí:

–Ta muốn hỏi ông vài điều, tùy sự hiểu biết của ông mà trả lời.

Đức Phật hỏi:

–Nếu biết rõ không lìa tham sắc, không lìa dục, không lìa luyến mộ, không lìa tức giận, không lìa ái thì khi biệt ly sắc ấy, bèn sinh những cảm xúc khác như là ưu sầu bi ai, làm loạn động ý uẩn, như vậy uẩn có hay là không?

Thính Thí thưa:

–Dạ có.

Phật khen:

–Lành thay, lành thay! Hiền giả như vậy đúng là Thính Thí.

Phật hỏi:

–Nếu biết rõ không lìa thọ, tưởng, hành, thức; nếu người tham thì thức không xa lìa dục, không lìa luyến mộ, không lìa tức giận, không lìa ái thì khi biệt ly thức kia, bèn sinh những cảm xúc khác như là ưu sầu bi ai, làm loạn động ý uẩn, vậy uẩn có hay là không?

Thính Thí thưa:

–Dạ có.

Phật khen:

–Lành thay, lành thay! Hiền giả như vậy đúng là Thính Thí.

Phật hỏi:

–Nếu biết rõ lìa tham sắc, lìa dục, lìa luyến mộ, lìa tức giận, lìa ái thì khi biệt ly sắc kia, không sinh những cảm xúc khác như là ưu sầu bi ai, làm loạn động ý uẩn, vậy uẩn có hay là không?

Thính Thí thưa:

–Dạ có.

Phật khen:

–Lành thay, lành thay! Hiền giả như vậy đúng là Thính Thí.

Phật hỏi:

–Như người lìa thọ (thống dương), tưởng, sinh tử (hành), thức, nếu không tham… thức, không có dục, không luyến mộ, không tức giận, không có ái thì khi biệt ly thức kia, không sinh những cảm xúc khác như: ưu sầu bi ai, làm loạn động ý uẩn, vậy uẩn kia có hay là không?

Thính Thí thưa:

–Dạ có.

Phật khen:

–Lành thay, lành thay! Như vậy đúng là Thính Thí.

Phật bảo Thính Thí:

–Vì ông, ta sẽ giảng nói kinh pháp phần đầu thiện, phần giữa thiện và phần cuối cũng thiện. Vì ông, ta hiện đầy đủ đạo hạnh rốt ráo, chỉ là các pháp thiện tốt đẹp, ông nên lắng nghe, giữ gìn trong lòng.

Thính Thí thưa:

–Xin vâng.

Phật nói:

–Xưa có hai người cùng đi trên đường, một người biết rõ đường, một người không biết đường. Người không biết đường bèn hỏi người biết đường: “Tôi muốn đến xóm… làng… quận… huyện… nước nọ, xin chỉ giùm tôi đi đường nào?”

Người biết rõ đường chỉ: “Ông từ đường này, cứ bên phải đi thẳng tới trước, sẽ có hai đường, bỏ đường bên trái, đi đường bên phải. Lại cứ bên phải đi thẳng tới trước, chốc lát sẽ gặp suối nước, trên suối nước lại có hai đường, bỏ đường bên trái, đi đường bên phải. Cứ bên phải đi thẳng tới chốc lát sẽ gặp rừng cây, ngay rừng cây lại có hai đường, bỏ đường bên trái, đi đường bên phải. Cứ bên phải đi thẳng tới chốc lát thì dễ dàng đến xóm làng, quận huyện, nước nào theo ý muốn.” Phật nói:

–Như trên, ta đã nêu lên ví dụ, nên biết tất cả điều đã nói đều phải quán sát kỹ. Như trên đã nói, người không biết rõ đường là chỉ cho tà đạo nơi thế gian, cũng chỉ cho những người chấp nơi tà đạo. Còn như trước nói, người hiểu rõ đường là chỉ cho Như Lai Chánh giác Vô sở trước, cũng chỉ cho những người thọ nhận Chánh giác.

Con đường bên trái là chỉ cho ba niệm ác của những người ác:

  1. Niệm dục.
  2. Niệm loạn.
  3. Niệm giặc hại.

Cũng chỉ cho tà kiến, tà niệm, tà thuyết, tà ý, tà hạnh, tà phương tiện, tà chí, tà định.

Con đường bên phải là chỉ cho ba niệm thiện:

  1. Niệm xuất gia.
  2. Niệm không loạn.
  3. Niệm không giặc hại.

Cũng chỉ cho chánh kiến, chánh niệm, chánh thuyết, chánh ý, chánh hạnh, chánh phương tiện, chánh chí, chánh định. Hai con đường là chỉ cho chỗ nghi của con người, suối nước là chỉ cho sân hận, rừng cây chỉ cho năm dục lạc:

  1. Nhãn ưa sắc, ái dục, chính là do tham đắm sắc đẹp.
  2. Tai ưa âm thanh.
  3. Mũi ưa mùi thơm.
  4. Lưỡi ưa mùi vị.
  5. Thân ưa xúc chạm, ái dục có thể do tham đắm sắc đẹp.

Còn xóm làng, quận huyện là chỉ cho đức vô vi.

Phật bảo Tỳ-kheo Thính Thí:

–Đây là các Phật sự, ta vì tâm thương nói ra, nếu ai muốn độ thoát thì nhận được tâm thương đó. Nay việc này là việc của ông. Ông nên đến bên gốc cây nơi yên tĩnh ở một mình, như núi, đầm, bãi tha ma, nên lấy quả của cây cỏ làm thức ăn, chuyên tâm tu hành. Tỳ-kheo chớ tham dục ở thế gian, về sau sẽ hối hận. Đó là hạnh của chư Phật, cũng là lời dạy của chư Phật.

Phật giảng nói kinh này rồi, Hiền giả Thính Thí vui mừng, tư duy những lời Phật dạy.