PHẬT THUYẾT KINH TƯƠNG LAI BIẾN ĐỔI
Hán dịch: Nguyệt Thị Tam Tạng Trúc Pháp Hộ đời Tây Tấn
Việt dịch: Tại gia Bồ-Tát giới Ưu-bà-tắc Nguyên Thuận

 

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật ở tại vườn Kỳ Thụ Cấp Cô Độc trong thành Xá-vệ, cùng với 500 vị đại Tỳ-kheo và chư Bồ-Tát.

Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo các vị Tỳ-kheo:

“Vào đời vị lai sẽ có những Tỳ-kheo chẳng y Pháp tu hành và bị một nhóm sự việc này, nên khiến Pháp không được tăng trưởng, rồi sẽ hủy diệt. Một nhóm sự việc này là gì?

– Không trì cấm giới
– Không thể nhiếp tâm
– Không tu trí tuệ
– Phóng dật tâm ý
– Chỉ cầu danh tiếng
– Không thuận Đạo giáo
– Không chịu cần mẫn và mến mộ Đạo nghiệp độ đời

Đây là một nhóm sự việc mà sẽ khiến Pháp hủy diệt.”

Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

“Lại có hai nhóm sự việc mà sẽ khiến Pháp hủy diệt. Những gì là hai?

Thứ nhất:
– Không trì cấm giới
– Không nhiếp tâm ý
– Không tu trí tuệ
– Lấy vợ nuôi con
– Phóng túng tâm ý
– Kinh doanh buôn bán để kiếm sống

Thứ nhì:
– Kết nhập bè đảng
– Ghét ai tôn kính Pháp và muốn họ sa đọa
– Ưa nói lời nịnh hót, tâng bốc
– Bên trong vi phạm tội ác nhưng bề ngoài tỏ ra thanh bạch

Đây là hai nhóm sự việc mà sẽ khiến Pháp hủy diệt.”

Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

“Lại có ba nhóm sự việc mà sẽ khiến Pháp hủy diệt. Những gì là ba?

Thứ nhất:
– Không nhớ giữ giới
– Không thể nhiếp tâm
– Không tu trí tuệ

Thứ nhì:
– Chẳng biết ngắt câu khi đọc văn tự. Đem phần trước bỏ ra sau, còn đoạn sau đẩy tới trước. Do đầu đuôi điên đảo như vậy, nên không thể liễu giải nghĩa lý đó sẽ quy về đâu. Thế nhưng còn tự cho mình là đúng.

Thứ ba:
– Chẳng những không nghe theo lời dạy của Thiện Tri Thức, nhưng ngược lại còn ôm lòng sân hận và ganh ghét đố kỵ. Người biết nghĩa lý thì ít; phần đông chẳng thể phân biệt và chỉ hùa theo ý kẻ khác.

Đây là ba nhóm sự việc mà sẽ khiến Pháp hủy diệt.”

Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

“Lại có bốn nhóm sự việc mà sẽ khiến Pháp hủy diệt. Những gì là bốn?

Thứ nhất:
– Hoặc có Tỳ-kheo ở vị lai tuy đã xả bỏ gia nghiệp và trú nơi vắng vẻ, nhưng lại chẳng tu Đạo nghiệp.

Thứ nhì:
– Khoái thích đến chỗ ồn ào của thế tục để nói chuyện
– Ham quần áo đẹp và ưa mặc áo cà sa sặc sỡ

Thứ ba:
– Ra vẻ thông thái là nghe rộng nhìn xa lắm
– Tự cho đức độ cao vời và không ai có thể ngang bằng
– Đem cái tạp trí vụn nát mà so sánh với ánh mặt trời mặt trăng

Thứ tư:
– Không gìn giữ ba nghiệp
– Không thu nhiếp sáu căn
– Đi chung với đàn bà con gái và nói lời lãng mạn ướt át
– Ưa nói chuyện đôi lứa để động lòng người, khiến thanh tịnh biến thành ô trược
– Thân hành dâm loạn, khiến Chánh Pháp lụi tàn

Đây là bốn nhóm sự việc mà sẽ khiến Pháp hủy diệt.”

Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

“Lại có năm nhóm sự việc mà sẽ khiến Pháp hủy diệt. Những gì là năm?

Thứ nhất:
– Hoặc có Tỳ-kheo xưa vốn vì Pháp mà xuất gia tu Đạo, nhưng dần dà thì phế bỏ lời dạy thâm sâu trong Kinh, như là Thập Nhị Nhân Duyên, 37 Phẩm Trợ Đạo, Phương Đẳng, huyền diệu thâm sâu của không tuệ, Lục Độ Ba-la-mật, quyền xảo phương tiện, không, vô tướng, vô nguyện, và cho đến lời dạy đúng lúc.

Thứ nhì:
– Hoặc có Tỳ-kheo trái lại đi học những câu văn hỗn tạp, nông cạn, và Kinh nhỏ. Do bởi hợp chung với thế tục, họ dung nạp văn chương cổ điển hoặc lời tuyên ngôn của vua chúa để làm đầu mối nhiễu loạn Đạo Pháp. Họ thích thú bàn luận mấy việc này và lý giải chuyện đời rất tài tình. Họ biết cách được lòng ai đó để khiến người vui vẻ, hầu gia tăng tiếng tăm cho họ.

Thứ ba:
– Háo hức sử dụng những ý tưởng của mấy học giả cạn cợt, còn bậc học giả uyên thâm thì chẳng cho là tốt đẹp.

Thứ tư:
– Trời rồng quỷ thần sẽ không cho đó là vui. Với cõi lòng buồn bã, họ sẽ than rằng:

‘Đại Pháp sắp diệt rồi, cho nên việc đó mới xảy ra như vậy!’

– Tỳ-kheo sẽ vứt bỏ giáo Pháp vi diệu. Trái lại, họ tuyên dương những câu cáng lẫn lộn. Thế nên chư thiên rơi lệ và mau bỏ đi mà không bao giờ trở lại.

Thứ năm:
– Do Chánh Pháp dần dần rất hiếm thấy nên không còn ai tinh tấn tu hành.

Đây là năm nhóm sự việc mà sẽ khiến Pháp hủy diệt.”

Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

“Sau khi Ta diệt độ, sẽ có những điều tà quái và 15 nhóm sự việc rối loạn như vậy nên khiến Pháp hủy diệt. Thật đau xót lắm thay!

Nếu có Tỳ-kheo nào tha thiết học Đạo thì nên vứt bỏ những trang sức xa hoa và đừng cầu danh vọng.

Với lòng thành thật chất phác mà tuyên dương chánh Kinh. Khi giảng giải Kinh điển của Phật và diệu Pháp thâm sâu, thì chớ dùng ngôn từ rườm rà. Hãy y theo lời dạy trong Kinh và chớ rời bỏ chánh văn. Đối với những từ đặc biệt và trùng lập thì đừng để mất dụng ý của Phật.

Khi được y phục thô xấu thì đừng chán ghét. Khi được ẩm thực thơm ngon thì cũng chớ vui mừng. Ngon hay dở hoặc đẹp hay xấu thì cũng chớ vui hay ghét, mà hãy nên tùy duyên theo tâm ý của thí chủ.

Hãy thu nhiếp thân khẩu ý, gìn giữ các căn, và đừng vi phạm lời Phật dạy.

Hãy luôn nhớ mạng sống này rất ngắn ngủi, thoáng chốc thì liền trôi qua. Nó mơ hồ như mộng; khi tỉnh giấc thì chẳng biết nó đã đi về xứ nào.

Những khổ nạn ở chốn tam đồ thì không thể nào kể xiết. Hãy tinh tấn tu học Phật Pháp như đang cứu lửa trên đầu mình.

Ngũ Giới, Thập Thiện, Lục Độ Ba-la-mật, Tứ Vô Lượng Tâm, Bốn Trọng Ân, trí tuệ, và phương tiện, hãy đều nên tinh tấn hành trì tất cả.

Mặc dầu có thể không gặp Phật tại thế, nhưng việc xuất gia học Đạo sẽ không bao giờ uổng phí.

Hãy giữ tâm bình đẳng và từ mẫn thương xót đối với tất cả.”

Khi Phật đã giảng dạy như thế xong, các vị Tỳ-kheo vừa buồn vừa vui. Sau đó, mỗi vị đến ở trước Phật hành lễ, rồi cáo lui.

Phật Thuyết Kinh Tương Lai Biến Đổi