SỐ 345
KINH TUỆ THƯỢNG BỒ TÁT VẤN ĐẠI THIỆN QUYỀN
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN HẠ

–Thế nào là Bồ-tát mà có kết hôn, thành gia thất? Bồ-tát dứt bỏ mọi ái dục, không ham chuộng chuyện lứa đôi, vì lìa dục mới là Chánh sĩ. Sở dĩ phải thị hiện có quyến thuộc, vợ con, vì e những người quen biết sẽ hoài nghi, cho Bồ-tát chẳng phải là người nam, là hoàng môn chăng? Nhằm dứt trừ mọi nghi ngờ nên đã cưới người nữ thuộc họ Thích là Cù-di. Nhân duyên ấy dẫn đến việc sinh ra con trai là Lavân. Giả thuyết cho sinh ra từ bào thai là không đúng. Vì sao? Vì Lavân ở nơi cõi trời, biến hóa, mất đi rồi hóa sinh, chẳng do cha mẹ kết hợp mà có. Lại là chỗ đạt tới theo bản nguyện của Bồ-tát. Từ xưa, vào thời Phật Định Quang, Cù-di có lời nguyện: Đời sau xin làm vợ của Bồ-tát. Do gieo trồng gốc công đức, không trái với phép tắc chính yếu có từ lâu đời, nên đã thành vợ chồng. Tình không giống với chỗ thường có nơi thế gian bị mê hoặc, nhiễu động nơi sắc duc, mà ân cần gắn bó. Bồ-tát thị hiện có vợ con quyến thuộc, rồi lại lìa bỏ ngôi vị quốc vương. Hoặc có người nói: Vợ con của bậc Chánh sĩ xinh đẹp, đoan chánh là vậy, hãy còn từ bỏ, huống nữa là chúng ta.

Lại như Bồ-tát, từ xưa, lúc bắt đầu học đạo, vợ con quyến thuộc đông đảo, đều cùng kính trọng, phát nguyện: Đời đời cùng gắn bó thuận hợp, tu tập, cho đến khi thành tựu Phật đạo, nên diễn giảng rộng về pháp thanh bạch. Thể nữ trong cung là bốn vạn hai ngàn người, đều phát tâm Bồ-đề, cầu đạo quả Chánh giác Vô thượng. Ngoài ra thì đều vượt qua cõi ác. Do đấy, Bồ-tát thị hiện có quyến thuộc. Những thể nữ kia, do theo ân ái nên tự tạo lấy phiền não, vừa trông thấy Bồ-tát an nhiên, thanh tịnh, như ngọc báu minh nguyệt, liền lìa bỏ sắc dục. Lúc này, Bồ-tát đi đến chỗ bóng mát của cây Diêm-phù, an tọa, thiền tư, có được sự hoan hỷ, an lạc. Bồ-tát, về xa xưa, từ đời Phật Định Quang

đến nay, thảy nhận rõ về ái dục là nhân duyên tạo nghiệp, đều là chỗ ứng hợp của nghiệp được chiêu cảm từ vô thỉ. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ-tát.

–Thế nào là Bồ-tát, ở nơi bóng mát của cây Diêm-phù, đã an tọa, thiền tư? Hóa ra bảy mươi ức trụ xứ của các Thiên tử, đều khiến phát tâm Bồ-đề. Lại còn nhằm khiến cho công chúa Da-du được thấy. Tâm tự suy niệm: “Biết vậy, nên xả bỏ gia đình!”. Do đấy, Bồ-tát ngồi yên nơi bóng mát của cây Diêm-phù nhập định tư duy. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ-tát.

–Do đâu Bồ-tát vào nửa đêm xuất gia, đi đến nơi sông để tự tắm rửa, cảm thương về muôn loài, nên thị hiện chỗ gốc của công đức? Tất nên suy nghĩ: Nơi chốn tạo lập công đức là pháp thanh tịnh, như nhiên. Do đấy, nửa đêm xuất gia không ngăn ngại, mọi thứ vui thú đều nên từ bỏ, còn pháp thanh tịnh thì không thể lìa. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ-tát.

–Thế nào là Bồ-tát, nơi cõi trời Đâu-suất khuyến hóa chư Thiên? Đến khi thị hiện sinh ra, hàng trơi, người đều chấp tay cung kính. Thời cơ đến, có thể đi xuất gia thì các cửa tự nhiên mở ra. Bồ-tát suy niệm: “Vua nếu còn hoài nghi, nghe tiếng động ấy, tức không hiểu rõ nơi đêm dài sinh tử là bất an, luôn gặp phải lo sợ bị đọa vào cõi ác”. Vì thế, hóa ra trời, người mở cửa. Chư Thiên an tọa ở trong đó đều cất tiếng tán dương, chẳng phải là lỗi của Bồ-tát. Lại nhằm an ủi tâm của vua cha. Do quán xét về nghĩa ấy là có chỗ khuyến hóa. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ-tát.

–Do đâu Bồ-tát từ bỏ ngôi vị quốc vương, thị hiện sự lìa bỏ? Mọi người sẽ hiểu biết, Bồ-tát chán sinh, lão, bệnh, tử, do đó mà xuất gia, chẳng phải là ghét bỏ gia thất, thân tộc, quyến thuộc. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ-tát.

–Thế nào là Bồ-tát tự cạo bỏ râu tóc? Các chúng trời, rồng, quỷ thần, Càn-đạp-hòa v.v… nhân và phi nhân đều không thể thấy được đỉnh đầu của Bồ-tát, huống nữa là có thể vì bậc tôn quý mà cạo bỏ râu tóc? Bấy giờ, Bồ-tát khuyến hóa, cứu độ chúng sinh, nên tự trừ bỏ râu tóc. Nhớ nghĩ về vua Bạch Tịnh sẽ dấy khởi ý giận: Ai đã cắt bỏ tóc của con ta. Theo nơi sứ giả được nghe, Bồ-tát tự mình cắt bỏ râu tóc, vua mới im lặng. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ-tát.

–Thế nào là Bồ-tát đem các thứ báu hiện có nơi thân như mão đội đầu, chuỗi anh lạc, khăn buộc tóc, giao cho Xa-nặc? Bồ-tat dấy khởi suy nghĩ: Mình vì cầu đạo nên không còn tham muốn ưa thích các thứ trang sức bằng châu báu. Đối với hết thảy các vật không còn bị lệ thuộc, nên đều xả bỏ. Đời sau, giáo pháp truyền bá cùng khắp, sẽ theo gương của Bồ-tát: Chúng ta xuất gia, cũng nên học hỏi, từ nơi pháp Phật tức dựa vào hành của bốn Hiền, tất cả không còn chấp trước. Không vì hồ nghi nơi ấm, nhập mà xuất gia. Nếu chẳng như thế thì mọi người sẽ nghi ngờ cho rằng, không biết tạo dựng cơ nghiệp nên xuất gia. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ-tát.

–Này thiện nam! Hãy lắng nghe! Bồ-tát ấy, do đâu trong sáu năm dốc chí tu tập khổ hạnh? Do các Bồ-tát còn có tội báo, nên thị hiện sự khổ nhọc, vì mọi chúng sinh tạo ra phương tiện thiện xảo, ở nơi Bồ-tát này đã được hiện bày rõ nhất. Khi Đức Phật Ca-diếp nói ra lời ấy: “Sa-môn cạo tóc như thế, làm thế nào để làm Phật”, tức là nói đến phương tiện thiện xảo của Bồ-tát, nên biết về ý nghĩa đó. Do đâu Bồ-tát lại có lời nói ấy? Ma-nạp-ưu-đa (Thượng Chí, Diễm Hoa) có năm người bạn thân cùng năm trăm đệ tử, là đại Phạm chí thuộc tộc họ giàu sang, vốn theo học pháp Đại thừa, bị các tri thức xấu ác dẫn dắt, nên có nhận thức lầm lạc, mất tâm Bồ-đề. Năm người bạn thân kia tin nơi hàng ngoại đạo dị học, không theo giáo pháp chân chánh, tu học kinh sách của ngoại đạo, không học theo pháp Phật, tự cho là hiểu đạo, là bậc sư trưởng, tự xưng chúng ta là Phật. Năm trăm đệ tử cũng lại như vậy. Phạm chí Diễm Hoa (Ma-nạp-ưu-đa) dùng phương tiện thiện xảo để nhập vào nhóm Phạm chí ấy, nhân đó buông lời chê trách, hỏi Nan-đề-hòa: “Chỗ nào có Phật? Sa-môn cạo tóc là Phật chăng? Phật đạo khó đạt được, sao có thể đến hầu cận? Diễm Hoa dần dần dẫn dắt năm kẻ bạn thân kia cùng năm trăm đệ tử theo dị học, nên phát ra câu nói: “Chỗ nào là Phật? Sa-môn cạo tóc là Phật chăng?

Phật đạo khó đạt được”.

Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Tuệ Thượng:

–Quán xét về đời ấy, Phạm chí Diễm Hoa, lúc này ở nơi chốn riêng, cùng với năm người bạn than và năm trăm quyến thuộc hội đủ. Lúc ấy, một người chuyên về đồ gốm tên là Nan-đề-hòa (Tấn gọi là Hoan Dự) đi tới chỗ ấy, tán thán về công đức của Phật Ca-diếp, bảo Phạm chí Diễm Hoa cùng đi đến trụ xứ của Như Lai Ca-diếp. Diễm Hoa tâm niệm: Các vị Phạm chí này gốc công đức chưa đầy đủ. Nay, nếu ta tán thán về công đức nơi đạo pháp của Như Lai Ca-diếp, tức là chê bai các tộc tánh tử theo dị học kia, tất họ sẽ kinh ngạc, dừng lại, không cùng hành trì. Do đấy, Diễm Hoa giữ lấy nguyện cũ, theo trí tuệ vô tận, nhân nơi phương tiện thiện xảo nên nói: “Sa-môn cạo tóc chẳng phải là Phật. Phật đạo khó đạt được, trí tuệ vô tận ở nơi chốn nào? Người hanh trí Ba-la-mật không có tưởng đây, kia, cũng không có tưởng chấp về đạo. Diễm Hoa thông đạt rốt ráo về “không tuệ”, hoàn toàn không chấp trước, vận dụng phương tiện thiện xảo, thuận theo hết thảy các pháp, nên phát ra câu nói kia. Phạm chí Diễm Hoa cùng với năm người bạn thân, năm trăm đệ tử, đi tới ao nước, tắm rửa xong, dừng xe ngựa, du hành, thuyết giảng kinh. Bấy giờ, Hoan Dự (Nan-đề-hòa) vâng theo uy thần của Phật, nhằm hóa độ đám thầy và đồ đệ kia, nên nghinh đón xe của Diễm Hoa, bạn cùng đệ tử, hỏi thăm nhau về chỗ từ đâu đến. Hoan Dự thành thật đáp: “Đi yết kiến Phật Ca-diếp về!”. Diễm Hoa bảo:

–Sa-môn cạo tóc chẳng phải là Phật. Phật đạo khó đạt được.

Hoan Dự nghe nói thế thì hoàn toàn không vui, dùng tay nắm tóc, nói:

–Ông không tin thì có thể cùng đi đến để chất vấn.

Diễm Hoa suy nghĩ: Hoan Dự tánh tình vốn hiền hòa, chưa từng nóng nảy giận dữ, nay nắm vội lấy tóc ta hẳn là không sai. Ta cùng với các bạn và đám đệ tử phải nên xem xét về đạo kia. Nên đều nói:

–Xin vâng.

Lúc này, Hoan Dự, Diễm Hoa, năm người bạn và năm trăm đệ tử cùng đi đến yết kiến Phật Ca-diếp. Đức Phật liền vì họ nêu giảng về chỗ hưng khởi gốc của đạo đức từ đời trước. Người nghe, tâm hết mực hoan hỷ, tán thán. Diễm Hoa thưa:

–Đạo đức, trí tuệ phương tiện của bậc Thế Tôn mới được như vậy. Thật tiếc là không sớm vì chúng con thuyết giảng giáo pháp.

Năm người bạn và các đệ tử thấy Phật Ca-diếp đạo đức cao vời, biện tài vô lượng, nên đều phát tâm Bồ-đề cầu đạt đạo quả Chánh Đẳng Chánh Giác.

Bấy giờ, Đức Như Lai Ca Diếp Chí Chân Đẳng Chánh Giác thuyết giảng về giáo pháp Đại Thừa, mở bày pháp tạng, nêu pháp luân không thoái chuyển, năm vị đại Phạm chí, năm trăm đệ tử đều chứng đắc pháp nhẫn Vô sinh.

Đức Phật nói với Bồ-tát Tuệ Thượng:

–Này thiện nam! Diễm Hoa nếu chẳng dùng việc tán thán trí tuệ của Phật Ca-diếp, chê bai các pháp dị học kia, thì năm vị đại Phạm chí cùng năm trăm đệ tử sẽ hoàn toàn không được hóa độ, lại cũng không do đâu để được yết kiến Phật Ca-diếp. Nhằm để mở bày, dẫn dắt, nên nhân đấy mà hành trì trí tuệ phương tiện, vì vậy đã phát ra câu nói như trên. Đạt được không thoái chuyển thì không nơi nào là không thấu đạt, lại không còn nghi ngờ về đạo. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ-tát.

Phật bảo Bồ-tát Tuệ Thượng:

–Bồ-tát sở dĩ tùy thời giáo hóa, lại còn thị hiện vô số hạnh khổ nhọc khác, vì nếu không như thế thì các Sa-môn, Phạm chí giữ giới thanh tịnh sẽ không được đông đảo người khác biết tới. Còn kẻ biếng trễ, không tinh tấn, thì chỉ vừa gặp nhau đã có thể từ chối không thuyết giảng, bảo tạng này là tạng của dị học. Những trường hợp như vậy, trong đêm dài sinh tử, từng không có nghĩa lợi, chẳng được an ổn, tất hướng về cõi ác. Do các thứ tội nên hiềm khích Như Lai, hiện bày những tai ương khác, không kể xiết. Bồ-tát đều không có sự lo lắng về tội lỗi bị ngăn che. Các Sa-môn, Phạm chí giữ giới, nếu nói lời thô ác tức sẽ tự nghi hoặc. Không tăng thêm tinh tấn thì không đạt được giải thoát, nên tạo ra sự do dự, không quyết đoán. Bồ-tát dùng phương tiện để phát tâm nói lời ấy, duyên vào đó để hóa độ, tức nên tự nêu bày: Chúng ta không trí tuệ, tự trách mình, sám hối lỗi lầm, chỉ học hỏi trí tuệ giác ngộ, cung kính hành trì rộng khắp. Lại do hàng dị học ngoại đạo cao ngạo, tùy tiện, vì thế Như Lai thị hiện khổ hạnh qua sáu năm, chẳng phải là tai họa còn sót lại. Vì sao? Hoặc có Sa-môn, Phạm chí chỉ ăn một hạt mè, một hạt gạo, nhưng tu tập thanh tịnh, tự tại. Nhằm thâu giữ, giáo hóa các trường hợp ấy để họ có đủ hạnh nguyện kia, nên Bồ-tát một ngày cũng chỉ ăn một hạt mè, một hạt gạo, hạn lượng như vậy, nếu ăn không đúng thời thì không thể đến với Thánh đạo. Bồ-tát nói ra lời này: Sa-môn cạo tóc chẳng thể là Phật. Phật đạo khó đạt được. Do đấy nên có tội báo sáu năm khổ hạnh. Trong sáu năm đó, chỗ có thể mở bày, giáo hóa thì hàng dị học không thể nhận biết, hay đạt tới. Tức khiến cho năm trăm hai mươi vạn người an trụ nơi trí tuệ bình đẳng, chỗ có thể thấy rõ là dẫn dắt, hóa độ muôn người. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ-tát.

–Thế nào là Như Lai nhóm hội bốn chúng đệ tử, các bộ chúng trời, rồng, quỷ thần, nhân và phi nhân, vì họ mà thuyết giảng kinh?

Đầu đêm vừa hết, Phật bảo Hiền giả A-nan:

–Hãy đem tấm y trung cho Như Lai, vì hơi lạnh.

Hiền giả A-nan vâng lời dạy, đem y dâng lên.

Giữa đêm, lại bảo Hiền giả A-nan đem tấm y thượng đến, vì Như Lai bị lạnh, cần phải mặc y. Hiền giả A-nan liền dâng y. Giữa đêm hết, chuyển qua cuối đêm, Đức Thế Tôn lại bảo Hiền giả A-nan đem “chúng tập y” đến, Như Lai muốn mặc. Đức Phật mặc y xong, bảo các Tỳ-kheo:

–Ta cho phép người xuất gia học đạo, một lúc được mặc ba pháp y. Giả như gặp lạnh thì cũng có thể mặc gấp lên. Vì sao? Vì ở đời sau, nơi những thành ấp vùng biên địa của đất nước, khí hậu lạnh lẽo nên không thể mặc y đơn, mỏng, tùy theo vùng đất mà nên mặc y kép. Phật thì không lạnh, không nóng, không đói, không khát. Vì sao? Vì ở nơi vùng đất lạnh, không mặc y kép, hoặc khi bị bệnh tật thì có thể dứt trừ, nếu không thì chẳng thể dốc tâm cầu đạo một cách trọn vẹn. Đó là phương tiện thiện xảo của Như Lai.

–Thế nào là Như Lai an tọa nơi nệm cỏ? Vì người nơi đời vị lai xuất gia học đạo, hoặc tham các thứ giường, ghế đẹp đẽ, tâm ý chỉ để ở nơi an ổn, mềm dịu chứ không tăng thêm tinh tấn. Hoặc có người tu hành ít phước, không có được tọa cụ, giường, nệm tốt đẹp, dày chắc, có thể oán trách, thoái chuyển, nhưng tâm có thể suy niệm: Đức Như Lai, Thế Tôn thân sắp thành Phật, đã ngồi nơi nệm cỏ, không tham vướng nơi chỗ ngồi tốt đẹp mới thành tựu Phật đạo, huống hồ là chúng ta lại ham chuộng tòa ngồi đẹp đẽ. Phật dạy: Sự giáo hóa luôn tùy thuận tập tục, nhưng đệm chiếu, nệm cỏ không làm trở ngại việc tu đạo. Đối với chỗ ngồi mềm mại không vui, chỗ ngồi thô cứng không buồn. Tâm của mọi người khó như nhau, chí cần hành như vậy nên phải dùng phương tiện biến hiện cũng như vậy để giáo hóa. Đó là phương tiện thiện xảo của Như Lai.

–Thế nào là Bồ-tát lại dấy khởi việc ăn uống? Chỗ dựa nơi người không đức là tự nhịn đói để cầu đạo. Phàm bị đói khát thì không the phát triển trí tuệ, nên ăn uống an ổn, nhân đấy mà thành tựu đạo đức, thuyết giảng pháp Bồ-tát để mở bày, giáo hóa muôn loài đạt được nhiều an lạc, không bị khổ nhọc. Bồ-tát thọ thực là dùng để thành Phật, do vay cần thực hành một pháp Tam-muội. Do một pháp Tam-muội mà an trụ nơi trăm ngàn kiếp. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ-tát.

–Thế nào là Bồ-tát ở nơi vắng lặng cầu đạo? Trải nệm cỏ nơi cội cây, do chư Phật thời quá khứ không tham đắm tòa ngồi. Trải cỏ cát tường, an tọa trên ấy để thuyết giảng về chân lý đầy đủ ý nghĩa, phép tắc. Nếu khiến Bồ-tát thuyết giảng pháp sơ lược tức rơi vào nghĩa lợi, như có người dâng cúng cỏ cho Bồ-tát, nhân đấy mà phát tâm Bồ-đề. Khi Phật thọ ký cho Cát Tường: Ông ở nơi cõi ấy, vào đời vị lai sẽ được thành Phật, hiệu là Ly Cấu Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ-tát.

–Do đâu Bo-tát an tọa nơi cội cây Bồ-đề, khiến các ma tụ tập đến đông đảo? Giả như không mau chóng hướng tới đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì Ma Ba-tuần không dám đến chỗ Bồ-tát. Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát mới ngoi nơi cội Bồ-đề, tâm tự suy niệm: Ai ở nơi bốn cõi dục giới là bậc tối tôn? Người theo đúng giáo pháp thì nên khiến đi đến chỗ của Ta để cùng tranh điều hơn kém. Bấy giờ, Bồ-tát đã hội nhập đầy đủ vào các ttrí tuệ thông tỏ, nên khiến ma dò thử sức. Quân binh của ma có tám vạn bốn ngàn ức, các chúng trời, rồng, quỷ thần, Càn-đạp-hòa, A-tu-luân, Ca-lâu-la, Chânđà-la, Ma-hưu-lặc đều phát tâm Bồ-đề cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ-tát.

–Thế nào là Như Lai đã thành tựu Phật đạo, chính thức an tọa trong bảy ngày, không đi đâu cả, chỉ xem xét cây Bồ-đề không chán? Các vị Thiên tử ấy thấy rõ sự biến hóa của đức hạnh, nên cảm động, vô cùng hoan hỷ, đều tâm niệm: Chúng ta nên cầu như Đức Như Lai này, tâm không chỗ dựa chăng? Suốt bảy ngày đêm, nhất tâm chuyên tinh cầu đạo, nhưng không được. Duyên vào đó nên mới quan xét ba mươi hai tướng của Đức Thế Tôn, tâm càng hết sức hoan hỷ, liền phát tâm Bồ-đề cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vào đời vị lai cũng sẽ được an tọa nơi cội cây Bồ-đề. Do đấy mà Như Lai ngồi yên nơi cội cây trong bảy ngày. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồtát.

–Do đâu Bồ-tát đã được thành Phật rồi, khuyến hóa vô số chúng trời, người, Phạm thiên không thưa thỉnh thì cũng không thuyết pháp? Lúc ấy Như Lai tự suy nghĩ: “Nơi cõi dục số lượng chư Thiên không thể tính kể đã tụ hội đông đảo. Các quyến thuộc của ma, quỷ thần, Lasát nếu thấy Bồ-tát gầm lên tiếng gầm của sư tử, bước đi một mình thì liền phát tâm Bồ-đề. Người trông thay đều hoan hỷ, duyên vào đấy để đạt đến vô vi”. Lại nữa, này thiện nam! Đi đến nơi cội cây Bồ-đề, Bồtát tức thì phóng ra hào quang từ tướng đỉnh đầu, tỏa chiếu khắp các cung điện của ma và cả tam thiên đại thiên thế giới, từ nơi ánh hào quang đó phát ra một loại âm thanh: “Nay, người con của giòng họ Thích là Năng Nhân tôn quý, bỏ nước xa nhà tu tập đạo pháp, hiện đã thành tựu đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, đã vượt qua coi ma, hóa độ muôn người không thể lường tính nên cảnh giới của ma sẽ trống không, nên tìm tới đây để cùng chiến đấu”. Ma nghe lời này thì hết sức sầu khổ, bèn dẫn bốn thứ binh quân, gồm đủ ba mươi ức, cùng kéo tới nơi cội cây Bồ-đề. Khi đó, Bồ-tát vận dụng trí tuệ báu, tạo lập tâm đại từ. Ánh sáng của trí tuệ thù thắng soi rõ nơi cánh tay màu vàng óng. Các chúng trời, rồng, Đế thích, Phạm vương đều tôn kính. Phạm chí suy nghĩ: “Phạm thiên hóa ra ta. Ta từ Phạm thiên sinh ra. Không ai có thể hơn được. Đời không có bậc tôn sư, Phạm thiên là trên hết”. Như Lai suy niệm: “Ta đã vượt hơn Phạm thiên, phải khiến cho mọi người cùng thấy!”. Chư Thiên, rồng, quy thần đều dựa vào Phạm thiên, nhưng Phạm thiên hãy còn cúi đầu đảnh lễ Phật! Phạm thiên cho rằng phải nên khuyến trợ Như Lai, hợp thời thuyết pháp. Nếu không khuyến thỉnh thì Như Lai không nêu giảng! Vâng theo uy thần của Phật khiến Phạm thiên đi đến đạo tràng để khuyến trợ chánh pháp. Giả sử mọi người đều kính niệm Phạm thiên, tất sẽ thấy Phạm thiên khuyến thỉnh Như Lai. Bấy giờ, Phạm thiên tự rời khỏi cung điện, đi tới chỗ Đức Thế Tôn, khuyến thỉnh Phật chuyển pháp luân, có sáu trăm tám mươi vạn Phạm thiên đều phát tâm Bồ-đề, cầu đạt đạo quả Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng, cùng nói kệ:

Phật, Thế Tôn vô lượng
Tối thắng, không gì hơn
Hành phương tiện thiện xảo
Đó cũng là Như Lai.

Đức Phật bảo Bồ-tát Tuệ Thượng:

–Chỗ thị hiện của Như Lai về những tai ương còn sót lại có mười. Đó cũng là phương tiện thiện xảo của Thế Tôn. Phải nên chí thành hiểu rõ như vậy. Muốn khiến Như Lai có một mảy may tỳ vết, tức chẳng đủ để gieo trồng gốc công đức chăng? Muốn khiến Như Lai có khuyết điểm, tức nẻo hành hóa không đầy đủ chăng? Điều ấy không thể có. Bồ-tát đã đạt đến quả vị Chánh giác, an tọa nơi cội cây Bồ-đề. Vì sao? Vì thông đạt pháp thanh tịnh nên không có các thứ tỳ vết. Này thiện nam! Nên biết Như Lai đều đã diệt trừ hết các pháp bất thiện. Thế Tôn là bậc vô ngại, huống hồ lại bị cấu nhiễm để có các tai ương tàn dư. Phật là vị Y vương, diệt trừ hết thảy bệnh tật, không còn bị ngăn che. Vì cứu độ chúng sinh nên thị hiện các thứ tội còn sót lại, nhằm khiến cho muôn người luôn giữ gìn thân, khẩu, ý, tu tập thanh tịnh. Cũng như hàng tộc tánh tôn quý có con, đều nuôi lớn theo cách vương giả, dùng toàn sữa, lạc, nhưng nơi thân tướng mọc nhiều mụt nhọt, trên đến phần cổ, trước sau, nội tạng cũng vậy, cần phải chữa trị đúng cach thì mới khỏi bệnh. Cha mẹ vui mừng vì con đã mạnh khỏe. Lại nữa, này thiện nam! Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác là bậc từ phụ của khắp thế gian, diệt trừ mọi phiền não cho chúng sinh khiến đạt được an lạc, do đấy mà thị hiện bệnh tật, người nghe như thế thì không dám gây tạo tội lỗi. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ-tát.

Đức Phật lại bảo Bồ-tát Tuệ Thượng:

–Về thời quá khứ lâu xa, thời đó không nhận biết tội phước, nên Bồ-tát vì chúng sinh mà thị hiện các lỗi lầm. Do đấy, Như Lai nói Ta là vị Pháp vương không lìa bỏ tội từ trước. Các vị thì sao có thể lìa bỏ tai ương. Vì vậy, có chỗ nói Như Lai vĩnh viễn không còn tai ương tàn dư. Ví như có người khéo học hỏi về các môn chú giải kinh sách, đối chiếu khảo đính, rồi đem giảng dạy cho các đồng tử khiến họ thành tựu, không điều gì là không nhận biết, cũng không bị trở ngại. Trẻ nhỏ thấy, nghe, tức thọ học, dần dần hiểu biết, thấu đạt phần căn bản. Như Lai cũng như vậy, đều học hỏi về các pháp, không gì là không lãnh hội rộng khắp, thị hiện các tai ương là nhằm khiến cho chúng sinh có đủ pháp thanh tịnh. Ví như có vị thầy thuốc, bắt đầu học về cách trị bệnh, cần hiểu rõ về phương pháp cùng các loại thuốc men, hợp bệnh mới chữa trị, đã tự chữa trị, lại có thể chữa trị lành cho mọi kẻ bệnh nên được đông đảo người tán dương. Ở thời Phật Định Quang, bấy giờ có năm trăm kẻ buôn bán, đi vào biển cả để tìm của báu. Có kẻ “dị tâm” cho rằng tâm phạm tội quá nặng, cần phải mở bày cửa tội. Kẻ ấy học theo tà thuật, mưu hại như giặc dữ. Quan sát tướng mạo của thương chủ biết ông này có vị thầy dẫn đường tên là Cát Tài, đã giúp đỡ đám thương nhân thuận theo thời tiết và cung cấp tin tức. Kẻ xấu ác kia suy nghĩ: “Ta nay nên hại vị thương chủ kia để một mình đoạt lấy số châu báu ấy!”. Ở cõi Diêm-phù-đề có vị thầy dẫn đường nổi tiếng tên là Đại Ai, lúc này đang ngủ, mộng thấy thần biển đến nói với mình: “Trong số các thương nhân đang đi vào biển cả, có một kẻ giặc, dấy tâm hết sức ác độc, muốn hãm hại cả đoàn người ấy, để riêng một mình hắn tóm thâu hết châu báu”. Vị Đạo sư này cho rằng: Giả sử khiến sự việc đó thực hiện được thì tội ác gây tạo là chẳng thể lường tính. Vì sao? Vì năm trăm thương nhân này đều phát tâm Bồ-đề, cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đứng vững nơi quả vị không thoái chuyển, cho dù bị hại, tâm cũng không thay đổi. Do tội lỗi ấy, nên mỗi mỗi hạnh của Bồ-tát đều thành tựu được đạo quả giác ngộ. Kẻ ác bị đọa vào địa ngục, chịu bao nhiêu là thống khổ, tội kia mới hết. Nay do vị thầy dẫn đường nhân từ, hành hóa quyền biến, nên người ấy không bị đọa nơi cõi ác lần nữa, lại khiến cho số thương nhân kia khong bị nguy hại. Bảy ngày tư duy kỹ, không còn phương tiện nào khác, mới suy nghĩ: Chỉ nên chọn lấy sự nguy hại cho thân mạng mình, nếu nói cho đám thương nhân kia biết, tức đều giận dữ, sẽ giết kẻ kia, tất bị đọa vào cõi ac”. Lại suy xét lần nữa: Ví như ta riêng sát hại kẻ ác kia thì cũng sẽ thọ nhận tội. Ta thà nhẫn chịu, hoặc nơi trăm ngàn kiếp thọ nhận khổ não nơi địa ngục, chứ không khiến cho các thương nhân thấy rõ sự nguy hại, lại khiến cho một kẻ giặc kia bị rơi vào đường dữ. Bấy giờ, vị thầy dẫn đường Đại Ai, liền vị họ mà thuyết pháp, khiến tâm mọi người vô cùng vui mừng, thích thú, sau đấy thì đều ngủ ngon giấc.

Đức Phật bảo:

–Này thiện nam! Vị thầy dẫn đường nổi tiếng kia, đã vì đám thương nhân đó mà dấy khởi tâm đại bi, dùng phương tiện thiện xảo, hại mạng một kẻ giặc kia. Sau khi mạng chung, được sinh lên cõi trời thứ mười hai là Quang Âm. Vị Đạo sư tên Đại Ai thời ấy chính là thân Ta. Dùng phương tiện đó nên vượt qua ngàn kiếp sinh tử, mất rồi thì sinh lên cõi trời. Năm trăm thương nhân đồng thuyền thời ấy, nay tức là năm trăm vị Phật trong Hiền kiếp đã xuất hiện. Bồ-tát lẽ nào có tội, họa, trước sau đều vượt quá mọi sự diệt trừ, trải qua trăm ngàn kiếp chẳng nên quán xét chư Phật, cho là có tội lỗi. Mọi sự thị hiện của Như Lai là vì chúng sinh. Khi đó, do thiếu sót về phương tiện quyền xảo, nên đã thị hiện việc Như Lai giẫm qua cọc sắt, do nơi uy thần nên mọi sự đều thông hợp. Vì sao? Vì thân của Như Lai là thân kim cương.

Lại nữa, này thiện nam! Trong thành Xá-vệ có hai mươi người, lại cùng với hai mươi người khác xem nhau là oán địch. Bấy giờ, cả hai bên đều muốn dùng oán thù để tạo nguy hại cho nhau, vì là đời sau cùng, nên cả hai đều tìm kiếm phương tiện. Hai mươi người kia muốn hại hai mươi người gọi là oán thù này, vâng theo uy thần của Phật, đã đi tới chỗ của Như Lai. Khi ấy, Đức Thế Tôn đã giáo hóa cả bốn mươi người. Cũng nhằm khuyến hóa, dẫn dắt hết thảy đại chúng, nên Phật bảo Hiền giả Đại Mục-kiền-liên:

–Nay ở nơi chỗ đất này sẽ có cọc sắt tự nhiên xuất hiện, ra vào nơi ngón chân cái, thuộc chân bên phải của Đức Phật. Nói vừa dứt lời thì vật kia đã ở ngay trước Phật. Hiền giả Đại Mục-kiền-liên bạch Phật:

–Nay nên nhổ vật ấy, cắm vào thế giới khác chăng?

Phật bảo:

–Không nên.

Lúc này, Hiền giả Đại Mục-kiền-liên dùng sức mạnh của sự tinh tấn nhằm nhổ bật vật lạ kia, khiến cả tam thiên đại thiên thế giới bị chấn động lớn, nhưng không thể làm lay động vật kia, dù chỉ như sợi tóc. Bấy giờ, Đức Thế Tôn đi tới cõi Phạm thiên, vật lạ kia liền đi theo. Đức Như Lai trở lại an tọa, vật ấy cũng có mặt ở trước Phật. Đức Như Lai bèn dùng tay phải nắm lấy cọc sắt kia, rồi dùng chân giẫm lên trên. Hiền giả Đại Mục-kiền-liên bạch Phật:

–Như Lai vốn có tội hay sao mà bị nạn vì cọc sắt bé tí này?

Đức Phật bảo:

–Từ xa xưa cùng với năm trăm thương nhân đi vào biển cả, khi ấy có một người mang tâm ý độc ác muốn giết hại cả đoàn để đoạt lấy của báu, ta bèn hại kẻ đó nên phải chịu tai ương tàn dư này.

Bấy giờ, bốn mươi người kia nghe Đức Phật giảng nêu như vậy thì đều chuyển hướng, cùng thưa:

–Như Lai là vị Pháp vương đã được tự tại, hãy còn có tai ương tàn dư, không thể diệt trừ, huống chi là chúng ta sao chẳng thọ tội? Liền đến trước Phật sám hối tự thú những lỗi lầm của mình. Đức Như Lai bèn vì họ mà thuyết giảng kinh pháp, phân biệt tội phước khiến bốn mươi người đều nhập vào trí tuệ bình đẳng. Ba vạn hai ngàn hàng trời, người xa lìa phiền não cầu uế, đạt được pháp nhãn thanh tịnh. Nhân chỗ thị hiện của Như Lai về cọc sắt kia cũng là phương tiện thiện xảo của Bồ-tát.

–Do đâu Thế Tôn đã lìa các thứ bệnh tật mà thị hiện có tật bệnh, khiến cho y vương Kỳ-vực phải kết hợp thuốc thang? Khi Phật lập giới, gồm hai trăm năm mươi giới, chưa bao lâu, có năm trăm Tỳkheo, hành đạo nơi vùng rừng cây khác vừa muốn kết thúc, nhưng tâm còn hồ nghi. Như Lai có chỉ dạy: “Chỉ dùng một thứ thuốc để trị các bệnh nơi thân, không được dùng nhiều thứ khác”. Phật phát khởi suy niệm: “Nên dùng phương tiện nào để khiến cho các Tỳ-kheo được dùng nhiều thứ thuốc khác? Vì sao? Giả sử Như Lai tùy ý chấp nhận, thì người đời sau sẽ chê bai về giới pháp của bốn bậc Hiền. Do vậy, Như Lai đã hành trì phương tiện thiện xảo hợp nhiều thứ thuốc giao cho Kỳ-vực. Bấy giờ, chư Thiên cõi trời Tịnh Cư nói với các Tỳ-kheo: “Phải nên tìm thuốc, không được để nguy đến tánh mạng”. Các Tỳkheo cùng nói với nhau: “Thà tự nghiền nát thân chớ không hủy phạm giới cấm của Phật”. Chư Thiên nói: “Này các Hiền giả! Hiện nay Như Lai tức là bậc Pháp vương, khiến đạt được tiện lợi nên tìm các thứ thuốc khác, có thể cải đổi chỗ dùng quen, ham chuộng việc uống thuốc”. Ngay khi ấy, các Tỳ-kheo lìa bỏ chỗ nghi ngờ, do dự, bèn tìm thuốc khác, bệnh liền dứt khỏi, bảy ngày đêm, chứng đắc đạo quả Vô trước (A-la-hán). Giả sử Như Lai không cho dùng thuốc thang thì các Tỳ-kheo này không thể giải thoát. Về đời vị lai cũng nên như thế, thân tâm được an ổn, sau đấy mới đắc đạo. Đó cũng là phương tiện thiện xảo của Bồ-tát.

–Do đâu Như Lai, các đức trọn đủ, lại phải đi vào làng xóm hành khất thực, có khi đi ra với bình bát rỗng? Như Lai không còn tai ương, do quán xét về đời sau, chúng sinh nơi các vùng biên địa thuộc các cõi nước, dấy khởi tâm từ bi. Như có Tỳ-kheo đi vào các xóm làng, ấp huyện, quận để khất thực, nhưng do phước đức còn ít, nên khất thực không đạt, tâm sẽ suy nghĩ: Như Lai công đức đầy đủ, trọn vẹn, vô lượng phước tụ hội, lúc hành khất thực hãy còn ra về với bình bát trống không, huống chi là chúng ta, chỗ gieo trồng gốc thiện chẳng rộng khắp, đâu có thể oán trách, lìa bỏ, không hành khất thực? Nên phải khất thực, dù là nhiều lần phải ra về với bình bát không có gì. Lại nói: Ma xấu ác, hóa ra các gia đình Phạm chí, Trưởng giả, khiến không cúng dường Phật, chẳng bố thí cho chúng Tăng. Thật sự chưa từng có điều ấy. Ma Ba-tuần kia, chưa dám tạo ra uy thế để nhiễu hại Như Lai, gây trở ngại tâm tạo phước. Là do Thánh chỉ của Phật tạo ra sự biến hiện đó. Phạm chí, Trưởng giả, có “dị tâm” ấy, nhưng chẳng phải là bản ý, cũng chẳng phải do Phật ít phước đức. Thời đó mọi người không biết bố thí, lại thấy Như Lai ra về với bình bát rỗng không. Cõi ma, chư Thiên, người thấy Phật không có được bữa ăn, nhưng Đức Thế Tôn không có tâm buồn chán. Tất cả đều ngày đêm nhất tâm nhớ nghĩ đến Như Lai cùng chúng đệ tử cho là tất sẽ có lo buồn, nhưng thấy đệ tử và Phật tâm không tăng giảm, trước sau đều thích hợp. Bảy vạn Thiên tử cung kính quỳ ở trước Phật. Như Lai ứng hợp với căn cơ, vì họ thuyết giảng kinh pháp, khiến đều đạt được pháp nhãn thanh tịnh. Đó cũng là phương tiện thiện xảo của Bồ-tát.

–Thế nào là trường hợp Chiên-già-ma-ni dùng khúc gỗ độn nơi bụng để hủy báng Như Lai, cũng chẳng phải là tai ương còn sót lại nơi gốc của Thế Tôn? Oai thần của Phật có thể giữ lấy kẻ bạo ác đem đặt bên ngoài hằng hà sa cõi, nhưng Như Lai với phương tiện quyền xảo đã thị hiện sự việc ấy. Tỳ-kheo, nơi đời vị lai, hoặc có người xuất gia làm Sa-môn, bị người hủy báng tâm có hồ nghi, quán xét về Phật Thế Tôn, tuy thấy có sự chê trách, nhưng tâm không dao động, chẳng cho là tội từ đời trước. Lại nhớ nghĩ về Phật Như Lai, công đức hơn hết, hãy còn như vậy, huống chi là chúng ta, lại không bị chê trách sao? Suy nghĩ như vậy thì càng thêm tinh tấn, giữ giới thanh tịnh, tâm không chuyển đổi. Giả sử kẻ bạo ác trong mộng có hủy báng, thì sau khi mạng chung không lìa khỏi địa ngục. Như Lai tất nhận biết sẽ khiến họ giữ gìn giới cấm. Vì sao? Vì đức của Như Lai không hề bỏ chúng sinh. Đó là phương tiện thiện xảo của Như Lai.

–Thế nào là trường hợp kẻ dị đạo giết hại Tu-đa-lợi, chôn vùi nơi vườn cây của Thái tử Kỳ-đà? Phật với các trí tuệ thông tỏ, nên quán xét khắp, không bị ngăn ngại. Mọi người nhận biết nên dấy khởi giận dữ, vì đã thấy rõ đầu đuôi sự kiện như vậy. Về sự việc giết hại Tu-đa-lợi thì hoặc nàng ấy gắn liền với tai họa còn sót lại. Phật hiểu rõ người nữ ấy thọ mạng sắp hết, do đấy, đám dị đạo kia đã bàn cách để giết hại. Duyên nơi tà đạo, dị học, nên sự việc bị giết hại ấy tất dẫn tới tội lỗi. Phật dùng trí tuệ bình đẳng để hóa độ, an lập. Do đấy, sẽ gây tạo làm tăng trưởng gốc công đức nơi chúng sinh. Vì vụ việc ấy nên Như Lai bảy ngày không vào thành, hóa độ sáu mươi ức chư Thiên đến với chánh đạo. Sau bảy ngày, bốn bộ chúng đều đến chỗ Phật để nghe thuyết pháp, có tám vạn bốn ngàn người đạt được trí tuệ bình đẳng, ba ức người chứng đắc các quả Đạo tích (Tu-đà-hoàn) Vãng lai (Tư-đà-hàm) Bất hoàn (A-na-hàm). Đó cũng là phương tiện thiện xảo của Bồ-tát.

–Thế nào là trường hợp Như Lai phải ăn gạo của lúa mạch trong ba tháng? Như Lai vốn luôn thông đạt, tuy vị Phạm chí có thỉnh Phật nhưng không thể lầm lạc, quên hết chỗ Phật đã nêu bày, giáo hóa. Vì sao? Vì năm trăm con ngựa hiện tại, xưa kia là đệ tử của Phật, nên theo đấy cùng ăn loại lúa gạo kia. Đời trước đều là những người tu học theo Bồ-tát Đại thừa, đời quá khứ từng cúng dường chư Phật Thế Tôn. Do theo bạn xấu ác dẫn dắt, phạm nhiều tội lỗi, nên bị đọa làm súc sinh. Lúc ấy lại có năm trăm người huấn luyện ngựa, có Bồ-tát tên Nhật Tạng, vốn lập nguyện sinh trong số đó để hóa độ họ khiến phát tâm Bồ-đề. Nhằm hoằng dương giáo pháp Đại thừa, dẫn dắt những người huấn luyện ngựa, chứ gốc không phải làm nghề ấy. Đức Như Lai hộ trì họ, khiến các người nuôi ngựa đều được thọ ký. Vì duyên nơi tất cả nên Như Lai không ăn, cũng không phải là chí nguyện, do uy đức của Phật có thể biến hóa các thứ ngói, đá, đao, gậy thành các thức ăn uống ngon bổ, hết thay các vật hiện có nơi tam thiên đại thiên thế giới đều thành các thức ăn thượng vị, đặc biệt. Vì sao? Vì Thế Tôn tự nhiên có tướng của bậc đại nhân, mọi thức ăn vào miệng đều thành thường vị. Do vậy, nên biết Như Lai với sự biến hóa khiến các thức ăn uống đều là mỹ vị. Trưởng lão A-nan chưa đạt được tâm đại bi, tự suy nghĩ: Vì sao Thế Tôn đã từng xả bỏ thức ăn của bậc Chuyển luân vương, nay lại dùng gạo lúa mạch xấu?”. Phật nhận biết ý nghĩ ấy nên nói về công đức của năm trăm người huấn luyện ngựa. Khi đó, năm trăm ngựa đều biết về thân mạng đời trước của mình nên được gần với tâm đạo. Năm trăm Bồ-tát đều phát tâm đại từ bi, đi đến yết kiến Phật. Năm trăm vị huấn luyện ngựa tự giảm một nửa số lương thực nơi kho lẫm, dùng để cúng dường Phật, giảm bớt lúa ăn của năm trăm ngựa để cúng dường cho năm trăm Tỳ-kheo. Người huấn luyện ngựa cùng ngựa đều tự sám hối. Thấy Phật và chúng Tăng đã qua được ba tháng khó khăn. Năm trăm ngựa mạng chung, được sinh lên cõi trời Đâu-suất, được chư Thiên tôn kính, như chỗ ứng hợp mà thuyết pháp, được đứng vững nơi quả vị Bất thoái chuyển, sẽ thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Hiền giả A-nan nên biết về chỗ bố thí, cúng dường ấy. Bấy giờ, người trong cung đều đạt được điều chưa từng có, cùng đến bạch Phật: Chúng con sinh trưởng nơi thâm cung. Bạch Thế Tôn! Hiền giả A-nan chưa từng tạo được sự hoan hỷ, an ổn ấy, bảy ngày chẳng ăn. Này thiện nam! Nên biết thân của Như Lai không có tội báo. Đời sau, hoặc có người trì giới, cung thỉnh các Samôn mà không bày biện cúng dường, nên vì đấy mà thị hiện. Đó là Như Lai vì những người cung thỉnh, tuy không thực hiện đủ sự cúng dường, nhưng không khiến họ rơi vào chốn tội lỗi.

Lại nữa, năm trăm Tỳ-kheo cùng với Như Lai, trong ba tháng một hạ, bốn trăm Tỳ-kheo có những biểu hiện không tốt, không có tưởng thanh tịnh. Ví như có được thức ăn ngon thì tâm ý ham muốn thể hiện rất mạnh. Còn khi dùng thức ăn dở thì tâm ý có vẻ lơ là. Còn các vị khác thì trong ba tháng kiết hạ có thể chứng đắc A-la-hán. Như Lai dẫn dắt các vị Tỳ-kheo ấy cùng giáo hóa các Bồ-tát, tùy thời thị hiện, chẳng phải là tội báo. Đó cũng là phương tiện thiện xảo của Như Lai.

–Do đâu Như Lai nói với Hiền giả Đại Ca-diếp: Hiền giả nên thuyết giảng kinh, Ta bị đau lưng? Lúc đó, tám ngàn vị Thiên tử, vốn là đệ tử được Hiền giả Ca-diếp hóa độ, đã vân tập tới pháp hội, quy kính Tam bảo, ân cần hành trì, nghe giảng nói về các pháp giác ý.

Cho dù trăm ức Phật, vì họ nêu giảng về kinh pháp thì cũng không thể lãnh hội một cách trọn vẹn. Chỉ Tỳ-kheo Ca-diếp là có thể hóa độ họ, vì thế Phật mới bảo Hiền giả giảng nói, phân biệt về giác ý. Tám ngàn vị Thiên tử lãnh hội ý nghĩa, có được trí tuệ. Các Tỳ-kheo bị bệnh cũng đến pháp hội để nghe kinh. Đều tâm niệm: Như Lai là bậc Pháp vương, nhân nêu giảng về giác ý mà bệnh được dứt khỏi. Chúng ta vì sao lại chẳng nghe kinh? Này thiện nam! Nhằm hóa độ chư Thiên và các Tỳ-kheo bị bệnh khiến tôn kính kinh đạo, nên Phật đã thị hiện đau lưng. Như Lai bảo “Hiền giả Ca-diếp thuyết giảng kinh, khiến Ta dứt trừ được bệnh”. Đó cũng là phương tiện thiện xảo của Như Lai.

–Thế nào là trường hợp nước Xá-di bại trận mà Phật bị đau đầu? Mọi người tất sẽ nghĩ rằng: “Hàng thân thuộc của Như Lai thọ mạng đã hết”. Ý nhằm cứu giúp muôn dân nên Như Lai ngồi bên cội cây khô héo, nói với thị giả: “Đầu Ta bị đau nhiều!”. Bấy giờ, chư Thiên chấp có thường, gồm ba ngàn người tụ hội, còn chúng Sát-đế-lợi thì số lượng không thể tính kể, nghe Phật bảo Hiền giả A-nan là mình bị đau đầu, thì suy nghĩ: “Như Lai hãy còn có tai ương còn sót lại”, nhân đó đã nêu giảng kinh cùng hóa độ hàng trời, người bảy ngàn vị. Đó cũng là phương tiện thiện xảo của Như Lai.

–Thế nào là trường hợp Phạm chí Phi-la-đà dùng năm trăm sự việc để mạ lỵ Thế Tôn? Lúc ấy, Phật lặng thinh. Sau, Phạm chí lại tán dương, Phật cũng im lặng. Phạm chí kia ứng hợp, tự quy kính, hết lòng sám hối lỗi lầm, không còn tái phạm. Phật đã có thể biết đủ về sự khước từ khiến không hề nói ra, dù có thể ném hay đặt để kẻ đối diện tới một nơi chốn khác lạ. Bấy giờ, trong pháp hội, vô số chúng chư Thiên, người thế gian, đều thấy rõ sự nhẫn nhục của Phật, với diệu lực của trí tuệ bình đẳng, tâm hòa nhã, nên bốn ngàn người đã phát tâm Bồ-đề cầu đạt đạo quả Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng. Như Lai thấy thấu suốt về sự hóa độ ở đời vị lai, nên thị hiện sự im lặng, chẳng phải la tai ương tàn dư của Phật. Đó cũng là phương tiện thiện xảo của Như Lai.

Này thiện nam! Hãy xem Điều-đạt, cả đời luôn tạo sự nhiễu loạn cho Bồ-tát, luôn mang tâm oán ghét, nhằm hãm hại Bồ-tát. Đó cũng là phương tiện thiện xảo của Như Lai.

Đức Phật bảo Bồ-tát Tuệ Thượng:

–Chư Thiên tới lui, có chỗ thưa hỏi, tìm hiểu, nên vì họ mà nêu giảng rộng đủ về pháp Bố thí Ba-la-mật. Vì sao? Vì tạo được nhiều lợi ích, che chở, làm viên mãn các nguyện, phát khởi được hết thảy. Do nhân duyên gì để hưng khởi sự hành hóa ấy? Giả sử chúng sinh chỉ an ổn nơi tự lợi, tức không hiểu về bố thí, không biết về sự thọ nhận. Vì thế chư Thiên hóa hiện từ hư không đến tru xứ của Bồ-tát, thử cầu xin đầu mắt tay chân của Bồ-tát, cả đến vợ con, thành ấp, đất nước. Khi đó, Bồ-tát đã bố thí đầy đủ khắp theo ý muốn của người cầu xin, với sự dũng mãnh sáng suốt, không khó khăn. Mọi người thấy vậy tức hiểu rõ về sự bố thí nên Bồ-tát tuân phụng, thực hành, không chút luyến tiếc. Vậy chúng ta cũng nên phát nguyện cầu Phật, tu tập giới cấm, chẳng dám hủy phạm, thuận theo pháp Bồ-tát chưa từng trái bỏ. Bị mắng nhiếc, đánh đập, không sân, bị khinh khi không hận, tức là phát huy rộng khắp pháp Nhẫn nhục Ba-la-mật, do đấy mà giáo hóa vô số chúng sinh. Chư Thiên, người thấy những kẻ oán, thân, đến chỗ Như Lai, tức là làm tăng trưởng giới cấm. Đó cũng là phương tiện thiện xảo của Như Lai, chẳng phải là tội báo còn sót lại. Vì sao? Vì người dám đến để thử cầu xin, tức đều là phương tiện, lại đều nhằm dẫn dắt tạo lợi ích cho vô số người. Nói tóm lại, chỗ thị hiện của Như Lai về những tai ương tàn dư có mười thứ, nên biết đều là do Phật hành hóa theo phương tiện quyền xảo, thuận theo hoàn cảnh. Những kẻ mang tâm xấu ác, đa phần chuộng điều phi pháp, nên vì đó mà thị hiện ứng hợp, chẳng phải là có tội báo khiến nhận biết rõ chỗ trừ bỏ nhằm đạt tới trí tuệ vô thượng. Như Lai tán thán chỗ hơn hẳn của phương tiện thiện xảo, đều chẳng phải là tội báo, chỉ là thị hiện. Tạo nhân gì đạt quả nấy, người nghe sẽ sợ hãi không dám làm điều sai trái.

Lại nữa, này thiện nam! Nêu giảng rộng về phương tiện quyền xảo, mọi thời đều nên giảng, chẳng phải chỉ cho hạng ngu tối, thấp kém, phước đức ít, mỏng. Cũng không phải chỉ hàng Thanh văn, Duyên giác cần nhận biết. Vì sao? Vì các hàng ấy chưa từng học hỏi phương tiện thiện xảo. Chỉ có hàng Bồ-tát, Đại sĩ là thông tỏ chỗ quy về sâu xa. Dụ như đêm tối, trong nhà có đốt lửa, tất soi chiếu sáng khắp nhà, vợ con, quyến thuộc. Bồ-tát cũng lại như vậy. Như có người được nghe về phương tiện Ba-la-mật, tức hiểu thấu về tất cả nẻo hành hóa của Bồ-tát, nên siêng năng tu học thuận hợp các pháp căn bản Như Lai đã nêu dẫn.

Như Lai phó chúc cho các vị, những thiện nam, thiện nữ, muốn cầu đạt Phật đạo, nếu có nơi chốn nào giảng nói về phương tiện thiện xảo, dù cách xa trăm ngàn dặm, cũng nên tìm đến thọ hoc, tức nhận được ánh sáng của đạo pháp. Vì sao? Vì nếu có thể nghe, nhận giáo pháp ấy, tức là đã hiển bày, phát huy tất cả kinh điển, dứt trừ mọi lưới nghi, diệt hết mọi kết hận.

Bấy giờ, chư Thiên, người thế gian, bốn bộ chúng đều cùng tán thán:

–Nếu có người được nghe kinh nói về phương tiện quyền xảo này, nếu tin tưởng, vui thích thì chính là pháp khí của đạo.

Phật thuyết giảng kinh này xong, co bảy vạn hai ngàn người đều phát tâm Bồ-đề, cầu đạt đạo quả Chánh giác Vô thượng. Hiền giả Anan bạch Phật:

–Kinh này nên gọi là gì, làm thế nào để phụng hành?

Phật bảo Hiền giả A-nan:

–Kinh này tên là “Phẩm Tùy Thời Khéo Dùng Phương Tiện Độ Vô Cực” nên theo đấy mà phụng hành.

Phật giảng nói như vậy, Bồ-tát Tuệ Thượng cùng chúng Tỳkheo, Bồ-tát Đại sĩ, tám bộ chúng hộ pháp, thảy đều hoan hỷ.

Pages: 1 2