PHẬT THUYẾT TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG KINH
Tuyên Hóa Thượng Nhân Lược Giảng
Giảng năm 1974 Tại Kim Sơn Tự, San Francisco, California, Hoa Kỳ

 

Chương 23: Thê Tử Thậm Ngục (Gia Đình Còn Tệ Hơn Lao Ngục)

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: “Nhân hệ ư thê tử, xá trạch, thậm ư lao ngục. Lao ngục hữu tán thích chi kỳ, thê tử vô viễn ly chi niệm. Tình ái ư sắc, khởi đạn khu trì. Tuy hữu hổ khẩu chi hoạn, tâm tồn cam phục. Đầu nê tự nịch, cố viết phàm phu. Thấu đắc thử môn, xuất trần La-hán.”

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: “Người ta bị vợ con và nhà cửa ràng buộc còn hơn cả lao ngục. Lao ngục còn có thời kỳ phóng thích, vợ con không một ý nghĩ xa lìa; há chẳng sợ tình ái cùng sắc dục lôi cuốn? Dẫu có cái họa sa nơi miệng hùm, lòng cũng cam chịu. Vì tự đắm mình nơi lầy lội nên gọi là phàm phu; vượt qua được cửa ải này là bậc La-hán xuất trần.”

Lược giảng:

Chương thứ hai mươi ba nói rằng người đời bị chôn vùi trong gia đình và nhà cửa của chính họ. Bị chôn vùi như thế thì còn khổ sở hơn là ở tù nữa; do đó, mọi người nên tránh xa tình cảnh này, đồng thời, cần phải nhận thức được tầm lợi hại của nó.

Đức Phật dạy: “Người ta bị vợ con và nhà cửa ràng buộc còn hơn cả lao ngục.” “Bị vợ con ràng buộc” tức là bị vợ (chồng), con cái làm cho vướng bận. Con người cũng bị ràng buộc bởi nhà cửa. Cho nên nói rằng kẻ tại gia mang trên người ba cái ách, ngày ngày đều phải mang gông đeo cùm.

Gia đình ví như cái gông bằng gỗ khóa chặt trên cổ, không có cách gì tháo ra được. (Thuở xưa, đóng gông là một trong những hình phạt dành cho kẻ phạm pháp). Có gia đình thì chẳng khác nào bị đeo gông vào cổ. Trong số quý vị hiện diện ở đây cũng có một vài cư sĩ đã lập gia đình và bị mất tự do. Họ muốn lên trời mà không lên được, muốn xuống đất cũng xuống không xong, bởi họ đã bị “khóa chân” ở nhà. Do bị vợ (chồng) ràng buộc nên làm việc gì cũng vướng víu, khó khăn. Con cái thì ví như cái còng, thứ hình cụ đeo ở cổ tay. Người có con cái thì chẳng khác nào bị còng cả hai tay lại, khiến cho mọi cử động đều khó khăn, bất tiện. Có cha mẹ thì giống như phải mang cùm ở chân vậy. Đó là ba cái ách mà những người có gia đình phải đeo mang.

Bị vợ con và nhà cửa ràng buộc thì còn tù túng hơn là bị cầm tù nữa. Có nhà cửa mà không buông bỏ được tức là bị nhà cửa trói buộc. Cho nên, vợ con và nhà cửa cũng là một thứ nhà tù giam hãm đời người vậy.

Tuy nhiên, “lao ngục còn có thời kỳ phóng thích, vợ con không một ý nghĩ xa lìa.” Kẻ bị ở tù thì cũng có lúc mãn hạn và được ra tù, song những kẻ có gia đình thì chẳng muốn xa rời vợ con. Cho dù họ có nghĩ tới chuyện lìa bỏ gia đình đi nữa, thì cũng không phải là thật lòng! Chẳng hạn có nhiều người nói: “Tôi muốn xuất gia! Tôi muốn đi tu!” Nếu muốn xuất gia thì xuất gia ngay đi, chứ nói suông như thế để làm gì? Đó chẳng qua là vì họ không hề có quyết tâm lìa bỏ gia đình, chỉ hát nghêu ngao cho vui vậy thôi!

“Há chẳng sợ tình ái cùng sắc dục lôi cuốn?” Những kẻ bị vợ con và nhà cửa ràng buộc này chẳng hề lo ngại rằng mình sẽ bị tình cảm, ái tình và nữ sắc lôi cuốn hoặc chi phối. “Dầu có cái họa sa nơi miệng hùm, lòng cũng cam chịu.” Tuy rằng như thế thì nguy hiểm chẳng khác nào bị rơi vào hang cọp, nhưng họ lại sẵn sàng cam chịu, thà bị cọp ăn thịt mà thôi.

“Vì tự đắm mình nơi lầy lội, nên gọi là phàm phu.” Bởi họ tự dấn thân vào chốn bùn lầy, cam tâm tự đày đọa chính mình, nên mới được mệnh danh là “hạng phàm phu.” “Vượt qua được cửa ải này là bậc La-hán xuất trần.” Cửa ải nào? Đó là các “cửa ải” tình dục, tình ái, sắc đẹp, cùng “cửa ải” gia đình và nhà cửa. Nếu có thể vượt qua các cửa ải này trót lọt, tức là quý vị đã “quá quan” – đã thắng được sự thử thách cam go – và được trở thành những bậc A-la-hán thoát tục, không còn cấu nhiễm của trần thế, hoặc là những bậc thánh-nhân sắp chứng được quả-vị!

Chương 24: Sắc Dục Chướng Đạo (Sắc Dục Chướng Ngại Đường Đạo)

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: “ái dục mạc thậm ư sắc. Sắc chi vi dục, kỳ đại vô ngoại. Lại hữu nhất hỷ, nhược sử nhị đồng, phổ thiên chi nhân, vô năng vi Đạo giả hỷ.”

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: “Trong các thứ ái dục, không gì đáng ngại bằng sắc dục. Lòng ham thích sắc đẹp to lớn không gì sánh bằng. May thay, chỉ có một mình nó mà thôi. Nếu có hai thứ như thế thì khắp thiên hạ không ai có thể tu Đạo được cả!”

Lược giảng:

Chương thứ hai mươi bốn nói về tâm dâm dục. Đoạn trừ được tâm dâm dục thì nhất định sẽ chứng đắc quả-vị A-la-hán; tiếc thay, không dễ gì mà đoạn trừ được nó! Đây là khuyết điểm mà tất cả chúng sanh đều mắc phải. Trong Kinh Lăng Nghiêm có dạy rằng:

“Dâm tâm bất trừ, trần bất khả xuất.”

(Lòng dâm chẳng trừ, trần lao khó thoát.)

Cho nên, nếu không dứt bỏ tâm dâm dục thì quý vị sẽ chẳng thể nào chứng được quả-vị A-la-hán.

Đức Phật dạy: “Trong các thứ ái dục, không gì đáng ngại bằng sắc dục.” Ở đây, “ái dục” tức là ái tình và dục vọng. Sắc dục tức là tâm dâm dục. Trong tất cả, không có gì đáng ngại bằng nữ sắc.

“Lòng ham thích sắc đẹp to lớn không gì sánh bằng.” Theo quý vị thì lòng ham muốn sắc đẹp này như thế nào? Các thứ “đại pháp” này thì chẳng có gì lớn mạnh hơn nó – chẳng có gì có thể vượt khỏi phạm vi rộng lớn của sắc dục. “May thay, chỉ có một mình nó mà thôi. Nếu có hai thứ như thế thì khắp thiên hạ không có ai có thể tu Đạo được cả.” Cũng may là chỉ có một mình sắc dục mà thôi! Giả sử có thêm một thứ nữa cũng lợi hại như thế, tương tự như thế, ắt chẳng có một chúng sanh nào trên thế gian này còn tu Đạo được nữa! Chỉ mới có một thứ thôi mà đã thấy lợi hại như thế, nếu có tới hai thứ thì chẳng mấy chốc mọi người sẽ bị chúng “nuốt chửng” hết, và chẳng có ai còn tu hành được nữa! Quý vị thấy có đáng sợ hay không?

Về “sắc,” cũng có trường hợp nữ giới bị mê hoặc bởi sắc đẹp của nữ giới, và nam giới bị mê hoặc bởi sắc đẹp của nam giới – cả nam và nữ đều đồng tính luyến ái. Người nam có quan hệ luyến ái với người nam, và người nữ có quan hệ luyến ái với người nữ. Đó gọi là “bị ái dục sở mê” – bị ái tình và dục vọng chi phối, làm cho mê muội vậy!

Chú Thích:

Tứ dục (bốn ý muốn của chúng sanh trong cõi Dục-giới từ loài ở nơi đất (địa cư), loài ở hư không, cho đến chư thiên sáu cảnh Lục-dục):

1) Tình dục (lòng ham tình). Chúng sanh trong cõi Dục-giới, phần nhiều đối với cảnh tình ái trai gái, khởi lòng ham muốn.

2) Sắc dục (lòng muốn sắc đẹp). Chúng sanh trong cõi Dục-giới, phần nhiều đối với cảnh tình ái cái sắc mềm mại, xinh đẹp của trai gái, khởi lòng ham muốn.

3) Thực dục (lòng muốn ăn). Chúng sanh trong cõi Dục-giới, phần nhiều đối với món ăn ngon, khởi lòng ham muốn.

4) Dâm dục (lòng muốn dâm). Chúng sanh trong cõi Dục-giới, phần nhiều đối với chỗ đụng chạm nhiễm trước trong đám trai gái, khởi lòng ham muốn.

Chương 25: Dục Hỏa Thiêu Thân (Lửa Dục Đốt Người)

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: “ái dục chi nhân, du như chấp cự, nghịch phong nhi hành, tất hữu thiêu thủ chi hoạn.”

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: “Người ham mê ái dục ví như kẻ cầm đuốc đi ngược gió, tất sẽ mắc phải nạn cháy tay.”

Lược giảng:

Đây là chương thứ hai mươi lăm, đại ý giải thích vì sao chúng ta cần phải xa lánh ái dục.

Đức Phật dạy: “Người ham mê ái dục ví như kẻ cầm đuốc đi ngược gió.” Những người buông thả theo dục vọng và nặng lòng tham ái, hạng người chỉ biết chạy theo tình cảm và tâm dâm dục, thì chẳng khác nào kẻ cầm bó đuốc đi ngược chiều gió, “tất sẽ mắc phải nạn cháy tay.” chắc chắn thế nào kẻ ấy cũng bị cháy bỏng tay. Cháy bỏng tay dù sao cũng còn là chuyện nhỏ, chỉ sợ rằng có thể rủi ro chuốc phải cái họa cháy thiêu cả người! Cho nên, trước tình huống này thì tốt nhất là hãy lánh xa những thứ ấy!.

Chương 26: Thiên Ma Nhiễu Phật (Thiên Ma Quấy Nhiễu Phật)

Kinh Văn:

Hán Văn: Thiên-thần hiến ngọc-nữ ư Phật, dục hoại Phật ý.

Phật ngôn: “Cách nang chúng uế, nhĩ lai hà vi? Khứ! Ngô bất dụng.”

Thiên-thần dũ kính, nhân vấn Đạo ý. Phật vi giải thuyết, tức đắc Tu-đà-hoàn quả.

Dịch Nghĩa: Thiên-thần hiến ngọc-nữ cho Phật, toan phá hoại ý chí của Ngài. Đức Phật nói: “Những túi da chứa đồ ô uế, các ngươi đến đây làm gì? Đi ngay! Ta chẳng dùng đâu.”

Thiên-thần càng thêm kính nể và nhân đó hỏi Phật về ý Đạo. Phật giảng nói xong, Thiên-thần liền đắc được quả Tu-đà-hoàn.

Lược giảng:

Vị Thiên-thần này là Thiên-ma, và cũng chính là Ma-vương Ba-Tuần (Papiyan). Ma-vương đợi đến khi Đức Phật sắp thành Đạo, bèn huy động đông đảo bà con quyến thuộc của loài ma – tức là toàn thể quân-đội tới quấy nhiễu Phật. Tuy nhiên, Đức Phật không hề bị lay chuyển, dao động. Chương thứ hai mươi sáu này cho thấy rằng Đức Phật chẳng những không bị Ma-vương cám dỗ hoặc làm cho rối trí, mà lại còn cảm hóa được Ma-vương, khiến Ma-vương trở thành kẻ hộ pháp cho Phật nữa!

“Thiên-thần hiến ngọc nữ cho Phật, toan phá hoại ý chí của Ngài”. Ma-vương từ trên cõi trời đem dâng tặng Đức Phật ba ngọc-nữ. “Ngọc-nữ” nghĩa là gì? Đó là những người con gái xinh đẹp tuyệt trần, khả ái như ngọc vậy. Tướng mạo của cả ba ngọc-nữ này mỹ lệ đến độ chẳng những ở chốn nhân gian mà ngay cả trên cõi trời cũng không ai sánh bằng. Dụng ý của Ma-vương là muốn làm cho Phật khởi ý niệm dâm dục, và nhân đó, phá hủy ý chí cùng nguyện lực tu Đạo của Ngài.

Đức Phật dạy: “Những túi da chứa đồ ô uế, các ngươi đến đây làm gì?” Câu này có thể áp dụng cho cả nam lẫn nữ, bao gồm luôn cả những người nam khôi ngô tuấn tú và người nữ xinh đẹp mỹ miều; bởi chẳng phải chỉ có nữ giới mới là xấu xa còn nam giới thì lại không! Đức Phật dạy rằng thân thể con người chẳng qua chỉ là một cái túi da đựng toàn những thứ ô uế, dơ bẩn. Lớp da bao bọc bên ngoài cơ thể chúng ta ví như một cái skin bag, cái túi hoặc cái đãy bằng da vậy. Trong túi da ấy đựng cái gì? Cũng chẳng có gì nhiều ngoại trừ phân và nước tiểu! Quý vị nghĩ xem, có gì là đẹp đẽ đâu?

Thí dụ, quý vị mới nhìn qua bề ngoài thì thấy là anh chàng thanh niên kia rất đẹp trai; nhưng đẹp cách mấy cũng không hơn được Tôn-giả A-Nan. Tướng mạo ngài A-Nan tuấn tú, đẹp đẽ đến nỗi con gái của Ma-Đăng-Già vừa gặp mặt ngài là sanh lòng luyến ái ngay. Khi cô ta đến gặp Phật, Phật hỏi: “Ngươi yêu A-Nan ở điểm nào?” Cô đáp: “Mũi thầy ấy rất đẹp, mắt đẹp, tai đẹp, cả khuôn mặt cũng đẹp nữa.”

Đức Phật bảo: “Được! Ngươi thích cái mũi của ông ấy thì Ta sẽ cắt mũi ông ấy để cho ngươi, thích tai của ông ấy thì Ta xẻo tai ông ấy cho ngươi, thích mắt của ông ấy thì Ta móc mắt ông ấy cho ngươi. Như thế, ngươi có thể đem những thứ ấy về!”

Cô ta phản đối: “Không! Như thế thì không được!”

Vậy, xét cho cùng thì tình cảm luyến ái giữa nam và nữ có ý nghĩa gì? Tướng mạo bề ngoài dù có đẹp đến đâu đi nữa, bất quá cũng chỉ là một cái túi da đựng các thứ ô uế tanh hôi – bên trong chứa nào là phân, nào là nước tiểu… Lại thêm chín lỗ trên thân không ngừng bài tiết ra những chất dơ bẩn, bất tịnh. Mắt thì có ghèn, tai thì có ráy tai, mũi thì có nước mũi, miệng thì có nước miếng, rồi còn phân và nước tiểu nữa. Quý vị nghĩ xem, có thứ nào là sạch sẽ đâu? Do đó, Đức Phật gọi cái thân này là cái túi da hôi hám chứa toàn rác rưởi bẩn thỉu.

Đức Phật dạy: “Ngươi cho Ta các thứ này để làm gì? Đi ngay! Ta chẳng dùng đâu! Các ngươi hãy mau rời khỏi nơi này, Ta chẳng cần đến các ngươi!” Khi Thiên-ma mang ngọc-nữ đến dâng tặng Phật, vừa nhìn thấy ba nàng ngọc-nữ này Đức Phật liền quán tưởng: “Chao ôi! Khi các ngươi già cả, trên mặt các ngươi sẽ có không biết bao nhiêu là nếp nhăn; hẳn là chẳng đẹp mắt chút nào. Tuổi già đến thì các ngươi sẽ tóc bạc da mồi, tàn tạ xấu xí, khó coi vô cùng!” Đức Phật vừa quán tưởng như thế, thì tướng mạo các ma-nữ bỗng nhiên biến đổi theo đúng như sự quán tưởng của Ngài. Khi trông thấy chính mình với hình dạng già nua ấy, các ma-nữ nhận thấy quả thật chẳng có ý nghĩa gì cả và đều lấy làm xấu hổ. Do đó, Phật bảo họ lánh đi nơi khác: “Hãy đi ngay! Ta không dùng các ngươi đâu!”

Thấy vậy, Thiên-thần càng thêm kính nể. Bấy giờ, thấy được Đạo-tâm của Phật kiên cố như thế, Thiên-ma càng sanh lòng kính trọng Phật hơn nữa, và nhân đó hỏi Phật về ý Đạo, thỉnh cầu Phật thuyết pháp. Phật giảng nói xong, Thiên-thần liền đắc được quả Tu-đà-hoàn. Đức Phật thuyết pháp cho Thiên-ma nghe và Thiên-ma lập tức chứng được quả vị Tu-đà-hoàn – quả vị đầu tiên của hàng A-la-hán.

Chương 27: Vô Trước Đắc Đạo (Không Chấp Trước Tất Đắc Đạo)

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: “Phù vi Đạo giả, du mộc tại thủy, tầm lưu nhi hành, bất xúc lưỡng ngạn, bất vi nhân thủ, bất vi quỷ thần sở giá, bất vi hồi lưu sở trú, diệc bất hủ bại; ngô bảo thử mộc, quyết định nhập hải. Học Đạo chi nhân, bất vi tình dục sở hoặc, bất vi chúng tà sở nhiễu, tinh tấn vô vi; ngô bảo thử nhân, tất đắc Đạo hỷ.”

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: “Người hành Đạo ví như khúc gỗ dưới nước, theo dòng mà trôi. Nếu nó chẳng tấp vào hai bên bờ, chẳng bị người ta vớt lấy, chẳng bị quỷ thần ngăn trở, chẳng bị nước xoáy giữ lại, cũng chẳng bị mục nát, Ta cam đoan rằng khúc gỗ này nhất định sẽ ra đến biển. Người học Đạo nếu chẳng bị tình dục làm mê hoặc, chẳng bị các thứ tà vạy quấy nhiễu, lại tinh tấn tu pháp Vô-vi; Ta cam đoan rằng người này tất sẽ đắc Đạo.”

Lược giảng:

Trong chương thứ hai mươi bảy này, Đức Phật nêu lên một tỷ dụ để giải thích vì sao người học Đạo cần phải tránh xa mọi thứ có thể gây chướng ngại.

Vậy, trong chương này, “hai bên bờ” tức là gì? Ở đây, “hai bên bờ” tượng trưng cho tình cảm và dục vọng. Tình cảm và dục vọng được phân làm hai loại là kiến tư tình dục (tình cảm và dục vọng dấy khởi từ cái thấy và cái nghĩ) và vô minh dục (tình cảm và dục vọng dấy khởi từ sự vô minh). Kiến tư tình dục tức là sự chấp trước sanh tử, và được ví là “bờ bên này.” Vô minh tình dục là sự chấp trước Niết-bàn, và được ví là “bờ bên kia.”

Ngoài ra, khúc gỗ “bị người ta vớt lấy” là dụ cho kẻ bị bao bọc trong tấm lưới tà kiến; còn “bị quỷ thần ngăn trở,” là dụ cho những người bị che phủ bởi tấm lưới kiến tư.

Khúc gỗ “bị nước xoáy giữ lại” ám chỉ sự lười biếng, trễ nãi, trái ngược với tinh tấn. Khúc gỗ “bị mục nát” tiêu biểu cho sự tương phản với pháp Vô-vi. Có nhiều người tu hành vì không thể chân chánh, thẳng thắn nhớ nghĩ đến Chân-như, nên mặc dù họ luôn luôn muốn tinh tấn nhưng rốt cuộc lại trở thành thối chuyển. Họ như đang ở trong vũng nước xoáy – nước tuy chảy xiết nhưng chỉ xoáy quanh một chỗ, chỉ rẽ ngoặt rồi quay lại chỗ cũ. Tương tự như thế, họ trở về lại khởi điểm và không thể đạt tới pháp Vô-vi. Chính vì không đạt được pháp Vô-vi nên họ mới sanh ra chấp tướng; và thế là việc tu phước, tu huệ của họ không được viên mãn. Những người ở trong tình huống này thì chẳng khác nào khúc gỗ mục nát. Họ tất sẽ bị đọa lạc, không đến được bờ bên kia của Niết-bàn, không chấm dứt được dòng sanh tử. Đó là do họ bị tình dục làm cho mê muội, bị những sai lầm của ái dục và tà kiến vây khốn, quấy nhiễu.

Nếu quý vị chân chánh nhớ nghĩ tới Chân-như và tinh tấn tu hành, hiểu được rằng bản tánh của Pháp vốn là Vô-vi, và không bị tình ái lôi cuốn, chi phối, thì chắc chắn quý vị sẽ đắc Đạo. Đó là ý nghĩa khái quát của phần kinh văn trong chương này.

Đức Phật dạy: “Người hành Đạo ví như khúc gỗ dưới nước, theo dòng mà trôi.” Đức Phật so sánh những người tu Đạo với khúc gỗ trôi xuôi theo dòng nước.

“Nếu nó chẳng tấp vào hai bên bờ.” Giả sử khúc gỗ này chẳng bị đá ở hai bên bờ cản lại hoặc ngăn trở. “Tấp vào hai bên bờ” tức là bị mắc kẹt, bị chận lại. “Chẳng tấp vào hai bên bờ” tức là vẫn trôi lềnh bềnh, không bị vướng hoặc kẹt lại ở bờ nào cả. Khúc gỗ này ví như người tu Đạo không bị ái tình ràng buộc, níu kéo. Và nếu khúc gỗ ấy “chẳng bị người ta vớt lấy, chẳng bị quỷ thần ngăn trở hoặc che lấp, chẳng bị nước xoáy giữ lại, chẳng bị dòng nước cuộn tròn ngăn chận và cuốn lấy, và cũng chẳng bị mục nát, hư hoại; thì Ta cam đoan rằng khúc gỗ này nhất định sẽ ra đến biển, sẽ trôi ra được tới biển cả.”

“Người học Đạo nếu chẳng bị tình dục – ái tình và vật dục – làm mê hoặc, chẳng bị các thứ tà vạy quấy nhiễu, chẳng bị vô minh, lười biếng ngăn trở, gây chướng ngại, lại tinh tấn tu pháp Vô-vi, hăng hái học tập theo pháp Vô-vi; thì Ta cam đoan rằng người này tất sẽ đắc Đạo. Ta bảo đảm là những người như thế nhất định sẽ đắc được Đạo.”

Chương 28: Ý Mã Mạc Túng (Đừng Theo “Con Ngựa” ý Niệm)

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: “Thận vật tín nhữ ý, nhữ ý bất khả tín. Thận vật dữ sắc hội, sắc hội tức họa sanh. Đắc A-la-hán dĩ, nãi khả tín nhữ ý.”

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: “Phải thận trọng, chớ tin ý ông; ý của ông không thể tin được. Phải thận trọng, chớ gần gũi sắc dục; gần gũi sắc dục tất sanh họa. Chứng được A-la-hán rồi mới có thể tin được ý ông.”

Lược giảng:

Trong chương thứ hai mươi tám này, Đức Phật cho biết rằng cái “ý” của người đời chúng ta giống như một con ngựa khó điều phục, uốn nắn. Ngoài ra, đối với “sắc” – bất luận là nam sắc hay nữ sắc – quý vị đều nên xa lánh; bằng không, quý vị chỉ tự rước họa vào thân mà thôi.

Từ vô lượng kiếp về trước cho đến nay, chúng sanh chúng ta do quen sống buông xuôi theo tình cảm và dục vọng của mình, nên cứ phải loanh quanh luẩn quẩn mãi trong sáu nẻo luân hồi. Vì bị vô minh, ái kiến và kiêu mạn luôn luôn vây phủ nên chúng ta chưa thể chứng được quả-vị A-la-hán. Do đó, chúng ta không nên tin tưởng ý niệm của mình. Chúng ta phải dè dặt, không được bất cẩn. Chúng ta phải tuyệt đối thận trọng, chớ nên đắm nhiễm sắc dục và cũng đừng tin ở ý niệm của mình!

Đức Phật dạy: “Phải thận trọng, chớ tin ý ông.” Quý vị không nên nghe theo ý niệm của mình, đừng tin cậy những điều mình nghĩ. Quý vị cần phải hết sức cẩn thận – chớ tin ở ý niệm và ý nghĩ của mình! “ý của ông không thể tin được.” Tâm ý của quý vị thì không đáng tin cậy, không thể tín nhiệm được.

Quý vị “phải thận trọng, chớ gần gũi sắc dục; gần gũi sắc dục tất sanh họa.” Quý vị hãy ghi nhớ rằng mình phải hết sức cẩn thận, đừng bao giờ mê đắm sắc tướng. Nếu quý vị mê chấp, cùng với sắc tướng “hợp lại thành một,” ắt sẽ có tai họa xảy ra.

“Chứng được A-la-hán rồi, mới có thể tin được ý ông.” Chừng nào quý vị chứng được quả-vị A-la-hán. dứt sạch được các mối phiền não của cái thấy (kiến) và cái nghĩ (tư) rồi, bấy giờ quý vị mới có thể tin cậy ý niệm của quý vị một chút – nhưng chỉ nên tin ít ít thôi, chứ chưa thể tin nhiều được!”

Chương 29: Chánh Quán Địch Sắc (Quán Tưởng Chân Chánh Thắng Được Sắc Dục)

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: “Thận vật thị nữ sắc, diệc mạc công ngôn ngữ. Nhược dữ ngữ giả, chánh tâm tư niệm: ‘Ngã vị Sa-môn, xử ư trược thế, đương như liên hoa, bất vị nê ô.’ Tưởng kỳ lão giả như mẫu, trưởng giả như tỷ, thiếu giả như muội, trĩ giả như tử, sanh độ thoát tâm, tức diệt ác niệm.”

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: “Hãy thận trọng, đừng nhìn ngó nữ sắc, cũng đừng nói năng với họ. Nếu phải nói chuyện với họ, hãy chánh tâm nhớ nghĩ: ‘Ta là bậc Sa-môn sống ở đời ô trược, phải như hoa sen chẳng bị bùn làm ô uế.’ Tưởng người già như mẹ, người lớn như chị, kẻ nhỏ như em, đứa bé như con; rồi sanh lòng độ thoát thì mới diệt được niệm xấu.”

Lược giảng:

Đây là chương thứ hai mươi chín. Chương này nói rõ ràng nhằm ngăn ngừa những chuyện sai quấy có thể xảy ra, nam giới cần phải tránh xa nữ giới và đồng thời, nữ giới cũng cần phải tránh xa nam giới. Đó là phương pháp “sanh thiện, diệt ác,” dùng để đối trị lòng tham ái và tham dục.

Con người ví như hoa sen vậy (sự so sánh này có thể áp dụng cho cả nam lẫn nữ) – hoa sen tuy mọc trong bùn song không bị nhuốm bùn mà cũng chẳng nhiễm mùi bùn. Nếu quý vị cứ tự nghĩ như thế thì mọi niệm, mọi ý tưởng trong lòng sẽ trở nên chân chánh, ngay thẳng; và như thế tức là quý vị đã tự mang lại lợi lạc cho chính mình (tự lợi) vậy.

Nam thì nên xem những phụ nữ cao niên như mẹ, và nữ thì nên xem những người đàn ông già cả như cha. Khi người nam gặp những người nữ trạc tuổi mình hoặc hơn mình một vài tuổi thì hãy xem họ như chị, nếu nhỏ tuổi thua mình thì xem như em gái, còn nếu là trẻ con thì xem như con cái của mình vậy, và nên phát tâm cứu độ họ. Quý vị phát tâm độ thoát họ tức là quý vị có lòng từ bi, muốn mang lại lợi ích cho kẻ khác (lợi tha). Như thế, quý vị vừa làm lợi cho mình lại vừa có thể làm lợi cho người khác nữa. Khi hai hành vi tự lợi và lợi tha này tương ưng, thì niệm ác sẽ tự nhiên tiêu tan và vọng tưởng cũng ít bớt.

Đức Phật dạy: “Hãy thận trọng, đừng nhìn ngó nữ sắc, cũng đừng nói năng với họ.” Đây là cách người nam đối xử với người nữ. Về cách người nữ đối xử với người nam thì có thể đảo lại: “Hãy thận trọng, đừng nhìn ngó nam sắc, cũng đừng nói năng với họ!” Quý vị không được cùng nhau chuyện trò với người khác phái. Đừng nói là cười đùa, ngay cả nói năng cũng không thể được!

“Nếu phải nói chuyện với họ, hãy chánh tâm nhớ nghĩ: Ta là bậc Sa-môn sống ở đời ô trược, thì phải như hoa sen chẳng bị bùn làm ô uế.” Trong trường hợp quý vị có việc gì cần nói với người khác phái thì phải làm sao? Bấy giờ, quý vị cần phải giữ lòng chân chánh, không vướng chút tà tâm! Nam thì nên nghĩ: “Ta là một Sa-môn, một thầy Tỳ-khưu…”; còn nữ thì hãy tự nhủ: “Ta là một Tỳ-khưu ni…” Bất luận là nam hay nữ, tất cả chúng ta đều đang sống trong cõi đời xấu ác có năm thứ ô trược. Mặc dù cõi “ngũ trược ác thế ” này là chốn bất tịnh, chúng ta cần phải giống như hoa sen vậy. Cả nam lẫn nữ đều có thể được so sánh với hoa sen. Hoa sen tuy mọc giữa chốn bùn lầy song chẳng bị bùn làm cho ô uế, gần bùn mà chẳng nhuốm bùn.

“Tưởng người già như mẹ.” Quý vị hãy nghĩ rằng: “Những phụ nữ tuổi tác già hơn mình là mẹ mình; những người đàn ông già hơn mình là cha mình.”

“Người lớn như chị.” Đối với những người nữ lớn hơn mình vài tuổi thì hãy xem họ như chị mình; và đối với những người nam lớn tuổi hơn mình một chút thì hãy xem họ như anh mình vậy.

“Kẻ nhỏ như em.” Nhỏ tuổi hơn mình thì hãy xem như em gái. Đó là cách nhìn mà nam giới nên có đối với nữ giới. Nữ giới nên có cái nhìn như thế nào về nam giới? Họ nên nghĩ rằng: “Đối với những người nhỏ tuổi hơn tôi thì tôi xem như em trai của mình vậy.”

“Đứa bé như con.” Hãy xem những trẻ em dưới mười tuổi như con cái của mình vậy.

“Rồi sanh lòng độ thoát.” Bất luận đó là cha, mẹ, anh, chị, em trai, hay em gái của quý vị, thì quý vị đều nên có tư tưởng muốn cứu độ họ, để họ được thoát khỏi khổ não, hưởng sự an vui.

“Thì mới diệt được niệm xấu.” Có như thế thì quý vị mới có thể dứt bỏ được những ý nghĩ xấu xa, xằng bậy, và nhất là những vọng tưởng về sắc dục.

Chú thích:

Ngũ trược (năm thứ dơ ở cõi Ta-bà): Kiếp trược (kỳ kiếp trược), Kiến trược (ý kiến, sự thấy biết ô trược), Phiền não trược (các mối mê dục ô trược), Chúng sanh trược, Mạng trược (đời sống ô trược).

Chương 30: Dục Hỏa Viễn Ly (Lánh Xa Lửa Dục)

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: “Phù vi Đạo giả, như bị can thảo, hỏa lai tu tỵ. Đạo nhân kiến dục, tất đương viễn chi.”

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: “Người hành Đạo cũng giống như cỏ khô, lửa đến phải tránh. Người tu Đạo thấy sự dục lạc tất phải tránh xa.”

Lược giảng:

Đây là chương thứ ba mươi; đại ý khuyên người đời nên xa lánh mọi dục niệm, đừng để bị lửa dục thiêu thân. Ở đây, “cỏ khô” dụ cho cái gì? Lục tình – sáu thứ tình cảm tương ưng với sáu căn – có thể ví như cỏ khô vậy; còn cảnh giới của lục trần thì tựa như lửa dữ bốc cháy phừng phừng. Khi quý vị chưa đạt tới cảnh giới “tâm và cảnh đều quên,” thì nên tu hạnh thù thắng “viễn ly (lánh xa)”! Thế nào gọi là “tâm, cảnh đều quên”? Đó chính là:

Nội quán kỳ tâm, tâm vô kỳ tâm,

Ngoại quán kỳ hình, hình vô kỳ hình.

(Trong, quán xét tâm, tâm kia chẳng có,

Ngoài, quán hình tướng, tướng nọ cũng không.)

Tâm cũng không còn nữa – thật sự là không, là trống rỗng. Ngay cả bên ngoài cũng không còn một cảnh giới nào cả. Tâm không, thân cũng không. Cả tâm lẫn cảnh đều bị lãng quên. Mắt nhìn mọi vật, nhưng thảy đều chẳng còn. Đây chính là lúc mà quý vị không còn bị lục căn và lục trần chi phối hoặc điều khiển nữa.

Đức Phật dạy: “Người tu Đạo…” Có thể nói rằng “người tu Đạo” là bao gồm các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di – tức là tất cả những người tu học và thực hành Đạo. Những người tu Đạo thì “cũng giống như cỏ khô, lửa đến phải tránh.” Ở đây ngụ ý rằng vấn đề nam nữ chẳng khác nào củi khô và lửa dữ (hoặc lửa với rơm) vậy. Củi khô thì cũng như cỏ khô vậy – cỏ đã khô rồi thì chỉ một đốm lửa nhỏ cũng có thể bắt lửa và cháy phừng lên! Cho nên, hễ lửa đến thì quý vị phải tránh xa, chớ tới gần nó.

Phàm là người tu Đạo, hễ lửa đến thì nên tránh xa. “Lửa tức là gì? Ở đây, “lửa” là dụ cho dục vọng và ái tình, và cũng là tình cảm mong muốn các cảnh giới của lục trần. Lục căn thì thuộc về tình, còn lục trần thì thuộc về cảnh. Cả sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) hợp với sáu trần (hình sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị, tiếp xúc, pháp) làm cho con người bị đắm say mê muội, mê đắm đến nỗi “sống say chết mộng”!

Vì vậy, “người tu Đạo thấy sự dục lạc tất phải tránh xa.” Người tu Đạo cần phải lánh xa dục vọng. Nếu quý vị có thể “thấy mà như không thấy, nghe mà như không nghe,” tức là đã đạt được cảnh giới:

Nhãn quán hình sắc nội vô hữu,

Nhĩ thính trần sự tâm bất tri.

(Mắt nhìn hình sắc, lòng không động,

Tai vẳng chuyện đời, dạ chẳng hay.)

Thì bấy giờ quý vị không cần phải tu hạnh “viễn ly” nữa. Nếu quý vị ngày ngày tiếp xúc với trần cảnh mà không bị đắm nhiễm thì không sao; nhưng nếu không làm được như vậy thì cần phải nghiêm cẩn tu hạnh “viễn ly” – lánh xa lửa dục!

Chương 31: Tâm Tịch Dục Trừ (Tâm Vắng Lặng, Dục Vọng Dứt)

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: “Hữu nhân hoạn dâm bất chỉ, dục tự đoạn âm. Phật vị chi viết: ‘Nhược đoạn kỳ âm, bất như đoạn tâm. Tâm như Công-tào, Công-tào nhược chỉ, tùng giả đô tức. Tà tâm bất chỉ, đoạn âm hà ích?'”Phật vi thuyết kệ:

“Dục sanh ư nhữ ý,

ý dĩ tư tưởng sanh.

Nhị tâm các tịch tịnh,

Phi sắc diệc phi hành.”

Phật ngôn: “Thử kệ thị Ca-Diếp Phật thuyết.”

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: “Có người lo lòng dâm dục chẳng dứt được, muốn tự đoạn âm. Phật bèn bảo rằng: ‘Đoạn âm không bằng đoạn tâm. Tâm như vị Công-tào; nếu Công-tào nghỉ, thì kẻ tòng sự đều nghỉ. Tà tâm chẳng dứt, đoạn âm ích gì?'”

Đức Phật vì đó mới nói bài kệ:

“Dục sanh từ ý ông,

ý do tư tưởng sanh.

Cả hai tâm vắng lặng,

Phi sắc cũng phi hành.”

Đức Phật dạy: “Bài kệ này là do Đức Phật Ca-Diếp nói.”

Lược giảng:

Chương thứ ba mươi mốt nói rõ rằng việc đoạn trừ dục vọng phải được tiến hành từ tự tâm. Muốn biết về phương pháp “đoạn tâm,” quý vị cần phải nhận thức được rằng dục vọng vốn nảy sanh từ tâm ý, mà tâm ý thì do tư tưởng mà có.

Theo quý vị thì tư tưởng của chúng ta là tự chúng nảy sinh ra, do thứ khác sanh ra, cùng nhau nảy sanh ra, hoặc không do một nhân tố nào cả mà nảy sanh ra? Quý vị cần phải tìm hiểu xem tư tưởng là ở trong, ở ngoài, hay là ở giữa trong và ngoài; và chúng thuộc về quá khứ, hiện tại, hay vị lai.

Quý vị tìm tư tưởng theo cách này, thì tư tưởng sẽ dần dần trở nên tịch tĩnh, vắng lặng, không có tự thể. Một khi tư tưởng đã vắng lặng thì tâm ý của quý vị cũng trở nên vắng lặng. Tâm ý đã vắng lặng thì dục vọng cũng lắng đọng theo. Khi dục vọng đã vắng lặng rồi, thì quý vị sẽ thấy hết thảy sắc và pháp đều giống như bóng dáng trong gương. Nếu giống như hình ảnh phản chiếu trong gương tức là không phải thật – mọi hành vi tựa hồ như bọt nổi trên mặt nước, mà bọt nước thì cũng là hư huyễn. Cho nên, chư Phật đều triển chuyển quán sát, triển chuyển truyền thọ pháp môn phương tiện điều tâm này để mọi người đều có thể theo đó mà điều phục tâm mình trước.

Đức Phật dạy: “Có người lo lòng dâm dục chẳng dứt được, muốn tự đoạn âm.” Có người mắc bệnh dâm dục, không thể nào ngừng được cái tâm dâm dục dù chỉ trong một khoảnh khắc. Vì thấy dục niệm của mình nặng nề, lợi hại như thế, người ấy bèn nghĩ cách giải quyết. Người ấy nghĩ ra cách gì? Người ấy muốn cắt bỏ nam căn của mình!

Phật bèn bảo rằng: “Đoạn âm không bằng đoạn tâm. ” Đức Phật nói với người ấy: “Ông nói ông muốn cắt bỏ nam căn của mình, nhưng như thế vẫn không bằng cắt đứt cái tâm vọng tưởng của chính ông.”

“Tâm như vị công-tào, nếu công-tào nghỉ thì kẻ tòng sự đều nghỉ.” Tâm ví như một kẻ cầm đầu các công nhân, một vị công-tào vậy. Công tào là người mà bất luận làm việc gì thì y cũng làm kẻ cầm đầu – như một ông “supervisor” vậy. Nếu người cầm đầu mà thôi làm, thì những kẻ theo ông ta làm việc cũng đều ngưng công việc cả.

“Tà tâm chẳng dứt, đoạn âm ích gì?” Vì trong lòng dấy khởi vọng tưởng về vấn đề này, nên mới có hành vi như vậy. Nếu trong lòng không khởi vọng tưởng, tức là không có trợ duyên, thì thứ hành vi này sẽ chấm dứt. Do đó, “kẻ tòng-sự đều nghỉ” ngụ ý rằng tất cả vọng tưởng đều chấm dứt. Đức Phật chất vấn: “Nếu ông không ngăn đứt cái tâm dâm dục này, thì cắt bỏ nam căn có tác dụng gì chứ? Biện pháp ấy hoàn toàn vô dụng!”

“Phật vì đó nói kệ.” Đức Phật cũng nhân đó mà nói cho người ấy nghe một bài kệ như sau: “Dục sanh từ ý ông. Các ý nghĩ dâm dục vốn bắt nguồn từ tâm ý của ông, do tâm ý của ông sanh ra. ý do tư tưởng sanh. Còn ý thì từ đâu mà ra? ý là do tư tưởng sanh ra. Cả hai tâm vắng lặng. Phi sắc cũng phi hành. Khi cả hai tâm của ông đều vắng lặng – tâm dục vọng đã lắng đọng và tâm chứa đựng đủ thứ tà tri tà kiến cũng đã ngừng dứt – thì sẽ không có thứ hành vi sắc dục và cũng không có thứ hành vi sắc tâm – các hành vi dục niệm đều không còn.”

Phật dạy: “Bài kệ này là do Đức Phật Ca-Diếp nói.” Chính Đức Phật Ca-Diếp đã nói bài kệ này.

Chương 32: Ngã Không Bố Diệt (Không Còn Cái “Ngã” Thì Hết Sợ Hãi)

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: “Nhân tòng ái dục sanh ưu, tòng ưu sanh bố. Nhược ly ư ái, hà ưu hà bố ?”

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: “Người ta vì ái dục mà sanh lo, vì lo mà sanh sợ. Nếu xa lìa được ái dục thì còn gì để lo, còn gì để sợ?”

Lược giảng:

Đây là chương thứ ba mươi hai; đại ý giải thích tại sao con người có cảm giác lo âu và sợ hãi. Chính vì có lòng tham ái và tham dục nên chúng ta mới sanh ra lo buồn và sợ sệt. Nếu cắt đứt được ái dục thì chúng ta sẽ không còn cảm thấy lo âu và sợ hãi nữa.

Từ vô lượng kiếp về trước cho đến nay, chúng ta vì nhận lầm tứ đại làm tướng của thân mình và lầm tưởng “lục trần duyên ảnh” (bóng dáng của sáu trần cảnh) là tướng của tâm mình, nên sanh ra chấp trước, tham luyến, không muốn buông bỏ chúng. Chính vì thế mà nảy sanh biết bao sự rắc rối, phiền phức. Một khi rắc rối, phiền phức nảy sanh, thì vô số lo âu và phiền não sẽ dấy khởi, và mọi nỗi sợ hãi cũng nổi dậy.

Quán xét tứ-đại, quý vị sẽ nhận thức được rằng thân này là do tứ-đại hợp lại mà thành, chứ vốn không có một cái “ngã” hay cái “tôi”nào cả. Nếu lại quán sát “lục trần duyên ảnh”, quý vị sẽ thấy rằng đó cũng là không, chẳng hề hiện hữu. Một khi quý vị biết được cái tâm này là vô thường và có thể cắt đứt lòng ái dục, thì mọi nối lo âu, sợ hãi của quý vị sẽ tự nhiên tiêu tan.

Đức Phật dạy: “Người ta vì ái dục mà sanh lo, vì lo mà sanh sợ.” Vì có ái tình và dục vọng cho nên quý vị mới có điều để lo nghĩ – có lo âu, có phiền não. Từ những lo âu và phiền não ấy sẽ nảy sanh sự sợ hãi.

Cho nên, “nếu xa lìa được ái dục thì còn gì để lo, còn gì để sợ?” Nếu quý vị có thể cắt đứt hoặc chuyển hóa được ái tình và dục niệm, thì có gì khiến quý vị phải nơm nớp, phập phồng nữa chứ? Tuyệt nhiên không còn gì cả! Con người sở dĩ có lo âu và sợ hãi là chỉ vì họ còn mê chấp và không chịu buông bỏ mà thôi!

Chương 33:Trí Minh Phá Ma (Trí Huệ Và Sự Sáng Suốt Phá Tan Chúng Ma)

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: “Phù vi Đạo giả, thí như nhất nhân dữ vạn nhân chiến. Quải khải xuất môn, ý hoặc khiếp nhược, hoặc bán lộ nhi thối, hoặc cách đấu nhi tử, hoặc đắc thắng nhi hoàn. Sa-môn học Đạo, ưng đương kiên trì kỳ tâm, tinh tấn dũng nhuệ, bất úy tiền cảnh, phá diệt chúng ma, nhi đắc Đạo-quả.”

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: “Người hành Đạo ví như một người chiến đấu với muôn người; mang giáp ra cửa, hoặc có ý khiếp nhược, hoặc nửa đường rồi lui, hoặc chống cự đến chết, hoặc đắc thắng mà về.

Bậc Sa-môn học Đạo phải giữ lòng bền vững và tinh tấn lướt tới, chẳng sợ cảnh trước, phá diệt bọn ma, chứng được Đạo-quả.”

Lược giảng:

Đây là chương thứ ba mươi ba. Trong chương này, Đức Phật dùng thí dụ để cho chúng ta thấy rõ rằng người tu Đạo cần phải tu học ba môn học vô-lậu là Giới, Định, Huệ và nên một lòng một dạ tinh tấn học Đạo.

Lấy thí dụ là có một người có nhiều điều gian dối, vô số thói hư tật xấu và đủ các thứ “hoặc” – kiến-hoặc, tư-hoặc, trần-sa hoặc – tích lũy từ vô thủy. Nếu quý vị có thể giữ tâm cho chuyên nhất mà học Đạo, thì quý vị được ví như “một người.” Nếu quý vị có rất nhiều điều giả dối, rất nhiều mối “hoặc” cùng thói hư tật xấu – những thứ ấy được ví như “muôn người.” Nếu quý vị có thể thọ trì và tu tập giới hạnh thanh tịnh, thì quý vị chẳng khác nào người chiến sĩ được trang bị áo giáp và nón sắt.

Ngoài ra, nếu quý vị có thể giữ vững quyết tâm, không khiếp nhược, tức là quý vị có được sự tinh tấn xuất phát từ Giới-lực. Nếu quý vị có thể tinh tấn, dũng mãnh, không nửa đường quay về, tức là quý vị có được Định-lực. Có Định-lực thì không bỏ cuộc giữa đường, không nửa đường quay về. Lại nữa, nếu quý vị không sợ trùng trùng điệp điệp cảnh giới trước mặt, không sợ hằng hà sa số địch quân ở đằng trước đang chờ dịp để tấn công mình, thì quý vị sẽ không bị mất mạng ngay khi vừa giao chiến – đây là một thứ Huệ-lực.

Liên kết ba sức mạnh của Giới, Định, Huệ với nhau, tất sẽ dứt trừ được những thói hư tật xấu và thói quen giả dối có từ vô thủy. Vô số thói hư tật xấu này được ví như “chúng ma.” Phá tan “chúng ma” thì sẽ chứng được Đạo-quả. Chứng được Đạo-quả tức là “chiến thắng quay về” vậy!

Đức Phật dạy: “Người hành Đạo ví như một người chiến đấu với muôn người.” Nếu quý vị có thể chuyên tâm tu hành thì quý vị chẳng khác nào một người mà phải chiến đấu, đương đầu với cả vạn kẻ địch. Ở đây ngụ ý rằng trừ khử các thói hư tật xấu, thói giả dối, tham, sân, si, của bản thân thì cũng cam go như chiến đấu chống lại cả vạn địch quân vậy.

Người ấy “mang giáp ra cửa.” Bấy giờ, quý vị cũng như người đã được trang bị áo giáp và nón sắt, sẵn sàng chiến đấu, không run sợ.

Người ấy “hoặc có ý khiếp nhược.” Nếu ý chí của quý vị không kiên quyết, có vẻ như sợ sệt – đó là khiếp nhược.

“Hoặc nửa đường rồi lui.” Có thể quý vị tu hành được một lúc rồi lại nản lòng chùn bước, không tu hành nữa – bỏ dở nửa chừng.

“Hoặc chống cự đến chết.” Có thể là khi chiến đấu với những tập khí hư vọng và ma quân, quý vị bị bại trận, phải bỏ mình – tu hành không thành công.

“Hoặc đắc thắng mà về.” Có thể là quý vị được trở về trong chiến thắng vinh quang.

“Bậc Sa-môn học Đạo phải giữ lòng bền vững. Bền tâm vững chí, chớ bỏ dở nửa chừng, và tinh tấn lướt tới, dũng mãnh dấn thân, chỉ có tiến chứ không chịu lùi bước. Chẳng sợ cảnh trước, phá diệt bọn ma, chứng được Đạo-quả.” Nếu quý vị không khiếp sợ đông đảo địch quân ở phía trước, kiên quyết đánh bại hết thảy bè lũ Ma vương, thì tự nhiên chứng được Đạo-quả.

Chương 34: Xử Trung Đắc Đạo (Giữ Trung Dung Tất Đắc Đạo)

Kinh Văn:

Hán Văn: Sa-môn dạ tụng Ca-Diếp Phật Di-Giáo Kinh, kỳ thanh bi khẩn, tư hối dục thối.

Phật vấn chi viết: “Nhữ tích tại gia, tằng vi hà nghiệp?” Đối viết: “Aịi đàn cầm.”

Phật ngôn: Huyền hoãn như hà?” Đối viết: “Bất minh hỷ.”

“Huyền cấp như hà?” Đối viết: “Thanh tuyệt hỷ.”

“Cấp hoãn đắc trung như hà?” Đối viết: “Chư âm phổ hỷ.”

Phật ngôn: “Sa-môn học Đạo diệc nhiên. Tâm nhược điều thích, Đạo khả đắc hỷ. Ư Đạo nhược bạo, bạo tức thân bì; kỳ thân nhược bì, ý tức sanh não; ý nhược sanh não, hành tức thối hỷ; kỳ thành ký thối, tội tất gia hỷ. Đản thanh tịnh an lạc, Đạo bất thất hỷ.”

Dịch Nghĩa: Có thầy Sa-môn ban đêm tụng kinh Di-Giáo của Phật Ca-Diếp, giọng nghe có vẻ buồn thảm, hối hận muốn thụt lùi.

Đức Phật hỏi thầy: “Trước kia, ông ở nhà từng làm nghề gì?”

Đáp rằng: “Thưa, con thích gảy đàn cầm.”

Phật hỏi: “Dây đàn chùng thì sao?” Đáp rằng: “Thưa, thì không rền vang được.”

“Dây đàn căng thì sao”?” Đáp rằng: “Thưa, thì âm thanh đứt đoạn.”

“Chùng, căng vừa chừng thì sao?” Đáp rằng: “Thưa, thì âm thanh phổ khắp.”

Đức Phật dạy: “Bậc Sa-môn học Đạo cũng thế. Tâm, nếu giữ chừng mực thì Đạo có thể chứng được. Đối với Đạo, nếu hấp tấp thì thân mỏi mệt; thân nếu mỏi mệt thì ý liền sanh phiền não; ý nếu sanh phiền não thì hành liền thụt lùi; hành đã thụt lùi thì tội tất thêm lên. Chỉ có thanh tịnh, an lạc thì Đạo mới không mất vậy!”

Lược giảng:

Chương thứ ba mươi bốn nói về phương pháp học Đạo. Người học Đạo cần phải điều phục thân và tâm một cách khéo léo; không nên để cho thân và tâm bị quá căng thẳng hoặc quá ù lì, biếng nhác.

Trong Nho giáo cũng có nói rằng hễ tiến tới càng nhanh bao nhiêu, thì thối lui càng chóng bấy nhiêu! Khi tu Đạo, quý vị không nên xao lãng hoặc quên Đạo, nhưng đồng thời cũng đừng miễn cưỡng ép mình theo Đạo. Được như thế thì đó mới là phương pháp tu Đạo hoàn hảo; bằng không, sẽ không thành tựu Đạo quả được. Chỉ vì quý vị không biết cách dụng công, nên cứ không vội vàng thì lại chậm chạp. Có câu:

Khẩn liễu băng, mạn liễu túng.

Bất khẩn, bất mạn, tài thành công.

(Chặt thì căng, lơi thì chùng,

Không lơi không chặt mới thành công.)

Như dây đàn chẳng hạn, nếu lên dây thật chặt thì sẽ căng quá dễ bị đứt, còn nếu buộc lỏng lẻo thì dây lại bị chùng xuống. Tu hành cũng tương tự như thế, không gấp cũng không chậm thì tu Đạo mới thành công được.

Có thầy Sa-môn ban đêm tụng Kinh Di-Giáo của Phật Ca-Diếp. Một buổi tối nọ, có một thầy Sa-môn ngồi tụng Kinh Di-Giáo được lưu truyền từ thời Đức Phật Ca-Diếp. Khi thầy tụng bộ kinh ấy thì giọng nghe có vẻ buồn thảm, hối hận, muốn thụt lùi. Giọng thầy nghe rất bi thiết, áo não và đượm đầy căng thẳng, hoang mang. Thầy cảm thấy rất hổ thẹn và ân hận vì thâm tâm thầy không muốn tu hành nữa. Thầy đã thối chuyển, chỉ muốn rút lui.

Đức Phật hỏi thầy: “Trước kia, ông ở nhà từng làm nghề gì? Khi ông còn ở nhà với gia đình thì ông làm nghề gì, có khả năng làm được việc gì?”

Đáp rằng, thầy Sa-môn trả lời Đức Phật: “Thưa, con thích gảy đàn cầm. Con thích tấu nhạc gảy đàn. Đó là việc mà con thích nhất.”

Đức Phật hỏi: “Dây đàn chùng thì sao?” Đức Phật bèn hỏi thầy ấy: “Như thế là ông biết rành về việc đánh đàn chứ gì? Vậy nếu dây đàn buộc lỏng, bị chùng, thì sao?” Đáp rằng: “Thưa, thì không rền vang.” Thầy Sa-môn này mới bạch với Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Thì gảy không ra tiếng. Nếu dây bị chùng thì tiếng đàn nghe khàn đục, không âm vang, không ngân nga. Đàn không lên tiếng, chẳng có âm nhạc.”

“Dây đàn căng thì sao?” Đức Phật lại hỏi: “Vậy nếu dây đàn buộc căng quá thì sao?” Đáp rằng: “Thưa, thì âm thanh đứt đoạn.” Thầy Sa-môn bạch với Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Thì khi gảy, dây đàn sẽ bị đứt và tiếng nhạc không còn nữa.”

“Chùng, căng vừa chừng thì sao?” Đức Phật hỏi tiếp: “Nếu dây đàn không căng cũng không chùng, mà ở vào mức tương đối giữa căng và chùng thì sao?” Đáp rằng: “Thưa, thì âm thanh phổ khắp.” Thầy Sa-môn bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Thì tiếng nhạc tấu lên sẽ rền vang réo rắt, chan hòa khắp nơi, nghe rất hay!”

Đức Phật dạy: Bậc Sa-môn học Đạo cũng thế.” Bậc Sa-môn – những người siêng năng cần mẫn tu học Giới, Định, Huệ và muốn dứt sạch tham, sân, si – học Đạo thì cũng phải giống như thế.

“Tâm, nếu giữ chừng mực thì Đạo có thể chứng được.” Nếu quý vị không vội vàng hấp tấp, cũng không trì trệ, buông lung phóng dật, thì quý vị có thể thành Đạo. Đừng nôn nóng cũng đừng lười biếng, thì có thể đắc Đạo.

“Đối với Đạo, nếu hấp tấp thì thân mỏi mệt.” Trong lúc tu Đạo, nếu nôn nóng vội vàng thì sẽ làm cho thân thể mệt nhọc. Hễ quý vị sốt ruột, nóng nảy, giận dữ, thì thân rất dễ bị mệt nhọc. “Thân nếu mỏi mệt, thì ý liền sanh phiền não.” Một khi thân thể đã mệt mỏi, suy nhược thì ý niệm của quý vị cũng sanh phiền não, chán nản. “ý nếu sanh phiền não thì hành liền thụt lùi.” Hễ phiền não nảy sanh thì sẽ dễ dàng đưa đến tâm trạng nản lòng thối chí, muốn lùi bước, muốn hoàn tục, không hăng hái tu hành nữa. “Hành đã thụt lùi thì tội tất thêm liền.” Hành của quý vị đã thụt lùi, không còn tinh tấn nữa, thì tội nghiệp của quý vị chắc chắn sẽ gia tăng và có thể sẽ nặng nề, nghiêm trọng hơn nữa.

“Chỉ có thanh tịnh, an lạc, thì Đạo mới không mất vậy.” Chỉ cần quý vị giữ cho tâm mình luôn được trong sạch, yên vui thanh thản, thì nhất định quý vị sẽ chứng được Đạo!”

Chương 35: Cấu Tịnh Minh Tồn (Tẩy Sạch Cấu Bẩn, Chỉ Còn Vẻ Sáng)

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: “Như nhân đoàn thiết, khử chỉ thành khí, khí tức tinh hảo; học Đạo chi nhân, khử tâm cấu nhiễm, hành tức thanh tịnh hỷ.”

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: “Như người luyện sắt loại bỏ chất cặn rồi làm thành đồ dùng thì đồ dùng được tinh hảo; người học Đạo từ bỏ tâm cấu nhiễm thì hạnh liền thanh tịnh vậy.”

Lược giảng:

Đây là chương thứ ba mươi lăm. Trong chương này, Đức Phật dạy: “Như người luyện sắt loại bỏ chất cặn rồi làm thành đồ dùng thì đồ dùng được tinh hảo.” Người ta luyện sắt bằng cách nung chảy sắt thô rồi gạn lọc để loại bỏ cặn bã. Khi trong sắt không còn cặn bã nữa thì đem rèn hoặc đúc bất cứ vật dụng gì cũng đều vô cùng hoàn hảo cả. Nếu không lọc bỏ chất cặn trong sắt trước, thì đồ vật đúc ra sẽ không có phẩm chất tốt.

Tương tự như thế, “người học Đạo từ bỏ tâm cấu nhiễm thì hạnh liền thanh tịnh vậy.” Tất cả chúng ta, những người tu hành, học Đạo, cần phải gạt bỏ mọi tư tưởng dơ bẩn, ô uế ra khỏi tâm trí. Một khi mọi nhiễm ô, nhơ bợn đã bị loại trừ, thì quý vị sẽ có được tâm thanh tịnh, trong sáng. Nếu tâm cấu nhiễm không trừ khử, thì tâm thanh tịnh sẽ không hiển lộ; cũng giống như cặn bã trong sắt nếu không được loại bỏ thì chẳng thể nào rèn nên một vật dụng tinh hảo vậy. Thế nhưng, nếu được lọc sạch, trong sắt không còn chất cặn, thì sẽ rèn được những đồ vật với phẩm chất tốt.

Tất cả mọi người đều có thể thành Đạo, và ai ai cũng là “đồ dùng” của Đạo. Tuy nhiên, nếu không trừ khử cái tâm nhiễm ô thì quý vị sẽ không thể “chở” Đạo (tải Đạo), không thể thành Đạo được. Do đó, nếu muốn cho Đạo-quả của mình được thành tựu, thì trước hết, quý vị phải dứt trừ tâm cấu nhiễm, tẩy sạch mọi dơ bợn trong tâm!

Ở đây, “cấu nhiễm” tức là những dục vọng trong tâm, đặc biệt là những ý nghĩ về sắc dục. Không dứt bỏ lòng dâm dục tức là có cấu nhiễm; loại trừ lòng dâm dục rồi tức là không còn cấu nhiễm nữa. Khi cấu nhiễm không còn thì tâm được thanh tịnh, trong sạch – các hạnh mà quý vị tu hành đều được thanh tịnh cả. “Hạnh” tức là “hạnh môn,” phương pháp tu hành. Nếu cấu bẩn trong tâm không được trừ khử thì sẽ không đạt được sự thanh tịnh trong việc tu hành. Lòng dâm dục cố nhiên là nhơ uế, và cũng là thứ dục vọng to lớn nhất. Ngoài ra, các thói tham, sân, si, kiêu mạn và nghi hoặc cũng đều là những cấu nhiễm trong tâm. Trừ sạch các thứ cấu nhiễm này thì sự tu hành của quý vị sẽ tương ưng với Đạo. Bấy giờ, quý vị sẽ có thể “trở về nguồn cội” (phản bổn hoàn nguyên) và tìm lại được cái tâm thanh tịnh vốn có của mình.

Chương 36: Triển Chuyển Hoạch Thắng (Sự Chuyển Đổi Thù Thắng)

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: “Nhân ly ác đạo, đắc vi nhân nan; ký đắc vi nhân, khứ nữ tức nam nan; ký đắc vi nam, lục căn hoàn cụ nan; lục căn ký cụ, sanh trung quốc nan; ký sanh trung quốc, trực Phật thế nan; ký trực Phật thế, ngộ Đạo giả nan; ký đắc ngộ Đạo, hưng tín tâm nan; ký hưng tín tâm, phát Bồ-đề tâm nan; ký phát Bồ-đề tâm, vô tu vô chứng nan.”

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: 1) “Người ra khỏi ác đạo, được làm người là khó; 2) đã được làm người, bỏ thân nữ được thân nam là khó; 3) đã được thân nam, sáu căn đầy đủ là khó; 4) sáu căn đã đủ, được sanh ra ở vùng trung tâm đất nước là khó; 5) đã sanh ra ở vùng trung tâm đất nước, gặp Phật ra đời là khó; 6) đã gặp Phật ra đời, lại được gặp bậc tu Đạo là khó; 7) đã được gặp Đạo, lại sanh lòng tin là khó; 8) đã sanh lòng tin, lại phát tâm Bồ-đề là khó; 9) đã phát tâm Bồ-đề, mà đạt đến chỗ vô tu, vô chứng là khó.”

Lược giảng:

Chương thứ ba mươi sáu nói về các sự khó khăn như khó mà được mang thân người, khó mà được sinh trưởng ở vùng trung tâm đất nước, khó mà được gặp bậc Thiện-tri-thức, khó mà được gặp Phật ra đời, v.v…

Đức Phật dạy:

1. “Người ra khỏi ác đạo, được làm người là khó.” Tam ác đạo (ba đường ác) tức là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Thoát khỏi ba đường ác và được sanh làm người là điều không phải dễ!

Khi Đức Phật còn trụ thế, Ngài đã có lần nêu ra một câu hỏi để các đệ tử cùng nhau suy gẫm. Câu hỏi gì? Một hôm nọ, Đức Phật bốc một nắm đất lên rồi hỏi chư đệ tử: “Các ông hãy cho Ta biết: Là đất trong lòng bàn tay Ta nhiều hay đất trên đại địa nhiều? Các ông mỗi người đều phải trả lời câu hỏi của Ta.”

Tất cả đệ tử của Phật đều đáp: “Bạch Đức Thế Tôn! Đương nhiên là đất trong lòng bàn tay của Phật thì ít hơn đất trên đại địa!” Đó là một sự kiện hiển nhiên, đâu có gì đáng phải thắc mắc?

Bấy giờ, Đức Phật mới bảo chúng đệ tử rằng: “Số chúng sanh có thể thoát khỏi ba ác đạo – địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh – và được làm người trở lại cũng ít ỏi như nắm đất trong tay Ta; còn số chúng sanh vẫn còn luẩn quẩn trong trong ba đường ác và không được mang thân người, thì nhiều như đất cát trong đại địa vậy!”

Điều này chứng tỏ rằng thoát khỏi ba đường ác để làm người không phải là chuyện dễ.

2. “Đã được làm người, bỏ thân nữ được thân nam là khó.” Được làm người là khó, tuy nhiên, được làm người nam (thay vì người nữ) thì lại càng khó hơn nữa! Song, đó là nói theo quan điểm của những người muốn làm người nam mà thôi – vì họ muốn mang thân nam nhưng không được toại nguyện nên mới cho là khó. Thế thì, muốn được thân nữ có khó không? Cũng khó khăn không kém! Cho dù quý vị có thích làm người nữ, thì quý vị cũng khó đoan chắc rằng mình sẽ được toại ý, bởi vì đó là chuyện không thể nói chắc được!

Làm người nam hay người nữ là việc mà bản thân quý vị không có quyền quyết định hay lựa chọn. Đó không phải là chuyện mà mình muốn là được. Cho nên, điều này cũng chẳng dễ dàng chút nào!

3. “Đã được thân nam, giả thử quý vị đã được làm người nam hoặc người nữ rồi; sáu căn đầy đủ là khó.” Tôi không muốn chỉ nói về việc “được thân nam” mà thôi, bởi vì cũng có người ao ước được mang thân nữ kia mà! Nếu quý vị có được thân người với giới tính mình muốn – kẻ thích làm người nam thì được mang thân nam, kẻ thích làm người nữ thì được mang thân nữ – tức là quý vị đã được tùy tâm mãn nguyện, không thấy điều đó là khó nữa. Tuy nhiên, làm người mà có được sáu căn đầy đủ, hoàn chỉnh, lại càng không phải dễ.

Sáu căn tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Có nhiều kẻ tuy được mang thân người nhưng lại bị mù lòa hoặc không có mắt. Cũng có kẻ được làm người, song là người điếc, căn tai bị hư hoại. Hoặc có người thì lỗ mũi nghẹt, chẳng thông khí, nên có mũi mà cũng như không. Lưỡi là để nếm hương vị và nói năng, thế nhưng có người không nói được hoặc không biết được mùi vị – đó là do căn lưỡi bị hư hoại. Những người bị tê liệt, bán thân bất toại, không nhúc nhích hoặc cử động được, tức là căn thân của họ bị hư hoại. Hoặc có người thì căn ý bị hư hoại – họ không thể suy nghĩ và không hiểu được gì cả. Đó là những thí dụ điển hình về trường hợp sáu căn không được đầy đủ, hoàn chỉnh.

Sáu căn không toàn vẹn là chuyện thông thường, rất dễ xảy ra. Có được sáu căn đầy đủ, hoàn chỉnh mới là khó, rất khó.

4. “Sáu căn đã trọn đủ, hoàn chỉnh, không khuyết điểm – mắt ra mắt, tai ra tai – mà còn được sanh ra ở trung tâm quốc gia là khó.” Trường hợp tai có hình dạng giống mắt còn mắt có hình dạng giống tai, hoặc môi thì trông giống như mắt còn mắt lại trông giống như môi – như thế là không tương xứng, không cân đối. Hoặc có trường hợp các căn đều “dọn nhà” tới ở chung với nhau – mắt, tai, mũi, miệng không tách riêng ra mà lại quy tụ về một chỗ như muốn làm thành một công ty hợp doanh vậy! Mắt, tai, mũi, miệng mà tập trung vào một chỗ với nhau, quý vị thấy như thế có khó coi lắm không” Song le, chẳng còn cách nào khác!

Đã có sáu căn hoàn bị rồi mà còn được sanh ra ở vùng trung tâm đất nước nữa là điều khó.

Ở Trung-Hoa, dân chúng sinh sống tại bốn miền gần ranh giới chung quanh quốc gia được mệnh danh là Nam man, Bắc mạch (Bắc dịch), Đông di, Tây nhung. Người ở phương nam thì được gọi là “man tử” (kẻ dã man, thô lỗ), ở phương bắc thì được gọi là “mạch” (mọi), ở phương đông thì được gọi là “di nhân,” ở phương tây thì được gọi là “nhung nhân” (rợ). Đó là theo sự phân chia trong nước Trung-Hoa, và những khu vực ấy bị xem là vùng “biên địa hạ tiện.” Muốn được sanh ở miền biên giới là chuyện rất dễ dàng; nhưng muốn được sanh ra ngay giữa vùng trung tâm của quốc gia thì không phải dễ! Muốn được sanh ra tại trung tâm của nước ngoài thì cũng chẳng phải là chuyện dễ. Vậy, được sanh ra ở những nơi thuộc khu vực trung tâm đất nước là khó.

5. “Đã sanh ở trung tâm quốc gia, được gặp đời có Phật là khó.” Đã được sanh ra ngay tại trung tâm của đất nước rồi, mà lại còn được nhằm vào thời kỳ có Phật ra đời nữa là chuyện không phải dễ.

6. “Đã gặp đời có Phật, được gặp bậc Đạo-giả là khó.” “Bậc Đạo-giả” tức là bậc Thiện-tri-thức. Nếu quý vị đã được sanh vào thời Phật trụ thế, gặp được đời có Phật rồi, mà lại còn được hạnh ngộ bậc Thiện-tri-thức- người có Đạo và tu Đạo – thì chính quý vị cũng có thể tu Đạo. Điều này không dễ dàng lắm, cho nên, “được gặp bậc Đạo-giả là khó.”

7. “Đã gặp được Đạo, phát khởi tín tâm là khó.” Mặc dù đã gặp và hiểu được Phật Pháp, đã thấu suốt được các pháp môn tu Đạo rồi, mà nếu quý vị còn có thể khởi lòng tin nữa thì lại không phải dễ. Có thể rằng quý vị đã gặp được Đạo, nhưng quý vị lại không tu hành, không sanh tín tâm. Nếu không sanh tín tâm thì dẫu có gặp Đạo cũng bằng thừa – bởi được gặp rồi mà vẫn không tin tưởng thì cũng chẳng khác gì chưa bao giờ gặp vậy.

8. “Đã khởi tín tâm, phát Bồ-đề tâm là khó.” Cho dù quý vị đã sanh lòng tin tưởng, mà muốn “y pháp tu hành” vẫn không phải dễ. Bởi vì đó chỉ là tin suông mà thôi! Có rất nhiều người tin tưởng Phật Pháp, nhưng khi quý vị bảo họ hãy lo tu hành thì họ lại không muốn. Đừng nói gì khác, chỉ nội một việc cai thuốc lá, bỏ hút thuốc, mà lắm người còn làm không được thay! Bỏ thì thương mà vương thì tội – bỏ không được nên buông không đành!

A! Sanh khởi tín tâm là khó, nhưng cho dẫu quý vị đã có được tín tâm rồi đi chăng nữa, muốn phát tâm Bồ-đề lại càng khó hơn – quý vị không thể “y pháp tu hành.”

9. “Đã phát tâm Bồ-đề, được vô tu vô chứng là khó.” Giả sử quý vị đã phát Bồ-đề tâm rồi. Phát khởi tâm Bồ-đề là chuyện khó, song cứ cho là quý vị cũng đã thực hiện được rồi. Thế nhưng, đạt đến cảnh giới không còn gì để tu, không còn gì để chứng, “sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu” (mọi việc cần làm đều đã làm xong, không còn phải luân hồi nữa) thì lại càng khó khăn hơn nhiều!

“Vô tu vô chứng” tức là đã tu xong rồi, đã chứng đắc rồi; do đó mà không cần phải tu thêm nữa – giống như ăn no rồi thì không cần ăn thêm, hoặc là ngủ đầy giấc rồi thì không cần phải ngủ thêm nữa vậy.

Vì sao tu Đạo mà lại “vô tu vô chứng?” Đó tức là đạt đến ngôi vị Vô-học (không còn gì để học), chứng được Tứ-quả A-la-hán. Đây là giải thích theo quan điểm của Tiểu-thừa.

Dưới cái nhìn của Đại-thừa, thì “vô tu vô chứng” có nghĩa là chứng được Phật-quả, và bấy giờ:

Thượng vô Phật Đạo khả cầu,

Hạ vô chúng sanh khả độ.

(Trên không còn Phật đạo để cầu,

Dưới chẳng còn chúng sanh để độ.)

Đó là cảnh giới “vô tu vô chứng,” và ngôi vị này lại càng không dễ đạt tới.

Cho nên, đối với việc tu hành, nếu quý vị không hiểu Phật Pháp thì không nói làm gì, nhưng nếu hiểu Phật Pháp thì phải gấp rút nỗ lực dụng công tu hành!

Chương 37: Niệm Giới Cận Đạo (Nhớ Nghĩ Đến Giới Là Gần Với Đạo)

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: “Phật tử ly ngô số thiên lý, ức niệm ngô giới, tất đắc Đạo quả. Tại ngô tả hữu, tuy thường kiến ngô, bất thuận ngô giới, chung bất đắc Đạo.”

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: “Phật tử ở cách Ta vài ngàn dặm mà nhớ nghĩ đến Giới của Ta, tất sẽ chứng được Đạo quả; còn ở ngay bên phải bên trái Ta, tuy thường trông thấy Ta, nhưng chẳng y theo Giới của Ta, thì rốt cuộc sẽ không đắc được Đạo.”

Lược giảng:

Chương thứ ba mươi bảy nói rằng nếu quý vị hết lòng tin tưởng vào giới luật của Đức Phật, thì dù quý vị có ở cách Phật đến bao xa đi chăng nữa cũng vẫn như đang ở trước mặt Ngài; còn nếu quý vị không tin tưởng và không thọ trì giới luật của Phật, thì dầu có được thường xuyên ở trước mặt Phật, quý vị cũng chẳng thấy được Phật, chẳng nghe được Pháp! Điều này cũng tương tự như lời dạy của Đức Lục Tổ Huệ Năng: “Nếu các ông tin Ta, thì dù ở cách Ta đến mười vạn tám ngàn dặm đường mà vẫn như đang ở bên cạnh Ta. Nhưng nếu các ông không tin Ta, thì tuy các ông luôn luôn ở bên cạnh Ta mà lại như xa cách Ta cả mười vạn tám ngàn dặm đường vậy!” Và, đó cũng là đại ý của chương kinh này.

Đức Phật dạy: “Phật-tử ở cách Ta vài ngàn dặm mà vẫn nhớ nghĩ đến giới của Ta, tất sẽ chứng đắc Đạo-quả.” Đức Phật dạy rằng: “Những đệ tử của Ta mà ở cách Ta rất xa, xa tới cả vài ngàn dặm đường đi nữa, nếu họ có thể luôn luôn ghi nhớ, không bao giờ quên nghĩ đến giới luật của Ta, và nếu hành trì đúng theo giới luật, thì họ nhất định sẽ chứng được quả-vị trong việc tu Đạo.”

“Còn ở ngay bên phải bên trái Ta, những đệ tử luôn kề cận bên mình Ta, tuy thường trông thấy Ta nhưng chẳng y theo Giới của Ta, thì rốt cuộc sẽ không đắc Đạo được. Mặc dù họ luôn luôn gặp Ta, nhưng nếu họ chẳng vâng theo giới luật của Ta đặt ra mà tu hành, thì không dễ gì chứng được Đạo.”

Phần kinh văn này cho thấy rằng nếu quý vị vâng theo lời dạy của Phật và tu hành đúng theo Phật Pháp, thì quý vị là những đệ-tử chân chánh của Đức Phật – quý vị sẽ thường được thấy Phật, thường được theo Phật để học hỏi. Trái lại, nếu quý vị không thọ trì giới luật, thì quý vị cũng có thể lỡ mất dịp may trước mắt như thường!

Thuở trước, có hai thầy Tỳ-khưu nọ ở nước Ba-la-nại (Varanasi) muốn đến nước Xá-vệ (Shravasti) để bái kiến Đức Phật. Cả hai thầy đều đi bộ và phải vượt qua những chặng đường dài thăm thẳm. Dọc đường, họ cảm thấy rất khát nước; khát đến nỗi không có cách gì để đi tiếp tục nữa. Khi họ sắp chết khát thì bỗng thấy đằng trước có một chút nước đọng trong một cái sọ người! Một thầy Tỳ-khưu liền chụp lấy cái sọ và bưng lên uống, rồi đưa cho thầy kia. Thầy Tỳ-khưu này vì thấy đó là nước đọng trong sọ người, hơn nữa, trong nước lại có rất nhiều lăng quăng, giòi bọ, nên từ chối, không uống.

Thầy Tỳ-khưu thứ nhất bèn hỏi: “Tại sao thầy không uống! Coi chừng bị chết khát đó!”

Thầy Tỳ-khưu kia đáp: “Vì trong giới luật của Đức Phật có dạy không được uống nước có lăng quăng, giòi bọ. Tôi thà chịu chết khát chớ không đời nào uống thứ nước có giòi bọ này! Tôi muốn tu hành đúng theo giới luật của Phật.”

Thầy Tỳ-khưu thứ nhất nói: “Thầy thật là ngu xuẩn! Thầy sắp bị chết khát rồi – nếu thầy uống nước thì còn có thể gặp Phật; còn không uống thì thầy sẽ phải chết khát. Thầy phải biết linh động một chút, không nên cố chấp như thế!” Thấy nói như vậy mà thầy kia vẫn khăng khăng không chịu uống, thầy Tỳ-khưu thứ nhất bèn uống luôn nước cặn; và khi tiếp tục đi, thầy cảm thấy trong người khỏe khoắn hơn nhiều.

Thầy Tỳ-khưu thứ hai, người không chịu uống nước, quả nhiên bị chết khát dọc đường. Nhờ chuyên tâm trì giới nên sau khi chết, thầy được sanh lên cõi trời Đao-Lợi và có đầy đủ phước tướng của người trời (thiên-nhân). Từ cung trời Đao-Lợi, thầy đi bái kiến Đức Phật và được Phật thuyết pháp cho nghe. Bấy giờ, thầy đắc được Tịnh Pháp Nhãn và chứng được quả-vị.

Trong khi đó, thầy Tỳ-khưu uống nước trong sọ người thì ba ngày sau mới đến được nước Xá-vệ. Thầy Tỳ-khưu bị chết khát thì được bái kiến Phật ngay tối hôm thầy chết và sau đó chứng được quả-vị. Ba hôm sau, thầy Tỳ-khưu không bị chết khát cũng tới nơi và đến bái kiến Phật. Đức Phật hỏi thầy: “Ông từ đâu đến? Có bao nhiêu người cùng đi với ông? Ông đi đường được bình an cả chứ?”

Thầy Tỳ-khưu kia thưa với Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Con từ nước Ba-la-nại đến. Đường đến đây rất xa xôi; dọc đường còn phải vượt qua một nơi hoàn toàn không có nước uống. Về sau, tìm được chút nước còn đọng trong một cái sọ, con bèn uống tạm một chút. Còn người bạn đồng tu đi với con vì thấy trong nước ấy có nhiều lăng quăng, giòi bọ, nên không chịu uống, do đó mà bị chết khát rồi. Ấu cũng bởi thầy ấy không có thiện duyên với Phật nên mới phải chết mà chưa được gặp Phật! Vả lại, thầy ấy cũng cố chấp quá. Lòng chấp trước của thầy ấy quá nặng nề!”

Thầy kia nói xong, Đức Phật gọi thầy Tỳ-khưu bị chết khát ra cho thầy kia gặp mặt, và dạy: “Chính trong ngày hôm đó ông ấy được vãng sanh lên cõi trời và được hưởng thọ mạng rất lâu dài của một vị thiên nhân. Ông ấy đã đến Pháp-hội của Ta, và Ta đã thuyết pháp cho ông ấy nghe. Nay ông ấy đã chứng được quả-vị! Ông chê ông ấy ngu xuẩn, kỳ thực, chính ông mới thật là ngu xuẩn! Ông không giữ giới luật của Phật, thì tuy ông được gặp Ta mà cũng như không gặp. Đó là vì ông không thật lòng, không thành tâm, không nghiêm trì giới luật!”

Qua công án này có thể thấy rằng bất luận quý vị có ở trước mặt Phật hay không, nếu quý vị lúc nào cũng tu hành đúng theo giới luật của Phật, tức là quý vị được thấy Phật. Trái lại, nếu quý vị không y theo giới luật của Phật mà tu hành thì dẫu có ở bên cạnh Phật cũng chẳng khác nào chưa từng được gặp Phật vậy!

Chương 38: Sanh Tức Hữu Diệt (Có Sanh Tất Có Diệt)

Kinh Văn:

Hán Văn:

Phật vấn Sa-môn: “Nhân mạng tại kỷ gian?”

Đối viết: “Sổ nhật gian.”

Phật ngôn: “Tử vị tri Đạo.”

Phục vấn nhất Sa-môn: “Nhân mạng tại kỷ gian?”

Đối viết: “Phạn thực gian.”

Phật ngôn: “Tử vị tri Đạo.”

Phục vấn nhất Sa-môn: “Nhân mạng tại kỷ gian?”

Đối viết: “Hô hấp gian.”

Phật ngôn: “Thiện tai! Tử tri Đạo hỷ.”

Dịch Nghĩa:

Đức Phật hỏi một vị Sa-môn: “Mạng người được bao lâu?”

Đáp rằng: “Thưa, trong khoảng vài ngày.”

Đức Phật dạy: “Ông chưa hiểu Đạo!”

Lại hỏi một vị Sa-môn khác: “Mạng người được bao lâu?”

Đáp rằng: “Thưa, trong khoảng một bữa ăn.”

Đức Phật dạy: “Ông chưa hiểu Đạo.”

Lại hỏi một vị Sa-môn khác: “Mạng người được bao lâu?”

Đáp rằng: “Thưa, trong khoảng một hơi thở.”

Đức Phật dạy: “Lành thay! Ông đã hiểu Đạo rồi vậy!”

Lược giảng:

Đức Phật hỏi vị Sa-môn: “Mạng người được bao lâu?” Ở đây, Đức Phật cố ý đặt ra một cuộc vấn đáp. Đức Phật vốn không cần phải hỏi người khác về vấn đề này, và cũng không phải vì Ngài không biết nên cần phải hỏi các thầy Sa-môn để có được một đáp án rõ ràng. Thật ra, bởi biết rằng chẳng ai biết tánh mạng con người có thể kéo dài trong bao nhiêu lâu, cho nên Đức Phật mới có ý hỏi thầy Sa-môn: “Mạng người được bao lâu? Ông cho rằng con người sống được bao lâu?”

Đáp rằng, thầy Sa-môn này bạch với Đức Phật rằng: “Thưa, trong khoảng vài ngày. Chừng một vài hôm là có thể chết. Đời người không dài lắm đâu!”

Đức Phật dạy, Đức Phật nói với thầy Sa-môn này rằng: “Ông chưa hiểu Đạo. Ông vẫn còn chưa hiểu được Đạo!”

Đức Phật lại hỏi một vị Sa-môn khác: “Mạng người được bao lâu?” Sanh mạng con người dài độ bao nhiêu?

Đáp rằng, thầy Sa-môn bạch với Phật: “Thưa, trong khoảng một bữa ăn.” Nghĩa là trong thời gian bằng chừng ăn xong một bữa cơm, sanh mạng con người có thể không còn nữa!

Đức Phật dạy. Đức Phật nói với thầy ấy: “Ông chưa hiểu Đạo.” Ông vẫn chưa hiểu rõ Đạo!

Đức Phật lại hỏi một vị Sa-môn khác: “Mạng người được bao lâu?” Trong quảng thời gian bao lâu thì mạng sống con người kết thúc?

Đáp rằng, thầy Sa-môn này trả lời Đức Phật: “Thưa, trong khoảng một hơi thở.” Thọ mạng của con người chỉ nội trong một hơi thở ra vô mà thôi!

Đức Phật dạy, Đức Phật nói với vị Sa-môn ấy: “Lành thay! Thật tốt lắm thay! Ông đã hiểu Đạo rồi vậy.” Ông đã thấu rõ được Đạo rồi!

Thuở trước, tại Ần-Độ có một vị vua sùng tín ngoại đạo. Phái ngoại đạo thường tu nhiều loại khổ hạnh; như có người thì trì ngưu-giới (sống theo cách của bò), có người thì trì cẩu-giới (sống theo cách của chó), có người thì lấy tro bôi khắp mình mẩy, có người thì ngủ giường đinh…Họ tu những khổ hạnh của phái Du-già, tự hành xác theo đủ mọi hình thức. Trái lại, các thầy Tỳ-khưu tu theo Phật Pháp thì trông có vẻ thanh nhàn, và họ không phải tu tập những khổ hạnh ấy.

Vì thế, vị vua nọ hỏi các đệ tử của Đức Phật: “Trẫm tin rằng mặc dù phái ngoại đạo tu nhiều thứ khổ hạnh như thế, họ vẫn chưa thể đoạn trừ được lòng tham muốn sắc dục. Tỳ-khưu các thầy tùy tiện như thế thì làm sao mà đoạn trừ được phiền não và lòng dâm dục? Chắc chắn là các thầy không thể nào đoạn trừ được!”

Có một vị Pháp-sư trả lời nhà vua rằng: “Xin Bệ-hạ hãy cho gọi một tù nhân có án tử hình còn bị giam giữ trong ngục đến, và phán rằng: “Trẫm giao cho ngươi một bát dầu. Ngươi phải bưng bát dầu này bằng hai tay và đi trên đường phố. Trong lúc đi như thế, nếu ngươi làm nhiễu một giọt dầu ra khỏi bát, Trẫm sẽ cho đem ngươi ra xử tử; còn nếu nhà ngươi không làm đổ một giọt dầu nào cả, thì khi ngươi trở về, Trẫm sẽ tha tội chết và ngươi sẽ được phóng thích.” Sau đó, Bệ-hạ hãy cho một số mỹ nữ đến đàn hát trên con đường mà tên tử tội bưng bát dầu sẽ phải đi qua. Đợi đến khi tên tù đáng tội chết kia đi hết con đường, Bệ-hạ hãy xem xét bát dầu của hắn. Nếu dầu có bị đổ, thì đương nhiên là hắn phải bị giết. Tuy nhiên, nếu một giọt dầu cũng không đổ, thì Bệ-hạ hãy hỏi hắn đã trông thấy những gì ở dọc đường, thử xem hắn trả lời ra sao.”

Nhà vua liền làm theo đúng như thế. Vua cho gọi một tù nhân đã bị kết án tử hình đến và truyền: “Hôm nay đáng lẽ nhà ngươi sẽ bị xử tử, nhưng nay Trẫm cho nhà ngươi một cơ hội có thể thoát được tội chết. Như thế nào ư? Trẫm sẽ giao cho ngươi một bát dầu; và ngươi phải bưng bát dầu trên tay mà đi diễu qua đường phố. Nếu ngươi không để cho một giọt dầu nào sánh ra ngoài, thì khi trở về, ngươi sẽ được miễn tội chết. Còn nếu như ngươi làm đổ dù chỉ một giọt dầu, thì lúc trở về, Trẫm sẽ chiếu theo bản án khi trước mà xử tử nhà ngươi! Vậy ngươi hãy đi thử đi.!”

Người tù nhân theo lệnh vua. Sau khi hắn đi hết con đường và quay trở về, bát dầu của hắn vẫn còn nguyên vẹn, không đổ một giọt!

Nhà vua bèn hỏi: “Khi đi trên đường phố, ngươi đã trông thấy những gì?”

Người tử tù đáp: “Tôi không trông thấy gì khác ngoài bát dầu này! Từng giây từng khắc tôi mải lo canh chừng bát dầu, giữ cho dầu khỏi sánh ra ngoài. Ngoại trừ dầu trong cái bát này ra, tôi chẳng thấy và cũng chẳng nghe gì cả.”

Nhà vua hỏi vị Pháp-sư: “Như thế là ngụ ý gì?”

Nhà Sư đáp: “Người tử tù ấy ví như những bậc Sa-môn xuất gia – bởi nhận thấy sanh tử là đại sự, là vấn đề quan trọng hơn cả, nên họ không có thì giờ để vọng tưởng về sắc dục. Họ chỉ nghĩ đến chuyện sanh tử, tương tự như người tử tù kia vậy – nếu hắn sơ ý để sánh ra ngoài một giọt dầu hoặc có một chút phiền não, thì phải chịu chết. Các bậc Sa-môn xuất gia cũng thế – tại sao họ có thể đoạn trừ được dâm dục? Bởi vì họ xem vấn đề sanh tử là trọng đại! Vì sao những kẻ ngoại đạo không thể dứt bỏ lòng ham mê sắc dục? Vì họ không thể hiểu được vấn đề sanh tử, không biết rằng sanh tử là một sự việc lớn lao. Do đó, họ không đoạn trừ được lòng dâm dục.”

Vì sao quý vị tu Đạo mà chưa đoạn trừ được tâm dâm dục? Vì quý vị chưa chân chánh nhận thức được rằng sự vô thường của sanh tử sẽ xảy đến. Nếu biết được tánh cách cấp bách của lẽ vô thường đối với vấn đề sanh tử, hẳn quý vị sẽ chẳng có thì giờ để khởi các vọng tưởng về sắc dục và cũng chẳng có thì giờ để sanh phiền não về vấn đề ấy!

Chương 39: Giáo Hối Vô Sai (Sự Dạy Bảo Vốn Không Phân Biệt)

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: “Học Phật Đạo giả, Phật sở ngôn thuyết, giai ưng tín thuận. Thí như thực mật, trung biên giai điềm, ngô Kinh diệc nhĩ.”

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: “Người học Đạo Phật, đối với những lời Phật nói đều phải nên tín thuận. Ví như ăn mật, trong ngoài đều ngọt; kinh điển của Ta cũng vậy.”

Lược giảng:

Chương thứ ba mươi chín dạy rằng chúng ta nên tin tưởng và thọ trì tất cả kinh Phật. Chúng ta không nên phân biệt Đại-thừa hay Tiểu-thừa, đốn (mau) hay tiệm (chậm), hoặc so đo bộ kinh nào quan trọng và bộ kinh nào không quan trọng. Chớ sanh ra nhiều tâm phân biệt như thế!

Tất cả kinh điển do Đức Phật thuyết giảng nói chung thì không vượt ra ngoài hai thứ Quyền giáo2 và Thực-giáo3. Quyền-giáo được nói ra là vì Thực-giáo. Vì Thực-giáo nên Phật mới thuyết giảng Quyền-giáo. Nếu nói về Quyền-giáo một cách tỉ mỉ, cặn kẽ thì sẽ hiển xuất Thực-giáo; cho nên, Quyền và Thực thật ra chỉ là một!

Người học Phật Pháp không nên phân biệt Đại-thừa, Tiểu-thừa. Vì vậy, lúc ở Los Angeles tôi đã nói với vị Tỳ-khưu từ Thái-lan rằng: “Trong Phật Pháp vốn không có sự phân biệt giữa Đại-thừa và Tiểu-thừa. Chẳng qua là vì trong Phật-giáo có một số Phật-tử cố chấp, không muốn chân chánh học Phật Pháp, cho nên mới phân chia ra Đại với Tiểu, trở thành những đệ tử bất hiếu của Phật.” Đó cũng là ý chính của chương này.

Đức Phật dạy: “Người học Đạo Phật, đối với những lời Phật nói đều phải nên tín thuận. Tất cả quý vị, những người học tập Đạo Phật, đều phải tin tưởng và thuận theo các kinh điển, giáo pháp do Đức Phật thuyết giảng mà hành trì, chớ nên có tâm phân biệt.

Ví như ăn mật, trong ngoài đều ngọt; kinh điển của Ta cũng vậy. Mật đường thì ở giữa ngọt mà trên mặt cũng ngọt; cho nên cả trong lẫn ngoài đều có hương vị ngọt ngào như nhau, giống như giáo điển của Ta vậy. Kinh điển do Ta thuyết giảng đều là ‘vi Thực thí Quyền, khai Quyền hiển Thực’ – vì Thực-giáo mà ban bố Quyền-giáo và lập ra Quyền-giáo để làm hiển lộ Thực-giáo – nhằm giáo hóa chúng sanh, khiến tất cả chóng thành Phật Đạo! Tất cả đều nằm trong đạo lý này.”

Chương 40: Hành Đạo Tại Tâm (Tâm Phải Thực Hành Theo Đạo)

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: “Sa-môn hành Đạo, vô như ma ngưu, thân tuy hành Đạo, tâm Đạo bất hành. Tâm Đạo nhược hành, hà dụng hành Đạo?”

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: “Bậc Sa-môn hành Đạo đừng như con trâu kéo xay, tuy thân hành Đạo nhưng tâm lại chẳng theo Đạo. Nếu tâm theo Đạo thì cần gì hành Đạo?”

Lược giảng:

Chương thứ bốn mươi nói rõ rằng tu Đạo là ở tâm chớ không phải ở hình thức. Nếu không đặt hết tâm trí vào Đạo, chỉ chú trọng tới việc phô trương bên ngoài, thì chúng ta sẽ giống như con trâu kéo bàn xay – suốt ngày trâu cứ đi vòng quanh cái cối xay, mải miết kéo tới kéo lui, không hề rời khỏi nhà xay lúa.

Đức Phật dạy: “Bậc Sa-môn hành Đạo đừng như con trâu kéo bàn xay.” Thầy Tỳ-khưu tu hành Đạo vô-thượng không nên giống như con trâu kéo bàn xay – cứ ru rú trong nhà xay mà kéo tới kéo lui, quanh đi quẩn lại mãi bên cái cối xay, chẳng ra được tới bên ngoài.

“Tuy thân hành Đạo nhưng tâm lại chẳng theo Đạo.” Tuy rằng bên ngoài thì thân của quý vị vẫn tu hành theo Đạo – lạy Phật, tụng Kinh, trì Chú, nhưng bên trong thì tâm của quý vị lại không làm và cũng không chú ý đến những công hạnh ấy.

“Nếu tâm theo Đạo thì cần gì hành Đạo.” Nếu tâm của quý vị thật sự muốn tu Đạo, nếu quý vị có thể tu Đạo một cách chuyên nhất, không khởi vọng tưởng, và nếu quý vị có thể luôn luôn ở trong Định, thì quý vị cần gì phải hành Đạo? Trong trường hợp này, quý vị không tu Đạo cũng chẳng sao!

Ở đây ngụ ý là quý vị đã hàng phục được tâm mình. Nếu trong lòng quý vị không còn dấy khởi những vọng tưởng về sắc dục nữa, tức là tâm của quý vị đã được điều phục rồi. Còn nếu quý vị cứ tiếp tục khởi các vọng tưởng về sắc dục, tuy bề ngoài ra vẻ hiền lành, thật thà, nhưng bên trong lại không thành thật, cứ móng tâm vọng tưởng chuyện sắc dục; như thế thì bề ngoài dẫu có tốt đẹp thế nào đi nữa cũng chẳng có ích lợi gì cả!

Cho nên, tu hành cần phải chú trọng ở cái tâm. Hàng phục được tâm mình thì sẽ chứng được quả vị rất chóng. Nếu không hàng phục được tâm mình, cứ khởi các vọng tưởng về sắc dục, thì quý vị chẳng khác gì con trâu kéo bàn xay – cứ quanh quẩn bên cái cối xay mà kéo tới kéo lui, vất vả nhọc nhằn hết sức nhưng chạy không thoát, không ra khỏi nhà xay được!

Chương 41: Trực Tâm Xuất Dục (Ngay Thẳng Dứt Trừ Dục Vọng)

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: “Phù vi Đạo giả, như ngưu phụ trọng, hành thâm nê trung. Bì cực, bất cảm tả hữu cố thị. Xuất ly ứ nê, nãi khả tô tức. Sa-môn đương quán, tình dục thậm ư ứ nê, trực tâm niệm Đạo, khả miễn khổ hỷ.”

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: “Người hành Đạo ví như con trâu chở nặng đi trong bùn sâu. Trâu hết sức mỏi mệt, chẳng dám nhìn phải ngó trái; ra khỏi chỗ bùn lầy rồi mới được thư thả. Bậc Sa-môn phải quán tưởng tình dục còn hơn cả bùn lầy. Phải trực tâm niệm Đạo thì mới có thể thoát được sự khổ.”

Lược giảng:

Trong chương thứ bốn mươi mốt này, Đức Phật dạy chúng ta nên dùng trực tâm mà tu Đạo và suy nghĩ về Đạo. Trong mỗi niệm, chúng ta nên lấy việc thoát vòng tình dục làm mục tiêu của mình. ái tình và dục vọng chính là bùn lầy; chúng ta cần phải vượt ra khỏi vũng bùn ấy.

Đức Phật dạy: “Người hành Đạo, tất cả đại chúng, những kẻ tu Đạo, ví như con trâu chở nặng đi trong bùn sâu.” Trên lưng đã chất đầy những đồ vật rất nặng nề, lại còn phải lội qua vũng bùn rất sâu, nên trâu bị sa lầy, không tự kéo chân ra được – hễ rút được chân này lên thì chân kia bị lún xuống; kéo được chân kia ra thì chân nọ lại lún sâu hơn!

“Trâu hết sức mỏi mệt, chẳng dám nhìn phải ngó trái.” Trâu mệt mỏi vô cùng, mệt mỏi đến cực điểm, mệt đến nỗi nó không dám nhìn ngó hai bên.

“Ra khỏi chỗ bùn lầy rồi mới được thư thả.” Chỉ đến khi đã lội qua khỏi vũng bùn, trâu mới có vẻ thảnh thơi, thoải mái đôi chút.

“Bậc Sa-môn, các vị Sa-môn xuất gia – Tỳ khưu, Tỳ-khưu ni – đều phải quán tưởng tình dục còn hơn cả bùn lầy.” So với vũng bùn lầy lội, thì lòng ham muốn tình dục và các vọng tưởng về sắc dục còn nguy hại, đáng sợ hơn nhiều! Cho nên, “phải trực tâm niệm Đạo, phải một lòng một dạ, chỉ có một cái tâm ngay thẳng để suy nghĩ về Đạo và việc tu Đạo, thì mới có thể thoát được sự khổ, tránh khỏi nỗi thống khổ bị sa lầy.”

Chương 42: Đạt Thế Như Huyễn (Hiểu Được Cõi Đời Là Hư Huyễn)

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: “Ngô thị Vương Hầu chi vị như quá khích trần; thị kim ngọc chi bảo như ngõa lịch; thị hoàn tố chi phục như tệ bạch; thị đại thiên giới như nhất ha tử; thị A-nậu trì thủy như đồ túc du.”

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: “Ta xem ngôi vị Vương, Hầu như bụi qua kẽ hở; xem vàng ngọc quý báu như ngói gạch vỡ; xem y phục bằng tơ lụa như vải thô; xem đại thiên thế giới như một hạt ha; xem nước hồ A-nậu như dầu thoa chân.

Lược giảng:

Chương thứ bốn mươi hai, chương cuối cùng, nói rõ rằng Đức Phật bình đẳng quán sát tất cả các pháp và phá tan mọi chấp trước của chúng sanh. Một trăm năm ở cõi nhân gian chúng ta chỉ là một ngày và một đêm ở cõi trời Đao-Lợi; một đại kiếp ở thế giới Ta-Bà này cũng chỉ bằng một ngày và một đêm ở thế giới Cực-Lạc mà thôi. Cho nên, tất cả đều là hư huyễn, không thật.

Đức Phật dạy: “Ta xem ngôi vị Vương, Hầu như bụi qua kẽ hở.” “Vương” là Quốc-vương,” tức là vua của một nước. “Hầu”, hay “chư hầu”, là vua của nước nhỏ (nước chư hầu). So với Hoàng-đế thì ngôi vị Chư-hầu có kém thua một chức – Hoàng-đế thì cũng như Tổng-thống, và chư hầu thì như Tỉnh-trưởng vậy. Nói chung, đó đều là những địa vị rất cao sang, quyền quý. Thế nhưng, Đức Phật xem các địa vị Quốc-vương và Chư-hầu này đều như bụi bặm trong lỗ hổng vậy – chúng chẳng có giá trị gì cả, và cũng chẳng có gì đáng để chấp trước, bất quá chỉ là những hạt bụi trong khe hở mà thôi!

“Xem vàng, ngọc quý báu như ngói gạch vỡ.” Đức Phật nhìn những thứ vàng, bạc, ngọc thạch cũng như nhìn gạch ngói vỡ. Đối với Ngài, các thứ châu báu chẳng qua chỉ là các mảnh vỡ của thứ ngói lợp nhà!

“Xem y phục bằng tơ lụa như vải thô.” Những y phục may bằng tơ lụa là thứ y phục đẹp đẽ nhất, song Đức Phật chỉ coi như mảnh vải thô rách nát, chẳng có gì đáng để chấp trước!

“Xem đại thiên thế giới như một hạt ha.” Đức Phật coi cả tam thiên đại thiên thế giới chỉ lớn bằng một hạt ha mà thôi! (Hạt ha là hạt của trái ha-lê-lặc và rất nhỏ chỉ cỡ trái trám hay trái cà-na).

“Xem nước hồ A-nậu như dầu thoa chân.” Nước trong hồ A-nậu (Anavatapa) vốn rất nhiều, Song Đức Phật thấy nó chỉ bằng lượng dầu ít ỏi đủ để thoa chân chứ không phải là nhiều lắm.

Những đạo lý này được nêu ra nhằm khuyên chúng ta từ bỏ sự chấp trước. Quý vị đừng nên cái gì cũng cho là quan trọng, rồi sanh lòng chấp trước một cách quá đáng. Hễ chấp trước, chẳng thể buông bỏ, thì sẽ không thể nào thành tựu được Đạo-quả!

Kinh Văn:

Hán Văn: “Thị phương tiện môn như hóa bảo tụ; thị Vô-thượng Thừa như mộng kim bạch; thị Phật Đạo như nhãn tiền hoa; thị Thiền Định như Tu-di trụ; thị Niết-bàn như trú tịch ngụ; thị đảo chánh như lục long vũ; thị bình đẳng như Nhất-chân địa; thị hưng hóa như tứ thời mộc.”

Dịch Nghĩa: “Xem môn phương tiện như đống châu báu hóa hiện; xem Vô-thượng Thừa như giấc mộng vàng lụa; xem Phật Đạo như hoa trước mắt; xem Thiền Định như trụ Tu-di; xem Niết-bàn như ngày đêm đều thức; xem sự đảo và chánh như sáu con rồng múa lượng; xem sự bình đẳng như Nhất-chân địa; xem sự hưng hóa như cây cối bốn mùa.”

Lược giảng:

“Xem môn phương tiện như đống châu báu hóa hiện.” Tất cả các vật dụng trên cõi đời đều được làm bằng thất bảo. Thất bảo là bảy nguyên liệu quý giá; vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não.

Ở thế giới Cực-Lạc, mặt đất đều bằng vàng ròng. Khi Bồ-tát Di-Lặc thành Phật, mặt đất của chúng ta sẽ biến thành lưu ly. Hiện tại thì mặt đất của chúng ta là bằng đất, đá, nên rất thô cứng. Đối với vạn sự vạn vật, nếu quý vị thấy chúng là tốt thì chúng sẽ tốt, và nếu quý vị nghĩ chúng là xấu thì chúng cũng sẽ tùy theo tâm của quý vị mà biến đổi. Tất cả mọi thứ đều “duy tâm sở hiện” – đều từ trong chân tâm của chính quý vị biến hiện ra; vì thế, quý vị đừng để cho mình bị mê-hoặc bởi sự giả dối, hư vọng.

Những gì là giả dối, hư vọng? Tất cả hình tướng bên ngoài (ngoại tướng) đều là hư vọng, duy chỉ có bản tánh của chính quý vị là chân thật mà thôi! Vì thế, đừng nên “chấp vọng mê chân” – đừng bám víu vào cái giả tạm mà quên mất cái chân thật!

Môn phương tiện tức là Pháp-môn Tam-Thừa do chư Phật đặt ra, bao gồm các pháp phương tiện của Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát. Nếu chúng sanh tu hành theo các pháp môn này thì sẽ chứng được quả-vị, được thành Phật. Đức Phật “vi Thực thí Quyền” – vì Thực-pháp mà ban bố Quyền-giáo, dùng giáo pháp tạm thời làm phương tiện để dẫn đến giáo pháp chân thật, rốt ráo. Cho nên, Ngài xem pháp môn phương tiện chẳng khác gì một đống châu báu đuợc biến hóa ra.

“Xem pháp Vô-thượng Thừa như giấc mộng vàng lụa.” Vô-thượng Thừa vốn là chân thật, và cũng là thứ đạo lý sẵn có trong tự tánh của chúng sanh. Bởi chỉ có ở trong chứ không ở ngoài tâm chúng sanh, cho nên nói:

“Viên mãn Bồ-đề, quy vô sở đắc.”

Một khi Bồ-đề đã viên mãn, sự giác ngộ đã trọn vẹn, thì cái gì cũng không còn nữa. Do đó, Đức Phật coi Vô-thượng Thừa chẳng khác gì vàng bạc, lụa là trong giấc chiêm bao. Những vàng bạc trong mộng thì đều là giả, là hư huyễn cả.

“Xem Phật Đạo như hoa trước mắt.” Tất cả những gì được nói đến trong Phật Đạo đều là vì hạng phàm phu. Nếu không có phàm phu thì Phật Đạo trở nên vô dụng; vì thế mà gọi là “Vô-vi.” Pháp Vô-vi thì “Vô-khởi diệt” – không có sự sanh khởi mà cũng chẳng có sự tịch diệt – và cũng chẳng thật, như hoa đốm trong hư không. Do đó, Đức Phật xem Phật Đạo chẳng khác nào “không hoa”, hoa đốm giữa không trung vậy.

“Xem Thiền Định như trụ Tu-di.” Núi Tu-di vươn cao trên mặt biển cả và không sóng gió nào có thể lay chuyển được nó. Người tu Thiền Định cần có được thứ định lực “bất động” như núi Tu-di vậy. Thật ra thì núi Tu-di không phải là một thứ pháp chân thật để có thể chứng đắc; nó chẳng qua chỉ là một thí dụ để so sánh mà thôi. Khi thật sự chứng được quả vị, quý vị sẽ thấy mọi thứ đều là không!

Đức Phật nói rằng: “Ta xem môn phương tiện như đống châu báu hóa hiện.” Đối với Đức Phật thì pháp môn phương tiện “vi Thực thí Quyền, khai Quyền hiển Thực” giống như một hỗn hợp gồm những châu báu được biến hóa ra.

“Xem pháp Vô-thượng Thừa như giấc mộng vàng lụa.” Đức Phật xem pháp Đại-thừa vô thượng giống như giấc mơ mà thấy vàng, bạc, châu báu.

“Xem Phật Đạo như hoa trước mắt.” Đức Phật quán tưởng Phật Đạo cũng như hoa đóm trước mắt, không có cái gì là thật cả.

“Xem Thiền Định như trụ Tu-di.” Đức Phật xem Thiền Định như núi Tu-di đứng sừng sững giữa biển, không hề lay động, chao đảo.

“Xem Niết-bàn như ngày đêm đều thức.” Đức Phật xem pháp môn Niết-bàn giống như cả ban ngày lẫn ban đêm đều thức, tỉnh táo, không hề ngủ vậy.

“Xem sự đảo và chánh như sáu con rồng múa lượn.” Đối với Đức Phật, sự điên đảo và chánh đáng chẳng khác gì sáu con rồng múa lượn một cách hỗn loạn. Khi quý vị điên đảo, Lục-căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) liền chạy theo các cảnh giới của Lục-trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Bấy giờ, sáu căn giống như sáu con rồng đang múa may uốn lượn vậy.

“Xem sự bình đẳng như Nhất-chân địa.” Đức Phật coi pháp môn bình đẳng giống như Nhất-chân địa – nền tảng của sự chân thật.

“Xem sự hưng hóa như cây cối bốn mùa.” Đức Phật xem sự hưng hóa Phật Pháp, hoằng dương Phật Pháp, giống như cây cối trong bốn mùa vậy. Vào mùa xuân thì cây cối đâm chồi. Sang mùa hạ thì cây phát triển, lớn lên; qua mùa thu thì lá rụng; và tới mùa đông thì cây trơ cành trụi lá. Do đó, sự hưng thịnh của Phật Pháp cũng có chu kỳ, thời điểm của nó.

Đức Phật giảng như thể để dạy mọi người không nên chấp trước vào cái gì cả. Phàm hễ có sở chấp thì không thể nào đạt được cảnh giới “nhân không, pháp không”. Hạng phàm phu chẳng cho rằng người và pháp đều không – với cái nhìn của họ thì có người, có pháp.

Muốn chứng đắc quả vị của hàng thánh nhân, quý vị cần phải thấy được người và pháp đều là không. Không thấy có người, không thấy có pháp, thì sự chấp trước vào người không còn và sự chấp trước vào pháp cũng chẳng hiện hữu. Khi cả hai thứ chấp trước ấy không còn tồn tại tức là quý vị đã phá được mọi sở chấp, hiểu được đạo lý về tánh không của tất cả mọi thứ. Vậy, người là không và pháp cũng là không. Nếu quý vị chẳng thấy được người là không thì chẳng thể chứng đắc thánh-quả, và chẳng thấy được pháp là không thì chẳng thể đạt được trí huệ của hàng thánh-nhân!

Đức Phật giảng chương này nhằm dạy chúng ta từ bỏ mọi vọng tưởng, chấp trước. Nếu quý vị buông bỏ được hết thì sẽ đạt được sự tự tại chân chánh. Đạt được sự tự tại chân chánh tức là đạt được sự tự do chân chánh. Có được sự tự do chân chánh rồi, quý vị muốn sống thì sống, muốn chết thì chết. Đến, đi tự do; tới, lui tùy ý. Tự do hành động, tự do trong tất cả mọi sự việc, hoàn toàn không bị bó buộc. Đây là sự tự do chân chánh chứ không phải là thứ tự do giả tạo!

HẾT (trọn bộ 42 chương)