PHẬT THUYẾT TỨ PHẨM PHÁP MÔN KINH

Hán dịch: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp Hiền
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại khu vườn rừng Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ, cùng với đại chúng hội đủ. Bấy giờ, Tôn giả A-nan ngồi một mình nơi tịnh thất phát sinh ý nghĩ: “Hữu tình ở thế gian có sự sợ hãi, cho đến tại họa, chướng nạn, bệnh tật, lỗi lầm, đã sinh, sẽ sinh, đều là người ngu mắc phải, người trí thì không”. Tôn giả A-nan suy nghĩ xong, bèn đi đến chỗ Phật, đầu mặt lạy nơi chân Phật, xong rồi đứng qua một bên, bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Con một mình ngồi nơi tịnh thất thanh vắng, phát sinh ý nghĩ thế này: Thế gian có các việc sợ hãi… đều là người ngu mắc phải, người trí thì không. Cúi xin Thế Tôn vì con chỉ dạy.

Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Ông hãy lắng nghe, ta sẽ giảng rõ cho ông.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Con xin vui thích được nghe.

Phật nói:

–Tôn giả A-nan! Thế gian có các việc sợ hãi, đã sinh, sẽ sinh, đó là tai họa, chướng nạn, bệnh tật, lỗi lầm, đều là người ngu mắc phải, người trí thì không.

A-nan! Ví như có người chất đống cỏ lau khô, bị lửa đốt cháy, các việc người ngu sợ hãi… cũng lại như vậy.

A-nan! Như vậy trong đời quá khứ, vị lai, hiện tại người ngu có tai họa, người trí thì không. Người ngu có chướng nạn, người trí thì không. Người ngu có bệnh tật, người trí thì không.

A-nan nên biết! Đây là pháp của người ngu, đây là pháp của người trí. Biết pháp người ngu rồi nên xa lìa để hành pháp người trí.

A-nan! Ông cần phải học như vậy.

Tôn giả A-nan bạch:

–Kính bạch Thế Tôn! Sao gọi là người ngu?

Phật nói:

–A-nan! Nói người ngu là vì ngu tối không rõ. Người ngu ở thế gian đối với chánh pháp không hiểu rõ, cho nên gọi là ngu.

Thế nào là không hiểu rõ? Không rõ cảnh của pháp có bốn phẩm loại. Đó là: không rõ pháp giới, không rõ pháp xứ, không rõ pháp duyên khởi, không rõ pháp của xứ phi xứ.

A-nan! Đối với pháp như vậy không thể thấu tỏ, cho nên gọi là người ngu.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Đúng như vậy! Không rõ bốn pháp nên bị gọi là người ngu.

Lại nữa, thế nào được gọi là người trí?

Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Nói người trí là đối với pháp biết lựa chọn, hiểu rõ đúng sai nên gọi là người trí. Thế nào là hiểu rõ? Hiểu rõ cảnh của pháp cùng bốn phẩm loại, đó là hiểu rõ pháp giới, hiểu rõ pháp xứ, hiểu rõ pháp duyên sinh, hiểu rõ pháp của xứ phi xứ. Hiểu biết hoàn toàn về các pháp như vậy, cho nên được gọi là người trí.

Tôn giả A-nan lại bạch Phật:

–Hiểu rõ pháp này được gọi là người trí, vậy người trí này rõ được pháp giới gì?

Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Ông hỏi rất hay, Ta sẽ vì ông chỉ dạy rõ: Nói pháp giới nhưng có nhiều loại, đó là: Nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới. Nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới, tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới.

Thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới. Thân giới, xúc giới, thân thức giới. Ý giới, pháp giới, ý thức giới. Mười tám giới như vậy, người có trí tuệ đều thấu đạt đúng như thật.

Lại có sáu giới, đó là: Địa giới, hỏa giới, thủy giới, phong giới, không giới, thức giới. Sáu giới như vậy người có trí tuệ thấu đạt đúng như thật.

Lại có sáu giới, đó là: Hỷ giới, lạc giới, khổ giới, xả giới, phiền não giới, vô minh giới. Sáu giới như vậy người có trí tuệ đều thấu đạt đúng như thật.

Lại có sáu giới, đó là: Tham dục giới, sân nhuế giới, bất sân giới, sát hại giới, bất sát giới, xuất ly giới. Sáu giới như vậy người có trí tuệ đều thấu đạt đúng như thật.

Lại có bốn giới, đó là: Thọ giới, tưởng giới, hành giới, thức giới. Bốn giới như vậy, người có trí tuệ đều thấu đạt đúng như thật.

Lại có ba giới, đó là: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Ba giới như vậy, người có trí tuệ đều thấu đạt đúng như thật.

Lại có ba giới, đó là: Hạ giới, trung giới, thượng giới. Ba giới như vậy, người có trí tuệ đều thấu đạt đúng như thật.

Lại có ba giới, đó là: Thiện giới, bất thiện giới, vô ký giới. Ba giới như vậy, người có trí tuệ đều thấu đạt đúng như thật.

Lại có ba giới, đó là: Hữu học giới, Vô học giới, Học vô học giới. Ba giới như vậy, người có trí tuệ đều thấu đạt đúng như thật.

Lại có hai giới, đó là: Hữu lậu giới, Vô lậu giới. Hai giới như vậy người có trí tuệ đều thấu đạt đúng như thật.

Lại có hai giới, đó là: Hữu vi giới, Vô vi giới. Hai giới như vậy người có trí tuệ đều thấu đạt đúng như thật.

Này Tôn giả A-nan! Những giới như vậy người có trí đều hiểu rõ hoàn toàn.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Người có trí tuệ thấu đạt các pháp giới như vậy rồi, lại thế nào là thấu đạt về pháp xứ?

Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Nói pháp xứ đó là mười hai xứ: Nhãn xứ, sắc xứ, nhĩ xứ, thanh xứ; tỷ xứ, hương xứ; thiệt xứ, vị xứ; thân xứ, xúc xứ; ý xứ, pháp xứ.

Mười hai xứ này, người có trí tuệ đều thấu đạt đúng như thật.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Người trí thấu đạt đúng như thật mười hai xứ rồi, lại thế nào là hiểu rõ về pháp duyên sinh?

Phật bảo:

–Người trí nên biết mười hai pháp duyên sinh từ nhân duyên khởi lên, do nhân duyên nên có các pháp. Nhân duyên thế nào? Đó là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục xứ, lục xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử, ưu bi khổ não. như vậy tạo thành một tập hợp khổ lớn. Nếu thấy rõ pháp duyên sinh như trên, tánh của nhân duyên là không, nên duyên tụ thì có, duyên tan thì không. Pháp của duyên là không nên không có các pháp. Đó là vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục xứ diệt, lục xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì lão, tử, ưu bi khổ não diệt. Như vậy tức là diệt một khối khổ lớn. Pháp sinh diệt như vậy, người trí phải nên thấu đạt đúng như thật.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Người trí tuệ đối với pháp duyên sinh nhận biết đúng như thật rồi, lại thế nào là rõ về pháp xứ và phi xứ?

Phật nói:

–Pháp phi xứ là không có sự việc thân, khẩu, ý tạo nghiệp bất thiện nhưng đạt được quả báo thiện. Hay sự việc thân, khẩu, ý tạo nghiệp thiện nhưng lại bị quả báo bất thiện.

Nói thị xứ là có sự việc thân, khẩu, ý tạo các nghiệp thiện và được quả báo vui sướng tốt đẹp, hoặc thân, khẩu, ý tạo các nghiệp bất thiện sẽ bị quả báo bất thiện.

Lại nữa, A-nan! Nói phi xứ là không có sự việc thân, khẩu, ý tạo nghiệp bất thiện, vì mong cầu quả thù thắng, do nhân duyên ấy, sau khi qua đời được sinh trong cõi trời, người. Hoặc thân, khẩu, ý tạo nghiệp thiện, sau khi qua đời lại bi đọa nơi nẻo ác.

Nói thị xứ là có sự việc thân, khẩu, ý tạo các nghiệp thiện được sinh trong cõi trời, người, hoặc tạo nghiệp ác bị đọa vào cõi ác, cũng như vậy.

Lại nữa, A-nan! Không có sự việc trong một thế gian có hai Đức Phật xuất hiện. Có sự việc chỉ có một Đức Phật xuất hiện ở thế gian.

Lại nữa, không có sự việc có hai Luân vương xuất hiện trong một thế gian. Có sự việc chỉ có một Luân vương xuất hiện ở thế gian. Như vậy, nếu có người nữ làm vua Chuyển luân trị vì thế gian, cho đến người ấy làm chủ Tứ thiên vương, chủ Đao-lợi thiên, chủ Đại phạm thiên và thành tựu quả vị Duyên giác, Vô thượng Chánh giác, các việc như vậy không thể có. Nếu có thiện nam đủ tướng Đại nhân, phước tuệ trang nghiêm, làm vua Chuyển luân xuất hiện ở thế gian, cho đến thành tựu bậc Bồ-đề Vô thượng, điều đó đúng như vậy.

Lại nữa, A-nan! Không có sự việc người chánh kiến mà giết cha hại mẹ, giết A-la-hán, phá Tăng hòa hợp, làm thân Phật chảy máu, tạo nghiệp ngũ nghịch. Có sự việc phàm phu ngu si, tà kiến, tạo tội ngũ nghịch.

Lại nữa, A-nan! Nếu là người chánh kiến thì không có sự việc thọ giới phẩm đầy đủ trở lại phạm giới, hủy báng vị A-xà-lê, nói thế này: “A-xà-lê đây giới pháp bất thiện, cũng không thể thọ trì giới cấm, ta sẽ lựa chọn A-xà-lê khác để thọ học giới pháp”. Nói như vậy xong, đến chỗ Sa-môn, Bà-la-môn khác lựa chọn thầy, nhận người kia làm thầy. Hoặc thấy Sa-môn, Bà-la-môn làm các việc hý luận, chẳng phải luật nghi, nương theo người kia làm A-xà-lê để cầu tịch tĩnh, ra khỏi ba cõi. Những việc như vậy nếu là người ngu si, tà kiến, làm để mong cầu thì đúng.

Lại nữa, A-nan! Hoặc người không đoạn trừ căn bản phiền não và tùy phiền não. Do phiền não nên căn lành bị tổn giảm, chướng ngại nơi trí tuệ, che lấp Niết-bàn, pháp chân tịch tĩnh. Người kia nếu rõ về bốn Niệm xứ thì không có lẽ đó. Nếu người đoạn trừ căn bản phiền não và tùy phiền não, hiểu rõ hoàn toàn bốn pháp Niệm xứ, cầu Niết-bàn, thì có điều đó.

Lại nữa, A-nan! Nếu người không đoạn trừ phiền não, mà hiểu rõ bốn Niệm xứ, chứng bảy Giác chi, hướng đến Niết-bàn thì không có điều đó. Nếu người đoạn trừ pháp phiền não xong, mà hiểu rõ bốn Niệm xứ, chứng bảy Giác chi, hướng đến Niết-bàn thì có việc ấy.

Lại nữa, A-nan! Không có sự việc người không đoạn trừ phiền não nhưng hiểu rõ tận cùng về bốn Niệm xứ, chứng bảy Giác chi, chấm dứt tận cùng bờ khổ, hướng đến Niết-bàn, thành tựu Bồ-đề Duyên giác, cho đến đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Có sự việc người đoạn trừ phiền não xong, hiểu rõ về bốn Niệm xứ, chứng bảy Giác chi, chấm dứt tận cùng bờ khổ, hướng đến Niết-bàn, thành tựu Bồ-đề Duyên giác, cho đến thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Người trí thấu đạt đúng như thật pháp xứ, phi xứ như vậy, các ông phải nên đúng như lý mà tu học.

Khi ấy, Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Con được nghe pháp chưa từng có như vậy, đạt vị cam lồ nên hết sức vui mừng. Kính bạch Thế Tôn! Kinh này gọi tên là gì, chúng con phải phụng hành như thế nào?

Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Kinh này tên là Tứ Phẩm Pháp Môn. Cũng gọi là Gương Pháp, cũng gọi là Trống Cam Lồ, cũng gọi là Đa Giới. Tên gọi như vậy, ông nên theo đấy mà thọ trì.

Tôn giả và đại chúng nghe Phật giảng thuyết đều rất hoan hỷ, tín thọ, phụng hành.