SỐ 335
KINH TU MA ĐỀ BỒ TÁT
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành La-duyệtkỳ, cùng với đại chúng một ngàn hai trăm năm mươi người, chúng Bồtát một vạn người.

Bấy giờ, nước La-duyệt-kỳ có bé gái tám tuổi tên Tu-ma-đề, con của trưởng giả Ưu Ca, đã nhiều đời phụng thờ, cung kính vô số trăm ngàn chư Phật quá khứ, chứa nhiều công đức không thể tính đếm được.

Một hôm, Tu-ma-đề từ La-duyệt-kỳ đến núi Kỳ-xà-quật nơi Đức Thế Tôn đang ở, đến nơi cung kính đảnh lễ sát chân Ngài, rồi lui qua một bên, một lòng hướng đến, chắp tay bạch Phật:

–Con có điều muốn hỏi, xin Thế Tôn dùng phương tiện giải nghi cho con.

Đức Phật im lặng, do biết ý của cô gái nên Ngài bảo Tu-ma-đề:

–Con hãy hỏi đi. Như Lai sẽ trả lời đầy đủ phân biệt rõ ràng để con được hoan hỷ.

Tu-ma-đề hỏi Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát sống như thế nào để mọi người trông thấy đều hoan hỷ? Làm sao được nhiều của báu? Làm sao không bị mọi người xa lánh? Làm sao không bị ở trong thai mẹ mà được hóa sinh trong hoa sen ngàn cánh và đứng trước đấng Pháp vương? Làm sao được thần túc để vượt qua vô số quốc độ, đến chỗ chư Phật thăm hỏi và đảnh lễ? Làm sao không bị thù oán, không bị xâm hại, ganh ghét? Làm sao nói ra lời nào, mọi người nghe cũng đều vui mừng và làm theo? Làm sao khỏi bị tai ương và những việc làm tốt không bị hủy hoại? Làm thế nào để ma không thể tìm chỗ sơ hở của mình? Làm thế nào khi lâm chung được Phật ở trước mặt giảng nói pháp, không bị rơi vào chỗ thống khổ? Đây là những câu hỏi của con.

Khi ấy, Đức Phật nói với Tu-ma-đề:

–Lành thay! Những câu con hỏi Như Lai rất hay. Nếu con muốn nghe thì hãy chú ý ghi nhận, nhớ nghĩ. Ta sẽ giải nghi cho.

Bấy giờ, cô gái thưa:

–Lành thay, thưa Thế Tôn! Con xin muốn nghe.

Tu-ma-đề chú ý nghe lời dạy của Thế Tôn.

Đức Phật dạy:

–Bồ-tát có bốn pháp, mọi người thấy đều hoan hỷ:

Không sân hận, xem oan gia như tri thức thiện.

Thường có lòng từ bi đối với tất cả.

Thường mong cầu giáo pháp vô thượng.

Thường tạo hình tượng Phật.

Bồ-tát làm bốn việc này, người thấy luôn hoan hỷ. Đức Phật nhân đó nói kệ:

Không sân hận, hại thiện căn
Thường hành từ, được pháp chính
Làm tượng Phật thân tướng đẹp
Người ưa thấy, tâm hoan hỷ.

Đức Phật bảo Tu-ma-đề:

–Bồ-tát lại có bốn pháp để được giàu có lớn. Đó là:

  1. Bố thí đúng lúc.
  2. Cho rồi càng vui.
  3. Cho rồi không tiếc.
  4. Cho rồi không cầu báo đáp.

Bồ-tát thực hiện bốn việc này thì được giàu có lớn. Nhân đó Phật nói kệ:

Cho đúng lúc, không hối tiếc.
Vui vẻ cho, không mong cầu
Thường bố thí bằng trí tuệ.
Sống nơi đâu cũng giàu có.

Đức Phật bảo Tu-ma-đề:

–Bồ-tát lại có bốn việc không bị mọi người xa lánh:

Không truyền lời nói xấu, gây hai bên tranh đấu.

Hướng dẫn người không hiểu đạo được về con đường giác ngộ.

Nếu chánh pháp bị phá hoại thì hộ trì, làm cho được trường tồn.

Khuyến khích mọi người hết lòng cầu đạt giác ngộ, khiến không lay chuyển.

Bồ-tát thực hành bon việc này không bị mọi người xa lánh. Nhân đó Phật nói kệ:

Không truyền lỗi, gây tranh chấp
Dẫn người mê, hộ chánh pháp
Khuyến khích người cầu giác ngộ
Không bị mọi người xa lánh.

Đức Phật bảo Tu-ma-đề:

–Bồ-tát lại có bốn pháp, được hóa sinh trong hoa sen ngàn cánh, đứng trước đấng Pháp vương. Đó là:

Giã nhỏ bốn loại sen: vàng, đỏ, trắng, xanh thành như bụi ngát thơm, đem đến cúng dường tháp và Xá-lợi Đức Thế Tôn.

Không làm cho người khác khởi tâm sân hận.

Tạc tượng Phật ngự trên hoa sen.

Được pháp tối thượng, khuyến khích mọi người sống hoan hỷ.

Bồ-tát thực hiện bốn việc này nên được hóa sinh trong hoa sen ngàn cánh, đứng trước đấng Pháp vương. Nhân đó Phật nói kệ:

Cúng dường bốn hoa thơm ngát
Trừ sân hận, nhận nghĩa pháp
Được giác ngộ ở trước Phật
Tạc hình tượng sinh trong hoa.

Đức Phật bảo Tu-ma-đề:

–Bồ-tát lại có bốn pháp để đạt được thần túc, đi từ cõi Phật này đến cõi Phật khác. Đó là:

Thấy người làm công đức, khuyến khích thêm.

Thấy người thuyết pháp không làm gián đoạn.

Thường đốt đèn sáng cúng dường chùa tháp.

Cầu chánh định.

Nhờ bốn việc này mà Bồ-tát được thần túc, đi từ cõi Phật này đến cõi Phật khác.

Nhân đó Phật nói kệ:

Làm công đức, bố thí pháp
Nghe nói kinh không cấm ngăn
Thường thắp sáng nơi chùa tháp
Vào chánh định, đi các cõi.

Đức Phật bảo Tu-ma-đề:

–Bồ-tát lại có bốn pháp, không bị oán thù xâm phạm. Đó là:

Đối với bạn thân không có tâm dối gạt.

Không tham lam tài vật của người.

Thấy người bố thí thì hoan hỷ hỗ trợ.

Thấy việc làm của Bồ-tát không phỉ báng.

Với bốn việc như vậy, Bồ-tát thường thực hành thì không bị oán thù, xâm phạm.

Đức Phật bảo Tu-ma-đề:

–Bồ-tát lại có bốn pháp, nên những lời nói của họ khiến cho người nghe tin tưởng, vui vẻ làm theo. Đó là:

Lời nói không trái với ý.

Đối với tri thức thiện thường có lòng thành kính.

Nghe người thuyết pháp không bàn luận phải trái.

Nếu thấy người khác được mời thuyết giảng kinh thì không nên chê chỗ dở của họ.

Bồ-tát thực hiện bốn pháp này, thì lời nói của họ khiến cho người nghe tin tưởng, vui vẻ làm theo. Nhân đó Phật nói kệ:

Nghĩ và nói đều như nhau
Thường thành tín với bạn lành
Nghe giảng pháp không tìm lỗi
Nếu thuyết kinh, tâm hoan hỷ.

Đức Phật bảo Tu-ma-đề:

–Bồ-tát lại có bốn pháp không bị lỗi lầm, làm các việc thiện mau được thanh tịnh. Đó là:

Tâm ý thường nghĩ điều thiện.

Thường giữ giới, định, tuệ.

Bồ-tát mới phát tâm, liền được Nhất thiết trí, độ khắp nhiều người.

Thường có tâm đại từ bi đối với tất cả chúng sinh.

Bồ-tát thực hành bốn pháp này, diệt được vô số tội, mau thanh tịnh.

Nhân đó Phật nói kệ:

Tâm chí thiện, thường độ khắp
Thường gìn giữ giới, định, tuệ
Nhất thiết trí giáo hóa người
Hạnh từ bi được thanh tịnh.

Đức Phật bảo Tu-ma-đề:

–Bồ-tát lại có bốn pháp làm cho ma không tìm được chỗ sơ hở.

Đó là:

Thường niệm Phật.

Luôn tinh tấn Thường niệm kinh pháp.

Thường tạo công đức.

Bồ-tát thực hành bốn pháp này thì ma không tìm được chỗ sơ hở. Nhân đó Phật nói kệ:

Tâm ý vui, thường niệm Phật
Luôn tinh tấn, học giáo pháp
Tự cố gắng tạo công đức
Nên không bị ma sai khiến.

Đức Phật bảo Tu-ma-đề:

–Bồ-tát lại có bốn pháp, khi lâm chung có chư Phật ở trước mặt nói pháp, khiến họ không bị đọa vào nơi đau khổ. Đó là:

Vì tất ca mọi người làm đầy đủ các nguyện.

Nếu người muốn bố thí thì nghĩ cách hỗ trợ, cho họ được đầy đủ.

Nếu thấy người bố thí nhiều mà bị thiếu thốn thì hỗ trợ cho họ.

Thường nghĩ đến việc cúng dường Tam bảo.

Bồ-tát thực hành bốn pháp này, khi lâm chung thấy chư Phật ở trước mặt nói pháp, khiến họ không bị đọa vào nơi đau khổ. Nhân đó Phật nói kệ:

Làm mọi người được mãn nguyện
Đại từ bi khuyên bố thí
Bố thí nhiều bằng trí tuệ
Cúng Tam bảo, được giác ngộ.

Bấy giờ, Tu-ma-đề bạch Phật:

–Bốn mươi việc mà Thế Tôn đã nói, con xin phụng trì hoàn toàn không thiếu sót điều nào. Nếu thiếu sót một điều thì con là kẻ phá hoai Phật, Pháp, Tăng.

Khi ấy, giữa đại hội, Trưởng lão Mục-kiền-liên hỏi Tu-ma-đề:

–Bốn mươi việc này Bồ-tát, Đại sĩ thực hành còn khó thay, huống chi là bé gái như con làm sao hoàn thành được?

Tu-ma-đề thưa:

–Giả như hiện nay con thực hành đầy đủ bốn mươi việc này thì ba ngàn thế giới đều sẽ vì con mà chấn động đủ sáu cách, trời mưa hoa, và các nhạc khí tự nhiên vang tiếng.

Khi Tu-ma-đề vừa phát nguyện xong thì ba ngàn thế giới đều chan động sáu cách, trời mưa hoa và các nhạc khí tự nhiên lên tiếng.

Cô bé thưa với Trưởng lão Mục-kiền-liên:

–Sự chí thành của con đã được chứng minh. Nếu đời sau có ai phát tâm Bồ-đề, cũng như vậy. Sau này con sẽ thành bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri v.v… Nếu như lời con nói không hư vọng thì cả chúng hội này đều trở thành màu hoàng kim.

Theo lời nói đó, cả chúng hội đều hóa thành màu hoàng kim. Lúc ấy Trưởng lão Mục-kiền-lien đứng dậy, sửa lại y phục, chắp tay đảnh lễ Phật và thưa:

–Bạch Thế Tôn! Từ nay con sẽ đảnh lễ tất cả các vị mới phát tâm Bồ-tát. Vì sao? Vì cô bé tám tuổi mà còn đạt được như vậy, huống chi là các bậc Đại sĩ.

Bấy giờ trong chúng hội có Đại Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, liền hỏi Tu-ma-đề:

–Nhờ tu tập pháp nào mà cô được cảm ứng như vậy?

Tu-ma-đề thưa:

–Các pháp không thể tính kể về số lượng, cũng không có chỗ trụ. Sao lại hỏi con tu tập pháp nào? Bồ-tát không nên hỏi như thế.

Bồ-tát Văn-thù hỏi Tu-ma-đề:

–Vì sao cô nói như vậy?

Tu-ma-đề thưa:

–Đối với các pháp không có sự tu tập, không có sự nghi ngờ, không nói đúng-sai.

Bồ-tát Văn-thù hỏi Tu-ma-đề:

–Trước đây Đức Như Lai không tu tập chăng?

Tu-ma-đề thưa:

–Ví như bóng trăng trong nước, như mộng, như dợn nắng, như tiếng vang. Sư tu hành của Như Lai cũng như vậy.

Bồ-tát Văn-thù hỏi Tu-ma-đề:

–Theo cô, làm những việc như trên thì có thể thành Phật không?

Tu-ma-đề trả lời:

–Theo Nhân giả, ba việc: ngu si, trí tuệ và nghiệp có khác nhau chăng?

–Không khác, do tất cả pháp, một pháp, các pháp đều dung hợp với nhau. Vì sao? Vì dù chánh hay phi pháp đều không có chỗ trụ và cũng không có chỗ nắm giữ, hoàn toàn không có sắc.

Bồ-tát Văn-thù hỏi Tu-ma-đề:

–Có bao nhiêu người hiểu được nghĩa này?

Tu-ma-đề đáp:

–Người làm trò ảo thuật biến hóa tùy ý không có hạn chế. Sự biến hóa của nhà ảo thuật còn không giới hạn, nên tin hiểu pháp này cũng vậy.

Bồ-tát Văn-thù hỏi Tu-ma-đề:

–Như tôi hành động không huyễn, không hóa, thì pháp nào hợp với đạo?

Tu-ma-đề thưa:

–Lời nói của Nhân giả rất hay, tất cả pháp xứ là không phải có và cũng không phải không. Cho đến Đức Như Lai cũng không hợp, không tan.

Sau khi vui vẻ khen ngợi lời nói của Tu-ma-đề, Bồ-tát Văn-thù-

sư-lợi đến trước Phật thưa:

–Bạch Thế Tôn! Ý của Tu-ma-đề nói ra thật vi diệu, kỳ lạ, đã thâm nhập đạt được pháp nhẫn. Như vậy, cô ấy phát tâm đến nay đã bao lâu rồi?

Đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Tu-ma-đề này phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, từ đó đến nay nhiều không thể tính đếm được, trước ông đến ba mươi ức kiếp. Nhờ vào cô ta mà ông phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Từ đó ông mới đạt được pháp nhẫn Vô sinh. Khi ông mới phát tâm chính cô ta là thầy của ông.

Nghe Đức Phật nói xong, Bồ-tát Văn-thù làm lễ trước Phật và thưa với Tu-ma-đề:

–Cách biệt đã lâu nay mới gặp lại, được diện kiến thầy và nghe dạy bảo.

Tu-ma-đề nói:

–Chớ nghĩ vậy. Vì sao? Vì pháp nhẫn Vô sinh không có chỗ niệm và cũng không có thầy.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

–Sao Nhân giả không chuyển thân nữ thành nam?

Tu-ma-đề trả lời:

–Việc này là không thể thủ đắc. Vì sao? Vì pháp không có nam hay nữ. Tôi sẽ đoạn trừ sự nghi ngờ của Bồ-tát.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói:

–Hay thay, tôi muốn nghe!

Tu-ma-đề nói với Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi.

–Không bao lâu tôi sẽ chứng được quả vị Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự, Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật – Thiên Trung Thiên. Nếu việc này đúng như vậy thì tôi sẽ thành nam tử.

Vừa nói xong, Tu-ma-đề liền trở thành nam tử, tóc trên đầu rơi sạch, mặc ca-sa và thành Sa-di.

Tu-ma-đề nói với Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Vào đời vị lai, khi tôi thành Phật thì trong nước tôi không có ba việc:

Ma sự.

Địa ngục.

Thói xấu của người nữ.

Nếu tôi có tâm chí thành thì thân tôi sẽ như Sa-môn ba mươi tuổi.

Vừa nói xong, thân hình và dáng điệu của Tu-ma-đề như người ba mươi tuổi. Tu-ma-đề nói với Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Khi tôi thành Phật thì khiến cho người trong nước tôi đều có màu sắc vàng ròng. Đất đai, thành quách và trong ngoài bốn bên đều có tám hàng cây, ao bảy báu với hoa sen báu nhiều màu và các vật báu đều như nhau.

Tu-ma-đề nói:

–Nước của Nhân giả thế nào thì nước của tôi cũng như vậy. Nếu tôi chí thành thì những người trong hội này đều trở thành sắc vàng ròng.

Ngay lúc ấy, chúng hội đều trở thành sắc vàng ròng và thần Trì Địa xuất hiện trên mặt đất với hình dạng một vị Thiên, Địa thần lớn tiếng khen ngợi Tu-ma-đề:

–Khi Đại Bồ-tát Tu-ma-đề thành Phật thì đất nước sẽ có ao, cây, hoa, trái bảy báu đều như vậy.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Không bao lâu nữa, Đại Bồ-tát Tu-ma-đề sẽ thành Phật hiệu là “Như Lai Viễn Văn Cụ Túc Tạng không thọ sinh nơi bốn đường, Bình Đẳng Giác, Hưng Cụ Túc Hạnh, An On Thế Gian, Thiên Thượng Thiên Hạ, Vô Thượng Đại Nhân”.

Ý ông hiểu thế nào, pháp không có chỗ trụ. Vậy ngã có tên hay không?

Đáp:

–Bạch Thế Tôn, không có.

Hỏi:

–Ý ông hiểu sao, người huyen hóa đó có tái sinh vào đời sau hay không?

Đáp:

–Bạch Thế Tôn, không có.

Hỏi:

–Ý ông hiểu thế nào, người huyễn hóa ấy có sinh diệt không?

Đáp:

–Bạch Thế Tôn, không thể.

Hỏi:

–Ý ông hiểu sao, hình tướng của người huyễn hóa ấy là có hay là không?

Đáp:

–Bạch Thế Tôn, không có.

Hỏi:

–Ý ông như thế nào, sự thấy – nghe của người huyễn hóa ấy là thật hay không?

Đáp:

–Bạch Thế Tôn, không có.

Cô gái thưa:

–Con đã từng nghe Phật giảng dạy, sự thấy – nghe của người huyễn hóa ấy không thể là có hay không.

Đức Thế Tôn lại hỏi:

–Ý cô hiểu như thế nào, giả sử không có thân thì người huyễn hóa ấy có thể biến hóa và hành động được hay không?

Cô gái đáp:

–Bạch Thế Tôn! Người huyễn hóa ấy đúng là như vậy, không thật có.

Đức Phật bảo:

–Đúng như vậy! Vô minh không có trong, không có ngoài. Suy ra các pháp đó cũng không có sở hữu, không có phát sinh. Minh không đưa đến đời sau và cũng không hoàn diệt. Vô minh lại không phát sinh, cũng không có tiêu diệt. Vô minh không có hình tướng. Nhưng trong ứng với vô minh thì phát sinh ra hành, thức, danh sắc, sáu nhập, và các tập, thống, ái, thọ, hữu, sinh, lão bệnh tử, sầu bi khổ ưu não, tập hợp nhiều sự khổ lớn.

Tu-ma-đề thưa với Phật:

–Bạch Thế Tôn! Những điều Thế Tôn vừa nêu ra thật là kỳ diệu. Thật là hy hữu, không ai có thể sánh kịp. Vì sao? Vì ngay ở thế gian này, Đức Phật Thiên Trung Thiên chuyển bánh xe pháp luân không thể nghĩ bàn. Pháp luân Phật chuyển không thể nói hết. Pháp luân vô lượng, không thể nắm bắt được. Pháp luân ấy là vô tướng, vô sinh, là Niết-bàn.

Đức Thế Tôn bảo:

–Đúng như lời cô nói, pháp luân Ta chuyển là siêu việt, không thể nghĩ bàn, không thể nói hết. Pháp ấy không thể nắm bắt được, không có hình tướng, vô sinh, là Niết-bàn.

Khi ấy, Tu-ma-đề vui vẻ phấn khởi, phát sinh tâm thiện nên đem bột thơm chiên-đàn cùng các loại hoa hương để dâng cúng Phật và bạch:

–Bạch Thế Tôn! Nhờ công đức sâu dày này ủng hộ mà con đã hàng phục hoàn toàn các căn, chế ngự tham dục, chuyển bánh xe pháp. Sự chuyển pháp luân ấy không thể nghĩ bàn, không thể nói hết được, không có hình tướng, cũng không sinh, là Niết-bàn.

Lúc này, Đức Phật mỉm cười hoan hy, từ kim khẩu của Ngài phát ra hào quang năm màu: xanh, đỏ, vàng, trắng, lục. Ánh sáng đó rộng lớn, chiếu khắp mười phương thế giới, che lấp hết thảy ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, trở lại xoay vòng quanh Phật ba vong rồi từ từ vào lại đỉnh đầu.

Ngay khi ấy, Hiền giả A-nan, vị hiểu rõ bảy pháp là biết tùy thời, biết pháp, biết nghĩa, biết tiết độ, biết chúng hội, biết mình, biết sự hơn, kém của người, từ tòa ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, bày vai phải, chắp tay bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Hôm nay vì cảm ứng điều gì mà Ngài mỉm cười hoan hỷ? Hãy nói cho con biết. Xin Thế Tôn thương tưởng vì sự an ổn cho chư Thiên và loài người mà giảng thuyết.

Đức Phật bảo A-nan:

–Ông có thấy vị Phạm chí Tu-ma-đề nữ này thành tâm dùng bột chiên-đàn cùng hương bột để cúng dường Như Lai và thành tâm phát nguyện chuyển pháp luân không?

Đáp:

–Bạch Thế Tôn, con đã thấy.

Đức Phật dạy:

–Cô gái này đem công đức ấy tạo tự lợi và lợi tha, làm nhiều điều lợi ích. Sau khi mạng chung sẽ bỏ thân nữ, cho đến tám mươi bốn ức kiếp không bị đọa vào cảnh giới ác, cúng dường sáu vạn chư Phật, Thế Tôn, được xuất gia hành đạo, sống theo hạnh Sa-môn, học tập kinh pháp, thọ trì và đọc tụng đúng lúc, hộ trì chánh pháp của Như Lai trong hiện tại. Khi Phật diệt độ, cúng dường xá-lợi, giáo hóa vô số vô lượng chúng sinh không thể tính kể, khiến họ vào đạo Chánh chân vô thượng, thường phụng trì giáo pháp bằng thiện ý, được thành Phật.

Khi Phật giảng nói kinh này và thọ ký cho Tu-ma-đề, có ba mươi ức người phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đều được bất thoái chuyển, sáu vạn Thiên tử đều được pháp nhãn, thấy rõ các pháp. Trong đại chúng có năm trăm Bồ-tát nghe câu hỏi sâu xa của đại sĩ Văn-thù-sư-lợi không hiểu rõ, muốn thoái lui, nhưng khi nghe Tu-ma-đề trả lời đúng đắn nên cảm nhận ngay, liền lấy tấm y dâng lên Đức Phật, không vì dua nịnh hay mong cầu, đem công đức đó với lòng chí thành hướng đến ngôi vị Vô thượng Chánh giác, chứng Bất thoái chuyển, vượt qua chín mươi kiếp không còn sinh tử.

Khi ấy, Đức Phật thọ ký cho năm trăm người vào mười kiếp sau, ở kiếp Vô Trần Cấu, có Phật hiệu là Cố Thọ Như Lai Vô Sinh Chánh Đẳng Chánh Giác. Năm trăm vị này sẽ sinh vào nước Diễm Khí ấy và cũng thành Phật trong một kiếp, đều đồng một hiệu là Trang Sức Dự Tri Nhân Ý Như Lai, Chánh Đẳng Chánh Giác.

Đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Nên biết rằng kinh này có nhiều lợi ích đến như vậy. Tư đây mãi về sau, có Đại Bồ-tát và Sa-môn, thiện nam, thiện nữ nào cầu đạo Bồ-tát, phụng hành sáu độ mà chưa có phương tiện thiện xảo thì không bằng ghi chép, đọc tụng và truyền bá kinh này, lại dạy bảo người khác ghi nhớ những pháp trong đây, nên giảng giải cho những người muốn nghe.

Đức Phật lại bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Đối với những việc làm mà Bồ-tát chưa nghe và chưa thực hành này, thì phải ghi nhớ và tu tập. Vì sao? Vì ví như Chuyển luân vương còn cai trị thế gian, suốt đời bảy báu đều đầy đủ, nhưng vị vua ấy băng hà thì bảy báu bị phân tán. Như thế, này Bồ-tát Văn-thù-sưlợi! Nếu kinh pháp còn trụ ở đời thì bảy giác ý vẫn tồn tại. Nếu pháp Phật diệt thì bảy giác ý cũng tiêu diệt theo.

Đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Ông phải tìm tòi, sưu tập các kinh, siêng năng học tập, sao chép và thuyết giảng cho người khác, giải thích rộng ý nghĩa để dạy bảo loài hữu tình, thường phải tinh tấn thực hành. Vậy, thiện nam hay thiện nữ nào muốn cầu Phật đạo thì đừng bỏ dở nửa chừng.

Khi Phật giảng nói kinh này xong, Bồ-tát Tu-ma-đề, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Tôn giả Muc-kiền-liên v.v…, chư Thiên và loài người cùng ở trong chúng hội như: A-tu-la, Kiền-đạp-hòa, Trì Thế v.v… đều hoan hỷ nghe theo.