KINH TRƯỞNG GIẢ ÂM DUYỆT

Hán dịch: Đời Đông Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo và các Bồ-tát, thiện nam, tín nữ ở tại núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành La-duyệt-kỳ. Tất cả chúng hội vây quanh nghe Phật thuyết pháp. Phật bảo đại chúng:

–Ở trong thành kia, có Trưởng giả tên là Âm Duyệt, rất giàu có, của cải vô số, tuổi đã cao mà không có con, nên lấy làm buồn rầu. Tuy nhiên, vị trưởng giả này có phước đức đời trước nên được bốn phước báo:

  1. Phu nhân sẽ sinh con trai, đẹp đẽ không ai bằng.
  2. Năm trăm ngựa trắng cùng một lúc sinh ngựa con khỏe mạnh.
  3. Được nhà vua trao ấn vàng, cho làm sứ giả.
  4. Năm trăm thuyền báu cùng đến một lúc. Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Vì sao được thuyền báu… cùng đến một lúc?

Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Lúc trước, Trưởng giả Âm Duyệt có thân tộc rất nhiều, đã sai năm trăm người đi thuyền vào biển. Nay được vật báu và an ổn trở về nhà. Thế nên Đức Như Lai nói bốn phước ấy, cùng một lúc tập hợp.

Trưởng giả vui mừng, tự nghĩ: “Trời đã ban phước đức và tập hợp lại cho ta, ta nên làm thức ăn ngon, hội hợp thân tộc cùng nhau chúc mừng.” Liền theo ý nghĩ, trưởng giả làm nhiều thức ăn, vui chơi, ca hát, đờn trống, âm thanh vang đến cõi trời.

Khi ấy, trời Tứ Thiên vương, trời Thích Phạm vương, các vua Rồng, Quỷ, A-tu-la vương, tất cả thần vương cùng với quyến thuộc đứng trong hư không, nhìn xem phước đức vô lượng của Trưởng giả.

Với thần lực, Đức Như Lai biết Trưởng giả lòng rất vui mừng hớn hở. Nhân đó Như Lai muốn đến khen ngợi. Nếu Trưởng giả hiểu rõ, có thể gieo trồng phước đức.

Đúng thời, Như Lai đến khen ngợi bằng tám loại âm thanh hay tốt lien đứng ngoài cửa, nói bài kệ:

Trưởng giả hôm nay
Phước lành tụ hợp
Tất cả đều đến
Lợi tốt dòng họ.
Xưa gieo phước đức
Được bốn phước lành
Lớn nhỏ sướng vui
Thế gian ai bằng!
Chư Thiên, rồng, thần
Đều cùng kính phục
Vui thay Trưởng giả
Chứa được phước lành.
Như xuân gieo lúa
Mùa thu gặt hái
Trước làm sau hưởng
Phước báo theo nhau.

Trưởng giả nghe được âm thanh hay của Phật, năm tình thong thả, vui vẻ bước ra, gặp Phật, liền cung kính thưa:

–Sa-môn Cù-đàm thật là thần diệu! Biết được gia tộc của con có vô lượng phước lành, Ngài còn chiếu cố đến nhà con khen ngợi.

Trưởng giả liền đem lụa trắng tốt trị giá ngàn vạn lượng vàng dâng cúng Như Lai. Phật liền thọ nhận và chú nguyện.

Phật bảo trưởng giả:

–Tài có năm điều nguy hại. Người đời không biết mới tham lam bỏn sẻn, không chịu giảm bớt, ban phát cho người nghèo cùng thiếu thốn, sau khi qua đời cung bỏ hết của cải lại. Nay ông cũng vậy, đã được phước báo, sinh ra nơi nào cũng được phước đức.

Trưởng giả bạch Phật:

–Thế nào là năm việc nguy hại?

Phật liền dạy:

  1. Không biết lửa lớn thiêu đốt lúc nào.
  2. Nước lớn vô thường sẽ làm trôi chìm.
  3. Bị quan trên vô cớ tìm cách chiếm đoạt.
  4. Con hư sẽ tiêu xài không có hạn lượng.
  5. Bị giặc cướp tìm cách đoạt lấy.

Năm việc này một khi xảy đến thì không thể ngăn chặn được. Ví như có người vi phạm pháp vua, bị bắt giam vào ngục phải chịu hình phạt chết, của cải nhập vào cửa quan làm sao ngăn cản được.

Lại nữa, như của cải châu báu nước Bân-chì nhiều vô số, bị quốc vương đoạt lấy, người chủ không thể giữ lại được, cũng chẳng phải thần, rồng có thể ngăn được. Vì sao? Vì đời trước bố thí không hối tiếc cho nên đời này không giàu không nghèo.

Nghe Phật nói, trưởng giả càng thêm vui mừng. Lúc đó, Như Lai liền trở về núi Kỳ-xà-quật.

Bấy giờ, trong nước có kẻ dị đạo Ni-kiền tên là Bất-lan Cadiếp, nghe Như Lai đến nhà Trưởng giả nói bài kệ khen ngợi mà được Trưởng giả cúng dường ngàn vạn lượng vàng, nên sinh tâm ganh ghét, liền suy nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm chỉ nói bài kệ khen ngợi mà còn được vàng, huống gì là ta đến đó xin mà không được sao?” Lại suy nghĩ tiếp: “Ta nên đến nhờ Sa-môn Cù-đàm nói cho một bài kệ rồi sau đó mới đi xin chắc chắn sẽ được châu báu. Ta than thở sẽ được Cù-đàm cho bài kệ.”

Bất-lan Ca-diếp ôm lòng ngu si, ganh ghét, đến cúi đầu thăm hỏi Như Lai, quỳ gối thưa Phật:

–Con đức mỏng không có phước, áo cơm không no đủ, nghe nói Cù-đàm đến nhà trưởng giả chỉ nói một bài kệ khen ngợi mà được rất nhiều châu báu, lẽ nào Ngài không thương xót mà ban cho con bài kệ để cho con đọc tụng, đến đó than thở, hy vọng sẽ được châu báu.

Với ba minh, Đức Như Lai biết được trưởng giả kia sau này của cải sẽ tan hoại. Bất-lan Ca-diếp không biết thời nếu đến nhà Trưởng giả gặp lúc nguy ách mà nói bài kệ phước lành ắt sẽ bị Trưởng giả đánh trượng rất đau.

Như Lai mới bảo:

–Ta không tiếc bài kệ. Vì sao? Vì ông không biết thời để nói bài kệ này, ắt sẽ bị đau khổ. Thế nên, Như Lai không thể giúp theo ý muốn của ông. Nếu như gặp lúc nói đúng thời, ta sẽ cho ông câu kệ hay tuyệt, làm cho Trưởng giả nghe lời nói chân thật, ông có thể thoát khỏi bị đánh đập đau đớn.

Bất-lan Ca-diếp tự nghĩ: “Vì không muốn ta đến nhà trưởng giả xin châu báu nên Sa-môn Cù-đàm tiếc bài kệ, không chịu cho ta.” Nghĩ vậy liền thưa xin lần nữa:

–Ngài cứ cho con, đâu cần biết những việc khác.

Như Lai thương xót, can gián ba lần nhưng người kia vẫn không chịu hiểu, Phật cũng biết rõ nhân duyên đời trước của Bất-lan Cadiếp nên đời nay phải chịu đau khổ này.

Như Lai lại bảo:

–Tọi không thể để nợ được.

Phật liền nói bài kệ phước lành Ni-kiền đọc tụng một năm mới thuộc.

Về sau, nhà Trưởng giả bị lửa đốt cháy, vật báu đều cháy hết, năm trăm ngựa mạnh khỏe, cùng một lúc bị lửa thiêu chết, sinh đứa con xinh đẹp trong một ngày liền chết, nhà vua sai sứ đòi lại ấn vàng. Sau đó, nhà Trưởng giả đi thuyền vào biển, tìm châu báu an ổn trở về, vào bờ được vài ngày, năm trăm thuyền báu chỉ trong một ngày bị trôi chìm hết. Thân tộc lớn nhỏ đều buồn rầu ví như có người sắp bị xử trảm đang trong thời gian chờ chết, cảnh thật buồn rầu, lo sợ khó nói hết được.

Ngày hôm đó, Bất-lan Ca-diếp đi đến cửa nhà Trưởng giả, đọc bài kệ Cát tường của Như Lai cho:

Hôm nay trưởng giả
Phước lành tập hợp
Tất cả đều đến
Lợi tốt dòng họ.
Xưa gieo phước đức
Được bốn phước lành
Lớn nhỏ sướng vui
Thế gian ai bằng!
Chư Thiên, Thần, Rồng
Đều cùng khen ngợi
Vui thay trưởng giả.
Chứa được phước lành.
Như xuân gieo lúa
Mùa thu gặt hái
Trước làm sau hưởng
Phước báo theo nhau.

Lúc Bất-lan Ca-diếp đọc bài kệ này xong, trưởng giả liền mở cửa, nổi giận nói:

–Tai họa trong thiên hạ không ai hơn ta. Vì sao người này lõa hình, không biết hổ thẹn mà còn cho đó là tốt đẹp, nói điềm phước lành cho ta, làm cho ta càng thêm lo buồn?

Nói xong, liền ra đánh đập Bất-lan Ca-diếp, từ đầu đến chân, không chỗ nào là không bị đánh, toàn thân cử động rất đau đớn. Bấtlan Ca-diếp phải bò lết về nhà.

Các Lục sư thấy vậy, hỏi thăm.

Bất-lan Ca-diếp đáp:

–Tai biến này chính là do Cù-đàm.

Bất-lan Ca-diếp không biết tự xét mình trở lại oán trách Thế Tôn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ở trong vườn Trúc, thuộc thành Laduyệt-kỳ, cùng đại chúng đang vây quanh nghe Phật thuyết pháp.

Phật bảo đại chúng:

–Bất-lan Ca-diếp trước đây theo Như Lai cầu xin một bài kệ, muốn đến nhà trưởng giả ca tụng để xin châu báu. Như Lai đã can gián, nhưng ông ta không tin, nay đã ở đó gặp tai họa đau đớn.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Bất-lan Ca-diếp với Trưởng giả có nhân duyên gì mà bị tai họa ấy?

Phật bảo A-nan:

–Chính thuở xưa, cách nay hàng a-tăng-kỳ kiếp không thể tính đếm được, khi ấy có quốc vương cũng tên là Âm Duyệt, lại có một con chim tên là Anh vũ, đậu trên cung vua hót tiếng rất hay. Vào lúc nhà vua nằm nghỉ trưa, nghe tiếng chim hót giật mình thức dậy hỏi các quan xung quanh: “Con chim gì hót tiếng rất hay?”

Các quan thưa: “Có một con chim kỳ lạ, lông có năm màu sáng rực, đậu trên cung vua hót rồi bay đi.”

Nhà vua liền sai mọi người cưỡi ngựa đuổi theo, liên tục tìm kiếm rất lâu mới bắt được nó đem về. Được chim, vua rất vui mừng, yêu thích không chán. Vua liền lấy châu ngọc, thủy tinh, lưu ly, chân châu, san hô để trang sức trên khắp thân, đầu, cổ, lông, cánh của nó và luôn ở bên nó ngày đêm nhìn ngắm, không rời nó giây phút nào.

Sau đó lại có một con chim tên là Cú sói đầu, bay đến đậu trên cung vua, thấy Anh vũ được vua thương mến, liền hỏi Anh vũ: “Do nhân nào đến đây?”

Anh vũ đáp: “Tôi bay đến đậu trên cung vua hót tiếng rất hay, nhà vua thương mến tôi, bắt lấy tôi, thường ở bên cạnh, lấy châu báu năm màu và chuỗi ngọc trang sức trên thân tôi.”

Chim Cú sói đầu nghe rồi ganh tỵ, liền nghĩ: “Ta cũng sẽ hót tiếng hay hơn Anh vũ. Quốc vương cũng sẽ yêu mến ta.”

Đến lúc vua nằm nghỉ, chim Cú sói đầu cất tiếng kêu, vua giật mình kinh ngạc, lông tóc dựng đứng, vô cùng lo sợ, hỏi các quan: “Đây là tiếng gì vậy, làm cho ta kinh động lo sợ?”

Các quan tâu: “Đó là tiếng hót ghê rợn của con chim tên là Cú sói đầu.”

Vua nổi giận nói: “Các người hãy phân công đi tìm kiếm, đuổi bắt nó về đây.”

Mọi người bắt được chim đem về cho vua. Vua ra lệnh các quan: “Nhổ hết lông cánh của chim Cú sói đầu, sẽ khiến cho toàn thân của nó cử động rất đau đớn.”

Chim Cú sói đầu đi xiểng liểng ra đến đồng ruộng. Các chim bạn thăm hỏi: “Vì sao đến nỗi như vậy?”

Chim Cú sói đầu sân giận, không tự trách mình, lại đáp:

“Chính tại Anh vũ nên tôi mắc tai vạ này.” Phật nói:

–Tiếng tốt được phước, tiếng xấu mắc tai họa, tội báo do mình, trở lại giận Anh vũ.

Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Quốc vương khi xưa nay chính là Trưởng giả Âm Duyệt. Chim Anh vũ chính là ta. Chim Cú sói đầu nay chính là Bất-lan Ca-diếp. Khi xưa, chim Cú sói đầu ganh ghét Anh vũ liền bị tai họa, nay ganh ghét Như Lai mắc tai họa đau đớn khó nói, tham lam ganh ghét sẽ thiêu đốt thân mình, khác gì nạn khổ. Vì sao? Vì Bất-lan Ca-diếp trước sau đã chê bai Như Lai sáu lần, đó là:

  1. Ở trong nước đang có tai nạn mà sinh tâm tham ganh ghét, chê bai Như Lai.
  2. Ở trong vườn Trúc, thuộc thành La-duyệt-kỳ, chê bai Như Lai.
  3. Ở trong thành La-duyệt-kỳ đến nhà Trưởng giả Âm Duyệt, vì tham vàng bạc mà chê bai Như Lai.
  4. Ở trong nước Ma-kiệt-đề, vì tham vật cúng dường mà chê bai Như Lai.
  5. Ở trong nước Duy-da-ly, vì tham danh lợi dưỡng mà chê bai Như Lai.
  6. Ở trong nước Xá-vệ, vì tham lợi dưỡng và tiếng khen mà chê bai Như Lai.

Khi ấy, quốc vương đuổi ra khỏi nước, Bất-lan Ca-diếp và ngoại đạo, lục sư, đồ chúng đều một lòng nói: “Cù-đàm thật là oai thần, ai nấy đều kính trọng. Chúng ta pháp thuật con non kém, tiếng tăm không còn, ai thấy cũng sợ hãi, làm sao mà sống được. Cũng như lấy cát bỏ vào trong bình nước, liền bị chìm xuống.” Sau đó qua đời, bị đọa vào địa ngục, bị tra khảo, trị tất cả tội, đau khổ vô cùng.

Phật lại bảo đại chúng:

–Vào đời vị lai phần nhiều là người xấu ác, tham lam, ganh tỵ, cao ngạo, chê bai, nhiều ít đều cùng nhau mong cầu, vì thế mà tự thiêu đốt lấy mình. Thật khổ thay!

Này A-nan! Vì thế các ông nên giảng nói rộng kinh này để cứu giúp chúng sinh đời vị lai.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Trưởng giả Âm Duyệt đời trước gieo trồng phước đức gì mà nay được bốn phước báo này và đã tạo tội gì mà lại mất đi?

Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Đời trước, Trưởng giả Âm Duyệt, lúc còn nhỏ tôn kính Phật, Pháp và Thánh chúng, hết lòng cúng dường và nguyện được giàu sang. Sau đó cưới vợ, đam mê sắc đẹp, xem thường Tam bảo, không có lòng lành cứu giúp người già yếu và trẻ nhỏ. Vì thế quả báo ứng hợp, phước hết, sự nghiệp liền tiêu tan. Các ông nên giảng nói, chỉ bày làm cho họ hiểu biết pháp này.

Phật giảng nói kinh này rồi, bốn bộ đệ tử, trời, rồng, quỷ, thần, quốc vương, dân chúng và tất cả đại chúng trong hội được nghe kinh đều vui mừng cùng đảnh lễ Phật.