SỐ 309
KINH TỐI THẮNG VẤN BỒ-TÁT THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT
Hán dịch: Đời Dao Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người Lương châu
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN THỨ BẢY

Phẩm 19: GIÁO HÓA CHÚNG SINH

Bấy giờ, Bồ-tát Tối Thắng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Làm thế nào Đại Bồ-tát vượt qua sinh tử thực hành việc khó làm, từ một cõi Phật này đến cõi Phật khác, dạy dỗ chúng sinh trang nghiêm đạo tràng. Tuy giáo hóa chúng sinh mà không thấy giáo hóa, cũng không thấy chúng sinh được giáo hóa, lại không có sự giáo hóa của mình. Vì sao? Vì quán sát pháp tánh như hư không, vắng lặng không sở hữu.

Đức Phật bảo Bồ-tát Tối Thắng:

–Đúng vậy! Đúng vậy! Như ông đã nói! Đại Bồ-tát, duy trì thệ nguyện rộng lớn, tâm không ngằn mé, dạy bảo chúng sinh làm thanh tịnh cõi Phật. Tuy giáo hóa chúng sinh nhưng không thấy giáo hóa và không thấy chúng sinh. Vì sao? Vì quán sát tánh của các pháp như hư không, vắng lặng không sở hữu, đều là không vắng lặng, không hình, không tướng, không thể thấy được. Pháp của tất cả các pháp, tự nó là không. Chúng ssinh của chúng sinh tự nó là không. Cõi nước của cõi nước tự nó là không. Bồ-tát của Bồ-tát tự không. Như vậy, này Tối Thắng! Bồ-tát nên quán sát như vậy, vào sâu trong các pháp sẽ hiểu biết các pháp đồng một tướng. Trí tuệ hiểu biết các pháp vắng lặng, vô vi không bị nhiễm chấp, Đại Bồ-tát cũng như vậy, điều phục tâm ý, hướng tâm ý đến đạo, tâm khó bị hủy hoại, nhất định chứng đắc đạo Bồ-đề vô thượng, ý chí vững như Kim cang cũng không thoái chuyển. Lấy cây đạo Anh lạc làm pháp vô vi, từ lúc mới phát tâm cho đến lúc ngồi nơi đạo tràng nơi cội Bồ-đề, có những chúng sinh đã hàng phục, đang được hàng phục và chưa hàng phục. Trong thời gian ấy không

khởi tâm kiêu mạn, mạn ta thắng họ không bằng, mạn ta bằng họ, mạn họ hơn ta cũng như vậy, tăng thượng mạn, tăng trung mạn, hạ thượng mạn, hạ trung mạn, hạ hạ mạn, cứ như vậy, Đại Bồ-tát cần phải suy nghĩ tư duy về những mạn này, cũng không sinh tâm tật đố, che giấu, cống cao. Bồ-tát luôn nhập Thiền định xem xét chúng sinh nào đáng độ hay không đáng độ, dùng phương tiện quyền xảo vào tám nạn xứ của năm đường. Nếu có chúng sinh nào đáng được nhận sự giáo hóa, thì nên làm bạn lành giáo hóa cho họ, hoặc làm cha mẹ, anh em, bà con, hoặc làm bậc Tôn trưởng rất giàu có, tùy sự thiếu thốn của chúng sinh mà bố thí cho họ, xuất ra nhiều vàng, bạc, trân báu, xa cừ, mã não, trân châu, hổ phách tốt đẹp, ngọc minh nguyệt, ngọc như ý, hoặc dùng thức ăn, giường nằm, đồ dùng thuốc thang đều đem bố thí, không có luyến tiếc. Lại có người đến chỗ Bồ-tát khẩn khoản cầu xin đầu, mắt, tay, chân, cõi nước, tài vật, vợ con, đủ các bảy báu, Bồtát có thể đem bố thí mà cũng không nghĩ đến thí.

Khi ấy, Bồ-tát hội nhập vào Tam-muội pháp giới Tự tại định ý, dùng phương tiện quyền xảo thuyết pháp Hư vô cho chúng sinh đó. Các ông nên biết! Pháp ấy không tạo tác cũng không có đối tượng tạo tác. Phân biệt sáu căn đều không có đối tượng chủ thể. Nếu mắt thấy sắc, sắc cũng không chướng ngại, chúng sinh do mê muội nên từ trong đó khởi lên thức, phân biệt tư duy mà nhận thức không chủ thể. Nếu tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân biết xúc chạm, ý phân biệt pháp, Bồ-tát quán sát đều không thật có. Pháp sinh thì tùy đối tượng mà sinh, pháp diệt thì tùy đối tượng mà diệt. Sinh không biết sinh, diệt khôngbiết diệt, mười hai nhân duyên, mười tám giới cũng như vậy. Hoặc khi Bồ-tát nhập vào Tam-muội Sư tử phấn tấn, có thể thị hiện rất nhiều thần thông biến hóa. Ở trong Tam-muội đó phát ra âm thanh thanh tịnh, hiện ra cõi nước được trang hoàng các thứ báu, hương hoa thơm ngát, năm màu óng ánh, oai nghi thanh nhã, ý chí vững vàng không thể dời đổi. Lại hiện ra vô lượng pháp môn Định ý, những pháp mà Như Lai thường ưa thích và tất cả các pháp căn bản của chúng sinh đều được hiện ra.

Khi ấy, Bồ-tát lại dùng thần túc nhập vào Định vô lượng mà tự hiện ra một hoa sen, rồi nồi kiết già trên ấy, sắc thân Bồ-tát hiện ra có vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ kiếp công đức các pháp, làm tiêu sạch các dấu vết chấp trước về tưởng đã phát sinh, hướng dẫn Bồ-tát đi đến con đường giải thoát, nương vào Nhất thiết trí giảng thuyết pháp cam lồ, trí tuệ sáng suốt, hiện bày tuệ Phật, không bị cấu nhiễm. Hoặc dựng tháp bằng bảy báu khắp trong thiên hạ, hai thiên hạ, ba thiên hạ, bốn châu thiên hạ, lên đến Phạm thiên hay cứu cánh thiên, sống lâu rất nhiều kiếp mà không diệt độ. Hoặc khi Bồ-tát dùng phương tiện quyền xảo nhập vào vô vi Tịnh định đủ các căn lành, không bỏ Nhất thiết trí của Như Lai, dùng sức Tam-muội giáo hóa chúng sinh. Hoặc có chúng sinh nghe âm thanh giáo hóa mà được độ thoát. Hoặc có chúng sinh nghe mùi hương giáo hóa mà được giải thoát. Hoặc có chúng sinh biết mùi vị mà được độ thoát. Hoặc có chúng sinh thân được xúc chạm mà được độ thoát. Hoặc có chúng sinh nhờ hiểu được pháp trần mà được giải thoát.

Khi ấy, Bồ-tát lại suy nghĩ: Chúng sinh nào nghe âm thanh, là đều là đều muốn nghe về sự thanh tịnh của ta. Hôm nay ta sẽ diễn bày tám câu bằng tám thứ âm thanh của Như Lai: Đó là tiếng Khổ, tiếng Tập, tiếng Diệt, tiếng Đạo, thấy khổ hướng đến khổ, thấy tập hướng đến tập, thấy diệt hướng đến diệt, thấy đạo hướng đến đạo. Khi chúng sinh nghe những âm thanh như vậy, mà tâm ý chưa khai ngộ, muốn thấy ánh sáng và thân thể của mình, Bồ-tát liền vào định, dùng thiền quán bình đẳng, liền biến hóa các cõi núi, sông, đá, vách, cây cối, hoa quả, đều làm bằng bảy báu: Xa cừ, mã não, thủy tinh, san hô, lưu ly, hổ phách, đều phát ra ánh sáng, phản chiếu rực rỡ che lấp ánh sáng của mặt trời, mặt trăng. Khi ấy, tâm ý của chúng sinh chưa tỏ ngộ lại muốn thấy ánh sáng mặt trời mặt trăng, thì Bồ-tát quán sát biết được tâm niệm của họ, liền nhập vào Tam-muội Vô ngại tâm niệm, rồi phóng ra ngàn ức vô số ánh sáng từ lỗ chân lông, mỗi tia sáng có hoa sen bằng bảy báu, mỗi hoa sen có đài bảy báu, trên mỗi đài có lọng bằng bảy báu, dưới mỗi lọng có tòa bằng bảy báu. Trên mỗi tòa đều có Đức Như Lai thuyết giảng cho chúng sinh về nguồn gốc khổ. Sinh là khổ, không khổ, chính là không khổ đế. Sinh là tập, không còn tập, chính là không Tập đế. Sinh là diệt không còn gì để diệt, chính là không diệt đế. Sinh là đạo, không còn gì để tu, chính là không đạo đế.

Những chúng sinh kia nghe âm thanh và thấy ánh sáng, khii nghe âm thanh khổ, tâm sinh nhàm chán, đều dấy tưởng khởi về khổ, không, vô ngã. Không còn tưởng sinh diệt, thì ngay tại chỗ ngồi diệt hết nguồn gốc khổ ứng hợp với âm thanh thanh tịnh. Khi ấy những chúng sinh trên tòa nghe hương nhưng tâm ý chưa tỏ ngộ, liền phát sinh ý niệm: Tâm ý chúng ta ưa thích hương vi diệu, nhưng hôm nay bậc Thánh giả chỉ giảng thuyết về âm thanh. Bồ-tát biết tâm niệm của chúng sinh ấy liền nhập vào Tam-muội cực vi Chúng hương định ý, liền biến hóa ra cõi nước núi, sông, đá, vách, cây cối, hoa quả đều được xông thơm bằng đá các loại Ngưu-đầu, Chiên-đàn, Lưỡi gà, Ngải nạp, Bạt hương, mộng kinh, Mộc mật tô hợp, hoa Phân-đà-lợi, hoa Tu-càn-đề, hoa Mãn nguyện càn-đề, hoa Thanh liên phương, các loài hoa nhiều đến trăm ngàn thứ như vậy, tỏa khắp bốn phương, không nơi nào không nghe mùi hương. Bấy giờ, chúng sinh tuy đã nghe hương rồi, nhưng tâm ý vẫn chưa khai ngộ, ý muốn làm cho trong hương ấy phát ra lời dạy của đạo. Khi ấy, Bồ-tát biết tâm niệm của chúng sinh, liền từ trong hương đó thuyết sáu pháp quan trọng, khi nghe hương này tâm họ đều được khai ngộ, tất cả các hoạn nạn ở thế gian không còn sinh nữa, dứt hết các khổ liền thành tựu đạo quả.

Bấy giờ, những chúng sinh trên tòa ưa thích mùi vị nhưng tâm ý chưa tỏ ngộ, liền nghĩ: Tâm ý của chúng ta ưa thích mùi vị vi diệu, nhưng hôm nay bậc Thánh giả, chỉ giảng thuyết về mùi hương, thật chẳng phải điều ta ưa thích. Biết được tâm niệm của chúng sinh ấy, Bồ-tát liền nhập vào Tam-muội Cực vi tịnh vị định ý, liền biến hóa ra núi sông, đá, vách, cây cối, hoa quả, đều làm bằng cam lồ, tự nhiên ăn uống, mùi hương xông lên vô lượng vị thơm ngon. Khi ấy, chúng sinh tuy được mùi hương này nhưng tâm ý vẫn chưa tỏ ngộ, ý muốn được dâng tặng tự nhiên và thấy hình ảnh ấy mới thoả mãn ý nguyện của mình. Bồ-tát biết được tâm niệm của chúng sinh ấy, bèn nhập Tammuội rất nhanh không ngại, liền biến hóa ra núi sông, đá, vách, cây cối, hoa quả, đều làm chúng sinh, một chúng sinh mang nhiều thứ cam lồ tự nhiên, trong thức ăn cam lồ phát ra những âm thanh, vị ngọt ở bên ngoài do lưỡi nếm biết, hai pháp kết hợp lại mới phát sinh phiền não. Hôm nay ta tự kềm chế, biết đủ, vì muốn làm cho thân thể không sinh bệnh hoạn. Ví như xe cần bôi dầu mỡ thì mới chở được vật nặng, mắc bệnh lở loét thì phải có thuốc chửa trị mới hết bệnh. Phát giáo hóa này đều xuất ra mùi vị, chúng sinh biết được vị ấy, tâm ý liền khai ngộ, tất cả các hoạn nạn thế gian không còn sinh khởi, dứt trừ hết các khổ liền thành tựu đạo quả.

Khi ấy, những chúng sinh trên tòa ưa thích xúc chạm sự mềm mại nhưng tâm ý chưa tỏ ngộ liền nghĩ: Hôm nay, tâm ý của chúng ta còn tham đắm vào sự tiếp xúc, nhưng bậc Thánh giả chỉ giảng thuyết về mùi vị vi diệu, thật chẳng phải sự ưa thích của ta. Bồ-tát biết được tâm niệm của chúng sinh ấy, liền nhập vào Tam-muội cực dục vi tế Nhu thuận định ý, liền biến hóa ra cõi nước núi, sông, vách đá, cây cối hoa quả, đều làm chúng sinh, mỗi chúng sinh đều mặc y phục tự nhiên, dùng tơ lụa và năm sắc của Trời để quấn quanh, chúng sinh thấy vậy liền dùng tay rờ vào mà không giữ được, có cảm giác mềm mại, nhưng không thể lấy được, ý niệm về y phục, người có trăm phước mới đạt được. Tâm của chúng sinh chợt tỉnh ngộ tự trách mình, vì sao lại đắm trước y phục này? Lẽ nào tự mình lệ thuộc, lại thêm phiền não. Thân hình là xương khô bao bọc lấy máu thịt, liền nghe trong hư không phát ra những âm thanh: Nam tử nên biết! Năm thứ vui của người đời chẳng thật có, tâm đắm trước vào sự mềm mại, càng tăng thêm trói buộc, nghĩ như vậy tự trách mình và trừ bỏ tham ái này. Khi ấy, chúng sinh nghe tiếng trong hư không mới giác ngộ hết khổ đời này, không còn sinh nữa, dứt hết các khổ liền thành tựu đạo quả.

Bấy giờ, ở trên tòa, có hạng chúng sinh tham muốn về pháp, tâm ý chưa tỏ ngộ, liền suy nghĩ: Tâm ý của chúng ta thích về pháp vi diệu, nhưng hôm nay bậc Thánh giả chỉ nói về sự tiếp xúc thật chẳng phải là điều thích thú của ta. Bồ-tát biết được tâm niệm của những chúng sinh này, liền nhập vào Tam-muội Vô lượng Pháp giới định ý, hóa hiện cõi nước, núi, sông, đá, vách, cây cối hoa quả đều làm chúng sinh, mỗi chúng sinh đều nói sáu pháp Độ vô cực Không, Vô tướng, Vô nguyện, Thiền định giải thoát, hữu vi, vô vi, hữu lậu, vô lậu. sinh, diệt, đoạn thường, tất cả đều không thật có. Hoặc khi Bồ-tát chỗ hướng đến của tâm ý chúng sinh, liền bày ra những phương tiện để hiện tướng sâu sắc thân, ẩn hiện tự do, bay đi tự tại trong hư không làm đủ mười tám sự biến hóa qua lại trong hư không chẳng bị trở ngại. Hoặc thị hiện cõi nước, thành quách để diễn nói pháp Phật khiến cho các loại chúng sinh ấy đạt đến Thiền định chính yếu của chư Phật không thể nghĩ bàn. Khi ấy toàn thể nhân dẩntong những thành quách mà Bồ-tát biến hóa ra, mọi người đều không oán hận nhau, mà cư xử với nhau cung kính như cha mẹ, anh em, khiêm cung, nhã nhặn, thường bày tỏ niềm kính trọng. Khi ấy Bồ-tát khác nhập vào ánh sáng Không dụ khiến cho các Bồ-tát khác nhập vào ánh sáng này, ngồi kiết già, hoặc ở tòa cao, hoặc ngồi hoa sen, biến khắp tất cả các nơi trong thế giới. Hoặc hiện thân Phật ngồi tòa sen báu, diễn thuyết sáu pháp Độ vô cực của chư Phật Không, Vô tướng, Vô nguyện, Thiền định giải thoát, lại dùng mười tám pháp Bất cộng, bôn Vô sở úy của Như Lai để gia hộ cho chúng sinh, nhờ đó mà được cứu độ. Bấy giờ, Bồ-tát lại dùng sức thần thông phóng ra ánh sáng lớn hiện ra trăm ngàn ức cõi nước chư Phật. Mỗi ánh sáng đều chiếu thấu trăm ngàn ức chúng sinh, nương theo ánh sáng ấy, chúng sinh đến nghe pháp này đều được độ thoát. Mỗi lỗ chân lông phát ra mười ức hào quang, mỗi hào quang có mười ức cõi nước. ở trong cõi nước ấy có ngọc báu Ma-ni tự nhiên xuất hiện dùng đủ loại trân báu xen lẫn trong ấy. Ngọc Ma-ni này được treo giữa hư không cách mặt đất mười nhận, Ánh sáng của ngọc báu chiếu rực rỡ khắp nơi. Lại có ngọc báu ma-ni rất kỳ lạ dùng để trang nghiêm. Trên mỗi ngọc báu có cõi nước chư Phật nhiều mười hằng sa và mười ức trăm ngàn lâu đài nhà cửa. Mỗi lâu đài có tòa Sư tử bằng hoa sen báu nhiều mười ức trăm ngàn cõi Phật. Mỗi tòa Sư tử có hoa sen thần báu nhiều mười ức trăm ngàn cõi Phật. Trên mỗi hoa sen có mười ức trăm ngàn Đức Như Lai ngồi tòa Sư tử. Mỗi Đức Như Lai phóng ra hào quang lớn che khắp mười ức trăm ngàn cõi Phật. Mỗi cõi Phật có công đức không sợ sệt như Sư tử của mười ức trăm ngàn Đức Như Lai. Mỗi công đức không sợ sệt như Sư tử có mười ức trăm ngàn chúng sinh cư trú. Mỗi chúng sinh có mười ức trăm ngàn cõi nước chư Phật hiện ra. Mỗi cõi Phật có mười ức trăm ngàn câu pháp, ý nghĩa và pháp của chư Phật. Mỗi mỗi pháp của ý nghĩa, câu pháp có mười ức trăm ngàn kinh pháp dược sinh ra đốt cháy phiền não, cho đến các pháp môn Thiền định cũng như vậy. Trong mỗi pháp môn diễn ra vô lượng của các trí tuệ và pháp không thoái chuyển, rất nhiều loại trí có ý nghĩa khác nhau. Trong mỗi lần chuyển pháp luân độ mười ức trăm ngàn chúng sinh làm cho họ được thuần thục. Mỗi cõi nước chúng sinh lại có mười ức trăm ngàn nước Phật. Các Đức Phật đều giáo hóa thế giới của mình trở thành cõi thiện, khiến cho chúng sinh ở cõi đó thành tựu Phật đạo. Bồ-tát hhội nhập Tam-muội này, tự hiện ra vô lượng thần thông biến hóa, cảnh giới Tam-muội này chưa từng hiện hữu, chưa từng thấy được. Sự giáo hóa rất kỳ lạ, tâm không thể đo lường, ý không thể vẽ nên. Trong ngoài, giữa đều không thấy chỗ nào cả, không thấy đến cũng chẳng thấy đi. Vì sao? Vì thể tánh của các pháp tự nhiên như vậy. Tu hành suốt trăm kiếp nhằm diệt trừ cấu uế, thực hành thệ nguyện của Như Lai để cứu giúp chúng sinh. Lại ở trong vô lượng, vô số kiếp không chấp, không trú, không bị nhiễm, cũng không kiến lập văn tự, suy tìm nguồn gốc hoàn toàn không nơi chốn. Nếu có người muốn đặt ra những cách thức nào đó để tìm cho được những hình tướng do Định này biến hóa ra thì sự việc này rất sâu xa không thể nghĩ bàn. Đây chính là hành pháp của chư Phật ứng ra mà thôi, chẳng phải là sự tối thắng do La-hán Bíchchi-phật tu chứng được, hãy nên suy nghĩ về ý nghĩa này. Bồ-tát chấp nhận khổ, đi vào trong tám nạn để quán sát tâm ý của chúng sinh có ái dục hay không ái dục, có ái dục nhiều hay ít cũng đều biết hết, có giận dữ hay không giận dữ, giận dữ nhiều hay ít cũng đều biết hết, có ngu si hay không ngu si, ngu si nhiều hay ít cũng đều biết hết. Nếu chúng sinh nào có tâm ái dục, tham đắm về nữ sắc, chọn lựa những tính chất đẹp, mập, trắng tâm say đắm không thể xa lìa, thì khi ấy Bồ-tát phải dùng phương tiện, giả bày những phưong cách rộng lớn để chỉ bày pháp quán sát sự nhơ bẩn và tưởng về bất tịnh, cho nên ở trước chúng sinh hiện thân vô thường, bốn đại tan rã, rơi vãi khắp nơi. Một ngày, hai ngày, cho đến bảy ngày, thân thể sình lớn, rất nhơ bẩn hôi hám. Đến khi thây chết máu thịt tiêu hết, chỉ còn gân xương nối nhau. Lại hiện ra các hình tướng khác, hoặc bày xương sọ, xương mặt, xương chậu, tất cả đều chất thành đống, lâu ngày biến thành màu trắng giống như màu sắc của chim hạc, qua nhiều năm tháng trở thành đất mùn. Bồ-tát quán sát chúng sinh như vậy liền tỏ ngộ, biết được dục là sai lầm. Hàng phàm phu đọa vào đường ác, chẳng quay về với đạo chân chánh, tâm tự hối cải, muốn quay lại như xưa mà không kịp nữa, bèn theo bậc Thánh tu tập phạm hạnh, hội nhập giáo lý uyến thâm thanh tịnh, tẩy sạch cấu bẩn dâm dục, rèn luyện tâm trí, chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, làm thanh tịnh cõi nước Phật của mình và giáo hóa chúng sinh. Đó là Bồ-tát quán xét thấy tâm ái dục của chúng sinh liền thuyết pháp cho họ thành tựu đạo quả, Bồ-tát nên biết hoặc có chúng sinh không có tâm ái dục, ý dừng ở pháp nhỏ, không mong cầu đạo lớn. Bồ-tát khuyến khích họ cố gắng thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, dùng pháp không hai của kho tàng trí tuệ hướng dẫn chỉ bày cho họ biết con đường chân chánh, đứng vững nơi pháp Đại thừa, không nhận lấy đạo nhỏ, từ vô số kiếp tích luỹ nhiều công đức làm việc thiện không mỏi mệt. Những chúng sinh này do tâm ý còn mê hoặc, không phân biệt được đâu là thật hay giả, ngày nay mới tự hiểu nhưng chưa đạt đến hoàn toàn.

Thế nào là đạo không hai của Bồ-tát? Bồ-tát thực hành dậo không hai là thường thanh tịnh nhưng không lệ thuộc nơi thanh tịnh. Bên trong ưa thích sự thanh tịnh mà bên ngoài giáo hóa chúng sinh, đó là đạo không hai của Bồ-tát. Bồ-tát thường vắng lặng mà bên ngoài vẫn thị hiện như loạn động, ưa thích sự tịch tĩnh mà giáo hóa chúng sinh, đó là đạo không hai. Bồ-tát vào định chưa từng bị loạn, từ Thiền định xuất ra giáo hóa chúng sinh, đó là đạo không hai. Bồ-tát bố thí, tâm chưa từng hối hận, quyết tâm không tưởng về quả báo với ý chí vững chắc. Bên ngoài giáo hóa chúng sinh khiến họ diệt trừ ba tưởng, đó là đạo không hai. Bồ-tát giữ gìn đầy đủ giới chưa bao giờ khiếm khuyết, lại đem giới luật giáo hóa chúng sinh, đó là đạo không hai. Bồ-tát vốn trí thâm sâu, suy nghĩ hiểu biết rộng xa, không tự khen về tài giỏi của mình, bên trong nhất tâm không bị nhiễm ô, đó là đạo không hai, nắm giữ trí tuệ, sự biến hóa không có giới hạn, bên trong giữ tâm ý không cho phân tán, cũng dùng pháp này giáo hóa chúng sinh, khiến cho họ vượt qua hoang vắng không còn lo buồn, đó là đạo không hai. Bồ-tát tu tập Tam-muội Nhẫn chánh định, hiện thân chịu các sự khổ, ở nơi hang núi, chỗ không người, hoặc ở gần thôn xóm, thị hiện đi khất thực, hoặc trải qua một năm cho đến trăm ngàn năm, hoặc trải qua một kiếp cho đến trăm ngàn kiếp, trong thời gian ấy hiện thân chịu vô lượng khổ. Bấy giờ, ở trong núi có người hoặc phi nhân, hoặc La-sát, các loài quỷ hai chân, bốn chân và nhiều chân, mỗi loài cầm dao gậy đến hại Bồ-tát, hoặc dùng dao bén cắt mũi Bồ-tát, mũi liền hiện trở lại như trái Diêm-phù. Này Tối Thắng! Trái Diêm-phù là lấy một sinh hai, lấy hai sinh bốn, lấy bốn sinh tám, lấy tám sinh mười sáu, lấy mười sáu sinh ba mươi hai quả, lần lượt như thế cả cây đều là quả, lại không thấy thân cây, cũng không thấy cành, nhánh lá. Bồ-tát vào Thiền định thực hành nhẫn cũng như thế. Nếu như có người đến cắt mũi Bồ-tát, cắt một sinh hai, cắt hai sinh bốn, cắt bốn sinh tám, cắt tám sinh mười sáu, cắt mười sáu sinh ba mươi hai cái mũi, lần lượt như thế, toàn thân là mũi, không thấy thân hình cũng không thấy tay, chân, đầu, mắt. Chúng sinh chỉ thấy mũi nhiều vô số, liền khi ấy khởi tâm hối hận đã lấy mũi của Bồ-tát, xin nguyện được thấy thân thể ban đầu của Bồ-tát. Lúc ấy, Bồ-tát ra khỏi Tam-muội, tâm ý an ổn, từ định hiện trỏ lại thân thể ban đầu dần dần cử động, hơi thở bình thường và từ từ mở mắt như đã nói. Chúng sinh thấy vậy cùng nhau gieo mình năm vóc sát đất đảnh lễ quy y, xin được hầu cận bên cạnh Bồ-tát. Khi ấy Bồ-tát quán xét tâm niệm của chúng sinh, tùy thời thích hợp căn cơ mà độ thoát cho họ. Bồ-tát lại nhập vào Tam-muội, nội tâm thanh tịnh vắng lặng, không có ý niệm gì. Lại có chúng sinh đến chỗ Bồ-tát, cùng nhau vây quanh móc mắt của Bồ-tát, mắt của Bồ-tát trở lại nhiều như lưu ly rạn nứt. Giả sử có người lấy lưu ly rạn nứt ấy, như lấy trái Tỳ-la rải trên đất, nát như hạt cải không thể thâu lại được, nhưng tướng ánh sáng của những mãnh vụn ấy vẫn sáng rực soi chiếu tất cả. Chúng sinh thấy hình thể của Bồ-tát toàn là mắt, chứ không thể thấy được hình tướng ban đầu, liền khi ấy phát khởi ý niệm hối hận về việc đã làm, cùng tự trách mình, mong muốn thấy được hình thể ban đầu của Bồ-tát. Lúc ấy, Bồ-tát ra khỏi Tam-muội, tâm ý an ổn, từ định hiện trở lại thân thể ban đầu. Chúng sinh thấy vậy cùng nhau gieo mình năm vóc sát đất đảnh lễ quy y, nguyện xin được ở bên cạnh Bồtát để thân cận cúng dường. Bấy giờ, Bồ-tát quán xét những ý nghĩ của chúng sinh, tùy thời thích hợp căn cơ mà độ thoát cho họ. Khi ấy Bồ-tát trở lại nhập vào Tam-muội, nội tâm vắng lặng không có ý niệm khác. Có những chúng sinh đến chỗ Bồ-tát tay cầm dao bén chặt bỏ tay chân của Bồ-tát, nhưng tay chân sinh trở lại giống như cây Cù-đala. Cây Cù-đa-la là một loại cây nếu có người đến chặt bỏ hết nhánh lá, đem chẻ ra từng đoạn và rải khắp nơi, chỉ trong khoảnh khắc nhờ đất mà cành nhánh lá trở lại thành cây. Bồ-tát cũng như vậy. Khi ấy Bồ-tát cũng như thế, thân thể tay chân đều bị chặt hết không còn như cũ. Chúng sinh chỉ thấy hình tướng của Bồ-tát khi đã mất hết tay chân, liền sinh tâm hối hận, tự trách mình, nguyện muốn thấy được hình thể ban đầu của Bồ-tát. Lúc ấy, Bồ-tát ra khỏi Tam-muội, tâm ý an ổn, từ định hiện trở lại thân thể ban đầu, dần dần cử động, hơi thở bình thường, từ từ mở mắt như đã nói. Chúng sinh thấy vậy cùng nhau gieo mình năm vóc sát đất đãnh lễ quy y, nguyện xin được thân cận bên cạnh Bồ-tát. Bấy giờ, Bồ-tát quán xem xét tâm niệm của chúng sinh, tùy thời thích hợp với căn cơ mà độ thoát cho chúnng sinh. Đó là Bồtát biết được tâm ái dục hay không ái dục, ái dục nhiều hay ít của chúng sinh. Bồ-tát cũng không nghĩ: Ta ở trong trần lao mà bỏ mất việc làm vô ích, cũng lại không nghĩ: những chúng sinh này dể dàng dạy bảo cho tốt. Những việc Bồ-tát làm mà không thấy làm, cũng lại không thấy có người thọ nhận sự giáo hóa. Việc làm và người được giáo hóa đều vắng lặng, cũng không thấy một, cũng chẳng thấy không là một. Đã không có một thì làm sao nói một. Nói là một pháp cũng chỉ là giả danh. Nói mắt, mắt cũng chỉ là giả danh. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cho đến sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng vậy. Sở dĩ Bồtát nói một pháp là muốn chỉ bày pháp môn và thị hiện vô lượng pháp môn, dẫn dắt đến không pháp để giáo hóa chúng sinh.

Thế nào là chúng sinh có tâm giận dữ hay không giận dữ, giận dữ nhiều hay ít, Bồ-tát đều biết tất cả?

Đức Phật bảo với Tối Thắng:

–Bồ-tát đi vào trong vô lượng cõi Phật, xem xét từng động vật có hình dạng như các loài côn trùng bay đi, bơi lội, loài động vật sống có hơi thở cho đến loài kiến, những chúng sinh này có tâm giận dữ hay không giận dữ, giận dữ nhiều hay ít Bồ-tát đều biết rõ hết, tùy theo sự lựa chọn để đáp ứng những loại thuốc thích hợp cho chúng. Giả sử có chúng sinh nhiều giận dữ, liền thị hiện cho họ thấy về khổ, không, vô thường. Hoặc có cầm thú nhai nuốt lẫn nhau, hoặc có giặc cướp đao binh làm hại, hoặc bị nạn lửa nước trôi chảy thiêu đốt, các sự biến hiện ra như thế không thể kể hết. Giả sử tâm chúng sinh ấy giác ngộ được thì ngay nơi cảnh giới ấy liền được giáo hóa giải thoát. Nếu có chúng sinh thấy sự vô thường biến đổi mà tâm không giác ngộ thì bấy giờ, Bồ-tát lại dùng trí tuệ quyền xảo nhập vào Tam-muội Nhẫn Tammuội đó gọi là Quán vô thường. Lại có Tam-muội gọi là Từ để hàng phục cấu uế. Nếu có Đại Bồ-tát nhập vào Tam-muội này liền có thể hàng phục các tâm giận dữ. Nếu có loài xấu ác, La-sát, Dạ-xoa, quỷ thần, đạo tặc muốn đến làm hại Bồ-tát mới đi nửa đường liền quay trở lại. Vì sao? Vì năng lực của định Từ ấy che chở khắp mười phương, nên vô số cõi nước được cứu giúp, do nhập vào Tam-muội Từ này. Pháp giải thoát có mười việc. Đó là: Tu tập trí tuệ sâu xa, thực hành vô lượng hạnh nghiệp, ghi nhận tất cả, ý nghĩ không quên mất. Do không có giới hạn nên dùng pháp giới làm giới hạn, để nhập vào không giới hạn. Sự tu tập của chư Phật ở quá khứ, hiện tại và vị lai là dùng pháp ấn vô thượng để ấn chứng. Nương vào năng lực của Như Lai để tăng thêm lợi ích cõi Phật. Thường tự lập chí. Làm thanh tịnh đạo tràng. Xây dựng hạnh nghiệp Bồ-tát. Người thực hành như vậy là thích ứng với pháp luật nên không còn sự sinh được mắt trí tuệ bỗng nhiên đại ngộ, tuệ nhãn thanh tịnh, vĩnh viễn không còn màn phiền não, được mắt chủng tánh, được mắt Phật thanh tịnh và mắt tuệ thấy khắp, mắt phân biệt sâu xa, mắt pháp thường ổn định, mắt Thiện tri thức dùng để giúp đỡ, mắt đạo thâm sâu, nhờ được mắt biện tài nên lời nói hơn hết, được mắt không nghi ngờ nên tâm không phân biệt đây kia, cũng không do dự, hội nhập mắt pháp môn dẫn dắt kẻ mê mờ, phân biệt nghĩa lý, khai mở pháp cam lồ, thân cận Thiện tri thức, thành tựu tâm Đạo. Những cảnh giới không gì làm trở ngại cũng không có ai có thể hủy hoại chỉ trích. Đó là Bồ-tát phân biệt các loại mắt, thành tựu đạo nghiệp, làm bạn lành cứu giúp thế gian, dự đoán những gì chưa phát sinh thì cần phải làm gì, xây dựng thiện căn, giáo hóa không bị chướng ngại, công đức thành tựu thì đạt được sở nguyện, chân chánh nhập thai, đạt được giải thoát, dứt trừ lưới nghi. Trí tuệ trùm khắp như mây giăng đầy hư không. Dùng pháp bậc Thánh làm sạch những cấu uế của tâm. Chí nguyện đã lập luôn luôn hiển hiện, những hoạt động của tâm không bị trở ngại, tâm tin kiên cố thì công đức không cùng tận. Thân cận kính lễ chư Phật, diệt trừ các tưởng buồn vui. Đạo tâm thâm sâu, chọn lấy trí tuệ trân bảo để cúng dường bậc trí, như hoa hương thơm đẹp nhờ gió mang đi ai cũng đều nghe, những nơi cấu uế đều được làm sạch. Này Tối Thắng nên biết! Ta đang ở trong cõi Diêm-phù-đề, nước ấy tên là Tỳ-xá-ly, dùng mắt thường xem xét các cõi nước khắp mười phương có những nỗi thống khổ buồn lo không hơn cõi này, nhưng lại sinh ra dòng họ của Như Lai. Chúng sinh cõi này hôi hám, mùi hôi bay lên tận hư không cách mười ngàn do-tuần, nhưng trời đối với người, người là nhân của trời, trời cũng biết xem xét túc mạng của mình: Ta đã tích lũy công đức từ thân người, nếu không từ thân người mà gieo trồng những gốc công đức thì không có được những phước lạc an vui. Tối Thắng nên biết, khi ấy các vị trời, mỗi vị đem theo tùy tùng muốn đến thế gian cùng trụ vào hư không. Mùi hôi của nhân gian tỏa khắp như mây, hàng trời nghe được mùi tanh hôi bất tịnh của nhân gian, tất cả đều trở về chỗ cũ, không muốn đến nhân gian nữa. Sở dĩ như vậy là do mùi hương tinh khiết của họ không chịu được mùi tanh. Đại Bồ-tát thực hành tâm từ tâm Từ bi rộng lớn, không lựa chọn cõi nước đẹp hay xấu, sạch hay nhơ để giáo hóa, cũng không có tâm niệm là ta thích giáo hóa cõi này hay không thích giáo hóa cõi kia. Như ta ngày nay, nơi thế giới Nhẫn này giáo hóa tất cả chúng sinh. Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác ở khắp mười phương từ xa khen ngợi các Đức Phật trong mỗi cõi đều bảo với bốn chúng: Phương này phương kia khen ngợi dòng họ, tên tuổi của Phật, hiệu là Năng Nhân Như Lai. Trong thế giới Nhẫn kia có năm thứ hổn trược, năm loại vũ khí để đâm chém, năm thứ dao kiếm, năm ngọn lửa hừng hực, năm thứ rối loạn, năm loại không thể cứu được, năm nạn khó trừ, ở những nơi đó, Đức Năng Nhân giáo hóa được chúng sinh. Điều rất kỳ lạ là giảng dạy các pháp Độ vô cực của bậc Hiền thánh. Thân thanh tịnh của chư Thiên không có cấu uế, vừa đến tầng mây hôi hám họ liền bỏ về cõi trời, đến cung điện đi ra vườn sau, xuống ao Vô ưu trong bảy ngày bảy đêm tắm rửa, nhưng vẫn lo sợ mùi hôi thế gian còn vướng vào thân, tâm của những vị này hoàn toàn không ưa thích trở lại thế gian. Khi ấy mùi hương của chư Thiên theo gió bay xa đến không giới một vạn tám ngàn do-tuần. Chư Thiên tuy có hương với năng lực như vậy nhưng không bằng mùi hương của người trì giới vô dục này. Bồ-tát nên quán sát cấc phước của chư Thiên hưởng được cho là vĩnh cữu, khi thiên sứ xuất hiện thì hối hận không kịp, nguyện được sinh vào cõi người để tạo các công đức, khi đó thì tâm ý của họ còn chọn thơm hôi gì nữa. Bồ-tát cũng vậy, tuy ở trong khổ não, bị năm ngọn lửa đốt cháy hừng hực, nhưng tâm vẫn không mệt mỏi, không hối hận ý thường nhớ nghĩ giáo hóa chúng sinh. Nếu có người được thần thông của bậc Thánh thì dùng thần lực đó đưa một người đến cõi xông ướp hương thưm trong hư không, khi trở lại thế gian thân thể được xông ướp hương thơm trải qua hai mươi mốt giờ mùi hương mới hết. Người vô dục giữ giới hoàn toàn đầy đủ trải qua kiếp này đến kiếp khác mà hương giới đức vĩnh viễn không dứt. Bồtát sinh ở thế gian, sống trong thế gian nhưng làm ngọn đèn sáng lớn ở cõi đời, tuy óc cần lao nhưng không cho là khổ, ý đạo tăng trưởng, tâm không giảm sút. Đó là Bồ-tát quán sát chúng sinh có sân giận hay không, có sân giận nhiều hay ít, Bồ-tát đều biết rõ hết.

Khi ấy Bồ-tát Tối Thắng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát nhất tâm tư duy quán sát chúng sinh có ngu si hay không ngu si, ngu si nhiều hay ít, Bồ-tát đều biết hết?

Đức Phật bảo với Tối Thắng:

–Bồ-tát nhập vào Tam-muội Minh tuệ chánh thọ, quán khắp thế giới đến tận hư không. Trong ấy có những loài chúng sinh một chân, hai chân đến vô số chân, hàng Thiên, Long, Quỷ thần, A-tuluân, Ca-lưu-la, Chiên-đà-la, Ma-hưu-lặc, Nhân và phi nhân Bồ-tát đều rõ nguồn gốc của chúng, phân biệt từng loại, xác định rõ ràng. Nếu có chúng sinh nhiều ngu si liền dùng phương tiện giảng thuyết mười hai nhân duyên: Vô minh duyên lành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu nhập, sáu nhập duyên xúc (cánh lạc), xúc duyên thọ (thống) thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử, ưu bi khổ não cùng các tâm tưởng loạn bất tịnh. Dùng trí tuệ vô tận giảng thuyết thông suốt mười hai nhân duyên theo chiều thuận hay nghịch. Vô minh diệt hành diệt, hành diệt thức diệt, thức diệt danh sắc diệt, danh sắc diệt Sáu nhập diệt, Sáu nhập diệt xúc (cánh lạc) diệt, xúc diệt thọ (thống) diệt, thọ diệt, ái diệt, ái diệt thủ diệt, thủ diệt hữu diệt, hữu diệt sinh diệt, sinh diệt tử diệt, tử diệt sầu bi khổ não và các hành bất tịch diệt. Hữu hậu là khổ não lớn. Niết-bàn là vi diệu. Bồ-tát quán xét các hành tướng như vậy để giảng thuyết tận cùng nguồn gốc các pháp. Nếu có chúng sinh ngu si, đầy những kiến chấp, nhận thức không rõ ràng thì Bồ-tát dẫn dắt họ tuần tự đi vào nơi yên tĩnh, làm cho họ hiểu rõ pháp vốn không, pháp không sinh diệt, không thường không doạn, phân biệt tướng sinh diệt của ba đời. Do những việc làm ngu si đời trước, ý thức không thể diệt được, mở rộng pháp môn, hiển bày trí tuệ vi diệu phát triển đạo Phật, đầy đủ các đức, không xả bỏ các Thiện tri thức của Bồ-tát, thường ở nơi thanh vắng của Bồ-tát, hội nhập pháp quán chính yếu sâu xa của Như Lai. Lại tư duy về mười pháp chính yếu. Tư duy về mười pháp chính yếu là gì? Gần gũi kho tàng giác ngộ tướng của Pháp thân. ý niệm không thể nghĩ bàn gom lại làm một. Hiểu về không, vô niệm cũng không gì cả. Tự khởi tự diệt cũng không chủ thể. Các hành nghiệp trong quá khứ không có đầu mối, không thể nắm giữ nên xuất sinh các cảnh, pháp giới, hư không cảnh giới cũng không cùng tận, tự cởi bỏ những trói buộc, vứt bỏ chấp trước về chúng sinh, nương vào căn lành thành tựu Nhất thiết trí, đạt đến cảnh giới trí tuệ vô lượng, trí tuệ nhanh chóng đều được thành tựu, đầy đủ tâm mong muốn của Bồ-tát, làm thanh tịnh lời nói và việc làm của Bồ-tát. Đạo nghĩa của Như Lai chưa từng đánh mất, không bỏ tất cả pháp tướng của pháp tánh, vì đã hiểu biết sâu xa, ý không sai lầm, tâm vững chắc như kim cang không có năng lực nào hủy hoại được. Những diều được chư Phật thọ ký thì tất cả chúng sinh không ai có thể vượt qua, giảng thuyết không hai không hề lay chuyển. Đó là mười pháp cốt yếu của Bồ-tát tiến tới thành Đạo quả, chứng đắc Đạo không khó.

Này Tối Thắng! Đó là pháp vô tận vi diệu của Bồ-tát, cần phải nhớ nghĩ mà tu tập.

 

Phẩm 20: BA ĐẠO DIỆT ĐỘ

Bấy giờ, Bồ-tát Tối Thắng từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối chắp tay bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như Lai chí chân đạo đức không cùng tận, Như Lai không cần đến người hướng dẫn mà đạt đến giải thoát, siêng năng thanh tịnh tu tập, đạt đến kim cang Tam-muội không thể lường được. Hôm nay, nghe Như Lai nói về ba đạo diệt độ quy về một, không phải hai cũng không chấp vào hai. Nếu xét như vậy thì đâu cần dốc cầu đạo Vô thượng chí chân? Bạch Thế Tôn! Nguyện xin Thế Tôn diễn bày chánh pháp khiến cho những người ưa thích ngoại đạo, vĩnh viễn không còn nhận thức mê lầm.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn quay thân sắc vàng nhìn khắp những người đến dự hội, yên tĩnh hoàn toàn, tất cả đều nhất tâm không còn ý niệm nào khác; đưa mắt nhìn Tối Thắng và bảo:

–Lời hỏi rất hay, thật khó được nghe! Như Lai sẽ giảng rõ cho ông để cho những người học đời sau hoàn toàn không còn nghi ngờ.

Tối Thắng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con muốn được nghe.

Phật bảo Tối Thắng:

–Nguồn gốc của đạo thanh tịnh, không sinh các cấu uế. Vì thể tánh thanh tịnh nên các pháp thanh tịnh, tuần tự sẽ phân biệt Hữu học, Vô học. Bậc Vô học thanh tịnh thì được thanh tịnh cả ba đời nên thấu tỏ ba cõi. Đây là Tam-muội vi tịnh. Tối thắng nên biết! Ba đạo diệt độ phẩm loại và mục đích không giống nhau. Thân thể là gốc bẩn. ý niệm là ao bẩn. Tưởng là bụi trần lăng xăng. Thức là đầu mối. Trong bốn pháp trên, nếu diệt một còn ba thì không được thanh tịnh, diệt hai còn hai cũng không dược thanh tịnh, diệt ba còn một vẫn chưa thanh tịnh, diệt hết bốn thứ không còn tồn tại mới đạt đến thanh tịnh. Nhất thiết trí thanh tịnh cũng vậy. Từ dự lưu đến vô sinh, từ Trụ thứ nhất đến Trụ thứ mười đều diệt bốn hoàn, bốn quy, bốn ngại. Bốn đó là: Thân thể là gốc bẩn, phàm phu dẫy đầy. ý niệm là ao bẩn tuôn chảy bốn phía. Tưởng là bụi trần lăng xăng phát sinh tám vạn ái dục. Thức là đầu mối trói buộc trong ba cõi. Do vậy, bậc Thánh giả phô bày ba đạo tùy theo sự hơn kém. Nhưng thật ra, diệt độ không sai biệt gì cả. Đạo ở Niết-bàn không xa rời sự vắng lặng. Niết-bàn của Bồ-tát lấy việc độ người làm tên gọi. Niết-bàn của Bích-chi-phật lấy sự thị hiện thần túc làm tên gọi. Niết-bàn của Thanh văn lấy việc sự hạn hẹp làm tên gọi. Lại nữa, này Tối Thắng! Niết-bàn của Bồ-tát dùng Từ, Bi, Hỷ, Xả để giáo hóa chúng sinh. Giả sử, hướng dẫn một người vào đạo thì thân tâm được an lạc, hoan hỷ vô cùng. Khi ấy, ý thức hoàn toàn vắng lặng, trong sáng, không có niệm đạo và đời. Các giác quán thanh tịnh, Niết-bàn đối với các dục hoàn toàn diệt tận, không còn có đối tượng thì gọi là vô niệm. Người học vô niệm tuy có học cũng không thấy học; tuy có sắc cũng như không sắc, cũng không thấy săc, tâm, ý, thức, niệm cũng không có tâm, ý, thức, niệm. Từ thân năm ấm cho đến vô hình, Pháp thân thanh tịnh không có niệm và đối tượng để niệm. Tối Thắng nên biết! Niết-bàn như vậy đâu phải là xa, chớ nên quán sát như thế. Sở dĩ như vậy vì Pháp thân vô niệm quán thể vô hình gọi là Niết-bàn. Thể tánh của Niết-bàn tức là pháp quán một mà không hai, cũng không sai khác. Niết-bàn không do tên gọi, không thể thấy, cũng không thể đặt tên gọi Niết-bàn. Này Tối Thắng! Đó là Bồtát học đạo thanh tịnh của Niết-bàn mà đối với đạo nên niệm không niệm. Tối Thắng nên biết! Bồ-tát muốn thực hành và hiểu rõ thể tánh Niết-bàn của đạo thanh tịnh này, cần phải tu hành hạnh thanh tịnh. Bồ-tát làm thé nào để tu hành thanh tịnh? Luôn luôn làm cho thân, khẩu, ý thanh tịnh không có lầm lỗi. Thân thanh tịnh không có lầm lỗi là như thế nào? Đó là Bồ-tát nội thân đã thanh tịnh và hiểu rõ ngoại trần cũng thanh tịnh, nội thân đã rỗng không và hiểu và hiểu ngoại trần cũng rỗng không, nội thân đã vắng lặng và biết ngoại trần cũng vắng lặng, nội thân giải thoát và ngoại trần cũng như vậy. Bồ-tát nên suy nghĩ về pháp quán, biết rõ biếng nhác, kiêu mạn cũng không biếng nhác, kiêu mạn. Tự mình không kiêu mạn thì đạo đâu có kiêu mạn. Cho nên. Bồ-tát hiểu rõ thân không kiêu mạn. Bồ-tát khởi niệm quán về sự nhơ bẩn của thế gian. Thân như ảnh, tiếng vọng, không thấy tướng thanh tịnh, đạt được vô tướng thanh tịnh liền chứng Niếtbàn. Đó là đạo Niết-bàn thanh tịnh không sai biệt của Đại Bồ-tát.

Tối Thắng lại bạch Phật:

–Thân của Bồ-tát thanh tịnh dục, dục mà chẳng phải dục là thế nào?

Phật bảo Tối Thắng:

–Bồ-tát trở lại trong năm đường, lưu chuyển trong sinh tử, dùng phương tiện giáo hóa thích hợp, đúng thời, nói về thân thanh tịnh tức là bàn về Vô sinh. Người thấy được sinh tử tức là chẳng còn sinh tử, hiểu rõ Vô sinh. Sinh, tử là một không có khác, cũng không có nhiều tên sai biệt. Bồ-tát lại nên hiểu rõ sự tạo tác của thân để đạt dược Vô sinh. Sự sinh, tử này tức là biết rõ sự tạo tác của thân, hiểu rõ pháp trong lẫn ngoài. Sự tạo tác của thân là gì? Sự thay đổi trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Quá khứ không dấu vết, hiện tại không dừng lại, vị lai không tên gọi. Lại nữaTối Thắng! Quá khứ đã dứt sạch, vị lai thì vô cùng, hiện tại đang biến chuyển, cũng nên tư duy pháp tận, không tận là như thế nào? Nghĩa là Bồ-tát phân biệt, hiểu rõ tướng hư không thanh ỵinh. Không tận kia là vắng lặng, vô vi không có tưởng niệm. Khởi vọng niệm đối với giới luật của bậc Thánh liền có nhiều lỗi lầm lớn.

Phật bảo Tối Thắng:

–Thuở xưa, Ta thành Phật ngồi bên cội Bồ-đề suốt bốn mươi chín ngày đêm, nhìn cây Bồ-đề không chớp mắt, nhớ nghĩ hằng sa chư Phật trong quá khứ do đâu mà tự giác ngộ, chứng được pháp gì trước tiên?

–Này Tối Thắng! Ta lại nhớ nghĩ hằng sa chư Phật trong quá khứ, đạt được Pháp thân trước, sau mới thành Tối chánh giác. Nhân duyên hòa hợp có thức, có tưởng, biết nhân duyên đó là không, không tưởng, không bị nhiễm chấp; cũng lại không thấy sinh, diệt, thường, đoạn. Này Tối Thắng! Sự quán sát như vậy là thân thanh tịnh. Thân thanh tịnh tức là trở về biển trí tuệ. Tối Thắng nên biết, nghĩa trở về biển trí có mười việc. Đó là: Trở về biển của Phật thì pháp không hình để quán sát. Trở về biển của chúng sinh thì vượt khỏi nạn của hữu.

Trở về biển của pháp thì tích tập các trí tuệ. Trở về biển của phước điền thì kiển lập căn bản cho cái không gốc rễ. Trở về biển của năm ấm thì thị hiện ra pháp nhơ uế. Trở về biển trí tuệ để phân biệt tôn chỉ của giới luật. Trở về biển nghĩa căn bản để tăng trưởng căn lành. Trở về biển trú tâm để hiểu rõ tất cả suy nghĩ tâm ý của chúng sinh, vô số sự hiểu rõ, không chướng ngại. Trở về biển đức hạnh để không trái với sở nguyện. Trở về biển thệ nguyện để xét rõ nguồn gốc sinh tử. Này Tối Thắng! Đại Bồ-tát trở về biển ý của mười môn, phải nhớ nghĩ tu tập tất cả để quay về Pháp thân vô lậu của Như Lai. Lại quán sát thân vô lậu của Như Lai, không trú vào không, không rơi vào ba cõi, biết rõ không là Pháp thân, quán thân vô lậu như an trú vào Pháp thân, trú mà chẳng thấy trú, cũng không chỗ trú. Dùng thân vô lậu để nhập vào biển sinh tử thị hiện sắc thân như không sắc thân, không bờ cõi, không hình tướng, không thể thấy hết. Sắc thân diệt rồi cũng chẳng thấy diệt, cũng không thấy chân như của sinh thân như an trú vào chân như. Sự thanh tịnh của thân Như Lai cũng không có tỳ vết, nhập vào cõi chúng sinh, tùy theo tâm tánh và hình tướng mà thị hiện, hiểu rõ thanh tịnh cũa thân chúng sinh, thân mình và thân chúng sinh thanh tịnh một mà không hai, cũng không nhiều, chân như bình đẳng. Chân như không đạo, chẳng thấy có đạo; pháp thế tục cũng không thấy có hữu lậu vô lậu, cũng lại không có giáo lý ba thừa đó là Lahán, Bích-chi-phật và Phật đạo của Bồ-tát, cũng lại không thấy mười lực, bốn sự không sợ, mười tám bất cộng, đối với các pháp của Thánh hiền đều không chấp trước. Đó là hạnh của Bồ-tát thích ứng với thanh tịnh, thích ứng mà không nơi thích ứng.

Lại nữa, Tối Thắng! Đại Bồ-tát nên suy nghĩ lời nói thanh tịnh. Lời nói nên thanh tịnh là thế nào? Nghĩa là Bồ-tát nhập vào Tammuội hư không thanh tịnh, quán khắp tam thiên thế giới, những loài ở trong ấy, tất cả người hiền kẻ ngu, trong sạch, tốt xấu đều trở về chỗ không thanh tịnh. Bồ-tát lại nên suy nghĩ, quán xét bình đẳng, cũang không thấy không bình đẳng. Đối với bậc nhất nghĩa đế cũng không thấy bình đẳng, cũng không thấy không bình đẳng. Vì sao? Vì quán tướng bình đẳng nên cũng không thấy bình đẳng, cũng không bình đẳng với vô tướng. Lại dùng tướng bình đẳng quán sát các pháp, không thấy đạo pháp không giới hạn, không thấy pháp thế gian có giới hạn, không thấy bậc Thánh hiền vượt khỏi ba cõi, không thấy sức của kẻ phàm phu có mạnh, yếu. Tối Thắng nên biết, Bồ-tát phân biệt âm thanh thanh tịnh, không có tưởng của chúng sinh chấp vào ý. Xét rõ tiếng vọng quán biết không có tiếng vọng. Không thấy buồn vui là thường, chẳng phải thường, thích ở trong điên đảo mà chẳng phải là điên đảo. Biết rõ chúng sinh đều thanh tịnh, không ham muốn, không nhiễm chấp, không sinh diệt, thường đoạn có ba độc căn bản: tham, sân, si. Lại nên quán sát mười hai nhân duyên, mười tám giới, từ vô minh cho đến tử đều thanh tịnh, vô minh cũng không biết sự tạo tác của ngã. Hành cũng không biết từ vô minh mà có, các pháp tự sinh, các pháp tự diệt.Pháp không thấy pháp sao vô minh, hành?

Này Tối Thắng! Pháp không biết nhau, pháp sinh thì sinh, pháp diệt thì diệt. Pháp không tự biết sinh cùng với không sinh, diệt cùng với không diệt. Cho nên nói không sinh, diệt, thường đoạn.

Bấy giờ, Bồ-tát Tối Thắng bạch Phật;

–Bạch Thế Tôn! Vô minh, hành trong ba đời đều theo thân lưu chuyển, có thân thì hành sinh, không thân thì hành diệt, cho đến lão tử cũng lại như vậy. Nguyện xin Thế Tôn diễn rộng những nghi ngờ khiến chúng sinh đời vị lai không còn nghi ngờ trói buộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tối Thắng:

–Vô minh không nhiễm vào thân thì thân không bị vô minh. Vô minh cũng không thấy ta có thân, thân cũng không thấy ta có vô minh. Tất cả thanh tịnh cũng không ngã và ngã sở. Nói ngã và ngã sở đều tự vắng lặng. Đó là tất cả thanh tịnh của Bồ-tát. Nói lời thanh tịnh thì thế nào là lời nói? Thế nào không phải là lời nói? Lời nói không ở bên trong cũng không ở bên ngoài, không thấy lời nói có ra có vào liền được mười nghĩa kiên cố, phân biệt cảnh giới, các ấm của chúng sinh. Thế nào là mười? Đó là Bồ-tát trước cầu giải thoát để giáo hóa tất cả chúng sinh, hiện vô số sách giáo hóa, tinh tấn không bị lệ thuộc, hiện lực vô ngại vì tất cả các pháp đều không, họên năng lực ngưng ý, đối với tất cả các pháp được tự tại, hiện tâm, ý, thức qyuay trở lại, có chuyển mà không chuyển, phân biệt nghĩa lý, hiện năng lực pháp tự tại, trí tuệ hiển bày, hiện năng lực tự tại, thuyết pháp cho chúng sinh, hiện lực vô úy, an trú vào chánh pháp, hiện lực biện tài, hiện vô lượng trí cùng khắp tất cả, hiện năng lực không hai, không gì sánh bằng.

Như vậy Tối Thắng! Đại Bồ-tát phân biệt sự hướng đến chủng tánh của chúng sinh cũng không trong cũng không ngoài, không giữa.

Cho rằng lời nói ấy là Bồ-tát phải không?

Đáp:

–Bạch Thế Tôn! Không phải.

–Tham, sân, si là Bồ-tát phải không?

Bồ-tát đáp:

–Bạch Thế Tôn! Không phải.

–Nếu không cho tham, sân là Bồ-tát thì cấu uế trói buộc là Bồtát chăng?

Bồ-tát đáp:

–Bạch Thế Tôn! Không phải.

Phật bảo Tối Thắng:

–Đại Bồ-tát không chấp lời nói, cũng không chấp trước, cũng chẳng phải không chấp trước. Mắt, tai, mũi, miệng, thân, tâm cũng không thấy chấp cũng chẳng phải không chấp trước. Âm thanh được nói ra và tiếng vang do gió thổi đều nhờ cái duyên hòa hợp mới có âm thanh. Người tài giỏi, kẻ ngu si, người đẹp, kẻ xấu, âm thanh chẳng khác nhau, cũng không ở trong, lại không ở ngoài, tìm ở giữa cũng không thể được.

Phật bảo Tối Thắng:

–Đại Bồ-tát trú vào không, thiền định không tán loạn, khởi niệm, suy nghĩ, hành động đều như hư không, không trú, chẳng trú, cũng không có các tưởng. Này Tối Thắng! Tiếng nói của chúng sinh, tất cả âm thanh đó đều rỗng không, không chân thật, các pháp giả dối không thể nương tựa.

Bấy giờ, Tối Thắng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thánh đế của Như Lai đưa đến đạo quả hiền thánh, đều là phương tiện quyền xảo giả lập, không chân thật. Sao thành tựu Tối chánh giác được?

Phật bảo Tối Thắng:

–Như Lai Chánh Đẳng Giác bằng đạo pháp chân thật, biết rõ các pháp chẳng phải chân, chẳng phải có. Lại nữa, Tối Thắng! Đại Bồ-tát ra vào trong năm đường giáo hóa chúng sinh, tùy căn cơ thích hợp mà độ thoát cho họ, quán sát âm thanh, tên gọi chúng sinh, chuyển vào vô thượng pháp luân, tùy theo nghĩa lý tùy theo, câu pháp khiến đạt được kết quả. Thấy chúng sinh ưa thích Khổ liền nói nguồn gốc khổ, hiểu rõ các pháp lời nói đều chẳng có lời nói. Lời nói là gì? Từ đâu phát ra? Biết rõ lời nói không có chỗ sinh ra. Khi ấy Bồ-tát lại vì chúng sinh ưa thích Tập mà nói căn bản của Tập. Tập này là sinh nhân duyên, thấy rõ nhân duyên không có đầu mối, không thấy có Tập cũng không thấy có tên gọi. Này Tối Thắng! Tất cả âm thanh của chúng sinh ưa thích Tập đều rỗng không, chẳng chân thật. Lại nữa Bồ-tát tùy căn cơ của chúng sinh dùng giáo pháp dạy dỗ làm cho họ nghe pháp, thuận theo đó mà thực hành, cũng không chấp vào hành động và kết quả của nó. Đó là Bồ-tát làm mà không sự làm, chứng mà không thấy chứng. Như vậy chỉ cần một tướng diệt hết các khổ.

Lại nữa, Bồ-tát nên tư duy chúng sinh ưa thích diệt, thấu rõ các pháp không chỗ sinh ra, ngôn ngữ, âm thanh không chỗ chấm dứt, hoặc ngồi, hoặc đi thường luôn nhất tâm. Tuy ở nơi ồn ào, náo nhiệt mà vẫn nhàn tịnh. Giả sử ở giữa đại chúng Hiền thánh vắng lặng ý muốn phát ra lời nói, liền ngưng được lời nói. Xét tìm lời nói ấy chấp trước hay không chấp trước, không thấy diệt và không diệt. Tất cả các pháp cũng không thấy tận, sinh, diệt, thường đoạn, lời nói từ âm thanh hoàn toàn không dấu vết.

Lại nữa, Bồ-tát ưa thích Đạo, chúng sinh tư duy về tám đường, chúng sinh tu tập hướng đến Niết-bàn. Từ chánh ngữ, chánh nghiệp cho đến chánh định như pháp không như pháp đều bình đẳng như hư không. Quán không hai mà chẳng trái ngược nhau.Đó là lời nói của Đại Bồ-tát thanh tịnh không lầm lỗi. Lại nữa, Đại Bồ-tát nên nhớ nghĩ, tư duy về sự thanh tịnh của ý thức. Bồ-tát tâm ý được thanh tịnh là thế nào? Nghĩa là tâm Bồ-tát thanh tịnh, cũng không nhơ bẩn vốn không thanh tịnh, không thấy nguồn gốc, nguồn gốc của tâm ý không bị nhiễm ô, không gì có thể làm cho tâm trở ngại. Vì sao? Vì Đại Bồtát biết nguồn gốc của tâm thanh tịnh, không thấy có thanh tịnh. Thế gian nhiều mê lầm nên chấp trước. Bồ-tát đạt đến không, tư duy không có sự chấp trước, phân biệt rõ ràng, thực hành phương tiện quyền xảo đối với nguồn gốc thanh tịnh. Bồ-tát nên biết, nguồn gốc của tâm kia vốn không đến, đi, không chọn lựa cao, thấp, thứ bậc sang, hèn, không thấy xưa có nay không, không nghĩ đến nguồn gốc công đức. Nhớ nghĩ nguồn gốc công đức chính là không, là vô danh, là Niết-bàn.

Bồ-tát hỏi:

–Nguồn gốc công đức ấy có được hiểu là nguồn gốc của tâm thức không?

Phật trả lời:

–Không.

Bồ-tát hỏi:

–Bên trong rỗng không có biết được bên ngoài chăng?

Phật đáp:

–Không.

Tối Thắng bạch Đức Phật:

–Nếu như vậy thì không là thế nào?

Phật bảo:

–Nguồn gốc tâm là không, chẳng phải là nguồn gốc, cũng chẳng phải không nguồn gốc, cũng chẳng phải tâm, cũng chẳng phải không tâm. Nếu tâm không thì nhất định Bồ-tát không tự thấy tâm. Tâm mình vốn không thì bên ngoài cũng không, một mà không hai mà cũng không có nhiều tên khác nhau. Tâm chẳng phải là tâm của ngã, không tâm đối với tâm. Tâm của ngã chẳng phải tâm, không ngã đối với ngã. Sắc chẳng phải sắc của ngã, không phải sắc đói với sắc. Ngã chẳng phải ngã của sắc, không ngã đối với ngã. Tâm của ngã, sắc của ngã chẳng phải tâm của ngã, sắc của ngã. Ngã của sắcn ngã của tâm chẳng phải ngã của sắc, ngã của tâm. Cho đến thanh, hương, vị, xúc, pháp chẳng phải ý của ngã, pháp của ngã, cũng chẳng phải ngã của ý, ngã của pháp. Vì sao? Vì tâm trong rỗng không, ngoài cũng rỗng không. Do biết ngoài là không nên biết rõ các pháp cũng là không như vậy. Một nên chẳng là hai, không có tướng gì cả. Tất cả các pháp cũng như vậy, không thấy xưa có nay không, cũng không thấy nay có xưa không, không cũng chẳng phải không, có cũng không phải có, có không biết từ đâu có, không không biết từ đâu không, không không như vậy tự là không, có có thường tự là có, có không sinh từ có, không không sinh từ không, không không chẳng không tự không, có có không tự có, có không biết không, không không biết có. Tất cả âm thanh rỗng không, chẳng phải thật. Đó là tâm Bồ-tát được thanh tịnh. Tâm Bồ-tát thanh tịnh là không bị ba mươi sáu thứ phiền não làm nhiễm ô. Những cấu bẩn của tâm vĩnh viễn không còn chỗ bám víu. Lại dùng phương tiện thiến xảo thấu đạt tự tâm thanh tịnh, cũng không ở trong sự thanh tịnh khởi vọng tưởng chấp trước. Đại Bồ-tát do thấu rõ gốc ngọn thanh tịnh, rỗng không, cho nên vào được định ý Tam-muội tự tại, liền có thể trở lại trong sinh tử, qua lại trong năm đường, gieo trồng các công đức. Các công đức ấy là biết tâm, ý, thức. Lại dùng tâm mình thương yêu chúng sinh, hiểu rõ chúng sinh là không, không thật có, gốc ngọn của ngã, nhân, thọ, mạng đều thanh tịnh. Lại dùng công đức ấy ban khắp chúng sinh, khiến cho muôn loài siêng năng tu học đạo pháp. Chúng sinh và đạo pháp bình đẳng không hai, quán được như vậy là gốc ngọn thanh tịnh. Lại do sự thanh tịnh này mà bình đẳng với tham, sân, si. Tham, sân, si bình đẳng thì đạo cũng bình đẳng. Đạo tức là tham, sân, si. Tham, sân, si tức là đạo. Dậo thanh tịnh thì tham, sân, si cccũng thanh tịnh, một tức không hai cũng không nhiều thứ. Bồ-tát quán xét gốc ngọn vốn thanh tịnh nên không chấp vào các cấu uế.

Khi ấy Đức Thế Tôn bảo Tối Thắng:

–Hành động của thân thanh tịnh nên không làm các điều ác. Lời nói thanh tịnh nên thường quay về với sự chân thật. Tâm ý thanh tịnh là Từ bi với chúng sinh. Các hạnh đầy đủ mới gọi là Bồ-tát.

Khi Đức Thế Tôn giảng thuyết phẩm “Bản vô thanh tịnh” này có trăm ngàn Bồ-tát đều chứng Nhất sinh bổ xứ, vô số ngàn người phát tâm Bồ-đề vô thượng.

 

Phẩm 21: THỪA VÔ TƯỚNG

Bồ-tát Tối Thắng bạch Đức Phật:

–Đại Bồ-tát từ lúc mới phát tâm cho đến khi thành Phật, làm thế nào để hiểu một tướng, không tướng? Lại dùng không tướng để hiểu rõ một tướng? Bồ-tát làm thế nào để dùng tâm thanh tịnh đi vào chỗ ái dục, rồi từ trong ái dục trở lại tâm thanh tịnh?

Đức Phật bảo Tối Thắng:

–Bồ-tát nương vào tâm không tướng thanh tịnh, thực hành phương tiện, đi khắp năm cõi mười phương thế giới, hoặc sinh vào Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Tuy ở trong Dục giới mà không bị lệ thuộc vào các cõi, cùng với mọi người dùng pháp lạc để sống an vui. Lại vào cõi Sắc giới cùng với trời người chung ở cung điện, hoặc ở Phạm thiên cùng vua Phạm thiên nói pháp “Thừa vô tướng” vi diệu, ở trong các cõi trời hoặc kinh hành, hoặc im lặng như bậc Thánh, ở trong đó cao quý nhất không ai sánh bằng.

Lại nữa Tối Thắng! Bồ-tát ở trong cõi ấy thị hiện thuyết pháp vi diệu, dần dần giáo hóa được chư Thiên thực hành chân đế, trừ bỏ tâm chấp trước sự thanh tịnh của Phạm thiên, trú ở trong ấy hoặc trải qua trăm kiếp, cho đến trăm ngàn kiếp, lại từ cõi Sắc sinh xuống Dục giới, ở trong ấy thường thích vắng lặng, một mìn ở nơi rừng núi. Tuy ở trong loài người nhưng tâm ý luôn thiền định, hoặc có khi Bồ-tát hiện có gia đình, vợ con quyến thuộc, lại cùng với chúng sinh lập nghiệp ở đời; ở nơi chỗ cao sang thị hiện nghèo hèn, ở nơi nghèo hèn thị hiện sự tôn quý; quán tâm chúng sinh nên cùng nhau chuyện trò, mọi cử chỉ không kiêu mạn cũng không tự ty. Sở dĩ như vậy vì hiểu rõ nguồn gốc thanh tịnh.

Lại nữa, Bồ-tát ở trong trăm ngàn Thiền định Tam-muội, nhờ oai thần Tam-muội quán xét tam thiên đại thiên thế giới, hiện thân tướng tốt đẹp, thần thông rực rỡ, dùng phương tiện quyền tuệ du hóa tự tại, tâm hợp với sự thanh tịnh mới gọi là vô tướng. Đại Bồ-tát ứng hợp với định này mới mong cầu đạo “Thừa vô tướng”, không tướng thấy sinh, không tướng thấy vô sinh, do không tu tập đạo cũng không có tướng đối với bậc Thánh nên không có tướng của đạo, cũng không cầu tướng, cũng không cầu vô tướng, thấu rõ tướng của đạo là vô tướng, khi sinh liền sinh, khi dịet liền diệt, có hướng đến tướng của đạo, không tướng thì hành diệt, có tướng hành cũng diệt. Đó là tướng đạo của Bồ-tát. Đại Bồ-tát cũng không cầu tướng để làm tướng của đạo. Vì sao? Vì đạo tự không có tướng, không cầu vô tướng làm tướng của đạo, không thấy hòa hợp, phân tán dùng làm tướng của đạo, không thấy mười hai nhân duyên ngã, nhân, thọ, mạng. Từ vô minh có hành mà có tướng của đạo, lại cũng không thấy ngã, nhân, thọ, mạng. Từ vô minh có hành mà có tướng của đạo. Vì sao? Vì đạo tự vô tướng cũng không thấy tướng, không mong cầu sự sinh, để tìm cầu tướng của đạo. Biết rõ bốn đại là thân chẳng phải thân, là thường chẳng phải thường, là không chẳng phải không, là ngã chẳng phải ngã, lấy, bỏ, hợp, tan đều chẳng phải chân thật. Đó là Đại Bồ-tát nên thích ứng như vậy, cũng không khác, chẳng phải không khác, không thấy khác cũng không thấy không khác, liền ứng với tướng đạo là vô tướng. Thân thiện, thân ác, thân ký, thân vô ký, thân hữu lậu, thân vô lậu, thân hữu vi, thân vô vi. Thân thành, thân bại, hợp, tan, lấy, bỏ dùng tướng và tướng của đạo phân biệt đều là không, không thật có, như mộng, như ảnh, như tiếng vọng, như dợn nắng, chẳng phải thân rỗng không, cũng chẳng phải thân không rỗng không, chảng phải thân tướng, chẳng phải thân vô tướng; chẳng phải thân nguyện; chẳng phải thân vô nguyện; chẳng phải thân, cũng chẳng phải cùng vô dục tương ưng, chẳng phải không tương ưng, chẳng phải thân cũng không cùng với mười hai nhân duyên cũng không tương ưng, chẳng phải không tương ưng, mười hai nhân duyên cũng không tương ưng, chẳng phải không tương ưng, cho đến mười tám giới cũng như thế. Pháp tánh như vậy không cùng với tướng đạo tương ưng, chẳng phải không tương ưng. Từ vô minh sinh ra ái cũng như vậy, không cùng tướng đạo tương ưng, chẳng phải không tương ưng. Tất cả các pháp: Danh sắc, sáu nhập không cùng với tướng đạo tương ưng, cũng chẳng phải không tương ưng. Đại Bồ-tát nhập vào Tam-muội bất động diệt tận định ý, quán tưởng đạo cũng không cùng mười tám giới tương ưng, chẳng phải không tương ưng. Pháp tánh không cùng với mười hai nhân duyên tương ưng, chẳng phải không tương ưng, các cấu uế phiền não vô cùng vô tận không thể nghĩ bàn, không cùng với tướng đạo tương ưng, chẳng phải không tương ưng, cho đến các tình của pháp giới không cùng mười hai nhân duyên tương ưng, chẳng phải không tương ưng, cho đến lão, tử và các pháp vô tham, sân, si không cùng với tướng đạo tương ưng, chẳng phải không tương ưng, hữu số, vô số, si không cùng với tướng đạo tương ưng, chẳng phải không tương ưng. Tướng đạo không hai, không cùng với hữu số, vô số tương ưng, cũng chẳng phải không tương ưng.Đối với bậc nhất nghĩa đế, có thế tục, không thế tục, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, hữu ký, vô ký, pháp thiện, pháp ác, hoặc tốt, hoặc xấu, vì không hai hành chẳng phải không hai hành, không hủy hoại ý để mong cầu tướng đạo. Cầu tướng đạo không cùng với bậc nhất nghĩa thế tục, không thế tục, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, hữu ký, vô ký, pháp thiện, pháp ác, hoặc tốt, hoặc xấu mà cùng tương ưng, chẳng phải không tương ưng.

Lại nữa, Đại Bồ-tát đối với tướng, vô tướng của các pháp cũng không thấy tướng, chẳng phải không vô tướng. Đó là đạo vô tướng cũng không thấy tướng. Thế nên, tướng của đạo là vô tướng. Pháp tướng của vô tướng vắng lặng như hư không không tướng chẳng phải không có tướng, nên tương ưng với tướng này không có sự tương ưng. Như vậy, Đại Bồ-tát chứng được định ý tướng đạo này thì đối với các pháp giới đều được tự tại. Khi nhập vào định này rồi liền thấy rõ trên mỗi lỗ chân lông của thân mình đều hiện ra vô lượng, vô biên không thể nghĩ bàn cõi nước của chư Phật, đã hiện ra cõi nước rồi, lại hiện ra chúng đệ tử. Bồ-tát khát ngưỡng nghe pháp, lắng nghe không nhàm chán, làm cho đại chúng kia thấy Đức Như Lai thân vàng ròng phóng ra vô lượng hào quang khắp cả tam thiên đại thiên cõi nước. Mỗi hào quang có vô lượng, vô số cõi Phật. Trong mỗi cõi Phật hiện ra tướng sắc thân của Phật, ở trước đại chúng diễn nói pháp lớn. Người nghe ổn định, không xả bỏ Tam-muội định ý kim cang. Lại ở trong cõi ấy trải qua trăm ngàn ức kiếp qua lại giáo hóa, thị hiện quyền trí như không có quyền trívà không thấy đối tượng được giáo hóa bởi quyền trí. Tuy ở trong cõi ấy, tâm giống như hình bóng, sóng nắng, ảnh trong gương nhưng tâm vị ấy không có ý niệm này: “Kiếp số dài lâu vô cùng vô tận tìm mà không có sự khởi đầu, trong thời gian ấy sinh ra tâm lười biếng, cũng không nghĩ chúng sinh dễ giáo hóa. Ta trong một ngày một đêm giáo hóa hết thảy, hiện khắp hằng sa cõi nước chư Phật trong ức ngàn vạn kiếp. Trong sự giáo hóa của chư Phật, ta là hơn hết”. Đại Bồ-tát nhập vào định vô tướng đạo tánh như vậy, phân biệt từng lỗ chân lông trên thân thể, giáo hóa cùng khắp không mỏi mệt, mà không có người được giáo hóa. Đối với tham, sân, si cũng không tinh tấn siêng năng làm thanh tịnh thế giới ấy và đến nơi chúng hội của Như Lai không thấy dài, ngắn, không sinh ý niệm bất tịnh. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát ở trong vô lượng pháp giới hàng phục tâm ý, nhẫn chịu các phiền não chưa từng tạo nghiệp, không cách ý nói được hành động của vị ấy, tinh tấn vô cùng, phân biệt hết thảy. Định bất tư nghì, định vô đạo tướng, định chân tế tướng, một mà không hai, cũng không sai khác, làm cho chúng sinh ấy phân biệt tướng đạo, có thế tục, không thế tục, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, hữu ký, vô ký, hữu dục, vô dục không thấy cùng với tướng đạo tương ưng, cũng chẳng phải không tương ưng, tướng đạo không cùng với mười hai nhân duyên tương ưng, cũng chẳng phải không tương ưng. Duyên vô minh có ái, sinh, lão, bệnh, tử cũng không tương ưng, mười hai nhân duyên không cùng với đạo tương ưng, cũng chẳng không tương ưng. Duyên vô minh có ái, sinh, lão, bệnh, tử không cùng với đạo tương ưng, cũng chẳng phải không tương ưng. Như vậy Tối Thắng! Đại Bồ-tát đạt được định ý tướng đạo này thì không thấy tương ưng, cũng không thấy không tương ưng. Đó là Đại Bồ-tát với định ý tướng đạo tương ưng mà không có sự tương ưng, đối với định vô tướng cũng không thấy tương ưng. Đó là tương ưng mà không có sự tương ưng, chẳng phải chỗ có thể hiểu biết của La-hán, Bích-chi. Vì sao? Vì chẳng phải là cảng giới của các vị ấy. Chư Phật Thế Tôn không thể nghĩ bàn, hội nhập vào tất cả thế giới nơi mười phương, hiện các tướng tốt, oai nghi cử chỉ, mười tám biến hóa, Tam-muội Sư tử phấn tấn vô úy.

Này Tối Thắng! Đại Bồ-tát đầy đủ định ý tướng đạo của Như Lai, không xả bỏ định ý thệ nguyện vững chắc như kim cương vượt qua sự giáo hóa của chư Phật mà không có sự giáo hóa, không thấy giáo hóa, cũng không thấy không giáo hóa. Đại Bồ-tát nhất tâm trong một sát-na ra khỏi Tam-muội, không bỏ những chúng sinh bị khổ não trong mười phương, đích thân đi đến bố thí bốn việc, y phục, thực phẩm, voi ngựa, bảy báu, giường chiếu, vật dụng, thuốc men trị bệnh, dùng trí tuệ quyền xảo điều phục tất cả, hoàn toàn vì chúng sinh không vì mình. Từ cõi Phật này đến cõi Phật khác giáo hóa, xiển dương chánh pháp cùng khắp, hăng hái đi vào cõi Phật, khiến cho chúng sinh ở các cõi ấy đều được giáo hóa. Đối với người không hiểu biết thì làm phát triển Phật sự, hiện bày Nhất thiết trí. Muốn cứu độ nơi nào liền hiện đến ngay nơi ấy theo ý nghĩa Đại Bồ-tát vào định ý tướng đạo này lại nhập vào tâm ý thức của chúng sinh trong hằng sa vô số các cõi nước của chư Phật khắp mười phương, quán sát, nhớ nghĩ, phân biệt hạnh nghiệp đời trước của chúng sinh trong các đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, cõi trời, người. Như vậy, Đại Bồ-tát trong một sát-na có thể rõ hết các cõi của chúng sinh. Hoặc có chúng sinh tu hành thiện đạo, tương ưng với định tướng đạo, cũng biết chúng sinh kia có tâm Tiểu thừa, tâm Bích-chi-phật, tâm Bồ-tát. Như vậy Đại Bồtát đi khắp thế giới chư Phật lễ bái, thân cận chư Phật Thế Tôn, làm thanh tịnh cõi Phật, làm mãn nguyện cho chúng sinh. Hoặc ở cõi chư Phật, thấy các loài chúng sinh tham lam, keo kiệt liền thị hiện thực hành bố thí, ở các cõi đó dựng ngọn cờ bố thí lớn, bằng Phạm âm thanh tịnh bảo mọi người: “Các vị nên biết! Ta là người bố thí tất cả mà không cầu báo đáp. Nếu có người thiếu y phục, thực phẩm, thuốc thang chữa bệnh, giường chiếu, đồ nằm, cõi nước, tài sản, vợ con, voi ngựa, bảy báu thì Bồ-tát liền bố thí, từ lúc mới phát tâm cho đến khi thành Phật trừ ba việc không bố thí, ngoài ra đều bố thí tất cả. Ba thứ không bố thí là gì? Một là cha, hai là mẹ, ba là sư trưởng. Đó là sự tạo lập căn bản mà Bồ-tát ở trong cõi Phật thực hành bố thí. Lại nữa, Đại Bồ-tát dùng phương tiện quyền xảo, đi đến hằng sa cõi nước mười phương, thấy chúng sinh lười biếng liền thị hiện thân trì giới, thực hành mười tám pháp, hoặc ở bên gốc cây, đồng trống, đất hoang, núi cao, hang sâu, rừng rậm, siêng năng hành trì giới luật không phạm giới pháp. Hoặc ở trong nhân gian luông giữ gìn mọi oai nghi cử chỉ, ra vào, tới lui, đi đứng, nằm ngồi tâm thường cẩn thận, chưa bao giờ lìa xa giới luật, hiểu rõ giới cấm, hoàn toàn không sở hữu, sinh thì diệt, tất cả dều vô thường. Thân ta cùng thân người như nhau không khác, đạt đến thanh tịnh. Từ địa này đến địa khác, cho đến Địa thứ mười không thấy mười Địa ngăn ngại, vượt qua mười Địa không ngăn ngại, cũng như chim bay giữa hư không, không có dấu vết, hiểu rõ vạn pháp đều như hư không. Vật chẳng phải vật, chẳng phải vật cũng chẳng phải vật. Đại Bồ-tát cũng như vậy, du hóa trong vô lượng thế giới chư Phật, không bỏ tâm thệ nguyện kiên cố, rộng lớn, giúp đỡ tất cả chúng sinh lười biếng kia an trú vào trong định tướng đạo.

Lại nữa, Đại Bồ-tát dùng trí tuệ phương tiện đi đến hằng sa cõi Phật khắp mười phương thấy chúng sinh lười biếng, thường sân hận, chưa bao giờ vui vẻ, Bồ-tát đối với chúng sinh ấy thị hiện thân nhẫn nhục. Nếu bị người khác chửi mắng thì Bồ-tát im lặng, không nói lại. Giả sử Bồ-tát có người chặt đứt tay chân Bồ-tát, hủy hoại thân hình nhưng tâm Bồ-tát không thay đổi, không nổi giận, giữ tâm bình thản như đất. Quán thân này do tứ đại hợp thành, thần thức xa lìa, thân liền tan rã, có gì đáng quý đâu! Người trí phân biệt rõ nên chẳng tham tiếc chút nào. Như người mổ bò, phân làm bốn phần, biết rõ tất cả đều không thật có. Cái gì là thân? Thân là ai? Hành tướng tên gọi đều không chân thật. Hoặc có Bồ-tát nhân vào Thiền định thực hành nhẫn nhục, ở chỗ vắng vẽ không người, bên gốc cây ngồi ngay thẳng, nhất tâm suy nghĩ, người đi đường và kẻ chăn bò, gánh củi, vác cỏ, đi qua chỗ vị ấy, hoặc dùng cọng cỏ ngoái vào lỗ mũi, chích vào lỗ tai, Bồtát biết ngay, quán sát kỷ rồi, liền nhắm mắt lại, tâm vắng lặng, ý không loạn cũng không có tưởng khác. Hoặc gặp người đi đường dùng ngói, đá đánh ném vào mắt, đầu bị thương, hủy hoại thân thể tâm thức của Bồ-tát cũng không lay chuyển, không khởi loạn động. Đó là Đại Bồ-tát nhân Thiền định thực hành nhẫn nhục độ thoát chúng sinh không thể nói hết.

Lại nữa, Bồ-tát dùng thần lực không thể nghĩ bàn đi đến hằng sa cõi Phật khắp mười phương, thấy chúng sinh thường biếng nhác Bồ-tát đối với chúng sinh ấy hiện thân tinh tấn, dẫn dắt vào trong vô vi.

Khi ấy, Bồ-tát vì giáo hóa một chúng sinh mà trải qua trăm ngàn kiếp, tâm không mệt mỏi, cũng không nhàm chán. Vì sao? Vì đã thấu rõ pháp giới là rỗng không, không thật có, dùng đạo của Như Lai mà độ thoát cho họ. Tuy độ chúng sinh cũng không thấy độ, cũng không thấy không độ. Đó là Bồ-tát chuyên cần tinh tấn, tâm không lay chuyển cũng không tưởng niệm khác. Trong thời gian ấy, chịu các khổ não, hoặc ở cõi nước vào thời kỳ kiếp thiêu, lửa cháy đến cõi Phạm thiên, hoặc gặp nạn nước dâng đến cõi Phạm thiên, hoặc gặp gió lớn thổi vào các cõi tan nát như bụi sương, Bồ-tát ở trong đó đem hết chúng sinh vào trong vô vi làm cho họ không còn lo sợ. Đó là Đại Bồtát ở trong hằng sa cõi nước tinh tấn tu tập không thiếu sót.

Lại nữa, Đại Bồ-tát dùng phương tiện quyền xảo vào trong hằng sa cõi nước khắp mười phương, thấy chúng sinh kia tâm loạn động không định, vì chúng sinh ấy BBồ-tát thị hiện thiền định, hoặc ngồi ở thôn xóm, bên gốc cây, trong rừng núi, hang sâu, hoặc trải qua trăm ngàn kiếp, tâm không nghĩ tưởng khác, hướng dẫn chúng sinh khiến tâm không loạn động. Bấy giờ, Bồ-tát nhập định lên đường, Tam-muội ấy gọi là vô hình tướng. Người nhập vào định này trải qua một kiếp cho đến trăm ngàn kiếp, trời đất tan rã, núi, sông, cây cối đều tan hoại, biển sông, suối, nguồn ngừng chảy, tất cả đều khô cạn, khi Bồtát đang ở trong định này thì tâm không biến động, thân cũng không tan rã, hoặc người chăn bò, gánh củi, vác cỏ, đi qua đó, hoặc dùng cọng cây châm vào mũi, chích vào lỗ tai, hoặc lấy tay vạch mắt mà nhìn, hoặc vạch miệng mà xem răng, hoặc nhổ tóc trên đầu nhưng không thể được, hoặc dùng dao bén cắt móng tay của Bồ-tát cũng không thể được. Vì sao? Vì định lực thần thông của Bồ-tát không ai có thể hủy hoại, được mười phương chư Phật giúp thêm oai thần, khiến Bồ-tát này không bị khổ não. Đó là Đại Bồ-tát vào trong hằng sa cõi nước khắp mười phương, thấy tâm ý chúng sinh loạn động liền tự nhập định từ kiếp này đến kiếp khác không mỏi mệt.

Lại nữa, Đại Bồ-tát dùng phương tiện quyền xảo đến hằng sa cõi Phật, thấy chúng sinh ngu si mê lầm, Bồ-tát vì họ thị hiện trí tuệ, phân biệt nghĩa lý, suy nghĩ việc đó hiện trong ba đời, vượt lên các địa, từ địa đến không địa, từ không địa đến địa, giống như chim bay không bị chướng ngại. Bồ-tát cũng như vậy, chẳng phải hình tướng là tướng, tướng chẳng phải là tướng, chẳng phải vật là vật, vật chẳng phải vật. Thế nào chẳng phải hình tượng là hình tượng, hình tượng chẳng phải hình tượng? Bấy giờ, Bồ-tát nhập vào định ý chánh thọ rộng lớn như hư không, quán sát thế giới phương khác, hoa quả, cây cối, đất đá, đều trống rỗng như hư không, không cũng hoàn toàn là không. Đại Bồ-tát cũng như vậy, tất cả thế giới đều như hư không. Đó là chẳng phải hình tượng là hình tượng, hình tượng chẳng phải hình tượng của Đại Bồ-tát. Chẳng phải vật là vật cũng lại như vậy. Lại nhập vào các trí tự tại định ý chỉ bày chúng sinh trừ bỏ vọng tưởng me muội, tất cả đều được an ổn đến bờ giải thoát. Đó là Đại Bồ-tát đi đến vô lượng thế giới khắp mười phương xem xét tướng ngu si me hoặc của chúng sinh làm hiện ra ánh sáng trí tuệ, vĩnh viễn không còn tăm tối.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10