KINH TINH XÁ TƯỢNG ĐẦU

Hán dịch: Đời Tùy, Tam Tạng Tỳ-ny-đa-lưu-chi, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Thế Tôn ở tại tinh xá Tượng đầu, thuộc thành Già-da, khi Đức Thế Tôn thành Phật chưa bao lâu, cùng với chúng đại Tỳ-kheo gồm đủ một ngàn vị. Các vị ấy trước kia đều là những tiên nhân bện tóc, việc làm đã xong, trút bỏ được gánh nặng, đã lìa sinh tử từ lâu, phiền não đã dứt sạch, tâm trí đều bình đẳng nơi không, tuệ, chánh thọ, tất cả sự hiểu biết đã đạt đến bờ bên kia. Các vị đều là những bậc A-la-hán, cùng với vô lượng chúng Đại Bồ-tát tập hợp.

Khi ấy, Đức Thế Tôn ngồi một mình suy nghĩ, rồi nhập vào các Tam-muội, quán xét khắp pháp giới, tự biết thành đạo quả, đầy đủ tất cả trí, việc làm đã xong, trút bỏ được gánh nặng, vượt qua dòng sinh tử, lìa hết mọi tham lam keo kiệt, nhổ sạch ba độc, đoạn diệt khát ái, đóng thuyền pháp lớn, đánh rền trống pháp, thổi vang loa pháp, dựng cao cờ pháp, đã đoạn sinh tử, diễn nói chánh pháp, đóng kín các nẻo ác, mở rộng cửa đường thiện, vĩnh viễn xa lìa cõi ác, đến các cõi tịnh. Ta xét xem các pháp ấy, ai là người tu tập Bồ-đề? Ai chứng đắc Bồđề? Ai muốn đạt Bồ-đề? Quá khứ, hiện tại và vị lai, ai là người đã chứng? Dùng thân chứng hay tâm chứng?

Nếu dùng thân để chứng, thì thân này là vô tri cũng như cây gỗ, cát, đá, tường vách, chẳng có sự hiểu biết gì, do bốn đại hòa hợp mà thành, nhờ cha mẹ sinh ra, phải mượn đến áo quần, sự ăn uống, tắm rửa, rốt cuộc cũng bị hư hoại, là pháp mau diệt. Bồ-đề chỉ có danh, rỗng lặng, không thật tướng, không tiếng, không sắc, không thành, không thấy, không vào, không biết, không đến, không đi. Các pháp như vậy cũng không trói buộc, nó vượt quá các pháp, thoát ra khỏi ba cõi, không thấy, không nghe, không ngã, ngã sở, không người tạo ra, không nơi chốn, không hang, không nhà, không nắm bắt được, không vướng mắc, không ra, không vào, không nguyện, không trụ, không tướng, không hình dáng, không kia, không đây, không chỉ bày, cũng như mộng ảo, do mười hai nhân duyên sinh, không xứ sở, không thể thấy, lìa tướng, như hư không, hiện ra vắng lặng, không tiếng, không âm vang, không câu, không chữ, cũng không nói năng. Người biết như vậy thì gọi là Bồ-đề.

Nếu dùng tâm để chứng thì tâm ấy không định, cũng như huyễn hóa, đều nhân vào quá khứ với nghiệp vọng tưởng sinh ra, không hình, không nắm bắt, cũng như hư không. Bồ-đề là không có xứ sở, không phải quá khứ, không phải vị lai, cũng không phải hiện tại, mọi pháp đều là không. Tuy nói là có danh, nhưng không thật. Đó là pháp vô vi, không, vô tướng, vô tác, chẳng phải có, chẳng phải không, không thể thị hiện, không nói, không nghe. Như vậy, Bồ-đề không phải quá khứ mà chứng, không phải vị lai mà chứng, không phải hiện tại mà chứng, cũng không phải lìa ba đời mà chứng, nó không tướng, không tạo ra, không phải là không tạo ra. Nếu hiểu rõ pháp ba đời như vậy thì mới gọi là Bồ-đề.

Khi ấy, Đồng tử Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu không có tướng Bồ-đề ấy, thì thiện nam, thiện nữ trụ vào đâu để chứng Bồ-đề?

Phật đáp:

–Các Bồ-tát tu học Bồ-đề cứ nên như vậy mà trụ.

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát nên trụ như thế nào?

Phật trả lời:

–Bồ-đề là vượt qua ba cõi, cắt đứt đường nói năng, lìa chữ nghĩa, không có chỗ trụ.

Lại nữa, này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Các Đại Bồ-tát trụ nơi không chỗ trụ, mới là trụ Bồ-đề. Trụ mà không vướng mắc, là trụ Bồđề. Trụ vào pháp không là trụ Bồ-đề. Trụ nơi pháp tánh là trụ Bồ-đề. Trụ vào tất cả pháp không có thể tướng là trụ Bồ-đề. Trụ vô lượng tín là trụ Bồ-đề. Trụ không tăng giảm là trụ Bồ-đề. Trụ không có ý nghĩa gì khác là trụ Bồ-đề. Trụ như bóng trong gương, như tiếng vọng trong hang động, như bóng trăng in trong nước, như ánh lửa đang cháy. Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Trụ những pháp như vậy mới là trụ Bồ-đề.

Lúc đó, có Thiên tử tên là Tịnh Quang Diễm, thưa với Đồng tử Văn-thù-sư-lợi:

–Người tu hành làm những việc gì mới gọi là hạnh Bồ-tát?

Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Phát tâm đại Từ đối với tất cả chúng sinh là hạnh Bồ-tát.

Thiên tử lại hỏi:

–Các Bồ-tát tu hạnh gì để khởi tâm đại Từ?

Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Đại từ của Bồ-tát là tâm không dối gạt.

Thiên tử lại hỏi:

–Tu hạnh nào để được tâm không dối gạt?

Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Không dối gạt là phát tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh. Các Đại Bồ-tát nên học như vậy.

Thiên tử lại hỏi:

–Các Đại Bồ-tát tu hạnh gì để khởi tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh?

Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Không kia, không đây, không có các cách nhìn khác nhau là hạnh bình đẳng. Các Bồ-tát nên học như vậy.

Thiên tử lại hỏi:

–Các Đại Bồ-tát tu như thế nào mà không kia, không đây, không có các cách nhìn khác để khởi hạnh bình đẳng đối với các chúng sinh?

Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Khéo nhớ nghĩ, cung kính, không kia, không

đây, không có các cách nhìn khác và pháp bình đẳng. Các Đại Bồ-tát nên tu như vậy.

Thiên tử lại hỏi:

–Các Đại Bồ-tát nhân đâu mà phát khởi khéo nhớ nghĩ cung kính, cho đến không kia, không đây, không có các cách nhìn khác?

Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Khéo nhớ nghĩ cung kính, bắt nguồn từ phát tâm Bồ-đề. Các Đại Bồ-tát nên học như vậy.

Thiên tử lại hỏi:

–Tâm Bồ-đề phát khởi từ đâu?

Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Tâm Bồ-đề khởi từ sáu Ba-la-mật.

Thiên tử lại hỏi:

–Sáu Ba-la-mật khởi từ đâu?

Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Sáu Ba-la-mật khởi từ trí tuệ phương tiện.

Thiên tử lại hỏi:

–Trí tuệ phương tiện khởi từ đâu?

Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Trí tuệ phương tiện khởi từ không buông lung.

Thiên tử lại hỏi:

–Không buông lung khởi từ đâu?

Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Không buông lung khởi từ ba nghiệp thiện.

Thiên tử lại hỏi:

–Tu ba nghiệp thiện khởi từ đâu?

Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Ba nghiệp thiện khởi từ tu hành mười nghiệp thiện.

Thiên tử lại hỏi:

–Tu mười nghiệp thiện khởi từ đâu?

Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Tu mười nghiệp thiện khởi từ khéo thâu giữ thân, khẩu, ý.

Thiên tử lại hỏi:

–Ba nghiệp thiện này khởi từ đâu?

Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Khởi từ khéo suy nghĩ.

Thiên tử lại hỏi:

–Khéo suy nghĩ khởi từ đâu?

Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Khởi từ hành khéo suy nghĩ quán xét.

Thiên tử lại hỏi:

–Hành khéo suy nghĩ, quán xét khởi từ đâu?

Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Khởi từ nhớ nghĩ, thọ trì không quên.

Thiên tử lại hỏi:

–Nhớ nghĩ, thọ trì không quên có bao nhiêu tâm? Do nhân duyên gì mà được quả báo?

Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Đại Bồ-tát có bốn thứ phát tâm, từ nhân mà được quả. Đó là:

  1. Mới phát tâm
  2. Buộc niệm tu hành
  3. Không thoái chuyển
  4. Sinh cùng với thiện.

Nhân nơi mới phát tâm mà buộc được niệm. Nhân nơi tu hành buộc niệm mà được không thoái chuyển. Nhân không thoái chuyển mà cùng sinh với thiện.

Lại nữa, này Thiên tử! Mới phát tâm như gieo giống xuống ruộng tốt, buộc niệm tu hành cũng như giống được nảy mầm, tu hành không thoái chuyển cũng như nhành lá phát triển, sinh cùng với thiện cũng như hoa kết trái chín. Phát tâm, buộc niệm tu hành, không thoái chuyển, sinh cùng với thiện cũng lại như vậy.

Lại nữa, này Thiên tử! Mới phát tâm cũng như người thợ khéo chọn gỗ đóng xe, buộc niệm tu hành cũng như ghép gỗ cho thích hợp, tu hành không bị thoái chuyển cũng như đã đóng xe xong, cùng sinh với thiện cũng như xe dùng để chuyên chở. Phát tâm, buộc niệm tu hành, không thoái chuyển, sinh cùng với thiện cũng giống như vậy.

Lại nữa, này Thiên tử! Mới phát tâm cũng như trăng mùng một, buộc niệm tu hành cũng như trăng mùng năm, cho đến trăng mùng bảy, tu hành không bị thoái chuyển cũng như trăng mười bốn, trí tuệ của Như Lai cũng như trăng rằm. Phát tâm, buộc niệm tu hành, không thoái chuyển, cùng sinh với thiện cũng lại như vậy.

Lại nữa, này Thiên tử! Người mới phát tâm vượt hơn địa Thanh văn, phát tâm thứ hai vượt hơn địa Bích-chi-phật, phát tâm thứ ba vượt hơn địa Bất định, phát tâm thứ tư như được ở địa Định.

Lại nữa, này Thiên tử! Như các âm ố, a đều là phần căn bản của tất cả chữ viết. Mới phát tâm cũng như vậy, đều là căn bản của tất cả việc thiện. Như học văn tự, được mở mang thêm một phần trí, buộc niệm tu hành là được một phần trí, cũng lại như vậy. Cũng như thầy toán, tính đếm số vô lượng, vẫn biết được kết quả của nó, tâm không thoái chuyển là biết được kết quả phần số đó cũng lại như vậy. Ví như có người hiểu rõ về kinh luận, cung sinh với thiện là tâm đã hiểu rõ về kinh luận cũng lại như vậy.

Lại nữa, này Thiên tử! Mới phát tâm là buộc niệm nơi nhân thiện. Phát tâm thứ hai buộc niệm vào trí tuệ. Phát tâm thứ ba là buộc niệm vào thiền định. Phát tâm thứ tư là buộc niệm ở nơi quả.

Lại nữa, này Thiên tử! Mới phát tâm là thọ trì nhân thiện. Phát tâm thứ hai là thọ trì trí tuệ. Phát tâm thứ ba là thành tựu thiền định. Phát tâm thứ tư là thọ trì nơi quả.

Lại nữa, này Thiên tử! Mới phát tâm là thành tựu nhân thiện. Phát tâm thứ hai là thành tựu trí tuệ. Phát tâm thứ ba là thành tựu thiền định. Phát tâm thứ tư là thành tựu chánh quả.

Lại nữa, này Thiên tử! Mới phát tâm là do nơi điều thiện mà vào đạo. Phát tâm thứ hai do nơi trí mà vào đạo. Phát tâm thứ ba do nơi thiền mà vào đạo. Phát tâm thứ tư do nơi quả mà vào đạo.

Lại nữa, này Thiên tử! Mới phát tâm như thầy thuốc rành về thuốc. Phát tâm thứ hai là khéo biết phân chia thuốc. Phát tâm thứ ba là tùy bệnh mà cho thuốc. Phát tâm thứ tư là uống thuốc mà hết bệnh.

Lại nữa, này Thiên tử! Do mới phát tâm mà sinh vào nhà Pháp vương. Phát tâm thứ hai học được pháp của Pháp vương. Phát tâm thứ ba là tu theo hạnh của Pháp vương. Phát tâm thứ tư có đầy đủ quả vị của Pháp vương. Đấy là bốn thứ phát tâm.

Lúc đó, Thiên tử Tịnh Quang Diễm lại bạch Bồ-tát Văn-thù-sưlợi:

–Đại Bồ-tát làm thế nào để mau chóng đạt đạo? Bồ-tát thực hành đạo ấy như thế nào để mau thành tựu đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng?

Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Mau đạt đạo có hai thứ, Đại Bồ-tát nương vào hai thứ đạo ấy để mau chứng Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng:

  1. Đạo phương tiện.
  2. Đạo trí tuệ.

Do thọ trì trí phương tiện nên có thể quán tất cả chúng sinh, do thọ trì trí tuệ nên quán sát tất cả pháp là không và có thể đoạn nghi chấp. Do trí phương tiện nên các pháp hòa hợp, do trí tuệ nên các pháp không hòa hợp. Phương tiện là nhân, trí tuệ là quả. Nhờ phương tiện nên biết tất cả pháp. Nhờ trí tuệ nên biết các pháp là không. Dùng trí phương tiện để trang nghiêm cõi Phật. Nhờ trí tuệ nên biết các cõi Phật đều là bình đẳng. Do trí phương tiện nên biết căn tánh của các chúng sinh đều sai biệt. Do trí tuệ nên biết căn tánh của các chúng sinh đều là không. Do phương tiện nên được vị cam lộ chứng thành Bồ-đề. Do trí tuệ nên biết pháp của chư Phật đều bình đẳng, là chánh đạo.

Lại nữa, này Thiên tử! Có hai thứ hành có khả năng đưa Đại Bồtát mau đạt Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng.

  1. Hữu vi.
  2. Vô vi.

Hữu vi là thâu tóm chung năm Ba-la-mật. Vô vi là thâu tóm Trí tuệ ba-la-mật.

Lại có hai hành, có khả năng đưa Đại Bồ-tát mau thành Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng.

  1. Hành hữu lậu.
  2. Hành vô lậu.

Hành hữu lậu là năm Ba-la-mật. Hành vô lậu là Trí tuệ ba-la-mật.

Lại có hai hành, có thể đưa Đại Bồ-tát mau thành Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng.

  1. Hành trụ.
  2. Hành không trụ.

Hành trụ là năm Ba-la-mật. Hành không trụ là Trí tuệ ba-la-mật.

Lại có hai hành, có thể đưa Đại Bồ-tát mau thành Chánh đẳng Chánh giác.

  1. Hữu lượng.
  2. Vô lượng.

Hữu lượng là năm Ba-la-mật. Vô lượng là Trí tuệ ba-la-mật. Hành hữu lượng là pháp hữu tướng. Hạnh vô lượng là pháp vô tướng.

Lại có hai hành, có thể đưa Đại Bồ-tát mau thành Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng.

  1. Hành trí.
  2. Hành định.

Hành trí là tư Địa thứ nhất cho đến Địa thứ bảy. Hành định là từ Địa thứ tám cho đến Địa thứ mười.

Khi ấy, Bồ-tát Bất Khiếp Nhược Trí Tổng Trì hỏi Bồ-tát Vănthù-sư-lợi:

–Đại Bồ-tát làm thế nào để biết nghĩa? Và làm thế nào để biết trí?

Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này thiện nam! Nghĩa là không hình thể, trí cũng không hình thể.

Bồ-tát Bất Khiếp Nhược Trí Tổng Trì lại hỏi:

–Thưa Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Tại sao nghĩa lại không hình thể?

Trí cũng không hình thể?

Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này thiện nam! Nghĩa là vô vi, vô tác, không tướng, không mạo, không đến, không đi, đó gọi là nghĩa.

Trí không hình thể là: Chẳng phải pháp định, chẳng phải là pháp bất định, đó gọi là trí. Cứ như vậy mà thọ trì.

Nghĩa là không hình thể, chẳng phải có, chẳng phải không.

Trí tức thể là không, chẳng phải có, chẳng phải không, không lấy, không bỏ. Cứ như vậy mà thọ trì.

Lại nữa, nghĩa là chẳng phải định, cũng chẳng phải là chẳng phải định. Trí gọi là tâm đạo, tâm trí bình đẳng, không có phân biệt. Cứ như vậy mà thọ trì.

Lại nữa, lấy trí làm thiền, làm thể, thiền và trí đều bình đẳng, không có sai biệt. Đem phương tiện mà xem xét ấm, nhập, giới, mười hai nhân duyên, sinh tử lưu chuyển và tướng thiện ác, tất cả giống như mộng ảo, chẳng phải có, chẳng phải không. Đại Bồ-tát nên như vậy mà xét xem các pháp.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát lại có mười loại hành trí:

  1. Trí nhân.
  2. Trí quả.
  3. Trí nghĩa.
  4. Trí phương tiện.
  5. Trí Bát-nhã.
  6. Trí thọ trì.
  7. Trí Ba-la-mật.
  8. Trí đại Bi.
  9. Trí thương xót giáo hóa chúng sinh.
  10. Trí không vướng mắc vào tất cả pháp. Đấy gọi là mười hành trí của trí Bồ-tát.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát lại phát mười hạnh thanh tịnh:

  1. Chính mình phát hạnh thân nghiệp thanh tịnh.
  2. Phát hạnh thân nghiệp của tất cả chúng sinh.
  3. Tự mình phát hạnh nghiệp khẩu thanh tịnh.
  4. Phát hạnh nghiệp khẩu thanh tịnh của tất cả chúng sinh.
  5. Tự phát hạnh ý nghiệp thanh tịnh.
  6. Phát hạnh ý nghiệp thanh tịnh của tất cả chúng sinh.
  7. Phát hạnh bình đẳng thanh tịnh của tất cả chúng sinh.
  8. Phát hạnh bình đẳng ngoài tất cả chúng sinh.
  9. Phát hạnh trí của chư Phật thanh tịnh.
  10. Phát hạnh thành tựu chúng sinh làm thanh tịnh cõi nước Phật.

Nếu có chúng sinh nào bị các chứng bệnh thì ban cho thuốc để họ được an lạc, còn như bị phiền não trói buộc thì đem trí vô vi giáo hóa để họ lìa ba cõi. Tất cả đều làm cho chúng sinh được đầy đủ trí tuệ, công đức của đạo vô vi. Đấy gọi là Bồ-tát đầy đủ mười loại hạnh thanh tịnh.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát có mười loại phương tiện:

  1. Phương tiện qua bờ bên kia.
  2. Phương tiện thọ trì.
  3. Phương tiện trí tuệ.
  4. Phương tiện trong phương tiện.
  5. Phương tiện đại Bi.
  6. Phương tiện đầy đủ của trí.
  7. Phương tiện đầy đủ của tuệ.
  8. Phương tiện của tĩnh niệm.
  9. Phương tiện của hành chân thật.
  10. Phương tiện không yêu ghét, bình đẳng đối với tất cả chúng sinh.

Đấy gọi là mười phương tiện của Bồ-tát.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tat có mười thứ phân biệt thân vô tận:

  1. Phân biệt sự vật vô tận.
  2. Phân biệt phiền não vô tận.
  3. Phân biệt pháp vô tận.
  4. Phân biệt khát ái vô tận.
  5. Phân biệt các kiến vô tận.
  6. Phân biệt thiện ác vô tận.
  7. Phân biệt tạo tác vô tận.
  8. Phân biệt không chấp, không trước vô tận.
  9. Phân biệt hòa hợp vô tận.
  10. Phân biệt trí Bồ-đề tròn đầy vô tận.

Đấy là mười thứ phân biệt thân vô tận.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát có mười hạnh điều phục:

  1. Hạnh điều phục thiện.
  2. Hạnh điều phục keo kiệt bằng sự ban cho nhiều như mưa.
  3. Hạnh điều phục không tinh tấn.
  4. Hạnh điều phục ba nghiệp.
  5. Hạnh điều phục tâm độc bằng cách không giận dữ.
  6. Hạnh điều phục khởi tâm thương xót.
  7. Hạnh điều phục tâm lười biếng.
  8. Hạnh điều phục siêng năng tu hành pháp Phật.
  9. Hạnh điều phục tâm bất thiện bằng cách không làm các việc ác.
  10. Hạnh điều phục thiền định, giải thoát, tự tại.

Lại có mười hạnh điều phục:

  1. Hạnh điều phục phá trừ ngu si vô trí.
  2. Hạnh điều phục theo phương tiện nắm giữ Trí tuệ ba-la-mật.
  3. Hạnh điều phục phiền não.
  4. Hạnh điều phục sinh khởi đạo.
  5. Hạnh điều phục tổng trì tin thật.
  6. Hạnh điều phục không đọa cõi ác.
  7. Hạnh điều phục tâm bất thiện.
  8. Hạnh điều phục tự tại nơi thời, phi thời.
  9. Hạnh điều phục chính thân mình.
  10. Hạnh điều phục quán không.

Đấy là mười hạnh điều phục.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát có mười thứ điều phục. Đó là điều phục lìa xa ba nghiệp ác của thân, bốn nghiệp ác của miệng và ba nghiệp ác của ý.

Lại có mười thứ pháp quán trong ngoài không khởi lên sự vướng mắc:

  1. Quán cảnh giới trong thân đều là không, không khởi lên sự vướng mắc.
  2. Quán cảnh giới ngoài thân cũng đều là không, không khởi lên sự vướng mắc.
  3. Quán các pháp trong ngoài đều là không, nên không khởi lên vướng mắc.
  4. Đối với tất cả trí, không khởi lên sự vướng mắc.
  5. Đối với việc tu hành, không khởi lên sự vướng mắc.
  6. Quán các Địa của Hiền thánh, không khởi lên sự vướng mắc.
  7. Tu hành thanh tịnh đã lâu, không khởi lên sự vướng mắc.
  8. Trụ vào Trí tuệ ba-la-mật, không khởi lên sự vướng mắc.
  9. Đối với việc giảng luận chánh pháp, giáo hóa chúng sinh, không khởi lên sự vướng mắc.
  10. Quán các chúng sinh phát khởi đại phương tiện Từ bi thương xót, không khởi lên sự vướng mắc. Đấy gọi là mười thứ quán pháp trong ngoài không khởi lên sự vướng mắc.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát nên khởi lên tâm kiên cố tu đạo Chánh giác như vậy. Nếu không như thế thì Bồ-đề kiên cố không gọi là Bồ-tát.

Sao gọi là kiên cố? Vì ba nghiệp của thân, khẩu, ý kết hợp không trái với nhau nên gọi là kiên cố.

Sao gọi là không kiên cố? Vì ba nghiệp của thân, khẩu, ý không kết hợp, cùng chống trái với nhau, nên gọi là không kiên cố.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát lại có hai thứ chánh hành nơi tâm Bồ-đề kiên cố:

  1. Hành chánh niệm Bồ-đề.
  2. Hanh tu hành thiền định đoạn các phiền não.

Này thiện nam! Đấy gọi là hai thứ chánh hành nơi tâm Bồ-đề kiên cố.

Lại nữa, này thiện nam! Lại có hai thứ chánh hành kiên cố:

  1. Hành tự điều phục thân mình.
  2. Hành điều phục thân chúng sinh.

Này thiện nam! Đấy gọi là hai thứ chánh hành kiên cố của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát lại có hai thứ chánh hành kiên cố:

  1. Siêng năng tu tập nên đạt được Nhất thiết trí.
  2. Không tu tập mà đạt được Nhất thiết trí.

Đấy gọi là hai thứ chánh hành kiên cố của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát lại có hai thứ chánh hành kiên cố:

  1. Chánh hành kiên cố trụ nơi địa phương tiện.
  2. Chánh hành kiên cố trụ nơi địa bất động.

Đấy gọi là hai thứ chánh hành kiên cố của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát có hai thứ chánh hành kiên cố:

  1. Chánh hành kiên cố xa lìa địa cấu nhiễm.
  2. Chánh hành kiên cố đối với mỗi một địa tạo phương tiện tự làm cho tròn đầy.

Đấy gọi là hai thứ chánh hành kiên cố của Đại Bồ-tát.

Đại Bồ-tát lại có hai thứ chánh hành kiên cố:

  1. Đối với địa Thanh văn, Bích-chi-phật, hiện rõ chánh hành kiên cố.
  2. Đối với Bồ-đề Phật, chánh hành kiên cố theo phương tiện không thoái chuyển.

Đấy gọi là hai thứ chánh hành kiên cố của Đại Bồ-tát.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát có vô lượng phương tiện những chánh hành kiên cố như vậy, cho nên chứng được Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng.

Lúc này, Đức Thế Tôn khen ngợi Đồng tử Văn-thù-sư-lợi:

–Lành thay! Lành thay! Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Ông đã khéo giảng thích hợp.

Lúc Phật giảng nói pháp này rồi, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi cùng vô lượng chúng Trời, Người, A-tu-la, Càn-thát-bà và tất cả đại chúng đều đảnh lễ Phật, vui vẻ tin nhận và phụng hành.