KINH TIỂU ĐẠO ĐỊA

Hán dịch: Đời Hậu Hán, Tam tạng Chi Diệu, người xứ Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Người tu đạo thì tìm nơi hơi thở, sở dĩ hơi thở không tìm được là do bốn nhân duyên. Bốn nhân duyên ấy là gì?

  1. Ỷ lại vào điều thiện của mình mà không hiểu việc hộ giới, tự ham muốn tấm thân.
  2. Do không giữ gìn giới nên tam sáng suốt không sinh ra, vì tâm sáng không sinh ra mà không nhận biết được thân, vì không biết rõ được thân nên ý bị mê hoặc.
  3. Không hiểu kinh, vì không hiểu kinh nên không được sáng rõ, do không thấu rõ nên ý liền nghi ngờ.
  4. Không thường tinh tế tính biết mạng sống, phước ngày một hết mà tâm tự buông lung.

Vì bốn nhân duyên này nên không được hơi thở điều hòa. Người tu đạo cần tìm hơi thở và muốn được hơi thở thì cần phải biết hai việc đi và ngồi:

  1. Thở gấp nghẹt.
  2. Điều hơi thở ra vào.

Cũng bởi hai mối liên hệ đó mà: một là sống, hai là chết.

Thế nào là thở nghẹt? Thế nào là hơi thở ra vào điều hòa?

Chỗ khởi ý sinh là thở nghẹt, còn tâm dừng lắng là thở điều hòa.

Thế nào là sống? Thế nào là chết?

Ý diệt là sống còn ý khởi lên là chết.

Trước hết cần phải biết nhân duyên này, phải làm sao biết phân biệt nhân duyên từ đâu khởi lên và chấm dứt. Sư việc này do bốn đối đãi. Bốn đối đãi này là gì?

  1. Không biết ăn, ăn nhiều, không học hỏi, không kiềm chế, tham mùi vị quá mức.
  2. Ý chạy theo sắc không thẩm xét, tinh tế suy tính, cầu nhiều, tự ham muốn đó là những loại thuộc về gốc của khổ.
  3. Ý khiếp nhược, triền cái khởi, nhiều ngủ nghỉ, đánh mất bản niệm, hướng theo những thứ giống cây tà trong mộng.
  4. Nghi hoặc nên ác khẩu ngày một tăng lên, lời nói hai lưỡi, rơi vào sai trái, lầm lỗi, sân giận, nóng nảy, thân miệng không đi đôi với nhau.

Bởi thế, nên không rơi vào thiền khí, muốn tiếp cận được thiền thì phải làm sao?

Phải thường đếm, tư duy hơi thở nặng nề, hơi thở điều hòa sinh diệt không còn khởi lên. Phải hành trì những gì lúc ấy tư duy phân biệt? Vấn đề lại cũng ở bốn nhân duyên:

  1. Gần Thiện tri thức.
  2. Biết nhận lãnh lời nói không vọng.
  3. Siêng tụng kinh, sớm tối tập ý.
  4. Gìn giữ giới thì chớ cách lìa pháp hơi thở mà dễ được.

Thân có bốn bệnh: Hoặc khi đất nhiều thân không được an; hoặc khi nước nhiều thân không được an; hoặc khi lửa nhiều thân không được an; hoặc khi gió nhiều thân không được an. Bốn thứ này nếu được an thì thân được định.

Tâm có bốn bệnh:

  1. Si mê nhiều thì tâm không được định.
  2. Nóng giận nhiều thì tâm không được định.
  3. Dâm dục nhiều thì tâm không được định.
  4. Nghi ngờ nhiều thì tâm không được định.

Bốn việc mà không an thì tâm không được định.

Hơi thở ra vào cũng có bốn bệnh: Hoặc khi nhiều tìm cầu thì hơi thở không được yên lặng; hoặc khi nhớ nghĩ nhiều thì hơi thở không được yên lặng; hoặc khi hoan hỷ nhiều thì hơi thở không được yên lặng; hoặc khi khò khè nhiều thì hơi thở không được yên lặng.

Đạo nhân hành đạo lìa bỏ được nhân duyên này thì liền được định tâm.

Nếu thân béo mập nặng nề, ghẻ nhọt, phì nộn, muốn ngồi thì thân không được an; hoặc khi ăn nhiều thì nóng đốt bức lên, thân không được an; hoặc khi uống nhiều thì căng nước thân nặng, mắt mở không nổi, thân không được an; hoặc khi ăn nhiều rồi lại ăn nữa, tham vị quá mức không học hỏi, không kiềm chế, gió liền bốc lên, không được an, cũng có nghĩa là thiếu ăn.

Nếu nhiều si muội thì luôn hạn chế vào chỗ đám đông người tụ tập, trước hết phải tụng kinh không cần đa văn, chỉ nên tự giữ cho tốt.

Nếu nhiều sân nhuế thì không cần phải ở nhà, nếu ít sở hữu.

Nếu nhiều dâm thì không nên xem kỹ nhạc và các sắc đẹp.

Nếu nhiều nghi thì luôn hạn chế nghe sự khéo nói, lời hay, thường tự gìn giữ, tư duy, tránh đối đáp.

Nếu tìm cầu nhiều thì thường phải nhớ nghĩ, không luôn ngồi chìm đắm trong ý nghĩ.

Nếu nhớ nghĩ nhiều thì thường phải làm sáng tỏ cho được chỗ ý nghĩ của ta điều là cái gốc của khổ đau.

Nếu vui mừng nhiều thì không được tính toán để cái khổ kéo dài ở đằng sau, phải mau kiềm chế.

Nếu thở khò khè nhiều thì thường phải biết tâm mình không nên hay nói ra lời xấu ác, ngồi tao ra tội.

Người tu đạo hành đạo mà không biết nhân duyên này thì rốt cuộc không thể gần đạo. Lúc nào cũng phải kiềm chế điều này, tâm được sáng dần lên thì dễ được đạo.

Người tu đạo cần sự hướng đạo, điều cần phai biết là niệm quá khứ đã thuộc về quá khứ, đừng bao giờ nghĩ đến nó nữa. Vì sao vậy?

Bởi vì biết về nó là gieo trồng, ví như gieo các loại hạt, trồng lúa thì liền nghĩ đến việc thu hoạch lúa, trồng đậu thì nghĩ đến việc thu hoạch đậu. Vì sao? Vì đó là sự sống.

Niệm cũng như vậy, vì gieo niệm thì liền sinh ra, tất cả các duyên hội tụ, ở nơi mười phương để chờ cái họa phước phải nhận lãnh. Điều thiết yếu là không thoát được khổ. Rơi vào sự giết hại thì liền trồng lấy sự giết hại. Giống ăn trộm là gieo sự ăn trộm. Giống dâm là gieo dâm. Giống hai lưỡi là gieo hai lưỡi. Giống ác khẩu là gieo ác khẩu. Giống nói dối là gieo nói dối. Giống thêu dệt lời là gieo sự thêu dệt. Giống ghen ghét là gieo sự ghen ghét. Giống nóng giận là gieo nóng giận. Giống nghi ngờ là gieo nghi ngờ. Cho nên tất cả là niệm chất chồng thêm niệm khó lìa được khổ.

Phải nắm lấy những gì là xa lìa được các khổ? Điều cốt lõi là phải thiền khí nghĩa là không còn trồng lại mười điều ác trên, xa lìa các việc ấy thì những chủng tử khác dần dần sẽ tiêu mất. Vì sao? Vì giống như gieo hạt, tuy thu hoạch được nhiều, song nếu không gieo giống trở lại, chỉ ăn dần dần, ăn mãi mà không dừng lại để trồng thì cũng có lúc hết sạch gạo mè… Thiền khí cũng như thế. Vì sao? Vì không gieo trồng trở lại. Do rơi vào thiền khí thì tội dần dần tiêu diệt. Vì sao? Vì cần một ít thiền khí là được phước rồi, phước được sinh ra thì vạn ác đều hết, chỉ cần gieo đạo, trồng niệm. Đạo đã được sinh ra thì liền thông tuệ, vì được thông tuệ thì có thể cứu sống người cũng như có thể tự cứu sống lấy mình.

Người tu đạo thì hướng cầu Phật đạo, hiện đời muốn biết rõ về tri, hành của tâm, vấn đề cốt yếu là ở nơi ba niệm: Có niệm quá khứ, niệm tương lai, niệm hiện tại đều có niệm phước, có niệm tội.

Hoặc nếu lúc đọc kinh, hành thiền mà bỗng nghĩ đến sự việc xưa cũ đã từng vì người mà nhẫn nhục hoặc bị rơi vào lãnh vực háo sắc thì nhân niệm sinh ý là tạo nên đầu, chân tội. Lại nữa, tội càng tăng lên thì không thể nào tự kiềm chế. Từ nhân duyên này mà phạm tội là gốc của khổ. Đây là niệm quá khứ tội.

Hoặc lúc từ trong thiền, hoặc đọc kinh mà bỗng sinh niệm thiện, niệm trong sạch là sở hành của khổ lạc, tư duy biết được nó không thường. Đây là phước niệm của quá khứ.

Hoặc khi an tịnh, bỗng niệm loạn sinh ra. Niệm tạo tác chẳng phải thường thì liền mất bổn niệm. Tìm kiếm nhiều tham, dâm, thì tạo ra niệm đeo đẳng. Đây là niệm tương lai tội.

Hoặc khi nếu được an tịnh thì niệm trồng niệm thiện, từ nhân duyên này mà tăng sự thông sáng. Đây là niệm phước vị lai.

Ngay thẳng sống ở gia đình, tự thủ hộ, trì giới mà tà niệm sinh ra, niệm nghĩ nơi nhiều súc vật trong loài lục súc thì sự lo âu mất giới lại càng tăng lên. Đây là niệm tội hiện tại. Nếu sống với gia đình mình mà tự thủ, trì giới, niệm thiện lại tăng lên hằng muốn rời bỏ gia đình. Đây là niệm phước hiện tại.

Hướng đến cầu Phật đạo thì trước nhất phải hiểu rõ tội, phước này thì thông tuệ mới có thể tăng lên. Nếu cầu La-hán thì đoạn trừ tất cả. Đây là hướng cầu Phật đạo. Nếu chỉ muốn tăng phước nhiều thông tuệ thì cầu La-hán. Nếu chỉ muốn đắm mình vào thiền, diệt ác thì thông tuệ kia đi liền theo sau. Cầu Phật, tăng phước thì điều thiết yếu là phải nghe nhiều còn được thông tuệ thì quan trọng là đọc tụng kinh. Muốn biết được điều ấy thì quan trọng là ở nơi giữ gìn giới. Hộ giới thì có thể hiểu kinh, đó có thể là phước của người mà cũng có thể là phước của chính mình.

Người tu đạo hướng cầu Phật đạo, hiện đời muốn hiểu tâm hành của Bồ-tát, điều thiet yếu phải biết về ba giới này:

  1. Phải biết trì giới cũng là nắm giữ giới.
  2. Phải biết không phạm giới cũng có khả năng trì giới.
  3. Phải biết giới, thấu triệt giới, có khả năng trì giới cũng hộ trì giới.

Thứ nhất phải biết nắm giữ giới: Nếu người có vợ, con sống ở nhà nhưng luôn chay tịnh không mất thì đây là giữ giới. Một mình không vợ con, tự giữ gìn không hướng tà vạy, là giữ giới.

Thứ hai phải biết không phạm giới: Nếu người mắt thấy, tai nghe có khả năng không dễ rơi vào âm thanh, sắc tướng cũng như tất cả cái khác thì đây là không phạm giới.

Về sự rét khổ lại vì người mà nhẫn nhục thường không để mất bổn niệm thì đó là giữ giới cũng là tương ưng với nhẫn nhục.

Thứ ba phải biết giới: Biết người nào nắm giữ giới gì thì đây là biết giới. Hiểu rõ giới là biết người nào đó vui với đạo là cha mẹ, bà con thân thuộc, Thiện tri thức là chỗ chẳng phải ganh ghét, không bao giờ ở trong chỗ đông người, hiểu biết thuyết giới.

Người có khả năng trì giới là phải biết rõ năng lực của người tương ưng với nghiệp gì, tùy sức lực của họ đảm nhận mà giao cho khả năng ấy khiến không mất giới.

Hoặc tăng hoặc giảm tùy bệnh mà cho thuốc thì đây là khả năng giới.

Người hộ giới là tất cả phải hộ giúp, gần gũi, thuận theo, phải đạt được ý ấy, xa rời ác tri thức, phải có sự bảo hộ ý. Muốn thuyết mười phương, nhân phi nhân, hoặc ở nơi ca xướng, đàn hát hoặc ở nơi dâm sắc thì thường hay chỉ bày nhiều ít về ý nghĩa thiện với ngôn từ khéo léo không rối loạn ý, lại khiến cho họ có phước thì đây là hộ giới.

Người hành đạo Bồ-tát hướng cầu Phật đạo thì, cốt yếu là phải biết các hành nghiệp ấy thì mới có thể giải thoát cho người cũng như có thể giải thoát cho chính mình, lại có thể là nghiệp của người mà cũng có thể là nghiệp của mình.