KINH TỊCH CHIẾU THẦN BIẾN TAM-MA-ĐỊA

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Thuở nọ, Đức Phật ngụ tại núi Linh thứu, thành Vương xá cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo và chúng Đại Bồ-tát nhiều như số bụi trần trong mười ức cõi Phật đều hội đủ. Tên của các vị là: Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi, Bồ-tát Quán Tự Tại, Bồ-tát Dược Vương, Bồ-tát Dược Thượng, Bồ-tát Chế Đa Lôi Âm, Bồ-tát Hồng Liên Hoa Thủ, Bồ-tát Nhật Quang, Bồ-tát Nguyệt Quang, Bồ-tát Viễn Trần Dũng Mãnh, Bồ-tát Đoạn Chư Ác Thú, Bồ-tát Trí Thượng Trí, Bồ-tát Bảo Thượng Trí, Bồ-tát Hữu Tình Thượng Trí, Bồ-tát Hương Hoa Thượng Trí, Bồ-tát Nhật Thượng Trí, Bồ-tát Nguyệt Thượng Trí, Bồ-tát Ly Cấu Thượng Trí, Bồ-tát Kim Cang Thượng Trí, Bồ-tát Viễn Trần Thượng Trí, Bồ-tát Biến Chiếu Thượng Trí, Bồ-tát Minh Tràng, Bồ-tát Cao Tràng, Bồ-tát Bảo Tràng, Bồ-tát Vô Trước Tràng, Bồ-tát Hương Hoa Tràng, Bồtát Ly Cấu Tràng, Bồ-tát Nhật Tràng, Bồ-tát Nguyệt Tràng, Bồ-tát Viễn Trần Tràng, Bồ-tát Biến Chiếu Tràng, Bồ-tát Trì Oai Quang, Bồ-tát Bảo Oai Quang, Bồ-tát Đại Tuệ Oai Quang, Bồ-tát Trí Kim Cang Oai Quang, Bồ-tát Ly Cấu Oai Quang, Bồ-tát Nhật Oai Quang, Bồ-tát Nguyệt Oai Quang, Bồ-tát Phước Sơn Oai Quang, Bồ-tát Trí Chiếu Oai Quang, Bồ-tát Đẳng Thắng Oai Quang, Bồ-tát Trì Tạng, Bồ-tát Hư Không Tạng, Bồ-tát Hồng Liên Hoa Tạng, Bồtát Bảo Tạng, Bồ-tát Nhật Tạng, Bồ-tát Nguyệt Tạng, Bồ-tát Công Đức Thanh Tịnh Tạng, Bồ-tát Pháp Ấn Tạng, Bồ-tát Biến Chiếu Tạng, Bồ-tát Tề Tạng, Bồ-tát Hồng Liên Hoa Thắng Tạng, Bồ-tát Nhật Nhãn, Bồ-tát Thanh Tịnh Nhãn, Bồ-tát Ly Cấu Nhãn, Bồ-tát Vô Trước Nhãn, Bồ-tát Phổ Kiến Nhãn, Bồ-tát Thiện Lợi Nhãn, Bồ-tát Kim Cang Nhãn, Bồ-tát Bảo Nhãn, Bồ-tát Hư Không Nhãn, Bồ-tát Phổ Nhãn, Bồ-tát Thiên Quan, Bồ-tát Pháp Giới Quang Ảnh Mạt Ni Châu Quan, Bồ-tát Diệu Giác Quan, Bồ-tát Biến Chiếu Quan, Bồ-tát Xuất Sinh Nhất Thiết Phật Tạng Quan, Bồ-tát Xuất Hiện Nhất Thiết Thế Gian Quan, Bồ-tát Phổ Biến Chiếu Quan, Bồtát Vô Năng Thắng Quan, Bồ-tát Đẳng Phú Nhất Thiết Như Lai Sư Tử Tòa Quan, Bồ-tát Phổ Châu Pháp Giới Hư Không Quang Ảnh Quan, Bồ-tát Phạm Chủ Đảnh Kế, Bồ-tát Long Chủ Đảnh Kế, Bồtát Nhất Thiết Phật Hóa Quang Ảnh Đảnh Kế, Bồ-tát Diệu Giác Đảnh Kế, Bồ-tát Nhất Thiết Nguyện Hải Âm Thanh Mạt-ni Châu Vương Đảnh Kế, Bồ-tát Nhất Thiết Tam Thế Bình Đẳng Âm Thanh Đảnh Kế, Bồ-tát Đại Quang, Bồ-tát Ly Cấu Quang, Bồ-tát Bồ-tát Bảo Quang, Bồ-tát Bồ-tát Viễn Trần Quang, Bồ-tát Minh Quang, Bồ-tát Nhất Thiết Như Lai Thần Biến Quang Ảnh Mạt-ni Tràng Vương Mạt Ni Bảo Võng Đẳng Phú Đảnh Kế, Bồ-tát Nhất Thiết Như Lai Pháp Luân Âm Thanh Đảnh Kế, Bồ-tát Nhất Thiết Như Lai Phóng Đại Quang Luân Mạt-ni Bảo Châu Lôi Âm Đảnh Kế, Bồ-tát Nhất Thiết Không Trung Chúng Tạp Hiển Chiếu Mạt-ni Bảo Châu Trang Nghiêm Đảnh Kế, Bồ-tát Pháp Quang, Bồ-tát Tịnh Quang, Bồ-tát Nhật Nguyệt Quang, Bồ-tát Thần Biến Quang, Bồ-tát Thiên Quang, Bồ-tát Phước Đức Cao Tràng, Bồ-tát Trí Tuệ Cao Tràng, Bồ-tát Thần Thông Cao Tràng, Bồ-tát Quang Minh Cao Tràng, Bồ-tát Hương Hoa Cao Tràng, Bồ-tát Mạt-ni Cao Tràng, Bồ-tát Giác Tuệ Cao Tràng, Bồ-tát Phạm Cao Tràng, Bồ-tát Phổ Chiếu Cao Tràng, Bồ-tát Phạm Thanh, Bồ-tát Trì Hống Thanh, Bồtát Hải Thanh, Bồ-tát Thế Chủ Thanh, Bồ-tát Chư Đại Sơn Vương Hổ Tương Kích Thanh, Bồ-tát Nhất Thiết Pháp Giới Biến Mãn Thanh, Bồ-tát Nhất Thiết Pháp Hải Lôi Thanh, Bồ-tát Hàng Phục Nhất Thiết Ma Luân, Bồ-tát Đại Bi Lý Thú Vân Lôi Thanh, Bồ-tát An Úy Nhất Thiết Chúng Sinh Khổ Thanh, Bồ-tát Pháp Dũng, Bồtát Thắng Dũng, Bồ-tát Trí Dũng, Bồ-tát Phước Diệu Cao Dũng, Bồ-tát Đức Tuệ Dũng, Bồ-tát Danh Xưng Dũng, Bồ-tát Phổ Chiếu Dũng, Bồ-tát Đại Từ Dũng, Bồ-tát Trí Hiện Dũng, Bồ-tát Như Lai Tộc Tánh Dũng, Bồ-tát Quang Thắng, Bồ-tát Diệu Thắng, Bồ-tát Sinh Thắng, Bồ-tát Biến Chiếu Thắng, Bồ-tát Hư Không Thắng, Bồ-tát Bảo Thắng, Bồ-tát Cao Tràng Thắng, Bồ-tát Trí Thắng, Bồtát Cao Chủ Vương, Bồ-tát Thế Chủ Vương, Bồ-tát Phạm Chủ Vương, Bồ-tát Sơn Chủ Vương, Bồ-tát Bất Động Chủ Vương, Bồtát Tôn Chủ Vương, Bồ-tát Diệu Giác Chủ Vương, Bồ-tát Tịch Tĩnh Âm, Bồ-tát Vô Trước Âm, Bồ-tát Trì Thanh Âm, Bồ-tát Hải Triều Âm, Bồ-tát Bổn Nguyện Giác Âm, Bồ-tát Đạo Tràng Thanh Âm, Bồ-tát Trí Cao Giác, Bồ-tát Hư Không Giác, Bồ-tát Ly Cấu Giác, Bồ-tát Vô Trước Giác, Bồ-tát Giác Ngộ Giác, Bồ-tát Chiếu Tam Thế Giác, Bồ-tát Bảo Giác, Bồ-tát Quảng Giác, Bồ-tát Phổ Minh Giác, Bồ-tát Chiếu Pháp Giới Lý Thú Giác… các Bồ-tát ấy đều là những bậc đứng đầu.

Lại có các Đại Bồ-tát nhiều như số bụi trần trong mười ức cõi Phật, tất cả chư vị ấy đều trụ ở quả vị không thoái chuyển, đã thành tựu ở vô lượng cõi hư không, thành tựu sự bình đẳng không chướng ngại khắp pháp giới, tin hiểu quả Dị thục do nghiệp mà khởi, tin hiểu các quả báo tùy nhân duyên mà khởi, do ấn chân như khởi lên ấn thành tựu tất cả pháp, tánh trí bình đẳng, thấy rõ các pháp giống như ánh sáng và hình ảnh, tánh bình đẳng nên thấy các pháp, giống như tiếng vang của âm thanh, thông đạt tánh bình đẳng. Tất cả chư vị ấy đều đã chứng đắc định giải thoát thù thắng không thể nghĩ bàn, an trụ và thực hành các Tam-muội, có thể an trụ đưa đến vô biên sắc thân chư Phật, trọn vẹn các Tam-muội, trong mỗi lỗ chân lông có thể thị hiện tất cả các cõi Phật, trong mỗi lỗ chân lông có thể thị hiện ra sự lâm chung, sự sinh khởi, ra khỏi bào thai hoặc xuất gia, dùng phương tiện thị hiện các hạnh khổ khó làm, đến tòa Bồ-đề, hàng phục quân ma, thành Bậc Đẳng Chánh Giác, vận chuyển bánh xe chánh pháp, cuối cùng lại thị hiện nhập đại Niết-bàn, một lần ngồi kiết già là thành tựu. Có thể dùng trí biết hết tất cả các thế giới khắp mười phương, thị hiện một Đức Như Lai nơi chúng hội của tất cả các Đức Như Lai trong tất cả các thế giới khắp mười phương. Đối với một Đức Như Lai trong chúng hội thì có thể thị hiện tất cả chư Như Lai, dùng phương tiện thiện xảo để giảng nói vô số các pháp, thấu đáo bờ bến không cùng tận của tất cả các pháp, thể nhập vào vô số các huyễn vọng, hiển hiện khắp vô biên vô số các kiếp của chúng sinh. Đối với tự thân thì có khả năng ngộ nhập, dùng phương tiện khéo léo hiểu rõ tất cả các thân của chúng sinh, trong một thân cũng có khả năng hội nhập khắp cả, dùng phương tiện thiện xảo để thông đạt, an trú vào tất cả các thân của chư Như Lai. Trong thân Phật cũng có khả năng thể nhập khắp cả, hiện bày tất cả các thân của chư Như Lai, dùng phương tiện thiện xảo không bỏ sót một chúng sinh nào. Trong tự thân thì thể nhập khắp nơi, đều dùng phương tiện khéo léo để thị hiện nơi tất cả thế giới khắp mười phương. Trong một Pháp thân lại thị hiện khắp tất cả, biến khắp chúng sinh trong ba cõi, có khả năng dùng một thân thể nhập vào Tam-muội, thị hiện ra vô biên thân chúng sinh. Trong một thân, hiện bày chứng quả vị Đẳng giác, có khả năng hiển hiện các thân giống như thân của tất cả chúng sinh. Ở trong thân của tất cả chúng sinh, có khả năng thị hiện ra một thân; lại có thể trong một thân, thị hiện khắp tất cả thân chúng sinh, trong thân chúng sinh có khả năng hiện ra Pháp thân, trong Pháp thân hiện ra thân chúng sinh. Trong tất cả các nguyện của Bồ-tát có khả năng ngộ nhập vào vô nguyện phương tiện thiện xảo vững chắc, có thể vì chúng sinh mà thị hiện chư Phật chứng đắc đạo quả Chánh đẳng giác, nơi chỗ nguyện lực mà thị hiện chứng quả vị vô lượng, vì muốn thành tựu cho các chúng sinh mà tùy theo sự ứng hợp để giáo hóa, có thể thị hiện đạo quả Vô thượng Bồ-đề, có khả năng bặt dứt tất cả các kiếp số, không có ước nguyện. Đối với tất cả chúng sinh mà thị hiện sự tự tại của nguyện lực, chuyển đổi thân thức, kiến lập thân trí tuệ, thị hiện sự đoạn diệt của thân khắp nơi, làm cho ước nguyện của chúng sinh được viên mãn, hiện bày khắp tất cả chúng sinh khiến họ thành tựu nguyện rộng lớn. Trong mỗi thế giới đều thị hiện sự thực hành hạnh Bồ-tát không hề chấm dứt suốt trong tất cả các kiếp số, dùng năng lực thệ nguyện rộng lớn nên nơi mỗi lỗ chân lông có thể hiện bày tất cả các cõi Phật, nơi vô số vô số thế giới. Trong mỗi thế giới thị hiện đủ các thân thành tựu quả vị Đẳng chánh giác, đối với một câu pháp thì hiện bày giảng nói đầy đủ, biến khắp tất cả pháp giới, có thể rưới xuống dòng pháp rộng lớn, khởi lên vị cam lồ vi diệu, các ánh sáng giải thoát hiển hiện chiếu soi khắp nơi. Tiếng sấm của pháp chân thật làm chấn động, khiến tất cả các cõi chúng sinh đều trọn vẹn nguyện rộng lớn, hội nhập vào sự giải thoát tịch tĩnh, có thần thông trí tuệ sáng suốt, chỉ tạm khởi tâm để hành hóa khắp các cảnh giới. Ở nơi chỗ sinh tử xoay vần của chúng sinh trong tất cả thế giới khắp mười phương mà thị hiện thân tướng sai biệt của tất cả chúng sinh đã sinh ra, không bị chướng ngại. Trí tự biết tâm mình và có trí biết tâm người khác, trí biết tâm một chúng sinh và biết về sự vận hành nơi tâm của tất cả chúng sinh đều đạt được thiện xảo; trong khoảng một sát-na thể nhập vào trí mười lực vi diệu của Như Lai đều đạt được thiện xảo. Trí hội nhập vào tất cả các kiếp số trong ba đời mà không hề chướng ngại, trí hiện bày sự tiếp nối vi diệu của chúng sinh đều được thiện xảo; trong khoảng sát-na nhất tâm, thị hiện nơi lưu chuyển của tất cả chúng sinh ở tất cả các thế giới khắp mười phương, đều được thiện xảo. Lại có thể nghĩ đến tất cả chúng sinh không hề bỏ sót, trí vi diệu thấy rõ sự tạo nghiệp của tất cả chúng sinh đều được thiện xảo. Đối với tiếng nói phát ra của một chúng sinh mà dùng trí vi diệu để hội nhập, thị hiện ra tiếng nói của tất cả chúng sinh đều được thiện xảo, duyên theo một thân để hiện bày các thân khắp tất cả các thế giới đều được thiện xảo. Ở nơi chúng hội của một Đức Như Lai mà hội nhập, thị hiện sự thuyết pháp, thọ trì nơi chúng hội của tất cả chư Như Lai, đều được thiện xảo. Nơi chúng hội của tất cả chư Như Lai mà hội nhập, hiện bày sự thuyết pháp, thọ trì nơi chúng hội của một Đức Như Lai đều được thiện xảo; đạt được tất cả Đà-la-ni vi diệu, thể nhập an trú vào biện tài quyết định khéo léo, giảng nói hợp với căn tánh của tất cả chúng sinh đều được thiện xảo. Dùng một tâm chúng sinh làm đối tượng duyên dựa rồi hiện bày vô số sự chứng đắc đại Bồ-đề, là trí giác ngộ cho tất cả chúng sinh đều được trí thiện xảo. Dùng âm thanh một lời nói để giảng dạy khiến tất cả thế giới đều hiểu rõ, tùy theo sự ưa thích khác nhau của tất cả chúng sinh mà hiển bày cho họ không gián đoạn đều đạt được thiện xảo. Dùng nhất tâm tùy theo từng ý niệm mà thể nhập vào kiếp số không cùng tận của tất cả chúng sinh, hiển hiện tất cả nghiệp quả Dị thục đã tạo tác, tùy theo sự ứng hợp của chúng sinh mà mở bày, khiến họ hiểu rõ, đều đạt được thiện xảo. Làm trang nghiêm tất cả các thế giới đều đạt được thiện xảo. Thể nhập khéo léo vào tất cả các đời, có tánh giác bình đẳng đối với tất cả chư Phật, tự lập hạnh nguyện rộng lớn của Bồ-tát, thông đạt khắp cả, phóng ánh sáng pháp đều đạt được thiện xảo. Có khả năng khiến vô số thế giới hội nhập vào một hạt bụi trần cực nhỏ, đều được thiện xảo. Có thể khiến một hạt bụi trần cực nhỏ chứa hết tất cả các thế giới, đều được thiện xảo; ở nơi một cõi Phật, thị hiện khắp tất cả các cõi Phật, đều đạt được thiện xảo. Lấy nước trong tất cả các biển chứa vào một lỗ chân lông, qua lại trong vô lượng thế giới nhưng không làm tổn thương chúng sinh, đều được thiện xảo. Khiến vô số thế giới hiện có hội nhập vào tự thân, hiện bày sự tạo tác của tất cả chúng sinh, đều được thiện xảo. Có thể đem vô số không thể lường xét, không thể tính kể, không có giới hạn, không thể nói hết các núi chúa Thiết vi, núi Thiết vi và các núi chúa khác để vào một lỗ chân lông, đến đi khắp tất cả thế giới nhưng không hề làm chúng sinh kinh sợ, đều đạt được thiện xảo. Dồn vô số vô số kiếp thành một kiếp, có thể kéo dài một kiếp thành vô số vô số kiếp, hiện bày sự thành hoại, sai khác trong ấy đều đạt được thiện xảo. Tùy sự ứng hợp của chúng sinh mà giáo hóa cho họ, ở trong một cõi nước mà hiện bày khắp nơi, tùy theo từng nơi mà hiện ra tai họa về nước, hoặc hiện bày tai họa về lửa hoặc tai họa về gió, đều được thiện xảo. Dùng ngón chân phải để đẩy vô số vô lượng thế giới mà không làm tổn hại chúng sinh, đều được thiện xảo. Tất cả đều đã an trụ nơi địa Pháp vân, có thể nắm giữ, giáo hóa cho chúng sinh khắp mười phương, những nơi có tai ương, lo buồn, đói khát, nguy hiểm, đều được thiện xảo mà không làm tổn hại các chúng sinh khác. Dùng năng lực thần thông chư Phật xuất hiện nơi các cõi nước không có Phật, vô lượng vô biên công đức đều được thành tựu như vậy. Lại cùng năm trăm vị Đại Bồ-tát hội đủ, Bồ-tát Hiền Hộ là vị đứng đầu, tất cả đều an trụ ở quả vị không thoái chuyển.

Bấy giờ, trong thành Phệ-xá-ly có Đồng tử Lê-triếp-tỳ tên là Bảo Khoáng cùng với hai vạn một ngàn đồng tử Lê-triếp-tỳ hội đủ, tất cả đều cùng nhau đi đến núi Linh thứu, chỗ cư ngụ của Đức Như Lai, đảnh lễ dưới chân rồi lui ngồi bên phải, chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn không chớp mắt và cung kính an trụ.

Trong thành Yết-xà có cư sĩ tên là Xa-ma cùng với năm trăm Ưu-bà-tắc hội đủ, tất cả đều cùng nhau đi đến núi Linh thứu, chỗ cư ngụ của Đức Như Lai, đảnh lễ dưới chân rồi lui ra ngồi một bên, chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn không chớp mắt và cung kính an trụ.

Lại có cư sĩ tên là Thiện Điều Phục cùng năm ngàn cư sĩ hội đủ, tất cả cùng đến núi Linh thứu, chỗ cư ngụ của Đức Như Lai, đảnh lễ dưới chân rồi lui ra ngồi một bên, chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn không rời mắt và cung kính an trụ.

Lại có cư sĩ tên là Thương Chủ cùng rất nhiều quyến thuộc hội đủ, tất cả đều đến núi Linh thứu, chỗ cư ngụ của Đức Như Lai, đảnh lễ nơi chân rồi lui ra ngồi một bên, chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn không chớp mắt rồi cung kính an trụ.

Ở thành Chiêm-ba có con một trưởng giả tên là Thiện Tý, cùng tám vạn bốn ngàn người con của các trưởng giả hội đủ, tất cả đều đến núi Linh thứu, chỗ cư ngụ của Đức Như Lai, đảnh lễ nơi chân rồi lui ra ngồi một bên, chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn không chớp mắt rồi cung kính an trụ.

Lại có một thiếu niên tên là Na-la-đạt-đa cùng năm trăm thiếu niên khác hội đủ, tất cả đều đến núi Linh thứu, chỗ cư ngụ của Đức Như Lai, đảnh lễ nơi chân rồi lui ra ngồi một bên, chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn không chớp mắt rồi cung kính an trụ.

Lại có thiếu niên tên là Lạc Dục cùng năm trăm thiếu niên khác hội đủ, tất cả đều đến chỗ của Đức Thế Tôn ở núi Linh thứu, đảnh lễ nơi chân rồi lui ra ngồi một bên, chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn không chớp mắt rồi cung kính an trụ.

Vua nước Ma-kiệt-đà tên là Vị Sinh Oán cùng năm ngàn người hội đủ, tất cả đều cỡi voi chúa Hộ tài đến chỗ Đức Như Lai nơi núi Linh thứu, đảnh lễ dưới chân rồi lui ra ngồi một bên, chiêm ngưỡng Đức Như Lai không chớp mắt rồi cung kính an trụ.

Lại có Thiên vương Đế Thích, Đại phạm Thiên vương chủ cõi Ta-bà, Tứ Hộ Thế vương, Thiên tử Đại Tự Tại, Thiên tử Nhật Nguyệt, Thiên tử Thiện Dũng Mãnh Tư, Thiên tử Tô-thất-lợi-ma và vô số vô biên Thiên tử không thể lường xét được, mỗi Thiên tử này lại cùng với vô số trăm ngàn ức Thiên tử quyến thuộc hội đủ, tất cả đều đến chỗ của Đức Như Lai ở núi Linh thứu, mỗi vị Thiên tử đều sắm sửa vô số vật dụng hảo hạng, tùy theo khả năng của mình để cúng dường Đức Như Lai rồi lui ra ngồi một bên, chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn không chớp mắt và cung kính an trụ.

Khi ấy, từ nơi mỗi tướng tốt ở mỗi lỗ chân lông của Đức Thế Tôn phóng ra ánh sáng đủ màu sắc nhiều như số vi trần cực nhỏ trong mười cõi Phật, mỗi ánh sáng này chiếu khắp mười phương, ở mỗi phương lại phân ra cõi Phật, rồi chiếu đến khắp các thế giới bằng số bụi trần cực nhỏ trong ức cõi nước. Từ một thế giới có trăm ngàn ức vô số Bồ-tát triệu tập đến, mỗi Bồ-tát này đều ngồi trên đài báu quý giá, rộng lớn trăm ức do-tuần, lầu gác báu bao quanh, trang hoàng bằng báu trân châu Ma-ni, có cờ, phướn, lọng trang nghiêm, trăm ngàn ức, vô lượng vô số Thiên nữ không thể lường xét được cùng đến chỗ của Đức Như Lai nơi núi Linh thứu, tất cả đều đảnh lễ nơi chân, đem mây hoa, mây báu, mây vải vóc, mây chiên-đàn phúc hành kiên cố, mây các loại âm nhạc, ca múa, khen ngợi… nơi các cõi nước của chư Thiên rải xuống để cúng dường, rồi lui ra ngồi một bên, chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn không chớp mắt và cung kính an trụ.

Bấy giờ, những bậc có oai đức rộng lớn khắp tam thiên đại thiên thế giới như Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâula, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Đế Thích, Phạm thiên, Hộ Thế, Nhân phi nhân và các chúng Bồ-tát đều an trụ, thậm chí không có khoảng trống nào bằng đầu sợi lông mà chẳng đầy khắp.

Lúc ấy, trong chúng có Bồ-tát Hiền Hộ rời chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo bày một vai, gối phải quỳ sát đất, chắp tay cung kính bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con có một ít điều muốn thưa hỏi Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác. Cúi xin chấp thuận cho con.

Đức Thế Tôn bảo:

–Này Bồ-tát Hiền Hộ! Ông muốn hỏi điều gì thì hãy tùy ý, Như Lai sẽ giải đáp khiến ông được hoan hỷ.

Bồ-tát Hiền Hộ bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Do ở đâu, do thực hành gì, do quy tắc nào, do căn lành gì, do siêng năng như thế nào, do nương tựa vào đâu, do trí tuệ khéo léo như thế nào, do trí vi diệu nào, do nhớ nghĩ điều gì, do hướng đến đâu, do ai hướng dẫn, do giữ gìn điều chân thật nào, do mặc áo giáp gì mà khiến chúng Đại Bồ-tát không hề thoái chuyển nơi quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và càng tăng trưởng dũng mãnh đối với đạo quả ấy?

Thế nào là Như Lai luôn siêng năng hành hóa dũng mãnh? Thế nào là trí tuệ vi diệu của Như Lai? Thế nào là tuệ rộng lớn và phương tiện khéo léo bằng trí tuệ? Thế nào là giới thanh tịnh? Thế nào là đầy đủ ý niệm, không quên mất những pháp đã nghe? Thế nào là chánh niệm biết rõ những căn lành đã tạo trong kiếp trước? Đạt được thiện xảo ở kiếp trước như thế nào để có thể giáo hóa cho tất cả chúng sinh? Thế nào là thông đạt trọn vẹn về sự thù thắng của các căn? Thế nào là đầy đủ tướng tốt, được gặp Phật, nghe pháp và cúng dường chúng Tăng? Thế nào mà ở thế giới khác nhưng có thể thấy vô biên cõi nước của chư Phật, nghe pháp của chư Phật, gìn giữ, thông suốt tất cả và giảng nói rộng rãi cho người khác? Làm thế nào để có khả năng thiêu đốt tất cả các căn bất thiện giống như ngọn lửa? Làm thế nào để đạt được tất cả các pháp thiện giống như ánh trăng? Làm thế nào để nắm giữ tất cả các căn lành thù thắng ví như núi chúa? Làm thế nào để kham nhẫn sâu xa không thể phá hoại giống như kim cang? Làm thế nào để không sợ hãi như đỉnh núi? Làm thế nào đạt được âm thanh trong trẻo, biện tài vô ngại? Làm thế nào để học rộng hiểu nhiều trọn vẹn, bẻ gãy tất cả các pháp, đạt được thiện xảo? Làm thế nào để có được khuôn mặt thanh tú, thường mỉm cười, không hề nhăn nhó? Làm thế nào xa lìa ganh ghét? Làm thế nào để âm thanh nói pháp vang khắp vô biên thế giới? Làm thế nào đem vô biên vô số thế giới để vào một lỗ chân lông mà chúng sinh trong các cõi ấy không hề biết rõ?

Hôm nay, chúng con nên làm gì để đạt được những điều ấy? Chỉ có Đức Như Lai mới có thể thông đạt được. Làm thế nào mà tất cả chư Như Lai khắp mười phương ở trong chúng hội có thể hiện bày khiến thành tựu cho các chúng sinh nhưng không rời chỗ ở? Làm thế nào để hiển hiện nơi một lỗ chân lông từ khi ẩn mất nơi cung trời Đâu-suất rồi nhập thai, đản sinh, vượt thành xuất gia, thị hiện tu hành khổ hạnh, đến tòa Bồ-đề hàng phục quân ma, thành Bậc Đẳng Chánh Giác, chuyển bánh xe pháp vi diệu, nhập Đại Niết-bàn và chánh pháp đang tồn tại? Làm thế nào để tâm biết rõ khắp sự vận hành nơi tâm của tất cả chúng sinh trong khoảng một sát-na?

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Hiền Hộ:

–Lành thay! Lành thay! Này Bồ-tát Hiền Hộ! Hôm nay, ông đã thưa hỏi Như Lai về những ý nghĩa sâu xa như vậy. Ông thực hành những hạnh này vì muốn làm lợi ích cho nhiều chúng sinh, vì muốn nhiều chúng sinh được an lạc, vì thương xót chúng sinh ở thế gian, làm lợi ích lớn khiến hàng trời, người được an lạc nên nay ông đã thành tựu lòng bi rộng lớn.

Này Bồ-tát Hiền Hộ! Ông hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, Như Lai sẽ giảng nói rõ ràng cho ông.

Đại Bồ-tát Hiền Hộ thưa:

–Bạch Thế Tôn! Con xin muốn nghe!

Đức Phật bảo Đại Bồ-tát Hiền Hộ:

–Này Bồ-tát Hiền Hộ! Có Tam-muội tên là Tịch chiếu thần biến Bồ-tát sở hành Phật địa sở nhiếp, Đại Bồ-tát nào an trụ trong Tam-muội này thì đạt được lợi ích như vậy và có được vô lượng công đức thù thắng khác.

Này Bồ-tát Hiền Hộ! Thế nào gọi là Tam-muội Tịch chiếu thần biến? Nghĩa là biết như thật về tướng thông đạt của tất cả các pháp, thông đạt tướng không điên đảo, thông đạt tướng điên đảo, làm tăng trưởng tướng, làm giảm bớt tướng điên đảo, không chấp nơi Địa mình an trụ, không nắm giữ Địa người khác an trụ, không nương nhờ mạng sống, luôn tự tại trong sinh tử, biết khắp tất cả các pháp, lúc nào cũng tu tập theo Chỉ và Quán. Quán về nghiệp nên hiện tại tâm luôn an trụ, niệm không tán loạn, tầm và tứ tịch tĩnh, xa lìa pháp ác, gần gũi pháp lành, ngăn chận tham dục, sân hận và ngu si, trừ bỏ vô minh, tích chứa, gần gũi trí tuệ, biết rõ về nhân quả, xa lìa tăm tối, chấm dứt ái, đoạn trừ hết hỷ và tham, được Phật thọ ký, thông suốt giáo pháp, tin sâu xa nơi chúng Tăng, lời nói không gây chia rẽ mà luôn hòa hợp với ý thâm sâu, hướng đến sự buông xả: lời nói cực hay và khéo léo, tướng mạo trang nghiêm, xa lìa mùi vị đắm nhiễm, không làm các điều ác, không nhờ vào sự giúp đỡ, thoát khỏi ràng buộc: đối với những việc vặt vãnh ở thế gian không khởi tâm ưa thích, thấy ở trong sinh tử là vô cùng tai họa, biết được công đức thù thắng của Niết-bàn. Do có sự an lạc đối với ý thù thắng nên thích nhập Niết-bàn, không có sự dua nịnh, không lừa dối, không giả tạo, không nói dối, không hiện tướng dối gạt, cũng không tìm cầu sự gian dối, thường ưa tránh xa tài sản, lợi lộc và sự cung kính, luôn siêng năng, dũng mãnh, gắng nhận hết sức mình, không hề biếng nhác. Vĩnh viễn chấm dứt các triền cái, thường được gặp mười nghiệp lành, đầy đủ giới uẩn, định uẩn không bị lay động, không duyên dựa mà thể nhập vào chánh định, đầy đủ các pháp Ba-la-mật, không hề nhàm chán, biến chuyển tự tại đối với thiền, giải thoát và định, đối với các thần thông thì hiển hiện tùy ý, tự tại nơi Nhất thiết trí mà vẫn biết phân biệt để chuyển thành thiện, tánh không ngu si, không câm ngọng cũng chẳng bị người khác sai khiến, trong lúc hành hóa tánh có thể giải thoát, đạt được sự an trụ của bậc thiện, không quan sát người ác, xa lìa phàm phu, thích gặp bậc thông tuệ, giữ gìn năng lực về niệm, nắm giữ diệu lực của trí tuệ, không thích tại gia và xuất gia nơi ồn ào, chỉ ưa thích ở nơi thanh tịnh, đối với pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện đều có thể kham nhẫn chân chánh, thông đạt như thật về tất cả các pháp.

Này Bồ-tát Hiền Hộ! Đó là Tam-muội Tịch chiếu thần biến.

Bồ-tát nào siêng năng tu tập Tam-muội này thì đạt được trí không chướng ngại nơi tất cả các pháp.

Lại nữa, này Bồ-tát Hiền Hộ! Tam-muội Tịch chiếu thần biến nghĩa là tánh trí bình đẳng của tất cả các pháp, trí không hiện hành của tất cả ngôn thuyết, xả bỏ việc thế gian, không ưa thích ba cõi cũng chẳng khiếp sợ hay thoái lui, tâm không chấp giữ tất cả các pháp, giữ gìn chánh pháp, bí mật hộ trì các pháp, tin hiểu sâu xa các pháp dị thục, dùng phương tiện thiện xảo thực hành luật, chấm dứt các sự tranh luận, không chống trái, không ganh đua, luôn nhẫn nhục, bình đẳng, đạt đến tánh bình đẳng, thiện xảo về pháp chọn lựa, thiện xảo về pháp quyết định, thiện xảo về pháp cú, trí phân tích pháp cú, trí biết giới hạn của đời trước, trí biết bờ vực của đời sau, trí ba luận thanh tịnh, trí thân an trụ, trí tâm an trụ, trí phòng hộ oai nghi, trí biết khắp các pháp thanh tịnh, vượt trên đối tượng duyên dựa của các uẩn, trí về giới bình đẳng, chiếu soi các xứ, chấm dứt hẳn các ái, đạt đến vô sinh, thông đạt các nhân, diệt hết nghiệp quả, thấy pháp tu đạo, thích gặp Đức Như Lai, trí tuệ sáng suốt, nhạy bén, trí phân biệt về văn tự, biết khắp mọi âm thanh, đạt được hoan hỷ, pháp hỷ không giảm sút, dịu dàng, ngay thẳng, luôn vui vẻ, nhu hòa, thuận theo pháp lành, khuôn mặt tươi tắn, không còn biếng nhác, cung kính tôn trọng tuân theo lời dạy của thầy, nhàm chán sinh tử, đầy đủ trọn vẹn pháp lành, đời sống thanh tịnh, không bỏ sự an trú tịch tĩnh, kiến lập Địa thù thắng, luôn chánh niệm, đạt được thiện xảo về các uẩn, các xứ và các giới, chứng đắc thần thông, trừ sạch mọi phiền não, chấm dứt hẳn sự tiếp nối của tất cả tập khí, hướng đến tinh tấn, tu tập thành tựu biện tài, đạt được phương tiện thiện xảo, thoát khỏi tội lỗi, diệt trừ hết sự trói buộc của kiến chấp, đoạn trừ các tùy miên, không để chúng sinh khởi, chánh niệm trọn vẹn, không nghi ngờ nghiệp dị thục, không theo sự sinh khởi của tâm và pháp, không tạo tác gia hành đối với các nghiệp, bên trong không tác ý, bên ngoài không hiện hành, không tự đề cao mình, chẳng khinh khi người khác, không chấp giữ pháp thiện, không theo sự sinh khởi nào khác, thông suốt về giới, có khả năng biện luận những điều khó biện luận, thông đạt rõ ràng về các uẩn, không còn bị dao động, kiến lập các oai nghi, không có sân hận, xa lìa lời nói thô tháo, không quấy nhiễu người khác, theo giúp đỡ bạn lành, trừ hết oán kết, đầy đủ giới thanh tịnh, không bị tổn hại, lời nói dịu dàng, không nương tựa, nắm giữ, tham đắm ba cõi, tùy thuận, kham nhẫn theo tánh của tất cả các pháp không, vô ngã, ưa muốn sự nhạy bén của Nhất thiết trí, ánh sáng trí tuệ chiếu soi, giới luật kiên cố, thể nhập vào thiền định, thường ưa ở một mình, đầy đủ hỷ và trí vô phân biệt, tâm chẳng lo buồn, xa lìa kiến chấp và đối tượng tạo tác, đạt được Đà-la-ni, thể nhập trí vi diệu, hạnh giải chân chánh trọn vẹn đối với đạo và phi đạo, nương vào pháp môn mà các bậc thầy đã truyền trao để tu hành chân chánh, tùy thuận theo nhẫn địa, lúc nào cũng nhẫn nại, kiến lập Địa trí tuệ, chấm dứt hẳn sự không có trí tuệ, tạo lập trí vi diệu, thực hành theo hạnh Du-già-sư-địa của Bồ-tát, thông đạt tất cả các pháp và trí tự tánh vi diệu, gột rửa tâm mình, không sinh khởi, không tiếp nối, không vướng mắc vào trí, không gánh gánh nặng. Trí tuệ vi diệu của Như Lai là để đối trị tham dục, trừ khử sân hận, dứt hẳn ngu si, hợp với lý chân chánh, xa lìa điều phi lý, mong cầu pháp lành, tu hành theo ý thù thắng, thích gần gũi bậc giác ngộ, luôn tinh tấn, giữ gìn pháp lành, là bậc nhất của căn lành, là phương tiện thiện xảo, đoạn trừ sạch các tướng, làm thay đổi các tưởng, thông hiểu kinh và luật, chắc chắn đạt được giải thoát chân thật, ngôn từ nhất định, không bị các duyên chi phối, sinh khởi như thật, hoặc thấy hoặc biết đều cầu học rộng hiểu nhiều, trí không nhàm chán, tâm luôn thanh tịnh, thân và miệng cũng thanh tịnh, ngôn ngữ không nghi ngờ, gần gũi với Không và Vô tướng, không chấp giữ tánh của Vô nguyện, đạt được sự không sợ hãi, không xem thường các khổ, dùng tài sản quý báu để bố thí, không xua đuổi những người nghèo khổ, khởi tâm Từ bi đối với những người phạm giới, luôn tỉnh thức và làm việc lợi ích, dùng pháp để phòng hộ, bố thí tài sản, đối với những người trì giới thì không khen ngợi để dua nịnh, xả bỏ hết tất cả của cải của mình với ý lạc thù thắng, như lời dạy mà tu hành, lúc nào cũng làm phát khởi và tăng thêm lợi ích mạnh mẽ, ân cần hoan hỷ nhận lãnh giáo pháp, thành tựu trí thí dụ, trước hết đạt được thiện xảo gọi là sự kiến lập giả tạm, có thể hội nhập trí tuệ, vĩnh viễn không còn tạo tác, không mong cầu cung kính, rộng lượng đối với người không cung kính, không mong cầu lợi lộc, Từ bi nhưng không lo buồn, được khen không mừng, bị chê không sân hận, không thích khen ngợi cũng chẳng bị thấp kém khi người khác chê bai, không tham đắm dục lạc, không quay lưng với khổ, không chấp giữ các hành, khen ngợi lẽ thật nhưng không tham chấp, tán thán sự tạm bợ nhưng cũng không nắm giữ, tránh xa việc làm sai quấy, thực hành theo hạnh đúng đắn, gần gũi với quy củ, xa lánh nơi chẳng có phép tắc, không xem thường những chúng sinh có ít căn lành, hộ trì theo lời dạy chân chánh của Phật và Thánh, lời lẽ súc tích, tánh tình nhu hòa, dùng ngôn từ thế gian làm phương tiện thiện xảo, phá trừ hết oán thù, hành hóa đúng lúc, oai nghi thanh tịnh, đoan nghiêm, thành tựu trí thiện xảo thông đạt về nghĩa và phi nghĩa ở thế gian, thấu suốt các luận thuyết, lời lẽ biện tài trôi chảy, ưa thực hành bố thí, thường thư thái, tâm không chấp giữ, đầy đủ hổ thẹn, luôn nhàm chán các pháp bất thiện, thường không bỏ công đức hạnh Đầu-đà, giữ gìn chánh hạnh, việc làm ngay thẳng, cung kính nghênh đón các bậc tôn trọng, cúng dường giường chiếu, trừ hết kiêu mạn, luôn khích lệ tâm ý, thông đạt nghĩa lý, nắm giữ trí tuệ, dứt hẳn ngu si, ngộ nhập trí tuệ, theo sự sáng suốt nơi tự tánh của tâm, có thể thuận theo trí giác ngộ, ở trong sự nêu dẫn không nên dẫn cùng phát triển để thành tựu trí thiện xảo, trí tuệ vi diệu về ngôn từ của tất cả hữu tình, kiến lập vô số trí tuệ vi diệu về ngôn từ, trí biết lựa chọn nghĩa lý, xa lìa vô nghĩa, ở trong thiền định nhưng không tham đắm vị ấy, quan sát tâm của tất cả chúng sinh, trí tuệ vi diệu biết rõ căn tánh chúng sinh nhạy bén hay thấp kém, có thể quan sát chân chánh về chánh pháp hay phi pháp, phân biệt rõ ràng về tất cả các nghiệp đã tạo, trí vi diệu thể nhập đối với phi nghiệp và phi dị thục, hội nhập vào mọi thắng giải không quên mất, biết rõ rằng không phải chỉ một cõi mà vô số cõi, đạt được định như kim cang, không có đối tượng để quan sát, đầy đủ âm thanh thanh tịnh và thiền định, nhờ tùy niệm trí mà thông đạt mọi việc có tên gọi hay không tên gọi và các việc đời trước, quan sát chân chánh về biến hành và sự vận hành của trí tuệ, diệt tận hoàn toàn thì đạt được thời trí, Thiên nhãn không chướng ngại, quan sát khắp nơi, hiển hiện tất cả sắc tướng tự tại của thần thông, đối với sắc và chẳng phải sắc đều bình đẳng thể nhập vào trí tuệ, thông suốt tất cả chi tiết của ngôn từ, có khả năng thể nhập trí Đàla-ni, tất cả hình sắc và tiếng vang của âm thanh đều là tánh trí bình đẳng, tùy theo sự ứng hợp mà giảng nói chánh pháp, giảng nói khéo léo khiến tất cả chúng sinh hoan hỷ, các căn đều chuyển thành trí, quan sát đúng thời hay chẳng đúng thời đều hội nhập vào trí chân thật, phàm có thuyết pháp thì không bao giờ uổng công, mà có khả năng khiến họ đầy đủ các pháp Ba-la-mật, luôn khích lệ các chúng sinh đạt được trí thiện xảo, không hề phân biệt đối với các oai nghi, không xen lẫn về pháp giới, đạt được trí vi diệu, đoạn trừ vô số sự phân biệt.