Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân, Tu Chứng Liễu Nghĩa, Chư Bồ Tát Vạn Hạnh,

Kinh Thủ Lăng Nghiêm Thông Nghị.

Sa môn Hám Sơn Thích Đức Thanh núi Nam Nhạc đời Minh soạn thuật.

Lời Tri Ân: Xin chân thành cảm ơn dịch giả đã dịch Bộ Kinh Lăng Nghiêm Thông Nghị của đại sư Hám Sơm, vì không đề tên của dịch giả nên không thể trình bày cũng như xin phép được phổ biến, kính mong dịch giả hoan hỷ cho.

Cũng xin cảm ơn thầy Thích Vĩnh Minh đã gởi tặng bộ kinh quý giá này. (BHP-TTPH)

 

 

No.279-A Tựa Kinh Thủ Lăng Nghiêm Thông Nghị

Kinh Thủ Lăng Nghiêm là tâm ấn bí mật đại tổng trì môn của chư Phật Như Lai, thâu nhiếp trọn vẹn toàn bộ hệ thống giáo lý nhân quả, mê ngộ, chơn vọng, phàm thánh trong ba thừa năm giáo của cả đại tạng. Sự sai khác của chánh tà trong quá trình tu chứng cũng như tình trạng điên đảo của luân hồi, rõ ràng như nắm tay trước mặt. Có thể nói, nó thấu triệt cả nguồn nhất tâm, bao trùm cả vạn pháp, không gì đầy đủ và rộng lớn hơn kinh này. Đức Như Lai vì một nhân duyên lớn mà thị hiện ở đời, nếu bỏ phương tiện này thì không còn cách khác để khai đạo. Cho nên các nhà phán giáo phán định ở một thời một giáo, há chẳng phải là tầm mắt hẹp hòi ư! Từ khi truyền vào Trung Hoa có đến hơn mười nhà chú giải. Ngoài sự thông thạo ra, gần đây cũng xuất hiện vô số những bậc tăng tài, cư sĩ lỗi lạc, đều là những vị hoằng thông giáo điển, tha thiết tột bực, nổ lực càng sâu, mà trong quá trình giải văn thích nghĩa cũng rất rõ ràng, rành mạch, chính xác và lô gích, đâu cần gì vẽ rắn thêm chân nữa ư! Nhưng rõ ràng các thuyết có nhiều chỗ chưa được hài lòng chỉ được phần lý quán mà chưa được hội thông. Cho nên, ngôn cú tuy rõ mà ý chỉ chưa suông. Vì thế, những nhà học giả chưa tránh khỏi lời than vì phải mò mẫm. Tôi, thuở xưa ở trong cảnh giá lạnh nơi Ngũ Đài tham cứu nẻo hướng thượng để ấn chứng kinh này, định tâm nghiền ngẫm, hoát nhiên ngộ được ý chỉ này. Và cho đến khi toạ thiền ở Đông Hải ba năm ròng, bỗng một đêm, nhân xem kinh này, trong khoảnh khắc biển lặng, hư không dừng, ánh trăng toả chiếu hoát nhiên đại ngộ, lập tức thân tâm thế giới phút chốc rỗng rang như hoa đốm hư không, như ráng chiều. Thế là ngay đêm ấy đốt đèn soạn một quyển Huyền Cảnh, nghĩa là nương vào nhứt tâm tam quán để dung hội một kinh, chính là mê ngộ không ra ngoài nhất tâm, rốt ráo không lìa tam quán để nêu cương lĩnh cốt yếu, nhưng lấy lý quán làm chủ chốt thì văn từ sẽ tóm lược. Như sự trình bày thế giới Hoa Nghiêm, ý muốn được nghĩa mà có thể quên lời, các thuyết lại cho rằng văn tự là chướng ngại không thể dung nhập vào quán tâm, thì tâm sẽ khiếm khuyết, nên từ lâu tôi có những lời luận bàn ẩn chứa trong lòng, mãi cho đến lúc tỵ nạn. Trong hơn 20 năm bôn ba nơi chân trời góc biển mà không hề quên nguyện xưa, đến niên hiệu Vạn Lịch năm Giáp Dần, tôi sang bái kiến Lão Nam Nhạc ở Lan Nhã Vạn Thánh xứ Linh Hồ. Vào mùa an cư kiết hạ, người dân xứ Áo Môn vất vả giúp đỡ tôi đã lâu, gian nan khổ nhọc vì bịnh tật, họ cũng đồng lòng, tôi cảm kích tấm lòng thành của họ. Nhân đó, nhập thất thỉnh ích huyền cảnh liền xúc phát khởi tâm xưa, lập tức đặt bút viết ngay, so ra huyền cảnh tuy nhiều, nhưng thảy đều phát triển ý chỉ nhất tâm tam quán, nhưng không rảnh để dịch giải văn rõ ràng. Tựa đề: Thông nghị. Bởi vì lấy pháp của các bậc tiên vương trong kinh xuân thu xưa luận bàn cái ý mà không biện biệt, nghĩa là luận về sự rành mạch của kinh mà thông cương lãnh chính yếu của kinh. Thế nên, đối với một con đường hướng thượng thật là vất vả, nhưng nó đối với kẻ sơ cơ có thể giống như uống một giọt nước biển mà nếm vị của trăm sông, hoặc nói: Đắc được pháp bất khả tư nghì của Phật mà luận ư?

Đáp: Không phải thế, vì pháp vốn lìa ngôn ngữ mà kẻ tà kiến cố chấp, nếu không có ngôn ngữ thì không biết lấy gì để phá được. Phật nói Ưu Bà Đề Xá gọi là luận nghị để bẻ cờ tà mạn, bởi vì kinh này tồi phục ngọn giáo tà trong chín cõi, đạp vỡ thành luỹ tà chấp của phàm thánh, thảy đều hiện ra nơi tướng lưỡi rộng dài, tất cả các thành luỹ vững chắc kia chỉ cần một mũi tên là phá đổ, khiến cho trí cạn tình khô hạ tâm quy hàng mà thôi, nhờ kinh phát khởi trọn vẹn cái tình kia, nếu không luận bàn cho rõ ràng đúng đắn thì không cách gì tịnh hoá được những bóng khí yêu tà của pháp giới.

Sự tịch diệt của đấng Từ Tôn có thể phẩm bình bằng văn tự ư! Được ý quên lời là chánh nhãn kim cương vậy.!

Mồng 5 tháng 5 năm Đinh Tỵ niên hiệu Vạn Lịch.

Sa môn Hám Sơn Thích Đức Thanh viết tại thư phòng Ngô Môn.

No.279-b bài tựa tái bản của kinh Thủ Lăng Nghiêm Thông Nghị.

Bao la thay giáo võng! Những lời chân thành từ kim khẩu của Như Lai, cùng với lòng thương xót thuyên giải của chư Tổ. Người tìm được sự mầu nhiệm trong đó thì được thâm nhập và dễ ngộ. Không như Hám Sơn đại sư trước thuật lời thông nghị của kinh Thủ Lăng Nghiêm, tông thú rõ ràng, văn từ thiết thực, không phải lìa văn mà nói diệu, cũng không phải trệ vào câu mà bàn huyền, dung nhiếp hai tông tánh tướng, thấu triệt nhất tâm tam quán, phù hợp với ý chỉ của Thiền Tông, không sai sót mảy may, viên dung bổn mạt, đầu đuôi nhất quán, thật đúng là nòng cốt của giáo uyển, là chánh nhãn của Thiền Tông vậy. Ban đầu vân du nơi Vân Sơn, bèn đạt được mộng xưa, nghiền ngẫm giáo pháp của chư Tổ, mà vô cùng sợ hãi, cho đến khi nghe giảng kinh Lăng Nghiêm, rồi xem sớ giải của các nhà dịch giả, mới biết đại sư cũng có phát minh kinh này gọi là Thông Nghị. Từ đó khắc ghi trong lòng, nhưng chưa đạt tới nhất quán, trải qua hơn 10 năm, lúc nào cũng đau đáu nhớ tới kinh này. Vào mùa xuân năm Giáp Ngọ, tôi vân du nơi Ngũ Đài, quả nhiên gợi lại niềm xưa, nhiệt não tiêu tan trong khoảnh khắc, băng vỡ vụn trong nhất thời, tình cờ nhìn thấy kinh, vui mừng vô cùng, thế mới biết không uổng công đợi chờ, bèn nhờ người khắc bản, quả đúng là người cùng lý tưởng gặp nhau, đâu dám gọi là pháp lưu của đại sư.

Tháng 10 năm thứ 12 Quang Tự, hậu duệ của Thiên Thai, người ở núi Vân Thuỷ, soạn tại tàng kinh các chùa Long Hoa xứ Thân Giang.