Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân, Tu Chứng Liễu Nghĩa, Chư Bồ Tát Vạn Hạnh,

Kinh Thủ Lăng Nghiêm Thông Nghị.

Sa môn Hám Sơn Thích Đức Thanh núi Nam Nhạc đời Minh soạn thuật.

Quyển Hai

Đoạn I

Khai thị về sự điên đảo đoạn kiến của ngoại đạo.

Khi ấy A nan và đại chúng nghe Phật chỉ dạy, thân tâm thư thái, nghĩ mình từ vô thỉ đến nay quên mất bản tâm, nhận lầm bóng dáng duyên trần phân biệt. hôm nay được khai ngộ, như trẻ thơ khát sữa bỗng gặp được mẹ hiền, liền chắp tay lễ Phật. Mong được nghe Như Lai chỉ bày cái chân vọng hư thực và phát minh tánh sanh diệt cùng không sanh diệt nơi thân tâm.

Khi ấy vua Ba-tư-nặc đứng dậy bạch Phật: “ Xưa khi chưa được Đức Phật chỉ dạy,con gặp nhóm Ca-chiên-diên Tỳ-la-chi-tử, cả hai đều nói rằng, thân này khi chết sẽ mất hẳn(đoạn diệt) gọi là Niết bàn. Con nay tuy được gặp Phật nhưng còn hồ nghi. Làm sao để phát huy thực chứng tánh không sanh không diệt nơi tâm này. Nay hàng hữu lậu trong đại chúng đều mong được nghe điều ấy.”

Nghị rằng: ở đây khởi mối nghi về đoạn kiến. A nan nghe Phật khai thị về khách trần ở trước để nói rõ thân cảnh động thì có nghĩa bất động, cũng vậy có sanh diệt thì cũng có nghĩa không sanh diệt. Đến đây đã lãnh hội nhưng vẫn luôn vọng nhận tâm phân biệt duyên trần làm chân tâm. Chưa thấy được tánh bất sanh diệt. Cho nên mong muốn Đức Lai ngay nơi hiện tiền này chỉ bày thế nào là chân thật? thế nào là hư vọng? thế nào là sanh diệt? cái gì là không sanh diệt? khiến cho hai thể chân vọng minh bạch rõ ràng. Mới tin tưởng hoàn toàn không còn nghi ngờ nữa.Ở đây chứng tỏ tâm nguyệ của A nan vẫn còn lờ mờ chưa quyết. Cho nên vua Ba-tư-nặc nhân đó mà thỉnh thị. Xưa kia ông thờ ngoại đạo họ Ca-chiên-diên, tên là Ca-la-cưu-đà. Phái này chấp tất cả pháp cũng có cũng không. Lại có ngoại đạo San-xà-dạ-tỳ-la-chi-tử, tỳ-la-chi là tên mẹ. nên lấy đó gọi tên con, phái này chấp các pháp là tự nhiên. Ở Ấn độ tuy nhiều ngoại đạo nhưng sở chấp của họ không ra ngoài hai kiến Đoạn Thường. Hai cái này, vua ba-tư-nặc đã nêu lên sở nghi về đoạn kiến. cho nên tuy gặp Phật vẫn còn chấp theo tập quán cũ, chỉ biết sau khi chết rồi thì mất hẳn. Nay nghe được tánh không sanh không diệt của tâm này vẫn còn hồ nghi cho nên thỉnh Phật phát huy. Cả đại chúng cũng mong muốn được nghe. Nếu ngộ được tâm không sanh diệt thì tình chấp của A nan cũng tiêu diệt mà tánh chân thường cũng tự hiển hiện. nhưng kiến chấp sau khi chết rồi mất hẳn không chỉ xuất hiện ở Ấn-độ, mà ở xứ này cũnng có rất nhiều.Họ quan niệm rằng người chết rồi, khí trong thì bay lên trời, khí đục thì quay về đất. tánh linh thì trở về hư không. Đây là tà kiến đoạn diệt vậy. nếu thật sự trở về lại hư không thì nhân quả mất. Há bất hạnh lắm sao?

Phật bảo: “ Này đại vương! Ngay nơi thân ông đang tồn tại, nay Như Lai hỏi ông. Thân máu thịt này của ông có giống như thân kim cương bất hoại hay sẽ bị biến hoại?”

Bạch Thế Tôn! Thân con hiện nay, rốt cục rồi sẽ bị biến hoại.

Đức Phật bảo: Đại vương! Ông chưa từng diệt, làm sao biết mình sẽ biến diệt?

Bạch thế Tôn! Cái thân biến hoại vô thường của con hiện nay tuy chưa từng diệt, nhưng con thấy trước mắt, từng niệm dời đổi mãi không ngừng như lửa tàn thành tro, dần dần tiêu tan. Vì tàn hoại không dừng nên con biết chắc thân này sẽ diệt mất.

Đức Phật nói: Nảy đại vương! Đúng như vậy.

Đại vương, nay ông tuổi đã già yếu, dung mạo so với lúc trẻ như thế nào?

Bạch Thế Tôn! Xưa khi con còn bé, da dẻ tươi nhuận, đến tuổi trưởng thành, khí huyết sung mãn, nay tuổi đã già, thân thề cũng theo đó mà già yếu khô gầy, tinh thần không còn sáng suốt, tóc bạc mặt nhăn, sống chẳng còn bao lâu. Làm sao có thể so sánh với khi còn trẻ mạnh.

Phật bảo: Này đại vương! Thân thể của ông đâu phải già liền?

Vua Ba-tư-nặc thưa: Bạch Thế Tôn! Nó âm thầm thay đổi, con thật chẳng biết, lạnh nóng đổi dời cho đến ngày nay. Vì sao? Lúc hai mươi tuổi, tuy tuổi còn nhỏ, nhưng sắc mặt đã già hơn lúc mười tuổi. nay đã ba mươi tuổi lại già hơn khi hai mươi tuổi. nay đã sáu mươi hai tuổi, so với lúc năm mươi tuổi, rõ ràng lúc năm mươi tuổi cường tráng hơn.

Bạch Thế Tôn! Con thấy nó âm thầm dời đổi, tuy cái già nua này thay đổi trong vòng mười năm. Nếu con suy nghĩ kỹ hơn, chẳng những nó thay đổi trong khoảng một kỷ, hai kỷ, mà thực ra nó thay đổi trong mỗi năm, chẳng những nó thay đổi trong từng năm, mà thực ra nó thay đổi trong từng tháng, chẳng những nó thay đổi trong từng tháng mà thực ra nó thay đổi trong từng ngày. Chiêm nghiệm thật sâu, quán sát thật kỹ, thấy nó thay đổi trong từng sát na, trong từng mỗi niệm, không hề dừng nghỉ. thế nên con biết thân này cuối cùng phải chịu sự biến đổi và hoại diệt.

Đức Phật bảo” Này đại vương! Ông thấy sự biến hoá thay đổi không ngừng, nên biết thân mình hoại diệt. Vậy chính khi nó hoại diệt, ông có biết trong thân cái gì không hoại diệt không?

Vua Ba-tư-nặc chắp tay bạch Phật: Thật con chẳng biết.

Đức Phật bảo: “ Nay tôi sẽ chỉ cho ông tánh chẳng sanh diệt.”

Đức Phật bảo: Này đại vương! Ông thấy nước sông Hằng lúc mấy tuổi?

Vua Ba-tư-nặc thưa: Khi lên ba tuổi, mẹ con dẫn đến lễ bái Kỳ-đà thiên, có đi qua sông này. Con được thấy nước sông hằng khi ấy.

Đức phật bảo: “ Này đại vương! Như ông vừa nói, khi ông hai mươi tuổi thấy mình đã già hơn khi mười tuổi, cho đến khi sáu mươi tuổi, này qua tháng lại, niệm niệm dời đổi. Vậy khi ông thấy sông hằng lúc ba tuổi, so với cái thấy nước sông hằng lúc mười ba tuổi như thế nào?

Vua thưa: “ Cái thấy ấy không khác so với khi con ba tuổi, cho đến nay con đã 62 tuổi, cái thấy ấy vẫn không khác”

Đức Phật bảo: “ Nay ông tự cảm thương tóc bạc mặt nhăn, mặt ông nhất định là nhăn hơn lúc trẻ. Vậy cái thấy sông hằng của ông hiện nay và cái thấy lúc còn nhỏ có già có trẻ chăng?

Vua Ba-tư-nặc thưa: “ Bạch thế tôn! Không vậy.

Đức Phật bảo: “ Mặt ông tuy nhăn, nhưng tánh thấy này chưa từng bị nhăn. Cái bị nhăn thì biến đổi, còn cái không bị nhăn thì chẳng biến đổi.

Cái biến đổi thì phải bị hoại diệt, cái không biến đổi kia vốn chẳng sanh diệt, làm sao trong đó nó nhận chịu sự sinh tử của ông? Mà ông còn dẫn lời của ngoại đạo Mạt-già-lê rằng: “ Thân này sau khi chết là hoàn toàn mất hẳn.”

Vua nghe lời ấy, tin rằng thân này sau khi chết sẽ sinh thân khác, nên vua cùng đại chúng vui mừng hớn hở như được điều chưa từng có.

Nghị rằng: Đoạn này là phá chấp đoạn kiến của ngoại đạo. A nan mong Phật ngay nơi thân tâm hiện tiền này rút ra tánh bất sanh diệt. Lý này thật khó phát huy, cho nên nhờ vua ba-tư-nặc khai thị, nhưng vua không những không biết sanh diệt là thường, mà chấp sau khi chết là mất hẳn, nếu biết diệt tức bất diệt, thì biết sanh cũng vô sanh. Tới đây nghĩa chơn thường sẽ tự rõ. Tánh bất diệt sau khi chết rất khó chứng minh. Chỉ ngay nơi thân tâm hiện tiền để nghiệm thì biết được. Cho nên, Đức Phật hỏi vua, thân máu thịt này của ông có bất hoại giống như thân kim cang hay cũng biến hoại. Câu này được trích dẫn từ câu cuối cùng rồi cũng theo đó mà biến diệt. Nếu ngay nơi hình hài này mà quán kỳ thực là biến diệt vô thường. Vì từ khi sanh ra đến ấu niên, từ ấu niên đến tráng niên, từ tráng niên đến già dần dần biến đổi khác nhau. Rồi già suy cuối cùng quy về cái chết. Nếu tính theo năm tháng thì thật sự nó thay đổi không ngừng, niên kỷ biến hoá, tháng ngày dời chuyển, tỉ mỉ hơn không  những

Thay đổi từng giờ mà từng sát na sát na, niệm niệm không dừng. Tất cả đều do thân tâm sanh diệt vô thường, nghĩa là có sanh diệt thì có tánh chân thường bất diệt, thế thì từ đâu mà thấy được ư? Cho nên Thế Tôn bèn gạn hỏi cái thấy về sông Hằng để ấn chứng. Cách nhìn sông hằng từ ba tuổi cho đến lúc tuổi già, hình hài tuy thay đổi mà tánh thấy của việc nhìn sông thì không khác. Tánh bất biến này chính là chân tánh vậy, điều đó đủ biết hễ có thay đổi thì sẽ chịu sự hoại diệt, mà tánh bất biến thì tại sao chịu sự sanh tử của ông ư? Thân này tuy huỷ diệt nhưng chân tánh vẫn thường hằng. Tại sao lại dẫn quan niệm sau khi chết là mất hẳn của ngoại đạo mạc-gia-lê kia. Tánh chân thường sẽ được hiển lộ ngay nơi thân này. Khi vua nghe Phật dạy vậy, ông tin chắc rằng thân này chết rồi không mất hẳn. Đoạn trên là phá chấp đoạn kiến của ngoại đạo xong.

Đoạn II

            Khai thị về tình trạng điên đảo.

A nan từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay quỳ xuống bạch Phật: “ Bạch Thế Tôn! Nếu cái thấy nghe này không sanh diệt, tại sao chúng con bỏ quên chân tánh, làm việc điên đảo? Nguyện xin Thế Tôn đem lòng thương xót rửa sạch trần cấu cho chúng con.”

Liền khi ấy Đức Phật buông cánh tay sắc vàng, năm ngón tay chỉ xuống, bảo A nan rằng: “ nay ông thấy cánh tay mẫu-đà-la là thuận hay nghịch?”

A nan thưa: “ Chúng sanh trong thế gian đều cho đó là nghịch, riêng con chẳng biết thế nào là thuận thế nào là nghịch”

Đức Phật bảo A nan: “ Nếu người thế gian cho đây là nghịch, vậy họ cho thế nào là thuận?”

A nan thưa: “ Khi Như Lai đưa cánh tay đâu-la-miên lên, các ngón tay chỉ lên hư không đó gọi là thuận”

Đức Phật liền đưa cánh tay lên rồi bảo A nan: “ Điên đảo là như thế, lấy đầu làm đuôi. Chúng sanh trong thế gian đều nhìn thấy như vậy.”

Nên biết thân ông cùng với pháp thân thanh tịnh của các đức Như Lai, theo đó mà phát minh thì thân Như Lai gọi là chánh biến tri, còn thân ông gọi là tánh điên đảo. Ông nên quán sát kỹ thân ông và thân Phật tên gọi điên đảo ấy, chỗ nào là điên đảo?

Khi ấy A nan cùng toàn thể chúng hội chăm nhìn Phật không chớp mắt, không biết nơi thân tâm mình chỗ nào là điên đảo”

Đoạn III

Quở trách điên đảo.

Đức Phật khởi lòng từ bi, thương xót A nan và cả đại chúng, nên phát ra lời nói bằng âm thanh như tiếng hải triều, dạy bảo hội chúng: “ Này các thiện nam tử! Như Lai thường nói sắc tâm các duyên, các tâm sở sử, cùng các pháp sở duyên, đều do tâm biến hiện”. Thân tâm ông đều vật hiện ra từ trong tâm nhiệm mầu, thanh tịnh sáng suốt. Tại sao các ông lại bỏ mất tâm tánh vốn nhiệm mầu sáng suốt ấy, mà nhận cái mê trong ngộ?

Nghị rằng: A nan nghe Phật khai thị về cái thấy trong lúc nhìn sông Hằng thì trong cái sanh diệt đó có cái không sanh diệt. Chính cái thấy về nắm tay ờ trước cũng chính là tánh thấy này. Từ đó tin chắc rằng chân tánh vốn không hề mất, hì cớ sao Thế Tôn chỉ vì vua ba-tư-nặc mà nói chúng con bỏ mất chân tánh. Vốn không điên đảo mà lại trách chúng con làm những việc điên đảo. Ở đây A nan thật sự chưa thấy được chân tánh mới vọng nhận làm chân, không biết điên đảo ở đâu. Cho nên đức Thế Tôn rủ cánh tay xuống để chỉ bày. Hơn nữa, rủ tay xuống là thuận theo tự nhiên mà người ta lấy đó làm nghịch. Đây cũng giống như thân cảnh vốn chân thường mà lại sanh nhàm chán. Đây là điên đảo của nhị thừa và ngoại đạo vậy. Đưa cánh tay lên là ngược mà lại cho là thuận, đó là nhận sanh diệt vô thường mà vọng chấp là thường. Đây là vọng chấp của phàm phu, chỉ có một cánh tay của Ta thôi, nó vốn không có thuận nghịch. Nhưng vì đầu đuôi đổi nhau nên vọng sanh phân biệt. Người thế gian có một cái nhìn giống như vậy. Pháp thân Như Lai và sắc thân ông đều là một thân. Nếu theo đó mà so sánh thì biết rõ, thân Như Lai là chánh biến tri còn thân các ông gọi là tánh điên đảo. Vì pháp thân Như Lai an nhiên tự tại, còn thân các ông vọng chấp đoạn thường. Đây chính là nguyên nhân điên đảo vậy. Ý Như Lai muốn A nan ngay nơi sắc thân này mà ngộ được pháp thân. Cho nên hỏi A nan theo ông thấy kỹ thân ông và thân Phật chỗ nào là điên đảo. A nan và đại chúng xưa nay vì chấp mê nên ngơ ngác không biết điên đảo ở đâu. Đức Phật thương xót bảo khắp đại chúng rằng: Ta thường nói sắc tâm các duyên và tâm bị sai khiến cũng như các pháp sở duyên đều do tâm biến hiện. Sắc là mười một sắc pháp. Tâm là bốn uẩn và tám thức. Các duyên là căn trần. Tâm sở sử là năm mươi mốt tâm sở. Các pháp sở duyên là căn thân, thế giới tất cả vạn pháp, đều do tâm biến hiện. Từ đó mà quán thì đủ biết thân tâm ông đều là vật hiện ra từ trong tâm thanh tinh mầu nhiệm sáng suốt. Tại sao chỉ  nhận thân tâm huyễn vọng mà bỏ mất tánh vốn nhiệm mầu tròn đủ, sáng suốt và quý báu mà lại nhận lầm cái mê trong ngộ, vì xưa nay vốn không mê. Do ông nhận lầm mà đánh rơi chân tánh, đó gọi là mê trong ngộ. Đây là xuất xứ của điên đảo vậy.

Đoạn IV

 Khai thị mê ngộ cùng nguồn.

Mê muội thành ra có hư không, trong hư không mê muội ấy, kết cái tối tăm thành sắc. Sắc xen tạp với vọng tưởng, nhận tướng vọng làm thân. Nhóm các duyên dao động bên trong, rong ruỗi theo cảnh vật bên ngoài, nhận tướng mờ mịt lăng xăng đó là tâm tánh. Một khi đã lầm là tâm thì chắc chắn nhận lầm tâm ở trong thân. Chẳng biết rằng từ sắc thân cho đến núi sông hư không và thế giới đều là vật ở trong diệu minh chân tâm. Ví như bỏ đi trăm ngàn biển lớn trong lặng chỉ nhận một hòn bọt nổi mà cho là toàn thể biển lớn. Các ông là những người trong đám người mê, như cánh tay Như Lai rủ xuống không khác. Như lai nói các ông thật là đáng thương xót.

Nghị rằng: Do Phật nói tất cả các pháp chỉ do tâm sở hiện nên sợ đương cơ khó ngộ. Cho nên suy tìm về nguồn cội của mê mờ điên đảo, để khai thị mê ngộ đồng nguồn, chỉ nêu ý chỉ của tâm để phá vọng tâm vọng kiến điên đảo. Ý sợ lại chấp tất cả pháp và thân tâm này đã do tâm sở hiện thì làm sao mê được. Cho nên truy tìm nguyên do của mê vọng để khai phát. Vốn là chân tâm thanh tịnh của Như Lai tạng trong nhất chân pháp giới hoàn toàn không có tướng thân tâm thế giới. Nhưng chỉ do một niệm vọng động trong cảnh chân tịnh ấy mà thành vô minh bất giác. Vì vô minh này che lấp chân tâm, rồi biến chân không rỗng rang linh minh kia thành hư không vô tri ngươn nhiên, cho nên nói mê mờ thành hư không. Theo cái vô minh ngoan không này ngưng kết lại biến thành huyễn sắc của tứ đại, cho nên nói kết ám thành sắc. Chân tâm đã mê thì sẽ chuyển ánh sáng trí huệ vốn có kia thành vọng kiến. Đem vọng kiến này đối với huyễn sắc kia, đối đãi hồi lâu thì rút lấy một chút tứ đại trộn với vọng kiến mà thành thân tâm ngủ uẩn. Cho nên nói sắc trộn lẫn với vọng tưởng, tưởng tướng là thân. Vì chấp thân vọng này nên thành ra mất đi chân tánh vốn có. Chỉ nhận các tướng hôn trầm, trạo cử lăng xăng tích tụ bên trong làm tâm tánh của mình. Đây là đánh mất cái chân thật của tâm tánh. Một khi chân tâm rộng lớn đã mê thì theo thân tâm huyển vọng, quyết định nhầm là bên trong sắc thân. Không hề biết tất cả vật  như núi sông, đại địa, hư không ở ngoài sắc thân này đều là vật hiện ra trong chân tâm diệu minh thôi. Thí như bỏ biển cả mà nhận một hòn bọt, đó thật là mê muội vậy. Lại còn lấy một hòn bọt cho là toàn biển cả, thì càng mê hơn vậy. Cho nên các ông là những người mê trong mê, đây chính là trạng thái điên đảo, chẳng khác gì như ta rủ cánh tay xuống, cho nên Như Lai nói là đáng thương xót vậy!

Hai món căn bản trên là để phá tưởng uẩn, diệt sáu thức trước, thuyết minh quan niệm điên đảo thứ nhất xong.

Phần ba

            Biện vọng kiến phá hành uẩn thuyết minh thức thứ bảy vốn vô thể.

Đoạn I.

            Phá vọng.

Phá vọng kiến phân biệt vốn vô thể.

Mục I

Trình bày vọng kiến.

A nan nghe lời chỉ dạy sâu sắc của Như Lai, khóc lóc rồi chắp tay bạch Phật rằng: “ Tuy con nghe được pháp âm vi diệu của Phật, ngộ được tâm vốn thanh tịnh sáng suốt viên mãn thường trú. Song con ngộ được pháp âm thường trụ của Phật vừa dạy, con cũng dùng tâm phan duyên để nhận biết điều mong ước. Con dù có được tâm này cũng chưa dám nhận là tâm tánh xưa nay hằng có. Cúi mong đức Phật thương xót, tuyên dạy viên âm, nhổ sạch gốc nghi ngờ trong con để con được quay về đạo vô thượng.”

Nghị rằng: Từ đây trở đi là trình bày về hai thứ điên đảo. A nan luôn nhận tâm điên đảo mang ranh giới hư vọng làm tâm. Nay được Như Lai khai ngộ chân tâm rộng lớn sáng suốt mầu nhiệm, như điều chưa từng nghe. Cho nên cảm động rơi nước mắt, chỉ vì nhờ diệu âm của Phật mới ngộ được diệu tâm vốn tròn đủ này. Đây chính là nhân nghe pháp âm để duyên vào tâm mà ngộ, chẳng phải đích thân chứng. Nên chưa dám nhận làm tâm bản nguyên của mình. Vì vậy Tôn giả tha thiết thỉnh cầu Phật nhổ sạch gốc nghi. Người xưa tin sâu tâm mình đạt đến chỗ không nghi mới là thật chứng. Sở ngộ của A nan chỉ vì nhân nơi phân biệt âm thanh, chính là tâm sanh diệt cùa tâm duyên trần, nên nó thuộc về ý căn. Đó gọi là nhận duyên mà đánh mất cái chân thật vậy.

Mục II

            Loại bỏ vọng duyên không thật.

Đức Phật bảo A nan: “ Các ông vẫn còn dùng tâm phan duyên để nghe pháp, thì pháp ấy chỉ là sở duyên chứ chẳng phải là pháp tánh.”

Như người dùng ngón tay chỉ mặt trăng cho người khác xem, người kia phải nhờ ngón tay mới thấy được mặt trăng. Nếu chỉ nhìn ngón tay nhận là mặt trăng, thì người ấy không chỉ quên mất mặt trăng mà còn mất luôn cà ngón tay.Vì sao? Vì cho ngón tay kia là mặt trăng. Không những quên mất ngón tay, mà còn không biết được tối sáng. Sao vậy? Vì cho ngón tay là tánh sáng của mặt trăng. Thế là không rõ được tánh sáng tối. Các ông cũng như vậy. Nếu lấy cái phân biệt pháp âm của Như Lai làm tâm ông, thì tâm ấy lẽ ra khi tự tách rời cái phân biệt âm thanh nói pháp, nó phải có tánh phân biệt. Như người khách ngủ trọ trong lữ quán, tạm nghỉ rồi đi, không dừng lại mãi, mà người chủ quán thì chẳng đi đâu, nên gọi là chủ. Đây cũng như vậy.

Mục III:

            Khai thị căn thức đều vọng.

Nếu thật là tâm của ông thì chẳng đi đâu, tại sao rời tiếng thì không có tánh phân biệt? Thế thì chẳng những tâm phân biệt các âm thanh, mà ngay phân biệt thân tướng của Như Lai, khi rời các sắc tướng cũng không có tánh phân biệt. Như thế cho đến cái phân biệt đều không, chẳng phải sắc, chẳng phải không mà nhóm Câu-xá-ly..lầm cho là minh đế.

Mục IV:

            Khai thị nghĩa có thể trở về cái phi chân.

Rời các pháp trần, không còn tánh phân biệt, thì tâm tánh của ông đều có chỗ trả về, vậy lấy gì làm chủ?

Nghị rằng: Đoạn này trình bày về món căn bản thứ hai, cho nên mượn kiến tinh để phá thức thứ bảy vô thể, đồng thời hiển thức tinh là thể của Niết Bàn. Vì thức thứ bảy là cội gốc của ý thức, là tánh phân biệt. Chỉ nhờ vào sự phân biệt của thức thứ sáu để hiển bày cái dụng của nó, bao gồm kiến phần của thức thứ tám. Vì duyên trong ngoài gì cũng gọi là tâm duyên. Nay lìa các tiền trần thì không còn thể, cho nên nương vào duyên trần để phá. Đức Như lai bảo rằng: “Nếu các ông dùng tâm phan duyên để nghe pháp thì pháp này cũng thuộc về tâm sanh diệt sở duyên mà thôi, chẳng đạt được pháp thể ly ngôn. Cũng vậy pháp của Ta cũng giống như ngón tay chỉ mặt trăng cho người, nhưng ngón tay kia chẳng phải là mặt trăng. Lìa ngón tay mới biết được mặt trăng, nếu cho ngón tay là mặt trăng thì hai thể ngón tay và mặt trăng cũng mất, hai tánh sáng tối cũng không rõ. Nếu lấy cái phân biệt pháp âm làm tâm ông, thì tâm này lẽ ra lìa âm thanh phải có thể. Như khách vào quán trọ nghỉ ngơi rồi ra đi còn người chủ thì ở lại. Nếu sự phân biệt này đúng là chân tâm của ông thì lẽ ra nó thường trụ. Cớ sao lìa âm thanh thì nó không có thể? Như thế không những tâm này là vô thể, mà ngay nơi sự phân biệt về tướng mạo của ta nếu lìa sắc tướng cũng vô thể. Đoạn này chính là hiển bày chung về tâm phân biệt của thức thứ sáu là vô thể. Vì thức thứ sáu nương vào thức thứ bảy mà có phân biệt. Nay sự phân biệt kia là vô thể tức hiển bày thức này là hư vọng. Không những phân biệt là hư vọng, mà dù phân biệt cũng không phải là phi sắc phi không. Nội duyên của thức thứ bảy lìa năm trần bên ngoài nên gọi là phi sắc. Chấp bên trong là ngã nên gọi là phi không. Đây chính là cái thể mê mờ của thức thứ tám vẫn là tâm không chân thật. Mà phái Câu-xá-ly cho là minh đế, nó cũng thuộc hư vọng. Huống chi phân biệt duyên trần ư!  Phân biệt duyên trần chính là thức thứ bảy ý làm nền tảng nên có phân biệt. Nếu lìa trần bên ngoài không còn gì để duyên thì bên trong duyên vào thức thứ tám cho là tự ngã. Cho nên ngoại đạo chấp cái này làm thần ngã, lập cái này làm thượng đế tối sơ, rồi chấp vào đó cho là thường hằng, y vào đó mà sanh ra 25 pháp. Là danh hiệu của ngoại đạo Câu-xá-ly vậy. Vì phá thức thứ bảy tiếp theo hiển bày thức thứ tám là cái ngã sở chấp cũng là hư vọng vậy. Nếu lìa pháp trần không còn tánh phân biệt, thì tâm tánh của ông có chỗ quay về, như vậy lấy gì làm chủ. Đoạn này là kết trước, khởi sau. Ý nói cái không trả về là chủ, chính là chỗ làm hiển lộ chân tâm vậy.

Phần II: Tạm mượn tánh thấy để loại bỏ duyên trần.

1- Thỉnh:

A nan thưa: “ Nếu tâm tánh con đều có chỗ trả về, thì tại sao Như Lai dạy tâm diệu minh sẳn có ấy không trả về đâu? Cúi mong Như Lai thương xót chỉ bày điều ấy.

2- Đáp.

a- Lập tánh thấy.

Phật bảo A nan! “ Song khi ông thấy Như Lai bằng cái thấy nhiệm mầu sáng suốt của ông, cái thấy ấy tuy chưa phải tâm nhiệm mầu sáng suốt, mà nó ví như mặt trăng thứ hai, chứ không phải bóng trăng, ông hãy lắng nghe. Như Lai sẽ chỉ cho ông cái không thể trả về.

b- Chọn duyên trần.

A nan! Cửa giảng đường lớn này mở ở hướng Đông, khi mặt trời lên thì có ánh sáng, giữa đêm không trăng mây mù mờ mịt thì tối tăm; chỗ có các cửa thì thấy thông suốt, chỗ có tường ngăn thì thấy bít lấp; chỗ phân biệt được thì thấy cảnh sở duyên, trong chỗ trống rỗng toàn là hư không; cảnh tượng mù mịt khi bụi dấy lên; mưa tạnh trời quang thì thấy trong lặng. A nan! Ông hãy xem các tướng biến hóa này, nay Như lai đều trả về nơi xuất phát của nó. Đâu là nơi xuất phát? A nan! Các tướng biến hóa này, sáng thì trả về cho mặt trời. Vì sao? Vì nếu không có mặt trời thì không thấy sáng. Nguyên nhân cái sáng kia là do mặt trời nên trả nó về cho mặt trời. cái tối trả về cho đêm không trăng; thông suốt trả về cho cửa mở, ngăn bít trả về cho tường vách; cảnh sở duyên trả về cho phân biệt; trống rỗng trả về cho hư không; mù mịt trả về cho bụi; trong lặng trả về cho trời tạnh. Tất cả mọi vật có trong thế gian này đều không ngoài những thứ này. Còn tánh thấy sáng suốt của ông thấy tám tướng kia, ông muốn trả về đâu? Vì sao? Vì nếu trả về cho sáng, thì khi không có ánh sáng cũng không thấy tối. Tuy sáng tối mỗi mỗi đều sai khác nhau, nhưng cái thấy không hề sai khác.

c- Khai thị tánh thấy.

Các thứ có thể trả về được, nhưng đương nhiên không phải là ông. Cái không trả về được, chẳng phải ông thì là cái gì. Vậy nên biết tâm ông vốn nhiệm mầu sáng suốt mà ông tự mê muội, bỏ mất tánh bản nhiên, đành chịu luân hồi, mãi bị chìm đắm trong biển sanh tử. Nên Như Lai gọi là đáng thương xót”.

Nghị rằng: A nan nghe Phật dạy chỗ trả về không có căn cứ, nên thỉnh Phật chỉ dạy về chân tâm không trả về. Vì chơn tâm rất khó nói nên tạm mượn tánh thấy để phá. Nhưng tánh thấy kia còn lẫn lộn trong duyên trần, mà thể sáng suốt của bát thức lại không thuộc duyên trần nên nói tánh thấy vốn sáng suốt thanh tịnh. Tuy nó không phải chơn nhưng vì nó vốn liên quan đến chơn như sở biến. Đã cận kề với chơn cho nên nói nó như mặt trăng thứ hai, chẳng lìa thể của mặt trăng, chẳng phải bóng trong nước. Nếu ngộ được chỗ không trả về của tánh thấy này thì có thể liễu ngộ được chơn tâm. Đoạn trước nói vì nhận lầm duyên trần mà đánh mất chơn tâm, nên nay lựa bỏ duyên trần để chỉ bày chỗ không trả về. Nếu tịnh trừ sạch hết các duyên thì chơn tánh tự hiển lộ. Hơn nữa cảnh duyên mà ta thấy đó chẳng qua là tám duyên sáng tối, thông bít, trần và sương mù mà thôi. Tám duyên này đều có chỗ trả về, tánh thấy sáng suốt mà ông thấy được về tám tướng sẽ trả về đâu. Vì những thứ có thể trả về được vốn chẳng phải là chơn tâm của ông. Mà những thứ không trả về nếu không phải chơn tánh của ông thì còn ai. Bởi chơn tánh này ở trong ông vốn sáng suốt thanh tịnh, nay vì mê muội không ngộ nên đánh mất cái sẳn có mà luống chịu sanh tử. cho nên Như lai nói thật đang thương xót vậy.

3- Khai thị tánh thấy lìa duyên để hiển kiến tinh. Chia làm bốn.

a- Thỉnh Phật chỉ bày chỗ không trả về.

A nan thưa: Tuy con hiểu tánh thấy này không trả về đâu, nhưng làm sao biết được đó là chân tánh của con.

Nghị rằng: Ý A nan cho rằng, tuy Ngài đã biết cái tánh không trả về này rồi, nhưng không biết tánh này thế nào mới là chân tánh của mình, ở đây không trình sở ngộ mà nêu ra cái tâm không ngộ. Bởi tuy phá được cái thấy này nhưng vì tinh quang của bát thức phải tiếp xúc với năm căn mới liễu được cảnh. Cho nên tạm mượn kiến tinh để làm chủ, gạn duyên trần bên ngoài để phá, nếu trần mất thì cái thấy này cũng mất, cho nên trước tiên phải xác minh lại mức độ cái thấy, để gạn duyên trần rồi mới phá.

b- Xác định lại tầm nhìn.

Phật bảo A nan: “ Nay Như Lai hỏi ông, hiện nay ông chưa chứng quả vô lậu thanh tịnh, nhưng do nương oai thần chư Phật mà thấy được cõi sơ thiền không ngăn ngại. Còn ông A-na-luật thì thấy cõi diêm-phù như xem quả Am-ma-la trong lòng bàn tay. Chư Bồ Tát thấy được cả trăm ngàn thế giới. Mười phương Như Lai đều thấy cùng tận các cõi nước thanh tịnh như số vi trần không sót chỗ nào, nhưng chúng sanh thấy được không quá gang tấc.

3- Gạn lọc duyên trần.

Này A nan! Ta lại cùng ông xem cung điện của Tứ thiên vương, và xem khắp các loài trong nước, trên đất, trong hư không, tuy có nhiều hình tượng tối sáng khác nhau, nhưng chúng đều là tiền trần phân biệt ngăn ngại. Ông nên ngay nơi đó phân biệt cái gì là mình, cái gì là vật. Nay Như Lai để cho ông lựa ra trong cái thấy, cái gì là tâm thể cái gì thuộc vật thể.

A nan! Cùng tận cội nguồn cái thấy của ông, từ cung nhật nguyệt cũng đều là vật chứ chẳng phải là ông, cho đến cả bảy ngọn núi bằng vàng, xem xét cùng khắp, tuy phát ra vô số ánh sáng cũng là vật chứ chẳng phải ông. Lần lần quan sát mây nổi chim bay, gió động bụi mù, rừng cây, núi sông, rau cỏ người thú đều là vật chứ chẳng phải ông.

4- Khai thị kiến tinh.

A nan! Tính chất của các vật xa gần tuy có khác, nhưng cũng đều nhờ tánh thấy thanh tịnh của ông nhìn thấy được. vậy nên vật thể tự có sai biệt mà tánh thấy chẳng khác, cái tánh thấy nhiệm mầu sáng suốt này chính thật là tánh thấy của ông.

Nghị rằng: Ở đây chính là đoạn văn chỉ bày tánh thấy vốn sáng suốt thanh tịnh. Vì cái thấy này chính là tinh quang của bát thức soi vào năm trần mà rõ được cảnh, cho nên gọi là cái thấy duyên trần. Nếu lúc mới chạm vào trần thì gọi là hiện lượng, chính là thuộc về thể sáng suốt của bát thức, nếu niệm thứ hai dấy tâm phân biệt thì gọi là tỷ lượng, đây thuộc về ý thức. Ở trước mượn tám chỗ trả về để phá, chính là phá cái thấy phân biệt duyên trần, nó cũng thuộc tỷ lượng. Nay ước theo hiện lượng để hiển bày kiến tinh. Cho nên trong khoa nói minh định lại để phá. Vả lại, hàng Thanh Văn, Bồ tát cũng như Phật và chúng sanh tuy có khác nhau về địa vị phàm thánh, và công năng đối cảnh tuy rộng hẹp bất đồng, nhưng cũng đều thuộc về tánh thấy sáng suốt của hiện lượng trong bát thức. Tuy trời đất, hư không và vạn vật phơi bày lẫn lộn nhưng thoạt nhìn thì lại thấu suốt. Điều đó đủ biết vật khác mà tánh thấy không khác. Tánh thấy không khác này không lẫn lộn với vật, cái sáng suốt mầu nhiệm này đúng là tánh thấy của ông. Nếu biết được tánh này thì có thể đốn ngộ chơn tánh vậy.

4- Phá bỏ cái chấp lại kiến tinh là vật.

a- Phá cái chấp lại.

Nếu tánh thấy là vật thì ông có thể thấy được tánh thấy của  Như Lai. Nếu khi cùng thấy sự vật gọi là thấy cái  thấy của Như Lai, vậy khi Như lai không thấy sao ông không thấy được chỗ không thấy của Như lai? Nếu ông thấy được cái không thấy thì tự nhiên nó không phải là tướng của cái không thấy kia. Nếu ông không thấy được chỗ không thấy của như Lai, thì cái thấy rõ ràng không phải là vật, chứ đâu chẳng phải ông? Lại như cái thấy là vật, thì khi ông nhìn thấy vật, ông đã thấy vật thì vật cũng thấy được ông. Thế là thể tánh lẫn lộn, nên ông cùng với Như Lai và tất cả thế gian đều không an lập được.

b- Khai thị cái thấy đúng đắn.

A nan! Nếu khi ông thấy, thì chính ông chứ chẳng phải Như Lai, tánh thấy trùm khắp đó chẳng phải ông thì là cái gì? Sao ông tự nghi chân tánh của mình là chẳng thật rồi cầu Ta tìm cái chân thật ư?

Nghị rằng: Ở đây phá cái chấp trở lại, do lúc trước chỉ vạn vật để khai thị tánh thấy sáng suốt, nhưng e rằng A nan nhận cái thấy làm vật, cho nên đặc biệt dạy rằng, vạn vật chính là cảnh sở kiến, còn tánh thấy sáng suốt để thấy được vạn vật đâu phải là vật. Nếu cái thấy là một vật thì cái thấy của ông và Như Lai đều là vật, đồng thời ông cũng thấy được cái mà Như Lai thấy. Nếu nhầm chấp rằng cùng thấy một vật tức là thấy được cái thấy của Ta, vậy khi Ta lìa vật tại sao ông không thấy được chỗ không thấy của Ta. Dẫu cho phép ông thấy được chỗ không thấy của Ta thì đó chỉ là vọng kiến của ông chứ chẳng phải là tướng không thấy kia vậy. Chữ “bỉ” trong đây Đức Phật ngầm chỉ cho mình, có thể xem là chữ Ngã. Nếu không thấy được chỗ không thấy của Ta, thì đủ biết cái thấy của ông và Như Lai đều chẳng phải là vật, nghĩa là cái thấy lìa vật này há không phải tánh thấy của ông ư? Nếu nhất định chấp cái thấy là vật thì vật cũng có cái thấy. Cả hai cùng thấy nhau, người và vật bất phân, thế thì không thể an lập được. Cái thấy lìa vật ở đây chính là hội kiến phần mà quay về thức tinh, thế nên biết từ đây sẽ dần dần thấy được chân tánh. Cho nên đặc biệt chỉ quy về tánh thấy rằng: “ Như khi ông thấy vật đó là cái thấy của ông chứ không dính dáng gì đến Ta. Nghĩa là cái thấy về vật của ông viên mãn trùm khắp, nếu không phải chân tánh của ông thì là cái gì? Hơn nữa tánh thấy của ông sáng suốt rạng rỡ cớ sao tự nghi ngờ không hiểu? tánh này vốn sẳn đủ nơi ông mà không cho là chơn, lại vin lấy lời nói của Ta cho là chơn, há không nhầm lẫn ư.

5- Phá mức độ cái thấy để hiển bày chơn tâm.

a- Lập lượng.

A nan bạch Phật: “ Bạch đức Thế Tôn! Nếu tánh thấy này nhất định là con chứ chẳng phải gì khác, thế khi con cùng Như Lai xem lầu các bảo điện thù thắng của Tứ thiên vương trong cung nhật nguyệt, cái thấy này bao trùm cả cõi Ta-bà. Khi quay về tinh xá con chỉ thấy vườn nhà, nơi giảng đường thanh tịnh con chỉ thấy hành lang. Bạch Thế Tôn! Cái thấy này như vậy, bản thể của nó trùm khắp cả pháp giới. Nay tại trong phòng thì chỉ thấy một phòng. Vậy cái thấy này rút lớn thành nhỏ hay bị tường vách xen vào giữa làm cho đứt đoạn? nay con chẳng biết nghĩa ấy như thế nào. Kính mong Như Lai thương xót chỉ dạy.

b- Chánh phá.

Phật bảo A nan: “ Tất cả các thứ trong ngoài, lớn nhỏ trên thế gian đều thuộc về tiền trần. chẳng nên cho rằng cái thấy co giãn. Thí như trong vật hình vuông, ta thấy hư không trong ấy có hình vuông. Nay Như Lai lại hỏi ông, hư không hình vuông được nhìn thấy trong vật vuông ấy là hình vuông cố định hay không cố định. Nếu cố định vuông, thì khi ở trong vật tròn, hư không lẽ ra chẳng tròn. Nếu không cố định vuông thì khi ở trong vật vuông, lẽ ra hư không chẳng phải vuông. Ông nói chẳng biết nghĩa này thế nào. Nghĩa tánh là như vậy, sao còn hỏi như thế nào nữa. A nan, nếu muốn nhận ra tính chẳng vuông tròn, thì chỉ cần bỏ cái vuông của đồ vật, thể hư không vốn chẳng vuông, không nên nói phải bỏ đi tướng vuông của hư không. Như khi ông hỏi, khi vào trong nhà, tánh thấy đã rút nhỏ lại, vậy khi ông ngước xem mặt trời, phải chăng tánh thấy đã giãn ra để tiếp xúc với mặt trời? nếu bị tường vách ngăn ép khiến cho tánh thấy phải đứt đoạn, thì khi xoi một lỗ nhỏ sao không thấy dấu nối? nghĩa ông nói không đúng.

2- Hiển chơn.

Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, mê mình là vật, lạc mất bản tâm. Bị vật xoay chuyển nên trong ấy xem có lớn nhỏ. Nếu chuyển được vật, tức đồng Như Lai. Thân tâm tròn đầy sáng suốt, là đạo tràng bất động. Trên đầu mảy lông có thể chứa trọn cả cõi nước mười phương.

Nghị rằng: Ở đây chính là phá bỏ mức độ cái thấy, do mê chơn tâm mà thành A-lai-da thức. Thức này gồm ba phần. Thứ nhất là Tự chứng phần, thứ hai là kiến phần, thứ ba là tướng phần. Vì lực vô minh ngưng kết đã lâu cho nên biến thành hư không rỗng tuếch vô tri, rồi hóa thành huyễn sắc của tứ đại, vì thế mà thành vọng kiến, chấp lấy tứ đại mà thành chúng sanh. Cho nên thân căn khí giới cùng tất cả vạn vật cũng phát khởi từ đó. Nay vì chuẩn bị phá vọng hiển chơn nên trước tiên lựa bỏ tướng phần sở duyên, để hiển tánh thấy vốn lìa duyên, vì vậy khi duyên trần biến mất thì cái thấy kia cũng bặt. Ở đây gọi là hội vọng kiến để quay về kiến tinh. Nay kiến phần đã mất chỉ còn lại kiến tinh. Vì bát thức chưa phá, hiện lượng của thức này tuy hiện đủ thân căn khí giới nhưng vẫn còn hạn lượng, không thể chiếu khắp pháp giới. Cho nên có sự ngăn trở của lớn nhỏ và trong ngoài. Mà nghi ngờ rồi muốn dứt bỏ cái thấy vậy. Nếu lượng (sự suy lường) này một khi phá bỏ thì căn cảnh đều mất, viên minh chiếu khắp mười phương. Ý A nan muốn hỏi, trong văn kinh đã trình bày. Nhưng phá cái thuyết về kiến lượng thì vẫn chưa nêu. Nếu không như thế, thì cớ sao vừa phá cái thấy này tức có thể ở trên đầu sợi lông mà hiện khắp mười phương cõi nước. Ý Thế Tôn trả lời là mượn một vật thể để phá. Vì cái tâm nhiệm mầu sáng suốt tròn đầy này nay ở trong mê mà bị ngăn trở bởi căn thân và khí giới. Nếu có thể thoát được thân tâm bên trong và dẹp bỏ thế giới bên ngoài thì thể mầu nhiệm tròn sáng kia ngay đó hiện hữu. Cho nên bỏ cái vuông của vật, còn thể của hư không vốn không có vuông tròn, không nên bỏ cái tướng vuông của hư không. Ý này cổ đức có câu “ Không cần cầu chơn, chỉ cần dứt cái thấy”. Nếu kiến lượng bặt dứt thì tướng phần kia cũng tiêu ngay. Ý này muốn nói nếu chuyển được vật tức đồng với Như Lai. Thân tâm tròn sáng là bất động đạo tràng. Ở trên đầu mảy lông mà có thể hiện khắp cõi nước mười phương. Từ vô thủy vì mê nhất tâm chân như cho nên biến thành vọng tướng. Nay chuyển vọng tướng quay về nhất tâm, nên nói tức đồng với Như lai. Quán sát sâu xa như thế mới thấy được lẽ mầu nhiệm trong lời pháp của Như lai. Cách thuyết từ ngộ đến mê, từ tế đến thô, ở đó có ba tế sáu thô. Nay vì muốn phá vọng hiển chơn nên nhất định phải từ thô đến tế dần dần hướng về bờ chơn. Văn trong luận rõ ràng, lấy luận đối chiếu với kinh thì không sai khác mảy may. Lầm bàn thị phi, bậc trí hãy xét kỹ.

Từ khi A nan nhờ lòng thương xót khai thị cứu giúp tới giờ, là biện vọng kiến phá kiến phần, diệt hành uẩn của thức thứ bảy, hiển phần kiến chơn lý. Thuyết minh về cái điên đảo thứ hai xong.

Mục IV: Phi kiến tinh phá thức uẩn, diệt thức thứ tám, chỉ ngay con đường tu hành chân chánh.

1-                 Phá ngã chấp để hiển bày nhất chân.

a-                  Đương cơ trình chấp.

A nan bạch Phật. Bạch đức Thế Tôn, nếu tánh thấy này nhất định là tánh mầu nhiệm của con. Thì diệu tánh đó phải ở ngay trước mắt ( chấp sắc là ngã). Tánh thấy đó chắc thật là con, vậy thân tâm con hiện nay là vật gì?(chấp lìa sắc là ngã) .Nhưng nay thân tâm con thật có sự phân biệt, còn tánh thấy kia không phân biệt được thân con( chấp ngã lớn sắc nhỏ, sắc ở trong ngã). Nếu thật là tâm con, khiến cho con nay thấy được, thì tánh thấy ấy thật là con, còn thân chẳng phải là con. Khác nào trước kia Như Lai gạn hỏi: “ vật có thể thấy được con chăng?”( chấp sắc lớn ngã nhỏ, ngã ở trong sắc). Cúi mong đấng đại từ chỉ bày cho kẻ chưa ngộ.

Nghị rằng: Đoạn này trở đi là phá tự chứng phần của bát thức, rồi tiến đến phá ngã chấp để hiển bày nhất chân. Vì xưa nay thức thứ bảy luôn chấp thể của thức này là ngã bên trong của mình. Nên hàng Nhị Thừa chấp thức này là chân ngã của niết bàn. Bọn ngoại đạo chấp thức này là thần ngã, cho nên nói ngã biến khắp mười phương vậy. Cũng nói, A đà na thức thật vi tế. tập khí chủng tử như dòng thác. Không trình bày nhiều về ngã đối với hàng phàm phu vì sợ chúng chấp phân biệt kia làm ngã. Cũng vì lẽ đó mà xưa nay Đức Thế Tôn luôn nhấn mạnh thức này. A nan nghe Phật khai thị, nếu có thể chuyển được vật, tức đồng với Như Lai, bèn phát nghi chấp vật là cái thấy. Tựu trung là thỉnh về cái chấp ngầm về ngã kiến. Ý muốn phá cái ngã mà hàng ngoại đạo đã chấp, vì hàng ngoại đạo chấp thức này là thần ngã, còn hàng Nhị Thừa chấp uẩn là lìa ngã, cho nên phải dẹp trừ. Lời tuy không tỏ nhưng ý đã tóm thâu. Nghĩa là nếu cái thấy sáng suốt này nhất định là diệu tánh của con, thì nay tánh nhiệm mầu này hiện đang ở trước con. Chữ thử này chỉ cho vật đã chuyển ở trước, ý cho rằng nếu chuyển được vật tức đồng với Như Lai. Thế thì tất cả vạn vật hiện tiền đều là tánh thấy sáng suốt của con. Cái chấp ngầm này cho sắc là ngã. Nếu cái thấy nhất định là chơn ngã của con thì nay thân tâm con lại là vật gì? Ý A nan cho rằng nếu vạn vật này nhất định là cái thấy đúng đắn của con thì vật kia đã là con rồi. Nay thân tâm con lại là vật gì ư? Cái chấp này lìa sắc là ngã. Mà nay thân tâm phân biệt có thật, còn cái thấy kia vốn không biện biệt được thân con. Ý muốn nói nếu vật là con thì thân tâm chẳng phải con. Huống chi thân tâm con hiện nay thật có phân biệt. Còn vật kia đã là con thì tại sao không thể phân biệt được thân con ư? Cái chấp này là ngã lớn sắc nhỏ, sắc ở trong ngã. Nếu thật sự tâm con khiến cho con nay thấy vv. Ý muốn nói rằng vật kia nếu thật là tâm con, khiến cho con nay thấy được thì cái thấy kia thật là con, còn thân tâm chẳng phải con. Thế thì khác nào với lời gạn hỏi “vật có thể thấy được ngã” trước đây của Như Lai. Cái chấp này là sắc lớn ngã nhỏ, ngã ở trong sắc. Chấp chung ngoại vật là ngã. Cái chấp này bắt đầu từ câu chuyển vật. Cho nên Thế Tôn nhắm ngay vào vật để chọn cái thấy. Mượn ngay vật để phá. Ở trước nói như cái thấy là vật.. vì họ nhận cái thấy kia làm vật vậy. Nay chấp nhận vạn vật là cái thấy nên khác nhau vậy.

2-                  Thế Tôn phương tiện phá.

a-                  Ngay nơi vật mà phá cái thấy phải.

Đức Phật bảo A nan: “ Nay ông nói cái thấy ở trước mặt ông, nghĩa ấy không đúng. Nếu tánh thấy thực sự ở trước mặt ông và ông thật thấy được, thì tánh thấy này đã có chỗ nơi, chẳng phải không chỉ ra được. Vậy nay Như Lai cùng ông ngồi trong rừng Kỳ-đà, xem khắp rừng suối, nhà cửa; xa đến mặt trời mặt trăng, phía trước là sông Hằng. Nay ông đang ở trước tòa sư tử của Như Lai, hãy dùng tay chỉ rõ ra các tướng loại ấy; chỗ mát là rừng cây, chỗ sáng là mặt trời, chỗ ngăn ngại là vách, chỗ thông suốt là hư không. Như thế cho đến cỏ cây, mảy lông lớn nhỏ tuy có sai khác, nhưng đã có hình tướng thì đều chỉ ra được. Nếu nhất định có cái thấy hiện ra trước mặt ông, thì ông phải dùng tay chỉ chính xác cái nào là cái thấy. A nan nên biết, nếu hư không là cái thấy, mà đã thành cái thấy rồi thì cái gì là hư không? Nếu vật là cái thấy, đã thành cái thấy rồi thì cái gì là vật? ông nên phân tích tỉ mỉ về vạn vật, chọn ra tánh thấy vốn sáng suốt nhiệm mầu thanh tịnh, chỉ rõ ngã thể cùng các vật kia một cách phân minh không nhầm lẫn.

A nan bạch Phật: Nay con ở trong ngôi lầu giảng đường nhìn ra xa thấy sông Hằng, trên thấy mặt trời mặt trăng. Cái mà tay chỉ ra được và mắt thấy được, thảy đều là vật, chẳng phải tánh thấy.

Bạch Thế Tôn! Đúng như lời Ngài vừa dạy, chẳng những hàng sơ học hữu lậu Thanh văn chúng con, cho dù hàng Bồ Tát cũng không thể nào trước các hiện tượng mà chỉ ra được cái thấy khi lìa tất cả vật mà có tự tánh riêng.

Phật bảo: Đúng thế! Đúng thế!

Nghị rằng: Đức Thế Tôn bảo A nan ngay nơi vật mà chọn ra cái thấy để làm rõ vật không phải là tánh thấy sáng suốt. Cho nên trước hết là trách lời nói của A nan, cái thấy ở trước mắt ông, nghĩa này không đúng. Nếu vật hiện tiền thật là tánh thấy của ông thì mỗi mỗi vật đều có nơi chỗ, thì tánh thấy của ông nhất định cũng có nơi chỗ, có thể chỉ rõ ra. Cho nên Ngài bảo ngồi trong rừng kỳ-đà này mà quan sát tất cả mọi vật, những thứ nào chỉ cần có hình thì đều chỉ ra được. Cái nào là cái thấy, hãy phân tích kỹ càng trong vạn vật, chọn ra tánh thấy vốn sáng suốt nhiệm mầu, chỉ rõ ra ngã thể và các vật kia một cách phân minh không nhầm lẫn. Đoạn này Phật khiến A nan ngay nơi vật mà biện biệt được ngã thể. A nan vâng lời, đáp rằng: “ Không những hàng Thanh văn mà ngay đến những bậc Bồ Tát có trí huệ lớn cũng không thể nào trước các hiện tượng mà chỉ ra được cái thấy khi lìa tất cả vật mà có tự tánh riêng. Đức Phật nói: Đúng thế! Đúng thế! Đó là sự bằng lòng về câu trả lời đúng của A nan.

b-                 Ngay nơi vật phá được cái thấy sai.

Đức Phật lại bảo A nan: “ Như ông đã nói không có cái thấy khi lìa tất cả vật mà có tự tánh riêng, thì trong tất cả vật ông chỉ ra được chỉ là vật chứ không phải cái thấy.” nay Như lai lại hỏi ông. Ông cùng Ta ngồi trong rừng Kỳ-đà lại xem vườn rừng, cho đến mặt trời mặt trăng, các loại vật tượng sai khác, nhất định không có tánh thấy mà ông có thể chỉ ra được. Ông hãy phát minh ra các vật này, cái gì chẳng phải là tánh thấy?

A nan thưa: “ Con xem khắp trong rừng này, không biết trong đó cái gì chẳng phải là tánh thấy.”

Vì sao? Nếu cây chẳng phải là cái thấy thì làm sao thấy được cây? Còn nếu cây là cái thấy thì sao gọi là cây? Như thế cho đến nếu hư không chẳng phải là cái thấy, thì làm sao thấy được hư không? Còn nếu hư không là cái thấy thì sao gọi là hư không? Con lại suy xét kỹ càng, phát minh trong muôn vật, không có cái nào chẳng phải là tánh thấy.

Phật nói: Đúng vậy! đúng vậy!

 Khi ấy những vị chưa chứng quả vô học trong đại chúng, nghe đức Phật nói lời này đều mờ mịt chẳng hiểu nghĩa ấy đầu đuôi như thế nào. Họ đều lo lắng, sợ mất những kiến giải xưa nay. Như Lai biết đại chúng lo sợ, nên trong lòng thương xót an ủi A nan và đại chúng: “ các thiện nam tử! Những lời đấng vô thượng pháp vương nói đều là lời chân thật, nói những lời như thật, không cuống dối không hư vọng. Chẳng phải như ngoại đạo mạt-già-lê cùng bốn thứ luận nghị “ Bất tử kiểu loạn”. Ông nên đắn đo suy nghĩ cho kỹ, chớ phụ lòng thương xót của Như lai.

Nghị rằng: Vì A nan nhận vật làm cái thấy cho nên đức Thế Tôn bảo ngay nơi vật hãy chỉ rõ ra. Nay không chỉ ra được, đủ biết vật không phải là cái thấy sáng suốt. Đức Thế Tôn vẫn yêu cầu A nan, phải ngay nơi vật chỉ ra cái nào chẳng phải là cái thấy. A nan vâng lời đáp rằng: “ Con lại suy nghĩ, phát minh kỹ trong vạn vật không có cái nào chẳng phải là cái thấy. Phật cũng chấp nhận là như vậy.

Hỏi rằng: “ A nan nhận vật làm cái thấy, Thế Tôn bảo ngay nơi vật hãy chỉ rõ ra, nhưng A nan đã biết vật không phải là cái thấy. đức Thế tôn cũng bằng lòng với nhận định này. Rồi Ngài lại bảo A nan ngay nơi vật chỉ ra cái nào chẳng phải là tánh thấy. A nan cũng biết, ngay nơi tất cả vật, không cái nào chẳng phải là cái thấy. Phật cũng chấp nhận, vì sao?

Đáp: Ý Phật chỉ thẳng nhất chân hoàn toàn không có tướng đúng sai. Nhưng A nan và đại chúng không ngộ được nên rơi vào vòng thị phi. Cho nên hoang mang không biết, và lo sợ đánh mất kiến giải xưa nay của mình. Đến đây thì đoạn tuyệt mạng căn vậy. Như Lai biết đại chúng hoảng sợ nên thương xót, an ủi mà tạm tha cho.Ngài dạy rằng, những lời nói của đấng pháp vương là lời chân thật, khác với bốn thứ luận nghị “ Kiều loạn bất tử” của ngoại đạo Mạt-già-lê. Nghĩa là họ đáp trả loạn xạ không có đạo lý nhất định. Thế Tôn không như vậy, pháp ta căn cứ vào chân thật nghĩa, không thẹn với lòng ngưỡng mộ của ông. Vì đức Thế Tôn tự chỉ ra bốn thứ luận nghị “ Bất tử kiểu loạn” của ngoại đạo Mạt-già-lê, điều đó đủ biết ở trước đã phá ngã chấp rồi vậy.

3-                  Đức Văn Thù hiển bày chơn thật.

Khi ấy Văn Thù Sư Lợi pháp vương tử thương xót bốn chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, chắp tay cung kính bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Đại chúng đây chưa nhận ra chỗ Như Lai phát minh hai nghĩa phải và chẳng phải của tánh thấy và sắc không. Bạch Thế Tôn như các hiện tượng sắc không ở trước mắt. Nếu là cái thấy lẽ ra phải chỉ ra được; nếu chẳng phải tánh thấy thì không thể nhìn thấy. Nay chẳng biết nghĩa này do đâu, nên sinh tâm lo sợ. Chẳng phải đời trước căn lành mỏng ít. Cúi mong Như Lai thương xót chỉ bày các vật tượng này cùng tánh thấy vốn là cái gì, mà trong đó không có cái phải và chẳng phải.

Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi và cả đại chúng: “ Mười phương Như Lai và các đại Bồ tát khi tự an trụ trong chánh định kia, cái thấy và cảnh bị thấy đều là tưởng tướng, đều như hoa đốm giữa hư không”. Cái thấy và cảnh duyên vốn là thể giác ngộ thanh tịnh giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu, cớ sao trong đó lại có nghĩa phải và chẳng phải?

Này Văn Thù Sư Lợi, nay Như Lai hỏi ông: Như ông là văn Thù, có đúng là Văn Thù hay chẳng phải là Văn Thù?

Đúng vậy, bạch đức Thế Tôn! Con chính là Văn Thù. Chẳng có Văn Thù thật. Tại sao? Nếu có một Văn Thù khác là Văn Thù thật thì sẽ có hai Văn Thù. Nhưng hiện nay chẳng phải con không phải văn Thù. Trong ấy thật không có hai tướng phải và chẳng phải.

Đức Phật bảo: “ Tánh thấy nhiệm mầu sáng suốt này cùng với hư không và tiền trần cũng lại như vậy.” vốn là chân tâm viên mãn thanh tịnh vô thượng giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu, vọng làm ra sắc không và thấy nghe. Ví như mặt trăng thứ hai, thì cái nào là mặt trăng thật, cái nào chẳng phải là mặt trăng. Này Văn Thù! Chỉ có một mặt trăng thật, trong ấy vốn không có cái nào là mặt trăng thật, cái nào chẳng phải là mặt trăng. Nầy Văn Thù, chỉ có một mặt trăng thật. Trong đó vốn không có cái nào là mặt trăng thật, cái nào chẳng phải là mặt trăng. Thế nên nay ông hãy xem cái thấy và trần cảnh cùng các thứ phát minh ra được đều là vọng tưởng, trong ấy không thể chỉ ra nghĩa phải và chẳng phải. Bởi do tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu ấy, nên khiến ông vượt ra ngoài cái chỉ ra được và cái chẳng chỉ ra được vậy.

Nghị rằng: A nan và đại chúng không ngộ được nghĩa phải và chẳng phải của tánh thấy sáng suốt, cho nên Văn Thù đặc biệt khải thỉnh. Vì mê trí nên thành thức cho nên vọng thấy có thân căn thế giới và tất cả vạn vật, muôn thứ sai biệt, tất cả những thứ này đều do thức biến hiện ra. Nếu chuyển thức thành trí thì tất cả vạn vật ngay đó đều mất. Kinh nói: Vướng vào tướng là thức và không vướng vào tướng là trí, chỉ trong khoảng thức biến này thôi. Vì thể của nhất chân biến hết thì thành A-lai-da thức. Cho nên căn thân khí giới cũng khởi từ đó. Nếu bên trong thoát được thân tâm, bên ngoài rủ bỏ được thế giới, thì tàng thức này chính là chân tâm thường trụ trong nhất chân pháp giới của Như Lai tạng, thế thì làm sao có tướng phải và chẳng phải ư? Vì vọng thấy theo thức nên có phải và trái. Nếu quán chiếu bằng đại trí thì hoàn toàn không có tướng phải trái, kia đây. Lẽ này nếu không phải bậc đại trí thì không thể tường tận được. Cho nên đức Văn Thù khải thỉnh về vật và cái thấy, sao không chỉ ra cái phải và chẳng phải. Như Lai căn cứ vào đại định để trả lời: “ Mười phương Như Lai và đại Bồ Tát vốn trụ trong thiền định, lấy trí để quán thì cái thấy và cảnh duyên đều thuộc về tướng tưởng, như hoa đốm hư không, chẳng gì thật có. Vì cái thấy và cảnh trần này vốn là thể sáng suốt thanh tịnh mầu nhiệm của bồ đề, đâu có cái phải và chẳng phải. Ở đây đặc biệt chỉ bày chỉ có nhất chân, hoàn toàn không có pháp khác, có thể nói đó là lời giáo huấn cùng tột vậy. Cho nên Văn Thù tự nói rằng chỉ có một Văn Thù thật, đâu có hai tướng phải và chẳng phải. Phật dạy từ đó đủ biết cái thấy sáng suốt và các cảnh trần vốn là chân tâm viên mãn thanh tịnh của bồ đề vô thượng, nhưng do vọng thành sắc không và các việc thấy nghe, nó như mặt trăng thứ hai. Nếu hiểu rõ một mặt trăng là thật, vốn không có tướng phải và chẳng phải. Ở trước phá vọng kiến chính là mượn kiến tinh để phá. Cho nên nói cái thấy này tuy chẳng phải minh tâm diệu minh, nó như mặt trăng thứ hai chứ chẳng phải bóng trăng. Nay sắp phá kiến tinh thì nói chỉ một mặt trăng thật chứ không có mặt trăng thứ hai. Cách nói pháp của Như Lai là từ thô đến tế, dần dần dẫn về chân như, rõ ràng có thể thấy được. Nếu quán bằng vọng tưởng thì không thể thoát ra ngoài thị phi. Còn quán sát bằng tánh giác sáng suốt nên có thể khiến ông chỉ ra được và không chỉ ra được. Đến đây thì tánh nhất chân bèn hiển lộ.

Ở trên là phá ngã chấp để hiển nhất chân.

2- Phá tự chứng để hiển nhất chân, chia làm bốn.

a- Đương cơ trình chấp.

A nan bạch Phật: “ Bạch đức Thế Tôn! Nếu thật như đấng pháp vương đã nói, tánh giác duyên khắp mười phương cõi nước, tánh giác ấy thanh tịnh vắng lặng, thường trú không sinh không diệt. điều đó so với thuyết minh đế của phạm chí ta tỳ ca la, hoặc các thuyết của ngoại đạo Đầu hôi vv. Nói có một chân ngã trùm khắp cả mười phương thì có gì sai khác. Đức Thế Tôn đã từng ở núi Lăng Già vì Ngài Đại Huệ vv giảng rộng nghĩa này: Ngoại đạo kia thường nói tự nhiên, còn Như Lai nói nhân duyên, chẳng phải cảnh giới của hàng ngoại đạo kia. Nay con quán sát kỹ, thấy tánh giác vốn tự nhiên, không sinh không diệt, xa lìa mọi hư vọng điên đảo này, dường như chẳng phải nhân duyên hoặc tự nhiên của ngoại đạo kia. Xin Thế Tôn chỉ dạy cho chúng con làm sao để khỏi rơi vào tà kiến, đạt được tâm tánh chân thật giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu.

Nghị rằng: Vì muốn phá tự chứng phần nên A nan mượn tự nhiên để hỏi. Tự nhiên nghĩa là tự thể bản nhiên, không nhờ nhân duyên. Vì chơn như ở trong mê nên có tự tánh để chứng. Hàng ngoại đạo không biết, bèn chấp làm tự nhiên. Cho nên Ngài A nan tạm mượn nó để khải thỉnh vậy. Ý Ngài hỏi có hai nghĩa, một là nương vào lời khai thị về tánh giác duyên khắp mười phương ở trước của Như lai, cho nên nghi rằng giống với thuyết chân ngã biến khắp mười phương của ngoại đạo. Thứ hai nghe nói tánh giác tự nhiên không thuộc tiền trần, thì tánh mầu nhiệm tự nhiên này đâu khác gì với thuyết tự nhiên mà ngoại đạo đã quan niệm.

b- Thế Tôn phương tiện phá. Chia làm hai.

– Phá tự nhiên.

Đức Phật bảo A nan: “ Nay Như Lai dùng phương tiện chỉ dạy như vậy, chân thật dạy ông, mà ông còn chưa ngộ, lầm cho là tự nhiên. Này A nan! Nếu thật là tự nhiên, thì cần phải xét rõ có cái thể tự nhiên chăng. Ông hãy quán sát trong tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu này, lấy gì làm tự thể? Tánh thấy này lấy sáng làm tự thể hay lấy tối làm tự thể; lấy không làm tự thể hay lấy ngăn bít làm tự thể? A nan, nếu lấy sáng làm tự thể, thì đáng lẽ khi tối đến chẳng thấy tối. Nếu lấy không làm tự thể, thì đáng lẽ chẳng thấy ngăn bít. Như thế cho đến lấy các tướng tối làm tự thể thì khi sáng, tánh thấy phải diệt mất, làm sao thấy được sáng?

A nan thưa: “ Tánh thấy nhiệm mầu này chắc chẳng phải tự nhiên. Nay con phát minh được là do nhân duyên sinh. Nhưng tâm vẫn còn chưa rõ, xin hỏi đức Như Lai nghĩa ấy như thế nào mới hợp với tánh nhân duyên?”

– Phá nhân duyên.

Phật bảo: “ Ông nói nhân duyên, Như Lai lại hỏi ông, nay ông nhân thấy, tánh thấy hiện tiền. Vậy cái thấy này nhân nơi sáng mà có thấy hay nhân nơi tối mà có thấy, nhân nơi hư không mà có thấy hay nhân nơi ngăn bít mà có thấy? A nan, nếu nhân nơi sáng mà có thấy, thì đáng lẽ chẳng thấy được tối. Nếu nhân nơi tối mà có thì đáng lẽ chẳng thấy được sáng. Như thế cho đến nhân nơi hư không, nơi ngăn bít cũng giống như sáng và tối. Lại nữa A nan! Cái thấy này lại duyên nơi sáng mà có thấy hay duyên nơi tối mà có thấy. Duyên nơi hư không mà có thấy hay duyên nơi ngăn bít mà có thấy? A nan! Nếu duyên nơi hư không mà có thấy, lẽ ra không thấy chỗ bít lấp; nếu duyên nơi bít lấp mà có. Lẽ ra không thấy hư không. Như thế cho đến duyên nơi sáng, duyên nơi tối cũng giống như hư không và bít lấp.

c- Chỉ ngay tánh thấy sáng suốt.

Nên biết tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu này chẳng phải nhân chẳng phải duyên, chẳng phải tự nhiên chẳng phải không tự nhiên. Chẳng phải không tự nhiên, không có cái chẳng phải và chẳng chẳng phải, không có cái phải và chẳng phải, lìa tất cả tướng tức tất cả pháp. Nay ông sao ở trong chỗ mất bản tâm, nhận các danh tướng hý luận thế gian mà vọng khởi phân biệt? nay lấy tay chụp bắt hư không chỉ thêm tự nhọc, hư không làm sao để ông bắt được.

c-                  Phủi sạch vọng chấp một lần nữa.

A nan bạch Phật rằng: “ Bạch đức Thế tôn! Nếu tánh giác nhiệm mầu này chẳng phải nhân chẳng phải duyên, tại sao Thế Tôn thường chỉ dạy các Tỳ kheo: Tánh thấy thường đủ bốn thứ nhân duyên, nghĩa là nhân nơi hư không, nhân nơi sáng, nhân nơi tâm và nhân nơi mắt. Nghĩa ấy thế nào?

Phật bảo A nan: “ Như Lai nói các tướng nhân duyên trong thế gian, chẳng phải đệ nhất nghĩa.”

Nghị rằng: A nan chấp rằng tánh giác là tự nhiên. Đức Thế Tôn mượn cảnh để phá, hiển bày nó vốn vô thể, thì không thuộc tự nhiên. Nên A nan trở lại chấp là nhân duyên sinh. Đức Thế Tôn ngay nơi cảnh ấn phá không thuộc nhân duyên, bởi tánh nhiệm mầu này không do duyên sinh, không nhân cảnh có, cho nên chỉ thẳng tánh giác sáng suốt. Bèn nói tánh giác sáng suốt nhiệm mầu thanh tịnh đó không thuộc tất cả nhân duyên, tự nhiên. Vượt ngoài vòng thị phi, lìa tất cả tướng tức tất cả pháp gọi là đạo đoạn, tâm hành xứ diệt, nay cớ sao ở trong chỗ bỏ mất bản tâm, nhận các danh tướng hý luận thế gian mà vọng khởi phân biệt? thí như dùng tay nắm bắt hư không chỉ thêm tự nhọc, hư không làm sao để ông bắt được? ở đây chỉ thẳng tánh giác nhất chân hoàn toàn không có uẩn khác. Ngài chỉ bày cho A nan như vậy, mà A nan vẫn chưa chịu tỏ ngộ, vẫn chấp thuyết nhân duyên bình thường quan niệm rồi khởi nghi ngờ, đó gọi là tập khí của ngôn ngữ, cho nên đức Thế Tôn bảo rằng đó chẳng phải đệ nhất nghĩa.

 Đoạn trên phá vọng chấp hiển bày nhất chân xong.

4-                 Phá kiến tinh để hiển bày thỉ giác. Chia làm ba.

a-                  Nêu lên để phá vọng chấp.

A nan, nay Như lai lại hỏi ông, người trong thế gian thường nói: “ Tôi thấy được. như thế nào gọi là thấy, sao gọi là không thấy?”

A nan thưa: “ Bạch đức Thế tôn! Người thế gian nhờ có ánh sáng mặt trời, mặt trăng và đèn mà thấy được mọi vật, nên gọi là thấy. nếu không có ba thứ ánh sáng này thì không thể thấy được. a nan, nếu khi không có ánh sáng gọi là không thấy, thì lẽ ra không thấy được tối. nếu thực thấy tối chỉ vì không có ánh sáng, sao gọi là không thấy? A nan, nếu khi tối không thấy sáng, mà gọi là không thấy được, vậy đang lúc sáng, không thấy có tối, lẽ ra đều gọi là không thấy. Nếu hai tướng sáng tối tự lấn chiếm nhau, thì tánh thấy của ông trong đó chẳng phải tạm không. Như thế đủ biết trong cả hai trường hợp đều gọi là thấy. Sao gọi là không thấy?

b- Chỉ ngay thỉ giác, chia làm hai.

– Trước lựa chọn duyên.

Thế nên A nan! Nay ông phải biết, khi thấy sáng thì cái thấy không phải là sáng, khi thấy tối thì cái thấy không phải là tối, khi thấy hư không thì cái thấy không phải là hư không, khi thấy ngăn bít thì cái thấy không phải là ngăn bít.

–                     Kế đến là chỉ ngay.

Bốn nghĩa đã thành tựu, ông lại nên biết, khi ông thấy được tánh thấy, thì tánh thấy không phải là cái bị thấy. Tánh thấy còn vượt xa cả cái thấy, và cái thấy còn không thể bắt gặp được tánh thấy. Tại sao ông còn nói nhân duyên tự nhiên và tướng hòa hợp?

b-                 Kết trách khuyến tu.

Các ông là hàng Thanh Văn, kiến thức hẹp hòi thiếu hiểu biết, không thông đạt được vật tướng thanh tịnh. Nay Như lai bảo ông phải biết chiêm nghiệm, không nên giãi đãi trên đường giác ngộ nhiệm mầu.

Nghị rằng: Đoạn này phá tánh thấy để hiển bày thỉ giác. Xưa nay biện về cái thấy, giờ tạm mượn tánh thấy để trước phá cái thấy phân biệt duyên trần. Kế đến phá kiến phần để hiển tánh thấy. Vì hai phần kiến và tướng vốn đồng một thể, vốn nương nhờ thức tinh mà hiện ra, cho nên vật và cái thấy lẫn lộn khó phân, hoặc nhận cái thấy là vật, hoặc chấp vật làm cái thấy, rồi khởi lên vô số vọng kiến của ngoại đạo. Đức Thế Tôn liền ngay nơi vật vạch rõ nó chẳng phải đúng sai. Nay nhờ lời chỉ dạy mà dần phá được cái thấy, đồng thời làm hiển lộ chân tinh duy nhất, không hề có vật khác, vượt ngoài đúng sai. Từ đây A nan đã thấu rõ tất cả các thuyết nhân duyên và tự nhiên rồi. Cũng chính là lúc kiến phần bặt dứt và quay về thức tinh vậy. Nhưng tánh thấy này vẫn còn thuộc mê vọng, chính là vô minh, gọi là thức uẩn, nên ví như mặt trăng thứ hai. Nếu ở đây không phá nạn để khế hợp với chân tâm bản giác, thì tiết này phá tánh thấy để hiển bày trí của thỉ giác. Vả lại khi sắp phá thức tinh đức Thế Tôn còn lấy cái thấy và cái không thấy để thẩm định. Ở trước là đối duyên để biện biệt, phần này là lìa duyên mà biện. Ý muốn hiển bày tánh thấy này vốn không nhân nơi cảnh mà có, không nhờ duyên mà sanh. Chỉ có thuần nhất tinh chân thiết cận với chân tâm. Cho nên thức này một khi phá vỡ thì năm uẩn đốn không, tức là trí của thỉ giác. Đức Phật gạn hỏi A nan và đại chúng, tất cả đều nói là do con thấy được, nhưng thế nào gọi là thấy, thế nào gọi là không thấy? A nan đáp: “ Nhân nơi sáng tối mà có thấy”. Đức Phật bèn bác bỏ nhận định này, Ngài dạy, nếu cái thấy nhân nơi sáng tối mà có, hơn nữa nếu cái sáng biến mất thì thấy bóng tối xuất hiện, bóng tối xua tan thì thấy ánh sáng. Cái sáng tối này tự có đến đi, còn tánh thấy của ông chẳng tạm ngừng ngớt. Cho nên cái sáng tối thông bít kia vốn là tiền trần. còn tánh thấy này không nhân nơi cảnh mà có, không nhờ duyên sinh, chỉ có một tánh thấy sáng suốt duy nhất mà thôi. Ở đây đã lìa tiền trần chỉ còn tánh thấy hiển lộ, vẫn còn thuộc vô minh, cho nên phá rằng: Ông lại nên biết khi thấy được tánh thấy, thì tánh thấy không phải là cái bị thấy, tánh thấy vẫn vượt xa cả cái thấy mà cái thấy còn không thể bì kịp tánh thấy, cớ sao ông lại nói nhân duyên tự nhiên và các tướng hòa hợp ư? Đây chính là phá kiến tinh vậy. Khi thấy tánh thấy thì cái thấy chẳng phải là tánh thấy, nghĩa là chân kiến, khi cái thấy đối với tánh thấy mà chân kiến chẳng phải là kiến tinh. Vì kiến tinh tuy gần giáp với chân như mà vẫn còn phải lìa huống chi vọng kiến của ông mà có thể sánh với chân kiến này ư! Cho nên nói tánh thấy còn vượt xa cả cái thấy, còn cái thấy vẫn không bì kịp tánh thấy, cho nên biết rằng câu này quả đúng là tánh thấy sáng suốt. Ở đây muốn nói tánh thấy chân thật lìa khỏi hư vọng chính là chân tâm thật tướng thanh tịnh. Chỉ vì kiến giải các ông hẹp hòi cạn cợt nên không thể thông đạt đấy thôi. Đây chính là chân trí của thỉ giác, vì thỉ giác có công nên bổn giác mới hiển lộ, cho nên đó chính là môn thiền định. Nay Như lai bảo ông phải khéo chiêm nghiệm tư duy, không được giãi đãi mà không chịu tiến tu. Từ lúc bắt đầu thỉnh vấn về con đường tu thiền định đến nay, tổng phá năm uẩn thân tâm để hiển bày nhơn không. Cho nên kết lại chỉ bày về tên pháp quán, vì đây chính là thuộc về ngã chấp, gọi là luống không. Vì pháp chấp vẫn còn, cho nên dưới đây nêu ra cách phá hai thế giới để phá ngã chấp.

Ở trên là phá năm uẩn bát thức để hiển bày nhơn không xong.

2- Phá hai loại thế giới vốn không để làm rõ pháp không, chia làm hai.

a- Đương cơ thỉnh khai thị.

A nan bạch Phật: “ Bạch đức Thế Tôn! Như Phật Thế Tôn vì chúng con giảng nói về nhân duyên, tự nhiên và các tướng hòa hợp và chẳng hòa hợp, trong tâm chúng con vẫn còn chưa rõ, mà nay lại nghe thấy được cái thấy chẳng phải là tánh thấy, con càng thêm mê muội. Cúi mong Thế Tôn mở rộng lòng từ, ban cho con mắt đại trí huệ, chỉ dạy cho chúng con cách giác ngộ tâm tánh sáng suốt và thanh tịnh. Nói xong, A nan buồn khóc rồi đảnh lễ, vâng nhận thánh chỉ.

Nghị rằng: Nay lúc mới phá pháp chấp, A nan còn đem việc thấy nghe nhân duyên tự nhiên ở trước, nhưng vẫn không hiểu nghĩa hòa hợp và không hòa hợp cho nên nói tâm còn chưa thông. Ở trước nói năm uẩn không thuộc nhân duyên tự nhiên. Chỉ phá giả danh chứ thật pháp vẫn còn. Vì chưa đạt được bổn không nên tâm còn chưa ngộ. Nay lại nghe thấy được cái thấy năm uẩn cũng chẳng phải tánh thấy, nên càng mê muội hơn, chính là ngã chấp của hàng nhị thừa tuy không, mà pháp chấp vẫn chưa mất, nên vẫn còn vọng thấy có thân tâm thế giới, nên tâm giác chưa thanh tịnh. Vì thế A nan thỉnh Phật khai thị thêm lần nữa.

Tiết sau là hiển năm uẩn không thật để làm sáng tỏ thế giới vốn không.

c-                  Thế Tôn nhận lời thỉnh cầu, phân làm hai.

Nhận lời thỉnh và khuyến răn.

Khi ấy Thế Tôn thương xót A nan cùng đại chúng, muốn chỉ dạy pháp đại tổng trì, con đường tu tam ma đề vi diệu. bèn bảo A nan rằng: “ Ông tuy nhớ giỏi, chỉ có ích cho việc học rộng, nhưng đối với sự quán chiếu vi diệu của pháp xa-ma-tha, tâm ông còn chưa rõ. Nay ông hãy lắng nghe cho kỹ, Như Lai sẽ vì ông chỉ bày rõ ràng. Cũng là giúp cho hàng hữu lậu trong đời sau chứng được quả vị bồ đề.

Chính khai thị về nhị vọng, phân làm hai.

Khai thị chung.

A nan! Tất cả chúng sanh luân hồi trong thế gian là do hai thứ vọng kiến điên đảo phân biệt, ngay đó phát sinh do đó mà nghiệp luân chuyển. Thế nào là hai thứ vọng kiến? Một là biệt nghiệp vọng kiến của chúng sanh, hai là đồng phận vọng kiến của chúng sanh.

Khai thị riêng.

–         Biệt nghiệp vọng kiến.

Thế nào gọi là biệt nghiệp vọng kiến? Này A nan! Như người thế gian bị bệnh nhặm mắt, ban đêm nhìn đèn sáng, chỉ thấy quanh đèn có năm màu bao phủ. Ý ông nghĩ sao? Đèn sáng ban đêm này hiện ra quần sáng, đó là màu sắc của đèn hay màu sắc của cái thấy? A nan! Nếu màu sắc này là của ngọn đèn, thì người không bị nhặm mắt sao chẳng cùng thấy, mà quầng sáng ấy chỉ riêng người nhặm mắt mới thấy? Nếu đó là màu sắc của cái thấy, thì cái thấy đã thành màu sắc, còn người nhặm mắt kia thấy quầng sáng thì gọi là gì? Lại nữa A nan! Nếu quầng sáng này lìa đèn mà có, thì khi  nhìn những vật xung quanh như bình phong, ghế, màn, cũng thấy quầng sáng hiện ra. Nếu lìa cái thấy mà có quầng sáng thì lẽ ra chẳng phải mắt thấy. Tại sao người nhặm mắt mới thấy quầng sáng? Thế nên phải biết, màu sắc thực ra là do đèn và cái thấy do bệnh nhặm mắt nên nhìn ra quầng sáng, quầng sáng và cái thấy đều do mắt bị nhặm, chứ cái nhận biết mắt bị nhặm kia thì không bệnh. Rốt cuộc chẳng nên nói quầng sáng kia là đèn hay là cái thấy, hoặc trong đó chẳng phải đèn cũng chẳng phải cái thấy. Ví như mặt trăng thứ hai, chẳng phải thể của mặt trăng, cũng chẳng phải bóng của mặt trăng. Vì sao? Mặt trăng thứ hai là đ khi dụi mắt mà thấy có. Những người có trí không nên nói rằng căn nguyên của cái dụi mắt ấy là có hình tướng là rời cái thấy hay chẳng rời cái thấy. cũng giống như quầng sáng tạo thành do nhặm mắt. nay ông muốn gọi cái gì là đèn, cái gì là cái thấy, huống gì phân biệt không phải đèn, không phải cái thấy?

–                     Đồng phần vọng kiến

Thế nào gọi là đồng phần vọng kiến? Này A nan! Cõi Diêm-phù-đề này trừ biển ra, trong đó đất bằng gồm 3000 châu. Châu lớn ở giữa, bao quát từ Đông sang Tây có đến 2300 nước lớn, ngoài ra các châu nhỏ nằm trong các biển, trong đó có châu gồm hai trăm ba trăm nước, hoặc mười hai mươi, ba bốn mươi cho đến năm mươi nước. A nan, lại nếu trong đó, một châu nhỏ chỉ có hai nước, mà riêng người trong một nước cùng chiêu cảm ác duyên, thì tất cả chúng sanh trong nước đó đều nhìn thấy hết mọi cảnh không tốt, hoặc thấy hai mặt trời, hai mặt trăng, cho đến thấy nhiều ác tướng như vựng, thích, bội, quyết, tuệ, bột, phi lưu, phụ nhĩ, hồng nghê. Chỉ có nước này thấy, còn chúng sanh nước khác vốn chẳng thấy cũng chẳng nghe.

3- Tấn thối cùng thuyết minh. Phân làm ba.

a- Tới riêng, dụ chung.

A nan! Nay Như lai vì ông lấy hai việc đó, kết hợp lui tới để chỉ rõ. A nan! Như biệt nghiệp vọng kiến của chúng sanh kia, thấy nơi đèn có quầng sáng hiện ra, tuy giống như là cảnh, nhưng cái thấy đó rốt ráo là do mắt nhặm mà thành. Giống như ông hôm nay dùng mắt xem thấy núi sông, cõi nước và các chúng sanh, đều do cái thấy bị bịnh từ vô thủy mà thành. Giống như ông hôm nay dùng mắt xem thấy núi sông, cõi nước và các chúng sinh, đều do cái thấy bị bệnh từ vô thủy mà thành. Mắt nhặm thì cái thấy lao nhọc, không phải do màu sắc tạo ra. Song  người biết được mắt nhặm thì cái thấy của họ không bị lầm lỗi. Cái thấy và cảnh bị thấy, như thể có cảnh trước mắt, nguyên là tâm giác ngộ sáng suốt, do phân năng kiến sở kiến mà thành bệnh. Nhận rõ cái thấy sinh khởi từ bệnh nhặm. Chứ bản giác minh tâm rõ biết các duyên thì không bệnh. Vì có năng giác và sở giác mới thành bệnh. Nếu bổn giác không ở trong bệnh, đây mới thật là nhận ra tánh thấy. Sao còn gọi nó là thấy, nghe, hay, biết. Thế nên nay ông thấy Ta và ông, cùng mười loài chúng sanh trong thế gian đều do mắt nhặm, chứ không phải cái thấy mắt nhặm bị bệnh. Tánh thấy chân thật đó không bị nhặm, nên chẳng gọi là thấy.

b.Thối chung dụ riêng.

A nan, nếu so sánh đồng phần vọng kiến của chúng sanh với biệt nghiệp vọng kiến của một người.

c- Tới lui đồng thuyết minh.

Một người nhặm mắt cũng giống như người trong cả nước kia. Người thấy quầng sáng là do mắt nhặm mà có. Còn trong nước kia hiện ra những tướng không lành là do cọng nghiệp mà cùng thấy trong đó các điềm ác hiện ra. Cả hai đều do vọng kiến từ vô thủy phát sanh, giống như ba ngàn châu trong cõi Diêm phù đề, gồm bốn biển lớn và thế giới Ta bà, cho đến các nước và các chúng sanh hữu lậu trong mười phương, đều là tâm giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu. kiến văn giác tri là bệnh duyên hư vọng, khiến hư dối hòa hợp sanh ra, hư dối hòa hợp mất đi.

Đoạn trên đã trình bày làm sáng tỏ pháp không.

3- Hiển bản giác lìa duyên để nói về chân như xuất triền.

Nếu có thể xa lìa các duyên hòa hợp và không hòa hợp thì diệt trừ được các nhân sanh tử, đó chính là tánh giác ngộ tròn đầy không sinh không diệt, chính là chân tâm bản giác thường trú.

Nghị rằng: Đoạn này dẫn năm uẩn ra để phá thế giới, tức phá pháp chấp vậy. Lúc phá pháp chấp sẽ diễn nói về con đường tu hành trong môn thiền định của đại đà la ni. Đà-la-ni Trung Hoa dịch là tổng trì. Bởi lẽ đoạn trước khuyên chung rằng không được giãi đãi đối với con đường tu hành giác ngộ, nghĩa là chỉ khai thị về nhơn không chứ chưa làm sáng tỏ pháp không, nó vẫn còn thuộc thiên không, vì pháp chấp chưa mất. Nay sẽ khai thị về thể viên dung không quán. Vì muốn trình bày ý một tức là ba, ba chính là một. Cho nên nói các pháp thiền định, nay pháp chấp vừa phá thì thể không Như Lai tạng cũng hiển bày tức khắc, hơn nữa Không Tạng này chính là thể không viên dung, bao trùm vạn hữu, quy hội về nhất tâm, cho nên nói Tam muội tổng trì. Đấy chính là con đường tu hành bồ đề giác ngộ. Ý muốn hiển Chơn không chính là Không tức Giả chứ không phải Không trơn. Cho nên Phật trách A nan chỉ là kẻ học rộng nhớ nhiều, còn đối với pháp tu thiền định sâu mầu và sự quán chiếu tâm vẫn chưa khai mở. Chính là chỉ cho sự không ngộ kia vốn không phải nhân duyên tự nhiên. Chưa đạt được ý chỉ Không tức Giả, cho nên nay đặc biệt trình bày lại, nhưng pháp chấp vốn là hai thứ thật pháp thân tâm năm uẩn bên trong và núi sông, đại địa, hư không, thế giới bên ngoài mà thôi. Ngoài thân tâm ông cho đến hư không, sơn hà đại địa đều là vật hiện ra trong tâm thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu. Thí như bỏ trăm ngàn biển cả mà lại nhận một hòn bọt cho là biển lớn đó là điên đảo vậy. Nay vì sắp phá hai thứ vọng cho nên trước tiên bảo với A nan rằng tất cả chúng sanh chịu luân hồi trong thế gian đều do hai thứ điên đảo phân biệt vọng kiến. Hơn nữa hai thứ điên đảo này từ ngay trong nhất chân pháp giới phát sanh, vọng hoặc này đã sanh nhất định sẽ phát sanh vọng nghiệp, đó gọi là có động tức có khổ, cho nên bị nghiệp lưu chuyển. Thế nào là nhị kiến? Một là biệt nghiệp vọng kiến, hai là đồng phần vọng kiến. Biệt nghiệp chính là chánh báo của chúng sanh, là thân tâm năm uẩn của mỗi chúng sanh, là do nghiệp riêng của mỗi người tạo nên. Đồng phận là thế giới y báo của chúng sanh, là do nghiệp chung của nhiều người chiêu cảm, vì hai thứ vọng này xưa nay không có, bởi do một niệm trong tâm diệu minh chân tịnh vọng động mà thành vô minh, liền biến chân tâm thành a-lai-da thức. Cho nên có hai phần Tướng Kiến. Kiến là vọng tâm, Tướng là vọng cảnh, tâm cảnh đối đãi khởi hoặc tạo nghiệp, sanh tử luân hồi quả thật là do lỗi của hai thứ vọng. Đó gọi là cái thấy và cảnh sở duyên hoàn toàn như hoa đốm hư không, chỉ là cảnh tưởng tượng vốn không thật có. Cho nên chơn tâm giống như mắt lành, vọng tâm ví như mắt nhặm, thân tâm ngũ uẩn như quầng tròn của bóng đèn, tứ đại, sơn hà đại địa như hoa đốm lăng xăng trong hư không. Nếu biết rõ mắt nhặm thì hai thứ vọng kia vốn không tồn tại. Cho nên ở đây mượn mắt nhặm để phá. Thế nào gọi là biệt nghiệp vọng kiến? Biệt nghiệp là chánh báo của chúng sanh, mỗi mỗi đều có thân tâm năm uẩn. Muốn làm rõ năm uẩn vốn không hoàn toàn nương vào vọng kiến mà có, cho nên thí như mắt bị nhặm, ban đêm thấy được quầng sáng với nhiều vòng tròn ngũ sắc bao quanh đèn, còn mắt lành, đèn sáng thì dụ chung cho chơn tâm, mắt nhặm dụ cho vọng kiến, bóng dụ cho năm uẩn. Cho nên ngay nơi đèn mà lìa đèn để biện biệt. Vốn không thật có thì lấy gì để luận phải trái ư? Sắc thật là do tại đèn, điều đó dụ vọng không lìa chơn. Và cái thấy do bệnh nhặm nên nhìn ra quầng sáng, lẽ này dụ cho nhân mê mà có vọng. Quầng sáng và cái thấy đều do mắt bị nhặm, dụ cho tâm cảnh đều mê, vì nhận biết được mê nên không còn mê nữa, cho nên cái nhận biết cái bị nhặm kia chẳng phải bịnh. Lại ví như mặt trăng thứ hai, điều đó đủ biết hoàn toàn không có tướng phải hay chẳng phải, nếu biết mặt trăng thứ hai do dụi mắt mà có, thì quầng sáng và cái thấy chính là lỗi của mắt nhặm. Tại sao khởi lên vọng chấp thị phi đối với đèn ư? Khi liễu ngộ lý này thì sẽ biết được năm uẩn vốn không, lập tức mối nghi về nhân duyên, tự nhiên cũng tan biến. Tại sao gọi là đồng phần vọng kiến? chính là cảnh giới y báo mà chúng sanh trong mười phương đồng chiêu cảm. Muốn làm sáng tỏ ý thế giới vốn không thật có, chỉ do vọng kiến phát sanh, cho nên mọi điều tốt xấu trong nhiều quốc độ lớn nhỏ nơi cõi Diêm phù đề không thể nói hết một lượt được. Chỉ có người trong một nước cảm lấy ác duyên thì người nước đó cùng thấy điềm không tốt vậy. Còn như chúng sanh nước khác không có điều xấu ác thì chúng chẳng thấy chẳng nghe. Điều đó đủ biết chúng sanh trong cõi uế độ chính là do nghiệp ác chiêu cảm, mà những người trong cõi tịnh độ vốn không nghe thấy. Đó gọi là lúc đại hỏa thiêu đốt cõi này của Ta được yên ổn. Vì ở đấy vốn không thấy có điều xấu ác. Nay ta cùng làm sáng tỏ về hai việc tấn thối này, nghĩa là dùng biệt nghiệp để trình bày về đồng phận. Quay về đồng phận để trình bày biệt nghiệp, vì năm uẩn vốn không nên dễ ngộ, thế giới không có nên khó hiểu. Cho nên mượn hai việc tấn thối hợp lại để thuyết minh vậy. Tức là thân tâm năm uẩn biệt nghiệp vọng kiến của chúng sanh kia giống như quầng sáng hiện ra trong ánh đèn, mặc dù bóng tợ như có, nhưng rốt cuộc là do mắt nhặm mà ra, chẳng phải nó có sẳn từ nơi đèn. Nếu biết đó là do mắt nhặm thì không có cái thấy về bịnh. Cũng giống như ông dùng mắt xem thấy núi sông, cõi nước và các chúng sanh đều do cái thấy bị bịnh từ vô thủy mà thành. Cái thấy và cảnh bị thấy như thể có cảnh trước mắt nhưng thật chẳng thật có. Vốn do vô minh trong tâm giác ngộ sáng suốt nên vọng thấy có mắt nhặm của cảnh sở duyên thôi. Vì thế nên nếu biết hoặc thấy thảy đều là bịnh nhặm chứ bản giác minh tâm rõ biết các duyên thì không bệnh, nhưng có năng giác và sở giác mới thành bệnh, đó là chơn giác vậy. Đã là chơn giác há có thể rơi vào trong vọng giác sao? Nên nói bổn giác không ở trong bệnh, đây mới thật là nhận ra tánh thấy. Vì A nan trước đã từng nói: Nay nghe Phật nói về kiến tánh lại càng thêm mờ mịt nên Phật mới nói có năng giác sở giác mới thành bịnh, chứ bổn giác không ở trong bệnh để gỡ mối nghi về việc nhận ra tánh thấy. Lấy đó để chứng thành, vậy chữ kiến ở trước chính là chân giác. Chữ kiến sau là mắt bị bịnh, mắt bịnh là vọng kiến. Chính là chỉ cho mờ mịt đối với thức tinh. Phần này Như Lai tự giải thích, lời văn cũng rõ ràng, không cần giải thích thêm. Bởi thức tinh chính là sự tinh tế của sự nhận thức. Quán sát bằng chân trí mà vẫn còn lầm lẫn huống chi thấy nghe hay biết mà có thể bì kịp ư? Ý nói tánh thấy vẫn lìa cái thấy, vì cái thấy kia không thể bì kịp. Nên biết phật sanh ra trong thế giới nhất chân mà vẫn không thật, huống chi nay ông thấy có Phật có chúng sanh, tất cả những thứ đó đều là lỗi lầm của vọng kiến chẳng phải lỗi của tánh thấy. Tánh thấy chân thật đó không có lỗi, vì xa lìa các vọng hoặc nên không gọi là thấy. Trên đây là nêu biệt nghiệp để sánh với đồng phần, kết hợp lại để quán sát thì thế giới vốn không điều đó có thể biết, và rồi lui lại đồng phần để sánh với biệt nghiệp, nghĩa là lấy đồng phần vọng kiến của chúng sanh này để so sánh với biệt nghiệp vọng kiến của một người kia. Vì quầng sáng mà một người bị bịnh mắt nhìn thấy đó chính là do vọng nhận mà thấy. Còn trong nước kia hiện ra những tướng không lành là do cộng nghiệp mà cùng thấy trong đó các điềm ác hiện ra. Cả hai đều do vọng kiến từ vô thủy phát sanh. Đem một nước này sánh với Diêm phù đề và thế giới ta bà cho đến các nước và các chúng sanh hữu lậu trong mười phương đều là thấy nghe hay biết trong tâm giác ngộ sáng suốt vô lậu nhiệm mầu. Nghĩa là do vô minh mà mê mờ đối với tâm vô lậu nhiệm mầu này nên vọng thành bệnh duyên hư vọng từ kiến văn giác tri, đồng thời căn cảnh hòa hợp mà thành sống suông chết uổng. Từ đó cho thấy thân tâm năm uẩn và hư không, sơn hà đại địa bên ngoài ngay đó tiêu mất hoàn toàn không còn nơi nương gá. Cho nên biết rằng phá hai thứ thế giới là để hiển bày pháp không. Hai thứ chấp đã phá, vậy thỉ giác có công thì bổn giác mới hiển hiện. Đúc kết lại bổn giác lìa duyên để trình bày về nghĩa chơn như xuất triền. Cho nên nói nếu có thể xa lìa được các duyên hòa hợp và không hòa hợp thì có thể diệt được các nhân sanh tử. Đó chính là tánh giác ngộ sáng suốt tròn đầy không sinh không diệt, là chân tâm thanh tịnh bản giác thường trú. Từ lúc nêu tâm để biện về cái thấy tới giờ, khai thị nhiều cách nhằm phá vọng hiển chơn. Tới đây hai chấp đã phá mới hiển bày được chơn tâm bản giác. Nhưng ở đây vẫn còn phá thức hòa hợp để hiển bổn giác, chưa đến tột nguồn nhất tâm. Đoạn sau lại phá cái chấp hòa hợp của thủy và bổn mới hội quy về tạng tánh.

Trên đây là hiển bày bổn giác lìa duyên để trình bày về chân như xuất triền xong.

5-                  Lau sạch dấu vết thấu nhập huyền như để hiển bày chân như tuyệt đối đãi. Chia làm hai.

a-                  Thế Tôn đặc biệt khai thị.

A nan, trước đây tuy ông đã ngộ được bản giác sáng suốt nhiệm mầu, tánh giác ấy chẳng phải nhân duyên chẳng phải tự nhiên. Nhưng ông vẫn chưa rõ được cội nguồn của tánh giác ấy vốn chẳng hòa hợp và cũng chẳng phải không hòa hợp mà sanh ra.

b- Gạt bỏ vọng chấp thêm lần nữa. Chia làm hai.

Phá hòa hợp.

A nan! Như Lai lại lấy tiền trần để hỏi ông. Nay ông còn lấy tất cả vọng tưởng hòa hợp với tánh nhân duyên trong thế gian mà tự nghi lầm rằng chứng được tâm bồ đề là do hòa hợp mà phát khởi. Vậy nay tánh thấy thanh tịnh nhiệm mầu của ông là cùng với sáng hòa hợp hay cùng với tối hòa hợp? Là cùng với thông hòa hợp hay cùng với bít hòa hợp. Nếu hòa hợp với sáng thì khi ông đang thấy sáng, cái sáng hiện trước mặt, vậy chỗ nào xen lẫn với cái thấy. Nếu có thể phân biệt được tướng của cái thấy thì hình tượng của cái xen tạp là thế nào. Nếu chẳng phải là cái thấy thì làm sao thấy được sáng? Còn nếu chính là cái thấy thì làm sao thấy được cái thấy? Nếu cái thấy cùng khắp thì chỗ nào hòa với cái sáng? Nếu sáng cùng khắp thì không thể hòa với cái thấy. còn nếu cái thấy đã khác với cái sáng thì khi xen tạp ắt phải mất tên gọi của tánh sáng kia. Cái thấy xen lẫn vào làm mất tính chất của cái sáng mà nói hòa hợp  với cái sáng là không có nghĩa. Đối với cái tối, thông, bít, lấp kia cũng lại như vậy. Lại nữa A nan! Tánh thấy thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu hiện nay của ông lại hợp với sáng hay hợp với tối? Hợp với thông hay hợp với bít? Nếu hợp với sáng thì khi tối đến, tướng sáng bèn biệt mất, cái thấy này không hợp với tối thì làm sao thấy được tối. Nếu khi thấy tối mà không hợp với tối, lại hợp với sáng thì lẽ ra cũng không thấy được sáng, thì làm sao gọi là hợp với sáng? Rõ ràng chẳng phải là tối. Đối với cái tối, thông, bít kia cũng giống như vậy.

Phá bất hòa hợp.

A nan bạch Phật: “ Bạch đức Thế Tôn! Nay con suy nghĩ, cái tâm vốn giác ngộ nhiệm mầu này cùng các duyên trần và các tâm niệm suy nghĩ không hòa hợp chăng?

Phật bảo: “ Nay ông nói tánh giác chẳng phải hòa hợp. Như Lai lại hỏi ông, nếu tánh thấy này chẳng hòa hợp, là chẳng hòa với cái sáng hay chẳng hòa với cái tối, chẳng hòa cùng cái thông hay chẳng hòa với cái bít? Nếu chẳng hòa cùng cái sáng thì giữa cái thấy và cái sáng ắt phải có ranh giới. Ông hãy xem kỹ, nơi nào là cái sáng, nơi nào là cái thấy. Đâu là ranh giới của cái thấy và cái sáng? A nan! Nếu bên cái sáng ắt không có cái thấy, thì hai cái chẳng tiếp xúc được với nhau. Cái thấy tự chẳng biết tướng sáng ở đâu thì làm sao thành lập được ranh giới. Đối với cái tối, cái thông, cái bít kia cũng lại như vậy. Lại nữa, tánh thấy nhiệm mầu không hòa hợp là chẳng hợp với cái sáng, hay chẳng hợp với cái tối, chẳng hợp với cái thông hay chẳng hợp với cái bít. Nếu chẳng hợp với cái sáng thì cái thấy và cái sáng có tánh trái nghịch nhau. Ví như lỗ tai và cái sáng, hoàn toàn không tiếp xúc được với nhau. Cái thấy còn chẳng biết tướng sáng ở đâu, thì làm sao phân biệt được nghĩa hợp hay chẳng hợp. Đối với cái tối, cái thông, cái bít kia cũng lại như vậy.

Nghị rằng: Đoạn trước Phật đã khai thị, thỉ giác có công thì bổn giác mới hiển bày. Đoạn này lại cho rằng tâm bồ đề sanh thì tâm sanh diệt diệt, vậy nó vẫn còn thuộc về sanh diệt, vì còn đối đãi vậy. Ngài A nan trước đây chưa hiểu rõ nghĩa hòa hợp, luôn lấy thỉ giác hợp với bổn giác gọi là cứu cánh giác. Rồi cho rằng chơn tâm bản giác cũng do hòa hợp mà có, nên đến đây Phật lại gạt bỏ vọng chấp thêm lần nữa. Để hiển chân tâm tuyệt đối đãi, quán trí cũng bặt dứt, rồi sau đó mới diệu khế nhất tâm. Cho nên khoa này gọi là “ Phất tích nhập huyền”. Từ đó có thể biết nghĩa hòa hợp trong đây chính là ngay nơi chân tâm để chọn thỉ giác. Cho nên khác với phần trước là phá thức hòa hợp để chọn vọng chấp. Điều đó là do Ngài A nan trước nói vì tâm vẫn chưa tỏ nên Phật không đợi thỉnh vấn mà bảo rằng: “ Tuy ông đã ngộ tánh sang suốt nhiệm mầu của bản giác nhưng nó không phải nhân duyên cũng chẳng phải tánh tự nhiên. Mà vẫn còn chưa tỏ tánh giác này vốn chẳng phải do hòa hợp sanh cũng chẳng phải không hòa hợp. Chẳng phải hòa hợp sanh nghĩa là diệu tánh bản nhiên không nhờ tu mà có, cũng không do hòa hợp mà thành. Và chẳng phải không hòa hợp có nghĩa là thể của nó tuyệt vọng duyên. Không hòa hợp cùng các duyên cũng không hề rời các duyên. Nhưng thể của giác thanh tịnh khó nắm bắt được tâm, nên mượn tiền trần vọng tưởng để phát minh. Đó gọi là: Nay ta lại lấy tiền trần để hỏi ông. Nay ông còn lấy tất cả vọng tưởng hòa hợp với tánh nhân duyên trong thế gian. Chỉ thể của bát thức là hòa hợp thức. mà tự nghi lầm rằng chứng được tâm bồ đề là do hòa hợp mà phát khởi. Nghĩa là ông vẫn còn lấy vọng tưởng đời trước rồi vọng cho rằng giác tâm bồ đề cũng từ hòa hợp mà khởi. Vậy nay ông lấy tánh nhiệm mầu sáng suốt này mà suy ra thì đối với các tướng thông bít sáng tối của tiền trần, nó hòa hợp với cái nào. Nếu nói hòa nghĩa là phải như sữa hòa với nước. Hợp nghĩa là bao trùm lại. Hòa nghĩa là lẫn lộn không thể phân được. Vả lại, như khi ông thấy sáng thì chỗ nào xen lẫn với cái thấy. Nếu lìa được tức là phá, còn cái sáng chẳng phải là tánh thấy, thì lẽ ra không thấy sáng. Ở đây không thể lìa được. Còn như sáng tức là tánh thấy thì sáng đã thành tánh thấy thì lẽ ra không cần thấy nữa. Đây là không thể nói chính nó, cho nên nói làm sao thấy được tánh thấy. Dưới đây là phá một cách khác. Nếu như tánh thấy là một thì tánh thấy đã viên mãn, vậy chỗ nào hòa với cái sáng.  Nếu cái sáng kia là một thì sáng sẽ biến khắp nơi, lẽ ra không hòa hợp với tánh thấy, ý nói hai vật pha lẫn nhau mới gọi là hòa hợp thôi. Vậy ở đây không thể gọi là một được. Nếu tánh thấy khác với cái sáng mà nói hòa hợp thì lẫn lộn không thể phân. Nếu tánh thấy hoặc cái sáng cả hai đều mất, thì làm sao nói là thấy sáng ư? Đây là không thể khác, thì khi xen tạp, ắt phải mất tên gọi tánh sáng mà lại nói hòa với sáng, vậy là không đúng nghĩa. Sáng đã không hòa thì tối và thông bít kia theo đây có thể biết. Lại nữa A nan, tánh thấy thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu hiện nay của ông lại hợp với sáng tối thông hay bít? Nếu hòa hợp với sáng thì khi sáng tắt lẽ ra không thấy tối, vì tánh thấy diệt theo cái sáng. Nếu hòa hợp với tối thì khi tối mất, tự đương không thấy sáng vì cái thấy kia mất theo bóng tối. Hiểu rõ sáng như thế thì tối thông bít chuẩn theo đây có thể biết. A nan mong khai thị nghĩa chẳng phải hòa hợp. Cho nên chấp lại rằng: Nay con suy nghĩ, cái tâm vốn giác ngộ nhiệm mầu này cùng các duyên trần và các tâm niệm nghĩ suy không hòa hợp chăng? Đức Thế Tôn phá rằng: Nếu không hòa hợp với sáng thì cái thấy và sáng, mỗi cái đều ranh giới. Nếu chẳng hòa hợp với sáng thì cái thấy và sáng sẽ chống trái nhau, không tiếp cận được với nhau. Làm sao biết được nó hòa hợp hay không hòa hợp ư. Từ đó suy ra đủ biết tánh sáng suốt nhiệm mầu cùng với các duyên trần, nếu nói hòa hợp và không hòa hợp đều không thành. Tánh thấy sáng suốt còn vượt ra khỏi thị phi, huống chi chân tâm diệu giác há có thể chấp là hòa hợp với thị phi ư. Bởi do sanh diệt hòa hợp với không sanh diệt mà thành tám thức, cho nên phá thức hòa hợp thì các vọng kia diệt hết. Hợp thỉ giác về với bổn giác, quán trí đều dứt, lẽ phải trái cũng bặt. Nhằm hiển bày chân như tuyệt đối đãi, đấy chính là tịch diệt nhất tâm với tánh thấy vậy.

Đoạn trên là ước theo Sanh Diệt môn mà chọn lựa chân vọng để hiển bản giác chân tâm xong.

Mục II.

Ước theo bất sanh bất diệt, hội vọng quy về chơn để hiển bày tánh chơn không Như lai tạng. phân làm hai.

I .  Chỉ thẳng nhất tâm.

A nan! Ông còn chưa rõ tất cả các tướng huyễn hóa nơi tiền trần, ngay đó sinh ra, ngay đó diệt mất, huyễn vọng nên gọi là tướng, nhưng tánh chân thật vốn là thể giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu. Như vậy cho đến ngũ ấm, lục nhập, từ thập nhị xứ cho đến thập bát giới, khi nhân duyên hòa hợp thì hư vọng sinh ra, khi nhân duyên tách rời hư vọng gọi là diệt. Sao ông không biết sinh diệt đến đi vốn là Như Lai tạng thường trú sáng suốt nhiệm mầu, là tánh chân như vi diệu tròn khắp, không lay động.  Ở trong tánh chân thường ấy mà cầu những tướng đến đi, mê ngộ, sinh tử hoàn toàn không thể được.

Nghị rằng: Đoạn này chỉ thẳng nguồn nhất tâm chân như, là Như Lai tạng tánh không sanh không diệt để dung hội vạn pháp. Vì mê mờ nhất tâm không sanh diệt này hòa hợp với sanh diệt thành a-lai-da thức, biến khởi hai phần kiến tướng làm hai pháp sắc tâm, thành chúng sanh năm uẩn bên trong và và thế giới hư không bên ngoài, tất cả các pháp sở duyên đều hiện trong đó. Bởi vì chúng sanh không rõ rồi nhận lầm duyên trần đánh mất chân tánh nên phải bị luân chuyển. Ngài A nan rất thương xót chúng sanh nên thị hiện giả rơi vào nhà dâm. Tất cả đều do nhận lầm thân tâm năm uẩn cho nên tha thiết thỉnh cầu đức Thế Tôn khai thị pháp tu thiền định là phương tiện tối sơ của mười phương Như Lai đắc thành bồ đề vô thượng. Vì vậy, trước tiên đức Thế Tôn phá năm uẩn đồng thời chỉ lỗi của tâm và mắt. Bắt đầu từ chỗ nêu tâm để biện cái thấy tới đây là tổng phá vọng tâm vọng kiến mà thôi. Song tâm và cái thấy là kiến phần của bát thức, các duyên là tướng phần của bát thức. Đó là căn bản vô minh, vì vô minh này nên không hiểu được các tướng vốn không, cho nên trước đây một phen loại bỏ duyên trần không thật, vọng kiến vốn không. Dứt bặt kiến tướng để quy về thức tinh, rồi phá thức tinh để quy về thỉ giác, gom thỉ giác về nhất tâm, đến đây hoàn toàn hiển bày thể tánh sáng suốt của Như Lai tạng. Đoạn trước tánh không hiển bày do phá vọng chỉ là thiên không mà thôi, vì Không mà không thể Có nên chẳng phải là Chơn Không. Nay sẽ hội ngũ uẩn, căn trần thức giới cho đến thất đại, tất cả đều xuất phát từ tánh chân như mầu nhiệm trong Như Lai tạng. Đó là Không tức Có gọi là Chơn Không thật tướng. Thế mới trọn thể không tạng viên dung của Đại Thừa. Đây chẳng phải là sở tri của Tiểu Thừa, cho nên đức Thế Tôn đặc biệt bảo A nan rằng: “ Ông vẫn chưa rõ tất cả các tướng huyễn hóa nơi tiền trần, sinh ra ngay đó rồi diệt mất ngay đó. Nếu hiểu duyên sanh như huyễn, vốn tự vô sanh, chỉ là huyễn vọng mà thành tướng mà thôi. Tánh ấy đúng là thể sáng suốt thanh tịnh vậy. Thế thì pháp pháp toàn chơn, đâu có pháp nào là vọng tướng ư? Như vậy đủ biết năm uẩn, sáu nhập, cho đến mười hai xứ mười tám giới, các vọng tướng này chỉ là nhân duyên hòa hợp thì hư vọng sanh ra, nhân duyên lìa hư vọng gọi là diệt. Các ông chỉ thấy vọng tướng sanh diệt, sao không thấu được các pháp sanh diệt đến đi vốn là Như Lai tạng thường trú sáng suốt nhiệm mầu, là tánh chân như vi diệu tròn khắp, không lay động. Hiểu rõ tạng tánh thì làm gì có huyễn vọng sanh diệt đến đi ư? Nếu quán bằng vọng tưởng thì tợ như có tướng sanh diệt đến đi. Nếu quán bằng chánh trí thì trong tánh chân thường ấy mà cầu những pháp đến đi mê ngộ sanh tử hoàn toàn không thể được. Ở đây đặc biệt khai thị nguồn nhất tâm chân như. Mà cái được hiển bày từ công phu phá vọng trước giờ, tột bực chính là đây. Phần sau ba khoa năm uẩn trình bày về thất đại mỗi mỗi dung hội về tạng tánh mới thấu tột thể Chân không.

  1. Dung hội ngay vạn pháp. Chia làm ba.

1- Hội ba khoa để hiển tức sự, tức lý. Phân làm bốn.

a-Hội năm uẩn.

–  Hội sắc ấm.

A nan! Tại sao ngũ ấm chính là Như Lai tạng, là tánh chân như nhiệm mầu? A nan! Thí như có người dùng mắt thanh tịnh để nhìn bầu trời quang đãng, chỉ thấy một khoảng không trong vắt. Người kia vô cớ nhìn sững chẳng nháy mắt, nhìn lâu hóa ra mỏi mệt, nên thấy hoa đốm loạn xạ trong hư không, lại là tất cả tướng giả dối không thật. Nên biết sắc ấm cũng lại như vậy. A nan, các hoa đốm lăng xăng ấy chẳng phải từ hư không mà đến, cũng chẳng phải từ mắt mà ra. Đúng vậy, A nan. Nếu từ hư không đến, mà đã từ hư không đến thì phải trở về với hư không. Nếu có ra có vào tức chẳng phải hư không. Hư không nếu chẳng không thì chẳng dung chứa được tướng hoa đốm sinh diệt kia. Như thân thể A nan thì chẳng dung nạp thêm một A nan nào nữa. Nếu hoa đốm từ mắt mà có, đã từ mắt mà ra thì phải trở về trong mắt. Nếu tánh của hoa đốm từ mắt mà có thì lẽ ra nó phải thấy được. Nếu nó thấy được thì khi ra làm hoa đốm giữa hư không, khi trở về nó phải thấy con mắt. nếu không thấy được, thì khi ra làm mờ hư không và khi trở về phải làm mờ con mắt. Lại nữa khi thấy hoa đốm, lẽ ra mắt không mờ. Tại sao khi thấy hư không trong lặng, mới gọi là con mắt trong sáng. Do  vậy nên biết sắc ấm không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Nghị rằng: Ở đây là hội sắc ấm. Con mắt trong sáng dụ cho chơn trí, hư không trong lặng dụ cho chơn lý, mắt trừng dụ cho vô minh, sự mỏi mệt dụ cho vọng kiến, hoa đốm lăng lăng dụ cho vọng tướng, chính là sắc ấm vậy. Mượn hư không và con mắt để biện về vô thể, nếu rõ biết hoa đốm lăng xăng kia không từ hư không vào cũng không từ mắt ra, thì đủ biết sắc ấm vốn không thật có, toàn là hư vọng.

– Hội thọ ấm.

A nan! Thí như có người, tay chân rảnh rang, thân thể điều hòa, bỗng dưng quên mình vì tâm tánh chẳng có gì chống trái nhau. Người này vô cớ xoa hai bàn tay giữa hư không, trong lòng bàn tay vọng sanh các tướng trơn rít lạnh nóng. Nên biết thọ ấm cũng lại như vậy. A nan, các xúc cảm không thật ấy, chẳng từ hư không mà đến, cũng chẳng từ bàn tay mà ra. Đúng vậy, A nan. Nếu từ hư không mà đến, đã xúc chạm với bàn tay, sao chẳng xúc chạm với thân? Chẳng lẽ hư không biết chọn nơi chốn để xúc chạm? nếu nó đến từ bàn tay thì lẽ ra chẳng đợi hai bàn tay hợp lại mới có. Lại nữa, nếu từ lòng bàn tay mà ra thì khi bàn tay hợp lại mới biết có cảm xúc, đến khi hai tay rời nhau thì cảm xúc phải trở vào. Vậy cánh tay, cổ tay, xương tủy lẽ ra phải biết tung tích khi ra vào của cảm xúc. Ắt phải có tâm hay biết, biết khi nó ra, khi nó vào, cho đến phải biết có một vật qua lại trong thân. Đâu cần phải đợi khi hai tay hợp nhau mới gọi là cảm xúc. Thế nên biết thọ ấm không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Nghị rằng; Ở đây là thấu hiểu về thọ ấm. An ổn điều hòa vốn không chống trái với các thọ. Hai tay xoa nhau thì nảy sinh cảm xúc lạnh nóng. Ý muốn mượn hư không và bàn tay để biện, không từ hư không đến cũng không từ bàn tay ra. Điều đó đủ biết xúc thọ vốn vô thể, thọ ấm vốn không thật, toàn là hư vọng.

– Hội tưởng ấm.

A nan, thí như có người khi nghe nói đến me chua thì nước bọt trong miệng chảy ra. Nghĩ đến cảnh khi đứng trên dốc cao thì lòng bàn chân cảm thấy rờn rợn, nên biết tưởng ấm cũng giống như vậy. Đúng thế A nan, nếu từ me sanh ra thì me tự biết nói, đâu cần đợi người nói. Nếu từ miệng mà vào thì tự miệng đã nghe tiếng, đâu cần đến tai nghe. Nếu riêng tai nghe được thì nước bọt này tại sao không tiết ra từ lỗ tai? Việc nghĩ tưởng mình đứng trên dốc cao cũng giống như vậy. Thế nên biết tưởng ấm không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Nghị rằng: Ở đây là thông đạt về tưởng ấm. Nói đến me chua thì nước bọt trong miệng chảy ra, nghĩ đến việc đang đứng trên dốc cao mà rờn rợn cả chân. Đó  chính là lột tả tướng trạng của vọng tưởng. Mượn hình tượng me chua và miệng để biện về tưởng ấm vô thể. Cũng vậy khi nói đến me chua chính là phải nói đến nước trong miệng. Song nước trong miệng do nói đến me mà có. Nếu nước bọt mà do me sanh ra thì phải hợp với me, còn nói đến mới có thì đó là ở trong me chứ không phải do miệng. Nếu từ miệng sanh ra thì nhờ khi nói đến me nó mới tiết ra, thế thì lẽ ra nó nghe từ miệng chứ đâu cần tai. Nếu chỉ nhờ tai nghe nói đến me mà nước bọt trào ra thì nước này lẽ ra phải từ tai chảy ra chứ không phải từ miệng. Cảm giác đứng bên bờ vực thẳm cũng giống như vậy. Từ đó suy ra thì tưởng không có thật thể, đủ biết tưởng ấm vốn không thật, toàn là hư vọng.

  • Hội hành ấm.

A nan, ví như dòng nước chảy mạnh, các làn sóng nối tiếp, lớp trước lớp sau chẳng vượt khỏi nhau. Nên  biết hành ấm cũng như vậy. A nan, tánh của dòng nước như vậy chẳng do hư không sinh ra, chẳng phải do nước mà có, cũng chẳng phải tánh nước, cũng chẳng lìa hư không và nước. Thật vậy, A nan. Nếu do hư không sinh ra thì mười phương hư không vô tận sẽ thành dòng nước vô tận. Thế giới tự nhiên sẽ bị chìm đắm. Nếu do nước mà có thì dòng nước này tánh nó lẽ ra không còn là nước nữa và hiện nay chỉ ra tướng của nước và dòng nước khác nhau. Nếu dòng nước tức là tánh nước thì khi nước trong lặng sẽ không còn là thể của nước nữa. Nếu lìa hư không và nước thì hư không vốn chẳng có trong và ngoài; ngoài nước ra vốn chẳng có dòng nước. Thế nên biết hành ấm không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Nghị rằng: Ở đây là thông hiểu về hành ấm, dòng chảy tương tục để dụ cho tướng của hành uẩn. Đó là mượn bốn pháp để biện về vô thể. Ý nói nhân nơi không, nhân nơi nước, ngay nơi tánh nước mà lìa hư không và nước. Nghĩa là dòng nước này nhân nơi hư không mà sanh thì mười phương hư không thành vô lượng dòng. Cũng vậy, hư không biến khắp nơi thì dòng chảy cũng bủa khắp chốn. Tất cả thế giới đều bị đắm chìm. Đâu có lẽ này ư? Nếu nhân nơi nước mà có thì tánh của dòng này lẽ ra phải ở ngoài nước. Vì nó thuộc về nước. Nếu có tướng nước thì nay phải dừng lại ở nước có thể chỉ ra được tánh của dòng. Nếu dòng thuộc về tánh nước thì dòng là nước thì khi lặng yên lại lẽ ra chẳng phải là nước. Nếu lìa hư không và nước. Vả lại, hư không không ngoài nước, ngoài nước không có dòng. Từ đó suy ra thì hành uẩn này luôn luôn biến chuyển, rốt cuộc đâu có gì. Vậy đủ biết nó toàn là hư vọng.

–  hội thức ấm.

A nan! Ví như có người lấy một cái bình tần bà, bịt kín hai đầu lại, trong đó đựng đầy hư không, đem đi xa ngàn dăm, đến cho nước khác. Nên  biết thức ấm cũng lại như vậy. A nan, hư không này chẳng phải từ phương kia đến, cũng chẳng phải từ phương này vào. Đúng vậy A nan, nếu hư không từ phương kia lại, thì trong bình này đã đựng hư không đem đi, ở chỗ chiếc bình phải thiếu đi một ít hư không. Nếu hư không từ phương này vào, thì khi mở miệng bình đổ ra, phải thấy hư không đi ra. Do vậy nên biết hành ấm không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Nghị rằng: Ở đây là thông đạt thức ấm. Chiếc bình dụ cho thân trung ấm, hư không dụ cho thức, hai lỗ dụ cho thấy nghe. Vì khi con người ta chết rồi thì dứt bặt thấy nghe nên dụ cho bít. Thức bị nghiệp lôi kéo nên dụ cho qua nước khác. Nếu chấp có thức qua lại theo thân thì thức ở chỗ này diệt sẽ sanh qua chỗ kia. Giống như chiếc bình đựng hư không phương này đem đến phương khác cho, thì chỗ chiếc bình này lẽ ra phải thiếu một ít hư không và đến chỗ kia mở miệng bình đổ ra phải thấy hư không đi ra. Nên biết rằng hư không bất động, thì thức kia cũng không đến đi. Mà lại chấp rằng thức có tới lui theo sự sống chết là nhầm vậy. Vì không thông đạt được thể của thức vốn không. Ôi! Như Lai khéo biện biệt, suy cứu tận cùng lý lẽ này. Hiển bày chung về năm ấm vốn một tràng hư vọng, hoàn toàn không có thật thể. Nếu biết năm ấm vốn không thì tạng tánh chân không hiển bày vậy. Ba khoa bảy đại mỗi mỗi đều rõ ràng.

Hết Quyển II