KINH THỦ LĂNG NGHIÊM LƯỢC GIẢNG
ŚŪRAMGAMA-SŪTRA
Tuyên Hoá Thượng Nhân giảng thuật
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Nhuận Châu
QUYỂN 6
PHẦN CHÁNH VĂN VÀ GIẢNG GIẢI
NHĨ CĂN
Quán Thế Âm Bồ-tát
Kinh văn:
Lúc bấy giờ Bồ-tát Quán Thế Âm liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát dưới chân Đức Phật, rồi bạch Phật rằng:
Giảng giải:
Phần trước, Bồ-tát Đại Thế Chí đã trình bày cách thức tu tập pháp môn niệm Phật. Đó là phương pháp rất thích hợp cho mọi người trong thời đại ngày nay. Phương pháp ấy rất có hiệu quả. Sao vậy? Trong kinh dạy chúng ta rằng vào thời mạt pháp, trong một triệu người tu tập, thậm chí chưa có được một người ngộ đạo. Nhiều người tu tập nhưng ít có người được chứng ngộ. Thế thì chúng ta phải làm sao? Đừng bận tâm. Kinh có dạy rằng, “Chỉ nhờ vào pháp môn niệm Phật, mà mọi chúng sinh đều được độ thóat.” Phương pháp niệm Phật rất dễ thực hành. Bằng cách thực hành niệm Phật, chúng ta sẽ được thóat khỏi ba cõi theo chiều ngang, và đới nghiệp vãng sanh.
Thế nào là nghĩa thóat khỏi ba cõi theo chiều ngang? Cũng giống như loài côn trùng sống trong ống tre, nếu nó đục xuyên theo chiều dọc thân tre, nó phải đi qua các lóng mắt, phải mất thời gian rất lâu. Thay vì vậy, nếu loại côn trùng ấy biết cách gặm một lỗ ở bên thân tre, thì nó sẽ ra khỏi được ống tre một cách rất dễ dàng. Người niệm Phật cũng giống như loài côn trùng thóat ra khỏi ống từ bên thân cây tre; họ thóat ra khỏi ba cõi theo chiều ngang–đúng với tầm mức của họ. “Đới nghiệp vãng sanh,” nghiệp mà mọi người đang mang là nghiệp của đời trước, không phải của đời nầy–đó là nghiệp đã tạo, không phải là nghiệp mới. Điều nầy có nghĩa là trước khi quý vị biết được phương pháp niệm Phật, quý vị đã tạo ra các nghiệp chướng. Quý vị có thể mang các nghiệp ấy theo khi mình vãng sanh sang cõi Tịnh độ. Nhưng quý vị không được tiếp tục tạo nghiệp ác một khi quý vị đã biết niệm Phật, vì quý vị không thể mang nghiệp ác ấy theo được. Một khi quý vị đã biết niệm Phật, thì quý vị nên thay đổi cách sống. Đừng cố tạo nên các nghiệp xấu. Nếu làm như vậy, quý vị sẽ chất chồng ác nghiệp, gia trọng thêm chướng ngại. Đó gọi là “biết rõ mà cố phạm–minh tri cố phạm,” trong trường hợp đó, nghiệp chướng tăng gấp ba. Quý vị có thể mang nghiệp cũ để vãng sanh, nhưng nay quý vị đã hiểu được Phật pháp, quý vị không thể nói rằng, “Ồ! Mình có thể niệm Phật, mặt kia mình có thể tạo nghiệp ác, vì trong tương lai mình có thể mang nghiệp đã tạo sang cõi Cực lạc với mình.”
Thật là sai lầm! Không những quý vị không thể nào mang nghiệp của mình đi, mà còn không thể nào vãng sanh về đó, vì quý vị sẽ bị chướng ngại bởi nghiệp của mình. Chúng ta là những người đã tin vào Đức Phật, phải nên thận trọng, đừng tạo thêm nghiệp chướng một khi chúng ta đã biết niệm Phật. Chương Đại Thế Chí niệm Phật viên thông nầy vô cùng quan trọng. Mọi người nên biết phương pháp niệm Phật chủ yếu là gì.
Tại sao chúng ta phải nên niệm Phật? Vì chúng ta có nhân duyên rất lớn với Đức Phật A-di-đà.
Đức Phật A-di-đà đã thành Phật cách đây 10 kiếp. Trước đó, ngài có pháp danh là Pháp Tạng tỷ-khưu. Lúc ấy, ngài phát 48 lời nguyện. Trong lời nguyện thứ 13 và 14, ngài phát nguyện: “Nếu có chúng sinh nào trong khắp mười phương niệm danh hiệu của tôi mà không thành Phật, tôi nguyện sẽ không thành chánh giác.” Nói cách khác, nếu có chúng sinh nào niệm danh hiệu ngài mà không được thành Phật, thì ngài nguyện sẽ không thành Phật. Và do nguyện lực của Đức Phật A-di-đà, mọi người ai niệm danh hiệu của ngài thì đều được vãng sanh vào thế giới Cực lạc.
Pháp môn Tịnh độ là một trong năm tông phái của đạo Phật Trung Hoa.
- Thiền tông (dhyāna).
- Giáo tông.
- Luật tông.
- Mật tông.
- Tịnh độ tông.
Tịnh độ tông sẽ là tông phái còn tồn tại sau cùng. Trong thế giới nầy, vào thời mạt pháp, Kinh Thủ-lăng-nghiêm sẽ bị biến mất trước tiên. Sau đó, các kinh khác cũng sẽ lần lượt bị biến mất, chỉ có kinh A-di-đà còn lại. Khi Kinh A-di-đà còn lưu lại trên thế gian, kinh sẽ độ thóat cho rất nhiều người. Sau hơn 1000 năm nữa, Kinh A-di-đà cũng bị biến mất hẳn.
“Thời mạt pháp” đơn giản có nghĩa là chánh pháp hoàn toàn biến mất hẳn. Một khi Kinh A-di-đà đã biến mất, chỉ còn lưu lại câu “Nam-mô A-di-đà Phật.” Câu nói phi thường này cũng sẽ độ thóat cho rất nhiều người; thế nhưng, sau 1000 năm nữa, nó cũng sẽ biến mất. Những gì còn lại chỉ là danh hiệu “A-di-đà Phật,” danh hiệu nầy cũng sẽ tồn tại trên thế gian một trăm năm nữa rồi cũng biến mất. Đến lúc đó, sẽ không còn Phật pháp lưu hành trên thế gian nữa. Trong khi chúng ta vẫn còn ở trước thời mạt pháp, chúng ta nên tu tập và giữ gìn những sự việc ở trong thời Chánh pháp. Đó gọi là “Thỉnh Phật chuyển pháp luân.” Trong thời mạt pháp, chúng ta không nên sợ một khó khăn gian khổ nào. Tôi không ngại khó khăn khi giảng pháp cho quý vị, và quý vị không nên sợ cực khổ khi đến nghe kinh. Hãy phấn chấn tinh thần lên! Đừng nói rằng mình mệt và phải đi nghỉ. Hãy quên chính mình vì đạo pháp. Hãy suy gẫm xem Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã sống trong núi Tuyết suốt sáu năm để tìm đạo như thế nào. Chúng ta không vào trong núi sống sáu năm, nhưng việc nhỏ nhất chúng ta có thể làm là tìm hiểu về đạo Phật. Hãy xem Phật pháp như là lương thực mà quý vị cần có để ăn vậy. “Nếu ta không đi nghe giảng kinh, cũng giống như vài ngày tới mình không có gì để ăn vậy.” Quý vị nên có suy nghĩ như vậy. “Ta phải đi nghe pháp. Ta chắc chắn phải tìm cách để hiểu đạo một cách chân xác.” Quý vị đi đâu để có được sự hiểu biết chân chính về Phật pháp? Quý vị phải thường nghe giảng kinh. Không nghe giảng kinh, quý vị không thể nào khai mở trí huệ. Đây là điều đặc biệt đúng đối với Kinh Thủ-lăng-nghiêm, vì đây chính là kinh khai mở trí huệ cho chúng sinh. Hãy lấy ví dụ như chương nói về pháp tu viên thông này do hai mươi lăm bậc thánh giảng giải. Có vị đã thành tựu đạo nghiệp của mình bằng pháp Hỏa quang tam-muội. Có vị đạt được viên thông nhờ vào Phong đại, có vị nhờ vào Không đại. Có vị tu tập từ nhãn căn của họ và được thành tựu, và có vị tu tập từ nhĩ căn. Mỗi thứ trong sáu căn đều được các vị này hoặc vị khác dùng để tu tập. Mỗi phạm trù trong 18 giới đều được mỗi vị thể nhập và tu chứng. Nghe những đạo lý nầy, quý vị nên áp dụng vào cho chính mình.
Quý vị sẽ hỏi, “Con nên tu tập theo căn nào? ” Đừng nôn nóng. Chính nhĩ căn mà Bồ-tát Quán Thế Âm đã dùng để tu tập là tốt nhất đối với quý vị. Bồ-tát Quán Thế Âm đã thành tựu viên mãn công phu tu tập từ nhĩ căn, và ngài A-nan sẽ theo Bồ-tát Quán Thế Âm để tu tập pháp môn nầy. Chư Phật và Bồ-tát trong đời trước đã truyền lại cho chúng ta một pháp môn vi diệu, chúng ta nên theo pháp tu từ nhĩ căn để đạt được viên thông. Đây là phương pháp dễ nhất.
Lúc bấy giờ Bồ-tát Quán Thế Âm liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát dưới chân Đức Phật, rồi bạch Phật rằng:
“Quán” có nghĩa là tư duy, quán chiếu.
Dùng năng lực trí huệ quán sát, hành giả quán chiếu thế giới khách quan.
Với năng lực trí huệ, hành giả quán sát cảnh giới đang được quán chiếu. Năng lực quán chiếu của trí huệ vốn có sẵn trong tự tánh của Bồ-tát Quán Thế Âm. Thế giới khách quan được quán sát đó là những âm thanh phát ra từ mọi chúng sinh. Quý vị nên quán sát tiếng kêu của khổ đau, tiếng reo của hạnh phúc, âm thanh của điều chẳng khổ chẳng vui, âm thanh của cái thiện, âm thanh của cái ác, âm thanh của chân thực, âm thanh của hư vọng–nên quán chiếu tất cả mọi thứ âm thanh.
“Thế” là thế gian, trong ý nghĩa về thời gian–quá khứ, hiện tại, tương lai. Quán chiếu nhân và quả trong quá khứ của chúng sinh. Quán chiếu nghiệp mà chúng sinh đang tạo bây giờ. Quán chiếu quả báo mà chúng sinh sẽ chịu trong tương lai. “Tai sao người kia phải khổ đau nhiều vậy?” Quý vị suy gẫm, và rồi nhận ra rằng: “Ồ! Trong đời trước, anh ta không hiếu thảo với cha mẹ và nói chung là không tốt với mọi người. Đó là lý do tại sao đời nầy quả báo của anh ta là đau khổ.”
Âm: Quán sát mọi âm thanh.
“Bồ-tát” có nghĩa là “người giác ngộ cho mọi chúng sinh–giác hữu tình.” Còn có nghĩa là “chúng sinh có đạo tâm rộng lớn–chúng sinh đại đạo tâm.” Bồ-tát còn được gọi là ‘chúng sinh đã giác ngộ–hữu tình giác’, đó là chỉ cho tự giác. Khi chúng ta nói rằng Bồ-tát là “người giác ngộ cho mọi chúng sinh–giác hữu tình,” là chỉ cho giác tha. Gom hai nghĩa nầy lại, Bồ-tát là chúng sinh đã giác ngộ và muốn giúp cho mọi chúng sinh đều được giác ngộ.
Những việc Bồ-tát làm là tự giác ngộ cho mình và giác ngộ cho người khác, làm lợi lạc cho chính mình và lợi lạc cho người khác.
Quý vị là những người đang tu học Phật pháp, phải nên nhớ kỹ ý nghĩa về Bồ-tát. Đừng để như trường hợp có người chủ trì một hội nghị về “Tăng-già Hoà hợp,” nhưng khi có người hỏi “Tăng-già” là gì thì chỉ biết im lặng. Thật là không thể tưởng tượng được!
Kinh văn:
Bạch Đức Thế tôn, con nhớ vào hằng hà kiếp từ thời quá khứ, lúc ấy có Đức Phật xuất hiện trên đời, danh hiệu là Quán Thế Âm. Con phát tâm bồ-đề từ Đức Phật đó. Ngài dạy con từ nghe, quán chiếu, tu tập mà thể nhập chánh định.
Giảng giải:
Bồ-tát Quán Thế Âm bạch cùng Đức Phật Thích-ca Mâu-ni rằng: Bạch Đức Thế tôn, con nhớ vào hằng hà kiếp từ thời quá khứ, lùi lại một khoảng thời gian rất dài–rất nhiều kiếp không thể tính đếm được như số cát trong sông Hằng, lúc ấy có Đức Phật xuất hiện trên đời, danh hiệu là Quán Thế Âm. Đây là Quán Thế Âm của thời quá khứ. Đó là Quán Thế Âm Như Lai, cũng đã tu tập viên thông nhờ vào nhĩ căn. Con phát tâm bồ-đề từ Đức Phật đó. Con phát tâm tu tập chứng đạo giải thóat. Ngài dạy con từ nghe, quán chiếu, tu tập mà thể nhập chánh định. Đức Phật Quán Thế Âm thời quá khứ dạy Bồ-tát Quán Thế Âm tiến trình văn tư tu. Đó là từ văn huệ, tư huệ và tu huệ mà thể nhập chánh định. “Tư” ở đây không có nghĩa là dùng sự suy nghĩ của thức thứ sáu. Đúng hơn, nó có nghĩa là dùng công phu toạ thiền mà tu tập.
Kinh văn:
Ban đầu, con ở trong tánh nghe, vào được dòng viên thông thì không còn trạng thái sở văn nữa, tướng sở nhập cũng vắng lặng, hai trạng thái động tịnh rõ ràng chẳng còn sanh. Tình trạng như vậy tăng dần, các tướng năng văn, sở văn đều hết sạch. Cũng không dừng trụ trong chỗ hết sạch năng văn, sở văn, đạt đến năng giác sở giác đều vắng lặng. Không giác viên mãn tột bậc, thì các tướng năng không và sở không đều tịch diệt. Sinh diệt đã diệt, thì bản tính tịch diệt hiện tiền.
Giảng giải:
Ban đầu, con ở trong tánh nghe, vào được dòng viên thông thì không còn trạng thái sở văn nữa.
Với văn huệ, hành giả nghe cái bên trong, chứ không nghe cái bên ngoài. Không theo thanh trần có nghĩa là không truy đuổi theo chúng. Trước đây, kinh văn đã nói không đuổi theo sáu căn và không bị sai sử bởi chúng. Điều nầy được gọi là:
Phản văn văn tự tánh– Quay tánh nghe vào bên trong để nhận ra tự tánh của mình.
Quay tánh nghe vào bên trong có nghĩa là không nghe âm thanh bên ngoài, mà thay vì vậy, quay trở lại, hướng vào bên trong, để nghe tự tánh của mình. Có nghĩa là,
Nhiếp vào trong thân tâm của mình.
‘Văn trung–trong tánh nghe.’ Nên đặc biệt chú ý hai chữ nầy, chẳng phải là trong nhục nhãn, chẳng phải là trong nhĩ thức, chẳng phải là trong ý thức…, mà chính là trong tánh nghe không sanh không diệt, cũng chính là tánh Như Lai tạng.
Hồi quang phản chiếu–Xoay ánh sáng trở lại và chiếu vào bên trong.
Có nghĩa là không tìm cầu bên ngoài.
Kinh văn đoạn nầy nói rằng Bồ-tát Quán Thế Âm “nhập vào dòng,” có nghĩa là ngài xoay tánh nghe vào bên trong để nghe tự tự tánh.
Nhập thánh nhân chi pháp tánh lưu–Nhập vào dòng pháp tánh của bậc thánh.
Ngài đã “Nhập lưu vong sở,” – có nghĩa là mọi bụi trần, sáu trần được nhận biết sáu căn–đều đã dứt sạch.
Có nghĩa là ngài đã thể nhập vào dòng chiếu diệu của tự tánh, không còn hướng ra bên ngoài để truy cầu, tâm đã sáng suốt thời thường an trú ở bên trong, nếu ở ngoài dòng là còn ràng buộc với duyên ngoại trần. Nếu phan duyên với thanh trần bên ngoài, tức là dính mắc với luân hồi sinh tử. Khi quên hết các thanh trần từ bên ngoài, thì không còn tướng động, tức là đã mở ra được nút buộc thứ nhất của trần cảnh diêu động, nên gọi là “Nhập lưu vong sở.” Vong tức là giải thóat, Sở tức là thanh trần.
Tướng sở nhập cũng vắng lặng, hai trạng thái động tịnh rõ ràng chẳng còn sanh.
Cội nguồn của sáu căn và sáu trần cũng đều dừng bặt. Điều nầy rất gay go. Ở đây Bồ-tát Quán Thế Âm đã nhập vào dòng tự tánh của ngài. Khi đạt đến cực điểm cảnh giới tịch lặng, thì tướng động và tĩnh cũng vắng bặt. Do cảnh tịnh chính là khu vực của sắc ấm, nên không được trụ vào cảnh tịnh. Khi đến được hai cảnh động tĩnh đều chẳng sanh, thì mới đến được cái gọi là sở nhập vắng lặng. Lúc đó, tức là đã mở ra được nút buộc thứ hai của cái tịnh. Thanh trần hoàn toàn vắng bặt, hai tướng động tĩnh rõ ràng chẳng còn sanh trở lại nữa. Tức là đã phá trừ được sắc ấm.
Tình trạng như vậy tăng dần, các tướng năng văn, sở văn đều hết sạch.
Các kết buộc do nơi các căn đã được mở, tiến tu dần dần, tăng cường thêm định lực, thế nên các căn năng văn tuỳ theo chỗ sở văn đều dứt sạch, cũng chẳng còn năng thọ và sở thọ. Tức là đã mở ra được nút buộc thứ ba của các căn, đồng thời cũng phá luôn được năm thức trước của thọ ấm.
Cũng không dừng trụ trong chỗ hết sạch năng văn sở văn, đạt đến năng giác sở giác đều vắng lặng.
Cái năng văn và sở văn đều đã tiêu sạch, còn lại tri giác, còn lại ngã tướng, cho nên cần phải tiếp tục tiến tu, cho đến chỗ ‘ưng vô sở trú nhi sinh kỳ tâm,’[3] đạt đến chỗ biết mà chẳng biết, giác mà không giác, đến khi mà giác và sở giác đều không thì mới mở được gút thứ tư về cái biết. Đến lúc năng giác và sở giác đều không còn, mới gọi là hoàn toàn không chấp trước, tức là phá trừ được ý thức thứ sáu tưởng ấm.
Không giác viên mãn tột bậc, thì các tướng năng không và sở không đều tịch diệt.
Cái năng giác và sở giác đều đã không, cần phải tiến tu, tham cứu cái không ấy nương vào đâu mà có, đến chỗ tánh không của cái biết (không giác–emptiness of awareness) rốt ráo viên mãn thì năng không và sở không đều tiêu trừ sạch. Tâm có khả năng tạo tác bị tiêu trừ, và cảnh giới do tâm ấy làm cho trở thành không cũng tiêu trừ luôn, đến mức cũng chẳng còn cái không. Vì hễ còn cái không, thì mình vẫn còn chấp trước vào tánh không. Và bây giờ đối với Bồ-tát Quán Thế Âm, ngay cả tánh không cũng chẳng còn, tức là mở được gút thứ năm của không giác, lúc nầy đồng thời phá trừ luôn thức thứ bảy hành ấm.
Sinh diệt đã diệt, thì bản tính tịch diệt hiện tiền.
Cái năng không và sở không đều tịch diệt, vẫn còn ý niệm ‘diệt,’ mà còn diệt tức còn sinh, nên cần phải tiến tu tiếp tục, cho đến khi tướng sinh và tướng diệt đều trừ sạch, mới có thể mở được nút thứ sáu về ý niệm ‘diệt.’ Đồng thời phá trừ luôn được thức thứ tám, a-lại-da thức của thức ấm.
Hai chữ ‘sinh diệt,’ vốn là chỉ cho các nút buộc, do động hết thì sanh tịnh sanh, căn diệt thì giác sanh, giác diệt thì không sanh, không diệt thì diệt sanh, sáu nút buộc nầy chính là pháp sanh diệt. Tướng diệt rất khó mở, cần phải tiêu trừ toàn bộ tướng diệt thì mới có thể đạt đến chỗ không sanh không diệt, mới có thể chính mình thấy được bản lai diện mục. Nay sáu nút buộc đã được mở, ngũ ấm đã được phá trừ hoàn toàn, vọng đã hết sạch rồi thì toàn chân hiển bày, tức là sinh diệt đã diệt rồi, thì tịch diệt hiện tiền, chứng đắc rốt ráo viên thông.
Kinh văn:
Bỗng nhiên con vượt ra ngoài thế gian và xuất thế gian, khắp mười phương một thể sáng suốt viên mãn hiển bày, và con đạt được hai cảnh giới thù thắng.
Giảng giải:
Khi cảnh giới tịch diệt đã hiện tiền, bỗng nhiên con vượt ra ngoài thế gian và xuất thế gian. Điều nầy chỉ cho cõi giới của hữu tình và khí thế gian. Khắp mười phương một thể sáng suốt viên mãn hiển bày. Bồ-tát Quán Thế Âm thể nhập làm một với thế giới mười phương không ngăn ngại. Và con đạt được hai cảnh giới thù thắng.
Kinh văn:
Một là, trên hợp với bổn diệu giác tâm của mười phương chư Phật. Con đạt được từ lực đồng như của chư Phật Như Lai.
Giảng giải:
Tâm từ của Bồ-tát Quán Thế Âm hoàn toàn đồng như tâm từ của chư Phật.
Kinh văn:
Hai là, dưới hợp với tất cả chúng sinh trong lục đạo khắp mười phương. Cùng với chúng sinh đồng một bi ngưỡng.
Giảng giải:
Hai là, dưới hợp với tất cả chúng sinh trong lục đạo khắp mười phương.
Chúng sinh trong lục đạo khắp mười phương là gì? Hãy nhìn khía cạnh đơn giản là con người, mắt tai mũi lưỡi thân ý, là chúng sinh trong sáu đường. Chúng là sự luân hồi sinh tử trong sáu đường, như là sắc thanh hương vị xúc và pháp, đây cũng là sự luân hồi trong sáu đường. Đó là lục đạo của chúng sinh trong tự tánh của mình. Có sự liên hệ nhau giữa sáu đường bên trong và sáu đường bên ngoài. Sáu đường bên ngoài là cõi của chư thiên, a-tu-la, người, súc sanh, quỷ đói và địa ngục. Cõi giới a-tu-la bao gồm cả những chúng sinh nào thích đấu tranh. A-tu-la là những chúng sinh đem cái tính thích gây sự của mình tham gia một cách hữu ích trong quân đội và bảo vệ đất nước mình. A-tu-la là những người dùng cái tính thích gây sự theo chiều hướng xấu và dẫn đến những việc như trộm cướp và găng-tơ. A-tu-la có thể sống ở cõi trời, cõi người, trong loài súc sanh, hoặc là ma quỷ. Có khi a-tu-la gồm cả trong ba cõi thiện, đó là chư thiên, a-tu-la và cõi người. Có khi được xếp vào bốn ác đạo, đó là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và a-tu-la. Khi xếp a-tu-la vào cùng với cõi trời, người, a-tu-la, súc sanh, quỷ đói, và địa ngục–là xếp theo vòng luân hồi sinh tử trong lục đạo.
Cảnh giới chư Phật ở trên Bồ-tát Quán Thế Âm, nên Bồ-tát nói, “Con ở trên hợp với tâm từ của chư Phật.” Chúng sinh trong lục đạo là ở cảnh giới thấp hơn Bồ-tát Quán Thế Âm, thế nên Bồ-tát nói, “Con ở dưới hợp với chúng sinh trong sáu đường.” “Chúng sinh” được định nghĩa là những loài sanh ra từ nhiều nhân duyên. Có nhiều yếu tố liên quan đến sự sinh ra của một chúng sinh. Bồ-tát nói tiếp: Con có cùng với chúng sinh đồng một bi ngưỡng. Các chúng sinh đều khát ngưỡng lòng thương xót của chư Phật và Bồ-tát.
Kinh văn:
Bạch Thế tôn, do con cúng dường đức Quán Âm Như Lai, nên con được ngài truyền thọ Như huyễn văn huân văn tu kim cang tam-muội, được cùng chư Phật Như Lai có đồng một từ lực. Khiến cho thân con thành tựu ba mươi hai ứng thân, có thể đến đi khắp mọi quốc độ.
Giảng giải:
Bạch Thế tôn, do con cúng dường đức Quán Âm Như Lai, nên con được ngài truyền thọ Như huyễn văn huân văn tu Kim cang tam-muội. Nói như huyễn là vì tu mà không tu, không tu mà tu. Có nghĩa là hành giả luôn luôn biết được những gì đang xảy ra trong mọi thời và không bao giờ quên. Thế nhưng, dù không quên, nhưng hành giả cũng không thực sự nhớ chúng. Chẳng nhớ nghĩ về chúng, tuy nhiên, cũng không quên chúng.
Văn huân có nghĩa là hằng ngày, Bồ-tát thường tu tập pháp môn Phản văn văn tự tánh cho đến khi thấm nhuần công phu nầy. Đây là pháp Kim cang tam-muội. Khi hành giả phát huy định lực nầy, sẽ được thành tựu Kim cang tam-muội.
Nhờ con được cùng chư Phật Như Lai có đồng một từ lực. Khiến cho thân con thành tựu ba mươi hai ứng thân, có thể đến đi khắp mọi quốc độ. Con có được từ lực đồng như chư Phật, khiến cho con có được ba mươi hai ứng thân. Nên con có thể đi đến khắp mọi quốc độ để giáo hóa chúng sinh.
Kinh văn:
Bạch Thế tôn, nếu có Bồ-tát nhập tam-ma-địa, tiến tu pháp vô lậu, đã được thắng giải và thể hiện viên thông, con sẽ hiện thành thân Phật thuyết pháp cho các vị nghe, khiến cho các vị Bồ-tát ấy được giải thóat.
Giảng giải:
Bạch Thế tôn, nếu có Bồ-tát nhập tam-ma-điạ, tiến tu pháp vô lậu, các ngài đã đạt được chánh định (samadhi) và nuốn tiếp tục công phu để đạt đến cảnh giới chân thực vô trụ xứ niết-bàn. Các ngài là những vị đã đạt được thắng giải và thể hiện viên thông. Trí huệ của các ngài rất vi diệu, và đã hiển bày được lục căn viên thông. Con sẽ hiện thành thân Phật thuyết pháp cho các vị nghe, khiến cho các vị Bồ-tát ấy được giải thóat. Khi con gặp những chúng sinh như vậy, con liền hiện thành thân Phật. Dù chính con chưa thành Phật, nhưng nhờ năng lực từ bi của con đồng như chư Phật. Do từ lực nầy mà con hiện được thân Phật và nói pháp cho hàng Bồ-tát để giúp cho họ đạt đến giải thóat.
Kinh văn:
Nếu có hàng hữu học tu pháp diệu minh vắng lặng, đã được thắng diệu viên mãn, con sẽ hiện ra trước các vị ấy thân Độc giác, thuyết pháp cho họ nghe, giúp cho họ được giải thóat.
Giảng giải:
Nếu có hàng hữu học tu pháp diệu minh vắng lặng. Hàng hữu học là chỉ cho những người chưa đạt quả vị thứ tư của A-la-hán. Là những vị đã được thắng diệu viên mãn, trí huệ họ rất thù thắng vi diệu và đã thể nhập được viên thông. “Con sẽ hiện ra trước các vị ấy thân Độc giác, thuyết pháp cho họ nghe, giúp cho họ được giải thóat. Đối với hàng chúng sinh nầy, con sẽ hiện ra bậc Độc giác,” có nghĩa là người thuộc hàng Nhị thừa đã chứng đạo khi Đức Phật chưa thị hiện trong đời. Họ tu tập pháp Mười hai nhân duyên và được giác ngộ.
Vào mùa Xuân họ quán sát hoa đào trắng nở,
Vào mùa Thu họ quán sát lá vàng rơi.
Họ ngộ ra nguyên lý vận hành tự nhiên của sinh và diệt trong vô số hiện tượng thế gian. Đó là cách mà các vị Độc giác đã giác ngộ. Bồ-tát Quán Thế Âm sẽ xuất hiện như là một vị Độc giác để giảng pháp cho các vị ấy, giúp cho các vị ấy được giác ngộ.
Kinh văn:
Nếu các hàng hữu học đoạn mười hai nhân duyên, do các duyên đã đoạn mà phát ra thắng tính, và thắng tánh đã viên mãn. Con hiện ra trước người đó thân Duyên giác, thuyết pháp cho họ nghe khiến cho họ được giải thóat.
Giảng giải:
Nếu các hàng hữu học đoạn mười hai nhân duyên, do các duyên đã đoạn mà phát ra thắng tính. Lần nữa, ‘hữu học’ là chỉ cho sơ quả A-la-hán.
Mười hai nhân duyên đã được giảng giải ở văn trước. Những điểm ấy rất quan trọng.
- Vô minh duyên hành;
- Hành duyên thức;
- Thức duyên danh sắc;
- Danh sắc duyên lục nhập;
- Lục nhập duyên xúc;
- Xúc duyên thọ;
- Thọ duyên ái;
- Ái duyên thủ;
- Thủ duyên hữu;
- Hữu duyên sinh;
- Sinh duyên lão tử.
Đây là lưu chuyển môn, tức là chiều lưu chuyển.
Khi vô minh diệt, hành diệt;
Khi hành diệt, thức diệt;
Khi thức diệt, danh sắc diệt;
Khi dánh sắc diệt, lục nhập diệt;
Khi lục nhập diệt, xúc diệt;
Khi xúc diệt, thọ diệt;
Khi thọ diệt, ái diệt;
Khi ái diệt, thủ diệt;
Khi thủ diệt, hữu diệt;
Khi hữu diệt, sinh diệt;
Khi sinh diệt, lão tử diệt.
Đây là chiều hoàn diệt (hoàn diệt môn). Người tu đạo A-la-hán trở nên rất rõ ràng về vô minh và mối liên hệ dẫn đến sự sinh khởi. Từ sinh đến tử, chúng sinh được sanh ra rồi lại chết xoay vần nhau. Chúng ta chấm dứt vòng luân hồi sinh tử bằng cách trước hết dập tắt vô minh. Khi vô minh đã dứt sạch, các mối liên kết khác lần lượt tiêu tan. Khi họ đoạn trừ các duyên nầy, họ phát ra thắng tánh. “Họ trở thành những những người có thắng tánh đã viên mãn. Con (Bồ-tát Quán Thế Âm) hiện ra trước người đó thân Duyên giác, thuyết pháp cho họ nghe khiến cho họ được giải thóat.
Kinh văn:
Nếu có hàng hữu học đã đạt được tánh không của Tứ đế, tu Đạo đế, và thể nhập Diệt đế, thắng tính hiện bày viên mãn, con liền hiện ra thân Thanh văn trước người kia, thuyết pháp cho họ nghe để giúp cho họ được giải thóat.
Giảng giải:
Nếu có hàng hữu học đã đạt được tánh không của Tứ đế, tu Đạo đế, và thể nhập Diệt đế. Có thể đó là các hàng Thanh văn, A-la-hán, đã nhận ra được tánh không của Tứ diệu đế, đã tu tập Đạo đế và đã chứng được diệu lạc niết-bàn. Các ngài đã đạt được thắng tính hiện bày viên mãn, họ đã thể hiện được trạng thái viên thông. Con liền hiện ra thân Thanh văn trước người kia, thuyết pháp cho họ nghe để giúp cho họ được giải thóat.
Tại sao Bồ-tát lại hiện thân Thanh văn? Vì làm như vậy các ngài mới thành giống như họ, và rất dễ thông cảm. Bồ-tát trở thành một người bạn tốt và có nhiều niềm tin lẫn nhau được thiết lập. Nếu mình không quan hệ với mọi người, dù bất luận mình nói điều gì, họ cũng sẽ không tin. Bồ-tát như thể yêu thích họ để giáo hóa họ. Thanh văn chứng đạo là nhờ nghe lời giảng của chư Phật. Họ là những người thuộc hàng Nhị thừa.
Kinh văn:
Nếu có chúng sinh, muốn tâm được tỏ ngộ, không phạm vào cảnh ngũ dục lạc thế gian, và muốn thân được thanh tịnh. Con liền hiện ra trước người ấy thân Phạm vương, thuyết pháp cho họ nghe, khiến cho họ được giải thóat.
Giảng giải:
Nếu có chúng sinh–những chúng sinh này không phải là Thanh văn, Duyên giác, chẳng phải là hàng Bồ-tát, họ là những chúng sinh phàm phu trong lục đạo. Họ là những chúng sinh mong muốn tâm được tỏ ngộ, họ muốn đạt được giác ngộ–hiểu biết chân thực. Họ là những người không phạm vào cảnh dục lạc thế gian. Họ tránh xa tham dục trong cõi thế gian phàm tình, vì họ muốn thân được thanh tịnh. Con liền hiện ra trước người ấy thân Phạm vương, thuyết pháp cho họ nghe, khiến cho họ được giải thóat. Con sẽ hiện ra như vị Đại Phạm thiên vương và giảng pháp cho họ nghe khiến cho họ được giải thóat.
Kinh văn:
Nếu có chúng sinh muốn làm Thiên chủ, thống lãnh các cõi trời, con liền hiện ra trước người nầy thân Đế thích, thuyết pháp cho họ nghe, giúp cho họ được thành tựu ước nguyện.
Giảng giải:
Nếu có chúng sinh muốn làm Thiên chủ, là chỉ cho Chúa trời của đạo Cơ-đốc (Christian God). Họ muốn thống lãnh các cõi trời. Họ muốn được cai trị các cõi trời. Con liền hiện ra trước người nầy thân Đế thích (Śakra), thuyết pháp cho họ nghe, giúp cho họ được thành tựu ước nguyện. Con liền hiện ra thân Đế-thích vì loại chúng sinh nầy. Đế-thích là vị Thiên chủ–Chúa trời.
Quý vị có biết rằng Đức Mẹ của Thiên chúa giáo chính là Bồ-tát Quán Thế Âm chăng? Người theo đạo Thiên chúa giáo tin vào Đức Mẹ, vì họ muốn được tái sanh ở trên cõi trời. Thế nên Bồ-tát Quán Thế Âm hiện thành nữ thần để giáo hóa họ, khiến cho họ được sinh ở cõi trời. Dĩ nhiên, từ cõi Trời họ sẽ đoạ lạc trở lại, nhưng dần dần họ sẽ lại tiến bộ. Tại sao Bồ-tát Quán Thế Âm thị hiện và thuyết pháp để giúp cho mọi người được sinh trên cõi trời? Mục đích tối hậu của ngài là khiến cho chúng sinh tin vào chư Phật. Nhưng vì lúc đó, ước nguyện của họ là được sanh lên cõi trời, nên ngài dạy cho họ cách thức thế nào để được sanh ở trên trời. Khi họ từ cõi Trời đoạ lạc trở lại, rốt cuộc họ sẽ tin vào chư Phật. Người phàm phu thấy rằng thời gian theo tiến trình nầy rất là dài lâu, nhưng thực ra trong Phật nhãn, đó chỉ là một khoảnh khắc, chỉ là chớp mắt.
Phương pháp nầy giống như cha mẹ muốn con mình thông thạo xuất sắc một nghề nhưng con mình lại không muốn học nghề đó. Cha mẹ phải chiều theo để cho con mình học ngành nào mà nó thích, nhưng sau vài cơ hội ban đầu thất bại, cuối cùng nó phải chuyển hướng, học ngành nghề mà cha mẹ đã đề nghị. Phương pháp Quán Thế Âm Bồ-tát giáo hóa chúng sinh là đáp ứng bất kỳ mọi ước nguyện của chúng sinh mong muốn. Nhưng mục đích tối hậu là ngài luôn luôn đưa chúng sinh đến chỗ thành tựu Phật quả.
Kinh văn:
Nếu có chúng sinh muốn có thân tự tại, đi khắp mười phương, con hiện ra thân Tự tại thiên trước người đó, thuyết pháp cho họ nghe, khiến cho họ được thành tựu ước nguyện.
Giảng giải:
Nếu có chúng sinh muốn có thân tự tại, họ muốn được tự tại để đi đến bất kỳ nơi đâu mà mình muốn. Con hiện ra thân Tự tai thiên trước người đó, thuyết pháp cho họ nghe, khiến cho họ được thành tựu ước nguyện. Chư thiên thuộc cõi trời Đại tự tại có thể đi đến bất cứ nơi đâu mà họ muốn.
Kinh văn:
Nếu có chúng sinh muốn có thân tự tại, phi hành giữa hư không, con hiện ra trước người đó thân Đại tự tại thiên, thuyết pháp cho họ nghe để giúp cho họ thành tựu ước nguyện.
Giảng giải:
Nếu có chúng sinh muốn có thân tự tại, phi hành giữa hư không. Họ muốn được tự tại, thân thể biến hóa như ý muốn. Họ muốn thân thể mình phi hành giữa hư không. Do họ có mong ước nầy, nên con sẽ tự nương vào từ lực của chư Phật để khiến cho họ hiện thân như ý muốn. Và con sẽ hiện ra trước họ thân của Đại Tự tại thiên và giảng pháp cho họ nghe, khiến cho họ thành tựu ước nguyện. Đại Tự tại thiên rất là tự chủ và đầy phúc lạc. Bồ-tát Quán Thế Âm hiện thân như vị nầy để giúp cho chúng sinh thành tựu ước nguyện của họ.
Kinh văn:
Nếu có chúng sinh muốn thống lĩnh quỷ thần, cứu giúp đất nước, con sẽ hiện ra trước người đó thân Thiên Đại tướng quân, thuyết pháp cho họ nghe để giúp cho họ thành tựu ước nguyện.
Giảng giải:
Nếu có chúng sinh muốn thống lĩnh quỷ thần, cứu giúp đất nước. Có một số người thích thống lĩnh quỷ thần. Họ làm việc nầy với ý nghĩa tinh thần yêu nước để cứu hộ và bảo vệ tổ quốc. Con sẽ hiện ra trước người đó thân Thiên Đại tướng quân, thuyết pháp cho họ nghe để giúp cho họ thành tựu ước nguyện.
Kinh văn:
Nếu có chúng sinh thích thống lĩnh thế giới, bảo hộ chúng sinh, con sẽ hiện ra trước người đó thân Tứ thiên vương, thuyết pháp cho họ nghe để giúp cho họ thành tựu ước nguyện.
Giảng giải:
Nếu có chúng sinh thích thống lĩnh thế giới, bảo hộ chúng sinh. Họ muốn cai quản thế giới để bảo hộ chúng sinh trong thế giới ấy, con sẽ hiện ra trước người đó thân Tứ thiên vương, thuyết pháp cho họ nghe để giúp cho họ thành tựu ước nguyện. Tứ thiên vương là:
- Trì quốc thiên (s: Dhṛtarāṣṭra持國天) giám sát châu Purvavideha ở phía Đông;
- Quảng mục thiên (s: Virūpākṣa廣目天)giám sát châu Aparagodaniya ở phía Tây ;
- Tăng Trưởng thiên (s: Virūḍhaka増長天)giám sát châu Jambudvipa ở phương Nam.
- Đa văn thiên hoặc Tì-sa môn thiên vương (s: Vaiśravaṇa多聞天) giám sát châu Uttarakuru ở phương Bắc.
Đối với những ai muốn thống trị thế giới và bảo hộ chúng sinh, Bồ-tát Quán Thế Âm sẽ ứng hiện thân của một trong Bốn vị Thiên vương nầy.
Kinh văn:
Nếu có chúng sinh muốn sanh ở thiên cung, sai khiến quỷ thần, con sẽ hiện ra thân Thái tử con của Tứ thiên vương trước người kia, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Giảng giải:
Nếu có chúng sinh muốn sanh ở thiên cung, ưa thích phước lạc ở cõi trời. Khi ở trong cõi trời, họ có thể sai khiến quỷ thần. Họ có thể ra lệnh quỷ thần làm một số việc cho họ. Họ hô triệu quỷ thần lại và giao việc cho chúng làm. Thực ra, khả năng ra lệnh cho quỷ thần rất là bình thường. Người ta thấy điều ấy lạ kỳ, nhưng thực ra không phải như vậy. Đối với những ai muốn sai sử quỷ thần, con sẽ hiện ra thân Thái tử con của Tứ thiên vương trước người kia, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Kinh văn:
Nếu có chúng sinh thích làm vua cõi người, con sẽ hiện ra thân Quốc vương trước người kia, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Giảng giải:
Nếu có người thích thống lĩnh cõi nhân gian, con liền hiện ra trước người ấy thân của một vị Quốc vương để nói pháp cho họ nghe.
Kinh văn:
Nếu có chúng sinh muốn làm chủ một gia đình thế tộc, được người đời kính ngưỡng, con sẽ hiện ra thân Trưởng gỉa trước người kia, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Giảng giải:
Nếu có chúng sinh muốn làm chủ một gia đình thế tộc, được người đời kính ngưỡng. Họ thích giàu sang và thống nhiếp một họ tộc lớn. Họ muốn được mọi người trong đời kính trọng. Con sẽ hiện ra thân Trưởng gỉa trước người kia, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu. Con sẽ hiện ra thân một vị Trưởng giả giàu có trước vị ấy để nói pháp cho họ nghe.
Người phải có mười đức hạnh mới có được danh hiệu Trưởng giả. Đó là:
- Tánh quý: Xuất thân từ gia đình đại quý tộc.
- Vị cao: Ở trong cương vị trưởng quan.
- Đại phú: Nhiều của cải, giàu có.
- Oai mãnh: Uy nghiêm dõng mãnh.
- Trí thâm: Trí huệ cao thâm.
- Niên kỳ: Tuổi cao đức trọng.
- Hạnh tịnh: Phẩm hạnh thanh cao, xứng đáng là bậc mô phạm.
- Lễ bị: Đãi người tiếp vật, đều có lễ nghi.
- Thượng tán: Trên được hàng quốc vương tán thán.
- Hạ quy: Dưới được lòng dân quy hướng.
Kinh văn:
Nếu có chúng sinh thích đàm luận những lời hay, sống đời trong sạch, Con sẽ hiện ra thân Cư sĩ trước người kia, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Giảng giải:
Nếu có chúng sinh thích đàm luận những lời hay. Có thể họ thích thi ca, hoặc thích những tác phẩm hay của các nhà văn nổi tiếng. Họ có thể đọc thuộc lòng nhiều thể loại nầy. Họ thích sống đời trong sạch. Nếu yêu cầu họ làm điều gì mà họ cho là không xứng với những việc ấy, họ sẽ không có việc gì để bận tâm vào đó. Con sẽ hiện ra thân Cư sĩ trước người kia, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu. Con sẽ hiện ra thân Cư sĩ và nói pháp cho họ nghe.
Kinh văn:
Nếu có chúng sinh thích việc trị nước, chỉ huy đoán định các bang ấp, con sẽ hiện ra thân Tể quan trước người kia, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Giảng giải:
Nếu có chúng sinh thích việc trị nước, chỉ huy đoán định các bang ấp. Họ chế định những vấn đề trọng đại trong nước. Con sẽ hiện ra thân Tể quan trước người kia, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu. Con sẽ hiện thân một vị Tể tướng hoặc quan Đại thần để nói pháp cho họ nghe.
Kinh văn:
Nếu có chúng sinh thích môn số thuật, tự mình nhiếp tâm giữ thân, con sẽ hiện ra thân Bà-la-môn trước người kia, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Giảng giải:
Nếu có chúng sinh thích môn số thuật. Thích nghiên cứu số thuật, tức là thiên văn địa lý, âm dương ngũ hành. Thuật tức là Y bốc tinh tướng, chú thuỷ thư phù để điều dưỡng thân tâm, bảo hộ sinh mạng. Số là chỉ cho việc dùng toán số để dự đoán trước. Thuật là chỉ cho những ma thuật và các kỹ xảo khác. Nó còn là các bùa chú của ngoại đạo. Chú Tiên Phạm thiên của ngoại đạo Ta-tì-la mà mẹ của Ma-đăng-già sử dụng là một ví dụ của loại nầy. Những người nầy thích tự mình nhiếp tâm giữ thân. Họ hiểu được rằng nếu học được thần chú hoặc giáo pháp, thì thần chú và giáo pháp ấy có thể hộ trì được cho họ. Con sẽ hiện ra thân Bà-la-môn trước người kia, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu. Bà-la-môn là một tôn giáo ở Ấn Độ. Danh xưng đó có nghĩa là ‘có nguồn gốc từ sự thanh tịnh.’ và biểu trưng cho sự tu tập tịnh hạnh. Những người nầy có rất nhiều pháp thuật. Họ có thể tụng chú và có nhiều kỷ xảo ma thuật. Và vì vậy Bồ-tát Quán Thế Âm thường ứng hợp với mọi chúng sinh, ngài cũng hiện thân như một vị Bà-la-môn để nói pháp, thế nên những hạng người nầy có thể đạt được điều mình ước nguyện.
Kinh văn:
Nếu có người thiện nam muốn học pháp xuất gia, giữ các giới luật, con sẽ hiện ra thân tỷ-khưu trước người kia, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Giảng giải:
Nếu có người thiện nam muốn học pháp xuất gia, giữ các giới luật. Những người nầy nghiên cứu kinh điển và quyết định muốn sống đời xuất gia. Họ ra khỏi nhà nào? Ra khỏi ba loại nhà:
- Họ ra khỏi nhà thế tục.
- Họ ra khỏi nhà phiền não.
- Họ ra khỏi nhà tam giới.
Nhà thế tục là gia đình mình. Nhà phiền não là có nghĩa là ở trong vô minh. Chúng ta phải thóat ra khỏi nhà vô minh. Tam giới, còn gọi là Tam hữu, chỉ cho sự sống trong các cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc. Không phải đợi cho đến khi ra khỏi nhà Tam giới thì quý vị mới chứng được quý vị A-la-hán.
Khi những người nầy xuất gia, họ thọ trì giới luật. Giới luật rất là quan trọng. Người giữ giới thì không thể nói dối và nói cường điệu. Thấp nhất là giữ gìn năm giới, đó là không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh dâm dục, không nói dối, và không dùng rượu và ma tuý. Giới luật ở đây, tất nhiên, không chỉ là giới thứ nhất. Những người nầy thọ trì năm giới, tám giới, 10 giới trọng và 48 giới khinh của hàng Bồ-tát, 250 giới của tỷ-khưu và 348 giới của tỷ-khưu ni. Họ giữ giới và không bao giờ huỷ phạm. Con sẽ hiện ra thân tỷ-khưu trước người kia, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Tỷ-khưu có 3 nghĩa:
- Khất sĩ;
- Bố ma;
- Phá ác.
Hằng ngày, các tỷ-khưu mang bát đi khất thực. Họ không tự nấu thức ăn cho mình. Thế nên họ được gọi là Khất sĩ. Có ba đàn giới khi thọ nhận giới cụ túc. Khi đăng đàn thọ giới tỷ-khưu, vị Yết-ma (karmadana) sẽ hỏi: [7]
“Thầy có phải là bậc Đại trượng phu không?
Giới tử trả lời: “ Thưa vâng, con là Đại trượng phu.”
Vị Yết-ma hỏi tiếp: “Thầy đã phát tâm bồ-đề chưa?”
Giới tử trả lời: “Thưa vâng, con đã phát tâm bồ-đề.”
Bố ma: Khi một người đã được truyền tụ giới tỷ-khưu, loài quỷ địa hành dạ-xoa truyền tin nầy cho quỷ không hành dạ-xoa, tin ấy truyền đến quỷ phi hành dạ-xoa, cho đến khi truyền đến thiên ma trên cõi trời Lục dục. Họ loan tin: “Có một người trên thế gian vừa xuất gia và trở thành tỷ-khưu.” Điều nầy làm cho Ma vương kinh sợ, nó nói rằng, “Quyến thuộc của ta sẽ mất đi một người và quyến thuộc của Phật tăng thêm một người.”
Phá ác: Vị tỷ-khưu phá trừ cái ác nào? Cái ác của phiền não. Không biết rõ tại sao con người mọi thời đều dấy khởi phiền não. Khi họ khởi phiền não, họ đánh mất mọi tài năng ngoại trừ khả năng chuyển sang xấu ác. Chẳng hạn, một người ăn trường trai có thể muốn bỏ cuộc, và đầu tiên là anh ta quyết định chấm dứt việc dùng thức ăn thanh tịnh. Anh ta quyết định: “Ta sẽ ăn thịt.” Khi phiền não đã sinh khởi, họ quên tất cả mọi điều ngoại trừ tìm cách làm thế nào để tạo ác nghiệp. Hoặc là, giả sử có người đã bỏ hút thuốc trong một thời gian dài. Khi anh ta bỏ cuộc, việc đầu tiên anh ta làm là vớ lấy điếu thuốc. Và chẳng bao lâu anh ta sẽ trở lại với heroin, thuốc phiện, và tất cả các thứ thuốc trong một hơi hít vào! Anh ta hút vào và thở phù ra như một cơn bão. Anh ta hít vô và thở ra rất nhanh như thể mình đã hóa thành vị tiên bất tử có thể thở ra mây và phun ra sương mù. Một người nghiện rượu thề rằng anh ta sẽ không bao giờ đụng đến một giọt. Nhưng khi anh ta nổi giận điều gì đó, anh ta đi mua một chai rồi uống để vơi đi nỗi sầu. Ai đoán được rằng càng uống, anh ta càng trở nên tuyệt vọng. Khi anh ta tỉnh dậy sau cuộc chè chén lu bù, mọi đốt xương trong thân anh ta mỏi nhừ. Thử hỏi mọi người đã từng uống rượu, họ sẽ trả lời rằng buổi sáng hôm sau thì thật là kinh khủng. Nếu anh ta bị khánh kiệt lúc đó, thì anh ta chẳng làm được điều gì cả nhưng cố chịu đựng. Nhưng nếu còn lại chút ít tiền, tất nhiên là anh ta sẽ đi mua chai khác và bắt đầu uống lại. Anh ta chỉ biết làm một việc đó là say.
Nói chung, khi phiền não sinh khởi, quý vị sẽ làm những điều mà lúc bình thường mình không bao giờ làm. Thậm chí việc nầy xảy ra cả khi có người thề rằng mình không bao giờ giết người, nhưng khi phiền não nổi lên, anh ta hoàn toàn xem thường mọi thứ và quyết định giết mọi người trên đời nầy. Anh ta cầm dao và bắt đầu hành sự! Thế nên, phiền não là điều nên tránh. Đừng sinh khởi phiền não. Quý vị cần phải ra khỏi nhà phiền não. Chúng ta cũng muốn ra khỏi nhà Tam giới, và vì thế, xuất gia phải có đầy đủ ba nghĩa nầy.
Kinh văn:
Nếu có người tín nữ muốn học pháp xuất gia, giữ các giới luật, con sẽ hiện ra thân tỷ-khưu-ni trước người kia, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Giảng giải:
Nếu có người tín nữ muốn học pháp xuất gia, giữ các giới luật. Họ muốn tu học Phật pháp. Họ cũng muốn ra khỏi nhà thế tục, ra khỏi nhà phiền não, và ra khỏi nhà Tam giới. Người nữ phải thọ trì nhiều giới điều hơn nam. Họ phải giữ 348 giới. Người ta thường nói rằng phụ nữ có thân với năm thứ hữu lậu. Thế nên họ phải giữ nhiều giới hơn. Con sẽ hiện ra thân tỷ-khưu-ni trước người kia, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Kinh văn:
Nếu có người thiện nam thích giữ ngũ giới, con sẽ hiện ra thân Ưu-bà-tắc trước người kia, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu. Nếu có người tín nữ thích giữ ngũ giới, con sẽ hiện ra thân Ưu-bà-di trước người kia, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Giảng giải:
Nếu có người thiện nam thích giữ ngũ giới–đó là không sát sanh, không trộm cướp, không tà hạnh dâm dục, không nói dói, không uống rượu–con sẽ hiện ra thân Ưu-bà-tắc trước người kia, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu. Con sẽ hiện thân Cư sĩ để nói pháp cho họ. Nếu có người tín nữ thích giữ ngũ giới–họ cũng muốn giữ những giới nầy–con sẽ hiện ra thân Ưu-bà-di trước người kia. Con sẽ hiện thân nữ Cư sĩ và nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Kinh văn:
Nếu có phụ nữ lập thân trong việc nội chánh để điều hành gia đình hay quốc gia, con sẽ hiện ra thân nữ chủ hoặc thân quốc phu nhân mạng phụ đại gia trước người kia, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Giảng giải:
Nếu có phụ nữ lập thân trong việc nội chánh để điều hành gia đình hay quốc gia. Có khi những người phụ nữ nầy lo việc nội trợ, có khi họ nắm quyền trong triều chính, điều hành việc quốc gia. Con sẽ hiện ra thân nữ chủ hoặc thân quốc phu nhân mạng phụ đại gia trước người kia, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Có thể Bồ-tát Quán Thế Âm hiện thân một phụ nữ điều hành việc quốc sự, hoặc như là phu nhân của một nhà cai trị. Có khi Bồ-tát thị hiện như một mệnh phụ có quyền lực hoặc người phụ nữ thanh nhã lịch thiệp trong xã hội. Trong các trường hợp nầy, Bồ-tát Quán Thế Âm đều đáp ứng cho các ước nguyện của họ.
Kinh văn:
Nếu có chúng sinh, không hoại nam căn, con sẽ hiện ra thân đồng nam trước người kia, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Giảng giải:
Nếu có chúng sinh, không hoại nam căn. Đối với những thanh niên chưa biết đến phụ nữ và vẫn còn trong trắng, con sẽ hiện ra thân đồng nam trước người kia, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Kinh văn:
Nếu có người con gái, muốn làm trinh nữ, không thích kết hôn, con sẽ hiện ra thân đồng nữ trước người kia, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu
Giảng giải:
Nếu có người con gái, có nghĩa là phụ nữ chưa bao giờ biết đến đàn ông và chưa kết hôn. Muốn làm trinh nữ, không thích kết hôn. Họ không muốn gần gũi đàn ông, kết hôn, hoặc trải qua kinh nghiệm bị chiếm đoạt. Con sẽ hiện ra thân đồng nữ trước người kia, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu
Kinh văn:
Nếu có chư thiên muốn thóat khỏi loài trời, Con sẽ hiện ra thân chư thiên, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Giảng giải:
Nếu có chư thiên muốn thóat khỏi loài trời. Các vị tiên nam và tiên nữ nầy không muốn lưu lại trong cõi trời nữa, họ muốn toát khỏi Tam giới. Con sẽ hiện ra thân chư thiên, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu. Vì họ muốn siêu việt cõi trời, con liền hiên thân trước họ, dùng mọi phương tiện để giúp họ đạt được điều họ muốn.
Kinh văn:
Nếu có loài rồng muốn thóat khỏi thân rồng, Con sẽ hiện ra thân rồng, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Giảng giải:
Nếu có loài rồng muốn thóat khỏi thân rồng. Quan niệm chung của thời đại ngày nay là loài rồng không có thực. Một vài người công nhận huyền thoại về loài rồng thời xưa, rất to lớn và khủng khiếp. Không có cách nào để nói chắc thật về ý kiến đã nêu trước, nhưng loài rồng có thật. Thế nó ở đâu? Long cung ở dưới biển. “Chúng tôi đã dò thấu chiều sâu, tại sao chúng tôi chưa từng đi qua chỗ đó?” Quý vị sẽ hỏi. Nếu quý vị tìm ra được chỗ ở của chúng, thì chúng không còn là loài rồng thật, vì rồng là loài linh vật. Nó có thần thông và có thể tự biến mình thành lớn hoặc nhỏ như ý muốn. Nó có thể tự biến thành lớn như hư không. Nó có thể rút lại nhỏ như vi trần nếu cần. Nó có thể bất ngờ tàng hình, rồi hiện hình lại ngay tức khắc. Năng lực thần thông cho chúng khả năng tự biến hóa với vô số cách thức. Tại sao chúng có năng lực như vậy mà lại thọ thân súc sanh? Vì trong những thân tu hành từ đời trước, chúng phát tâm tu tập Đại thừa, nhưng chúng không chịu giữ giới. Chúng thuộc dạng ‘thừa cấp, giới hoãn.’ Chúng rất hờ hững. Vì chúng rất nhiệt tâm với pháp tu Đại thừa–thừa cấp, nên chúng có được thần thông. Nhưng vì chúng không giữ giới, nên chúng bị đoạ vào hàng súc sanh. Nếu loài rồng quyết định muốn thóat khỏi thân rồng, Bồ-tát Quán Thế Âm sẽ hiện thân rồng ra trước chúng và nói pháp cho chúng nghe, khiến cho chúng thành tựu được ước nguyện.
Kinh văn:
Nếu có loài dược-xoa muốn thoát khỏi loài của mình, Con sẽ hiện ra trước họ thân dược-xoa, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Giảng giải:
Nếu có loài dược-xoa. Dược-xoa theo tiếng Sanskrit là yakṣa, Hán dịch là tiệp tật, có nghĩa là ‘nhanh chóng.’ Còn dịch là dũng kiện, có nghĩa là dũng cảm và mạnh mẽ. Dược-xoa là một loại quỷ thần. Có ba loại quỷ thần chính:
- Địa hành quỷ;
- Phi hành quỷ;
- Không hành quỷ.
Trong chú Thủ-lăng-nghiêm có câu: Dược-xoa yết ra ha. Trong bài chú, tên các vị vua của các loài quỷ đều được gọi lên. Mỗi vị quỷ vương thống lĩnh nhiều vị quỷ bậc thấp, và khi tên của vị vua được gọi lên, thì toàn thể các loài quỷ thần khác đều phải cung kính tuân theo mệnh lệnh của vua. Nếu loài muốn thoát khỏi loài của mình–họ không muồn làm quỷ thần nữa–Con sẽ hiện ra trước họ thân dược-xoa, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Bồ-tát Quán Thế Âm sẽ hiện thân như một loài quỷ Dược-xoa để giúp họ thành tựu ước nguyện.
Kinh văn:
Nếu có loài càn-thát-bà muốn thóat khỏi loài của mình, Con sẽ hiện ra trước họ thân càn-thát-bà, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Giảng giải:
Nếu có loài càn-thát-bà. Càn-thát-bà theo tiếng Sanskrit là gandharva, Hán dịch là hương ấm, vì việc ngửi mùi hương tạo nên thức của chúng. Chúng là các nhạc công của Ngọc Hoàng. Khi Ngọc Hoàng đốt hương trầm thuỷ lên, chúng nghe được mùi hương và liền bị thu hút đến. Chúng đến chơi nhạc làm vui cho Ngọc Hoàng. Loài càn-thát-bà nầy muốn thóat khỏi loài của mình, chúng không muốn làm thân càn-thát-bà nữa. Con sẽ hiện ra trước họ thân càn-thát-bà, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Kinh văn:
Nếu có loài a-tu-la muốn thóat khỏi loài của mình, Con sẽ hiện ra trước họ thân a-tu-la, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Giảng giải:
Nếu có loài a-tu-la muốn thóat khỏi loài của mình. Họ muốn ra khỏi quyến thuộc của loài a-tu-la, Con sẽ hiện ra trước họ thân a-tu-la, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Phần nầy gồm các chúng sinh trong bát bộ quỷ thần, nhưng trong Kinh Thủ-lăng-nghiêm lại không đề cập đến loài Ca-lầu-la. Nhưng Phẩm Phổ môn trong kinh Pháp Hoa, có đề cập đến việc Bồ-tát Quán Thế Âm cũng hiện thân thành Ca-lầu-la.
Ca-lầu-la là phiên âm từ tiếng Sanskrit, có nghĩa là Chim đại bàng cánh vàng–kim suý điểu. Ca-lầu-la là một trong Bát bộ, và sự kiện kinh văn không đề cập loài nầy có lẽ là do lỗi bỏ sót khi sao chép kinh, hoặc có lẽ được hiểu bao hàm trong phạm trù chung là ‘chúng sinh’ như đã được nêu ở trên.
Ca-lầu-la chỉ ăn riêng loài rồng. Cánh của loài chim nầy rộng đến 330 đại do-tuần. Một tiểu do-tuần bằng 40 lý của Trung Hoa (một lý tương đương 1/3 dặm Anh). Một trung do-tuần bằng 60 lý. Một đại do-tuần bằng 80 lý. Với một lần vỗ cánh của nó, chim đại bàng cánh vàng tát cạn hết nước biển. Sức mạnh của nó lớn như vậy. Khi nước biển đã cạn sạch, loài rồng lộ ra. Bằng cách nầy, loài Ca-lầu-la sắp bắt hết sạch toàn thể chủng tộc loài rồng. Thế nên loài rồng đến yết kiến Đức Phật để xin cứu giúp. “Loài Chim đại bàng cánh vàng (Ca-lầu-la) gần như làm cho quyến thuộc loài rồng chúng con tuyệt chủng. Chúng con phải làm sao?” Chúng ngưỡng trông lòng từ bi của Đức Phật cứu giúp; chúng mong rằng Đức Phật sẽ ngăn cản loài Chim đại bàng cánh vàng ăn thịt loài rồng quyến thuộc chúng. Đức Phật cho loài rồng một mảnh áo ca-sa của ngài để quấn trên sừng của chúng. Sau đó, loài Chim đại bàng cánh vàng không dám ăn thịt rồng. Không có gì để ăn, loài Chim đại bàng cánh vàng cũng đến kêu cứu Đức Phật cầu xin cứu giúp chúng. Đức Phật hỏi, “Chẳng có ai ăn thịt các ông, sao lại đến xin cứu giúp?”
Loài Chim đại bàng cánh vàng đáp: “Đúng là chẳng có điều gì đe doạ chúng con, nhưng chẳng có gì để ăn cả, chúng con sẽ chết vì đói. Ngài không cho chúng con được phép ăn thịt rồng nữa, chúng con sẽ chết mất.” Rồi chúng xin Đức Phật đem lòng từ bi nghĩ cách cứu giúp chúng.
“Các ông chẳng có gì để ăn, phải không? Được rồi, Như Lai sẽ giúp các ông. Về sau, mỗi khi Như Lai và các đệ tử tỷ-khưu thọ trai, sẽ cúng thức ăn cho các ông dùng. Ông không được ăn thịt loài rồng nữa.”
Đó là lí do tại sao, trong khi thọ trai vào buổi trưa, chư tăng thường đem một ít thực phẩm ra bên ngòai để cúng dường cho Chim đại bàng cánh vàng. Bản kinh nầy không đề cập đến Chim đại bàng cánh vàng, nhưng chúng ta nên biết rằng Bát bộ quỷ thần đều bao gồm trong các chúng sinh nầy.
Kinh văn:
Nếu có loài khẩn-đà-la muốn thóat khỏi loài của mình, Con sẽ hiện ra trước họ thân khẩn-đà-la, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Giảng giải:
Nếu có loài khẩn-đà-la muốn thóat khỏi loài của mình,
Khẩn-đà-la theo tiếng Sanskrit là Kiṃnara, Hán dịch là Nghi thần. Chúng có tên như vậy là vì khi chúng hiện ra thân người, nhưng trên đầu chúng lại có một cái sừng. Chúng cũng là một loại nhạc thần khác thường tấu nhạc cho Ngọc Hoàng. Con sẽ hiện ra trước họ thân khẩn-đà-la, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Kinh văn:
Nếu có loài ma-hô-la-già muốn thóat khỏi loài của mình, Con sẽ hiện ra trước họ thân ma-hô-la-già, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Giảng giải:
Nếu có loài ma-hô-la-già, Ma-hô-la-già theo tiếng Sanskrit là Mahoraga, Hán dịch là Đại mãng thần, còn gọi là Địa long. Loài rồng được đề cập ở trên là loài có thể đi lại trên không và được gọi là Thiên long. Loài mãng xà nầy, cũng gọi là rồng, mà bị hạn chế trên mặt đất. Nó không có năng lực thần thông. Ma-hô-la-già cũng là chúng sinh trong bát bộ quỷ thần. Nếu loài ma-hô-la-già muốn thóat khỏi loài của mình. Con sẽ hiện ra trước họ thân ma-hô-la-già, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Kinh văn:
Nếu có chúng sinh thích được thân người, tu để thành thân người, Con sẽ hiện ra thân người, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Giảng giải:
Nếu có chúng sinh thích được thân người, tu để thành thân người. Họ muốn đời này sang đời khác, luôn luôn được làm thân người. Thế nên Bồ-tát Quán Thế Âm nói, “Con sẽ hiện ra thân người, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.’ Ngài sẽ nói pháp cho các chúng sinh này nghe để giúp cho họ được thành tựu ước nguyện.
Kinh văn:
Nếu có loài phi nhân, hoặc có hình, hoặc không có hình, hoặc có tưởng, hoặc không có tưởng, muốn thóat khỏi loài của mình, Con sẽ hiện ra trước họ với thân hình như họ, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
Giảng giải:
Nếu có loài phi nhân. Đây chỉ cho loài vật và các sinh vật khác với loài người, loài hoặc có hình, hoặc không có hình, hoặc có tưởng, hoặc không có tưởng. Nếu những loài chúng sinh như thế nầy muốn muốn thóat khỏi loài của mình, Con sẽ hiện ra trước họ với thân hình như họ, nói pháp cho họ nghe để giúp họ được thành tựu.
‘Có hình’ có nghĩa là có một hình tướng có thật, có thể thấy được.
‘Vô hình’ có nghĩa là không có hình tướng.
Có nhiều loài chúng sinh “hữu tưởng.”
Chúng sinh “vô tưởng” gồm có loài đất, đá, gỗ, sắt… Những chúng sinh ‘Vô hình’ vốn cũng là chúng sinh, nhưng họ đã bị phân tán thành không và rơi vào sự lãng quên. Trường hợp nầy thường là dạng thân trung ấm và đến một thời điểm nào đó, chúng lại trải qua sự tái sanh và trở lại làm người.
Kinh văn:
Đây gọi là 32 ứng thân diệu tịnh, đều đi vào được các cõi nước và thành tựu một cách tự tại văn huân văn tu tam muội và vô tác diệu lực.
Giảng giải:
Đây gọi là 32 ứng thân diệu tịnh, đều đi vào được các cõi nước và thành tựu một cách tự tại văn huân văn tu tam-muội. Hành giả phát triển công phu phản văn văn tự tánh bằng sự tu tập hằng ngày, và áp dụng vô tác diệu lực “Vô tác” là chỉ cho đạo lý vi diệu của ‘vô vi’, với đạo lý nầy, chẳng cần phải đi qua khái niệm của suy lường và tiến trình tư duy để tìm ra ý tưởng, như mọi người ai cũng phải vận dụng khi muốn làm một điều gì đó. Các vị Bồ-tát không tưởng tượng hay suy lường các việc ấy. Trong định (tam-muội), các ngài có thể làm mọi việc. Trong văn huân văn tu tam-muội các ngài có thể đạt được vô tác diệu lực. Và bằng phương pháp nầy, các ngài thành tựu năng lực tự tại. Rất tự nhiên, mọi việc đều được ổn đáng.
Kinh văn:
Bạch Thế tôn, do con lại dùng vô tác diệu lực và văn huân văn tu kim cang tam muội ấy, và vì con có cùng một lòng bi ngưỡng với tất cả chúng sinh trong lục đạo mười phương ba đời, nên khiến cho chúng sinh, ai đã thể nhập vào thân con, đều có được 14 công đức vô uý.
Giảng giải:
Bạch Thế tôn, do con lại dùng vô tác diệu lực và văn huân văn tu kim cang tam muội ấy, và vì con có cùng một lòng bi ngưỡng với tất cả chúng sinh trong lục đạo mười phương ba đời–có tâm bi ngưỡng trong Phật pháp đối với các loài chúng sinh trong lục đạo, chư thiên, loài người, a-tu-la, súc sanh, quỷ đói, và địa ngục.
Con đi vào khắp cả mười phương ba đời, –quá khứ, hiện tại, vị lai. Con tu tập văn huân văn tu kim cang tam muội, và con không cần phải suy lường tính toán về công việc rồi mới thực hiện.
Khiến cho chúng sinh, ai đã thể nhập vào thân con, đều có được 14 công đức vô uý. Con đã đạt được 14 công đức vô uý.
Kinh văn:
Một là, do con không tự quán âm thanh, mà quán cái tâm năng quán, nên khiến cho chúng sinh đang khổ não trong mười phương ba đời kia quán sát âm thanh, liền được giải thóat.
Giảng giải:
Đây là một trong 14 công đức vô uý. Một là, do con không tự quán âm thanh, mà quán cái tâm năng quán, nên khiến cho chúng sinh đang khổ não trong mười phương ba đời kia quán sát âm thanh, liền được giải thóat.
Chẳng phải ngài chỉ quán sát riêng âm thanh của chính mình, mà ngài quán âm thanh của các chúng sinh trong thế giới. “Vì công phu phản văn văn tự tánh của con đã thành tựu, nên con không cần phải quán sát tự thân. Mà con có thể quán sát mọi chúng sinh trong khắp thế giới và giúp cho những chúng sinh đang đau khổ được giải thóat khổ. Con lắng nghe những tiếng kêu khổ đau của họ, và con cứu giúp cho họ được giải thóat.”
Kinh văn:
Tri kiến đã xoay trở lại, khiến cho các chúng sinh dù vào đống lửa, lửa vẫn không cháy.
Giảng giải:
Tri kiến đã xoay trở lại–có nghĩa là Bồ-tát Quán Thế Âm có công năng soi chiếu trở lại vào tự tâm– nên con có thể khiến cho các chúng sinh dù vào đống lửa, lửa vẫn không cháy. Nếu có chúng sinh thường tu tập và trì niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, dù họ có đi vào lửa dữ, lửa vẫn không đốt cháy được họ.
Kinh văn:
Ba là, quán cái nghe đã quay trở lại, khiến cho các chúng sinh dù vào nước sâu, nước không nhận chìm.
Giảng giải:
Có người nghĩ rằng: “Ta sẽ thử xem Bồ-tát Quán Thế Âm thực sự có cảm ứng không. Ta sẽ ngồi trên một đống củi và châm lửa xem thử nó có cháy không.”
Trong trường hợp ấy, quý vị sẽ bị cháy liền. “Thế tại sao trong kinh nói rằng nếu đi vào lửa dữ thì lửa không cháy?” Đó là do chữ nếu, có nghĩa là điều ấy chỉ xảy ra khi quý vị không có một tính toán nào cả.
Có người khác nói, “Bồ-tát Quán Thế Âm nói rằng nếu có người bị rơi vào nước sâu, họ sẽ không bị chìm, nên tôi sẽ nhảy xuống biển xem thử có bị chìm không.” Chắc chắn quý vị sẽ bị chìm. Chỉ khi nào quý vị bất ngờ gặp phải cảnh khổ đau hoặc gian nguy thì Bồ-tát Quán Thế Âm mới cứu giúp quý vị. Nhưng nếu quý vị có dự tính thử thách ngài thì quý vị sẽ không có được sự đáp ứng, vì vốn quý vị không tin vào Bồ-tát Quán Thế Âm. Nếu quý vị thực sự tin, thì chẳng có lý do gì cần phải thử. Điều hay nhất là không nên thử thách ngài.
Kinh văn:
Bốn là đã diệt hết vọng tưởng, tâm không sát hại, khiến cho chúng sinh khi vào những nước quỷ, quỷ không hại được.
Giảng giải:
Nếu vọng tưởng đã được dứt sạch, và quý vị không còn một niệm tưởng sát hại nào nữa, và nếu quý vị niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, thì có thể khiến cho các chúng sinh khi đi vào nơi ở của quỷ La-sát mà không bị chúng sát hại.
Kinh văn:
Năm là huân tập và thành tựu được tánh nghe. Sáu căn đều tiêu giải, quay về bản tánh, đồng như tính nghe. Có thể khiến cho chúng sinh lúc sắp bị hại, dao gậy sẽ gãy từng đoạn, khiến cho binh khí chạm vào thân người như cắt vào nước, như thổi ánh sáng, bản tánh không hề lay động.
Giảng giải:
Năm là huân tập và thành tựu được tánh nghe. Sáu căn đều tiêu giải, quay về bản tánh, đồng như tính nghe–có nghĩa là, khi công phu tu tập phản văn văn tự tánh đã thành tựu, sáu căn sẽ được hỗ dụng. Thế nên, con có thể khiến cho chúng sinh lúc sắp bị hại, dao gậy sẽ gãy từng đoạn. Chẳng hạn, giả sử có người cầm dao dự tính cắt đầu ai đó. Ngay khi dao vừa chạm đầu, thì dao liền vỡ ra từng mảnh. Con có thể khiến cho binh khí chạm vào thân người như cắt vào nước, như thổi ánh sáng, bản tánh không hề lay động. Con có thể khiến cho binh khí bén nhọn khi sắp chặt vào vai người nào đó thì sẽ giống như cắt vào nước; có nghĩa là khi dao chém qua vai, nó cứ đi qua, không có vết thương nào lưu lại cả. Hoặc là, con có thể khiến cho dao cắt như là thổi vào ánh sáng, có nghĩa là chẳng hề hấn gì cả, vì bất luận quý vị có thổi vào ánh sáng đến đâu, thì ánh sáng vẫn không lay động.
Kinh văn:
Sáu là huân tập tính nghe sáng suốt thấy khắp pháp giới, thì các tính tối tăm không thể còn được. Khiến cho chúng sinh, tuy các loài dược-xoa, la-sát, cưu-bàn-trà quỷ, cập tỳ-xá-già, phú-đan-na…đến gần bên cạnh, mắt chúng vẫn không nhìn thấy được.
Giảng giải:
Sáu là huân tập tính nghe sáng suốt–có nghĩa là khi công phu tu tập phản văn văn tự tánh đã thành tựu–thấy khắp pháp giới, thì các tính tối tăm không thể còn được. Khiến cho chúng sinh, tuy các loài dược-xoa, la-sát, cưu-bàn-trà quỷ, cập tỳ-xá-già, phú-đan-na…đến gần bên cạnh, mắt chúng vẫn không nhìn thấy được.
Dược-xoa là quỷ nam, la-sát là quỷ nữ. Cả hai loại quỷ đều rất ác độc. Thức ăn của chúng là thịt người. Chúng có những câu chú (mantra) đủ tạo ra năng lực khử mùi thối nơi thây chết để chúng có thể ăn thịt. Cưu-bàn-trà cũng là tên của một loại quỷ, chúng có hình dáng như một cái thùng tròn và đem đến ác mộng cho loài người. Chẳng hạn, khi ngủ, họ thấy có điềm quái dị hiện ra, dù trong giấc mơ, tinh thần họ vẫn rất linh lợi, nhưng họ vẫn không cử động thân thể được. Họ trở nên bị tê liệt qua sự chế ngự của loài quỷ gây ác mộng nầy. Có khi, dương khí của người kia bị suy yếu và khí âm vượng, người kia có thể bị tê liệt trong một thời gian khá dài, và loài quỷ kia có thể làm cho người ấy thiệt mạng. Đây là loài quỷ có rất nhiều trên thế gian.
Tỳ-xá-già là loài quỷ ăn tinh khí của người và cũng ăn tinh chất của ngũ cốc. Phú-đan-na. Chúng có thể khiến cho người bị bệnh và lên cơn sốt. Nếu quý vị tu tập công phu phản văn văn tự tánh, hoặc nếu quý vị niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, thì những loài quỷ nầy không thể thấy được quý vị, dù chúng có đến bên cạnh quý vị; do vì quý vị đã phát ra ánh sáng khiến chúng sợ hãi. Thực vậy, loài chim cú và loài dơi có thể thấy mọi lúc. Vì loài quỷ là thuộc âm, chúng không thể thấy được quý vị nếu quý vị phát ra ánh sáng dương. Chúng chỉ nhìn thấy quý vị khi quý vị phát ra khí âm.
Kinh văn:
Bảy là các âm thanh đều hoàn toàn tiêu mất, tính quán sát và tính nghe đều quay về tự tánh, lìa hẳn các vọng trần. Có thể khiến cho các thứ cùm dây, gông xiềng không thể dính vào được.
Giảng giải:
Bảy là các âm thanh đều hoàn toàn tiêu mất, tính quán sát và tính nghe đều quay về tự tánh, lìa hẳn các vọng trần. Chẳng còn âm thanh, thậm chí chẳng còn tính nghe khi hành giả đã xoay tính quán sát và tính nghe trở lại trong tự tánh. Hành giả bỏ lại đằng sau hết những vọng trần và vọng tưởng. Lúc đó, con Có thể khiến cho các thứ cùm dây, gông xiềng không thể dính vào được. Nếu quý vị niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, các thứ cùm khóa đều tự rời ra. Việc nầy xảy ra rất thường, một số người đã trải qua kinh nghiệm nầy. Đó không phải chỉ là cách nói, nếu có người chí thành niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm thì sẽ có được cảm ứng như thế nầy.
Có người bị phạm tội và bị giam trong tù. Anh ta cùng 7, 8 phạm nhân khác cùng niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm. Làm sao mà họ biết làm điều nầy? Họ quen một vị tăng và cầu thỉnh vị Tăng cứu giúp cho họ thóat khỏi cảnh ngộ khốn cùng nầy. Vị tăng nói với họ rằng: “Nếu các ông muốn tôi cứu giúp, các ông phải một lòng trì niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm; quý vị sẽ được thóat khỏi tình thế gian nguy nầy.” Các người tù đều niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm trong ba ngày ba đêm, khóa cùm và xiềng xích đột nhiên được tháo ra và họ được tự do. Nhưng họ vẫn chưa đi, họ nghĩ rằng: “ Việc mình thóat thân liệu có ý nghĩa gì khi nhiều người khác vẫn còn bị giam cầm ở đây?” Thế là họ bảo các người tù kia niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm. Sau hai ngày đồng niệm nữa, khóa trên gông xiềng các người tù kia cũng được tháo sạch. Họ đều được trở về nhà. Sau đó, họ đều một lòng niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm. Họ niệm rất chí thành đến nỗi khiến cho dân trong làng đều phát tâm tu tập.
Kinh văn:
Tám là diệt đối tượng âm thanh, tánh nghe viên mãn, sanh từ lực cùng khắp, khiến chúng sanh đi qua đường hiểm mà giặc không thể cướp được.
Giảng giải:
Tám là diệt đối tượng âm thanh, tánh nghe viên mãn, sanh từ lực cùng khắp. Khi âm thanh đã vắng bặt và tánh nghe đã viên thông, từ lực sinh khởi rộng khắp. Đó là âm thanh của thế gian phàm trần, và do phản văn văn tự tánh mà tánh nghe của mình được viên thông, có nghĩa là không dùng tâm ý thức để nhận ra cái nghe, mà ta vẫn nghe được mọi âm thanh.
Kinh văn:
Chín là do huân tập tánh nghe được thanh tịnh, lìa xa trần tướng, sắc, thanh… không lôi kéo được, khiến cho những chúng sanh đa dâm lìa xa tham dục.
Giảng giải:
Lực vô uý thứ chín là tách lìa khỏi tham dục. Do huân tập tánh nghe được thanh tịnh, lìa xa trần tướng, sắc, thanh…không lôi kéo được. Nếu có người hằng ngày công phu tu tập phản văn văn tự tánh đến lúc viên mãn, họ có thể lìa xa cảnh giới phàm trần. Đặc biệt, họ có thể lìa ra khỏi cảnh giới nhiễm ô của sắc trần.
Chúng ta không nên nghĩ rằng sắc đẹp là tuyệt vời khi dính líu đến nó. Nếu quý vị thích sắc đẹp, nó sẽ cướp đoạt mọi của báu trong gia sản quý vị. Nó sẽ ngốn hết của báu cổ xưa quý giá và cướp đi hết. Đúng hơn, phải nên:
Nhãn kiến sắc trần nội vô hữu
Nhĩ văn thế sự tâm bất tri.
Mắt thấy sắc trần nhưng bên trong chẳng đọng lại gì cả.
Tai nghe thế sự nhưng tâm chẳng phân biệt.
Khi quý vị thấy sắc đẹp, tâm thái của quý vị nên như thể chẳng thấy điều gì cả. Nếu quý vị thấy sắc đẹp và tâm mình lay động, thì hãy tự hỏi rằng tại sao tâm mình không dao động trước khi mình thấy được nó. Đừng để cho sắc đẹp cướp đi của cải trong nhà của mình.
Bồ-tát Quán Thế Âm nói rằng: Con có thể khiến cho những chúng sanh đa dâm lìa xa tham dục.
Một đoạn trong Quán Thế Âm Bồ-tát Phổ môn phẩm trong kinh Pháp Hoa có nói rằng: “Nhược đa dâm dục, thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ-tát, tiện đắc ly dục.–Nếu có chúng sinh lòng nhiều dâm dục, thường cung kính niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, liền được lìa hẳn dâm dục.”
Đó cũng là nghĩa tiêu biểu của kinh văn. “Nhiều tham dục” đặc biệt chỉ cho tham muốn tình dục. Vấn đề lớn nhất trong đời sống con người, vấn đề hầu như nan giải, đó là tham muốn tình dục. Nhìn thông suốt được sự rắc rối của nam nữ và bỏ qua một bên được điều ấy thì đó là tự do chân thật. Nếu quý vị không thể nhìn thông suốt được điều ấy và bỏ qua một bên được điều ấy, thì quý vị không thể nào có được tự do, và không thể nào trở nên giác ngộ. Nếu quý vị thực sự lão thật trong công phu, thì khi ăn cơm, quý vị không biết mình đang ăn, khi mặc không biết mình đang mặc áo. Nếu quý vị có thể quên việc đang ăn cơm và đang mặc áo, thì quý vị sẽ càng dễ từ bỏ mọi thứ bên ngoài. Nếu đàn ông có thể quên bạn gái của mình và phụ nữ có thể quên bạn trai của mình–nếu quý vị có thể đập tan từng mảnh cảnh giới nầy–thì công phu quý vị có chút thực chất. Quý vị dính mắc nhiều ít với anh chị em mình, với con trai con gái mình, và với toàn thể họ hàng bà con mình. Để học Phật pháp, quý vị phải phóng hạ mọi thứ. Đang lúc học Phật pháp, quý vị đừng nên để ý đến chuyện gì khác. Quý vị nên như người mới bắt đầu lại, hãy quên mọi chuyện trong quá khứ. Với cách đó, dòng nước Phật pháp mới có thể thấm nhuần tâm bồ-đề. Nếu quý vị không thể phóng hạ mọi thứ và không thể từ bỏ điều gì cả, thì dòng nước Phật pháp chẳng thể nào nuôi dưỡng tâm bồ-đề. Nếu quý vị có thể thường xuyên trì tụng danh hiệu và lễ kính Bồ-tát Quán Thế Âm, thì tâm dâm dục của quý vị sẽ tiêu mất.
Vấn đề quan trọng nhất trong tu tập là cắt đứt hẳn niệm tưởng dâm dục. Nếu quý vị không làm được điều nầy, thì không thể nào ra khỏi Tam giới. Quý vị không thể nào quyết định muốn trở nên giác ngộ và vẫn không thể lìa xa những kinh nghiệm của thế gian nầy. Nếu quý vị không thể nào tách rời những chuyện yêu đương trên trần gian, thì quý vị không thể nào thành Phật được. Quý vị không thể nào mong được cả hai. Khổng Tử cũng có nói:
Không thể cùng lúc có cả cá và tay gấu.
Dù người ta thích ăn cá và chân gấu, nhưng không thể nào ăn được cả hai thứ đó cùng một lúc. Cũng giống như vậy, quý vị không thể nào hưởng lạc thú trần gian và phước lạc xuất thế trong cùng một lúc. Quý vị muốn thành Phật, nhưng quý vị không thể nào lìa xa được ngũ dục thế gian là tài, sắc, danh, thực, thuỳ. Thì chẳng có cách nào thành tựu được.
Kinh văn:
Mười là con chỉ lưu lại thuần một viên âm thanh tịnh, không còn đối tượng thanh trần, căn cảnh viên dung, không còn đối đãi năng sở, khiến cho chúng sanh xa lìa được tham sân si sân nhuế.
Giảng giải:
Lực vô uý thứ Mười là con chỉ lưu lại thuần một viên âm thanh tịnh, không còn đối tượng thanh trần, căn cảnh viên dung.
Khi mình đã quay tánh nghe trở lại để nghe tự tánh của mình, âm thanh trở nên thanh tịnh, đó chỉ có nghĩa là trong đó chẳng còn tiếng gì cả. Âm thanh lặng không và thanh trần vắng bặt. Lúc đó chỉ còn sự dung thông của sáu căn và sáu trần. Trên thế gian nầy, bất luận mọi điều xấu ác nào, đều có thể trở nên tốt đẹp nếu quý vị biết cách xử sự với nó. Và mọi điều tốt đẹp đều có thể trở nên xấu ác nếu quý vị không biết cách xử sự với nó. Trước đây trong kinh văn chư Phật trong mười phương đã chỉ dạy cho A-nan rằng chính tên giặc sáu căn là nguyên nhân gây ra sai lầm, và cũng chính sáu căn là cái có thể khiến cho chúng ta thành tựu quả vị Phật. Chính là sáu căn chứ chẳng cái gì khác. Nếu quý vị biết vận dụng chúng, chúng sẽ giúp đỡ cho quý vị. Còn nếu không biết cách vận dụng chúng, thì chúng sẽ tàn phá đến mình. Cũng giống như tiền, khi mình có tiền, nếu biết rằng mình nên làm những việc công đức và làm những việc thiện để giúp ích cho mọi người, thì tiền ấy sẽ không bị phí phạm. Nhưng nếu quý vị dùng tiền để hút xách và cờ bạc và những việc không lành mạnh khác, là quý vị đã dùng tiền của mình để tạo nên nghiệp chướng. Đạo lý nầy cũng tương tự như sáu căn.
Khi âm thanh không còn và căn trần viên thông, tức không còn đối đãi năng sở. Là bất nhị (non-dual); thành nhất thể. Thế nên chẳng còn sáu căn hoặc sáu trần; và thế nên sáu căn chỉ là sáu căn và sáu trần chỉ là sáu trần. Chẳng còn sự xung đột giữa sáu căn và sáu trần khi hành giả đạt đến trạng thái nầy. Nên con có thể khiến cho chúng sanh xa lìa được tham sân si nhuế.
Con có thể khiến cho tánh nóng giận, tâm hung dữ, lòng căm hờn của chúng sinh tiêu mất. ‘Sân nhuế’ là chỉ cho tâm nóng giận và phiền não. Kinh Pháp Hoa nói: ‘Nếu có người nhiều tâm sân si, thường cung kính niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, thì có thể trừ diệt được tâm sân hận.’[18]
Điểm cốt yếu ở đây là phải thường niệm. Không phải là ngày nay niệm rồi ngày mai quên; sáng niệm mà tối lại chẳng niệm; cũng chẳng phải tháng nầy niệm rồi tháng sau không. Quý vị phải niệm hằng ngày trong công phu của mình mới xứng đáng được gọi là thường niệm. ‘Cung kính’ không có nghĩa là quý vị niệm Phật nhưng chẳng tin vào Đức Phật. Quý vị chất chứa nỗi hoài nghi: ‘Có thực như vậy không? Có sức mạnh như thế chăng?’ Một khi quý vị đã bắt đầu đặt vấn đề, thì quý vị sẽ không thể nào thành tựu được. Thế nên với niềm tin và thường cung kính niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, quý vị sẽ không còn tâm sân hận nữa, và quý vị sẽ không còn tâm phiền não dữ dội nữa. Quý vị đã bỏ lại các thứ ấy lại phía sau rồi.
Kinh văn:
Mười một là, tiêu dung thanh trần đối tượng, con xoay cái nghe về tánh bản minh, thân tâm và pháp giới trong sáng như lưu ly, lắng trong, không ngăn ngại. Khiến cho những chúng sanh ngu ngốc mê tối xa lìa sự si mê tăm tối.
Giảng giải:
Lực vô uý thứ mười một là, tiêu dung thanh trần đối tượng, con xoay cái nghe về tánh bản minh. Khi cảnh giới sáu căn và sáu trần đã tiêu dung rồi, con phát ra ánh sáng. Thân tâm và pháp giới trong sáng như lưu ly. Thân tâm là pháp giới, pháp giới là thân tâm. Chúng trở thành một. Thân tâm trùm khắp pháp giới; đó chẳng phải là cảnh giới Phật hay sao? Đó cũng là cảnh giới của Bồ-tát Quán Thế Âm. Thân tâm trở nên như ngọc lưu ly, lắng trong, không ngăn ngại. Từ bên trong có thể nhìn xuyên suốt qua bên ngoài, từ bên ngoài có thể nhìn thấu suốt vào bên trong. Chẳng còn trong ngoài, nhỏ lớn. Giống như Thiền sư Đại Hưu trong núi Ling Yen. Ngài xứng đáng mang tên như vậy. Sư làm cho mình một ngôi mộ bằng đá vừa đủ cho mình ngồi. Rồi sư làm một cánh cửa bằng đá bên ngoài, khắc trên đó cặp câu đối như sau:
Vô đại vô tiểu, vô nội ngoại
Tự tu tự liễu, tự an bài.
Tạm dịch:
Chẳng lớn chẳng nhỏ, chẳng trong ngoài
Tự tu, tự biết, tự an bài.
Có nghĩa là, Sư tự mình tu tập, tự mình biết, và rồi tự an táng cho chính mình. Sau khi Sư khắc xong câu đối, Sư ngồi trong mộ, đóng cửa đá lại, và tịch diệt. Sư nhập niết-bàn. Đó là một chuyện không thể nghĩ bàn. Thế nên khi Sư đã viên tịch rồi, đó quả thực là một việc trọng đại. Năng lực tự tại giải thoát của Sư lớn lao vô cùng! Tôi được diện kiến Sư tại Su Zhou trên núi Ling Yen. Sư tự tu tập cho chính mình và cho mọi người khác. Sư không làm phiền một ai cả.
Thế nên con có thể khiến cho những chúng sanh ngu ngốc mê tối–nhất-xiển-đề–xa lìa sự si mê tăm tối.
Họ không có trí huệ và vì thế nên họ không thể nhìn thông suốt và hiểu biết rõ ràng điều gì cả. Giống như con dao đã cùn không thể cắt được vật gì cả. Họ nhầm lẫn đúng với sai và nhầm lẫn sai với đúng. Nhưng Bồ-tát Quán Thế Âm có thể khiến cho những người nầy xa lìa hẳn những chướng ngại đã vây phủ lấy họ.
Ātyantika là tiếng Sankrit, có nghĩa là ‘Cực ác.” Nếu quý vị đề nghị những người này làm một việc gì tốt lành, họ sẽ không bao giờ làm. Thay vì cho ai một đồng tiền để làm việc tốt lành, họ giữ rịt đồng tiền trong tay khiến cho chất đồng phải tan chảy. Nếu quý vị bảo họ hãy giúp đỡ một người nào đó, phản ứng của họ là cho rằng điều ấy thật điên rồ. “Tiền của tôi là để cho tôi xài. Tại sao tôi phải cho người khác?” Tuy nhiên, Bồ-tát Quán Thế Âm có thể giúp cho những người nầy thóat khỏi sự mê muội, suy nghĩ tối tăm của họ. Những người không muốn giúp dỡ người khác là những kẻ không hề có chút ánh sáng trong tự tánh của mình, do vậy, đó là hạng người tối tăm ngu muội.
Đoạn văn trên đề cập đến tham và sân. Đoạn kinh nầy nói đên tâm si. Kinh Pháp Hoa nói rằng: Nếu có người nhiều tâm sân hận, thường cung kính niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, thì có thể trừ diệt được tâm si mê.’
Có một người rất giàu, rất tham tiền và không muốn chia xẻ cho ai cả. Ông ta có ba người con. Ông đặt tên cho người con trưởng là Vàng, người con thứ hai là Bạc. Người con thứ ba, ông sợ rằng nó sẽ đem tiền của mình làm việc thiện thay vì tích chứa, thế nên ông đặt cho con tên là Nghiệp chướng. Không ông sắp lâm chung, ông gọi người con trưởng lại và nói, “Ta sắp đi rồi. Con đi với ta chứ?”
Vàng nói, “Ông già dở hơi! Làm sao con lại chết với ba được? Bình thường cha thương con nhất. Sao đến lúc chết, cha lại muốn hại con?’ Vàng không muốn đi với cha.
Ông nghĩ, “Thế thì ta sẽ bảo đứa con thứ.” Rồi ông gọi Bạc đến. “Anh con không muốn đi với cha. Con đi chứ? Con vốn rất là có hiếu.”
Đứa con thứ hai trả lời, “Nếu cha chết, thì cứ chết một mình. Dù con là con của cha, nhưng con không thể nào chết theo cha được. Cha thật là kỳ cục. Con còn quá trẻ.” Vàng không muốn chết theo cha, Bạc cũng vậy. Ông gọi người con thứ ba là Nghiệp chướng. “Ngày thường con rất ngỗ nghịch, thế nên cha không thương con lắm. Nhưng nay cha sắp chết, anh Vàng và Bạc của con không muốn theo cha. Con hãy suy nghĩ thật kỹ xem có thể theo cha không?” Nghiệp chướng đáp, “Con chẳng cần phải suy nghĩ gì. Dĩ nhiên là con sẽ đi. Nay cha xem Vàng và Bạc, là những người mà cha rất yêu quý mà họ lại không đáp ứng được yêu cầu của cha. Nhưng con, Nghiệp chướng, thì sẽ theo cha đến bất cứ nơi đâu. Khi sống con đồng hành với cha và đến khi chết con cũng sẽ theo cha. Cha hãy xem ai là người con có hiếu nhất?”
Chẳng có thứ gì mang theo được
Chỉ có nghiệp chướng sẽ theo mình.
Người cha già suy gẫm lại, thấy toàn bộ vàng và bạc mà ông đã tích luỹ sẽ đem lại niềm vui cho hai đứa con đầu và thứ, trong khi mình phải chết. Ông dâng tràn một niềm hối hận sâu xa. Ông suy nghĩ, “Ước gì mình xây cất một ngôi chùa hoặc một đạo tràng trong thời gian còn lại, Nhưng đã quá muộn. Nay ta sắp chết rồi.”
Đạo lý của câu chuyện nầy là, đừng như ông già kia. Nếu quý vị có phương tiện, hãy làm ngay những việc tốt lành.
Kinh văn:
Mười hai là viên dung các hiện tượng, con xoay tánh nghe trở về. Nơi đạo tràng bất động mà hòa vào thế gian nhưng không hủy hoại thế giới. Có thể cúng dường chư Phật Như Lai như số vi trần trong khắp mười phương, con ở bên mỗi Đức Phật làm Pháp vương tử. Khiến trong pháp giới những chúng sanh không có con, cầu có con trai, sanh được con trai phước đức trí tuệ.
Giảng giải:
Lực vô uý thứ mười hai là, viên dung các hiện tượng, con xoay tánh nghe trở về–khi thân đã chuyển hóa và trở về với tánh nghe–Nơi đạo tràng bất động mà hòa vào thế gian nhưng không hủy hoại thế giới.
‘Đạo tràng bất động’ có nghĩa là thường an trú trong Đạo tràng bản nguyên của mình. Chẳng hạn, Bồ-tát Quán Thế Âm hiện nay đang ở trong Phật giáo Giảng đường, nhưng dù ngài ở đây, ngài vẫn có thể du hành khắp cả thế giới. Không phải là ngài đi từ nơi đây, mà hóa thân của ngài hiện ra khắp chốn. Và thế giới vẫn không bị biến hoại. Với pháp thân, ngài Có thể cúng dường chư Phật Như Lai như số vi trần trong khắp mười phương. Ngài đi khắp mười phương để làm Phật sự. Con ở bên mỗi Đức Phật làm Pháp vương tử. Khiến trong pháp giới những chúng sanh không có con, cầu có con trai, sanh được con trai phước đức trí tuệ.
Kinh văn:
Mười ba là, sáu căn của con được viên thông, cái được soi sáng là bất nhị, trùm khắp mười phương phương, thành đại viên kính không Như Lai tàng, con vâng lãnh những pháp môn bí mật của thập phương Như Lai như vi trần không hề thiếu sót, khiến cho trong pháp giới những chúng sanh không có con, cầu có con gái, sanh được con gái tướng tốt đoan chính, phước đức dịu dàng, được nhiều người kính quý.
Giảng giải:
Lực vô uý thứ mười ba là, sáu căn của con được viên thông, soi sáng vô nhị, trùm khắp mười phương, thành đại viên kính không Như Lai tàng.
Mắt tai mũi lưỡi thân ý đếu không chướng ngại và viên thông lẫn nhau. Mọi thứ đều hợp thành một. Sáu căn hỗ dụng. Giống như tấm gương lớn hiển bày kho tàng không tịch của các đức Như Lai.
Con vâng lãnh những pháp môn bí mật của thập phương Như Lai như vi trần không hề thiếu sót, khiến cho trong pháp giới những chúng sanh không có con, cầu có con gái, sanh được con gái tướng tốt đoan chính, phước đức dịu dàng, được nhiều người kính quý.
Nếu có người muốn sinh con gái, họ sẽ có được con gái đoan chính, dịu dàng. Mọi người khi gặp người con gái nầy đều liền quý mến và kính trọng. Đó sẽ là người con gái hiền thục và hoàn hảo.
Kinh văn:
Mười bốn là, trong tam thiên đại thiên thế giới này, có trăm ức mặt trời, mặt trăng, các Pháp vương tử hiện ở trong thế gian đông như số cát 62 sông Hằng, đều tu Phật pháp, làm gương mẫu, giáo hóa chúng sanh, tuỳ thuận chúng sinh. Trí tuệ và phương tiện mỗi Ngài đều khác nhau.
Giảng giải:
Lực vô uý thứ mười bốn là, trong tam thiên đại thiên thế giới này, có trăm ức mặt trời, mặt trăng, các Pháp vương tử hiện ở trong thế gian đông như số cát 62 sông Hằng, các ngài hiện đang an trụ ngay trên thế gian nầy–đều tu Phật pháp, làm gương mẫu, giáo hóa chúng sanh, tuỳ thuận chúng sinh. Trí tuệ và phương tiện mỗi Ngài đều khác nhau. Các ngài dùng phương tiện thiện xảo và quyền trí khác nhau để giáo hóa mỗi loại chúng sinh khác nhau.
Kinh văn:
Do con được tính viên thông, phát ra diệu tính của nhĩ căn. Nên thân tâm vi diệu trùm khắp pháp giới. Khiến cho chúng sanh chấp trì danh hiệu của con, so với những người chấp trì danh hiệu Pháp vương tử số lượng bằng 62 số cát sông Hằng nói trên, công đức bằng nhau không sai khác.
Giảng giải:
Do con được tính viên thông, phát ra diệu tính của nhĩ căn. Con, Bồ-tát Quán Thế Âm đã chứng được nhĩ căn viên thông, và có được những năng lực nhiệm mầu vi diệu từ nhĩ căn. Nên thân tâm vi diệu trùm khắp pháp giới. Trạng thái vi diệu nầy trùm khắp cả mười phương, suốt khắp cả pháp giới. Do vậy, khiến cho chúng sanh chấp trì danh hiệu của con–những người trì niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát–so với những người chấp trì danh hiệu Pháp vương tử số lượng bằng 62 số cát sông Hằng nói trên, công đức bằng nhau không sai khác. Người chỉ niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, và người kia niệm danh hiệu của các vị Bồ-tát nhiều như số cát trong 62 sông Hằng, quả báo công đức của mỗi người đều bằng nhau. Điều nầy chỉ cho thấy công đức to lớn của việc trì niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm như thế nào.
Kinh văn:
Bạch Thế tôn, một danh hiệu của con, cùng với các danh hiệu kia đều không sai khác, là do con tu tập được tính viên thông chân thực.
Giảng giải:
Bạch Thế tôn, một danh hiệu của con, danh hiệu, Quán Thế Âm Bồ-tát, cùng với các danh hiệu kia đều không sai khác, có nghĩa là các vị Bồ-tát nhiều như số cát trong 62 sông Hằng. Điều nấy như thế nào? Làm sao mà công đức có thể của một danh hiệu lại sánh bằng nhiều danh hiệu như vậy? Đó là vì do con tu tập được tính viên thông chân thực.
Kinh văn:
Đó gọi là Mười bốn lực vô úy, con đem điều phước đến đầy đủ khắp cho các chúng sinh.
Giảng giải:
Đó gọi là Mười bốn lực vô úy, con đem điều phước đến đầy đủ khắp cho các chúng sinh.
Con đến để giúp đỡ cho họ, bất kỳ lúc nào có người cầu cứu, con liền cứu giúp.
Kinh văn:
Bạch Thế tôn! Con lại được đạo tu chứng viên thông vô thượng đó, nên lại khéo được bốn đức vô tác nhiệm mầu không thể nghĩ bàn:
Một là, ban đầu con chứng được tánh nghe vi diệu, tâm tính không còn các tướng năng văn. Các việc thấy nghe hay biết không còn cách biệt, con thành tựu được bảo giác viên dung thanh tịnh. Nên con có thể hiện ra rất nhiều diệu dụng, nói được rất nhiều thần chú bí mật.
Giảng giải:
Bạch Thế tôn! Con lại được đạo tu chứng viên thông vô thượng đó, nên lại khéo được bốn đức vô tác nhiệm mầu không thể nghĩ bàn:
Bốn công đức không thể nghĩ bàn nầy là những gì?
Một là, ban đầu con chứng được tánh nghe vi diệu, tâm tính không còn các tướng năng văn.
Ban đầu, khi con chứng đắc được nhờ công phu phản văn văn tự tánh–vi diệu trong vi diệu–tâm con trở nên tinh ròng và các tướng năng văn đều trở nên tiêu mất. Chân tâm hiển bày, và con đạt đến cảnh giới tinh anh vi diệu. Khi các tướng năng văn đã tiêu dung. Các việc thấy nghe hay biết không còn cách biệt. Các căn khác đều viên thông và không còn bị phân cách. Con thành tựu được bảo giác viên dung thanh tịnh. Điều nầy có nghĩa là ngài đã chứng được nhất thể, không còn có sự phân biệt giữa năng và sở.
Nên con có thể hiện ra rất nhiều diệu dụng, nói được rất nhiều thần chú bí mật.
Kinh văn:
Chẳng hạn,, con có thể hiện ra từ 1 đầu, 3 đầu, 5 đầu, 7 đầu, 9 đầu, 11 đầu, 108 đầu, 1.000 đầu, 10.000 đầu cho đến 84.000 đầu thước-ca-la.
Giảng giải:
Không những Bồ-tát Quán Thế Âm có ngàn tay ngàn mắt, mà ngài còn có vô số đầu–nhiều đến 84.000 đầu. Hình tướng của Bồ-tát Quán Thế Âm đều thể hiện ra đủ cả. Ngài nói, Con có thể hiện ra từ 1 đầu, 3 đầu– Hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm có ba mặt –5 đầu – Hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm có năm mặt –7 đầu – Hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm có bảy mặt – hoặc 9 đầu, 11 đầu, 108 đầu, 1.000 đầu, 10.000 đầu cho đến 84.000 đầu thước-ca-la. Thước-ca-la (vajra) có nghĩa là mạnh và cứng chắc.
Kinh văn:
Con có thể hiện ra 2 tay, 4 tay, 6 tay, 12 tay, 14 tay, 16 tay, 18 tay, 20 tay, 24 tay, 108 tay rồi 1.000 tay, 10.000 tay cho đến 84.000 tay mẫu-đà-la.
Giảng giải:
Bồ-tát Quán Thế Âm còn có thể hiện ra 2 tay, 4 tay, 6 tay, 12 tay, 14 tay, 16 tay, 18 tay, 20 tay, 24 tay. Hoặc có thể hiện thành 108 tay rồi 1.000 tay, 10.000 tay cho đến 84.000 tay mẫu-đà-la. Mẫu-đà-la là tiếng Sanskrit, có nghĩa là thủ ấn.[22] Trong lòng mỗi bàn tay, có một cái ấn.
Kinh văn:
Hoặc có thể hiện ra 2 mắt, 3 mắt, 4 mắt, 9 mắt, 108 mắt, rồi 1.000 mắt, 10.000 mắt, cho đến 84.000 con mắt báu thanh tịnh. Hoặc khi thì (hiện thân) từ, khi thì uy, khi thì định, khi thì tuệ để cứu độ chúng sanh được hoàn toàn tự tại.
Giảng giải:
Pháp thân của Bồ-tát Quán Thế Âm có thể thị hiện thành 2 mắt, 3 mắt, 4 mắt, 9 mắt, 108 mắt, rồi 1.000 mắt, 10.000 mắt, cho đến 84.000 con mắt báu thanh tịnh. Làm sao mà Bồ-tát Quán Thế Âm có thể hiện ra nhiều hóa thân như vậy? Vì trong nhân địa, ngài đã tu tập Đại bi thần chú và 42 Thủ nhãn ấn pháp, thế nên ở quả địa, khi công phu tu tập đã viên mãn, ngài có được vô số hóa thân.
Hoặc khi thì (hiện thân) từ, khi thì uy, khi thì định, khi thì tuệ để cứu độ chúng sanh được hoàn toàn tự tại.
Các con mắt của ngài có khi thể hiện tâm từ, hoặc có khi hiện ra vẻ uy nghi. Có khi mắt ngài biểu hiện ánh sáng của định lực hoặc trí huệ. Ngài biểu hiện những tướng nầy để cứu độ chúng sanh được hoàn toàn tự tại.
Kinh văn:
Hai là do tánh nghe và suy nghĩ của con thóat ngoài sáu trần, như âm thanh xuyên qua vách tường, không bị ngăn ngại. Cho nên diệu dụng của con có thể hiện ra mỗi mỗi hình, tụng mỗi mỗi chú. Hình và chú đó đều có thể đem sức vô uý mà bố thí cho chúng sinh. Thế nên các cõi nước trong mười phương nhiều như vi trần đều gọi con là vị bố thí sự không sợ hãi.
Giảng giải:
Diệu đức vô tác thứ hai là: Hai là do tánh nghe và suy nghĩ của con thóat ngoài sáu trần. Con tu tập văn huệ và tư huệ, vượt thóat ra khỏi sáu trần, sắc thanh hương vị xúc pháp. Con không còn dính mắc với chúng nữa. Đó như âm thanh xuyên qua vách tường, không bị ngăn ngại. Cho nên diệu dụng của con có thể hiện ra mỗi mỗi hình, tụng mỗi mỗi chú.
Hình sắc mà con thị hiện và chú do con trì tụng đều có thể đem sức vô uý mà bố thí cho chúng sinh. Chúng đều có năng lực ban phát sự không sợ hãi. Thế nên các cõi nước trong mười phương nhiều như vi trần đều gọi con là vị bố thí sự không sợ hãi.
Kinh văn:
Ba là do con tu tập căn tính bản diệu viên thông thanh tịnh, nên đi qua thế giới nào, đều khiến cho chúng sinh xả thân, xả đồ trân bảo, cầu con thương xót.
Giảng giải:
Ba là do con tu tập căn tính bản diệu viên thông thanh tịnh. Ngài đang nói đến bản tính thanh tịnh của nhĩ căn–tánh nghe. Nên đi qua thế giới nào, đều khiến cho chúng sinh xả thân, xả đồ trân bảo, cầu con thương xót. Chúng sinh đều hy sinh thân mạng của họ và xả ly mọi tài sản quý báu của họ để cầu sự giúp đỡ của con.
Kinh văn:
Thứ tư, do con chứng được tâm Phật, đạt đến chỗ rốt ráo, nên có thể đem các thứ trân báu cúng dường mười phương Như Lai, khắp đến chúng sinh trong sáu đường cả pháp giới.
Giảng giải:
Diệu đức vô tác thứ tư là: Do con chứng được tâm Phật, đạt đến chỗ rốt ráo. Con chứng được chân tâm Như Lai tạng. ‘Rốt ráo’ có nghĩa là địa vị tột bậc của Phật quả. Nên có thể đem các thứ trân báu cúng dường mười phương Như Lai, rộng đến chúng sinh trong sáu đường khắp pháp giới. Bất kỳ các loài chúng sinh muốn điều gì, con đều đáp ứng cho họ được mãn nguyện.
Kinh văn:
Ai cầu vợ thì được vợ, cầu con được con, cầu tam-muội được tam-muội, cầu sống lâu được sống lâu. Như thế cho đến cầu Đại niết-bàn liền được Đại niết-bàn.
Giảng giải:
Bất kỳ chúng sinh trong lục đạo mười phương ước nguyện điều gì cũng đều được ban phát. Bồ-tát Quán Thế Âm biết rằng ai cũng ước muốn có người vợ hiền thục. Nếu ai cầu vợ thì được vợ, nếu họ mong cầu có người vợ ngoan hiền, họ liền có được người vợ ngoan hiền. Đó là ước muốn cao nhất của mọi chúng sinh. Khi đã có vợ hiền rồi, thì họ lại ước muốn có con. Thế nên điều thứ hai là Bồ-tát Quán Thế Âm sẽ làm là ban cho họ con cái. Cầu con được con, nếu họ mong được sinh con trai, liền được con trai; nếu họ mong được con gái, liền được con gái. Điều thứ ba, ngài nói: cầu tam-muội được tam-muội, cầu sống lâu được sống lâu. Nếu có người đã có vợ, có con rồi mà cảm thấy rằng cuộc đời con người thật là vô nghĩa, thế nên phát tâm tu tập để thóat khỏi thế gian và mong được tam-muội, thì họ sẽ được tam-muội. Có người mong được sống lâu, thì họ sẽ được sống lâu. Họ muốn trở nên bất tử và không bao giờ chết, họ sẽ được như vậy. Như thế cho đến cầu Đại niết-bàn liền được Đại niết-bàn. Nếu có chúng sinh nào mong cầu thành Phật, thì họ có thể đạt được quả vị Phật.
Kinh văn:
Đức Phật hỏi về viên thông, con do được viên chiếu tam-muội nơi nhĩ căn mà duyên tâm được tự tại. Nhân tướng nhập lưu mà được tam-ma-đề, thành tựu quả vị bồ-đề. Đó là thứ nhất.
Giảng giải:
Đức Phật hỏi về viên thông. Đức Phật hỏi các đệ tử của ngài, ban đầu bằng phương tiện nào mà chứng được viên thông. Con do được viên chiếu tam-muội nơi nhĩ căn. Con tu tập nơi tánh nghe mà thành tựu định lực. Mà duyên tâm được tự tại. Nhân tướng nhập lưu mà được tam-ma-đề, thành tựu quả vị bồ-đề. Đó là thứ nhất. Tâm phan duyên của con không còn nữa, con được tự tại. Con đã xoay tánh nghe để nhận ra tự tánh, và thành tựu đạo vô thượng. Đây là phương pháp hay nhất.
Kinh văn:
Bạch Thế tôn, Đức Phật Như Lai đó, đã khen ngợi con khéo chứng được pháp môn viên thông. Trong đại chúng, ngài thọ ký cho con danh hiệu Quán Thế Âm.
Giảng giải:
Bạch Thế tôn, Đức Phật Như Lai đó, đã khen ngợi con khéo chứng được pháp môn viên thông. ‘Đức Phật Như Lai đó’ là chỉ cho Đức Cổ Phật Quán Thế Âm Như Lai. Ngài tán thán con đã chứng được viên thông một cách tự tại. Nên trong đại chúng, ngài thọ ký cho con danh hiệu Quán Thế Âm. Ngài gọi con là người “Quán sát âm thanh thế gian.” Cùng danh hiệu của chính ngài.
Kinh văn:
Do con thấy nghe thấu suốt mười phương, nên tên gọi Quán Thế Âm cùng khắp mười phương thế giới.
Giảng giải:
Do con thấy nghe thấu suốt mười phương–có nghĩa là, mọi nơi chốn trong suốt mười phương, tận cùng khắp các pháp giới, hợp lại cùng nhau, và con hoàn toàn rõ biết–do vậy, nên tên gọi Quán Thế Âm cùng khắp mười phương thế giới. Trong mọi Phật độ suốt khắp mười phương, ai cũng biết đến danh hiệu Quán Thế Âm.
Kinh văn:
Lúc bấy giờ, Đức Thế tôn nơi sư tử toà, từ năm vóc đều phóng hào quang báu, từ xa rót xuống đảnh các Đức Như Lai nhiều như vi trần và trên đảnh đầu các vị Bồ-tát Pháp vương tử.
Giảng giải:
Lúc bấy giờ, Đức Thế tôn nơi sư tử toà, từ năm vóc đều phóng hào quang báu. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đang ngồi trên toà sư tử, phóng hào quang từ hai bàn tay, hai bàn chân và từ đỉnh đầu của ngài cùng một lúc. Từ xa rót xuống đảnh các Đức Như Lai nhiều như vi trần và trên đảnh đầu các vị Bồ-tát Pháp vương tử.
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni xoa đảnh các Đức Như Lai là biểu tượng cho giáo pháp của ngài là cao quý nhất, là đảnh. Giáo pháp của chư Phật cũng như vậy. Các Đức Như Lai trong khắp mười phương cũng đều tuyên thuyết giáo pháp cao quý nầy, như Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đang tuyên thuyết.
Giáo pháp của các Đức Như Lai đều tương đồng
Hỗ tương nhiếp nhập lẫn nhau.
Kinh văn:
Các đức Như Lai kia, từ năm vóc cũng đều phóng hào quang báu, từ các thế giới nhiều như vi trần đến rót trên đảnh Đức Phật và trên đảnh các vị Bồ-tát và A-la-hán trong chúng hội.
Giảng giải:
Các đức Như Lai kia, nhiều như số vi trần trong khắp mười phương, từ năm vóc cũng đều phóng hào quang báu, từ các thế giới nhiều như vi trần. Hào quang báu cũng đồng thời phóng ra từ hai bàn tay, hai bàn chân và từ đỉnh đầu của ngài cùng một lúc, giống như các đạo hào quang mà Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã phóng ra. Hào quang đến và rót xuống đảnh Đức Phật và trên đảnh các vị Bồ-tát và A-la-hán trong hội chúng.
Kinh văn:
Rừng cây, ao hồ đều diễn ra pháp âm. Hào quang giao xen nhau như lưới tơ báu. Đại chúng được điều chưa từng có, tất cả đều chứng được Kim cang tam-muội.
Giảng giải:
Rừng cây, ao hồ đều diễn ra pháp âm. Nước chảy, gió reo, và lá cây xào xạc đều là sự diễn bày pháp âm. Hào quang giao xen nhau như lưới tơ báu. Hào quang của chư Phật trong mười phương rót xuống đảnh đầu Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, và hào quang từ Đức Phật Thích-ca Mâu-ni lại phóng ra, rót xuống đảnh đầu các Đức Như Lai trong mười phương nhiều như số vi trần, thể dạng của các đạo hào quang giao xen ấy tạo nên một tấm lưới rất lộng lẫy. Đại chúng được điều chưa từng có, tất cả đều chứng được Kim cang tam-muội. Họ đều chưa từng thấy được điều tốt lành ấy xảy ra bao giờ, khiến mọi người đều đạt được môn Kim cang tam-muội.
Kinh văn:
Liền khi ấy, mưa trời rơi xuống loài hoa sen trăm báu, màu xanh vàng đỏ trắng xen lẫn nhau. Mười phương hư không hóa thành màu sắc bảy thứ châu báu.
Giảng giải:
Liền khi ấy, khi mọi người trong chúng hội chứng được Kim cang tam-muội, mưa trời rơi xuống loài hoa sen trăm báu, màu xanh vàng đỏ trắng xen lẫn nhau. Bốn màu sắc nầy hiện thành những hợp thể khác nhau trên những cánh hoa sen. Những đoá sen màu xanh thì nổi bật lên bên cạnh sắc vàng. Những đóa sen màu vàng lại có những chấm đỏ trong cánh. Những đoá sen màu trắng lấp lánh cùng sắc hồng. Mười phương hư không hóa thành màu sắc bảy thứ châu báu. Bảy thứ châu báu là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não. Cả thế giới đều chuyển thành các màu sắc nầy.
Kinh văn:
Núi sông đất liền của cõi ta-bà nầy cùng lúc không hiện ra. Chỉ thấy các quốc độ như vi trần trong mười phương hợp thành một thế giới. Kệ tụng, tán ca tự nhiên vang lên.
Giảng giải:
Núi sông đất liền của cõi ta-bà nầy cùng lúc không hiện ra. Chỉ thấy các quốc độ như vi trần trong mười phương hợp thành một thế giới.
Thế giới chúng ta đang ở gọi là ta-bà (saha). Tên gọi đó có nghĩa là kham nhẫn. Biểu tượng cho chúng sinh phải kham chịu khổ đau trong thế giới nầy. Thực vậy, rất khó chịu đựng, nhưng mọi người đều phải trực tiếp nhận chịu nó, chứ không phải chỉ thừa nhận cái khổ. Họ xem khổ là vui. Họ nghĩ rằng ở đây thật là tốt đẹp.
Tuy nhiên, lúc này, thì cõi ta-bà cùng một lúc biến mất. Đó là do năng lực thần thông của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni tạo nên cho đại chúng thấy. Các Phật độ nhiều như vô số vi trần hợp lại thành một. Kệ tụng, tán ca tự nhiên vang lên.
Phạm âm, tán ca thanh tịnh vang lên khắp mọi nơi. Trước đó, rừng cây, sông hồ đã diễn ra pháp âm, nhưng ở nơi nầy, vạn pháp đều tuyên bày pháp âm bằng những bài kệ tụng và tán ca rất thanh tịnh vi diệu.
Nước chảy, gió reo đều tuyên thuyết Đại thừa,
Hoa sen thất bảo trong hồ, bốn màu rực rỡ, lấp lánh sắc vàng.