SỐ 264
KINH THIÊM PHẨM DIỆU PHÁP LIÊN HOA
Dịch Phạn ra Hán: Tùy Xà Na Quật Đa cộng Cấp Đa dịch
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Phẩm 13: HẠNH AN LẠC

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Những Bồ-tát này thật là hiếm có, vì kính thuận Phật nên phát thệ nguyện lớn vào đời ác sau này sẽ hộ trì, đọc tụng, giảng nói kinh Pháp Hoa này.

Bạch Thế Tôn! Vào đời ác sau này, Đại Bồ-tát làm thế nào để nói kinh này?

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-1ợi:

– Vào đời ác sau này, Đại Bồ-tát nào muốn nói kinh này thì phải an trụ bốn pháp. Đó là an trụ Hành xứ, Thân cận xứ của Bồ-tát mới có khả năng diễn nói kinh này cho chúng sinh.

Này Văn-thù-sư-lợi! Thế nào gọi là Hành xứ của Đại Bồ-tát?

Nếu Đại Bồ-tát an trụ tâm nhẫn nhục, nhu hòa, tùy thuận, không thô bạo, tâm không kinh sợ, đối với pháp không phân biệt điều gì mà quán các pháp đúng như thật tướng, chẳng vin theo, chẳng phân biệt. Đó gọi là Hành xứ của Đại Bồ-tát.

Thế nào gọi là Thân cận xứ của Đại Bồ-tát?

Đại Bồ-tát không nên gần gũi vua chúa, không nên thân cận các ngoại đạo, Phạm chí, Ni-kiền Tử… và không nên thân cận những người trước tác, ca vịnh sách thế tục, người theo phái Lộ-già-da-đà và nghịch Lộ-già-da-đà, cũng không nên gần gũi những kẻ chơi bời, hung dữ, đâm nhau, chém nhau cùng bọn Na-la, những chỗ ăn chơi, cũng không nên gần gũi hạng Chiên-đà-la, những hạng người ác luật nghi, sống bằng nghề nuôi heo, dê, gà, chó, săn bắn, bắt cá. Nếu những người ấy đến Bồ-tát nên tùy nghi nói pháp chẳng mong cầu điều gì. Bồ-tát cũng không được thân cận, quan hệ với các Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Tỳ-kheo, Tỳ-khco-ni cầu hạnh Thanh văn. Nếu ở trong phòng, hoặc nơi kinh hành, hoặc trong giảng đường, Bồ-tát cũng không được sống chung với những người như vậy. Nếu khi họ đến, Bồ-tát tùy nghi nói pháp mà không mong cầu điều gì. Trước thân người nữ, Đại Bồ-tát không được sinh tướng dục tưởng và không nên ngắm nhìn mà nói pháp. Nếu vào nhà người, Bồ-tát không được nói chuyện riêng với thiếu nữ, thanh nữ, góa phụ, cũng không được kết thân với năm loại người chẳng phải nam. Không nên một mình đi vào nhà người, nếu có công việc một mình đi vào nhà người thì Bồ-tát cần phải nhất tâm niệm Phật.

Nếu nói pháp cho người nữ thì không được cười để lộ răng, không được hở ngực, lưng, cho đến vì pháp còn không được kết thân huống chi là các việc khác. Bồ-tát không được nuôi thiếu niên, đệ tử Sa-di nhỏ tuổi, cũng không ưa sống chung với huynh đệ, phải thường ưa thích tọa thiền nơi thanh vắng thu nhiếp tâm mình. Văn-thù-sư-lợi! Đó là chỗ Thân cận thứ nhất của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, Đại Bồ-tát quán tất cả pháp là không, đúng như thật tướng, không điên đảo, không động, không thoái, không chuyển như hư không, không thực có biên giới, chấm dứt tất cả đường ngôn ngữ, chẳng sinh, chẳng xuất, chẳng khởi, vô sinh, vô tướng, thật không có sở hữu, vô số, vô biên, vô ngại, vô chướng, chỉ do nhân duyên mà có, từ điên đảo sinh nên nói thường lạc. Quán tướng của pháp như vậy, đó gọi là chỗ Thân cận thứ hai của Đại Bồ-tát.

Khi ấy muốn tuyên lại nghĩa trên, Đức Thế Tôn nói kệ:

Đời ác sau này
Nếu có Bồ-tát
Tâm không lo sợ
Muốn nói kinh này
Nên trụ Hành xứ
Cùng Thân cận xứ.
Thường tránh xa vua
Và các vương tử
Đại thần quan quyền,
Người tánh hung dữ
Hạng Chiên-đà-la
Ngoại đạo Phạm chí,
Cũng không gần gũi
Hàng tăng thượng mạn
Chấp chặt Tiểu thừa,
Người học ba tạng
Tỳ-kheo phá giới
Danh tự La-hán,
Cùng Tỳ-kheo-ni
Ưa thích vui chơi
Say đắm năm dục,
Muốn cầu diệt độ
Các Ưu-bà-di
Đều chớ gần họ.
Nếu những người này
Với tâm ý tốt,
Đến chỗ Bồ-tát
Vì nghe Phật đạo,
Bồ-tát nên đem
Tâm không sợ hãi
Không chút mong cầu
Nói pháp cho họ.
Thanh nữ, góa phụ,
Nam, chẳng phải nam
Bồ-tát chớ gần.
Làm người thân cận.
Cũng chớ gần gũi
Đao phủ đồ tể,
Săn bắn, bắt cá
Vì lợi giết hại,
Bán thịt để sống
Hạng buôn nữ sắc
Những người như vậy
Chớ nên gần gũi.
Kẻ dữ đâm chém
Những chỗ ăn chơi.
Con gái bán hương
Chớ thân cận họ.
Đừng ở chỗ vấng
Vì nữ nóí pháp.
Nếu lúc nói pháp
Không được đủa giỡn,
Vào làng khất thực
Cùng một Tỳ-kheo
Nêú đi một mình
Phải luôn niệm Phật.
Thì đây gọi là
Hành xứ, Cận xứ.
Dùng hai xứ này
An lạc nói pháp,
Không còn thực hàn
Pháp thượng, trun g, hạ,
Hữu vi, vô vi
Pháp thật, không thật
Cũng không phân biệt
Là nam hay nữ,
Chẳng đắc các pháp
Chẳng biết, chẳng thấy,
Chính đây gọi là
Hành xứ Bồ-tát.
Tất cả các pháp
Không, không thật có,
Không có thường trụ
Cũng không sinh diệt,
Người trí lấy đó
Làm chỗ thân cận,
Phân biệt điên đảo
Vì pháp có, không
Thật hay chẳng thật,
Sinh, hay chẳng sinh,
Ở nơi thanh vắng
Thu nhiếp tâm mình,
An trụ bất động
Như núi Tu-di.
Quán tất cả pháp
Thảy đều rỗng không,
Giống như hư không
Không có bền chắc,
Chẳng sinh, chẳng xuất
Chẳng động, chẳng chuyển.
Thường trụ một tướng
Gọi là Cận xứ.
Ta diệt độ rồi
Nếu có Tỳ-kheo
Vào Hành xứ này
Cùng Thân cận xứ.
Thì khi nói kinh
Không còn khiếp sợ.
Có lúc Bồ-tát
Vào trong tịnh thất,
Nhớ lại thật đúng
Theo nghĩa quán pháp,
Xuất ra khỏi định
Vì các quốc vương
Vương tử, đại thần
Hàng Bà-la-môn
Chỉ dạy diễn bày
Kinh Pháp Hoa này
Tâm vẫn an ổn
Không có khiếp sợ.
Văn-thù -sư-lợi.
Đó là Bồ-tát
An trụ pháp đầu
Đời sau khéo nói
Kinh Pháp Hoa này.

Này Văn-thù-sư-lợi! Sau khi Như Lai diệt độ, trong đời mạt pháp Bồ-tát muốn nói kinh này phải nên trụ nơi hạnh an lạc. Nếu khi đọc kinh, hoặc giảng thuyết thì không được nói lỗi của người và kinh, cũng không khinh chê các Pháp sư khác, không nói việc tốt, xấu, hay, dở của người khác, cũng không nêu danh, khen, chê việc là m tốt xấu của hàng Thanh văn, cũng không oán hận, hiềm khích họ. Vì khéo tu tâm an lạc như vậy nên không làm trái ý người nghe pháp. Nếu có vấn nạn thì không được dùng pháp Tiểu thừa đáp, nên lấy pháp Đại thừa giảng nói làm cho họ được Nhất thiết chủng trí.

Khi ấy, muốn tuyên lại nghĩa trên, Đức Thế Tôn nói kệ:

Bồ-tát thường vui
An ổn nói pháp,
Ở chỗ thanh tịnh
Thiết lập tòa ngồi.
Tắm rửa sạch sẽ
Dùng dầu thoa thân,
Mặc áo sạch đẹp
Trong ngoài thanh tịnh,
An tọa pháp tòa
Đấp theo câu hỏi.
Dùng nghĩa vi diệu
Vui vẻ giảng nói,
Cho các Tỳ-kheo
Cùng Tỳ-kheo-ni,
Hàng Ưu-bà-tắc
Và Ưu-bà-di
Quốc vương, vuơng tử,
Quần thần, sĩ, dân
Nếu có nạn vấn
Tùy nghĩa mà đáp.
Bằng dụ, nhân duyên
Diễn giảng rõ ràng.
Dùng phương tiện này
Khiến họ phát tâm,
Ngày càng tăng tiến
Vào nơi Phật đạo
Trừ ý biếng nhác
Cùng tâm uể oải
Lìa các ưu não,
Tâm từ nói pháp
Thường luôn giảng thuyết
Dạy đạo Vô thượng
Dùng các nhân duyên,
Vô lượng thí dụ
Chỉ bày chúng sinh
Khiến đều an vui.
Quần áo, giường, ghế
Vật thực, thuốc thang
Với những vật ấy
Lòng chẳng mong cầu
Chỉ nhất tâm nghĩ
Vì việc nói pháp
Nguyện thành Phật đạo
Khiến chúng cũng vậy,
Đây là lợi lớn
An lạc cúng dường.
Ta diệt độ rồi
Nếu có Tỳ-kheo
Khéo giảng nói kinh
Diệu Pháp Liên Hoa,
Tâm không sân, ghét
Không phiền não, chướng
Cũng không ưu, buồn
Mắng nhiếc người khác,
Lại không sợ sệt
Không dùng dao gậy
Không đánh đuổi người
Vì an trụ nhẫn,
Người trí khéo tu
Tâm mình như vậy
Thường trụ an lạc
Như ta đã dạy.
Công đức người ấy
Qua vạn ức kiếp,
Tính kể thí dụ
Nói không thể hết.

Này Văn-thù-sư-lợi! Sau này vào giai đoạn cuối cùng, khi giáo pháp sắp hoại diệt, Đại Bồ-tát nào thọ trì, đọc tụng kinh này thì không nên có tâm ganh ghét, dối trá, cũng không được khinh chê, gièm pha, vạch tìm chỗ hay dở của người học Phật đạo. Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, người cầu Thanh văn, cầu Bích-chi-phật, cầu đạo Bồ-đề, thì Đại Bồ-tát không được gây phiền nhiễu làm cho họ hoang mang bằng cách dùng lời nói: “Các ông cách đạo quá xa, không bao giờ đạt được Nhất thiết chủng trí.” Vì sao? Vì các ông là người buông lung, biếng nhác đối với đạo.

Bồ-tát không nên hý luận, tranh cãi các pháp, nên khởi tâm đại Bi đối với tất cả chúng sinh; đối với các Đức Như Lai nên xem như Đấng cha lành, đối với các Bồ-tát xem như Bậc Đạo Sư, thường phải nhất tâm cung kính lễ bái các Đại Bồ-tát ở khắp mười phương, bình đẳng nói pháp cho tất cả chúng sinh, vì tùy thuận pháp nên không nói nhiều cũng không nói ít cho đến đối với người rất ưa thích pháp cũng không được nói nhiều.

Này Văn-thù-sư-lợi! Sau này vào giai đoạn cuối cùng, khi giáo pháp sắp hoại diệt, Đại Bồ-tát thành tựu hạnh an lạc thứ ba này nên khi nói pháp không ai có thể làm não loạn, được bạn bè tốt cùng đọc tụng kinh này, cũng được đại chúng đến lắng nghe, nghe rồi ghi nhớ, nhớ rồi có thể đọc tụng, tụng rồi có thể giảng nói, nói rồi có thể biên chép, hoặc sai người biên chép cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán dương kinh này.

Đức Thế Tôn muốn thuyết lại nghĩa trên liền nói kệ:

Nếu muốn nói kinh này
Phải bô tâm sân, ghét,
Cùng dối trá, kiêu mạn
Thường tu hạnh ngay thẳng,
Không khinh khi người khác
Không hý luận về pháp,
Không khiến người nghi ngờ
Rằng họ không thành Phật.
Phật tử này nói pháp
Thường nhu hòa nhẫn nhục,
Từ bi thương chúng sinh
Không có tâm biếng nhác,
Mười phương Đại Bồ-tát
Thương chúng sinh hành đạo
Phải sinh tâm cung kính
Xem như Thầy của mình.
Đối với các Đức Phật
Tưởng như Đấng cha lành
Phá tan tâm kiêu mạn
Thuyết pháp không chướng ngại.
Pháp thứ ba như vậy
Người trí nên giữ gìn
Nhất tâm an lạc hạnh
Vô lượng chúng sinh kính.

Văn-thù-sư-lợi! Đại Bồ-tát sau này vào đời cuối cùng, lúc giáo pháp sắp diệt, người nào thọ trì kinh Pháp Hoa này, có tâm đại Từ đối với hàng tại gia và xuất gia, có tâm đại Bi đối với hàng không phải Bồ-tát, nên nghĩ thế này: “Những người như thế thì mất lợi lớn Đức Phật phương tiện tùy nghi nói pháp mà không nghe, không biết, không rõ, không hỏi, không tin, không hiểu ngưới đó tuy không hỏi, không tin, không hiểu kinh này. Khi chứng Vô thượng Bồ-đề, bất luận người đó ở chỗ nào, ta cũng dùng thần lực, trí tuệ và sức thần thông dẫn dắt họ trụ vào pháp này.”

Văn-thù-sư-lợi! Sau khi Như Lai diệt độ, Đại Bồ-tát nào thành tựu pháp thử tư này, lúc nói pháp không nhầm lẫn, thường dạy các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Cận sự nam, Cận sự nữ, vua chúa, thái tử, quan lớn, nhân dân, Bà-la-môn, Cư sĩ đều cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen, chư Thiên ở hư không vì nghe kinh này nên theo hầu. Nếu ở trong tụ lạc, thành ấp, rừng hoang chỗ vắng có người đến gạn hỏi thì chư Thiên vì pháp này thường hộ vệ người đó suốt ngày đêm, khiến người nghe rồi đều vui mừng. Vì sao? Vì kinh này được thần lực chư Phật ba đời giữ gìn.

Văn-thù-sư-lợi! Kinh Pháp Hoa này ở trong vô lượng cõi cho đến danh tự cũng khó được nghe, huống chi được thấy, thọ trì, đọc tụng.

Văn-thù-sư-lợi! Ví như vua Chuyển luân có uy lực lớn, muốn thâu phục các nước nhỏ bằng thế lực của mình, mà các vua nhỏ không tuân lệnh. Bấy giờ, vua Chuyển luân đem các binh chinh phạt, vua thấy binh chúng có công đánh giặc nên rất vui mừng, theo công ban thưởng, hoặc ban cho ruộng nhà, tụ lạc, thành ấp, cho y phục và vật trang sức nơi thân, hoặc cho các thứ trân bảo vàng bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, voi, ngựa, xe cộ, nô tỳ, nhân dân, chỉ viên ngọc minh châu trong búi tóc không cho. Vì sao? Vì riêng trên đỉnh vua mới có một viên ngọc này, nếu đem cho đi thì các quyến thuộc vua rất kinh hoàng.

Văn-thù-sư-lợi! Như Lai cũng như vậy, nhờ năng lực thiền định, trí tuệ nên được quốc độ chánh pháp, làm vua trong ba cõi, mà các ma vương không chịu khuất phục nên các tướng Hiền thánh của Như Lai cùng ma đánh nhau, người nào có công, tâm cũng rất vui mừng. Phật ở trong bốn chúng nói các kinh làm cho họ vui mừng, liền ban những tài sản về các pháp thiền định, giải thoát, căn lực vô lậu; lại ban cho thành Niết-bàn, nói đã diệt độ để dẫn dắt tâm họ, làm cho đều hoan hỷ nhưng không nói kinh Pháp Hoa này.

Văn-thù-sư-lợi! Như vua Chuyển luân thấy người có công lao lớn trong các binh chủng nên rất vui mừng, đem ngọc minh châu này khó tin từ lâu ở trong búi tóc không tùy tiện cho người, mà đem cho họ. Như Lai cũng vậy, là Bậc Đại Pháp Vương trong ba cõi, đem pháp nhiệm mầu giáo hóa chúng sinh, thấy các Hiền thánh cùng ma năm ấm, ma phiền não, ma chết đánh nhau có công lao lớn, diệt trừ ba độc, phá lưới ma ra khỏi ba cõi. Bấy giờ, Như Lai rất vui mừng, đối với kính Pháp Hoa này khiến cho chúng sinh đạt Nhất thiết trí, mà tất cả thế gian phần nhiều thù oán khó tin được, trước đây chưa nói mà nay mới nói.

Văn-thù-sư-lợi! Kinh Pháp Hoa này là lời dạy bậc nhất của Như Lai, vi diệu nhất trong các lời dạy, sau cùng mới ban cho; như vua Chuyển luân có uy lực lớn, từ lâu đã gìn giữ viên ngọc minh châu nay mới đem ban cho.

Văn-thù-sư-lợi! Kinh Pháp Hoa này là kho tàng pháp bí mật của các Đức Như Lai, là trên hết trong các kinh, gìn giữ từ lâu, không tùy tiện nói ra, bắt đầu từ hôm nay mới giảng dạy cho các ông.

Bấy giờ, muốn nói lại nghĩa trên Đức Thế Tôn nói kệ:

Thường hành nhẫn nhục
Thương xót tất cả.
Mới diễn nói được
Kính Phật khen ngợi.
Vào đời sau cùng
Người trì kinh này,
Tại gia, xuất gia
Chẳng phải Bồ-tát.
Nên sinh Từ bi
Những người không nghe,
Chẳng tin kinh này
Thì mất lợi lớn.
Ta thành Phật đạo
Dùng các phương tiện,
Nói về pháp này;
Khiến trụ trong pháp
Như vua Chuyển luân
Sức lực mạnh m ẽ
Tướng chiến có công
Ban thưởng các vật,
Voi, ngựa, xe cộ
Đủ thứ trang sức
Cùng với ruộng nhà
Thôn xóm, thành ấp,
Hoặc cho y phục
Những vật quý báu,
Nô tỳ, của cải
Vui vẻ ban cho.
Người có sức mạnh
Làm được việc khó,
Vua cho ngọc quý
Từ trong búi tóc.
Như Lai cũng vậy
Là vua các pháp,
Có sức nhẫn lớn
Kho báu trí tuệ
Đem đại Từ bi
Như pháp độ đời.
Thấy các chúng sinh
Chịu nhiều khổ não,
Muốn cầu giải thoát
Đánh nhau với ma.
Phật vì chúng sinh
Nói đủ các pháp
Dùng nhiều phương tiện
Giảng nói các kinh.
Đã biết chúng sinh
Có sức mạnh rồi,
Đời sau mới nói
Kinh Pháp Hoa này.
Như vua lấy ngọc
Trong búi tóc cho,
Kinh này tôn quý
Trên hết các kinh,
Ta thường giữ gìn
Không tuỳ tiện dạy.
Nay chính đúng lúc
Nói cho các ông,
Ta diệt độ rồi
Người cầu Phật đạo,
Muốn được an ổn
Giảng nói kinh này
Phải nên gần gũi
Bốn pháp như vậy.
Người đọc kinh này
Thường không sầu não,
Bệnh tật, đau khổ
Nhan sắc đẹp đẽ,
Không bị bần cùng
Thấp hèn, xấu xí
Chúng sinh thích nhìn
Như mến Hiền thánh
Đồng tử cõi trời
Làm kẻ sai khiến
Không bị dao gậy
Độc dữ làm hại
Nếu người muốn mắng
Miệng không nói được,
Tự do đi lại
Như Sư tử chúa
Trí tuệ sáng suốt
Như mặt trời chiếu,
Dù ở trong mộng
Thấy việc nhiệm mầu
Thấy các Như Lai
Ngồi tòa Sư tử
Cùng chúng Tỳ-kheo
Vây quanh nghe pháp.
Lại thấy Rồng, Thần
Cùng A-tu-la
Như cát sông Hằng
Cung kính chắp tay,
Tự thấy chính mình
Được nghe thuyết pháp.
Lại thấy chư Phật
Thân màu hoàng kim,
Phóng vô lượng quang
Chiếu khắp tất cả
Dùng tiếng Phạm âm
Diễn nói các pháp.
Phật vì bốn chúng
Nói pháp Vô thượng
Thấy mình trong đó
Chắp tay khen Phật
Nghe pháp vui mừng.
Nhờ cúng dường Phật
Được Đà-la-ni,
Chứng trí không thoái
Phật biết tâm họ
Vào sâu Phật đạo,
Liền thọ ký cho
Thành Tối Chánh giác.
Thiện nam tử này!
Ở đời vị lai
Được vô lượng trí,
Đạo lớn của Phật
Cõi nước nghiêm tịnh
Rộng lớn vô biên,
Cũng có bốn chúng
Chắp tay nghe pháp,
Lại thấy thân mình
Ở trong núi rừng.
Tu tập pháp lành
Chứng các thật tướng
Vào sâu thiền định
Thấy Phật mười phương.
Thân Phật màu hoàng kim
Tướng trăm phước trang nghiêm,
Vì người nên nói pháp
Thường có mộng lành đó.
Lại mộng làm quốc vương
Bỏ cung điện quyến thuộc
Cùng năm dục thượng hạng,
Đi đến nơi đạo tràng
Ở dưới cội Bồ-đề
Ngồi trên tòa Sư tử
Cầu đạo qua bảy ngày
Đươc trí của chư Phật.
Chứng đạo Vô thượng rồi
Bắt đầu chuyển pháp luân,
Nói pháp cho bốn chúng
Qua ngàn vạn ức kiếp,
Nói diệu pháp vô lậu
Độ vô lượng chúng sinh,
Sau mới nhập Niết-bàn
Như đèn tắt, khói hết,
Nếu trong đời ác sau
Nói pháp đệ nhất này
Người đó được lợi lớn
Các công đức như trên.

 

Phẩm 14: TỪ ĐẤT VỌT LÊN

Bấy giờ, các vị Đại Bồ-tát đông hơn số cát sông Hằng từ cõi nước phương khác đến, ở trong đại chúng chắp tay làm lễ bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Cho phép chúng con sau khi Phật diệt độ, ở thế giới Ta-bà nỗ lực siêng năng hộ trì người đọc tụng, biên chép, cúng dường sẽ ở lại đây rộng giảng kinh điển này.

Khi đó, Đức Phật bảo các chúng Đại Bồ-tát:

– Thôi đi thiện nam! Chẳng cần các ông hộ trì kinh này. Vì sao? Vì ở thế giới Ta-bà đã có sáu vạn hằng hà sa các Đại Bồ-tát. Mỗi Bồ-tát đều có sáu vạn hằng sa quyến thuộc, những người này có thể sau khi Như Lai diệt độ, giữ gìn đọc tụng giảng nói kinh này.

Lúc Phật nói lời đó rồi tam thiên đại thiên cõi nước ở thế giới Ta-bà, mặt đất đều chấn động. Ở trong đó có vô lượng ngàn vạn ức Đại Bồ-tát cùng lúc vọt lên. Thân các vị ấy đều có sắc vàng, đủ ba mươi hai tướng tốt cùng vô lượng ánh sáng. Trước đây các vị ấy đều ở dưới cõi Ta-bà, cõi ấy trụ giữa hư không. Các vị Bồ-tát nghe tiếng nói của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni từ dưới cõi Ta-bà đến. Mỗi vị Bồ-tát đều là bậc Thượng thủ trong chúng đều đem theo sáu vạn hằng sa quyến thuộc, có vị đem năm vạn, bốn vạn, ba vạn, hai vạn, một vạn hằng hà sa quyến thuộc, có vị chỉ đem một hằng hà sa, nửa hằng hà sa, một phần tư hằng hà sa cho đến một phần trong ngàn vạn ức na-do-tha quyến thuộc, có vị đem ngàn vạn ức na-do-tha quyến thuộc, có vị đem ức vạn quyến thuộc, có vị đem ngàn vạn trăm vạn cho đến một vạn quyến thuộc, huống chi đem một ngàn, một trăm cho đến mười quyến thuộc.

Có vị đem năm, bốn, ba, hai, một đệ tử, huống chi có vị chỉ một mình ưa hạnh viễn ly. Các vị này nhiều vô lượng, vô biên, dùng toán số ví dụ cũng không thể biết được. Các vị Bồ-tát này từ đất vọt lên đều đến chỗ tháp đẹp bảy báu trụ giữa hư không của Đức Phật Đa Bảo Như Lai và Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Đến rồi hướng về hai vị Thế Tôn cúi đầu làm lễ dưới chân và đến chỗ các Đức Phật ngồi trên tòa Sư tử dưới cội cây báu, cũng đều làm lễ, nhiễu quanh bên phải ba vòng chắp tay cung kính, dùng các pháp tán thán của Bồ-tát mà ngợi khen Phật rồi đứng qua một bên, ưa muốn chiêm ngưỡng hai Đấng Thế Tôn.

Từ lúc các Đại Bồ-tát này từ dưới đất vọt lên, dùng các pháp khen ngợi của Bồ-tát mà khen ngợi Phật, trong thời gian ấy trải qua năm mươi tiểu kiếp. Lúc này, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ngồi im lặng và bốn chúng cũng đều im lặng suốt năm mươi tiểu kiếp. Do thần lực của Phật khiến các đại chúng xem như nửa ngày. Bấy giờ bốn chúng cũng nhờ thần lực của Phật nên thấy hàng Bồ-tát đầy khắp vô lượng trăm ngàn vạn ức cõi nước hư không. Trong chúng Bồ-tát ấy có bốn vị Đạo sư:

1. Thượng Hạnh.
2. Vô Biên Hạnh.
3. Tịnh Hạnh.
4. An Lập Hạnh.

Bốn vị Bồ-tát này đều là bậc Thầy thượng thủ dẫn đường tối thắng nhất ở trong đại chúng. Ở trước đại chúng họ đều chắp tay, nhìn Phật Thíeh-ca Mâu-ni và thăm hỏi:

– Bạch Thế Tôn! Thế Tôn có ít bệnh, ít não, an vui chăng? Những người đáng độ giáo hóa dễ chăng? Chẳng làm Thế Tôn sinh mệt mỏi chăng?

Lúc ấy, bốn vị Bồ-tát nói kệ:

Thế Tôn an vui
Ít bệnh, ít não
Giáo hóa chúng sinh
Không có mỏi mệt.
Các hàng chúng sinh
Thọ giáo dễ chăng?
Chẳng làm Thế Tôn
Sinh mỏi mệt chăng?

Bấy giờ, ở giữa hàng đại chúng Bồ-tát, Đức Thế Tôn nói:

– Đúng vậy, này thiện nam! Như Lai an vui, ít bệnh, ít não, hóa độ hàng chúng sinh dễ dàng không có mệt mỏi. Vì sao? Vì các chúng sinh từ nhiều đời đến nay thường được ta dạy bảo, cũng từng ở nơi chư Phật quá khứ cúng dường, tôn trọng trồng các căn lành. Các chúng sinh này vừa mới thấy ta, nghe ta nói pháp liền tin thọ trì vào trong trí tuệ của Như Lai, trừ người trước đây đã tu tập học hạnh Tiểu thừa, những người như vậy; nay ta cũng khiến được nghe kinh này vào trong trí tuệ của Phật.

Lúc ấy, các vị Bồ-tát nói kệ:

Hay thay, hay thay
Đại Hùng Thế Tôn!
Các hàng chúng sinh
Đều dễ hóa độ.
Hay hỏi chư Phật
Trí tuệ sâu xa
Chúng con tùy hỷ
Nghe rồi vâng làm.

Khi ấy, Đức Thế Tôn khen ngợi các vị Đại Bồ-tát Thượng thủ:

– Lành thay, lành thay, này thiện nam! Các ông có thể đối với Như Lai mà phát tâm tùy hỷ.

Bồ-tát Di-lặc và tám ngàn hằng ha sa chúng Bồ-tát, đều nghĩ: “Chúng ta từ xưa đến nay chẳng thấy, chẳng nghe, các chúng Đại Bồ-tát như vậy từ đất vọt lên đứng trước Thế Tôn, chắp tay cúng dường, thăm hỏi Như Lai.” Bấy giờ, biết tâm niệm của tám ngàn hằng sa các Bồ-tát và muốn giải quyết sự nghi ngờ của mình, Đại Bồ-tát Di-lặc chắp tay hướng về Phật, dùng kệ hỏi:

Vô lượng ngàn vạn ức
Các đại chúng Bồ-tát
Từ xưa chưa từng thấy
Xin Thế Tôn gíảng nói.
Họ từ chỗ nào đến
Do duyên gì vân tập?
Thân lớn đại thần thông
Trí tuệ chẳng nghĩ bàn,
Chí niệm rất bền vững
Có sức nhẫn nhục lớn
Cảnh chúng sinh ưa thấy
Là từ chốn nào đến?
Mỗi mỗi hàng Bồ-tát
Đem theo các quyến thuộc
Số ấy không thể lường
Nhiều như cát sông Hằng
Hoặc có Đại Bồ-tát
Đem sáu vạn hằng sa
Các đại chúng như thế
Nhất tâm cầu Phật đạo.
Các Đại sư như vậy
Có sáu vạn hằng sa
Đều đến cúng dường Phật
Cùng hộ trì kinh này.
Đem năm vạn hằng sa
Số này hơn số kia
Bốn vạn hoặc ba vạn
Hai vạn đến một vạn,
Một ngàn hay một trăm
Cho đến một hằng sa
Nửa hoặc ba bốn phần
Một phần trong ức vạn,
Ngàn vạn na-do-tha
Vạn ức các đệ tử
Cho đến trong nửa ức
Lại nhiều hơn số trên.
Trăm vạn đến một vạn
Một ngàn hoặc một trăm
Năm mươi cùng một mươi
Cho đến ba, hai, một,
Một mình không quyến thuộc
Ưa thích ở chỗ vắng
Đều đến chỗ Thế Tôn
Số này nhiều hơn trên.
Các đại chúng như thế
Nếu người phát thẻ đếm
Trải qua hằng sa kiếp
Còn không thể biết được,
Các vị oai đức lớn
Chúng Bồ-tát tinh tấn
Ai thuyết pháp cho chúng
Giáo hóa được thành tựu
Theo vị nào phát tâm
Khen ngợi Phật pháp nào
Tu hành thọ kinh gì?
Tu tập Phật đạo nào?
Các Bồ-tát như thế
Thần thông trí lực lớn
Đất bốn phương rúng nứt
Đều từ đó vọt lên.
Thế Tôn, con từ xưa
Chưa từng thấy điều này
Xin nói từ đâu đến
Danh hiệu cõi nước kia;
Con thường qua các nước
Chưa từng thấy chúng này,
Con ở trong chúng đây
Không biết được một người.
Bỗng nhiên từ đất lên
Xin nói rõ lý do
Nay trong đại chúng đây
Vô lượng trăm ngàn ức,
Các chúng Bồ-tát này
Đều muốn biết việc đây
Gốc ngọn và nhân duyên,
Của chúng Bồ-tát kia
Thế Tôn đức vô lượng
Xin giải rõ tâm nghi.

Lúc ấy, các Hóa thân của Phật Thích-ca Mâu-ni từ vô lượng ngàn vạn ức cõi nước phương khác đến, đang ngồi kiết già trên tòaSư tử dưới các cây báu khắp trong bốn phương. Thị giả của các Đức Phật ấy cũng thấy đại chúng Bồ-tát từ dưới đất vọt lên trụ giữa hư không. Ở khắp bốn phương trong tam thiên đại thiên thế giới, các thị giả liền bạch các Đức Phật:

– Bạch Thế Tôn! Vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ đại chúng Bồ-tát này từ chỗ nào đến.

Lúc ấy, chư Phật bảo các thị giả:

– Này các thiện nam! Hãy đợi chốc lát, có Đại Bồ-tát Di-lặc, được Phật Thích-ca Mâu-ni thọ ký, kế đến sẽ thành Phật, đã thưa hỏi việc này, nay Đức Phật sẽ giải đáp, các ông nhân đó được nghe.

Bấy giờ, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni bảo Bồ-tát Di-lặc:

– Lành thay, lành thay! Ông có thể hỏi việc lớn như vậy. Các ông phải cùng nhau nhất tâm, mặc áo giáp tinh tấn, phát sinh tâm vững chắc, nay Như Lai muốn hiển bày trí tuệ, diệu lực thần thông tự tại của Phật, sức mạnh hùng tráng sư tử của chư Phật và uy lực dũng mãnh của chư Phật.

Muốn tuyên lại nghĩa trên, Thế Tôn nói kệ:

Ta sẽ nói việc này
Phải tinh tấn nhất tâm,
Chớ sinh tâm nghi ngờ
Trí Phật khó luận bàn,
Ông phải có sức tin
Khéo ghi nhận rõ rang,
Xưa chưa từng n ghe pháp
Nay đều, sẽ được nghe.
Ta an ủi các ông
Chớ nên hoài nghi sợ
Lời Phật nói chân thật
Trí tuệ không thể lường.
Phật chứng pháp đệ nhất
Thâm sâu khó phân biệt
Ta sẽ nói như vậy
Các ông nhất tâm nghe.

Nói kệ rồi, Thế Tôn bảo Bồ-tát Di-lặc:

– Nay ta ở trong đại chúng này, giải đáp cho các ông và Bồ-tát Di-lặc, vô lượng, vô biên, vô số a-tăng-kỳ các vị Đại Bồ-tát này, từ dưới đất vọt lên, xưa các ông chưa từng thấy, ta ở trong cõi Ta-bà đã chứng đạo quả Vô thượng Bồ-đề, chỉ dạy Bồ-tát ấy điều phục tâm và phát khởi tâm Bồ-đề, các Bồ-tát đó , ở trong thế giới dưới Ta-bà, trụ giữa hư không, đọc tụng kinh điển thông suốt, suy nghĩ rõ ràng, ghi nhớ chân chánh.

Di-lặc! Các thiện nam này, không thích ở chỗ đông người, náo nhiệt, thường thích ở chỗ thanh vắng, siêng tu tinh tấn, chưa từng nghĩ ngợi, cũng không ở chung với các chư Thiên và loài người, thường thích trí tuệ sâu xa không chướng ngại, thích pháp của chư Phật, nhất tâm tinh tấn cầu trí tuệ vô thượng.

Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên nói kệ:

Di-lặc ông nên biết
Các Đại Bồ-tát này
Đã từng vô số kiếp
Tu tập trí tuệ Phật,
Đều nhờ ta giáo hóa
Khiến phát đạo tâm lớn.
Các ông là con ta
Ở trong thế gian này
Thường tu hạnh Đầu-đà
Rất thích chỗ thanh vắng,
Xa lánh nơi ồn náo
Không ưa nói nhiều chuyện
Những người con như vậy
Học tập đạo pháp ta.
Ngày đêm thương tinh tấn
Vì muốn cầu Phật đạo.
Đứng ở giữa hư không
Dưới thế giới Ta-bà,
Sức chí niệm vững chắc
Thường siêng cầu trí tuệ
Nói đủ các diệu pháp
Tâm không còn lo sợ.
Ta ở thành Già-da
Ngồi dưới cội Bồ-đề.
Thành tựu Chánh đẳng giác
Chuyển pháp luân vô thượng,
Mới giáo hóa cho họ
Khiên phát được đạo tâm,
Nay đều trụ không thoái.
Tất cả sẽ thành Phật.
Nay ta nói lời thật
Các ông một lòng tin,
Đã từ vô số kiếp
Ta giáo hóa chúng này.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Di-lặc và vô số các Bồ-tát sinh tâm nghi ngờ, việc lạ chưa từng có, rồi suy nghĩ: “Thế Tôn làm sao chỉ trong một thời gian ngắn mà có thể giáo hóa vô số, vô biên a-tăng-kỳ các Đại Bồ-tát như vậy, làm cho trụ trong đạo quả Vô thượng Bồ-đề.”

Họ liền thưa Phật:

– Bạch Thế Tôn! Như Lai từ khi còn là Thái tử, ra khỏi cung điện dòng họ Thích, cách thành Già-da không xa, ngồi ở đạo tràng, thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề, từ đó đến nay mới hơn bốn mươi năm. Bạch Thế Tôn! Làm sao trong thời gian ngắn đó Phật có thể dùng thần lực công đức giáo hóa vô lượng chúng Đại Bồ-tát thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề và làm được Phật sự lớn như vậy?

Bạch Thế Tôn! Đối với chúng Đại Bồ-tát này, giả sử có người đếm một ngàn vạn ức kiếp, đếm mãi cũng không thể hết, cũng không cùng tận, các vị Bồ-tát đó đã từ lâu ở nơi vô lượng, vô biên cõi nước của chư Phật, trồng các căn lành, thành tựu đạo Bồ-tát thường tu tập phạm hạnh.

Bạch Thế Tôn! Việc này như vậy, người đời khó tin. Ví như có người hai mươi lăm tuổi, tóc đen xinh đẹp, chỉ người trăm tuổi bảo đây là con ta, người trăm tuổi đó cũng chỉ người trẻ tuổi nói đây là cha ta đã sinh ra và nuôi dưỡng ta. Việc này khó tin! Phật cũng như vậy, từ khi thành đạo đến nay thật chưa bao lâu, cũng như các Bồ-tát trong đại chúng này, đã ở trong vô lượng ngàn vạn ức kiếp, vì muốn thành Phật đạo, nên nỗ lực tinh tấn, thường xuất nhập, trụ trăm ngàn vạn ức Tam-muội được thần thông vi diệu, tu tập phạm hạnh từ lâu, lần lượt khéo tu tập các pháp lành, rất giỏi hỏi đáp, là báu vật quý trong loài người, ở thế gian rất là hiếm có. Mà Thế Tôn lại bảo: “Khi ta được Phật đạo, bắt đầu khiến cho phát tâm rồi giáo hóa, chỉ đường cho họ hướng đến đạo quả Vô thượng Bồ-đề.”

Bạch Thế Tôn! Thế Tôn thành Phật chưa bao lâu, mà đã làm các việc công đức vĩ đại như vậy. Tuy chúng con vẫn tin vào sự tùy cơ nghi của Ngài và lời Phật nói ra chưa từng hư dối, những điều Phật biết đều đã thông đạt, nhưng các Bồ-tát mới phát tâm, sau khi Phật diệt độ, nếu được nghe lời này có thể không tin nhận, nên sinh ra nhân duyên nghiệp tội phá pháp. Nguyện xin Thế Tôn giải thích trừ mối nghi ngờ cho chúng con và các thiện nam trong đời vị lai, nghe việc này rồi cũng không còn sinh nghi ngờ.
Bấy giờ, Bồ-tát Di-lặc muốn tuyên lại nghĩa trên nói kệ:

Xưa Phật dòng họ Thích
Xuất gia gần Già-da
Ngồi dưới cội Bồ-đề
Cách nay còn chưa xa.
Các Phật tử ở đây
Số đông không thể lường,
Từ lâu tu Phật đạo
Trụ trí lực thần thông,
Siêng học đạo Bồ-tát
Không nhiễm pháp thế gian,
Như hoa sen trong nước
Từ dưới đất vọt lên,
Đều sinh tâm cung kính
Đứng ở trước Thế Tôn.
Việc này khó nghĩ bàn
Làm sao có thể tin?
Phật chứng đạo chưa lâu
Giáo hóa được nhiều người!
Xin trừ nghi cho chúng
Như thật nói rõ rang,
Ví như người còn trẻ
Tuổi mới vừa hai lăm
Chỉ người đã trăm tuổi
Tóc bạc và mặt nhăn
Là con của tôi sinh;
Con cũng nói là cha
Cha trẻ mà con già
Thế gian không tin được!
Thế Tôn cũng như vậy,
Chứng đạo không bao lâu
Các chúng Bồ-tát đây
Chí vững không khiếp nhược,
Đã từ vô số kiếp
Tu hành đạo Bồ-tát.
Khéo hỏi đáp điều khó
Tâm họ không lo sợ
Tành nhẫn nhục quyết định,
Xinh đẹp có đủ đức
Mười phương Phật khen ngợi,
Khéo giảng nói rõ ràng
Không thích chỗ đông người
Thường vui trong thiền định,
Chỉ vì cầu Phật đạo
Trụ ở hư không dưới.
Chúng con nghe từ Phật
Việc này không nghi ngại,
Xin Phật vì đời sau
Giảng nói cho hiểu rõ.
Nếu có người không tin
Sính nghi ngờ kinh này,
Sẽ bị đọa đường ác
Nay xin Phật nói rõ.
Vô lượng Bồ-tát này
Sao trong thời gian ngắn
Được giáo hóa phát tâm
Chứng quả vị không thoái?

 

Phẩm 15: THỌ LƯỢNG CỦA ĐỨC PHẬT

Bấy giờ, Đức Phật bảo các Đại Bồ-tát và tất cả đại chúng:

– Này thiện nam! Các ông phải tin hiểu lời nói chân thật của Như Lai! Lại bảo các đại chúng các ông nên tin hiểu lời nói chân thật của Như Lai!

Khi ấy, Bồ-tát Di-lặc Thượng thủ trong đại chúng này chắp tay thưa Phật:

– Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn chỉ dạy, chúng con sẽ tin nhận lời Phật dạy!

Bạch như vậy ba lần, rồi lại nói:

– Xin Thế Tôn chỉ dạy chúng con sẽ tin nhận lời Phật dạy!

Lúc ấy Thế Tôn biết các Bồ-tát đã thưa thỉnh ba lần không ngừng nên bảo:

– Các ông hãy lắng nghe diệu lực thần thông bí mật của Như Lai, tất cả Trời, Người và A-tu-la trong thế gian đều cho rằng: “Đức Phật Thích-ca Mâu-ni rời bỏ cung điện dòng họ Thích cách thành Già-da không xa, ngồi nơi đạo tràng, chứng được quả Vô thượng Bồ-đề.” Nhưng này thiện nam! Ta thật sự thành Phật đến nay đã vô lượng, vô biên, trăm ngàn vạn ức vô số a-tăng-kỳ tam thiên đại thiên thế giới. Giả sử có người đem cả thế giới ấy nghiền thành hạt bụi, đi về hướng Đông qua năm trăm ngàn vạn ức na-do-tha, vô số cõi nước mới thả xuống một hạt bụi. Lần lượt như vậy, đi về hướng Đông bỏ hết số bụi ấy. Này thiện nam! Ý các ông nghĩ sao? Các thế giới ấy có thể nào suy nghĩ, tính đếm mà biết được số lượng chăng?

Bồ-tát Di-lặc và đại chúng cùng thưa Phật:

– Bạch Thế Tôn! Các thế giới ấy vô lượng, vô biên chẳng phải tính đếm mà biết được, cũng chẳng phải nhờ năng lực của tâm ý, tất cả hàng Thanh văn, Bích-chi-phật dùng trí tuệ vô lậu cũng không thể suy nghĩ được giới hạn số lượng của nó. Chúng con tuy là trụ trong quả vị không thoái chuyển, nhưng đối với việc này cũng không thể hiểu rõ.

Bạch Thế Tôn! Các thế giới ấy nhiều vô lượng, vô biên như vậy.

Bấy giờ, Đức Phật bảo chúng Đại Bồ-tát:

– Này thiện nam! Nay ta sẽ nói rõ cho các ông biết. Những thế giới này, hoặc dù có đặt hạt bụi hay không đặt hạt bụi, số đó đều đem nghiền hết số thế giới ấy thành bụi, mỗi hạt bụi là một kiếp. Từ khi ta thành Phật đến nay còn nhiều hơn số này nữa đến trăm ngàn vạn ức na-do-tha, vô số kiếp. Ta thường ở thế giới Ta-bà này thuyết pháp, giáo hóa, cùng ở trong trăm ngàn vạn ức na-do-tha vô số cõi nước khác, dẫn dắt và làm lợi ích cho chúng sinh. Này thiện nam, ở trong khoảng thời gian ấy, ta nói về Phật Nhiên Đăng… lại nói vị ấy sẽ nhập Niết-bàn, những việc như vậy ta đều dùng phương tiện phân biệt mà nói. Này thiện nam! Nếu có chúng sinh đến chỗ ta, ta liền dùng Phật nhãn quán sát các căn lợi độn và niềm tin của người đó tùy theo căn cơ thích hợp mà hóa độ. Tại mỗi quốc độ, Như Lai tự nói danh hiệu khác nhau, tuổi tác lớn nhỏ khác nhau, lại nói sẽ nhập Niết-bàn, dùng các phương tiện nói phá p ví diệu, có thể khiến cho chúng sinh phát tâm vui mừng.

Các thiện nam! Như Lai thấy các chúng sinh ưa thích pháp Tiểu thừa, đức mỏng tội dày, vì những người ấy mà nói rằng: “Ta lúc nhỏ xuất gia chứng được đạo quả Vô thượng Bồ-đề. Nhưng thật sự ta thành Phật đến nay rất lâu xa, chỉ dùng phương tiện giáo hóa chúng sinh, làm cho họ được vào Phật đạo.”

Các thiện nam! Kinh điển của Như Lai thuyết giảng đều vì độ thoát chúng sinh. Hoặc nói thân mình, hoặc nói thân người khác, hoặc chỉ thân mình, hoặc chỉ thân người khác, hoặc chỉ việc mình hoặc chỉ việc người khác, các lời nói ấy đều thật chẳng dối. Vì sao? Vì Như Lai như thật thấy biết tướng của ba cõi, không có sinh tử, hoặc ẩn hoặc hiện, cũng không ở đời và diệt độ. Chẳng thật chẳng hư, chẳng giống chẳng khác, không phải như ba cõi thấy về ba cõi đâu. Những việc như vậy, Như Lai đã thấy rõ không sai lầm, vì các chúng sinh có các tánh, các dục, các hạnh, các nhớ tưởng phân biệt khác nhau, muốn họ sinh các căn lành nên đem nhiều nhân duyên, thí dụ, lời lẽ giảng nói các pháp, chưa từng ngừng bỏ làm các Phật sự. Như ta thành Phật đến nay rất lâu xa, sống lâu vô lượng, vô số kiếp, thường trụ chẳng diệt.

Các thiện nam! Do ta xưa tu hành đạo Bồ-tát được tuổi thọ sống lâu đến nay vẫn chưa hết, số còn lại hơn cả số trên. Nhưng nay chẳng phải thật diệt độ mà nói sẽ diệt độ. Như Lai dung phương tiện giáo hóa chúng sinh. Vì sao? Vì nếu Phật sống lâu ở đời thì người đức mỏng, không trồng căn lành, kẻ bần cùng hạ tiện, tham đắm năm món dục, sa vào lưới vọng tà kiến, nếu thấy Như Lai ở đời mãi không nhập diệt thì kiêu mạn, buông lung, biếng nhác, không thể có tâm cung kính nhớ tưởng, khó gặp Phật. Cho nên Như Lai phương tiện nói các Tỳ-kheo phải biết, chư Phật xuất hiện ở đời rất khó gặp. Vì sao? Vì những người phước đức mỏng, trải qua vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp, hoặc được gặp Phật, hoặc không gặp Phật, do việc này nên ta nói như vầy: “Này các Tỳ-kheo! Rất khó gặp được Như Lai”. Các chúng sinh ấy nghe như vậy rồi, chắc sẽ sinh tư tưởng khó gặp được Phật, tâm thường luyến mộ khát ngưỡng đối với Phật, nên gieo trồng căn lành. Vì thế, Như Lai tuy không diệt độ thật mà nói diệt độ.

Lại nữa, này thiện nam! Pháp của chư Phật Như Lai đều như vậy, vì độ chúng sinh đều nói thật không dối. Ví như vị thầy thuốc trí tuệ sáng suốt, luyện phương thuốc hay trị được nhiều bệnh, người đó nhiều con cháu, hoặc mười người, hai mươi người, cho đến số trăm, do có việc đi xa đến nước khác, sau đó các con uống nhằm thuốc độc, thuốc thấm vào phát sinh mê loạn, lăn lộn trên đất. Khi ấy, người cha từ nước xa trở về, thấy các con mình uống thuốc độc, hoặc người bị mất trí, hoặc người còn trí. Thấy cha từ xa về, họ đều vui mừng, quỳ lạy thăm hỏi cha an ổn trở về, chúng con ngu si uống lầm thuốc độc, xin cha cứu vớt ban cho mạng sống. Cha thấy các con khổ não như vậy, dựa theo bài thuốc tìm thảo dược tốt, đầy đủ mùi thơm vị ngon, đâm nghiền hòa chung đưa cho con uống, lại nói như vầy, loại thuốc hay này đầy đủ sắc hương vị thơm, các con nên uống, mau trừ khổ não, không còn bệnh hoạn.

Trong những người con, có người không mất trí, thấy thuốc hay này sắc hương vị tốt liền lấy uống, nên hết bệnh ngay và người mất trí thấy cha mình về, tuy có vui mừng thăm hỏi, cầu xin trị bệnh, nhưng cha cho thuốc không chịu uống. Vì sao? Vì hơi độc ngấm nhiều, mất hẳn trí nhớ, thuốc hay vị ngon này mà cho đắng không chịu uống. Người cha suy nghĩ: “Những người con này thật đáng thương, bị trúng độc làm tâm điên đảo, tuy thấy ta, vui mừng cầu xin cứu chữa, nhưng không chịu uống thuốc hay này, nay ta nên bày cách khiến uống thuốc này.” Liền nói: “Các con nên biết, nay cha già yếu giờ chết sắp đến, thuốc hay này để ở đây, các con nên lấy uống chớ lo không hết bệnh.”

Nói như vậy rồi, đi đến nước khác, ông ta sai người về nói lại, cha của các người đã chết, khi đó những người con nghe tin cha mất, tâm rất buồn rầu liền suy nghĩ: “Nếu cha còn sống thương xót chúng ta che chở cứu giúp, nay bỏ ta chết ở nước khác, chỉ còn một mình ta côi cút không còn chỗ cậy nhờ.” Thường nhớ nghĩ buồn rầu, tâm liền tỉnh ngộ, mới biết thuốc hay này mùi vị thơm ngon, bèn lấy uống, bệnh độc tiêu trừ. Người cha nghe các con đã được lành mạnh, liền trở về nhà để gặp chúng. Này các thiện nam! Ý ông nghĩ sao? Có người nào nói vị lương y này mắc tội nói dối chăng?

– Không phải, bạch Thế Tôn!

Phật bảo:

– Ta cũng như vậy, thành Phật đến nay đã vô lượng, vô biên trăm ngàn vạn ức vô số a-tăng-kỳ kiếp, vì chúng sinh dùng sức phương tiện nói sẽ diệt độ, cũng không thể như pháp ấy mà nói ta đã có lỗi hư dối.

Bấy giờ, muốn tuyên rõ sự việc trên, Thế Tôn nói kệ:

Ta thành Phật đến nay
Trải qua vô số kiếp
Vô lượng trăm ngàn vạn
A-tăng-kỳ ức năm,
Thường nói pháp giáo hóa
Vô số ức chúng sinh
Khiến đi vào Phật đạo
Đến nay vô lượng kiếp.
Vì độ thoát chúng sinh
Phương tiện hiện Niết-bàn
Kỳ thật không diệt độ
Thường ở đây nói pháp.
Ta thường trụ ở đây
Dùng diệu lực thần thông,
Khiến chúng sinh điên đảo
Dù gần nhưng không thấy.
Họ thấy ta diệt độ
Cúng dường xá-lợi Phật,
Đều tỏ lòng luyến mộ
Và sinh tâm khát ngưỡng.
Chúng sinh đã tin phục
Ý nhu hòa ngay thẳng,
Nhất tâm muốn thấy Phật
Chẳng tiếc thân mạng mình.
Lúc ta cùng chúng Tăng
Ra khỏi núi Linh thứu
Ta nói với chúng sinh
Thường ở đây không diệt.
Nhờ dùng sức phương tiện
Hiện diệt nhưng không diệt,
Nước khác có chúng sinh
Tâm cung kính tin nghe.
Ta ở trong nước đó
Giảng nói pháp Vô thượng
Các ông không chịu nghe
Cho rằng ta diệt độ.
Ta thấy các chúng sinh
Chìm đắm trong khổ não
Cho nên không hiện thân
Khiến chúng sinh khát ngưỡng,
Do tâm họ luyến mộ
Mới xuất hiện nói pháp
Sức thần thông như vậy
Trong a-tăng-kỳ-kiếp.
Thường ở núi Linh thứu
Và các trụ xứ khác
Chúng sinh ở kiếp tận
Lúc lửa dữ thiêu đốt.
Cõi ta đây an ổn
Trời ngườí luôn đông đủ
Vườn rừng các giảng đường
Trang nghiêm đủ các báu
Cây báu nhiều hoa trái
Chỗ chúng sinh vui chơi
Chư Thiên đánh trống trời
Thường trổi các âm nhạc,
Rưới hoa Mạn-đà-la
Cúng ta và đại chúng
Tịnh độ ta không hoại
Chúng sinh thấy thiêu đốt,
Lo sợ các khổ não
Những việc nhiều như vậy
Là tội các chúng sinh
Do nhân duyên nghiệp ác
Qua a-tăng-kỳ kiếp
Không nghe tên Tam bảo.
Người nhu hòa ngay thẳng
Nhờ tu các công đức
Thì thấy được thân ta
Giảng pháp ở nơi đây.
Có khi vì chúng này
Nói Phật sống vô lượng
Lâu lắm mới gặp được
Nói Phật rất khó gặp,
Trí lực ta như vậy
Tuệ sáng chiếu vô lượng
Sống lâu vô số kiếp
Tu hành lâu mới chứng
Các ông người có trí
Chớ sinh tâm nghi ngờ
Nên đoạn hết không còn.
Lời Phật không hư dối
Như lương y phương tiện
Trị bệnh cuồng cho con
Đang sống mà nói chết
Không nói ông hư dối
Ta là cha trong đời
Cứu chúng sinh khổ não
Vì phàm phu điên đảo
Đang sống mà nói diệt
Nếu thường được thấy ta
Thì sinh tâm kiêu mạn
Buông lung tham năm dục
Đọa vào trong đường ác
Ta thường biết chúng sinh
Hành đạo, chẳng hành đạo
Tùy nói đáng được độ
Mà nói các pháp môn.
Tự mình nghĩ thế này
“Lấy gì khiến chúng sinh
Chứng đắc đạo Vô thượng
Mau thành tựu thân Phật.”

 

Phẩm 16: PHÂN BIỆT CÔNG ĐỨC

Bấy giờ, sau khi tất cả chúng trong đại hội đã được nghe nói về kiếp số tuổi thọ dài lâu của Phật, vô lượng, vô biên, vô số chúng sinh được lợi ích lớn, như vậy, Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Di-lặc:

– Này A-dật-đa! Lúc ta nói tuổi thọ của Như Lai dài lâu, có sáu trăm tám mươi vạn ức na-do-tha hằng hà sa số chúng sinh, chứng pháp Nhẫn vô sinh, lại có gấp bội ngàn Đại Bồ-tát được môn Văn trì Đà-la-ni.

Lại có vô số Đại Bồ-tát nhiều như số trong một thế giới được Nhạo thuyết biện tài vô ngại.

Lại có vô số Đại Bồ-tát nhiều như số bụi trong một thế giới được trăm ngàn vạn ức vô lượng Triền Đà-la-ni.

Lại có vô số Đại Bồ-tát nhiều như số bụi trong tam thiên đại thiên thế giới chuyển được pháp luân không thoái.

Lại có vô số Đại Bồ-tát nhiều như số bụi trong hai ngàn quốc độ chuyển được pháp luân thanh tịnh.

Lại có vô số Đại Bồ-tát nhiều như số bụi trong tiểu thiên quốc độ, còn tám đời nữa sẽ được Vô thượng Bồ-đề.

Lại có vô số Đại Bồ-tát nhiều như số bụi gấp bốn lần của bốn châu thiên hạ, bốn đời sẽ được Vô thượng Bồ-đề.

Lại có vô số Đại Bồ-tát nhiều như số hạt bụi gấp ba lần của bốn châu thiên hạ, ba đời sẽ được Vô thượng Bồ-đề.

Lại có vô số Đại Bồ-tát nhiều như số hạt bụi gấp hai lần của bốn châu thiên hạ, hai đời sẽ được Vô thượng Bồ-đề.

Lại có vô số Đại Bồ-tát nhiều như số bụi gấp bốn châu thiên hạ, một đời sẽ được Vô thượng Bồ-đề.

Lại có vô số chúng sinh nhiều như số bụi tám thế giới đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề.

Lúc Đức Phật nói các Đại Bồ-tát ấy được pháp lợi lớn, thì giữa hư không mưa hoa Mạn-đà-la, hoa Ma-ha mạn-đà-la rải trên vô lượng trăm ngàn vạn ức Đức Phật ngồi tòa Sư tử dưới cội cây báu và rải trên Đức Phật Thích-ca Mâu-ni cùng Đức Phật Đa Bảo đã diệt độ từ lâu, đang ngồi tòa Sư tử trong tháp bảy báu, cũng rải trên tất cả các vị Bồ-tát và bốn bộ chúng.

Lại nữa, hương bột Chiên-đàn trầm thủy… tung ở giữa hư không, trống trời tự kêu tiếng hay vang xa. Lại mưa ngàn thứ y trời, rủ xuống các chuỗi ngọc, chuỗi ngọc trân châu, chuỗi ngọc ma-ni, chuỗi châu như ý, ở khắp chín phương, các lò hương báu đốt hương vô giá, tự nhiên vây quanh cúng dường đại chúng. Trên mỗi Đức Phật có các Bồ-tát cầm phướn lọng, theo thứ lớp mà lên đến trời Phạm thiên.

Các vị Bồ-tát ấy dùng âm thanh vi diệu, có vô lượng bài tụng khen ngợi các Đức Phật. Bấy giờ, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y bày vai phải, Bồ-tát Di-lặc chắp tay hướng về phía Phật nói kệ:

Phật nói pháp hiếm có
Từ xưa chưa từng nghe,
Thế Tôn thần lực lớn
Sống lâu không thể lường.
Vô số các Phật tử
Nghe Thế Tôn phân biệt,
Nói được pháp lợi ấy
Hoan hỷ tràn khắp thân.
Có người trụ bất thoái
Hoặc được Đà-la-ni,
Hoặc Vô ngại nhạo thuyết
Vạn ức Triền tổng trì.
Hoặc vô số Bồ-tát
Như số bụi đại thiên,
Mỗi vị đều chuyển được
Pháp luân không thoái chuyển.
Lại có số Bồ-tát
Như số bụi đại thiên,
Mỗi vị đều chuyển được
Các pháp luân thanh tịnh.
Có Bồ-tát nhiều như
Vi trần tiểu thiên giới,
Còn dư tám đời nữa
Sẽ được thành Phật đạo.
Lại có số Bồ-tát
Nhiều gấp bốn, ba, hai,
Vi trần của bốn châu
Theo số đời thành Phật.
Lại có số Bồ-tát
Như vi trần bốn châu,
Còn dư có một đời
Sẽ thành Nhất thiết trí.
Hàng chúng sính như thế
Nghe Phật sống dài lâu,
Được vô lượng vô lậu
Phước báo rất thanh tịnh.
Có chúng sinh nhiều như
Vi trần tám thế giới.
Nghe Phật nói thọ mạng
Đều phát tâm Vô thượng.
Thế Tôn nói vô lượng
Pháp chẳng thể nghĩ bàn,
Có được nhiều lợi ích
Như hưkhông vô biên.
Mưa hoa Mạn-đà-la
Ma-ha mạn-đà-la,
Thích, Phạm như hằng sa
Vô số cõí Phật đến.
Mưa Chiên-đàn, trầm thủy
Xen nhau mà rơi xuống,
Như chim bay không trung
Rải cúng dường chư Phật.
Trống trời giữa hư không
Phát âm thanh vi diệu
Ngàn vạn thứ áo trời
Xoay chuyển mà rơi xuống.
Các lò hương báu đẹp
Đốt hương quý vô giá,
Tự nhiên xông khắp nơi
Cúng dường các Thế Tôn.
Chúng Đại Bồ-tát ấy
Cầm phướn lọng bảy báu,
Vạn ức thứ cao đẹp
Thứ lớp đến Phạm thiên;
Trước mỗi mỗi Đức Phật
Treo cờ báu phướn đẹp,
Cũng dùng ngàn vạn kệ
Ca vịnh khen Như Lai
Các sự việc như thế
Từ xưa chưa từng có,
Nghe Phật sống vô tận
Tất cả đều vui mừng;
Mười phương nghe tiếng Phật
Lợi ích khắp chúng sinh,
Tất cả đủ căn lành
Trợ giúp tâm vô thượng.

Bấy giờ, Phật bảo Đại Bồ-tát Di-lặc:

– Này A-dật-đa! Chúng sinh nào nghe Phật sống lâu như vậy cho đến có thể sinh một niệm tin đúng thì được công đức không có hạn lượng. Trong tám mươi ức kiếp, thiện nam, thiện nữ nào vì đạo Vô thượng Bồ-đề mà tu năm pháp Ba-la-mật: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Thiền định ba-la-mật trừ Trí tuệ ba-la-mật, đem công đức này sánh với công đức trước thì không bằng một phần trong trăm phần, phần ngàn, trăm ngàn vạn ức phần, cho đến tính đếm thí dụ cũng chẳng biết được. Thiện nam nào có công đức như thế mà thoái thất nơi đạo Vô thượng Bồ-đề thì việc ấy không xảy ra.

Bấy giờ, muốn lập lại nghĩa trên, Thế Tôn nói kệ:

Người nào cầu tuệ Phật
Trong tám mươi vạn ức,
Na-do-tha số kiếp
Tu năm Ba-la-mật.
Ở trong các kiếp ấy
Bố thí cúng dường Phật,
Và Duyên giác đệ tử
Cùng các chúng Bồ-tát
Thức ăn quý sang trọng
Y phục và ngọa cụ
Tinh xá bằng chiên-đàn
Và vườn rừng xinh đẹp,
Bố thí các vật ấy
Tất cả đều tốt đẹp,
Tận cùng các số kiếp
Để hồi hướng Phật đạo.
Nếu giữ gìn cấm giới
Thanh tịnh không thiếu sót,
Mong cầu đạo Vô thượng
Được chư Phật khen ngợi.
Ai thực hành nhẫn nhục
Đứng trên đất nhu hòa,
Dầu bị người ác hại
Tâm họ không lay động,
Những người đắc pháp ấy
Bi bọn tăng thượng mạn
Khinh chê và quấy nhiễu
Như thế đều nhẫn được.
Hoặc siêng năng tinh tấn
Chí niệm thường bền vững,
Trong vô lượng ức kiếp
Nhất tâm không biếng nhác,
Ở trong vô số kiếp
An trú nơi vắng vẻ
Ngồi thiền hoặc kinh hành
Trừ ngủ thường nhiếp tâm;
Do các nhân duyên ấy
Phát sinh các thiền định,
Tám mươi ức vạn kiếp
Tâm an trú không loạn;
Đem phước thiền định này
Mong cầu đạo Vô thượng
Ta được Nhất thiết trí
Tận cùng các thiền định.
Người này trong trăm ngàn
Vạn ức các số kiếp,
Tu hành các công đức
Như trên đã giảng giải.
Có thiện nam, tín nữ
Nghe ta nói tuổi thọ,
Cho đến một niệm tin
Phước đây hơn người trước,
Nếu người nào không còn
Tất cả các nghi ngờ
Thân tâm tin chốc lát
Phước ấy nhiều như thế.
Nếu có các Bồ-tát
Vô lượng kiếp hành đạo,
Nghe ta nói tuổi thọ
Thì có thể tin nhận,
Các hạng người như thế
Đảnh lễ thọ kinh ấy.
Nguyện đời sau tu tập
Sống lâu độ chúng sinh,
Như Thế Tôn ngày nay
Vua trong dòng họ Thích,
Đạo tràng Sư tử hống
Nói pháp không sợ hãi,
Chúng ta đời vị lai
Được mọi người tôn kính.
Lúc ngồi ở đạo tràng
Nói tuổi thọ cũng vậy.
Nếu có người trong tâm
Trong sạch và ngay thẳng,
Học rộng và nhớ hết
Theo nghĩa giải lời Phật,
Những người như thế ấy
Trong đây không có nghi.

Lại nữa, này A-dật-đa! Người nào nghe Phật sống lâu mà chấp nhận lời nói đó thì người này được công đức không có hạn lượng, có thể phát sinh Tuệ vô thượng của Như Lai huống chi là người nghe nhiều kinh này hoặc dạy bảo cho người nghe, hoặc tự mình thọ trì, hoặc dạy người thọ trì, hoặc tự chép, hoặc dạy người chép, hoặc mang hương hoa, chuỗi ngọc, cờ phướn, lọng lụa, dầu thơm, đèn, nến cúng dường quyển kinh thì công đức của người ấy vô lượng, vô biên, có thể sánh với Nhất thiết chủng trí.

Này A-dật-đa! Thiện nam, thiện nữ nào nghe ta nói tuổi thọ dài lâu, hết lòng tin chắc thì được thấy Đức Phật luôn luôn thuyết pháp ở trong núi Linh thứu, có chúng Đại Bồ-tát và hàng Thanh văn vây quanh. Lại thấy thế giới Ta-bà này, đất bằng lưu ly tự nhiên bằng phẳng, vàng Diêm-phù-đề làm ranh giới tám con đường, cây báu giăng thành hàng, các lâu đài đều làm bằng châu báu, chúng Bồ-tát đều ở trong đó. Người nào quán được như vậy, phải biết đó là tướng tin hiểu rất sâu xa.

Lại nữa, sau khi Như Lai diệt độ người nào nghe kinh này không chê bai mà có tâm tùy hỷ thì biết người này có tướng tin hiểu sâu xa huống chi là đọc tụng, thọ trì kinh này. Người ấy trước là đầu đội Đức Như Lai.

Này A-dật-đa! Thiện nam, thiện nữ này không cần vì ta mà tạo dựng chùa tháp và làm nhà cho chúng Tăng, hoặc dùng bốn sự cúng đường để cúng dường chúng Tăng. Vì sao? Vì thiện nam, thiện nữ ấy thọ trì, đọc tụng kinh điển này là để tạo dựng tháp Phật và xây nhà cúng dường chúng Tăng thờ xá-lợi của Phật xây tháp bảy báu, cao rộng nhỏ dần lên đến cõi trời Phạm thiên, treo các phướn, lọng và các linh báu, hoa hương, chuỗi ngọc, hương bột, hương xoa, hương đốt, các trống, âm nhạc, ống tiêu, ống địch, đàn không hầu, các thứ ca múa dùng âm thanh vi diệu để ca ngâm khen ngợi Đức Phật thì ở trong vô lượng ngàn vạn ức kiếp đã làm việc cúng dường ấy rồi.

Này A-dật-đa! Sau khi ta diệt độ, người nào nghe kinh này có khả năng thọ trì, hoặc tự mình chép, hoặc bảo người chép thì đã xây dựng nhà cho chúng Tăng, dùng gỗ Chiên-đàn để làm giảng đường, có ba mươi hai cơ sở, cao tám cây Đa-la, cao rộng trang nghiêm, đẹp đẽ, có trăm ngàn Tỳ-kheo ở trong đó, vườn rừng ao tắm, chỗ kinh hành, hang ngồi thiền, y phục thức ăn uống, giường, nệm, thuốc thang, tất cả đồ dùng đều đầy đủ ở trong đó, giảng đường của chúng Tăng có đến vô số, vô lượng trăm ngàn vạn ức dùng để cúng dường Phật và Tăng hiện tiền. Cho nên ta nói: “Sau khi Như Lai diệt độ, người nào thọ trì, đọc tụng vì người khác nói, hoặc tự mình chép hoặc bảo người khác chép, cúng dường quyển kinh thì không cần xây dựng chùa tháp và tạo lập nhà Tăng, cúng dường chúng Tăng. Huống chi có người thọ trì kinh này, mà còn tu hành Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền đính, Trí tuệ thì công đức ấy thù thắng vô lượng, vô biên. Ví như Đông, Tây, Nam, Bắc bốn phía, trên dưới vô lượng, vô biên, công đức của người đó cũng vô lượng, vô biên, mau đến bậc Nhất thiết chủng trí. Nếu có người thọ trì, đọc tụng kinh này, nói cho người khác, hoặc tự chép, hoặc bảo người chép, lại có thể xây dựng chùa tháp cùng tạo lập nhà Tăng cúng dường khen ngợi chúng Thanh văn, cũng dùng trăm ngàn vạn ức pháp khen ngợi mà khen ngợi công đức của Bồ-tát.

Lại nói cho người khác bằng các thứ nhân duyên theo nghĩa giải nói kinh Pháp Hoa này, cho người khác, lại có thể thanh tịnh trì giới, ở chung cùng nhu hòa, nhẫn nhục không sân, chí niệm bền vững, thường quý ngồi thiền được các định thâm sâu, tinh tấn mạnh mẽ, nắm vững các pháp lành, lợi căn trí tuệ, trả lời đúng câu hỏi thông minh .

A-dật-đa! Sau khi ta diệt độ nếu các thiện nam, thiện nữ nào thọ trì, đọc tụng kinh điển này và có các công đức lành như thế, phải biết người ấy đã đến đạo tràng gần quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ngồi dưới gốc cây đạo.

A-dật-đa! Chỗ nào thiện nam cùng thiện nữ đó hoặc ngồi, hoặc đứng hoặc kinh hành, nơi đó nên xây tháp, tất cả trời, người đều cúng dường như tháp của Phật.

Bấy giờ, muốn tuyên lại nghĩa trên, Đức Thế Tôn nói kệ:

Sau khi ta diệt độ
Hay phụng trì kinh này
Người đó phước vô lượng
Như trên đã nói rõ.
Đó thời là đầy đủ
Tất cả các cúng dường,
Vì xá lợi xây tháp
Bảy báu để trang nghiêm,
Nơi thờ rất cao rộng
Nhỏ dần đến Phạm thiên,
Linh báu ngàn muôn ức
Gió thổi vang tiếng hay.
Lại trong vô lượng kiếp
Mà cúng dường tháp đó
Hương hoa, các chuỗi ngọc
Y trời và âm nhạc;
Thắp đèn dầu bơ thơm
Thường chiếu sáng chung quanh
Lúc đời ác mạt pháp
Người hay trì kinh này
Thời là đã đầy đủ
Các cúng dường như trên.
Nếu hay trì kinh này
Thời như Phật hiện tại,
Dùng Ngưu đầu chiên-đàn
Dựng nhà Tăng cúng dường
Nhà ba mươi hai tòa
Cao tám cây Đa-la,
Thức ăn, y phục tốt
Giường nằm đều đầy đủ,
Trăm ngàn chúng nương ở
Vườn rừng các ao tắm,
Chỗ kinh hành. ngồi thiền
Các món đều nghiêm tốt,
Nếu có lòng tin chắc
Thọ trì, đọc tụng, biên
Nếu lạí bảo người chép
Và cúng dường quyển kinh
Rải hoa, hương, hương bột
Dùng Tu-mạn, Chiêm-bặc
A-đề, Mục-da-đà
Dùng dầu thơm để đốt.
Người cúng dường như thế
Được công đức vô lượng
Như hư không vô biên
Phước đó cũng như trên.
Huống chi trì kinh này
Gồm Bố thí, Trì giới
Nhẫn nhục ưa thiền định
Chẳng sân, chẳng ác khẩu,
Cung kính nơi tháp miếu
Khiêm hạ các Tỳ-kheo.
Xa lìa tâm tự cao
Thường nghĩ suy trí tuệ.
Có gạn hỏi chẳng sân
Tùy thuận mà giải nói
Nếu làm được hạnh đó
Công đức không thể lường.
Nếu thấy Pháp sư này
Thành tựu công đức ấy
Phải dùng hoa trờí rải
Áo trời trùm thân kia,
Đầu mặt lạy dưới chân
Sinh lòng tưởng chư Phật.
Lại nên nghĩ thế này
Chẳng lâu đến đạo tràng
Đươc vô lậu vô vi
Lợi ích khắp trời người
Chỗ ở của vị kia
Kinh hành hoặc ngồi nằm,
Cho đến nói một kệ
Trong đây nên xây tháp
Trang hoàng cho tốt đẹp,
Bằng các loại cúng dường
Phật tử dâng nơi này
Là được Phật thọ dụng,
Thường thường ở trong đó
Kinh hành và ngồi nằm.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7