kinh thể tam trần

Phật Quang Đại Từ Điển

(經體三塵) Chỉ cho Thanh trần, Sắc trần và Pháp trần, 3 trần cảnh này được dùng làm kinh thể. 1. Thanh trần: Khi đức Phật còn tại thế, Ngài thuyết pháp giáo hóa, các đệ tử nghe lời nói từ kim khẩu của Ngài mà được ngộ đạo, đó là lấy Thanh trần làm Kinh thể. 2. Sắc trần: Sau khi Phật nhập diệt, giáo pháp của Ngài nói ra được ghi chép thành kinh quyển để truyền lại cho đời sau, đó là lấy Sắc trần làm Kinh thể. 3. Pháp trần: Trong tâm tư duy tự pháp mà khế hợp với lí, đây không do người khác dạy, không do giấy mực kinh quyển, đó là lấy Pháp trần làm Kinh thể. [X. Pháp hoa huyền nghĩa Q.8 phần trên]. KINH TÔNG ….. I. Kinh Tông. Tông chỉ của 1 bộ kinh. Còn kinh thể là phần nội dung của kinh văn trước sau nhất quán. Như dùng phòng nhà làm ví dụ thì Kinh tông là rường cột, mà Kinh thể là những nguyên liệu cấu thành. Tông Thiên thai cho rằng kinh Pháp hoa lấy nhân quả làm tông, lấy lí thực tướng làm thể. Tịnh độ Chân tông của Nhật bản thì cho rằng kinh Vô lượng thọ lấy bản nguyện làm tông, lấy danh hiệu làm thể. [X. kinh Đại thừa du già kim cương tính hải mạn thù thất lợi thiên tí thiên bát đại giáo vương Q.1; luận Du già sư địa Q.81; Vãng sinh luận chú Q.thượng]. II. Kinh Tông. Những tông phái căn cứ vào Kinh để lập tông nghĩa. Trái lại, các tông phái y cứ vào Luận để lập tông thì gọi là Luận tông. Chẳng hạn như tông Hoa nghiêm, lấy kinh Hoa nghiêm làm văn cứ, cho nên gọi là Kinh tông. (xt. Kinh Luận Thích).