KINH THẤT NỮ

Hán dịch: Đời Đông Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn cây Phân-nho-đạt, thuộc nước Câu-lưu, cùng một ngàn vị A-la-hán, năm trăm vị Bồ-tát và chư Thiên, rồng, quỷ, thần.

Bấy giờ, trong nước Câu-lưu, có một Bà-la-môn tên Ma-ha-mật tham lam, keo kiệt, không tin pháp Phật. Ông ta rất giàu có: của cải, châu báu, ngọc quý, ngựa, trâu, ruộng vườn, nhà cửa nhiều vô số, lại có trí tuệ không ai bằng. Vì vậy mà được làm thầy trong nước. Không những thế, ông có năm trăm đệ tử và được quốc vương, đại thần kính mộ. Bà-la-môn này có bảy người con gái, dung mạo xinh đẹp, ăn nói khôn ngoan, thông suốt hơn người. Từ đầu đến chân luôn được trang sức bằng vàng, bạc, ngọc trắng, chuỗi châu báu, ăn mặc và trang điểm y phục theo thời và thường được năm trăm người nữ hầu hạ. Họ thường tự cao, ỷ mình đẹp đẽ, cậy mình giàu có. Mỗi khi đàm luận với mọi người trong nước, họ bảo vạn vật thường còn lấy đó làm đắc thắng.

Bấy giờ, có một Cư sĩ tên Phân-nho-đạt, nghe bảy người nữ này rất đẹp, liền đến chỗ của Bà-la-môn, nói:

–Ông tự nêu, bảo nhà mình có người nữ đoan chánh. Tuy nhiên, nếu đi khắp trong nước, có người trách mắng những người nữ này thì ông phải thua tôi năm trăm lạng vàng. Còn nếu không ai trách mắng thì tôi thua ông năm trăm lạng vàng.

Sau đó, suốt chín mươi ngày, người nữ Bà-la-môn ấy đi đến khắp nơi trong nước, nhưng không có ai nói những người nữ này xấu, Bà-la-môn liền được năm trăm lạng vàng. Phân-nho-đạt lại bảo Bàla-môn:

–Đức Phật ở gần vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, Ngài biết sự việc hiện tại, quá khứ, vị lai và nói lời chân thật, không nói lời giả dối.

Chúng ta đi đến đó, Đức Phật sẽ nói cho biết.

Bà-la-môn nói:

–Tốt lắm.

Rồi cùng quyến thuộc năm trăm người và còn có năm trăm người nữ trong nước cũng cùng nhau đến chỗ Phật.

Bấy giờ, Đức Phật vì vô số người mà giảng nói pháp. Mỗi người đến trước đảnh lễ Phật rồi ngồi qua một bên. Bà-la-môn đến trước Đức Phật, bạch:

–Thưa Cù-đàm! Ngài thường đi đến nhiều nước, chắc có thấy những người nữ đoan chánh, vậy có người nào đoan chánh bằng người này không?

Đức Phật liền quở:

–Người nữ này không đoan chánh, toàn thân xấu xí, không có chỗ nào là đẹp cả.

Bà-la-môn hỏi Phật:

–Khắp trong nước không có người nào chê cô ta xấu. Nay chỉ có riêng Cù-đàm chê người nữ này xấu. Vì sao?

Bà-la-môn hỏi tiếp:

–Người đời lấy gì làm đẹp?

Đức Phật nói:

–Người thế gian, mắt không tham sắc, tai không ghi nhận tiếng ác, đó là tốt đẹp. Mũi không ngửi mùi thơm, miệng không nếm vị, đó là tốt đẹp. Thân không tham điều mát mẻ, ý không nghĩ điều ác, đó là tốt đẹp. Tay chẳng lấy tài vật của người, miệng chẳng nói lời ác, đó là tốt đẹp. Không cao ngạo, không nói thêu dệt, biết mình từ đâu sinh đến và chết đi về đâu, đó là tốt đẹp. Tin bố thí sẽ được phước, đó là tốt đẹp. Tin Phật, tin Pháp, tin Tỳ-kheo Tăng, đó là tốt đẹp.

Đức Phật bảo Bà-la-môn:

–Sắc đẹp bên ngoài chẳng phải là đẹp, thân thể đẹp chẳng phải là đẹp, y phục đẹp chẳng phải là đẹp, khéo nói lời hay đẹp chẳng phải là đẹp, tâm ngay thẳng ý chân chánh mới thật là đẹp.

Khi ấy, Phân-nho-đạt được trả lại năm trăm lạng vàng. Đức Phật bảo Bà-la-môn:

–Ngày xưa, có thành tên là Ba-la-nại, vùng đất chư Phật quá khứ đã đến, đương lai các Đức Phật cũng sẽ ngồi ở đây. Bấy giờ, có quốc vương tên là Cơ-duy-ni, làm Ưu-bà-tắc hiểu rõ kinh điển, vì Đức Phật làm tinh xá. Vua có những tỳ nữ làm Ưu-bà-di cũng hiểu rõ kinh điển, trí tuệ thông tỏ không ai bằng. Thân họ đều được trang sức bằng vàng bạc, hổ phách, châu báu, y phục rất quý giá. Người nữ thứ nhất tên Tu-đam, người nữ thứ hai tên Tu-đam-ma, người nữ thứ ba tên Tỳ-kheo-ni, người nữ thứ tư tên Tỳ-kheo La Truy, người nữ thứ năm tên là Sa-môn-ni, người nữ thứ sáu tên là Sa-môn-mật, người nữ thứ bảy tên Tăng Đại Tát-đam. Bảy người nữ này vì chánh pháp của Phật nên luôn giữ gìn trai giới.

Một hôm khi bố thí xong, họ cùng nhau đi đến cung điện của vua cha và thưa:

–Chị em chúng con muốn cùng nhau đi đến nghĩa địa thăm chơi.

Vua nói:

–Nghĩa địa rất đáng sợ. Nơi ấy toàn là những xương cốt, râu tóc, tay chân, hình hài của những người chết vung vãi trên đó. Ở đấy đầy dẫy những điều thảm thương, đầy dẫy lời khóc than. Các loài hổ, sói, kênh, quạ đến ăn máu thịt của những người chết. Chị em chúng con vào đó làm gì? Nơi cung của ta có vườn cảnh, ao tắm, có chim bay, có uyên ương cùng nhau vui hót, các loài hoa cỏ cây lá kỳ lạ năm sắc đẹp mắt, trái cây mát ngọt tùy ý mà dùng, thật là chỗ vui chơi sướng nhất. Cớ chi chị em các con phải vào trong nghĩa địa?

Bảy chị em liền thưa:

–Tâu vua cha! Những trái cây ngon ngọt nào có ích gì. Chúng con thấy người thế gian đến lúc già yếu, mạng sống thoi thóp chờ chết đến nơi, không ai mà không chết. Chúng con thường bị các món ăn làm mê hoặc, chị em con không còn nhỏ nữa, xin cha thương cảm, cho chị em con ra ngoài thành xem xét thân người chết.

Họ xin như vậy ba lần. Vua nói:

–Thôi được, ta cho phép các con làm việc đó.

Bấy giờ, bảy người nữ cùng năm trăm nữ hầu trang hoàng xe ngựa ra khỏi vương cung. Bảy người nữ cởi bỏ tất cả chuỗi ngọc xuống đất, việc làm này có hơn ngàn người thấy, nên theo sau vui mừng thu lượm châu ngọc. Đến nghĩa địa ở ngoài thành, là chỗ không sạch, chỉ nghe tiếng khóc lóc. Những người nữ hầu và người dân đứng yên, toàn thân đều có cảm giác rùng rợn. Bảy người nữ đi đến thấy những người chết, trong đó: Có người mất đầu, có người mất tay chân, có người mất tai, mũi, có người đã chết hoặc chưa chết, có quan tài, có người ở trong quan tài, có người nằm trên chiếu, có người bị trói buộc. Gia đình họ khóc lóc đều muốn cho người chết được giải thoát. Bảy người nữ nhìn xung quanh thấy quá nhiều người chết. Lại có kẻ mang người chết đang từ bốn phía đi lại làm cho các loài chim thú tìm đến giành nhau ăn thịt. Thân người chết sình chướng, máu mủ chảy ra, trong bụng vạn ức côn trùng lúc nhúc chui ra, hôi thối không thể chịu nỗi. Bảy người nữ không bịt mũi, họ đi quanh một vòng rồi cùng nhau nói:

–Không bao lâu, thân thể của chị em chúng ta cũng hôi thối như vậy.

Người thứ nhất nói:

–Mỗi người có thể làm một bài kệ giúp cho thần hồn của người chết được giải thoát không.

Sáu người kia đều đáp:

–Hay lắm.

Người thứ nhất nói:

–Người này khi còn sống, thân thể mặc y phục đẹp trang sức hương thơm, ở giữa mọi người đi đứng dịu dàng, thùy mị. Cặp mắt nhỏ long lanh kỳ diệu ai cũng muốn nhìn. Nay chết ở đây, hằng ngày gió thổi mùi thịt. Vậy người làm chủ sự thùy mị nay ở chỗ nào?

Người thứ hai nói:

–Như con chim ở trong lồng, bị nhốt kín, không thể bay được.

Nay lồng bị phá vỡ chim bay đi.

Người thứ ba nói:

–Như người lái xe giữa đường bỏ xe, xe không thể tiếp tục chạy, người làm chủ điều khiển xe chạy được. Vậy nay chủ của nó ở đâu?

Người thứ tư nói:

–Ví như người lên thuyền mà đi, nhiều người được chở qua sông rồi lên bờ, bỏ thuyền. Người bỏ thân này cũng như thuyền vậy.

Người thứ năm nói:

–Như có thành vách kiên cố, trong thành nhiều người sinh sống. Nay thành biến mất, không biết người dân sống ở chỗ nào?

Người thứ sáu nói:

–Người chết nằm đây, y phục từ đầu đến chân vẫn còn nguyên đẹp, không mất hay mục nát. Nay người này không thể đi cũng không thể hoạt động. Vậy người ấy đang ở chỗ nào?

Người nữ thứ bảy nói:

–Như người sống độc thân, khi ra khỏi nhà mình, trong nhà trống không có người coi giữ. Nhà sẽ lần lần tan hoại.

Lúc ấy, có Thiên vương cõi trời Đạo-lợi là Thích Đề-hoàn Nhân, ngay nơi chỗ ngồi bị dao động vì nghe bảy người nữ nói pháp. Trong chốc lát, Thiên vương từ Thiên cung hạ giới đến chỗ bảy người nữ và khen bảy người nữ nói pháp rất hay. Thiên vương nói:

–Các cô muốn ước nguyện điều gì, tôi sẽ vì các cô làm cho được như ý nguyện.

Bảy người nữ cùng hỏi:

–Ông là trời Đế Thích hay Phạm thiên? Không thấy ông đến mà sao tự nhiên có ở trước mặt chúng tôi?

Thiên vương đáp:

–Tôi là Thích Đề-hoàn Nhân, nghe các cô nói pháp rất hay nên đến đây.

Bảy người nữ nói:

–Có phải ông là vị Thiên chủ nơi cõi trời thứ hai là cõi trời Đao-lợi? Là người muốn giúp chúng tôi được như ý nguyện phải không? Vậy chị em chúng tôi sẽ nói ý nguyện của mình.

Người nữ thứ nhất nói:

–Tôi nguyện muốn được sống ở chỗ cây không gốc, rễ, nhánh, lá. Đó là sở nguyện của tôi.

Người nữ thứ hai nói:

–Tôi muốn ở trên đất chỗ nào không có hình bóng, không có đầu mối, âm dương. Tôi nguyện sống ở đó.

Người nữ thứ ba nói:

–Người ở trong núi sâu, nói to, âm vang bốn phương đều nghe mà không biết chỗ họ ở. Tôi nguyện sống ở đó.

Thích Đề-hoàn Nhân liền nói:

–Xin thôi! Tôi không thể làm theo ý nguyện của các cô. Các cô muốn được làm Thích phạm, Tứ Thiên vương, Nhật Nguyệt Trung Tôn thì có thể được. Nay ước nguyện của các cô thật tôi không đáp ứng nổi.

Bảy người nữ nói:

–Là vị cao cả, tôn quý, có oai thần, sao không đáp ứng được những ước nguyện ấy? Ông giống như con bò già, không thể kéo xe, không thể cày bừa, không có ích gì cho chủ.

Thích Đề-hoàn Nhân nói:

–Ta nghe các cô nói pháp nên đến nghe, ta chẳng thể biết những điều nguyện đó. Nói rồi cáo lỗi, xin lui.

Bảy người nữ im lặng, không nói. Lúc ấy, trong không trung có vị trời bảo:

–Hiện nay có Đức Phật Ca-diếp ở gần Duy-vu-lăng-tụ, sao không đến đó hỏi Ngài.

Bảy người nữ nghe được đều rất vui mừng, cùng năm trăm nữ hầu đi đến đó. Trong nghĩa địa đầy dẫy sự chết chóc thảm thương, đầy tiếng khóc lóc, lại có năm trăm người phát tâm đi theo.

Khi ấy, Đức Phật Ca-diếp vì vô số ngàn người mà giảng nói pháp. Tất cả đều đến trước Đức Phật Ca-diếp, đảnh lễ, rồi ngồi qua một bên. Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:

–Vừa rồi, con nghe bảy người nữ của quốc vương nói pháp nên

đến nghe. Vì con cảm kích nên đã yêu cầu họ bày tỏ ước nguyện. Họ ước nguyện: “Tôi nguyện sống ở chỗ cây không có gốc, rễ, cành, lá, chỗ vô hình không có đầu mối âm dương. Trong thâm sơn cùng cốc nói to, bốn phương đều nghe mà không biết chỗ ở. Con không thể đáp ứng được, cúi xin Đức Thế Tôn vì bảy người nữ giải nói ý muốn của họ.

Đức Phật Ca-diếp bảo:

–Lành thay! Chỗ hỏi của các cô thật quá sâu xa. Việc này hàng La-hán, Bích-chi-phật còn không thể biết huống gì là ông.

Khi đó, Phật mỉm cười, ánh sáng năm sắc từ miệng phóng ra chiếu khắp cõi Phật, trở lại nhiễu quanh thân, rồi nhập vào trên đỉnh.

Người hầu đến trước, quỳ gối hỏi:

–Phật không duyên cớ mà cười, nguyện xin nghe ý đó.

Đức Phật Ca-diếp bảo Tát-bà-la:

–Ông thấy những người nữ này không.

–Dạ thấy.

–Bảy người nữ của quốc vương đây đã phát tâm nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đã cúng dường năm trăm Đức Phật, sẽ báo đáp vạn Đức Phật, mười kiếp sau đều sẽ thành Phật đồng một hiệu là Phục-đa-la-bôn, cõi Phật tên làThủ-đà-ba, Đức Phật đó thọ ba vạn năm, dân chúng nơi cõi này ăn uống, y phục và các vật có được đều giống như cõi trời Đao-lợi. Sau khi Đức Phật nhập Niếtbàn, đạo lý kinh sách lưu hành ban bố đến tám ngàn năm mới tận diệt. Thời Đức Phật này thuyết giảng pháp, độ được bảy mươi lăm ức vạn người đắc đạo Bồ-tát và La-hán.

Lúc Đức Phật Ca-diếp thọ ký cho bảy người nữ, họ vô cùng vui mừng bay lên trụ ở hư không, cách mặt đất hai mươi trượng, từ đầu đến chân, tất cả đều hóa thành nam tử, đắc quả không thoái chuyển. Năm trăm người hầu nữ cùng một ngàn năm trăm người và chư Thiên thấy bảy người nữ hóa thành nam tử, họ rất vui mừng và đều phát tâm Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng. Một ngàn người xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh.

Phật bảo Bà-la-môn:

–Bảy người nữ của quốc vương ấy đoan chánh, an vui, giàu

sang còn không muốn giữ thân tốt đẹp. Vì sao? Vì nhớ nghĩ thân chẳng thường, biết thân này không thể sống lâu được. Tất cả người the gian, vì ngu si, còn nằm trong mười hai nhân duyên nên có sinh tử. Người đời đều do ân ái nên từ sinh đến già, từ già đến bệnh, từ bệnh đến chết, từ chết đến khóc lóc đau khổ. Người đời từ ân ái sinh ra nên phải tự xem xét thân mình và thân người khác, để nhân đó nhìn thấy thân không sạch, đờm giãi, lạnh nóng, nước mắt, nước mũi luôn chảy ra. Như vậy một khi thân hoại, tự nhiên sinh giòi, chúng trở lại ăn thịt thân, xương cốt, tay chân tiêu thành tro đất. Phải nhớ thân ta chết sẽ như vậy. Không nên tự thị cho thân này là đẹp, nên nhớ rằng nó chẳng phải thường. Nếu người làm điều thiện không tự cao, khéo nói thì sau khi chết được sinh lên cõi trơi. Nếu người làm việc ác sẽ bị đọa trong địa ngục. Người nữ sở dĩ bị đọa trong địa ngục nhiều. Vì sao? Vì họ có nhiều sự ganh ghét, buông thả.

Khi Đức Phật giảng nói lời này, những người nữ Bà-la-môn đều hân hoan vui mừng, cởi các thứ châu báu trên thân tung rải cúng dường Phật. Nhờ oai thần của Phật làm cho những thứ đó trụ giữa hư không, hóa thành chiếc lọng báu, phát ra tiếng nói:

–Lành thay! Như lời Phật nói không có sai khác. Lúc đó, Đức Phật cảm động, liền hiện bày oai thần, từ trên chỗ ngồi dùng ngón chân ấn xuống đất làm cho tam thiên đại thiên thế giới đều chấn động. Ánh sáng chiếu khắp mười phương, cây khô trăm năm sinh hoa quả, các khe rạch khô tự nhiên có nước, những nhạc khí không đánh tự kêu. Vàng ngọc châu báu của những người nữ đều tự phát ra âm thanh. Người mù thấy được, người điếc nghe được, người câm nói được, người lưng gù được thẳng, người chân tay bị bệnh được hết, người bị điên cuồng được trở lại bình thường, người bị trúng độc độc không làm hại, người bị bắt được thả ra. Trăm chim muôn thú cùng nhau hòa vui múa hát. Bấy giờ, người dân trong nước Câu-lưu không có người nam, người nữ nào mà không vui mừng hoan hỷ, đồng lòng hòa hợp như được đắc thiền. Khi Đức Phật biến hóa, vua nước Câulưu xả bỏ châu báu vui mừng phấn khởi cùng trăm đại thần các nữ Bà-la-môn và quyến thuộc Bà-la-môn năm trăm người đều phát tâm Bồ-đề Vô thượng. Lại có năm trăm Tỳ-kheo đắc A-la-hán, trong nước có năm trăm người được quả Tu-đà-hoàn.

Đức Phật giảng nói kinh xong, Bồ-tát, Tỳ-kheo Tăng, Ưu-bàtắc, Ưu-bà-di, quốc vương, đại thần, trưởng giả, dân chúng, chư Thiên, rồng, quỷ, thần đều rất vui mừng đến trước cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi lui ra.