PHẬT NÓI KINH THẬP VÃNG SINH A DI ĐÀ PHẬT QUỐC
Hán dịch: Mất tên người dịch. Nay trích bản ghi chép thuộc đời Chu
Việt dịch: HUYỀN THANH

 

Như vậy tôi nghe. Một thời Đức Phật trụ trong núi Kỳ Xà Quật (Gṛdhra-kuṭa) tại thành Vương Xá (Rāja-gṛha) cùng với chúng Đại Tỳ Khưu (Mahatā-bhikṣu-saṃgha) gồm một vạn hai ngàn người đến dự, đều là bậc Đại A La Hán (Mahā-śrāvaka:Đại Thanh Văn) mà mọi người đã biết. Tên các vị ấy là  Ma Ha Ca Diếp (Mahā-kāśyapa), Ma Ha A Na Luật Đà (Mahā-Aniruddha) đều là bậc Thượng Thủ (Paramukha) của nhóm như vậy.

Lại cùng với vô lượng Bồ Tát Ma Ha Tát đến dự, tất cả đều trụ tại địa vị Bất Thoái Chuyển (Avaivartika), vô lượng Công Đức, mọi chỗ trang nghiêm. Tên các vị ấy là Diệu Cát Tường Bồ Tát (Maṃjuśrī), Vô Năng Thắng Bồ Tát (Ajita), Thường Tinh Tiến Bồ Tát (Nityodyukta), Bất Hưu Tức Bồ Tát (Gandha-hasta:Hương Tượng).Các vị Đại Bồ Tát của nhóm như vậy đều là bậc Thượng Thủ.

Lại có Thích Đề Hoàn Nhân (Śakra), Kham Nhẫn Giới Chủ (Sahāṃpati), Đại Phạm Thiên Vương (Mahā-brahma-deva-rāja), bốn vị Đại Thiên Vương (Caturmahā-rājakajikaḥ). Như vậy là bậc Thượng Thủ của trăm ngàn câu đê (Koṭi) na dữu đa (Nayuta) số các chúng Thiên Tử (Devaputra) với hàng A Tố Lạc (Asura)…vì nghe Pháp cho nên thảy đều đến tập hội, đều lễ bàn chân của Đức Phật rồi lui ra ngồi một bên.

Bấy giờ A Nan (Ānanda) bạch Phật rằng: “Đức Thế Tôn từ khi thành Đạo đến nay, ở trong Pháp giải Thoát của tất cả chúng sinh, rộng diễn bày Kinh Điển Đại Thừa (Mahā-yāna), tuyên nói sự vi diệu tối thắng thanh tịnh trang nghiêm của Thế Giới Cực Lạc (Sukhāvatī) ở phương Tây. Bản Thệ, Nguyện nặng, Công Đức chẳng thể nghĩ bàn của Đức Phật A Di Đà (Amitābha). Pháp của tất cả chúng sinh vãng sinh về Thế Giới Cực Lạc…Chúng con đã nghe kỹ, tin nhận, tu hành. Nhưng chưa được nghe Pháp Quán Thân, việc ấy như thế nào ? Nguyện xin diễn nói”

Đức Phật bảo A Nan: “Phàm Pháp Quán Thân. Chẳng quán Đông Tây. Chẳng quán Nam Bắc. Chẳng quán bốn phương bàng, phương trên, phương dưới. Chẳng quán Duyên bên ngoài. Chẳng quán Duyên bên trong. Chẳng quán hình sắc của Thân. Chẳng quán màu sắc, âm thanh. Chẳng quán hình sắc, hình tượng. Chỉ quán Vô Duyên (không có Duyên). Đấy là Pháp Chính Chân Quán Thân. Trừ Quán Thân đó ra, mười phương xét kỹ, cầu nơi nơi chốn chốn đều không có Pháp khác mà được giải thoát”.

Đức Phật lại bảo A Nan: “Chỉ tự Quán Thân thì Thiện Lực tự nhiên, Chính Niệm tự nhiên, Giải Thoát tự nhiên. Tại sao thế ? Ví như có người tinh tiến, Tâm ngay thẳng được Chính Giải Thoát. Người như vậy chẳng cầu giải thoát mà giải thoát tự đến”.

A Nan lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Chúng sinh trong Thế Gian, nếu có Chính Niệm Giải Thoát như vậy thời lẽ ra không có tất cả Địa Ngục, Quỷ đói, Súc Sinh… ba đường ác ?!…”

Đức Phật bảo A Nan: “Chúng sinh trong Thế Gian chẳng được giải thoát. Tại sao thế ? Vì tất cả chúng sinh đều do có nhiều điều hư hão, ít điều thật, không có một Chính Niệm. Do Nhân Duyên đó mà Địa Ngục thì nhiều, giải thoát thì ít. Ví như có người đối với cha mẹ của mình cùng với Thầy, Tăng…bên ngoài hiển điều Hiếu Thuận nhưng bên trong ôm giữ sự Bất Hiếu, bên ngoài thì tinh tiến nhưng bên trong ôm giữ sự chẳng thật. Ngươi ác như vậy, tuy nghiệp báo chưa đến nhưng chẳng lâu sẽ rơi vào ba đường (Địa Ngục, Quỷ đói, Súc Sinh), không có Chính Niệm, chẳng được giải thoát”.

A Nan lại bạch Phật rằng: “Nếu người như vậy thì nên tu căn lành (Kuśalamūla) nào để được Chính Giải Thoát ?”

Đức Phật bảo A Nan: “Nay ông hãy khéo lắng nghe ! Nay Ta vì ông nói có mười Pháp Vãng Sinh thuộc Thế Giới Cực Lạc ở phương Tây, có thể được giải thoát. Thế nào là mười ?

1_ Quán Thân Chính Niệm, thường ôm lòng vui vẻ, đem thức ăn uống, quần áo dâng thí Phật với Tăng, sẽ sinh về nước của Đức Phật A Di Đà.

2_ Chính Niệm, dùng thuốc tốt ngon ngọt dâng thí cho một vị Tăng bị bệnh với tất cả,  sẽ sinh về nước của Đức Phật A Di Đà.

3_ Chính Niệm, chẳng hại một sinh mạng, Từ Bi với tất cả, sẽ sinh về nước của Đức Phật A Di Đà.

4_ Chính Niệm, theo Thầy, đã thọ nhận Giới, Tịnh, Tuệ  thường  tu Phạm Hạnh (Brahma-caryā), thường ôm lòng vui vẻ, sẽ sinh về nước của Đức Phật A Di Đà.

5_ Chính Niệm, hiếu thuận với cha mẹ, kính phụng Sư Trưởng, chẳng khởi Tâm kiêu mạn, sẽ sinh về nước của Đức Phật A Di Đà.

6_ Chính Niệm,  đi đến chỗ Tăng Phường (phòng xá mà Tăng Ni cư ngụ), cung kính chùa tháp, nghe Pháp hiểu một nghĩa, sẽ sinh về nước của Đức Phật A Di Đà.

7_ Chính Niệm, trong một ngày một đêm thọ trì tám Trai Giới chẳng phá một Giới, sẽ sinh về nước của Đức Phật A Di Đà.

8_ Chính Niệm, Nếu hay ở trong ngày Trai của tháng mà xa lìa phòng xá, thường đến chỗ của Thầy tốt (thiện sư), sẽ sinh về nước của Đức Phật A Di Đà.

9_ Chính Niệm, thường hay giữ gìn Tịnh Giới, siêng tu Thiền Định, hộ Pháp, chẳng nói lời ác. Nếu hay hành như vậy, sẽ sinh về nước của Đức Phật A Di Đà.

10_ Chính Niệm, nếu đối với Đạo vô thượng chẳng khởi Tâm phỉ báng, tinh tiến giữ gìn Tịnh Giới, lại dạy bảo người không có Trí, lưu bố Kinh Pháp này giáo hoá vô lượng chúng sinh. Các hạng người như vậy đều được sinh về nước của Đức Phật A Di Đà.

Bấy giờ, Thế Giới ở mười phương chấn động theo sáu cách, tuôn mưa châu báu, toả mùi thơm. Tất cả các Bồ Tát trong nước Phật ở phương khác đi đến tụ tập tại Hội này, một lòng nghe Pháp.

Trong Đại Hội có một vị Bồ Tát tên là Sơn Hải Tuệ bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Nước của Đức Phật A Di Đà ấy có việc thù thắng diệu lạc nào mà tất cả chúng sinh đều nguyện sinh vễ nước ấy ?”

Đức Phật bảo Sơn Hải Tuệ Bồ Tát: “Nay ông cần phải đứng dậy, chắp tay, ngay thẳng thân, hướng về phương Tây, chính niệm, quán nước của Đức Phật A Di Đà, nguyện nhìn thấy Đức Phật A Di Đà”.

Khi ấy, tất cả Đại Chúng cũng đều đứng dậy, chắp tay, cùng nhau quán Đức Phật A Di Đà.

Lúc đó, Đức Phật A Di Đà hiện Đại Thần Thông, phóng ánh sáng lớn chiếu thân của Sơn Hải Tuệ Bồ Tát.

Bấy giờ nhóm của Bồ Tát Sơn Hải Tuệ liền nhìn thấy cõi nước của Đức Phật A Di Đà với hết thảy việc trang nghiệm, tốt đẹp, màu nhiệm…đều là bảy báu, núi bảy báu, tháp bảy báu, phường bảy báu, lầu gác bảy báu…Nước, chim, cây, rừng thường tuôn ra Pháp Âm (Dharma-ghoṣa). Cây Đạo Trường của nước ấy cao 40 vạn Do Tuần, dưới gốc cây có toà Sư Tử (Siṃhāsana) cao 500 Do Tuần, ngày ngày Đức Phật A Di Đà thường chuyển bánh xe Pháp (Dharma-cakra). Người dân của nước ấy chẳng tu tập việc bên ngoài, chính tu tập việc bên trong, miệng nói lời của Phương Đẳng (Vaipulya), tai nghe tiếng của Phương Đẳng, Tâm hiểu nghĩa của Phương Đẳng.

Khi ấy Sơn Hải Tuệ Bồ Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Nay chúng con nhìn thấy sự Thắng Diệu lợi ích chẳng thể nghĩ bàn của nước ấy. Nay con nguyện cho tất cả chúng sinh thảy đều vãng sinh, sau đó chúng con cũng nguyện sinh về nước ấy, như Đức Phật đã ghi nhận là: “Chính Quán, Chính Niệm được Chính Giải Thoát thảy đều sinh về nước ấy”.

Đức Phật bảo Sơn Hải Tuệ Bồ Tát: “Nay ông muốn độ tất cả chúng sinh thời cần phải thọ trì Kinh đó”.

Đức Phật bảo Đại Chúng: “Sau khi Ta diệt độ, hãy thọ trì Kinh này, trong tám vạn kiếp, rộng tuyên lưu bố cho đến một ngàn Đức Phật đời Hiền Kiếp (Bhadrakalpa), khiến khắp các chúng sinh được nghe biết, tin tưởng, ưa thích tu hành. Người nói, người nghe đều được sinh về nước của Đức Phật A Di Đà. Nếu có người thuộc nhóm như vậy thời Ta từ ngày hôm nay thường sai khiến 25 vị Bồ Tát hộ trì người đó, thường khiến cho người đó không có bệnh, không có bực bội. Hoặc Người (Manuṣya), hoặc Phi Nhân (Amanuṣya) chẳng được dịp thuận tiện gây hại. Đi, đứng, ngồi, nằm không có kể ngày hay đêm thường được an ổn.

Nếu có chúng sinh tin sâu Kinh đó, niệm A Di Đà Phật, nguyện được vãng sinh thời Đức Phật A Di Đà của Thế Giới Cực Lạc ấy sai khiến Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokiteśvara), Đại Thế Chí Bồ Tát (Mahā-sthāma-prāpta), Dược Vương Bồ Tát (Bhaiṣaijya-rāja), Dược Thượng Bồ Tát (Bhaiṣaijya-samudgata), Phổ Hiền Bồ Tát (Samanta-bhadra), Pháp Tự Tại Bồ Tát (Dharmeśvara), Sư Tử Hống Bồ Tát (Siṃhanāda), Đà La Ni Bồ Tát (Dhāranī), Hư Không Tạng Bồ Tát (Ākāśa-garbha), Đức Tạng Bồ Tát (Guṇa-garbha), Bảo Tạng Bồ Tát (Ratna-garbha), Kim Tạng Bồ Tát (Suvarṇa-garbha), Kim Cương Bồ Tát (Vajra), Sơn Hải Tuệ Bồ Tát (Giri-sāgaramati), Quang Minh Vương Bồ Tát (Raśmi-prabha-rāja), Hoa Nghiêm Vương Bồ Tát (Avataṃsaka-rāja), Chúng Bảo Vương Bồ Tát, Nguyệt Quang Vương Bồ Tát (Candra-prabha-rāja), Nhật Chiếu Vương Bồ Tát (Divā-kara-rāja), Tam Muội Vương Bồ Tát (Samādhi-rāja), Tự Tại Vương Bồ Tát (Īśvara-rāja), Đại Tự Tại Vương Bồ Tát (Maheśvara-rāja), Bạch Tượng Vương Bồ Tát (Śukla-hasta-rāja), Đại Uy Đức Vương Bồ Tát (Mahā-teja-rāja), Vô Biên Thân Bồ Tát (Ananta-kāya). Hai mươi lăm vị Bồ Tát như vậy ủng hộ Hành Giả, hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm, hoặc ban ngày, hoặc ban đêm, tất cả Thời, tất cả nơi chốn…chẳng để cho Quỷ ác, Thần ác được dịp thuận tiện gây hại”.

Đức Phật lại bảo Sơn Hải Tuệ: “Kinh này có tên là Đổ A Di Đà Phật Sắc Thân Chính Niệm Giải Thoát Tam Muội Kinh, cũng có tên là Độ Chư Hữu Lưu Sinh Tử Bát Nạn Hữu Duyên Chúng Sinh Kinh…Như vậy mà thọ trì.

Chúng sinh chưa có Niệm Phật Tam Muội Duyên thì Kinh này hay cho tạo mở Môn Đại Tam Muội (Mahā-samādhi-mukha). Kinh này hay cho chúng sinh đóng bít cửa Địa Ngục. Kinh này hay cho chúng sinh trừ khử người gây hại, Quỷ ác…diệt hết bốn hướng thảy đều an ổn”.

Đức Phật bảo Sơn Hải Tuệ: “Như Ta đã nói nghĩa ấy như vậy”.

Sơn Hải Tuệ Bồ Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Nay con đỉnh thọ Tôn Kinh chẳng dám có sự nghi ngờ. Có điều ở đời này với đời vị lai, chúng sinh trong các Hữu (các cõi) phần lớn sinh phỉ báng, chẳng tin Kinh này. Người như vậy thời sau này như thế nào?”

Đức Phật bảo Sơn Hải Tuệ Bồ Tát: “Sau này, ở cõi Diêm Phù Đề (Jambu-dvīpa) hoặc có Tỳ Khưu, Tỳ Khưu Ni, hoặc nam hoặc nữ thấy có người đọc tụng Kinh này…hoặc đem Tâm giận dữ, ôm ấp phỉ báng. Do chê bai Chính Pháp đó cho nên người này trong đời hiện tại bị các bệnh ác nặng nề, thân căn chẳng đủ. Hoặc bị bệnh điếc, bệnh mù, bệnh câm, bệnh ngọng, bệnh bộ sinh dục thất thường, Quỷ, Mỵ, Tà, gió mạnh bạo, lạnh, nóng, bệnh trĩ, bệnh toàn thân sưng phù, mất Tâm….Các bệnh ác nặng nề của nhóm như vậy, đời đời ở tại thân, chịu khổ đau như vậy, ngồi nằm chẳng yên, đi tiểu đi cầu cũng chẳng thông, cầu sống chẳng được, cầu chết chẳng xong. Hoặc cho đến lúc chết bị đoạ vào Địa Ngục trong tám vạn kiếp nhận chịu đại khổ não, trăm ngàn vạn đời chưa từng nghe tên gọi của nước với thức ăn. Lâu sau được sinh ra trong cõi người, làm:trâu, ngựa, heo, dê…bị người giết hại, chịu đại khổ não. Sau này được thân người, thường sinh vào nhà hèn kém trăm ngàn vạn kiếp chẳng được tự tại, vĩnh viễn chẳng nghe danh tự của Tam Bảo. Vì chê bai Kinh này cho nên chịu khổ như vậy. Chính vì thế cho nên trong đám người không có Trí thì đừng nói Chính Quán Chính Niệm của Kinh này. Người như vậy, sau này cùng với họ, nói sự chẳng kính Kinh này sẽ bị đoạ vào Địa Ngục, kẻ kia kính trọng sẽ được Chính Giải Thoát, sinh về nước của Đức Phật A Di Đà.

Nếu có Tỳ Khưu (Bhikṣu), Tỳ Khưu Ni (Bhikṣuni), Ưu Bà Tắc (Upāsaka), Ưu Bà Di (Upāsikā), kẻ trai lành (Kula-putra), người nữ thiện…chân chính tin tưởng Kinh này, yêu thích Kinh này, khuyến Đạo chúng sinh thì người nói, người nghe thảy đều sinh về nước của Đức Phật A Di Đà. Chính vì thế cho nên người có niềm tin, sau khi Ta diệt độ mà thọ trì Kinh Pháp này; trong thời Chính Pháp (Sad-dharma), Tượng Pháp (Saddharma-pratirūpaka), Mạt Pháp (Saddharma-vipralopa), đời ác trược (Duṣṭa-kaṣāya)…rộng tuyên lưu bố thì người đó tức là Đệ Tử chân chính của Ta, hiện thân, liền được A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarāsamyaksaṃbuddhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác)”.

Đức Phật nói Kinh xong, thời Tôn Giả A Nan, các Đại Thanh Văn với các Tỳ Khưu, Bồ Tát Ma Ha Tát, tất cả Thế Gian, Trời, Người, A Tu La…nghe điều Đức Phật đã nói, đều rất vui vẻ, tin nhận, phụng hành.

PHẬT NÓI KINH THẬP VÃNG SINH A DI ĐÀ PHẬT QUỐC
_Hết_

07/08/2011