PHẬT THUYẾT THÁNH ĐA LA BỒ TÁT KINH

Hán dịch: Tây Thiên dịch Kinh Tam Tạng – Triều Tán đại phu Thí Quang Lộc Khanh – Minh Giáo Đại Sư PHÁP HIỀN phụng chiếu dịch.
Việt dịch: HUYỀN THANH

 

Như vậy tôi nghe: Một thời Đức Phật ngư tại núi HƯƠNG TÚY trong cung của Ngũ Kế Càn Đạt Bà Vương. Nơi đấy có mọi loại kỹ nhạc, đàn ca phát ra âm thanh vi diệu.

Bấy giờ Đức Thế Tôn ngồi trong Cung điện lớn cùng với các chúng Bồ Tát Ma Ha Tát đến dự. Lại có các chúng Đại Thánh đến tập hội là các chúng Thanh Văn Hữu Học, Vô Học cùng với vô lượng vô biên Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Sát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Người, Phi Nhân, …

Lại có vô lượng vô biên bậc Thành Tựu Trì Minh, Trì Kim Cương, Kim Cương Thủ với trăm ngàn chúng của Hoàng Phẫn Nộ Vương, Trì Minh Vương…

Lại có đủ mọi loại chúng của hàng Trì Minh, Bảo Kế Phật Đỉnh Luân Vương.

Lại có Tú Diệu Mẫu, Quỷ Mẫu, Quỷ Vương, với các Trời Đế Thích, Phạm Thiên, Đại Tự Tại Thiên, Na La Diên Thiên, Khánh Tự Tại Thiên, Đại Hắc Thiên Thần, Đồng Tử Thiên,Dạ Ma Thiên, Thủy Thiên, Phong Thiên, Tứ Thiên Vương Thiên và Ngũ Thông Tiên Nhân … đều đến dự hội, tác cúng dường rộng lớn, vây quanh Thừa Sự, chắp tay cung kính.

Bấy giờ Đức Thế Tôn ở nơi chúng hội ví như núi Tu Di hiện trên biển lớn. Khi ấy Càn Đạt Bà Vương cùng với 72 trăm ngàn Nữ Càn Đạt Bà tấu mọi loại kỹ nhạc đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu mặt lễ dưới chân Đức Phật, nhiễu quanh Đức Phật ba vòng, quay lại ngồi một bên rồi chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:

“Thế Tôn! Nay con nguyện nghe về việc lợi ích. Nguyện xin Đức Thế Tôn vì con diễn nói. Thánh Đa La Bồ Tát kia tức là Tâm Từ của Chư Phật Như Lai, là ĐẠI MINH VƯƠNG Giáng Ma Tối Thắng, là Đại Trì Minh, là Đại Luân Vương có đầy đủ thế lực lớn thâm sâu rộng rãi. Nguyện xin Đức Thế Tôn thương xót con với Trời, Người, A Tu La, … khiến cho người thường được lợi ích an vui mà diễn nói về 108 tên của Thánh Đa La Bồ Tát .”

Lúc đó, Đức Thế Tôn nhận lời của Ngũ Kế Càn Đạt Bà Vương xong thì khen ngợi rằng:

“Lành Thay! Lành Thay Càn Đạt Bà Vương! Ông hay hỏi Như Lai về nghĩa như vậy khiến cho các Trời, Người, tất cả chúng Hội được lợi ích lớn và được an lạc – Ông nên lắng nghe! Hãy khéo suy nghĩ! Nay ta vì ông mà diễn nói thứ tự”

Thời vị Càn Đạt Bà Vương kia nghe Đức Phật xong, liền tin nhận lắng nghe – Bấy giờ Đức Thế Tôn vì Càn Đạt Bà Vương ấy với tất cả chúng hội, thoạt tiên nói Thánh Đa La Bồ Tát Đà La Ni là:

1)Na mô tam mãn đa na lị-thủy tỳ-dược

2)Tát lị-phộc đát tha nga đế tỳ_du

3)A la-hạt nột-tỳ-dược

4)Tam miệu tam một đề tỳ-dược

5)Na mô bà nga phộc đới-duệ

6)A lị-dã đa la duệ

7)Án, tát lị-phộc đát tha nga đa

8)Đát tha đa, bộ đa, cổ trí

9)Ba lị thú đề, một đề, tát lị-phộc đát tha nga đa

10)Tát lị-phộc đạt lị-ma đa

11)Nga nga na, A mạt la, vĩ thú đà, đạt lị-ma đế 12)Ma hạ na dã, ba lị phộc lị, sá ha.

Đức Thế Tôn nói Đà La Ni này xong, lại vì Càn Đạt Ba Vương với tất cả chúng hội diễn nói 108 tên của Đa La Bồ Tát, rồi nói kệ rằng: Đa La Bồ Tát này Vốn từ chữ A sinh.

Hoặc sinh các Hành Tướng
Chẳng sinh cũng chẳng diệt
Tướng ấy như Hư không.
Vì tính Hư không sinh
Tùy ứng, hiện Bản tính
Tướng một, Nhiều không ngại
Sắc tướng hiện vô biên.
Thuần một Thể Thiện Tịch
Thường hiện tướng Huyễn Hóa
Mật Ngữ, Chân Thật Ngữ
Nhiếp lý Đại Chân Thật
Thường hành Hạnh chân thật
Cho nơi không sợ hãi
Vắng lặng thường Trừ giận.
Lìa các Khổ đáng sợ
Khéo phá lồng phiền não
Hay giải (cởi bỏ) Tam Hữu phộc (sự trói buộc của ba cõi)
Đền lìa hẳn biển khổ
Hay làm pháp Thành Tựu
Tự, Tha đều thành tựu
Chỉ cho Pháp Tối Thượng
Tổng Trì Tự Tại Vương
Cũng từ Tổng Trì Sinh
Cho Đại Nghĩa Tổng Trì
Tương ứng Đại Tự Tại
Tâm ý, tương ứng đủ.
Chẳng là tướng tương ứng.
Tướng tương ứng chẳng lìa
Định ý thường bất động
Có động thường lặng lẽ
Thường ở Tòa hoa sen.
Cũng từ hoa sen sinh
Mắt tịnh như sen xanh
Thường làm mắt chúng sinh.
Thanh tịnh rất thù diệu
Mắt Từ (mắt hiền lành) nhìn chúng sinh
Mắt Phật Tuệ vô lậu (không dò rỉ)
Đủ Đại Bi thuần nhất.
Thường phát tâm Đại Bi
Thường hành hạnh Đại Bi
Cũng từ Đại Bi sinh
Xót thương kẻ khó phục
Dùng Bi giáng khắp cả
Bao nhiêu điều khổ não
Trừ khổ khiến vui vẻ
Vị Cam Lộ Pháp thí
Cứu khổ được an vui
Làm trong mát biển khổ
Gọi là Tự Tại Mẫu.
Chiếu sáng khắp các cõi
Dung mạo sáng rực rỡ.
Mọi ngọc báu, mão tóc
Sáng thanh tịnh viên mãn.
Ma Ni, ngọc Trang sức
Tóc kết màu xanh biếc
Xoắn ốc xoay bên phải
Trang nghiêm Thể Vô Vi
Người Bất Thiện khiến Thiện
Tất cả nguyện đều tròn
Thân trang nghiêm khó sánh
Thiện Ý và Thiện Thệ
Vắng lặng thường an lạc
Đại Lạc Như Ý Thông.
Sáu niệm đủ sáu thông
Được các Ba La Mật
Khéo nói Pháp Bốn Đế (Tứ Diệu Đế)
Đại Biện Tài khai mê.
Trong biển khổ huyễn hóa
Hiện hành tướng huyễn hóa
Cầm kiếm phá phiền não
Cung, Tên và Tam xoa
Bát, Gậy với cây thương
Đô ma la Thước Đế
Một Nga La Kim Cương
Đủ mọi loại Khí Trượng
Quán nhìn chỗ cầm Tên (mũi tên)
Đều cho vô sở úy (không còn sợ hãi)
Tay ném chày Kim Cương.
Hiện tác Vô Ngại Thông.
Hay giáng phục quân địch
Biểu Sát, hiện tướng phướng.
Đủ lực Trí Tuệ lớn
Khéo phá quân dũng mãnh
Làm tan phiền não ám
Đều phá giặc ma oán
Như Nhật (mặt Trời) trừ tăm tối
Đây là Thượng Tối Thắng.
Khéo vượt biển luân hồi
Tối Thượng Đại cát tường
Thực tế trụ duy chân
Nghe Tên, xưng phổ biến.
Thường cho, nhận, kính, nguyện.
Thắng mình lại thắng người
Thường hành Hoan Hỷ Thí.
Vi diệu tối thượng tịch
Đây là Trí Như Lai
Báu Như Ý ngửa khắp
Giữ đầy đủ Giới Tướng
Dùng Giới, hành Chánh Đạo
Phạm Âm rất vi diệu
Âm Tối Thượng ba đời
Một tiếng vang vi diệu
Như Đại Tạng Hư Không
Khéo sinh các Thế Gian
Không tranh vật nương tựa
Ba Thừa là chỗ nương
Y hạnh, hành ba Thừa
Giáo ba Thừa giải Thoát
Chư Phật y ba Thừa
Năm mặt cũng năm mắt
Y năm Trí Tính Sinh.
Chính Giác Thành Bồ Đề
Tức là Đại Chính Đạo.
Tất cả mọi loại Tướng
Thân Thanh Tĩnh thù diệu.
Đều tùy ứng hiện sinh.
Soi đời như Tú Diệu
Tự hay đạt bờ kia.
Cũng khéo độ người khác
Tùy ý hóa trăm ngàn
Khéo nhiếp các Thiện Nghĩa
Đầy đủ trăm ngàn phước
Thuần nhất hóa Thế Gian
Khéo buông (xả bỏ) mọi tiền tài
Mọi loại tướng huyễn hóa
Thế Gian Đại Tự Tại
Cát tường các Thiên Tôn
Cầm sen xanh mầu nhiệm
Đủ Giới, Thí, các nguyện
Vui Thiện thường vắng lặng
Ánh lửa Tuệ đại Tịnh
Trừ sạch các ác chướng
Tất cả ma chủ kia
Cứu nạn cho an vui
Tâm bình đẳng vô đẳng
Trừ hết cả đấu tranh
Bộ Đa chủ Tể mẫu
Bảo là Dược Xoa Vương
Hiện thân làm Rồng lớn
Đủ trăm đầu ngàn mắt
Trăm lưỡi, tướng đại ác
Tâm Vô Úy chân thật
Đủ trăm ngàn chủng thắng.
Địa Thiên khéo Trì Thế (giữ gìn Thế Gian)
Thường vui, lời vô úy
Trừ hết: bệnh, dịch, độc
Hào quang lớn thù diệu
Không dơ thường thanh tĩnh
Tất cả Thế Gian Mẫu
Giữ Pháp Lợi Thế Gian
Tối Thắng Quán Đỉnh Vương
Làm xong điều cần làm
Đủ mười Ba La Mật
Thường ở mười địa vị
Tạng hiển mười pháp thừa
Mười lý đại chân thật
Trụ mười câu Kim Cương
Biểu sát, mười Pháp Giới
Mười Trí Trừ Ám Tối
Mắt Quán Thế Tự Tại
Đủ sắc tướng đại diệu
Ngang hư không vô biên
Hoặc hiện Ngữ Thông Tiên
Đủ Giới, tướng tự tại
Thân ly dục, ứng cúng
Thường an đạo Tịch Tĩnh
Chính Giác đã ca ngợi
Đa La Bồ Tát này.

_Khi Đức Thế Tôn nói Kệ này xong, bảo Càn Đạt Bà Vương với tất cả chúng hội rằng:

“Đấy là 108 Tên của Đa La Bồ Tát. Ta vì Ông diễn nói, các ông cần phải chí Tâm thọ trì 108 tên của Đa La Bồ Tát với Đa La Ni mà chư Phật đời quá khứ với vị lai đã nói và sẽ nói vì lợi ích cho tất cả chúng sinh.

Nếu có kẻ trai lành, người nữ Thiện phát Tâm chí thành. Vào buổi sáng thanh tịnh hoặc vì mình vì người tụng 108 tên với Đa La Ni của Đa La Bồ Tát cho đến niệm thầm (mặc niệm), hoặc dùng 4 miếng lụa trắng làm thành nền vẽ tượng, hoặc trên một bức tường sạch, y như phép dùng màu sắc tối thượng diệu vẽ tượng Bồ Tát, hoặc dùng gỗ Đàn Hương làm thành tượng Bồ Tát, dùng Tâm thanh tĩnh tùy ý thực hiện. Sau đó ở trước tượng Bồ Tát, bày mọi thứ cúng dường, một ngày ba thời chắp tay làm lễ, y như Pháp chí Tâm quán tưởng, tụng 108 tên với Đà La Ni này. Vị Đa La Bồ Tát này có đủ thế lực lớn, tối thượng cát tường, cầu tiêu tan các tội, khéo phá quân Ma hay phá pháp thành tựu của người ở hoặc sơ thiện, trung thiện.

Nếu lại có người phát Tâm chí thành, trì niệm một biến thì tất cả việc tốt lành, giàu sang với pháp thành tựu của người đó tùy theo Bản Nguyện đạt được vĩnh viễn không có chướng ngại, được các Hiền Thánh đích thân ủng hộ. Lại được hàng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Thích Phạm, Hộ Thế, Na La Diên Thiên, Đại Tự Tại Thiên, Mẫu Quỷ chủ, Đại Hắc Thiên Thần, Tần Na Dạ Ca, Khánh Tự Tại Thiên… cho đến được Chư Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, tất cả Phẫn Nộ Vương, Đại Uy Đức Minh Vương … đều nói lời này:

“Lành Thay! Lành Thay Thiện Nam Nữ! Các người đối với hạnh của Chư Phật Bồ Tát đã đủ, ngươi sẽ sinh vào Tô Kha phộc Đế Phật Sát (cõi Cực Lạc: Sukha-vatī)”

Bấy giờ, Ngũ Kế Càn Đạt Bà Vương vui vẻ hớn hở, sinh tâm Tín Trọng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy cởi mọi loại vật nghiêm thân, châu báu, ngọc Ma Ni, Trân Châu, bạc vàng, chuỗi anh lạc vô giá cúng dường Đức Phật, chắp tay cung kính chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn rồi nói kệ rằng:

Lành Thay! Thế Tôn!
Thiện Thệ kỳ đặc! (Đặc biệt kỳ lạ)
Thường dùng Tâm Bi
Cứu hộ Tất cả
Mà hay vì con
Cùng với chúng Hội
Nói nghĩa chân thật
Của Tối Thượng này.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói Kinh này xong thời các vị Bồ Tát Ma Ha Tát, các vị Thanh Văn, bậc Trì Minh, Đại Phẫn Nộ chủ, tất cả Minh Vương, các chúng Trời Rồng với Ngũ Kế Càn Đạt Bà Vương nghe điều Phật nói điều rất vui vẻ, tin nhận phụng hành.

 

PHẬT THUYẾT THÁNH ĐA LA BỒ TÁT KINH

_Hết_

 

THÁNH ĐA LA BỒ TÁT ĐÀ LA NI

Phục hồi và chú thích Phạn văn: HUYỀN THANH

 

NAMO (Quy mệnh) SAMANTA (bình đẳng) DARŚEBHYAḤ (Thị Sát Chúng: chúng xem xét kỹ lưỡng)

SARVA TATHĀGATEBHYO (Tất cả Như Lai Đẳng)

ARHATEBHYAḤ (A La Hán Đẳng)

SAMYAKSAṂBUDDHEBHYAḤ (Chính Đẳng Chính Giác Đẳng) OṂ (Nhiếp Triệu)

SARVA TATHĀGATA, TATHĀTĀ BHŪTA-KOṬI, PARIŚUDDHE

BUDDHE (Giác ngộ cõi chân như thực tế tràn đầy thanh tịnh của tất cả Như Lai)

SARVA TATHĀGATA, SARVA DHARMATĀ, GAGANA AMALA

VIŚUDDHA (Tất cả Như Lai Tính, Tất cả Pháp tính đều thanh tịnh không nhơ bẩn như hư không)

DHARMATE MAHĀ-NĀYA PARIVARESVÀHÀ (quyết định thành tựu viên mãn Thắng nguyện đại lý thú của Pháp Tính)

Tạm dịch là :

“Quy mệnh Bình Đẳng Thị Sát chúng. Tất cả Như Lai Chúng, Ứng cúng Chúng, Chính Đẳng Chính Giác Chúng

OM! Giác ngộ cõi Chân Như Thực Tế tràn đầy Thanh Tịnh như tất cả Như Lai. Tất cả Như Lai Tính, tất cả Pháp Tính đều Thanh Tịnh vô cấu như Hư không, quyết định thành tựu viên mãn Thánh Nguyện đại lý thú của Pháp Tính”

Hoàn chỉnh Phạn Văn vào ngày 12/02/2008