KINH THẮNG QUÂN VƯƠNG SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Thi Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ, cùng với các bậc Đại Bí-sô một ngàn hai trăm năm mươi người hội đủ. Lúc ấy, có đại vương, chủ nước Kiều-tát-la là Thắng Quân, một vị vua tôn quý, có uy đức lớn, giàu có, tự tại, quốc độ, cảnh giới của đại vương là một cảnh giới rộng lớn, được tất cả mọi người cùng tôn kính. Phước đức của nhà vua từ lâu đối với pháp Phật là rất tôn trọng tin tưởng.

Bấy giờ, nhà vua liền ngồi xe báu, cùng các quan, đám tùy tùng và vô số trăm ngàn Bà-la-môn, Trưởng giả… vây quanh, dùng các thứ âm nhạc đi trước dẫn đường. Vua ra khỏi nước Xá-vệ, đến vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, là nơi Phật Thế Tôn cư ngụ, để cung kính cúng dường, nghe nhận chánh pháp.

Đức Phật nói:

–Nhà vua là chủ của muôn dân, nên thường dùng chánh pháp thi hành trong việc cai trị, giáo hóa. Đối với phi pháp thì lìa bỏ, khong làm. Vì sao? Đại vương nên biết! Nếu vua và các quan lìa bỏ chánh pháp, thi hành phi pháp thì trong đời này mọi người sẽ khinh khi, chê bai, cho đến khi thân mạng hoại diệt không được sinh nơi các cõi tốt. Nếu vua và các quan rời bỏ phi pháp, thi hành chánh pháp, ở đời này được mọi người ca ngợi, đến khi thân hoại mạng chung được sinh lên cõi trời thọ nhận quả báo tốt đẹp, giàu vui, tự tại, được trời, người kính trọng.

Này đại vương! Ví như người đời sinh một đứa con, cha mẹ yêu thương xem như ngọc báu, tạo nhiều phương tiện khiến cho con luôn được vui sướng, người con lớn lên cũng có lòng hiếu kính. Tâm Từ bi yêu thương của vua cũng lại như thế, tất cả muôn dân đều là con một, chỗ yêu thương, nhớ tưởng của vua giống như cha mẹ, thường dùng bốn pháp để giáo hóa thu phục họ, đó là bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Thường thi hành bốn pháp như thế, tất cả dân chúng đều sẽ quy phục, vua hãy dùng tâm từ ái quan sát dân chúng giống như nghĩ nhớ đến con mình. Mọi người trong nước cũng xem vua như cha mẹ của họ. Lại như có người nơi giấc mộng thấy mọi thứ như sông suối, ao hồ, vườn rừng, hoa quả, đường phố, ngõ hẻm, đại lộ, mọi nơi đều trang nghiêm, thanh tịnh, vừa ý, mọi người đều yêu thích. Những việc như thế khi tỉnh giấc đều không còn thấy gì cả. Các pháp ở thế gian cũng lại như vậy, thảy đều như mộng, rot cuộc không thật, như đại vương là chủ của mọi người, thọ ba thứ vui thú, đó là vui vì giàu sang, vui vì ái dục, vui vì tự tại. Cai quản một nước lớn, có nhiều thứ của cải như voi, ngựa, xe cộ, vàng bạc, ngọc báu, kho chứa các vật, cho đến hoàng hậu, phi tần, quyến thuộc, các quan phụ giúp, kẻ hầu… số lượng rất nhiều, giàu sang thịnh vượng, không gì sánh bằng. Giàu sang như thế tuy nhiều nhưng những thứ hiện có ấy không cho là hơn hẳn. Vì sao? Vì đó là pháp điên đảo, làm tâm ý lao nhọc, tăng thêm các phiền não.

Đại vương nên biết! Những thứ ấy đều là pháp vô thường, hoại diệt, là không bền vững và không rốt ráo, như chùm bọt nước mà không có thật. Cho nên, này đại vương! Đối với những việc ấy phải biết rõ như thật. Đối với các pháp ở thế gian cũng thường biết rõ. Lìa các phiền não, tu hạnh xuất thế. Lại nữa, các pháp ở thế gian như một cây lớn tưới nhuần nơi gốc rễ liền sinh cành lá. Cành lá sum suê nên có thể ra hoa. Hoa nở không lâu liền sinh trái hạt, trái hạt chín rồi, màu sắc mùi hương thơm tho, ngon ngọt, mọi người đều yêu thích. Cây ấy bỗng bị lửa lớn thiêu đốt, khắp phía đều hừng cháy, sắc hồng rực sáng, chiếu át cả mặt trời, mặt trăng, bốn phương trên dưới là một khối lửa. Cây đáng yêu kia đều không còn gì cả, chỉ có ánh lửa hiện ra, nhưng ánh lửa ấy không lâu liền bị cơn mưa lớn dập tắt. Mây, sấm, tia chớp, ánh sáng giao nhau xuất hiện, lúc ấy đống lửa không còn nữa, chỉ còn cơn mưa to liên miên không dứt. Cơn mưa ấy không lâu lại cũng ngưng tạnh.

Đại vương nên biết! Như trên đã nói, các pháp ở thế gian cũng lại như thế, chỉ trong giây lát là bị hoại diệt, rốt cuộc đều không thực. Như nơi nhà vua cai trị, tuy là rộng lớn chứa nhiều của cải, chỉ trong giây lát là bị hoại diệt, nghĩa lý ấy cũng vậy. Do đó, này đại vương! Đối với pháp vô thường thì chớ sinh tưởng thường trụ. Đối với pháp có diệt tận đừng tạo tưởng vô tận. Niệm niệm tư duy luôn bị vô thường đến xâm phạm. Niệm xả bỏ những pháp thế gian, lìa xa những đắm nhiễm, tu hạnh xuất thế làm lớn thêm căn lành.

Này đại vương! Lại như bốn phương có bốn dãy núi lớn, từ không trung đến, những ngọn núi cao rộng kia, ngọn nào cũng vững chắc, rơi xuống cõi Diêm-phù, mà trong cõi ấy tất cả loài cây cỏ, rừng rậm hiện có đều bị hủy diệt không còn sót gì, kẻ có sức mạnh cũng không thể cứu được.

Này đại vương! Trong cõi thế gian có bốn điều đáng sợ lớn cùng đến bức bách cũng lại như vậy. Tất cả chúng sinh không nơi trốn chạy, kẻ có sức mạnh lớn cũng không thể cứu được. Bốn cái đáng sợ đó là gì?

  1. Sợ những tà hạnh.
  2. Sợ cái già.
  3. Sợ bệnh tật.
  4. Sợ cái chết.

Này đại vương! Tà hạnh nếu phát sinh tức hủy hoại chánh hạnh. Cái sợ nơi già nếu đến sẽ hủy vẻ trẻ trung. Cái sợ về bệnh đến sẽ hủy hoại điều vui an ổn. Cái sợ về chết nếu đến sẽ hủy hoại mạng sống.

Này đại vương! Lại như sư tử là vua của loài thú nếu vào đàn thú bắt một con ăn thịt, con thú bị bắt kia làm sao trốn chạy? Vào trong bụng sư tử rồi sẽ tiêu mất không còn gì.

Này đại vương! Sức mạnh lớn của luật vô thường đối với chúng sinh cũng sẽ như vậy.

Này đại vương! Những người ở trong thế gian, đến lúc sắp lâm chung, trước đó bị nhiều bệnh khổ như trúng tên độc, sức lực suy yếu, gân cốt, chi thể thảy đều đau nhức, da thịt khô gầy, tay chân run rẩy, những chất nhơ bẩn xuất ra, các căn như mắt tai mũi lưỡi thân… không thể phát khởi nhận biết, các cảnh không hiện, chỉ thấy cảnh của nghiệp bất thiện mà mình đã tự tạo hiện ra trước mắt, khiến hết sức sợ sệt. Không nơi nương náu, không ai cứu vớt, cha mẹ, bà con vây quanh, thầy giỏi, thuốc hay cũng không thể chạy chữa. Thức ăn thức uống ngon bổ không thể nuốt trôi. Trong từng ý niệm luôn sợ hãi vô thường. Hơi thở ra vào dần dần nhỏ, ngắn. Sợ về bệnh như thế, khi ấy mới bắt đầu, tâm nghĩ đến việc tạo nghiệp thiện, nói tiếng nhỏ với cha mẹ: “Con nay rất sợ, ghét cảnh trước mắt, mạng sống sắp dứt, cha mẹ nên vì con tạo các lợi ích, bố thí nơi Phật, Tăng, nguyện thương xót cứu giúp.”

Nói như vậy rồi, chỉ trong sát-na, thọ mạng liền hết. Chốn này đã bỏ, chốn khác lại sinh, theo nghiệp tự mình tạo ra mà thọ nhận các quả báo.

Đại vương nên biết! Chúng sinh nơi thế gian, hoặc thiện, hoặc bất thiện, hoặc hơn, hoặc kém, đều từ chỗ tự tạo nhân, sinh quả, không he mất. Tạo nghiệp thiện chính là chỗ quy hướng, là chốn dựa nương. Khi mạng sắp hết chẳng sinh sợ hãi. Chốn này duyên lìa, sinh nơi chốn khác, thọ nhận quả thù thắng. Do đấy, này đại vương! Ông nay phải nên xả bỏ pháp thế gian, lìa các thứ nhiễm, chấp, tu hạnh xuất thế, hướng tới của pháp thiện, ở trong niệm niệm tạo tưởng về vô thường. Nếu được như thế thì đối với pháp thiện mới gọi là tinh tấn.

Lại nữa, này đại vương! Như người ở thế gian đi vào đống lửa lớn, cần dùng phương tiện tức có thể diệt. Ở trong phiền não bức bách, phải nhờ sự mát mẻ, trong lành thì mới tỉnh táo. Khi bị đói khát phải nhờ ăn uống thì mới có thể cứu sống. Lúc nhiễm bệnh khổ, phải nhờ thuốc hay thì mới có thể trừ khỏi. Đối với nguy nan, phải có được sức mạnh nơi tri thức thiện mới thoát khỏi các nạn. Lúc bị nghèo khốn, phải có được của cải quý báu mới có thể cứu tế. Khi vào chiến tran, cần phải mặc áo giáp đồng dày kiên cố, dũng mãnh mới có thể chiến thắng. Mọi nơi chốn không nương không nhờ, cô độc khổ não, phải có được bạn thân, mới là chỗ dựa nương.

Này đại vương! Pháp thiện xuất thế gian cung lại như vậy. Nơi các thế gian, giống như trên đã nói, các thứ ăn uống, thuốc hay, bạn thân… có thể làm nơi nương tựa, có thể làm người cứu giúp.

Này đại vương! Nếu người không tu tập pháp xuất thế gian thì đều không phải là chỗ có thể nhờ cậy, lúc mạng sắp hết, tự sinh sợ hãi thì ai là người cứu giúp? Bỏ báu này rồi, tự thọ khổ kia, ai làm việc cứu độ? Do sự việc ấy, nên Như Lai nêu giảng đúng như thật.

Này đại vương! Nên mau chóng đối với các pháp thế gian, bỏ các kiến chấp về thường, tạo tưởng vô thường, bỏ kiến chấp vững chắc, tạo tưởng về hoại diệt, như bọt nước tụ lại, không thật. Nên nhớ nghĩ tu tập pháp thiện xuất thế gian. Từ cho tự làm rồi, chuyển sang khuyên người khác cùng làm, như thế, mới có thể ở trong pháp thiện gọi là tinh tấn.

Này đại vương! Nên quán về tự thân, không có một chút vui nào có thể đạt được, tuy lại có đủ vô số thức an uống thượng vị, ngon bổ để nuôi thân, chưa từng một lúc nào có sự sai lầm về đói khát. Như vậy, dần dần có thể nuôi giữ mạng căn. Quả báo nơi thọ mạng kia hết, tức thì tan hoại, quy về pháp vô thường.

Này đại vương! Lại quán về tự thân. Tuy có đủ loại y phục quý giá bậc nhất, các vật dụng trang nghiêm, cho đến vô số kho chứa các vật, không hề thiếu hụt. Voi, ngựa, xe, cộ, bốn thứ đầy đủ, số lượng ấy rất nhiều, không gì có the so sánh. Quả báo nơi thọ mạng hết, tất quy về vô thường.

Lại nữa, này đại vương! Như người ở thế gian giàu có, nhiều của cải, trong mỗi mỗi ngày đều tắm rửa sạch sẽ, dùng dầu thơm xoa lên thân. Lại dùng các thứ y phuc trang nghiêm đẹp đẽ bậc nhất, các vòng hoa tươi đẹp, cùng các chuỗi anh lạc, chân châu, các thứ vòng xuyến, nhẫn ngọc… như thế để trang sức nơi thân tướng, ngồi nơi tòa báu, giàu sang tự tại, uy đức hết mực tôn quý, cùng với đám quyến thuộc vây quanh, hòa tấu hàng trăm thứ âm nhạc đặc biệt. Khắp các lầu gác đều đốt các loại hương vi diệu như chiên-đàn, trầm thủy… tất cả sinh diệt nối tiếp, luân chuyển không có cùng tận, đều do vô minh làm nhân sinh ra. Do đấy, tất có các thứ pháp như tham… nếu diệt trừ vô minh thì tham… chẳng sinh. Tham… đã được diệt thì hành chân chánh được khởi, lìa các lỗi lầm. Đây tức gọi là pháp xuất thế gian.

Lại nữa, này đại vương! Hết thảy cảnh giới của đối tượng được duyên nơi thế gian, hoặc được, hoặc mất, hoặc quyết định, chẳng quyết định, hoặc đáng yêu thích, chẳng đáng yêu thích. Tâm tham sinh khởi không hề biết chán đủ. Đó là lỗi lầm lớn. Nếu đối với pháp xuất thế gian của chánh đạo, yêu thích, mong cầu, không cho là chán đủ, mới là hành chân chánh, là lợi ích lớn. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Đại vương nay nên biết
Pháp chết kia cực ác
Dứt mọi thọ mạng người
Cùng hủy hoại các uẩn.
Đó là sợ hãi lớn
Đời đều không yêu thích
Pháp chết kia nếu đến
Hiện khắp mọi nơi chốn.
Hư không cùng biển cả
Hang sâu và núi cao
Đại địa cùng các phương
Không nơi nào trốn thoát.
Chỉ các bậc trí tuệ
An trụ pháp chân thật
Nên kiên cố, không động
Tất cả không thể hoại.
Báo thọ mạng chưa hết
Nên khởi đại tinh tấn
Tu tập rộng nhân thiện
Siêng hành các phạm hạnh.
Do diệu lực căn lành
Được đến cõi Niết-bàn
Đạt được Niết-bàn rồi
Xa lìa hẳn sợ chết.

Lúc này, đại vương chủ nước Kiều-tát-la là Thắng Quân, nghe Đức Phật Thế Tôn dung các phương tiện thiện xảo, nêu ví dụ để giảng nói pháp vi diệu rồi thì hết sức hoan hỷ, nên cung kính tán thán, đảnh lễ nơi chân Phật rồi về cung.

Phật thuyết giảng kinh này xong, các chúng Đại Bí-sô, nghe Phật giảng nói đều vô cùng vui mừng, tin thọ nhận phụng hành.