KINH THẮNG MAN GIẢNG KÝ

I. PHẦN TỰ

CHÁNH VĂN:

Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ Đức Phật đang ở nước Xá Vệ nơi rừng cây Kỳ Đà thái tử vườn của ông Cấp Cô Độc.

LỜI GIẢI:

Về phương diện cấu tạo hình thức của tất cả các bộ kinh điển Phật giáo đại để có thể chia làm ba phần: Phần Tự, phần Chánh tông và phần Lưu thông. Phần Tự là thuật về nhân duyên phát khởi của pháp hội. Do nhơn duyên đây mới khai sự thuyết pháp. Phần thuyết pháp là Chánh tông. Thuyết pháp không phải chỉ vỉ thính chúng đương thời không thôi, mà còn chúng sanh đời vị lai nữa. Vì vậy, nên cuối cùng mỗi bản kinh đều có phần Lưu thông. Đây là thể tài tổ chức của hầu hết các bộ kinh Phật.

Phần Tự của kinh còn phân ra Thông tự và Biệt tự. Thông tự là chỉ cho tất cả kinh. Biệt tự là nhơn duyên phát khởi mỗi bộ kinh khác nhau. Thông tự và Biệt tự còn gọi là Chứng tín phần và Phát khởi phần. Chứng tín phần là lời thuật của người kiết tập kinh để bày tỏ sự kiện chân thật chứ không tự đặt ra, mà chính đích thân được nghe từ lời Phật nói, do đệ tử Phật tiếp nối truyền lại Phần này nói rõ thời gian, địa điểm, có những ai tham dự pháp hội đồng nghe. Ghi chép sự kiện tường tế xác thực có thể tin. Vì vậy Long Thọ Bồ Tát nói trong Trí Độ Luận rằng: “Thời gian thuyết pháp, địa phương, nhân vật, khiến cho người sanh tín”.

“Như thị ngã văn” là chỉ cho pháp, chỉ bộ kinh điển, do chính tôi, A Nan, đích thân nghe từ kim khẩu Đức Phật nói. Chữ “Như thị” mang ý nghĩa tin thuận. Như nói: “Như thế này đây!”Nghĩa là biểu thị đáng tin được. Nếu không thể tin được thì nói “Không phải như thế này”. Phật pháp không luận cạn sâu nhứt luật phải lấy tín tâm làm trước nhất. Nghĩa là Phật nói như thế này, rồi đệ tử Phật truyền thừa tiếp nối, ai cũng đều nói “Như thế này”, nên không ai dị nghị. Vì vậy, nên không ai có ý nghĩ tranh cãi. Phật pháp vốn không thật ngã. Nhưng tùy thuận thế tục mà có giả danh ngã, giả danh nói là ngã (tôi). Y theo pháp tướng duyên khởi mà nói, ý nhĩ căn phát ra nhĩ thức mà thành có nghe. Nhưng không lìa căn thức mà an lập giả ngã, “giả ngã là tổng, căn thức là biệt, bỏ biệt lấy tổng nên gọi là ngã”.

“Nhất thời”là chỉ thời gian nói pháp. Thời gian mỗi địa phương bất đồng, nên lịch không giống nhau. Phật pháp truyền khắp mọi nơi, nên không chỉ định năm tháng ngày giờ nào, mà chỉ tổng xưng là nhất thời. Nói cách đơn giản, tức là cái thời gian người và đạo giao cảm, pháp hội có thỉ chung.

“Phật” là chỉ cho nhân vật chủ trì thuyết pháp. Phật tiếng Phạn là Buddha, Trung Hoa dịch là Phật Đà, nói tắt là Phật. Nghĩa là người giác ngộ. Giác có hai nghĩa: Một là giác ngộ, tức là đã tỉnh thức thấu triệt chơn tánh vũ trụ nhơn sanh. Hai là giác sát, tức là giác liễu tự tại tất cả sự tướng. Chánh giác pháp tánh hàng Thanh văn Duyên giác cũng có. Nhưng khác với Phật. Phật chẳng những tự chánh giác mà còn giác liễu khắp cả pháp thế gian và xuất thế gian. Nên gọi là Chánh biến giác, tức là Tam miệu Tam Bồ đề. Nếu căn cứ sự lý mà nói, thì Phật đầy đủ giác ngộ, giác sát, cứu cánh viên mãn giác ngộ. Nếu đứng về tự và tha mà nói thì Phật không những hoàn thành tự giác, mà còn giác ngộ tha nhơn. Nghĩa là Phật tự giác, giác tha đều cứu cánh viên mãn. Sở dĩ Phật Đà đại giác là do trọng tâm ở nơi vô sư tự ngộ sáng tạo, không giống như hàng Thanh văn phải nương nơi Phật khai thị mới giác ngộ. Lại nữa, Phật trọng tâm nơi minh giác phổ biến nhất thiết, không giống như Nhị thừa giác liễu, có phần. Phật là danh hiệu thông xưng cho tất cả những ai đầy đủ giác sát, giác ngộ, tự giác, giác tha, tâm hạnh giác ngộ viên mãn. Nhưng Phật trong kinh này chính là chỉ cho Phật Thích Ca Mâu Ni. Bởi vì, căn cứ vào thế giới hiện tại này từ hơn hai ngàn năm về trước đến nay thì chỉ có một Phật Thích Ca làm Giáo chủ chứ không có hai. Thế nên khi nói đến Phật, tuy không nêu rõ danh nhưng mọi người đều biết đó là Đức Thích Ca Mâu Ni Phật.

“Xá Vệ quốc Kỳ thọ Cấp Cô Độc”. Đây là chỉ trụ xứ của Đức Phật giáo hóa. Xá Vệ là tên của thành, là thủ đô thuộc nước Kiều Tát La. Xá Vệ thành là một trong sáu thành lớn của Ấn Độ thời Phật tại thế. Đức Phật ở đây thuyết pháp thời gian rất lâu. Theo truyền thuyết thì Ngài trụ nơi đây có đến hai mươi lăm năm. Xá Vệ thành cách thành Ca Tỳ La Vệ, quê hương của Phật không xa. Tổ quốc của Phật là nước Kiều Tát La. Xá Vệ có nghĩa là văn minh, danh tiếng. Ấn Độ thời bấy giờ, thành Xá Vệ là một thành lớn trọng yếu, trung tâm của văn hóa, chánh trị, kinh tế, nơi câu hội nhơn tài, nơi sản vật phong phú, nơi tôn giáo triết học nảy sanh phát triển như hoa mùa xuân, thế nên gọi là Xá Vệ. Cách Xá Vệ thành về hướng Nam khoảng chừng ba hoặc bốn dặm có vườn cây của Thái tử Kỳ Đà và ông Cấp Cô Độc.

“Viên” tiếng Phạn là Tăng già lam, tức là trụ xứ của tăng chúng. Có sơn thủy, có rừng cây, thích hợp cho chúng xuất gia ở những nơi này. Bởi ý nghĩa đó, nên chùa Tăng ở Ấn Độ đều gọi là Tăng già lam.

“Kỳ thọ” là cây vườn của Thái tử Kỳ Đà. Thái tử Kỳ Đà là con của vua Ba Tư Nặc.

“Cấp Cô Độc” tức là trưởng giả Tu Đạt Đa, người giàu có nhất thành Xá Vệ, thích làm việc từ thiện, đặc biệt là cứu giúp kẻ côi cút không nơi nương tựa.Vì vậy, người đời tôn xưng ông là Cấp Cô Độc trưởng giả. Đất trong vườn là do trưởng giả Cấp Cô Độc mua lại của Thái tử Kỳ Đà. Còn vườn cây là của Thái tử cúng thí. Hợp cả hai cây vườn vào đất vườn, thành danh xưng là Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên.

Thường thì kế tiếp phần thông tự các kinh là lược kể có các đại A la hán hoặc một ngàn hai trăm năm mươi đệ tử thường theo Phật thuyết pháp, hoặc có đại Bồ Tát, chư Thiên, Long thần v.v… là thính chúng trong pháp hội. Đặc biệt kinh này không có chúng đồng nghe. Bởi vì phần chánh tông của kinh này được nói tại nước A Du Xà của Thắng Man phu nhơn. Lại nữa, đương thời chúng nghe kinh này cũng không ở trong Kỳ Viên. Vì vậy, đây thuật kinh này là lúc Phật từ A Du Xà về lại Kỳ Viên đối với đại chúng thuyết pháp này mà không luận.

CHÁNH VĂN:

Khi ấy vua Ba Tư Nặc và Mạt Lợi phu nhơn tin Phật chưa lâu, nói với nhau như thế này: Thắng Man phu nhơn là con gái ta, thông huệ lợi căn, mẫn cán, dễ lĩnh ngộ, nếu gặp được Phật thì quyết chóng thấu hiểu giáo pháp, tâm đạt không ngại. Vậy nên hợp thời khiến tin để phát đạo tâm. Mạt Lợi phu nhân nói rằng: Nay chính phải lúc.

LỜI GIẢI:

Từ đây trở đi là phát khởi phần. Phần này có hai: Một là ngoại duyên phát khởi, tức do vua và phu nhơn trợ duyên dẫn phát. Hai là nội nhơn cảm ngộ, tức do chính Thắng Man phu nhơn đã có trồng thiện căn từ quá khứ, nên khi gặp Phật nghe pháp thì liền lĩnh ngộ. Trong thiện căn, ngoài thiện duyên đồng phát khởi.

“Vua Ba Tư Nặc”: Vua Ba Tư Nặc là quốc vương  của nước Kiều Tát La dịch là Thắng Quân. Mạt Lợi có nghĩa là Man, tức là đẹp. Trong giới luật có nói về thân thế Mạt Lợi phu nhơn xuất thân từ gia đình nghèo khổ làm kẻ ở cho trưởng giả Đại Danh nước Ca Tỳ La Vệ. Có một lần nọ, bà thấy Phật sanh lòng hoan hỷ phát tâm cúng dường chút ít. Bà là người ở giúp việc trong vườn của trưởng giả Đại Danh. Một ngày nọ, Ba Tư Nặc đại vương vào vườn của trưởng giả thưởng ngoạn, Mạt Lợi phu nhơn được lệnh hầu hạ tiếp đãi vua rất là chu đáo, khiến nhà vua cảm mến. Nhà vua biết Mạt Lợi là kẻ ở của trưởng giả, nên có ý tỏ bày với trưởng giả muốn Mạt Lợi là phu nhơn của mình. Mạt Lợi phu nhơn bỗng nhiên hạnh ngộ cảnh phú quý quyền uy đệ nhất phu nhơn, tự biết do công đức thành tâm cúng dường Phật, nên từ đây lại khởi tin sâu Phật pháp hơn. Do phu nhơn tin Phật, nên hướng dẫn vua Ba Tư Nặc tin Phật. Vì vậy, kinh này nói “tin pháp chưa lâu” là chỉ cho vua Ba Tư Nặc. Và đây cũng là nói sự tín giải pháp Đại thừa. Trước khi nói kinh Thắng Man này, thì Phật ở vườn Cấp Cô Độc sắp sửa nói kinh Pháp Cổ. Vua và phu nhơn đánh trống trổi nhạc đến nghe pháp. Phật nói: “Ta nay sẽ đánh trống pháp, tuyên nói pháp môn chơn thường đại ngã”. Ở trong pháp hội này, vua và phu nhơn đối với pháp môn chơn thường diệu hữu có lòng tín giải rất là chân thiết. Tin pháp không lâu, Vua và Hoàng hậu Mạt Lợi liền nghĩ đến con gái mình. Cha mẹ đối với con cái có tình đặc biệt thương yêu, đương nhiên cũng muốn cho con gái mình thấy Phật sanh lòng tín kính.

Lúc đó, Thắng Man phu nhơn, con gái của Vua Ba Tư Nặc, sớm đã gả cho vua nước A Du Xà. Vua và Hoàng hậu hai người nói với nhau: “Thắng Man phu nhơn là con gái của ta. Vả lại, nó là đứa thông huệ, lợi căn, mẫn cán, dễ ngộ”. Vừa nghe liền thấu hiểu gọi là thông. Ý thức quán sát có thể mau lẹ giản trạch thị phi chánh tà gọi là huệ. Thông minh mà lại huệ căn, nên căn tánh bén nhạy. Thông là không ngăn ngại, tức là nghe đến đâu thì liền liễu giải đến đó. Mẫn là trực giác ngộ giải mau lẹ. Người đời thường gọi là nhạy cảm tức khắc, ngộ liền. Những danh từ này đều diễn tả cái ý nghĩa mau cấp kỳ, mang ý nghĩa thấu hiểu mau lẹ.

Do thông minh nên thông đạt. Do trí huệ nên mẫn cán. Do căn tánh lanh lợi nên dễ ngộ. Thông huệ lợi căn là khen tánh năng của Thắng Man phu nhơn. Thông mẫn dễ ngộ là khen huệ dụng của bà. Lợi căn mẫn huệ như đây, nếu có cơ hội thấy Phật nghe pháp tất nhiên mau chứng ngộ, giải chánh pháp, tâm được vô ngại. Vô ngại nói một cách cạn là tín giải kiên định. Nếu nói nghĩa sâu là chứng ngộ. Nhưng Thắng Man phu nhơn không ở nước Xá Vệ mà là ở nước A Du Xà. Vậy nên kịp thời sai người đem tin để Thắng Man phát khởi đạo tâm. Nghĩa là Vua và Hoàng hậu muốn con gái mình đối Phật pháp sanh khởi tín tâm. Khi thảo luận vấn đề này, vua Ba Tư Nặc là người chủ động. Mạt Lợi phu nhơn tất nhiên hoan hỷ thưa với Đại vương rằng: “Phải rồi, nay chính đúng lúc! Phải lập tức phái người đem tin này đến Thắng Man phu nhơn”.

CHÁNH VĂN:

Vua và phu nhơn viết thư cho Thắng Man, đại lược ca ngợi Phật công đức vô lượng. Liền bảo cung nhơn tên là Hàng Đề La mang thư đến nước A Du Xà vào thẳng nội cung, kính cẩn trình dâng cho Thắng Man.

LỜI GIẢI:

Vua Ba Tư Nặc và phu nhơn sau khi bàn luận về việc lợi ích tin Phật xong, liền quyết định viết thư cho con gái là Thắng Man phu nhơn. Trong thư sơ lược tán thán công đức vô lượng của Phật. Phật công đức vô lượng vô biên, thư đương nhiên không thể nào tán thán hết công đức của Phật, nên chỉ nói sơ lược những điều trọng yếu để cho Thắng Man sanh tâm kính tin mà thôi. Thư viết xong liền sai người trong cung tên là Hàng Đề La đem thư đi đền nước A Du Xà. Hàng Đề La không phải là tên người mà là tên chức quan nội gián, cũng không phải là tiếng thông xưng kẻ hoàng môn [1] .

A Du Xà quốc là đông đô của nước Kiều Tát La. A Du Xà có nghĩa là không thể khắc phục, tức là thành trì kiên cố, địch nhơn không dễ gì công phá được. Trong thành có Vua. Vua của thành này là Hữu Xứng Vương tức là chồng của Thắng Man phu nhơn, cũng thuộc quyền thống trị của Ba Tư Nặc đại đế. Sau khi sứ giả đến nước A Du Xà, liền đi thẳng vào Vương cung đem thư của Đại vương Ba Tư Nặc và Mạt Lợi phu nhơn, kính trình trao cho Thắng Man phu nhơn.

CHÁNH VĂN:

Thắng Man được thư, khởi tâm hoan hỷ, đảnh lễ, tiếp thọ, đọc tụng xong, thọ trì, sanh tâm ngưỡng mộ hy hữu.

LỜI GIẢI:

Đây là nói Thắng Man phu nhơn trong lòng cảm ngộ. Thắng Man ở trong đời quá khứ đã trồng thiện căn. Vì vậy nên vừa được ngoại duyên vua Ba Tư Nặc và Mạt Lợi phu nhơn thì trong lòng liền dẫn phát mong thấy Phật khai ngộ. Nên nói, Thắng Man được thư hoan hỷ đảnh lễ, tiếp thọ. Đảnh lễ tiếp thọ là hình dung tâm cung kính đối với thư cha mẹ gởi đến. Thư cha mẹ quý bằng muôn lượng vàng, nên tâm sanh hoan hỷ. Đọc tụng là đọc văn chữ trong thư. Thọ trì là ghi nhớ ý nghĩa trong thư không quên. Trong thư lược tán thán công đức của Phật vô lượng vô biên. Thắng Man trong quá khứ tuy đã lâu đời từng tu Bồ Tát hạnh, nhưng hiện đời chưa có nghe qua Phật pháp. Do trong thời quá khứ túc căn sâu dày, nên đời này mới vừa nghe tán thán công đức Phật, liền sanh tâm vui mừng hy hữu ngưỡng mộ quý kính. Tâm đặc thù này khó thấy ở người ít thiện duyên Bồ đề.

CHÁNH VĂN:

Thắng Man phu nhơn hướng trước Hàng Đề La nói kệ rằng: Ta nghe danh tiếng Phật là bậc chưa từng có trên đời. Lời nói trong thư là chơn thật, nên ta cúng dường cho ông.

LỜI GIẢI:

Tập tục Ấn Độ mỗi khi gặp bậc Tôn túc trưởng thượng thì thường nói kệ để xưng tán. Ở đây Hàng Đề La là quan nội giám của vua Ba Tư Nặc, đúng ra chẳng cần dùng kệ, nhưng vì ông ta đại diện cho cha mẹ của Thắng Man đến trao thư, mà thư lại tán thán công đức Phật. Vì vậy mà Thắng Man phu nhơn hướng trước Hàng Đề La nói kệ. Kệ tiếng Phạn là Già Đà, là một loại thi ca cũng giống như thi phú Trung Hoa. Thắng Man nói: “Ta nghe danh tiếng Phật, có cảm giác rằng trong thế gian chưa từng có”. Cha mẹ viết thư gởi đến là dùng văn tự viết thành. Văn tự là đại biểu cho lời nói. Thắng Man đọc thấy văn tự trong thư cũng như được nghe lời nói của cha mẹ. Vì đọc văn tự là một cách  nghe gián tiếp, nên nói “ Ta nghe”. Nghe đến danh Phật, hoặc nghe đến ba cõi vô thường, các pháp hữu lậu đều khổ, tâm liễu sanh cảm động sâu xa, toàn thân trân mình, lông trong người dựng đứng, sanh khởi ý nghĩ hết sức đặc biệt ít có, khó diễn tả. Điều này minh chứng rằng, đã lâu đời tích tập thiện căn. Thắng Man lại nói: “Trong thư tán thán công đức Phật là lời nói chân thật không hư dối, không thêm thắt”. Bà đối với Hàng Đề La nói: “Nhà ngươi đối với ta là người có đại ơn, Thắng Man tôi nay nên cúng dường cho ông”. Riêng đoạn này căn cứ bản kinh Phạn văn thì nên nói như thế này: “Thắng Man tôi nay nên tặng áo cho ông”. Có nghĩa là nếu đúng như lời nói thực trong thư ông mang đến, thì tôi nay kính tặng cho ông một chiếc áo để tưởng thưởng công lao. Cung kính cúng dường là tiếng dùng để kính tặng phẩm vật cho Tam Bảo, cho Sư trưởng và cho những bậc tôn kính trưởng thượng. Còn ngang hàng hay hạng thấp hơn thì gọi là cung dưỡng hay bố thí.

CHÁNH VĂN:

Ngưỡng mong Phật Thế Tôn khắp vì thế gian mà xuất hiện, cúi xin Ngài rủ lòng thương xót khiến cho con được trông thấy.

LỜI GIẢI:

Thắng Man phu nhơn là người lợi căn thông minh, vừa được biết Đức Phật qua thư cha mẹ thì liền cảm ngộ công đức Phật bất khả tư nghì. Tuy Đức Phật xuất hiện thế gian, nhưng phải có thiện căn thành khẩn tín tâm mới có thể thấy Phật nghe pháp. Vì vậy,  mà Thắng Man phu nhơn mới cầu Phật giáng lâm.

Ngưỡng mong mang ý nghĩa thành khẩn tôn kính mong chờ, đợi trông như con mong đợi cha mẹ, như hành giả kính mong Tam Bảo. Phật là bậc được tất cả nhơn gian tôn kính, nên gọi là Thế Tôn. Lúc bấy giờ tuy Đức Phật trụ ở thành Xá Vệ, nhưng không phải chỉ đơn phương ở Xá Vệ thành, mà Ngài vì tất cả thế gian mà xuất thế độ sanh. Phật lấy đại từ đại bi làm bổn hoài, khắp vì tất cả chúng sanh mà xuất thế, tất nhiên từ bi ứng khắp không có phân biệt. Thế nên con nay dùng một niệm tâm thành kính, tâm thanh tịnh ngưỡng mộ công đức Phật, xin Phật vì con “rủ lòng thương xót”. Rủ lòng có nghĩa kẻ trên thương xót, che chở người dưới. Ở đây Thắng Man khẩn thiết hướng về Phật cầu mong Ngài lấy từ bi cúi xuống thương xót, cứu độ “khiến cho con được trông thấy Ngài”. Điều này không những biểu hiện lòng tín kính của Thắng Man phu nhơn lợi căn lý giải thâm nghĩa Đại thừa.

CHÁNH VĂN:

Liền khi Thắng Man khởi niệm này, thì Đức Phật hiện ra ở trên không trung phóng hào quang sáng khắp cả, thấy rõ kim thân Phật tuyệt vời không ai sánh kịp.

LỜI GIẢI:

Đoạn kinh trên kia nói về cảm, đoạn này nói về ứng. Phật cảm ứng không mất thời cơ. Thế nên, khi Thắng Man phu nhơn khởi niệm cầu Phật từ bi thương xót, thì liền khi đó Đức Phật hiển hiện trên không trung. Thắng Man ở trong thâm cung, nhơn lòng thành tín khẩn thiết, nên Phật dùng thần thông hiện đến phóng hào quang sáng để hóa độ. Thân Phật tướng hảo quang minh vi diệu không ai sánh bằng. Có những khi giáo hóa chúng sanh nhập pháp Đại thừa, Ngài lại từ nơi trán giữa chặn mày phóng ra những đạo hào quang để biểu thị đại pháp quang minh chiếu khắp thế gian tăm tối, nhơn đó khiến cho Thắng Man và mọi người cùng được thấy.

Nói đến thấy Phật thì mỗi cách thấy khác nhau. Đại lược có hai: Một là ra đời cùng thời với Phật mà được thấy Phật, đây là lẽ thường. Hai là Thắng Man thấy Phật, do căn lành thuần thục, thành tín khẩn cầu được thấy. Thế nên Đức Như Lai từ vườn Cấp Cô Độc liền dùng vô tác thần thông mà đến trên hư không Vương cung nước A Du Xà. Đến khi pháp hội viên mãn, Phật lại phóng hào quang “đi trên hư không”, về lại nước Xá Vệ. Thấy Phật không phải chỉ có một mình Thắng Man phu nhơn mà các cung nữ cũng đều thấy. Đây là chỉ cho những người sanh trong đời có Phật. Sau khi Đức Như lai nhập Niết bàn, phần đông chúng sanh do tâm sở hiện mà thấy Phật. Chẳng hạn khi gặp hoạn nạn khủng bố khiếp sợ thì nhớ Phật niệm Phật, nhơn đây mà thấy Phật. Hoặc do định tâm thanh tịnh, thấy Phật trong lúc định, Hoặc do lòng ngưỡng mộ Như Lai thâm thiết mà thấy Phật trong mộng. Hoặc trong lúc hoảng hốt mà thấy Phật. Mộng cảnh, huyễn cảnh, định cảnh thấy được Phật đều trọng nơi tự tâm sở hiện. Như Kinh Ban Chu Tam Muội nói: “Tu Ban Chu Tam Muội mà hiện thấy Phật A Di Đà. Hành giả liền tự nghĩ rằng: Phật đã không đến, tôi cũng không đi, thuần do tự tâm hiện, vì vậy tự tâm thấy Phật, tự tâm làm Phật, tự tâm là Phật”. Điều này cùng với việc sanh ra đời gặp Phật, thấy Phật, hoặc do lòng thâm tín thiết tha ngưỡng mộ mà Phật cảm dùng thần thông đến hóa độ, nhơn đó được thấy Phật.

CHÁNH VĂN:

Thắng Man và quyến thuộc đầu mặt sát đất lễ chân Phật, dâng trọn lòng thanh tịnh ca ngợi Phật thật vô lượng công đức.

LỜI GIẢI:

Thắng Man và quyến thuộc là chỉ toàn cả hoàng thân quốc thích cung nữ v.v…cùng lúc thấy trên không trung hiển hiện thân Phật không gì mừng vui sánh bằng. Tất cả đều nhất trí chiêm ngưỡng Phật, đầu mặt lễ lạy chân Phật. Dùng đầu mặt là nơi tôn quý của mình để cúi sát tiếp xúc với nơi thấp nhất là chân của người khác, điều này biểu hiện lòng thành cung kính nhất, tức là thân nghiệp chí kính. Nhưng Phật thân ở không trung, còn Thắng Man và quyến thuộc ở dưới đất thì làm sao đầu mặt lạy chân Phật? Y theo đoạn cuối kinh này nói: “Đức Thế Tôn phóng hào quang thắng diệu sáng chói, chiếu khắp đại chúng, thân bay lên không trung cao chừng bảy cây Đa la [2] đi trên hư không để trở về nước Xá Vệ”. Điều này rõ ràng nói lên Phật từ hư không xuống đất. Nếu không thì sao lại phải bay lên hư không? Trong kinh chỉ nói hiện thân ở hư không mà không nói xuống đất, đây chẳng qua là kinh giản lược đó thôi.

Dâng trọn lòng thanh tịnh là biểu lộ ý nghiệp chí kính. Ca ngợi Phật thật vô lượng công đức là thể hiện khẩu nghiệp chí kính. Kinh này tuy xưng là Thắng Man phu nhơn nói, nhưng thực ra không phải chỉ giới hạn Thắng Man một người, mà Thắng Man là người lãnh đạo đại biểu chúng hội. Thấy Phật, lễ Phật, ca ngợi Phật v.v….là Thắng Man và quyến thuộc cùng làm.

Trên đây là nói về sự thô thiển. Nhưng nói về nghĩa thâm sâu thì Thắng Man phu nhơn từ vô thỉ đến nay đã bao đời tu bồi công đức thù thắng. Do bi tâm làm gốc, nhưng tổng thể là tâm Bồ đề. Đây là do thiện tri thức Bát Nhã làm mẹ và phương tiện diệu dụng làm cha mà huân tập thành, gặp duyên phát triển.

Thắng Man phu nhơn gả cho quốc vương nước A Du Xà xa xôi tức là mầm mống tâm Bồ đề bị sanh tử tạp nhiễm làm chướng ngại rất khó phá trừ, chưa có thể trở về quê cha đất tổ, giống như kẻ cùng tử trong Kinh Pháp Hoa. Nhưng tâm Bồ đề huân tập thuần thục, phát triển thắng duyên thì gọi là lợi căn dễ ngộ. Đây là do ngoại duyên thiện tri thức huân phát. Bồ đề tâm công đức tăng trưởng, dùng hữu lậu tu huệ, xu hướng thâm nhập chơn như, tức là Thắng Man thành khẩn cầu thấy Phật. Nghĩa là trong sát na đệ nhất nghĩa không trí hiện tiền Như Lai tạng xuất ly phiền trược thì Pháp thân thể hiện, gọi là Phật hiện ở hư không. Đủ vô biên xứng tánh công đức trang nghiêm thì quang minh không gì sánh kịp.

Thắng Man lấy tâm Bồ đề làm chủ tương ứng với vô lậu tâm lấy công đức làm quyến thuộc, cùng với như như pháp thân khế hợp gọi là đầu mặt sát đất lạy chân Phật. Ba nghiệp tương ưng xưng tán Phật đức, tức là biểu hiện xứng hợp tự chứng tâm cảnh. Đây là được Phật nhiếp thọ, được Phật thọ ký.    

 

Chú Thích

[1] Hoàng môn: Những kẻ mang tính vừa nam vừa nữ. Hạng người này thấy người nam thì họ liền sanh tâm ái nhiễm của nữ, thấy người nữ thì họ liền sanh tâm ái nhiễm của nam. Tâm tánh của kẻ hoàng môn  bán nam bán nữ bất thường, không có ý chí trượng phu. Luật Phật cấm thu nhận kẻ hoàng môn xuất gia thọ giới Sa di hoặc Tỳ kheo. Vì lòng từ bi độ sanh, Phật phương tiện chỉ cho kẻ hoàng môn thọ Bồ tát giới tại gia hay Bồ tát giới xuất gia mà thôi. Kinh Pháp Hoa phẩm thứ 14 Phật dạy người tu hành trì Kinh Pháp Hoa không nên thân gần kẻ hoàng môn, không nên một mình vào nhà kẻ hoàng môn. Vì kẻ hoàng môn tâm địa bất chánh. Nhưng ngoại trừ quan nội giám của triều đình bộ phận sinh dục bị cắt để nhà vua an tâm về đường tà dâm với hoàng hậu và cung nhơn thì không kể. 
 
[2] Đa la thọ: Là loại cây Đa la giống như cây Thốt nốt. Loại cây này rất nhiều ở miền Đông Ấn Độ.Thân cây Đa la rất cứng thường dùng khắc bản in, lá dài dày đặc như mái nhà, trái đỏ như trái lựu. Một khi thân cây Đa la bị chặt ngang thì không nẩy chồi, cây phải chết. Kinh Niết Bàn Đức Phật nói, kẻ tu hành phá giới,nếu phạm tội Ba la di như cây Đa la bị chặt ngang.