KINH THẬM THÂM ĐẠI HỒI HƯỚNG

Hán dịch: Mất tên người dịch
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật cùng với tám ngàn chúng đại Tỳ-kheo, trú ở khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn vì đại chúng vây quanh trước sau mà thuyết pháp. Trong hội chúng đó, có một vị Bồ-tát, hiệu là Minh Thiên, rời chỗ ngồi đứng dậy, bày vai áo bên phải, gối phải sát đất, chắp tay, cung kính bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con có điều muốn hỏi, cúi xin Thế Tôn, vì con phân biệt giảng nói.

Phật bảo Đại Bồ-tát Minh Thiên:

–Thiện nam! Muốn hỏi điều gì cứ hỏi, chớ đừng phân vân. Như Lai tùy theo lời hỏi mà giải đáp.

Bồ-tát Minh Thiên liền bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao Bồ-tát vốn ít tu hành điều tốt lành mà lại gặt quả nhiều, thành tựu nhiều phước báo, công đức vô lượng?

Phật bảo Đại Bồ-tát Minh Thiên:

–Lành thay, lành thay! Này Minh Thiên! Có thể hỏi Như Lai nghĩa này. Ông đã từng ở trong thời quá khứ, chỗ vô lượng chư Phật, gieo trồng gốc đức, cúng dường chư Phật, thân cận Thiện tri thức, có thể làm cho chúng sinh được phước báo an vui, nên mới hỏi nghĩa sâu xa này. Hãy lắng nghe! Lắng nghe và khéo léo nhớ nghĩ!

Bồ-tát Minh Thiên bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con xin nhận sự chỉ dạy.

Phật bảo Minh Thiên:

–Các Đại Bồ-tát đời quá khứ, hiện tại, vị lai đã ở chỗ chư Phật, thân tu hạnh từ bi, miệng tu hạnh Từ bi, tâm tu hạnh Từ bi, hết lòng nhớ nghĩ Phật, thực hành công đức. Lại nữa, Minh Thiên! Đại Bồ-tát phải nên đến điện thờ Thế Tôn Như Lai, lễ bái, cúng dường, gối phải sát đất, chắp tay, nhiễu quanh bên phải, rải hoa, đốt hương, treo cờ đèn, phướn lọng, tạo đủ các loại âm nhạc cung kính, tôn trọng. Dùng các loại âm thanh hòa nhã, ca ngợi nghĩa sâu xa của câu chữ, khen ngợi công đức Phật, vui vẻ xưng tụng.

Phật bảo Minh Thiên:

–Vì sao Đại Bồ-tát ở chỗ chư Phật đời quá khứ, hiện tại, vị lai, tu tập cho thân làm điều lành, miệng làm điều lành, tâm làm điều lành, luôn nhớ nghĩ công đức Phật? Thiện nam! Đại Bồ-tát nên nhớ nghĩ: Như Lai là bậc vững chắc, bậc cao cả, bậc tốt đẹp hơn hết, là sư tử chúa dũng mãnh không biết sợ; cứu độ mình và cứu độ người; đem an vui cho mình và cho người, tự mình diệt, diệt cho người; thuyết pháp chân đế, tạo sự an vui cho chúng sinh, tâm không dối trá, đầy đủ giới sạch, sức lực vô úy, biện tài, vĩnh viễn trừ các tập chướng. Tự tại đối với pháp, bình đẳng với mọi người. Hết lòng nhớ nghĩ công đức Phật, nhớ nghĩ như vậy rồi, gối phải sát đất, rải hoa, đốt hương, treo cờ đèn, phướn lọng, trổi âm nhạc cúng dường. Đấy là Bồ-tát tu tập để thân làm điều lành.

Dùng âm thanh hòa nhã, ca ngợi về câu nghĩa sâu xa khen ngợi công đức Như Lai vô lượng. Đấy là Bồ-tát tu tập để miệng làm điều lành. Rồi nhờ nơi căn lành của thân miệng, mà nhớ nghĩ công đức Phật, chí thành cung kính. Đấy là tu tập để tâm làm điều lành. Minh Thiên! Đấy là Đại Bồ-tát ở chỗ chư Phật, đời quá khứ, vị lai, hiện tại, tu tập để cho thân, miệng, ý làm điều lành và thực hành nhớ nghĩ chân chánh.

Phật lại bảo Minh Thiên:

–Lại nữa, Đại Bồ-tát ở chỗ các chúng sinh đời quá khứ, hiện tại, vị lai cũng nên tu tập để thân làm điều lành, để miệng làm điều lành, để ý làm điều lành và bình đẳng nhớ nghĩ các chúng sinh.

Minh Thiên! Vì các Đại Bồ-tát, ở chỗ chúng sinh, trong ba đời, tu tập thân, miệng, ý làm điều lành và nhớ nghĩ chúng sinh. Như vậy, Đại Bồ-tát không sát hại chúng sinh, không trộm cướp tài sản người khác, không ham muốn xấu xa, không nói láo, không nói thêu dệt, không nói hai lưỡi, miệng không nói ác, không tham dục, không sân giận, không tà kiến.

Vì sao Bồ-tát không sát hại chúng sinh? Vì đối với tất cả chúng sinh, phải Từ bi thương xót, nhớ nghĩ, biết hổ thẹn, vĩnh viễn xả bỏ dao gậy, không trộm cướp của người. Nếu ở làng xóm, hoặc chỗ vắng, có vật của người bỏ rơi, không phải của mình không được lấy. Không có ý ham muốn xấu đối với người nữ có chủ hay có cha mẹ, anh em, thân tộc bảo vệ, cho dù được cô ta tặng một cành hoa, cũng không được khởi dục tưởng. Không nói dối nghĩa là, nếu ở nơi làng xóm, hoặc chỗ vua mà làm chứng giúp người, thì nên thành thật, giữ lời, thà chết không nói dối. Không nói hai lưỡi, là thường ở chỗ người này, người kia, khởi tâm tưởng hòa hợp. Nghe được từ chỗ này, không đến nói đằng kia. Nghe từ đằng kia, không đến nói chỗ này. Miệng không nói ác, là lời nói nhẹ nhàng, khuyên lơn, thưa hỏi họ trước. Trọn đời không dùng lời nói đau đớn, ác nghiệt, thô bạo nói với chúng sinh. Không nói thêu dệt, là khi nói phải nói lời chân thật, biết nghĩa mới nói. Vì lợi ích cho người mới nói. Tâm miệng không sai khác. Không tham, đối với tài vật của người, không khởi lòng tưởng tham muốn, thấy ai đến lấy tâm cũng không tham tiếc. Không sân tức là đối với tất cả chúng sinh, diệt trừ các sự sân hận, phát khởi tâm Từ bi thương xót, tâm lợi ích, tâm an lạc cho mọi người. Tùy theo tất cả chúng sinh mà khéo thu phục họ. Không tà kiến, là có cho, có giúp, có thuyết, có cha mẹ, có đời nay, đời sau, có khổ vui, hành động có quả báo ở thế gian. Có A-la-hán, tự biết thân mình sẽ chứng. Đời ta đã hết, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không thọ thân sau.

Minh Thiên nên biết! Vị kia không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm là Bồ-tát tu hành thân làm điều lành. Không nói dối, không hai lưỡi, miệng không nói ác, không nói thêu dệt là Bồ-tát tu hành miệng làm điều lành. Không tham, không sân, không tà kiến là Bồ-tát tu hành ý làm điều lành. Tu hành thân, khẩu, ý là Bồ-tát nhớ nghĩ chúng sinh một cách bình đẳng.

Phật bảo Minh Thiên:

–Đại Bồ-tát ở chỗ chư Phật đời quá khứ, vị lai, hiện tại, tu hành thân làm điều lành, tu hành miệng làm điều lành, tu hành ý làm điều lành. Và ở chỗ tất cả chúng sinh, đời quá khứ, vị lai, hiện tại cũng tu hành thân làm lành, tu hành miệng lành, tu hành ý lành. Được quả báo công đức, cùng tất cả chúng sinh hồi hướng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Minh Thiên! Bồ-tát nào hồi hướng như vậy, gọi là Bồ-tát tu hành điều lành ít, mà được quả báo to lớn, tạo nhiều công đức, phước báo vô lượng.

Phật bảo Minh Thiên:

–Khi Bồ-tát này, thành tựu vô lượng công đức, đem công đức ấy hồi hướng trí tuệ vô lượng. Lại cùng tất cả chúng sinh hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Ba loại công đức này, có ba loại hồi hướng. Những gì là ba? Là quá khứ không, vị lai không, hiện tại không. Không có người hồi hướng, không có pháp hồi hướng, không có chỗ hồi hướng. Đại Bồ-tát nên thực hành sự hồi hướng này. Khi thực hành hồi hướng này, ba chỗ đều trong sạch. Đem công đức trong sạch này, cùng với tất cả chúng sinh hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Làm việc hồi hướng này, không có phàm phu và pháp phàm phu; không có tín hành, cũng không có pháp hành, không có địa Bát nhẫn; không có Tu-đà-hoàn hướng Tuđà-hoàn, không có Tư-đà-hàm hướng Tư-đà-hàm, không có A-nahàm hướng A-na-hàm, không có A-la-hán hướng A-la-hán, không có Bích-chi-phật hướng Bích-chi-phật, không có Phật và người hướng Phật. Vì sao? Vì pháp tánh là không duyên, không sinh không diệt, không chỗ trú. Cho nên, Đại Bồ-tát dùng ba loại hồi hướng này, ba loại công đức trong sạch này hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề cho tất cả chúng sinh. Bồ-tát này hồi hướng rồi, lại nguyện: “Tôi sinh ra chỗ nào, cũng luôn được gặp Tam-muội sâu dày của chư Phật, thấy vô lượng Phật, thành tựu được sự học rộng, trí tuệ trong sáng. Thề không bỏ tất cả chúng sinh”. Khi nói pháp này, có trăm ngàn trời, người đều nguyện được vãng sinh về nước Phật A-súc.

Bấy giờ, Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Khi ta thuyết pháp môn sâu dày này, có trăm ngàn trời, người đều nguyện vãng sinh về nước Phật A-súc. A-nan nên biết, tất cả đây, kia đều nên nguyện vãng sinh về cõi nước Diệu lạc của Phật Asúc. Từ cõi Phật này, đến cõi Phật khác, cúng dường chư Phật, lắng nghe, giữ gìn chánh pháp, đắc Đà-la-ni, tu hành như điều đã giảng nói, đều được thành tựu trí tuệ không thể nghĩ. Làm Phật trong nước có năm xấu ác đều đồng một hiệu, là Cam Lồ Âm Vương Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nên biết, khi được thọ ký, trăm ngàn chúng sinh đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Theo chỗ con hiểu, ý nghĩa Phật đã giảng nói, nên biết đại công đức này là công đức vô lượng, là công đức vô biên.

Phật bảo:

–Này Kiều-thi-ca! Pháp này hoàn toàn trong sạch.

–Bạch Thế Tôn! Kinh này tên gọi là kinh gì? Thờ kính và gìn giữ thế nào?

–Này Kiều-thi-ca! Kinh này gọi là Đại Hồi Hướng, cũng gọi là Hồi Hướng Pháp Tánh Thậm Thâm, nên thờ kính và giữ gìn như vậy.

Phật bảo Kiều-thi-ca:

–Nếu có thiện nam, thiện nữ nào học kinh hồi hướng này, thì nên biết người này ắt sẽ đạt được pháp Vô sinh nhẫn, có thể độ người chưa độ, đem an vui cho trăm ngàn vô lượng chúng sinh.

Khi thuyết pháp này, chúng Tỳ-kheo, Thích, Phạm thiên, Trời, Người, A-tu-la… nghe lời Phật nói đều vui vẻ lãnh nhận để tu hành.