PHẬT THUYẾT TẠP TẠNG KINH

Hán dịch: Đời Đông Tấn, Sa-môn Pháp Hiển, người đất Bình Dương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Các vị A-la-hán đệ tử Đức Phật mỗi vị đều có hạnh đệ nhất. Như Tôn giả Xá-lợi-phất là bậc trí tuệ đệ nhất, ưa thích giảng nói pháp vi diệu. Tôn giả Mục-kiền-liên là bậc thần thông đệ nhất, thường dùng thần thông đi đến sáu cõi xem xét chúng sinh đang chịu quả báo thiện ác để về kể lại cho mọi người cùng nghe.

Một lần đứng bên bờ sông Hằng, Tôn giả Mục-kiền-liên thấy năm trăm ngạ quỷ đang kéo nhau về phía sông, có con quỷ đứng giữa sông cầm gậy sắt xua đuổi khiến lũ quỷ kia không tới gần sông được. Khi ấy, lũ quỷ kia vội vàng chạy đến lạy sát chân Tôn giả Mục-kiền-liên để hỏi vì sao mắc tội như vậy.

Một con quỷ thưa:

–Bạch Đại đức! Từ khi mang thân này, con luôn luôn bị nóng bức, khát nước. Trước đây nghe nước sông Hằng trong mát và ngọt, con rất vui mừng liền tìm đến. Nhưng khi xuống tắm rửa thì sông hóa thành nước sôi khiến thân thể con bị nát nhừ. Nếu uống vào một hớp thì ngũ tạng con nóng rực, nát rã, hôi thối không chịu nổi. Vì nguyên do gì con mắc tội như vậy?

Tôn giả Mục-kiền-liên bảo:

–Do đời trước ngươi làm thầy xem tướng tốt xấu, ngươi ít chân thật lại nhiều dối trá, lúc khen lúc chê, tự cho mình bói đúng để làm xao động lòng người, còn dùng lời dối trá, mê hoặc mọi người để cầu lợi dưỡng, làm cho họ mất đi sự việc như ý. Vì nguyên do đó, nay dù nghe nước sông Hằng trong mát, ngọt nhưng ngươi không thể nào đến hưởng được. Đây là quả báo của việc làm ác, sau này sẽ bị khổ báo trong địa ngục.

Một con quỷ khác thưa:

–Bạch Đại đức! Con thường bị con chó to lớn nhe răng nanh, trợn đôi mắt đỏ ngầu chụp lấy ăn hết thịt chỉ còn lại bộ xương. Khi gió thổi đến, da thịt con trở lại như cũ rồi bị chó đến ăn tiếp. Vì lý do gì, con luôn chịu đau khổ như vậy?

Tôn giả Mục-kiền-liên dạy:

–Người đời trước làm người cúng tế trời, thần, ngươi thường dạy bảo mọi người đến giết trâu bò lấy máu cúng tế, còn thịt thì ngươi ăn. Thế nên ngày nay, ngươi phải lấy thịt mình để đền trả. Đây là quả báo của việc ác, về sau sẽ bị khổ báo nơi địa ngục khổ gấp trăm ngàn lần như vậy.

Lại có một con quỷ đến thưa:

–Bạch Đại đức! Trên thân con dính đầy phân nhơ và con phải liếm ăn những thứ ấy. Vì lý do gì con mắc tội như vậy?

Tôn giả Mục-kiền-liên bảo:

–Đời trước, ngươi là Bà-la-môn theo tà kiến không tin tội phước, có người hành đạo đến khất thực, trong lòng không muốn vị ấy đến nữa nên ngươi lấy bình bát bỏ đầy phân nhơ, rồi dùng một ít cơm rải lên mặt, đưa cho vị ấy. Trở về chỗ cũ, đạo nhân bóc cơm ăn thì phân nhơ dính đầy cả tay. Vì nguyên do ấy, nay ngươi mắc tội như vậy. Đây là quả báo của việc làm ác, về sau sẽ bị khổ báo trong địa ngục.

Lại có một con quỷ khác đến thưa:

–Bạch Đại đức! Vì sao bụng con lớn như cái vò, tay chân, cổ họng thì nhỏ như cây kim, không sao ăn uống được?

Tôn giả Mục-kiền-liên bảo:

–Đời trước làm chủ trong một ngôi làng, tự ỷ mình sang giàu, tôn quý, nên ngươi mặc sức chè rượu ngang ngược, khinh thường mọi người. Ngươi cướp giât các thức ăn uống của họ, làm họ phải chịu đói khát. Vì nguyên do đó, nay ngươi phải mắc tội như vậy. Đây là hoa báo, về sau sẽ bị khổ báo trong địa ngục.

Một con quỷ khác thưa:

–Bạch Đại đức! Con thường chạy đến hố xí ăn phân nhơ nhưng bị lũ quỷ ngăn bắt, đánh đuổi không cho tới gần, trong miệng con lỡ loét hôi thối, đói khổ không chịu nổi. Vì nhân duyên nào con mắc tội như vậy?

Tôn giả Mục-kiền-liên bảo:

–Đời trước ngươi trụ trì một ngôi chùa, có các cư sĩ, Hiền giả đến cúng dường thức ăn cho chúng Tăng, gặp lúc có khách Tăng đến, ngươi chỉ dọn thức ăn sơ sài, chờ họ đi rồi ngươi mới đem món ngon ngọt ra ăn. Vì nguyên do đó nên nay phân nhơ ngươi hãy còn không được ăn huống chi là các thức ăn ngon ngọt. Đây là quả báo mà thôi, về sau sẽ bị khổ báo trong địa ngục.

Lại có một con quỷ tới thưa:

–Bạch Đại đức! Trên thân con lưỡi mọc khắp nơi, bị dao cắt nhưng cứ mọc ra mãi. Vì lý do gì như vậy?

Tôn giả Mục-kiền-liên bảo:

–Đời trước, ngươi là người tu. Chúng Tăng sai làm nước đường, nước mật, vì cục lớn khó tan phải lấy búa chặt, lúc ấy ngươi lén lấy ngậm một miệng to. Vì thế, nên nay lưỡi của ngươi luôn bị cắt mãi.

Một con quỷ khác tới thưa:

–Bạch Đại đức! Con thường bị bảy hòn sắt nóng rơi thẳng vào miệng, khiến ngũ tạng con cháy nát và bảy hòn sắt nóng kia cứ ra vào miệng như vậy không thôi. Vì lý do gì con mắc tội như vậy?

Tôn giả Mục-kiền-liên bảo:

–Đời trước làm Sa-di giữ vườn, ngươi hái trái cây, khi đến chỗ thầy mình, vì thương kính thầy, ngươi đem tâm thiên vị dâng bảy quả thật lớn, vì thế nên nay ngươi mắc tội như vậy. Đây là quả báo, sau này sẽ bị khổ báo trong địa ngục.

Lại có một con quỷ khác thưa:

–Bạch Đại đức! Vì lý do gì hai bánh xe sắt nóng cứ quay tròn dưới nách, làm thân thể con bị cháy nát nhừ?

Tôn giả Mục-kiền-liên bảo:

–Đời trước làm bánh cho chúng Tăng, ngươi lấy trộm hai cái giấu kẹp dưới nách, cho nên nay phải chịu tội như vậy. Đây là quả báo, về sau sẽ bị khổ báo trong địa ngục.

Một con quỷ khác thưa:

–Bạch Đại đức! Ngoại thân con rất lớn giống như cái vò, khi đi thì phải mang lên vai, ngồi phải ngồi lên trên, đi đứng rất là khốn khổ. Vì lý do gì con phải mắc tội như vậy?

Tôn giả Mục-kiền-liên bảo:

–Đời trước làm người điều hành trong chợ, khi giao hàng, ngươi dùng cân nhẹ đấu nhỏ, đến khi nhận lại dùng cân nặng đấu lớn, luôn muốn chiếm đoạt của cải người khác để làm giàu cho mình, do đó, nay phải chịu tội như vậy. Đây là quả báo, về sau sẽ bị khổ báo trong địa ngục.

Lại có một con quỷ khác thưa:

–Bạch Đại đức! Hai vai con có mắt, ngực có miệng nhưng lại không đầu. Vì sao như vậy?

Tôn giả Mục-kiền-liên bảo:

–Đời trước ngươi làm tay chân cho một tên đao phủ, tội nhân bị giết, ngươi thường sinh tâm thích thú, lấy dây cột tóc họ kéo đi. Vì nguyên do đó, nay ngươi phải chịu tội như vậy. Đây là quả báo của việc làm ác, về sau sẽ bị khổ báo trong địa ngục.

Một con quỷ khác đến thưa:

–Bạch Đại đức! Cây kim sắt cứ đâm xuyên qua thân, làm cho con đau đớn vô cùng. Vì sao như vậy?

Tôn giả Mục-kiền-liên bảo:

–Đời trước làm người huấn luyện voi ngựa, vì voi ngựa khó điều khiển, ngươi đã lấy kim chích vào chân chúng, hoặc trâu bò đi chậm ngươi cũng dùng kim đâm, do đó, nay ngươi phải chịu tội như vậy. Đây là quả báo của việc làm ác, về sau sẽ bị khổ báo trong địa ngục.

Lại có một con quỷ khác thưa:

–Bạch Đại đức! Lửa luôn luôn phát ra trên thân, đốt cháy con đau đớn vô cùng. Vì sao như vậy?

Tôn giả Mục-kiền-liên bảo:

–Đời trước ngươi là đại phu nhân trong một vương quốc. Vua đem lòng yêu thương một phu nhân khác, nên ngươi thường sinh lòng ganh ghét và rình rập muốn ám hại. Một hôm vua thức dậy ra khỏi phòng, phu nhân được vua sủng ái vẫn còn ngủ, chưa dậy mặc áo, đang lúc làm bánh ngươi lấy dầu mè nóng tạt vào bụng người đàn bà kia khiến bị phỏng bụng mà chết. Vì lý do ấy, nay ngươi phải chịu tội như vậy.

Một con quỷ khác đến bảo:

–Bạch Đại đức! Gió luôn cuốn tròn rồi xoay ngược lại trên thân làm con quay cuồng, không được yên ổn, đau đớn không kể xiết. Vì sao như vậy?

Tôn giả Mục-kiền-liên bảo:

–Đời trước làm thầy bói, ngươi có khi nói thật, lúc nói dối, làm mê hoặc lòng người, khiến họ không được vừa ý. Vì thế, ngươi nay mắc tội như vậy. Đây là quả báo, về sau sẽ bị khổ báo trong địa ngục.

Lại có một con quỷ thưa:

Bạch Đại đức! Vì sao thân con như một khối thịt, không có chân tay. Mắt tai mũi… luôn bị chim, trùng đến rỉa ăn, con đau đớn không thể chịu nổi?

Tôn giả Mục-kiền-liên bảo:

–Đời trước, ngươi cho người khác uống thuốc phá thai, do đó mà mắc tội như vậy. Đây là quả báo, về sau sẽ bị khổ báo trong địa ngục.

Một con quỷ khác đến thưa:

–Bạch Đại đức! Có lồng sắt nóng, chụp siết vào thân làm con nóng cháy rất đau đớn. Vì sao vậy?

Tôn giả Mục-kiền-liên bảo:

–Đời trước ngươi luôn dùng lưới giăng bắt chim cá, nên nay mắc tội như vậy. Đây là quả báo của việc làm ác, về sau sẽ bị khổ báo trong địa ngục.

Lại có một con quỷ khác thưa:

–Bạch Đại đức! Vì sao con luôn sợ hãi, đến nỗi lấy vật che lên đầu mà vẫn sợ người đến giết?

Tôn giả Mục-kiền-liên bảo:

–Đời trước ngươi thường dâm loạn, lấy vợ người khác. Vì sợ mọi người thấy, sợ chồng họ bắt được đánh giết, hoặc sợ pháp quan hành hình nơi chỗ đông đảo, nên ngươi luôn luôn ôm lòng lo sợ. Vì nguyên do đó nay ngươi phải chịu tội như vậy. Đây là quả báo của việc làm ác, về sau sẽ bị khổ báo trong địa ngục.

Một con quỷ khác đến thưa:

–Bạch Đại đức! Từ khi mang thân này, con luôn vác trên vai bình đựng nước đồng sôi tay lấy muỗng múc nước đồng xối lên đầu, làm thân thể nóng nát nhừ. Vì sao con bị đau đớn cùng tận như vậy?

Tôn giả Mục-kiền-liên bảo:

–Đời trước xuất gia làm đạo nhân, khi chia thức ăn cho chúng Tăng, ngươi lấy hộp bơ cất riêng chỗ khác, không chia cho khách Tăng mới đến, đợi khi vị ấy đi rồi ngươi mới lấy chia cho chư Tăng cựu trú. Bơ này là vật của Tăng chiêu-đề, tất cả đều có phần, vậy mà ngươi cất giấu không chia đồng nhau. Vì lý do ấy, nay ngươi phải mắc tội như vậy.

Tôn giả Mục-kiền-liên lại thấy một Thiên nữ ngồi trên hoa sen rộng lớn khoảng một trăm do-tuần, tốt đẹp lạ thường. Tất cả các thức ăn xuống, vật dụng cần thiết, cung diện… đều từ trong hoa sen mà ra, muốn gì được nấy. Tôn giả Mục-kiền-liên hỏi:

–Nhờ làm việc lành gì mà cô được phước báo như vậy?

Thiên nữ trả lời:

–Thưa Tôn giả, sau khi Phật Ca-diếp diệt độ, hàng đệ tử lấy xá-lợi, xây tháp bằng bảy báu, cao rộng khoảng bốn mươi dặm. Lúc đó, tôi là cô gái đi ngang qua, nhìn thấy trong tháp có tượng Phật tốt đẹp, liền sinh lòng tin cung kính, tưởng niệm công đức Phật, rồi gỡ hoa trên đầu dâng cúng nơi tượng Phật. Do đó mà nay tôi được phước báo như vầy.

Vào một ngày mùa hè oi ả, Tôn giả Xá-lợi-phất du hành đến vườn xoài. Ở đó có một người làm thuê đang múc nước giếng tưới cây. Ông ta không có lòng tin lớn đối với Phật, thấy Tôn giả Xá-lợiphất thì phát chút lòng tin, ông thưa:

–Bạch Đại đức! Hãy cởi y đến ngồi bên gốc cây này, tôi sẽ xối nước tắm cho, không mất công tưới mà cả Tôn giả và cây đều được lợi ích.

Tôn giả Xá-lợi-phất đồng ý, bèn cởi y đến ngồi bên gốc cây để người làm thuê xối nước. Cảm thấy mát mẻ, Tôn giả Xá-lợi-phất tiếp tục lên đường. Tối hôm ấy, người làm thuê qua đời được sinh lên cõi trời Đao-lợi, có oai lực rất lớn, chỉ đứng sau Thích Đề-hoàn Nhân. Ông ta nghĩ: “Vì nhân duyên gì ta được sinh vào cõi này?” Ông ta nhớ lại: “Kiếp trước mình là người làm thuê, đem lòng tin cạn cợt lấy nước tắm Tôn giả Xá-lợi-phất. Nếu biết làm như thế chắc chắn có phước báo, ta sẽ đem lòng tin thuần thành, sắp đặt vật dụng để cúng dường.” Ông ta lại nghĩ: “Làm công đức ít ỏi mà được ruộng tốt nên gặt hái được nhiều phước báo như vậy.” Nghĩ như thế rồi, ông liền đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất rải hoa cúng dường. Thấy ông ta có lòng tin thanh tịnh, Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết pháp và ông ta chứng quả Tu-đà-hoàn.

Một lần nọ, Tôn giả Mục-kiền-liên thấy một vị Thiên thần thân thể cao lớn, cánh tay màu vàng ròng, năm ngón thường tiết ra nước cam lồ, nếu có ai cần thức ăn hay đồ vật để sinh sống thì từ ngón tay của vị ấy hiện ra, muốn gì được nấy.

Tôn giả Mục-kiền-liên hỏi:

–Ông là vị trời nào mà được phước báo với công đức kỳ diệu như vậy?

Thiên vương trả lời:

–Tôi không phải Thiên vương cõi trời Đao-lợi, chẳng phải là Đệ lục thiên vương, cũng không phải là Phạm thiên vương. Tôi chính là Đại quỷ thần sống ở đại thành của nước kia, vì du ngoạn nên tôi đến đây.

Tôn giả Mục-kiền-liên hỏi:

–Nhờ gây tạo những việc lành gì mà nay ông được phước báo như thế?

Đại quỷ thần trả lời:

–Đời trước, ở đại thành La-lâu thuộc nước kia, tôi là một cô gái nghèo sống trong thành ấy, làm nghề bện lông, đan túi để sinh sống, nhưng vẫn cứ nghèo khổ, nhà cửa tồi tàn. Sau đấy tôi đến ở bên bờ ruộng gần nhà ông trưởng giả giàu có ưa thích bố thí, ông ta cũng sinh sống bằng nghề đan túi. Hằng ngày, gần tới trưa, khi có một vị Sa-môn ôm bát đi khất thực đến hỏi tôi:

–Nhà ông trưởng giả… ở đâu?

Không dối gạt, tôi thật thà, vui vẻ chỉ:

–Nhà ông trưởng giả ở kia kìa.

Hằng ngày trôi qua tôi chỉ làm như thế, chẳng cầu mong gì cả.

Nhờ nhân duyên ấy nay tôi được phước báo như vậy.

Nhờ có tâm tùy hỷ, giúp đỡ người làm việc bố thí mà cô gái nghèo khổ đạt được phước báo như vậy, huống chi là người làm việc bố thí.

Khi Đức Phật còn tại thế, có năm vị đại quốc vương. vào thời Phật Ca-diếp, họ là những bậc Thiện tri thức xuất gia hành đạo. Khi Phật Thích-ca Văn ra đời, họ đều trực ngộ được đạo. Nay nói về nhân duyên chứng quả của vị vua thứ nhất:

Vua tên Ưu-đạt-đa thuộc nước Bàn-đề. Nước ấy giàu có, dân chúng sống yên vui hạnh phúc. Vua có hai vạn phu nhân, người thứ nhất tên là Nguyệt Minh, vóc dáng xinh đẹp, oai nghi gồm đủ, được vua yêu mến. Mỗi khi trong cung có tiệc hội, bày các kỹ nhạc thì vua cho Nguyệt Minh ra múa. Nàng mặc toàn đồ thượng hạng đắt giá, trên thân trang sức đủ các loại vàng bạc, anh lạc quý báu. Nàng múa rất hay, dịu dàng, khiến cho ai nấy cũng đều vui thích. Có tài xem tướng, vua thấy vợ mình hiện tướng sắp chết, không quá nửa năm nàng đột ngột qua đời. Ân ái xa lìa sẽ khổ đau, vua buồn rầu không muốn nhìn. Nguyệt Minh thấy lạ liền hỏi, vua cho cái chết là việc quan trọng và sợ nàng đau buồn nên giấu không nói. Nguyệt Minh năn nỉ hỏi, vua liền bảo:

–Thọ mạng của nàng ngắn ngủi, không còn bao lâu nữa nàng sẽ qua đời, vì sợ xa nàng nên ta sầu khổ.

Nguyệt Minh thưa:

–Có sống phải có chết, đó là quy luật ở trên đời, sao bệ hạ phải lo buồn? Nếu có ý niệm tốt đẹp để chỉ bày nhau, hãy cho thiếp xuất gia.

Thấy lời nói Nguyệt Minh có lý, vua liền cho nàng xuất gia. Và muốn chứng minh về quả báo để làm tăng trưởng lòng tin, vua bèn kết giao hẹn với Nguyệt Minh:

–Nếu nàng xuất gia giữ giới tu thiền định mà chưa chứng quả, phải sinh lên cõi trời, sinh lên cõi trời rồi hãy trở về gặp ta. Như vậy ta chấp thuận cho nàng xuất gia.

Nguyệt Minh đồng ý lời hẹn của vua. Thế rồi, vua mời các Tỳkheo-ni đến độ nàng.

Vì Nguyệt Minh là hàng tôn quý mà từ bỏ năm dục nên nhiều người thường đến thăm hỏi, cung kính cúng dường. Sợ làm trở ngại đạo nghiệp của mình, nên nàng du hành đến các nước. Từ ngày xuất gia, trải qua sáu tháng, nàng luôn trì giới thanh tịnh, siêng năng, nỗ lực tu tập, nhàm chán thế gian chứng A-na-hàm. Sau đó, nàng qua đời trong một ngôi làng nọ và sinh vào cõi trời tầng cao thuộc Sắc giới, nhớ lại nhân duyên xưa có giao hẹn với vua. Mặc dù vua bị chìm đắm trong năm thứ dục lạc, ngang tàn, khó giáo hóa, nàng vẫn cứ đến. Nàng nghĩ, nếu không làm cho vua cảm kích thì phải tạo mọi khủng bố khiến vua sợ hãi, có như thế mới hàng phục được ông ta. Nguyệt Minh hóa thành một quỷ La-sát lớn, lông lá đầy thân, tay cầm ngọn đao năm thước. Nhân đêm tối, khi vua còn ngủ say, nàng đứng trên hư không cách đó không xa. Chợt vua thức dậy, trông thấy rất kinh hãi.

La-sát nói:

–Hiện nay tuy ngươi có muôn ngàn quân sĩ nhưng đều thuộc về ta, ngươi không còn uy quyền. Sắp chết rồi nhờ ai cứu được?

Vua trả lời:

–Không nhờ vào đâu cả, chỉ do đời trước ta làm điều thiện, tu tâm thanh tịnh, nên chết tất sinh vào cõi lành.

La-sát nói:

–Như vậy, nhân nơi thiện duyên đúng là chỗ nương tựa, chứ không có đạo lý nào khác.

Vua liền hỏi:

–Ngươi là vị thần nào mà làm ta phải kinh hồn mất vía đến thế?

La-sát trả lời:

–Ta là phu nhân Nguyệt Minh, người mà vua cho đi xuất gia lúc trước, nhờ chuyên tu thiền định, xa lìa thế tục nên chết ta được sinh vào cõi trời tầng trên thuộc Sắc giới. Nay ta về nhắc lại lời hẹn ước xưa.

Vua nói:

–Dù ngươi có nói như vậy nhưng ta vẫn không tin, ngươi hãy hiện nguyên hình cũ thì ta mới tin.

La-sát liền hiện ra một Nguyệt Minh ngày xưa, xiêm áo, trang sức giống y như ngày nào, đứng bên vua. Vua sinh tâm dục vọng muốn đến bắt. Nàng nghĩ: “Tư cách, thái độ của vua này không chân chánh, làm sao ta có thể đến gần.” Thế rồi nàng bay lên hư không, thuyết giảng pháp cho vua:

–Thân này vô thường, nhanh như khảy móng tay không thể giữ lâu! Nó giống như sương mai, mặt trời lên sẽ tan mất, sao không nghĩ đến vô thường mà cứ tham đắm? Vua không thấy ư! Tuổi trẻ khỏe mạnh, đẹp đẽ như hoa, đến già thì dung nhan tàn úa, các căn hư hoại, tai điếc mắt lờ, thân hình khô héo, ốm yếu chẳng có giá trị gì. Ví như người làm rượu, kẻ mua chỉ lấy nước rượu nguyên chất còn hèm thì chẳng quý giá gì! Thân này đến già không còn gì để ham thích, chỉ có cái chết là đang chờ. Thân này sinh ra thì tử thần cũng đi kèm một bên, vua không thấy sao? Có kẻ chết trong thai, có kẻ chết mới vừa lọt lòng, có người chết vào tuổi thanh xuân, hoặc tới già mới qua đời. Thân này nguy ách, thần chết luôn rình rập một bên mà ta không hề nhìn lại. Thân tâm đốt cháy chỉ là các thứ khổ não. Tâm có ba độc luôn tạo sầu phiền. Thân luôn bị các thứ hoạn nạn, nóng lạnh, đói khát, nhưng ta không biết nhàm chán mà cứ tham đắm! Cung điện, kỹ nữ, hoa đẹp, năm dục, ngôi vị, thành trì, vợ con, tất cả đều chẳng phải là của ta. Khi chết không mang theo được một vật gì, thân xác này còn vứt bỏ huống chi là những thứ khác. Sống chết, vui buồn, chẳng có gì đáng xem là tốt đẹp cả. Người nào ngu muội chìm đắm trong năm bị dục sẽ luân hồi sinh tử, không biết đường thoát ra. Là người có trí, nhưng sao vua không nhàm chán, để đi xuất gia cầu đạo.

Lúc ấy vua liền phát tâm thiện hứa đi xuất gia, Nguyệt Minh lại nói:

–Nếu xuất gia, vua phải tìm bậc minh sư để nghe diệu pháp. Nghe diệu pháp rồi phải luôn luôn thọ trì tu tập, sớm tối có tinh tấn chớ có buông lung.

Nói thế xong, Nguyệt Minh liền biến mất. Sáng mai, vua nhường ngôi cho thái tử, từ bỏ năm dục, xuất gia học đạo, làm đệ tử ngài Ca-thi-diên. Bấy giờ, dân chúng thấy vua lìa phú quý danh lợi để cầu đạo chánh chân, nên thường kéo đến cung kính, cúng dường, thăm hỏi. Sợ làm trở ngại đạo nghiệp của mình, vua bèn du hành tới nước Ma-kiệt-đà và được Đức Phật thuyết pháp, chứng đạo quả Ala-hán. Đến đây, các căn vua vắng lặng, không còn ham muốn tìm cầu dục lạc. Vị A-la-hán này ôm bát vào thành Vương xá khất thực, xin thức ăn rồi trở về ngồi ăn trên cỏ.

Du hành đến rừng, tình cờ gặp vị A-la-hán ấy, vua Bình-sa chào hỏi:

–Nhân giả vốn là một vị vua tự tại ra vào nơi cung điện, có người hầu hạ, gõ chuông đánh trống, có cả dân chúng, xóm làng, xe cộ, kho báu, cuộc sống an nhiên. Nay làm người ăn xin, đi khất thực một mình, mà vui hay sao? Nhà vua hãy hoàn tục bỏ đạo, tôi sẽ cắt một nửa giang sơn cho ông trị vì.

Vị A-la-hán trả lời:

–Ta vốn là một đại quốc vương, đất đai, xóm làng rộng lớn, nay cớ gì lại bỏ cái lớn để nhận cái nhỏ. Đó chẳng phải điều ta nên làm.

Vua Bình-sa lại hỏi:

–Trước đây, vua dùng cao lương mỹ vị đựng trong đồ quý, nay ôm bình bát đi xin thức ăn dư thừa, lẽ nào không khó khăn sao? Vua vốn có nhiều tướng sĩ uy dũng luôn đứng bên để bảo vệ, nay một thân đơn chiếc, không kinh sợ sao? Vua đã từng sống trong thâm cung, vui chơi với hoàng hậu, thứ phi và các kỹ nhạc, có tiếng hay, sắc đẹp, làm êm tai vui mắt, ngồi trên giường báu toàn lụa gấm. Nay phải một mình lui tới ngủ nơi hang sâu, đồng vắng, nằm trên cỏ, lẽ nào chẳng cực khổ sao?

Vị A-la-hán trả lời:

–Vì biết đủ nên tôi chẳng ham thích gì cả.

Vua Bình-sa nói:

–Vua thật là một người đáng thương!

Vị La-hán trả lời:

–Người đáng thương chính là ông, chứ nào phải là tôi. Vì sao? Vì ông bị năm dục trói buộc, bị ân ái sai khiến không được tự tại. Nay tâm ý tôi yên vui, không còn ham muốn những điều đó nữa, lúc nào cũng an nhàn.

Sau khi được vị La-hán thuyết pháp, lúc gần ra về, vua Bình-sa hỏi:

–Bốn chúng ấy đều ưa thích Phật đạo, muốn thực hành ba việc

của Bồ-tát, như vậy nếu có người thực hành trong một ngày đêm, có người thực hành trong bảy ngày hoặc trọn đời, thì người ấy được bao nhiêu phước đức?

Vị A-la-hán trả lời:

–Câu hỏi của ông thật sâu xa, tôi không thể trả lời được. Chỉ có Đức Thế Tôn mới biết rõ công đức ấy là bao nhiêu. Ngoài Đức Phật, không ai có thể hiểu biết được điều ấy. Như vua nước Nguyệt Chi vì muốn tìm cầu Phật đạo nên xây ba mươi hai ngôi tháp để cúng dường tượng Phật. Xây lần lượt đến ngôi thứ ba mươi mốt thì có kẻ ác đến gièm pha làm vua thoái tâm. Người ác như vậy làm sao có thể hóa độ được? Tức thì vua hồi tâm dứt bỏ sinh tử hướng đến Niết-bàn và xây tiếp ngôi tháp thứ ba mươi hai để cầu giải thoát. Do nhân duyên ấy vua chứng đắc quả vị A-la-hán. Cho nên ngôi tháp Phật ấy tên là Ba-la-đề-mộc-xoa (Tần dịch: Giải thoát sinh tử).

Từ đó đến nay, trải qua gần hai trăm năm tháp Phật ấy vẫn còn. Chính tôi thấy chùa nào cũng đều có thờ hình tượng Phật tốt đẹp.

Qua đời sau, vua là người được một hoa Yêm-la màu như vàng ròng. Thấy hoa tốt đẹp, người ấy định cài lên đầu nhưng lại nghĩ: “Đầu này là vô thường, khi chết, chó sói đến giành xé thịt ăn, máu mủ hòa chung với bùn đất, thế thì sửa soạn đẹp đẽ để làm gì.” Nghĩ như vậy rồi bèn cầm cành hoa đi vào tháp Phật, thấy tượng Phật có tướng tốt đẹp, ông ta tự nghĩ: “Đây là tướng tốt đẹp của Phật Thíchca Mâu-ni” và niệm công đức Phật: “Đức Phật là Bậc Nhất Thiết Trí, đại Từ, đại Bi, đủ mười Lực, bốn Vô úy.” Niệm công đức Phật xong, thân ông ta rung động, liền cầm hoa dâng cúng Phật. Cúng Phật xong, ông ta nghĩ: “Mặc dầu nghe Đức Phật dạy cúng dường một bông hoa ắt được nhiều phước đức, nhưng không biết nhiều bao nhiêu.” Khi ông ta đi ra, gặp một vị đạo nhân đang trên đường giáo hóa, ông ta hỏi:

–Thưa Tôn giả! Cúng dường Đức Phật một bông hoa thì được bao nhiêu phước đức?

Vị đạo nhân trả lời:

–Vì nhàm chán cuộc đời đau khổ, nên tôi từ bỏ năm dục, xuất gia thọ giới mà thôi, chứ tôi không đọc kinh điển. Câu hỏi của ông vừa rồi thật cao xa, tôi không biết, ông nên đến hỏi vị thông suốt kinh điển.

Lúc này, ông ta tìm đến hỏi vị thông suốt kinh điển, vị ấy trả lời:

–Giống như họa sĩ, tôi chỉ biết những gì mình nghe thấy, không có Thiên nhãn thông nên không thể nào biết được quả báo thiện ác.

Vị ấy bảo ông ta tìm đến hỏi vị Sa-môn tu thiền định. Vị Samôn đó là bậc Thượng tọa, tu chứng A-la-hán đạt được sáu thông, chắc chắn là biết rõ việc này. ông ta đến hỏi vị A-la-hán về việc tưởng niệm công đức Phật, nếu thân tâm chí thành, cung kính cúng dường Đức Phật một bông hoa thì được bao nhiêu phước đức. Vị Ala-hán quán sát, rồi nói:

–Khi bỏ xác thân này rồi, lần lượt đến phước đức nơi cõi Trời, cõi người, trong một đời đến ngàn vạn đời, từ một đại kiếp đến tám vạn đại kiếp, phước đức ấy vẫn còn, vượt qua hơn đó nữa thì tôi không biết.

Vị A-la-hán dùng hết sức mình để quán sát về quả báo phước đức của một bông hoa, nhưng không sao biết được, liền nói:

–Hãy im lặng một chút.

Rồi vị A-la-hán hóa thân lên trời Đâu-suất đến chỗ Bồ-tát Dilặc, đem hết những điều Hiền giả đã hỏi thưa lại với Bồ-tát Di-lặc. Bồ-tát Di-lặc nói:

–Tôi không thể biết! Dù có hằng hà sa Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ còn không thể biết được, huống chi là một mình tôi. Vì sao? Vì Đức Phật có vô lượng ruộng phước với công đức hết sức tốt tươi, ở đấy, gieo vô tận hạt giống phước báo. Hãy chờ vào đời vị lai tôi thành Phật, mới có thể biết được.