kinh tạng

Phật Quang Đại Từ Điển

(經藏) ….. I. Kinh Tạng. Chỉ cho tạng kinh trong 3 tạng Kinh, Luật, Luận. (xt. Kinh). II. Kinh Tạng. Cũng gọi Kinh lâu, Kinh đường, Kinh khố, Pháp tạng, Luân tạng, Chuyển luân tạng, Tàng kinh các, Pháp bảo điện. Chỉ cho những tòa nhà cất chứa kinh điển. Cứ theo Thập bất nhị môn chỉ yếu sao quyển thượng, thì trong một châu ở Hàng châu có thiết lập 10 sở Kinh tạng do Ngô việt vương kiến tạo. Từ đời Tống về sau, do Đại tạng kinh được ấn hành nhiều lần, nên Kinh tạng cũng theo đó mà được thiết lập ở khắp nơi trong nước. Ở Nhật bản hiện nay còn rất nhiều Kinh tạng được kiến trúc từ đời xưa, như Kinh lâu(thời Nại lương) ở chùa Pháp long và các Kinh khố được xây dựng theo kiểu Hiệu thương. Từ thời Liêm thương, hình thức cấu tạo Kinh tạng có thay đổi, tức là ở giữa Kinh đường có thiết lập Luân tạng, theo nghĩa chuyển pháp luân hoặc chuyển độc. Tức là nếu không có thì giờ hoặc người không biết chữ để tụng, đọc kinh văn, thì cứ quay Luân tạng nhiều vòng cũng được công đức như người tụng kinh. Tại Trung quốc, Kinh tạng đã được thiết lập vào thời Nam Bắc triều, mà Luân tạng cũng đã có từ thời Đại sĩ Thiện tuệ Phó hấp đời Lương. [X. Đại đường tây vực kí Q.3; Quảng hoằng minh tập Q.22; Thích môn chính thống Q.3 Tháp miếu chí]. (xt. Phật giáo Đồ Thư Quán).