PHẬT THUYẾT TẤN HỌC KINH

Hán dịch: Đời Tống, Cư sĩ Tự Cừ Lương Thanh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật du hóa ở tinh xá Tu-đạt, vườn cây của Kỳđà Thọ thuộc nước Xá-vệ, cùng với đại chúng một ngàn hai trăm năm mươi người. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Có bốn nhã hành, bậc Trí giả phải tuân theo, chỗ tu tập của bậc Trượng phu, bậc Đại sĩ luôn phụng hành, những kẻ ngu phu bất tài thì không thích. Thế nào là bốn?

  1. Hiếu thảo cha mẹ vui vẻ nuôi dưỡng.
  2. Giữ gìn hạnh nhân từ trước sau không sát sinh.
  3. Bố thí giúp người nghèo thiếu không luyến tiếc.
  4. Gặp bậc Thánh ở đời bỏ vinh hoa mà cầu đạo.

Đó là bốn nhã hành. Bậc Trí giả đều tuân theo, bậc Trượng phu tu tập, bậc Đại sĩ phụng hành, kẻ ngu phu lại không thích. Khi ấy, Đức Phật nói kệ:

Trí giả xưng hiếu
Thương xót mạng sống
Bố thí khắp nơi
Vượt tục thích tịnh.
Chánh nghiệp như vậy
Minh sĩ tu tập
Thánh kiến đầy đủ
Định trời vô vi.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

Lại nữa, có hai pháp: Hoặc ở nơi thanh vắng; hoặc ở chỗ đại chúng. Tâm luôn thực hành chớ có biếng nhác:

  1. Im lặng như Hiền thánh.
  2. Học rộng giảng luận nghĩa lý sâu xa.

Lại có hai việc bố thí: Ăn uống vị ngon để nuôi mạng sống, mở bày kinh điển hiểu rõ giáo lý nhiệm mầu. Cho nên Tỳ-kheo, luôn suy nghĩ tuyên dương trí tuệ, diễn giảng giáo pháp vi diệu chớ có nghi ngờ, tự mình tẩy sạch và dứt hết nhiễm trần. Đạo pháp như vậy mãi mãi rốt ráo, mới gọi là người xuất gia giác liễu đầy đủ.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo vui mừng đảnh lễ ghi nhận lời Phật dạy.