KINH TÂN ĐẦU LƯ ĐỘT LA XÀ VỊ ƯU ĐÀ DIÊN VƯƠNG THUYẾT PHÁP
Hán dịch: Đời Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Vị dục-lạc rất ít, hoạn ưu khổ, quá nhiều. Do đây người trí phải tu phương tiện, mau lìa các dục, siêng hành tịnh hạnh. Ta xưa từng nghe, con vua Thiên Phúc tên Ưu-đà-diên, nối ngôi vua cha, trụ thành Câuxá-di. Thành này đẹp đẽ, rộng rãi nghiêm tịnh, cung quán xán lạn, trang hoàng đẹp đẽ, cửa nẻo thông suốt, lưới châu đan xen, lầu quán nghìn vạn, trang hoàng thành này. Đường xá tương xứng, bờ ruộng ngay thẳng, phố thị sung túc châu báu vô số. Bao quanh thành này, vườn rừng đẹp đẽ, cây cối xanh tươi hoa trái trĩu cành, dòng suối trong mát, sanh các hoa sen xanh vàng đỏ trắng, dáng màu rực rỡ, hồng hạc, uyên ương, khổng tước, anh vũ, ca lăng tần già, cùng chim mạng mạng, tiếng hót giao hoà giống như âm nhạc. Thịnh vượng tráng lệ như núi chúa Kỳ-labà hùng vĩ, cao chót vót mà tự trang nghiêm. Lại giống như thành Hỷ Kiến chỗ ở cũa Đế Thích. Vua Ưu-đà-diên, dung mạo đoan chính, uy tướng đầy đủ thông minh trí tuệ, vũ dũng tuyệt luân, tài năng gồm đủ, không gì không biết. Khéo hay niệm chú gọi voi khiến các sơn tượng đều đến tụ tập. Lại khéo chế ngự khiến đều chúng thuần thục. Lại khéo đàn cầm, hòa nhã đúng nhịp, cung thương hợp nhau, chim thú múa theo. Hợp các viên hương dùng hàng phục oán địch. Chỗ mùi hương bay đến thảy đều quy thuận. Khéo hay chạm vẽ, uyển chuyển được tướng mạo, hình tượng tạo ra cùng hình thật không khác, sáu mươi hai nghề thảy đều biết đủ. Áo quần ăn uống không chuộng xa xỉ. Thương người bần cùng, kính trọng già cả, chăm lo, vỗ về muôn dân. Dùng chánh pháp trị quốc ngày đêm không mệt. Lễ nghi luật pháp, thảy đều noi theo điển chế xưa, như xưa Triết Vương, Thập xa v.v… nước thịnh dân đông, kho lẫm sung mãn. Người có phước đức, hội nhau sống ở nước này, chịu phong hoá của vua thảy đều tu thiện, thấu tỏ kinh học, hiểu rõ các luận, sách vở thế gian, không gì không tinh tường. Dũng kiện mạnh mẽ như Ma-la-diên A-thuần v.v… do những thiện căn mà thân trước của vua, ở chỗ Bích-chi-Phật gieo trồng nên được quả báo như thế. Uy đức của vua, các nước láng giềng kinh sợ quy phục, đạo hóa bốn phương danh vang thiên hạ. Lúc ấy con quan Tể Tướng tên là Tân-đầu-lô Đột-la-xà nghi dung tốt đẹp, trong đời ít có, thông minh trí tuệ, học rộng hiểu nhiều, nhân từ yêu thương, dốc chí cứu khổ, khuyến hoá quốc dân tu đủ mười thiện, vui tin tam bảo, xuất gia học đạo, được quả Cụ túc, du hành giáo hoá, trở về thành Câu-xá-di, muốn độ thân quyến, đi khắp khất thực. Sau khi khất thực xong, dưới gốc cây trong rừng, ngồi kiết già tư duy nhập định. Lúc ấy có một người biết Tân-đầu-lô bèn đến thưa với vua: “Trước đây là con quan Tể Tướng tên Tân-đầu-lô, nay gần đây ngồi dưới gốc cây trong rừng này”. Vua nghe vui vẻ, đem lòng kính ngưỡng, bèn ra lệnh xa giá cùng các cung nhân quyến thuộc, tuỳ tùng đi đến chỗ tôn giả. Thưa hỏi đã xong, mời vua an tọa. Vua bèn suy nghĩ, việc nghi vốn có, nay sẽ hỏi Ngài, bèn nói thế này: “Tân-đầu-lô! Nay ta cùng ông ít nhiều biết nhau. Tổ tiên của ông, nối đời làm Tể Tướng, thông minh hiểu suốt, thường làm quốc sư. Nay ta cùng đến muốn hỏi chỗ nghi nếu không có gì phiền, vì ta nói được không?” Tôn giả đáp rằng: “Xin vua cứ hỏi, tôi sẽ vì vua phân biệt giải thích”. Vua bèn dùng kệ hỏi:

Hết thảy người đời
Tham đắm năm dục
Buông lung phóng dật
Để tự vui chơi
Như ông nay đây
Độc cư không nhàn
Xa lìa ân ái Có gì vui vẻ.

Tôn giả đáp rằng: ‘Tôi quán nhân duyên thảy đều vô thường, cho nên xuất gia, vui chốn núi rừng, giống như nai đồng. Chuyên tâm cần tu dứt hẳn phiền não. Dùng búa trí tuệ chặt cành cây ái, tâm không luyến trước, quả độc tiêu diệt, các dòng kiết sử, sông dữ sanh tử, ta đã được qua, trọn không buồn lo. Ví như chim bay được khỏi lưới giăng, tung cánh trời cao bay xa gọi là giải thoát”. Vua nghe lời này, bảo Tânđầu-lô: “Nay ta thế lực có thể hàng phục các nước, uy đức hiển hách, có ngày thịnh vượng như thế, đầu đội mũ trời, anh lạc khắp thân, thể nữ ngồi hầu như trời Đế Thích. Ngươi nay ở một mình, vả lại có ham thích như ta không?”

Tôn giả đáp rằng: “Tôi không có tâm ham thích”. Vua lại hỏi; “Vì sao như ta mà không có tâm mong thích?” Tôn giả đáp: “Tôi ngày nay, bùn dục đã khô, các hữu trói buộc, nay đã giải thoát. Ngay cả các Thiên nữ thù diệu của Đế Thích còn không sanh lòng ham thích, huống gì những người thô xấu ở nhân gian của Ngài? Có kẻ trí nào đã được lìa sự trói buộc của ma, vượt qua bờ sanh tử, được tuệ nhãn thanh tịnh, phá trừ bóng tối vô minh mà lại ham thích như Vua sao? Sao lại có kẻ mắt sáng mà ham thích người mù? Sao có kẻ khỏe mạnh mà lại ham thích bệnh hoạn! Sao người vô tội lại ham thích tù ngục? Sao có kẻ cự phú mà lại ham thích bần cùng? Sao có người cao quí mà lại ham thích kiếp nô bộc? Sao có kẻ trí mà lại ham thích ngu si? Sao có kẻ khỏe mạnh mà ham thích yếu đuối?”

Nhà vua nghe Tôn Giả nói thế rồi, trong lòng buồn rầu mà nói thế này: Ngươi nói những ví dụ trái ngược, sao chỉ là một thứ mà đau khổ quá lắm, ta há cùng khốn yếu kém như thế sao?” Tôn Giả đáp: “Vua không có tuệ nhãn, bị phiền não gây bệnh, bị bốn dòng thủ sử cuốn trôi, chìm đắm, đánh mất sự mạnh khỏe, không thể siêng năng tinh tấn. Như đứa trẻ ngu si không nhận biết chân đế, trầm luân trong biển khổ. Đó là phần của Vua, ở trong ngũ dục sanh ý tưởng hy hữu. Ý tưởng như thế thật trái với tịnh hạnh”. Nhà vua lại hỏi: “Có những lỗi lầm gì mà nói là trái lỗi?” Tôn Giả trả lời: “Năm món dục này là gốc của các khổ làm hại thiện căn sẳn có của chúng sanh như mưa đá làm hại lúa non, dục não hại chúng sanh còn hơn là rắn độc. Cũng như lửa dữ hay thiêu đốt công đức; cũng như ngựa hoang dối hoặc phàm phu; cũng như huyễn hóa mê loạn kẻ mê. Dục giả vờ làm thân thiện còn hơn là oan gia. Dục như con trâu già chìm đắm trong bùn nhơ. Dục như lưới to, bao trùm ba cõi, dục như đường cắm đao kiếm khó có thể dẫm bước. Dục hay trói buộc, sát hại chúng sanh. Hết thảy lỗi lầm họa hoạn đều từ Dục khởi. Như thuở xưa có vị Trời Bà-tu, do nhân duyên Dục, bị A-tu-la Bà Lợi cột trói, ném vào trong nước nóng sôi. Trời Bà-lặc phá hại thành quách của A-tu-la, giết hại dân chúng của họ, xúc não, làm khổ Vương chủng Bà La, vua Bát Thuần Đề cùng trăm người con của ông thảy đều bị giết sạch, A-tu-la Tỷ-đa-la giết hại Thiên nhãn-la-mã, giết hại Thập-đầu-lasát cùng với ngàn ức chúng La-sát, La-mạn giết hại Nhân-đà-la, Thảdực-hoa-vương. Ma-la-chi-vưong tiêu diệt chủng tộc Đa La-ma-chất. Ca-đế-tỳ-vương bị Diêm-ma-ni Bà-la-môn giết hại. Tỳ-na Tất-na giết hại quyến thuộc Đề-đầu-lại-sất, năm con của Ban Tế giết mười tám ức người. Vương chủng Bậc-nặc-an-độc-đa-la thặng, Vương Chủng Câu- la, Vương Chủng Di-hi-la Đàn nặc-già. Những Nhân vương này vì Dục mà giết hại lẫn nhau. Liền nói kệ rằng:

Vương vị tuy tôn nghiêm
Lui đi không tạm dừng
Mau lẹ như tia chớp
Khoảng khắc về tan diệt
Vương vị thật giàu sang
Người ngu lòng vui thích
Lúc suy diệt chết đến
Đau khổ hơn hạ tiện
Vương giả ở ngôi cao
Danh tiếng vang bốn phương
Đoan chánh thật đáng yêu
Các loại tự trang sức
Thí như người sắp chết
Cài hoa, đeo Anh lạc
Mạng thừa chẳng bao lâu
Vương vị cũng như thế
Vương giả ví như quạ
Thường ôm lòng sợ hãi
Đi, đứng cùng ngồi, nằm
Cho đến trong một lúc
Trong người thân kẻ sơ
Thường có tâm nghi, sợ
Thần dân, cung phi, hậu.
Voi, ngựa cùng châu báu
Cõi nước, các sở hữu
Hết thảy vật của vua
Lúc các Vua bỏ mạng
Đều bỏ không gì theo
Vua người cùng Vua trời
Vua A-tu-la thảy
Uy lực bức nhân dân
Đao búa giết hại nhau
Không biết khổ vô thường
Rộng thêm não tham tật
Thí như rừng hoa đẹp
Rắn vàng ngủ ở trong
Người ngu nói châu báu
Gói nhiều mang về nhà
Rắn thức phun lửa độc
Đốt cháy nhà cửa chúng
Vương vị như rừng hoa
Tai họa như rắn vàng
Người ngu cho là quý
Người trí thật không vui
Ví như đem cắt thịt
Đặt đầu bốn ngã đường
Chồn, sói, quạ chim thứu
Tranh nhau đến giành ăn
Ngôi vua cũng như thế
Mọi người cùng giành lấy
Chim thú dùng mỏ móng
Quắp mổ cùng đánh nhau
Vua chúa dùng đao mâu
Giết hại tranh giành ngôi
Cũng như cầm thú kia
Thảy ngu si không khác.
Ta thà ăn tro đất
Cỏ cây để sống còn
Thân này như ung nhọt
Sau rốt sẽ thối vỡ
Sao lại vì thân này
Tạo tác các nghiệp ác!
Như ăn quả am bà
Hương vị thảy đầy đủ
Kịp lúc quả này tiêu
Thân thể thối rửa hết
Vương vị như quả kia
Mất đi sanh khổ não
Ví như có địa phương
Tai dịch gây tật bệnh
Bậc thắng nhân có trí
Nên mau chóng xa lìa
Nếu người không lìa xa
Như ngược gió cầm đuốc
Không bỏ tất cháy mình
Như khát uống nước mặn
Không có lúc no đủ.
Như La-sát mười đầu
Thành quách và quyến thuộc
Do vì nhân duyên dục
Hoại diệt không còn sót
Lại như Ký Việt Vương
Anh em có trăm người
Do vì nhân duyên dục
Cũng đều bại diệt hết
Nhựt chủng Bàn Triệu Vương
Và Đề-đầu-lại-trá
Các vị Vua như thế
Đều bị dục hoại diệt.

Phải biết cõi nước giống như võng lưới, cũng như cái bẫy, như bùn sâu, cũng như sóng cuộn. Lại như sóng biển, như rừng bị cháy. Cũng như bờ hiểm, như địa ngục, sao có kẻ trí lại vui tham đắm khổ lớn như thế! Sao có kẻ trí lại sanh tưởng vui! Than ôi! Như thế thật là quái lạ, thưa Đại vương, bị lừa như thế, bị dối như thế giống như nắm tay không dối gạt trẻ con. Mau chóng không dừng giống như huyễn hóa. Năm món dục lừa dối cũng lại như thế. Giống như khỉ vượn ở trên đỉnh núi cao thấy mây giăng khắp cho là bền thật, cho đó là đất, bèn gieo mình rơi xuống núi cao trăm trượng, thiệt mất thân mạng, hết thảy đều nát tan. Cũng như loài dã can thấy cây Chân-thúc-ca, quả của nó giống như thịt. Lúc thấy rơi xuống đất, bèn đi đến muốn ăn. Biết đây chẳng phải là thịt, bèn lại khởi ý nghĩ: “Đây chẳng phải là thịt, quả ở trên cây kia nhất định sẽ là thịt”, bèn ở giữ cây, bị việc đó làm khốn khổ. Năm dục dối gạt vua cũng lại như thế. Cũng như con buôn dùng ngọc giả dối gạt người, năm dục dối gạt của vua cũng như thế. Cũng như người buôn bán dùng ngọc giả dối người, năm dục dối cũng lại như vậy. Lại như đứa ngu thích vị ngọt ham viên bánh hoan hỷ, người ta dùng bánh bùn đem đến dối gạt nó, nó tưởng là thật nên chạy đuổi vất mà chỉ được cái bánh bùn. Như lúc nắng nóng, ánh nắng lấp loáng dối gạt kẻ ngu đang khát. Giống như trước mọi người dựng cây cọc huyễn. Khiến cho mọi người lúc ấy thấy vô số các huyễn sự. Nếu nhổ cây cọc huyễn thì mọi hình tượng liền diệt mất. Giống như thợ vẽ và thợ cơ quan, máy móc. Như chó sủa bóng nó nhìn thấy dưới giếng, mắt giận dữ, lông dựng đứng, cho rằng bóng ở dưới đáy giếng muốn đánh nhau với mình, nên sanh lòng tức giận đâm đầu xuống giếng và cuối cùng bị chết chìm. Đại vương! Phải khéo quan sát: Có năm dục nào mà được thường còn? Có vương vị nào mà được dài lâu? Tôn quí, giàu có, uy thế còn không tồn tại được thì có cõi nước nào mà không dời đổi biến hoại? Có trân bảo nào mà không tan hoại mất đi? Có dục lạc nào thường hằng, không đổi? Khổ nhọc để được thụ phong tất phải chịu suy diệt. Có sự hội họp nào mà không biệt ly? Hết thảy năm dục thể tánh thật sự khổ, đều từ vọng tưởng mà sanh lạc. Có các hành nào không giống như cây chuối, như thành Càn-thátbà? Đại vương! Làm so mà ở trong sự bức bách, khủng bố của sanh già bệnh chết suy họa? Vì sao có thể vì cõi nước ít vui mà sanh tưởng yêu thích? Như nai ở trong rừng, bốn bề lửa bốc lên. Như chim ở trong lồng. Như cá ở trong lưới. Như rùa nuốt lưỡi câu. Như sư tử bị tên độc vào tim. Như rồng ở chỗ thần chú. Như người ở trong nhà, bốn bề lửa dậy. Như ở trong nhà đẹp đẽ mà cũ mục sắp sửa sụp đổ. Như ao hoa đẹp có Thủy La Sát ăn hút người ta, Tôn giả dùng kệ nói lại ý trên:

Họa sanh, già, bệnh, chết
Trong đây chưa giải thoát
Tên độc vô minh, ái
Còn chưa nhổ ra được
Đại vương nghĩ thế nào
Mà sanh tưởng vui thích
Như voi ở trong rừng
Bốn phía lửa to dậy
Ở chốn nạn gấp này
Sao có thể vui vẻ
Đại vương phải nên biết
Ngôi vinh trong chốc lát
Người trí quán sát sâu
Không nên đối việc này
Mà sanh tưởng hy hữu
Vua cớ gì hiểu lầm
Thật là nô bộc ái
Lại sanh tưởng cao quí
Bỏ của báu tốt đẹp
Mà sanh tưởng giàu lớn
Không khéo hiểu phương tiện
Mà sanh tưởng trí tuệ
Bị các họa phiền não
Mà sanh tưởng vô bệnh
Chưa thoát thai sinh tử
Mà sanh tưởng vô uý
Trong mười hai rừng gai
Giặc Dục cướp các căn
Mà sanh tưởng không giặc.

Nầy Đại vương! Thân này tất về chỗ hư hoại. Phú quí vinh hoa tất có suy diệt. Tiền tài kho báu tất có hao tổn mất đi, Đại vương! Như Phật nói: Ngôi cao như giấc mộng. Ân ái tạm có. Ngài đối với năm món dục, sanh tưởng hy hữu khó gặp. Bậc hiền đức, đối với sự việc này, há có thể gọi là khéo quan sát. Vì cớ gì, ngôi cao, ân ái tất có biệt ly? Như bầy chim bay, đêm đậu nghỉ trên một cây, sáng sớm thì bay tứ tán. Lại như nhà trọ, chiều thì nhiều khách tụ tập, sáng thì mỗi người một đường. Cũng như đi thuyền, mọi người khác nhau cùng chở. Khi đã đến bờ, mỗi người lại theo đường riêng của mình. Cũng như dòng thác cuốn trôi các cành khô nhóm lại một chỗ, trong chốc lát lại theo dòng phân tán. Giống như đám mây trôi, trong chốc lát tan mất. Như chỗ đàn ca, trai gái tụ tập vui chơi, sau đó giải tán, mỗi người đi một nẻo. Cung nhân mỹ nữ đoan chánh xinh đẹp, khi vô thường đến cũng xả bỏ trở về. Ví như hoa cỏ, ong bướm đậu ở trên. Khi hoa héo rụng, ong bướm bay đi. Như ao hoa khô héo, trâu voi không vào. Như ao to, loài thiên nga vui thích dạo chơi, sinh sống, nhưng đến lúc khô cạn, lại không đến gần. Nhà phúc hết, vinh hoa lợi lộc không đến. Như mây dầy tụ tập, tia chớp tạm thời hiện. Như gió thổi mây, tia chớp không hiện. Kia không bỏ Ngài, Ngài tất bỏ kia. Giống như mùa Hạ chấm dứt, lông loài công thảy đều tự rụng. Như khi mùa lạnh đến, loài thiên nga, vịt nước rời xa ao. Như cây A-thâu-già, hoa lá, lúc tươi tốt, được mọi người yêu thích, kịp đến lúc khô héo, cành trơ lá trụi, không ai thèm nhìn. Giống như cờ hoa, người phú quí yêu kính, nhưng khi hoa héo, rách bẩn mọi người bèn bỏ đi. Tôn Giả bèn nói kệ

Vô thường không bền chắc
Như cây chuối, bọt nước
Lại như mây nổi tan
Vua Trời vị tôn thắng
Mong manh cũng như thế
Vua người phải nên biết
Tham lợi rất mau chóng
Như nước rót hang sâu
Tham muốn rất nhẹ mau
Chuyễn động như dây tơ
Ngu si nhiễm làm dục
Không giác phải đọa lạc.

Tôn Giả nói: Đại vương! Tôi nay vì vua lược nói thí dụ. Các cõi sanh tử chứa vị lỗi lầm, tai họa. Vua hãy chí tâm lắng nghe: Xưa có một người đi trên đường vắng, gặp phải một con voi to dữ, bị voi rượt đuổi. Hoảng sợ chạy trốn, không chỗ nương tựa. Bỗng thấy một cái giếng to, bèn lần theo rễ cây, vào trốn trong giếng. Có một con chuột trắng và một con chuột đen, dùng răng cắn rễ cây. Trong giếng này, bốn bên có bốn con rắn độc, muốn cắn người này, và dưới đáy giếng có một con rồng đôc to lớn. Bốn bên thì sợ bốn con rắn. Ở dưới thì sợ con rồng độc. Cái cây bám víu thì gốc rễ lay động. Trên cây có ba giọt mật ong, rơi vào trong miệng người này. Lúc ấy, cái cây rung động, phá hoại tổ ong. Bầy ong bay ra tán loạn, châm chích người này. Lửa đâu bổng bốc lên, cháy lan đến thiêu đốt cây. Đại vương nên biết, người này khổ não không thể nói hết được. Vua buồn rầu, chán ghét mà nói: “Người kia được vị ngọt rất ít; đau khổ tai họa rất nhiều. Vị ngọt của kẻ kia nếm như nước trong dấu chân trâu. Khổ não họa hoạn của kẻ kia giống như nước trong biển lớn. Vị ngọt như hạt cải mà khổ não như núi Tu-di. Vị ngọt như lửa đom đóm mà khổ não như mặt trời mặt trăng. Như lỗ ngó sen so với thái hư. Cũng như con muỗi so với kim xí điểu. Vị ngọt so với khổ não kia nhiều ít cũng như thế”. Tôn Giả nói: “Đại vương! Đồng vắng dụ cho sanh tử. Người đàn ông kia dụ cho phàm phu. Con voi dụ cho vô thường. Cái giếng to dụ cho thân người. Rễ cây dụ cho mạng sống của con người. Chuột trắng chuột đen dụ cho ngày và đêm. Cắn rễ cây dụ cho niệm niệm diệt mất. Bốn con rắn dụ cho tứ đại, mật ong dụ cho ngũ dục. Bầy ong dụ cho giác quán xấu ác. Nạn lửa thiêu đốt dụ cho già. Con rồng độc dưới đáy giếng dụ cho chết. Cho nên phải biết dục vị ngọt rất ít, khổ não họa hoạn rất nhiều. Sanh già bệnh chết, đối với hết thảy mọi người, đều dược tự tại. Người thế gian, thân tâm lao khổ, không chỗ về nương. Bị các khổ bức bách, mau chóng như tia chớp. Đây khá sầu lo, chớ nên yêu thích. Đại vương! Tôi nay nói với vua, lời tuy thô vụng nhưng thật là lợi ích”. Vua nghe lời này, lông tóc đều dựng đứng, buồn vui lẫn lộn, than khóc rơi lệ, bèn đứng dậy chắp tay, năm vóc gieo xuống đất, bạch cùng Tôn Giả rằng: “Tôi ngu dại, không có trí tuệ. Tôi thật hạ tiện, nói lời ngông cuồng. Lời ngông cuồng như thế, xin cho tôi sám hối”. Tôn Giả nói rằng: “Tôi nay xuất gia với tâm nhẫn. Không gì không nhẫn thọ, tâm tôi thanh tịnh như trăng thu, vằng vặc không chút mây che. Vua nay sám hối nguyện khiến Đại vương giống như Thiên Đế được thấy dấu đạo”. Nhà vua vô cùng hoan hỷ, cùng với quyến thuộc lễ bái Tôn Giả rồi trở về cung.