PHẬT THUYẾT QUYẾT ĐỊNH NGHĨA KINH

Hán dịch: Đời Tống, Đại sư Pháp Hiền
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo ở tại tinh xá Kỳ viên thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Như Lai sẽ giảng cho các vị nghe về nghĩa chính yếu của quyết định sâu xa, trước, giữa, sau, đều thiện, thuần nhất, không xen tạp, đầy đủ tướng thanh bạch, phạm hạnh, các vị hãy lắng nghe và suy xét kỹ.

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

–Quý hóa thay! Bạch Thế Tôn! Những gì là pháp nghĩa chính yếu quyết định, chúng con rất muốn nghe, xin Phật giảng thuyết.

Đức Phật bảo:

–Này các Tỳ-kheo! Nghĩa chính yếu quyết định là các pháp năm uẩn, năm thủ uẩn, mười tám giới, mười hai xứ, mười hai duyên sinh, bốn Thánh đế, hai mươi hai căn, mười Lực của Như Lai, bốn Vô sở úy, bốn Thiền, bốn Định vô sắc, bốn Hạnh vô lượng, bốn Trí vô ngại, bốn Tam-ma-địa tưởng, bốn Niệm xứ, bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi, tám Chánh đạo.

Năm uẩn: Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn.

Năm thủ uẩn: Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn.

Mười tám giới: Nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới; nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới; tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới; thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới; thân giới, xúc giới, thân thức giới; ý giới, pháp giới, ý thức giới.

Mười hai xứ: Bên trong có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; bên ngoài có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Mười duyên sinh: Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử ưu bi khổ não. Đó là một khối khổ não lớn. Do duyên này mà có pháp uẩn. Nếu không có duyên thì pháp uẩn diệt, tức là vô minh, diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì lão tử ưu bi khổ não diệt. Đó là khổ uẩn lớn diệt.

Các pháp này do vô minh làm duyên mới có như vậy sinh do duyên gì mà diệt? Đó là do không rõ các pháp đời trước, đời giữa, đời sau, không rõ các pháp trong, không rõ các pháp ngoài, không rõ các pháp trong ngoài, không rõ nghiệp thiện, không rõ nghiệp bất thiện, không rõ nghiệp thiện bất thiện, không rõ nhân, không rõ quả, không rõ nhân quả, không rõ các pháp đã sinh, không rõ các pháp chưa sinh, không rõ các pháp hiện tại, không rõ đối với Phật, không rõ đối với Pháp, không rõ đối với Tăng, không rõ các pháp Khổ, không rõ các pháp Tập, không rõ các pháp Diệt, không rõ các pháp Đạo, không rõ các pháp thiện, không rõ các pháp bất thiện, không rõ các pháp tội, không rõ các pháp phước, không rõ các pháp khả hành, không rõ các pháp bất khả hành, không rõ các pháp cao thấp, hữu vi, vô vi không thể hiểu được, không thể phát trí vô tướng với các pháp trắng đen. Chính vì vô minh, không hiểu biết nên có lỗi lầm rồi tạo chướng ngại nơi trí biết như thật, không chứng được Niết-bàn tịch tĩnh. Vô minh là pháp mà thể tánh mê mờ tăm tối, luôn gây chướng ngại. Ví như người mù luôn đi trong đường tối, nhiễm các bụi trần, tổn diệt trí tuệ, không ra khỏi pháp chướng ngại, vô minh làm chướng ngại minh. Vô minh là khổ đau, độc hại, trói buộc, gốc rễ của độc, cây độc, phiền não căn bản, gốc của tùy phiền não, chỗ điên đảo, nhà tối tăm, ngu si.

–Duyên vô minh có hành.

Hành có ba: Thân, ngữ, ý.

Thân hành: Hơi thở ra vào nương nơi thân, lệ thuộc thân, từ thân mà có hơi thở ra vào.

Ngữ hành: Luận nạn phân biệt, tức là phân biệt ngôn ngữ, vấn nạn.

Ý hành: Các pháp tâm sở như tham, sân, si, nương nơi tâm, lệ thuộc tâm.

Lại có ba hành: Phước, tội, bất động.

–Duyên hành có thức.

Thức có sáu: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

–Duyên thức có danh sắc.

Danh sắc: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức uẩn.

Sắc: Năm trần bên trong đều do bốn đại tạo thành.

Bốn đại là: Đất, nước, gió, lửa. Thể của đất là cứng nặng, tánh của nước lưu nhuận, ấm nóng là lửa, chuyển động là gió. Do bốn đại tạo thành năm trần là sắc uẩn. Nhưng trong pháp uẩn này có bốn uẩn là danh, một uẩn là sắc. Năm uẩn đó là danh sắc.

–Duyên danh sắc có sáu xứ.

Sáu xứ: Sáu xứ bên trong: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

–Duyên sáu xứ có xúc.

Xúc có sáu: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

–Duyên xúc có thọ.

Thọ có ba: Khổ, lạc, xả. Mắt…, ý xúc duyên nơi ba thọ này.

–Duyên thọ có ái.

Ái có sáu: Mắt xem sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý phân biệt. Do tham sáu pháp nên gọi là ái.

–Duyên ái có thủ.

Thủ có bốn: Dục, kiến, giới cấm, ngã ngữ. Do ái tăng trưởng nên có thủ.

–Duyên thủ có hữu.

Hữu có ba: Dục, Sắc, Vô sắc.

Dục hữu gồm có mười cõi ác và cõi trời, người. Mười cõi ác là tám địa ngục:

  1. Đẳng hoạt.
  2. Hắc thằng.
  3. Chúng hợp.
  4. Hiều khiếu.
  5. Đại hiều khiếu.
  6. Viêm nhiệt.
  7. Cực viên nhiệt.
  8. Vô gián.
  9. Súc sinh.
  10. Ngạ quỷ.

Cõi người gồm bốn chân lớn: Nam Thiệm bộ, Đông Thắng thần châu, Tây Ngưu hóa châu, Bắc Câu-lô châu.

Nam Thiệm bộ châu rộng bảy ngàn do-tuần, hình tướng về phía Bắc rộng, phía Nam hẹp, giống như chiếc xe; Đông Thắng thần châu rộng tám ngàn do-tuần, hình tướng như nửa mặt trăng; Tây Ngưu hóa châu rộng chín ngàn do-tuần, hình tướng như mặt trăng tròn; Bắc Câu-lô châu rộng mười ngàn do-tuần, hình tướng bốn phương vuông vức như ao.

Cõi trời, người có sáu tầng thuộc cõi Dục: Tứ Thiên vương, Đao-lợi, Dạ-ma, Đâu-suất, Hóa lạc, Tha hóa.

Sắc giới có mười tám cõi trời: Phạm chúng, Phạm phụ, Đại phạm, Quang, Vô lượng quang, Quang âm, Tịnh, Vô lượng tịnh, Biến tịnh, Vô vân, Phước sinh, Quảng quả, Vô tưởng, Vô phiền, Vô nhiệt, Thiện hiện, Thiện kiến, Sắc cứu cánh.

Cõi Vô sắc có bốn tầng trời: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

–Duyên hữu có sinh. Tức là các hữu tình bỏ thân này rồi theo quả báo của mình lại sinh vào cõi khác, tướng uẩn lại xuất hiện.

–Duyên sinh có già, chết.

Già: Thân của hữu tình bị suy giảm, tâm thức mê loạn, quên nhiều, tóc bạc, mặt nhăn, thân lực yếu, đi đứng phải nhờ gậy, hơi thở khò khè, lực yếu dần, các căn hư hoại.

Chết: Các hữu tình tạo nghiệp theo tuổi thọ chấp dứt, Thức bỏ thọ, mạng căn mất, các uẩn tan rã. Già là tướng không định, là nói trạng thái gần kề chết. Hai pháp này là một nên nói chung là lão tử.

Bốn Thánh đế là gì? Đó là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

Khổ đế: Sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, yêu thương xa lìa khổ, oán thù gặp gỡ khổ, cầu mong không toại ý khổ, năm ấm chống trái khổ.

Tập đế là tham ái. Do tham ái nên đắm vướng, do đắm vướng theo tạo nghiệp nên có sinh. Tập là nhân.

Diệt đế là đoạn trừ tham ái và các phiền não, chứng lý tịch diệt.

Đạo đế là tám Chánh đạo: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Dùng Thánh trí quán sát bốn Đế này nên gọi là bốn Thánh đế.

Hai mươi hai căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, nam, nữ, mạng, ý, lạc thọ, khổ thọ, hỷ thọ, ưu thọ, xả thọ, tín, tấn, niệm, định, tuệ, vị tri, đương tri, dĩ tri, cụ tri căn.

Mười Lực:

1. Xứ phi xứ trí lực: Trí lực của Như Lai biết như thật về pháp xứ, phi xứ của hữu tình.

2. Nghiệp báo trí lực: Như Lai dùng trí lực biết rõ nhân duyên quả báo nơi hành nghiệp, thọ sinh của chúng sinh trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai.

3. Định lực: Phật dùng trí lực biết như thât về thiền định giải thoát, Tam-ma-địa, Tam-ma-bát-để, pháp chấm dứt lậu hoặc.

4. Căn thắng liệt trí lực: Phật dùng trí lực biết như thât về căn tánh mạnh yếu của chúng sinh.

5. Tín giải trí lực: Phật dùng trí lực biết như thât về sự tin hiểu của chúng sinh.

6. Giới thú trí lực: Phật dùng trí lực biết về cảnh giới sai khác của chúng sinh.

7. Lạc dục trí lực: Phật dùng trí lực biết như thât về sự ham muốn của chúng sinh.

8. Túc mạng trí lực: Phật dùng trí lực biết rõ việc làm của chúng sinh trong một đời, mười đời, trăm, ngàn, trăm ngàn, vô số trăm ngàn vạn đời, vô số kiếp thành hoại, chúng sinh chết ở chỗ này, sinh ở chỗ khác, chết ở chỗ kia, sinh ở chỗ này, dòng họ, tên tuổi, ăn uống, khổ vui, tuổi thọ nhiều ít, các tướng như vậy, nhân duyên như vậy.

9. Thiên nhãn trí lực: Phật dùng Thiên nhãn quan sát thấy rõ chúng sinh sang hèn, cao thấp, đẹp xấu, sống chết, sinh đường lành, đọa cõi ác, tạo nghiệp bất thiện về thân như tà hạnh, về khẩu như hủy báng Hiền thánh, về ý như tà kiến, do đó sau khi chết bị đọa vào đường ác. Chúng sinh tạo nghiệp thiện về thân không tà hạnh, về khẩu không hủy báng Hiền thánh, về ý thì chánh kiến, do đó sau khi chết sinh vào cõi trời, người.

10. Lậu tận trí lực: Phật dùng trí lực biết rõ chúng sinh đã hết lậu hoặc, dùng thông lực của mình chứng vô lậu giải thoát, trí tuệ giải thoát, biết đời sống đã hết, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn thọ sinh nữa.

Do mười Lực này Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác gầm lên tiếng gầm lớn của sư tử trong đại chúng, chuyển bánh xe pháp.

Bốn Vô sở úy:

1. Đức Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác, ở trong đại chúng nói: Ta dùng trí lực của mình đi trên con đường như thật nên thành Chánh giác, gầm tiếng gầm của sư tử, chuyển bánh xe pháp, không có Sa-môn, Bà-la-môn, Trời, Người, Ma, Phạm nào sánh bằng, đó là Nhất thiết trí vô úy của Như Lai.

2. Như Lai đã đạt an lạc tịch tĩnh, nơi vô thượng thù thắng, đầy đủ công đức, chấm dứt lậu hoặc, hết các tập khí đó là Lậu tận vô úy của Như Lai.

3. Như Lai chỉ rõ con đường khổ, nói về việc lìa phiền não, chấm dứt các khổ cho Thanh văn, đó là Xuất khổ đạo vô úy của Như Lai.

4. Như Lai lại giảng về pháp chướng ngại đạo hiện có, để các Thanh văn ra khỏi, đó là Chướng đạo vô úy của Như Lai.

Bốn Thiền định:

1. Ly sinh hỷ lạc: Lìa các dục và pháp nhiễm, đoạn trừ tưởng nghi hoặc, phân biệt.

2. Định sinh hỷ lạc: chấm dứt hết các pháp bên ngoài, bên trong lại định tĩnh, thâu tóm các pháp trong ngoài thành một.

3. Ly hỷ diệu lạc: Bỏ hỷ lạc, tưởng niệm tư duy, thân vui vẻ nhưng không thọ.

4. Xả niệm thanh tịnh: Bỏ pháp khổ vui, không tưởng về ưu hỷ, các pháp được thanh tịnh.

Bốn định cõi Vô sắc:

1. Không vô biên xứ định: Người tu định này chán sắc tướng nơi cõi dưới, thích vô sắc cõi trên, do không có sắc nên chỉ có hư không, lại quán hư không không có biên vực.

2. Thức vô biên xứ định: Bỏ đối tượng được duyên hư không vô biên xứ, lại nghĩ đến thức là chủ thể duyên cũng vô biên.

3. Vô sở hữu xứ định: Bỏ thức là chủ thể duyên lại nghĩ đến chủ thể duyên đối tượng được duyên đều không.

4. Phi tưởng phi phi tưởng xứ định: Bỏ vô sở hữu, lại nghĩ không có tưởng thô, tế.

Bốn Hạnh vô lượng: Từ, Bi, Hỷ, Xả.

1. Từ vô lượng: Tỳ-kheo đủ tâm Từ đối với chúng sinh không phân oán thân, bình đẳng an vui, luôn thực hành tâm Từ vô lượng, cho nên gọi là hạnh Từ vô lượng.

2. Bi vô lượng: Tỳ-kheo đủ tâm Bi đối với chúng sinh không phân oán thân, bình đẳng cứu khổ, luôn thực hành tâm Bi vô lượng, cho nên gọi là hạnh Bi vô lượng.

3. Hỷ vô lượng: Tỳ-kheo đủ tâm đại Hỷ đối với chúng sinh không phân oán thân, bình đẳng đem đến sự vui vẻ, luôn thực hành tâm Hỷ vô lượng, cho nên gọi là hạnh Hỷ vô lượng.

4. Xả vô lượng: Tỳ-kheo đối với chúng sinh không phân biệt oán thân, luôn an trụ nơi bình đẳng, cho nên gọi là hạnh Xả vô lượng.

Bốn Trí vô ngại: Từ vô ngại trí, Biện tài vô ngại trí, Pháp vô ngại trí, Nghĩa vô ngại trí.

1. Từ vô ngại: Lấy tiếng nói làm đối tượng nói, thông thạo các ngôn ngữ.

2. Biện tài vô ngại gồm có bốn biện, bảy biện, tài trả lời các vấn nạn nhanh chóng, không chậm trễ.

3. Pháp vô ngại: Nương danh, văn, cú, thông hiểu tất cả giáo pháp.

4. Nghĩa vô ngại: Lấy nghĩa làm đối tượng, hiểu rõ tất cả thật nghĩa.

Bốn Tam-ma-địa tưởng:

1. Tỳ-kheo quán sát thân mình từ đầu đến chân, do những vật bất tịnh: Tóc, lông, răng, móng da thịt gân xương hợp thành. Ví như kho chứa lương thực, người vào kho phân biệt được đây là gạo, đây là lúa. Do cất chứa nên gọi là kho. Tỳ-kheo quán sát thân mình cũng như thế, nhờ đó đoạn trừ tham dục.

2. Tỳ-kheo quán sát thân xong, được khinh an trong định, lại quán sát định được vui này cũng không có tưởng. Ví như hoa sen mọc từ nước, nó không nghĩ: Ta mọc từ nước mát. Tỳ-kheo quán tưởng cũng thế, do đó được diệu lạc nơi khinh an, thấy pháp.

3. Tỳ-kheo ở trong định quán sát tướng sáng như mặt trời, không tối tăm, liên tục không ngừng, ngày đêm sáng tối đều không sai khác. Quán tướng sáng thanh tịnh không xen tạp. Ví như mùa thu mây đen che khuất, ánh sáng mặt trời không xuất hiện. Người sáng mắt quán tưởng ánh sáng mặt trời thanh tịnh không xen tạp. Tỳ-kheo quán sát cũng thế, do đó được trí sáng hiện tiền.

4. Tỳ-kheo ở trong định, quán sát đoạn trừ khổ, vui mừng, lo, chỉ có hai thứ xả niệm thanh tịnh. Ví như có người cỡi xe đi trên đường bằng phẳng không chướng ngại. Tỳ-kheo quán tưởng cũng thế, do đó được trí tuệ thù thắng hiện tiền.

Bốn Niệm xứ:

1. Thân niệm xứ: Tỳ-kheo quán thân bất tịnh đầy dẫy nhơ uế, không chân thật.

2. Thọ niệm xứ: Quán sát các thọ trong ngoài đều là khổ.

3. Tâm niệm xứ: Quán sát tâm, tâm sở đều là vô thường.

4. Pháp niệm xứ: Quán sát các pháp trong ngoài không có tướng ngã.

Bốn Chánh đoạn:

1. Siêng năng đoạn trừ hết các pháp ác đã sinh.

2. Siêng năng ngăn chận, không cho các pháp ác chưa sinh phát sinh.

3. Siêng năng làm phát khởi các pháp thiện chưa sinh.

4. Siêng năng làm tăng trưởng viên mãn các pháp thiện đã sinh.

Bốn Thần túc: Dục, Cần, Tâm, Quán.

1. Dục thần túc: Tỳ-kheo bỏ vọng niệm về pháp nhiễm, luôn mong muốn pháp lành.

2. Cần thần túc: Siêng năng tu hành pháp lành chánh hạnh, không thoái chuyển.

3. Tâm thần túc: Bỏ tư duy tà vạy về các pháp, tâm phân biệt đúng.

4. Quán thần túc: Dùng chánh trí quán sát nội thân không có ngã, quán sát ngoại cảnh không có pháp, thể của ngã pháp là không, chứng đạt nhị không.

Năm Căn: Tín, tấn, niệm, định, tuệ căn.

Năm Lực: Tín, tấn, niệm, định, tuệ lực.

Bảy Giác chi: Trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, xả, niệm, định.

Tám Thánh đạo: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

1. Chánh kiến: Tin có sự bố thí, cha mẹ, nghiệp thiện, bất thiện, nghiệp sẽ có quả báo, có đời này đời sau, trong đó có chúng sinh, có A-la-hán tu hành đúng lý, dùng thông lực của mình thấy các pháp, biết đời sống đã hết, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm, không còn thọ sinh nữa.

2. Chánh tư duy: Bỏ suy nghĩ sai lầm. Suy nghĩ sai lầm là không chánh kiến, phát khởi tham, sân, si.

3. Chánh ngữ: Bỏ nói dối, nói thêu dệt, nói ác, nói hai lưỡi.

4. Chánh nghiệp: Bỏ sát sinh, trộm cướp, tà dâm.

5. Chánh mạng: Đầy đủ pháp xuất gia chân chánh và chánh kiến, mặc pháp phục, bỏ tà hạnh, tinh chánh pháp.

6. Chánh tinh tấn: Bỏ việc siêng năng sai lầm, siêng năng tu pháp chân thật.

7. Chánh niệm: Bỏ tà niệm, luôn niệm chánh pháp, nhớ mãi không quên.

8. Chánh định: Tâm, tâm sở không tán loạn, không duyên dựa quyết định chánh quán về Chỉ, Quán.

Nói xong Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các ông nên biết! Pháp Như Lai giảng thuyết trước, giữa, sau đều thiện, nghĩa lý sâu xa, thuần nhất không xen tạp, thanh tịnh viên mãn.

Nghe Phật giảng, các Tỳ-kheo đều vui vẻ tin thọ, phụng hành.