KINH QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT THỌ KÝ
(Avalokiteśvara-bodhisattva-mahāsthāma-prāpta-bodhisattva-vyākaraṇasūtra)
Hán dịch: Đời Tống_ Nước Hoàng Long_ Sa Môn ĐÀM VÔ KIỆT (Dharmodgata)
Việt dịch: HUYỀN THANH

 

Như vậy tôi nghe. Một thời Đức Phật ngự trong Tiên Nhân Lộc Uyển (Mṛgadava) tại Ba La Nại (Vārāṇasī) cùng với Chúng Đại Tỳ Khưu gồm hai vạn người cùng đến dự.

Bồ Tát gồm có một vạn hai ngàn người, tên của các vị ấy là: Sư Tử Bồ Tát, Sư Tử Ý Bồ Tát, An Ý Bồ Tát, Vô Dụ Ý Bồ Tát, Trì Địa Bồ Tát, Ba La Đạt Bồ Tát, Thần Thiên Bồ Tát, Thật Sự Bồ Tát, Già Hầu Đa Bồ Tát, Hiền Lực Bồ Tát, Minh Thiên Bồ Tát, Ái Hỷ Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Trí Hạnh Bồ Tát, Chuyên Hạnh Bồ Tát, Hiện Vô  Ngại Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát …Nhóm như vậy là bậc Thượng Thủ (Pramukha)  cùng với Bồ Tát Ma Ha Tát gồm một vạn hai ngàn người đến dự.

Lại có hai vạn vị Thiên Tử (Devaputra), Thiện Giới Thiên Tử, Thiện Trụ Thiên Tử…là bậc Thượng Thủ đều trụ ở Đại Thừa (Mahā-yāna).

Bấy giờ Đức Thế Tôn cùng với vô lượng trăm ngàn Quyến Thuộc (Parivāra) vây quanh rồi vì họ nói Pháp.

Khi ấy trong Hội có một vị Bồ Tát tên là Hoa Đức Tạng (Puṣpa-guṇa-garbha) liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất,chắp tay hướng về Đức Phật rồi nói lời này: “Nguyện xin Đức Thế Tôn cho phép con đứng trung gian, muốn có điều thưa hỏi”

Đức Phật bảo Hoa Đức Tạng Bồ Tát rằng: “Tuỳ theo điều ông muốn hỏi. Tất cả việc nghi ngờ, Ta đã biết , sẽ vì ông giải nói khiến cho ông vui vẻ”

Lúc đó Hoa Đức Tạng Bồ Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Bồ Tát Ma Ha Tát làm sao chẳng thoái lui nơi A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarāsamyaksaṃbuddhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) với năm Thần Thông, được Tam Muội Như Huyễn, dùng phương tiện khéo, hay hoá ra thân ấy tuỳ theo mọi hình loại tạo thành căn lành (Kuśala-mūla) rồi vì họ nói Pháp (Dharma), khiến cho được A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề?”

Đức Phật bảo Hoa Đức Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát: “Lành thay ! Lành thay ! Ông hay ở trước mặt Như Lai Chính Đẳng Giác hỏi nghĩa như vậy.

Này Hoa Đức Tạng ! Ông đã ở chỗ của chư Phật quá khứ gieo trồng các căn lành, cúng dường vô số trăm ngàn vạn ức chư Phật Thế Tôn, đối với chúng sinh hưng khởi Tâm Đại Bi (Kāruṇa-citta).

Lành thay Hoa Đức Tạng ! Hãy lắng nghe ! Hãy nghe cho kỹ ! Hãy khéo nghĩ nhớ ! Ta sẽ vì ông mà nói”.

_Đáp rằng: “Thưa vâng ! Con vui nguyện muốn nghe”.

Đức Phật bảo Hoa Đức Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát: “Thành tựu một Pháp, được Tam Muội Như Huyễn. Được Tam Muội đó xong, dùng phương tiện khéo, hay hoá ra thân ấy tuỳ theo mọi hình loại tạo thành căn lành (Kuśala-mūla) rồi vì họ nói Pháp, khiến cho được A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề.

Thế nào là một Pháp ? Ấy là: không có chỗ nương cậy, chẳng dựa theo ba cõi, cũng chẳng dựa theo bên trong, lại chẳng dựa theo bên ngoài, ở không có chỗ nương cậy được quán sát chính đúng. Quan sát chính đúng xong, liền được làm trọn chính đúng rồi đối với sự hiểu biết không có chỗ tổn giảm. Dùng Tâm không có giảm, ắt vượt đến Chính Tuệ, nghĩa là Tất cả Pháp theo Duyên mà khởi, hư giả mà có. Tất cả các Pháp do Nhân Duyên mà sinh, nếu không có Nhân Duyên thì không có sinh Pháp. Tuy tất cả Pháp theo Nhân Duyên sinh, nhưng không có chỗ sinh ra, như vậy thông đạt Pháp không có sinh (Vô Sinh Pháp: Anutpattika-dharma), được vào lối nẻo chân thật của Bồ Tát, cũng gọi là được vào Tâm Đại Từ Bi, thương xót độ thoát tất cả chúng sinh. Khéo hay hiểu sâu nghĩa như vậy xong, liền biết tất cả các Pháp như huyễn. Chỉ dùng ghi nhớ, nghĩ tưởng Ngữ Ngôn…hoá làm Pháp vậy. Xong ghi nhớ, nghĩ tưởng Ngữ Ngôn…hoá làm các Pháp rốt ráo đều trống rỗng (Śūnya: Không). Khéo hay thông đạt sự trống rỗng của các Pháp xong, thì gọi là đạt được Tam Muội Như Huyễn. Được Tam Muội đó xong, dùng phương tiện khéo, hay hoá ra thân ấy, tuỳ theo mọi hình loại mà thành căn lành rồi vì họ nói Pháp, khiến cho được A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề”.

Bấy giờ Hoa Đức Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Ở trong Chúng này có thể có Bồ Tát được Tam Muội đó ư ?”

Đức Phật nói: “Có ! Nay trong Hội này: sáu mươi vị Chính Sĩ (Bodhisatva: Bồ Tát) thuộc nhóm Di Lặc Bồ Tát (Maitreya), Văn Thù Sư Lợi (Maṃjuśrī) có Đại Thệ trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn, đắc được Tam Muội đó”.

Lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Chỉ có Bồ Tát trong Thế Giới này được Tam Muội đó hay Thế Giới ở phương khác lại có Bồ Tát thành tựu Tam Muội Như Huyễn như vậy?”

Đức Phật bảo Hoa Đức Tạng: “Vượt qua nơi này một ức trăm ngàn cõi về phương Tây có Thế Giới tên là An Lạc (Sukha-vatī), nước ấy có Đức Phật hiệu là A Di Đà Như Lai Ứng Chính Biến Tri (Amitāyus-tathāgatāya  arhate  samyaksaṃbuddhāya) ngày nay hiện đang nói Pháp. Nước ấy có Bồ Tát, vị thứ nhất tên là Quán Thế Âm (Avalokiteśvara), vị thứ hai tên là Đắc Đại Thế (Mahā-sthāma-prāpta) được Tam Muội đó.

Lại nữa Hoa Đức Tạng ! Nếu có Bồ Tát theo vị Chính Sĩ ấy, bảy ngày bảy đêm nghe nhận Pháp đó, liền đạt được Tam Muội Như Huyễn”.

Hoa Đức Tạng Bồ Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Nước ấy ứng theo có vô lượng Bồ Tát được Tam Muội đó. Tại sao thế ? Vì còn có Bồ Tát khác sinh về nước ấy, đều sẽ sinh về chỗ của vị Chính Sĩ ấy nghe nhận Pháp đó”

Đức Phật nói: “Như vậy ! Như vậy ! Như ông đã nói. Có vô lượng a tăng kỳ Bồ Tát Ma Ha Tát theo vị Chính Sĩ ấy được Tam Muội đó”.

Hoa Đức Tạng Bồ Tát bạch Phật rằng: “Lành thay ! Thế Tôn Như Lai Ứng Cúng Chính Biến Tri ! Nguyện dùng Thần Lực khiến cho vị Chính Sĩ ấy đi đến Thế Giới này. Lại khiến cho hai cõi này được nhìn thấy nhau. Tại sao thế ? Vì vị Chính Sĩ ấy đến cõi này, sẽ khiến cho kẻ trai lành, người nữ thiện phát Tâm A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề, nguyện sinh về nước ấy. Sinh vào nước ấy xong, hoàn toàn chẳng thoái chuyển A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề”.

Khi ấy Đức Thế Tôn nhận sự thỉnh cầu ấy xong, liền phóng ánh sáng của tướng Bạch Hào ở tam tinh (Ūrṇa: sợi lông trắng xoáy vòng theo bên phải ở tam tinh) chiếu khắp ba ngàn Đại Thiên quốc độ. Ở Thế Giới này: cỏ, cây, đất, đá, Tu Di Sơn Vương (Sumeru), núi Mục Chân Lân Đà (Mucilinda), núi Đại Mục Chân Lân Đà (Mahāmucilinda), núi Chước Ca La (Cakravāla), núi Đại Chước Ca La (Mahācakravāla)…cho đến chốn u minh ở khoảng giữa của Thế Giới này , khắp cả đều là màu vàng ròng, không nơi nào chẳng sáng rực. Ánh sáng chói lọi với đại lực uy quang của mặt trời mặt trăng đều chẳng hiện trở lại, chiếu khắp ức trăm ngàn cõi ở phương Tây cho đến Thế Giới An Lạc thảy đều là màu vàng ròng. Ánh sáng lớn nhiễu quanh Đức Phật ấy theo bên phải bảy vòng, rồi ở trước mặt Đức Như Lai đột nhiên chẳng hiện. Chúng sinh, Thanh Văn của nước ấy đều nhìn thấy Đức Thích Ca Văn (Śākyamuṇi) của cõi này cùng với các Đại Chúng vây quanh nói Pháp, giống như xem xét quả A Ma Lặc (Amla-phala) trong lòng bàn tay, đều sinh Tâm yêu thích vui vẻ, xướng lên lời như vầy: “Nam mô Thích Ca Như Lai Ứng Cúng Chính Biến Tri (Namo śākyamuṇāye tathāgataya-arhate-samyaksaṃbuddhāya).

Ở Chúnh Hội này: Tỳ Khưu (Bhikṣu), Tỳ Khưu Ni (Bhikṣunī), Ưu Bà Tắc (Upāsaka), Ưu Bà Di (Upāsikā), Trời (Deva), Rồng (Nāga), Dạ Xoa (Yakṣa), Càn Thát Bà (Gandharva), A Tu La (Asura), Ca Lâu La (Garuḍa), Khẩn Na La (Kiṃnara), Ma Hầu La Già (Mahoraga), Người (Manuṣya), Phi Nhân (Amanuṣya)…Thích (Indra), Phạm (Brahma), bốn vị Thiên Vương (Catvāsraḥ mahārājikāḥ), Bồ Tát (Bodhisatva), Thanh Văn (Śrāvaka) đều nhìn thấy Thế Giới An Lạc (Sukhavatī), Đức Phật A Di Đà (Amitāyus), Bồ Tát, Thanh Văn quyến thuộc vây quanh…chói sáng như ngọn núi báu cao lớn thù đặc, uy quang hách dịch chiếp khắp các cõi. Như người có con mắt trong sạch, ở bên trong một tầm (8 thước) nhìn thấy diện mạo của con người rõ ràng không có ngăn ngại. Đã nhìn thấy xong, vui vẻ hớn hở, xướng lên lời như vầy: Nam mô A Di Đà Như Lai Ứng Cúng Chính Biến Tri (Namo Amitāyur-tathāgataya-arhate-samyaksaṃbuddhāya).

Thời trong Chúng này, tám vạn bốn ngàn chúng sinh đều phát Tâm A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề với gieo căn lành, nguyện sinh về nước ấy.

Bấy giờ Bồ Tát, Thanh Văn của Thế Giới An Lạc nhìn thấy cõi này xong, cho là lạ lùng chưa từng có, vui vẻ, chắp tay lễ Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Chính Biến Tri rồi nói lời như vầy: “Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật, hay vì Bồ Tát, Thanh Văn nói Pháp như vậy”.

Lúc đó Thế Giới An Lạc chấn động theo sáu cách: Động là chuyển động đều khắp, chuyển động khắp cả. Lay Động là lay động đều khắp, lay động khắp cả. Rung động là rung động đều khắp, rung động khắp cả.

Bấy giờ Quán Thế Âm với Đắc Đại Thế Bồ Tát Ma Ha Tát bạch Đức Phật ấy rằng: “Rất lạ kỳ ! Bạch Đức Thế Tôn! Đức Thích Ca Như Lai hiện việc hiếm có. Tại sao thế ? Vì Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Chính Biến Tri ấy hơi hiện Danh Hiệu đã khiến cho Đại Địa Vô Tưởng (Asaṃjñā) chấn động theo sáu cách”.

Khi ấy Đức Phật A Di Đà bảo Bồ Tát ấy: “Đức Thích Ca Mâu Ni chẳng phải chỉ ở cõi này hiện danh hiệu ấy mà vô lượng Thế Giới của chư Phật khác đều hiện Danh Hiệu, ánh sáng lớn chiếu khắp, chấn động theo sáu cách cũng lại như vậy. Vô lượng a tăng kỳ chúng sinh của các Thế Giới ấy, nghe Thích Ca Mâu Ni, khen xưng Danh Diệu đều thành tựu căn lành, đều được chẳng thoái chuyển nơi A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề”.

Thời trong Chúng ấy, bốn mươi ức Bồ Tát nghe danh hiệu của Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chính Giác đều đồng thanh phát Nguyện, hồi hướng căn lành về A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề. Đức Phật liền Thọ K í (Vyākaraṇa) sẽ được A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề.

Lúc đó Quán Thế Âm với Đắc Đại Thế Bồ Tát Ma Ha Tát đi đến chỗ của Đức Phật ấy, cúi đầu mặt lễ bàn chân của Đức Phật, cung kính chắp tay, đứng ở một bên rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Do Nhân nào Duyên nào mà Đức Thích Ca mâu Ni phóng ra ánh sáng này ?”

Bấy giờ Đức Phật ấy bảo Quán Thế Âm: “Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chính Giác phóng ra ánh sáng này, chẳng phải không có Nhân Duyên. Tại sao thế ? Vì ngày hôm nay, Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Chính Biến Tri sắp muốn diễn nói Kinh Bồ Tát Trân Bảo Xứ Tam Muội cho nên trước tiên hiện ra điềm lành” Khi ấy Quán Thế Âm với Đắc Đại Thế Bồ Tát Ma Ha Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Chúng con muốn đến Thế Giới Sa Bà (Saha-Loka-dhātu) lễ bái, cúng dường.

Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, nghe ngài nói Pháp” Đức Phật nói: “Hãy thích hợp biết thời đó !”

Thời hai vị Bồ Tát liền cùng nhau nói rằng: “Hôm nay, chúng con quyết định nghe Pháp màu nhiệm do Đức Phật ấy đã nói”.

Khi hai vị Bồ Tát nhận lời răn dạy của Đức Phật xong, thời bảo bốn mươi ức Bồ Tát quyến thuộc ấy: “Thiện Nam Tử (Kulaputra) nên cùng nhau đi đến Thế Giới Sa Bà, lễ bái cúng dường Đức Thích Ca mâu Ni Phật, nghe nhận Chính Pháp. Tại sao thế ? Vì Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chính Giác hay làm việc khó làm, buông bỏ cõi nước Tịnh Diệu, dùng sức của Bản Nguyện, hưng Tâm Đại Bi, ở trong đời ác trược, Đức mỏng, ít Phước, tăng Tham Sân Si…thành A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề mà vì họ nói Pháp”

Khi nói lời đó xong thời Bồ Tát, Thanh Văn đồng thanh khen rằng: “Chúng sinh của cõi ấy được nghe danh hiệu của Đức Thích Ca Mâu Ni Ứng Cúng Chính Biến Tri còn mau chóng được Thiện Lợi, huống chi là được nhìn thấy, phát Tâm vui vẻ !

Thế Tôn ! Chúng con sẽ cùng nhau đi đến Thế Giới ấy, lễ bái cúng dường Đức Thích Ca Mâu Ni Phật”

Đức Phật nói: “Này Thiện Nam Tử ! Hãy thích hợp biết thời đó !”

Bấy giờ Quán Thế Âm với Đắc Đại Thế Bồ Tát Ma Ha Tát cùng với bốn mươi ức Bồ Tát trước sau vây quanh, ở Thế Giới ấy dùng sức Thần Thông, đều vì quyến thuộc hoá làm bốn mươi ức đài báu trang nghiêm. Các đài báu đó rộng dài mười hai Do Tuần (Joyana) đoan nghiêm vi diệu.

_ Trên đài báu ấy, có chỗ bằng vàng ròng (Suvarṇa), có chỗ bằng bạc trắng (Rūpya), có chỗ bằng Lưu Ly (Vaiḍùrya), có chỗ bằng Pha Lê (Sphaṭika), có chỗ bằng ngọc đỏ (Lohita-mukta), có chỗ bằng Xa Cừ (Musāra-galva), có chỗ bằng Mã Não (Aśma-garbha). Có chỗ bằng hai loại báu là vàng ròng, bạc trắng. Có chỗ bằng ba loại báu là vàng, bạc, Lưu Ly. Có chỗ bằng bốn loại báu là vàng ròng, bạc trắng, Lưu Ly, Pha Lê. Có chỗ bằng năm loại báu là vàng, bạc, Lưu Ly, Pha Lê, ngọc đỏ. Có chỗ bằng sáu loại báu là vàng ròng, bạc trắng, Lưu Ly, Pha Lê, Xa Cừ, ngọc đỏ. Có chỗ bằng bảy loại báu, cho đến Mã Não.

Lại dùng ngọc đỏ, Chiên Đàn (Candana), Ưu Bát La (Utpāla), Bát Đàm Ma (Padma), Câu Vật Đầu (Kumuda), Phân Đà Lợi (Puṇḍarika) để trang nghiêm.

_ Lại tuôn mưa hoa Tu Mạn Na (Sumana), hoa Chiêm Bặc (Campaka), hoa Ba La La (Pāṭalā), hoa A Đề Mục Đa (Ati-muktaka), hoa La Ni, hoa Cồ La Ni, hoa Mạn Đà La (Māndāra), hoa Ma Ha Mạn Đà La (Mahā-māndāra), hoa Ba Lâu Sa, hoa Ma Ha Ba Lâu Sa, hoa Mạn Thù Sa (Mañjuṣaka), hoa Ma Ha Mạn Thù Sa (Mahāmañjuṣaka), hoa  Lô Giá Na (Rocana), hoa Ma Ha Lô Giá Na (Mahā-rocana), hoa Già Ca, hoa Ma Ha Già Ca, hoa Tô Lâu Chí Già Ca, hoa Chiên Na (Kuna), hoa Ma Ha Chiên Na (Mahā-kuna), hoa Tô Lâu Chí Chiên Đàn Na,  hoa  Chiên Nô Sa La, hoa Tha La, hoa Ma Ha Tha La.

_ Trên đài báu ấy, mọi loại màu sắc rực rỡ sáng chói, trong sạch chiếu sáng.

_ Trên các đài báu có tám vạn bốn ngàn Hoá Ngọc Nữ hoặc cầm đàn Không Hầu (Vīṇā), đàn Cầm, đàn Sắt, đàn Tranh, ống sáo, đàn Tỳ Bà, cái trống, vỏ sò…Vô lượng mọi nhạc khí báu như vậy tấu lên tiếng vi diệu…với dáng nghiêm túc trang trọng rồi trụ.

Hoặc có Ngọc Nữ cầm hương Chiên Đàn đỏ, hương Trầm Thuỷ Chiên Đàn, hoặc cầm hương Trầm Thuỷ Chiên Đàn màu đen… với dáng nghiêm túc trang trọng rồi trụ.

Hoặc có Ngọc Nữ cầm hoa Ưu Bát La, Câu Vật Đầu, Phân Đà Lợi… với dáng nghiêm túc trang trọng rồi trụ.

Hoặc có Ngọc Nữ cầm hoa Mạn Đà La, hoa Ma Ha Mạn Đà La, hoa Ba Lâu Sa, hoa Ma Ha Ba Lâu Sa, hoa Lô Giá Na, hoa Ma Ha Lô Giá Na, hoa Chiên Na, hoa Ma Ha Chiên Na, hoa Tô Lâu Chí Chiên Na, hoa Già Ca, hoa Ma Ha Già Ca, hoa Tô Lâu Chí Già Ca, hoa Đà La (Dhāra), hoa Ma Ha Đà La (Mahā-dhara), hoa Tô Lâu Chí Đà La…với dáng nghiêm túc trang trọng rồi trụ.

Hoặc có Ngọc Nữ cầm tất cả hoa quả với dáng nghiêm túc trang trọng rồi trụ.

_ Trên các đài báu có toà Sư Tử được trang nghiêm bằng mọi vật báu. Trên toà đều có vị Hoá Phật với ba mươi hai tướng, tám mươi chủng tử để tự trang nghiêm

Trên đài đều treo tám vạn bốn ngàn thứ châu báu tạp màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng…nối tiếp nhau .

Trên các đài báu  đều có tám vạn bốn ngàn cái bình được làm bằng mọi vật báu tinh xảo chứa đầy hương bột… xếp bày bên trên.

Trên các đài báu đều có tám vạn bốn ngàn cái lọng được làm bằng mọi vật báu tinh xảo…che trùm bên trên.

_ Trên các đài báu đều có tám vạn bốn ngàn cái cây báu được trồng bên trên.

Trên các đài báu đều có tám vạn bốn ngàn cái chuông báu giăng che bên trên Khoảng giữa của các cây báu có cái ao bảy báu  tràn đầy nước tám Công Đức. Trong ao ấy có đủ loại hoa sen báu màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng… với màu của ánh sáng in bóng rực rỡ  .

Trên các đài báu đều có tám vạn bốn ngàn sợi dây bằng mọi báu chăng ràng liên tục khoảng giữa của các cây.

_ Ánh sáng của mỗi một cái đài báu chiếu sáng tám vạn bốn ngàn Do Tuần, không có chỗ nào chẳng sáng rực.

Khi ấy Quán Thế Âm với Đắc Đại Thế Bồ Tát Ma Ha Tát cùng với quyến thuộc gồm tám ngàn ức chúng các Bồ Tát đều đến dự, với đài báu trang nghiêm thảy đều ngang bằng nhau. Ví như khoảng thời gian của người Lực Sĩ co duỗi cánh tay, từ nước ấy ẩn mất đi đến Thế Giới này. Thời Bồ Tát ấy dùng sức Thần Thông khiến mặt đất của Thế Giới này bằng phẳng như mặt nước…cùng với tám mươi ức Bồ Tát trước sau vây quanh, dùng Đại Công Đức trang nghiêm thành tựu, đoan nghiêm rất đặc biệt không thể ví dụ. Ánh sáng chiếu khắp Thế Giới Sa Bà. Các Bồ Tát đó đến chỗ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cúi đầu mặt lễ bàn chân của Đức Phật, nhiều quanh theo bên phải bảy vòng, lui về trụ một bên rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Đức Phật A Di Đà hỏi thăm Đức Thế Tôn có ít bệnh, ít buồn bực, khởi cư (đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, ngủ nghỉ…) được nhẹ nhàng nhanh nhẹn,  an vui làm việc chăng ?”

Lại khi hiện việc màu nhiệm trang nghiêm của cõi đó thời vị Bồ Tát này với Chúng Thanh Văn nhìn thấy mọi sự trang nghiêm màu nhiệm của cái đài báu này, liền khen ngợi chưa từng có…đều tác niệm này: “Các đài báu trang nghiêm vi diệu này từ nước An Lạc đi đến Thế Giới này, là sức của Đức Phật đó hay là sức của Bồ Tát vậy?”

Bấy giờ Hoa Đức Tạng Bồ Tát nương vào Thần Lực của Đức Phật rồi bạch Phật rằng: “Rất lạ kỳ ! Bạch Đức Thế Tôn ! Thật chưa từng có vậy ! Nay tại Thế Giới Sa Bà này có mọi cái đài báu màu nhiệm, trang nghiêm như vậy là uy lực của ai ?”

Đức Phật nói: “Là sức Thần Thông của Quán Thế Âm với Đắc Đại Thế, ở Thế Giới này hiện trang nghiêm to lớn”.

_ “Rất lạ kỳ ! Bạch Đức Thế Tôn ! Thật chẳng thể nghĩ bàn ! Thiện Nam Tử ấy có Hạnh Nguyện thanh tịnh, hay dùng Thần Lực trang nghiêm cái đài báu hiện ra ở Thế Giới này”

Đức Phật nói: “Như vậy ! Như vậy ! Như ông đã nói ! Thiện Nam Tử ấy đã ở trong vô số ức na do tha trăm ngàn Kiếp, trong sạch các căn lành, được Tam Muội Như Huyễn. Trụ tại Tam Muội đó, hay dùng Thần Thông biến hoá, hiện ra việc như vậy.

Lại Hoa Đức Tạng ! Nay ông  hãy quán sát Thế Giới ở phương Đông, xem ông đã nhìn thấy điều gì ?”

Thời Hoa Đức Tạng Bồ Tát liền dùng mọi loại Thiên Nhãn (Divya-cakṣu) của Bồ Tát xem xét Thế Giới của chư Phật nhiều như số cát sông Hằng ở phương Đông, nhìn thấy trước mặt Đức Phật ấy đều có Quán Thế Âm với Đắc Đại Thế, trang nghiêm như lúc trước, cung kính cúng dường, đều nói là: “Đức Phật A Di Đà hỏi thăm Đức Thế Tôn có ít bệnh, ít buồn bực, khởi cư (đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, ngủ nghỉ…) được nhẹ nhàng nhanh nhẹn,  an vui làm việc chăng ?” Phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phương bàng, phương trên, phương dưới cũng lại như vậy.

Bấy giờ Hoa Đức Tạng Bồ Tát nhìn thấy việc đó xong, vui vẻ hớn hở, được điều chưa từng có, rồi bạch Phật rằng: “Rất lạ k ỳ ! Bạch Đức Thế Tôn ! Nay Đại Sĩ này lại hay thành tựu Tam Muội như vậy. Tại sao thế ? Vì nay vị Chính Sĩ này hay hiện trang nghiêm các cõi Phật đó”.

Khi ấy Đức Thế Tôn liền dùng Thần Lực khiến cho Chúng Hội này nhìn thấy việc đó xong thời ba vạn hai ngàn người phát Tâm A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề.

Hoa Đức Tạng Bồ Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Hai vị chính Sĩ đó dường như từ lâu đã phát Tâm A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề ở chỗ của Đức Phật nào ? Nguyện xin nói việc đó khiến cho các Bồ Tát tu Hạnh Nguyện này được thành tựu đầy đủ”  .

Đức Phật nói: “Hãy nghe cho kỹ ! Hãy khéo nghĩ nhớ ! Ta sẽ vì ông mà nói”.

_ “Lành thay ! Bạch Đức Thế Tôn ! Con vui nguyện muốn nghe”.

Đức Phật nói: “Trước kia, từ quá khứ xa rộng, vô lượng chẳng thể nghĩ bàn a tăng kỳ Kiếp. Vào thời đó, Ta từng làm trăm ngàn vị vua. Khi Kiếp của vị vua đầu tiên muốn tận thời có Thế Giới tên là Vô Lượng Đức Tụ An Lạc Thị Hiện, nước ấy có Đức Phật hiệu là Kim Quang Sư Tử Du H í  Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri,

Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Hết thảy việc nghiêm sức thanh tịnh trong cõi nước của Đức Phật đó, nay Ta vì ông nói. Ý của ông thế nào ? Hết thảy việc nghiêm tịnh trong cõi nước của Đức Phật A Di Đà tại Thế Giới An Lạc…há là nhiều chăng ?”

_ Đáp rằng: “Rất nhiều ! Chẳng thể nghĩ bàn, khó thể nói đủ”.

Đức Phật bảo Hoa Đức Tạng: “Giả sử có người phân tích một sợi lông, chia làm một trăm sợi lông, đem sợi lông của một phần ấy nhúng vào nước biển lớn. Ý ông thế nào ? nước trên đầu một sợi lông với nước của biển lớn, cái nào nhiều hơn ?”

Đáp rằng: “Nước biển rất nhiều, chẳng thể  đem ví dụ được”.

_ “Như vậy ! Này Hoa Đức Tạng ! Nên tiến hành cái biết đó. Việc trang nghiêm của cõi nước A Di Đà như nước trên đầu sợi lông, còn nước của Đức Phật Kim Quang Sư Tử Du Hí như nước của biển lớn. Thanh Văn, Bồ Tát sai khác nhau cũng thế. Đức Kim Quang Sư Tử Du Hí Như Lai cũng vì chúng sinh nói Pháp của ba Thừa (Trīṇi yānāni). Ta ở hằng hà sa đẳng Kiếp nói Công Đức trang nghiêm, việc khoái lạc của Bồ Tát, Thanh Văn … trong nước Phật này cũng chẳng thể hết”.

Khi ấy trong Pháp của Đức Kim Quang Sư Tử Du Hí Như Lai có vị vua tên là Uy Đức Vương dùng Chính Pháp cai trị, cảm hoá một ngàn Thế Giới, có hiệu là Pháp Vương (Dharma-rāja). Vị Uy Đức Vương ấy có nhiều người con đều đầy đủ hai mươi tám tướng của bậc Đại Nhân. Các Vương Tử đó thảy đều trụ ở Đạo Vô Thượng (Agra-mārga). Vị vua có bảy vạn sáu ngàn cái vườn có đài cao (viên quán) để cho các người con của vị vua ấy chơi đùa bên trong”.

Hoa Đức Tạng bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Cõi nước của Đức Phật ấy có người nữ chăng ?”

Đức Phật nói: “Thiện Nam Tử ! Cõi nước Phật ấy còn không có tên gọi của người nữ, huống chi là có thật ? Chúng sinh của nước ấy trong sạch tu Phạm Hạnh (Brahmacaryā), thuần một loại Hoá Sinh (Upapāduka), dùng Thiền Duyệt làm thức ăn. Vi Uy Đức Vương ấy ở tám vạn bốn ngàn ức năm, phụng sự Đức Như Lai, chẳng tập Pháp khác. Đức Phật biết chí tâm, liền vì vị vua diễn nói vô lượng Pháp Ấn (Dharmamudra). Nhóm nào là vô lượng Pháp Ấn ?

Này Hoa Đức Tạng Bồ Tát ! Phàm đã tu hành, cần phải phát ở vô lượng Thệ Nguyện. Tại sao thế ? Vì Bồ Tát Ma Ha Tát: Bố Thí (Dāna) vô lượng, Trì Giới (Śīla) vô lượng, Nhẫn Nhục (Kṣānti) vô lượng, Tinh Tiến (Vīrya) vô lượng, Thiền Định (Dhyāna) vô lượng, Trí Tuệ (Prajñā) vô lượng, sáu Độ (Ṣaḍ-pāramitā: 6 Ba La Mật) đã hành nhiếp sinh tử vô lượng, yêu thương chúng sinh vô lượng, trang nghiêm (Vyūha) Tịnh Thổ (Buddha-kṣetra: Phật Thổ) vô lượng, âm thanh vô lượng, biện tài vô lượng.

Này Hoa Đức Tạng ! Cho đến một niệm Thiện tương ứng hồi hướng vô lượng.

Thế nào là hồi hướng vô lượng ? Như hồi hướng tất cả chúng sinh khiến cho tất cả chúng sinh được Vô Sinh Chứng, dùng Niết Bàn (Nirvāṇa) của Phật mà Bát Niết Bàn (Parinirvāṇa). Đấy gọi là hồi hướng vô lượng Vô Biên Không (Ananta-śūnya) vô lượng, Vô Tướng (Animitta) vô lượng, Vô Nguyện (Apraṇihita) vô lượng, Vô Hành (Anabhisaṃskāra) vô lượng, không ham muốn Thật Tế (Bhūta-koṭi), Pháp Tính (Dharmatā) không có sinh, không dính vào Giải Thoát (Vimukti), Niết Bàn (Nirvāṇa) vô lượng.

Này Thiện Nam Tử ! Ta chỉ lược nói các Pháp vô lượng. Tại sao thế ? Vì dùng tất cả Pháp không có hạn lượng.

Lại nữa, Hoa Đức Tạng ! Vị Uy Đức Vương ấy ở cái vườn có đài cao kia, nhập vào Tam Muội. Hai bên trái phải của vị vua ấy có hai hoa sen từ dưới đất phun vọt lên với nhiều màu sắc trang nghiêm, toả hương thơm phức như Chiên Đàn của cõi Trời. Có hai vị Đồng Tử (Kumāra) hoá sinh trong hoa sen ấy, ngồi Kiết Già. Vị thứ nhất tên là Bảo Ý (Ratna-citta), vị thứ hai tên là Bảo Thượng (Ratnottama). Thời Uy Đức Vương từ Thiền Định đứng dậy, nhìn thấy hai vị Đồng Tử ngồi trong hoa sen, nên dùng Kệ hỏi rằng:

“Ngươi là Trời (Deva), Long Vương (Nāga-rāja)
Dạ Xoa (Yaṣa), Cưu Bàn Trà (Kuṃbhaṇḍa)
Là Người (Manuṣya), là Phi Nhân (Amanuṣya)?
Nguyện nói danh hiệu ấy”

_ Thời Đồng Tử ở bên phải vị vua, dùng Kệ đáp rằng:

“Tất cả các Pháp Không (Śūnya:Trống rỗng)
Vì sao hỏi danh hiệu ?
Pháp quá khứ đã diệt
Pháp đương lai chưa sinh
Pháp hiện tại chẳng trụ
Ngài muốn hỏi tên ai?
Pháp Không (Śūnya-dharma) chẳng phải Trời (Deva)
Chẳng phải Rồng (Nāga) La Sát (Rākṣasa)
Người cùng với Phi Nhân
Tất cả chẳng thể được”

_ Đồng Tử ở bên trái nói Kệ rằng:

“Tên, tên người đều Không (Śūnya:Trống rỗng)
Tên, tên chẳng thể được
Tất cả Pháp không tên
Mà muốn hỏi tên gọi
Muốn cầu tên chân thật
Chưa từng được thấy nghe
Phàm Pháp Sinh (Prasava-dharma, hay Prasava-dharmin) liền diệt
Vì sao lại hỏi tên
Nói danh tự, ngữ ngôn
Đều là mượn đặt bày
Ta tên là Bảo Ý
Vị kia tên Bảo Thượng “

Này Hoa Đức Tạng ! Hai Đồng Tử đó nói Kệ xong, cùng với Uy Đức Vương đi đến chỗ của Đức Phật, cúi đầu mặt lễ bàn chân của Đức Phật, nhiễu quanh theo bên phải bảy vòng, chắp tay cung kính, đứng ở một bên.

Thời hai Đồng Tử liền cùng nhau đồng thanh dùng Kệ hỏi Đức Phật:

“Thế nào là cúng dường (Pūja) ?
Vô Thượng Lưỡng Túc Tôn (Tôn hiệu của Đức Phật)
Nguyện nói nghĩa thú ấy
Người nghe sẽ phụng hành
Hoa, hương, mọi kỹ nhạc
Áo, cơm, thuốc, giường nằm
Nhóm cúng dường như thế
Thế nào là tối thắng ?”

_ Bấy giờ Đức Phật ấy liền vì

Đồng Tử mà nói Kệ là:

“Nên phát Tâm Bồ Đề
Rộng giúp các Quần Sinh
Đấy tức cúng Chính Giác
Ba mươi hai tướng sáng
Bày khắp hằng sa cõi
Vật trân diệu trang nghiêm
Phụng hiến các Như Lai
Vui vẻ, đội trên đỉnh
Chẳng bằng dùng Tâm Từ (Maitra-citta)
Hồi hướng ở Bồ Đề
Phước đó là tối thắng
Vô lượng không bờ mé
Cúng khác không thể hơn
Vượt hẳn, chẳng thể tính
Tâm Bồ Đề như vậy
Ắt thành Đẳng Chính Giác (Samyaksaṃbodhi)”

_ Thời hai Đồng Tử lại nói Kệ rằng:

“Các Trời, Rồng, Quỷ Thần
Nghe Ta sư tử hống (tiếng sư tử rống)
Nay ở trước Như Lai
Rộng thề phát Bồ Đề
Sống chết vô lượng Kiếp
Bản Tế (LÝ TH Ể của bình đẳng tuyệt đối) chẳng thể biết
Vì một chúng sinh nên
Số Kiếp ấy hành Đạo
Huống, trong các Kiếp này
Độ thoát vô lượng Chúng
Tu hành Đạo Bồ Đề
Mà sinh Tâm mệt mỏi
Nếu Ta từ nay, mới
Khởi nơi Tâm tham dục
Đấy tức là lừa dối
Tất cả Phật mười phương
Bợn dơ giận, ngu si
Ganh ghét cũng như thế
Nay Ta nói lời thật
Xa lìa nơi hư vọng
Nếu Ta ngày nay mới
Khởi nơi Tâm Thanh Văn
Chẳng vui tu Bồ Đề
Đấy tức lừa Thế Tôn
Cũng chẳng cầu Duyên Giác
Tự giúp lợi thân mình
Sẽ ở vạn ức Kiếp
Đại Bi độ chúng sinh
Như cõi Phật ngày nay
Thanh tịnh diệu trang nghiêm
Khiến Ta được Đạo, thời
Vượt hơn ức trăm ngàn
Nước không có Thanh Văn
Không có Duyên Giác Thừa (Pratyeka-buddha-yāna)
Thuần có các Bồ Tát
Số ấy không hạn lượng
Chúng sinh sạch, không dơ
Đều đủ Thượng Diệu Lạc
Sinh ra, ở Chính Giác
Tổng trì các Pháp Tạng (Dharma-garbha)”
_ Nói Kệ như vậy xong
Ứng thời chấn động khắp
Trăm ngàn mọi Kỹ Nhạc
Diễn phát âm hoà nhã
Áo vi diệu sáng rực
Xoay chuyển đến giáng xuống
Chư Thiên trong hư không
Tuôn mưa, rải hương bột
Hương ấy xông, lan khắp
Đẹp lòng Tâm chúng sinh

_ Đức Phật bảo Hoa Đức Tạng: “Ý ông thế nào ? Uy Đức Vương bấy giờ, há là người khác ư ? Đấy là thân của Ta vậy. Hai Đồng Tử trong thời đó, nay là Quán Thế Âm với Đắc Đại Thế Bồ Tát Ma Ha Tát vậy.

Này Thiện Nam Tử ! Hai vị Bồ Tát đó ở chỗ của Đức Phật ấy, mới bắt đầu phát Tâm A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề”.

Bấy giờ Hoa Đức Tạng bạch Phật rằng :”Rất lạ kỳ ! Bạch Đức Thế Tôn ! Thiện Nam Tử đó chưa từng phát Tâm mà lại thành tựu Trí Tuệ thâm sâu như vậy, thấu đạt Danh Tự đều chẳng thể được.

Thế Tôn ! Hai vị Chính Sĩ đó ở chỗ của Đức Phật lúc trước ấy, chằc đã từng cúng dường, làm các Công Đức ?”

_ “Này Thiện Nam Tử ! Cát của sông Hằng này đều có thể đếm biết được, còn hai vị Đại Sĩ này trước kia cúng dường Phật, gieo trồng các căn lành thì chẳng thể xưng tính. Tuy chưa phát khởi Tâm Bồ Đề nhưng đã dùng điều chẳng thể nghĩ bàn để tự trang nghiêm, đối với các chúng sinh làm việc rất dũng mãnh”.

Khi ấy Hoa Đức Tạng Bồ Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Cõi nước Vô Lượng Đức Tụ An Lạc Thị Hiện ấy ở tại phương nào ?”

Đức Phật nói: “Thế Giới An Lạc ở phương Tây ngày nay, ngay lúc bấy giờ có hiệu là Vô Lượng Đức Tụ An Lạc Thị Hiện”.

Hoa Đức Tạng Bồ Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Nguyện vì con giải nói, khiến cho vô lượng chúng sinh được lợi ích lớn. Quán Thế Âm đó ở cõi nước nào, thành Đẳng Chính Giác ? Thế Giới, sự trang nghiêm, hào quang rực sáng, danh hiệu, Thanh Văn, Bồ Tát, thọ mệnh có được, cho đến thành Phật…Các việc ấy như thế nào ? Nếu Đức Thế Tôn nói Hạnh Nguyện trước kia của Bồ Tát đó thì Bồ Tát khác nghe Nguyện đó xong đều sẽ tu hành mà được đầy đủ”.

Đức Phật nói: “Lành thay ! Hãy nghe cho kỹ ! Ta sẽ vì ông mà nói”.

Đáp rằng: “Thưa vâng ! Con vui nguyện muốn nghe”.

Đức Phật nói: “Này Thiện Nam Tử ! Đức Phật A Di Đà có thọ mệnh vô lượng trăm ngàn ức Kiếp, nhưng sẽ có lúc kết thúc.

Thiện Nam Tử ! Ngày sau với số Kiếp rộng xa chẳng thể tính đếm  thì Đức Phật A Di Đà sẽ Bát Niết Bàn. Sau khi Bát Niết Bàn thì Chính Pháp trụ ở đời ngang bằng với Thọ Mệnh của Đức Phật, ngay sau khi đời diệt, chúng sinh được độ thảy đều đồng một dạng. Sau khi Đức Phật vào Niết Bàn, hoặc có chúng sinh chẳng nhìn thấy Phật. Có các Bồ Tát được Tam Muội Niệm Phật (Buddhānusmṛti-samādhi) thường nhìn thấy Đức Phật A Di Đà.

Lại nữa Thiện Nam Tử ! Sau khi Đức Phật ấy nhập diệt thì tất cả vật báu, ao tắm, hoa sen, mọi hàng cây báu..thường diễn Pháp Âm (Dharma-ghoṣa) cùng với Đức Phật không có khác.

Này Thiện Nam Tử ! Sau khi Chính Pháp của Đức Phật A Di Đà đã tan hết, khoảng hơn nửa đêm, lúc có tướng sáng hiện ra thời Quán Thế Âm Bồ Tát ngồi Kiết Già ở dưới cây Bồ Đề bảy báu, thành Đẳng Chính Giác, hiệu là Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Cõi nước của Đức Phật ấy tự nhiên có bảy báu, mọi thứ tốt đẹp hợp thành việc trang nghiêm. Các Phật Thế Tôn ở hằng sa Kiếp nói chẳng thể hết.

Thiện Nam Tử ! Ta ở ngày nay ví ông nói ví dụ: Đem việc trang nghiêm trong cõi nước của Đức Kim Quang Sư Tử Du Hí Như Lai ấy so sánh thời cõi nước của Đức Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lai hơn gấp trăm vạn ngàn lần, gấp ức lần, gấp ức triệu lần cho đến tính đếm chẳng thể theo kịp. Cõi nước của Đức Phật ấy không có tên gọi của Thanh Văn, Duyên Giác, chỉ thuần các Bồ Tát đầy dẫy trong nước ấy” Hoa Đức Tạng Bồ Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Cõi nước của Đức Phật ấy có tên gọi là An Lạc ư ?”

Đức Phật nói: “Thiện Nam Tử ! Cõi nước của Đức Phật ấy có hiệu là Chúng Bảo Phổ Tập Trang Nghiêm.

Này Thiện Nam Tử ! Đắc Đại Thế Bồ Tát tuỳ theo thọ mệnh của Đức Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lai mà gần gũi cúng dường cho đến khi Ngài vào Niết Bàn. Sau khi Đức Phật đã Bát Niết Bàn, lại phụng trì Chính Pháp cho đến lúc tan mất hết. Khi Pháp đã diệt tận xong. Đắc Đại Thế Bồ Tát  liền ở nước ấy thành A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề, hiệu là Thiện Trụ Công Đức Bảo Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Như cõi nước của Đức Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lai: từ hào quang sáng rực, thọ mệnh, chúng Bồ Tát cho đến Pháp Trụ….đều ngang bằng không có khác. Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện nghe tên của Đức Thiện Trụ Công Đức Bảo Vương Như Lai đều được chẳng thoái lui nơi A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề.

Lại Thiện Nam Tử ! Nếu có người nữ được nghe tên của Đức Kim Quang Sư Tử Du Hí Như Lai đời quá khứ, tên của Đức Thiện Trụ Công Đức Bảo Vương Như Lai đều chuyển thân nữ, đẩy lui tội trong bốn mươi ức kiếp sinh tử, đều chẳng thoái chuyển nơi A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề, thường được thấy Phật, nghe nhận Chính Pháp, cúng dường chúng Tăng. Buông bỏ thân này xong, xuất gia thành Vô Ngại Biện, mau được Tổng Trì (Dhāraṇī)”.

Khi ấy sáu mươi ức Chúng trong Hội, đồng thanh khen ngợi rằng: “Nam mô Thập Phương Bát Niết Bàn Phật” đồng tâm c ùng luận bàn, phát A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề. Đức Phật liền Thọ Kí  sẽ thành A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề.

Lại có tám vạn bốn ngàn na do tha chúng sinh xa lìa bụi dơ, ở trong các Pháp được sự trong sạch của con mắt Pháp (Dharma-cakṣu: Pháp Nhãn), bảy ngàn vị Tỳ Khưu được Lậu Tận Ý Giải  .

Bấy giờ Quán Thế Âm với Đắc Đại Thế Bồ Tát liền dùng Thần Lực khiến cho Chúng Hội này đều nhìn thấy vô số chư Phật Thế Tôn ở mười phương đều vì họ trao truyền A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề K í ấy. Nhìn thấy xong, khen rằng: “Rất lạ kỳ! Bạch Đức Thế Tôn ! Các Như Lai đó vì Đại Sĩ này mà trao truyền (Vyākaraṇa) như vậy”.

Khi ấy Hoa Đức Tạng Bồ Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn !Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện đối với Kinh Điển thâm sâu của Đức Như Lai này, thọ trì, đọc tụng, giải nói, viết chép, rộng tuyên lưu bày…sẽ được bao nhiêu Phước ? Nguyện xin Đức Như Lai phân biệt giải nói. Tại sao thế ? Vì đời ác đương lai, chúng sinh mỏng Đức, đối với Kinh Điển của Đức Như Lai này chẳng thể tin nhận. Do nhân duyên đó mà đêm dài chịu khổ, khó được giải thoát”.

Thế Tôn ! Nguyện xin diễn nói. Hãy thương xót vì lợi ích cho các chúng sinh”.

Thế Tôn ! Nay trong Hội nài, phần lớn kẻ trai lành, người nữ thiện đều có Căn nhạy bén, ở đời đương lai sẽ làm ánh sáng lớn”.

_Đức Phật nói: “Hoa Đức Tạng ! Lành thay ! Hãy nghe cho kỹ ! Ta sẽ vì ông mà nói”.

Đáp rằng: “Con xin nhận lời răn dạy, vui nguyện muốn nghe” .

Đức Phật nói: “Nếu kẻ trai lành đem tất cả chúng sinh trong ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, đặt trên hai vai rồi suốt cả đời, tuỳ theo việc cần muốn: áo, thức ăn, giường nằm, cái giá để đồ vật, đệm, thuốc thang…đều đem cúng dường…thì Công Đức đã được, há có nhiều chăng?”

“Rất nhiều ! Bạch Đức Thế Tôn ! Nếu dùng Tâm Từ cúng một chúng sinh tuỳ theo điều mà kẻ ấy cần, còn có Công Đức vô lượng, huống chi là tất cả “.

Đức Phật nói: “Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện đối với Kinh Điển này, thọ trì, đọc tụng, giải nói, viết chép, mọi loại cúng dường, rộng tuyên lưu bày, phát Tâm Bồ Đề thời Công Đức đạt được, gấp trăm ngàn vạn lần chẳng thể đem ví dụ được” Hoa Đức Tạng Bồ Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Con từ ngày hôm nay, đối với Kinh Điển do Đức Như Lai đã nói với danh hiệu của ba Đức Phật quá khứ, đương lai, thường sẽ thọ trì, đọc tụng, giải nói, viết chép, rộng tuyên lưu bày, xa lìa Tâm tham, giận, si mê …phát A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề, trọn hết chẳng hư vọng.

Thế Tôn ! Khi con thành Phật. Nếu có người nữ nghe Pháp như vậy thì ngay trong đời chuyển được thân nữ. Chuyển thân nữ xong, sẽ vì kẻ ấy thọ kí được A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề, hiệu là Ly Cấu Đa Già A Già Độ A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà (Vimala-tathāgatāya  arhate  samyaksaṃbuddhāya: Ly Cấu Như Lai Ứng Cúng Chính Đẳng Chính Giác)

_ Nói Kinh đó xong thời Hoa Đức Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát với các Tỳ Khưu, Tỳ Khưu Ni, Bồ Tát, Thanh Văn, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Người, Phi Nhân…nghe điều Đức Phật đã nói, đều rất vui vẻ.

KINH QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT THỌ KÝ

_Hết_