KINH QUÁN DI-LẶC BỒ-TÁT THƯỢNG SINH ĐÂU-SUẤT THIÊN

Hán dịch: Đời Lưu Tống, Cư sĩ Thư Cừ Kinh Thanh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại khu vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xávệ. Bấy giờ là đầu đêm, toàn thân Đức Thế Tôn phóng ra hào quang màu vàng, tỏa chiếu chung quanh vườn Kỳ-đà Cấp cô độc đến bảy vòng, tỏa chiếu đến nhà trưởng giả Tu-đạt cũng sắc vàng. Hào quang màu vàng rực rỡ như những đám mây. Khắp nước Xá-vệ, nơi nào cũng mưa tuôn những hoa sen màu vàng và trong ánh sáng ấy, có vô lượng trăm ngàn các vị hóa Phật, cùng xướng lên:

–Nơi đây, hôm nay, có ngàn Bồ-tát, vị thành Phật đầu tiên tên là Câu-lưu-tôn và vị thành Phật cuối cùng tên là Lâu-chí.

Khi nghe lời này xong, Tôn giả A-nhã Kiều-trần-như liền xuất thiền, cùng với hai trăm năm mươi quyến thuộc; Tôn giả Ma-ha Cadiếp, cùng với hai trăm năm mươi quyến thuộc; Tôn giả Đại Mụckiền-liên, cùng với hai trăm năm mươi quyến thuộc; Tôn giả Xá-lợiphất, cùng với hai trăm năm mươi quyến thuộc; Ty-kheo-ni Ma-ha Baxà-ba-đề, cùng một ngàn Tỳ-kheo-ni quyến thuộc; trưởng giả Tu-đạt cùng ba ngàn Ưu-bà-tắc; Tỳ-xá-khư-mẫu cùng hai ngàn Ưu-bà-di. Lại có Đại Bồ-tát tên Bạt-đà-ba-la, cùng mười sáu Bồ-tát quyến thuộc; Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi, cùng năm trăm Bồ-tát quyến thuộc… đều tập hợp lại. Tất cả đại chúng trời, rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà… trông thấy hào quang tỏa sáng của Đức Phật cũng đều tập trung đến.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn xuất tướng lưỡi rộng dài, phóng ra ngàn hào quang sáng, mỗi một hào quang có ngàn màu, trong mỗi một màu có vô lượng hóa Phật. Các vị hóa Phật này, đều đồng thanh nói về các pháp Đà-la-ni sâu xa không thể nghĩ bàn của các Đại Bồ-tát thanh tịnh. Đó là những Đà-la-ni như: A-nan-đà mục-khư, Không tuệ, Vô ngại tánh, Đại giải thoát vô tướng…

Đức Thế Tôn lại dùng một âm thanh để nói trăm ức môn Đà-lani. Thế Tôn nói Đà-la-ni này rồi, trong chúng hội lúc này có một Bồtát tên Di-lặc, nghe lời Phật nói, liền đạt được trăm vạn ức môn Đà-lani. Bồ-tát rời chỗ ngồi, sửa lại y phục chỉnh tề, cung kính chắp tay, đứng trước Phật.

Khi ấy, Tôn giả Ưu-ba-ly, cũng rời chỗ ngồi, cúi đầu, đảnh lễ Phật, thưa:

–Bạch Thế Tôn! Thuở xưa ở trong Luật và các tạng Kinh đều dạy là A-dật-đa (tên chữ của Bồ-tát Di-lặc) tiếp đến sẽ làm Phật. Nhưng A-dật-đa hoàn toàn còn thân phàm phu, chưa đoạn các phiền não, người này khi chết, sẽ sinh về đâu? Hiện tại, tuy đã xuất gia, nhưng A-dật-đa không tu thiền định, không đoạn phiền não mà được Phật ghi nhận là người này chắc chắn thành Phật.

Vậy thì người này khi chết, sẽ sinh vào cõi nước nào?

Đức Phật bảo Tôn giả Ưu-ba-ly:

–Ông hãy lắng nghe thật kỹ và khéo suy xét, nhớ nghĩ những điều này: Hôm nay, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, ở trong đại chúng này sẽ giảng nói về sự thọ ký quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng cho Đại Bồ-tát Di-lặc. Từ nay cho đến mười hai năm, sau khi chết, người này chắc chắn sẽ được sinh nơi cõi trời Đâu-suất. Lúc đó, trên cõi trời Đâu-suất, có năm trăm vạn ức Thiên tử, mỗi một Thiên tử đều tu pháp Bố thí Ba-la-mật sâu xa, để cúng dường vị Bồtát còn một đời là sẽ làm Phật và dùng phước lực của trời tạo thành cung điện. Mỗi mỗi Thiên tử, đều mở mũ báu chiên-đàn ma-ni trên người, quỳ gối, chắp tay, phát nguyện: “Nay con đem mũ trời, là vật quý báu vô giá này, để cúng dường chúng sinh có tâm lớn. Người này, chẳng bao lâu trong vị lai sẽ thành Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Con ở nơi thế giới trang nghiêm của Đức Phật ấy, xin được Người thọ ký, làm cho mũ báu của con hóa thành những vật cúng dường.” Như thế, các Thiên tử đều quỳ gối và phát nguyện rộng lớn. Lúc các Thiên tử phát nguyện xong, các mu báu liền hóa thành năm trăm vạn ức cung báu. Mỗi một cung báu có bảy lớp tường. Mỗi một lớp tường đều do bảy báu tạo thành. Mỗi một loại báu, phát ra năm trăm ức ánh sáng. Trong mỗi một ánh sáng, có năm trăm ức hoa sen. Mỗi một hoa sen, hóa thành năm trăm ức hàng cây bảy báu. Mỗi một lá cây, có năm trăm ức màu châu báu. Mỗi một màu châu báu, có năm trăm ức ánh sáng vàng Diêm-phù-đàn. Trong mỗi một ánh sáng vàng Diêm-phù-đàn, hiện ra năm trăm ức Bảo nữ của các trời. Mỗi một Bảo nữ đứng dưới tàng cây, mang trăm ức châu báu và vô số chuỗi ngọc phát ra âm nhạc rất hay. Trong âm nhạc diễn nói về hạnh pháp luân của quả vị Không thoái chuyển. Cây ấy sinh ra quả có màu như pha lê. Tất cả các màu nhập vào trong màu pha lê. Các ánh sáng này lượn vòng bên phải, chuyển thành những thanh âm, diễn nói pháp đại Từ, đại Bi. Mỗi một vách tường, cao sáu mươi hai do-tuần, dày mười bốn do-tuần, có năm trăm ức Long vương vây quanh tường này. Mỗi một Long vương phun ra năm trăm ức hàng cây bảy báu, làm tăng thêm sự tráng lệ trên tường. Có gió tự nhiên thổi vào, làm xao động những hàng cây. Các cây chạm vào nhau, tạo thành lời, diễn nói các pháp Ba-la-mật, khổ, không, vô thường, vô ngã. Tại cung lúc này có một vị đại thần, tên Lao-độ-bạt-đề, rời tòa đứng dậy, kính lễ chư Phật khắp mười phương và phát nguyện: “Con dùng phước đức có được để tạo ra Thiện pháp đường, cúng dường cho Bồ-tát Di-lặc, được vậy trên trán của con tự nhiên sẽ có bảo châu.” Phát nguyện xong, trên trán của vị đại thần tự nhiên có năm trăm ức bảo châu, nào lưu ly, pha lê, đủ tất cả các màu sắc, như màu xanh sẫm, ánh đỏ trong suốt từ trong ra ngoài. Ánh sáng của ngọc ma-ni ấy, xoay vần trong hư không, hóa thành cung điện báu, cao bốn chín tầng, vô cùng đẹp đẽ. Chung quanh cung điện, có lan can, do vạn ức ngọc ngà châu báu của trời Phạm thiên hợp thành. Giữa các lan can ấy, hóa sinh chín ức Thiên tử, năm trăm ức Thiên nữ. Trong tay của mỗi Thiên tử, hóa sinh vô lượng ức vạn hoa sen bảy báu. Trên mỗi một hoa sen, có vô lượng ức ánh sáng và trong ánh sáng ấy, có đủ các loại nhạc khí. Nhạc trời này, không đánh mà tự vang lên. Khi tiếng nhạc trổi lên thì các Thiên nữ tự nhiên cầm những nhạc khí, đua nhau ca múa. Họ ca ngâm, diễn nói mười pháp thiện, bốn thệ nguyện lớn. Chư Thiên nghe được đều phát tâm với đạo Vô thượng.

Trong các cảnh vườn, có ao lưu ly tám màu, mỗi một ao được tạo thành do năm trăm ức châu báu. Trong mỗi ao, có nước tám công đức và đủ tám màu phun lên quanh các trụ. Phía ngoài bốn cửa, hóa sinh bốn hoa, nước từ trong hoa chảy ra thành dòng hoa báu, trên mỗi hoa có hai mươi bốn Thiên nữ, thân sắc tươi đẹp, trang nghiêm như thân tướng của các Bồ-tát. Trong tay Thiên nữ, hóa ra năm trăm ức bình báu, trong mỗi bình báu, tự nhiên có đầy chất cam-lồ. Vai trái, họ mang vô lượng chuỗi ngọc; vai phải, họ đeo vô lượng nhạc khí; từ nước hiện lên như mây, tụ giữa hư không, ca tụng, tán thán sáu pháp Ba-la-mật của Bồ-tát.

Người nào chết rồi được vãng sinh lên cõi trời Đâu-suất, tự nhiên sẽ được các Thiên nữ này hầu hạ. Có tòa sư tử lớn làm bằng bảy báu, cao bốn do-tuần, trang trí bằng vàng Diêm-phù-đàn và vô lượng châu báu. Ở đầu bốn góc tòa, sinh bốn hoa sen, mỗi một hoa sen, do trăm châu báu tạo thành, mỗi một châu báu, phát ra trăm ức ánh sáng. Ánh sáng rất đẹp ấy, hóa thành năm trăm ức những hoa báu xen nhau với các trướng báu.

Khi đó, khắp mười phương, có trăm ngàn khuôn mặt của vua Phạm thiên, mỗi một vị đều cầm một thứ báu của Phạm thiên, tạo thành các chuông rung báu treo trên trướng báu. Còn các tiểu Phạm vương, cầm các châu báu trời, dệt thành lưới rộng lớn, che lên trên trướng. Có trăm ngàn vô số Thiên tử, Thiên nữ mang hoa báu, rải trên tòa. Các hoa sen này, tự nhien hiện ra năm trăm ức bảo nữ, tay cầm phất trần trắng đứng hầu dưới trướng. Có bốn trụ báu, chống đỡ bốn góc cung điện, mỗi một trụ báu cao trăm ngàn tầng lầu, toàn dùng ngọc ma-ni trời Phạm thiên kết làm dây giăng. Trong các cung điện, có trăm ngàn Thiên nữ xinh đẹp không ai bằng, tay cầm nhạc khí trổi lên thanh âm, diễn nói các pháp Ba-la-mật, khổ, không, vô thường, vô ngã. Thiên cung này có trăm ức vạn vô lượng màu sắc báu và tất cả Thiên nữ cũng đều có sắc quý báu như vậy. Khi vô lượng chư Thiên ở khắp mười phương qua đời, đều nguyện sinh về cung trời Đâu-suất.

Cung trời Đâu-suất có năm vị đại thần linh:

Đại thần thứ nhất, tên Bảo Tràng, thân tuôn bảy báu, rải trong tường cung trời. Mỗi một châu báu, hóa thành vô lượng nhạc khí, treo giữa hư không và tự phát ra thanh âm. Có vô lượng thanh âm làm cho chúng sinh vui thích.

Đại thần thứ hai, tên Hoa Đức, than tuôn vô số hoa, phủ che cung tường và hóa thành lọng hoa, mỗi một lọng hoa, làm thành trăm ngàn cờ phướn để dẫn đường.

Đại thần thứ ba, tên Hương Âm, trong lỗ chân lông nơi thân tuôn ra mùi hương thơm diệu, như hương Chiên-đàn-hải-ngạn. Hương ấy như mây, tạo thành trăm màu quý báu, thơm quanh cung điện đến bảy vòng.

Đại thần thứ tư, tên Hỷ Lạc, tuôn ra ngọc như ý, mỗi một châu báu tự nhiên đính trên các cờ phướn, kêu reo vô lượng các pháp quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng và năm giới, các pháp Ba-la-mật, vô lượng pháp thiện, làm lợi ích và khuyên tu tâm hạnh Bồ-đề.

Đại thần thứ năm, tên Chánh Âm Thanh, các lỗ chân lông trên thân tuôn ra các dòng nước. Trên mỗi một dòng nước, có năm trăm ức hoa. Trên mỗi bông hoa, có hai mươi lăm ngọc nữ. Các lỗ chân lông trên thân những ngọc nữ đó lại phát ra đủ tất cả thanh âm vi diệu, hơn cả âm nhạc của hoàng hậu cung thiên ma.

Phật bảo Tôn giả Ưu-ba-ly:

–Đó là cảnh giới của trời Đâu-suất-đà, do phước báo tu mười điều thiện mới được mọi sự tốt đẹp cao tột như vậy. Nếu ta sống trong một tiểu kiếp, để giảng nói rộng về quả phước tu mười điều thiện và sự báo ứng của Bồ-tát còn một đời sẽ thành Phật, cũng không thể hết được. Nay ta chỉ giảng nói tóm tắt cho các ngươi mà thôi.

Phật bảo Tôn giả Ưu-ba-ly:

–Nếu có Tỳ-kheo và tất cả đại chúng nào, muốn sinh lên cõi trời ấy, thì đừng nhàm chán sinh tử, tâm yêu kính Chánh giác Vô thượng; muốn làm đệ tử Bồ-tát Di-lặc, thì hãy xét xem và nhớ nghĩ thế này:

Phải giữ trọn vẹn năm giới, tám giới Bát quan trai và giới Cụ túc, thân tâm tinh tấn sáng suốt, không cầu dứt phiền não, tu pháp mười điều thiện, luôn luôn suy nghĩ về sự an vui tốt đẹp bậc nhất ở coi trời Đâusuất. Xem xét như vậy gọi là xem xét chân chánh, nếu xem xét khác đi là xem xét không chân chánh.

Bấy giờ, Tôn giả Ưu-ba-ly, rời tòa, sửa y ca-sa, cung kính, đảnh lễ và bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Trên trời Đâu-suất mới có sự an vui và cực kỳ tốt đẹp như vậy. Nay Đại sĩ này, khi nào chết ở cõi Diêm-phù-đề và được sinh đến cõi trời kia?

Đức Phật bảo Tôn giả Ưu-ba-ly:

–Trước kia, Di-lặc sinh nơi nhà đại Ba-la-môn Ba-bà-lợi, thôn Kiếp-ba-lợi, nước Ba-la-nại. Đến ngày rằm tháng hai, mười hai năm sau, Bồ-tát sinh trở lại nơi này, với tư thế ngồi kiết già như nhập diệt định, thân màu vàng ròng, tỏa hào quang sáng rực như trăm ngàn mặt trời chiếu đến trời Đâu-suất-đà. Toàn thân xá-lợi của Bồ-tát, tĩnh lặng, không dao động, như pho tượng vàng. Trong hào quang tròn đầy ấy, có nghĩa của chữ Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm và Bát-nhã Ba-lamật rạng ngời.

Khi ấy, các chúng trời, người liền cho xây tháp bằng các thứ châu báu tốt đẹp để cúng dường xá-lợi, rồi Bồ-tát bỗng hóa sinh nơi cung trời Đâu-suất-đà, trong điện Ma-ni, có đài bảy báu, ngồi kiết già trên hoa sen nơi tòa sư tử. Thân cao mười sáu do-tuần, như sắc vàng Diêm-phù-đàn, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Nhục kế nơi búi tóc trên đảnh có màu lưu ly xanh biếc. Trên mũ trời của Bồ-tát được trang trí bằng ngọc Thích-ca-tỳ-lăng-già và trăm ngàn vạn ức báu Chân-thúc-ca. Mũ trời đó có trăm vạn ức màu, trong mỗi một màu nơi mũ, có vô lượng trăm ngàn Phật hóa hiện, có các Bồ-tát hóa hiện làm người hầu. Lại có các Đại Bồ-tát ở phương khác, làm mười tám cách biến đổi, tùy ý tự tại ở trong mũ trời. Giữa chân mày của Bồ-tát Di-lặc, ánh sáng của tướng bạch hào phát ra các hào quang tạo thành trăm màu châu báu và ba mươi hai tướng tốt. Trong mỗi một tướng, có năm trăm ức màu quý báu; trong mỗi một tướng tốt, cũng có năm trăm ức màu quý báu. Mỗi một tướng tốt vi diệu đó, phát ra tám vạn bốn ngàn mây ánh sáng. Các Thiên tử đều ngồi trên tòa hoa, ngày đêm sáu thời, thường nói về sự thực hành xe pháp ở địa Không thoái chuyển. Trải qua một thời gian, Bồ-tát giáo hóa thành tựu năm trăm ức Thiên tử, làm cho họ đạt được Không thoái chuyển nơi đạo Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng.

Như thế, Bồ-tát ở cung trời Đâu-suất-đà, ngày đêm thường giảng nói pháp Không thoái chuyển này để hóa độ các Thiên tử, theo như ở cõi Diêm-phù-đề là năm mươi sáu ức vạn năm. Lúc ấy, Bồ-tát mới hạ sinh nơi cõi Diêm-phù-đề, như kinh Di-lặc Hạ Sinh đã ghi.

Đức Phật bảo Tôn giả Ưu-ba-ly:

–Đây là sự việc của Bồ-tát Di-lặc ở cõi Diêm-phù-đề, chết rồi sinh lên cung trời Đâu-suất. Sau khi ta diệt độ, các đệ tử của ta, có người sáng suốt tiến tới tu hành các công đức, oai nghi đầy đủ, quét dọn tháp, làm sạch mặt đất, đem các hoa thơm tươi đẹp nhất để cúng dường; thực hành thiền định sâu xa, thọ trì, đọc tụng kinh điển. Những người đó nên chí tâm, cho dù chưa đoạn tận phiền não, hay chưa đắc sáu thông. Hãy luôn nhớ nghĩ đến hình tượng Phật và danh hiệu đức Di-lặc. Người như vậy, dù chỉ trong khoảng một niệm, thọ trì tám trai giới, tu các tịnh nghiệp, phát thệ nguyện rộng lớn; sau khi qua đời, chỉ trong khoảnh khắc, liền được vãng sinh lên cõi trời Đâu-suất, được ngồi kiết già trên hoa sen; có trăm ngàn Thiên tử khéo léo trổi các nhạc trời, dùng hoa trời như Mạn-đà-la, Ma-ha Mạn-đà-la, rải lên trên những người ấy. Các Thiên tử ngợi khen: “Lành thay! Lành thay! Thiện nam! Người ở cõi Diêm-phù-đề tu nhiều phước nghiệp, được sinh đến đây. Cõi này, gọi là trời Đâu-suất-đà. Chủ cõi trời này là Đức Di-lặc. Các vị hãy quy y Bồ-tát Di-lặc.”

Khi nghe xong, những người đó liền đảnh lễ Bồ-tát, rồi nhìn kỹ vào tướng hào quang sáng giữa chân mày của Bồ-tát, tức thì họ được thoát khỏi tội sinh tử trong chín mươi ức kiếp. Lúc ấy, Bồ-tát tùy theo duyên đời trước của người ấy, giảng nói pháp vi diệu, làm cho họ có được tâm vững chắc và không thoái chuyển nơi đạo Vô thượng. Những chúng sinh nào, nếu tu các nghiệp thanh tịnh, thực hành sáu pháp hòa kính, kiên định không nghi ngờ, sẽ được sinh lên cõi trời Đâu-suất, gặp Bồ-tát Di-lặc và theo Bồ-tát xuống lại cõi Diêm-phù-đề, được nghe pháp đệ nhất, vào đời vị lai, được gặp tất cả chư Phật đời Hiền kiếp. Đến kiếp Tinh tu, cũng được gặp chư Phật Thế Tôn, được các Đức Phật thọ ký đạo quả giác ngộ.

Đức Phật bảo Tôn giả Ưu-ba-ly:

–Sau khi ta diệt độ, các hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, trời, rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Khẩn-na-la, Mahầu-la-già… Các đại chúng này, nếu ai được nghe danh hiệu của Đại Bồ-tát Di-lặc, tâm hoan hỷ cung kính, lễ bái, thì những người này, sau khi chết, chỉ trong khoảnh khắc, liền được vãng sinh, như đã nêu trên. Chỉ được nghe danh hiệu của Bồ-tát Di-lặc, mà sau khi chết, cũng được khỏi bị đọa vào chỗ tối tăm, chỗ xa xôi hẻo lánh, tà kiến, các luật nghi xấu ác, thường được sinh chánh kiến, có quyến thuộc giàu sang, không hủy bang Tam bảo.

Đức Phật bảo Tôn giả Ưu-ba-ly:

–Nếu người nam, người nữ nào, phạm các giới cấm và tạo nhiều nghiệp ác, mà được nghe danh tự đại Bi của Bồ-tát, cung kính, chí thành đảnh lễ, sám hối, thì các nghiệp ác đó được trong sạch ngay. Đời vị lai, có những chúng sinh nghe được danh hiệu đại Bi của Bồ-tát này, tạo lập hình tượng, cúng dường hương hoa, y phục, lọng lụa, cờ phướn, lễ bái và niệm danh hiệu, khi sắp chết, người này sẽ được Bồtát Di-lặc phóng ra hào quang trắng từ giữa chân mày, cùng các Thiên tử mưa hoa Mạn-đà-la và đến nghênh đón. Phút chốc, người ấy liền được vãng sinh, được gặp Bồ-tát Di-lặc và cung kính đảnh lễ, chưa kịp ngẩng đầu len, đã được nghe pháp nhiệm mầu, được không thoái chuyển nơi đạo Vô thượng. Đời vị lai, cũng sẽ được gặp hằng hà sa số chư Phật Như Lai.

Này Tôn giả Ưu-ba-ly! Ông hãy lắng nghe, đời vị lai, Bồ-tát Dilặc đại Từ sẽ là chỗ cho vô lượng chúng sinh quay về nương tựa. Người quy y với Bồ-tát Di-lặc, nên biết đó là người không thoái chuyển nơi đạo Vô thượng. Khi Bồ-tát Di-lặc thành tựu đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, thì những người này gặp được hào quang Phật và liền được thọ ký.

Đức Phật bảo Tôn giả Ưu-ba-ly:

–Sau khi ta diệt độ, trong chúng đệ tử, các hàng trời, rồng, quỷ, thần, ai muốn sinh lên cõi trời Đâu-suất thì nên xem xét kỹ, suy nghĩ, nhớ tưởng về cõi trời ấy và giữ gìn giới cấm của Phật, từ một đến bảy ngày, luôn nhớ nghĩ đến việc thực hành mười điều thiện là con đường dẫn tới chỗ tốt đẹp, dùng công đức này hồi hướng, nguyện sinh ở trước Phật Di-lặc. Phải xem xét, nhớ nghĩ như vậy. Người xem xét nhớ nghĩ, nếu thấy một vị thiên nhân ngồi trên một hoa sen, hoặc trong một khoảnh khắc, nhớ đến danh hiệu của Bồ-tát Di-lặc, người này sẽ được tiêu trừ tội sinh tử trong một ngàn hai trăm kiếp. Nếu nghe danh hiệu của Bồ-tát Di-lặc mà chắp tay cung kính, người ấy trừ được tội sinh tử trong năm mươi kiếp. Người kính lễ Bồ-tát Di-lặc, sẽ trừ được tội sinh tử trong trăm ức kiếp. Nếu như không được sinh lên cõi trời Đâu-suất, thì đời vị lai, trong hội Long hoa, nơi cội Bồ-đề, người ấy cũng được gặp Phật, phát sinh tâm vô thượng.
Khi Đức Phật giảng nói những lời này, vô lượng đại chúng đều từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật và Bồ-tát Di-lặc, rồi nhiễu quanh Phật cùng Bồ-tát Di-lặc trăm ngàn vòng. Những người chưa đắc đạo, đều phát lời nguyện:

–Chúng con ở cõi trời, người và tám bộ chúng, hôm nay, ở trước Phật, thành tâm phát nguyện: “Đời vị lai sẽ gặp Phật Di-lặc, khi xả bỏ thân này, đều sẽ được sinh lên cõi trời Đâu-suất.” Đức Thế Tôn ghi nhận và dạy:

–Đời sau các người tu phước, giữ giới đều sẽ sinh vào cõi của Bồ-tát Di-lặc và được Bồ-tát Di-lặc thu nhận.

Đức Phật bảo Tôn giả Ưu-ba-ly:

–Người nhớ nghĩ và xem xét như vậy gọi là chánh quán, nếu khác đi gọi là tà quán.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan, rời chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối, chắp tay, bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Lành thay! Thế Tôn đã giảng nói về công đức của Bồ-tát Di-lặc và thọ ký cho những ai, đời sau tu phước lành sẽ được quả báo. Con rất vui mừng xin nghe theo. Xin Thế Tôn cho biết, pháp này nên thọ trì như thế nào và kinh này tên là gì?

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Ông nhớ lời ta dạy, cẩn thận đừng quên mất, để đời sau khai mở con đường sinh lên cõi trời và chỉ bày tướng giác ngộ, chớ để đoạn mất hạt giống Phật. Kinh này nên gọi là Bồ-tát Di-lặc Nhập Niết-bàn, cũng gọi là Quán Di-lặc Bồ-tát Thượng Sinh Đâu-suất-đà Thiên. Khuyên người phát tâm Bồ-đề, nên thọ trì như vậy.

Khi Đức Phật giảng dạy những lời này, có mười vạn Bồ-tát ở phương khác đến đại hội, đạt được Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm, có tám vạn ức các trời phát tâm Bồ-đề và đều nguyện theo Phật Di-lặc hạ sinh.

Phật giảng nói kinh này xong, bốn chúng đệ tử, tám bộ chúng như trời, rồng… nghe lời Phật dạy, tất cả đều vui mừng, đảnh lễ Phật, lui ra.