PHẬT NÓI KINH
QUÁN DI LẶC BỒ TÁT, SINH LÊN TRỜI ĐÂU SUẤT
Hán dịch: Đời Tống_ Cư Sĩ THƯ CỪ KINH THANH
Việt dịch: HUYỀN THANH

 

Như vậy tôi nghe. Một thời Đức Phật ngự ở vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc (Jeṭavaṇe’nāthapiṇḍadasyārāma) tại nước Xá Vệ (Śrāvastya).

Bấy giờ Đức Thế Tôn vào lúc đầu đêm, cử động thân phóng ánh sáng, ánh sáng ấy màu vàng ròng nhiễu quanh vườn Kỳ Đà (Jeṭārāma) giáp khắp bảy vòng, chiếu soi nhà của Tu Đạt (Sudatta) cũng màu vàng ròng. Có ánh sáng màu vàng ròng giống như đoạn mây, khắp nước Xá Vệ mỗi mỗi nơi chốn đều tuôn mưa hoa sen màu vàng ròng. Trong ánh sáng đó có vô lượng trăm ngàn các vị Đại Hóa Phật (Mahā-nirmāṇabuddha) đều xướng lên lời này: “Nay ở trong cõi này có một ngàn vị Bồ Tát, vị đầu tiên thành Phật tên là Câu Lưu Tôn (Krakucchanda), vị cuối cùng thành Phật tên là Lâu Chí (Rudita, hay Rucika)”.

Nói lời này xong. Tôn Giả A Nhã Kiều Trần Như (Ājñāta-kauṇḍimya) liền từ Thiền (Dhyāna) đứng dậy, cùng với quyến thuộc của mình gồm hai trăm năm mươi người đều đến dự.

Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp (Mahā-kāśyapa) cùng với quyến thuộc của mình gồm hai trăm năm mươi người đều đến dự.

Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên (Mahā-Maudgalyāyana) cùng với quyến thuộc của mình gồm hai trăm năm mươi người đều đến dự.

Tôn Giả Xá Lợi Phất (Śāriputra) cùng với quyến thuộc của mình gồm hai trăm năm mươi người đều đến dự.

Tỳ Khưu Ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Mahā-prajāpati) cùng với quyến thuộc của mình gồm một ngàn vị Tỳ Khưu Ni (Bhikṣuṇī) đều đến dự.

Trưởng Giả Tu Đạt (Sudatta) cùng với ba ngàn vị Ưu Bà Tắc (Upāsaka:Cận Sự Nam) đều đến dự.

Tỳ Xá Khư (Viśākha) cùng với hai ngàn vị Ưu Bà Di (Upāsikā: Cận Sự Nữ) đều đến dự.

_ Lại có vị Bồ Tát Ma Ha Tát (Bodhisatva-mahāsatva) tên là Bạt Đà La Bà La (Bhadra-pāla: Hiền Hộ) cùng với quyến thuộc của mình gồm mười sáu vị Bồ Tát (Bodhisatva) đều đến dự.

Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử (Maṃjuśrī-dharma-rājaputra) cùng với quyến thuộc của mình gồm năm trăm vị Bồ Tát (Bodhisatva) đều đến dự.

Hàng Trời (Deva), Rồng (Nāga), Càn Thát Bà (Gandharva), tất cả Đại Chúng (Mahā-saṃgha) nhìn thấy ánh sáng của Đức Phật, thảy đều vân tập.

_ Khi ấy Đức Thế Tôn hiện ra tướng lưỡi rộng dài, phóng ngàn ánh sáng, mỗi một ánh sáng đều có ngàn màu sắc, trong mỗi một màu sắc đều có vô lượng vị Hóa Phật (Nirmāṇa-buddha). Các vị Hóa Phật này khác miệng đồng âm đều nói các Pháp Đà La Ni (Dhāraṇī) thâm sâu chẳng thể nghĩ bàn của các vị Đại Bồ Tát thanh tịnh là: A Nan Đà Mục Khư Đà La Ni (Ananta-mukha-dhāraṇī) Không Tuệ Đà La Ni (Śūnya-prajñā-dhāraṇī), Vô Ngại Tính Đà La Ni (Apratihata-prakṛti-dhāraṇī), Đại Giải Thoát Vô Tướng Đà La Ni (Mahā-vimokṣānimitta-dhāraṇī)

Lúc đó Đức Thế Tôn dùng một âm thanh, nói trăm ức Đà La Ni Môn (Dhāraṇīmukha). Nói Đà La Ni này xong, khi ấy trong Hội có một vị Bồ Tát tên là Di Lặc (Maitreya) nghe điều Đức Phật đã nói, ứng thời liền được trăm vạn ức Đà La Ni Môn, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chéo bàn tay chắp lại, đứng trước mặt Đức Phật.

Bấy giờ Ưu Ba Ly (Upāli) cũng từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu mặt làm lễ, rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Xưa kia Đức Thế Tôn ở trong Tỳ Ni (Vinaya:Luật Tạng) với các Kinh Tạng, nói A Dật Đa (Ajita) tiếp theo sẽ làm Phật. Vị A Dật Đa này đầy đủ thân Phàm Phu chưa chặt đứt các Lậu (Āsrava). Người này chết đi, sẽ sinh vào chốn nào ? Nay tuy người ấy đã xuất gia, nhưng chẳng tu Thiền Định (Dhyānasamādhi) chẳng chặt đứt phiền não (Kleśa). Đức Phật thọ ký (Vyakaraṇa) cho người này thành Phật, không có nghi ngờ. Người này chết đi thì sinh về cõi nước nào ?”

Đức Phật bảo Ưu Ba Ly: “Hãy nghe cho kỹ ! Hãy nghe cho kỹ ! Hãy khéo nghĩ nhớ! Nay Như Lai Ứng Chính Biến Tri (Tathāgatāya-arhate-samyaksaṃbuddhāya) ở Chúng  (Saṃgha) này, nói Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề Ký. Người này từ hôm nay, sau mười hai năm sẽ chết, ắt được vãng sinh lên Trời Đâu Suất Đà (Tuṣita). Khi ấy trên Trời Đâu Suất Đà có năm trăm vạn ức Thiên Tử (Deva-putra), mỗi một vị Thiên Tử đều tu Đàn Ba La Mật (Dānapāramitā:Bố Thí Ba La Mật) thâm sâu. Vì cúng dường Nhất Sinh Bổ Xứ Bồ Tát (Eka-jāti-pratibaddha) cho nên dùng sức Phước của Trời tạo làm cung điện (Pūra), mỗi mỗi vị đều cởi mão báu Chiên Đàn Ma Ni trên thân, quỳ thẳng lưng, chắp tay, phát lời Nguyện này: “Nay tôi cầm viên ngọc báu vô giá này cùng với mão trời để cúng dường bậc Đại Tâm Chúng Sinh (Mahā-satva: Đại Bồ Tát). Người này đời sau, chẳng bao lâu sẽ thành A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarāsamyaksaṃbuddhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác). Tôi ở cõi nước trang nghiêm của Đức Phật ấy được Thọ Ký, khiến cho mão báu của tôi hóa thành vật cúng”.

Các nhóm Thiên Tử như vậy mỗi mỗi đều quỳ thẳng lưng, phát Hoằng Thệ Nguyện cũng lại như vậy.

Khi các vị Thiên Tử tác Nguyện này xong thì các mão báu hóa làm năm trăm vạn ứng cung điện báu, mỗi một cung điện báu có bảy lớp tường, mỗi một bức tường do bảy báu tạo thành, mỗi một báu tuôn ra trăm ức ánh sáng, trong mỗi một ánh sáng có năm trăm ức hoa sen, mỗi một hoa sen hóa làm năm trăm ức hàng cây bảy báu, mỗi một lá cây có năm trăm ức màu sắc báu, mỗi một màu sắc báu có năm trăm ức ánh sáng vàng Diêm Phù Đàn (Jambūnada-suvarṇa), trong mỗi một ánh sáng vàng Diêm Phù Đàn tuôn ra năm trăm ức người nữ báu của chư Thiên, một một người nữ báu đứng trụ bên dưới cái cây, cầm trăm ức báu, vô số chuỗi Anh Lạc, phát ra âm nhạc màu nhiệm.

Thời trong tiếng nhạc (nhạc âm) diễn nói Hạnh Bất Thoái Chuyển Địa Pháp Luân (Avaivartika-bhūmi-dharma-cakra). Cây ấy sinh quả như màu Pha Lê (Sphaṭika), tất cả mọi màu sắc nhập vào trong màu Pha Lê. Các ánh sáng này xoay theo bên phải, uyển chuyển tuôn ra mọi âm (Ghoṣa), mọi Âm diễn nói Pháp Đại Từ (Mahā-maitra) Đại Bi (Mahā-kāruṇa).

Mỗi một bức tường cao sáu mươi Do Tuần (Yojana), dày mười bốn Do Tuần  có năm trăm ức vị Long Vương (Nāga-rāja) vây quanh bức tường này, Mỗi một vị Long Vương tuôn mưa trăm trăm ức hàng cây báu, trang nghiêm trên bức tường, tự nhiên có gió thổi  lay động cây này thì cây cùng rung chạm nhau, diễn nói Khổ (Duḥkha), Không (Śūnya), Vô Thường (Anityatā), Vô Ngã (Anātman), các Ba La Mật (Pāramitā).

_ Bấy giờ Cung Điện này có một vị Đại Thần tên là Lao Độ Bạt Đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lễ khắp mười phương Phật, phát Hoằng Thệ Nguyện: “Nếu Phước Đức của tôi tương ứng vì Bồ Tát Di Lặc làm Thiện Pháp Đường thì khiến trên trán của tôi tự nhiên hiện ra viên ngọc”.

Đã phát Nguyện xong thì trên trán tự nhiên hiện ra năm trăm ức viên ngọc báu mà Lưu Ly (Vaiḍurya), Pha Lê (Sphaṭika), tất cả mọi màu sắc không có gì chẳng đầy đủ, như ngọc Ma Ni (Maṇi) màu đỏ tím trong ngoài  trong suốt.

Ánh sáng của ngọc ma Ni này xoay vần trong hư không, hóa làm bốn mươi chín lớp cung điện báu vi diệu, mỗi một lan can do vạn ức báu Tịnh Châu (Brahma- maṇi: Phạm Ma Ni) cùng nhau hợp thành. Giữa các lan can tự nhiên hóa sinh chín ức Thiên Tử (Devaputra), năm trăm ức Thiên Nữ (Devakanyā, hay Devī). Trong bàn tay của mỗi một vị Thiên Tử, hóa sinh vô lượng ức vạn hoa sen bảy báu, trên mỗi một hoa sen có vô lượng ức ánh sáng, trong ánh sáng ấy có đủ các nhạc khí, nhạc Trời như vậy chẳng đánh tự kêu. Khi tiếng này phát ra thời các Thiên Nữ tự nhiên cầm mọi nhạc khí ganh đua khởi ca múa, âm đã ca vịnh diễn nói mười Thiện, bốn Hoẳng Thệ Nguyện, chư Thiên nghe thấy đều phát Tâm Vô Thượng Đạo (Agra-mārga-citta) .

Thời trong các vườn có con kênh Lưu Ly tám màu, mỗi một con kênh có năm trăm ức viên ngọc báu hợp thành, trong mỗi một con kênh có nước tám mùi vị, đầy đủ tám màu, nước ấy phun lên giữa cây xà, cây cột .

Ở bốn cửa, bên ngoài hóa sinh bốn bông hoa, nước tuôn ra trong hoa như giòng hoa báu. Trên mỗi một hoa có hai mươi bốn vị Thiên Nữ, thân sắc vi diệu như thân tướng trang nghiêm của các Bồ Tát, trong bàn tay tự nhiên hóa trăm ức vật khí báu. Trong mỗi một vật khí, tự nhiên tràn đầy các Cam Lộ (Amṛta) của cõi Trời, vai trái đeo mang vô lượng chuỗi Anh Lạc, vai phải lại mang vô lương nhạc khí, như mây trụ hư không, từ nước hiện ra, khen ngợi sáu Ba La Mật (Ṣaḍ-pāramitā) của Bồ Tát.

Nếu có vãng sinh lên Trời Đâu Suất thì tự nhiên được Thiên Nữ này hầu hạ, cũng có tòa Đại Sư Tử bảy báu, cao bốn Do Tuần được trang nghiêm bằng vàng Diêm Phù Đàn, vô lượng mọi báu. Đầu bốn góc của Tòa sinh bốn hoa sen, mỗi một hoa sen do trăm báu tạo thành, mỗi một báu tuôn ra trăm ức ánh sáng, ánh sáng ấy vi diệu hóa làm năm trăm ức  mọi báu, hoa tạp trang nghiêm màn trướng báu.

Thời mười phương diện có trăm ngàn vị Phạm Thiên (Brahma-deva), mỗi mỗi đều cầm báu màu nhiệm của cõi Phạm Thiên, dùng làm cái chuông báu treo trên màn trướng báu. Thời vị Tiểu Phạm Vương cầm mọi báu của cõi TRời dùng làm lưới võng che trùm trên màn trướng. Khi ấy trăm ngàn vô số Thiên Tử, Thiên Nữ quyến thuộc đều cầm hoa báu rải bày trên Tóa. Các hoa sen này tự nhiên đều tuôn ra trăm ức người nữ báu (Ratna-kanyā), tay cầm cây phất trắng đứng hầu bên trong màn trướng.

Bốn góc chống giữ cung điện có bốn cây cột báu, mỗi một cây cột có trăm ngàn lầu gác, dùng ngọc Phạm Ma Ni (Tịnh châu) để quấn giăng. Thời các khoảng giữa có trăm ngàn Thiên Nữ tuyệt đẹp không có ai sánh được, tay cầm nhạc khí, trong nhạc âm ấy diễn nói Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, các Ba La Mật.

Cung Trời như vậy có trăm vạn ức vô lượng màu sắc báu, mỗi mỗi các Thiên Nữ cũng đồng với màu sắc báu.

Lúc đó vô lượng chư Thiên ở mười phương, mạng chung đều nguyện sinh về cung Trời Đâu Suất.

_ Thời cung Trời Đâu Suất có năm vị Đại Thần:

Vị Đại Thần thứ nhất tên là Bảo Tràng (Ratna-dhvaja) thân tuôn mưa bảy báu rải tán bên trong tường vách cung điện, mỗi một viên ngọc báu hóa thành vô lượng nhạc khí treo ở trong hư không, chẳng đánh tự kêu, có vô lượng âm mà ý của chúng sinh ưa thích .

Vị Đại Thần thứ hai tên là Hoa Đức (Puṣpa-guṇa), thân tuôn mưa mọi hoa dời che tường vách cung điện hóa thành cái lọng hoa, mỗi một cái lọng hoa có trăm ngàn phan phướng dùng đễ dẫn đường.

Vị Đại Thần thứ ba tên là Hương Âm (Gandha-ghoṣa), trong lỗ chân lông trên thân tuôn mưa, hiện ra hương Chiên Đàn (Candana) bên bờ này của biển vi diệu, hương ấy như mây làm màu sắc trăm báu, nhiễu quanh cung điện bảy vòng.

Vị Đại Thần thứ tư tên là Hỷ Lạc (Sumanas-sukha) tuôn mưa ngọc Như Ý, mỗi một viên ngọc báu tự nhiên trụ ngay trên phướng phan, hiển nói vô lượng quy Phật, quy Pháp, quy Tỳ Khưu Tăng, với nói năm Giới (Pañca-śīlāni), vô lượng Pháp lành (Thiện Pháp: Kuśala-dharma), các Ba La Mật…nhiêu ích khuyên trợ ý Bồ Đề.

Vị Đại Thần thứ năm tên là Chính Âm Thanh (Samyag-ghoṣa-śabda), trong các lỗ chân lông tuôn ra mọi giòng nước, trên mỗi một giòng nước có năm trăm ức bông hoa, trên mỗi một hoa có hai mươi lăm vị Ngọc Nữ, Các lỗ chân lông trên thân của mỗi một Ngọc Nữ phát ra tất cả âm thanh vượt hơn tất cả âm nhạc của Thiên Ma Hậu (vợ của Thiên Ma)”.

Đức Phật bảo Ưu Ba Ly: “Đây gọi là quả báo mười Thiện của Trời Đâu Suất Đà ứng với chốn Phước thắng diệu. Nếu Ta trụ ở đời, trong một Tiểu Kiếp (Antarakalpa) rộng nói sự báo ứng với quả mười Thiện của Nhất Sinh Bổ Xứ Bồ Tát cũng chẳng thể nói cùng tận được. Nay vì các ngươi lược giải nói”.

_ Đức Phật bảo Ưu Ba Ly: “Nếu có Tỳ Khưu với tất cả Đại Chúng, chẳng chán ghét sinh tử, ưa thích sinh lên cõi Trời, yêu kính Tâm Bồ Đề vô thượng (Agra-bodhicitta), muốn làm Đệ Tử của Di Lặc thì nên tác Quán này.

Người tác Quán này, nên trì năm Giới, tám Trai, Cụ Túc Giới…Thân Tâm tinh tiến, chẳng cầu chặt đứt Kiết Sử (Bandhana, hoặc Saṃyojana), tu Pháp mười Thiện, mỗi mỗi suy nghĩ việc khoái lạc thượng diệu trên cõi Trời Đâu Suất Đà.

Tác Quán này thì gọi là Chính Quán, nếu tác Quán khác thì gọi là Tà Quán” .

_ Bấy giờ Ưu Ba Ly liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh sửa quần áo, cúi đầu mặt làm lễ, rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Trên Trời Đâu Suất Đà đã có việc rất diệu lạc như vậy. Nay vị Đại Sĩ này túc nào thời ẩn mất ở cõi Diêm Phù Đề (Jambu-dvīpa) rồi sinh ở cõi Trời ấy ?”

Đức Phật bảo Ưu Ba Ly: “Trước kia Di Lặc sinh trong nhà Đại Bà La Môn Ba Bà Lợi (Pravarī) tại thôn Kiếp Ba Lợi (Kalpali) ở nước Ba La Nại (Vārāṇasī). Mười hai năm sau vào ngày 15 tháng hai thì quay trở vể nơi sinh của mình (bản sinh xứ), ngồi Kiết Già như nhập vào Diệt Định (Nirodha-samāpatti: Diệt Tận Định). Thân có ánh sáng mảu vàng tía rực lửa sáng chói như một ngàn mặt trời, bên trên đến Trời Đâu Suất Đà. Xá Lợi (Śarīra) của Thân ấy như đúc tượng vàng ròng chẳng động chẳng lay, trong hào quang tròn của thân có chữ nghĩa của Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội (Śūraṃgama-samādhi), Bát Nhã Ba La Mật (Pāramitā) sáng ngời. Thời các  người Trời tìm đến, liền dựng lên cái Tháp bằng mọi loại báu để cúng dường Xá Lợi.

Lúc đó, tại cõi Trời Đâu Suất Đà, (Bồ Tát) đột nhiên hóa sinh ngồi Kiết Già ở sàng tọa Sư Tử, trên điện Ma Ni, bên trong cái đài bảy báu. Thân như màu vàng Diêm Phù Đàn, dài sáu mươi Do Tuần, thảy đều đầy đủ ba mươi hai tướng, tám mươi chủng tử. Nhục Kế trên đỉnh đầu phát ra màu Lưu Ly xanh biếc, mão báu được trang nghiêm bằng Thích Ca Tỳ Lăng Già Ma Ni (Śakrābhi lagna-maṇi-ratna), trăm ngàn vạn ức báu Chân Thúc Ca (Kiṃśuka:đá báu màu đỏ). Mão báu của cõi Trời ấy có trăm vạn ức màu sắc, trong mỗi một màu sắc có vô lượng trăm ngàn vị Hóa Phật (Nirmāṇabuddha), các vị Hóa Bồ Tát (Nirmāṇa-bodhisatva) dùng làm Thị Giả (Ante-vāsin).

Lại có các vị Đại Bồ Tát ở phương khác, tác thập bát biến (18 loại thần biến), tùy ý tự tại trụ trong mão Trời.

Tam Tinh của Di Lặc có ánh sáng của tướng Bạch Hào (Ūrṇā: sợi lông màu trắng xoay vòng theo bên phải) tuôn ra mọi ánh sáng làm màu sắc của trăm loại báu. Ba mươi hai tướng, trong mỗi nột tướng có năm trăm ức màu sắc báu, mỗi một vẻ đẹp (hảo) cũng có năm trăm ức màu sắc báu. Ánh lửa của mỗi một vẻ đẹp tuôn ra tám vạn bốn ngàn đám mây ánh sáng cùng với các vị Thiên Tử đều ngồi trên Tòa hoa, ngày đêm sáu thời thường nói Hạnh Bất Thoái Chuyển Địa Pháp Luân. Trải qua một thời, thành tựu năm trăm ức Thiên Tử khiến chẳng thoái chuyển nơi A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề.

Như vậy (Bồ Tát) ở cõi Trời Đâu Suất Đà, ngày đêm luôn nói Pháp này, hóa độ các vị Thiên Tử. Khi số tuổi ở cõi Diêm Phù Đề là năm mươi sáu ức vạn tuổi, thì Ngài mới sinh xuống cõi Diêm Phù Đề, như Kinh Di Lặc Hạ Sinh nói”.

_ Đức Phật bảo Ưu Ba Ly: “Đây gọi là Nhân duyên của Di Lặc Bồ Tát ẩn mất ở cõi Diêm Phù Đề, sinh lên Trời Đâu Suất Đà.

Sau khi Phật diệt độ, các Đệ Tử của Ta, nếu có tinh cần, tu các Công Đức, uy nghi chẳng thiếu, quét tháp xoa tô mặt đất. Đem mọi thứ hương nổi tiếng, hoa màu nhiệm, cúng dường, thực hành mọi Tam Muội (Samādhi), thâm nhập Chính Thọ (Samāpatti), đọc tụng Kinh Điển. Người của nhóm như vậy cần phải chí Tâm, tuy chẳng chặt đứt Kiết Sử, như được sáu Thông, cần phải cột buộc niệm, nhớ hình tượng của Phật, xưng tên của Di Lặc.

Nhóm như vậy, nếu khoảng một niệm, thọ nhận tám Giới Trai, tu các nghiệp trong sạch (tịnh nghiệp: Śuddha-karma), phát Hoằng Thệ Nguyện. Sau khi mệnh chung, ví như khoảng co duỗi cánh tay của vị tráng sĩ, liền được sinh về cõi Trời Đâu Xuất Đà, ngồi Kiết Già ở trên hoa sen. Trăm ngàn vị Thiên Tử tấu kỹ nhạc của cõi Trời, cầm hoa Mạn Đà La (Māndāra, Māndārava, Mandāraka), hoa Ma Ha Mạn Đà La (Mahā-māndāra) của cõi Trời, rải tán trên người ấy rồi khen rằng: “Lành thay! Lành thay Thiện Nam Tử! Ngươi ở cõi Diêm Phù Đề rộng tu nghiệp Phước, đến sinh tại chỗ này. Nơi này tên là Trời Đâu Suất Đà, nay vị Thiên Chủ này tên là Di Lặc, ngươi nên quy y”.

Ứng với tiếng liễn lễ. Lễ xong, quán kỹ lưỡng ánh sáng của tướng Bạch Hào ở tam tinh, liền được vượt qua hẳn tội của chín mươi ức kiếp sinh tử. Lúc đó Bồ Tát tùy theo duyên đời trước của người ấy để nói Pháp, khiến cho người ấy bền chắc chẳng thoái chuyển nơi Tâm Vô Thượng Đạo.

Chúng sinh của nhóm như vậy, nếu trong sạch các Nghiệp, thực hành Pháp của sáu việc thì quyết định không có nghi ngờ, sẽ được sinh ở trên Trời Đâu Suất, gặp thẳng Di Lặc, cũng đi theo Di Lặc xuống cõi Diêm Phù Đề, được nghe Pháp bậc nhất. Ở đời vị lai, gặp thẳng tất cả chư Phật của đời Hiền Kiếp (Bhadra-kalpa). Ở Tinh Tú Kiếp (Nakṣatra kalpa) cũng được gặp thẳng chư Phật Thế Tôn, ở trước mặt chư Phật thọ nhận Bồ Đề Ký (Bodhi-vyakaraṇa)”.

_ Đức Phật bảo Ưu Ba Ly: “Sau khi Phật diệt độ. Tỳ Khưu, Tỳ Khưu Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già…Các Đại Chúng này, nếu có người được nghe tên của Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát. Nghe xong vui vẻ, cung kính lễ bái thời người này khi chết, như khoảng búng ngón tay liền được vãng sinh như lúc trước không có khác,

Người chỉ được nghe tên của Di Lặc này, khi mệnh chung cũng chẳng bị rơi vào chốn hắc ám, biên địa, Tà Khiến, các Luận Nghi ác. Luôn sinh Chính Kiến, quyến thuộc thành tựu chẳng khinh chê Tam Bảo”.

_ Đức Phật bảo Ưu Ba Ly: “Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện…phạm các Cấm Giới, gây tạo mọi nghiệp ác mà nghe danh tự Đại Bi của vị Bồ Tát này, cúi năm vóc sát đất, thành Tâm sám hối thì các nghiệp ác đó mau được trong sạch.

Trong đời vị lai, các hàng chúng sinh nghe danh xưng Đại Bi của vị Bồ Tát này, tạo dựng hình tượng… đem hương hoa, quần áo, lụa, lọng, phướng, phan lễ bái cột buộc niệm. Khi người này sắp hết mạng thời Bồ Tát Di Lặc phóng ánh sáng của tướng Đại Nhân, Bạch Hào ở tam tinh cùng với các vị Thiên Tử tuôn mưa hoa Mạn Đà La đi đến nghênh đón người này. Trong phút chốc người này liền được vãng sinh, gặp thẳng Di Lặc, cúi đầu mặt lễ kính. Khoảng chưa ngóc đầu lên, liền được nghe Pháp, tức ở Đạo vô thượng được chẳng thoái chuyển. Ở đời vị lai được gặp hằng hà sa đẳng chư Phật Như Lai”.

_ Đức Phật bảo Ưu Ba Ly: “Nay ông hãy nghe cho kỹ Bồ Tát Di Lặc này ở đời vị lai sẽ vì chúng sinh làm chỗ Đại Quy Y. Nếu có người quy y Bồ Tát Di Lặc, nên biết người này ở Đạo vô thượng (Agra-mārga) được chẳng thoái chuyển. Khi Bồ Tát Di Lặc thành Đa Đà A Già Độ, A La Ha, Tam Miểu Tam Phật Đà (Tathāgatāyaarhate-samyaksaṃbuddha: Như Lai Ứng Cúng Chính Đẳng Chính Giác) nếu Hành Nhân này nhìn thấy ánh sáng của Đức Phật, liền được Thọ Ký (Vyakaraṇa)”.

_ Đức Phật bảo Ưu Ba Ly: “Sau khi Phật diệt độ, Đệ Tử của bốn Bộ, Trời, Rồng, Quỷ, Thần…nếu có người muốn sinh lên Trời Đâu Suất Đà (Tuṣita) nên tác quán này, cột buộc niệm suy nghĩ, niệm Đâu Suất Đà Thiên, giữ gìn Cấm Giới của Phật, một ngày đến bảy ngày, suy nghĩ mười Thiện, thực hành mười Thiện Đạo. Đem Công Đức này hồi hướng, nguyện sinh trước mặt Di Lặc, nên tác Quán này.

Người tác Quán này, nếu thấy một vị Thiên Nhân, thấy một hoa sen, nếu khoảng một niệm xưng tên Di lặc thì người này trừ bỏ được tội trong một ngàn hai trăm kiếp sinh tử.

Người chỉ nghe tên Di Lặc rồi chắp tay cung kính thì người này trừ khử được tội trong năm mươi kiếp sinh tử.

Nếu có người lễ kính Di Lặc thì trừ khử được tội trong trăm ức kiếp sinh tử.

Giả sử chẳng sinh lên cõi Trời thì trong đời vị lai, dưới cây Long Hoa Bồ Đề cũng được gặp thẳng (Đức Di Lặc), phát Tâm vô thượng (Agra-citta)”.

Lúc nói lời này thời vô lượng Đại Chúng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật, lễ bàn chân của Di lặc, nhiễu quanh Đức Phật với Di Lặc Bồ Tát trăm ngàn vòng, vì bậc đắc Đạo đều phát Thệ Nguyện: “Chúng con, tám Bộ Trời Người nay ở trước mặt Đức Phật phát Thệ Nguyện thành thật, ở đời vị lại gặp thẳng Di Lặc, buông xả thân này xong đều được sinh lên cõi Trời Đâu Suất Đà (Tuṣita)” Đức Thế Tôn ghi nhận rằng: “Các ngươi với người ở đời vị lai, tu Phước giữ Giới đều sẽ  vãng sinh, ở trước mặt Di Lặc Bồ Tát, được sự nhiếp thọ của Di Lặc Bồ Tát”.

Đức Phật bảo Ưu Ba Ly :”Tác Quán này gọi là Chính Quán, tác Quán khác gọi là Tà Quán”.

_ Bấy giờ Tôn Giả A Nan (Ānanda) liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cài chéo bàn tay, quỳ thẳng lưng, bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Lành thay ! Đức Thế Tôn vui nói hết thảy Công Đức của Di Lặc, cũng ghi nhận Quả Báo mà chúng sinh tu Phước trong đời vị lai đã đạt được, nay con tùy vui.

Bạch Đức Thế Tôn! Điều thiết yếu của Kinh này nên thọ trì như thế nào ? Nên dùng tên nào gọi Kinh này ?”

Đức Phật bảo A Nan: “Ông giữ gìn lời của Phật, cẩn thận đừng quên mất. Vì đời vị lai, mở lối sinh lên Trời, bày tướng Bồ Đề, đừng chặt đứt mầm giống của Phật. Kinh này tên là Di Lặc Bồ Tát Bát Niết Bàn, cũng gọi là Quán Di Lặc Bồ Tát sinh Đâu Suất Đà Thiên…khuyên phát Tâm Bồ Đề (Bodhi-citta). Như vậy thọ trì”

Lúc Đức Phật nói lời này thời mười vạn vị Bồ Tát từ phương khác đến dự hội, được Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội (Śūraṃgama-samādhi), tám vạn ức chư Thiên phát Tâm Bồ Đề, đều nguyện tùy theo Di Lặc hạ sinh.

Khi Đức Phật nói lời này thời Đệ Tử của bốn Bộ, tám Bộ Trời Rồng nghe điều Đức Phật đã nói đều rất vui vẻ, lễ Phật rồi lui ra.

PHẬT NÓI KINH QUÁN DI LẶC BỒ TÁT, SINH LÊN TRỜI ĐÂU SUẤT
_Hết_

02/01/2011