KINH QUÁN DI-LẶC BỒ-TÁT HẠ SINH

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại khu vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xávệ, cùng với một ngàn năm trăm vị đại Tỳ-kheo.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan, sửa y bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, bạch Đức Thế Tôn:

–Đức Như Lai soi xét thật sâu xa, không việc gì mà Như Lai không xem xét kỹ, cả ba đời quá khứ, vị lai, hiện tại, Như Lai đều biết rõ. Danh hiệu, tên họ của chư Phật, cùng chúng Bồ-tát, Thanh văn, từ thời quá khứ, tùy tùng nhiều hay ít, dầu là một kiếp, trăm kiếp hoặc vô số kiếp, Như Lai đều quán sát và biết rõ như vậy. Như Lai phân biệt đầy đủ tên họ của từng vua, quan, dân chúng, như cõi nước hiện tại này có bao nhiêu người, Ngài đều biết rõ. Kính bạch Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác! Chúng con muốn được nghe sự giáo hóa, sự xuất hiện của Phật Di-lặc, nơi thời vị lai lâu xa, cùng chúng đệ tử theo Phật về cõi nước an vui sung mãn, trải qua thời gian bao lâu?

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Ông hãy trở về chỗ ngồi, lắng nghe ta giảng nói và khéo suy nghĩ, ghi nhớ về sự xuất hiện của Phật Di-lặc với cõi nước giàu có, an vui cùng chúng đệ tử nhiều hay ít.

Tôn giả A-nan vâng lời Phật day, trở lại chỗ ngồi. Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Thời vị lai lâu xa, nơi cõi nước này, sẽ có thành quách tên Síđầu, Đông Tây mười hai do-tuần, Nam Bắc bảy do-tuần, đất đai phì nhiêu, dân chúng giàu có đông đúc, nhiều đường sá rộng, sạch. Trong thành, có Long vương tên là Thủy Quang, ban đêm tuôn những chất thơm thấm nhuần, ban ngày thì làm cho không khí hòa dịu trong mát. Thành Sí-đầu còn có quỷ La-sát tên là Diệp Hoa, hành động thuận với chánh pháp, không trái chánh giáo. Sau khi mọi người ngủ say, thì vị này đi trừ bỏ những vật nhơ uế bất tịnh và dùng nước thơm rưới khắp mặt đất, khiến nơi nơi đều thơm sạch.

A-nan nên biết! Đất ở cõi Diêm-phù-đề lúc ấy, các phương Đông, Tây, Nam, Bắc, rộng mười vạn do-tuần, núi, sông, vách đá đều tự tiêu diệt. Nước ở bốn biển cả, đều chiếm cứ một phương. Mặt đất ở cõi ấy rất bằng phẳng, như tấm gương sạch sáng, khắp cõi đều có thực phẩm, lúa gạo dồi dào, cây trái tốt tươi. Muôn dân phồn thịnh, châu báu thật nhiều, làng mạc thôn xóm gần nhau, cùng nghe tiếng gà gáy. Bao nhiêu thứ hoa quả, cây cối khô cằn hay những vật dơ xấu, đều tự ẩn mất. Những cây ngon, quả ngọt, thơm quý, tươi tốt nhất sinh ra khắp mặt đất. Khí hậu ôn hòa, thời tiết thích hợp theo mùa. Con người không bị một trăm lẻ tám hoạn nạn, không có tham dục, sân hận, ngu si, không cần lo âu, săn sóc. Nhân tâm như nhau, đều cùng một ý, gặp gỡ vui vẻ và nói những lời hiền lành, cùng một loại ngôn ngữ, giống như người ở cõi Uất-đơn-việt không khác. Dân chúng lớn hay nhỏ ở cõi Diêm-phù-đề đều cùng một âm giọng, không có sự sai khác. Những nam hay nữ ở cõi này, khi muốn đại tiểu tiện, đất tự nhiên nứt ra, sau khi xong việc, đất khép lại như cũ.

Thời ấy, đất đai ở cõi Diêm-phù-đề tự nhiên sinh những lúa gạo vô cùng thơm ngon, không có vỏ, ăn vào không bị bệnh khổ. Những loại vàng, bạc, châu báu như xa cừ, mã não, trân châu, hổ phách, rải khắp trên mặt đất mà không ai để ý đến. Có khi họ cầm châu báu này và cùng nói: “Con người xưa kia, vì những châu báu này mà phải tàn hại lẫn nhau, bị tù đày và chịu biết bao khổ não. Vậy nên ngày nay châu báu ấy cũng như ngói gạch, không có ai cất giữ!”

Bấy giờ, có Pháp vương xuất hiện tên là Nhương Khư, dùng chánh pháp để trị nước và có đầy đủ bảy báu. Bảy báu đó là: Xe vàng, voi, ngựa, ngọc báu, ngọc nữ, quan coi về binh, quan cõi về kho báu. Thống lãnh cõi Diêm-phù-đề, không cần đến đao, roi, tự nhiên điều phục được.

Này Tôn giả A-nan! Bốn kho châu báu là:

  1. Nước Kiền-đà-việt có kho báu Y-la-bát, rất nhiều trân châu, ngọc báu và vật quý hiếm, không thể kể hết.
  2. Nước Di-đề-la có kho lớn lưới báu và rất nhiều ngọc quý.
  3. Nước Tu-lại-trá có kho báu lớn và nhiều ngọc báu.
  4. Nước Ba-la-nại của Nhương Khư có kho báu lớn và rất nhiều ngọc báu không thể tính kể.

Bốn kho báu lớn này tự nhiên ứng hiện. Các vị giữ kho đến tâu vua: “Cúi xin đại vương, đem những vật trong kho báu này ban bố cho những kẻ nghèo khổ.” Vua Nhương Khư được những kho báu ấy, cũng chẳng dòm ngó chúng, vì không có ý nghĩ về của cải châu báu.

Tại đất Diêm-phù, trên cây tự nhiên sinh ra những y phục vô cùng mịn mềm, để cho mọi người mặc; cũng giống như hiện nay, người ở cõi Uất-đơn-việt, trên cây tự nhiên sinh ra y phục. Đại vương có vị đại thần tên là Tu-phạm-ma, là vị quan được vua kính mến từ thuở còn niên thiếu. Vị đại thần ấy có tướng mạo đoan nghiêm, không cao, không thấp, không mập, không gầy, không trắng, không đen, không già, không trẻ. Vợ của Tu-phạm ma tên là Phạm-ma-việt, là người xinh đẹp nhất trong các ngọc nữ, giống như hậu phi của Thiên Đế. Miệng bà nói ra có mùi thơm của hoa sen và thân thì đầy hương chiên-đàn, có tám mươi bốn thứ tướng mà các phụ nữ khác vĩnh viễn không bao giờ có. Bà không có bệnh tật, cũng không có tư tưởng cuồng loan.

Lúc ấy, Bồ-tát Di-lặc, ở cõi trời Đâu-suất, quán sát về cha mẹ, thấy không già, không trẻ, liền giáng thần, ứng hiện, sinh ra từ hông phải của mẹ, như ta ngày nay, cũng đã đản sinh từ hông phải. Bồ-tát Di-lặc cũng như thế. Tất cả chư Thiên nơi cõi trời Đâu-suất đều ngợi ca: “Bồ-tát Di-lặc đã giáng sinh.”

Tu-phạm-ma đặt tên cho con là Di-lặc. Bồ-tát Di-lặc có bai mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thân màu vàng ròng, vô cùng đẹp đẽ. Người ở cõi này, không có các hoạn nạn, tuổi thọ lâu dài. Họ sống đến tám vạn bốn ngàn năm, con gái năm trăm tuổi mới lấy chồng.

Di-lặc sống ở gia đình một thời gian ngắn thì xuất gia học đạo. Khi đi ra khỏi thành Sí-đầu chưa bao xa, Ngài gặp một cây to lớn tên Long hoa, cao một do-tuần, ngang năm trăm bộ. Bồ-tát Di-lặc ngồi bên cội cây này, thành tựu đạo quả vô thượng. Ngay nửa đêm Bồ-tát Di-lặc xuất gia, thì đạt ngay đạo quả vô thượng. Cả ba ngàn cõi đại thiên đều chấn động đủ sáu cách. Các địa thần đều bảo nhau: “Hôm nay, Bồ-tát Di-lặc đã thành tựu Phật đạo”, và lan dần đến cõi trời Tam thập tam, trời Đâu-suất-đà, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại, cho đến Phạm thiên cũng đều vang tiếng “Bồ-tát Di-lặc đã thành tựu Phật đạo.”

Khi đó, có ma vương tên Đại Tướng – giáo hóa và trị vì ma quân bằng chánh pháp – nghe tiếng vang về danh xưng của Như Lai, nên vô cùng vui mừng, suốt bảy ngày đêm không ngủ nghỉ. Sau đó, ma vương đem vô số những trời, người ở cõi Dục, đến chỗ Phật Di-lặc, cung kính, lễ bái. Thánh tôn Di-lặc cùng các chúng trời, người từng bước bàn bạc về pháp mầu cao đẹp. Các bàn luận đó là: Bàn luận về bố thí, bàn luận về giới, bàn luận về việc sinh lên cõi trời, bàn luận về việc giải thoát khỏi dục tưởng không sạch là tốt đẹp.

Đức Phật Di-lặc thấy mọi người đã vui vẻ phát tâm, Ngài liền đem những pháp chư Phật Thế Tôn thường giảng dạy như Khổ, Tập, Diệt, Đạo, phân tích nghĩa lý sâu rộng cho các trời, người. Lúc ấy, trên tòa có tám vạn bốn ngàn Thiên tử, đã sạch trần cấu, được mắt pháp trong sạch. Ma vương Đại Tướng bảo mọi người ở cõi đó: “Các ngươi hãy mau xuất gia. Vì sao? Vì Bồ-tát Di-lặc, nay đã đến bờ giác ngộ và sẽ hóa độ cho các ngươi cũng đến bờ giác ngộ.”

Trong thành Sí-dầu, có trưởng giả tên Thiện Tài, nghe giáo lệnh của ma vương, lại nghe âm vang của Phật, nên đem tám vạn bốn ngàn chúng đến chỗ Phật Di-lặc, cung kính, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Đức Phật Di-lặc cũng tuần tự giảng nói pháp luận cao đẹp cho đại chúng. Pháp luận đó là: Luận về bố thí, luận về giới, luận về sinh cõi trời, luận về giải thoát khỏi dục tưởng không sạch là tốt đẹp.

Đức Phật Di-lặc khi thấy mọi người tâm ý đã được khai mở theo như pháp chư Phật Thế Tôn đã giảng nói, nên Ngài mới giảng về Khổ, Tập, Diệt, Đạo và phân tích nghĩa lý sâu rộng nơi các pháp ấy cho mọi người. Có tám vạn bốn ngàn người dứt sạch được trần cấu, được mat pháp trong sạch. Trưởng giả Thiện Tài cùng tám vạn bốn ngàn người đến trước Đức Phật, cầu xin xuất gia, khéo tu phạm hạnh, và tất cả đều thành tựu đạo quả A-la-hán. Hội đầu tiên của Phật Di-lặc, có tám vạn bốn ngan người đắc quả A-la-hán. Lúc ấy, vua Nhương Khư, nghe Bồ-tát Di-lặc đã thành Phật đạo, ông muốn được nghe pháp, nên vội đến chỗ Phật. Pháp Đức Phật giảng nói cho vua ban đầu là thiện, cuối cùng cũng là thiện với nghĩa lý rất sâu xa. Một thời gian sau, đại vương lập thái tử lên làm vua, các vật quý báu vua đem cho người thợ cắt tóc, rồi đem các loại châu báu khác ban cho các Phạm chí rồi dẫn tám vạn bốn ngàn chúng đến chỗ Phật, xin lam Sa-môn. Cuối cùng, họ cũng thành tựu đạo quả, đắc A-la-hán.

Đại trưởng giả Tu-phạm-ma, nghe Bồ-tát Di-lặc thành Phật đạo, cũng đem tám vạn bốn ngàn chúng Phạm chí đến chỗ Phật, cầu xin làm Sa-môn. Tất cả cũng đều chứng đắc A-la-hán, duy có Tu-phạmma đoạn dứt hết ba sự ràng buộc của phiền não và chắc chắn chấm dứt hết khổ.

Phật mẫu Phạm-ma-việt, cũng đem tám vạn bốn ngàn chúng thể nữ đến chỗ Phật, xin làm Sa-môn. Các thể nữ đều chứng đắc A-lahán, duy nhất có Phạm-ma-việt, đoạn tận ba sự ràng buộc của phiền não, chứng quả Tu-đà-hoàn.

Các bà thuộc dòng Sát-lợi, nghe tin Phật Di-lặc xuất hiện ở thế gian, thành Đẳng chánh giác, liền đem cả ngan vạn chúng đi đến chỗ Phật, cung kính, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên. Họ phát tâm mong cầu được xuất gia học đạo, làm Sa-môn. Có người chứng đắc đến bờ giác, có người không chứng đắc. Lúc ấy, này Tôn giả A-nan! Những người chưa vượt bậc, để chứng đắc, đều là những người phụng hành giáo pháp, nhàm chán tất cả thế gian và tu pháp nhớ nghĩ không thể an vui. Rồi Phật Di-lặc sẽ giảng nói giáo nghĩa Tam thừa như ta hiện nay. Trong các đệ tử của ta, có Đại Ca-diếp, thực hành mười hai hạnh Đầu-đà, như chư Phật thời quá khứ đã khéo tu phạm hạnh, người này sẽ ở bên cạnh Phật Di-lặc, khuyến khích và giáo hóa mọi người tu tập.

Ca-diếp ở cách chỗ Như Lai không xa, đang ngồi kiết già, thân ngay ý thẳng, tịnh tâm tại chỗ. Đức Thế Tôn bảo Ca-diếp: “Nay ta đã tám mươi tuổi, đã già suy và có bốn đại Thanh văn có thể nhận lãnh việc giáo hóa khắp nơi, có đầy đủ phước đức và trí tuệ vô tận, đó là: Tỳ-kheo Đại Ca-diếp, Tỳ-kheo Quân-đồ-bát-thán, Tỳ-kheo Tân-đầu-lư, Tỳ-kheo La-vân. Bốn Thanh văn các ông, chưa được nhập Niêt-bàn, phải chờ đến khi giáo pháp ta không còn, khi ấy mới được nhập Niết-bàn. Đại Ca-diếp cũng không nên nhập Niết-bàn, cần phải đợi Phật Di-lặc xuất hiện ở thế gian. Vì sao? Vì đệ tử của Phật Di-lặc đều là đệ tử của Phật Thích-ca Văn, do Ta giáo hóa mà chấm đứt hữu lậu. Nơi thôn Tỳ-đề, thuộc cõi nước Ma-kiệt, Đại Cadiếp sẽ cư trú trong núi đó và Như Lai Di-lặc sẽ đem vô số ngàn người, lần lượt cùng nhau đến núi này. Nhờ hồng ân Phật, các quỷ thần sẽ mở cửa, làm cho họ được thấy Ca-diếp thiền định trong hang động. Khi đó, Phật Di-lặc sẽ đưa cánh tay phải, chỉ Ca-diếp và bảo mọi người: “Thời quá khứ xa xưa, đệ tử của Phật Thích-ca Văn tên là Ca-diếp, hiện đang tu khổ hạnh Đầu-đà cao tột bậc nhất.” Mọi người thấy sự kiện như vậy, ngợi khen là việc chưa từng có, trong đó có vô số trăm ngàn chúng sinh dứt sạch hết trần cấu, đạt mắt pháp trong sạch. Hoặc có chúng sinh được thấy thân Ca-diếp, gọi đó là hội đầu tiên, trong ấy có chín sáu ức người đạt quả A-la-hán. Những người này đều là đệ tử của ta. Vì sao? Vì họ đã được ta giáo hóa mới đạt kết quả ấy. Và cũng nhờ bốn sự nhân duyên, bố thí, nhân ái, mang lại lợi lạc cho hết thảy quần sinh.”

Này A-nan! Như Lai Di-lặc sẽ trao Tăng-già-lê cho Ca-diếp đắp. Lúc này, thân thể Ca-diếp chợt sáng như sao sa. Phật Di-lặc lại đem các loại hương hoa cúng dường Ca-diếp. Vì sao? Vì chư Phật Thế Tôn có tâm tôn kính chánh pháp và Bồ-tát Di-lặc cũng đã từng do ta truyền trao, giáo hóa chánh pháp, thành tựu đạo Chánh chân Vô thượng.

A-nan nên biết! Hội kỳ hai của Phật Di-lặc, có chín mươi bốn ức người, đều đắc quả A-la-hán, cũng là đệ tử đã từng được ta giáo hóa, thực hành bốn sự cúng dường nên được kết quả như vậy. Hội kỳ ba của Phật Di-lặc, có chín mươi hai ức người, đều đắc quả A-la-hán, cũng là đệ tử do ta giáo hóa. Bấy giờ, tánh hiệu của Tỳ-kheo đều gọi là đệ tử của Từ Thị, như ta ngày nay, các Thanh văn đều xưng là đệ tử của Đức Phật Thích-ca. Phật Di-lặc thuyết pháp cho các đệ tử: “Này các Tỳ-kheo! Hãy nghĩ đến vô thường, nghĩ đến vui có khổ, nghĩ đến ngã và vô ngã, nghĩ đến có – không, nghĩ đến sự biến đổi của sắc, nghĩ đến màu máu bầm xanh, nghĩ về sự sình trướng, nghĩ đến việc ăn chưa tiêu hết, nghĩ về máu mủ, nghĩ đến tất cả thế gian không an vui. Vì sao? Này các Tỳ-kheo! Đây là mười tưởng, trong quá khứ Phật Thích-ca Văn đã dạy cho các ông, làm cho tất cả được dứt trừ tâm hữu lậu, để được giải thoát. Những ai trong chúng này, là đệ tử Phật Thíchca Văn, đều do thời quá khứ, đã tu hành phạm hạnh nên đến cõi của ta. Hoặc có người, ở thời Phật Thích-ca Văn, đã cúng dường tam bảo mà sinh đến chỗ ta. Hoặc có người, ở chỗ Phật Thích-ca Văn, tu tập căn lành trong khoảng một niệm mà sinh đến chỗ ta. Hoặc có người, ở chỗ Phật Thích-ca Văn, thực hành bốn Đẳng tâm, rồi sinh đến đây. Hoặc có người, ở chỗ Phật Thích-ca Văn, thọ trì năm giới, ba pháp tự quy, nên sinh đến chỗ ta. Hoặc có người, ở chỗ Phật Thích-ca Văn, xây dựng tháp miếu, nên sinh đến chỗ ta. Hoặc có người, ở chỗ Phật Thích-ca Văn, sửa sang chùa cũ, nên sinh đến chỗ ta. Hoặc có người, ở chỗ Phật Thích-ca Văn, giữ tám pháp trai giới, nên sinh đến chỗ ta. Hoặc có người, ở chỗ Phật Thích-ca Văn, cúng dường hương hoa, nên sinh đến đây. Hoặc có người, ở chỗ Phật Thích-ca Văn, nghe pháp mà rơi lệ, nên sinh đến chỗ ta. Hoặc có người, ở chỗ Phật Thích-ca Văn, một lòng lãnh hội giáp pháp, nên sinh đến chỗ ta. Hoặc có người, suốt đời tu hành phạm hạnh, nên sinh đến chỗ ta. Hoặc có người, ghi chép, đọc tụng nên sinh đến chỗ ta. Hoặc có người luôn hành trì cúng dường, nên sinh đến chỗ ta.

Bấy giờ, Đức Phật Di-lặc nói kệ:

Tăng trưởng giới, văn, đức
Thiền và suy nghĩ nghiệp
Khéo tu hạnh thanh tịnh
Nên đến chỗ của ta.
Bố thí phát tâm vui
Tâm tu hành căn bản
Ý không còn nghĩ tưởng
Đều đến chỗ của ta.
Biết phát tâm bình đẳng
Cúng dường các Đức Phật
Cúng Thánh chúng thực phẩm
Đều đến chỗ của ta.
Hoặc tụng kinh, giữ giới
Dạy cho người khổ, tập
Thắp sáng chánh pháp Phật
Nay đến chỗ của ta.
Thích chủng khéo biến hóa
Cúng dường các xá-lợi
Thực hành pháp cúng dường
Nay đến chỗ của ta.
Nếu người ghi chép kinh
Tuyên nói điều cao tột
Và cúng dường kinh điển
Đều nên đến chỗ ta.
Gấm vóc và mọi vật
Cúng dường nơi chùa, tháp
Tự xưng “Nam-mô Phật”
Đều nên đến chỗ ta.
Cúng dường Phật hiện tại
Cùng chư Phật quá khứ
Thiền định, chánh, bình đẳng
Cũng không có tăng giảm.
Thế nên, với pháp Phật
Hầu hạ các Thánh chúng
Chuyên tâm thờ Tam bảo
Ắt đến chốn vô vi.

A-nan nên biết! Như Lai Di-lặc ở nơi chúng đó, nói bài kệ này, các trời, loài người trong đại chúng suy nghĩ về mười tưởng ấy, và có mười một ức người dứt hết trần cấu, được mắt sáng trong sạch. Trong cả ngàn năm, chúng Tăng ở cõi Phật Di-lặc không có lỗi lầm, Đức Phật thường dùng một bài kệ để làm giới cấm:

Miệng, ý không làm ác
Thân cũng không trái phạm
Hãy dứt ba nghiệp này
Chóng thoát đường sinh tử.

Trải qua ngàn năm sau, sẽ có người phạm giới, nên phải thiết lập ra giới cấm. Như Lai Di-lặc thọ tám vạn bốn ngàn năm. Sau khi Phật nhập Niết-bàn, giáo pháp của Phật tồn tại đến tám vạn bốn ngàn năm, chúng sinh lúc ay các căn đều thông lợi. Những thiện nam hay thiện nữ nào, muốn được gặp Phật Di-lặc, cùng ba chúng hội Thanh văn và thành Sí-đầu, muốn gặp vua Nhương Khư cùng bốn kho châu báu lớn, muốn ăn lúa gạo ngon tự nhiên và mặc y phục tự nhiên, sau khi chết, được sinh lên cõi trời, thì những thiện nam, thiện nữ ấy, không nên biếng lười mà hãy sáng suốt nỗ lực, cúng dường, hầu hạ các Pháp sư, cúng dường các loại vật dụng, hoa hương… chớ để thiếu sót.

Này Tôn giả A-nan! Hãy học và thực hành như vậy.

Tôn giả A-nan và đại hội nghe lời Phật dạy, vui vẻ nhận lãnh, thực hành.