SỐ 378
KINH PHƯƠNG ĐẲNG BÁT NÊ HOÀN
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN HẠ

Phẩm 4: CHÚC LỤY

Bấy giờ, Hiền giả A-nan bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn! Xin Thế Tôn trụ một kiếp hoặc hơn một kiếp. Vì sao? Thưa đấng Thiên Trung Thiên! Vì Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác ở đời thì những Chánh sĩ đó đi đến chỗ này, chúng con được diện kiến, quỳ lạy, phụng sự. Sau khi Như Lai vào Nê-hoàn rồi thì chúng con vĩnh viễn không còn được phụng sự ngôi Tam bảo. Những gì là Tam bảo? Đó là Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo. Những Chánh sĩ đó cũng lìa khỏi ba ngôi Tam bảo ấy.

Tôn giả A-nan nói xong lời nói này, kêu khóc ngã lăn ra đất. Khi đó, Bồ-tát Thiện Tư Nghĩa vì Tôn giả A-nan, nói kệ:

Thầy A-nan chớ khóc
Vạn vật đều vô thường
Hội hiệp có ly biệt
Huống người đâu thể thường!
Với pháp Không Vô đó
Sao A-nan bi thương?
Phàm cái có tụ hội
Đều thật khó lâu bền.
Phật Đạo cũng không được
Sao A-nan bi thương?
Hiệp hội là không rỗng
Tuệ Tuệ cũng lại không.
Hoặc niệm hoặc chẳng niệm
Mọi pháp vô niệm chấp
Hữu không vô cũng không
Ví như những sóng nắng.
Như voi ngựa huyễn hóa
Hoa, trái cây trong vườn
Nhà huyễn thuật đã hiện
Như đệ tử Thế Tôn!

Đến đây, Tôn giả A-nan dùng kệ đáp Bồ-tát Thiện Tư Nghĩa:

Đúng như Nhân giả nói
Các pháp không sở niệm
Nay tôi phải lìa khỏi
Xa mãi Đức Thế Tôn.
Một mai vào Xá-vệ
Người hỏi, sao đáp thông?
Đấng Chánh Giác còn chứ?
Pháp nhãn sẽ đến chăng?
Như vào núi Hương Tích
Chẳng thấy Nhân Trung Tôn
Chỉ thấy tòa ngồi rỗng
Ở đó sao nỡ lòng!?
Như ra núi Hương Tích
Vào Ca-lợi tinh xá
Đấng Trung Tôn ở đó
Rộng nói Bốn chân đế.
Nhưng thấy Ca-lợi rỗng
Không thần quang Thế Hùng
Như vào vườn Tiếng Nói
Toàn kêu khóc ở trong.
Do chẳng thấy Chánh Giác
Giong ruổi khắp bốn phương
Lệ tràn đầy mắt họ
Sao nỡ đành như vậy?

Bấy giờ, Bồ-tát Hỷ Tín Tịnh vì Hiền giả A-nan nói kệ:

Như ức năm lo buồn
Đâu thể có sở đắc!?
A-nan hãy xét xem:
Pháp giới rất khó được.
Ví như rừng cây chuối
Từng lá rách tơi tả
Nhặt lấy cũng như không
Vạn vật đều như vậy.
Như khi trời mưa tuôn
Trong nước có bong bóng
Vừa khởi, liền tiêu tan
Vạn vật cũng như vậy.
Ví như bong bóng nước
Chỉ thấy được bằng mắt
Đưa tay vớt liền tan
Bốn giống cũng như vậy.
Ví như gương sáng trong
Bóng hiện, chẳng có thật
Ba cõi cũng như vậy
Sao mà khóc, A-nan!?

Đến đây, Tôn giả A-nan dùng đệ đáp Bồ-tát Hỷ Tín Tịnh:

Chẳng phải chẳng biết thế
Chẳng vì chẳng thấy rõ
Ba cõi không sở hữu
Điều này kinh tuyên dương.
Thấy vậy, ức nhân chúng
Đều rơi lệ chứa chan
Đến chỗ tôi sầu khóc
Lòng càng thêm buồn cảm.
Nay Thế Tôn Niết-bàn
Cõi nhân gian vắng bóng
Biết tìm ở nơi đâu?
Ai khuyên nhắc chúng con?
Sẽ theo ai nghe pháp
Câu thâm diệu khó thông?
Ách nạn nào sẽ đến?
Ôi khó gặp Thế Tôn!

Bấy giờ, Bồ-tát Không Vô vì Tôn giả A-nan nói kệ:

A-nan chớ lo buồn!
Quan sát pháp, phi pháp
Pháp là chẳng thể còn
Duyên gì sẽ có diệt?
Như lúc chư Phật sinh
Đắc đạo cũng như vậy
Như Phật chuyển pháp luân
Nê-hoàn cũng như vậy.
Sinh, bất sinh với sinh
Phật đạo cũng không diệt
Đối với pháp vô sinh
Sao A-nan lại khóc?
Xem tôi, lỗ chân lông
Những điều giảng nói nghiệp
Phật nói vô hữu, không
Pháp giới cũng như vậy.

Đến đây, Tôn giả A-nan dùng kệ đáp Bồ-tát Không Vô:

Các vị sẽ đi khỏi
Thế giới không ưu phiền
Sẽ thấy ức chư Phật
Pháp thượng diệu tuyên dương.
Chúng tôi, hàng ức trời
Vây quanh nhau giáp vòng
Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni
Cùng nhau cất tiếng than.
Hoặc từ xa ngàn dặm
Chỗ tôi đều đi sang
Tiếng kêu gào dội vang
Tại chỗ Thích Sư Tử.
Đao-lợi và Diệm Thiên
Nê-ma-la, Đâu-thuật
Làm chí phạm Thế Tôn
Khi nào sẽ lại xuống?
Ba tháng ở chỗ nhàn
Nhân Trung Tôn một lòng
Thế Hùng bao giờ khởi
Sẽ đánh trống pháp vang?

Bấy giờ, Bồ-tát Thần Thông Hoa vì Tôn giả A-nan nói kệ:

Tôi vì đã biết vậy
Tự hẹn ba tháng tròn
Trước Nhân giả thị hiện
Chớ khóc, này A-nan!
Tôi sẽ vì ông nói
Khải bạch với Thế Tôn
Khiến chuyển pháp đệ nhất
Vì lìa đức Thích Tôn.
Chư Phật có lòng thương
Chỗ người sẽ đi đến
Chớ nên buồn, A-nan!
Nhân Trung Hùng đã khởi.
Trời, rồng còn lo buồn
Huống gì thân ông vậy
Như vậy ánh quang minh
Mới ở đời diệt tận.
Tôi nghe từ Thế Tôn
Đức Phật nói như vậy
Dù ở trọn ức kiếp
Hội ngộ nào cũng tan.

Đến đây, Tôn giả A-nan đứng dậy trước Đức Phật, ba lần nói bài kệ này:

Phật bảo cho tất cả
Hôm nay sẽ Nê-hoàn
Thế gian sẽ lại tối
Vì mất đấng Nhãn minh.
Quốc vương và Tôn giả
Ban cõi nước khổ đau
Sao nỡ nghe lời đó?
Phật sẽ vào Nê-hoàn.
Lực sĩ, vợ lực sĩ
Con lực sĩ đều đến
Đều khóc lóc, buồn đau
Lần cuối thấy Thế Tôn.
Những trời, rồng các loại
Vây vòng năm do-tuần
Nước mắt chảy đến gối
Ngoại trừ các dân chúng.
Rồng Nan-đầu, Hòa-nan
Gồm sáu mươi ức rồng
Đều đến cùng kêu khóc
Lần cuối thấy Thế Tôn.
Rồng Hòa-lăng-ma-nại
Sức mạnh Ta-kiệt Long
Một do-tuần kêu khóc
Đi đến chỗ Thế Tôn.
Vua rồng A-nậu-đạt
Trăm ức chúng vây quanh
Lệ như bánh xe lớn
Đi đến chỗ Thế Tôn.
Vua rồng Y-lệ-bát
Đến hóa làm thân lớn
Kêu khóc phát tiếng lớn
Đi đến chỗ Thế Tôn.
Hàng trăm ức số chúng
Và ngàn ức quỷ thần
Cúi đầu trước chân Phật
Lần cuối thấy Thế Tôn.
Có ức ngàn Đế thích
Hàng trăm ức người thân
Làm lễ dưới chân Phật
Minh Nhãn chớ Nê-hoàn.
Đến đây ức trời Phạm
Trời đất quá rỡ ràng
Lễ trước chân Đức Phật
Xin trụ một kiếp tròn.
Ma tử ở đó đến
Đạo sư tự nói rằng:
–Phật thương xót tất cả
Xin trụ một kiếp tròn.

Bấy giờ, Bồ-tát Không Vô vì Đế thích, Phạm vương, trời, rồng, quỷ thần, Kiền-đạp-hòa, ma, đạo sư nói kệ:

Các ông đều không biết
Chỉ gắng tu pháp ngữ
Đã làm hạnh phóng dật
Đến nay ông khóc than.
Ví như loài chuột núi
Chỗ ở không suốt thông
Nếu người dùng dao chọt
Thì liền sợ kêu thương.
Các ông cũng như vậy
Tất cả đều khóc than
Nếu Chánh Giác tồn tại
Mà làm hạnh buông lung.
Nay mặt trời sẽ khuất
Trí như biển mênh mông
Ông làm sao tạo tác
Thích Tôn đã Nê-hoàn?

Khi đó, Phật bảo Hiền giả A-na-luật, Đại-ca-chiên-diên, Phânnậu-văn-đà-ni-phật, Cưu-ma-ca-diếp, Tu-bồ-đề, Mục-ha-la-gia, Đạicâu-hy v.v… hãy duỗi tay đặt vào bàn tay của Như Lai.

Ngay lúc ấy, mười vạn Tỳ-kheo duỗi tay đặt vào bàn tay của Đức Như Lai. Đức Phật dùng tay trái nhận lấy bàn tay của các Tỳ-kheo, tay phải Ngài nắm lấy bàn tay của A-nan và La-hầu-la đặt vào trong tay của các Tỳ-kheo và nói:

–Ta thân kính đem A-nan và La-hầu-la phó thác cho các ông!

Bấy giờ, tiếp liền hình tượng ấy, có âm thanh lớn tự nhiên. Âm thanh ấy bố cáo khắp một nước Phật, một ngàn vị Tỳ-kheo ấy nghe việc, muốn buông bỏ thân mạng và nói:

–Chúng con sẽ vào Nê-hoàn trước vì chẳng nỡ thấy khi đấng Thế Hùng vào Nê-hoàn.

Đến đây, Đức Phật duỗi cánh tay hướng về phương Bắc thì ngay tức thời năm trăm Đức Phật của thế giới phương khác duỗi tay ra đặt vào bàn tay Đức Phật. Đức Phật liền nắm lấy tay Tôn giả A-nan và La Vân đặt vào trong bàn tay của các Đức Phật mà nói:

–Ta đem người thân A-nan và đứa con La Vân phó thác cho các đấng Thế Hùng.

Khi đó, Đức Phật liền nói kệ:

Ta đem con La Vân
Và thị giả A-nan
Diện kiến để chúc lụy
Cho chư Phật Thế Tôn.
Ai là người không hộ
Hay vì làm ủng hộ
Riêng chư Phật Thế Tôn
Trí ấy không ngại ngăn.
Ngay nửa đêm hôm nay
Trời, rồng và dân chúng
Tại cõi Diêm-phù ấy
Chẳng còn thấy Thế Tôn.
Xem khắp các thế giới
Vô lượng khó nghĩ bàn
Một người cũng chẳng thấy
Làm người độ thế gian.
Trải vô số ức kiếp
Ví như cát sông Hằng
Có thể mới có kẻ
Chịu ở kiếp này đó.
Người tôn kính pháp Phật
Kẻ này ta sẽ độ
Người không biết kính tôn
Chư Phật không thể độ.

Bấy giờ, năm trăm Đức Phật đều muốn trở về đất nước của mình, nhận tay A-nan và La Vân rồi, liền nói kệ:

Biết kính tin chư Phật
Liền được Phật cứu độ
Thị hiện độ chúng sinh
Trống pháp vang khắp nơi.
Thế Tôn Thích Sư Tử
Trừ sạch mọi nạn tai
Hàng ức người no đủ
Như mưa thấm đất đai.

Đến đây, A-nan, La Vân quỳ xuống khóc lóc bi thương, nói kệ:

Xin các đấng dũng mãnh
Thỉnh Phật trụ một kiếp
Oai thần của chư Phật
Khiến Phật trụ một kiếp.
Làm vô số ức người
Được trụ trong chánh pháp
Trời, rồng, các quỷ thần
Đều phát đạo tâm lớn.

Bấy giờ, năm trăm Đức Phật đều trở về thế giới của mình, bảo Anan và La Vân:

–Dừng lại! Này A-nan! La Vân! Không buồn, không rầu! Pháp của các Đức Phật Thiên Trung Thiên, duỗi tay ra là đã rốt cùng rồi. Nếu có phóng ra ánh sáng hoặc đến hoặc trụ thì đó là sự thị hiện của chư Phật vậy.

 

Phẩm 5: ĐỘ ĐỊA NGỤC

Đến đây, Đức Phật liền nhập Tam-muội, ngón chân cái từ bàn chân phải Ngài phóng ra hàng ức muôn ánh sáng. Mỗi một luồng ánh sáng hóa làm trăm ức ngàn hoa sen. Trên mỗi một hoa sen hóa làm trăm ức ngàn tòa ngồi. Trên mỗi một tòa ngồi có một vị hóa Như Lai ngồi nói pháp. Mỗi một vị Như Lai đã khiến cho ức trăm ngàn muôn ức người trụ vào địa vị Chẳng Khởi Diệt. Đức Phật lại dùng ngón chân cái của bàn chân trái phóng ra trăm ngàn ức ánh sáng. Mười ngón chân phóng ra mười muôn ức trăm ngàn ánh sáng. Mười ngón tay phóng ra mười muôn ức trăm ngàn ánh sáng. Hai đầu gối phóng ra hai muôn ức trăm ngàn ánh sáng. Hai xương bánh chè phóng ra hai muôn ức trăm ngàn ánh sáng. “Mã âm tàng” phóng ra một muôn ức trăm ngàn ánh sáng. Trong rốn phóng ra muôn ức trăm ngàn ánh sáng. Hai chân mày phóng ra hai muôn ức trăm ngàn ánh sáng. Hộp não phóng ra muôn ức trăm ngàn ánh sáng. Hông phải hông trái phóng ra hai muôn ức trăm ngàn ánh sáng. Bốn mươi cái răng phóng ra bốn mươi muôn ức trăm ngàn ánh sáng. Mặt phóng ra muôn ức trăm ngàn ánh sáng. Tướng đỉnh phóng ra muôn ức trăm ngàn ánh sáng. Ba mươi hai tướng đại nhân phóng ra ba mươi hai muôn ức trăm ngàn ánh sáng. Tướng giữa chân mày phóng ra muôn ức trăm ngàn ánh sáng. Tám mươi vẻ đẹp, mỗi một vẻ đẹp đều phóng ra muôn ức trăm ngàn ánh sáng. Mỗi một luồng ánh sáng có hóa ra muôn ức trăm ngàn hoa sen. Trên mỗi một hoa sen có hóa ra muôn ức trăm ngàn tòa ngồi. Trên mỗi một tòa đều có một vị Như Lai ngồi nói pháp. Các Đức Phật Thế Tôn đó chẳng giảng nghĩa gì khác mà chỉ nói pháp Bồ-tát, Ba pháp Tổng trì kim cương, lực thanh tịnh, vô sở úy. Mỗi một vị hóa Như Lai khiến cho muôn ức trăm ngàn người đứng vào pháp Bất thoái chuyển. Đức Phật, bấy giờ, liền ở tại rừng Song-thọ, lại hóa làm Phật đi đến địa ngục Tiên Nho phóng ra ánh sáng. Ánh sáng ấy soi khắp trong ngục lớn Tư tưởng. Khi đó, Đức Phật liền nói kệ:

Những người đã giải thoát
Đôi lúc có tư tưởng
Do quen khởi tư tưởng
Khiến họ sinh khổ não.
Thế gian có chứng đắc
Thế Tôn phóng ánh sáng
Chánh pháp Phật xiển dương
Khiến diệt hết các khổ.
Không thấy có chứng đắc
Không sinh, cũng không diệt
Người hiểu rõ pháp đó
Nhất định sinh cõi lành.

Đức Phật vừa nói bài kệ đó xong, tức thời đầy đủ muôn ức trăm ngàn người ở địa ngục Tư tưởng được giải thoát, liền sinh lên cõi trời Đao-lợi. Đức Phật lại liền đi lên cõi trời Đao-lợi, lại một lần nữa nói bài kệ này:
Những người đã giải thoát
Đôi lúc có tư tưởng
Do quen khởi tư tưởng
Khiến họ sống đau khổ.
Đắc đạo ở thế gian
Thế Tôn phóng ánh sáng
Chánh pháp Phật xiển dương
Khiến diệt hết các khổ.
Không chứng cũng không đắc
Không sinh cũng không diệt
Người biết được pháp đó Nhất định sinh cõi lành.

Đức Thế Tôn nói kệ đó vừa xong, tức thời đầy đủ muôn ức trăm ngàn người nghe pháp đó được đạo Tu-đà-hoàn. Được thần thông rồi, họ liền nói kệ này:

Không sinh, cũng không diệt
Không diệt, cũng không sinh
Chúng ta hiểu rõ pháp
Chứng pháp nhẫn Vô sinh.
Trí sáng như mặt trời
Soi khắp cõi thế nhân
Hiện duyên vì giải thoát
Ở đó độ nhân thiên.
Diệt sầu khổ, được trí
Độ tất cả thế nhân
Pháp trị liệu của Phật
Đường ác trọn chẳng nương.
Ánh sáng lớn sao chóng
Diệt tận nơi thế gian
Ức dân chúng thiêu đốt
Địa ngục tưởng, thoát liền.

Đến đây, Đức Phật lại đến trong bốn đại địa ngục: Thiêu nướng, Chưng nấu, Kêu la, Mưa cát đen đốt người, phóng ra ánh sáng kim sắc cùng khắp. Đối với tất cả ánh sáng thì ánh sáng của Đức Phật hòa dịu vừa ý. Đức Phật dùng mắt từ bi nhìn tất cả, bố thí khiến cho yên ổn, ban giới khiến cho thanh lương, tạo ra ánh sáng tịch định đều khắp trong những địa ngục ấy. Uy thần ấy tôn quý thanh tịnh đệ nhất, đối với cấu bẩn không bị nhiễm, xa lìa khỏi cấu bẩn. Đức Phật thí cho trí hạnh, đại từ niệm, đại ai thí, vô hạn an lạc thí và mắt tuệ vô ngại, cho hương giới soi đến tất cả, cho pháp vị đạt đến tất cả, thị hiện pháp thân, ban cho mắt của pháp tâm, đoạn dứt tất cả gốc bất thiện, trao cho tất cả pháp thanh bạch, hủy hoại hết ma lực khiến cho chúng đều sợ sệt, khiến cho đạo tà dị đều đoạn trừ các kiến, khiến cho tất cả mọi người được yên ổn. Đức Phật đã mở cửa trời, đóng kín cửa đường ác, dùng đức vô tận thay cho những khổ đau, một lòng tinh tấn, làm từ, bi, hỷ, xả, thường dẫn đường mọi người đến với đại vô vi, bố thí mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý, tất cả lỗ chân lông của thân phóng ra ánh sáng lớn, nói kinh pháp hòa thuận vừa ý, miệng từ bi nói lời tôn kính:

Ta thí an thế gian
Vì thoát các khổ đau
Thoát hết mọi phiền não
Trừ diệt khổ ngần ấy.
Những pháp ta đã nói
Ánh sáng tịnh tôn quý
Tất cả người nghe pháp
Các đường ác dứt bỏ.
Nếu có người quy mạng
Thì họ được lợi lớn
Ở trong muôn ức kiếp
Chẳng rơi vào đường ác.

Đức Phật nói bài kệ đó rồi, tức thời, mỗi một địa ngục của đại địa ngục, đều đầy đủ hàng muôn ức trăm ngàn người được thoát ra, sinh lên cõi trời Đâu-suất. Do nghe pháp đó nên đều được đạo A-na-hàm. Được thần thông rồi, họ liền nói bài kệ này:

Ví như trong đường hiểm
Thầy trí tuệ dẫn đường
Khiến cho mọi thương buôn
Thoát oán tặc, quỷ thần.
Phật hóa độ cũng vậy
Dùng ánh sáng làm đường
Ức dân chúng thoát khỏi
Lìa nạn si, tham, sân.
Chúng con quy y Phật
Đạo sư phóng quang minh
Đã phát từ bi ý
Được cứu các khổ đau.
Phải nương tựa chánh pháp
Nuôi dưỡng thân chúng con
Tăng là báu tôn trọng
Đức ấy khó nghĩ bàn.

Bấy giờ, Đức Phật đi đến trong ba địa ngục: Hiệp hội, Đại hiệp hội, Bất khả ý, phóng ra năm trăm vạn muôn ức ánh sáng sắc vàng soi khắp trong những chỗ ấy bằng tịch định không người, không có vạn vật, không khởi, không diệt; hằng bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí tuệ v.v…; bằng đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả; bằng hạnh bốn ân; bằng mười lực Như Lai, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng của chư Phật v.v… những hạnh quý và trí tuệ của Như Lai; thần túc biến hóa, nói pháp biến hóa, hóa độ dạy trao biến hóa bằng đại tuệ; bằng năm căn, năm lực, bảy giác ý, Tam-muội, tam ma việt; bằng tất cả hạnh Bồ-tát; bằng Phật tuệ vô ngại; bằng Phật nhãn vô ngại; bằng pháp nhãn vô ngại; bằng tuệ nhãn vô ngại; bằng Thiên nhãn vô ngại; bằng nhục nhãn vô ngại; bằng đại từ, đại bi. Đối với tất cả, Đức Phật dùng tất cả đức của pháp Phật vô thượng, dùng tất cả pháp giác ngộ của Như Lai. Đối với tám ức trăm ngàn loài có mạng sống ở đó đều nhờ năm trăm vạn muôn ức thứ ánh sáng này mà trừ hết các khổ đau, đều được yên ổn, ra khỏi địa ngục Hiệp hội, Đại hiệp hội, Bất khả ý đó và được sinh lên cõi trời Ba-la-ni-mật-hòa-gia-việt. Nghe pháp đó rồi, họ đều trụ ý chí vào đạo A-na-hàm. Đến đây, Đức Phật liền trụ ở cõi trời Phạm mà nói kệ:

Những người không đau khổ
Tức là đệ nhất an
Vì ứng nói đau khổ
Các tưởng hữu niệm không.
Tất cả không sở tưởng
Như ở đây nói lên
Đâu yên ở ba cõi?
Thỉnh thoảng có tử sinh.
Không không kia có giải
Không đó mới là không
Người nói buộc chặt ấy
Đó có thể giải không.
Không là không có khởi
Tư tưởng không có bờ
Đã thấy pháp phi ngã
Tức là con Thế Tôn.
Pháp đó ta chẳng phải
Ngã cũng chẳng được còn
Đó không có ngã nhân
Sao lại có vui mừng?

Đức Phật nói bài kệ này rồi, tức thời hàng muôn ức trăm ngàn người nghe pháp đó, lòng đều đoạn dứt tất cả phiền não. Sinh tử hết rồi, được chứng quả A-la-hán, họ liền bỏ thân mạng để vào Nê-hoàn.

Họ đều nói:

–Chúng con chẳng nỡ nhìn thấy khi Đức Thế Tôn vào Nê-hoàn.

 

Phẩm 6: HIỆN CÁC ĐỨC PHẬT

Bấy giờ, Đức Phật bỗng nhiên biến mất ở cõi trời Phạm, liền trụ

ở rừng Song thọ. Đức Phật nghĩ: “Rồi đây, vào nửa đêm hôm nay Như Lai sẽ vào Nê-hoàn. Dân chúng, lần cuối cùng nhìn thấy sự kết thúc đời của Phật. Ta hãy khiến cho dân chúng vui mừng, được tưởng yên ổn, đoạn dứt những uế độc, khiến cho họ nghĩ đến Như Lai, tác khởi tư tưởng gốc thiện lớn, lìa mọi khổ não, được niềm vui vô cực, phát tâm đại từ, đại bi, bỏ đi các việc ma, mang đến pháp của chư Phật, đều diệt trừ tan nát các lưới, khiến diệt hết các phiền não, bỏ hết những điều dua nịnh, dứt sạch các đại kiến, đi đến các độ, tán thán hạnh của Bồtát. Thị hiện các Đức Như Lai khiến cho tất cả tận mắt nhìn thấy. Tạo tác biến hóa lớn để giảng nói pháp Phật”. Đến đây, Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn nằm ở trên giường sư tử. Đấng Đại Tôn Hùng quan sát khắp mười phương, rồi dùng ngón chân ấn xuống đất thì sáu lần chấn động đến cảnh giới mười phương. Đức Phật liền thu thần vào Tam-muội chánh định. Từ mỗi một lỗ chân lông của Ngài phát ra ánh sáng nhiều như cát sông Hằng. Mỗi một ánh sáng soi khắp cõi nước Phật nhiều như cát sông Hằng. Mỗi một ánh sáng trọn chẳng lẫn lộn nhau trong số đó. Tất cả các lỗ chân lông, mỗi mỗi đều phóng ra ánh sáng nhiều như số cát sông Hằng. Phóng ra ánh sáng rồi, liền như hình tượng Tammuội chánh thọ khiến cho mắt của tất cả mọi người trở thành mắt Phật, đều thấy hết các đất nước Phật, lúc ấy, Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Này các ông! Các ông có thấy khu vực ở phương Đông ngang dọc trên dưới mười vạn do-tuần mà trong đó đầy hạt bụi? Số các Đức Phật ở phương Đông nhiều như bụi này, cứ một hạt bụi là một vị Phật. Các Đức Phật đó đều nằm nghiêng về hông phải, sự hiện biến hóa cũng như vậy. Sự dạy bảo hóa độ của tất cả các vị Phật ấy cũng đều đã chu tất. Các vị đều vào rừng Song-thọ chỗ đất sinh sống của Lực sĩ, đều tên là Thích Ca Văn, tất cả đều nằm ở trên giường sư tử, đều đến nửa đêm hôm nay vào Nê-hoàn. Các ông có thấy, ở phương Đông, chẳng thể kể, chẳng thể tính, chẳng thể nghĩ bàn, không lường hết những Bồ-tát đầy đủ hạnh đi đến dưới cây nơi Phật nhập Niết-bàn chăng? Lại có thấy vô số người đắc Phật đạo chăng? Lại có thấy vô số người khác Chuyển pháp luân chăng? Lại có thấy vô số người khác nói pháp chăng? Lại có thấy không lường người buông bỏ mạng sống chăng? Lại có thấy không có giới hạn số người nằm nghiêng về hông phải ở trên giường sư tử như Ta chăng?

Chúng hội đáp:

–Chúng con đã thấy!

Chẳng biết hết số ấy!

Đức Phật dạy:

–Ví như ba ngàn đại thiên thế giới, trên đến cõi trời Ba Mươi Ba, dưới đến tận cùng bờ cõi của đất mà trong đó đầy bụi. Ý ông thế nào? Có người có thể biết số bụi đó chăng?

–Thưa đấng Thiên Trung Thiên! Số bụi đó chẳng thể kể, chẳng thể lường, chẳng thể xưng, chẳng thể tính!

Đức Phật dạy:

–Ví như ba ngàn đại thiên thế giới đó lại có hàng tỷ ức trăm ngàn ba ngàn đại thiên thế giới mà trong ấy đầy cả bụi như vậy. Có số Bồtát tên là Thích Ca Văn ở nước Phật phương Đông nhiều như số bụi này đi đến dưới cội Bồ-đề, số cũng nhiều như vậy Chuyển pháp luân, số cũng nhiều như vậy dạy trao nói pháp, số cũng nhiều như vậy xả bỏ thân mạng, số cũng nhiều như vậy nằm nghiêng về hông bên phải như Ta, số cũng nhiều như vậy không khởi lên ở cõi Nê-hoàn khác mà vào Nê-hoàn, số cũng nhiều như vậy đều tên là Thích Ca Văn, mẹ tên là Ma-da, cha tên là Duyệt-đầu-đàn, nước ấy tên là Ca-duy-la-vệ, đời ấy tên là Nhẫn Giới, Xá-lợi-phất, Ma-ha Mục-kiền-liên là đệ tử tôn quý, thị giả là A-nan. Như sự việc đã có ở phương Đông, chín phương còn lại cũng như vậy, đều là Thích Ca Văn. Nhiều như số Thích Ca tên là Đề-hoàn-kiệt, cũng như vậy, tên là Viết-đề, tên là Đa-la, cũng như vậy tên là Duy-vệ, cũng như vậy tên là Thức, cũng như vậy tên là Tùy Khí, cũng như vậy tên là Câu-lâu-tần, cũng như vậy tên là Câu-na-hàm, cũng như vậy tên là Ca-diếp; cũng như vậy, các Đức Phật Thiên Trung Thiên đó nhu nhuyến vi diệu như vậy, là danh hiệu phát ra âm thanh nhu nhuyến đều đồng một danh hiệu là Thích Ca Văn. Như Lai đều dùng nhục nhãn đầy đủ nhìn thấy mà còn chẳng đủ lời để nói. Sự thấy ấy rộng lớn hơn cả vô số đã nói đây. Nơi ấy có kẻ ở nhà học đạo hoặc có người xuất gia học đạo khiến các Bồ-tát của một nước Phật đều được làm Phật, được cúng dường những danh hiệu Phật này đầy đủ một kiếp. Lại có người nói kinh pháp của chư Phật hiện tại đó, nghe xong trong giây lát vui mừng tin theo thì hơn cả dân chúng của ba ngàn đại thiên thế giới cùng nhau cúng dường chư Phật đầy đủ. Tất cả các vị Bồ-tát đã tuệ giải như vậy thì mau chóng gần được đạo Chánh chân vô thượng.

Khi Đức Phật nói kinh đó thì sáu mươi hai ức Bồ-tát được pháp khó đầy đủ. Như vậy họ thu hoạch được chẳng thể nghĩ bàn ý Bất thoái chuyển, an lập vào đạo Chánh chân vô thượng. Mười muôn Bồ-tát phát ý đại đạo ban đầu, trụ vào địa vị Bất thoái chuyển Chánh đẳng vô thượng. Ba mươi hai ức Bồ-tát được Bất khởi pháp nhẫn. Hằng hà sa số người đoạn dứt tất cả phiền não, diệt sinh tử chứng thuyết. Vô số người sẽ cùng hội với Đức Di-lặc. Vào lúc đó, bọn ma ác ôm lòng độc hận, rơi nước mắt bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn! Bản nguyện của con là muốn cho Đức Như Lai sớm vào Nê-hoàn, muốn cho dân chúng chẳng ra khỏi cảnh giới của con. Đức Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác đã độ được rất nhiều, nếu trụ thọ mạng ấy đến một kiếp thì số người được độ lại chẳng thể hơn số đã độ hôm nay chăng? Nay đấng Thiên Trung Thiên đã làm rỗng không cảnh giới của con rồi!

Đến đây, Đức Phật dùng ngón tay lấy đất để lên trên móng tay, rồi bảo ác ma:

–Ý ông thế nào? Đất trên móng tay Như Lai nhiều hay đất của đại địa nhiều?

Ma bạch Phật:

–Đất trên móng tay Như Lai ít, đất của đại địa nhiều chẳng thể kể.

Đức Phật dạy:

–Này Ba-tuần! Tất cả những chúng sinh được Ta cứu độ đều đã vào vô vi, số ấy như đất trên móng tay. Số còn lại nghe theo lời dạy của ông thì lại nhiều như đất của đại địa. Ông hãy hoan hỷ, vui vẻ, vừa lòng đi! Loại người như vậy chẳng thể hết, không có tính được!

Phật bảo ma Ba-tuần:

–Ông muốn cầu giống người như cầu hư không. Này Ba-tuần! Việc làm của ông nay thuận tiện, dễ làm rồi! Vì nửa đêm hôm nay Như Lai sẽ vào Nê-hoàn!

Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Hãy an lập cõi nước của chư Phật trong tất cả mười phương! Dân chúng trong cõi nước ấy đều được an lạc, làm hưng thịnh cõi nước của hàng Bồ-tát.

Các Tỳ-kheo đáp:

–Vâng, thưa đức Thiên Trung Thiên! Chúng con đã an lập các cõi nước ấy rồi!

Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Nếu Ta từ một kiếp đến muôn ức kiếp lấy ví dụ tổng hợp so sánh, nói pháp thí dụ, giảng nói pháp nghĩa của các Đức Phật cũng không có lúc cùng, chẳng thể hết vậy. Vô số các Đức Phật Thiên Trung Thiên hiện tại, các Đức Như Lai như vậy đều dùng nhục nhãn cụ túc nhìn thấy hơn thế nữa, sự thấy chẳng thể giới hạn.

Đến đây, Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Việc phải làm của Như Lai là độ tất cả mà không có tư tưởng chấp có, chấp không. Vì sao? Nên Ta bảo các ông!

Lúc đó, Đức Phật tức thời như hình tượng vào Tam-muội, hiện thần túc khiến cho việc nói kinh của các Đức Phật Thế Tôn ở cõi đó mà người cõi này đều nghe. Nghe được kinh pháp đó thì người nhiều như cát sông Hằng được trụ vào hàng Tam thừa. Mười ức trăm ngàn người được đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Mười ức ngàn người đạt được đạo Duyên giác. Những người còn lại đều bỏ thân mạng.

 

Phẩm 7: NƯỚC PHẬT THANH TỊNH

Bấy giờ, Đức Phật dùng ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân, tám mươi vẻ đẹp, mười ức âm thanh, sáu mươi muôn ức ngôn ngữ, vô hạn muôn ức trăm ngàn thứ âm thanh cụ túc để thọ trì các tướng của pháp Phật, như: Như Lai tịch định, Như Lai mười lực, Như Lai bốn vô sở úy, Như Lai bốn thần túc, Như Lai bốn giải trí, mười tám pháp bất cộng của chư Phật, hạnh tu trên đời của Như Lai để khiến cho mọi người đều diện kiến các pháp.

Đến đây, điều nói pháp của Đức Phật liền hiện ra thế giới của ba ngàn đại thiên đó bằng phẳng như bàn tay, không có cát, sỏi, đá, chỉ có ma-ni, chân châu, lưu ly, hổ phách, xa cừ, vàng bạc. Giáp vòng ba ngàn đại thiên thế giới có các bảo điện, vô lượng vô số giao lộ ở cung châu báu, giao lộ cung điện ma-ni. Khắp nơi có cây ngọc Minh nguyệt, táng che ngọc Minh nguyệt, cờ phướn ngọc Minh nguyệt, nhà ngọc Minh nguyệt, tòa ngồi ngọc Minh nguyệt, đầy đủ ba ngàn đại thiên thế giới, cùng khắp tám phương có tám đường giao thông, có vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh, xa cừ, mã não, tượng não, hổ phách báu, báu ống xe đỏ, báu phước cát tường, báu ánh sáng trăng, báu vượt mặt trời, báu Amâu-lặc, báu Cưu-di-lặc, báu vị (mùi vị), báu bích anh v.v… dùng mọi thứ báu này đắp đổi nhau trang hoàng, làm cây, làm lọng báu, cờ phướn. Rễ, thân, đốt, cành, lá, hoa, trái của cây ấy sum suê, cờ phướn, lọng báu xinh đẹp vi diệu. Có cây đồ dùng, cây quần áo, cây có quả chứa chuỗi ngọc để trang sức quần áo v.v… đầy tràn. Có chiên-đàn đỏ, chiên-đàn hồng, chiên-đàn Châm-lặc, mật hương đen quý. Có hoa Mạn-đà-lặc, hoa Đại-mạn-đà-lặc, hoa Câu-ca-lặc, hoa Đại-câu-ca-lặc, hoa Thô, hoa Đại Thô, hoa Nhu nhuyến, hoa Đại Nhu nhuyến, hoa Độ trú, hoa Đại độ trú, hoa Ba-la-lê, hoa Đại ba-la-lê, hoa Thiện Ưu ba-lalê, hoa Nguyệt, hoa Đại nguyệt, hoa Châu biến nguyệt, hoa Mạc (mô), hoa Đại mạc, hoa Châu biến mạc, hoa Thiện kính mạc, hoa Cái, hoa Đại cái, hoa Châu biến cái, hoa Cụ sinh, hoa Đại cụ sinh, hoa Châu biến cụ sinh v.v… hoa giáp vòng đầy khắp ba ngàn đại thiên thế giới, không chỗ trống khuyết. Đâu đâu cũng có hoa sen châu báu. Có chín mươi chín muôn ức trăm ngàn cung điện, nhà cửa. Nhà cửa, cung điện làm bằng lưu ly xanh, vàng ròng, hổ phách, mã não. Xe cộ làm bằng báu cát tường phước, báu ma-ni. Từ trên xe buông xuống lớp rèm mềm mại vi diệu. Những thứ đó đầy khắp giáp vòng ba ngàn đại thiên thế giới đó. Ba ngàn đại thiên thế giới tự nhiên có bày ra tòa ngồi sư tử. Dưới tất cả cây đều tự nhiên có tòa ngồi sư tử. Tòa cụ làm bằng the lụa gấm vóc đẹp đẽ, đồ bọc lót thượng diệu. Có lưới màn tạp sắc và hoa văn xen lẫn nhau, dạng như chùm thao đỏ. Hoặc dùng vàng ròng, báu ma-ni rực rỡ để trang hoàng. Tất cả tòa sư tử đều có Bồ-tát với thân nghiêm sức bằng ba mươi hai tướng tốt. Ba ngàn đại thiên thế giới đó được trải khắp giáp vòng bằng những ngọc đỏ, ngọc xanh, ngọc trắng. Có hương thơm tôn quý của chiên-đàn đỏ, mật hương, hắc sa hương và dùng hạt vàng tung rải khắp nơi.

Đến đây, ở trong hư không của ba ngàn đại thiên thế giới, màn lưới ngọc ma-ni trùm khắp, phát ra âm thanh vi diệu. Ngọc treo trên màn dùng toàn những thứ ngọc diệu quán, ngọc bảo quán, ngọc sư tử, ngọc Bạt-tha-lại-mãi, chúng được buộc bằng sợi vàng xe lại với nhau, dùng vàng trang nghiêm đủ thứ để làm trướng màn báu, dùng thuần vàng làm trướng màn. Ba ngàn đại thiên thế giới này, dưới đến tận bờ cõi của đất, trên lên tới trời Ba Mươi Ba, tất cả đều dùng báu ma-ni, vàng màu vàng tía trang nghiêm giáp vòng. Từ trướng vàng phát ra ngàn muôn vô số âm thanh tốt lành: tiếng không, vô tướng, vô nguyện, tiếng phi thường, khổ, không, phi thân, tiếng tịch định giới Tam-muội trí tuệ giải thoát độ tri kiến, tiếng điều hòa nhẫn nhục tàm quý, tiếng từ bi hỷ xả an tường phụng hành, tiếng bố thí, tiếng bố thí Ba-la-mật, tiếng trì giới, tiếng trì giới Ba-la-mật, tiếng nhẫn nhục, tiếng nhẫn nhục Ba-la-mật, tiếng tinh tấn, tiếng tinh tấn Ba-la-mật, tiếng nhất tâm, tiếng nhất tâm Ba-la-mật, tiếng trí tuệ, tiếng trí tuệ Ba-la-mật, tiếng thần thông, tiếng thần thông Ba-la-mật, tiếng hạnh Bồ-tát. Bồ-tát nghe các thứ tiếng ấy khiến cho đạt đến địa vị Bất thoái chuyển, tiếng Bồtát được pháp nhẫn Vô sinh, tiếng tất cả các pháp Phật v.v… Như ánh sáng Phật A-di-đà của nước Tu-ma-đề, như Đức Phật Thế Tôn A-sáp và cùng với sở hữu của nước Hương Vương thượng diệu, như đấng Thiên Trung Thiên Bảo Hương, như đấng Thế Hùng của nước Phật Pháp Diệm Quang, như đấng Thế Tôn Ma Ni Vương, như Nhật Bảo Tạng, mà còn hơn Nhật Bảo Tạng, như Đức Phật Âm Hưởng Vương, như Đức Phật Thiện Giác, như nước Phật Tu Di Kiếp Chánh Giác hưng thịnh an lạc. Đất nước của Thích Sư Tử hưng thịnh an lạc cũng như vậy. Ngài vì thương tất cả nên thị hiện vào Nê-hoàn. Người được biết không nghi ngờ, cõi của Đức Thế Tôn bần cùng. Do thương những người đó nên thị hiện nước diệu lạc như tất cả các Phật Thế Tôn làm Phật sự. Cõi của Đức Thích Sư Tử cũng như vậy, mảy lông, sợi tóc không khác, không thêm, không bớt. Lại như tất cả cõi nước chư Phật diệu lạc, nghiêm tịnh, tốt đẹp. Cõi của đấng Thích Sư Tử cũng như vậy, đến mảy lông, sợi tóc cũng chẳng sai khác.

 

Phẩm 8: THIÊN BỒ TÁT

Bấy giờ, Hiền giả A-na-luật khóc lóc thảm thiết, liền nói bài kệ:

Tựa như trăng tròn giữa hư không
Như muôn ngàn tia nắng ban mai
Như lửa ma-ni chiếu soi khắp
Thế Tôn không còn làm giáo thọ.
Ai là người cứu khổ thế gian?
Vô lượng chúng sinh còn sinh tử?
Tất cả thế giới đều tốt tăm
Bởi vì Thế Tôn đã Niết-bàn.
Chúng sinh ở khắp trong ba cõi
Sở dĩ có an vui, giải thoát
Đều nhờ Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng
Từ bi thương xót và trưởng dưỡng.
Thế Tôn là vị thầy thuốc giỏi
Đưa chúng sinh đến bờ giải thoát
Cứu vớt tất cả mọi khổ đau
Đấng Pháp vương nay vào Niết-bàn.
Khắp cả thế gian đeu quay cuồng
Từ nay vĩnh viễn chẳng thấy Ngài
Hóa giải tất cả tham, sân, si
Chúng sinh ba cõi đều quy mạng.
Bậc Đạo sư đoạn trừ sinh tử
Sí điểu, rồng thảy đều quy mạng
Quỷ, Ma-hầu-lặc, A-tu-luân
Sau Phật diệt độ, rơi tối tăm.
Không có dâm dục, lìa mạn trần
Ánh sáng bốn phương đã diệt độ
Tất cả thế gian sẽ tối tăm
Phật nhập Nê-hoàn, cớ sao vậy!

Hiền giả A-na-luật nói kệ này xong, tức thời có các vị ở các cõi trời khác nhau đều đến nơi Phật nhập Niết-bàn. Có người đi một mình, hoặc đi xe voi, đi xe ngựa; người tại các giao lộ, người trong các giảng tòa, người trong các cung điện, người ở trên cửa sổ, người ở trên các nẻo đường, người ở trong nhà, người ở trên vòm bán nguyệt, người ở trên thềm bệ v.v… đều từ chỗ ở của mình đi đến nơi Phật Niết-bàn. Khi đi đến, họ kêu khóc thảm thiết, đến đất sinh sống của các lực sĩ, tới chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Đức Phật. Hoặc có vị trời tung lên các hoa Ưu-bát xanh, vàng, trắng, hoặc có vị tung lên đủ loại chiênđàn, hoặc có vị trời tự lấy mũ báu, bông tai báu, vòng tay báu và áo trời đem tung lên trên Đức Phật, cúng dường Đức Phật. Đến đây, Hiền giả La Vân kêu khóc bi ai, nói kệ:

Công đức thù thắng, tuệ không lường
Trời người tôn kính bậc Chánh giác
Trừ mọi nghiệp ác, dứt lo toan
Đến nơi lực sĩ đang sinh sống.
Phật là cội phước, người kính ngưỡng
Phật là y vương trừ các bệnh
Thân tướng thanh tịnh như hoa sen
Phật nay an giấc nơi Song thọ.
Phật như ánh sáng vầng nhật, nguyệt
Chói chan chiếu sáng khắp muôn nơi
Là vị Pháp chủ đến Ta-bà
Độ thoát ức người lìa khổ não.
Phật nhập tịch tịnh, vô vi pháp
Đến bờ kia, đệ nhất vô tưởng
Xả bỏ tất cả nguyện thế gian
Pháp vương đã đi vào Nê-hoàn.
Thế Tôn nhập diệt, đất trời tối
Đi lại tự tại trong ba cõi
Phật là Đạo sư độ tử sinh
Vì thương chúng sinh, hiện Niết-bàn.
Phát ra tiếng rống sư tử chúa
Lời Phật ấy sáng như trăng rằm
Chúng sinh nghe thấy đều vui mừng
Thương xót chúng sinh, hiện thị tịch.
Hiền giả La Vân khen mười lực
Vật vả khóc thương, mắt dàng dụa
Lăn lóc nơi đất không tự kềm
Pháp vương thương xót đừng Niết-bàn!

Tôn giả La Vân nói bài kệ này xong. Bấy giờ ở phương Đông, có vô số thế giới chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể xưng tán, không bờ cõi. Hàng Bồ-tát ở các nước chư Phật đều từ giã các Đức Phật nơi bản quốc của mình đi đến chỗ Phật Niết-bàn. Vì muốn thấy Đức Như Lai vào Nê-hoàn và đại hội Bồ-tát, muốn được chiêm ngưỡng Đức Như Lai, cúi đầu đảnh lễ cúng dường. Các vị Bồ-tát đến đây đã trải qua vô số vô lượng thế giới, tại các cung trời, tất cả các âm thanh vi diệu không có người tấu mà tự phát. Trời mưa hoa Mạn-đà. Các Thiên tử của những thế giới đó có đức lớn, học Đại thừa, các vua trời, vua rồng, vua quỷ thần A-tu-la, vua Ca-lưu-la, vua Chân-đà-la, vua Ma-hầu-lặc v.v… đều theo hầu các vị Bồ-tát đến cúng dường. Các vị Bồ-tát dùng các báu tự trang nghiêm mình đi đến, hoặc mặc quần áo của Thiên tử mà đến, hoặc mặc áo quần của Thiên tử trời thứ sáu mà đến, hoặc mặc áo quần của Thiên tử trời Đâu-thuật mà đến, hoặc mặc áo quần của trời Đế thích mà đến, hoặc mặc quần áo của Nhật Vương mà đến, hoặc mặc áo quần của Nguyệt Vương mà đến. Có Bồ-tát vào trong điện xá báu mani ngồi kiết già mà đến, hoặc vào trong cung báu ma-ni ngồi kiết già mà đến, hoặc vào trong trướng giao lộ báu ma-ni ngồi mà đến. Lại có Bồ-tát vào trong điện thơm, cung thơm, trướng giao lộ thơm ngồi kiết già mà đến, hoặc vào điện vàng tía, hoặc vào điện tất cả báu, hoặc vào trong trướng giao lộ tất cả báu ngồi kiết già mà đến. Lại có Bồ-tát vào điện chiên-đàn đỏ, vào trong điện xá tất cả chiên-đàn ngồi kiết già mà đến. Lại có Bồ-tát vào điện hoa bảy báu, hoặc vào điện báu ánh sáng mặt trăng sáng hơn ngọc ma-ni nhật nguyệt, hoặc vào điện ngọc báu Như ý, hoặc vào cung ngọc báu Như ý, hoặc vào trong trướng giao lộ Như ý ma-ni ngồi kiết già mà đến.

Các vị Bồ-tát dùng ba mươi hai tướng tốt trang nghiêm thân mình, có vô số ánh sáng, ánh sáng rực rỡ chẳng thể nghĩ bàn, vô số ánh sáng rộng lớn. Những ánh sáng ấy diệt trừ tất cả sự khổ đau của con người, khiến cho tất cả được ánh sáng thiện tưởng, tiêu trừ tất cả ánh sáng của địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, đem tất cả đến ánh sáng thiện đạo, khiến cho thân họ có tướng phước công đức đoan chánh đặc biệt đẹp đẽ mà người thấy đều vui mừng, yêu mến sắc tướng ấy, không ai ngang bằng được. Sắc tướng ấy được sự nhìn thấy của tất cả mọi người. Các vị Bồ-tát có thứ tiếng Phạm mà âm hưởng dịu dàng làm cho phát sinh âm thanh vui mừng về Đạo, âm thanh tạo sự sợ hãi cho các ma, âm thanh ích lợi cho tất cả mọi người, âm thanh sinh ra các pháp, các phước đức, âm thanh diệt trừ tất cả ác, sinh ra vô lượng pháp minh. Các Bồ-tát Đại sĩ đó mưa xuống những hoa trời báu khắp ba ngàn đại thiên thế giới. Các vị đi đến với Đức Như Lai, hoặc mưa xuống áo trời, hoặc mưa xuống chuỗi ngọc trang sức, hoặc mưa xuống lọng báu, hoặc mưa xuống phướn báu bằng lụa ngũ sắc, hoặc mưa xuống đủ thứ chiên-đàn, hoặc mưa xuống vàng ròng màu vàng tía, hoặc mưa xuống hoa sen, hoặc mưa xuống ngọc Như ý, hoặc mưa xuống những báu sở hữu hơn cả trời khắp cả ba ngàn đại thiên thế giới. Những thứ đó đều rơi xuống chỗ Đức Như Lai. Hoặc có vị Bồ-tát hóa làm ra các lọng báu trang sức như ba ngàn đại thiên thế giới vượt hơn những thứ báu của trời để cúng dường Đức Như Lai. Hoặc có vị Bồ-tát dùng các chuỗi ngọc trang nghiêm như ba ngàn đại thiên thế giới hóa làm cành mềm mại của hoa sen. Lưu ly xanh, xà cừ, hổ phách, bảo tạng, cát tường dùng làm xe. Xe ngọc Như ý đều cùng khắp. Ngọc ánh sáng, ngọc ma-ni, vàng ròng v.v… đem tất cả làm đồ trang sức. Hoặc có vị hóa làm một cung điện như ba ngàn đại thiên thế giới. Hoặc có vị hóa làm các trướng giao lộ báu hơn cả trời như ba ngàn đại thiên thế giới, rồi dùng ngọc ánh sáng, vàng ròng v.v… tất cả để trang hoàng. Hoặc có vị hóa làm chỗ thanh tịnh như ba ngàn đại thiên thế giới rất lớn, chẳng thể kể, vô lượng vô biên chẳng thể nghĩ bàn, không lường được, không bờ bến. Sở dĩ hóa ra như vậy là để cúng dường Đức Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác. Tám phương và trên dưới Bồ-tát đều đến như vậy. Chẳng thể kể, chẳng thể tính, chẳng thể nghĩ bàn, không thể lường những Bồ-tát đến cúng dường Đức Phật. Những vị Bồ-tát đó đều đồng thời cúi đầu đảnh lễ dưới chân Đức Phật, nhiễu quanh Đức Thế Tôn ba vòng. Rồi mỗi vị đều từ cõi nước mình đã đến, có hoa sen hóa làm tòa sư tử, dùng những ngọc báu sáng và vàng ròng trang hoàng những tòa ngồi ấy. Mỗi một vị Bồ-tát đều vì Đức Phật, ở rừng Song thọ, hóa làm tòa sư tử, dùng vô lượng áo thanh tịnh vượt hơn trời trải lên tòa ấy, dùng vô lượng vô số đủ các màu sắc, chẳng thể kể hết, trăm ngàn muôn thứ màu sắc vượt hơn cả những thứ ở trên trời để trang hoàng. Các vị dùng ngọc ánh sáng, vàng ròng, các báu màu vàng tía làm trướng mà trang nghiêm. Dùng hương thơm vượt cả trời mà xông tỏa sực nức khiến cho tất cả chúng sinh cải ác hướng thiện, tất cả đều hoan hỷ, vui vẻ. Việc làm của một Bồ-tát như thế thì các Bồ-tát khác cũng như vậy. Mỗi mỗi sự hóa hiện của từng vị đều khác nhau. Vì sao? Vì tịch định, không thiên lệnh, đối với các pháp không dính mắc. Ví như ngọc Như ý đối với các trần cấu không bị nhiễm ô. Học phương tiện khéo léo, đối với các pháp đã niệm thanh tịnh, được các pháp tôn tuệ. Như thân đã làm thì lời nói cũng như vậy. Là vị đại thí chủ bố thí tất cả mà không trụ ở bất kỳ pháp nào. Các vị Bồ-tát đó đều khen ngợi Đức Như Lai xưa vì cầu đạo mà tu tất cả các hạnh khổ khó làm chẳng thể kể, chẳng thể lường, chẳng thể xưng tán. Nay vì pháp nghĩa mà thị hiện.

 

Phẩm 9: NHƯ LAI HÓA THUYẾT PHÁP

Bấy giờ, Hiền giả A-nan dùng kệ khen Đức Phật:

Mắt sáng tỏ như vầng trăng tròn
Thần túc, mười lực, tuệ không lường
Là đấng trời, rồng đều kính ngưỡng
Hôm nay Thế Tôn vào Niết-bàn.
Tất cả trời người đều đến viếng
Thế Tôn dẫm chân xuống mặt đất
Sáu cõi đất trời đều chấn động
Phóng ánh sáng khắp cõi nước Phật.
Đàn, sáo, trống, chuông các nhạc cụ
Chẳng tấu mà tự phát âm thanh
Sư tử, cọp, nai, trâu hoang dã
Các rồng, voi lớn ở Tuyết sơn.
Rống, kêu, gầm, thét lòng hoan hỷ
Đều có ý lành hướng Thế Tôn
Tiếng ấy vui hơn mọi vật báu
Trăm ngàn muôn ức các loài vật.
Trông thấy ánh sáng đều hớn hở
Được vô lượng vô số an lạc
Muông thú chim chóc đều nhảy nhót
Xoa-la-chiêm nhiều không thể lường.
Ở núi Thiết vi chim anh vũ
Hót mừng vui đến chỗ Thế Tôn
Người vốn đã mất các kho báu
Đều được hoàn lại, đến Thế Tôn.
Người nhiều sân hận khởi lòng lành
Tâm ý thanh tịnh phụng thờ Phật
Trời ở hư không rơi mưa hoa
Hoa sen Văn-la có ngàn cánh.
Các cung, thể nữ và Thiên tử
Đều vì cúng dường Đức Thế Tôn
Sắc tịnh như vậy sẽ biến mất
Tại sao nay Phật lại Nê-hoàn?
Ví như trâu nghé dứt sữa mẹ
Đoạn tuyệt ủng hộ rất thảm thương
Đấng Mười lực vốn không trần cấu
Lìa khỏi tử sinh, độ chúng sinh.
Cõi nước Thế Tôn thường tự tại
Trường thọ đời đời chẳng giảm tăng
Ánh sáng của ai hơn nhật nguyệt?
Sức ai vượt hơn Thiết Vi sơn?
Ai sẽ nhẫn nhục ngang bằng đất?
Thế Tôn dạy người thoát phiền não
Dùng sức tinh tấn và nhất tâm
Trí tuệ sáng suốt độ chúng sinh.
Như con nhiều đời lìa xa mẹ
Tạm thời hội ngộ, lại chia tay
Con buồn nhớ mẹ, bốn phương tìm
Thế Tôn Nê-hoàn, con cũng vậy!
Ưu sầu buồn khổ, không còn vui
Thấy Phật kinh hành và thiền định
Lại thấy giảng đường cùng tinh xá
Tại sao đoạn dứt đức Cát Tường?
Giảng khen mười lực cho chúng sinh
Vô lượng đệ tử dòng họ Thích
Vật vã trên đất nằm lăn lộn
Lần cuối con thấy ánh trăng lành.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn dùng tất cả pháp trì cú để thành tựu các Tam-muội, như: Thiện thuyết Tam-muội, Lôi vũ Tam-muội, Sư tử hưởng Tam-muội, Quang diệu hưởng Tam-muội, Uy thần quang minh Tam-muội, Phóng quang minh Tam-muội, Vi diệu cú Tam-muội, Lực Tam-muội, Lực cú Tam-muội, Vô lượng lực Tam-muội, Ý trì chiếu minh Tam-muội, Khởi thế hữu Tam-muội, Cổ hướng Tam-muội, Nguyệt Tam-muội, Đại nguyệt Tam-muội, Châu tráp Tam-muội, Nguyệt hưởng Tam-muội, Thượng nguyệt Tam-muội, Tạng Tam-muội, Đế tạng Tam-muội, Lưu ly tạng Tam-muội, Quán thị Tam-muội, Vô lượng quán thị Tam-muội, Biến chiếu nhất thiết thập phương Tammuội, Trừ nhất thiết nghi quang minh Tam-muội, Chí thành Tam-muội, Đế chí thành Tam-muội, Chí ngữ Tam-muội, Thuyết nhất thiết hạnh Tam-muội. Sở thuyết đế chí thành Tam-muội, Vô lượng Tam-muội, Tịch định Tam-muội, Tịch định cú Tam-muội, Đế tịch định ngữ Tammuội, Bố thí Tam-muội, Đế bố thí Tam-muội, Đại bố thí sĩ Tam-muội, Quang minh Tam-muội, Thiện quang minh Tam-muội, Đại quang minh Tam-muội, Vô lượng quang minh Tam-muội, Chiếu minh cú Tammuội, Đoạn nhất thiết nghi quang minh Tam-muội, Thuyết chư thiện bản Tam-muội, Trừ thuyết chư nghi kết Tam-muội, Đế thuyết kiến Tam-muội, Ư thị đoạn nghi Tam-muội, Thiện thí phế giải Tam-muội, Tác chư Phật Tam-muội, Hiện thuyết nhất thiết hạnh Tam-muội, Thiện thuyết nhất thiết hạnh Tam-muội, Thiện thuyết chuyển pháp luân Tam-muội, Thiện khai độ kỳ xứ Tam-muội, Dĩ thị thiện thuyết hiện tại chư Phật tuệ Tam-muội v.v… Đức Phật chánh thọ tại chỗ, từ mỗi một sợi lông của Ngài phát ra chẳng thể kể, chẳng thể bàn, chẳng thể xưng, chẳng thể lường, không có bờ bến muôn ức trăm ngàn ánh sáng. Mỗi một luồng ánh sáng hóa ra vô lượng vô số, chẳng thể nghĩ bàn, vô lượng ao tắm. Mỗi một ao tắm hóa làm ra chẳng thể kể bàn, vô số, vô hạn muôn ức trăm ngàn hoa sen. Trên mỗi một hoa sen hóa ra chẳng thể kể bàn, vô số, vô hạn muôn ức trăm ngàn tòa ngồi. Trên tất cả các tòa ngồi đều có Như Lai ngồi nói pháp. Mỗi một vị hóa Phật, đã mở đường dẫn lối cho con người, khiến họ trụ vào địa vị Bất thoái chuyển, trụ ở pháp Phật. Số người ấy bằng số hóa Phật đã ngồi trên hoa sen, được đạo quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Mỗi một vị hóa Phật đều có như số Duyên giác đó và kẻ chẳng thoái chuyển, an lập ở gốc thiện thì số ấy cũng vậy. Người sinh lên cõi trời thì số cũng như vậy, họ chẳng rơi vào các đường khổ. Bờ của các ao tắm đều có bốn cây báu với vô số thân, đốt, cành, lá, hoa, trái. Trên mỗi một thân, đốt, cành lá, hoa, trái hóa ra vô số chẳng thể kể bàn, chẳng thể xưng lường các Đức Như Lai ngồi trên tòa sư tử nói pháp, độ thoát tất cả. Số được độ thoát ấy bằng với số hóa Như Lai ngồi trên cây. Khai hóa độ thoát xong, các vị liền nói kệ:

Đấng Hộ, Nhân Trung Tôn
Giác ngộ tất cả pháp
Người thấy đều vui mừng
Dứt bỏ mọi nghiệp ác.
Phật đã có thần thông
Đấng Thế Hùng khó gặp
Giống như hoa Ưu-đàm
Sắc ấy rất đẹp ý.
Muốn cúng dường Thế Tôn
Và phụng thờ thân Ta
Kinh pháp đó nghe xong
Trong lòng sinh hoan hỷ.
Kia muốn thấy Thế Tôn
Nhân Trung Thượng hiện tại
Ánh sáng thế uy thần
Phải vui tin tốt lành.
Các Đức Phật vị lai
Dùng ánh sáng độ người
Muốn thấy được Thế Tôn
Phải tin là tốt lành.
Muốn cầu pháp Đại thừa
Người đó có lợi lớn
Nghe kinh pháp đó xong
Liền phụng thờ chư Phật.
Mắt ấy được sạch trong
Và các căn tai, mũi
Thân, miệng, ý các căn
Vì đoạn, không thọ nhận.
Tam-muội, giới sạch trong
Trí tuệ, giải thoát tịnh
Giải thoát hiện trí sáng
Thoát hiện là thành thật.
Tất cả pháp là thông
Với “ngã” không còn khởi
Sự biết cũng không diệt
Chẳng phải lo tiếng vang.

Các vị hóa Như Lai nói kệ này xong, tức thời người nhiều chẳng thể kể an trụ vào Tam Thừa. Vô số dân chúng nơi thế giới đều được nhất tâm. Các địa ngục của vô số nước Phật đều diệt hết. Các súc sinh đều thoát khỏi khổ sở. Ngã quỷ đều được yên ổn. Bấy giờ, Đức Phật vào vô lượng Tam-muội chánh thọ. Đức Như Lai trụ ở Tam-muội đó thì tùy theo sự mong muốn của tất cả mọi người, như muốn được báu thì được như ý, muốn thấy báu của nước Phật thì đều hiện ở trước mặt, muốn thấy các Phật nhận trang sức bằng báu thì tùy theo ý thích, ý muốn thấy sắc thì thấy các quận, nước, huyện, ấp và dân chúng trong nước tức là nhìn thấy đúng như ý muốn có đầy các nước Phật. Trọn đời muốn thấy chuỗi ngọc trang sức của đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, thì đúng như ý. Cũng lại muốn thấy trang phục, ăn uống, nhà cửa của trời, rồng, quỷ, thần, Kiền-đạp-hòa, A-tu-luân, Ca-lưu-la, Chân-đà-la, Ma-hầu-lặc v.v… sở thích như ý muốn đều thấy, đều được. Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Có Tam-muội tên là Tuệ hạnh. Các Đức Phật Thế Tôn trụ ở Tam-muội đó thì theo sự ước muốn của người được Tam-muội, liền thấy nguyện của tất cả mọi người như ý.

Này A-nan! Các Đức Phật Thế Tôn có Tam-muội tên là Vô lượng quá độ. Uy thần cát tường tùy theo sự mong muốn của con người, được vạn vật thì liền ở trước mặt như ý muốn. Được vạn vật rồi cúng dường Như Lai.

Này A-nan! Các Đức Phật Thế Tôn có Tam-muội tên là Nhãn. Khi trụ ở Tam-muội đó thì khiến cho tất cả mọi người chẳng tập theo dục lạc nữa, ưa muốn đạo đức, đối với dâm dục, bất tịnh tưởng, chẳng chứa nhóm nữa, ở trong mơ cũng chẳng ưa.

Này A-nan! Các Đức Phật Thế Tôn có Tam-muội tên là Tàm quý. Khi trụ ở Tam-muội đó thì khiến cho dân chúng trong các nước Phật đều có lòng xấu hổ, không có ý sân giận, loạn động.

Này A-nan! Các Đức Phật Thế Tôn có Tam-muội tên là Mục chủ. Trụ ở Tam-muội này thì người mù được thấy.

Này A-nan! Các Đức Phật Thế Tôn có Tam-muội tên là Vô ưu chủ. Khi trụ ở Tam-muội đó, nếu vào thành thì khiến tất cả mọi người không lo buồn nữa.

Này A-nan! Các Đức Phật Thế Tôn có Tam-muội tên là Thần thông chủ. Trụ ở Tam-muội đó thì khiến cho kẻ không thần thông bay đi trên hư không. Thần túc có thể cao bảy cây Đa-la.

Này A-nan! Các Đức Phật Thế Tôn có Tam-muội tên là Thế quang diệu. Khi trụ ở Tam-muội đó thì người mù được thấy Đức Thế Tôn.

Này A-nan! Các Đức Phật Thế Tôn có Tam-muội tên là Thọ thanh tịnh. Khi trụ ở Tam-muội đó thì chân đạp ngạch cửa khiến cho trời, rồng, quỷ, thần, vua Kiền đà la, vua A-tu-luân, vua Ca-lưu-la, vua Chân-đà-la, vua Ma-hầu-lặc, Đế thích, Phạm vương v.v… ở đó cúi đầu lễ Phật.

Này A-nan! Các Đức Phật Thế Tôn có Tam-muội tên là Quá sư tử ảnh. Khi trụ ở Tam-muội đó thì các ngoại đạo vừa thấy uy thần của Như Lai đều hàng phục tự quy y.

Này A-nan! Các Đức Phật Thế Tôn có Tam-muội tên là Kim cương quang minh. Khi trụ ở Tam-muội đó, chân dẫm xuống đất thì những núi Thiết-vi, Đại-thiết-vi, núi Tu-di và núi Đen, các ngòi, rảnh, khe, hang, núi, rừng và đất của ba ngàn đại thiên thế giới đều ngay thẳng. Cái cao thì thấp xuống, gò đống thì bằng phẳng. Đất ấy mịm màng ví như áo đẹp.

Này A-nan! Các Đức Phật Thế Tôn có Tam-muội tên là Phục chư ma lực. Khi trụ ở Tam-muội đó thì khiến cho các ma sợ sệt kinh hãi chẳng yên. Tất cả đều chẳng ưa cung điện nhà cửa của mình, sợ hãi chẳng ở. Chúng đi đến gặp Đức Phật để quy mạng Đức Như Lai, cúi đầu dưới chân Phật.

Này A-nan! Các Đức Phật Thế Tôn có Tam-muội tên là Vô khủng cụ. Khi trụ ở Tam-muội này thì khiến cho tất cả mọi người không có ý tổn thương độc hại. Họ đối xử với nhau không sợ sệt cũng không kiêu mạn.

Này A-nan! Các Đức Phật Thế Tôn có Tam-muội tên là Diệu cú. Khi trụ ở Tam-muội đó thì khiến cho con người trong các thế giới, kẻ không có đồ ăn được các vị ngon đủ thứ nhiều vô số.

Này A-nan! Các Đức Phật Thế Tôn có Tam-muội tên là Nhan sắc. Khi trụ ở Tam-muội đó thì khiến cho tất cả mọi người được sắc thân tốt đẹp, chẳng bị các bệnh tật.

Này A-nan! Các Đức Phật Thế Tôn có Tam-muội tên là Vị tha nên khiến cho kẻ không có áo được áo tự nhiên. Khi trụ ở Tam-muội đó thì người bị giam cầm trong ngục đều được giải thoát, những người bị ách nạn khiến cho khỏi nạn khổ, được nhiều an vui, người tham tiếc ưa bố thí, kẻ giới ác trụ ở tịnh giới, người sân giận an lập hạnh nhẫn nhục, kẻ biếng nhác khiến được tinh tấn, đoạn dứt những pháp bất thiện, tích tập thêm pháp thiện, người ý loạn khiến cho được nhất tâm, kẻ trí ác khiến cho được trí tuệ thanh tịnh.

Này A-nan! Các Đức Phật Thế Tôn có Tam-muội tên là Thuyết vô ý hành thiện thuyết cú. Khi trụ ở Tam-muội đó thì khiến những người ưu sầu đều vui mừng hớn hở.

Này A-nan! Các Đức Phật Thế Tôn có Tam-muội tên là Nhị quang. Khi trụ Tam-muội đó thì đối với các pháp quá khứ, vị lai và hiện nay không có ngăn ngại, không có sự chẳng bình đẳng thị hiện trí tuệ.

Này A-nan! Các Đức Phật Thế Tôn có Tam-muội tên là Đối với các pháp không dua nịnh liền bỏ đi. Khi trụ ở Tam-muội đó thì khiến cho các vị Bồ-tát đại sĩ đạt được pháp nhẫn Vô sinh.

Đức Phật giảng nói như vậy rồi, Hiền giả A-nan, các vị đệ tử lớn, các hội Bồ-tát ở mười phương, những trời, rồng, thần, dân chúng ở thế gian làm lễ Đức Phật mà đi ra.

Pages: 1 2