SỐ 1671/12
KINH PHƯỚC CÁI CHÁNH HẠNH SỞ TẬP
Tác giả: Bồ tát Long Thọ soạn tập.
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Sa môn Nhật Xưng.
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ (2013).

 

QUYỂN 1

Cung kính lễ chư Phật

Cùng Bồ-tát, Thánh chúng

Hay dùng mắt trí tịnh

Dẫn dắt khắp quần sinh.

Đế Thích đủ ngàn mắt

Đại Tự Tại ba mắt

Và ánh sáng nhật nguyệt

Đều không thể chiếu khắp.

Na-la-diên hai mắt

Biến hiện các sắc tượng

Hàng phục A-tu-la

Cậy kiêu mạn sân hận.

Chỉ Phật đủ trí sáng

Diệt ác, trừ ám chướng

 Như dùng đuôi chim công

Xua bỏ các độc cấu.

Như Lai, đại trượng phu

Đảnh bày tướngbạch hào

Bảy vòng hữu thành ốc

Nhuần thấm rất khả ái.

Trời, trăng đèn đời sáng

Che ẩn đều không hiện

Chư thiên và người đời

Đều cúng dường xưng tán.

Nghe những lời này rồi thì muốn làm những gì? Nên đối với lời Phật dạy tôn trọng yêu thích. Ánh sáng của trí kia như ánh đèn chiếu xa có thể phá trừ tăm tối ngăn che của ngu si, thế nên khai thị mắt trí của Phật. Cũng như đám mây lớn có thể tuôn mưa nước ngọt. Như ánh trăng tròn mùa thu có thể dứt trừ nóng bức. Rốt cùng là nhận giữ chánh pháp của chư Phật, tăng trưởng trí tuệ của hết thảy Phật, quyết định thành tựu căn, lực, giác chi. Dứt trừ hai thứ gió sóng nghiệp, hoặc. Không bị sông ái làm cho chìm đắm. Nương theo thuyền chánh pháp để đi đến bờ kia. Đối với các hành như thí v.v… nên khéo tu tập thực hiện. Dùng các thứ ngọc báu đem bố thí để phá trừ lỗi tham lam, thêm lớn nghĩa lợi. Vui giữ tịnh giới, đọc tụng kinh điển. Hành tác những việc như thế rồi, Tỳkheo các ông, ở nơi lọng phước kia, mau chóng được viên mãn.

Như lời Phật dạy, nơi mười nghiệp thiện, vì sao không tu tập? Tâm bị tham sai khiến, cũng như kẻ tôi tớ, thân chấp vướng dục lạc, không tỏ ngộ về vô thường, luôn luôn tìm cầu không có ngừng nghỉ. Do ngu si nên sinh ngã mạn. Đối với tiền tài vật báu của mình thì keo kiệt thâu giữ. Thấy những người đến xin liền quay mặt bỏ đi. Chưa từng, trong chốc lát, ở nơi xứ tĩnh lặng, tu trì tịnh giới, hành tập các thiền định, các hành tạo lợi ích cho hữu tình, như Phật đã dạy. Các ông ở trong ấy là không đạt được gì cả.

Lại tiền tài, của cải này đã làm tăng trưởng kiêu mạn, trạo cử, tán loạn, khởi lên nhiều thứ ưu não, sinh ra các sự sợ hãi, ngăn che nẻo thiện. Đấy là pháp tan hoại, là pháp đọa lạc, là pháp vô thường, không có chủ tể, không có chỗ quy hướng nơi đời trước sau, đều không thể được. Hiện tại vui ít, sát-na không trụ giống như cảnh nơi mộng, dợn nắng, huyễn hóa, thành Càn-thát-bà và vòng lửa xoay tròn. Như thân cây chuối kia ở giữa không có thật. Như bọt nổi trên mặt nước, phút chốt tan hoại. Người ngu không rõ, mọi thứ đều mong giữ lấy. Do duyên ấy nên khổ nhiều vui ít. Chứa nhóm hết thảy phiền não căn bản, thế nên cần phải khởi tưởng không bền chắc, khởi tưởng vô thường. Nếu đối trị như thế thì không bị các thứ giặc cướp, nước lửa, thân thuộc quan lại xâm chiếm, tổn hại. Cũng không bị Diễm-ma-la vương kia ăn nuốt, mà nơi đời sau quyết định thành tựu phước báo an lạc lớn. Do dùng tài thí gồm thâu các hữu tình, người này đồng với hoa Cô-mâuna kia nở rộ tươi tốt trọn vẹn, được nhiều người vui thích nhìn ngắm. Hết thảy tội chướng tích tụ hiện có đều được tiêu diệt trong sát-na. Giống như ngọn lửa mạnh, đốt cháy đống củi khô, không còn dư sót. Như trong sông Hằng đã rửa sạch các thứ cấu nhiễm khiến đều được thanh tịnh. Như ngọc báu ma-ni tùy ý thành tựu, những người đến xin đều khiến đầy đủ, đều cùng khen ngợi. Đây là nơi chốn nương dựa, tạo sự an lành thù thắng, công đức chân thật, tiếng tốt lưu hành lan xa. Lìa các thứ lỗi lầm tai hại, thọ mạng được lâu dài. Rộng tu phạm hạnh thì có thể phá trừ các độc tham, sân, si, các lỗi như tà kiến v.v…, cỡi xe công đức, vĩnh viễn không bị đọa lạc. Nếu tâm nhiễm ô đắm chấp nơi cảnh dục, tạo tác hắc nghiệp rồi, thì như thiên tử Nga-ma-na-sa-la, mau chóng chuyển đổi, tạ tội. Nên biết về người nữ, bày rõ điều xấu ác rất đáng nhàm chán. Hữu tình ngu si, tranh giành tham đắm. Kẻ tham đắm dục này ví như người khát nước kia, uống nước mặn, tâm không dừng đủ. Như chặt gốc cây, không lâu tức khô héo. Như dòng thác trên núi đổ xuống, không thể ngăn chận. Như ở trong hang rắn tức bị nó cắn chích truyền nọc độc. Như viên sắt nóng, chạm vào liền sinh khổ não. Như ăn trái độc, sau tất bị tổn hại. Như sương móc đọng trên cỏ lá, không thể dừng lâu. Như đám mây nổi trên trời, tức khắc tan mất. Như dùng cát làm thành thì mau chóng bị hủy hoại. Như lấy đất chưa nung làm đồ dùng, thể của nó chẳng bền chắc. Như cây cung của Đế Thích, không lâu sẽ ẩn mất. Như cỡi xe hư vỡ, khởi động tức nghiêng đổ. Giống như tấm lưới, chạm vào thì bị trói buộc. Hết thảy tai nạn, dùng làm bạn bè, vì thế bậc Chánh sĩ phải nên lìa bỏ.

Lại, Đức Thế Tôn nói: Nếu đối với năm dục không sinh tham đắm, thì hiện tiền đạt được vô lượng báo an vui. Vị kia tức có thể cắt đứt dòng thác phiền não, cỡi thuyền chánh pháp, hay đến bờ kia. Ta ở trong ba đại A-tăng-kỳ kiếp, tích tập hành phước, mới có thể đạt được sự biện giải về nghĩa vị phong phú, vì các chúng sinh bình đẳng khai thị. Các ngươi phải đi đến nơi chốn vắng vẻ, tịch tĩnh, đối với những điều đã nêu giảng nên nghiên cứu, tư duy xét chọn. Như ở trong sữa, tìm cầu tô lạc, đề hồ. Đã nhận biết như thế rồi, nên tích tập pháp tài và những vật thanh tịnh để dùng bố thí.

Lại, các Đức Như Lai đã ra khỏi vũng bùn lầy phiền não trong ba cõi, thành tựu thắng đức vô lậu thanh tịnh, tạo phương tiện để chỉ bày pháp tri túc. Như nơi thắng viên lâm, người ở cảm thấy trong lành mát mẻ, lìa các thứ nhiệt não. Khéo tu hạnh này, được sinh lên xứ Phạm thiên. Ta ở chốn này, hết thảy phiền não không thể loạn động, hết thảy sợ hãi thảy đều đoạn trừ. Do duyên ấy nên phá bỏ vòng luân hồi, được thành Chánh giác.

Lại, các Đức Như Lai, đại bi cùng ứng hợp, khéo có thể hàng phục tất cả ngoại đạo. Dùng trí thanh tịnh, quán xét lựa chọn, dùng lời nói dịu dàng thâu nhận chỉ dạy, thí cho sự vô úy, vì thuyết giảng chánh pháp, khiến sinh tín hiểu, phá trừ lưới ma. Ở trong pháp Phật tâm được an trụ. Là bậc đại trượng phu, có thể gầm tiếng gầm của sư tử. Như đại Long tượng, uy đức tôn quý đặc biệt, nổi lên mây sấm lớn, tuôn xuống mưa cam lồ. Giới định vô lậu là hương diệu huân tu, việc làm của các hữu đều không hư dối. Vì các chúng sinh, tuyên thuyết pháp yếu, lìa các phiền não, khiến chúng an vui. Như cây Kiếp-ba, nở hoa mềm mại, pháp dược tối thượng, trừ sạch cấu bẩn của tâm.

Như Đức Thế Tôn nói, người trì tịnh giới tức có thiện pháp, lìa những thứ lo sợ, có được vui thích an ổn. Có thể vượt qua biển khổ, sang đến bờ kia, khéo trừ diệt bốn ma. Đó là ma thiên, ma uẩn, ma tử và ma phiền não. Người này tức có thể thổi loa pháp lớn, đánh trống pháp lớn, đốt đuốc pháp lớn, tâm hoan hỷ thanh tịnh, làm lợi ích cho hết thảy, giáo hóa hàng trời, người, vì làm Phật sự.

Lại, các Đức Như Lai, trong vô lượng kiếp, chứa công tích đức, tu tập trí tuệ, nên có thể thành tựu biện tài vô ngại, bốn pháp vô sở úy, mười loại trí lực, phương tiện thông đạt pháp phần Bồđề. Có thể dùng tên trí tuệ trừ diệt các ma oán. Đã hiện chứng đắc các công đức như thế rồi, ở trong ba cõi là bậc nhất tối thượng. Vì chúng hữu tình làm bậc Đại từ phu.

Lại, các Đức Như Lai, do đầy đủ mười loại trí lực thù thắng hóa độ các ngoại đạo, dùng làm đệ tử. Ở nơi trí tuệ, giới luật của Phật, sinh khởi vui thích mong muốn sâu xa. Chứng Thánh quả đầu tiên là Kiều-trần-như. Có khả năng khơi mở màng mắt ngu si, ám độn, ở trong chánh pháp là bậc thù đặc hơn hết, là Tôn giả Ma-ha Ca-diếp, Ưu-lầu-tần-loa Ca-diếp. Đối trong các Phạm chí là hàng thượng thủ, uống thuốc pháp Phật, chữa lành bệnh phiền não là Tôn giả Xá-lợi-tử. Có thể dùng móc câu trí tuệ, chế ngự tâm vọng như voi cuồng, có đại thần lực là Tôn giả Mục-kiền-liên. Tu tập đầy đủ thắng hạnh, bước lên thang pháp Phật, ở yên nơi lầu gác giải thoát thanh tịnh là Tôn giả A-nậu-lâu-đà, Tân-đầu-lô, Phả-lađọa-xà, Ma-ha Câu-hy-la, A-nan-đà v.v… Lại có khả năng hóa độ vua Tần-bà-sa-la, ở trong pháp Phật sinh tin hiểu sâu xa tôn trọng cung kính, làm đệ tử Phật. Các bậc Thánh giả này đều dùng búa trí tuệ đốn cây duyên sinh, lìa các vọng niệm cầu đạt Nhất thiết trí, xả bỏ kiến chấp của ngoại đạo, hàng phục, diệt trừ ngã mạn, đều có thể thành tựu hết thảy công đức.

Nếu ở nơi bốn thứ rắn độc lớn, năm uẩn như xóm làng không người, vọng chấp cho là chủ tể thì không thể giải thoát. Phải dùng gươm tuệ cắt đứt vọng niệm ấy.

Lại mắt trí xem xét cảnh giới của sáu xứ cũng như giặc thù, mười hai xứ v.v… cũng như rừng gai. Người khéo hội nhập nơi hiểu biết, tức không bị lửa dữ của phiền não trong ngoài thiêu đốt, bức bách. Người này chính là khéo trì tịnh giới, trụ nơi địa nhẫn nhục, được phần niệm xứ, đầy đủ ánh sáng trí, phá trừ bóng tối vô minh. Vị kia tức có thể uống nước tám Thánh đạo, lại hay khai mở hoa Bồ-đề phần. Đây là khả năng vượt lên lầu gác của ba đời, đoạn trừ các hữu kiết, vào biển trí tuệ, ở nơi đạo tràng Bồ-đề, kiết già an tọa, khéo trụ trong thắng định vô lậu của bốn thiền, thọ dụng hết thảy pháp lạc vô thượng.

Lại, những kẻ ngu mê hủy hoại phần pháp thiện, vui đắm cảnh giới năm dục của thế gian, như gió chạm mạnh vào sương móc, không thể tồn tại lâu dài. Lênh đênh trong biển khổ không được giải thoát. Thấy cầu đường chánh pháp lại bỏ mà đi xa.

Như trong kinh nói: Xưa có một trưởng giả dòng Bà-la-môn muốn dùng gươm báu sát hại người con gái kia. Cô này chợt trông thấy Đức Như Lai liền lớn tiếng kêu xin Phật cứu giúp, tức được thoát nạn. Lại như Ương-quật-ma-la, muốn sát hại mẹ v.v… Lại có thể hàng phục Phạm chí Trường Trảo, khởi đại ngã mạn, khiến nhập pháp Phật, ngạc nhiên nơi hương vị chánh pháp. Cũng khiến hết thảy những kẻ ngu si, nghe những lời này rồi, xả bỏ kiêu mạn. Cũng như rồng ác, trong lòng chất chứa các thứ nhiệt não, phun ra khí độc mạnh dữ làm tổn hại lúa mạ. Lại như quỷ Dạ-xoa dùng mắt hung tợn nhìn khắp trăm ngàn chúng sinh khiến đều bị tổn hại. Như đám thương nhân chìm đắm trong biển lớn, bị loài cá dưới đáy sâu muốn ăn nuốt liền. Các tai nạn hiểm ác đáng sợ như thế, chỉ Đức Như Lai là có thể cứu độ.

Lại như mặt trời, mặt trăng sợ A-tu-la. Thiên chủ Đế Thích sợ đọa vào đường ác. Phạm vương dị chấp, chấp ngã là thường. Những kiến chấp như thế là những nhận thức không chân thật, luân hồi qua lại, thọ nhận những khổ bức bách, khiến nghe chánh pháp, thảy đều được hiểu biết tỏ ngộ, uống vị giải thoát, phá vỡ vỏ vô minh, ánh sáng trí tuệ kia như ánh trăng thanh tịnh. Thế nên phải đối với những lời dạy của Đức Như Lai sinh tâm tôn trọng sâu xa, gần gũi Pháp sư, vui nghe chánh pháp, suy xét nghĩa lý chân thật, như lời dạy phụng hành. Giáo pháp của ngoại đạo kia là pháp luân hồi, những bậc có trí nên khéo suy xét.

Lại Đức Thích Tôn Mâu Ni giảng nói pháp cam lồ, là ánh sáng của trí tuệ, phá tan bóng tối của những si mê. Như ở trên ngọn núi cao nhìn xuống muôn vật. Chứa nhóm phi pháp như đắp đống phẩn, phải dùng cái xuổng trí tuệ mà xúc bỏ đi. Trừ dẹp các thứ ma oán, phá bỏ những dị luận, khiến nhập nơi sự hiểu biết rồi, phát sinh tâm sáng suốt, thảy đều trừ bỏ được những phiền não nóng bức của thân tâm, hết thảy tội ác đều được tiêu trừ hết. Đức Mâu Ni kia nói: Như cái bóng rộng lớn của chiếc lọng, ngăn che mặt trời phiền não mà đạt được mát mẻ. Nếu có thể họa vẽ tạo tác tượng Phật, dùng hương hoa, vòng hoa tùy phần cúng dường, chính là thềm bậc dần dần để được sinh thiên. Vì nương theo lời Phật dạy thì những nghiệp chướng hiện có, chỉ trong sát-na là được thanh tịnh. Thiền định giải thoát đều được hiện tiền. Chẳng phải như ngoại đạo, một đời bỏ không, chẳng có tu đạo gì, khởi nhận thức tà vọng, dựa theo nước sông Hằng, tẩy rửa mong cầu giải thoát. Đã nhận biết như thế rồi, phải nên mạnh mẽ vượt qua cảnh giới của ma, nắm giữ gươm tuệ, phá trừ giặc phiền não, hủy hoại bánh xe sinh tử, xé bỏ lưới triền cái. Đầy đủ mắt trí thanh tịnh, diệt trừ các thứ bóng tối ngu si, dứt tâm tham ái, hàng phục rắn độc sân hận. Đoạn trừ các tà kiến, xô dẹp núi ngã mạn. Ở nơi xứ Phật sinh yêu thích tôn trọng, rải hoa Sa-la cúng dường. Những điều cầu như ý đều được thành tựu. Xa lìa những sự hủy báng, giải thoát khỏi các thứ sợ hãi, an trụ vào chánh lý chân thật của chư Phật lìa tướng sinh diệt, được an lạc tịch tĩnh. Phải nên nhất tâm vui thích mong muốn nghe pháp.

Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ở tại khu vườn rừng Kỳ Đà – Cấp Cô Độc thuộc thành Xá Vệ. Bấy giờ, trong chúng hội có hai ngoại đạo, là đại tiên Ca Ty La và đại tiên Ô Lô Ca. Hai vị này xả bỏ tà kiến cũ, tin hiểu Phật trí, khéo trừ diệt si ám, có thể vượt qua biển khổ, đã khởi suy nghĩ thế này: Vì sao Đức Như Lai đã thành tựu được lọng phước công đức rộng lớn thanh tịnh như vậy? Sắc tướng thù diệu như màu vàng ròng, uy nghi đĩnh đạc vòi vọi như núi Tu Di. Ba mươi hai thứ tướng của bậc đại trượng phu và tám mươi thứ vẻ đẹp tùy hình hiện bày rõ ràng. Đoan nghiêm không gì sánh, hết thảy các thứ trần cấu đều không thể nhiễm. Hiện thân một trượng sáu, quang minh chiếu diện. Tận cùng cõi hư không, hoặc ẩn hoặc hiện, không nơi chốn nào là không nhìn thấy khắp. Mắt như cánh hoa sen xanh rộng lớn. Tướng bạch hào ở giữa hai chân mày như trăng tròn mùa thu. Mặt sáng tươi nhuần thắm, vi diệu khả ái. Tóc màu xanh biếc như đuôi chim công. Tướng Đảnh đầy phẳng như lọng của vua trời Đế Thích. Tướng nhục kế thanh tịnh như ngọc báu Ma-ni. Toàn thân sắc vàng sáng rực cùng chiếu, tất cả chúng sinh đều vui thích ngắm nhìn, Ví như bầy ong hút lấy hương hoa vi diệu. Mỗi mỗi tướng tốt chiêm ngưỡng không chán đủ. Như mùa xuân nở rộ hoa Câu-tô-ma.

Bấy giờ, Đức Như Lai như những tâm niệm của hai vị ngoại đạo kia, dùng mắt trí thanh tịnh, quán xét về tất cả chúng sinh trong vô lượng vô biên thế giới kia, sinh tâm đại từ bi, rồi nói: Thiện nam các ông! Ta ở trong ba đại A-tăng-kỳ kiếp, tu tập vô lượng chánh hạnh thanh tịnh, tích tập vô biên phước trí rộng lớn, chẳng phải do một ít nhân mà có thể đạt được. An trụ trong Tạng báu của công đức vô tận, dùng tâm đại bi, quyết định cứu độ vô lượng trăm ngàn chúng sinh nơi địa ngục. Lìa tưởng oán thân, đều khiến dứt trừ khổ não.

HẾT – QUYỂN 1

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12