KINH PHỔ ĐẠT VƯƠNG

Hán dịch: Thất dịch. Phụ vào dịch phẩm đời Tây Tấn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

 

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Thế Tôn cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo, ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Văn vật.

Khi ấy, có vua nước Phu diên tên là Phổ Đạt, thống lãnh các nước, bốn phương đều đem lễ vật dâng. Nhà vua hầu hạ Phật, tôn kính pháp, chưa từng lay động tâm tin kính, luôn có lòng lành, thương xót những người dân còn si mê không biết đến Tam bảo. Mỗi lần ăn chay giữ giới, nhà vua thường lên lầu cao đốt hương, cúi đầu sát đất làm lễ. Dân chúng trong nước thấy nhà vua làm việc kỳ lạ như vậy, cùng nhau bàn luận: “Vua là bậc để vạn dân tôn thờ, xa gần đều kính phục, nói ra lời nào, mọi người đều làm theo, còn mong muốn điều gì mà hủy nhục phép tắc oai nghi, phải đầu mặt sát đất như vậy.” Quần thần thường cùng nhau bàn luận, muốn can gián nhà vua nhưng không dám thưa.

Một hôm, nhà vua ra lệnh các quan sửa soạn hành trang để đi xa. Vua cùng đi với quan dân hàng ngàn người, mới ra khỏi cung thành chưa được bao xa, bỗng gặp một Đạo nhân, nhà vua liền dừng xe bước xuống, bỏ lọng, cùng với đám tùy tùng dừng lại, đầu mặt sát đất làm lễ Đạo nhân. Do thấy Đạo nhân, nhà vua muốn quay trở về, thiết cơm cúng dường, bèn không tiếp tục chuyến đi nữa.

Lúc đó, quần thần khuyên can:

–Đại vương là bậc chí tôn, cớ sao ngay giữa đường, đầu mặt sát đất, làm lễ vị Đạo nhân xin ăn? Mọi người ở đời, quý trọng chỉ có đầu mặt. Hơn nữa nhà vua đã làm quốc chủ, không giống với những người khác.

Nhà vua liền ra lệnh các quan:

–Hãy đi tìm đầu người chết và đầu trâu, ngựa, heo, dê.

Các quan liền đi khắp nơi tìm kiếm, trải qua nhiều ngày mới mua được đem về, thưa:

–Tâu đại vương! Hôm trước, chúng thần vâng lệnh đi tìm đầu người chết và đầu các loài súc sinh. Nay đều đã tìm được.

Vua nói:

–Hãy đem ra chợ bán các thứ này đi.

Các quan liền sai người đi bán, đầu trâu, ngựa, heo, dê đều bán được, chỉ có đầu người là chưa bán được.

Vua bảo:

–Mắc rẻ gì cũng bán đi, hãy mau bảo người đem bán, nếu không bán được thì đem cho người ăn xin.

Như vậy, trải qua nhiều ngày bán đã không được, người ăn xin cũng không lấy. Đầu người đã phình trướng lên, hôi thối, không thể gần được.

Vua liền giận dữ, bảo các quan:

–Trước kia, các khanh khuyên ta: “Đầu người rất quý, không thể hủy nhục, cúi đầu sát đất làm lễ Đạo nhân.” Nay ta sai bán, đầu các loài súc sinh đều bán được. Vì sao đầu người cho kẻ ăn xin cũng không lấy?

Vua liền ra lệnh các quan chuẩn bị xe đi ra ngoài thành. Đến giữa đồng rộng, như có điều gì muốn hỏi, quần thần và dân chúng đều run sợ, chưa biết vua đi đâu. Vua liền dẫn đường đi ra khỏi thành, bảo quần thần:

–Các khanh có biết, vua cha ta trước đây có đứa bé thường cầm lọng không?

Các quan thưa:

–Chúng thần có biết đứa bé đó.

Vua hỏi:

–Đứa bé đó nay ở đâu?

Các quan đáp:

–Mất đã lâu rồi, đã được mười bảy năm.

Vua hỏi:

–Đứa bé đó là người tốt xấu như thế nào?

Các quan thưa:

–Chúng thần thường thấy đứa bé hầu hạ tiên vương, ăn chay giữ giới nghiêm túc, thành tín, tự giữ gìn, không nói điều phi pháp.

Vua bảo các quan:

–Nay nếu gặp đứa bé này, mặc y phục của nó lúc đó thì các ông có nhận ra không?

Các quan thưa:

–Tuy đã lâu xa, chúng thần vẫn nhận ra được.

Vua quay lại, bảo quan hầu bên cạnh mau trở về, vào kho trong cung vua, tìm lấy áo của đứa bé đã mất trước đây đem đến. Trong chốc lát, áo được mang tới.

Vua bảo:

–Đây có phải là áo đó không?

Các quan thưa:

–Thật đúng là áo đó.

Vua hỏi:

–Nay giả dụ gặp đứa bé, các ông có nhận ra không?

Các quan đều im lặng, một lúc lâu mới thưa:

–Thần e sợ mình bị mê mờ, nên thấy không chắc phân biệt được.

Lúc này, vua mới định nói nguồn gốc sự việc đó, bỗng thấy ở phía trước, có vị Đạo nhân đang đi đến. Nhà vua rất vui mừng, đầu mặt sát đất, làm lễ Đạo nhân. Các quan cũng đều vui vẻ. Đạo nhân đến tòa ngồi, vua chắp tay, thưa:

–Lúc trước, tôi đang đi thì gặp Đạo nhân ở giữa đường liền muốn quay trở về. Quần thần, dân chúng thấy vậy cho là quái lạ, khuyên can tôi: “Đầu mặt người rất là tôn quý. Hơn nữa, vua là người đứng đầu một nước, chủ vạn họ, bốn phương đều quy hướng, mong muốn điều gì mà đầu mặt làm lễ vị Đạo nhân xin ăn.” Lúc đó, tôi ra lệnh bảo các quan đi tìm đầu các loài súc sinh và đầu người rồi đem ra chợ bán. Đầu súc sinh đều bán được, còn đầu người không ai mua, người ăn xin cũng không lấy, mà bọn này lại cho là yêu quý cho nên nay sửa soạn ra đi cũng là muốn noi rõ đầu đuôi việc này, may mắn được thỏa nguyện. Nguyện xin Đạo nhân rũ lòng thương xót dân chúng nước này, chỉ rõ chỗ mê mờ, làm cho họ hiểu biết chánh pháp, làm chiếc cầu dẫn đường cho họ.

Đạo nhân liền nói nguồn gốc của nhà vua cho các quan nghe. Muốn biết vua là ai? Đứa bé cầm lọng vào thời tiên vương, giữ gìn việc ăn chay giữ giới mỗi ngày, thực hành chánh pháp, giữ ý trong sạch, không phạm các điều ác. Sau khi đứa bé qua đời, thần hồn trở lại sinh làm con của vua. Nay được tôn quý đều do hạnh nghiệp đời trước ăn chay giữ giới mà có.

Các quan lớn nhỏ đều thưa:

–Chúng tôi may mắn được gặp Đạo nhân. Nguyện xin Nhân giả thương xót cho những kẻ mê muội, xin được làm đệ tử của Đạo nhân.

Đạo nhân bảo các quan và dân chúng:

–Tôi có bậc Đại sư, nên theo Ngài mà học hỏi.

Các quan thưa:

–Chúng tôi muốn được nghe bậc Đại sư ban cho việc tu hành như thế nào để trọn đời chúng tôi sẽ phụng sự theo giáo pháp của Ngài.

Đạo nhân bảo:

–Thầy tôi hiệu là Phật, thân có thể bay đi tự tại, trên đỉnh đầu có hào quang, có thể phân thân, tàng hình, biến hóa vô số. Có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thống lãnh cả trời đất, một mình Ngài vượt khỏi tam thiên thế giới, đi khắp ba cõi, không ai bằng, môn đồ trong sạch gọi là Sa-môn, lời dạy của Ngài chắc chắn độ thoát chúng sinh.

Các quan liền thưa Đạo nhân:

–Làm sao có thể gặp được Phật?

Đạo nhân đáp:

–Rất tốt, nên đến gặp Đức Thế Tôn.

Các quan hoi Đạo nhân:

–Hiện giờ, Phật ở cách đây bao xa?

Đạo nhân đáp:

–Hơn sáu ngàn dặm.

Nói xong, trong chốc lát, Đạo nhân liền bay đến nước Xá-vệ, trình bày đầy đủ lên Đức Phật:

–Dân chúng nước kia thật đáng thương xót. Nay đều thành tâm muốn được gặp Phật. Xin Ngài mở lòng lành lớn, chỉ bày đạo chân chánh.

Phật im lặng rồi bảo Tôn giả A-nan:

–Hãy bảo các Tỳ-kheo ngày mai nên đến nước Phu diên.

Tôn giả A-nan đi ban bố lời Phật dạy rồi trở lại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Cách thức ngày mai đi như thế nào?

Phật bảo:

–Sắp đến nơi, nên hiện thần thông.

Hôm sau, Phật và các Tỳ-kheo, đi chưa đến vài chục dặm, vua và quần thần đã theo Đạo nhân, cầm hoa hương ra ngoài thành đón rước Phật.

Thấy oai linh của Phật, mọi người vừa mừng vừa sợ, hình thể quỳ sát đất, cúi đầu làm lễ, rước Phật lên tòa về cung điện.

Vua đến trước quỳ gối, chắp tay, thưa:

–Bạch Thế Tôn! Thế Tôn và chúng Tăng đã khổ nhọc từ xa đến đây.

Vua và các quan lo sợ, không biết làm thế nào.

Phật biết ý vua, liền bảo Tôn giả A-nan thưa với nhà vua:

–Chớ có lo sợ, không biết làm thế nào. Phật đến đây đâu có thiếu thứ gì.

Vua hết lòng thiết bày cúng dường, tự tay san sớt thức ăn. Ăn xong, vua tự đi lấy nước cho Phật tẩy rửa.

Chú nguyện xong, Phật mỉm cười. Từ miệng Ngài phóng ra ánh sáng năm màu. Tôn giả A-nan sửa y phục, làm lễ Phật, thưa:

–Bạch Thế Tôn! Phật không bao giờ mỉm cười vô cớ, ắt có điều gì muốn nói.

Phật nói:

–Các ông muốn biết nguồn gốc vua Phổ Đạt và Đạo nhân không?

Tôn giả A-nan thưa:

–Con xin muốn nghe việc này.

Phật bảo:

–Chính khi xưa, vào thời Phật Ma-ha Văn, vua là con một dòng họ lớn, người cha luôn cúng dường Tam bảo. Một hôm, cha sai con đi phân phát hương. Khi ấy, có một người hầu, do người con có ý khinh thường, nên người con không đưa hương cho người ấy. Tội phước báo ứng, nên mắc họa này. Tuy chỉ là sai khiến, nhưng đã vâng giữ giáo pháp thì không được quên, ngày nay được làm vua, thống lãnh dân chúng. Nên biết là quả báo đều do mình tự bày ra thì phải cẩn thận chớ nên bất bình. Đạo nhân chính là người hầu. Khi ấy không được hương, tuy vậy, không giận mà còn phát nguyện: “Nếu ta đắc đạo sẽ độ người này.” Nay phước nguyện quả hợp, nên đến độ nhà vua và dân chúng.

Nghe Phật nói nguồn gốc của mình, nhà vua hiểu rõ, đắc quả Tu-đà-hoàn. Dân chúng trong nước nghe kinh đều thọ năm giơi, mười điều thiện, lấy làm pháp thường.

Khi ấy, bốn chúng đệ tử nghe kinh đều vui vẻ ở trước Phật làm lễ rồi lui ra.