SỐ 193
PHẬT BỔN HẠNH KINH
(PHẬT BỔN HẠNH TÁN TRUYỆN)

Hán dịch: Đời Tống, Sa-môn Thích Bảo Vân ở Kinh châu.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 2

Phẩm 8: CÙNG CHÚNG THỂ NỮ DU CƯ

Các thứ trang trí
Giống như cung trời
Xuân, hạ, thu, đông
Bốn mùa đều khác,
Theo mùa sửa sang
Dạo chơi ao vườn
Cũng như Thiên đế
Thí an cây rừng.
Thái tử nhân dạo
Đến xem vườn ao
Thể nữ vây quanh
Như trăng giữa sao.
Bấy giờ các cô
Đêm ngày trổi nhạc
Cười vui đùa cợt
Hơn mấy năm sau
Hoặc vì vui Ngài
Lại làm thuật mới
Hoặc hiện thân mình
Thỉnh thoảnh viết tụng,
Hoặc vẽ tranh ảnh
Hoặc là khắc chạm,
Hoặc dùng đất bùn
Đắp nhiều bức tượng,
Hoặc kết tràng hoa
Dùng để trang sức,
Hoặc ở trước mặt
Hoặc có hương xoa,
Hoặc dùng gương soi
Hoặc lược chải đầu
Vẽ đen mi mắt
Tô đỏ môi son.
Lại có thể nữ
Lấy hoa ném nhau
Hoặc là cười đùa
Hoặc buồn than khóc
Hoặc miệng ca vịnh
Càng nghe càng thích
Như ong, đom đóm
Kêu ở trong hoa.
Thể nữ xin tắm
Thái tử bằng lòng
Chỗ cây Vô ưu
Có ao sen hồng
Ánh sáng tô điểm
Chiếu cây sắc vàng
Như vàng trong lửa
Rực rỡ cây rừng.
Các cây nghiêng xuống
Tung hoa cúng dường
Chim hòa điệu hót
Giọng nghe cảm thương;
Gái cười, chim hót
Tiếng vọng vang xa
Năm âm cùng trổi
Rung động cõi lòng.
Thái tử xuống tắm
Nước ngập đến lưng
Thể nữ vây quanh
Ao nước sáng bừng
Giống như ngọc sáng
Vây núi báu chúa
Tướng mầu sáng rỡ
Đẹp đẽ vòi vọi.
Thể nữ trong ao
Đùa vui đủ trò
Hoặc hụp hoặc lặn
Hoặc toé nước nhau
Hoặc cùng hoa giỡn
Dùng hoa ném nhau,
Hoặc lặn xuống đáy
Hồi lâu trồi lên
Hoặc ở trong nước
Hiện các thứ hoa
Hoặc lặn dưới nước
Chỉ đưa tay lên.
Thể nữ trong ao
Các hoa sáng rỡ
Khiến các hoa sen
Mất đi ánh sáng.
Hoặc có nàng vịn
Tay chân Thái tử
Như đủ loại hoa
Quấn quanh cột vàng.
Các cô xoa hương
Bị nước rửa trôi
Chiên-đàn mộc mật
Nước thành ao thơm
Đùa giỡn như vậy
Khó kể cho cùng.
Sáu muôn thể nữ
Vây quanh cạnh Ngài
Thái tử ở giữa
Như trời Đế Thích
Ở ao trời tắm
Cùng với Thiên nữ
Ở đó đều ngồi
Thuyền báu vàng bạc
Trong ao dạo chơi.
Như trời nương mây
Thái tử lại ngự
Trên thuyền bảy báu
Phi ở cạnh bên
Cùng nhau xuống ao.
Màu thân vàng chiếu
Soi xa một trượng
Như trời trên thuyền
Ai cũng kinh ngạc
Cho mặt trời mọc
Các hoa nở ra
Ánh càng sáng chói
Như vua mặt trời.
Thái tử rời ao
Thể nữ lại theo
Tấu ca kỹ nhạc
Làm nước giải lao
Thể nữ uống rồi
Nhảy múa vui chơi.
Khi ngày vừa tối
Ánh trăng sáng soi
Muốn mê Thái tử
Ý Ngài chẳng chao!
Muốn khiến Ngài tham
Ý Ngài chẳng đắm
Đèn tuệ rất sáng
Không thể diệt tan
Như đèn ngọc sáng
Chẳng hại thiêu thân.
Chốc đà tối hẳn
Thể nữ ngủ say
Vợ Thái tử ngủ
Mơ thấy lo biến
Thấy Ngài xuất gia
Bỏ cung thể nữ
Đi vào núi rừng
Các phi đuổi theo
Buồn bã cầu khẩn:
“Chớ ruồng bỏ nhau
Đã thành chồng vợ
Nay bỏ cho ai.
Tôi nay tự xét
Không lỗi lầm gì
Xin Ngài cân nhắc
Chớ bỏ nhau đi!
Một mình vào núi
Siêng tu các đức
Sao lại bỏ thiếp
Thật là nhẫn tâm.
Người xưa xuất gia
Cũng có phi đẹp
Xin rủ lòng thương
Hãy đợi chờ nhau.”
Hơi thở dồn dập
Thái tử vào rừng
Lòng dạ cuồng loạn
Lần từng cây rừng
Gào với cây cối
Rằng: “Ngươi không lo
Riêng ta sầu não
Hãy chỉ Thái tử.”
Ngước nhìn lên cây
Thấy chim mỏ đỏ
Nhìn chim than khổ:
“Ta mất chỗ nương
Tiếng ngươi giống người
Để tiếng cho Ngài.
Xin đem tiếng hót
Dứt não lòng tôi.”
Lại nhìn cây nói:
“Sao ngươi không thương
Ta mất chỗ dựa
Quờ quạng mê man
Chồng ta bỏ đi
Nên sinh thương xót
Cười làm sao được?”
Hoa đều nở hết
Thấy chim hai đầu
Cùng bay song song
Càng thêm sầu khổ
Rơi lệ nói rằng:
“Xin chỉ cho ta
Người ôm nặng hờn
Để ta thấy chàng
Mất chàng ta chết!
Hoa rơi trên mình
Càng phiền lòng ta
Chỉ ngươi chim tốt
Chớ ghen ghét ta
Tâm ta tán loạn
Ưa thích kỹ nhạc
Không hề xúc phạm
Vì sao như thế?
Bị gió lay động
Cành cây lắc lư
Giống như dùng tay
Đấm vào thân ta.
Chim thú cho thấy
Chúng chẳng bỏ chồng
Tiếng nước như mắng
Ta chẳng đành lòng.”
Ngài không trở lại
Liền buồn than rằng:
“Để lại mắt biếc
Để lại ý hợp
Để lại nụ cuời
Để dáng hoa vàng
Để lại bím tóc
Ta thấy hoang mang.”
Miệng nói chưa dừng
Bỗng thấy Thái tử
Ở trong rừng cây
Liền đến nói rằng:
“Vì sao bỏ nhau?”
Nói xong bất giác
Ôm chầm Thái tử
Thẹn thùng hồi lâu.
Thái tử hỏi rằng:
“Vì sao như thế?”
Liền kể điềm mộng
Thái tử bảo rằng:
“Đó không phải nàng
Ta không hề đi
Ai đi, ai lại
Không có người đi
Cũng không chỗ đến.
Nàng hãy hiểu kỹ:
Sắc như chùm bọt
Ý như bong bóng
Tưởng như lửa sáng
Hành như cây chuối
Thức như huyễn hóa
Các căn vô lực
Hình thể nhân nhau
Giống như hoa hợp.
Biết đời vô thường
Thí như ngựa hoang
Tôi, ta không có
Cũng không bền chắc
Hợp thì có ly
Nàng nên biết rõ.”
Thái tử tự nghĩ:
“Nên ta ra đời.”


 Phẩm 9: BIỂU HIỆN LO SỢ

Vua thương Thái tử buồn
Khuyên nên đi du ngoạn
Mới ra khỏi cửa thành
Mặt trời mọc mây tan
Ngài ngự xe bảy báu
Các đức tướng trang nghiêm.
Tướng theo hầu sang trọng
Như trăng và các sao
Công đức thật đầy đủ
Hình dung rất nhiệm mầu.
Vua truyền khắp trong nước
Dẹp đi già, bệnh, chết
Kẻ nghèo cùng khốn khó
Chớ để bày bên đường,
Nơi nơi phải trang hoàng
Nhiều lọng báu, cờ phướn
Lầu gác, các phụ nữ
Giống như thành Thiên cung
Trang hoàng thật lộng lẫy
Không ai không vui mừng.
Nhân dân đều ca vịnh
Cả nước tiếng vọng vang
Như nước thu về biển
Người chen lấn để xem
Điểm trang và ăn mặc
Chưa xong đã vội đi
Hoặc chưa kịp sửa soạn
Nghe tiếng đã chạy đi.
Các lầu gác, lan can
Đầy nghẹt người và người
Hoặc đầu thân lơ lửng
Giống như các hoa rũ
Hoặc khom mình lễ bái
Người người khen ngợi rằng:
“Sẽ làm Thầy dẫn đường.”
Tung các hoa hương, chuỗi
Thấy vậy đều kinh ngạc
Họ truyền bảo nhau là:
“Đây là thần gì vậy?”
Hoặc nói: Từ trời xuống
Hoặc rằng: Chính Đế Thích!
Hoặc: Ma vương, Phạm vương!
Hoài nghi, mừng hớn hở
Ca ngợi đủ mọi cách.
Các trời thấy Thái tử
Cùng tùy tùng ra đi
Giống như trời Đế Thích
Khi đi ra dạo chơi.
Khi đó trời Tịnh cư
Muốn giáng xuống điềm lành
Như Phật xưa hiện điềm
Khuyên xuất gia học đạo
Trời liền hóa người bệnh
Nằm thở bên lề đường
Mắt vàng, sắc nhợt nhạt
Khí thể, miệng khô khan
Thân sưng, bụng phình trướng
Rịn ra chất bất tịnh
Trây trét khắp thân thể.
Bồ-tát mắt nhìn qua
Hỏi rằng: “Vật gì thế?
Gớm ghiếc khó thể nhìn!”
Người hầu liền đáp lại:
“Uống ăn không giờ giấc
Bốn đại không hòa thuận
Đó gọi là người bệnh!”
Bồ-tát lại hỏi rằng:
“Xét ra chẳng chừa phần!”
Kẻ hầu liền đáp lại:
“Đúng vậy không chừa ai!
Ở đời không ai khỏi
Nguy ách về bệnh tật
Bốn trăm lẻ bốn bệnh
Là đại hoạn thế gian
Ngài cũng không tránh khỏi
Chỗ đại biến khổ nàn.”
Thái tử dừng xa giá
Lo rầu thảm thương than
Nghe “bệnh” lòng đau đớn
Như voi bị trúng tên
Gặp bệnh lòng xúc động
Lệnh người hầu quay xe.
Lòng dạ đầy hoảng sợ
Như trâu sợ sấm to
Nghe tiếng sấm sợ hãi
Hoảng hốt thân chẳng yên.
Sau đó lại đi dạo
Trời hóa làm người già
Đầu như tơ trắng toát
Da thịt khô nhăn nheo
Run như cành trong nước
Thân còng như cung trương.
Thái tử thấy liền hỏi:
“Đó gọi là người gì?
Sinh ra là như vậy
Hay có biến đổi chăng?”
Người hầu nhân đó đáp:
“Từ đầu thân thọ thai
Khởi lên như chùm bọt
Duyên khởi năm thể hiện
Phân hiện thành sáu căn
Sau đó mới sinh ra,
Nhỏ uống sữa mẹ sống
Lớn dần ăn ngũ cốc
Lần theo đất mà đi
Ban đầu nói như chim
Thế rồi đứng, đi, chạy
Thể mạo hình dung thành
Các căn dần thành thục
Cho nên gọi là già.
Đó là sứ trời gọi
Bày thức tỉnh chúng sinh
Thân suy hết mừng, thảm!
Như hoa bị sương độc
Mặt như trăng bị khuyết
Tâm như trời bị che
Sức tráng niên khô kiệt
Như nước rỉ cát khô
Trộm chí, tư, tài, người.
Vô hình đến như giặc
Tâm não mất nghe biết
Giống lửa đồng đốt đầm
Đè nén như ép dầu
Uống tinh khí của thân
Hủy hoại thân đổi khác
Đó được gọi là già.”
Thái tử nhìn hồi lâu
Bèn buồn bã than dài:
“Ngọn núi lớn già, bệnh
Nghiền mạnh nát chúng sinh
Khắp đời gặp khổ nạn
Ý thỏa thích sao đành
Phải tìm cách thoát khỏi
Như tránh bọn cướp hại.”
Sau đó, lại du ngoạn
Trời hóa thành người chết
Họ hàng theo xe tang
Xõa tóc kêu khóc vang
Hỏi rằng: “Đây là gì?
Trình ta cho thật lòng.”
Bấy giờ những người hầu
Tâu Ngài đầy đủ rằng:
“Ngày qua đến già suy
Đau đớn tinh cạn vơi
Chiếc cửa bén tám tiết
Cắt cứa cây sống đời.
Chiếc búa sắc ngày tháng
Ngày đêm thường đốn chặt
Gặp gỡ gió vô thường
Lướt theo lật ngã nghiêng
Chia lìa với mẹ cha
Riêng mình đi đường mê,
Vợ con và anh em
Không người thân nương cậy
Không còn phương cách cứu
Vây quanh mà than khóc
Mến mộ buồn tiếc thương
Khen đức lúc còn sống.
“Ta cũng sẽ như thế!”
Đều chết, Ngài đừng nghi
“Ta cũng lìa người thân”
Ngài chắc sẽ chia lìa!
Cuộc đời bị chết buộc
Làm sao yên nói cười?
Vì không biết hổ thẹn
Nên sống chết bao lần.
Con đường dài đêm ngày
Ngày tháng trôi không dừng
Già, bệnh, chết rất độc
Hàm răng, sắc lo buồn
Bị lưỡi bốn mùa liếm
Đi đêm chốn hiểm nguy
Tất cả không ai khỏi.
Chết như rồng nuốt chửng
Làm tan nát khắp nơi
Hủy diệt đến tận cùng
Đều được như mong muốn
Nuốt hết, thiêu cháy cùng
Đuổi hết, bẻ gãy hết
Không có gì ngăn chận
Ngài nên hiểu là chết!”
Nghe rồi sợ hãi nói:
“Ở đời vui cười được
Vàng đá cười đó chăng?”
Thái tử lo âu bước
Nhớ chết như nước sôi
Giống như sư tử mạnh
Ở rừng giặp lửa đồng
Nghĩ muốn được lìa khỏi
Lửa già, bệnh, chết hừng
Thuận đạo niệm không quên
Tìm cách để thoát khỏi.
Trời hóa làm Phạm chí
Hình tiều tụy hiện ra
Mày râu dài, tóc rối
Mặc áo da nai thô
Tay cầm bình nước rửa
Lại cầm gậy dò đường.
Bồ-tát nhân đó hỏi:
“Ngài tu pháp thuật gì?”
Liền đáp lời Thái tử
“Xin nghe điều tôi nguyện
Không lo già, bệnh, chết
Nơi đó gọi là trời!
Nay ở đây gieo mầm
Sinh thiên: Hoa to lớn
Cầu an vui khoái lạc
Sinh cõi trời manh nha.”
Thái tử khen cho rằng:
“Người này thấy kế sáng
Bảo rằng trời khỏi hoạn
Cũng là điều ta thích
Tâm còn nghi một điều
Là thường hằng mãi chăng?
Nếu ắt thường an vui
Nên nguyện sinh cõi trời.”
Trời ở trên gọi lành
Khen Thái tử tâm tịnh
Trên trời tuy vui sướng
Nhưng chết sẽ bị đọa
Hưởng phước lành an vui
Nhưng không còn dài mãi
Phước hết liền bị đọa
Phải chịu khổ ba đường.
Mặt trời ngàn ánh sáng
Phước hết đọa tối tăm
Trăng tròn chiếu sáng rỡ
Trăng lặn không còn sáng
Phạm, Thích, vô số trời
Tuy thật ngôi trời vinh
Lại là vật đáng thương
Thân quỷ đói ăn xin.
Xưa vì Phật Bảo Đảnh
Thắp đèn suốt bảy ngày
Mới phát tâm cầu Phật
Lập nguyện rất vững chắc
Tức thời ma run rẩy
Giống như là cây chuối
Cũng làm cung điện chúng
Chấn động không được an
Được ba cõi tôn kính
Nay không nên bỏ quên.
Đối với vô số Phật
Tu biết bao nhọc nhằn
Xưa vì Thí An Phật
Xây tháp lớn bảy báu
Giống như núi Tu-di
Đứng sững trên mặt đất,
Dâng Định Quang bảy hoa
Thọ ký sẽ thành Phật,
Tung hoa vàng cúng Phật
Suốt đời nguyện Đại thừa.
Lại xây cất chùa miếu
Dâng hoa sen cúng Phật
Và vô số Phật khác
Bày các báu, hoa hương
Dùng hoa trời cúng dường
Vô số Phật Năng Nhân,
Lại cùng Phật Hiện Nghĩa
Trọn đời dâng hoa hương.
Ca ngợi Phật Phương Diện
Cho đến trong bảy ngày
Cúng dường Phật Vô Hiện
Trọn cả cuộc đời mình.
Lại cúng Phật Đảnh Vương
Y phục bằng bảy báu
Bố thí Phật Vô Lậu
Mong muốn làm Sa-môn.
Vào thời Phật Lý Quang
Vào đạo, giữ pháp tịnh,
Lại thời Phật Vô Hạn
Cạo tóc làm Sa-môn,
Đối mấy ngàn Đức Phật
Giữ siêng năng cung kính.
Có đời gặp hổ đói
Bố thí, cho vợ con
Bỏ mắt, thân, da, thịt
Tay, chân, lòng vẫn an
Như thế không kể xiết
Thí đầu có hàng ngàn
Khi đang bố thí đó
Ba ngàn cõi rung chuyển.
Khoảng thời gian nói thế
Hiện chết cõi trời đọa
Người sau buồn luyến tiếc
Xoay vần mến thương nhau,
Dưới hiện tám địa ngục
Đều có mười sáu ngục
Bỗng vang lên tiếng lớn:
“Khắp đời đều sẽ chết!”
Theo đó lần tiến lên…
Thích nữ tên là Nai
Thấy Thái tử như trời
Nói tiếng lớn như vầy:
“Là cha, chẳng lo lắng
Là mẹ rất an vui
Chồng được như người ấy
Vợ như được vô vi.”
Như mây sấm từ trời
Tiếng vào tai Thái tử
Mới nghe tiếng vô vi
Như mệt được nghỉ ngơi
Các căn đã đầy đủ
Như hiểu được trong lòng
Lấy chuỗi báu của mình
Xa ném vào cổ nàng.
Vì nghe vui vô vi
Không tà dục trong lòng.
Tâm vui hướng vô vi
Bỗng thấy hóa Sa-môn
Uy nghi giới vắng lặng
Cầm bát, mặc ca-sa
Thái tử bảo người hầu
Quay xe đến gặp nhau.
Thái tử hỏi Sa-môn
Liền lên tiếng tâu rằng:
“Sáu căn không các lậu
Lìa nhà, xa lìa nạn
Núi rừng sống nhàn nhã
Chỗ tịnh nghỉ qua đêm
Xin ăn tự nuôi sống
Ngài muốn học điều này.
Tôi, được gọi Sa-môn
Vì mong cầu giải thoát
Ý yêu, ghét dứt hết
Điều các căn, tâm tịnh
Xả tôi, ta không chấp
Bỏ tất cả các việc,
Ngồi xe cộ của mình
Tay cầm cung trí tuệ
Lập nhiều các phương tiện
Muốn trừ diệt ma binh.
Nguyện không lửa, không đất
Không nước, không gió mây
Không trời, trăng, các sao
Không hư vô, hết hoạn
Không già, chết, lo buồn
Cũng không buồn chia ly
Cam lộ dứt trừ hẳn
Tôi nguyện được chỗ này!”
Nói lời này vừa dứt
Trước Thái tử biến mất.
Thái tử bước khoan thai
Ánh sáng chói ngời đất
Trở lại vườn du ngoạn
Tâm vắng lặng an định
Ý suy nghĩ bao điều
Phương tiện các việc thiện.


Phẩm 10: DƯỚI BÓNG CÂY DIÊM-PHÙ-ĐỀ

Vào lúc ấy, Bồ-tát
Tâm buồn thảm trở về
Về đến vườn du ngoạn
Đức sáng như vua trời
Đứng đầu các Tiên thánh
Không bị nữ sắc mê.
Bấy giờ thấy nông phu
Đang ra công cày bừa
Xén chết bao trùng đất
Liền sinh tâm thương xót
Như thương yêu con đỏ
Bùi ngùi mà than dài.
Cách cây đó không xa
Kho tàng bỗng hiện ra
Một do-tuần vuông vức
Ánh bảy báu sáng lòa.
Tướng hầu vui hớn hở
Lấy vật báu, sách, vàng
Trên khắc tên vua xưa
Vật ấy, vua ấy làm
Thái tử xem chữ khắc
Biết vua Chuyển luân xưa
Tám muôn bốn ngàn đời
Xoay vần nhau truyền thừa.
Ngài nhìn đống bảy báu
Như nhìn thấy rắn độc
Ngoái nhìn dáng hoa sáng
Cúi mình lễ người xưa.
Lệ tuôn rèm mi biếc
Rơi đầy dáng mặt hoa
Đưa mắt lành nhìn khắp
Ngước nhìn trời bao la
Tiếng Phạm âm buồn bã
Bảo người đứng chung quanh:
“Những người họ Thích xưa
Kiêu mạn một đời hùng
Bỏ nước ngôi báu trời
Một mình đến phương nào?
Thân nhọc nhằn khắp nơi
Chứa nhóm nhiều vô số
Kho báu trong đất nước
Chữ xưa, không có chủ.”
Tâm nghĩ đến vô thường
Đến dưới gốc Diêm-phù
Liền đưa tay vàng chói
Đặt lên đùi sắc vàng
Ngồi tư duy không động
Gồm ý chuyên nhất định
Quán sinh diệt hợp tan
Đợi chứng nhất định trụ
Như số cát các sông
Chư Phật ý bất cộng.
Sông chín não chảy đục
Nhờ ngọc mà lắng trong
Đối tất cả chúng sinh
Tâm Từ trong khoảnh khắc
Phước vô hạn vô lượng
Tâm Từ thương chúng sinh
Lại khởi tâm thương xót
Muốn an các khổ nàn
Xét kỹ thấy tất cả
Bình đẳng đạt Sơ thiền.
Bỏ các pháp ác dục
Liền được niềm hân hoan
Cho đến Thiền thứ tư
Được vô lượng thanh tịnh.
Khi ngày đã xế chiều
Cây cối bóng ngã dài
Chỉ bóng cây Diêm-phù
Như lọng che Thái tử
Như người biết ân dưỡng
Theo báo đáp không màng
Bóng chẳng lìa Thái tử
Như báo đáp không rời.
Vua họ Thích nghe vậy
Vội đến như sư tử
Thấy Thái tử dưới cây
Như mặt trời trong mây
Tình vui mừng hớn hở
Ngạc nhiên không kể xiết
Mắt lành nhìn rơi lệ
Lễ chân, tiếng buồn than
Dùng vô lượng ý kính
Như thế, giờ lại lễ
Nguyện đất nước có đức
Đừng sinh tâm bỏ đi
Khắp nơi mừng hớn hở
Giống như cầu phước trời
Mong chớ bỏ ngu mê
Mất phước rơi tối tăm.
Con là đức thế gian
Làm rạng rỡ người trước
Chỗ dựa của tất cả
Người hùng trong họ Thích,
Là thân mạng của ta
Các Thiên nữ cõi dục
Chúng sinh cõi Phạm thiên
Tự tại ban lệnh khắp
Đừng đoạt mạng chúng ta
Giống như vua địch mạnh.”
Vua yêu con bất giác
Buồn thảm trở về cung
Vua trở về không lâu
Thái tử liền xuất định
Nghe trên không có tiếng
Trời thứ nhất thưa rằng:
“Đạo Sư của trời, người
Xin nghe chúng tôi nói:
Xin Ngài hãy ra đời!
Từ vô số kiếp nay
Danh, sắc chia hai chi
Trùm khắp trong năm đường
Mầm gốc đến ba cõi
Rất lớn và vững chắc
Nay đem cày trí tuệ
Lật gốc cây sinh tử
Ái sâu: Ao, vực rộng
Loạn tưởng như cá lội
Mê che lấp kéo lôi
Sóng ganh giận cuồn cuộn.”
Trời thứ hai lại tâu:
“Với ý kính thanh tịnh
Thuyền nổi hãy nương tiến
Vượt bờ biển trần lao.”
Trời thứ ba tiếp lời:
“Gieo giống núi kiêu mạn
Hầm tà kiến sâu thẳm
Ganh giận không có bờ
Sông và hang bệnh, chết
Chênh vênh và khúc khuỷu
Dùng chày Kim cang tuệ
Đập tan các núi khổ.”
Nghe xong Ngài đứng dậy
Như núi vàng sáng rực
Bước hùng thật ung dung
Tiếng vang như sấm động
Mắt như lá sen xanh
Khuôn mặt như trăng đầy
Chán nhà ưa vô vi.
Ý chỉ muốn lìa dục
Như sư tử bị tên
Đau đớn trở về cung
Đến thẳng cung vương phụ.
Trước điện vua Bạch Tịnh
Quỳ chấp tay tự tâu:
“Xin nghe con trình tấu
Con muốn được xuất gia
Tu theo hạnh Thánh xưa!
Có hợp ắt có tan
Đâu ai còn mãi được”.
Vua nghe lời tâu lên
Lòng như trăng nước động
Nghẹn ngào không nói được
Hồi lâu mới nói rằng:
“Con chớ có ý này!
Ra đi chưa phải lúc
Tuổi trẻ sức sung mãn
Không nên ở núi rừng
Mà chính là lúc ta
Bỏ ngôi vào đạo pháp.
Con là người có đức
Xứng đáng ngồi trên ngai
Đất nước hy vọng con
Làm vua Thánh chuyển luân
Họ Thích vinh nhờ con
Con không nên thiền vị.”
Ngài dùng lời tha thiết
Mà đáp lời vua cha:
“Con xin cha bốn điều
Bảo đảm cho con được:
Khiến thân không tật bệnh,
Già không đoạt tuổi trẻ,
Chết là nạn cuộc đời
Khiến không cướp mạng sống,
Việc thành không hư hoại.
Bốn sự việc như thế
Nếu bảo đảm chắc chắn
Con ở không lo lắng
Không đi vào núi rừng
Thảnh thơi cai trị nước!”
Vua rằng: “Bốn việc này
Không thể bảo đảm được
Nhưng con phải ở ngôi
Không thì, không thuận lý.
Ở ngôi vẫn tu pháp
Đến được đạo vô vi
Mũ bảy báu đội đầu
Y phục quý sáng thân
Các vẻ đẹp tự nhiên
Như vua trời cõi Dục
Đều ngồi trên ngôi vua
Đều đến chỗ giải thoát.
Có vua tên Lực Thắng
Có vua tên Bất Mê
Có vua tên Thức Tri
Có vua tên Vũ Lực
Các ngài đều ở ngôi
Đều được giải thoát diệt.
Như thế nên ở lại
Được cả hai không mất
Được tự tại trong lòng
Và đối với đất nước
Không thể bị bỏ phế
Ắt sẽ mau thành tựu.
Ta nguyện đem ngự xa
Ngũ phục trao cho con
Tắm con, lọng báu che
Rồi ta vào núi rừng.”
Thái tử giữ khiêm kính
Mà đáp lời vua cha:
“Nếu không thể bảo đảm
Xin cha chớ cản ngăn
Dù nhà là vàng ròng
Lửa cháy cũng phải tránh
Kẻ trí không nên ngăn
Gặp kiếp tai tránh lửa.
Nên biết nhà vàng ròng
Ở chung với tự tại
Tuy ba lửa cháy nhanh
Mà sao không bỏ chạy?
Lại có ao tắm trong
Hoa sen nở đầy khắp
Có nhiều quả túc trùng
Không thể bỏ đi sao?
Tay cầm chiếc cung cũ
Dùng sức mạnh lợi ích
Bắn bằng tên bệnh khổ
Phát ra trọn không mất,
Rơi vào vòng túc đối
Diêm vương thường săn bắt
Ai ngu mà đứng chờ?
Có thể nhằm bắn ta!
Nếu có kẻ sợ không
Tìm phương tiện trốn chạy
Đến chỗ thấy hư không
Sợ, không biết nẻo về.
Như thế trong năm đường
Vô thường khắp tất cả
Muốn đến nơi Vô úy
Vậy chẳng nên cản ngăn.”
Đến đây vua họ Thích
Im lặng không đáp nữa
Tự thân dắt tay con
Dẫn dụ muốn rời khỏi
Liền ra lệnh các quan
Thêm kỹ nhạc giữ chân.
Lúc bấy giờ Thái tử
Vào cung tự nghỉ ngơi.


Phẩm 11: XUẤT GIA

Vào lúc này Thái tử
Tâm sầu lo tiều tụy
Lại đến chỗ vua cha
Hết lòng xin xuất gia.
“Nếu cha thấy thương xót
Xin xem đời nhiễu động
Có hợp nào chẳng tan
Khó giữ được lâu dài,
Xin cha cho con đến
Chỗ núi rừng Tiên nhân
Ở đó tu khổ hạnh
Mở rộng đường giải thoát.
Không còn nguyện nào khác
Vượt lên trên nguyện này
Nếu xét thấy thương xót
Xin cha cho phép con.”
Bấy giờ vua Bạch Tịnh
Đưa tay màu cánh sen
Cầm lấy tay Thái tử
Giọng buồn gọi ngài đến
Lệ rơi nhìn chăm chăm
Hồi lâu rồi than dài
Sau đó mới thốt lên
Lời chua cay đau khổ:
“Xin con hãy buông bỏ
Chớ giữ mãi ý định
Nay con chưa nên vậy,
Núi rừng hãy chờ lúc
Tâm hãy hưởng vinh hoa.
Chưa từng trải cần khổ
Bị các dục cướp đoạt
Như xe không người lái
Nay chính là ta đó.
Núi rừng hãy chờ lúc
Nên đem ngôi vua báu
Đến lượt trao con rồi
Nước thơm con tắm rửa
Đem mũ báu tiến trao
Ta mừng không lo lắng
Vào núi rừng không lo
Mong con nhận quán đảnh
Tiến bước lên ngôi vua
Trao cho, ngắm nhìn con
Lòng ta thật hãnh diện.”
Từ ân ái sinh ra
Nước mắt chứa lâu ngày
Lệ tràn mi thấm ướt
Để lấp van người trước.
Thái tử nghe lệnh vua như thế
Dùng lời sâu sắc đáp vua rằng:
“Con xét biết lòng vua thương xót
Con cũng kính yêu quý trọng người
Nếu muốn chạy khỏi ngôi nhà cháy
Có người thân nào không cho ra
Vì thân ái nên đều bị đốt
Điều nào tốt đẹp? Nghĩ đi cha!
Nay con muốn tránh lửa vô thường
Kẻ trí không nên để bị thiêu
Chỉ mong muốn cho khỏi bị đốt
Xin cha cho con vào núi rừng.
Ai không muốn ở gần thân thuộc
Ở mãi bên nhau chẳng biệt ly
Cùng những người thân thương mến nhau
Thần chết không thắng thần chia lìa
Vậy xin Thích vương hãy tha thứ
Không phải là con không luyến thương
Mà do vô thường không tự tại
Cho nên ý quyết cầu Nê-hoàn.
Tất cả các người thân đời trước
Con có mặt, cha đều có mặt
Nay con có ích gì cho họ
Oan đối xưa như gió thoảng mây.”
Vua sắc rằng: “Chưa phải lúc đi
Nếu khi chết đến có thể tránh
Lửa tuy chưa rực, có chỗ cháy
Phải diệt sớm cho sau khỏi bi.”
“Vương vị người đem ủy thác trao
Kia không chỗ nhờ, không chỗ cầu
Như mang đá nặng lội qua sông
Vì vậy chẳng nên nhận ngôi vua.”
Vua nghe Thái tử nói
Lời lẽ rất thẳng ngay
Lời con không thể đáp
Không còn lý ngăn được
Liền ra lệnh các quan
Giữ Thái tử trong cung
Tăng thêm các kỹ nhạc
Chớ để ngài sầu thương.
Sau đó không lâu
Ngày đã về chiều
Thái tử vào cung
Như trăng vào mây
Ngồi xem kỹ nhạc
Như voi bị giam
Nhàm chán kỹ nhạc
Khước từ không xem
Trong lòng phiền muộn
Bèn bỏ đi nghỉ.
Tỉnh giấc thức dậy
Thấy thể nữ ngủ
Chuỗi ngọc vung vãi
Bỏ rơi nhạc khí
Áo quần xốc xếch
Bao điều bày phơi
Nước miếng chảy ra
Cổ ngực dơ bẩn
Sấp ngửa, há miệng
Trông thật khó coi.
Hoặc có thể nữ
Ôm nhạc khí ngủ
Hoặc gối đầu nhau
Hoặc riêng cúi mình,
Hoặc có thể nữ
Đứng thẳng mà ngủ
Kẹp rơi tóc xõa
Giống như đuôi công
Hoặc có thể nữ
Ngửa mặt mà ngủ
Giống như vị quan
Ngước nhìn các sao.
Thấy như vậy rồi
Thái tử không vui
Nhìn kỹ thể nữ
Rồi tự suy nghĩ
Bùi ngùi thở than
Rúng động trong lòng
Trong cung mà tưởng
Như gò mộ hoang.
Các cô gái đẹp
Tư dung mỹ miều
Thái tử lo sợ
Như voi gặp lửa.
Dáng đẹp thể nữ
Bị giặc ngủ trộm
Quên mất ý tứ
Nhạc khí lẫn lộn.
Tánh người nữ yếu
Thường hay mắc cỡ
Bị con voi ngủ
Chà đạp dày vò
Như cây hoa đẹp
Cành lá sum suê
Chợt gặp voi đói
Nhổ dập nát tan.
Sinh tử nguy hại
Xem thường phá khuấy
Hiểm nguy dối trá
Không bạn thân cũ.
Họ hiện còn sống
Hình thể như vậy
Hoặc với thân ấy
Không biết thẹn thùng
Bỗng té xuống đất
Vẻ đẹp mất tan
Cái nạn ngủ nghỉ
Mắt kia ngang tàng
Khi đang ngủ nghỉ
Hình thể khó coi
Nếu phải chết đi
Thân giống cái gì?
Chính thân thể đó
Chính các căn này
Bị lọng ngủ che
Đến nổi đổi thay
Như mất cơ quan
Không thể tìm lại,
Thất thế thì nằm
Như đống đất cỏ
Từ lâu xa nay
Si lực rất mạnh
Phủ che tai mắt
Khiến cho điếc, đui.
Thân thể dơ bẩn
Hiển bày thấy được
Che lớp da mỏng
Không thể hay biết.
Tất cả thế gian
Gặp đầy khốn ách
Không nơi nương cậy
Như bánh xe quay
Duyên cấu trần lao
Bị chìm đắm mãi,
Như con voi lớn
Chìm xuống vực sâu
Ta nay không thể
Liên lụy vào đó
Mành lưới trần lao
Tự đem buộc vây
Cho nên ghét chúng
Dục dơ năm ái
Bỏ nơi hỗn tạp
Riêng vào núi vắng.
Vì gốc lành xưa
Thôi thúc tỉnh giấc
Thái tử quyết tâm
Muốn ra sinh tử:
Giờ Ta xuất gia
Nay đã đến rồi
Chẳng nên ở lâu
Sinh tử đáng sợ
Cho nên hôm nay
Phải vào núi rừng.
Dù biết sinh tử
Khi cháy lửa bừng
Ta tự quán sát
Có thể kham nhận
Bốn đại chưa rã
Phải sớm trốn đi.
Các trời, người biết
Tâm Thái tử tịnh
Khi đó Tịnh cư
Liền xuống nhân gian
Làm các thị vệ
Ngủ say mê man
Tức thời mở hết
Các cửa cung thành.
Mỗi khi mở cửa
Như lúc bình thường
Tiếng mở vang vọng
Cách một do-diên
Trời mở các cửa
Vắng lặng không tiếng.
Trời khuyên Thái tử
Các thứ công đức
Các trời hớn hở
Tâm rất vui mừng
Vì Thái tử hiện
Các thứ điềm lành.
Trời tung hoa thơm
Liên tục không ngừng
Trổi nhạc, ca vịnh
Vang lừng hư không.
Thấy điềm tốt lành
Các trời khuyên giúp
Tâm rất vui mừng
Nhân đó nghĩ rằng:
Người yêu dòng họ
Không thể lìa bỏ
Trâu mao quý đuôi
Bị lửa thiêu đốt.
Ngài liền ngồi dậy
Ý đã quyết định
Đối thể nữ đẹp
Cung báu, ao tắm
Giống như nhạn chúa
Bỏ ao hoa sen,
Thái tử cũng vậy
Không hề đắm luyến.
Lần này cuối cùng
Ta cùng nữ nhân
Lần này cuối cùng
Ta ngủ lại cung.
Hư không có thể
Phá làm trăm phần
Ta không hề đắm
Ái dục cõi trần.
Liền ra khỏi cung
Như sư tử chúa
Xé tan lưới chắc
Một mình riêng bước
Ngài xé lưới chắc
Cũng giống như vậy.
Ngài liền tìm cách
Gọi Xa-nặc ra
Dùng lời dịu ngọt
Bảo Xa-nặc rằng:
“Mau dẫn ngựa giỏi,
Kiền-trắc lại đây!”
Các trời mê hoặc
Tâm ý Xa-nặc
Nên chọn ngựa trắng
Như ngựa đầu đàn
Yên cương giá ngự
Chuẩn bị trang nghiêm
Giống như hạc trắng
Lẫn trong mây chớp.
Bấy giờ Thái tử
Tay xoa đầu ngựa
Dùng lời êm dịu
Nói với ngựa rằng:
“Ta có nguyện lớn
Nhờ vả đến người.
Đã sống cùng nhau
Như bạn hiền thiện
Chắc thích điều lành
Khiến ta chẳng ngại.
Muốn xông vào trận
Vượt đến bờ kia
Đây là lần cuối
Phụng sự cho ta,
Đêm nay nhờ ngươi
Mang nặng lần cuối
Sau này ta chẳng
Nhọc nhằn đến ngươi
Ta đây lần cuối
Nhờ ngươi đưa thôi.”
Thái tử nói rồi
Liền lên lưng ngựa
Như trời mới mọc
Ở trên sườn núi
Ngài trên ngựa trắng
Uy đức vòi vọi
Như trăng mùa thu
Nương mây trắng bay.
Bốn thứ quỷ thần
Muốn cho chóng mau
Tiếp nâng chân ngựa
Khiến rất khéo léo
Bốn vua tự cúi
Đi trước dẫn đường
Các trời tiếp bước
Sáng như ban ngày.
Trời, Rồng, Quỷ, Thần
Và các Tiên thánh
Đồng thanh khen rằng:
“Hạnh nguyện vô ngại
Sở dĩ xả bỏ
Thiên hạ bốn phương
Cung báu, thân thuộc
Để nguyện chóng thành.”
Thái tử liền ra
Bên ngoài cung thành
Chấn động rỡ ràng
Vui tuyên nói rằng:
“Tu-di núi chúa
Còn có thể tan
Miệng có thể thổi
Làm cho sụp đổ
Nếu ta không thể
Chứng thành Phật đạo
Quyết không về lại
Thành nhuốm máu tanh.”
Như luồng gió mạnh
Thổi đùa mây nổi
Chỉ trong giây lát
Ra khỏi cõi Thích,
Một thoáng nghĩ ngợi
Tức thời đến nơi
Như mặt trời chếch
Núi Nhạc, non Tây
Ngài liền xuống ngựa
Vào trong núi rừng
Lòng đầy mừng vui
Việc lớn đã làm.


Phẩm 12: XA-NẶC

Bồ-tát lòng Từ khắp
Rèm mi màu xanh biếc
Vừa rơi lệ vừa nói
Hết lòng với Xa-nặc
“Bỏ bao vàng, chuỗi ngọc
Rút kiếm như rắn vung
Tự cắt tóc trên đầu
Trời kính mang tóc đi.
Cỡi anh lạc báu trao Xa-nặc”
Ý kính quỳ xa và bảo rằng:
“Đem bảo châu này dâng chúa thượng
Lòng thành khải tấu chớ lo lắng
Có tâm sợ chết thật khổ lắm
Mới làm Vương phụ mất chỗ nhờ
Chưa về dưới gối đền ân dưỡng
Đã khiến Mẹ hiền sinh cõi trời.
Chưa tròn cha con
Trả ân nuôi dưỡng
Sợ chết đau khổ
Vào non diệt ý
Biết sinh tử ác
Rất nhiều sự việc.
Tính ta vốn điều
Buộc lòng trái lệnh
Như cha từ ái
Mà thương xót ta
Ta cũng từ kính
Tôn trọng cha già.
Nay ngươi, Xa-nặc
Nên hiểu nghĩa này
Sao còn phiền lụy,
Giải bày rộng rãi
Thong thả dồi dào
Những lúc vui sướng
Bạn lành, họ hàng
Rất là dễ được,
Gặp khi hoạn nạn
Bạn lành khó gặp
Hay đem điều lành
Giúp người gian nan,
Hoặc có tôi tớ
Chẳng mong ân ái
Khổ nhọc phục dịch
Không thể kham chịu.
Như ngươi Xa-nặc
Có thể chịu ân
Hoạn nạn có khanh
Cũng khó gặp được.
Phàm người ở đời
Trong lúc vui sướng
Xa lánh người ngoài
Về đấy làm bạn,
Người gặp khốn đốn
Trong lúc khổ nàn
Cốt nhục sâu dày
Cũng chẳng ngó ngàng.
Ta xét trước đây
Dòng họ Thích này
Tiếng vang bốn cõi
Phong tục nhà riêng
Những người trước ta
Vào núi rừng tu
Các Thích tử cũng
Không nên cười ta.
Đem tài bố thí
Rất nhiều người làm
Không ai có thể
Pháp lành thí khắp,
Hay đem pháp lành
Thí, cho rộng rãi
Trong vô số kiếp
Thật khó gặp gỡ.
Như khanh, Xa-nặc
Nay trở về nhà
Tâu với vua cha
Quyết đoán của ta:
Người đời nhờ biết
Dứt bỏ ái đắm
Ái đắm đã dứt
Thì không còn lo.
Ta thấy khắp đời
Đều chìm đắm cả
Khổ não lo lắng
Vực sâu, biển khơi,
Sở dĩ bỏ nhà
Muốn dứt già, bệnh
Chẳng nên não nhau
Thêm nhiều lo khổ.
Người sống trên đất
Thường theo đuổi người
Khổ già, bệnh, chết
Rất là tệ hại,
Ai mở tâm được
Tin chẳng lo sợ
Vung dao ác tặc
Đuổi người chạy đi.
Nếu chẳng tự khuyên
Mở ý xa lìa
Gia đình thân tộc
Ân ái đắm nhiễm
Ắt sẽ gặp phải
Hoạn nạn chia ly
Chết không hề lựa
Sang hèn, hiền ngu.
Bà con ân ái hợp
Ắt sẽ phải chia lìa
Sau chẳng sớm cầu độ?
Không còn chết chia lìa
Nếu vua mang ý này:
Con chưa đến lúc tu
Làm lành đâu đợi lúc
Mạng như đuốc gặp gió.
Cạn tình với vua cha
Xa quỳ, chắp tay tâu:
“Thế gian gặp khổ lớn
Không người nghĩ thoát khổ
Con đã thoát già, bệnh
Đạt được sự vui nhất
Đế Thích hưởng năm dục
Không bằng con thọ vui.
Sở dĩ lìa thân tộc
Mong sau được lợi lớn
Muốn khiến mọi chúng sinh
Diệt hẳn ghét, lìa yêu.
Khanh biết ta vốn hiền
Vua cha yêu ta lắm
Xa-nặc hãy tìm cách
Can vua, giải lo buồn.”
Xa-nặc nghe lời dạy
Ngạc nhiên, lòng buồn bã
Sợ hãi run bần bật
Tim như bị tên độc
Mưa lệ rơi lả chả
Quỳ thẳng, khóc than nói:
“Vì sao dòng Chuyển luân
Nay tiêu hết bởi Ngài
Miệng Ngài thường hay nói:
Cho đi, cho nữa đi!
Nay lại đi ăn xin
Sao chẳng thẹn với đời?
Ngài tính nhu, thân đẹp
Nay lại ăn mặc xấu
Vốn như hoa sen nở
Nay lại tướng lửa thui
Giờ Ngài hãy mau bỏ
Tâm kỳ lạ đó thôi!
Rắn độc vào ở nhà
Phải tìm đuổi nó ra!
Nay không xét ý vua
Chẳng nghĩ lòng vua buồn
Chẳng lo vua phiền não
Như ngày mất ánh dương,
Chẳng nghĩ sẽ có việc
Con đức hạnh dịu dàng
Mong đúng thời mưa thấm
Lại đổ lửa dòng Thích.
Cha hiền từ như thế
Đem lòng tốt nuôi Ngài
Bỗng rời bỏ vua cha
Như khinh thường, mất thiện.
Dì nuôi dưỡng như mẹ
Quan hệ như thân sinh
Xin Ngài chớ bỏ quên
Như tâm kẻ phản phúc.
Các thân tộc như thế
Và anh em, xóm làng
Xin chớ bỏ hội ấy
Như kẻ tiếc tài sản.
Ngài giã biệt thành rồi
Người trong nước buồn lo
Như rồng gặp chim vàng
Cả nước động như thế.
Khi Ngài sinh khắp nước
Tốt lành như cõi trời
Nay Ngài bỏ vào núi
Đau khổ như đọa ngục.
Trước ban đức cho nước
Như ngày đông trời ấm
Sau ban lửa lo buồn
Như lửa hạ lan ra.
Ôi! Khổ thay! Vô đức
Xét là trời làm mê
Đem ngựa lại cho Ngài
Khiến cả nước buồn lo;
Đem nước mắt cho dân
Lòng lo, miệng khẩn cầu
Từ vua đến trai gái
Mây lo sầu che phủ.
Tiên sư dạy lễ nghi
Phải thương khắp chúng sinh
Buồn cha mẹ, nòi giống
Mình giữ đạo gì đây?
Voi ngựa cúng cả ngàn
Nếu thương xót chúng sinh
Ví như lường hai đức
Phước lành nặng muôn ức.
Nay vua cầu con quý
Thân già nặng lo buồn
Làm liều không suy nghĩ
Như voi hoang mất con,
Khóc thương mắt mờ đỏ
Mất ngủ đổi dung nhan
Nay vua buồn than thở
Như chim núi mất con:
“Ta còn sống làm gì
Mất đi con thần đức
Do con, bị phiền não.”
Vua sẽ nói như vậy.
Mặt vua đầy u thảm
Nay sao nỡ trái đường
Khi ngủ nghỉ tại cung
Trướng báu nệm êm dịu
Bao gối quý thêu đẹp
Năm âm dỗ giấc nồng
Nay gối tay, trải cỏ
Chim hót ngủ sao yên?
Nếu người nghe hỏi thế
Dù tâm bằng kim cang
Lòng họ cũng phải xé
Huống bà con, người quen.”
“Ngươi chớ bỏ chí ta
Ngươi hầu ta lao nhọc
Về đi! Ngựa Kiền-trắc!
Ta ở lại núi rừng.”
Ngựa nghe Thái tử nói
Mắt rơi lệ như mưa
Quỳ xuống đất hí thảm
Lưỡi liếm chân thiết tha.
Dùng tay, tướng trăm phước
Thái tử xoa đầu ngựa
Giống như hiểu bạn tốt
Rằng: “Biết ngươi siêng mà!”
Xa-nặc tâu Thái tử:
“Đã quyết ý bỏ nước
Chớ bắt tôi trở lại
Xa Ngài sống làm gì,
Nhớ Ngài tâm nóng bức
Lòng nào trở về nhà?
Bỏ Ngài chốn hoang vắng
Làm sao tự vui riêng?”
“Ngươi hãy dẫn ngựa về
Có thể còn gặp Ta
Việc thành sẽ về nước
Không thành, nguyện chết khô.”
Xa-nặc khóc trở về
Dắt ngựa theo ven đường
Ngoảnh nhìn không biết chán
Dẫm đất cứng trở về.
Ngài bỏ nhà xuất gia
Nguyện đến chỗ bất động
Muốn tất cả chúng sinh
Đều kịp về nơi đó.


Phẩm 13: VUA BÌNH-SA THƯA HỎI

Bấy giờ Xa-nặc
Dẫn ngựa đi rồi
Tâm ngài vắng lặng
Bước đi khoan thai
Như Sư tử chúa
Xé tan các lưới
Chuyên tâm một hướng
Vui sống núi rừng.
Thân hình vòi vọi
Mắt sáng nhìn khắp
Vào trong rừng cây
Như trời vào mây
Tuy bước một mình
Đức như đại chúng
Trong mang đầy lành
Phước hiện ra ngoài.
Vừa đi vừa tự nghĩ:
Không nên mặc lụa là.
Bỗng thấy Đế Thích hóa
Thợ săn mặc ca-sa.
Thái tử nhân đó nói:
“Ngươi chớ mặc đồ này
Áo lụa vàng ta đổi
Lấy ca-sa của ngươi.”
Thợ săn liền cởi trao
Chân ca-sa mộc lan
Đổi xong, hiện Đế Thích
Bỗng nhiên bay lên trời.
Thái tử mặc ca-sa
Thân hình tươi sáng ra
Như trăng thu tròn sáng
Mây tía vây chung quanh.
Rừng rậm có Phạm chí
Ở ẩn học Thần tiên
Thấy Thái tử đi đến
Trong lòng đều ngạc nhiên,
Ngắm nhìn kỹ Thái tử
Không thể vẽ lại Ngài
Hoài nghi một hồi lâu
Tụ lại cùng bàn tán
“Phải chăng là Bắc đẩu
Thứ tám, ngoài bảy sao”
Hoặc nói: “Ngủ trên ngựa
Xuống đi xem thế gian.”
Hoặc nói: “Nhìn thân Ngài
Nhất định là đức thần
Hoặc là vua mặt trời
Hoặc vua mặt trăng xuống.”
Trong số đó có một
Phạm chí thông đạt nói:
“Chắc không phải trời Phạm
Tự xuống đến rừng này.
Do Phạm chí chúng ta
Giữ hành thuần thục nên
Muốn nguyện cầu ta thỏa
Nên đi đến rừng này.”
Đã bàn luận như thế
Đồng thanh bảo nhau xong
Thân nặng nề Phạm chí
Bỗng nhiên liền nhẹ tênh.
Bồ-tát hỏi Phạm chí:
Họ tu đạo thuật gì?
Nên học hay không nên?
Có một Phạm chí đáp:
“Hay thay! Ngài đức mầu
Ý quyết rất sâu xa
Sức trai tráng trẻ đẹp
Biết sinh tử dục nhơ
Xin phải xem xét kỹ
Đạo Nê-hoàn sinh Thiên
Người ưa thích diệt độ
Đó đáng gọi là người.
Nếu lòng đã quyết định
Bậc ưa thích vô vi
Hãy mau mau đi đến
Chốn rừng núi thanh tịnh
Ở đó có vị tiên
Tên là Vô Bất Đạt
Ông được mắt nhìn kỹ
Quán thấy gốc Nê-hoàn.
Như nay ta quán sát
Xét kỹ ý của Ngài
Điều ông ấy tu học
Phải chăng hợp ý Ngài?
Mặt như vầng trăng tròn
Lưỡi như cánh hoa sen,
Chắc chắn sẽ uống hết
Biển trí tuệ sâu xa.”
Nhìn Bồ-tát cất bước
Như vua trăng xuống trần
Bấy giờ các Phạm chí
Đều khen: “Chưa từng có!”
Tâm đều sinh hớn hở
Như biển sâu dậy sóng
Trong lòng vui hớn hở
Như đêm tối, trăng soi.
Thái tử thấy bọn họ
Sở học nhiều vô ngần
Bộc lộ các thân hình
Lòng thương xót mới than:
“Sao ác thật quá lắm
Bị ngu si mê hoặc
Thế gian đáng thương xót
Mê lầm buộc vào khổ.”
Tâm nghĩ không tôi, ta
Giống như voi đầu đàn
Bỗng nhiên thấy sợ hãi.
Ra khỏi rừng lửa hừng
Ánh sáng màu vàng chói
Chiếu ngời mé cây rừng
Như mặt trời mùa thu
Lướt đi trên mây xanh.
Nhìn sông Hằng cuồn cuộn
Chảy về biển mênh mông
Dùng bầy ngỗng trời trắng
Làm chuỗi ngọc trắng trong.
Dùng thế sóng nhồi lớn
Làm vòng xuyến ngọc báu
Đến bên cạnh sông Hằng
Giống như vua thần biển
Dùng trăm phước đức tướng
Trang nghiêm khắp thân Ngài.
Vào ở trong sông Hằng
Các dòng đều lắng trong
Tất cả thần dưới sông
Theo xuống nghinh tiếp Ngài.
Trải qua trong chốc lát
Như bầy nhạn đầu đàn
Khi qua khỏi sông Hằng
Biết nên đi đúng thời
Bỏ đi ý cống cao
Vào cung vua khất thực,
Mặc y phục Sa-môn
Ca-sa màu mộc lan
Giữ các căn vắng lặng
Bước đi đúng oai nghi.
Thấy thể tướng Thái tử
Công đức cao vời vợi
Y vắng lặng đang mặc
Màu hợp hạnh sạch trong,
Nhân dân đều ngạc nhiên
Trổi lên niềm vui mừng
Ngắm kỹ thân Bồ-tát
Đôi mắt nhìn không rời
Nhóm lại xem Bồ-tát
Tâm họ không nhàm chán.
Công đức đời trước đủ
Các tướng đều cụ túc
Giống như hoa sen mầu
Đủ màu ngàn loại bông
Mọi người đều thưởng ngoạn
Như ong nhóm hoa sen
Chỗ đã do đích đến.
Mọi người đều đi theo
Như các căn của người
Theo tâm chạy xoay vòng,
Nhân đó truyền gọi nhau
Khen ngợi công đức Ngài
Lời rằng: Xem người ấy
Của báu trong loài người.
Ngắm kỹ đôi mắt Ngài
Vẻ mặt đẹp tuyệt vời
Ví như đống vàng báu
Trong đó có báu xanh.
Được ánh sáng bao quanh
Tướng đức gom nhóm thành
Dung mạo rất hòa hợp
Tướng tốt đều đầy đủ
Như thu hút mọi người
Mọi mắt hướng theo Ngài
Chăm chăm nhìn ngắm mãi
Mà không thấy thỏa mãn,
Giống như gặp bão tuyết
Lạnh cóng như cắt da
Mọi người tranh tới trước
Như được sưởi lửa ấm.
Các cô gái quý tộc
Đều vội ra khỏi nhà
Như trong đám mây nổi
Rực rỡ phát ánh chớp
Thí như cây Vô ưu
Cành hoa lá sum suê
Bị gió thổi oằn xuống
Cúi lễ Đức Thích-ca.
Đứa bé trên tay mẹ
Miệng liền rời vú mẹ
Mãi mê nhìn Bồ-tát
Quên cả việc đòi bú.
Người dân trong toàn thành
Đều tranh nhau khen ngợi,
Đều nói rằng đẹp quá
Tốt quá, xinh xắn quá.
Khi ấy có người nói
Lại có người vội nói
Như ăn bánh ngào mật
Người ngon, kẻ không ngon
Nhưng hình tướng Thái tử
Nếu khen riêng một việc
Một lời không nói đủ.
Các đức khéo chứa nhóm
Xét kỹ các biểu hiện
Các lành đều hiển lộ
Dùng trang điểm thân thể
Người sướng mắt, thỏa lòng.
Các hoa làm đẹp Ngài
Thơm dịu cảm tâm người
Giống như tiết dương xuân
Rực rỡ và sáng ngời.
Hạnh quả thời xa xưa
Mà sao không lòng Từ!
Dáng vẻ trời đầy đủ
Không làm vua mặt đất
Tài năng ai cũng rõ
Mà đi xin người khác.
Ai bố thí người đó?
Tính ra không thể bàn.
Bấy giờ vua nước ấy
Hiệu là vua Bình-sa
Ở trên cao quan sát
Xa thấy Thái tử đi
Ngài liền hỏi các quan:
“Người đi kia là ai?”
Dung mạo rất tươi sáng
Mà mặc y màu xấu.”
Quan theo hầu liền tâu
Nói rõ dòng họ người
Vua truyền quan hầu cận:
“Xem đi về nơi nào?”
Ăn xong, ở ngoài thành
Lên núi Bàn tháp cao
Ánh sáng chiếu rực rỡ
Như mặt trời lên non.
Bấy giờ vua Bình-sa
Cùng tùy tùng theo lên
Vua đến núi Bàn tháp
Phục sức, hình dung đẹp
Người hầu cầm lọng quý
Bước sư tử khoan thai,
Vua bèn xuống xe báu
Bước từng bước lên núi
Thấy Ngài ngồi một mình
Các căn đều vắng lặng
Ví như vầng trăng tròn
Vằng vặc giữa vầng mây
Như sắc tượng các pháp
Bỗng nhiên hóa hiện ra,
Ý rất đổi kinh ngạc
Bèn bảo các quan rằng:
“Người có hình mạo đó
Dáng dấp rất dễ thương”
Nay đây phải giữ gìn
Trở thành đức lành lớn.
Nay xem các lành đó
Mềm mại mà dịu dàng
Nhìn qua tướng tốt ấy
Chỉ Phật mới có thôi!”
Dứt bỏ tâm kiêu mạn
Khiêm cung làm lễ Ngài
Nhà vua nhân lúc đó
Bèn hỏi han Bồ-tát
Vua với ý thanh tịnh
Ngồi lên tảng đá xanh
Liền thưa hỏi Bồ-tát
Nhân đó nói kệ rằng:
“Tổ tiên của Thái tử
Xuất từ vua mặt trời
Đang lúc tuổi trai trẻ
Hình dung chiếu sáng ngời
Chẳng rõ duyên cớ gì
Mà khởi phát ý này:
Khất thực để tự cứu
Chẳng chịu ngồi ngôi vua.
Dáng đẹp rất rực rỡ
Đã chứa lành nhiều rồi
Giống như cây Diêm-phù
Hoa lá đẹp sum suê
Mặc áo ca-sa này
Giống như dùng cỏ bọc
Như hoa cây sợ tuyết
Không dám phô vẻ đẹp.
Thái tử nên phục sức
Các vật báu cõi trời
Nay y màu xấu này
Lạ thường chẳng xứng đâu!
Nếu có vật thanh khiết
Có chút dơ bám vào
Thì hiện ra lồ lộ
Không cách gì bôi bỏ.
Cánh tay dài rất đẹp
Giống như cột vàng tía
Nên trang sức bảy báu
Nên cầm chiếc cung đẹp
Có đôi tay như thế
Chỉ dùng để bố thí
Chẳng nên dùng tay ấy
Theo người để xin ăn.
Nếu Ngài giữ khiêm kính
Chẳng nhận ngôi vua cha
Nay ta rất yêu kính
Mời Ngài đến nước hèn
Hưởng của nước Ma-kiệt
Có tất cả vinh hoa
Nếu muốn khắp đất đai
Kẻ hèn sẽ đỡ đần.
Như đức tướng của Ngài
Nhận cõi trời xứng hơn
Chỉ dùng tay nắm giữ
Cõi trời đâu nhọc gì?
Như nay trời Đế Thích
Còn ra làm tôi người
Huống chi trên đất này
Như các vua chúng ta.
Ta không chán pháp lành
Cũng không lo giữ nghĩa
Chưa phải lúc bỏ nhà
Lòng ta có ngờ này:
Như mới đầu trai trẻ
Qua rồi chí yếu kém
Đã điều phục các căn
Như dàm ngựa dễ vần
Tu tuệ, tự giữ giới
Mặt mũi các hạnh lành
Phát hiện hạnh đời trước
Kịp gặp gốc thiện xưa,
Qua thời gian lớn khôn
Đó là Pháp đáng kính
Tuổi cao ý đã điều
Không đuổi theo các dục
Vì vậy nên không thể
Làm khổ cực thân thể.
Nay đã được phước lành
Nên thuận lý an hưởng
Sáu căn nên hưởng dục
Như nước đầy phải thoát,
Sau đó mới đi tìm
Pháp giải thoát cam lộ.
Dung mạo Ngài sáng ngời
Vượt qua ánh mặt trời
Đức Ngài đã vượt khỏi
Người đời và các trời
Từ xưa chưa từng nghe
Và cũng chưa từng thấy.
Hình mạo Ngài như vậy
Người xem đều ngạc nhiên
Như nay thấy phong cách,
Hành động của Thái tử
Lại xét ý chí Ngài
Mạnh mẽ và vững chắc
Giống như đáy vực sâu
Bầy cá lội dưới ấy
Ở trên tuy không hiện
Xem xao động biết ngay.
Nay thấy các khuôn phép
Tiềm ẩn trong thân này
Quyết định soi sáng rỡ
Chỉ bày ngôi Thánh vương.
Sự nhiệm mầu như thế
Người phước mỏng không có
Danh hiệu thật tốt đẹp
Không về, không là con.
Dù khiến tâm nghi ngại
Trở về thẹn tông môn
Đã mặc áo Sa-môn
Vì sao lại bỏ đi?
Các đời vua trước kia
Đến các vua sau này
Tuổi trẻ chuộng ngôi vị
Đến già đều bỏ nhà”
Bình-sa nói việc đó.
Dẫn nhiều việc so sánh
Chua cay lại không thiếu
Thân khiêm, lời kính bày
Xem ra ý Bồ-tát
Như núi Thái không lay
Giữ lành nhìn lặng lẽ
Tịnh tâm nghe đáp lời.