Kính Pháp
Pháp Sư Thích Đạo Thế
Giác Chính dịch

I.2. Kính pháp

Gồm tám phần: Đại ý, Thuyết pháp, Thính pháp, Tiệm đốn, Cầu pháp, Cảm phúc, Báo ân, Báng pháp.

I.2.1 Đại ý

Từng nghe đạo lớn rỗng lặng, bất động, nên không hình tướng, không ngôn từ; nhưng cảm thì liền ứng, nên có danh tự, có giáo thuyết. Vì thế, khó thể nghe được một bài kệ bốn câu, mà vẫn dễ vào cõi tam thiên[1] đang bị lửa đốt. Mong người tu hãy một mình trong đêm thanh vắng, trăng sáng trong, ngâm tụng kinh điển, âm giọng bổng trầm, văn tự rõ ràng, lời hay ý tuyệt, âm điệu hài hòa, phù hợp lòng người, lợi ích muôn loài, khéo làm cho tâm thức phấn khởi, tinh thần vui vẻ. [09a] Nên đọc kỹ đến thuộc làu, thấu suốt văn nghĩa, cung kính siêng năng đọc tụng, chí thành thầm cảm. Phải tin tưởng và biết rằng thụ trì một bài kệ sẽ được phúc đức rộng lớn, biên chép một câu kinh sẽ được công đức nhiều kiếp. Bởi thế nên, Ca-diếp[2] cung kính thụ trì, chẳng tiếc lột da; Tát-đà tâm thành ưa thích, không từ tuôn máu.

Đây là cửa đầu tiên để giải thoát, là đức cuối cùng để nhập đạo.

I.2.2. Điều kiện thuyết pháp

Bước lên tòa giảng, trước hết vị pháp sư phải lễ kính tam bảo, lắng tâm, xét thời và xác định người nghe, khởi tâm từ bi muốn cứu giúp chúng sinh, sau đó, mới giảng thuyết. Do đó, kinh Báo ân ghi: “Người nghe ngồi mà người nói đứng thì không nên giảng. Nếu người nghe tìm lỗi của người nói thì cũng không nên giảng. Nếu người nghe căn cứ theo người mà không căn cứ theo pháp, hoặc căn cứ theo chữ mà không căn cứ theo nghĩa, hoặc căn cứ theo kinh không liễu nghĩa mà chẳng căn cứ theo kinh liễu nghĩa, hoặc nương theo tình thức mà không nương theo trí tuệ, thì cũng không nên giảng. Vì sao? Vì người ấy không thể cung kính pháp thanh tịnh của các Đức Phật và bồ-tát”.

Nếu người nói tôn trọng pháp, người nghe cũng có lòng sùng kính, chí tâm nghe, không khinh thường, đó là giảng pháp một cách thanh tịnh.

Luật Ngũ phần ghi: “Lập các tâm: tâm trừ tham dục, tâm không tự xem thường mình, tâm không xem thường người khác, tâm từ, tâm hỉ, tâm muốn làm lợi ích cho người, tâm bất động, cho đến giảng nói một bài kệ bốn câu khiến người thật tâm nghe và hiểu rõ đúng như thật, thì người nói được an vui lâu dài, lợi ích vô lượng”.

Kinh Niết-bàn ghi: “Nếu có người thụ trì, đọc tụng, giảng dạy kinh Phật, không đúng thời, không đúng chỗ, không có người thỉnh mà thuyết, có tâm khinh thường pháp, xem thường người khác, tự ca ngợi mình giảng pháp khắp mọi chỗ, dẫn đến ngược lại là hủy diệt Phật pháp, làm cho vô số người sau khi chết phải đọa địa ngục, thì đó là ác tri thức của chúng sinh”.

Luật Thập tụng ghi: “Có năm hạng người sau đây hỏi pháp thì không nên giảng và cũng không được đối đáp với họ: một, người hỏi thử; hai, người không nghi mà hỏi; ba, người không vì hối hận về tội lỗi đã tạo mà hỏi; bốn, người hỏi mà không lắng nghe; năm, người hỏi để gây khó dễ.

Nếu có người thật sự hảo tâm, không có những ý như nói trên, chỉ vì muốn khởi tâm thiện, trừ bỏ tâm ác, thì pháp sư nên tùy căn cơ họ mà dùng phương tiện và hảo tâm giảng nói cho họ nghe. Nếu pháp sư hiểu chưa thấu đáo hoặc còn nghi ngờ, thì không được nói cho họ nghe, vì sợ rằng người giảng mắc lỗi truyền dạy sai lầm, khiến cả hai đều mắc tội”.

[09b] Kinh Ưu-bà-tắc giới ghi: “Đức Phật dạy:

– Người trụ đúng pháp thì có khả năng tự lợi lẫn lợi tha. Người trụ không đúng pháp thì không thể tự lợi và lợi tha. Người trụ đúng pháp có tám trí: một, pháp trí; hai, nghĩa trí; ba, thời trí; bốn, tri túc trí; năm, tự tha trí; sáu, chúng trí; bảy, căn trí; tám, thượng hạ trí.

Người có đầy đủ tám trí như trên, hễ nói điều gì thì đều có đủ mười sáu yếu tố:

1. Hợp thời
2. Chí tâm
3. Có thứ tự
4. Hòa hợp
5. Thuận nghĩa
6. Vui vẻ
7. Thuận ý
8. Không khinh mọi người
9. Không trách mọi người
10. Đúng pháp
11. Vì tự lợi và lợi tha
12. Không tán loạn
13. Hợp nghĩa
14. Ngay thật
15. Nói rồi không kiêu ngạo
16. Nói rồi không cầu phúc báo đời sau”.

Những người giảng có đầy đủ mười sáu việc như thế thì có thể nghe theo.

Kinh Chính pháp niệm ghi: “Nếu có chúng sinh chân chính tu tập nghiệp thiện, nói một bài kệ cho người tà kiến nghe, khiến họ khởi lòng thanh tịnh, tin Phật thì chúng sinh ấy lúc qua đời sẽ sinh vào cõi trời Ứng Thanh[3] hưởng hạnh phúc, sau đó người ấy lại tùy nghiệp mà luân hồi. Nếu vì cầu tiền của mà thuyết pháp cho người nghe, nhận tiền của không vì lòng từ bi muốn làm lợi ích cho chúng sinh, mà vì để uống rượu, hoặc vì để ăn uống chung với phụ nữ, giống như cách các kỹ nữ bán mình lấy tiền, thì pháp thí này có rất ít phúc báo, chỉ được sinh lên trời làm loài chim có trí tuệ biết nói kệ. Đó là pháp thí hạ phẩm”.

Thế nào là pháp thí trung phẩm? Đó là vì danh tiếng, vì muốn hơn người, vì muốn hơn các đại pháp sư mà thuyết pháp cho người nghe; hoặc thuyết pháp với tâm không thanh tịnh. Loại pháp thí như thế cũng được phúc báo nhỏ, chỉ được sinh lên trời hưởng quả báo bậc trung, hoặc sinh làm người.

Thế nào là pháp thí thượng phẩm? Đó là thuyết pháp cho người nghe với tâm thanh tịnh, vì muốn mở mang trí tuệ cho chúng sinh, không vì lợi lộc mà vì muốn giúp cho chúng sinh tà kiến được sống trong chính pháp. Loại pháp thí như thế được lợi cho mình lẫn cho người, là cao thượng nhất, cho đến khi vào niết-bàn, sẽ được phúc báo vô tận.

Kinh Ca-diếp ghi: “Bấy giờ, Đức Phật nói kệ:

Đem tất cả châu báu
Đầy khắp cõi tam thiên,
Mà bố thí tất cả,
Chỉ được công đức nhỏ.
[09c] Nếu giảng kệ một bài,
Được rất nhiều công đức.
Âm nhạc trong tam giới,
Thí hết cho một người,

Thua thí một bài kệ,

Công đức được cùng tột.
Công đức này hơn kia,
Lìa được các khổ đau.
Hoặc đem muôn châu báu
Đầy khắp hà sa cõi
Mà cúng dường chư Phật,
Đâu bằng thí một pháp,
Thí báu, tuy phúc nhiều,
Còn thua thí một pháp.
Thí một kệ: phúc to,
Nhiều kệ sao tính nổi?”.

Luận Thập trụ tì-bà-sa ghi: “Người tại gia nên thực hành tài thí, người xuất gia nên thực hành pháp thí. Vì sao? Vì người tại gia bố thí pháp không thuận lợi bằng người xuất gia, bởi lòng tin của người nghe pháp đối với người tại gia cạn mỏng hơn đối với người xuất gia. Hơn nữa, người tại gia có nhiều tiền của, trong khi người xuất gia đọc tụng thông suốt kinh điển; do đó, người xuất gia hơn hẳn người tại gia về điểm giảng giải giữa đại chúng mà không sợ sệt. Thêm nữa, người tại gia cũng không làm cho người nghe có tâm cung kính bằng người xuất gia, người tại gia cũng hàng phục nhân tâm kém hơn người xuất gia”. Như bài kệ:

Tự tu đạo trước đã,
Sau đem dạy mọi người,
Mới được nói như vầy:
“Ông nên làm theo tôi”.
Mình làm việc bất thiện,
Dạy tu thiện được sao?
Tự chẳng được tịch diệt,
Dạy tịch diệt được chăng?

Ngoài ra, nếu người xuất gia thực hành tài thí thì trở ngại các thiện hạnh khác, lại phải lìa xa nơi thanh tịnh để vào xóm làng cùng làm việc với người tại gia và chuyện trò nhiều thì sẽ sinh phiền não, tâm kém chuyên chú vào hạnh giải thoát như lục độ v.v…, thậm chí lại còn tham đắm ngũ dục, xả giới hoàn tục, đó là chết; hoặc có thể phạm giới, dễ sinh tội nặng. Đó là các phiền não khổ đau như bị chết v.v… Vì các nguyên nhân ấy, đối với người xuất gia thì ca ngợi pháp thí, đối với người tại gia thì ca ngợi tài thí.

Kinh Kim quang minh ghi: “Người thuyết pháp có năm việc:

1. Pháp thí được lợi mình lẫn lợi người; tài thí không được như thế.

2. Pháp thí có thể giúp chúng sinh ra khỏi tam giới; tài thí không ra khỏi Dục giới.

3. Pháp thí có lợi ích cho pháp thân; tài thí nuôi dưỡng sắc thân.

4. Pháp thí giúp tăng trưởng không cùng tận; tài thí chắc chắn có lúc cạn sạch.

[10a] 5. Pháp thí có khả năng trừ dứt vô minh; tài thí chỉ hàng phục lòng tham”.

Do đó, tài thí không bằng pháp thí. Nhưng pháp thí, cũng có thứ bậc. Nếu hiểu biết mà không giúp người khác biết, vì sợ người khác hơn mình, thì đời vị lai sẽ thường không được nghe pháp.

Luận Đại trí độ ghi: “Người xẻn tiếc pháp thì thường sinh ở vùng ven hoặc ở nơi không có Phật pháp. Do xẻn tiếc pháp, nên chướng ngại sự hiểu biết của người khác. Nếu người như vậy thì thua cả kẻ bán pháp cho người khác”.

Kinh Chư pháp dũng vương ghi: “Nếu tất cả chúng sinh dưới nước, trên cạn, hay trên không trung trong cõi Diêm-phù-đề đều được thân người, có người nào dạy tất cả họ an trụ trong ngũ giới và thập thiện, thì người ấy được công đức không bằng người dạy một người biết tin tưởng và tu hành”.

Luận Thập trụ tì-bà-sa ghi: “Bồ-tát nên xa lìa bốn pháp có thể làm giảm sút trí tuệ:

1. Không kính trọng pháp và người thuyết pháp.
2. Giấu kín và xẻn tiếc yếu pháp.
3. Tạo chướng ngại, phá ý muốn nghe pháp của người ưa thích pháp.
4. Có lòng kiêu ngạo, tự cao, xem thường người.

Bồ-tát phải nên thường xuyên tu tập bốn pháp giúp đạt trí tuệ:

1. Cung kính pháp và người thuyết pháp.
2. Tâm thanh tịnh giảng nói cho người khác nghe pháp đúng như mình đã được nghe và đọc tụng.
3. Biết rằng từ học rộng mà phát sinh trí tuệ, cho nên siêng năng cầu học không ngừng, giống như cứu lửa cháy đầu.
4. Thụ trì không quên pháp đã được nghe. Trọng sự thực hành theo lời dạy, không trọng việc bàn luận những lời ấy”.

I.2.3. Nhân duyên nghe pháp

Muốn nghe pháp, phải thật lòng kính pháp, trọng người, chí thành muốn xa lìa phiền não, không cầu pháp hữu vi trời và người. Do đó, trong kinh A-hàm, Đức Phật nói kệ:

Người nghe chú tâm như khát uống,
Từng lời từng nghĩa chẳng dám buông.
Nghe pháp, xúc động, mừng vô hạn,
Thuyết cho người này chẳng luống công.

Kinh Ưu-bà-tắc ghi: “Khi nghe người giảng pháp, phải có mười sáu điều:

1. Đúng lúc.
2. Ưa thích.
3. Chí tâm.
4. Cung kính.
5. Không nhằm vạch tìm lỗi của người.
6. Không nhằm bàn luận.
7. Không vì hiếu thắng.
8. Không khởi tâm xem thường người nói.
9. Không có tâm xem thường pháp.
10. Không tự khinh mình.
[10b] 11. Tâm xa lìa ngũ cái[4].
12. Để thụ trì và đọc tụng.
13. Để dẹp trừ ngũ dục.
14. Tín tâm.
15. Để biết mà dạy bảo chúng sinh.
16. Để dứt trừ sự ngu dốt.

Này, thiện nam tử! Người đủ tám trí thì có khả năng nghe và nói pháp. Người như thế có thể làm lợi mình và lợi người”.

Kinh A-dục vương ghi: “Ngày xưa, vua A-thứ-già sai một vị đạo nhân thuyết pháp. Nhà vua thường dùng bình phong chắn ngang, rồi cho phụ nữ đến nghe pháp ở phía sau. Bấy giờ, pháp sư thường giảng cho các phụ nữ nghe về bố thí, giới và việc sinh lên trời.

Có một phụ nữ trái lệnh vua, khởi tâm kính ngưỡng đến gần pháp sư, thưa hỏi:

– Khi giác ngộ các pháp ở gốc bồ-đề, Đức Như Lai Đại Giác đã chứng ngộ pháp thí và giới chăng? Hay Ngài còn chứng ngộ các pháp khác nữa?

Pháp sư đáp:

– Đức Phật giác ngộ rằng tất cả pháp hữu vi đều là khổ, giống như sắt bị nóng chảy. Nỗi khổ ấy do thói quen lâu ngày sinh ra, cũng như cây độc. Phải tu tập bát chính đạo để diệt khổ đế và tập đế.

Người phụ nữ nghe những lời ấy liền chứng được quả Tu-đà-hoàn, bèn lấy dao buộc vào cổ mình, rồi đến cung vua, tâu:

– Nay tôi đã phạm tội nặng. Xin đại vương dùng vương pháp trị tội!

Vua nói:

– Ngươi phạm tội gì?

– Tôi vi phạm lệnh vua cấm đến chỗ của đạo nhân. Giống như con bò khát nước không sợ chết, tôi thật sự khao khát Phật pháp, vì thế, tôi mạo hiểm đi nghe giảng pháp.

Vua hỏi:

– Khi nghe pháp, ngươi lĩnh hội được những gì?

– Tôi lĩnh hội được bốn chân đế, hiểu được ấm, nhập, giới và các đại đều là vô ngã và chứng được pháp nhãn.

Vua nghe nói thế, phấn khởi vui mừng, liền lễ lạy và ra lệnh:

– Từ nay về sau, ta không cho phép kẻ nào ngăn cản người ưa thích nghe pháp. Người nào muốn nghe, cứ đến thẳng trước mặt pháp sư mà nghe giảng.

Vua lại khen:

– Lạ thay! Trong cung của ta mới xuất hiện nhân bảo[5].

Vì nhân duyên ấy, nên biết việc nghe pháp có lợi ích lớn”.

Kinh Tạp bảo tạng ghi: “Nước Bát-già-la đem hiến vua Ba-tư-nặc năm trăm chim nhạn trắng. Nhà vua sai người đưa số chim ấy đến tinh xá Kì-hoàn. Cứ đến giờ ăn, thấy chư tăng bày thức ăn mới khất thực được ra, năm trăm con chim nhạn liền bay đến đậu trước mặt chư tăng. Khi ấy, Đức Phật dùng một ngôn ngữ thuyết pháp, nhưng bất kì loài nào nghe cũng đều hiểu cả. Bầy chim nhạn cũng hiểu lời Phật, nghe pháp Phật giảng, rất vui mừng, cùng hòa giọng hót vang, rồi bay về ao nước. Về sau, khi lông đã mọc dài, chúng bay đến nơi khác, bị thợ săn giăng lưới bắt giết hết cả. Khi bị bắt, một con nhạn cất tiếng thì cả bầy hòa theo hót vang những âm thanh mà chúng thường hót lúc nghe pháp. Nhờ tâm thiện ấy, bầy nhạn được sinh lên trời Đao-lợi làm các thiên tử.

[10c] Hễ sinh lên trời thì có ba điều phải nhớ nghĩ: nhớ nghĩ mình vốn từ đâu đến; nhớ nghĩ đến nơi mình muốn sinh về; nhớ nghĩ thân trước đã tạo nghiệp gì để nay được sinh lên trời.

Khi ấy, năm trăm vị thiên tử tự suy nghĩ thấy đời trước mình chẳng tu được nghiệp thiện gì ngoài việc ở cạnh Phật và chư tăng nghe giảng pháp. Nghĩ thế xong, họ liền cùng xuống cõi Diêm-phù-đề, đến chỗ Đức Phật nghe giảng pháp, tất cả đều chứng được quả Tu-đà-hoàn.

Thời ấy, vua Ba-tư-nặc thường đến chỗ Đức Phật, cũng thường trông thấy năm trăm con chim nhạn đậu trước Đức Phật. Hôm ấy, nhà vua không trông thấy bầy chim, bèn hỏi Đức Phật:

– Bầy nhạn hôm nay đã bay đi đâu?

Đức Phật nói:

– Bầy nhạn, đại vương muốn thấy đó đã bay đi nơi khác và bị thợ săn giết hết cả. Sau đó, chúng được sinh lên trời, nay chính là năm trăm thiên tử tuấn tú đội thiên quan đang ở đây. Hôm nay, họ nghe pháp và đều chứng được quả Tu-đà-hoàn.

Nhà vua hỏi:

– Bầy nhạn ấy vì nhân duyên gì mà phải đọa làm súc sinh, đến khi qua đời được sinh lên trời và hôm nay chứng được đạo quả?

Phật bảo:

– Xưa kia, vào thời Phật Ca-diếp, có năm trăm phụ nữ cùng thụ giới, rồi vì lòng tin không bền chắc nên đã phạm giới, vì thế họ bị đọa kiếp súc sinh, làm những con nhạn ấy. Nhờ nhân duyên thụ giới trước đó, bầy nhạn được gặp Như Lai nghe pháp và chứng đạo. Nhờ nhân duyên làm kiếp nhạn nghe pháp nên chúng được sinh lên trời”.

Kinh Cựu tạp thí dụ ghi: “Ngày xưa, có một vị sa-môn tụng kinh suốt ngày đêm. Có một con chó thường nằm dưới gầm giường để hết tâm nghe kinh, quên cả việc ăn. Cứ như thế trong nhiều năm, sau khi chết, con chó được sinh làm người nữ, trong thành Xá-vệ. Lớn lên, cô gái ấy trông thấy một vị sa-môn đi khất thực, liền đem thức ăn đến cúng dường vị sa-môn. Về sau, cô gái xuất gia làm tì-kheo-ni, chứng được quả A-la-hán”.

Kinh Phó pháp tạng ghi: “Đức Phật nói:

– Tất cả chúng sinh muốn thoát khỏi biển cả sinh tử tam giới, cần phải nhờ thuyền pháp. Pháp là gió mát xua tan hơi nóng phiền não. Pháp là thuốc tốt chữa lành bệnh phiền não. Pháp là thiện tri thức chân thật của chúng sinh, đem lại lợi ích lớn, giúp trừ các đau khổ. Vì sao? Vì tất cả chúng sinh đều có tâm tính bất định, theo thói quen, hễ gần người thiện thì có tính thiện, ở gần người ác thì có tính ác. Nếu ở gần bạn ác, chúng sinh tạo nghiệp ác sẽ bị lưu chuyển trong sinh tử không có giới hạn. Nếu ở gần bạn tốt, chúng sinh khởi lòng tin kính, nghe và thụ trì diệu pháp, chắc chắn lìa được khổ đau trong ba đường. Do công đức ấy, người này được hưởng niềm vui tốt đẹp nhất.

Xưa kia, vua nước Hoa Thị có một con voi trắng thường hay giết kẻ thù địch. Nếu ai phạm tội, nhà vua thường cho con voi ấy dẫm chết. Về sau, vì chuồng voi bị cháy rụi, nhà vua cho dời nó đến gần một ngôi chùa. Từ đó, con voi thường được nghe các tì-kheo tụng kinh Pháp cú:

[11a] Làm lành sinh lên trời

Làm ác đọa địa ngục.

Được nghe pháp, tâm nó trở nên nhu hòa, hiền lành. Nhà vua sai đưa tội nhân đến chỗ nó, nó chỉ lấy mũi ngửi, lấy lưỡi liếm, rồi bỏ đi, không chịu giết. Thấy thế, nhà vua hoảng sợ trong lòng, liền gọi các quan vào triều cùng bàn việc ấy. Một vị quan hiểu rộng tâu:

– Con voi này ở gần chùa, được nghe diệu pháp nên mới như thế. Nay nên đem buộc nó ở gần lò mổ súc vật.

Nhà vua liền áp dụng theo lời tâu ấy. Con voi trắng nhìn thấy cảnh giết mổ súc vật, tâm nó trở nên rất hung ác, giết hại tàn bạo hơn trước nhiều.

Vì thế, nên biết tâm tính tất cả chúng sinh không cố định. Súc sinh còn như thế, nghe pháp thì hiền lành, thấy cảnh giết chóc thì trở nên thích tàn hại, huống gì con người. Do đó, người trí thấy kẻ ác thì nên lìa bỏ, thấy người thiện thì nên gần gũi, siêng năng nghe kinh pháp.

Ngày xưa, có một bà-la-môn đem rất nhiều sọ người đến thành Hoa Thị, rao bán trên khắp các đường phố, nhưng rao mãi mà chẳng có ai mua. Lúc ấy, bà-la-môn hết sức giận dữ, cất cao giọng chửi:

– Người trong thành này thật tối tăm, ngu dốt. Nếu không ai đến mua sọ người của ta thì ta sẽ nguyền a!

Các cư sĩ nam trong thành nghe thấy thế, sợ bị chửi mắng, liền đem tiền đến mua sọ người. Họ dùng đũa đồng xuyên qua tai các sọ người. Nếu cái sọ nào xuyên qua được thì họ trả giá cao, cái nào xuyên được phân nửa thì trả giá thấp hơn, cái nào không xuyên qua được thì không trả tiền.

Người bà-la-môn nói:

– Những sọ người này đều giống nhau, tại sao lại trả giá khác nhau?

Các cư sĩ ấy đáp:

– Những cái sọ xuyên qua được, là sọ của người lúc còn sống đã nghe và thụ trì diệu pháp mà có trí tuệ cao xa. Bởi thế, chúng tôi mua giá cao. Cái sọ nào xuyên qua được một nửa là sọ người tuy nghe kinh pháp, nhưng chưa hiểu rõ. Do đó, chúng tôi trả giá thấp hơn. Còn cái nào không xỏ qua được đều là sọ của người ngày xưa không nghe kinh pháp. Do đó, chúng tôi không mua.

Bấy giờ, các cư sĩ mang những sọ người ấy ra ngoài thành, xây tháp cúng dường. Về sau, khi qua đời, tất cả các cư sĩ nam ấy đều được sinh lên trời. Bởi nhân duyên ấy, nên biết diệu pháp có công đức lớn. Những cư sĩ xây tháp cúng dường sọ của những người nghe pháp còn được sinh lên trời, huống gì người thường chí tâm nghe kinh pháp và cúng dường người cung kính thụ trì kinh. Phúc báo của người ấy thật khó kể xiết, chắc chắn đời vị lai sẽ thành tựu đạo vô thượng”.

Thế nên, người trí muốn được an lạc cùng tột, phải nên chí tâm siêng năng nghe kinh pháp.

Kinh Hiền ngu ghi: “Ngày xưa, lúc Phật còn tại thế, trưởng giả Tu-đạt ở nước Xá-vệ là vị thí chủ kính tin Phật pháp. Ông ta cung cấp mọi thứ cần dùng cho chư tăng. [11b] Trong nhà ông Tu-đạt có hai con chim anh vũ; một con tên Luật-đề, con kia tên Xa-luật-đề. Chúng đều thông minh, hiểu tiếng người; hễ thấy tì-kheo đến nhà, chúng luôn báo trước để người trong nhà ra đón tiếp. Về sau, ngài A-nan đến nhà ông Tu-đạt, thấy hai con chim thông minh, bèn giảng cho chúng nghe pháp tứ đế. Nghe pháp xong, chúng bay lên cành cây trước nhà, vui vẻ tụng trì. Đêm ấy, chúng nghỉ trên cây, bị chồn ăn thịt. Nhờ căn lành ấy, chúng được sinh lên trời Tứ Thiên Vương; khi hết tuổi thọ ở đó, họ sinh vào cõi trời Đao-lợi; hết tuổi thọ ở trời Đao-lợi, họ sinh vào cõi trời Dạ-ma; khi hết tuổi thọ ở trời Dạ-ma, họ sinh vào cõi trời Đâu-suất; khi hết tuổi thọ ở trời Đâu-suất, họ sinh vào cõi trời thứ sáu Tha Hóa Tự Tại; khi hết tuổi thọ ở trời Tha Hóa Tự Tại, họ lại sinh vào cõi trời Hóa Lạc. Rồi lần lượt theo thứ lớp, họ sinh trở xuống đến cõi trời Tứ Thiên Vương; khi tuổi thọ ở trời này hết, họ lại lần lượt sinh trở lên đến cõi trời Tha Hóa Tự Tại. Trải qua bảy lần sinh lên và xuống như thế trong sáu cõi trời Dục, họ tự do hưởng sự vui sướng đến hết tuổi thọ, không bị chết yểu. Về sau, họ qua đời và sinh vào cõi người, xuất gia tu hành, thành Bích-chi phật; một vị tên Đàm-ma, vị kia tên Tu-đàm-ma”.

Kinh Hiền ngu ghi: “Ngày xưa, lúc Phật còn tại thế, có một vị tì-kheo ở trong rừng, thường xuyên tụng kinh. Giọng tụng của vị ấy thật thanh thoát. Bấy giờ, có một con chim nghe tụng pháp, sinh lòng kính mến, thường đậu trên cây để lắng nghe. Một hôm, chim bị thợ săn bắn chết. Nhờ căn lành nghe pháp ấy, nó được sinh lên trời Đao-lợi, làm vị thiên tử có dung mạo xinh đẹp, hào quang rực rỡ không ai sánh bằng. Tự biết túc mạng của mình nhờ nghe tì-kheo tụng kinh pháp nên được sinh vào cõi trời này, vị thiên tử liền đến chỗ tì-kheo kia để cung kính lễ lạy, thăm hỏi, dâng hương và hoa trời cúng dường. Vị tì-kheo kia hỏi rõ và biết sự việc, liền bảo vị trời ấy ngồi xuống và giảng cho nghe pháp, khiến vị trời ấy chứng được quả Tu-đà-hoàn”.

Loài cầm thú nghe pháp còn được phúc báo vô biên, huống gì người tín tâm nghe pháp, lẽ nào không được quả báo lành.

Luật Thiện kiến ghi: “Thuở xưa, lúc còn tại thế, một lần Đức Phật đến bên ao Già-la ở nước Chiêm-ba-la giảng pháp cho mọi người nghe. Khi ấy, có một con cóc ở trong ao nghe tiếng Phật giảng pháp, bèn ra khỏi ao, chui vào bụi cỏ để nghe. Cùng lúc ấy, có một người cầm gậy chăn bò, thấy Đức Phật ở trên tòa giảng pháp, liền đến chỗ Đức Phật lắng nghe. Khi cắm gậy xuống đất để đứng nghe giảng, người ấy cắm nhầm vào đầu con cóc, khiến nó chết ngay tại chỗ. Con cóc liền được sinh lên trời Đao-lợi. Nhờ phúc báo, vị trời ấy được hưởng hạnh phúc cùng với các thiên nữ trong cung điện dài và rộng đến mười hai do-tuần. Vị trời ấy từ cung điện xuống đến chỗ Đức Phật, lạy sát chân Phật. Đức Phật đã biết nhưng vẫn hỏi:

[11c] – Ngươi là người ở đâu, sao có thần thông, tướng hảo và ánh sáng không ai bằng, chiếu đến chỗ này, lại bỗng nhiên lễ chân Ta?

Vị trời ấy đáp bằng kệ:

Ngày xưa là thân cóc,
Kiếm ăn trong ao nước,
Nghe tiếng Phật giảng pháp,
Con chui vào bụi cỏ.
Có một người chăn bò,
Cầm gậy đến nghe pháp,
Cắm gậy nhằm đầu con,
Con chết, sinh lên trời.

Khi vị trời nói kệ xong, Đức Phật giảng bài kệ ấy cho tứ chúng nghe. Bấy giờ, tám mươi bốn nghìn người đều được kiến đạo, vị trời chứng được quả Tu-đà-hoàn. Tất cả đều vui vẻ lui ra”.

I.2.4. Tiệm và đốn

Kinh Bách dụ ghi: “Xưa kia, tại một ngôi làng cách kinh thành nước nọ năm do-tuần, có một nguồn nước rất ngon ngọt. Nhà vua ra lệnh cho người làng ấy hàng ngày phải mang thứ nước ấy vào cung. Mọi người trong làng rất vất vả vì việc ấy, nên đều muốn bỏ làng ra đi. Bấy giờ, trưởng làng bảo mọi người:

– Các người đừng bỏ đi! Tôi sẽ tâu vua xin sửa khoảng cách năm do-tuần thành ba do-tuần, để mọi người mang nước đi lại gần hơn, bớt mệt nhọc hơn.

Ông ta liền vào cung tâu và nhà vua liền ra lệnh sửa thành ba do-tuần. Mọi người trong làng ấy sau khi nghe lệnh đều rất vui mừng. Sau đó, có người bảo rằng: ‘Vốn chỉ là năm do-tuần, không có gì khác’. Tuy nghe lời này, nhưng vì quá tin vào lời của vua, nên họ vẫn không chịu bỏ.

Người đời cũng như thế, khi tu hành chính pháp để vượt khỏi năm đường[6], hướng đến niết-bàn thường sinh lòng chán mỏi, muốn bỏ việc tu tập, dừng nơi bờ sinh tử, không tiến tu. Đức Như Lai Pháp Vương có phương tiện rộng lớn, tùy căn cơ chúng sinh mà chia pháp nhất thừa thành ba thừa để giảng dạy. Người căn cơ Tiểu thừa nghe pháp ấy rất vui mừng, cho là dễ thực hành, bèn tu thiện, tiến đức để cầu vượt thoát sinh tử. Về sau, họ nghe người khác nói rằng không có ba thừa vì ba thừa chính thật là một thừa thôi. Nhưng vì tin lời Phật giảng trước đó, nên họ không chịu bỏ quan niệm cũ. Như thế, họ cũng giống như những người trong làng kia”.

Kinh Hoa nghiêm ghi: “Này Phật tử! Thí dụ như mặt trời mọc, trước hết chiếu đến tất cả những ngọn núi chúa, kế đến chiếu đến các núi báu kim cương, sau đó mới chiếu khắp mặt đất. Ánh sáng mặt trời không nghĩ: ‘Ta phải chiếu trước hết các ngọn núi chúa, rồi sau đó mới chiếu khắp mặt đất’. Nhưng bởi núi và mặt đất cao thấp khác nhau, nên có sự chiếu sáng trước và sau. [12a] Đức Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chính Giác cũng như thế, thành tựu mặt trời trí tuệ soi sáng vô lượng pháp giới, thường phóng vô lượng ánh sáng trí tuệ vô ngại, đầu tiên chiếu đến các ngọn núi chúa là các bồ-tát v.v.., kế đó, chiếu đến các vị duyên giác, rồi đến các thanh văn; kế đó, chiếu đến các chúng sinh có căn lành chắc chắn, tùy ứng mà họ được giáo hóa; sau đó, chiếu đến tất cả chúng sinh, ngay cả chúng sinh tà kiến. Vì tạo nhân duyên lợi ích cho đời vị lai, mặt trời trí tuệ Như Lai không nghĩ rằng Ta sẽ chiếu trước hết đến bồ-tát.., đến cả chúng sinh tà kiến, nhưng phóng ánh sáng trí tuệ rực rỡ chiếu khắp tất cả.

Này Phật tử! Giống như mặt trời, mặt trăng mọc ở thế gian, cho đến núi sâu, hang thẳm đều chiếu khắp, mặt trời trí tuệ của Như Lai cũng như thế, chiếu sáng khắp tất cả. Nhưng vì sự mong cầu cũng như căn lành của chúng sinh không giống nhau nên họ thấy ánh sáng trí tuệ của Như Lai đều khác nhau”.

Kinh Niết-bàn ghi: “Không hề có việc lìa bốn pháp mà đạt được niết-bàn. Bốn pháp ấy là gì? Đó là:

1. Gần gũi thiện tri thức,
2. Chuyên tâm nghe pháp,
3. Tập trung tâm ý suy nghĩ,
4. Tu hành đúng như pháp”.

Vì nghĩa ấy, nghe pháp là nhân duyên đến gần đại bát-niết-bàn. Vì sao? Vì nghe pháp giúp mở được pháp nhãn. Ở thế gian có ba hạng người: một, người không có mắt (ví dụ cho người phàm phu); hai, người có một mắt (ví dụ cho hàng thanh văn); ba, người có hai mắt (ví dụ cho các bồ-tát). Người không có mắt là người thường không nghe pháp. Người có một mắt là người tuy tạm thời nghe pháp nhưng tâm không trụ nơi pháp. Người có hai mắt là người chuyên tâm nghe pháp và thực hành đúng theo pháp được nghe. Từ việc nghe pháp mà biết ba hạng người như thế ở thế gian.

I.2.5. Cầu pháp

Kinh Tạp bảo tạng ghi: “Phật pháp rộng lớn, cứu độ chúng sinh không cùng tận. Người chí tâm cầu đạo đều được chứng quả, đến cả người cười đùa Phật pháp cũng được phúc báo”.

Ngày xưa, có vị tì-kheo quá già, tinh thần không còn minh mẫn. Một hôm, nghe các tì-kheo trẻ tuổi giảng bốn quả[7] sa-môn, vị tì-kheo già sinh lòng ưa thích, bảo các tì-kheo trẻ:

– Các ông thông minh, xin giảng cho tôi nghe bốn quả sa-môn.

Các tì-kheo ấy ngu dốt, nhưng nói:

– Tôi có bốn quả sa-môn, nhưng ông phải đãi chúng tôi một bữa ăn ngon, rồi chúng tôi mới cho ông.

Nghe vậy, vị tì-kheo già vui mừng, liền sửa soạn nhiều món ăn ngon, rồi mời các tì-kheo trẻ đến để cầu xin bốn quả sa-môn.

Sau khi ăn xong, họ bắt đầu đùa vị tì-kheo già, nói:

– Đại đức! Ông hãy ngồi ở góc nhà này, tôi sẽ cho ông quả ấy.

[12b] Nghe vậy, vị tì-kheo già vui mừng, ngồi y theo lời các tì-kheo trẻ. Các tì-kheo trẻ liền dùng quả cầu da đánh vào đầu vị tì-kheo già và nói:

– Đây là quả Tu-đà-hoàn.

Nghe xong, tì-kheo già tập trung tâm ý không tán loạn, liền chứng được Sơ quả.

Các tì-kheo trẻ lại đùa, nói:

– Tuy tôi đã cho ông quả Tu-đà-hoàn, nhưng ông còn phải qua bảy lần sinh, bảy lần chết nữa. Hãy dời sang ngồi ở góc nhà khác, tôi sẽ cho ông tiếp quả Tư-đà-hàm.

Vị tì-kheo già vừa chứng được Sơ quả, đạo tâm càng tăng tiến, liền dời chỗ ngồi. Các tì-kheo trẻ lại dùng quả cầu da đánh vào đầu vị ấy và nói:

– Cho ông Nhị quả đây!

Vị tì-kheo già càng chú tâm suy niệm hơn và liền chứng Nhị quả. Các tì-kheo trẻ lại nói đùa:

– Nay ông đã được quả Tư-đà-hàm, nhưng vẫn còn vướng nạn qua lại sinh tử. Ông hãy chuyển chỗ ngồi, tôi sẽ cho ông quả A-na-hàm.

Vị tì-kheo già liền theo lời bảo, chuyển chỗ ngồi. Các tì-kheo trẻ lại dùng quả cầu da đánh tì-kheo già và bảo:

– Nay tôi cho ông quả thứ ba.

Nghe xong, tì-kheo già vui mừng, càng chú tâm suy niệm nhiều hơn, liền chứng quả A-na-hàm.

Các tì-kheo trẻ lại nói đùa:

– Nay ông đã được quả Bất hoàn, nhưng còn phải thụ thân hữu lậu ở cõi Sắc và cõi Vô sắc, nên còn chịu vô thường biến đổi và hoại diệt, phải khổ đau trong từng niệm. Ông hãy chuyển chỗ ngồi, tôi sẽ cho ông quả A-la-hán.

Vị tì-kheo già liền theo lời bảo, chuyển chỗ ngồi. Các tì-kheo trẻ lại dùng quả cầu da đánh vào đầu vị tì-kheo già và nói:

– Nay tôi cho ông quả thứ tư đấy!

Vị tì-kheo già nhất tâm tư duy, liền chứng quả A-la-hán. Hết sức vui mừng, vị tì-kheo già bèn sửa soạn các món ăn ngon, nhiều thứ hương, hoa, mời các tì-kheo trẻ đến để báo đáp ân đức và cùng họ luận bàn về công đức vô lậu của các đạo phẩm. Các tì-kheo trẻ tịt lời, không nói được. Vị tì-kheo già mới nói:

– Tôi đã chứng được quả A-la-hán.

Nghe như vậy, các tì-kheo trẻ đều hối hận, xin tạ tội đã đùa trước đó.

Vì thế, người tu hành phải nên suy niệm điều thiện. Ngay cả đùa giỡn với Phật pháp còn được quả báo chân thật, huống gì là chí tâm.

Kinh Tạp bảo tạng ghi: “Ngày xưa, có một phụ nữ thông minh, hiểu biết rộng, có lòng tin tam bảo, thường theo thứ tự thỉnh từng vị tì-kheo đến nhà để cúng dường. Về sau, đến lượt vị tì-kheo già đến nhà người phụ nữ ấy. Vị ấy tuổi già, căn tính chậm lụt, thiếu hiểu biết. Sau khi vị tì-kheo già thụ trai xong, người phụ nữ chí tâm cầu thỉnh thuyết pháp, trải thảm ngồi trước mặt vị tì-kheo, nhắm mắt yên lặng. Tự biết mình không hiểu pháp gì để giảng, nhân lúc người thí chủ nữ đang nhắm mắt, vị tì-kheo già bỏ về chùa. Nhưng người phụ nữ ấy chí tâm tư duy rằng pháp hữu vi vô thường, khổ, không, không được tự tại. Nhờ quán sát sâu, người phụ nữ liền chứng quả Tu-đà-hoàn.

[12c] Sau khi chứng quả, người phụ nữ đến chùa tìm vị tì-kheo kia để báo ân. Nhưng vị tì-kheo kia tự xét thấy mình không có trí tuệ, nên bỏ đi để tránh mặt người phụ nữ ấy. Càng hổ thẹn, vị tì-kheo càng ẩn kín. Song người phụ nữ không ngừng cố sức cầu kiến, nên vị tì-kheo kia đành phải ra gặp. Gặp được vị tì-kheo rồi, người phụ nữ trình bày rõ rằng nhờ nhân duyên chứng được đạo quả, nên mang lễ vật đến cúng dường để báo ân. Nghe vậy, vị tì-kheo già vô cùng hổ thẹn, tự trách mình rất nghiêm khắc và cũng chứng được quả Tu-đà-hoàn”.

Vì thế, hành giả phải nên chú tâm chân thành cầu pháp. Nếu chí tâm thì chắc chắn đạt được điều mong cầu.

Kinh Tập nhất thiết phúc đức tam-muội ghi: “Vào đời rất xa xưa, có một vị tiên tên Tối Thắng sống trong rừng núi, chứng được năm thần thông, thường thực hành tâm từ. Một hôm, vị tiên nghĩ: ‘Không phải chỉ có tâm từ mới cứu giúp chúng sinh, học rộng cũng có khả năng trừ sạch tà kiến và phiền não của chúng sinh, giúp chúng sinh khởi chính kiến’. Nghĩ xong, vị tiên liền đến khắp các xóm làng và thành thị, tìm cầu thầy giảng pháp.

Bấy giờ, có thiên ma đến bảo vị tiên:

– Ta có một bài kệ do Phật giảng. Nay nếu ông có thể lột da làm giấy, chích máu làm mực, chẻ xương làm bút để chép bài kệ ấy thì ta sẽ nói cho ông nghe.

Nghe xong, vị tiên nghĩ: ‘Trong vô số kiếp ta đã thường hoang phí cắt xẻ thân mình cho người khác, chịu khổ vô cùng, mà chẳng được lợi ích gì. Nay ta sẽ xả bỏ thân không bền chắc này để đổi lấy diệu pháp’. Thế rồi, vị tiên phấn khởi vui mừng dùng dao lột da làm giấy, chích máu làm mực, chẻ xương làm bút, rồi chắp tay hướng lên trời xin nói cho nghe bài kệ của Phật. Bấy giờ, trông thấy thế, thiên ma buồn rầu ủ rũ, liền ẩn mất. Thấy vậy, vị tiên nói:

– Tôi nay vì pháp không tiếc mạng sống, đã lột da làm giấy, chích máu làm mực, chẻ xương làm bút. Vì chúng sinh nên tôi chí thành không giả dối. Có bậc Đại từ bi nào trong các thế giới khác có khả năng thuyết pháp, xin hãy hiện trước mặt tôi.

Khi vị tiên nói những lời ấy vừa xong, bỗng trước mặt hiện ra Đức Phật hiệu Tịnh Danh Vương ở cõi Phổ Vô Cấu cách cõi Ta-bà ba mươi hai cõi nước về phương đông. Đức Phật ấy phóng hào quang rực rỡ chiếu sáng thân tiên Tối Thắng. Vị tiên liền thấy hết đau đớn, thân thể lành lặn lại như trước. Đức Phật liền giảng cho tiên Tối Thắng nghe ‘Tập nhất thiết tam-muội’. Nghe xong, tiên Tối Thắng liền được vô ngại biện tài và Đức Phật ấy cũng biến mất. [13a] Sau khi được vô ngại biện tài, tiên Tối Thắng giảng nói diệu pháp khắp cho chúng sinh nghe, khiến vô lượng chúng sinh trụ nơi đạo Tam thừa. Một nghìn năm sau, tiên Tối Thắng mới qua đời, sinh vào cõi nước Phổ Vô Cấu của Đức Phật Tịnh Danh Vương. Nhờ tôn kính pháp nên nay tiên Tối Thắng đã được thành Phật”.

Đức Phật bảo ngài Tịnh Uy:

– Tiên Tối Thắng xưa kia chính là Ta.

Vì thế, nên biết, nếu có người thường cung kính cầu pháp, Phật sẽ vì người ấy mà không vào niết-bàn, pháp cũng không hoại diệt. Tuy Đức Phật ở cõi nước khác, nhưng người ấy vẫn thường được diện kiến Ngài và được nghe chính pháp.

Trong kinh Niết-bàn có đồng tử Tuyết Sơn[8] xả thân cầu nửa bài kệ, trong kinh Đại phẩm có bồ-tát Tát-đà vì cầu pháp mà chẻ xương lấy tủy v.v… Có vô số nhân duyên như vậy, không thể kể xiết.

Lời bàn: Bấy giờ, người xuất gia cũng như tại gia học ít hiểu cạn, lại bảo mình có trí tuệ hơn người, nếu muốn tu học, không chuyên học nội điển, chỉ ưa thích học sách vở thế gian và ngoại đạo. Do đó, trong kinh Niết-bàn ghi: “Đức Phật dạy:

– Sau khi ta diệt độ, có đệ tử thanh văn ngu dốt phá giới thích đấu tranh, bỏ phế mười hai thể loại kinh, đọc tụng các sách vở, thơ văn ngoại đạo, cất chứa mọi thứ bất tịnh, lại bảo là Phật cho phép như vậy. Người như thế là người đem gỗ chiên-đàn đổi lấy gỗ tạp, đem vàng đổi lấy quặng đồng, đem bạc đổi lấy sáp trắng, đem lụa đổi lấy vải thô, đem cam lộ đổi lấy thuốc độc”.

Luận Tì-bà-sa ghi: “Giống như người nhìn mặt trời thì mắt bị lóa, khi người suy tìm sách ngoại đạo thì tuệ nhãn bất tịnh. Giống như người nhìn mặt trăng thì mắt sáng tỏ, khi người tư duy kinh luận Phật giáo thì tuệ nhãn trong sáng. Nếu đọc sách ngoại đạo và thế gian thì giống như đánh con khỉ, nó chỉ tuôn ra các thứ bất tịnh. Nếu tư duy Phật pháp thì giống như luyện vàng ròng, càng luyện vàng càng sạch”.

Kinh Bồ-tát thiện giới ghi: “Bồ-tát không đọc tụng kinh điển chính pháp của Như Lai, mà đọc tụng các sách vở, thơ văn, sớ giải của thế gian thì có phạm tội hay không? Nếu vì luận bàn nghĩa lí để phá tà kiến thì có thể đọc tụng hai phần kinh Phật, một phần ngoại điển. Vì sao? Vì ngoại điển là pháp giả dối, chỉ Phật pháp mới chân thật; hơn nữa, nếu biết việc đời thì không bị người đời xem thường”.

Căn cứ đoạn văn dẫn chứng trên, người học Phật pháp nếu cứ “bỏ nội, theo ngoại” thì phạm tội. Dù đã hiểu lí và hạnh thì cũng chỉ nên tạm học ngoại điển để hàng phục ngoại đạo, sau đó, phải bỏ, luôn tiến tu nội nghiệp cho giỏi. Nếu chỉ đắm mê ngoại điển thì làm hư hoại chính pháp.

Do đó, luận Địa trì ghi: “Nếu bồ-tát vứt bỏ không học những điều Phật dạy, lại học sách ngoại đạo và kinh điển thế gian thì phạm tội. Người phạm nhiều lần gọi là phạm nhiễm ô. [13b] Nếu người thật thông minh, có thể học nhanh, đã được bất động trí, hàng ngày học hai phần Phật pháp và một phần ngoại điển thì không phạm. Nếu ưa thích, không lìa bỏ, không có ý lìa bỏ sách vở thế gian và ngoại đạo, tà giáo thì phạm nhiễm ô”.

I.2.6. Cảm được phúc báo

Kinh Phổ diệu ghi: “Nếu có người nghe kinh điển này mà chắp tay tự qui y thì lìa bỏ được gốc của tám sự biếng nhác, thành tựu tám công đức”. Tám công đức đó là:

1. Dung mạo xinh đẹp.
2. Sức lực mạnh mẽ.
3. Quyến thuộc đông đảo.
4. Mau được vô lượng biện tài.
5. Học tập nhanh, được xuất gia.
6. Việc làm thanh tịnh.
7. Đạt được tam-muội.
8. Trí tuệ sáng suốt, hiểu biết tất cả.

Nếu có pháp sư trải tòa đọc tụng kinh này thì được tám điều phúc về tòa ngồi. Đó là:

1. Được tòa trưởng giả.
2. Được tòa Chuyển luân vương.
3. Được tòa của Thiên đế.
4. Được tòa của trời Tự Tại.
5. Được tòa của a-la-hán.
6. Được tòa của bồ-tát.
7. Được tòa của Như Lai.
8. Được tòa của Chuyển pháp luân, độ thoát tất cả chúng sinh.

Nếu pháp sư giảng dạy pháp này, có người khen ngợi: “Lành thay!”, thì người ấy sẽ được tám hạnh thanh tịnh. Đó là:

1. Lời nói và việc làm phù hợp nhau, không trái nghịch.
2. Lời nói chí thành, không giả dối.
3. Chân thật không giả dối ở trong chúng hội.
4. Nói điều gì cũng được người tin, không vứt bỏ.
5. Chỉ nói những lời êm dịu, không thô tháo.
6. Giọng nói từ hòa, cảm động người.
7. Thân tâm tùy thời, tiếng nói như Phạm âm, mọi người nghe đều lãnh thụ được.
8. Giọng nói giống như giọng Phật, phù hợp với tâm chúng sinh.

Nếu người biên chép kinh điển này, sẽ được tám tạng. Đó là:

1. Được Ý tạng, chưa từng quên sót.
2. Được Tâm tạng, hiểu biết rõ mọi kinh pháp.
3. Được Vãng lai tạng, thông hiểu tất cả kinh pháp của Phật.
4. Được Tổng trì tạng, ghi nhớ tất cả những điều nghe được.
5. Được Biện tài tạng, giảng giải kinh điển cho chúng sinh nghe.
6. Được Thâm pháp tạng, hộ trì chính pháp.
7. Được Đạo ý pháp tạng, chưa từng đoạn dứt giáo pháp của tam bảo.
8. Được Phụng hành pháp tạng, mau chóng được vô sinh nhẫn.

Chương Độ vô cực trong Lục độ tập kinh ghi: “Ngày xưa, có một vị tì-kheo tinh tiến thụ trì giáo pháp, thường xuyên tụng kinh Bát-nhã ba-la-mật. Nghe tiếng tụng kinh của vị ấy, người nào cũng vui mừng. [13c] Có một đứa bé mới bảy tuổi, hàng ngày chăn dê ở ngoài thành, nghe tiếng tụng kinh của tì-kheo ấy từ xa vọng lại, liền đến tinh xá lễ bái và lắng nghe. Đến đoạn nói về sắc và không, đứa bé liền tỏ ngộ, hỏi vị tì-kheo, nhưng vị ấy không trả lời được. Ngược lại, đứa bé còn giảng cho vị tì-kheo ấy nghe nghĩa lí mà trước đó vị ấy chưa từng được nghe. Vị tì-kheo rất ngạc nhiên về trí tuệ phi phàm của đứa bé.

Một hôm, khi lùa đàn dê đến chân núi, đứa bé bỗng gặp một con cọp và bị nó ăn thịt. Sau khi qua đời, đứa bé sinh vào một gia đình trưởng giả. Lúc mang thai, vợ ông trưởng giả tự nhiên đọc tụng được kinh Bát-nhã ba-la-mật suốt từ sáng đến tối không ngơi nghỉ. Gia đình ông trưởng giả ấy ngạc nhiên, đều cho là bà ta bị ma ám. Bấy giờ, có một vị tì-kheo đi ngang qua nhà ông trưởng giả, nghe tiếng đọc kinh, lòng rất vui mừng, bảo ông trưởng giả: “Phu nhân không phải bị bệnh ma ám, mà chỉ là đang giảng bộ kinh tôn quí”. Bà vợ ông trưởng giả ra lạy chào, vị tì-kheo liền giảng pháp cho bà ta nghe; đồng thời, giải thích hết các điều bà nghi ngờ và không hiểu. Chư tăng rất vui mừng. Đến khi đủ ngày tháng, bà ấy sinh một đứa bé trai. Vừa ra đời, đứa bé liền chắp tay, quì thẳng, nói kinh Bát-nhã ba-la-mật. Còn bà trưởng giả, sau khi sinh liền trở lại bình thường như cũ.

Vị tì-kheo bảo bà ta:

– Này, đệ tử chân chính của Phật! Bà hãy nuôi nấng và chăm sóc tốt đứa bé này. Sau khi trưởng thành, nó sẽ làm thầy của tất cả mọi người. Chúng ta đây cũng sẽ theo học nó.

Khi lên bảy tuổi, đứa bé đã lĩnh hội đầy đủ đạo pháp, hiểu biết vượt xa mọi người, đạt được trí Bát-nhã ba-la-mật, có thể hiệu đính được tất cả những nhầm lẫn trong kinh sách. Đi đến đâu, đứa bé cũng thường xuyên giáo hóa mọi người. Tất cả năm trăm người già trẻ, gái trai trong nhà ông trưởng giả đều học đạo với đứa bé. Có đến tám mươi bốn nghìn người đã phát tâm Vô thượng chính chân đạo ý, năm trăm tì-kheo nghe đứa bé giảng đều được lậu tận ý giải[9], dốc lòng cầu Đại thừa, được pháp nhãn tịnh”.

Đứa bé ấy nay chính là Ta, vị tì-kheo kia chính là Phật Ca-diếp.

Kinh Xá-lợi-phất xử thai ghi: “Khi mang thai Xá-lợi-phất, mẹ ông ấy cũng trở nên thông minh”.

Cao tăng truyện ghi: “Khi mang thai La-thập, mẹ ngài trở nên thông minh. Trước đó, hàng ngày bà tụng thuộc lòng một nghìn bài kệ, nhưng khi mang thai, hàng ngày bà tụng thuộc được hai nghìn bài kệ. Đầu tiên, bà chứng quả Tu-đà-hoàn, sau đó, bà chứng quả Tư-đà-hàm”.

Kinh Thắng thiên vương chép: “Nếu nơi nào có pháp sư truyền bá kinh này, nơi ấy chính là nơi Như Lai đến. Phải xem vị pháp sư ấy là thiện tri thức và phải tỏ lòng tôn trọng vị ấy giống như Phật, phải cung kính vui mừng, tôn trọng và khen ngợi khi gặp vị ấy”.

Kinh còn ghi: “Dù Ta trụ thế trong một kiếp hay ít hơn một kiếp, cũng không thể nói hết công đức của pháp sư truyền bá kinh này. Mặt đất nơi pháp sư đi qua, thiện nam và thiện nữ nên chích máu tưới lên để bụi không bốc lên. Cúng dường như thế cũng chưa đáng xem là nhiều, bởi pháp của Như Lai thật khó thụ trì”.

[14a] Kinh Niết-bàn ghi: “Không hề có thiện nam hay thiện nữ nào nghe được kinh này mà còn sinh vào bốn đường ác[10]. Nếu có chúng sinh nghe qua kinh này một lần, đều trừ sạch tất cả tội ác, ngay cả nghiệp tội địa ngục Vô Gián”.

Kinh cũng ghi: “Nếu chúng sinh nào nghe được kinh này một lần, trong bảy kiếp sau đó sẽ không đọa vào đường ác…Nếu chúng sinh nào biết được Như Lai thường trụ không biến đổi, hoặc nghe được hai tiếng ‘thường trụ’ một lần, thì sau khi chết được sinh lên trời. Về sau, đến lúc giải thoát, chứng biết được Như Lai thường trụ không biến đổi”.

Kinh Hoa nghiêm ghi: “Nếu nghe một câu pháp chưa từng được nghe, thì quí hơn tất cả châu báu trong cõi tam thiên đại thiên. Bồ-tát ấy được nghe một bài kệ chính pháp mà khởi tưởng là pháp tài vô thượng thì còn quí hơn cả được ngôi Chuyển luân thánh vương”.

Kinh Pháp hoa ghi: “Nếu người thiện nam hay thiện nữ nào thụ trì kinh Pháp hoa này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giảng giải, hoặc biên chép, người ấy sẽ được tám trăm công đức về mắt, một nghìn hai trăm công đức về tai, tám trăm công đức về mũi, một nghìn hai trăm công đức về lưỡi, tám trăm công đức về thân, một nghìn hai trăm công đức về ý”.

Kinh Niết-bàn ghi: “Sau khi Ta vào niết-bàn, nếu có ai nghe được kinh điển Đại thừa vi diệu mà sinh lòng kính tin, nên biết những người đó trong trăm nghìn ức kiếp vị lai sẽ không đọa vào đường ác… Nếu ai ở chỗ một hằng sa Đức Phật phát tâm, người ấy trong đời ác về sau sẽ không phỉ báng pháp này, mà lại ưa thích kinh này, nhưng không giảng nói đầy đủ, rành mạch được cho mọi người nghe. Nếu ai ở chỗ hai hằng sa Đức Phật phát tâm, người ấy trong đời ác về sau sẽ không phỉ báng pháp này, mà lại tìm hiểu đúng đắn, ưa thích thụ trì và tụng đọc kinh này, nhưng cũng không giảng nói được cho mọi người nghe. Nếu có ai ở chỗ ba hằng sa Đức Phật phát tâm, người ấy trong đời ác về sau sẽ không phỉ báng pháp này, mà lại biên chép kinh này, có thể giảng nghĩa sâu xa của kinh này cho người khác nghe, nhưng bản thân người ấy vẫn không hiểu nghĩa lý sâu xa trong kinh. Nếu có ai ở chỗ bốn hằng sa Đức Phật phát tâm, người ấy trong đời ác về sau sẽ không phỉ báng kinh này, ngược lại, còn biên chép kinh này và giảng được nghĩa của một trong số mười sáu phần kinh. Nếu có ai ở chỗ của năm hằng sa Đức Phật phát tâm, người ấy trong đời ác về sau sẽ giảng giải được nghĩa của tám trong số mười sáu phần kinh này cho khắp mọi người nghe. [14b] Nếu có ai ở chỗ sáu hằng sa Đức Phật phát tâm, đến đời ác về sau sẽ giảng giải được mười hai trong số mười sáu phần kinh này khắp cho mọi người nghe. Nếu có ai ở chỗ bảy hằng sa Đức Phật phát tâm, đến đời ác về sau sẽ giảng giải được mười bốn trong số mười sáu phần kinh này cho khắp mọi người nghe. Nếu ai ở chỗ tám hằng sa Đức Phật phát tâm, đến đời ác về sau sẽ biên chép, khuyên người thụ trì, tu hành đúng như kinh, hiểu và giảng giải được hết mọi nghĩa lí của kinh này”.

I.2.7. Báo ân

Kinh Thiện cung kính ghi: “Đức Phật bảo A-nan:

– Nếu có người nghe pháp sư giảng một bài kệ bốn câu, hoặc sao chép được kinh từ thẻ tre hoặc cuộn lụa của pháp sư, trong nhiều kiếp vác vị hòa thượng a-xà-lê ấy trên vai hoặc cõng trên lưng, hoặc đội trên đầu, hoặc thường cõng đi và cúng dường pháp sư đủ các loại âm nhạc, làm những việc như thế còn chưa báo hết được ân của thầy. Nếu trong đời vị lai người ấy khởi tâm bất kính, thường nói lỗi của pháp sư ấy, Ta nói người ấy ngu si và sẽ chịu đau khổ cùng tột, chắc chắn đọa vào đường ác ở đời vị lai. Vì thế, A-nan! Ta dạy các ông: nếu thường thực hành tâm cung kính tôn trọng thì sẽ được pháp tôn quí có tên là Pháp ái kính tam bảo sâu xa”.

Kinh Phạm võng ghi: “Nếu Phật tử trông thấy pháp sư Đại thừa đồng kiến giải, đồng hạnh tu từ ngoài xa trăm dặm, nghìn dặm đến tăng phường, hoặc các nhà trong thành thị thì phải đón tiếp, tiễn đưa, lễ lạy và cúng dường vị ấy. Hàng ngày ba thời cúng dường các món ăn uống ngon quí đáng giá ba lượng vàng, đồng thời phải sửa soạn giường ghế để nghỉ ngơi, cung cấp mọi thứ cần dùng cho pháp sư. Người ấy lại phải hàng ngày ba thời lễ lạy, thưa thỉnh pháp sư thuyết pháp, không được giận hờn, hay quấy phá pháp sư, phải quên mình vì pháp để cầu pháp. Nếu không, sẽ phạm tội khinh cấu”.

Kinh Ưu-bà-tắc ghi: “Nếu ưu-bà-tắc đã thụ trì sáu giới trọng[11] mà không đến chỗ giảng pháp trong vòng bốn mươi dặm để nghe pháp, thì phạm tội thất ý”.

Kinh Đại phương quảng đà-la-ni ghi: “Phật bảo A-nan:

– Nếu có người bị cha mẹ, vợ con không cho đến đạo tràng, người ấy phải đốt các thứ hương, quì thẳng chắp tay trước cha mẹ, … thưa: ‘Nay con muốn đến đạo tràng, xin cha mẹ thương xót cho phép’. Đồng thời người ấy cũng nên khuyên giải cho cha mẹ hiểu, tùy nghi nói pháp cho cha mẹ nghe. [14c] Phải thưa thỉnh ba lần, nếu gia đình không cho phép thì người ấy phải ở nhà yên lặng suy niệm và tụng trì kinh điển”.

Kinh Chính pháp niệm ghi: “Nếu ai cúng dường vị pháp sư thuyết pháp thì người ấy đã cúng dường Thế Tôn hiện tại. Người như thế, tùy sự cúng dường mà điều mình mong cầu được thành tựu. Ngay đến việc được quả Vô thượng bồ-đề cũng là nhờ thường cúng dường pháp sư thuyết pháp. Vì sao? Vì nhờ nghe pháp nên tâm được điều phục; nhờ tâm được điều phục nên dứt trừ được vô tri tối tăm lưu chuyển trong sinh tử. Nếu lìa việc nghe pháp thì không có cách gì điều phục được tâm”.

Kinh Thắng tư duy ghi: “Không dấy nghiệp tội, không tạo nghiệp phúc, không dấy nghiệp bất động, đó là cúng dường Phật”.

Kinh Pháp hoa ghi: “Nếu đem hương, hoa, y phục, thức ăn, thuốc thang.., cúng dường chư Phật thì không gọi là cúng dường chân chính. Thường tu học theo pháp vi diệu mà Như Lai chứng được khi ngồi ở đạo tràng mới gọi là cúng dường chân chính”. Do đó, Phật nói kệ:

Nếu dùng hoa, hương thoa,
Thức ăn, thuốc, y phục,
Dâng cúng đến chư Phật,
Chẳng gọi chân cúng dường.
Như Lai ngồi đạo tràng,
Chứng được pháp vi diệu,
Nếu tu học pháp ấy,
Chính thật cúng dường Phật.

Luận Thập trụ tì-bà-sa ghi: “Đức Phật bảo A-nan:

– Trời mưa hương và hoa không gọi là cung kính cúng dường Như Lai. Nếu tì-kheo, tì-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di nhất tâm không buông lung, gần gũi và tu tập Phật pháp, đó là chân chính cúng dường Như Lai”.

Kinh Bảo vân ghi: “Không dùng tài thí cúng dường Phật. Vì sao? Vì pháp thân Như Lai không giữ tài thí. Chỉ nên dùng pháp thí để cúng dường Phật, như thế mới đầy đủ Phật đạo, vì đó là cách cúng dường bậc nhất”.

Kinh Thiện cung kính ghi: “Đức Phật dạy:

– Nếu có tì-kheo nhiều tuổi hạ mà không thông hiểu pháp cú thì phải nên nương học người khác. Vì sao? Vì tự mình còn không hiểu đạo pháp, huống gì muốn làm thầy người khác. Giả sử có vị tì-kheo già trăm tuổi hạ, nhưng không hiểu được các việc sâu kín của sa-môn, không thông hiểu luật, giới, pháp, cũng nên bảo vị ấy nương học người khác.

[15a] Nếu tì-kheo thụ pháp với một vị thầy, khi ở bên thầy phải có tâm tôn quí, kính trọng thầy. Khi muốn thụ pháp, lúc ở trước thầy, không được cười, không được lộ răng, không đứng tréo chân, không được nhìn chân, không được động chân, không được rung đùi. Thầy không hỏi thì không được vội nói. Thầy sai bảo gì thì không được từ chối. Không được nhìn mặt thầy, phải cách xa thầy ba khuỷu tay[12]. Thầy bảo ngồi thì ngồi, không được trái lời. Phải khởi tâm từ đối với thầy. Nếu có điều nghi gì thì nên thưa hỏi; khi được thầy chấp nhận thì mới xin thầy chỉ dạy. Hàng ngày phải ba thời thưa hỏi về các việc nên làm hay không nên làm. Nếu trong ba thời người học không thưa hỏi thì vị thầy ấy nên trị tội đúng như pháp. Nếu người học đến tham vấn mà vị thầy ấy không cho gặp thì người học phải lấy hòn đất hoặc cây, hoặc que ghi lại làm bằng chứng. Khi thấy thầy trong thất, người học phải chí tâm đi nhiễu quanh thất ba vòng, rồi đỉnh lễ thầy, sau đó mới trở về. Nếu không gặp thầy, mọi người phải ngưng hết các việc, không được làm gì cả, chỉ trừ việc tiểu và đại tiện. Khi ở chỗ thầy, đệ tử không được nói năng thô tháo, dù thầy có quở mắng cũng không được phản ứng. Đệ tử phải trải sẵn chỗ ngồi, giường ngủ của thầy và thường lau quét cho sạch bụi bẩn, kiến, muỗi… Lúc thầy ngồi, hoặc nằm nghỉ cho đến lúc đứng dậy, đệ tử phải đọc tụng kinh điển. Khi mặt trời mọc ở phương đông, người học liền đến chỗ thầy, khéo léo báo cho thầy biết đã đến giờ và luôn ở bên cạnh thầy thưa hỏi: ‘Thầy có cần việc gì, xin để con phục vụ’. Ngoài ra, khi ở trước mặt thầy, đệ tử không được khạc nhổ, xì mũi. Vì cung kính thầy, khi đi trong chùa, đệ tử không phủ ca-sa che hai vai, không được trùm đầu. Khi trời nóng bức, đệ tử phải hàng ngày ba thời quạt cho thầy mát, ba lần lấy nước cho thầy tắm rửa, cũng lại phải ba thời dâng nước mát cho thầy uống. Thầy có việc lo toan, đệ tử phải hết sức lo giúp thầy”.

Đức Phật bảo A-nan:

– Nếu trong đời tương lai có tì-kheo nào không cung kính thầy, nói lỗi của sư trưởng, người ấy không phải là tu-đà-hoàn, cũng không phải là phàm phu, mà là người ngu, phải trị phạt. Giả sử thầy thực sự có lỗi, đệ tử cũng không được nói, huống gì thầy không có lỗi. Nếu có tì-kheo không cung kính khi ở bên cạnh thầy, Ta nói người ấy sẽ đọa địa ngục nhỏ Tiêu Phác. Người bị đọa vào nơi ấy thì có một thân bốn đầu, toàn thân như đống lửa lớn, cháy dữ dội không ngừng, càng lúc cháy càng lớn. Trong địa ngục ấy còn có loài thú dữ tên Câu Chủy thường ăn lưỡi người. Khi thoát khỏi chỗ đó, người ấy sẽ sinh vào loài súc sinh. Đó đều do đời trước mắng chửi thầy. Do tội lỗi về lưỡi, nên bấy giờ con vật ấy thường ăn phân, uống nước tiểu. [15b] Sau khi bỏ thân súc sinh, dù được sinh làm người, nhưng họ thường sinh ở vùng sâu vùng xa, phải chịu đủ các điều tồi tệ. Tuy họ được thân người, nhưng bề ngoài họ không giống người, không được đầy đủ hình hài, thường bị khinh rẻ, phỉ báng, nhục mạ, xa lìa Phật Thế Tôn, thường không có trí tuệ. Sau khi chết, người ấy lại bị đọa vào địa ngục, chịu vô lượng khổ sở.

I.2.8. Phỉ báng pháp

Trong đời mạt pháp ngày nay, chính pháp bị người làm sai lạc, người xuất gia và kẻ tại gia sống lẫn lộn nhau, truyền bá những điều sai lầm ngược với chân lí, cũng tu tập hỗn tạp, không tu học nội điển, chuyên làm việc thế tục. Dẫu có người sao chép kinh điển thì tâm họ cũng không tha thiết, không giữ sạch kinh sách, lại còn làm nhiều việc xằng bậy, ngủ nghỉ chung với kinh sách, hoặc bỏ mặc kinh sách ngoài hiên nhà cho mưa, gió, mối… hủy hoại, mà chẳng chút lo sợ tội, khiến cho kinh điển không còn linh nghiệm, đọc tụng không còn lợi ích cứu khổ nữa… Đó đúng là do người biên chép không thiết tha và cũng do mọi người chúng ta xem thường kinh điển.

Vì thế, kinh Kính phúc ghi: “Này hiền giả! Các ông không được làm điên đảo, hoặc sửa chữa, khiến sai lạc pháp Kinh Sinh[13].

Nếu không, sẽ bị đọa trong đường mê lầm năm trăm đời không được nghe chính pháp”.

Kinh Đại tập ghi: “Nếu có chúng sinh trong đời quá khứ đã tạo các nghiệp ác, hoặc hủy hoại Phật pháp, hoặc phỉ báng bậc thánh, gây chướng ngại cho người thuyết pháp, hoặc tẩy xóa văn tự trong khi sao chép kinh pháp, hoặc phá hoại các pháp khác, hoặc che giấu kinh khác, do những nghiệp duyên đó, người ấy nay sẽ mắc phải quả báo mù lòa”.

Kinh Đại bát-nhã quyển 14 ghi: “Đức Phật dạy:

– Này các người thiện nam, thiện nữ! Khi biên chép kinh Bát-nhã Ba-la-mật sâu xa, nếu vươn vai ngáp, cười đùa vô cớ, xem thường…, thân tâm xao động, đảo lộn văn từ, nhầm lẫn nghĩa lí, không lĩnh hội được chủ ý, gặp việc bỏ ngang khiến không biên chép xong, nên biết đó đều là ma sự của bồ-tát”.

Kinh Đại thừa liên hoa tạng ghi: “Người lĩnh nhận giới cấm của Phật mà không giữ gìn, về sau lại tự cho mình đúng, đã không hiểu pháp Đại thừa, lại tự khoe mình lĩnh hội được Phật pháp, thì sẽ chịu khổ không kể xiết trong địa ngục Thiết Thương. Khi thoát khỏi địa ngục, người ấy phải làm người ngọng, câm, đui, điếc, không được gặp chính pháp”.

Luận A-nan thỉnh giới luật ghi: “Tăng ni hoặc cư sĩ nào khi đọc kinh, luật, luận mà bước đi, nói chuyện và úp sách kinh thì phạm trọng tội đột-cát-la, sẽ chịu quả báo làm loài súc sinh, trong hai ức năm (tính theo năm của trời Đao-lợi) phải đọa làm hươu nai, thường bị bẻ gãy xương sống, đau đớn không chịu nổi. [15c] Người vô tình nói đùa trong lúc cầm sách kinh, luật, luận thì cũng đón nhận quả báo như trên. Nếu người để kinh và tượng ngoài hiên nhà thì phạm trọng tội đột-cát-la, sẽ chịu quả báo sinh trong loài súc sinh, làm thân chó, lợn trong hai ức năm (tính theo thời gian ở trời Đao-lợi, một năm bằng tám trăm năm ở cõi Ta-bà). Sau đó, nếu được làm người thì trong một ức năm phải thường làm thuê mướn, lao nhọc, không được chút tự do”.

Kinh Đại phẩm ghi: “Người hủy báng ba đời chư Phật Nhất Thiết Trí, do nhân duyên tạo nghiệp phá pháp nên phải đọa địa ngục lớn trong vô lượng năm. Sau đó thoát khỏi địa ngục lớn này, lại vào địa ngục lớn khác. Nếu kiếp hỏa ở đây dấy lên thì họ sinh vào địa ngục lớn ở phương khác. Ở nơi ấy, họ lại phải vào địa ngục lớn này đến địa ngục lớn khác. Cứ như thế, họ phải vào địa ngục khắp trong mười phương. Nếu kiếp hỏa dấy lên ở các nơi kia, họ chết đi, nhưng vì nghiệp duyên phá pháp chưa hết, nên họ phải sinh vào địa ngục ở nơi này, cũng từ địa ngục lớn này đến địa ngục lớn khác chịu vô lượng khổ đau. Khi kiếp hỏa dấy lên ở nơi này, họ lại sinh vào loài súc sinh ở cõi khác trong mười phương, chịu quả báo đau khổ do nghiệp tội phá pháp. Nếu thoát khỏi địa ngục, tội nặng chuyển thành nhẹ, có thể họ được làm người, nhưng sinh trong gia đình người mù, gia đình chiên-đà-la, các gia đình hèn hạ chuyên dọn rửa nhà xí, gánh thây người; hoặc sinh làm người một mắt, không mắt, hoặc bị mù, không có lưỡi, không tai, không tay, sinh nơi không có Phật, không có pháp, không có đệ tử Phật. Vì sao? Vì họ đã gieo trồng, chất chứa nghiệp phá pháp quá sâu dày”.

Kinh Niết-bàn ghi: “Nếu người không tin kinh điển này, thì trong đời nay, người ấy sẽ bị vô lượng bệnh khổ hành hạ, bị nhiều chúng sinh nhục mạ. Sau khi chết, trở lại làm người thì bị mọi người khinh thường, dung mạo xấu xí, vất vả kiếm sống, thường xuyên thiếu thốn, dẫu kiếm được chút vật thực thì cũng là thứ thô dở, hư nát, thường ở trong gia đình nghèo túng, hèn hạ, tà kiến, phỉ báng chính pháp, gặp cảnh chiến tranh, loạn lạc; hoặc bị vua chúa bạo ngược hay kẻ oán thù bức hại; dẫu có bạn tốt, cũng không gặp; tìm kế sinh nhai cũng không được; hoặc tuy có được chút ít lợi lộc thì cũng thường bị đói khát; chỉ được những người thấp hèn quan tâm, không được vua chúa và các quan lớn đoái hoài. Giả sử người ấy nói, dù là điều hợp lí chăng nữa, cũng chẳng ai tin theo. [16a] Giống như chim gãy cánh không bay được, người như thế không thể đến được chỗ tốt lành trong cõi trời và người.

Nếu có người tin được kinh điển Đại thừa như thế, dẫu thân thể vốn xấu xí, nhưng nhờ công đức của kinh ấy nên cũng sẽ trở nên xinh đẹp; dung mạo, oai nghi và sức khoẻ ngày càng tốt đẹp hơn; được mọi người và trời ưa thích gặp gỡ, kính trọng, mến mộ; vua chúa, các quan lớn và gia quyến cung kính tin nghe. Trong các đệ tử thanh văn của Ta, nếu ai muốn thực hiện việc hiếm có bậc nhất, thì phải giảng dạy rộng rãi kinh điển Đại thừa này cho người đời nghe.

Này, người thiện nam! Sương mù tuy muốn bền lâu, nhưng không thể tồn tại dưới ánh mặt trời. Khi mặt trời xuất hiện, sương mù sẽ tan. Này, người thiện nam! Ác nghiệp của chúng sinh cũng như thế, dẫu có sức mạnh ở đời ra sao, chúng cũng không thể tồn tại trước mặt trời Đại niết-bàn. Khi xuất hiện, mặt trời ấy sẽ tiêu diệt sạch tất cả ác nghiệp”.

Kinh Pháp hoa ghi: “Nay các ông hãy lắng nghe, khi Phật còn tại thế hay đã diệt độ, nếu những kẻ phỉ báng kinh điển, thấy người đọc tụng, hoặc biên chép, thụ trì thì khinh thường, ganh ghét, thù hận, thì tội báo của những kẻ ấy sau khi chết phải đọa địa ngục A-tì trọn một kiếp, rồi lại sinh trở lại địa ngục, cứ lần lượt như thế cho đến vô số kiếp. Sau đó, được ra khỏi địa ngục, người ấy sẽ phải đọa làm súc sinh, trong vô số kiếp vừa sinh ra liền bị câm, điếc, thiếu các căn.

Xá-lợi-phất! Nếu nói tội của người phỉ báng kinh này thì trọn các kiếp cũng không hết được”.

Hãy lắng nghe bài tụng:

Sáng nghe pháp thật vui,
Tối chết hẳn chẳng buồn,
Không tìm trong kinh sách,
Há thấu được nghĩa huyền,
Tưới máu còn khó hỏi,
Đốt thân đâu dễ cầu,
Hơi lạnh trùm đêm tối,
Ánh nắng soi vực sâu,
Đàn hồng sắp vui sướng,
Một con bỏ hạnh xưa,
Trước vui mở rương báu,
Sau làm loạn pháp thuyền.
Khó biết bát tạng[14] diệu,
Ba kì[15] chưa thể xong,
Chẳng tự lắng bụi tâm,
Chân như sao ngộ được?

[1] Cõi Tam thiên (Tam thiên thế giới 三千世界; Cg: Tam thiên đại thiên thế giới; S: tri-sāhasra-mahā-sāhasra-loka-dhātu): cõi Tam thiên đại thiên. Vũ trụ quan của người Ấn Độ thời xưa. Lấy núi Tu-di làm trung tâm, chung quanh có bốn đại châu và chín lớp núi, tám lớp biển là một Tiểu thế giới, một nghìn Tiểu thế giới hình thành một Tiểu thiên thế giới, một nghìn Tiểu thiên thế giới hợp thành một Trung thiên thế giới, một nghìn Trung thiên thế giới hợp thành Đại thiên thế giới, vì Đại thiên thế giới này có ba loại thiên thế giới là tiểu, trung và đại tập hợp thành nên gọi là Tam thiên đại thiên thế giới.

[2] Ca-diếp 迦葉 (S:Mahā-kāśyapa): một trong mười đại đệ tử của Đức Phật, ngài là vị tu hạnh đầu đà bậc nhất.

[3] Trời Ứng Thanh (Ứng Thanh thiên 應聲 天; Cg: Tha Hóa Tự Tại thiên; S: Para-nirmita-vaśa-vartin): tầng trời thứ sáu trong sáu tầng trời cõi Dục. Cõi trời này nhờ niềm vui mà người khác hóa độ được để thành tựu niềm vui của mình.

[4] Ngũ cái 五蓋 (S: pañca āvaraṇāni): năm thứ phiền não ngăn che chân tính của con người. Đó là tham dục, sân khuể, hôn trầm thuỳ miên, trạo cử và nghi.

[5] Nhân bảo 人寶: từ khen ngợi Đức Phật là của báu trong loài người. Ở đây chỉ cho người phụ nữ nghe pháp và chứng quả Tu-đà-hoàn.

[6] Năm đường (ngũ đạo 五道; S: pañca gatayaḥ): năm nơi mà loài hữu tình hướng đến như trời, người, địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh.

[7] Bốn quả (tứ quả 四果): bốn quả vị mà hàng thanh văn thuộc Tiểu thừa chứng được. Giai đoạn theo thứ lớp như quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán.

[8] Đồng tử Tuyết Sơn (Tuyết Sơn đồng tử 雪山童子): tên của Đức Thích Tôn lúc tu hạnh bồ-tát ở đời quá khứ.

[9] Lậu tận ý giải 漏盡意解: đoạn trừ tất cả phiền não, tâm hoàn toàn giải thoát.

[10] Bốn đường ác (tứ ác thú 四惡趣): bốn nơi mà chúng sinh tạo nghiệp ác phải sinh vào đó chịu quả khổ. Đó là địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh và A-tu-la.

[11] Sáu giới trọng (lục trọng giới 六重戒; Cg: lục trọng pháp): sáu giới trọng mà hàng ưu-bà-tắc phải thụ trì. Đó là không sát sinh, không trộm cướp, không nói dối, không tà dâm, không nói lỗi bốn chúng, không uống rượu.

[12] Ba khuỷu tay (tam khuỷu 三肘): từ đo lường. Theo HanyuDacidian, một khuỷu tay bằng một thước năm tấc, ba khuỷu bằng bốn thước năm tấc.

[13] Kinh Sinh 經生 (Cg: kinh Thủ): kinh sách được ghi chép, sửa chữa để lưu truyền.

[14] Bát tạng 八藏: tám tạng giáo. Theo phẩm Xuất kinh trong kinh Bồ-tát Xử thai thì thánh giáo của Đức Phật được chia làm tám loại như thai hóa, trung ấm, ma-ha-diễn phương đẳng, giới luật, thập trụ bồ-tát, tạp tạng, kim cương, Phật tạng.

[15] Ba kì (tam kì 三祇): tức ba a-tăng-kì.