PHẬT THUYẾT PHÂN BIỆT KINH

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật ở tại khu vườn rừng Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Một hôm vào sáng sớm, Đức Phật sửa pháp phục ngồi nghiêm trang bảo Tôn giả A-nan:

–Này Tôn giả A-nan! Hãy bảo các Tỳ-kheo im lặng lắng nghe. Nay ta sẽ giảng nói cho các ông nghe về các khổ của con người hiện đang chịu.

Tôn giả A-nan đứng dậy sửa pháp phục, lạy Đức Phật rồi thưa:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con xin muốn nghe.

Phật nói:

–Con người có sáu điều ác tự lừa gạt chính mình:

  1. Mắt bị sắc lừa gạt.
  2. Tai bị âm thanh lừa gạt.
  3. Mũi bị hương thơm lừa gạt.
  4. Miệng bị mùi vị lừa gạt.
  5. Thân bị xúc lừa gạt.
  6. Ý theo tà niệm, bị tà niệm lừa gạt.

Đó là sáu cái lừa gạt làm cho con người phải bị đọa trong đường ác, không có thời hạn thoát khỏi. Chỉ có người trí tuệ mới hiểu biết điều ấy mà thôi.

Phật nói:

–Con người do hay làm ba việc mà chịu ba khổ:

  1. Thân hay sát sinh, trộm cắp, tà dâm.
  2. Miệng nói lời hai lưỡi, nói lời độc ác, nói dối và nói lời thêu dệt.
  3. Ý hay tham, sân, si.

Vì hay tạo ba nghiệp mà bị đọa trong ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Ba khổ này chỉ có người trí mới biết được.

Phật nói:

–Con người có sáu việc phóng túng nên bị đọa vào mười tám nơi khổ sở:

  1. Mắt phóng túng theo nhan sắc.
  2. Tai phóng túng theo âm thanh.
  3. Mũi phóng túng theo hương.
  4. Miệng phóng túng theo mùi vị.
  5. Thân phóng túng theo xúc.
  6. Ý phóng túng theo tà niệm.

Sáu phóng túng này vừa là thọ vừa là suy (trần), do phóng túng theo chung mà bị đọa vào mười tám cảnh địa ngục, chịu thống khổ lâu dài không biết khi nào mới ra khỏi.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Người theo Phật thọ giới có thể thoát khỏi thống khổ ấy không?

Phật bảo:

–Có người theo Phật thọ giới được phước vô lượng, không thể ví dụ được, nhưng cũng có người theo Phật thọ giới mà mắc tội rất nặng.

Tôn giả A-nan bạch:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao người theo Phật thọ giới thì được phước đức, nhưng lại có người cũng theo Phật thọ giới mà bị tội nặng? Con xin được hiểu ý này.

Phật bảo:

–Có người theo Phật phụng trì giới kinh, tinh tấn không phạm thì được phước vô lượng, không thể ví dụ hết. Còn người theo Phật thọ giới mà không giữ giới, không tinh tấn thiền định, tư duy, trá danh là theo Phật để chuyên tạo nghiệp tà, tham cầu không biết chán, không biết đủ, dâm loạn ham sắc, ưa thích ca múa xướng hát, uống rượu say sưa, tự do phóng túng. Tuy nói là theo Phật nhưng tội ấy khó lường. Do đó mà bị đọa mãi trong ba đường, chịu muôn ngàn khổ đau khó thoát ra được.

Phật bảo:

–Có ba hạng người theo Phật:

  1. Đệ tử ma theo Phật.
  2. Trời, người theo Phật.
  3. Đệ tử Phật theo Phật.

Sao gọi là đệ tử ma theo Phật? Nghĩa là tuy thọ giới của Phật mà tâm ưa thích nghiệp tà, tôn sùng việc bói toán cầu đảo, tin nơi người thân nhiều quyền lực, không tin việc chân chánh, không biết quả báo của tội ác, giả danh theo Phật để hành cùng với đạo tà. Khi chết, kẻ này bị đọa trong địa ngục Vô gián, luôn luôn chịu khổ, lâu sau mới ra khỏi, làm dòng họ với ma, dua nịnh yêu quái, khó có thể hóa độ được. Do có chút phước còn lại ở đời trước, người này trong nhất thời được thấy chánh pháp nhưng tâm ý mê mờ khó hiểu rõ, thế nên cuối cùng lại bị rơi vào tà kiến. Đó là đệ tử ma theo Phật.

Thế nào là trời, người theo Phật? Nghĩa là người thọ trì năm giới, hành mười nghiệp thiện đến chết cũng không phạm, tin có tội phước, có nhân quả. Sau khi qua đời người này được sinh lên cõi trời. Đó là trời, người theo Phật.

Thế nào là đệ tử Phật theo Phật? Nghĩa là người thọ trì chánh giới, học rộng giới kinh, tu tập thượng tuệ, biết rõ khổ của ba cõi, tâm không đắm chấp, muốn được giải thoát, hành bốn vô lượng tâm và sáu Độ, thương xót tất cả chúng sinh, luôn muốn họ được an ổn, luôn cứu giúp người nghèo đói, không tham tiếc thân mạng, biết tử có sinh, luôn siêng cầu làm tăng trưởng phước đức, không hành theo nghiệp tà. Đó là đệ tử Phật theo Phật.

Phật nói:

–Sau khi ta Niết-bàn một ngàn năm, quân ma sẽ nổi lên. Đời bấy giờ rất xấu ác, nước không có vua, dân chúng không có chỗ ở cố định người phương xa sẽ vào đô thị tàn sát lẫn nhau, không có phép tắc, trong khoảng thời gian này Tượng pháp sẽ hưng thịnh.

Tôn giả A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Tượng pháp?

Phật nói:

–Trong đời vị lai, Tỳ-kheo không giữ chánh pháp, nuôi dưỡng vợ con, không có tâm xấu hổ, cày ruọng trồng lúa để làm sự nghiệp. Lại không chịu học hỏi cách ngồi thiền, ham thích theo thế tục, cho đó là tôn quý, giương mắt ra nhìn nhau, không tôn ti trên dưới, bác bỏ những điều cơ bản dạy nhau để giải thoát, mê muội vào sắc dục, không sợ tội lỗi. Khi ấy có người biết pháp, nói những lời chân thật dạy bảo theo chánh pháp thì lại oán ghét, muốn hại họ. Người vì mình đứng ra bàn luận thì mình lại chê bai, phỉ báng, đuổi đi, khiến họ đau khổ. Vì lý do đó mà pháp lớn bị giảm dần.

Tôn giả A-nan thưa:

–Bấy giờ có ai vâng giữ giáo pháp?

Phật nói:

–Phần nhiều có theo Phật và cũng xuất gia nhưng không giữ giới, ganh ghét lẫn nhau. Người biết đạo nghĩa thì ít mà người không am hiểu thì nhiều.

Tôn giả A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn! Khi đó nước nào xấu ác nhất không tin chánh pháp?

Phật bảo:

–Lãnh thổ Chân Đơn có hàng ngàn Tỳ-kheo ở chung trong một nước lớn nhưng rơi vào lãnh vực của ma, chỉ chừng một, hai người có trí tuệ là đệ tử của Phật. Người sinh lên sáu tầng trời cõi Dục cũng bị giảm dần, người thuộc quân ma thì càng ngày càng nhiều.

Phật bảo:

–Sau khi ta nhập Niết-bàn cũng có nhiều ngoại đạo đến cầu đạo của ta. Muốn hóa độ thì nên ngấm ngầm tìm hiểu họ, xét đủ ba tháng. Khi nào biết ý chí của họ có thể làm và quen theo hạnh thanh tịnh, yên lặng, thiểu dục, không làm sai lạc phạm hạnh thì mới cho họ thọ giới. Đầu tiên trao cho họ pháp mười thiện, sau đó cho học tập ý đạo đủ ba năm, không phạm điều ác mới cho thọ hai trăm bốn mươi giới. Nếu họ có oai nghi, tinh tấn tu hành thì đều hướng đến giải thoát. Trong tương lai, vị này sẽ dự vào pháp hội của Đức Phật Di-lặc, họ được độ, gọi là Ứng đạo.

Tôn giả A-nan thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Con xin vâng lời dạy bảo. Con sẽ giảng nói rộng pháp này cho người đời sau, khiến pháp Phật được truyền bá rộng rãi lâu dài không bị gián đoạn.

Phật bảo A-nan:

–Những điều ông đã nghe nhận, hãy ghi sâu trong lòng. Ta biết ông có lòng tin và ủng hộ Phật pháp.

Tôn giả A-nan thưa:

–Đời sau, như có người tin thích chánh pháp mà chí tâm cầu đạo, muốn đoạn trừ thế tục để theo chánh đạo, nếu lúc bấy giờ không có minh sư để truyền trao giới pháp, mà chỉ có người viết giới luật để trao cho thì có thể độ được không?

Phật nói:

–Đều có thể được. Người nào biết giới luật mới trao giới. Nếu không được như vậy thì dùng văn tự, đó là Ứng pháp. Vì sao? Vì Phật là Bậc Đại Trí, Đại Độ, Đại Minh trong trời đất, không thể vọng truyền mà làm mất đi yếu chỉ. Đối với giới luật, mỗi việc phải sáng suốt chọn lựa để trao cho nhau. Nếu không sáng suốt đối với những việc quan trọng trong giới luật mà vọng trao giới pháp cho người tức là không hợp với lòng tin nơi lời Phật dạy. Trái lại, nếu làm như thế thì mắc tội rất nặng, nên phải suy xét cho thật kỹ.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Vào đời sau, có người chí tâm dốc lòng nhàm chán đau khổ, muốn cầu giải thoát, nhưng gặp thời không có Phật thì làm sao giúp họ đạt được ý nguyện?

Phật bảo:

–Nên hướng dẫn họ hiểu biết về giới pháp, học oai nghi, học giới cấm, được như vậy thì nên hóa độ. Nếu chính mình không hiểu về giới luật mà lại trao truyền thì cả hai đều bị mê muội, mất đạo, đần độn như vậy thì làm sao được giải thoát?

Phật nói:

–Đời vị lai có Tỳ-kheo không thanh tịnh, nuôi vợ con, làm những việc sai phạm, tham cầu lợi dưỡng, không tin tội phước, luôn trông mong sự an vui thì người ấy khó mà đạt được. Thật đáng thương thay!

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Đời sau nếu có người theo đạo, mặc pháp phục đều nhờ oai thần của Phật. Người ấy nhờ nhân duyên nơi chánh đạo sẽ từ đấy mà được giải thoát. Cớ gì không tin mà lại trái với lời dạy sáng suốt của Đức Phật, để rồi phải chịu đau khổ trải qua vô lượng kiếp?

Phật bảo:

–Những người ấy do vô số kiếp trước bị đọa mãi trong khổ não, trong chỗ đau đớn đó, người ấy tự ăn năn hối tiếc, muốn được làm thiện thì sẽ được giải thoát. Một khi tự biết ăn năn sám hối thì liền được phước. Đời sau sinh ra làm người được thấy kinh Phật, cạo bỏ râu tóc làm Tỳ-kheo. Vì bản thức chưa diệt nên tâm ý còn do dự, mờ mịt, không sáng suốt, nên bị cấu nhiễm, phần nhiều không lìa bỏ được thế tục, không gặp minh sư, nên đời sau lại bị đọa vào chỗ cực khổ, chịu tội vô số kiếp.

Phật bảo:

–Này các Tỳ-kheo! Các ông xuất gia bỏ vợ con, xa lìa thế tục làm Sa-môn, các ông phải siêng năng tu giới hạnh như pháp của Ala-hán. Thà lấy nước đồng sôi rót vào miệng cho cháy nát ruột gan, chứ trọn đời không nên, không có đức hạnh mà ăn của tín thí. Thà dùng dao cắt thân thể ra từng mảnh, không vì vô đức mà thọ nhận của tín thí. Người không có đức mà thọ nhận của tín thí thì muôn kiếp bị đọa vào tội khổ, không biết bao giờ ra khỏi được. Do có chút phước còn sót nên được làm người, phải quay trở lại đền trả nợ cũ. Có người làm nô tỳ để trả nợ, có người làm con để trả nợ, có người làm cha mẹ để trả nợ.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Thế nào là trả nợ?

Phật bảo:

–Có người phải làm nô tỳ bị chủ đánh đập không đúng với đạo lý, nhưng kẻ nô tỳ đó phải chịu, không có tâm oán hận mà lại siêng năng làm, không kể gì mệt mỏi, lại thường tiếc giữ của cải của chủ, không dám phí phạm. Đó là làm nô tỳ để trả nợ nơi đời hiện tại, vì đời trước thọ dụng của đàn-việt mà không chịu hành trì công đức, tội ấy cuối cùng phải đến lúc đền trả. Do vẫn còn bổn thức nên không có lòng oán hận, chỉ cam chịu mà thôi.

Thế nào gọi là làm con để trả nợ? Nghĩa là người con thì gom

góp của cải, còn cha mẹ sử dụng thì phung phí vô độ nhưng người con không bao giờ tiếc rẻ. Đó là làm con để trả nợ.

Thế nào gọi là làm cha mẹ để trả nợ? Nghĩa là cha mẹ gom góp tài sản lại bị con tiêu xài phung phí bất kể, nhưng cha mẹ không tiếc, miễn cho con thỏa ý là được.

Tất cả những điều trên đây đều do nhân tạo từ kiếp trước phải trả nợ cho nhau nên không có lòng tiếc rẻ. Các sự đền trả này do nhân duyên hội hợp, đến khi hết thì lại ly tán, không có lâu dài. Người sáng suốt mới biết rõ được việc này cho nên họ không làm. Chỉ có đạo đức mới có thể tồn tại lâu bền.

Trải qua bao kiếp trước, ta cũng đã từng làm cha mẹ, con cái, nô tỳ để đền trả cho người, không thể kể hết. Tất cả nhân duyên ấy chỉ trong một lúc nào đó thôi, khó mà tránh khỏi. Nay ta đắc đạo, cha mẹ hiện tiền đều là nhờ nhân duyên đạo đức của đời trước chứ không phải do sự đền trả. Cha mẹ đời đời luôn buông xả để cho ta học đạo. Trải qua bao kiếp ta luôn tinh tấn Phật, nay mới được thành Phật, đều là nhờ ân của cha mẹ. Con người muốn học đạo không thể không tinh tấn, hiếu thuận. Một khi bị rơi rớt mất hạt giống con người thì muôn kiếp không trở lại được. Cho nên cẩn thận thuận theo tu hành, được gặp kinh đạo, không thể không tinh tấn. Gặp Phật ra đời không thể không có lòng tin kiên cố. Gặp được bậc minh sư không thể không gắng công tu học, vâng làm. Vì sao? Vì thân người khó được, sáu căn khó đủ tài cán thông minh khó đạt, Phật khó được gặp, kinh pháp khó được nghe, cho nên phải luôn siêng năng hành trì.

Phật bảo:

–Sau khi ta nhập Niết-bàn, ở đời xấu ác sẽ có năm tội nghịch. Vào thời này nơi nước Chân Đơn, ma sự dấy khởi mạnh, làm bít lấp chánh đạo. Tuy có kinh pháp nhưng ít người tu học. Giả sử có người học hỏi nhưng ít kẻ hành trì. Bấy giờ có những Tỳ-kheo ít giữ mình thanh tịnh, phần nhiều bị cấu uế, tập theo hạnh của thế gian, kiêu sa, phóng túng giống như người đời không khác, chỉ chạy theo y phục đẹp đẽ, học theo cách thức của thế tục, về với đời, phế bỏ lễ nghĩa, theo bè đảng, tâm ý cầu dục lạc, ham chuộng tiếng khen rồi dạy người vào pháp của mình và độ làm đệ tử. Đã không đem chánh pháp giảng dạy mà còn ủng hộ thêm cho quân ma, không nương vào chánh đạo. Sự nghiệp thế gian cũng không gắng học hỏi, không tìm cầu trí sáng suốt mà tự cho mình là có đức lớn, không gìn giữ các căn môn. Tuy được làm người không chỉ tạm thời, lại tự cho là lâu dài, không biết các đại luôn chống đối nhau, chịu khổ vô cùng, trôi lăn mãi trong đám ma, khổ biết chừng nào!

Này các Tỳ-kheo! Đã được làm thân người rồi, sáu căn lại đầy đủ, thấy giới kinh của Phật phải dốc cầu, siêng năng hành trì đọc tụng. Một khi thân này mất đi khó mà trở lại được, Đức Phật ra đời khó gặp, kinh pháp lại khó nghe. Các ông nên tự tư duy thật kỹ.

Đức Phật giảng nói kinh xong, các Tỳ-kheo ngồi ngay thẳng, tự tư duy, liền chứng đắc quả vị La-hán.