PHẬT THUYẾT PHÂN BIỆT THIỆN ÁC SỞ KHỞI KINH

Hán dịch: Đời Hậu Hán, Tam tạng Pháp sư An Thế Cao, người nước An Tức
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Một thời, Đức Phật ngụ tại tinh xá Kỳ hoàn A-nan-phần-để Alam thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy, vì thương chúng sinh đang khổ đau trong sinh tử, nên Đức Phật phương tiện nói ra những điều cốt yếu để phân biệt thiện ác, đặc trưng cho năm đường (ngũ thú). Người gây tạo thiện, ác có nhiều ít, sân hận có dày mỏng, cõi trời không thân gần, thường cùng với người làm thiện. Những gì gọi là năm đường?

  1. Cõi trời.
  2. Loài người.
  3. Cảnh giới ngạ quỷ.
  4. Cảnh giới súc sinh.
  5. Nê-lê Thái sơn địa ngục.

Con người không cầu con đường cứu độ thế gian, sự ưu khổ của sinh tử không đoạn tuyệt, nên qua lại ở năm đường, không được giải thoát, bậc Hiền giả là người thông minh, chán ghét ở lo ưu khổ não gặp Thầy tức phụng thờ, không gặp tức nhớ Thầy, nhớ những lời Thầy dạy để chỉ cho người khác bỏ ác làm điều lành, phụng dưỡng cha mẹ, chỉ rõ cho chúng sinh con đường độ thế, già bệnh, chết trong một đời thôi. Đức Phật độ người trải qua vạn kiếp không cùng tận.

Bởi vậy, người có trí tuệ sáng suốt nên suy nghĩ chín chắn điều này. Phật dạy các đệ tử: “Hãy nghe ta vì các ngươi mà kể về họa phước của thiện và ác.” Các đệ tử, đều quỳ xuống chắp tay phát nguyện thọ giáo.

Phật bảo: Người ở thế gian vì lòng từ nên không sát sinh. Do không sát sinh nên mới được năm phước đức. Những gì là năm?

  1. Thọ mạng tăng trưởng.
  2. Thân được an ổn.
  3. Không bị binh đao, hổ, báo hay các loại có nọc độc như rắn, rít… gây tổn thương.
  4. Được sinh lên cõi trời, lên cõi trời thọ mạng vô tận.
  5. Từ trên trời hạ sinh ở thế gian tức trường thọ.

Nay thấy có người trăm tuổi, đều do đời trước không sát sinh. Vui mà chết còn hơn sống mà khổ, đã rõ ràng như vậy, cẩn thận chớ phạm vào giới sát.

Phật bảo: Người thế gian không lấy tài vật của người khác, không nhặt của rơi ở trên đường, tâm không tham lợi. Từ đó được năm việc thiện. Những gì là năm?

  1. Tài vật ngày một nhiều.
  2. Không bị mất mát.
  3. Không sợ hãi.
  4. Được sinh lên cõi trời, ở trên cõi trời có nhiều châu báu.
  5. Từ cõi trời hạ sinh xuống thế gian, những tài vật đó cũng còn giữ lại, quan lại, đạo tặc cũng không dám xâm phạm lấy đi tài sản đó.

Nay những tài sản ấy được giữ gìn đến già, đều do đời trước không dám lấy cắp tài sản của kẻ khác. Mất đi không nhiều nhưng khiến người ta (đau buồn) sầu khổ. Rõ ràng như vậy, cẩn thận chớ lấy đi tài sản của người khác.

Đức Phật bảo: Người ở thế gian không phạm vào phụ nữ của người khác, lòng không nghĩ đến chuyện không chính đáng, từ đó được năm việc thiện. Những gì là năm?

  1. Không bị hao phí.
  2. Không sợ quan lại.
  3. Không sợ người.
  4. Được sinh lên cõi trời, rồi được lấy ngọc nữ ở trên trời làm vợ.
  5. Từ trên cõi trời hạ sinh được nhiều người phụ nữ đoan chánh ở trong thế gian làm vợ.

Nay Tôn giả thấy có một số người vợ đoan chánh, đẹp nết đẹp người là trước không phạm đến vợ của người khác vậy. Thật rõ như vậy, cẩn thận chớ phạm vào vợ người.

Phật bảo: Người ở trong thế gian không nên nói hai lời gièm pha người khác. Không nói lời thô ác mắng chửi người khác không nói láo và dùng lời hoa mỹ thêu dệt. Từ đó được năm điều thiện.

Những gì là năm?

  1. Lời nói đều được người ta tin.
  2. Được sự yêu thương của người.
  3. Miệng nói ra có mùi thơm.
  4. Được lên cõi trời, được sự kính trọng của chư Thiên.
  5. Từ cõi trời hạ sinh ở thế gian làm người ăn nói sắc sảo, người khác không dám dùng những từ ác độc, ô uế xúc phạm.

Nay thấy được từ nhỏ đến lớn không bị kẻ khác phỉ báng, đều do đời trước giữ gìn lời nói tốt đẹp, mà có được như vậy. Rõ ràng như vậy, cẩn thận chớ vọng ngôn gièm pha người khác.

Đức Phật bảo: Người ở thế gian không nên uống rượu say, từ việc không uống rượu say thì được năm điều lành. Những gì là năm?

  1. Sự hiểu biết được tăng trưởng, làm quan được tăng chức, lời nói không lầm lẫn; cũng làm quan như ý.
  2. Tề chỉnh việc nhà, thường dư của cải.
  3. Nhờ danh nghĩa, cầu lợi nhanh chóng được, cũng được sự yêu kính của mọi người.
  4. Được sinh lên cõi trời và được chư Thiên kính trọng.
  5. Từ cõi trời hạ sinh xuống trần gian được sự tinh khiết, lòng đầy vui vẻ, trí tuệ thông suốt hiểu rõ mọi việc.

Sở dĩ được như vậy là do đời trước không uống rượu. Vì thế, các ông nên cẩn thận, chớ có uống rượu.

Phật bảo: Người ở thế gian, không được cầm dao, gậy làm cho người ta sợ hãi, không được dùng tay chân làm tổn hại người. Đối với người không được đánh nhau, để rồi mỗi người mỗi ngã. Việc mà mình không muốn, đừng bày ra cho người khác. Từ đó được năm điều thiện. Những gì là năm?

  1. Thân thể được khỏe mạnh.
  2. Đứng, nằm thường an ổn.
  3. Là được chư Thiên, Long thần, Quỷ thần hộ vệ.
  4. Được sinh lên cõi trời, được hưởng niềm vui của cõi trời không bao giờ hết.
  5. Từ cõi trời hạ sinh ở thế gian, thân thể hoàn toàn không tật bệnh.

Nay thấy được người từ trẻ đến già không có bệnh tật đã rõ như vậy, cẩn thận chớ gây điều ác đối với người.

Phật bảo: Người ở thế gian với lòng không sân hận, đối với người hiền sinh lòng kính trọng, đối với người ngu sinh lòng nhẫn nhịn, từ đó sẽ được năm điều thiện. Những gì là năm?

  1. Được sự khen ngợi của mọi người.
  2. Mọi người thấy thì sinh lòng hoan hỷ.
  3. Thân tự an ổn, bóng đẹp.
  4. Được sinh lên cõi trời, ở cõi trời thân được đoan chánh, sạch sẽ.
  5. Từ cõi trời hạ sinh vào thế gian, làm người thường có đức tánh đoan chánh, hiền lương.

Nay thấy có người tốt được tuyển chọn và trong vạn người đều do đời trước người đó với tấm lòng lương thiện, với đức tánh nhẫn nhục mới được như vậy. Không sân hận nó rõ ràng như vậy, cẩn thận chớ đem lòng sân hận đối với người.

Phật bảo: Người ở thế gian hiếu thuận với cha mẹ, tôn kính bậc Trưởng lão, biết cung kính khiêm nhường, trước quỳ sau đứng, dừng đã mới thưa. Phải dại người ác làm điều thiện, từ đó mới được năm điều lành. Những gì là năm?

  1. Được người ta kính yêu.
  2. Khiến mọi người hướng đến điều thiện đó.
  3. Trong lòng mình sinh hoan hỷ.
  4. Được sinh lên cõi trời, được sự kính yêu của chư Thiên.
  5. Từ trên cõi trời hạ sinh vào thế gian được mọi người chiều chuộng yêu mến.

Nay thấy có người có lòng hiếu thuận, được mọi người ưa thích là đều do đời trước biết hiếu thuận với cha mẹ, tôn kính bậc Trưởng lão. Đã rõ như vậy, nên phải thể hiện lòng hiếu thuận, tôn thờ bậc Trưởng lão.

Phật bảo: Người ở thế gian hiểu biết khuyên răn người, rõ biết mọi việc, có lòng tốt ý hay; tôn kính Trưởng lão, lễ tiết vẹn toàn. Từ đó mới được năm điều lành. Những gì là năm?

  1. Làm quan được chức tốt.
  2. Thăng chức quan rất nhanh, buôn bán đắc lợi.
  3. Trăm họ nhìn thấy đều sinh hoan hỷ.
  4. Được sinh lên cõi trời, chư Thiên thấy đều hoan hỷ.
  5. Từ trên cõi trời hạ sinh vào thế gian làm con của vương hầu công khanh, đều do đời trước làm được việc phước.

Đã rõ như vậy, cẩn thận chớ có kiêu ngạo đối với người.

Phật bảo: Người ở trong thế gian không ích kỷ, vui vẻ bố thí, yêu thương đối xử với những gia đình bà con thân thuộc nghèo khổ, những đứa trẻ ăn xin, khiến họ ăn uống thường phải no đủ, áo quần phải đầy đủ. Từ đó được năm điều lành. Những gì là năm?

  1. Tài sản ngày một tăng.
  2. Được lời ca tụng của mọi người trong thiên hạ.
  3. Được sự tôn (trọng) kính của bà con trong làng, quận và trong nước.
  4. Được sinh lên cõi trời, rồi được sự hầu hạ của cõi trời.
  5. Từ cõi trời hạ sinh vào thế gian, được sung túc vui sướng và được sự tôn kính của mọi người.

Đã rõ như vậy đều do đời trước bố thí, hành thiện. Do đó, các ông nên thực hành đức hạnh bố thí.

Phật bảo: Người ở thế gian, có hiền giả am hiểu kinh điển. Nếu những Sa-môn đạo sĩ nào muốn đến hỏi phương pháp cứu độ thế gian, với tâm không đố kỵ, tham ái, từ đó họ sẽ được năm điều lành.

Những gì là năm?

  1. Được thông minh.
  2. Đa văn, cũng đa trí, đa kiến (thấy nhiều, biết nhiều).
  3. Nhiều người kính trọng và khen ngợi.
  4. Được sinh lên cõi trời, để học cái biết ở trên cõi trời.
  5. Từ cõi trời hạ sinh vào thế gian tức rõ kinh hiểu đạo, được sự kính trọng của quốc gia, được sự quy ngưỡng của mọi người.

Nay thấy có người khác thông hiểu kinh điển, đạo lý là vì đời trước vun trồng đạo hạnh mới đạt được. Như vậy họa phước đã rõ ràng như thế, nên các ông phải tu chỉnh đạo đức.

Đức Phật thuyết kinh xong. Các đệ tử đều sinh lòng hoan hỷ, hướng về Đức Phật đảnh lễ.

*****

Đức Phật bảo: “Các ông phải lắng nghe! Làm ác thì nhân quả báo ác.” Các đệ tử đều chắp tay vâng nhận lời dạy của Đức Phật.

Đức Phật bảo: Người ở thế gian thường ưa thích sát sinh, không có lòng từ, từ đó gặp năm điều ác. Những gì là năm?

1. Mạng sống ngắn.

2. Nhiều sợ hãi.

3. Nhiều thù oán.

4. Sau này muôn phần làm cô hồn đọa vào ở trong địa ngục Thái sơn, chịu những thống khổ độc hại trừng trị, như thiêu, nướng, chưng, hấp, chặt, đâm, mổ, lột, ép ruột, chẻ xương, muốn sống cũng không được, phạm vào tội sát lớn, rất lâu mới ra được.

5. Từ trong địa ngục, thoát sinh làm người thường phải đoản mệnh, hoặc thai hỏng mà chết, hoặc rơi xuống đất mà chết, hoặc vào trăm ngày mà chết, hoặc mười năm mà chết.

Nay gặp được thân đoản mệnh. Nếu thân hình đầy mụn nhọt, thân thể không hoàn hảo, què, đi cà nhắc, lưng gù; hoặc miệng câm, tai điếc, mũi trịt, hoặc cụt tay, cụt chân, các lỗ trong cơ thể không thông (chín lỗ), đều do đời trước mổ giết, săn bắn, buông lưới bắt cá, giết hại ruồi muỗi, rùa, ba ba, bò chét, rận. Rõ ràng như vậy, cẩn thận chớ phạm vào giới sát.

Phật bảo: Người ở trong thế gian, làm kiếp người trộm cắp, dùng sức mạnh để lấy tài vật của kẻ khác, cầu lợi không kể cả đạo lý, lừa dối để lấy tài sản; cân nhẹ, đấu nhỏ, thước ngắn để lừa người; dùng cân nặng, đấu lớn, thước dài để xâm lấn người. Trên đường đi lượm nhặt những tài vật của người, đó là nợ mượn dùng mà không hoàn trả; cùng chống đối với mọi người. Từ đó rơi vào năm điều ác.

Những gì là năm?

1. Tài vật ngày càng một hao giảm.

2. Bị vua pháp giam giữ, không ai giúp đỡ khó mà thoát được.

3. Thân chưa được an ổn, thường ôm lòng sợ hãi.

4. Sau khi chết, hồn phất vào trong địa ngục Thái sơn. Ở trong địa ngục Thái sơn bị ngàn vạn độc hại trừng trị, tùy theo việc làm của mình mà nhận tội.

5. Sau khi thoát ra khỏi địa ngục, tùy nợ nặng nhẹ mà trả. Hoặc làm kẻ đày tớ để trả, hoặc làm trâu, ngựa, la, lừa, lạc đà để trả. Hoặc làm heo, dê, ngỗng, vịt, gà, chó để trả nợ. Những loài thuộc cầm thú, cá, ba ba, đều là mắc nợ.

Trong kinh dạy rằng: Mắc nợ không thể gọi là lạc hậu. Nay gặp phải thuộc vào hạng hạ tiện, súc sinh, đều do đời trước ham lợi, cậy thế sức mạnh lấy tài vật của người khác. Thấy được rõ ràng những nỗi khổ trong loài súc sinh như vậy. Cẩn thận chớ lấy tài sản của người khác.

Phật bảo: Người ở thế gian dâm dật phạm vào vợ của người khác, từ đó bị năm tội ác. Những gì là năm?

1. Gia thất bất hòa, vợ chồng gây ra tranh cãi, gây mất tiền tài.

2. Sợ huyện quan thường dùng gậy đánh đập giải quyết mọi việc, bị pháp vua trói buộc, thân phải bị tội sống không bằng chết.

3. Tự lừa dối chính mình, thường sợ người.

4. Đọa vào trong địa ngục Thái sơn. Ở trong địa ngục Thái sơn, cột sắt đỏ rực, thân phải ôm choàng cột sắt đó. Do phạm vào vợ của người nên bị ương họa. Như vậy, gây ra ngàn, vạn năm, thân hình mới thoát tội.

5. Thoát ra khỏi địa ngục sinh làm gà, le le, chim, vịt. Hồn phất mang cái tên mà không có hình.

Nay gặp phải kiếp gà, le le dâm dật không phân biệt nào là mẹ, con, đều hành dâm không có tiết độ, thuộc trong hàng súc sinh. Tuy nhiên, cũng có những loại như chó khôn lanh, ngựa hiểu biết có đủ lòng tin. Nếu là gà, le le thì sự dâm dục không hề dừng. Đều do đời trước dâm dật phạm vào vợ của người, thọ làm thân gà, le le, để làm thức ăn cho người. Thống khổ triền miên như vậy, không thể kể hết. Rõ ràng như vậy, cẩn thận chớ phạm vào vợ của người.

Phật bảo: Người ở thế gian, thích nói lời thêu dệt, thích nói lời ác, nói lời xiên xẹo… Tự cống cao phỉ báng các Thánh đạo, ghen ghét người hiền, cao giọng lấn át mắng nhiếc. Từ những việc ấy bị năm tội ác. Những gì là năm?

1. Nhiều người oán ghét.

2. Tự lừa dối bản thân mình, khiến từ đó mọi người không tin.

3. Gặp nhiều lỗi lầm, tai họa.

4. Đọa vào trong địa ngục Thái sơn. Có những hồn bị kéo lưỡi từ cổ họng ra. Lại bị dùng liềm sắt nóng chích vào trong yết hầu, muốn chết cũng không được, muốn sống cũng chẳng xong, không thể nói được, chịu khổ ngàn vạn năm như vậy.

5. Thoát ra khỏi địa ngục, làm người răng miệng hôi thối, hay các căn thiếu hụt, chân đi cà thọt, miệng nói lập cập, hoặc bị câm không nói được.

Nay làm kiếp người như vậy, là do đời trước gây ra những lời nói thêu dệt phỉ báng các bậc Thánh đạo. Hiểu rõ như vậy cẩn thận chớ nói lời ác.

Phật bảo: Người ở thế gian thích uống rượu say, sẽ có ba mươi sáu lỗi. Những gì là ba mươi sáu lỗi?

  1. Uống rượu say, khiến con cái không kính cha mẹ, quần thần không kính với vua. Đạo nghĩa vua tôi, cha con không có trên dưới.
  2. Lời nói nhiều sai lầm.
  3. Miệng nói nhiều lời ly gián.
  4. Uống rượu say thường nói ra những việc bí mật, riêng tư.
  5. Uống say khiến chửi bới trời, làng xã không kể cả kỵ húy.
  6. Uống say khiến nằm lăn giữa đường không thể trở về được, hoặc mất hết các đồ lặt vặt.
  7. Uống say khiến không thể chấn chỉnh bản thân.
  8. Ngang ngược với trên, dưới, hoặc bị rơi xuống hào, hố.
  9. Uống say khiến ngã xuống, phá nát mặt mày.
  10. Buôn bán thua lỗ, chống đối ngông cuồng.
  11. Uống say khiến (hỏng việc) thất nghiệp, không lo liệu cuộc sống.
  12. Uống say khiến hao giảm tài vật.
  13. Uống say khiến không nhớ tưởng đến sự đói khát của vợ con.
  14. Gọi chửi không kể cả pháp nước.
  15. Uống say khiến cởi áo trần truồng, khỏa thân mà đi.
  16. Uống say khiến tự ý xông vào nhà người, liền nói lời can loạn với người phụ nữ, tội lỗi đó không kể kiết.
  17. Thấy người đi qua liền mắng chửi họ, cùng đánh đập họ.
  18. Giẫm đất, la hét làm kinh động cả láng giềng.
  19. Uống say khiến ngông cuồng sát hại các loài côn trùng, bò sát.
  20. Đập phá nhà cửa, đổ vỡ đồ đạc.
  21. Gia đình coi như là người phạm tội say, thốt ra những lời hỗn láo.
  22. Bè đảng với người ác.
  23. Xa lìa người thiện.
  24. Khi nằm ngủ, thân thể như bệnh tật.
  25. Nôn mửa, khiến các thứ nhơ bẩn chảy ra, vợ con tự chán ghét tình trạng đó.
  26. Uống say khiến dục ý buông thả; như lang sói không biết phòng ngừa.
  27. Không tôn trọng kinh điển, người hiền, không kính đạo sĩ, không kính Sa-môn.
  28. Uống say khiến dâm dật, không chỗ lo sợ để tránh.
  29. Uống say như người điên, khiến người thấy đều bỏ đi.
  30. Uống say vào, như người chết không còn hay biết gì nữa.
  31. Uống say khiến trên mặt nổi mụt, hoặc ốm đau do rượu hoặc suy sụp, tiều tụy.
  32. Trời, rồng , quỷ thần đều cho rượu là ác.
  33. Chỗ quen biết sâu nặng của người thân ngày càng xa.
  34. Uống say khiến thấy ngồi rồi xoạc chân ra hoặc bị người ta đánh bầm cả hai mắt.
  35. Mãi về sau phải đọa vào trong địa ngục Thái sơn, thường bị nước đồng sôi đổ vào miệng, chảy thiêu xuống trong bụng, thế là cầu sống cũng khó được, cầu chết cũng khó xong, kéo dài cả ngàn vạn năm.
  36. Thoát ra khỏi địa ngục, sinh làm người thường ngu si, không chỗ hiểu biết đều do đời trước thèm uống rượu.

Rõ ràng như vậy, cẩn thật chớ uống rượu. Việc uống rượu có ba mươi sáu lỗi lầm, nếu người uống rượu thì phạm vào ba mươi sáu lỗi ấy.

Phật bảo: Người ở thế gian hay cầm gậy dọa người, dùng tay chân đánh người, thích đánh đập tán loạn khiến cho mỗi người đi mỗi ngã. Điều mà mình không muốn lại ép bức người, từ đó sẽ nhận chịu năm điều ác. Những gì gọi là năm?

  1. Tự lừa dối thân mình và bị người khác gieo rắc tai họ cho bản thân.
  2. Hai bản thân sợ hãi.
  3. Lại mắc nhiều bệnh tật.
  4. Đọa vào địa ngục Thái sơn, tùy chỗ mình làm mà thọ nhận tội, kéo dài cả vạn năm.
  5. Khi thoát ra khỏi địa ngục sinh làm người nhiều tật bệnh và luận bị người dùng gậy đánh đập lại.

Do vậy, bệnh tật liên miên không được mạnh khỏe. Rõ ràng như vậy, cẩn thận chớ gây điều ác cho người.

Phật bảo: Người ở thế gian thích sân hận không chịu ôn hòa. Gặp người hiền cũng sân, gặp người ngu cũng sân, không phân biệt được kẻ ác người thiện. Chỉ muốn sân hận với người ta mà thôi. Từ đó bị năm điều ác. Những gì là năm?

  1. Tự thiêu thân.
  2. Tự rối loạn tâm ý.
  3. Nằm, đứng không được yên hoặc ưu sầu, sân hận mà tự sát.
  4. Đọa vào trong địa ngục Thái sơn chịu thống khổ và bị trừng trị trải qua hàng ngàn vạn năm.
  5. Khi ra khỏi địa ngục được sinh làm người, bộ mặt thường độc ác, thần sắc khô héo tiều tụy.

Nay có được thân người hung ác như vậy đều do đời trước thích tạo ra nhân sân hận. Sắc mặt xấu xa không giống như đoan chánh, đẹp đẽ. Rõ ràng như vậy, cẩn thận chớ có sân hận.

Phật bảo: Người ở thế gian bất hiếu với cha mẹ, không kính các bậc Trưởng lão, thấy người khác có hiếu thuận với cha mẹ, tôn kính các bậc Trưởng lão, thường hay sân hận, không ưa làm thiện, từ đó bị năm tội ác. Những gì là năm?

  1. Thường bị ác mộng.
  2. Làm cho người ta oán ghét.
  3. Tiếng ác truyền xa.
  4. Đọa vào trong địa ngục Thái sơn, bị tra tấn cả ngàn vạn năm.
  5. Khi ra khỏi địa ngục sinh làm người thường có tánh dối trá, không tốt đẹp, bị mọi người oán ghét.

Nay làm được thân người tuy không có tánh dua nịnh, ích kỷ, nhưng bị sự căm ghét của mọi người, đều do đời trước không hiếu kính với cha mẹ, không tôn kính các bậc Trưởng lão. Rõ ràng như vậy, cẩn thận chớ có kiêu mạn, nên hiếu thuận và tôn thờ Trưởng lão.

Phật bảo: Người ở thế gian không hiếu kính, không tôn trọng người già, không có lễ tiết, kiêu mạn, tự cao tự đại, từ đó có năm điều ác. Những gì là năm?

  1. Mất hết tước vị.
  2. Tự xem nhẹ mình.
  3. Không được sự kính trọng của người.
  4. Bị đọa vào địa ngục Thái sơn, chịu sự tra khảo kéo dài cả ngàn vạn năm.
  5. Thoát ra khỏi địa ngục sinh làm thân người hạ tiện, bẩn thỉu, bị người ta khinh rẻ.

Nay làm thân người hạ tiện, đều do đời trước không biết tôn kính các bậc Trưởng lão. Rõ ràng như vậy cẩn thận chớ kiêu mạn.

Phật bảo: Người ở thế gian được tài sản nhưng lại tham lam keo kiệt không chịu bố thí, không yêu thương những gia đình nghèo khổ, không cho họ, không cúng dường Sa-môn, Hiền thánh, đạo sĩ, không cho những trẻ ăn xin. Hoặc bị bệnh cũng không dám ăn uống đầy đủ, không dám mặc y phục lành lặn, từ đó bị năm tội. Những gì là năm?

  1. Coi thường thân của mình, cũng làm cho người ta không kính trọng mình.
  2. Người ta đều gọi mình là hạng người keo kiệt.
  3. Mãi mãi xấu hổ.
  4. Đọa ngạ quỷ, chịu khó chịu khổ không thể nói, hoặc trăm năm ngàn năm không có nước để uống. Nhìn xa thì thấy sông, hồ, khe nước từ trong núi, đi đến gần để uống, nước liền biến thành nước đồng, mủ, máu không thể uống được, chịu cực chịu khổ như vậy không thể nói ra được.
  5. Thoát ra khỏi cảnh ngạ quỷ, sinh làm người bần cùng, đói lạnh, chống gậy theo người xin ăn, nhưng xin cũng không ai cho, lại còn bị người ta mắng nhiếc.

Nay làm người bần cùng ăn xin đều do đời trước tham lam ích kỷ không dám bố thí. Rõ ràng như vậy, cẩn thận chớ có tham lam ích kỷ.

Phật bảo: Ở thế gian có những bậc Thánh minh, hiền giả hoặc Sa-môn, đạo nhân không vui vẻ đến hỏi con đường cứu nhân độ thế, mà lại lớn tiếng hiềm khích, phỉ báng Hiền giả, từ đó sẽ bị năm tội.

Những gì là năm?

  1. Không có trí tuệ.
  2. Biết ít.
  3. Không được sự kính trọng của người.
  4. Đọa vào địa ngục Thái sơn. Vào ở trong địa ngục Thái sơn, chịu sự tra khảo gây ra cả ngàn vạn năm.
  5. Thoát ra khỏi cảnh địa ngục sinh làm người ngu si không có chỗ hiểu biết, không khác gì loài súc sinh.

Nay làm thân người ngu si không phân biệt được trắng đen, đều do đời trước, không thích những người đạo đức, học cao, hiểu rộng. Rõ ràng như vậy, cẩn thận chớ có phạm.

Phật bảo: Người cầu sống lâu được sống lâu; cầu được đẹp, đoan chánh thì được đẹp, đoan chánh; cầu xấu xa được xấu xa; cầu tươi đẹp được tươi đẹp; cầu hạ tiện được hạ tiện; cầu giàu sang được giàu sang, cầu bần cùng được bần cùng; cầu thông minh hiểu đạo được thông minh hiểu đạo; cầu ngu si được ngu si. Người làm lành được điều lành, nếu làm phước được thăng Thiên, nếu làm người được tôn quý, cũng được đoan chánh. Nếu người làm ác bị quả ác hay can tội, hoặc đọa vào trong địa ngục Thái sơn hoặc đọa vào trong loài ngạ quỷ, hoặc đọa vào trong loài súc sinh. Nếu như được làm thân người phải làm người nghèo khổ, hạ tiện, không có sự hiểu biết, lại bị hình hài xấu xa. Như người trồng đắng được quả đắng, trồng ngọt được quả ngọt. Ví như trồng ngũ cốc, trồng lúa được lúa, trồng đậu được đậu. Như người gieo nhân lành được quả lành, gieo nhân ác gặp quả ác vậy.

Truyền sâu lan rộng giới bao la
Giữ vững lòng tin giới cao xa
Dũng mãnh cương nghị ngăn bạo loạn
Nhân từ hòa dịu ngăn không dứt
Tâm rộng mênh mông hết hồ nghi
Trầm tỉnh thong dong rồi sẽ đạt
Khắc phục hiểm nguy được nhanh chóng
Nhiều người chẳng tin cho không thật.
Người hiền thường giữ giới
Giữ giới được ba thiện
Được kính không cầu nhiều
Mạng hết thọ thân trời.
Trú giới hành đã xong
Dùng tuệ chế ý hành
Đi đến chắc phải đến
Dứt hết chỗ thọ nhận.
Theo giới diệt hết khổ
Ba đời, giới trên hết.
Khiến các loài rồng độc
Không phạm người giữ giới.
Lành thay có giới Phật
Lấy chữ tín làm bạn
Là đạo, chẳng lời tà
Nên gọi giới trên hết
Khéo nương nhờ giới Phật
Chết đâu thấy lửa đồng
Đêm nằm thấy an ổn
Lại được giấc mộng lành
Được mọi người tôn kính
Sức thiện trang nghiêm thân
Tự thân cao quý nhất.
Đời sau làm vua Trời
Ta là người duy nhất
Đã thoát khổ trần thế
Cả cõi trời, cõi người.
Còn đâu so với ma.
Đức Phật vượt các khổ
Lụy kiếp không kể hết
Qua lại trong năm đường
Chưa từng bị trói buộc.
Gian ác đều ẩn núp
Sao gọi điều ác hiện!
Ngày nay người lễ Phật
Đều một lòng chắp tay.
Lễ Phật được sinh Thiên
Sống lâu trong cõi người.
Phật bậc tôn quý nhất
Đã hiện đủ trí tuệ
Đang lễ trước Pháp chúng
Ân đức tựa biển sông
Vì chúng tôi diễn pháp
Thánh điển tích của Phật
Từ đó khởi nhân duyên
Việc làm có thiện ác
Rộng suy tầm viết ra
Tùy theo yếu nghĩa kinh
Thuật ghi ý chỉ Phật.
Từ việc tạo họa phước
Phật đã rõ các pháp
Phạm thiên đến thỉnh cầu
Thế Tôn bèn thuyết kinh
Chí yếu khó nghe thấy
Khổ tùng nhân duyên khổ
Khổ hết mới là quý
Tu theo tám Thánh đạo
Khổ diệt ấy mới tịnh
Từ hành có quả khổ.
Như Đức Phật đã nói
Phát xuất từ nguồn tâm
Gian khổ từ đó có.
Người diệt các khổ não
Là thực hành pháp yếu
Cho nên lần lượt thuyết.
Như các bậc Thánh tôn.
Vì chấp vào kinh điển
Nên người đời thấy pháp
Rõ ràng không còn nghi.
Chỗ thích ứng kẻ trí
Chẳng phải thần hóa phép
Khiến tội phước vô duyên
Cũng chẳng phải tự nhiên
Không đúng thời cũng truyền.
Tại trời đâu vô duyên.
Thời và tánh cũng vậy
Thù thắng không thù thắng
Thực ra chẳng không tạo
Do nghi lao khổ sinh.
Lao khổ kia theo đuổi
Thoát rồi lại vướng mắc
Nghe đây chẳng phải nhiều.
Sao chép yếu nghĩa kinh.
Và tinh túy của luật
Kẻ trí ở cõi đời
Tất cả đều rõ biết.
Hóa hiện giải nghi hoặc
Nương kinh hiện thế gian
Làm thiện có phước báo
Việc này đâu không biết.
Đã tạo việc bất nghĩa
Lúc chết đọa đường ác
Tức thời gặp Diêm vương
Diêm vương lại trói buộc
Già trẻ đều bệnh chết
Dùng hình phạt ngăn cản.
Biết rõ có năm đường
Vì sao không tu đức?
Hành trì thân, miệng, ý
Giới bố thí cao cả,
Vậy sao không nghĩ tới
Mà hay làm điều ác.
Lúc đó có tội nhân
Nghe vua dùng phép răn
Xét mình làm không tốt
Lòng sợ hãi thưa rằng,
Do thân gần bạn xấu
Nghe lời nói phi pháp
Đắm chìm trong tham đắm
Nên không thể tu thiện.
Vua bảo làm người khó
Hạnh phúc sao không thiện?
Thể tánh đâu dễ ngộ
Oan nghiệp tạo địa ngục
Ngươi: Vốn thích việc ác
Tức chẳng vì cha mẹ
Chẳng Sa-môn, đạo sĩ
Chẳng vua chẳng ta dạy
Ngu si khoái tâm ý
Tạo nghiệp bất thiện ấy
Nên việc làm tự thân
Nay sẽ thọ quả báo.
Năm sứ giả đi đến
Lòng ân cần dạy bảo
Về sau vua Diêm-la
Im lặng không nói ra
Bèn sao chép tội lỗi
Để trong cõi Diêm-la
Bị dẫn vào địa ngục
Thấy ác rất sợ hãi
Vào địa ngục tối tăm
Lớn nhỏ đều kêu la
Thứ đến A-tỉ-ma
Lửa thiêu đốt thân hình
Đau đớn chân nhầy nhụa
Qua hình phạt nước sôi
Tầng ngục sát mười sáu
Tự nằm trên rừng dao.
Làm người phàm quả ác
Khiến có địa ngục này
Nên xét nghiệp đã tạo
Rồi lần lượt thọ lấy
Trải qua ngàn ức năm
Sinh rồi lại bị giết
Bởi do kết oán nhiều
Hãm hại bậc Hiền nhân
Sống ngông cuồng như thế
Rồi xa lánh bạn bè
Thích khen ngợi người ác
Chết đọa vào địa ngục
Đối kháng và lừa dối
Chỉ trị người hung ác,
Về sau chẹt trong núi,
Bị chày sắt nghiền nát.
Làm người thích sát sinh
Ngựa, trâu, nai, dê, heo
Gà, chó và côn trùng
Cũng bị chẹt trong núi.
Ngu tham lam khiếp nhược
Tùy ý giết hại người
Cầu tài không đúng pháp,
Bánh xe sắt nghiền thân
Nhờ vã người giúp đỡ
Khuất phục kẻ yếu đuối
Thích gây người phiền lòng
Thường giẫm lên mình người,
Nay làm phiền cha mẹ,
Sa-môn, Bà-la-môn
Quấy nhiễu khiến đau thương.
Đời sau bị thiêu nướng.
Hoặc đánh đuổi cha mẹ,
Người phụng đạo Thánh hiền
Người mà ta đáng kính,
Đời sau bị nấu luộc,
Ức kiếp phải thọ lấy.
Cho rằng không tội lỗi
Rồi sau thiêu cháy thân
La van, đau rên rỉ.
Xâm phạm của cải người
Nhận lấy quá ngắn ngủi
Rồi sau nhà cửa cháy
Gọi to không ai cứu.
Chẳng phải nói là pháp
Là pháp nói chẳng pháp
Hủy báng chẳng kính ai
Sau sinh ngục A-tỳ
Ở chỗ quá yên tĩnh
Mà tạo điều tội lỗi
Do hủy báng Thánh hiền
Khiến đọa vào ngục sâu
Bỏ bê hành thiện nghiệp
Vui sống theo hạnh tà
Sinh ở trong nhà xí
Làm côn trùng ăn phẩn.
Phóng lửa đốt cỏ cây
Hại côn trùng bò sát
Sau đọa vào địa ngục
Bị thiêu như đốt cỏ.
Người thân thích ngầm cướp
Lấy dao sắc đâm người.
Chim sắt móc tai ăn
Uyển chuyển cùng đến ăn
Hoặc phá hoại giáo pháp
Nói khóe người đức hạnh
Đọa địa ngục đao tiển
Đi trên đường dao sắc.
Phạm đến vợ của người
Đọa hình người trăm chân.
Dung mạo tựa mỹ nữ
Ôm choàng lấy người bạn
Ưa thích sự dâm dật
Ý dễu cợt vợ người
Bèn phải chịu các khổ
Thân ôm chầm vào cây
Nếu dùng những xảo trá
Giết hại trùng trong nước
Chết, đọa vào nước sôi
Sống trong dòng sông nhơ,
Vay mượn mà không trả
Thân bị lưỡi câu móc
Sắt cứng đốt đỏ rực
Phải uống nước đồng sôi
Lòng giận ý bực tức
Quả nhiên chẳng đúng pháp
Thấy người khổ vui mừng
Chết làm quỷ Diêm vương,
Sống làm việc bất thiện
Chết tức vào địa ngục
Thống khổ chẳng kể hết
Tất cả chỉ có khổ.
Như vậy đã nói đủ
Tạo tác ở địa ngục
Nghe hiểu việc súc sinh
Ngạ quỷ và quỷ thần.
Thân ba nghiệp, ý ba
Miệng bốn, là bất thiện
Quấy nhiễu tâm dao động
Chết đọa trong súc sinh.
Nếu tình trạng đa dâm
Chết làm loại trùng ngu
Nhạn, cáp, cua, uyên ương
Khổng tước và thiêu thân.
Thích trói giẫm đạp người
Đời sau nhiều khổ não
Tự làm voi, ngựa, trâu
Sân hận chết thành rắn.
Kiêu căng thường khinh người
Sau sinh làm thú dữ
Khinh rẻ người, đời sau
Làm heo, chó, hổ, lừa.
Thường trong lòng ghen ghét
Tâm thường không yên ổn
Đời sau làm con khỉ
Mặt lớn mắt lại nhỏ.
Tham lam và gian trá
Gây nên chuyện cướp bóc
Sau chết làm thân mèo
Ăn thịt thú hổ, lang.
Bố thí nhiều sân hận
Giữ tâm không chân thật
Đời sau đọa làm rồng
Bèn có đại thần lực.
Rộng thí có tâm giận
Khinh người và tự đại
Sau làm chim Ca-lưu
Có sức mạnh ghê gớm.
Thân tự ăn vị ngọt
Đem việc ác đến người
Chết làm quỷ hầm xí
Thường ăn loài trùng thối.
Thích quấy rối già trẻ
Trẻ ăn xin, người bệnh
Đời sau làm quỷ đói
Ăn thứ nhơ người đẻ.
Chỉ đem lòng tham lam
Cứ sợ là không đủ
Sau làm quỷ ăn đêm
Đi từng đàn để ăn.
Nói bố thí không phước
Chớ nên bố thí nhiều
Sau làm quỷ tham lam
Ăn của người, ọc ra.
Không cho lại hủy báng
Tự lấy đồ thô ăn
Sau làm quỷ trong đất
Luôn ăn đàm của người.
Tự có mà không cho
Thường mong cầu người khác
Sau làm quỷ bần cùng
Ưa muốn cũng không được.
Thích biết lỗi người khác
Ép người tham tài sản
Sau làm quỷ xấu xa
Ăn gan ruột người chết.
Nói lời thô giận người
Hại nói lỗi của người
Sau làm quỷ cháy bỏng
Thường ăn, nuốt khói lửa.
Thích kiện tụng, tranh đấu
Hung ác dọa thiêu người
Kiếp sau làm quỷ lửa
Ăn sâu con thiêu thân.
Ngăn cản người bố thí
Mình cũng không giúp người
Sau làm quỷ thân lớn
Bị kim châm mũi, miệng.
Chôn của cải cho con
Không ăn, không bố thí
Khi chết thuộc Diêm giới
Con cúng mới được ăn.
Sinh ở chỗ hẹp hòi
Ngăn cản người bố thí
Làm quỷ hình hung ác
Ham muốn rồi chẳng được.
Lời nói thường cao ngạo
Không bố thí, trì giới
Thích hẹp hòi, nóng nảy
Chết sinh trong quỷ thần.
Giết sâu làm mồi dụ
Dẫn dắt tới chỗ tối
Rồi giết chết mà ăn
Đời sau làm yêu ma.
Mong cầu người bố thí
Lòng chứa đầy bực tức
Sau làm ma ban ngày
Nhan sắc rất xấu ác.
Đã nóng giận lại tham
Thích người giúp, thích rượu
Thích múa nơi có nhạc
Chết làm thần giữ đất.
Người thân trong ngoài nhà
Không ác, không bệnh tật
Sau lại có thần lực
Cỡi mây gió mà bay.
Bố thí xe, nhà cửa
Cùng với thức ăn ngon
Chư Thần ở chỗ ấy
Nhà trông tùy ý bay.
Ham muốn mà lười biếng
Thích bố thí hoa hương
Đó là việc súc sinh
Ngạ quỷ và quỷ thần.
Đã vì đó nói rõ
Lại được nghe nhân lành
Đến ngay cả việc làm
Chỉ có sánh ngần ấy,
Chúng đâu phải một loài
Nay nói rõ việc này.
Trời, người, A-tu-la
Muốn cầu được trường thọ
Nội ý phải tự xét
Không hại những chúng sinh.
Nếu không thí công lao
Không được trói, đánh người
Luôn an ổn quần sinh
Làm người không mắc bệnh.
Ân đức không giết hại
Ý vững chắc không động
Suốt đời không giết hại
Làm người thường nhân hiền.
Chẳng nên bố thí ít
Nếu được một chút ít
Về sau thân cực khổ
Cầu ít có hoặc không.
Ưa lấy tài sản người
Để rồi đem bố thí
Đời sau tuy giàu có
Nhưng lại mau mất đi.
Không được lấy phi pháp
Không lấy của không cho
Mình phải chịu khổ cầu
Đời sau mới đắc tài.
Đã không lấy của người
Thường tự vui bố thí
Nhiều kiếp được giàu có
Được tài vật vô kể.
Ưa giữ gìn giới luật
Đời sau được trí tuệ
Thích pháp được an ổn
Hiền lành, lại đoan chánh.
Con hiếu nuôi dưỡng cha
Đã mất, luôn thờ cúng
Cũng cung kính lễ trời
Đời sau sẽ có ăn.
Người bố thí thức ăn
Đời sau có tướng đẹp
Có năng lực, giàu có
Không bệnh thường an ổn.
Người bố thí quần áo
Hết xấu hổ, tướng đẹp
Lòng thiện, người thấy vui
Được niềm vui mong muốn.
Giúp người nhà cửa ở
Đời sau chỗ ở an
Ở trong các cung điện
Tất cả được đầy đủ.
Bố thí giếng, nước uống
Tắm gội ao hoa sen
Đời sau được, không được
Mong cầu được giàu có.
Đời này thích bố thí
Giày, guốc, thuyền, xe, kiệu
Voi, ngựa, các cỗ xe
Đời sau được lên trời.
Thấy người thương, không oán
Tất cả đều quy ngưỡng
Sau làm con nhà giàu
Bố thí người vườn tược.
Năng giúp đỡ nô tỳ
Tăng thêm sự cung kính
Sau được bà con khen
Khiến không ai không phục.
Tổ tiên hay bố thí
Con cháu tiếp tục làm
Đời sau thật giàu có
Thường được của hồi môn.
Xưng công đức bố thí
Lòng không muốn bố thí
Đời sau tuy làm người
Sinh trong gia đình nghèo.
Nói bố thí vô ích
Chỉ vì thương mà giúp
Tuy ý không bố thí
Sinh trong nhà giàu có
Tâm thường thích trí tuệ
Nhưng mà không bố thí
Sau thường được thông minh
Sinh trong nhà nghèo túng.
Thường hay thích bố thí
Mà không học trí tuệ
Có trí, không nhanh nhẹn
Sinh trong nhà giàu có.
Học tuệ và bố thí
Cũng thâu nhận phước trí
Nếu không làm cả hai
Không được phước trọn vẹn.
Bố thí muốn người khen
Chưa thí, hay đã thí
Sau này muốn bố thí
Riêng mình nhận buồn khổ.
Bố thí tuy không tin
Đời sau được tài sản
Nếu vui, giúp người của
Người ấy mới có vui.
Bố thí có niềm tin
Đời sau thường giàu có
Giàu có được kính trọng
Trong lòng rất vui sướng.
Như kính người có đức
Khéo lòng dâng cúng dường
Sau này được giàu có
Thù thắng đến tột cùng.
Nếu đem lòng khinh miệt
Bố thí người có đức
Tuy sau này giàu có
Nhưng chẳng được an lành.
Bố thí muốn người an
Không lừa bịp mọi người
Tất được bao yêu kính
Thân thuộc cũng nể phục.
Bố thí không tư lợi
Tu đức vì cầu an
Sau này được vui sống
Pháp, đức, lợi vẹn toàn.
Bố thí có trí tuệ
Mà không cầu lợi gì
Thì phước truyền con cháu
Muôn đời được giàu sang.
Người trí hành bố thí
Đúng thời, chẳng mệt người
Tuy ít nhưng đúng giờ
Người nhận được vừa ý.
Tu tập biết giữ gìn
Không quấy nhiễu vợ người
Sau này mới yên vui
Giới đức được trong sạch.
Vợ người vốn không hợp
Kẻ trí tự giữ mình
Sau không ai gây oán
Lại được tánh thanh tịnh.
Nếu tu hạnh thanh tịnh
Hành động chẳng trái sai
Đời sau thơm danh tiếng
Được chư Thiên cúng dường.
Nếu trừ bỏ được rượu
Chuyên trong sạch tu hành
Sau không có hôn trầm
Được trí tuệ, thông minh.
Nếu được làm thân người
Suốt đời không nói bậy
Sau được người tin cậy
Không ai nói lỗi mình.
Thấy tranh chấp liền giải
Không thích nói lời dối
Sau quyến thuộc đoàn tụ
Thân giống như người hùng.
Luôn nói lời nhu nhuyến
Sẽ dễ phục nhân tâm
Được vừa lòng đại chúng
Khiến người nghe quý trọng.
Cùng nhau ngồi luận đàm
Như luận đúng mọi việc
Đời sau được lợi ích
Lúc nói người thích nghe.
Người kia có tất cả
Lòng không hề nghĩ đến
Đời sau tâm an vui
Chẳng để lại ưu sầu.
Suy nghĩ biết mọi việc
Quả báo các điều thiện
Làm người gần điều thiện
Được phước đức rất nhiều.
Muốn lợi lộc thành tựu
Danh tiếng vang đến trời
Biết mạng sống vô thường
Lòng nghĩ đến tu đức.
Tốt xấu do mình tạo
Là lợi lớn cõi người
Trồng tạp được quả tạp
Tại trắng, chẳng phải trắng.
Thiếu niên hay người già
Do nghiệp mình tạo tác
Sau đúng thời nhận lấy
Khổ vui có nguồn gốc.
Tạo ngắn hay tạo dài
Chỗ thiện hay không thiện
Làm vừa được quả vừa
Làm nhiều được quả nhiều.
Lời thầy, bạn tha thứ
Nặng đời nay, đời sau
Vội khinh miệt không nghe
Đời sau thường ngu muội.
Dối trá khinh mạn người
Đời sau gù, xấu xí
Câm ngọng, hoặc ố sắc
Bà con chẳng muốn nhìn.
Không kính lão tức ngu
Việc có đạo tức trí
Không mạn, sau tôn quý
Kiêu mạn tức kẻ hèn.
Bố thí sau giàu có
Không bố thí tức nghèo
Sân hận chịu tướng xấu
Không giận được sắc đẹp.
Gian díu với nam, nữ
Dâm loạn không kể xiết
Ngay cả loài súc sinh
Đời sau làm huỳnh môn (bán nam bán nữ)
Nghĩ dâm, hoặc phóng lửa
Căn thân, tâm, khẩu phạm
Hằng mong cầu nữ nhân
Sau sinh làm huỳnh môn.
Dạy hành thiện bố thí
Lại khuyên theo mình vui
Ghét, thương đều bình đẳng
Đời sau được ba mắt.
Thích dùng áo quần đẹp
Bố thí người có đức
Đời sau thường cao đẹp
Thần sắc sáng tợ vàng.
Coi người như con mình
Giúp đỡ người già bệnh
Sau thường gặp Thánh nhân
Sáng tợ trăng trong sao.
Không giữ gìn trai giới
Luôn thích vú vợ người
Sau làm thân kỹ nữ
Người phạm bị hủy báng.
Lễ kính yêu mọi người
Sau chân tay mềm mại
Giàu có và an ổn
Được kính như Thái sơn.
Chưa hỏi mà đã biết
Không cầu, chỉ bố thí
Sau ấm no đầy đủ
Của cải nhiều như biển.
Đức cao sánh ngang trời
Pháp thiện ai cũng mộ
Đời sau vui được kính
Được sinh vào dòng vua.
Thân, khẩu thường tu thiện
Bố thí mà vui vẻ
Sau giàu chẳng tật nguyền
Vui được sinh phương Bắc.
Ngầm làm thiện được thiện
Chớ đừng quên bố thí
Lớn tiếng lòng nhu nhuyến
Sau làm A-tu-la.
Như có thấy đường thiện
Thấy đủ các điều chánh
Được sinh lên cõi trời
Sáng như ánh mặt trời.
Khéo hiếu thảo cha mẹ
Sau sinh nhà quyền quý
Không tranh, không phẫn nộ
Hưởng phước trời Đao-lợi.
Không còn chỗ tranh luận
Không tham gia lễ tụng
Giữ thiện tâm tu đức
Sau sinh cõi Diễm thiên.
Đa văn định tư duy
Lợi tốt mà cầu thoát
Dùng thiện, niệm thiện đức
Sau sinh trời Đâu-thuật.
Giữ giới thường định ý
Chỉ nương nhờ vào pháp
Khuyên mọi người cũng thế
Sinh cõi trời Kiêu lạc.
Tự giữ giới, bố thí
Không ngạo, không tự xưng
Yêu mến đạo bình đẳng
Sinh cõi trời Ni-mật.
Chấp nhận khổ roi vọt
Không hại đến quần sinh
An ủi đến mọi người
Hưởng phước ở Phạm thiên.
Lòng từ, miệng nói hay
Cầu người yên như mình
Có cầu thì có ứng
Sau ở trời Ca-di.
Niệm hành thường chuyên tâm
Không cầu vui ở đời
Ý định được an tịnh
Sinh trời A-ba-tô.
Định tâm trừ ái nữ
Trừ ba độc, diệu lạc
Luôn luôn tập thiền định
Sinh cõi trời Biến tịnh.
Xét khổ vui chẳng thường
Là việc làm kẻ trí
Thấy biết rất thanh tịnh
Sinh vào trời Hà-pha.
Hiểu rõ tưởng bất tịnh
Thường đến chỗ có vua
Có tập khí không tưởng
Sinh cõi trời Vô tưởng.
Không ỷ mình, ỷ người
Tạo bốn nghiệp to tác
Niệm thiền tự vắng lặng
Sinh trong trời Ngũ tịnh.
Ý nhu nhuyến thù thắng
Tâm chánh tánh trung hòa
Tu pháp trời rộng lớn
Sinh trời A-ca-nhị.
Rõ sắc là vô thường
Ưa cầu chí vô biên
Chỗ biết không giới hạn
Tư duy được ra khỏi,
Đã lìa các tình thức
Không còn lệ thuộc sinh
Có niệm cũng đã qua
Muốn không nghĩ mà nghĩ.
Tuy quyết là sinh lại
Đều nhờ việc mình làm
Kẻ trí tự quán sát
Biết thiện để hành thiện.
Pháp ấy thật đặc biệt
Nên vì người mới nói
Chẳng trời, chẳng loài khác
Tự làm, tự gánh chịu.
Sống mà quán vô thường
Tuệ không nương vọng niệm
Nếu sinh ở cõi thiện
Đều do việc mình tạo.
Nếu đã hiểu không thân
Vô vi, sinh tử, không
Tịch diệt hết khổ não
Là Niết-bàn đệ nhất.