KINH NI KIỀN TỬ VẤN VÔ NGÃ NGHĨA
Tác giả: Bồ-tát Mã Minh sưu tập.
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Sa môn Nhật Xứng v.v…
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

Bấy giờ, nhóm Ni-kiền-tử, tâm mang dị kiến, phát khởi nghi hoặc, tìm cầu đến chỗ bậc hiểu rõ Đại thừa. Đến nơi chấp tay cung kính lễ bái, hỏi nghĩa vô ngã, khiến trừ ám độn. Như Phật đã dạy, xin vì tôi mà khai thị. Nếu nói thân này không có ngã thì ngã tối thượng kia cũng không có. Tại sao trong thân hiện thấy các việc như khóc, cười, vui đùa, bởn cợt, phẫn nộ, ngã mạn, ganh ghét, nói hai lưỡi v.v… Đối với có, không, không thể quyết định rõ, mong Nhân giả vì tôi mà đoạn trừ nghi hoặc. Bậc hiểu rõ Đại thừa ấy bảo Ni-kiền-tử: Trước kia ông cho rằng ngã là tối thượng, quyết định hư vọng. Thế nào gọi là có, thế nào gọi là không? Đối với hai thứ này đều không nắm bắt được. Nếu lấy chính thân mình với các thứ, tóc, da, thịt, gân cốt, mỡ, tủy ruột, dạ dày tay, chân, tất cả của cơ thể thân phần là ngã tối thượng xem xét trong ngoài, làm sao có thể thấy?

Bấy giờ, Ni-kiền-tử thưa với Trí giả: Tôi lấy mắt thịt cho nên không thể thấy. Ngoài ra nếu có Thiên nhãn, có thể thấy được.

Trí giả đáp: Thiên nhãn cũng không thể thấy được. Chẳng phải là hiển sắc, cũng chẳng phải là hình sắc. Tự tánh vốn “không” làm sao có thể thấy?

Ni-kiền-tử hỏi: Các sắc ấy xác định là không chăng?

Trí giả đáp: Nếu nói là không làm sao hiện thấy? Từ nhân duyên sanh các tướng khóc, cười v.v… Hoặc nói là có, hoặc nói là không, cả hai đều là vọng, chẳng phải là chánh lý.

Ni-kiền-tử hỏi: Hoặc có, hoặc không đều không nên nói, thì tại sao thân này hiện có chỗ trụ?

Trí giả đáp: Không có phần nhỏ nào thấy tướng của chỗ trụ cả.

Ni-kiền-tử hỏi: Nếu không trụ hiện rõ thì đồng với hư không?

Trí giả đáp: Như ông nói thì giống như hư không.

Ni-kiền-tử hỏi: Nếu vậy thì tướng khóc, cười do cái gì sai khiến.?

Trí giả đáp: Ý nghĩa này có hai. Một là thế tục, hai là thắng nghĩa. Dựa vào thế tục mà nói, tức là có tự, tha, thọ mạng, sĩ phu, Bổ-đặc-giàla, tạo tác, thọ nhận, tiền của, vật báu, vợ con, thân quyến, bằng hữu, sai biệt như vậy. Dựa vào thắng nghĩa mà nói, tức là tự tha, mạng cho đến các việc thân bằng quyến thuộc v.v… đều không v.v… Tướng sai biệt của phần nhỏ cũng không. Nếu theo thế tục mà nói, tức có sanh diệt, quả báo thiện ác. Nếu theo thắng nghĩa mà nói tức không có sanh diệt, quả báo thiện ác, pháp chân như tự tánh vốn thanh tịnh, không có phiền não, không có nhiễm ô cũng không có tỏ ngộ, xưa nay tịch tĩnh, đây gọi là tự tánh của chân như. Muốn làm sáng tỏ thêm nghĩa trên, nên nói kệ:

Thế tục, Thắng nghĩa đế,
Hai loại, nay sẽ nói:
Thế tục tức thế pháp
Thắng nghĩa không gì hơn.
Hữu tình nương thế tục
Thêm lớn nơi phiền não,
Ở mãi trong luân hồi,
Không rõ pháp Thắng nghĩa.
Do nương theo thế tục
Sanh biến kế tự, tha,
Khởi phân biệt nghi hoặc,
Mà thọ các khổ não.
Phàm phu ngu si kia
Chịu bức bách lâu dài
Không tu nhân xuất ly
Sao biết lý giải thoát?
Kẻ ngu thường nương dựa,
Pháp sanh diệt thế gian,
Dong ruổi trong năm cõi,
Nối tiếp mà không dứt.
Do không đạt thắng nghĩa,
Nên không diệt gốc khổ,
Lần lượt bị luân hồi,
Như tằm tự trói mình.
Cũng như vầng nhật, nguyệt
Xoay chuyển không ngừng nghỉ
Chúng sanh trong ba cõi
Qua, lại cũng như vậy.
Các hành đều vô thường,
Từng sát na dời đổi.
Xa lìa pháp thế gian,
Nên cầu Thắng nghĩa đế.
Cho đến sống cõi Trời,
Và loại Càn-thát-bà v.v…
Không khỏi vô thường kia,
Đều là quả thế gian.
Dạ-xoa các quỷ thần
Thành tựu được trì minh,
Không khỏi đọa cõi ác
Đều là quả thế tục.
Đế Thích, vua Chuyển Luân,
Phước báo không ai bằng,
Không khỏi đọa bàng sanh,
Đều là quả thế gian.
Quyết định phải xả bỏ,
Năm dục vui Trời, người,
Dùng tuệ thường quán sát,
Nơi tâm Bồ đề kia.
Không chấp trước tự tánh,
Vì tất cả đều “không”
Vượt qua chỗ hý luận
Là tướng Tâm Bồ-đề .
Chẳng cứng, chẳng mềm mại
Chẳng nóng, cũng chẳng lạnh
Chẳng xúc chẳng chấp thọ
Là tướng tâm Bồ-đề.
Chẳng dài, cũng chẳng ngắn
Không tròn, cũng không vuông
Chẳng vi tế, chẳng thô
Là tướng tâm Bồ-đề.
Chẳng trắng và chẳng đỏ
Chẳng đen cũng chẳng vàng
Chẳng hiển sắc, hình sắc
Là tướng tâm Bồ-đề.
Chẳng sắc chẳng sáng tỏ
Thế động chẳng trói buộc
Chẳng trú, như hư không
Là tướng tâm Bồ-đề.
Lìa suy nghĩ quán sát
Không cảnh giới ngoại đạo
Cùng tương ưng Bát nhã
Là tướng tâm Bồ-đề.
Không giống, không đối đãi
Vô đẳng, thường vắng lặng
Tự tánh vốn an nhiên
Là tướng tâm Bồ-đề.
Nhu chùm bọt nước nổi
Như huyễn hóa nắng lóa
Vô ngã cũng vô thường
Tất cả chẳng bền lâu.
Thân như là đồ gốm
Hư huyễn mà tràn đầy
Cùng ba độc tương ưng
Rốt ráo “không”, không có.
Như trăng trong đám mây
Sát-na mà không hiện
Do Bát nhã thâm diệu
Đạt hữu vi như huyễn.
Chúng sanh, khí thế gian
Tất cả đều như mộng
Do tự tâm phân biệt,
Tâm kia cũng như mộng.
Nếu người nương chánh lý,
Lấy tuệ mà tu tập
Trừ bỏ các chướng nhiễm
Chóng được đạo vô thượng.
Bát nhã tối thắng này,
Được chư Phật khen ngợi.
Người trí khéo lường xét,
Siêng cầu pháp vô thượng.
Lìa lỗi lầm hữu vi
Chứng thắng đức chân thường
Do giải thoát như đây,
Tất cả không nhiễm chấp.
Chúng ngoại đạo khi ấy,
Nghe xong sinh vui mừng,
Khéo quán sát trừ nghi,
Ngộ được trí Đại thừa.