SỐ 234
KINH PHẬT THUYẾT NHU THỦ BỒ-TÁT VÔ THƯỢNG THANH TỊNH PHÂN VỆ
Dịch Phạn ra Hán: Đời Tống, Sa-môn Tường Công ở quận Nam Hải.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN HẠ

Khi ấy, Bồ-tát Long Thủ nói với Bồ-tát Nhu Thủ:

–Đi thôi, thiện nam tử! Chúng ta đi đến phương Đông để khất thực.

Đáp:

–Này Bồ-tát Long Thủ! Huyễn hóa, sóng nắng mà có phương Đông, Tây, Nam, Bắc ư? Tôi đối với Nhân giả còn không thể nói, huống gì có lời nói. Vì sao? Vì các lời nói ấy tùy theo chỗ ngài đã hỏi. Nhân giả tùy thuận nơi đó mà nói ra như pháp, mỗi mỗi đều biết rõ, không bị chướng ngại, cho nên tôi chẳng còn ngôn ngữ, chưa biết đáp lại. Phàm là người thông đạt đều không chấp lời nói, huống chi là đối với chỗ ấy mà có lời nói ư? Thế nên các pháp không có nguyên do.

Hỏi:

–Thế nào là không có các pháp?

Đáp:

–Này Bồ-tát Long Thủ! Là không có chỗ, không có người, các pháp ấy là không, chính là các pháp cốt yếu. Bằng trí tuệ ấy, mới có thể biết rõ các âm thanh kia, không có chỗ lưu truyền mới là nghĩa lý cốt yếu. Đây đâu phải đạt đến nghĩa lý cốt yếu để nói? Đây là sự nối tiếp với tưởng hành.

Hỏi:

–Chỗ hành nào có thể xa lìa các tưởng?

Đáp:

–Này Bồ-tát Long Thủ! Bồ-tát không có tưởng về sắc, thọ,

tưởng, hành, thức. Lại nữa, đối với pháp vốn không có sự hành, chỗ vốn không ấy, cũng không có sự hành, nhờ sự hành này xa mà lìa được các tưởng.

Khi Bồ-tát Nhu Thủ giảng nói pháp vi diệu sâu xa này, có năm ngàn Bồ-tát đạt được tuệ này, hai ngàn trời, người phát tâm Bồ-tát.

Bấy giờ, Bồ-tát Long Thủ nói:

–Tôi sẽ thoái lui, vì Bồ-tát chẳng phải là bạn của tôi.

Bồ-tát Nhu Thủ đáp:

–Tôi không đi đến cũng chẳng có bạn bè, lại không cùng với ai cả. Vì sao? Vì đạo không có bạn bè, cũng không có tưởng niệm cùng các bạn bè, lại cũng không cùng với dục hành làm bạn. Đối với pháp vốn là không, cũng không thấy bị trói buộc nơi bạn bè. Vì vốn không chấp trước, nên không nói có, có tánh của tôi, của ông, của người, có thọ mạng và pháp nuôi dưỡng thân, có nhân vật, ngôn ngữ, chỗ chấp trước và sự tạo tác việc tạo tác, hướng đến. Nguồn gốc của các pháp vốn là không có như vậy, nên cùng ai để làm bạn? Người có bạn là bị dục trói buộc.

Này Bồ-tát Long Thủ! Ví như có người thông hiểu sáng suốt, suy nghĩ rằng: “huyễn hóa của Như Lai, vật huyễn hóa của huyễn sĩ”. Như vậy, hóa này và hóa kia là một hay là khác?

Nhân giả nói tôi và ông là bạn bè, ông và tôi gặp nhau, ý của Bồ-tát Long Thủ như thế nào? Người hóa kia có bạn không?

Đáp:

–Này Bồ-tát Nhu Thủ! Người do biến hóa không có bạn. Vì sao? Vì biến hóa vốn là không, đều là không thật có, không có hình tượng, không thể nắm bắt được.

Bồ-tát Nhu Thủ nói:

–Này Bồ-tát Long Thủ! Đối với sinh tử đều không có bạn bè cũng không có chỗ trói buộc. Nếu không có bạn bè, không có trói buộc thì có phân biệt, hoặc khởi lên tưởng về bạn bè là cùng với dục khởi. Bồ-tát thấu hiểu nên biết rõ về tưởng của bạn bè. Vì sao? Vì các pháp ấy như huyễn, như hóa, không bạn, chẳng phải có bạn.

Lành thay! Các pháp lo sợ không tin, như giấc mộng, hình ảnh, tiếng vang. Tuy đã có đấy nhưng cũng lại như không. Do tưởng, thức không an, không có nơi chốn, không nắm giữ, không ý, không niệm đều là không thật có, đã xa lìa các niệm ở trong niệm và vô niệm nên vốn là vô niệm.

Hỏi:

–Này Bồ-tát Nhu Thủ! Nhân giả đã từng cùng với người do biến hóa nói chuyện, đi đến, đứng ngồi, bàn luận, tư duy chưa?

Bồ-tát Nhu Thủ đáp:

–Không có.

Bồ-tát Long Thủ hỏ:

–Người huyễn có tướng mạo như thế nào?

Đáp:

–Người huyễn ấy hình tướng giống loài người, hình tướng biến hóa của người huyễn cũng như thế.

Vì sao? Vì huyễn hóa như thế cũng không thoát khỏi nơi này, lại chẳng thoát khỏi nơi kia. Sự huyễn hóa và người không khác nhau, người cũng không khác người huyễn hóa, vì người tức là huyễn hóa. Như người huyễn hóa dùng pháp huyễn hóa để hỏi việc huyễn hóa, các pháp cũng vậy.

Lại hỏi Bồ-tát Nhu Thủ:

–Nhân giả lại tự mình từng cùng người huyễn hóa cùng ngồi đứng, đàm luận, giao du, giảng nói, hiểu biết…, đứng đối diện nhau không?

Đáp:

–Thế nào? Này Bồ-tát Long Thủ! Huyễn sĩ và biến hóa cùng dục có khác chăng? Cho đến đối với tôi, Bồ-tát, người, thọ mạng, pháp tăng trưởng có khác chăng? Tôi đem lời nói huyễn hóa này, để hỏi thử nhân giả, nhận biết Đại sĩ đối với điều này có tài biện luận khác, vậy nên nêu ra pháp gì?

Bồ-tát Long Thủ nói:

–Nhân giả đã thử như thế, là nhằm thử pháp huyễn hóa của hư không. Nhân giả lại nghĩ: Huyễn hóa là có tưởng, người huyễn hóa vốn là không, không tưởng, không niệm, cũng không hình tượng, đều không thực có, đã xa lìa các niệm.

Bồ-tát Nhu Thủ nói:

–Này Bồ-tát Long Thủ! Pháp cũng như huyễn, huyễn hóa vốn là không, “không” ấy không có hình tượng, cũng không thể thấy.

Bồ-tát Long Thủ hỏi:

–Này Bồ-tát Nhu Thủ! Các pháp không có hình tượng thì không thể thấy chăng? Như Nhân giả đã nói, tất cả Đại Bồ-tát phải làm thế nào để thọ nhận sự lễ lạy ấy để thành tựu được đạo Vô thượng chánh chân. Vậy ai biết được để thọ nhận sự lễ bái ấy?

Bồ-tát Nhu Thủ đáp:

–Thế nào? Này Bồ-tát Long Thủ! Bồ-tát đã từng đi vào trong núi sâu nghe tiếng vang, vậy ở trong núi có tiếng vang phát ra không? Tiếng vang ấy có chỗ trú chăng? Dùng nhĩ thức nào để nghe được tiếng ấy ư? Tiếng ấy có đối tượng để nói chăng? Há có duy trì được tiếng vang ấy ư? Lại nữa, cùng với ai nghe tiếng vang kia?

Bồ-tát Long Thủ đáp:

–Không thể vậy.

Bồ-tát Nhu Thủ nói:

–Như thế thì Bồ-tát biết rõ các pháp, nếu như tiếng vang kia là không, thì tất cả các âm thanh, tiếng vang đều xa lìa các âm thanh. Nhưng Bồ-tát ấy dùng sự lễ bái này đối với đạo Vô thượng chánh chân, đối với việc ấy cũng không có nhận thọ ký.

Chư Phật, Đại Bồ-tát ở trong mười phương đều nghe Bồ-tát Nhu Thủ giảng nói, hết sức vui mừng, khen ngợi vô cùng.

Bấy giờ, Bồ-tát Long Thủ nói với Bồ-tát Nhu Thủ:

–Đúng lúc cùng đi vào thành khất thực? Hãy nghĩ đến thời gian không để bị trễ.

Đáp:

–Này Bồ-tát Long Thủ! Các pháp không trễ qua, cũng không có thời gian. Hành giả ở trong tưởng hành ấy, thì tưởng đó có thời gian hay không có thời gian? Bồ-tát thông đạt rõ ràng đối với sự hiểu biết rõ pháp “không” vốn là không, đâu có nói về thời gian hay không gian! Vậy bàn về các pháp khác thì có thời gian hay không có thời gian? Không thời gian chẳng phải thời gian mới ứng hợp với pháp luật vô thượng của Phật. Nếu dùng toán số về thời gian thì có vượt hơn tưởng về thời gian ư? Giống như đệ tử của các Đức Thế Tôn, Hiền thánh luôn tự no đủ bằng trí tuệ của đạo, tuệ không có thức tưởng, đối với tưởng và vô tưởng thực hành không có sự tạo tác, cũng chẳng có tưởng niệm, vô niệm bất niệm, nhờ trí tuệ này mà luôn no đủ. Hàng Thánh chúng của Đức Thế Tôn đều không có niệm về ăn uống, cũng không có tưởng về việc ăn uống, ăn như thế mới gọi là người ăn đích thực, đó là bậc Hiền thánh không xen vào sự ăn uống. Nếu ăn uống hoàn toàn như người ăn ấy, thì gọi là người ăn pháp cam lồ rộng lớn, bằng năng lực dùng thức ăn ấy thì có thể kéo dài mạng sống đến một kiếp hoặc hơn một kiếp. Vì sao? Vì người này hiểu rõ về hành của các pháp, nên không còn tưởng niệm, biết rõ là “không” thanh tịnh. Biết rõ như thế rồi, thì không còn phân biệt về sự mong cầu thức ăn, như hàng phàm phu chưa chứng đắc.

Lại nữa, các Đức Như Lai Vô Thượng Chánh Giác và những bậc Hiền thánh khắp nơi, có tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả lớn, ban bố lòng nhân từ thương xót nhớ nghĩ chúng sinh, nên xuất hiện ở đời. Vì muốn cứu độ sự đau khổ trong năm đường, nên hiện bày đi vào nơi quận, huyện, xóm làng khất thực để thọ nhận thức ăn. Nhưng các bậc Thánh ấy đã xa lìa những thức ăn uống, đối với ăn như không ăn, chỉ dùng trí tuệ biết rõ các chánh định, thường được no đủ, đối với sự xa lìa thức ăn uống mà cùng với người ăn uống thì sẽ bị luân hồi trong sinh tử. Công dụng của chư Phật Thế Tôn là dùng các thức ăn thì nhận biết rõ ràng, hoàn toàn không có tưởng về thức ăn, phấn khởi, hòa nhã an nhiên giữ thân có thể như số cát sông Hằng hoặc vượt hơn số ấy. Từ lúc mới phát tâm, vĩnh viễn không còn các tưởng niệm về sự đói khát, cho đến khi sao mai xuất hiện nơi cây Bồ-đề, từ lúc ấy mới thọ nhận thức ăn. Do thức ăn này cho nên bậc Chánh sĩ và Đại trượng phu anh hùng long mãnh, cho đến bậc Sư tử, các bậc Điều nhu phu và Chúng hoa phù Chánh sĩ Tú Dị, vô vàn Liên Hoa nam tử Vô thượng Trượng phu Pháp Ngự Thiên Nhân Sư đối với chỗ nên thủ đắc, chỗ nên hiểu rõ, chỗ nên thông đạt, đều biết rõ ràng mà được no đủ. Lúc ấy tất cả đều hợp với trí tuệ, thì thành tựu được đạo tâm Vô thượng chánh chân.

Như vậy, này Bồ-tát Nhu Thủ! Tất cả Bồ-tát, các Đức Như Lai và những bậc Hiền thánh khắp nơi, đều nhờ thức ăn ấy mà được chứng đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng giác, tuổi thọ có thể trụ như hằng sa kiếp, hoặc nói còn hơn đấy rất nhiều, mà các Đức Như Lai hoàn toàn không lệ thuộc. Vì sao? Vì nói bằng ứng hóa không có tưởng về ăn uống, vô niệm bất niệm, vô hợp bất hợp bậc Hiền thánh cũng chẳng có tưởng niệm về hành, luôn tùy thuận xuất ra các mùi thơm, tự nhiên thanh tịnh, không tưởng không niệm, không còn các nẻo luân hồi, cũng không hý luận nơi hành, vốn là “không”, tự nó thanh tịnh.

Thế nên, này Bồ-tát Long Thủ! Đại Bồ-tát nên tạo món ăn như thế nào mới thích hợp với món ăn của pháp?

Bồ-tát Long Thủ đáp:

–Lành thay, lành thay! Bồ-tát Nhu Thủ đã giảng nói về sự vi diệu của các pháp, thì tôi đã no đủ vơí các món ăn thượng vị ấy. Chỉ cần nghe giảng về các món ăn của pháp yếu, thì đã no đủ rồi, huống chi từ lâu đã ăn, không còn món ăn khác mà lại ăn món ăn nghĩ muốn hay sao?

Bồ-tát Long Thủ nói:

–Thế nào? Này Bồ-tát Long Thủ! Thể của hư không sao lại có món ăn xen tạp?

Lại hỏi:

–Ngài no rồi sao?

Đáp:

–Này Bồ-tát Nhu Thủ, không, không thật có!

Lại hỏi:

–Này Bồ-tát Long Thủ! Vì sao có thể làm no đủ vật mà người huyễn đã biến hóa chăng?

Đáp:

–Không phải.

Lại hỏi:

–Thế nào? Này Bồ-tát Long Thủ! Phàm là ở biển có thể được no đủ để hiển bày hình tượng chăng?

Đáp:

–Không phải!

Lại hỏi:

Này Bồ-tát Long Thủ! Phàm là ở biển có thể được no đủ từ các dòng sông chăng?

Đáp:

–Không phải!

Bồ-tát Nhu Thủ lại nói:

–Như vậy, này Bồ-tát Long Thủ! Không nhàm chán các pháp, thì nếu như hư không mà Nhân giả vừa nói “có tưởng nên no đủ” chăng? Các pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện, là không khởi, không hành cũng không có chỗ làm, không có chỗ tạo, hoàn toàn như vậy; không muốn dùng định để giải thoát, không sắc, không tướng, không bền không chắc, hiểu rõ như hư không đều không có chỗ nắm bắt, các pháp như thế, làm sao khởi lên tưởng có no đủ?

Bồ-tát Long Thủ nói:

–Như vậy, này Bồ-tát Nhu Thủ! Còn tất cả hành giả ấy không ăn món ăn ư? Thế nên nhân giả nói ăn vốn là không chăng?

Bồ-tát Nhu Thủ nói:

–Này Bồ-tát Long Thủ! Vậy thì tất cả chúng sinh không ăn. Này Bồ-tát Long Thủ! Ví như Đức Thế Tôn biến hóa ra vô số người để ăn và cung cấp cho những người được biến hóa ăn. Vì sao? Này thiện nam! Những người biến hóa ấy lấy gì để ăn? Lại còn có người ăn hay không?

Đáp:

–Người biến hóa không có tưởng, không có ngôn ngữ, đều không thực có, cũng lại không món ăn, huống chi nói có người ăn ư?

Bồ-tát Long Thủ nói:

–Như thế, này Bồ-tát Long Thủ! Có kiến chấp hay không kiến chấp về tất cả các pháp như huyễn hóa nên khắp các chúng sinh không hiểu rõ điều này. Vì chúng không biết rõ, nên còn chịu luân hồi trong sinh tử, đối với sinh tử quán xét cũng đều không thực có, cũng không có chỗ thủ đắc, cũng chẳng có luân hồi. Biết rõ sinh tử là không, vốn là không có, thì tất cả chúng sinh không còn chịu luân hồi cũng chẳng còn sinh tử, vì không thấu rõ vốn là không nên có sinh tử. Sinh tử ấy cũng không có sinh tử, đối với sinh tử ấy cũng không còn chịu luân hồi, cũng chẳng có chỗ thủ đắc, thì làm sao gọi là pháp sinh tử?

Đáp:

–Này Bồ-tát Nhu Thủ! Lời nói ấy rất hay. Nên biết đúng lúc có thể cùng đi, trở về nơi khu vườn Kỳ-đà Cấp cô độc. Những sự đói khát của tôi hoàn toàn đã chấm dứt.

Bồ-tát Long Thủ nói:

–Này Bồ-tát Long Thủ! Ví như huyễn sĩ đã biến hóa người. Người được biến hóa ấy nói tôi có đói khát? Sự đói khát như sóng nắng phải không?

Thế nên, này Bồ-tát Long Thủ! Tất cả cũng đều như vậy, các pháp ấy đều như sóng nắng, sự hiểu biết này mới chính là hiểu biết đích thực. Như thiện nam đã nói, tôi không còn đói khát chăng? Phải ăn thức ăn này, việc ăn uống như các pháp không đoạn dứt, không huỷ hoại, cũng chẳng có đói khát. Tất cả các pháp vốn đã no đủ. Vì các phàm phu kẻ sĩ kia vốn không biết rõ việc này, nên mới nói như vầy: Tôi đói, ông khát lại nói no đủ. Các bậc Hiền thánh biết rõ ngồn gốc của các pháp, nó không có đói khát cũng chẳng nghĩ về sự no đủ, hiểu rõ những việc đói khát thì không còn sinh tử, cũng không hý luận nơi hành, cũng không có tưởng niệm, việc ấy đã không lay động cũng không chấp trước, các pháp đã giải thoát vốn không còn chấp trước.

Bồ-tát Long Thủ lại nói:

–Này Bồ-tát Nhu Thủ! Những nơi đã thuyết giảng nói pháp yếu ấy, nhưng chỉ nói pháp giới.

Bồ-tát Nhu Thủ nói với Bồ-tát Long Thủ:

–Pháp giới ấy cũng không nói, chẳng nói, cũng không nói nẻo hướng đến, không co, không duỗi. Vì sao? Này Bồ-tát Long Thủ! Pháp giới đều không thực có, cho rằng không nói cũng chẳng có chỗ nói và không hý luận nơi hành, cũng không có đối tượng chấp trước, không có hợp nhau, pháp không có tưởng niệm, cũng chẳng còn niệm, cũng không có chỗ khởi, cũng không có chỗ diệt hành.

Này Bồ-tát Long Thủ! Ví như cảnh giới của hư không, không tưởng, không niệm, không sinh, không diệt. Các pháp như vậy, đồng như hư không, tướng ấy vốn là không, vốn không thể nắm bắt được cũng chẳng thể nhận biết, tướng ấy như vậy nên không thể nắm bắt được mà có thể nắm bắt được được tướng ấy, các Đức Như Lai đã nhập diệt cũng không phải có thể nắm bắt được.

Như vậy, này Bồ-tát Long Thủ! Tất cả các pháp đều không có xứ sở, không sắc, không hình cũng không thể thấy. Vì vậy, cho nên hằng hà sa chư Phật đã nhập diệt, đối với pháp ấy cũng không có nhập Niết-bàn cũng không có cảnh giới của đất, nước, lửa, gió để nhập Niết-bàn, cũng chẳng có cảnh giới của không, không có cảnh giới của thức. Như Lai nhập diệt là nhập diệt, ở trong Niết-bàn cũng không có Niết-bàn. Nếu các pháp có tưởng về Niết-bàn, thì cảnh giới của hư không có tưởng về Niết-bàn chăng? Vì sao? Vì các pháp ấy vốn là không, các pháp là vắng lặng, mà pháp vắng lặng này đối với hàng phàm phu hạ sĩ sẽ khỏi có tưởng niệm về Niết-bàn. Nhân đó có tôi, tôi có thọ nhận, tôi và ông đều có thọ nhận, mạng sống có thọ nhận, người và vật có thọ nhận, tưởng và thức có cùng một lúc biết rõ không có pháp chân thật, liền khởi tưởng ấy là tưởng niệm về Niết-bàn. Vì vậy nên không được giải thoát, vẫn bị chịu sinh, già, bệnh, chết; rơi vào mười hai nhân duyên… cho đến các hoạn khổ lớn đã tích tập, do đó nói có Niết-bàn. Hành giả vì không biết rõ các pháp vốn là không, không hiểu rõ nên chẳng giác ngộ, còn các Đức Như Lai Thế Tôn vì biết Bồ-tát đã vào sâu nơi hạnh phương tiện, nhờ các điều thiện ở đời trước nên đứng vững không hề thoái lui, tích chứa công đức, có oai thần lớn vì muốn dẫn dắt mọi người nên làm Bậc Đại Sư Vô Thượng và cùng những hạnh của Đại Bồ-tát như thế, nhằm ngăn cản sự khởi tưởng tranh chấp. Lại đối với các hàng Thanh văn, Duyên giác tưởng ấy trái nghịch khởi lên tranh chấp. Vì tranh chấp cho nên phải chịu nhận tội lớn, do tranh chấp ấy nên còn ở trong sinh tử luân hồi, nên trở về, đường tranh chấp vào nẻo sinh tử. Tất cả các bậc Thánh hoàn toàn không khen ngợi, các bậc giác ngộ đã xa lìa.

Này thiện nam! Ví như có thành, quách xóm làng cách đây không xa chứa nhiều thứ ô uế; đối với những người đi đến chỗ ấy, ngày đêm không dừng nghỉ, đồ vật ở nơi ấy làm tăng thêm ô uế, bất tịnh không sạch. Các hàng phàm phu ngu si ở trong năm đường, các tưởng về không, sinh diệt không dứt, không đoạn dứt sinh tử, làm tăng thêm sự khổ đau ấy. Vì họ không hiểu rõ lại không sáng suốt, không biết rõ nó là không, không thấu hiểu nó vốn là không. Cái lồng tối mờ chứa đựng sự ngu si nên chịu luân hồi trong nẻo sinh tử, ở mãi nơi năm đường, hoặc sinh vào địa ngục, hoặc sinh nơi ngạ quỷ, hoặc sinh nẻo súc sinh, hoặc sinh lên cõi trời, hoặc sinh vào cõi người, thần biến vô thường, đau khổ nơi năm đường, tai hoạn điên đảo thống khổ bức bách. Nguyên nhân của đau khổ do đã tạo các khổ, làm tăng thêm đồ bất tịnh ô uế chảy tràn, khiến cho đệ tử của bậc Hiền thánh sáng suốt kia mới trừ diệt và xa lìa tật bệnh.

Lại nữa, các bậc Tuệ sĩ lẽ ra được xa lìa, nhưng vì các tạp cấu kia nên không giải thoát, làm cho các loài ấy hướng đến nẻo sinh, rồi lại bị nơi đau khổ của sinh, già, bệnh, chết, vạn thứ sầu não, bị vô số tai nạn của bệnh, chết ấy hành hạ. Người thiện thì được an lạc vui vẻ, tạo tội thì mang tai họa. Nói tóm lại, tai họa đó biến đổi nhanh, cho đến tập hợp các thứ rất thống khổ, nên họ không thể thoát khỏi sinh tử. Vì do chưa hiểu nó vốn là không, cho nên phải chịu sinh tử, tăng thêm thứ ô uế như trên.

Bồ-tát Long Thủ nói với Bồ-tát Nhu Thủ:

–Thế nào? Này Bồ-tát Nhu Thủ! Biết rõ được nguồn gốc kia, nói vì không có tâm tưởng nên hành vắng lặng, nhờ hướng đến nẻo tịch tĩnh nên chắc chắn nhập vào chỗ thanh tịnh, người ấy an trụ thì biết rõ được nguồn gốc kia. Nói vì sao? Này Bồ-tát Nhu Thủ! Vì sao gọi là tịch tĩnh của huyễn?

Đáp:

–Vì hiểu rõ nó như huyễn. Đây là tịch tĩnh của huyễn, nên nhập vào thanh tịnh.

Bấy giờ, Trưởng lão Tu-bồ-đề đến chỗ Bồ-tát Nhu Thủ thấy đại chúng kia, liền hỏi:

–Các bậc Chánh sĩ đến khắp hội này, nhằm giảng nói điều gì chăng?

Đáp:

–Thưa Hiền giả Tu-bồ-đề! Tôi đối với các ngôn ngữ đều không có đối tượng giảng nói.

Lại nữa, thưa Hiền giả Tu-bồ-đề! Đâu có nghe các bậc huyễn nhân có đối tượng giảng nói ư? Giống như tiếng vang trong núi, như giấc mộng, như ảnh trong gương, như sóng nắng là có bàn nói chăng? Lại nghe có người nói chăng? Lại nữa, thưa Hiền giả Tu-bồ-đề! Như Lai đã hóa thì đâu có tai nghe tiếng, tiếng ấy đâu có người nghe, không phải có thức, có chấp giữ ngôn ngữ, danh tự, câu cú để nêu bày không?

Đáp:

–Không phải!

Khi ấy, Trưởng lão Tu-bồ-đề yên lặng vui mừng, ngồi ngay nơi ấy tịch tĩnh mà vào diệt định.

Bấy giờ, Trưởng lão Xá-lợi-phất đến chỗ của Bồ-tát Nhu Thủ, thấy đại chúng ngồi khắp trong đạo tràng, các Bồ-tát đều nghe Bồtát Nhu Thủ đã nêu giảng, thấy Trưởng lão Tu-bồ-đề ngồi tịch tĩnh mà nhập diệt định.

Liền hỏi:

–Này Bồ-tát Nhu Thủ! Hiền giả này vì sao hướng đến chỗ diệt định ấy?

Đáp:

–Này Trưởng lão Xá-lợi-phất! Trưởng lão Tu-bồ-đề này tuy diệt đinh nhưng không tranh chấp nơi pháp, như Hiền giả đây không tranh chấp về hành, không an trụ, không chấp trước, không luân hồi, không xứ sở, vượt khỏi các pháp Tam-ma-việt (Thiền định).

Khi ấy, Trưởng lão Tu-bồ-đề nhập và xuất diệt định ấy, từ chỗ ngồi đứng dậy hướng về Thế Tôn, liền bày vai bên phải quỳ gối chắp tay thưa:

–Con quy y chư Phật là Bậc Chánh Giác Vô Thượng, là bậc đã hiện bày, diễn nói pháp vi diệu sâu xa, văn tự khó biết như thế, không thể nghĩ bàn, đã đoạn dứt sự chấp trước, xa lìa các tưởng, đã chứng đắc sự tịch tĩnh. Bậc Đại Sĩ không thoái chuyển và các Bồtát mới phát tâm, đã nghe giảng nói về pháp này, không thật vui sao!

Bồ-tát Nhu Thủ nói với Trưởng lão Tu-bồ-đề:

–Không phải đối với pháp này mà có nói, có khuyên gắng, có hướng đến nẻo ấy. Vì sao? Vì các pháp không khuyên gắng, không nói năng, không bàn luận, không có thức. Lại nữa, nghĩa lý cốt yếu này không có ngôn ngữ, không trụ, không động, không đi, không đến, không ngồi, không nằm, không nương tựa, không nơi chốn, đều là không thực có. Vì sao? Vì các pháp vốn là “không”, đều là không thật có, pháp ấy vốn không thể thủ đắc. Vì sao nói vốn là pháp hành ấy?

Trưởng lão Tu-bồ-đề nói:

–Thưa Bồ-tát Nhu Thủ! Nguyện xin Hiền giả nói rõ các pháp vô hành chính là yếu chỉ của hành, nên làm theo hành ấy, hiểu rõ hành chính là hành mới gọi là hành. Nếu có thể như vậy đều cùng với hành cầu thức ăn.

Này Bồ-tát Nhu Thủ! Tôi không đi vào xóm làng khất thực. Vì sao? Vì nghe pháp yếu này đã xa lìa xóm làng, cũng xa lìa tưởng về thành, xa lìa tưởng về sắc. Nói tóm lại, cũng xa lìa tưởng của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đều xa lìa các tưởng, cũng không có tưởng niệm.

Bồ-tát Nhu Thủ nói:

–Chỉ có Trưởng lão Tu-bồ-đề và hành giả mới xa lìa tưởng ấy, đã nói như thế thì có tiến đến dừng lại ư?

Trưởng lão Tu-bồ-đề đáp:

–Này Bồ-tát Nhu Thủ! Vì sao nói Như Lai đã biến hóa sắc, thọ, tưởng, hành, thức? Lấy gì để biết pháp Như Lai đã hiện hóa, lấy tưởng gì mà có tiến đến, dừng lại, có đối tượng quán sát lại còn co duỗi ư?

Bồ-tát Nhu Thủ nói:

–Lành thay, lành thay! Này Trưởng lão Tu-bồ-đề! Như Đức Thế Tôn đã khen ngợi Nhân giả là hành giả hiểu biết đệ nhất về chỗ không.

Bồ-tát Nhu Thủ lại nói:

–Thưa Trưởng lão Tu-bồ-đề! Có thể cùng tôi đi đến chỗ Phật để đảnh lễ cúng dường?

Bồ-tát Nhu Thủ nói:

–Thưa Hiền giả! Tôi dùng thức ăn thanh tịnh mời Nhân giả.

Khi ấy, Trưởng lão Xá-lợi-phất nói với Bồ-tát Nhu Thủ:

–Tôi ăn những chỗ nào? Nên bày ra những món ăn gì?

Bồ-tát Nhu Thủ đáp:

–Thưa Hiền giả! Đối với người ăn ấy cũng không có ăn, cũng không phải là không ăn, lại không ăn uống, không có sắc, thanh, không có hương vị, cũng không có xúc. Đối với chỗ ăn ấy, không ở nơi Dục giới, lại không ở Sắc giới và Vô sắc giới, không ở nơi ba cõi cũng không lìa nơi ấy. Đó là chỗ ăn của chư Phật Thế Tôn.

Trưởng lão Xá-lợi-phất nói với Bồ-tát Nhu Thủ:

–Lành thay, lành thay! Như Nhân giả nói ra tôi đã đầy đủ. Khi ấy, khen ngợi tên của món ăn vô thượng, huống chi đã ăn và đang ăn.

Bồ-tát Nhu Thủ đáp:

–Thưa Hiền giả! Món ăn kia không phải thấy bằng mắt bên trong hay bên ngoài, không có sự thấy của Thiên nhãn hay Tuệ nhãn, ăn như vậy mới thích ứng với món ăn này.

Bấy giờ, Trưởng lão Tu-bồ-đề, Trưởng lão Xá-lợi-phất và các chúng sinh nghe giảng về việc khen ngợi món ăn này, tức ở nơi ấy đạt được diệt định.

Khi ấy, Bồ-tát Diệu Tâm nói với Bồ-tát Nhu Thủ:

–Ăn nên ăn bằng gì? Trưởng lão Tu-bồ-đề và Trưởng lão Xálợi-phất… đã ăn món ăn gì mà vào được Tam-ma-việt?

Bồ-tát Nhu Thủ đáp:

–Dùng món ăn vô lậu. Hành giả không chấp trước món ăn, hành giả không có các thức ăn, hành giả thực hành điều này thì người tạo món ăn kia cũng không còn ăn món ăn của ba cõi.

Bấy giờ, Trưởng lão Tu-bồ-đề, Trưởng lão Xá-lợi-phất từ nơi diệt định xuất ra đi khất thực. Khi ấy, Trưởng lão Tu-bồ-đề vào nhà của đại trưởng giả ở nơi thành để khất thực. Vợ của trưởng giả ấy tên là Ưu-bà-di, thấy Trưởng lão Tu-bồ-đề đứng yên lặng, liền hỏi: –Thưa Hiền giả! Ngài đang làm gì?

Đáp:

–Này chị! Tôi đến đây khất thực.

Hỏi:

–Thưa Hiền giả! Hiền giả còn có tưởng về khất thực, hiểu rõ sự đến và dừng không?

Đáp:

–Này chị! Tôi từ nơi bản tế đã biết rõ tưởng về khất thực.

Hỏi:

–Thưa Hiền giả Tu-bồ-đề! Bản tế ấy đâu có hiểu và chưa hiểu, sao nói là tôi từ bản tế đã biết rõ tưởng về khất thực ư?

Đáp:

–Này chị! Nếu bản tế không thì mạt tế cũng không, tất cả đều không.

Ưu-bà-di nói:

–Như vậy, thưa Hiền giả! Đã là không vì sao lại nói là rõ với không rõ? Nhân giả hãy đưa tay ra con sẽ dâng thực phẩm.

Trưởng lão Tu-bồ-đề đưa tay ra và nói:

–Này Hiền giả! Là bậc A-la-hán, mà không hiểu rõ nguồn gốc lại giữ lấy sự diệt chứng hay sao?

Trưởng lão Tu-bồ-đề nói tiếp:

–Này chị! Tay của bậc A-la-hán không hình, không thể thấy, cũng không co duỗi. Ví như Huyễn sĩ làm huyễn hóa tạo ra lời nói này, thì chỗ nào gọi là tay của huyễn sĩ?

Hỏi:

–Lại nói có thể là tay của huyễn sĩ co duỗi chăng?

Nói:

–Này chị! Tay của huyễn giả có thấy không? Lại có thể duỗi ư?

Đáp:

–Không thể!

Trưởng lão Tu-bồ-đề nói:

–Này chị! Thế Tôn nói tất cả các pháp như huyễn vốn là không.

Hỏi:

–Thế nên, này Hiền giả! Thế Tôn nói tất cả là không. Vì sao Hiền giả tiếp tục cầu thức ăn?

Khi ấy, Ưu-bà-di chưa dâng thức ăn cho Trưởng lão Tu-bồ-đề.

Lại nói:

–Này Hiền giả! Hãy đưa bát ra trước.

Khi Trưởng lão Tu-bồ-đề đưa bát ra bát ấy bỗng biến mất. Lúc ấy Ưu-bà-di dùng tay lấy bát mà bát không có nơi chốn, tay cũng không gần nơi Trưởng lão Tu-bồ-đề.

Ưu-bà-di nói:

–Lành thay, lành thay! Thân ấy thanh tịnh không chấp trước, thật ứng hợp với cái không của hành giả mà Đức Phật đã khen ngợi.

Khi Ưu-bà-di vừa nói thì cái bát liền tự xuất hiện. Khi ấy, Trưởng lão Tu-bồ-đề liền trao bát, Ưu-bà-di lấy bát đựng đầy cơm đưa cho Trưởng lão Tu-bồ-đề, và nói:

–Hiền giả là bậc được Đức Phật Thích-ca Văn khen ngợi ở chỗ không nhàn, chẳng phải do bát.

Tu-bồ-đề đáp:

–Này chị! Như Đức Phật đã giảng nói, hạnh không nhàn của hành giả chẳng phải có bát.

Hỏi:

–Như chỗ không nhàn của nhàn của hành giả chẳng phải có bát ư?

Đáp:

–Không phải!

Hỏi:

–Thưa Hiền giả! Ở chỗ không nhàn còn không có bát thì lấy đâu thọ nhận được thức ăn ư?

–Này Hiền giả! Đã không có chỗ không nhàn thì không có Ala-hán chứng nhận diệt sao? Này Hiền giả ăn cơm ấy rồi, nên biết người ăn như huyễn, đối tượng ăn như hóa. Lại nữa, người ăn như hóa thì đối với huyễn giả cũng giống như người khát nước uống bằng sóng nắng. Đã ăn thức ăn ấy nên mới biết như vậy, hiểu rõ người ấy mới ứng hợp với Như Lai là thông đạt ba cõi vốn không có đi khất thực.

Này Hiền giả! Khởi lên niệm bố thí và có nghĩ về người thọ nhận, liền tạo ra sự phân biệt về chúng đồng phần. Người đã nhận về đồng phần thì có nhị kiến, do nhị kiến nên cùng với hàng phàm phu luân hồi trong năm đường, đồng trôi lăn trong sinh tử.

Khi ấy, Ưu-bà-di nói với Trưởng lão Tu-bồ-đề:

–Thưa Hiền giả! Giáo pháp của chư Phật không có người bố thí và người nhận sự bố thí, nên biết rõ như huyễn, như hóa. Vì vốn là không, nên không có đạt đến pháp sinh tử và Niết-bàn; cũng nên biết rõ như mộng, như huyễn, như sóng nắng, như hình bóng, như tiếng vang đều vốn là không, đối với các pháp cũng đều là như vậy. Các pháp thanh tịnh đều không thật có, không bố thí không thọ nhận, không giới không phạm, không nhẫn nhục không tranh cãi, không siêng năng không biếng nhác, không thiền định không tán loạn, không trí tuệ không ngu si. Đối với các pháp đều là không thực có, hạnh ấy mới thích hợp với sự thọ nhận thức ăn đúng pháp của Đức Thế Tôn. Các đệ tử hành pháp như thế sẽ biết được sự khất thực của hành giả, đối với ba cõi không nghĩ về thức ăn, cũng không vui mừng nơi Niết-bàn.

Trưởng lão Tu-bồ-đề nghe Ưu-bà-di nói xong thì im lặng vì không biết nói gì hơn nữa.

Ưu-bà-di nói:

–Này Hiền giả! Niết-bàn rỗng lặng chăng? Lẽ nào không có lời để nói hay sao?

Trưởng lão Tu-bồ-đề đáp:

–Này Ưu-bà-di! Vì sao nói như vậy?

Trưởng lão Tu-bồ-đề lại nói:

–Này chị! Biết rõ các pháp huyễn chăng?

Đáp:

–Này Hiền giả! Tôi biết rõ các pháp đều như huyễn hóa, người huyễn và biến hóa cũng vốn là không, đều không là thật có.

Khi ấy, Trưởng lão Tu-bồ-đề ngay ở chỗ đó bỗng nhiên nhập diệt định, nhằm biết rõ tâm Ưu-bà-di mong cầu thừa gì mà được chứng như vậy, biện tài dũng mãnh như thế, mới dám rống lên tiếng rống sư tử, biết rõ pháp huyễn, tùy ý giảng nói không bị chướng ngại. Tôn giả dùng hết năng lực quán sát thì biết, Ưu-bà-di đạt được A-na-hàm.

Trưởng lão Tu-bồ-đề hỏi:

–Này chị! Chị đã chứng đắc A-na-hàm chăng?

Ưu-bà-di nói:

–Thế này? Thưa Hiền giả! Pháp của Như Lai đâu có hành pháp của A-na-hàm. Lại nữa, này Hiền giả! Pháp không có hình sắc, cũng không mong cầu dấu vết của hình tướng, thức không đây kia, không ở giữa hành, cũng không có đối tượng về tướng, không thủ không chứng, cũng không có nơi chốn, biết rõ nẻo hành của Đạo.

Vừa rồi Hiền giả hỏi:

–Nơi nào có chứng quả A-na-hàm rồi thì có thích chứng pháp A-la-hán không? Này Hiền giả! Pháp không đi đến, nếu có đi đến thì có chỗ hướng đến, có chỗ hướng đến thì có sinh có diệt, có niệm có tưởng, đều bị đọa vào sinh tử luân hồi không thể đếm được.

Bấy giờ, Ưu-bà-di bỗng nhiên ở nơi ấy, hóa ra tòa cao lớn có người ở trên, ngay trước mặt Trưởng lão Tu-bồ-đề, với hình tướng, ánh sáng làm chấn động khắp nơi, vận chuyển bánh xe chánh pháp vô thượng không thoái chuyển, làm cho khắp trong thành Xá-vệ và các cõi trong mười phương đều nghe thấy sự biến hóa ấy.

Bấy giờ có một vạn hai ngàn chư Thiên ở giữa hư không, nghe điều đã giảng nói đều đạt được Nhất sinh bổ xứ. Trong thành Xá-vệ, Bồ-tát, hành giả có hai vạn tám ngàn vị, nương theo công đức đời trước đều không thoái chuyển. Các Đại sĩ trong mười phương nghe giảng nói pháp ấy, có trăm ức Bồ-tát đạt được pháp Nhẫn vô sinh; lại nghe giảng nói pháp tối thượng, liền chứng được Nhất sinh bổ xứ. Đối với Bồ-tát Nhu Thủ, Bồ-tát Long Thủ và các bậc Đại sĩ, Trưởng lão Xá-lợi-phất, Trưởng lão Tu-bồ-đề… đều từ nơi thành Xá-vệ bước ra cửa thành, uy lực nhẹ nhàng vượt lên hư không.

Bồ-tát Nhu Thủ phóng ánh sáng đưa thân lên, ánh sáng oai thần chiếu rực rỡ, ánh sáng rực rỡ đó sáng rực hơn cả mặt trời mặt trăng và sáng hơn những ánh sáng khác. Nhờ ánh sáng như vậy mới soi thấu đến chốn tối tăm như Kim sí điểu vương bay đi. Tất cả chúng sinh đều nhìn thấy. Những chỗ vị ấy đi qua, chư Thiên, loài người, đều nghe các pháp như: Giấc mộng, huyễn hóa, sóng nắng, hình ảnh, tiếng vang, bọt nước, cây chuối ba tiêu. Lời giảng ấy sâu xa, thảy đều hoan hỷ hướng theo tâm Từ, tất cả trời, người chỉ nghe tiếng mộng huyễn, mà pháp huyễn đối với thấy và không thấy cũng không thủ đắc. Khi nghe giảng nói các pháp vị diệu này, một trăm ngàn chúng sinh chứng được quả vị không thoái chuyển.

Lúc đó trên đường du hóa ở giữa hư không, có con của trưởng giả tên là Thiện Ý, đời trước đã trồng công đức, cũng nghe Bồ-tát Nhu Thủ giảng nói pháp huyễn hóa vô thượng và nhìn thấy hình ảnh, thần lực biến hóa, liền phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Vị ấy tự phát nguyện:

–Tôi ở đời vị lai sẽ chứng đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bây giờ, sự cảm ứng hiện ra cũng như thế này.

Bồ-tát Nhu Thủ thấy thiện nam ấy có căn cơ đặc biệt vi diệu thanh tịnh, muốn nối tiếp giống Phật mới phát tâm dũng mãnh ở chỗ Bồ-tát, thệ nguyện rống lên tiếng rống sư tử, liền nói với Thiện Ý:

–Này thiện nam! Ông biết các pháp như huyễn hóa, chắc chắn xa lìa thừa thấp kém của hàng Thanh văn, Duyên giác, thành tựu chứng đắc đạo quả vô thượng chánh chân. Lại thấu rõ các pháp như mộng huyễn giảng nói diệu pháp, thảy đều không thật có.

Lúc ấy, con của trưởng giả quỳ gối thưa:

–Xin nguyện giải rõ các pháp như huyễn như hóa.

Bồ-tát Nhu Thủ dùng các pháp yếu nói, khuyến khích, khai mở cho con của Trưởng giả. Con của Trưởng giả tâm rất vui mừng hớn hở.

Bấy giờ, những người thuộc dòng họ ấy, tâm hiểu biết sâu xa, đạt được pháp Nhẫn, có tám ngàn trời, người phát tâm Vô thượng chánh chân.

Khi ấy, có năm ngàn Thiên tử ở giữa hư không nghe Bồ-tát Nhu Thủ giảng nói giáo pháp nhằm sách tấn, tâm hết sức vui mừng, đạt được pháp nhẫn Vô sinh. Tất cả đều vui mừng đến cung kính, đảnh lễ. Bồ-tát Nhu Thủ bỗng nhiên bay lên hư không trở về chỗ cũ.

Bấy giờ, Bồ-tát Nhu Thủ, Bồ-tát Long Thủ, Trưởng lão Xá-lợiphất và Trưởng lão Tu-bồ-đề…, trở lại nơi khu vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, đều đi đến chỗ của Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ nơi chân Phật rồi đứng qua một bên.

Bồ-tát Long Thủ liền từ chỗ ngồi đứng dậy hướng về Đức Phật chắp tay thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát Nhu Thủ đã giảng nói các pháp cốt yếu, đã bày giải đầy đủ.

Bấy giờ, Đức Phật khen ngợi:

–Lành thay, lành thay! Này Bồ-tát Nhu Thủ! Giỏi giảng nói giáo pháp vi diệu vô thượng, biết như giấc mộng, như huyễn, như hóa, như sóng nắng, như tiếng vang thì đạt được trí tuệ sâu xa, là pháp yếu của chư Phật. Do đó, mới thích hợp với sự giảng nói về không hình, không tượng, nói vốn huyễn là không.

Bấy giờ, Đức Phật nhìn A-nan dạy:

–Ông hãy thọ nhận các pháp yếu này của Bồ-tát Nhu Thủ.

A-nan cung kính quỳ gối trước Đức Phật thưa:

–Nguyện xin Thế Tôn, chỉ dạy cho con gọi kinh này tên gì? Thọ trì như thế nào?

Khi ấy, Đức Phật lại diễn giảng lại về lời pháp trí tuệ của Nhu Thủ và Bồ-tát Diệu Tâm đã giảng. Trưởng giả Ưu-bà-di ở thành Xávệ, vì sự cảm ứng của Hiền giả Tu-bồ-đề mà chuyển bánh xe của bậc Nhất sinh bổ xứ.

Đức Phật dạy A-nan:

–Này A-nan! Nên thọ nhận trí tuệ tối thượng ấy. Lại nữa, này A-nan! Đây gọi là kinh Nhu Thủ Vô Thượng Thanh Tịnh Phân Vệ, cũng gọi là Tam-muội biết rõ các pháp như huyễn hóa, phải ân cần nhớ nghĩ thọ trì và giảng giải lưu truyền rộng lớn.

Lại nữa, này A-nan! Nếu có thiện nam, thiện nữ… nào nghe pháp yếu này mà hướng về chuyên tâm tin hiểu, này A-nan, người ấy sẽ gặp được chư Phật Thế Tôn, gặp Bồ-tát Nhu Thủ, và chắc chắn đạt được đạo quả Vô thượng chánh chân, rồi sẽ thành Phật. Huống chi người thọ trì, tu tập, đọc tụng, phụng hành các công đức ấy nhiều vô thượng. Thiện nam, thiện nữ đó đạt được kho tàng trí tuệ của chư Phật, chứng được pháp yếu tối thượng của chư Phật, lại được chư Phật ủng hộ, được chư Phật ở khắp mười phương truyền trao đầy đủ, được chư Phật dùng tay thọ ký. Người ấy chắc chắn sẽ thành đạo quả Chánh chân Vô thượng.

Đức Phật giảng nói kinh này rồi, Bồ-tát Nhu Thủ Đồng chân, Bồ-tát Long Thủ, Bồ-tát Diệu Tâm và các Bồ-tát, Trưởng lão Xálợi-phất, Hiền giả Tu-bồ-đề và các Tỳ-kheo, tất cả chư Thiên, Rồng, Thần, A-tu-la, Nhân phi nhân nghe Đức Phật giảng nói đều hết sức vui mừng, ở trước Đức Phật làm lễ lui ra.

Pages: 1 2