SỐ 189
KINH NHÂN QUẢ TRONG ĐỜI QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI
Hán dịch: Đời Tống, Tam tạng pháp sư Cầu-na-bạt-đà-la, người Thiên trúc
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Quyển 4

Bấy giờ có chàng trai tên Da-xá, con của một vị trưởng giả giàu có nhất trong cõi Diêm-phù-đề, là người bản tánh thông minh, lanh lợi, thường đội thiên quan, đeo chuỗi anh lạc, đi giầy báu vô giá. Một hôm, sau khi vui chơi với các kỹ nữ đến khuya, tất cả đều đi ngủ, Da-xá nửa đêm bỗng thức giấc, nhìn thấy các kỹ nữ ngủ say, cô nằm sắp, cô nằm ngửa, tóc tai xổ tung rối bời, nước miếng nhểu ra, nhạc khí, quần áo và nữ trang rơi vãi lung tung. Trông thấy cảnh ấy, Da-xá sinh ra chán ngán, suy nghĩ: “Ta nay đang ở trong nạn tai bất tịnh, lại tưởng lầm là thanh tịnh”. Đang lúc suy nghĩ như thế, do uy lực của chư Thiên, một luồng ánh sáng rực rỡ hiện ra chói lòa cả không trung, cửa tự nhiên mở, Da-xá theo luồng sáng ấy đi về phía vườn Lộc dã. Khi đến bờ sông Hằng, Da-xá liền lớn tiếng kêu:

-Khổ đau thay! Lạ lùng thay!

Phật nghe được liền lên tiếng:

-Này Da-xá, ngươi hãy sang đây! Nay ở chỗ Ta có pháp môn lìa xa đau khổ.

Da-xá nghe thế liền cởi đôi giầy quý để lại, lội qua sông đến chỗ Phật. Qua được sông Hằng, Da-xá bước thẳng đến chỗ Phật. Vừa đến nơi, thấy Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, tư thế đĩnh đạt, uy đức đầy đủ, lòng Da-xá vô cùng vui mừng phấn chấn, vội cúi năm vóc sát đất đảnh lễ nơi chân Phật, thưa:

-Xin Đức Thế Tôn hãy cứu vớt con.

Phật bảo:

-Lành thay! Thiện nam tử, ngươi hãy lắng nghe, suy tư và ghi nhớ kỹ. Như Lai sẽ tùy theo căn cơ của ngươi mà thuyết pháp.         Này Da-xá, sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, khổ, không, vô ngã. Ngươi có biết không?

Da-xá nghe xong, lập tức xa lìa trần cấu, đắc được pháp nhãn thanh tịnh. Lúc ấy, Đức Như Lai giảng lại pháp Tứ đế, nghe xong Da-xá rũ sạch tất cả lậu hoặc, phiền não, tâm ý rỗng rang tự tại, chứng được quả A-la-hán. Da-xá liền bạch Phật:

-Bạch Đức Thế Tôn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức thật đúng là vô thường, khổ, không, vô ngã.

Khi ấy thấy Da-xá vẫn còn mang những đồ trang sức, Phật liền nói kệ dạy:

Dù người còn ở nhà
Thân đầy trang sức quý
Khéo giữ gìn tình cảm
Chán xa năm thứ dục
Nếu được tâm như vậy
Mới thật là xuất gia
Tuy thân ở đồng trống
Ăn mặc thật dở thô
Ý còn tham năm dục
Chẳng phải là xuất gia
Những thiện ác đã tạo
Đều do tâm phát sinh
Cho nên thực xuất gia
Đều lấy tâm làm gốc.

Da-xá nghe Như Lai nói kệ xong, lòng suy nghĩ: “Thế Tôn nói thế chính vì ta còn đeo mang châu báu, nay ta cần phải cởi bỏ những trang phục này”, liền lạy và thưa với Phật:

-Xin Đức Thế Tôn chấp thuận cho con xuất gia.

Đức Thê Tôn nói:

-Thiện lai Tỳ-kheo!

Râu tóc Da-xá liền tự rụng, cà-sa khoác trên thân thành Sa-môn. Bấy giờ, cha của Da-xá buổi sáng thức dậy tìm con không thấy, lòng buồn khổ, than vãn, kêu khóc, đi dọc theo bờ sông tìm kiếm. Đến sông Hằng, thấy đôi giầy của con để lại trên bờ, ông suy nghĩ: “Con ta chắc là đi con đường này”. Ông vội lần theo dấu chân của Da-xá đi đến chỗ Phật. Đức Thế Tôn trông thấy, biết ông ta vì con mà đến đây; nếu để ông thấy được Da-xá, nhất định trong lòng sẽ rất buồn khổ, hay có thể mạng chung nên dùng thần lực giấu thân Da-xá. Vị trưởng giả đi đến trước Phật, cúi đầu lễ xuống chân Ngài rồi đứng sang một bên. Lúc ấy, Đức Như Lai thuyết pháp theo đúng căn tánh của trưởng giả. Phật dạy:

-Này thiện nam tử, sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, khổ, không, vô ngã. Ông có biết không?

Vị trưởng giả, cha của Da-xá nghe những lời dạy ấy, tâm lập tức xa lìa trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh, thưa với Phật:

-Bạch Đức Thế Tôn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức thực sự là vô thường, khổ, không, vô ngã.

Lúc bấy giờ, Đức Như Lai biết trưởng giả đã thấy được đạo, niệm ân ái đã suy giảm nên hỏi ông vì việc gì mà đến đây. Vị trưởng giả thưa:

-Con có đứa con tên Da-xá bỗng nhiên bỏ nhà đi mất từ đêm qua. Sáng nay con đi tìm chỉ thấy đôi giầy của nó bên bờ sông Hằng rồi theo dấu chân tìm đến được đây.

Thế Tôn thu lại thần lực nên vị trưởng giả thấy được con mình, lòng mừng vui tột độ, nói với Da-xá:

-Lành thay! May thay! Con làm việc này khiến cha thật vui sướng. Con đã tự độ bản thân lại có thể độ cho người khác. Do con ở đây nên cha mới đến và nhờ đó mà cha thấy được đạo.

Nói xong, ông liền đến trước Phật xin thọ Tam quy. Vị trưởng giả ấy là Ưu-bà-tắc đầu tiên trong cõi Diêm-phù-đề được cúng dường Tam bảo.

Bấy giờ năm mươi người con của các trưởng giả khác, bạn của Da-xá, nghe Phật đã xuất hiện ở đời và biết Da-xá đã theo Phật xuất gia tu tập nên suy nghĩ: “Nay ở thế gian có Đấng Vô Thượng Tôn, Da-xá là người thông minh, biện tài hơn người mà có thể rời bỏ gia đình, thân tộc giàu sang, xa lìa thú vui của năm dục, quyết chí tu hành, thay đổi hình hài thành Sa-môn. Nay chúng ta còn tiếc gì mà không xuất gia?” Nghĩ xong, các chàng trai cùng nhau đi đến chỗ Phật. Chưa đến nơi nhưng từ xa họ đã thấy Đức Như Lai thân tướng tuyệt đẹp, ánh sắng rực rỡ, lòng họ rộn lên niềm vui, toàn thân nhẹ nhàng, thanh thản, lòng tôn kính phát sinh, họ lập tức đến gần Phật chắp tay nhiễu quanh rồi cúi đầu lễ xuống chân Phật. Những vị trưởng giả tử ấy vốn đã trồng căn lành từ trước nên dễ ngộ đạo. Đức Như Lai thuyết pháp phù hợp căn tánh của họ. Ngài dạy:

-Này các thiện nam tử, sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, khổ, không, vô ngã. Các ngươi có biết không?

Khi Phật vừa giảng xong lời pháp đó, tâm các chàng trai lập tức xa lìa trần cấu, đắc được pháp nhãn thanh tịnh, liền cùng nhau thưa Phật:

-Bạch Đức Thế Tôn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức thực đúng là vô thường, khổ, không, vô ngã. Cúi xin Thế Tôn chấp thuận cho chúng con được xuất gia.

Phật nói:

-Lành thay, các Tỳ-kheo!

Lập tức râu tóc họ tự rụng, vận cà-sa trên thân, trở thành Sa-môn. Đức Thế Tôn liền giảng rộng pháp Tứ đế cho các vị Tỳ-kheo ấy. Nghe xong, năm mươi vị Tỳ-kheo tỉnh ngộ, nội tâm đoạn trừ hoàn toàn lậu hoặc, phiền não, chứng được quả A-la-hán. Lúc ấy lần đầu tiên ở thế gian có năm mươi sáu vị A-la-hán. Đức Như Lai bảo các thầy Tỳ-kheo:

-Nay các ông, việc cần làm đã làm xong, xứng đáng là ruộng phước vô thượng cho thế gian. Các ông mỗi người nên đi khắp nơi giáo hóa, lấy đức Từ bi để độ chúng sinh. Nay Ta cũng sẽ một mình đi đến thành Vương xá, nước Ma-kiệt-đề để hóa độ nhân dân ở đó.

Các Tỳ-kheo thưa:

-Bạch Thế Tôn, chúng con xin vâng lời.

Các Tỳ-kheo cúi đầu đảnh lễ Phật rồi mỗi vị khoác y cầm bát từ giã Phật ra đi.

Sau khi các Tỳ-kheo đi rồi, Thế Tôn suy nghĩ: “Hiện nay Ta phải hóa độ những chúng sinh nào để có lợi ích rộng rãi cho cả trời người? Chỉ có ba anh em Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp tu theo đạo thờ lửa ở tại nước Ma-kiệt-đề là người được cả vua và thần dân đều quy ngưỡng tin theo. Ông ta rất thông minh, căn tánh lanh lợi, dễ giác ngộ nhưng lại rất ngã mạn, rất khó điều phục. Nay Ta phải đến đó đưa họ đến giải thoát”. Suy nghĩ xong, Đức Phật từ giã thành Ba-la-nại đến nước Ma-kiệt-đề. Trời vừa sập tối, Phật cũng vừa đến được trú xứ của Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp. Lúc ấy Ca-diếp thấy thân tướng của Như Lai tốt đẹp, trang nghiêm trong lòng vui mừng, hỏi:

-Vị Sa-môn trẻ tuổi từ đâu đến?

Phật đáp:

-Ta từ nước Ba-la-nại đến, muốn đi đến nước Ma-kiệt-đề nhưng vì trời tối nên muốn xin nghỉ lại một đêm.

Ca-diếp đáp:

-Ở lại một đêm không có gì bất tiện, chỉ ngặt là các phòng đều có đệ tử của tôi ở cả. Chỉ còn một hang đá rất thanh tịnh, các dụng cụ thờ lửa của tôi đều để trong đó, nơi đó thanh vắng có thể ở được nhưng trong hang có con rồng dữ, chỉ e nó sẽ làm hại người mà thôi?

Phật đáp:

-Dù có rồng dữ nhưng tôi xin cứ được ở tạm.

Ca-diếp đáp:

-Tính nó hung dữ, sợ làm hại Ngài chứ chẳng phải tôi tiếc.

Phật nói:

-Chỉ cho tôi ở tạm, nhất định không sao đâu.

Ca-diếp đáp:

-Nếu Ngài có thể ở được thì xin tùy ý Ngài.

Phật nói: “Tốt lắm” và liền bước vào hang đá, ngồi kiết già thiền định. Lúc ấy rồng độc nổi cơn giận dữ, toàn thân phun ra lửa khói. Đức Thế Tôn bèn hướng tâm vào Hỏa quang tam-muội, rồng thấy thế càng giận dữ phun lửa bốc cao, bao trùm cả hang đá. Các đệ tử của Ca-diếp thấy ngọn lửa dữ ấy liền vào thưa với thầy là vị Sa-môn trẻ tuổi, thông minh trang nghiêm ấy đã bị lửa của độc long làm hại. Ca-diếp giật mình đứng dậy ra xem, thấy ngọn lửa của độc long, trong lòng buồn thương liền sai đệ tử lấy nước dập tắt, nhưng chẳng những không dập tắt được mà ngọn lửa càng bốc cao hơn, trùm khắp hang đá. Khi đó thân tâm Đức Thế Tôn vẫn bất động, sắc diện an nhiên tự tại, hàng phục làm cho độc long tiêu trừ tính ác, quy y với Phật rồi vào nằm trong bình bát của Ngài. Trời vừa sáng, thầy trò Ca-diếp cùng đến chỗ hang đá, họ đều nghĩ là vị Sa-môn trẻ tuổi chắc đã bị lửa rồng giết hại. Ca-diếp nói:

-Vị Sa-môn ở trong hang kia, hôm qua tôi không cho Ngài ở chỉ vì lý do này.

Phật liền lên tiếng:

-Lòng Ta thanh tịnh thì không bao giờ bị tai họa bên ngoài làm hại. Nay Độc long đang ở trong bình bát.

Phật bèn mở bát đưa cho Ca-diếp xem. Thầy trò Ca-diếp thấy vị Sa-môn chẳng những không bị lửa rồng độc làm hại mà còn hàng phục được và đặt nó vào bát, khen ngợi cho là điều chưa từng có. Tuy nhiên Ca-diếp vẫn nói với các đệ tử:

-Vị Sa-môn trẻ tuổi ấy tuy có thần thông nhưng nhất định không thể bằng chân đạo của ta.

Lúc ấy Đức Thế Tôn nói với Ca-diếp:

-Nay tôi muốn ở lại nơi đây được không?

Ca-diếp đáp:

-Thật tốt lành! Xin tùy ý Ngài.

Trong đêm thứ hai, Đức Như Lai đến ngồi dưới một bóng cây. Vào giữa đêm, bốn vị Thiên vương cùng đến chỗ Phật để nghe pháp. Mỗi vị đều từ thân phóng hào quang chiếu sáng như mặt trời, mặt trăng. Đêm ấy Ca-diếp thức giấc, từ xa trông thấy ánh sáng của chư Thiên bên cạnh Như Lai liền nói với các đệ tử:

-Vị Sa-môn trẻ tuổi kia cũng theo đạo thờ lửa.

Đến sáng, ông ta đến chỗ Phật, hỏi:

-Thưa Sa-môn, Ngài cũng theo đạo thờ lửa phải không?

Phật đáp:

-Không phải thế, đêm qua có Tứ Thiên vương đến nghe thuyết pháp nên có ánh sáng đó.

Ca-diếp nói với chúng đệ tử:

-Vị Sa-môn trẻ tuổi đó có uy đức lớn nhưng tuyệt nhiên không thể sánh với đạo chân chánh của ta.

Vào đêm thứ ba, vua trời Đế Thích từ Thiên cung xuống nghe thuyết pháp, thân vị ấy chiếu hào quang sáng như mặt trời mới mọc. Các đệ tử của Ca-diếp từ xa trông thấy ánh sáng của vị trời bên cạnh Phật vội vàng đến thưa thầy:

-Vị Sa-môn trẻ tuổi kia chắc chắn là theo đạo thờ lửa.

Trời vừa sáng, tất cả lại đến hỏi Phật. Phật cho biết đó là hào quang của vua trời Đế Thích xuống nghe pháp. Nghe thế nhưng Ca-diếp vẫn cho đạo ông ta là chân chánh hơn.

Đến đêm thứ tư, Đại phạm Thiên vương cũng xuống thế gian, đến chỗ Phật nghe thuyết pháp. Hào quang từ thân vị ấy sáng như mặt trời giữa trưa. Đêm đó, Ca-diếp trở giấc thức dậy, thấy ánh sáng chói chang tại chỗ Phật nên quyết chắc là Ngài theo đạo thờ lửa. Sáng mai, Ca-diếp lại đến hỏi Phật mới biết là giữa đêm có vị Đại phạm Thiên vương đến nghe Phật thuyết pháp. Ca-diếp trong lòng thầm nghĩ: “Tuy vị Sa-môn trẻ tuổi này có thần thông kỳ diệu như thế nhưng tuyệt nhiên vẫn không thể sánh bằng chân đạo của ta”.

Năm trăm đệ tử của Ca-diếp, mỗi vị đều thờ ba ngọn lửa, sáng nào họ cũng đốt lửa, nhưng hôm ấy đốt mãi mà lửa vẫn không cháy nên kéo đến thưa lên thầy. Ca-diếp nghe xong, thầm nghĩ trong lòng: “Điều ấy chắc là do thần lực của vị Sa-môn kia” nên lập tức cùng đệ tử đến gặp Phật, nói:

-Mỗi người đệ tử của tôi đều thờ ba ngọn lửa. Sáng nay muốn thắp lên mà lửa vẫn không cách nào cháy được.

Phật bảo:

-Các ông hãy trở về, lửa sẽ tự nhiên cháy.

Ca-diếp quay về thì thấy lửa đã cháy nhưng vẫn tự nghĩ: “Vị Sa-môn trẻ tuổi kia tuy có diệu lực nhưng dẫu sao vẫn không chân chánh bằng đạo của ta”. Các đệ tử làm lễ cúng dường lửa xong, muốn tắt lửa nhưng không thể nào tắt được, vội đến thưa với Ca-diếp. Ca-diếp nghĩ chắc cũng do vị Sa-môn kia làm ra, bèn đến trình bày việc ấy với Phật. Phật bảo:

-Các ông hãy về đi, lửa sẽ tự tắt.

Quả nhiên khi thầy trò trở về thì lửa đã tắt nhưng Ca-diếp vẫn cho đạo ông là chân chánh hơn.

Đến khi bản thân Ca-diếp tế thần lửa, nhưng đốt mãi mà lửa vẫn không cháy, Ca-diếp biết là do thần lực của Phật nên đến thưa với Ngài. Phật bảo Ca-diếp có thể ra về, lửa sẽ tự nhiên cháy. Quả nhiên khi Ca-diếp trở về thấy lửa đã cháy. Sau khi tế xong, Ca-diếp không tắt được lửa cũng đoán biết là do thần lực của Phật nên lại đến trình bày với Ngài. Phật cũng bảo trở về và quả nhiên khi Ca-diếp vừa về tới thì lửa đã tự nhiên tắt lịm. Tuy vậy, Ca-diếp vẫn tự phụ đạo của mình là hơn cả.

Vào buổi sáng sớm, các đệ tử của Ca-diếp cùng bổ củi nhưng không thể nào dỡ rìu lên được, bèn thưa với thầy. Ca-diếp nghe xong thầm nghĩ: “Đây chắc hẳn là việc làm của vị Sa-môn ấy” nên cùng với các đệ tử đi đến chỗ Phật thưa:

-Sáng sớm này, các đệ tử của tôi chuẩn bị bổ củi nhưng không làm sao dỡ rìu lên được.

Phật bảo:

-Ông hãy về đi, các đệ tử ông sẽ tự nhiên dỡ rìu lên được.

Ca-diếp trở về, thấy các đệ tử quả nhiên đã dỡ rìu lên được. Dầu vậy Ca-diếp vẫn tự cho là đạo mình chân chánh hơn tất cả.         Ngay lúc ấy, các đệ tử dỡ rìu lên nhưng lại không hạ xuống được bèn chạy tới trình bày với thầy. Ca-diếp đoán biết là việc làm của Phật nên đến thưa với Ngài sự việc đó. Phật dạy:

-Ông có thể về, rìu sẽ tự hạ xuống về đến nơi, quả nhiên Ca-diếp thấy các đệ tử đã hạ rìu xuống cả. Cũng như trước, Ca-diếp vẫn tự phụ về đạo của mình là chân chánh nhất.

Đến khi bản thân Ca-diếp bổ củi thì cũng như các đệ tử không thể đưa rìu lên cao được. Đến hỏi, được Phật dạy xong, trở về thì có thể dỡ rìu lên nhưng lại không làm cách nào hạ xuống. Đến chỗ Phật hỏi xong trở về thì có thể hạ rìu xuống. Tuy thán phục, nhưng trong lòng Ca-diếp vẫn tự cho đạo thờ lửa là chân chánh nhất.

Một hôm, Ca-diếp thưa với Phật:

-Thưa vị Sa-môn trẻ tuổi, xin người hãy ở lại đây cùng tu phạm hạnh. Phòng xá, y phục, thức ăn tôi xin cung cấp đầy đủ cho người.

Đức Thế Tôn yên lặng chấp thuận. Ca-diếp biết Phật đã ưng thuận liền về sai các đệ tử trang thiết giường nằm, đồ ngồi cho Đức Phật và dặn mỗi ngày phải chuẩn bị các món trai thực thật ngon để đãi Ngài. Sáng hôm sau ông tự thân đến thỉnh Phật. Phật bảo ông về trước, Ngài sẽ đến sau. Ca-diếp vừa quay về thì trong khoảnh khắc, Thế Tôn đến châu Diêm-phù hái đầy bình bát quả Diêm-phù rồi quay về chỗ ở của Ca-diếp mà ông ta vẫn chưa về tới. Lúc Ca-diếp về tới đã thấy Phật an tọa trong tịnh thất của mình nên rất ngạc nhiên hỏi:

-Vị Sa-môn trẻ tuổi đi đường nào mà đến đây sớm thế?

Phật liền đưa bát đựng quả Diêm phù cho Ca-diếp xem và hỏi:

-Ông có biết loại quả trong bát này không?

Ca-diếp thưa không biết. Phật nói:

-Từ đây đi về hướng Nam mấy vạn do-tuần có một châu, nơi ấy có một loại cây tên là Diêm-phù; vì vậy mà người ta gọi châu ấy là Diêm-phù-đề. Đây là trái Diêm-phù đó. Ta đã đến đó hái đem về đây. Vị của nó thật là thơm ngon, ông hãy nếm thử đi.

Khi đó Ca-diếp suy nghĩ: “Đường đến đó rất xa mà vị Sa-môn này chỉ trong khoảnh khắc đến đó rồi về, sức thần biến của vị ấy thật là phi thường. Tuy nhiên, đạo của vị ấy chắc chắn không chân chánh bằng đạo của ta”. Tiếp đó Ca-diếp cho dọn lên đủ các thức ăn. Trước khi thọ thực Phật chú nguyện:

Trong đạo Bà-la-môn
Thờ lửa là cao nhất
Trong tất cả các dòng
Biển cả là lớn nhất
Trong toàn thể ngôi sao
Bóng nguyệt là tối thượng
Trong tất cả nguồn sáng
Sáng nhất vầng thái dương
Trong tất cả phước điền
Ruộng Phật là tốt nhất
Nếu muốn chứng quả cao
Nên cúng ruộng phước Phật.

Sau khi thọ trai xong, Phật trở về chỗ ở của mình, rửa bát súc miệng và tĩnh tọa dưới bóng cây. Hôm sau Ca-diếp cũng đến thỉnh Phật thọ trai. Phật bảo:

-Ông hãy về trước, Ta sẽ theo sau.

Khi Ca-diếp vừa đi, trong giây lát Thế Tôn đến châu Phất-bà-đề hái đầy bát quả Am-ma-la và trở về, chỗ ở của Ca-diếp. Lúc Ca-diếp về tới đã thấy Phật ngồi trong nhà, ngạc nhiên hỏi:

-Ngài đi đường nào lại đến trước tôi như thế?

Phật liền đưa bát có trái Am-ma-la cho ông ta xem và hỏi:

-Ông có biết quả này không?

Ca-diếp thưa chưa biết. Phật nói:

-Từ đây về hướng Đông cách mấy vạn do-tuần có châu Phất-bà-đề, Ta vừa đến đó hái về trái Am-ma-la. Trái này mùi vị rất thơm ngon, ông có thể nếm qua.

Ca-diếp nghĩ: “Đường đến đó xa xôi như thế mà vị Sa-môn này chỉ trong chốc lát đã đến đó rồi về thật là kỳ diệu xưa nay chưa từng có, nhưng đạo của ta vẫn chân chánh hơn cả”. Ca-diếp lại cho dọn thức ăn ra. Trước khi thọ thực, Phật chú nguyện:

Trong đạo Bà-la-môn
Thờ lửa là cao nhất
Trong tất cả các dòng
Biển cả là bậc nhất
Trong tất cả ngôi sao
Trăng là sáng hơn hết
Trong tất cả nguồn sáng.
Mặt trời là tối thượng
Trong tất cả ruộng phước
Ruộng Phật tốt hơn hết
Nếu muôn được quả lớn
Nên cúng ruộng phước Phật.

Thọ trai xong, Phật trở về chỗ ở, rửa bát súc miệng rồi đến dưới bóng cây ngồi thiền định. Ngày thứ ba đến giờ thọ trai, Ca-diếp lại đến thỉnh Phật. Cũng như hai lần trước Phật bảo ông hãy trở về và trong chốc lát Thế Tôn đến châu Cù-đà-ni hái quả A-lê-lặc đựng đầy bát rồi về chỗ ở của Ca-diếp. Khi về tới nới, Phật đã đến rồi, Ca-diếp ngạc nhiên hỏi:

-Ngài đi đường nào mà đến đây nhanh như vậy?

Phật liền đưa bát hỏi:

-Ông biết trái cây này không?

Ca-diếp bảo chưa biết. Phật dạy:

-Từ đây đi về phương Tây, cách độ vài muôn na-do-tha sẽ đến châu Cù-đà-ni, ở đó có trái A-lê-lặc, Ta vừa đến đó và hái về đây. Trái này rất thơm ngon, ông hãy ăn thử.

Ca-diếp nghĩ: “Đường đi thật xa mà vị Sa-môn này chỉ trong chốc lát đến đó rồi trở về, thần lực thật là kỳ diệu chưa hề thấy. Thế nhưng đạo của ông ta vẫn chưa chân chánh bằng đạo của ta”. Ca-diếp sai đệ

tử dọn thức ăn ra, Phật chú nguyện:

Trong đạo Bà-la-môn
Thờ lửa là cao nhất
Trong tất cả dòng nước
Biển là lớn hơn hết
Tất cả các ngôi sao
Mặt trăng là sáng nhất
Tất cả các nguồn sáng
Mặt trời là tối thượng
Trong tất cả ruộng phước
Ruộng phước Phật tốt nhất
Nếu muốn chứng quả lớn
Nên cúng ruộng phước Phật.

Phật thọ trai xong trở về nơi cư trú thường ngày. Sau khi rửa bát súc miệng, Ngài đến tĩnh tọa dưới bóng cây. Hôm sau đến giờ ăn, Ca-diếp lại cũng đến thỉnh Phật thọ trai. Phật bảo Ca-diếp về trước Ngài sẽ đến sau. Khi Ca-diếp vừa quay đi, chỉ trong giây lát, Phật đã đến châu uất-đơn-việt lấy cơm thơm tự nhiên rồi trở về chỗ ở của Ca-diếp. Khi Ca-diếp bước vào tịnh thất đã thấy Phật ở đó liền hỏi:

-Ngài bằng cách nào, đi đường nào lại đến trước tôi như thế?

Phật đưa bát cơm thơm cho ông ta xem và hỏi:

-Ông có biết loại cơm trong bát này chăng?

Ca-diếp thưa không biết. Phật nói:

-Từ đây đi về hướng Bắc độ vài muôn na-do-tha sẽ đến châu uất-đơn-việt, Ta vừa đến đó lấy cơm này về đây. Cơm này vị rất thơm ngon, ông có thể ăn thử.

Ca-diếp nghe thế suy nghĩ: “Đường thật xa mà vị Sa-môn này chỉ đi trong chốc lát, thần thông thật khó lường được, tuy nhiên đạo ta vẫn chân chánh hơn”. Ca-diếp dọn các thức ăn ra, trước khi thọ thực Phật chú nguyện:

Trong pháp Bà-la-môn
Thờ lửa cao hơn hết
Hết thảy các dòng nước     
Biển cả là lớn nhất
Trong tất cả ngôi sao
Trăng là sáng hơn hết
Trong tất cả nguồn sáng
Sáng nhất là thái dương
Trong tất cả ruộng phước
Ruộng phước Phật tốt nhất
Ai muốn đạt quả lớn
Nên cúng ruộng phước Phật.

Thọ thực xong, Phật trở về chỗ ở thường ngày. Sau khi rửa bát súc miệng, Phật ngồi nhập định dưới bóng cây. Đến hồm thứ năm Ca-diếp cũng đến thỉnh Phật. Phật nói quý hóa thay rồi cùng đi với Ca-diếp. Đến nơi thức ăn dọn ra, Phật nói kệ chú nguyện:

Trong đạo Bà-la-môn
Thờ lửa là cao nhất
Như tất cả dòng nước
Biển là lớn hơn hết
Tinh tú trên bầu trời
Mặt trăng là sáng nhất
Trong tất cả nguồn sáng
Sáng nhất vầng thái dương
Trong tất cả ruộng phước
Ruộng phước Phật tốt nhất
Nếu muốn chứng quả lớn
Nên cúng ruộng phước Phật.

Sau khi chú nguyện xong, Phật nhận thức ăn đem về dưới bóng cây dùng. Thọ thực xong, Phật nghĩ cần nước để rửa. Trời Đế Thích biết ý, từ cung trời, nhanh như thời gian người lực sĩ co duỗi cánh tay, đến trước, cúi đầu lễ xuống chân Phật và dùng tay chỉ mặt đất biến thành ao nước rất trong lành, có đủ tám món công đức. Như Lai liền dùng nước trong ao để rửa bát và chân. Phật rửa xong liền thuyết pháp cho trời Đế Thích nghe. Nghe xong, Đế Thích rất vui mừng, phấn chấn, đột nhiên biến mất, trở về Thiên cung.

Khi ấy, Ca-diếp ăn xong ra rừng đi dạo, bỗng nảy ra ý nghĩ: “Vị Sa-môn trẻ tuổi hôm nay đem thức ăn về nơi cội cây để dùng, vậy ta đến đó để thăm người”. Nghĩ xong vội rảo bước đến chỗ Phật. Đến nơi Ca-diếp bỗng thấy bên cạnh nơi Phật ngồi có một cái ao lớn, nước ao trong mát, đủ tám công đức nên rất ngạc nhiên, hỏi Phật:

-Nơi đây sao bỗng nhiên lại có ao nước?

Phật đáp:

-Sáng nay khi nhận thức ăn của ông cúng dường đem về, ăn xong Ta nghĩ cần có nước để rửa bát. Trời Đế Thích biết ý Ta nên từ Thiên cung đến đây dùng tay chỉ đất hóa thành ao nước đó.

Ca-diếp thấy ao nước, lại nghe Phật nói như thế liền suy nghĩ: “Vị Sa-môn trẻ tuổi có uy đức rất lớn nên mới cảm được đến trời, nhưng đâu biết rằng đạo của ta là chân chánh hơn hết”.

Một hôm, đang kinh hành trong rừng, Đức Thế Tôn nhặt được các mảnh vải dơ rách trong đống rác bẩn, muốn đem giặt nên nghĩ cần phải có một phiến đá. Đế Thích biết ý Phật liền trong khoảnh khắc đến Hương sơn lấy một tảng đá vuông vức đem về đặt giữa các hàng cây rồi bạch Phật có thể giặt áo trên tảng đá ấy. Phật lại nghĩ cần nước, Đế Thích lại đến Hương sơn làm một cái chậu to bằng đá lấy nước trong mát đổ đầy vào, đem đến để gần tảng đá kia. Xong việc Đế Thích bỗng nhiên biến mất, trở về Thiên cung.

Đức Thế Tôn giặt những mảnh vải xong trở về ngồi dưới bóng cây. Lúc ấy Ca-diếp đi đến bỗng thấy bên hàng cây có một phiến đá vuông vức và chậu đá liền nghĩ: “Sao nơi đây lại có hai vật này?” trong lòng lấy làm lạ nên đến hỏi Phật:

-Thưa Sa-môn, tại sao bỗng nhiên giữa các hàng cây lại có phiến đá và chậu đá?

Phật đáp:

-Ta đi kinh hành nhặt được những mảnh vải rách bẩn nên có ý muốn giặt. Vua trời Đế Thích biết ý đó của Ta nên đến Hương sơn lấy những vật ấy đem đến.

Ca-diếp nghe xong khen là việc chưa từng thấy nhưng trong lòng vẫn nghĩ Đức Phật tuy có thần lực cảm được đến trời nhưng đạo của Phật vẫn không chân chánh bằng đạo của mình.

Một ngày kia, Thế Tôn xuống ao tắm rửa. Sau khi tắm xong Ngài muốn lên bờ nhưng không có vật gì để vịn leo lên. Trên bờ ao có cội cây tên Ca-la-ca cành lá sum suê, sát bên bờ ao, vị thọ thần liền oằn cành cây xuống để Phật vịn lên khỏi ao. Sau đó Phật trở về an tọa dưới bóng cây. Lúc ấy Ca-diếp đi đến thấy những cành cây bỗng nhiên sà xuống lây làm lạ nên hỏi Phật:

-Các cành cây vì sao bỗng sà thấp xuống như vậy.

Phật đáp:

-Ta xuống ao tắm xong, muốn có vật gì vịn để lên bờ. Vị thọ thần biết ý nên làm cho cành cây sà xưống giúp Ta vịn để lên bờ.

Ca-diếp khen là việc chưa từng thấy nhưng vẫn nghĩ Đức Phật tuy có nhiều uy lực, có thể cảm hóa được Thọ thần nhưng đạo của ông ta vẫn chân chánh hơn

Một hôm Ca-diếp nghĩ: “Ngày mai này, vua nước Ma-kiệt-đề cùng với quan, dân, Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ… sẽ đến đây tổ chức lễ hội trong bảy ngày. Nếu vị Sa-môn trẻ tuổi kia mà đến đây thì vua, quan, dân chúng thấy tướng tốt và uy lực thần thông của vị ấy hẳn là sẽ bỏ ta mà đi theo thờ phụng vị ấy. Mong sao trong bảy ngày lễ hội, vị ấy không đến đây”. Phật hiểu rõ tâm niệm của Ca-diếp nên Ngài đi sang xứ uất-đơn-việt ở phương Bắc, trong bảy ngày bảy đêm không xuất hiện. Khi lễ hội hoàn tất, vua quan và mọi người về hết, Ca-diếp lại nghĩ: “Trong suốt bảy ngày hội, vị Sa-môn trẻ tuổi không đến, thật là may mắn. Nay lễ hội đã xong, ta muôn cúng dường Ngài, nếu lúc này Ngài đến thì thật là tốt.

Lúc ấy Đức Thế Tôn biết được ý nghĩ của Ca-diếp nên trong chốc lát, nhanh như thời gian một tráng sĩ co duỗi cánh tay, hiện ra trước Ca-diếp. Lúc ấy Ca-diếp chợt thấy Như Lai, đến vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng liền hỏi Phật:

-Trong bảy ngày qua Ngài đi đâu tôi không gặp?

Phật đáp:

-Đức vua nước Ma-kiệt-đề, quan dân, Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ… đến đây dự hội bảy ngày, ông lại không muốn gặp Ta nên Ta đến xứ Uất-đơn-việt ở phương Bắc để tránh ông. Nay ông nghĩ muốn Ta đến nên Ta đến.

Ca-diếp nghe Phật nói giật mình, toàn thân nổi gai, suy nghĩ: “Vị Sa-môn trẻ tuổi này biết được cả ý nghĩ trong lòng ta. Thật là kỳ lạ nhưng vẫn không chân chánh bằng đạo của ta”.

Ngày kia, Đức Thế Tôn suy nghĩ: “Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp căn duyên đã từ từ thuần thục, nay đúng là lúc điều phục ông ta”.         Nghĩ thế nên Đức Thế Tôn đến sông Ni-liên-thiền. Phật vừa đến bờ sông, Ma vương bỗng hiện ra thưa với Phật:

-Bạch Thế Tôn, bấy giờ là lúc Ngài nên vào Niết-bàn. Đấng Thiện Thệ, nay đã đúng thời Ngài nên vào Niết-bàn. Vì sao? Vì những người đáng độ đều đã được giải thoát, nay thật đúng lúc Ngài nên vào Niết-bàn.

Ma vương thưa với Phật ba lần như thế. Đức Thế Tôn đáp:

-Nay chưa phải lúc Ta vào Niết-bàn. Vì sao? Vì bốn bộ chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, ưu-bà-di chưa đầy đủ. Những người đáng độ chưa được hoàn toàn giải thoát, các ngoại đạo đều chưa được hàng phục.

Đức Phật cũng đáp lại ba lần như thế. Ma vương nghe thế buồn bã trở về Thiên cung.

Đức Thế Tôn đi xuống sông Ni-liên-thiền, dùng thần lực tách dòng sông làm hai khiến nước ở hai bên vọt lên cao. Phật đi vào giữa, từng bước chân của Ngài làm bụi tung lên mù mịt. Ca-diếp từ xa trông thấy tưởng Phật bị chìm trong nước liền sai các đệ tử chèo thuyền đến đó. Khi đến bên sông thấy lối Phật đi có bụi bay lên, Ca-diếp thầm khen là việc chưa từng có nhưng suy nghĩ: “Vị         Sa-môn trẻ tuổi này tuy có sức thần thông như thế nhưng vẫn không chân chánh bằng đạo của ta”. Lúc ấy Ca-diếp hỏi Phật:

-Vị Sa-môn trẻ tuổi muốn lên thuyền không?

Phật đáp:

-Tốt lắm.

Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng thần lực xuyên qua đáy thuyền để vào trong thuyền ngồi kiết già. Ca-diếp thấy Phật từ đáy thuyền đi vào mà đáy thuyền vẫn không thủng, khen là việc chưa từng có, nhưng vẫn cố chấp: “Vị Sa-môn trẻ tuổi có thần thông kỳ diệu như thế nhưng không bằng ta đã đắc quả A-la-hán”. Phật liền nói:

-Này Ca-diếp, ông chưa đắc quả A-la-hán, cũng chưa đạt A-la-hán hướng mà sao lại có tâm ngã mạn lớn như thế?

Ca-diếp nghe lời đó xong, trong lòng vừa thẹn vừa sợ, toàn thân nổi gai, thầm nghĩ: “Vị Sa-môn trẻ tuổi này biết rõ tâm niệm của ta” nên liền thưa với Phật:

-Đúng thế, thưa Sa-môn! Đúng thế, thưa Đại Tiên! Người đã biết rõ tâm niệm của con. Cúi xin Ngài hãy thu nhận con làm đệ tử.

Phật đáp:

-Ông là bậc cao niên, đã một trăm hai mươi tuổi, có nhiều đệ tử quyến thuộc, lại được Quốc vương và quan dân tôn kính. Nếu ông quyết định theo học giáo pháp của Ta thì trước hết nên cùng bàn bạc kỹ với các đệ tử.

Ca-diếp đáp:

-Quý hóa thay! Hay lắm thay! Quả như lời dạy của Đại Tiên, nhưng lòng con đã quyết định, không bao giờ thay đổi. Nay sẽ về cùng bàn bạc với các đệ tử.

Nói xong, Ca-diếp trở về trụ xứ tập họp các đệ tử nói:

-Vị Sa-môn trẻ tuổi từ khi đến ở đây, chúng ta đã thấy bao nhiêu thần thông biến hóa thật là kỳ diệu và trí tuệ cao xa, tính tình ôn hòa của Ngài, nay ta muốn quy y theo học giáo pháp của người, các ông nghĩ sao?

Các đệ tử thưa

-Những gì chúng con biết đều là nhờ ân của Tôn giả. Bậc mà Tôn giả đã tin tưởng quy y, ắt hẳn không phải là hư vọng. Chúng con cũng đã thấy những thần thông kỳ diệu của vị ấy. Nếu Tôn giả quyết định quy y theo học giáo pháp của Bậc ấy, chúng con cũng xin nguyện theo Tôn giả quy y.

Nghe các đệ tử nói thế, Ca-diếp lập tức cùng họ đến trước Phật thưa:

-Nay con cùng các đệ tử đều đã quyết định quy y. Cúi xin Đại Tiên hãy thâu nhận chúng con.

Phật nói:

-Thiện lai Tỳ-kheo!

Lập tức râu tóc Ca-diếp tự rụng, vận cà-sa vào người, trở thành Sa-môn. Bấy giờ, Đức Thế Tôn tùy theo căn tánh của Tôn giả giảng rộng pháp Tứ đế. Vừa nghe xong bài pháp, Ca-diếp liền lìa xa mọi trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh; sau đó một thời gian đã chứng được quả A-la-hán. Năm trăm đệ tử thấy thầy đã thành Sa-môn trong lòng rất vui vẻ, cũng có ý muốn xuất gia nên thưa với Phật:

-Thầy chúng con được Đại Tiên thu nhận, nay đã là Sa-môn.

Chúng con cũng vui thích theo thầy học đạo. Cúi xin Đại tiên chấp nhận cho chúng con được xuất gia.

Phật nói:

-Thiện lai Tỳ-kheo!

Râu tóc của họ tự rụng xuống, vận cà-sa vào, trở thành Sa-môn. Sau đó Phật cũng vì họ giảng pháp Tứ đế. Sau thời pháp, cả năm trăm vị Tỳ-kheo đều xa lìa trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh, chứng được quả Tu-đà-hoàn. Sau một thời gian tu tập, dần dần tất cả đều chứng được quả A-la-hán.

Sau khi đắc quả, Ca-diếp và năm trăm vị đệ tử đem hết những dụng cụ thờ lửa vứt bỏ xuống sông Ni-liên-thiền và cùng đi theo Phật. Bấy giờ hai người em của Ca-diếp là Na-đề Ca-diếp và Già-da Ca-diếp, mỗi người có hai trăm năm mươi người đệ tử và cùng ở bên bờ vùng hạ lưu sông Ni-liên-thiền, bỗng trông thấy các dụng cụ thờ lửa của thầy trò người anh trôi trên sông nên rất ngạc nhiên, suy nghĩ: “Anh ta gặp điều gì không lành mà sao nay những dụng cụ thờ lửa bị thả trôi sông. Phải chăng bị kẻ ác hãm hại?”         Hai người em vội chạy đến gặp nhau bàn luận:

-Anh chúng ta nếu không bị kẻ ác làm hại thì tại sao những dụng cụ thờ lửa lại theo dòng sông trôi xuống. Thật là kỳ lạ, chúng ta hãy mau đến đó xem sao.

Bàn luận xong, họ liền ngược dòng sông lên đến chỗ người anh. Đến nơi thấy cảnh vắng vẻ lòng họ rất buồn rầu, thắc mắc không biết anh và các đệ tử đi đâu. Trong khi đi tìm kiếm khắp nơi bỗng gặp người quen, họ liền hỏi thăm:

-Thánh huynh của chúng tôi và các đệ tử không rõ nay ở đâu, ông có biết không?

Vị ấy trả lời:

-Anh của các ngài và chúng đệ tử đã bỏ hết những dụng cụ thờ lửa, xuất gia đi theo Sa-môn Cù-đàm tu học.

Hai người em nghe thế vô cùng khổ tâm, cho là việc kỳ lạ chưa từng thấy, thầm nghĩ: “Sao anh ta lại bỏ đạo A-la-hán mà đi cầu học pháp khác?” Hai người liền tìm đến chỗ người anh. Đến nơi thấy anh và các đệ tử đã cạo bỏ râu tóc, mặc cà-sa liền quỳ lạy, hỏi:

-Anh vốn là một vị Đại A-la-hán thông minh, trí tuệ không ai bằng, tiếng tăm vang cả mười phương mọi người đều kính phục, tại sao nay lại bỏ đạo mà theo học người khác? Đây đâu phải là chuyện nhỏ.

Ca-diếp liền trả lời hai em:

-Ta thấy Đức Thế Tôn là Bậc đã thành tựu tâm đại Từ bi và có ba điều kỳ diệu: một là thần thông biến hóa; hai là trí tuệ cực sáng, chắc chắn đã đạt được Nhất thiết chủng trí; ba là biết rõ căn tánh từng người mà tùy thuận dẫn dắt, do đó mà ta xuất gia tu học theo giáo pháp của Phật. Ta nay tuy được vua, quan, dân chúng tôn kính, không luận lý nào ở thế gian mà không phá được nhưng lại không dứt được con đường sinh tử, chỉ có giáo pháp của Như Lai mới có thể dứt hẳn được sinh tử. Đã gặp được vị Đại Thánh Chí Tôn như vậy mà không tự gắng sức để cầu học theo vị Thầy tốì thắng là người không có lòng và cũng không có mắt.

Hai người em thưa:

-Nếu đúng như lời anh nói, Bậc ấy chắc chắn đã thành tựu được Nhất thiết chủng trí. Các đạo lý, tri thức chúng em có được đều do công sức của anh. Nay anh đã theo Phật xuất gia, chúng em cũng như anh nguyện theo Phật xuất gia học đạo.

Hai người em, mỗi vị bèn hỏi chúng đệ tử của mình:

-Nay ta muốn theo đường của anh cả ta xuất gia theo học Phật pháp, vậy ý các người thế nào?

Các đệ tử thưa:

-Chúng con có được tri kiến đều là nhờ ân của đại sư. Nay đại sư có ý xuất gia theo Phật, chúng con cũng nguyện đi theo.

Lúc ấy Na-đề Ca-diếp và Già-da Ca-diếp, mỗi vị đem hai trăm năm mươi đệ tử đến trước Phật cúi đầu lễ xuống chân Phật thưa:

-Bạch Thế Tôn, xin người từ bi thương xót mà cứu vớt chúng con.

Phật nói:

-Thiện lai Tỳ-kheo!

Râu tóc của họ đều tự rụng, vận cà-sa, trở thành Sa-môn. Hai người lại bạch Phật:

-Các đệ tử của chúng con cũng nguyện xin xuất gia. Kính xin Thế Tôn từ bi tiếp nhận.

Phật đáp:

-Quý hóa lắm!

Rồi Ngài hô lớn:

-Lành thay các Tỳ-kheo!

Râu tóc trên người họ tự rụng, vận cà-sa, đều thành Sa-môn. Bấy giờ Đức Thế Tôn vì Na-đề Ca-diếp, Già-da Ca-diếp và chúng đệ tử hiện sức đại thần thông rồi tùy theo căn cơ mà thuyết pháp. Phật dạy:

-Này các Tỳ-kheo, các ông nên biết thế gian này luôn bị các thứ lửa dữ là tham, sân, si thiêu đốt. Trước đây các ông thờ ba thứ lửa đã có thể trừ bỏ được chướng ngại thô lậu bên ngoài, nhưng ba thứ lửa độc này lại xuất phát từ thân tâm, các ông cần phải mau đoạn trừ chúng.

Lúc bấy giờ các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, ngay lập tức xa lìa mọi trần cấu phiền não, đắc pháp nhãn thanh tịnh. Thế Tôn lại vì họ giảng rộng pháp Tứ đế. Sau một thời pháp, tất cả họ đều đạt được quả A-la-hán.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nhớ lại: “Vua Tần-tỳ-sa-la trước đây có nguyện rằng nếu Ta đắc đạo thì nên độ ông ta trước. Nay đã đến lúc Ta nên đến đó để hoàn thành bản nguyện cho nhà vua”. Nghĩ thế rồi, Phật liền cùng ba anh em Ca-diếp và một ngàn vị Tỳ-kheo đi tới cung điện của vua Tần-tỳ-sa-la tại thành Vương xá.

Lúc ấy, người dân trong các thôn mà vua đã cấp cho Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp trước đây thấy Ca-diếp và các đệ tử đều thành Sa-môn liền đến tâu vua. Nhà vua và các quan nghe tin ấy rất kinh ngạc nhưng yên lặng không nói gì. Dân chúng bên ngoài nghe tin ấy liền cùng nhau bàn bạc:

Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp là bậc có trí tuệ cao sâu không ai sánh bằng, tuổi lại cao, đã chứng quả A-la-hán nay sao lại bỏ đạo của mình làm đệ tử của Sa-môn Cù-đàm?

Không một ai tin điều đó và đều cho rằng Sa-môn Cù-đàm là đệ tử của Ca-diếp. Khi đến gần thành Vương xá, Thế Tôn dừng chân nghỉ trong một khu rừng. Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp nhờ một người thân cận trước đây đến thưa với vua Tần-tỳ-sa-la:

-Tôi nay đã xuất gia tu học theo giáo pháp của Đức Phật. Hiện nay đang cùng Đức Phật đến đây, ngự trong một khu rừng. Nhà vua nên đến lễ bái cúng dường.

Nhà vua nghe tâu lại lời ấy mới biết chắc là Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp là đệ tử của Phật, lập tức truyền chuẩn bị ngựa xe cùng với các vị đại thần, Ba-la-môn, dân chúng đến chỗ Đức Phật. Khi đến ngoài rừng, vua liền xuống xe, bỏ tất cả nghi trượng hoàng gia, đi bộ vào diện kiến Đức Phật. Lúc ấy, từ trên không có một vị trời bảo nhà vua:

-Như Lai hiện đang ngự trong khu rừng này, là ruộng phước tối thượng của trời, người. Đại vương nên cung kính cúng dường và bố cáo cho nhân dân trong nước nên cúng dường Như Lai.

Nhà vua nghe lời đó xong, trong lòng vô cùng mừng rỡ, phấn chấn, lập tức tiến vào rừng. Từ xa vua đã trông thấy tướng tốt đẹp, trang nghiêm của Đức Phật và cũng thấy thầy trò ba anh em Tôn giả Ca-diếp hầu chung quanh, chẳng khác nào các vì sao vây quanh vầng nguyệt rạng. Lòng vua càng tăng thêm niềm hoan hỷ vội đến trước Đức Phật cúi đầu lạy sát đất thưa với Phật:

-Con là vua nước Ma-kiệt-đề, thuộc chủng tộc mặt trăng, tên là Tần-tỳ-sa-la. Chẳng hay Thế Tôn đã từng nghe qua chưa?

Phật liền đáp:

-Lành thay! Đại vương

Vua Tần-tỳ-sa-la lui xuống ngồi sang một bên. Các đại thần, Ba-la-môn và dân chúng cũng đều ngồi xuống. Khi ấy, sau khi thấy mọi người trong phái đoàn của nhà vua đều đã an tọa, Đức Thế Tôn liền dùng giọng Phạm âm vấn an nhà vua:

-Sức khỏe của đại vương có được tốt không? Việc nước chắc không quá mệt nhọc phải không?

Đức vua thưa:

-Nhờ ân đức của Thế Tôn nên con may mắn vẫn được mọi sự an ổn.

Lúc ấy vua Tần-tỳ-sa-la và các vị Đại học sĩ Ba-la-môn, trưởng giả, cư sĩ, các vị đại thần và nhân dân đã biết Tôn giả Ca-diếp là đệ tử của Đức Phật nên cùng bàn với nhau:

-Thật là hay thay! Đức Như Lai có sức thần lớn lao, trí tuệ cao sâu không thể nghĩ bàn nên mới có thể điều phục ba anh em Ngài Ca-diếp theo làm đệ tử.

Trong chúng hội cũng có vài người nghi ngờ, thầm nghĩ: “Ngài Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp là người có đại trí tuệ, mọi người đều tin phục đi theo, sao lại là đệ tử của Sa-môn Cù-đàm được?”

Đức Thế Tôn biết được những ý nghĩ ấy liền bảo Ca-diếp:

-Nay ông nên hiển bày sức thần biến.

Ca-diếp vâng lời liền bay lên không trung, trên thân hiện ra nước, dưới thân hiện ra lửa, hoặc trên thân hiện ra lửa, dưới thân hiện ra nước, hoặc hiện thân lớn đầy khắp không trung rồi biến ra nhỏ, hoặc từ một thân biến thành vô số thân, hoặc chui vào đất rồi vọt lên, hoặc đi đứng nằm ngồi trong không trung. Mọi người chứng kiến khen là điều chưa từng có và đều tôn Ca-diếp là bậc Đại tiên đệ nhất. Ở trên không biến hiện thần thông xong, Ca-diếp trở lại mặt đất, đến trước Đức Phật đảnh lễ sát đất và thưa:

-Thế Tôn chính là Bậc Thầy của cả trời người. Con nay chính là đệ tử của Thế Tôn.

Ca-diếp nói ba lần như thế Phật đáp:

-Đúng thế! Đúng thế! Ca-diếp, ông thấy trong pháp Ta có được lợi lạc gì mà bỏ hết những đồ thờ lửa để xuất gia?

Ca-diếp liền dùng lời kệ đáp:

Con ở trong đời trước
Nhờ công đức thờ lửa
Được sinh cõi trời người
Thọ hưởng vui năm dục
Cứ thế mãi luân hồi
Chìm trong biển sinh tử
Con thấy tai họa đó
Nên để dược lìa khổ
Nương phước báo thờ lửa
Cầu sinh cõi trời người
Chỉ thêm tham, sân, si
Cho nên con xa lánh
Lại theo phước thờ lửa
Cầu sinh trong tương lai
Nhưng đã có sinh rồi
Ắt có già bệnh chết
Con đã thấy điều ấy
Nên bỏ đạo thờ lửa
Bố thí, tu khổ hạnh
Và phước báo thờ lửa
Dù được sinh Phạm thiên
Nhưng không phải rốt ráo
Do vì nhân duyên ấy
Cho nên bỏ thờ lửa
Con thấy pháp Như Lai
Lìa sinh, lão, bệnh, tử
Đạo giải thoát hoàn toàn
Do đó nay xuất gia
Như Lai, Đấng Giải Thoát
Là Bậc Thầy trời người
Vì nhân duyên như thế
Nên nương theo Thế Tôn
Như Lai đại Từ bi
Hiện vô số phương tiện
Và các sức thần thông
Để dẫn con vào đạo
Sao lại còn bằng lòng
Đi theo đạo thờ lửa.

Lúc bấy giờ vua Tần-tỳ-sa-la cùng mọi người nghe lời kệ của Ca-diếp vô cùng vui mừng, càng sinh lòng cung kính, tin tưởng tuyệt đối với Đức Phật, hiểu rõ Như Lai là Bậc Nhất Thiết Chủng Trí, và đều biết Ca-diếp là đệ tử của Phật. Lúc ấy trong không trung, chư Thiên rải các thứ hoa trời, tấu các thứ nhạc êm dịu và cùng xướng:

-Lành thay Tôn giả Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp đã khéo nói lời kệ ấy.

Đức Thế Tôn biết mọi người đã tin tưởng chắc chắn không còn nghi ngờ, lại xem thấy căn tính của họ đều đã thuần thục nên vì họ mà thuyết giảng:

-Đại vương nên biết thân năm ấm này lấy thức là căn bản, do thức sinh ý căn, từ ý căn sinh ra sắc, mà sắc thì sinh diệt không bền. Nếu đại vương quán sát được như thế thì có thể biết rõ thân này là vô thường, quán thân là vô thường nên không chấp thủ thân tướng và do vậy có thể lìa được chấp ngã và ngã sở. Nếu đại vương có thể quán sắc là vô thường thì cũng có thể xa rời mọi ý niệm về ngã và ngã sở, tức là hiểu rõ khi sắc sinh thì khổ sinh, sắc diệt thì khổ diệt. Nếu người nào quán niệm được như thế thì gọi là Giải (cởi mở, tự tại, thoát ly…). Nếu ai không quán niệm như thế thì gọi là Phược (trói buộc). Thực tính của các pháp vốn vô ngã và vô ngã sở. Chúng sinh do vọng tưởng điên đảo nên chấp có ngã và ngã sở, đó không phải là pháp chân thật. Nếu có thể đoạn trừ vọng tưởng mê lầm, điên đảo thì được giải thoát.

Lúc ấy vua Tần-tỳ-sa-la suy nghĩ: “Nếu bảo chúng sinh chấp có ngã là bị trói buộc, vậy nếu tất cả chúng sinh đều vô ngã thì ai sẽ thọ quả báo?” Đức Thế Tôn biết những thắc mắc trong lòng vua liền nói:

-Tất cả những việc thiện ác mà chúng sinh làm cũng như những quả báo mà chúng sinh thọ nhận đều không phải do ngã tạo ra, cũng không phải ngã thọ nhận, nhưng trong hiện tại lại thấy có tạo ra thiện ác và có thọ quả báo. Đại vương nên lắng nghe thật kỹ, Ta sẽ vì đại vương mà giảng rõ. Chỉ vì căn, trần, thức hợp với nhau khởi sinh nhiễm cảnh, tích lũy những ý tưởng ngày càng nhiều, chính do đó mà chúng sinh mãi chạy theo dòng sinh tử, chịu mọi quả báo khổ đau. Nếu không nhiễm cảnh, dừng lại những tâm tưởng ràng buộc thì được giải thoát. Do căn, trần, thức ba nhân duyên ấy hợp lại mà có thiện ác và thọ quả báo, bản chất của chúng là không có ngã riêng (tính chủ thể, độc lập, riêng biệt). Thí như dùi cây để lấy lửa, do tay xoay miếng gỗ mà có lửa nhưng tính của lửa không phải từ tay hay từ gỗ mà có, cũng không lìa tay và mảnh gỗ mà có. Căn, trần, thức cũng như thế.

Khi ấy vua Tần-tỳ-sa-la lại nghĩ: “Nếu do căn, trần, thức hòa hợp mà có thiện ác cũng như có thọ quả báo thì chúng phải thường hợp lại với nhau, không thể xa rời nhau. Nếu chúng không thường hợp lại với nhau thì sẽ bị đoạn diệt”. Thế Tôn biết ý nghĩ ấy của vua nên giảng tiếp:

-Căn, trần, thức ấy không thường còn, cũng không đoạn diệt. Vì sao? Vì chúng hòa hợp với nhau nên không đoạn diệt, vì chúng có đặc tính riêng nên không thường còn. Ví như hạt giống là do nhân, do có duyên của đất, nước nên mầm lá mới sinh ra. Hạt giống sẽ mục nát nên không gọi là thường, nhưng do hạt giống có đặc tính sinh trưởng thành mầm lá nên không thể gọi là đoạn. Lìa cả khái niệm thường và đoạn được gọi là Trung đạo. Căn, trần, thức cũng như vậy.

Vua nghe xong bài pháp, tâm ý khai mở, tỉnh ngộ, nhờ đó xa lìa mọi trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh. Tám vạn na-do-tha Bà-la-môn, đại thần và nhân dân cũng nhờ nghe pháp mà được xa lìa trần câu, đắc pháp nhãn thanh tịnh. Chín mươi sáu vạn na-do-tha chư Thiên cũng nhờ nghe pháp mà xa lìa trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh. Vua Tần-tỳ-sa-la từ chỗ ngồi đứng dậy cung kính lễ xuống chân Phật rồi chắp tay thưa:

-Vui sướng thay! Đức Thế Tôn đã lìa bỏ ngôi Chuyển luân thánh vương xuất gia học đạo, thành Bậc Nhất Thiết Chủng Trí. Trước kia con đã ngu si muốn giữ Thế Tôn lại để cai trị một nước nhỏ. Nay được diện kiến Đức Đại Từ, lại được nghe chánh pháp nên rất hổ thẹn về lỗi đã qua, kính xin Thế Tôn mở lòng từ bi nhận cho con sám hốì. Ngày trước con có nguyện xin nếu Phật đắc đạo thì độ con trước, nay ước nguyện đã thành tựu, nhờ ân Thế Tôn mà con đã thấy được chân lý. Từ nay con nguyện cúng dường đầy đủ tứ sự cho Thế Tôn và chư Tăng, không để thiếu thốn, cúi mong Đức Thế Tôn ở lại vườn Trúc để nước Ma-kiệt-đề mãi mãi an vui.

Phật đáp:

-Quý hóa thay! Đại vương có thể xa rời pháp tam bất kiên để cầu quả tam kiên, Ta nay chấp thuận để vua được tròn đầy tâm nguyện.

Vua Tần-tỳ-sa-la biết Phật đã chấp thuận lời thỉnh của mình đến ở trong vườn Trúc nên cung kính lễ xuống chân Phật, từ tạ ra về. Về đến cung, vua lập tức ra lệnh cho quan quân khởi công xây cất phòng xá trong vườn Trúc, trang trí vô cùng trang nghiêm, đẹp đẽ, treo phướn lọng bằng gấm, cắm hoa đốt hương. Sau khi đã hoàn thành, vua liền cho chuẩn bị xa giá đi đến chỗ Phật đảnh lễ, thưa:

-Phòng xá nơi vườn Trúc đã xây cất xong, cúi mong Thế Tôn và chư Tỳ-kheo Tăng thương xót đến đó trụ.

Lúc đó Thế Tôn, chư Tỳ-kheo và vô số chư Thiên tháp tùng vây quanh cùng đi vào thành Vương xá. Ngay khi Như Lai bước vào cổng thành, những nhạc khí trong thành tự nhiên tấu lên, cửa hẹp bỗng hóa rộng, cửa thấp bỗng cao lên, tất cả những gò đống đều trở nên bằng phẳng, những nơi dơ bẩn đều được sạch thơm, người điếc bỗng nghe được, người câm lại nói được, người mù nhìn thấy được, người điên dại trở nên tỉnh táo, những kẻ tật nguyền ốm đau bỗng lành lặn, khỏe mạnh, cây khô ra hoa, cây cỏ héo úa bỗng xanh tươi, ao cạn bỗng ngập nước vỗ sóng tràn bờ, gió thơm thổi đến, các loài chim quý lạ như Phượng hoàng, Khổng tước, Phỉ thúy, Oan ương… đều bay về tụ tập, hót lên những âm thanh êm ái. Tất cả điều lành đều như hội tụ nơi thành Vương xá.         Sau khi vào thành, Đức Phật cùng vua Tần-tỳ-sa-la đến vườn Trúc. Lúc ấy chư Thiên vân tập đầy khắp trên không, đức vua tay nâng một chiếc bình quý chứa đầy nước thơm đến trước Như Lai thưa:

-Nay con xin hiến cúng vườn Trúc này cho Như Lai và chư Tỳ-kheo Tăng. Xin Thế Tôn thương xót nhận cho.

Nói xong, vua lấy nước trong bình rưới lên đất. Lúc đó Đức Phật yên lặng chấp nhận, nói kệ chú nguyện:

Người nào siêng bố thí
Sẽ trừ được tâm tham
Người nào thường nhẫn nhục
Sẽ mãi lìa giận dữ
Nếu ai luôn làm lành
Ngu si sẽ xa lánh
Có đủ được ba hạnh
Mau đạt được Niết-bàn
Nếu có người nghèo khổ
Không của để bố thí
Thấy người khác bố thí
Mà sinh tâm vui theo
Phước báu người tùy hỷ
Cũng bằng người bố thí.

Chúng hội Bà-la-môn, các quan đại thần cùng dân chúng thấy vua phụng cúng tinh xá cho Đức Phật đều hớn hở sinh niệm hoan hỷ theo vua. Sau khi cúng dường tinh xá cho Đức Phật và chư Tăng xong, vua Tần-tỳ-sa-la vô cùng vui sướng, cung kính lễ xuống chân Phật rồi trở về cung. Trong các vị quốc vương ở cõi Diêm-phù-đề từng được diện kiến Đức Phật, vua Tần-tỳ-sa-la là đứng đầu; trong tất cả các ngôi tinh xá thì Trúc viên là ngôi tinh xá đầu tiên.

Vào lúc Đức Phật và chư Tăng ngự tại vườn Trúc, có hai vị Bà-la-môn ở trong thành Vương xá, là người thông minh, linh lợi có trí tuệ lớn, thông đạt tất cả các Luận thư, tài tranh biện không ai qua được. Một người họ Câu-lật tên Ưu-bà-thất-sa, do có người mẹ tên là Xá-lợi nên mọi người thường gọi ông là Xá-lợi-phất, người thứ hai họ Mục-kiền-liên tên là Mục-kiền-la-dạ-na. Mỗi người có một trăm đệ tử đều được dân chúng trong nước kính trọng, ngưỡng mộ. Hai người kết bạn, rất thân yêu và kính trọng nhau, đã giao ước với nhau nếu ai gặp được pháp môn kỳ diệu trước thì phải khai ngộ cho nhau, không được giấu diếm.

Một hôm, Tỳ-kheo A-xả-bà-kỳ khoác y ôm bát vào làng khất thực. Vị Tỳ-kheo khéo giữ các căn, oai nghi nghiêm chỉnh, người đi đường trông thấy ai cũng cung kính. Lúc ấy trên đường đi, Xá-lợi-phất bỗng thấy oai nghi Phạm tướng của Tỳ-kheo A-xả-bà-kỳ. Do thiện căn đã tròn đủ nên vừa gặp vị Tỳ-kheo, lòng Xá-lợi-phất đột nhiên vui mừng vô hạn, toàn thân rung động, đứng lại chăm chú nhìn, và vội hỏi:

-Theo ý tôi thì thầy chắc là mới xuất gia nhưng sao đã thu nhiếp được các căn nên tôi muốn hỏi, xin thầy cho biết Bổn sư của thầy là ai? Có những lời dạy nào? Thường nói những pháp gì?

A-xả-bà-kỳ nghiêm trang đáp:

-Thầy tôi là Bậc đã đạt Nhất thiết chủng trí, thuộc dòng họ Cam Giá, là Thầy của cả trời người, có tướng tốt, trí tuệ và thần thông không ai bì kịp. Tôi tuổi còn nhỏ, học đạo còn nông cạn đâu dám tuyên nói diệu pháp của Như Lai, nhưng theo chỗ tôi hiểu, xin nói lại cho ông.

Vị Tỳ-kheo liền nói kệ:

Cội nguồn tất cả pháp Nhân duyên sinh, vô chủ Nếu rõ được điều đó

Sẽ đạt đạo chân thật.

Vừa nghe xong bài kệ của Tỳ-kheo A-xả-bà-kỳ, Xá-lợi-phất lập tức xa lìa mọi trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh, thấy được chân lý, nội tâm vô cùng phấn chấn, các căn trong thân rung động, vui sướng tột độ, tự nghĩ: “Tất cả chúng sinh đều do chấp ngã nên bị luân hồi trong vòng sinh tử, nếu trừ được ngã tưởng thì ngã sở tưởng cũng sẽ không còn, giống như ánh sáng mặt trời có thể phá tan mọi bóng tối, tâm vô ngã cũng như thế, có thể phá tan hoàn toàn mọi ngăn che của ngã kiến. Những gì ta tu học từ trước đến nay đều là tà kiến, điều ta sở đắc hôm nay mới thật là đạo lý chân thật”. Nghĩ thế xong, Xá-lợi-phất liền lễ xuống chân A-xả-bà-kỳ, trở về nơi cư trú. Tỳ-kheo A-xả-bà-kỳ tiếp tục đi khất thực xong liền quay về vườn Trúc.

Khi Xá-lợi-phất về đến chỗ ở, Mục-kiền-liên do thiện căn đã đầy đủ, vừa nhìn thấy Xá-lợi-phất các căn yên tịnh, oai nghi trang nghiêm, khuôn mặt có vẻ vui mừng khác với ngày thường, liền hỏi:

-Tôi xem anh hôm nay mọi dáng vẻ đều khác với ngày thường, phải chăng đã nghe được pháp cam lộ vi diệu? Trước đây, chúng ta đã giao ước với nhau, hễ người nào nghe được pháp vi diệu thì phải khai ngộ cho người kia, nay anh nghe được pháp gì hãy đọc lại cho tôi nghe với.

Xá-lợi-phất đáp:

-Đúng là hôm nay tôi đã được nghe pháp cam lộ.

Mục-kiền-la-dạ-na nghe nói, lòng mừng vui tột độ liền cất lời khen:

-Hay thay! Hãy nói cho tôi nghe với.

Xá-lợi-phất thuật lại:

-Hôm nay trên đường tôi gặp một vị Tỳ-kheo khoác y ôm bát vào làng khất khực. Vị ấy các căn vắng lặng an tỉnh, dáng vẻ nghiêm trang, tôi vừa gặp đã sinh lòng cung kính liền đến gần hỏi theo chỗ tôi thấy thì vị ấy dường như mới xuất gia mà sao đã thu nhiếp được các căn như thế, và tôi đã hỏi Bổn sư của vị ấy là ai? Đã dạy những pháp gì? Lúc đó vị Tỳ-kheo A-xả-bà-kỳ ấy đã ung dung trả lời tôi:

-Thầy tôi đã đạt Nhất thiết chủng trí, thuộc dòng họ Cam Giá, là Thầy cả trời người, tướng tốt, trí tuệ và thần thông không ai sánh bằng. Tuổi tôi còn trẻ, học đạo còn cạn, đâu có thể nói hết diệu pháp của Thầy nhưng theo chỗ tôi hiểu xin nói cho ông nghe” rồi vị ấy nói kệ:

Cội nguồn tất cả pháp Nhân duyên sinh, vô chủ Nếu hiểu rõ điều đó sẽ đạt đạo chân thật.

Mục-kiền-la-dạ-na vừa nghe xong những lời ấy của Xá-lợi-phất cũng lập tức lìa được mọi trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh.         Sau khi đắc pháp hai người bàn với nhau:

-Hai chúng ta đều nhờ pháp Phật mà được lợi ích lớn, nay nên cùng nhau đến chỗ Phật xin xuất gia.

Bàn tính xong, mỗi người đều gọi các đệ tử của mình đến bảo:

-Ta nay đã được vị cam lộ của Phật pháp, chỉ có giáo pháp đó mới là con đường xuất thế. Nay ta muốn đến xin Phật xuất gia, ý các người thế nào?

Các đệ tử thưa:

-Nhờ thầy mà chúng con có tri kiến, nay thầy xuất gia, chúng con cũng nguyện xin đi theo.

Khi ấy hai người và hai trăm đệ tử cùng nhau thẳng đến vườn Trúc. Vừa bước vào cửa, thấy thân tướng Như Lai vô vàn tốt đẹp, trang nghiêm, chúng Tỳ-kheo trước sau vây quanh, lòng hai người rất vui mừng, toàn thân phấn chấn. Đức Thế Tôn thấy Xá-lợi-phất và Mục-kiền-la-dạ-na cùng các đệ tử đến liền nói với các Tỳ-kheo:

-Các thầy nên biết, hai vị kia đưa các đệ tử đến nơi này để xin xuất gia. Một vị tên là Xá-lợi-phất, một vị tên là Mục-kiền-la-dạ-na, họ sẽ là đệ tử hàng đầu trong pháp của Ta. Xá-lợi-phất là vị đứng đầu về Trí tuệ, Mục-kiền-la-dạ-na là vị đứng đầu về Thần thông.

Sau khi đến trước Phật, hai người liền cúi đầu sát đất lạy Đức Phật và thưa:

-Chúng con đã thấy được chân lý trong giáo pháp của Phật nên ham muốn xuất gia. Cúi xin Thế Tôn chấp thuận.

Đức Thế Tôn nói lớn:

-Thiện lai Tỳ-kheo!

Râu tóc của hai người tự rụng, khoác y cà-sa, trở thành Sa-môn. Lúc đó hai trăm người đệ tử thấy thầy mình đã thành Sa-môn bèn thưa với Phật:

-Chúng con cũng muốn xuất gia theo thầy, xin Đức Thế Tôn thương xót chấp nhận.

Đức Thế Tôn lại xướng:

-Thiện lai Tỳ-kheo!

Râu tóc họ cũng tự rụng, vận y cà-sa, thành Sa-môn. Lúc ấy Đức Phật bèn giảng dạy chi tiết pháp Tứ đế cho Xá-lợi-phất và Mục-kiền-la-dạ-na. Sau thời pháp, cả hai vị ấy đều đắc quả A-la-hán. Phật cũng giảng pháp Tứ đế cho hai trăm vị tân Tỳ-kheo khiến họ lìa được trần câu, đắc pháp nhãn tịnh rồi tu tập dần dần đều đạt quả A-la-hán. Thuở ấy Đức Thế Tôn và một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo đều là bậc Đại A-la-hán ở nước Ma-kiệt-đề đem lại lợi ích lớn cho chúng sinh. Trong chúng Tỳ-kheo có nhiều vị mang tên Mục-kiền-la-dạ-na nên Thế Tôn đã đổi tên của Tôn giả Mục-kiền-la-dạ-na thành Đại Mục-kiền-la-dạ-na.

Bấy giờ tại nước Thâu-la-quyết-xoa có một vị Bà-la-môn tên là Ca-diếp có ba mươi hai tướng tốt, thông minh trí tuệ, thường tụng đọc bốn bộ kinh Vệ-đà, hầu hết kinh luận Bà-la-môn không kinh nào không thông suốt. Nhà vị ấy lại rất giàu, thường hay bố thí, người vợ rất đoan chính, cả nước không ai bằng. Hai vợ chồng tự nhiên không có ý dục, đêm không ngủ cùng phòng. Do đã nhiều đời luôn trồng thiện căn nên vị ấy không vui thích với đời sống gia đình hưởng thụ thú vui năm dục, ngày đêm luôn luôn suy nghĩ muôn lìa bỏ đời sống thế tục, hết lòng cầu tìm phương pháp xuất gia. Suy tầm mãi không được, vị ấy liền bỏ hết việc nhà đi vào rừng, tâm nghĩ miệng nói:

-Chư Phật Như Lai đã xuất gia tu hành, nay ta cũng theo Phật xuất gia.

Vị ấy liền cởi bỏ hết y phục bằng gấm lụa trị giá ngàn lượng vàng mà tự cạo bỏ râu tóc, mặc y bá nạp hoại sắc.

Bấy giờ trong không trung, chư Thiên thấy Ca-diếp đã tự xuất gia liền nói:

-Này thiện nam tử, con vua Bạch Tịnh thuộc dòng họ Cam Giá tên là Tát-bà Tất-đạt xuất gia tu tập đã thành Bậc Nhất Thiết Chủng Trí. Cả thế gian tôn xưng Ngài là Thích-ca Mâu-ni Phật cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị A-la-hán hiện đang ở tại vườn Trúc thuộc thành Vương xá.

Ca-diếp vừa nghe lời chư Thiên nói xong, lòng vui mừng phấn chấn, toàn thân nổi gai, vội vàng đi đến tinh xá Trúc viên. Lúc đó Đức Thế Tôn biết Ca-diếp đang tới nên suy nghĩ: “Vị ấy vốn có căn lành, Ta nên đến độ cho ông ta”. Nghĩ xong, Thế Tôn liền đi ngược đường về xứ Đâu-bà gặp Ca-diếp trên đường. Khi ấy Ca-diếp đang đi bỗng thấy một vị dáng tôn kính, có tướng tốt chói sáng, oai nghi đặc biệt liền chắp tay thưa:

-Thế Tôn đúng là Bậc Nhất Thiết Chủng Trí, đúng là Bậc Từ Bi, là Đấng cứu độ chúng sinh, là nơi để mọi người quy ngưỡng.

Nói xong Ca-diếp liền cúi năm vóc sát đất lạy xuống, đầu mặt trên chân Phật, thưa tiếp:

-Bạch Thế Tôn, nay Ngài là Thầy của con, con là đệ tử.

Ca-diếp lập lại ba lần như thế. Phật dạy:

-Đúng thế Ca-diếp, Ta là Thầy của ông, ông là đệ tử của Ta.

Phật lại nói:

-Này Ca-diếp, ông nên biết, nếu có người không phải là Bậc Nhất Thiết Chủng Trí mà muốn nhận ông làm đệ tử thì đầu người ấy sẽ bể ra làm bảy phần.

Phật lại nói tiếp:

-Lành thay Ca-diếp! Vui thay Ca-diếp! Ông nên biết thân ngũ thọ ấm (ngũ thủ uẩn) là nơi tập hợp những nỗi khổ lớn.

Ca-diếp vừa nghe xong lập tức ngộ được chân lý, suy tư và chứng quả A-la-hán. Khi ấy Thế Tôn và Ca-diếp trở về vườn Trúc. Vì Ca-diếp có uy đức lớn, có trí tuệ thông minh nên được tôn xưng là Đại Ca-diếp.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

-Khi Đức Phật Phổ Quang ra đời thì Tiên nhân Thiện Tuệ đâu phải ai khác mà chính là tiền thân của Ta. Trên đường đi gặp năm trăm ngoại đạo rồi cùng nhau bàn luận mà tùy hỷ, nay chính là anh em Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp cùng các quyến thuộc của ông hiện đang có mặt trong đại chúng đây. Người con gái bán hoa chính là Da-du-đà-la. Khi Tiên nhân Thiện Tuệ rải tóc trên đất để Phật đi qua, có hai người quét đất và hai trăm người cùng vui vẻ làm theo chính là Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-la-dạ-na cùng với hai trăm đệ tử Tỳ-kheo hiện ở trong chúng pháp này. Chư Thiên trong hư không lúc ấy thấy Tiên nhân Thiện Tuệ dùng tóc trải lên đất để Phật đi qua đều tùy hỷ khen ngợi chính là tám vạn vị Thiên vương, tám vạn na-do-tha vị quyến thuộc của vua Tần-tỳ-sa-la, và chín mươi sáu vạn na-do-tha Thiên tử có mặt khi Ta lần đầu tiên sau khi thành đạo, Chuyển pháp luân tại vườn Lộc dã.

Các ông phải biết, gây nhân trong quá khứ trải qua vô lượng kiếp, cuối cùng vẫn không mất. Ta trong quá khứ, nhiều kiếp tinh cần tu tập tất cả nghiệp lành và phát nguyện lớn, do tâm không hề thoái chuyển nên nay mới thành tựu Nhất thiết chủng trí. Vậy các ông cần phải siêng năng tu tập đạo hạnh, không nên biếng lười.

Lúc ấy các vị Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ nhận lãnh rồi đảnh lễ lui ra.

***

(Xin chân thành cám ơn Phật tử Nguyễn Hồng Quân dò chính tả bộ Kinh này)

Pages: 1 2 3 4