SỐ 189
KINH NHÂN QUẢ TRONG ĐỜI QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI
Hán dịch: Đời Tống, Tam tạng pháp sư Cầu-na-bạt-đà-la, người Thiên trúc
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Quyển 2

Năm Thái tử lên mười tuổi, trong họ Thích có năm trăm đồng tử cùng tuổi với Ngài. Thái tử lại có những người em như Đề-bà-đạt-đa, Nan-đà, Tôn-đà-la Nan-đà… Trong số ấy có người có ba mươi tướng tốt, người có ba mươi mốt tướng, cũng có người đủ ba mươi hai tướng nhưng không hiển lộ rõ; có người giỏi nhiều môn, có người sức lực mạnh mẽ vô cùng. Đề-bà-đạt-đa nghe Thái tử các môn đều giỏi, danh tiếng lừng lẫy khắp nơi nên bàn với năm trăm vị đồng tử:

-Thái tử tuy thông minh trí tuệ, biết nhiều sách vở, biện luận giỏi nhưng sức mạnh chưa chắc bằng chúng ta. Ta muốn thi sức mạnh với Thái tử.

Lúc bấy giờ vua Bạch Tịnh cho người đi tìm những vị thầy dạy bắn cung giỏi trong nước đến truyền nghề cho Thái tử. Một hôm vị thầy dạy Thái tử bắn cung, Đề-bà-đạt-đa cùng năm trăm đồng tử cũng đi theo đến hậu viên của hoàng cung để tập luyện, đích bắn là những chiếc trống bằng sắt. Vị thầy trao cho Thái tử một cái cung nhỏ, Thái tử mỉm cười hỏi:

-Thầy trao vật này cho con để làm gì?

Vị Xạ sư đáp:

-Ta muốn Thái tử bắn trúng cái trống sắt đó.

Thái tử cho rằng cung ấy yếu lắm, yêu cầu bảy cái cung như thế, vị thầy liền trao cho Thái tử. Thái tử cầm cả bảy cánh cung bắn một mũi tên mà xuyên qua bảy chiếc trống sắt. Khi ấy vị Xạ sư liền đến tâu lên vua.

-Tâu đại vương, Thái tử đã tự biết thuật bắn cung, chỉ bắn một mũi tên xuyên bảy chiếc trống sắt. Trong cõi Diêm-phù-đề này không ai hơn được Thái tử. Vậy sao bệ hạ còn truyền cho thần làm thầy của Thái tử?

Vua nghe thế rất mừng, thầm nghĩ: “Con ta rất thông tuệ, mọi môn học thuật sách vở, biện luận, toán số đều giỏi, thì mọi người đều biết nhưng việc Thái tử giỏi bắn cung thì ít người biết”. Nhà vua lập tức truyền lệnh bố trí các trống sắt, tổ chức thi tài cho Thái tử và nhóm năm trăm người của Đề-bà-đạt-đa. Vua cũng thông báo cho dân chúng biết bảy ngày sau Thái tử và Đề-bà-đạt-đa sẽ thi võ nghệ ở hậu viên, ai là người giỏi võ nghệ đều có thể đến thi.

Đến ngày thứ bảy, Đề-bà-đạt-đa cùng sáu vạn người trong thân quyến ra khỏi thành đầu tiên. Bỗng có một con voi to đứng chặn ở cổng thành, quân lính không ai dám đi tới. Đề-bà-đạt-đa thấy thế hỏi:

-Vì sao đứng lại không tiến tới?

Quân thưa vì có con voi lớn chặn ở cổng thành. Đề-bà-đạt-đa nghe xong liền một mình tiến tới gần con voi, dùng tay đấm mạnh vào đầu voi, con voi quỵ ngã xuống đất chết ngay. Khi đó quân lính mới lần lượt đi qua. Đến khi Nan-đà và quyến thuộc đi ra thành, quân lính cũng lần lượt đi qua một bên, Nan-đà hỏi tại sao mọi người đi chậm thế, có người thưa:

-Đề-bà-đạt-đa dùng tay đắm chết voi, xác nằm ngay cổng thành, mọi người phải tránh sang một bên nên không đi nhanh được.

Nan-đà nghe thế liền một mình đi đến đó dùng ngón chân hất xác voi qua một bên lề đường để mọi người đi qua. Lúc đó nhiều người xung quanh đều tụ tập lại để xem. Đến lượt Thái tử cùng mười vạn quyến thuộc muốn ra khỏi thành, nhưng thấy mọi người đang tụ tập đông đảo, hỏi ra mới biết Đề-bà-dạt-đa dùng tay đắm chết voi để xác ở cổng thành, Nan-đà dùng ngón chân hất xác voi sang bên lề do vậy mọi người vây quanh để xem. Khi ấy Thái tử nghĩ đã đến lúc thị hiện thần lực nên liền đến nâng xác voi ném ra ngoài thành rồi lại đưa tay đỡ mà không làm cho voi bị tổn thương. Con voi bỗng sống lại, mạnh khỏe như trước, không hề bị đau đớn, khổ não. Dân chúng thấy thế khen là việc chưa từng có. Đức vua khi nghe việc ấy cũng cho là vô cùng lạ thường.

Khi Thái tử, Đề-bà-đạt-đa, Nan-đà cùng dân chung đến nơi hậu viên đã được sắp đặt trang nghiêm, bày sẵn các loại trống bằng vàng, bạc, đồng, đá, sắt… mỗi loại đều có bảy chiếc. Đề-bà-đạt-đa bắn trước xuyên thủng ba chiếc trống bằng vàng, Nan-đà bắn thứ hai cũng bắn xuyên ba chiếc trống, dân chúng ai cũng khen ngợi. Lúc ấy các quan thưa với Thái tử:

-Đề-bà-đạt-đa và Nan-đà đã bắn xong, nay đến lượt Thái tử. Xin Thái tử hãy bắn những chiếc trống kia.

Các vị ấy thưa đến ba lần như thế. Thái tử bảo:

-Nếu muốn bắn những chiếc trống ấy thì cánh cung này yếu lắm, hãy tìm cho Ta cánh cung nào cứng hơn.

Các quan thưa:

-Tiên vương có một chiếc cung rất tốt, hiện ở trong kho, có thể đem đến cho Thái tử.

Khi cung được đưa đến, Thái tử cầm lên, bắn một mũi tên xuyên qua tất cả trống và cắm xuống ao làm nước trong ao bắn vọt lên, mũi tên còn xuyên suốt đến núi Thiết vi.

Lúc ấy Đề-bà-đạt-đa và Nan-đà đùa giỡn vật nhau, nhưng cả hai đều ngang sức nên không người nào thắng được. Thái tử bước tới dùng tay nắm chặt cả hai em vật ngã xuống đất nhưng do lòng từ bi nên cả hai người đều không hề bị đau đớn. Dân chúng thấy Thái tử có sức mạnh như vậy nên đồng thanh hô to:

-Thái tử con vua Bạch Tịnh không những trí tuệ vượt hơn tất cả người mà sức mạnh cũng không ai sánh bằng.

Không ai không thán phục, càng cung kính Thái tử hơn. Lúc bấy giờ vua Bạch Tịnh truyền gọi các quan đến để cùng bàn luận, vua nói:

-Nay Thái tử đã lớn, đã có đầy đủ trí tuệ và sức lực. Nay trẫm cần phải lấy dùng nước bốn biển để làm lễ Quán đảnh cho Thái tử.

Nói rồi vua liền truyền lệnh cho tất cả các tiểu vương đến ngày tám tháng hai hãy tụ họp về cung để dự lễ Quán đảnh của Thái tử. Đến ngày ấy, Quốc vương các nước khác và các đạo sĩ Bà-la-môn đều tụ hội đông đảo. Hoàng cung lúc bấy giờ được trang hoàng rực rỡ, treo dựng phướn, lọng, đốt hương, rải hoa, cử chuông trống, tấu các khúc nhạc hay, dùng bình thất bảo đựng nước bốn biển. Các Tiên nhân, mỗi vị đều đội bình nước trao cho các đạo sĩ Bà-la-môn, các vị Bà-la-môn chuyền bình nước trong chúng rồi trao cho các vị đại thần; các quan đều đội bình nước trao cho nhà vua. Khi ấy nhà vua rưới nước lên đầu và trao ấn thất bảo cho Thái tử, kế đó truyền đánh trống lớn, xướng lớn:

-Nay lập Tát-bà Tất-đạt làm Thái tử.

Nơi không trung lúc đó tám bộ chúng Trời, rồng… đều tấu nhạc đồng thanh ca ngợi:

-Lành thay!

Đúng vào lúc Bồ-tát lên ngôi Thái tử, tại thành Ca-tỳ-la, tám vị vua của nước khác cũng lập Thái tử.

Một hôm, Thái tử xin vua cha ra ngoài thành du ngoạn. Đức vua bằng lòng, cùng Thái tử và quần thần lần lượt ra thành đến thăm khu đất canh tác của hoàng gia. Đi tới cội cây Diêm-phù, Thái tử dừng lại đứng xem nông phu cày ruộng. Bấy giờ vị Thiên tử ở cõi trời Tịnh cư hóa thân thành trùng đất bị những con chim sà theo luông cày mổ ăn. Thái tử thấy cảnh ấy, khởi niệm Từ bi thương xót: “Chúng sinh thật đáng thương, loài này ăn thịt loài kia”. Rồi Thái tử chìm trong suy nghĩ: “Làm thế nào để xa rời cõi ái dục”. Tâm Thái tử định tĩnh đi vào Tứ thiền. Ánh dương quang chuyển dời, nhưng cây Diêm-phù vội uốn cành phủ lá che mát cho Thái tử không rời.

Lúc đó nhà vua không thấy Thái tử liền tìm kiếm khắp nơi, hỏi các quan, một vị thần thưa với nhà vua: Thái tử đang ngồi dưới bóng cây Diêm-phù, vua liền cùng các quan đến đó. Chưa đến nơi, từ xa, đức vua đã thấy Thái tử ngồi nhập định dưới bóng cây, tuy trời chiều nhưng bóng cây không di chuyển, vẫn che cho Thái tử làm nhà vua vô cùng kinh ngạc. Vua cha bước đến cầm tay Thái tử hỏi:

-Sao con lại ngồi nơi đây?

Thái tử đáp:

-Con xem thấy các loài chúng sinh ăn thịt nhau, thật là đáng thương.

Vua nghe lời ấy, trong lòng lo sợ Thái tử xuất gia, liền nghĩ tới việc phải cưới vợ cho Thái tử để Thái tử vui mà quên nghĩ ngợi. Nhà vua truyền bảo con trở về cung, nhưng Thái tử lại tỏ ý muôn ở lại. Vua liên tưởng đến lời tiên A-tư-đà nên rơi nước mắt, khuyên Thái tử nên về. Thấy vua cha có vẻ buồn bã, Thái tử thuận theo cha trở về. Nhà vua luôn nghĩ đến việc Thái tử sẽ xuất gia nên truyền tăng thêm số kỹ nữ để làm vui lòng Thái tử.

Năm Thái tử mười bảy tuổi, vua triệu tập các quan để bàn việc hôn nhân của Thái tử. Các quan tâu có một người Bà-la-môn họ Thích tên là Ma-ha-na-ma sinh được người con gái là Da-du-đà-la dung nhan xinh đẹp, tính nết đoan trang, lại thông minh, trí tuệ, tài đức hơn người, rất xứng đôi với Thái tử. Vua nghe xong bảo nếu thế thì nên cưới cho Thái tử. Vua liền vào nội cung cho gọi một cung nhân lanh lợi thông minh đến nhà trưởng giả Ma-ha-na-ma để xem xét dung mạo và đức hạnh của nàng ấy. Vị cung nữ theo lệnh đến nhà vị trưởng giả trong bảy ngày quan sát kỹ nàng Da-du-đà-la rồi về tâu với vua:

-Thần xem nàng ấy dung mạo xinh đẹp, nết na đoan trang, đi đứng uy nghi, thật ít có ai bằng!

Vua nghe thế rất mừng, lập tức sai người đến nói với trưởng giả Ma-ha-na-ma:

-Nay Thái tử đã trưởng thành, nhà vua muốn cưới vợ cho Ngài. Đức vua nghe các quan trong triều đều khen ngợi con gái của ông, nhà vua rất vừa ý nên sai tôi đến đây để bàn việc hôn sự.

Ma-ha-na-ma đáp:

-Xin tuân sắc chỉ của đức vua.

Vua liền sai các quan chọn ngày lành rồi truyền đưa một vạn cỗ xe đến để rước dâu. Khi rước Da-du-đà-la về cung, nhà vua cho tổ chức đầy đủ các nghi thức hôn sự và cũng cho tăng thêm kỹ nữ ngày đêm ca múa làm vui lòng Thái tử. Thái tử tuy cùng vợ đi, đứng, nằm, ngồi không rời, nhưng hoàn toàn không vướng ý tình thế tục, đêm nào Thái tử cũng chỉ tu tập thiền quán. Vua thường dò hỏi các thể nữ về đời sống vợ chồng của Thái tử. Các thể nữ đều tâu:

-Không thấy Thái tử có cử chỉ gì tỏ ra là đạo vợ chồng.

Vua nghe thế lại càng sầu não, vội truyền các cung nữ bày thêm nhiều thú vui hơn nữa cho Thái tử. Trải qua một thời gian, Thái tử vẫn tuyệt nhiên không gần gũi vợ nên nhà vua có ý nghi ngờ, lo Thái tử không có khả năng nam nhi.

Một hôm, Thái tử nghe các thể nữ ca vịnh phong cảnh xinh tươi của khu vườn rừng với nhiều cây cối, hoa lá sum suê, suối khe trong mát nên muốn ra thành, đến đó thưởng ngoạn, liền sai thể nữ tâu vua là Ngài ở trong cung cấm đã lâu, nay muốn được ra thành du ngoạn. Vua nghe tâu trong lòng rất vui mừng nhưng rồi lại nghĩ: “Thái tử ở trong cung, không vui thích với đời sống vợ chồng nên mới xin ra ngoài du ngoạn mà thôi!”. Vua truyền lệnh cho các quan dọn dẹp đường phố, sửa sang hoa viên thật sạch đẹp. Khi Thái tử đến lễ vua cha xin phép đi du ngoạn, vua liền sai một vị cựu thần thông minh, giỏi tài biện luận theo hầu Thái tử. Thái tử cùng các quan tùy tùng ra khỏi cửa thành phía Đông. Dân chúng trong nước nghe Thái tử ra thành du ngoạn nên tụ hội đứng xem dầy đặc như thể mây trời. Lúc ấy vị Thiên tử cõi trời Tịnh cư hóa thân thành một cụ già tóc bạc, lưng khòm chống gậy lê bước đi,         Thái tử thấy thế liền hỏi người hầu:

-Đó là người gì vậy?

Người hầu thưa:

-Đó là một người già.

Thái tử liền hỏi:

-Sao gọi là già?

Người hầu thưa:

-Người ấy trước đây từng là một đứa trẻ lớn dần lên theo năm tháng, đến nay thân thể đã già cỗi, sắc hình suy nhược, tàn phai, ăn uống thật khó khăn, sức lực đã yếu nên đứng ngồi cũng rất khó khăn, không còn sống bao lâu nữa nên gọi là già.

Thái tử lại hỏi:

-Chỉ có một mình ông ta như thế hay tất cả mọi người đếu như vậy?

Thưa:

-Tất cả mọi người đều sẽ phải như thế cả.

Thái tử nghe trả lời như vậy, lòng buồn rầu suy nghĩ: “Ngày tháng qua mau, già đến nhanh như chớp; thế thì thân này đâu có gì chắc chắn. Ta tuy giàu sang cũng đâu thể nào thoát được, sao người đời vẫn không lo sợ?” Từ trước tới nay, Thái tử vốn không ham thích cuộc sống phàm tục, nay nghe điều ấy lại càng nhàm chán, muốn lìa xa cõi đời, liền cho quay xe về cung mà trong lòng buồn lo, không vui. Vua nghe biết việc ấy càng lo sợ Thái tử xuất gia nên truyền lệnh cho các cung nữ tăng thêm những trò ca múa để làm khuây lòng Thái tử.

Một thời gian sau, Thái tử lại xin ra ngoài du ngoạn. Vua nghe tâu trong lòng lo âu, thầm nghĩ: “Lần trước dạo chơi, Thái tử đã gặp một người già nên trong lòng buồn bã, không vui, sao nay lại xin đi dạo nữa?” Nhưng vì thương con nên vua không nỡ từ chối, liền triệu tập các quan đến truyền lệnh:

-Lần trước Thái tử rời cửa thành phía Đông đi dạo đã gặp một người già nên trở về cung lòng buồn bực. Nay Thái tử lại muốn dạo chơi nữa, trẫm không thể không bằng lòng. Các khanh có ý gì hãy tâu cho trẫm rõ.

Các quan tâu xin ra lệnh cho các quan địa phương chuẩn bị thật chu đáo, trang nghiêm, sửa sang, dọn sạch đường sá, treo cờ, rải hoa, đốt hương và không cho bất cứ thứ gì dơ uế, không sạch và người già cả hay bệnh hoạn nào lảng vảng trên đường.

Ở phía Nam ngoài thành Ca-tỳ-la lúc ấy có một khu vườn, cây cối xanh tươi đang ra hoa, kết trái; lại có ao tắm và lầu ngoạn cảnh, khung cảnh vô cùng trang nhã, xinh đẹp không đâu bằng.

Vua truyền hỏi các vị đại thần:

-Phong cảnh của khu vườn ở ngoài thành có gì đặc biệt?

Các quan đáp:

-Toàn cảnh quan của khu vườn đó rất đẹp như khu vườn Hoan hỷ của Đế Thích.

Vua truyền các quan hãy đưa Thái tử ra cửa thành phía Nam. Khi Thái tử và quan quân theo hầu vừa ra khỏi thành, vị trời Tịnh cư lại hóa thân thành một người bệnh, thân thể xấu xí, chỉ còn da bọc xương, bụng trướng to, hơi thở khò khè, sắc mặt nhợt nhạt xanh xao, không thể tự đi được nên có hai người dìu đỡ đứng ở bên đường. Thái tử nhìn thấy liền hỏi:

-Đó là người gì?

Người hầu trả lời:

-Đó là một người bệnh.

Thái tử lại hỏi:

-Sao gọi là bệnh?

Tâu:

-Thường thì bệnh đều bởi lòng tham mà ra, ăn uống không điều độ, bốn đại không quân bình nên sinh ra bệnh, thân thể đau nhức, khí lực yếu đuối, ăn uống khó khăn, ngủ nghỉ không yên, dù có chân tay nhưng không thể tự làm gì được, đi đứng ngồi nằm đều phải nhờ người khác giúp.

Nghe thế Thái tử buồn bã hỏi:

-Chỉ có người ấy bệnh hay ai cũng mắc bệnh?

Thưa:

-Tất cả mọi người, không phân sang hèn đều có thể mắc bệnh.

Thái tử nghe thế liền suy nghĩ: “Như vậy nỗi khổ vì bệnh tật không chừa một ai, thế mà sao người đời lại cứ ham vui không sợ”. Nghĩ xong, Thái tử trong lòng càng lo sợ, thân tâm rúng động như thủy triều dâng lên khi trăng tròn. Thái tử nói với người hầu cận:

-Thân này như vậy chính là nơi tụ họp của các nỗi khổ. Người đời ngu si không biết, cứ mãi vui say hoan lạc. Hãy quay về. Ta làm sao còn tâm trí để dạo chơi, ngoạn cảnh vườn hoa nữa”.

Đoàn xa giá đưa Thái tử hồi cung, về đến cung Thái tử luôn suy nghĩ, âu sầu. Vua hỏi những người tùy tùng:

-Hôm nay Thái tử ra thành dạo chơi có vui không?

Người hầu thưa:

-Vừa ra khỏi cửa thành phía Nam, Thái tử gặp một người bệnh nên lòng Ngài không vui, truyền lệnh lập tức quay xe về.

Vua nghe tâu lại càng lo sợ Thái tử xuất gia, lập tức truyền gọi các quan đến quở trách:

-Lần trước Thái tử ra cửa thành phía Đông đã gặp một người già nên trong lòng sầu não, không vui. Ta đã ra lệnh cho các khanh dọn dẹp đường sá, không cho những người già bệnh đến gần, sao lại có người bệnh ở đó để Thái tử trông thấy?

Các quan tâu:

-Chúng thần vâng lệnh đại vương, đã cùng các quan địa phương chuẩn bị rất kỹ, luân phiên thay nhau kiểm tra, không để cho bất cứ người già, bệnh hay hiện tượng dơ, xấu, không đẹp mắt ở hai bên đường nhưng không biết người bệnh kia bỗng từ đâu xuất hiện. Đó chẳng phải là tội của chúng thần. Xin đại vương minh giám.

Vua hỏi các quân hầu nhưng họ đều không biết người bệnh đó từ đâu đến. Khi ấy nhà vua càng lúc càng lo sợ Thái tử xuất gia nên truyền cho các cung nữ bày nhiều trò vui cho Thái tử vơi sầu, cố ý ràng buộc Thái tử chìm đắm trong khoái lạc năm dục.

Lúc đó có một người Bà-la-môn tên Ưu-đà-di là người rất thông tuệ, giỏi biện luận. Vua cho triệu người ấy vào cung bảo:

-Thái tử hiện nay không vui thích cuộc sống thọ hưởng năm dục ở đời. Trẫm chỉ sợ không bao lâu, Thái tử sẽ xuất gia, học đạo. Khanh hãy kết thân để khuyên Thái tử không nên xuất gia.

Ưu-đà-di tâu:

-Thái tử thông minh học rộng, biện tài không ai bằng. Thần chưa thấy ai có thể sánh ngang với Thái tử, làm thế nào thần có thể thuyết phục Thái tử được? Điều ấy chẳng khác gì dùng sợi chỉ mà lật đổ núi Tu-di. Thần cũng như thế, quyết không thể lay chuyển được ý chí của Thái tử. Nay đại vương đã truyền lệnh cho thần kết bạn thân với Thái tử thật đúng là điều đang ao ước bấy lâu nay của thần.

Từ đó Ưu-đà-di luôn theo gần Thái tử cả khi đi đứng nằm ngồi. Còn nhà vua thì truyền tuyển những cung nữ có nhan sắc xinh đẹp, lại thông minh, giỏi ca múa, có sức mê hoặc lòng người, trang điểm thật lộng lẫy để theo hầu Thái tử.

Đến một ngày kia Thái tử lại xin vua cha ra ngoài du ngoạn, vua suy nghĩ: “Nay có ưu-đà-di làm bạn, nếu Thái tử có đi dạo chơi chắc là khác trước, không sợ Thái tử sinh tâm chán cõi đời, muốn xuất gia”. Nghĩ thế nên vua bằng lòng, và lại triệu tập các quan đến ra lệnh:

-Nay Thái tử lại muốn ra ngoài thành du ngoạn, ta không nỡ không cho. Hai lần trước, Thái tử ra cửa thành phía Đông và phía Nam đều gặp người già, người bệnh nên buồn rầu quay xe về. Nay cho đi cửa thành phía Tây trẫm lại sợ gặp có điều gì không vui, nhưng có ưu-đà-di làm bạn thân, hy vọng khác trước. Các khanh hãy cho sửa sang đường sá, các khu lâm viên, đài quán thật trang nghiêm; chuẩn bị sắp xếp phan lọng, hương hoa nhiều hơn lần trước và tuyệt đối không cho những người già cả, bệnh tật đi trên đường.

Vua lại cho đoàn kỹ nữ xinh đẹp đến vườn hoa trước và lại bảo Ưu-đà-di:

-Nếu dọc đường có những gì không vui thì ngươi phải cố biện luận sao cho Thái tử không ưu sầu nữa.

Vua lại truyền dặn các quan đi theo phải luôn xem chừng, hễ thấy người già xấu xí lập tức xua đuổi đi nơi khác ngay.

Khi ấy Thái tử và ưu-đà-di cùng các quan hầu đốt hương, tung hoa, tấu nhạc ra khỏi cửa thành phía Tây. Bấy giờ vị trời Tịnh cư suy nghĩ: “Hai lần trước ta hóa thân thành người già, người bệnh ai cũng trông thấy, nên vua Bạch Tịnh giận dữ quở trách các quan. Nay ta hóa ra người chết sao cho chỉ một mình Thái tử và ưu-đà-di thấy thôi để các quan khỏi bị quở trách xử tội”. Nghĩ rồi, trời Tịnh cư liền hóa thành xác người chết có bốn người đẩy xe, trên xác có thắp hương rải hoa, có người nhà già trẻ khóc lóc tiễn đưa.

Lúc Thái tử trông thấy cảnh ấy liền hỏi Ưu-đà-di:

-Đó là vật gì mà có hương hoa rải trên, lại có người khóc lóc đưa tiễn?

Ưu-đà-di vì có lệnh vua nên im lặng không trả lời. Thái tử hỏi đến ba lần, vị trời Tịnh cư dùng thần lực làm cho ưu-đà-di tự nhiên thốt lên:

-Đó là người chết.

Thái tử lại hỏi:

-Sao gọi là chết?

Ưu-đà-di thưa:

-Chết tức là thân xác không còn, sức lực, thần thức rời khỏi thân thể, các căn ngưng hoạt động, không còn biết gì nữa. Người đó khi còn sống ở đời, tham luyến năm dục, khổ sở làm lụng, chỉ biết lo chứa giữ tiền của mà không hay khi vô thường đến phải chết đi, trong phút chốc rời bỏ tất cả, lại làm cho cha mẹ bà con thân thuộc buồn khổ. Con người khi chết rồi thì giống như cây cỏ, ân tình tốt xấu không còn dính líu nữa. Quả thật chết thật là đáng buồn.

Thái tử giật mình hỏi Ưu-đà-di:

-Chỉ có người ấy chết hay tất cả mọi người đều phải chết?

Thưa:

-Tất cả sinh vật trên thế gian này đều phải như thế cả. Dẫu sang giàu hay nghèo hèn đều không ai tránh khỏi.

Thái tử vốn là người trầm tĩnh nhưng nghe xong cũng cảm thấy bất an liền nói nhỏ với Ưu-đà-di:

-Thế gian lại còn có nỗi khổ là cái chết, vậy sao mọi người sống trong nỗi khổ đó vẫn cứ buông lung, lòng như gỗ đá, không biết sợ hãi.

Nói xong liền bảo đánh xe quay về, người đánh xe thưa:

-Hai lần trước đi chơi nữa chừng quay về nên khiến đức vua rất giận dữ quở trách, nay chúng tôi đâu dám quay về.

Khi ấy Ưu-đà-di nói với người đánh xe:

-Nếu ngươi không dám quay về thì cứ đánh xe đi đến vườn hoa.

Khi Thái tử và đoàn người đến nơi, trong vườn đã được sắp xếp, chuẩn bị trang nghiêm hương, hoa, lọng, lại có tấu nhạc. Các nàng kỹ nữ xinh đẹp như thể nữ ở cõi trời đến trước Thái tử dập dìu ca múa để làm rung động lòng Thái tử nhưng lòng Thái tử vẫn thản nhiên không động. Thái tử truyền lệnh cho các thị vệ đứng ngoài, một mình đi đến ngồi thẳng lưng suy nghĩ dưới bóng mát một cội cây trong vườn. Thái tử nhớ lần trước dưới bóng cây Diêm-phù, Ngài đã từng nhập định lìa xa các dục tưởng đạt đến cõi Tứ thiền. Lúc ấy Ưu-đà-di đến trước Thái tử thưa:

-Vua đã truyền lệnh cho tôi làm bạn với Thái tử, không được xa rời là để khuyên giải Thái tử. Phàm làm bạn có ba điều: một là thấy bạn sai trái phải khuyên ngăn, hai là thấy bạn có điều tốt thì vui mừng theo bạn, ba là gặp nguy hiểm không bỏ nhau. Nay tôi xin tỏ lời thành thực mong Thái tử đừng quở trách. Các vị vua xưa nay đều trước hưởng thú vui năm dục, sau mới xuất gia, thế sao Thái tử lại định đoạn tuyệt thế gian. Xin Thái tử hãy như người xưa, đừng nên có ý định bỏ ngôi đi học đạo. Xin Thái tử cứ thọ hưởng năm dục, nên có con để dòng vương tộc không bị tuyệt hậu.

Thái tử đáp:

-Theo lời anh nói thì Ta có làm gì tổn hại quốc gia đâu. Ta bảo năm dục không có gì vui là vì sợ sinh tử luân hồi nên không đắm say chúng. Anh bảo các vị vua xưa kia trước hưởng qua năm dục rồi sau mới xuất gia, nhưng nay các vị vua ấy sinh ở nơi nào? Vì đắm say năm dục nên sa vào địa ngục, hoặc vào ngạ quỷ hay súc sinh, hoặc ở cõi trời người, bị chuyển xoay khổ sở. Chính vì vậy nên Ta muốn tìm phương pháp xa lìa sinh lão bệnh tử. Nay vì sao anh lại khuyên Ta thọ hưởng chúng.

Khi ấy Ưu-đà-di dù là kẻ biện tài giỏi nhưng vẫn không thuyết phục được Thái tử nên đành trở về chỗ ngồi. Thái tử bảo chuẩn bị xe ngựa trở về cung. Các cung nữ và Ưu-đà-di rất buồn, dung mạo của họ ảo não chẳng khác gì đang có tang người thân, về đến cung, Thái tử tỏ ra buồn nhiều hơn những lần trước. Vua Bạch Tịnh liền gọi ưu-đà-di hỏi:

-Thái tử hôm nay đi du ngoạn sao lại không vui?

Ưu-đà-di thưa:

-Ra khỏi thành không xa, Thái tử và thần từ xa đã thấy một người chết không biết từ đâu đến, Thái tử hỏi đó là vật gì, thần bỗng tự nhiên đáp đó là người chết.

Vua lại hỏi quan quân tùy tùng khác:

-Các ngươi có thấy người chết ở ngoài cửa thành phía Tây không?

Tất cả người trong đoàn đều trả lời:

-Chúng tôi không thấy.

Nghe thế vua chợt hiểu ra, thầm nghĩ: “Chỉ có Thái tử và ưu-đà-di thấy vậy là do sức của chư Thiên, không phải là lỗi ở các quan, chắc là đúng như lời tiên A-tư-đà đã nói”. Nghĩ thế nên vua rất đau buồn, lại cho tăng thêm số kỹ nữ phục vụ Thái tử. Hàng ngày vua đều cho người đến an ủi Thái tử:

-Đất nước là của Thái tử, sao người cứ mãi buồn khổ không vui. Vua còn truyền lệnh cho các kỹ nữ ngày đêm tìm mọi cách làm vui lòng Thái tử.

Tuy vua biết đó là uy lực của chư Thiên, con người khó thể cưỡng lại được nhưng vì quá yêu con nên vua không thể không ngăn cản Thái tử. Vua tự nghĩ: ‘Thái tử đã đi dạo ba cửa thành, chắc thế nào rồi cũng sẽ xin ra cửa thành phía Bắc đi dạo. Ta phải truyền lệnh dọn dẹp, trang trí cảnh vườn ở phía Bắc kinh thành thật rực rỡ, trang nghiêm lộng lẫy gấp bội các lần trước, không để một hình ảnh xấu xa nào ở đây”. Nghĩ thế rồi, vua truyền sai các quan thi hành việc ấy thật hoàn bị. Vua lại khấn trong lòng: “Nay Thái tử du ngoạn ở cửa Bắc, cầu xin chư Thiên chớ hiện ra những điều chẳng lành khiến Thái tử buồn rầu”, cầu nguyện xong, vua truyền lệnh cho người đánh xe: Nếu Thái tử ra ngoài thành du ngoạn nên làm thế nào để Thái tử thấy toàn những cảnh phồn vinh, mỹ lệ rực rỡ của người dân.

Một lần nữa, Thái tử lại xin ra ngoài thành du ngoạn, vua không nỡ chối từ nên truyền Ưu-đà-di và các quan hộ tống Thái tử ra cửa thành phía Bắc. Khi đoàn người đã đến khu vườn, Thái tử xuống ngựa để thị vệ đứng ngoài, đến an tọa dưới một bóng cây, trầm tư về nỗi khổ già, bệnh, chết trong cuộc đời. Khi ấy vị Thiên tử cõi trời Tịnh cư hiện thân thành một vị Tỳ-kheo vận pháp phục, ôm bình bát, cầm tích trượng, mắt khép nhẹ nhìn xuống đất đi ngang trước Thái tử. Thái tử nhìn thấy liền hỏi:

-Ông là ai?

Vị Tỳ-kheo đáp:

-Tôi là một Tỳ-kheo.

Thái tử hỏi:

-Sao gọi là Tỳ-kheo?

Đáp:

-Tỳ-kheo là người phá được kết tặc (phiền não), không thọ thân sau nên gọi là Tỳ-kheo. Trong thế gian, tất cả đều là vô thường, hư ảo, con đường tôi đang tu tập là Thánh đạo vô lậu, không say đắm trong sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, đạt giác ngộ hoàn toàn, đến được bờ giải thoát.

Nói xong, ngay trước Thái tử vị hóa Tỳ-kheo hiện sức thần thông bay lên không mà đi. Lúc ấy, các quan quân theo hầu đều trông thấy.

Thái tử sau khi thấy vị Tỳ-kheo ấy và nghe nói rõ về công đức của việc xuất gia, trong lòng vốn đã nhàm chán cảnh ham muốn ở đời nên cất tiếng hô lớn:

-Lành thay! Lành thay! Trong cõi trời người, chỉ có con đường đó là hơn hết. Ta nhất định tu học theo con đường ấy.

Nói xong, Thái tử truyền đánh xe quay về thành. Lúc ấy lòng Thái tử rất vui, tự nghĩ: “Trước đây, Ta thấy nỗi khổ của già, bệnh, chết, khiến ngày đêm lo sợ chúng bức bách. Nay gặp vị Tỳ-kheo làm cho tỏ ngộ, chỉ rõ con đường giải thoát”. Nghĩ thế nên Thái tử luôn tìm cách xuất gia.

Khi đoàn người hồi cung, vua Bạch Tịnh liền hỏi Ưu-đà-di:

-Thái tử hôm nay ra thành đi dạo có được vui không?

Ưu-đà-di thưa:

-Thái tử trên đường đi không gặp điều gì không lành. Khi vào trong vườn, Thái tử một mình đến ngồi dưới bóng cây thì từ xa trông thấy một người cạo bỏ râu tóc, thân khoác y cà-sa, đến trước Thái tử trò chuyện, trò chuyện xong thì bay lên hư không mà đi, không ai biết họ nói với nhau điều gì. Sau đó Thái tử truyền lệnh đánh xe trở về. Lúc ấy khuôn mặt Thái tử rất vui vẻ, khi về đến cung mới sinh buồn rầu.

Vua Bạch Tịnh nghe những lời Ưu-đà-di tâu lòng sinh nghi ngờ, không biết đó là điềm gì nên càng lo buồn, thầm nghĩ: “Thái tử chắc sẽ bỏ nhà đi học đạo, vả lại Thái tử cưới vợ đã lâu mà không có con. Nay ta phải bảo Da-du-đà-la phải làm thế nào; nếu không sẽ không người nối ngôi, lại phải đề phòng, kẻo Thái tử đi lúc nào không biết”. Nghĩ thế rồi vua liền đem những ý nghĩ đó bảo với Da-du-đà-la. Da-du-đà-la nghe vua nói thẹn thùng im lặng và từ đó đi, đứng, nằm, ngồi không rời Thái tử, còn nhà vua thì truyền tuyển những cung nữ thật xinh đẹp đến để làm vui lòng Thái tử.

Năm Thái tử được mười chín tuổi, Ngài suy nghĩ: “Nay đúng là lúc Ta nên xuất gia tu tập”. Nghĩ rồi liền đến chỗ vua cha với thần thái ung dung, nghiêm trang như trời Đế Thích đến gặp trời Phạm Thiên. Những quan hầu cận trông thấy Thái tử đến vội vào trình tâu với vua. Vua nghe tâu trong lòng nửa mừng nửa lo. Thái tử đến gần cúi đầu lễ vua cha, nhà vua liền đỡ Thái tử lên và bảo Thái tử ngồi. Sau khi ngồi xuống, Thái tử thưa vua cha:

-Ân ái có hội hợp phải có chia ly. Cúi xin phụ vương cho con đi xuất gia học đạo. Tất cả mọi người khi yêu thương mà phải xa nhau sẽ rất đau khổ. Nay con muốn làm cho mọi người đều được giải thoát, xin phụ vương chấp thuận, đừng cản trở con.

Vua Bạch Tịnh nghe xong lời Thái tử tâu, lòng rất đau khổ, khác nào núi Kim cang xô ngã những núi khác, toàn thân run rẩy, không thể ngồi vững được. Vua cầm tay Thái tử ứa lệ không nói nên lời. Một lúc lâu sau, vua mới cất giọng nghẹn ngào nói:

-Con nên bỏ ý định xuất gia đi, vì sao? Vì tuổi con còn trẻ, nước nhà lại chưa có người nối dõi, giờ chỉ còn một mình cha, con nỡ nào lại bỏ ra đi.

Thái tử thấy vua cha buồn bã khóc lóc, không ưng thuận nên quay về cung, suy nghĩ đến việc xuất gia mà buồn rầu không vui.

Bấy giờ các thầy tướng giỏi ở thành Ca-tỳ-la đều đoán trong vòng bảy ngày nếu Thái tử không xuất gia thì sẽ lên ngôi Chuyển luân thánh vương cai trị bốn châu thiên hạ, bảy món báu sẽ tự nhiên hiện nên liền đến tâu vua:

-Dòng họ Thích-ca nay sắp hưng thịnh.

Vua nghe thế rất vui, lập tức truyền lệnh cho các quan và các vị trong Thích tộc đến bảo:

-Các khanh có nghe lời tiên đoán của các tướng sư không? Vậy nay mọi người đều phải ngày đêm theo hầu, canh giữ Thái tử.         Ở bốn cửa thành, mỗi cửa phải bố trí một ngàn người canh giữ, khắp chu vi bên ngoài thành, cứ một do-tuần phải đặt một đội quân canh phòng.

Nhà vua còn truyền cho Da-du-đà-la và các quan trong nội cung phải nên gia tăng canh phòng hơn nữa, suốt trong bảy ngày không để Thái tử xuất gia. Vua lại đến cung của Thái tử. Thái tử thấy vua cha đến liền ra nghinh tiếp, vấn an sức khỏe. Vua nói với Thái tử:

-Xưa kia tiên A-tư-đà và nay các tướng sư cũng nói là con nhất định không ưa thích sống trong cảnh trần tục, nhưng việc nối dõi tông đường rất quan trọng, vương tộc phải có người kế vị. Vậy cha xin con hãy sinh cho cha đứa cháu rồi hãy xuất gia. Con không nên trái ý cha.

Thái tử nghe lời phụ vương nói xong, trong lòng suy nghĩ: “Sở dĩ vua cha không cho Ta xuất gia chính là vì chưa có người nối ngôi”. Thái tử liền thưa với vua cha:

-Quý hóa thay lời dạy của phụ vương!

Thái tử liền dùng tay trái chỉ vào bụng Da-du-đà-la. Vài ngày sau, Da-du-đà-la thấy trong người khác lạ, biết là đã thọ thai. Vua nghe Thái tử khen lệnh của mình nên rất vui mừng nghĩ rằng trong bảy ngày nữa nhất định chưa thể có cháu ngay được. Nếu quá kỳ hạn bảy ngày tự nhiên Thái tử sẽ lên ngôi Chuyển luân vương, hẳn là không còn ý định xuất gia nữa.

Lúc ấy Thái tử suy nghĩ: “Nay Ta đã mười chín tuổi. Hôm nay là mùng bảy tháng hai chính là lúc Ta phải tìm đường xuất gia, vả lại sở nguyện của vua đã được đáp ứng”. Nghĩ thế xong Thái tử từ thân phóng hào quang chiếu sáng cung điện của Tứ Thiên vương và đến tận cung trời Tịnh cư, nhưng không để nhân gian trông thấy. Bấy giờ chư Thiên thấy ánh sáng ấy biết Thái tử đã đến lúc xuất gia liền xuống chỗ Thái tử, cung kính lễ và chắp tay thưa:

-Từ vô lượng kiếp Ngài đã phát nguyện tu hành, nay đã đến lúc xuất gia.

Thái tử đáp:

-Đúng như lời các ông vừa nói, nay đã đến lúc Ta xuất gia nhưng phụ vương đã ra lệnh bố trí từ trong cung đến ngoài thành đều có quan quân canh gác cẩn thận, muốn đi rất khó.

Chư Thiên thưa:

-Chúng tôi sẽ có cách để Thái tử ra khỏi thành mà không ai hay

Chư Thiên liền dùng thần lực khiến quan quân ngủ say. Bấy giờ Da-du-đà-la trong giấc ngủ mộng thấy ba điềm: một là thấy mặt trăng rơi xuống đất, hai là thấy răng rụng, ba là thấy mất cánh tay phải. Da-du-đà-la giật mình tỉnh giấc vô cùng lo sợ báo với Thái tử:

-Thiếp vừa thấy ba giấc mộng dữ.

Thái tử hỏi:

-Nàng mộng thấy những gì?

Da-du-đà-la kể lại các giấc mộng ấy. Thái tử nói:

-Trăng vẫn ở trên trời, răng nàng vẫn còn đó, tay nàng nào có mất. Nàng cần biết mộng mị đều là giả, không nên lo sợ.

Da-du-đà-la vội thưa:

-Theo điềm mộng ấy, thiếp chỉ lo sợ Thái tử sẽ xuất gia.

Thái tử liền trấn an:

-Nàng hãy ngủ yên, đừng lo nghĩ về việc ấy, sẽ không có gì xấu đến với nàng đâu.

Da-du-đà-la nghe thế bèn yên tâm ngủ lại. Lúc ấy Thái tử từ chỗ ngồi đứng dậy, nhìn ngắm các thị nữ và Da-du-đà-la ngủ say bất động như các hình nhân bằng gỗ, ví như thân cây chuối rỗng xốp không chắc thật. Có người nằm ôm choàng các dụng cụ ngủ say, chân tay buông thõng xuống đất; lại có người say ngủ các nước dịch trong mắt, mũi, miệng ứa tràn ra. Rồi Thái tử nội quán thấy rõ các hình hài xinh đẹp kia nào là tóc, móng tay chân, não tủy, xương răng, hộp sọ, da, mỡ, thịt, máu, mủ, tim, gan, phổi, ruột già, ruột non, thận, mật… và các loại vật ô uế như phân, nước tiểu, đờm dãi… Bao bọc tất cả những thứ ô uế đó là một lớp da, chẳng có gì là xinh đẹp. Thế mà họ lại dùng hương, hoa, đồ trang sức để xoa ướp và trang điểm cho nó. Thân này ví như đồ vay mượn rồi phải mất, không thể tồn tại lâu được. Con người sống trăm năm thì đã ngủ mất một nửa thời gian, còn lại là những lúc đau khổ sầu não, có mấy khi được vui. Người đời luôn nhìn thấy việc ấy nhưng tại sao không tỉnh ngộ, lại mê đắm dâm dục, nay cần phải xuất gia tu tập theo con đường của chư Phật xưa kia để mau rời khỏi tai họa như hỏa hoạn này.

Thái tử suy nghĩ như thế đến nửa đêm, vị Thiên vương ở cõi trời Tịnh cư và chư Thiên ở các cõi trời Dục giới hiện ra đầy khắp không trung, đồng thanh thưa với Thái tử:

-Nay các quan quân và quyến thuộc trong ngoài đều đã ngủ say, chính là lúc Ngài nên xuất gia.

Thái tử liền đến chỗ Xa-nặc. Do thần lực của chư Thiên nên Thái tử vừa gọi là Xa-nặc liền tỉnh giấc. Thái tử bảo:

-Ngươi hãy thắng con ngựa Kiền-trắc và dắt đến đây cho Ta.

Xa-nặc lúc ấy toàn thân run sợ, trong lòng do dự vì không muốn trái lời Thái tử, nhưng cũng lại sợ nghiêm lệnh của đức vua nên ngẫm nghĩ hồi lâu rồi khóc thưa:

-Lệnh của nhà vua rất nghiêm, vả lại giờ này không phải giờ đi du ngoạn, cũng không phải lúc ngăn chặn địch quân, vậy trong đêm thanh vắng này, Thái tử muốn thần thắng ngựa để đi đâu?

Thái tử nói:

-Ta nay muốn diệt trừ mọi kết sử phiền não cho tất cả chúng sinh. Vậy ngươi không nên trái ý Ta.

Xa-nặc liền khóc lớn có ý làm cho Da-du-đà-la cùng với quan quân quyến thuộc tỉnh giấc nhưng do thần lực của chư Thiên nên mọi người vẫn ngủ say không ai hay biết gì. Xa-nặc đành dắt ngựa đến. Thái tử bước đến bảo Xa-nặc và ngựa Kiền-trắc.

-Tất cả mọi sự yêu thương, hễ có sum họp phải có chia ly. Đó là lẽ thường tình của thế gian, nếu không thế thì việc xuất gia khó mà thành được.

Xa-nặc nghe những lời ấy lặng thinh không nói, Kiền-trắc cũng không cất tiếng hí.

Bấy giờ thấy trời gần sáng, Thái tử liền từ thân phóng hào quang chiếu sáng khắp mười phương, cất tiếng oai hùng như Sư tử nói:

-Chư Phật trong quá khứ đã xuất gia như thế nào, Ta nay cũng như vậy.

Chư Thiên liền nâng bốn vó ngựa và cả Xa-nặc, còn trời Đế Thích cầm lọng đi theo, chư Thiên làm cho cửa thành phía Bắc tự nhiên mở ra mà không gây tiếng động. Thái tử ra khỏi thành, chư Thiên tháp tùng theo sau ca ngợi. Và lúc ấy Thái tử cất tiếng hùng như sư tử phát lời thệ nguyện:

-Nếu Ta không dứt trừ được sinh, lão, bệnh, tử và khổ đau sầu não cho cả thế gian, trọn đời Ta sẽ không trở về cung. Nếu không chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chuyển pháp luân độ chúng sinh thì Ta không trở về gặp phụ vương. Nếu không dứt được tình ân ái thì không bao giờ Ta gặp lại dì Ma-ha Ba-xà-ba-đề và Da-du-đà-la.

Lời nguyện của Thái tử vừa phát ra, chư Thiên trên hư không đồng thanh ca ngợi:

-Quý hóa thay! Lời nguyện ấy nhất định sẽ thành tựu.

Trời vừa sáng tỏ, Thái tử đã đi được ba do-tuần. Chư Thiên tháp tùng theo Thái tử đi đến đó thấy công việc đã xong nên liền biến mất.

Sau đó, Thái tử lần bước đi tới khu rừng có Tiên nhân Bạt-già đang tu khổ hạnh. Thấy khu rừng thanh vắng Thái tử rất vui mừng, thân tâm khoan khoái nhẹ nhàng liền xuống ngựa, vỗ lên lưng ngựa Kiền-trắc an ủi:

-Việc gian khó nhất ngươi đã vượt qua.

Thái tử lại nói với Xa-nặc:

-Ngựa Kiền-trắc đi nhanh như Kim sí điểu, vua của loài chim, ngươi vẫn luôn theo Ta không rời. Ta từng suy ngẫm ở đời có người lòng lành mà bề ngoài trông như ác, có người bề ngoài xem hiền lành nhưng tâm lại không thế, còn ngươi thì tâm và thân không trái nhau. Trong thế gian có người vì ham giàu sang mà suốt đời bám víu; nay Ta bỏ vương quốc đến khu rừng này chỉ có một mình ngươi đi theo, quả thật là hiếm có. Nay Ta đã đến nơi vắng vẻ yên tịnh rồi, ngươi nên dắt ngựa Kiền-trắc trở về cung.

Xa-nặc nghe Thái tử nói thế buồn bã khóc than đến nỗi quỵ ngã xuống đất, còn ngựa Kiền-trắc thì quỳ hai chân trước, cúi đầu liếm chân Thái tử, đôi dòng lệ tuôn tràn. Xa-nặc thưa:

-Nay thần làm sao nghe theo lời Thái tử được, bởi vì thần đã trái lệnh của đức vua, dắt ngựa đưa Thái tử đến đây. Vua và phu nhân Ma-ha Ba-xà-ba-đề mất Thái tử chắc chắn sẽ rất đau khổ, trong cung cũng sẽ náo động vì việc Thái tử ra đi. Hơn nữa, ở đây rừng sâu hiểm trở, thú dữ, trùng độc cùng bao nhiêu nguy hiểm khác nay thần nỡ nào rời xa Thái tử, một mình trở về cung.

Thái tử đáp:

-Khi sinh ra, Ta cũng một mình và khi chết tất cũng một mình, đâu có bạn bè, vả lại trong đời có bốn điều khổ lớn là sinh, lão, bệnh, tử, lẽ nào Ta làm bạn với chúng. Nay Ta vì muốn trừ dứt hẳn những nỗi khổ ấy nên mới đến đây. Sau khi đã đoạn tận khổ đau, Ta sẽ là bạn với tất cả chúng sinh, còn nay Ta chưa xa lìa khổ được thì làm sao có thể làm bạn với ngươi. Xa-nặc lại thưa:

-Từ khi sinh đến nay, Thái tử luôn ở nơi cung cấm, thân thể tay chân đều mềm yếu, ngủ nghỉ có giường nệm êm ái, không hề có chút gì khó chịu, bỗng chốc đến ở nơi núi non, nằm nghỉ trên gai góc sỏi đá, lại ngồi dưới bóng cây, sao mà chịu được?

Thái tử bảo Xa-nặc:

-Đúng như ngươi nói, Ta ở trong cung không bao giờ phải nằm trên gai góc, nhưng nỗi khổ sinh già bệnh chết có tránh được không?

Xa-nặc nghe Thái tử nói thế chỉ biết đứng lặng câm, đôi dòng lệ ràn rụa, lòng đau đớn vô cùng.

Bấy giờ Thái tử đến bên Xa-nặc lấy thanh gươm báu rồi cất tiếng oai vệ như tiếng Sư tử nói:

-Chư Phật trong quá khứ khi đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đã xả bỏ trang sức, cạo râu tóc, nay Ta cũng phải làm đúng theo pháp của chư Phật.

Nói rồi Thái tử lấy mũ và hạt ngọc trên búi tóc trao cho Xa-nặc

bảo:

-Ngươi hãy đem mũ và viên ngọc này về cho phụ vương Ta và quỳ dưới chân người tâu rằng: Ta nay không phải vì muốn sinh lên cõi trời để hưởng lạc thú; cũng không phải là người con bất hiếu, không phải vì giận hờn mà ra đi, Ta ra đi chỉ vì nhàm chán và muốn dứt nỗi khổ sinh già bệnh chết. Ngươi nên vui mừng với niềm vui của Ta, xem như gặp điều lành, chớ có buồn rầu. Nếu cha Ta có ý bảo Ta xuất gia chưa đúng lúc, ngươi hãy thưa lại lời nói của Ta với vua cha là bệnh già chết đâu có hẹn ngày, dù tuổi trẻ thanh tráng cũng không thể thoát được. Nếu vua trách Ta chưa có con và chưa trình tâu mà đã rời bỏ cung điện xuất gia thì người tâu cho vương phụ rõ Da-du-đà-la đã mang thai, vua hỏi nàng sẽ rõ. Trước đây phụ vương đã ra lệnh như thế chứ Ta không tự ý. Xưa kia các vị Chuyển luân thánh vương rời bỏ cung vào rừng tu hành, không có ai nửa chừng trở lại thọ hưởng năm dục, nay Ta xuất gia cũng như vậy. Nếu chưa đạt được đạo Bồ-đề, Ta sẽ không về cung. Đối với tất cả những thân thuộc nội ngoại có tình yêu thương với Ta, ngươi hãy an ủi giúp Ta để họ khỏi buồn rầu thương nhớ.

Thái tử lại cởi xâu chuỗi anh lạc trên người trao cho Xa-nặc và dặn:

-Ngươi hãy đem chuỗi này về dâng lại cho dì Ma-ha Ba-xà-ba-đề và thưa rằng Ta vì muốn giải thoát bao nỗi khổ ở đời nên xuất gia để hoàn thành chí nguyện ấy. Vậy chớ vì Ta mà buồn khổ.

Thái tử lại tháo bỏ tất cả trang sức còn lại trên thân đưa cho Xa-nặc bảo đem về trao cho Da-du-đà-la và cũng an ủi: “ở đời hễ yêu thương mà xa nhau là khổ, nay Ta vì muốn dứt khổ nên mới xuất gia học đạo, chớ vì Ta mà đau buồn”. Đối với những người thân thuộc cũng vậy.”

Xa-nặc nghe xong trong lòng càng đau buồn, nhưng không thể trái lời của Thái tử nên quỳ xuống nhận mũ, chuỗi ngọc anh lạc và những đồ trang sức khác rồi ứa lệ thưa:

-Thần nghe chí nguyện của Thái tử mà toàn thân rúng động, ngay những kẻ lòng như gỗ đá nghe những lời ấy cũng còn thương cảm; huống chi thần đã bao năm hầu hạ Thái tử, nay nghe những lời ấy tránh sao khỏi đau đớn trong lòng. Xin Thái tử hãy từ bỏ chí nguyện ấy để đức vua, phu nhân Ma-ha Ba-xà-ba-đề và chánh phi Da-du-đà-la cùng với bao vị quyến thuộc khác khỏi phải sầu đau khổ sở. Nếu Thái tử nhất định không đổi ý thì chớ bỏ thần. Thần nay nguyện xin nương theo gót Thái tử trọn đời không rời bởi nếu về cung chắc chắn đức vua sẽ quở trách thần sao lại để Thái tử ở một mình nơi rừng vắng mà về thì thần tâu làm sao với đức vua?

Thái tử đáp:

-Ngươi không nên nói thế. Ớ đời luôn có sự chia lìa, đâu phải lúc nào cũng sum họp. Ta vừa sinh ra bảy ngày thì mẹ ta đã qua đời, mẹ con còn chia lìa huống chi là người khác. Ngươi chớ riêng vì Ta mà quyến luyến, nên cùng Kiền-trắc trở lại hoàng cung.

Thái tử ra lệnh đến lần thứ hai mà Xa-nặc vẫn không chịu ra về.

Lúc ấy Thái tử liền dùng kiếm tự cạo bỏ râu tóc và phát lời thệ nguyện:

-Nay Ta dứt bỏ râu tóc nguyện đoạn trừ tất cả phiền não và bao tập khí chướng ngại.

Trời Đế Thích liền nhận lấy tóc đem đi, chư Thiên trong hư không đốt hương, tung hoa xuống và đồng lên tiếng khen ngợi:

-Lành thay! Thật là tốt lành! Thái tử đã cạo bỏ râu tóc.

Lúc bấy giờ nhìn lại trên thân mình vẫn vận y phục bằng bảy báu, Thái tử suy nghĩ: “Chư Phật trong quá khứ khi xuất gia không thể mặc như thế này”. Bấy giờ vị trời Tịnh cư biết ý nghĩ ấy nên hóa thân thành một người thợ săn mình mặc cà-sa đi đến trước Thái tử. Thái tử trông thấy vô cùng vui mừng nói với người thợ săn:

-Chiếc áo ông đang mặc là y thanh tịnh của chư Phật trong quá khứ đã vận. Sao ông lại mặc áo này mà làm việc tội ác?

Người thợ săn đáp:

-Tôi mặc cà-sa để dụ bầy nai, chúng thấy cà-sa đều đến gần bên tôi, tôi mới bắn chúng được”.

Thái tử bảo:

-Theo lời ông nói thì ông mặc cà-sa chỉ vì muốn giết hại bầy nai chứ không phải vì cầu giải thoát. Nay Ta đổi cho ông chiếc áo bằng bảy báu này, Ta mặc cà-sa chỉ vì muốn dứt trừ phiền não và cứu độ tất cả chúng sinh.

Người thợ săn liền nói:

-Hay lắm! Xin vâng theo lời của Ngài.

Hai người bèn đổi áo cho nhau. Thái tử vận cà-sa vào giống như chư Phật trong quá khứ. Vị Thiên tử cõi trời Tịnh cư cũng hiện trở lại thân trời, bay lên không trung trở về Thiên cung. Trong không trung lúc bấy giờ hiện ra một vầng sáng lạ, Xa-nặc thấy thế ngạc nhiên khen là chuyện chưa từng có vì điềm lành ấy chẳng phải là việc bình thường.

Xa-nặc thấy Thái tử đã cạo bỏ râu tóc, vận pháp phục thì biết rõ Thái tử nhất định không bao giờ đổi ý nên trong lòng càng đau khổ, buồn rầu đến nỗi lại quỵ ngã xuống đất. Thái tử khuyên:

-Ngươi nên bớt sầu khổ bi lụy, trở về thành báo cho mọi người biết ý của Ta.

Nói xong Thái tử thong thả cất bước về phía trước. Xa-nặc sụt sùi rơi lệ, cúi đầu lạy theo Thái tử cho đến khi không còn trông thấy người nữa mới đứng lên run rẩy quay nhìn Kiền-trắc và những đồ trang sức mà Thái tử để lại, lòng càng buồn nhớ, nước mắt tuôn trào, tay dắt ngựa, tay cầm những đồ trang sức ấy rồi cả người ngựa đều buồn bã theo đường cũ trở về kinh thành.

Cùng lúc ấy Thái tử đã tới nơi tu hành của Tiên nhân Bạt-già. Các loài chim, thú trong rừng nhìn thấy Thái tử đều sững sờ không chớp mắt, đứng yên không bay chạy. Tiên nhân Bạt-già trông thấy Thái tử từ xa liền suy nghĩ: “Vị thần nào kìa? Phải chăng là Trời Nhật nguyệt, hay vua trời Đế Thích?”. Tiên nhân cùng với thân hữu vội ra nghênh đón Thái tử rất tôn kính, thưa:

-Kính chào Nhân giả.

Thái tử thấy các vị đạo sĩ tính tình hòa nhã, dáng vẻ khiêm tốn liền đi đến chỗ họ. Các vị đạo sĩ không ai không phục sắc tướng uy nghiêm của Thái tử nên cùng đến mời Ngài ngồi. Sau khi ngồi xong, Thái tử quan sát cách tu của các đạo sĩ thì thấy có người dùng cỏ làm áo mặc; có người dùng vỏ cây hoặc lá cây làm quần áo. Người thì chỉ ăn rau trái. Có người ăn một ngày một bữa, người thì hai, ba ngày một bữa. Họ sống khổ hạnh như thế để thờ thần nước, thần lửa hoặc thờ mặt trời mặt trăng. Có người đứng co một chân; có người nằm mãi trên đất; hoặc nằm trên gai góc, bên nước lửa. Thái tử thấy lối tu khổ hạnh như thế liền hỏi         Tiên nhân Bạt-già:

-Các vị tu khổ hạnh như thế thật là lạ lùng nhưng để cầu được gì?

Tiên nhân đáp:

-Chúng tôi tu các pháp khổ hạnh ấy vì muốn được sinh lên cõi trời.

Thái tử lại hỏi:

-Chư Thiên tuy vui nhưng khi hết phước vẫn luân hồi trong sáu nẻo, cuối cùng vẫn chịu khổ. Sao các vị tu cái nhân khổ để hưởng cái quả khổ như thế?

Thái tử trong lòng buồn bã, thầm nghĩ: “Người đi buôn vì muốn có của báu nên đi vào biển cả nguy hiểm. Nhà vua vì muốn mở rộng đất nước mà cử binh giao chiến, nay các đạo sĩ này vì muốn lên cõi trời mà tu khổ hạnh”. Nghĩ như thế rồi Thái tử đứng lặng yên không nói. Đạo sĩ Bạt-già thấy Thái tử yên lặng nên hỏi:

-Thưa Nhân giả, ý Ngài như thế nào? Sao lại yên lặng không nói

gì? Có phải cách tu của chúng tôi không đúng chăng?

Thái tử đáp:

-Các vị chọn con đường tu thật đau khổ để cầu phước báo nhưng cuối cùng vẫn không thoát được khổ.

Thái tử cùng các vị đạo sĩ thảo luận cho đến chiều tối, đêm ấy Thái tử ngủ lại nơi đó. Trời vừa sáng, Thái tử nghĩ: “Những vị Tiên nhân này chọn con đường tu khổ hạnh nhưng chẳng phải là con đường giái thoát chân chánh, vậy Ta không nên ở đây”. Thái tử liền từ biệt các vị Tiên nhân ấy. Các Tiên nhân hỏi:

-Nhân giả đến đây, chúng tôi đều vui mừng, khiến uy thế chúng tôi tăng thêm. Nay sao đột nhiên Ngài lại muốn đi nơi khác làm cho chúng tôi bị giảm bớt uy thế, hay là trong chúng tôi có ai xúc phạm đến Ngài? Hay vì việc gì khác nên Ngài không ở lại?

Thái tử đáp:

-Không phải các vị thất lễ trong giao tiếp chủ khách, mà vì cách tu tập của các vị chỉ làm tăng trưởng thêm sự khổ đau. Nay tôi học đạo là vì muốn diệt trừ tận gốc khổ đau, do đó muôn đi nơi khác.

Các đạo sĩ nói với nhau:

-Con đường tu tập của vị ấy thật là rộng lớn, chúng ta làm thế nào mà giữ người ở lại được?

Lúc ấy trong số các đạo sĩ có một người coi tướng giỏi nói với các đạo sĩ kia:

-Vị nhân giả này có đủ các tướng tốt, chắc chắn sẽ đạt được Nhất thiết chủng trí, sẽ là Bậc Đạo Sư của cả trời người.

Các vị đạo sĩ nghe thế liền cùng đến trước Thái tử thưa:

-Vì con đường tu hành có khác nhau nên không dám lưu Ngài ở lại. Nếu Ngài muốn đi, nên đi về phương Bắc, nơi ấy có hai vị Đại tiên tên là A-la-la và Ca-lan. Nhân giả hãy đến đó thảo luận với các vị Đại tiên ấy, nhưng chúng tôi nghĩ là Nhân giả cũng không nên ở lại nơi ấy lâu.

Thái tử nghe nói thế liền từ tạ đi về hướng Bắc. Các đạo sĩ nhìn Thái tử ra đi trong lòng rất buồn nên cùng nhau chắp tay đi theo tiễn đưa Ngài, nhìn theo cho đến khi Ngài đi khuất mới quay trở lại.

Từ lúc Thái tử rời hoàng cung cho đến trời chiều, Da-du-đà-la và các cung nữ mới thức dậy. Không trông thấy Thái tử, tất cả đều hoảng hốt than khóc, vội vàng đến báo với phu nhân Ma-ha Ba-xà-ba-đề:

-Sáng nay bỗng không tìm thấy Thái tử đâu cả.

Di mẫu nghe thế hoảng hốt, mê loạn ngã quỵ xuống đất, ngất đi tỉnh lại mấy lần. Khi tỉnh lại, bà vội đến chỗ vua báo tin. Vua nghe xong ngồi lặng đi không nói được một lời, toàn thân rã rời như kẻ mất hồn. Cả trong lẫn ngoài cung, ai nghe cũng rụng rời. Lúc ấy các quan đại thần vội đến cung của Thái tử và tuần hành khắp kinh thành tìm kiếm, đến cổng thành phía Bắc thấy cửa thành tự nhiên mở toang, lại cũng không trông thấy Xa-nặc và ngựa Kiền-trắc liền hỏi các quan phụ trách rằng ai đã mở cửa, nhưng mọi người đều nói là không biết, hỏi ngay người giữ cửa cũng không biết vì sao cửa tự nhiên mở. Các vị đại thần nghĩ cửa thành phía Bắc mở chắc chắn Thái tử đi ra cửa ấy, vậy phải mau đi tìm, liền sai một ngàn cỗ xe, một vạn kỵ binh bủa ra bốn hướng tìm kiếm, nhưng vì thần lực của chư Thiên nên không ai tìm ra được đường Thái tử đã đi. Họ trở về tâu vua đã tìm Thái tử khắp nơi nhưng không gặp.

Lúc ấy Xa-nặc đi bộ dắt ngựa Kiền-trắc, mang những đồ trang sức quý báu của Thái tử vừa đi vừa khóc hướng về cửa thành.         Dân chúng các làng bên đường thấy thế rất kinh ngạc, ai cũng buồn bã cùng nhau chạy đến hỏi Xa-nặc:

-Ông đưa Thái tử đi đâu mà sao nay chỉ có một mình ông và ngựa Kiền-trắc trở về như thế?

Xa-nặc nghe mọi người hỏi càng thêm đau buồn không thể nói được thành lời. Dân chúng thấy ngựa Kiền-trắc được mang đai thắng yên bằng bảy báu rất trang nghiêm mà không thấy Thái tử chẳng khác hoa đẹp trang điểm trên xác chết. Xa-nặc vừa đi vào thành, ngựa Kiền-trắc bỗng cất tiếng hí buồn bã khiến bầy ngựa trong chuồng cũng lên tiếng hí vang. Các quan bên ngoài vội vào cung thưa với phu nhân Ma-ha Ba-xà-ba-đề và chánh phi Da-du-đà-la chỉ có Xa-nặc cùng ngựa Kiền-trắc trở về. Hai người nghe thế vô cùng đau khổ nghĩ: “Tại sao nghe báo Xa-nặc và ngựa Kiền-trắc trở về mà không nghe nói đến Thái tử”. Phu nhân Ma-ha Ba-xà-ba-đề than thở:

-Ta nuôi Thái tử từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành vậy mà trong thoáng chốc Thái tử đã bỏ ta không biết đi về phương nào, khác chi trái cây chín rời cành, lại khác chi người đói gặp bữa cơm thịnh soạn đang muốn ăn bỗng bị đổ đi tất cả.

Da-du-đà-la cũng cất lời thống thiết:

-Thiếp cùng Thái tử đi đứng nằm ngồi không rời một bước, nay người bỗng bỏ thiếp không biết đi về đâu. Các vua ngày xưa, khi bỏ ngôi vào núi học đạo đều dẫn theo vợ con không nỡ chia lìa. Người ở đời, một lần gặp biết nhau, khi chia tay còn không quên nhau, nay tình ân ái vợ chồng vốn sâu nặng mà sao người lại bạc bẽo như thế.

Công chúa quay lại mắng Xa-nặc:

-Thà làm kẻ thù của người có trí còn hơn là thân thuộc với người ngu, ngươi là kẻ ngu si ám độn, lén đưa Thái tử đến nơi nào để cho họ Thích không còn thịnh vượng được nữa.

Lại trách ngựa Kiền-trắc:

-Ngươi chở Thái tử rời cung, lúc gần đi sao không lên tiếng, giờ một mình quay về lại hí lên buồn bã.

Xa-nặc liền thưa:

-Xin phu nhân chớ trách thần và ngựa Kiền-trắc. Đó là do thần lực của chư Thiên chứ không phải người làm được. Đêm ấy khi phu nhân cùng thể nữ đều ngủ say, Thái tử ra lệnh cho thần thắng ngựa. Lúc ấy thần đã lớn tiếng khuyên can Thái tử, có ý muốn cho phu nhân và các thể nữ giật mình tỉnh giấc. Đến khi thần thắng ngựa Kiền-trắc cũng không ai hay. Trước đây cổng thành mỗi lần mở, tiếng vang đến bốn mươi dặm, nhưng lúc ấy cửa tự mở toang không có một tiếng động, những việc như thế chẳng phải là do thần lực của chư Thiên sao? Đến khi ra khỏi thành, chư Thiên đã nâng vó ngựa và cả thần bay lên không trung, lại có vô số chư Thiên đi theo, vậy thần làm sao ngăn cản được? Trời vừa rạng sáng thì Thái tử đi được ba do-tuần, đến chỗ của đạo sĩ Bạt-già lại có những chuyện kỳ lạ xảy ra. Xin phu nhân lắng nghe lời thần kể. Khi Thái tử đến khu rừng của Tiên nhân Bạt-già đang tu khổ hạnh, người liền xuồng ngựa vỗ vào lưng ngựa Kiền-trắc và ra lệnh cho thần trở về cung. Lúc ấy thần cứ đi theo Thái tử, không chịu trở về. Thái tử nhất định không cho thần ở lại, lấy gươm báu rồi tuyên bố rằng chư Phật quá khứ vì muốn đắc đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đều bỏ những trang sức quý báu, cắt bỏ râu tóc, nay Ngài cũng theo như chư Phật trong quá khứ. Nói xong Ngài liền cởi mão và lấy hạt minh châu đưa cho thần bảo đem về dâng vua, lại đưa chuỗi anh lạc bảo đem về dâng cho di mẫu, còn các trang sức khác thì bảo trao lại cho phu nhân. Lúc đó dù nghe Ngài hối thúc nhưng lòng thần không muốn trở về. Thái tử liền dùng gươm tự cắt bỏ râu tóc và được chư Thiên đến tiếp lấy tóc đem đi. Thái tử đi tới trước một đoạn thì gặp một người thợ săn, liền lấy áo thất bảo của mình đổi lấy y cà-sa mà người thợ săn đang mặc. Lúc ấy trên hư không có luồng ánh sáng rất lớn. Thần thấy Thái tử đã thay đổi y phục, biết rõ Thái tử nhất quyết không về nữa, lòng thần vô cùng đau đớn. Thái tử đi đến chỗ Tiên nhân Bạt-già đang tu, thần đành từ biệt trở về. Những sự lạ lùng ấy đều do sức thần của chư Thiên làm ra chứ con người làm sao mà làm được, vậy xin phu nhân khiển trách thần và Kiền-trắc.

Khi đó phu nhân Ma-ha Ba-xà-ba-đề và Da-du-đà-la nghe Xa-nặc kể những việc lạ lùng ấy xong, trong lòng đã đôi phần tỉnh ngộ nên im lặng không nói. Khi nhà vua vơi bớt đau đớn buồn bã, liền kêu Xa-nặc hỏi:

-Tại sao ngươi làm khổ dòng họ Thích như thế. Ta đã nghiêm lệnh cho mọi người trong ngoài giữ gìn Thái tử chỉ e sợ Thái tử xuất gia. Sao ngươi lại lén thắng ngựa Kiền-trắc và ra đi cùng Thái tử?

Xa-nặc nghe lời vua quở trách run sợ vội tâu:

-Thái tử rời khỏi hoàng thành đi không phải lỗi tại thần, xin đại vương hãy nghe thần kể đầu đuôi.

Nói xong Xa-nặc liền lấy mũ báu, hạt minh châu đặt dưới chân vua rồi thưa:

-Thái tử bảo thần đem mũ và hạt minh châu này về dâng lên bệ hạ, xâu chuỗi anh lạc thì dâng cho di mẫu, còn các đồ trang sức khác thì trao cho chánh phi Da-du-đà-la.

Vua thấy những thứ ấy lòng càng buồn nhớ Thái tử không nguôi, đến gỗ đá còn phải động lòng huống chi tình cảm cha con sâu nặng. Xa-nặc thuật lại toàn bộ sự việc đã xảy ra cho vua nghe và tâu:

-Thái tử truyền lệnh cho thần là nếu đại vương cho là cần có con nối dõi rồi mới xuất gia, nay chưa có con sao đã xuất gia thì thưa với bệ hạ rằng vào lúc ra đi Thái tử chưa tâu cho bệ hạ rõ là chánh phi Da-du-đà-la đã có thai rồi, bệ hạ nên hỏi nàng. Trước kia bệ hạ đã hứa như thế, nay Ngài đã thực hiện đúng như vậy chứ không phải Ngài tự tiện ra đi.

Vua nghe thế liền cho mời Da-du-đà-la đến hỏi:

-Thái tử bảo con đã có thai, phải đúng như vậy không?

Da-du-đà-la liền thưa vua:

-Vào hôm đại vương đến cung, Thái tử lấy tay chỉ vào con, con lập tức cảm thấy trong người khác lạ nên biết mình đã thụ thai.

Vua nghe thế lấy làm lạ, lòng ưu sầu có giảm bớt, thầm nghĩ: “Lúc ấy ta hứa như thế là nghĩ chỉ trong bảy ngày làm sao có con được và như vậy ngôi Chuyển luân vương tự nhiên sẽ đến, không ngờ chưa hết bảy ngày mà Da-du-đà-la đã có mang thật là do lỗi ta thiếu trí, vì muốn tìm cách lưu Thái tử nên hứa như thế, giờ càng hối hận. Thái tử mưu trí vượt ngoài sự dự liệu của người khác. Việc này còn có thần lực của chư Thiên, nay ta không nên trách Xa-nặc”.

Vua nghĩ Thái tử quyết không về thì dù có làm cách gì cũng không đưa Thái tử về được. Tuy Thái tử xuất gia học đạo nhưng nay đã có người nối dõi không sợ vương tộc tuyệt hậu. Hiện nay cần phải bảo Da-du-đà-la nên giữ gìn cẩn thận đứa con trong bụng.

Vua Bạch Tịnh vì quá nặng tình cha con nên nói với Xa-nặc:

-Nay ta nhất định cho đi tìm Thái tử nhưng không biết Thái tử đang ở đâu. Thái tử bỏ ta đi học đạo, ta làm sao có thể sống một mình. Ta nhất định phải đi tìm Thái tử.

Lúc ấy Quốc sư và một vị đại thần nghe vua muốn đi tìm Thái tử liền đến can ngăn:

-Đại vương chớ quá buồn phiền. Chúng tôi thấy tướng mạo của Thái tử chắc là trong đời quá khứ đã nhiều kiếp xuất gia tu học nên ngay ngôi vị Đế Thích cũng không muốn huống chi là ngôi Chuyển luân vương làm sao giữ chân Thái tử được. Đại vương không nhớ lúc mới sinh, Thái tử đã từng đi bảy bước, chỉ tay lên cao mà nói: “Ta không còn chuyển sinh nữa, đây là thân sau cùng”. Lúc ấy các vị trời Phạm thiên, Đế Thích đều đến chúc mừng, có điều kỳ diệu như vậy thì Thái tử đâu còn lưu luyến cõi trần, vả lại tiên A-tư-đà đã từng xem tướng cho Thái tử và quả quyết là năm mười chín tuổi Thái tử sẽ xuất gia học đạo và sẽ thành Bậc Nhất Thiết Chủng Trí. Ngày nay sự việc xảy ra đều đúng, đại vương sao còn sầu khổ như thế. Hơn nữa đại vương đã từng ra nghiêm lệnh cho quan quân trong và ngoài thành giữ gìn Thái tử sợ Thái tử xuất gia nhưng rồi chư Thiên đã đến đưa Thái tử ra khỏi thành, như thế thì sức người làm sao ngăn cản được. Vậy xin đại vương nên vui mừng, đừng mãi ôm lòng buồn phiền và không nên ra đi tìm Thái tử, còn nếu bệ hạ lo lắng cho Thái tử thì chúng tôi sẽ đi tìm xem Thái tử hiện nay đang ở đâu.

Vua nghe lời can ngăn bèn suy nghĩ: “Ta biết Thái tử không về, lòng ta không thể quên được nhưng cũng chẳng thể tìm kiếm được, vậy ta nay phải nhờ quốc sư và quan đại thần đi xem sao”. Nghĩ xong nhà vua liền đáp:

-Lành thay! Các khanh hãy lên đường tìm Thái tử giúp ta. Mọi người ở trong và ngoài cung đều đang sầu khổ, vậy hai khanh không nên chậm trễ.

Quốc sư và vị đại thần liền từ giã đức vua ra đi tìm Thái tử.

Pages: 1 2 3 4