KINH NGUYỆT ĐĂNG TAM-MUỘI

Hán dịch: Đời Cao Tề, Tam tạng Na-liên-đề-da-xá, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN 2

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo đồng tử Nguyệt Quang:

–Vào thời quá khứ lâu xa, hơn a-tăng-kỳ kiếp vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn, khi ấy có Đức Phật hiệu là Thanh Đức Như Lai, Bậc Ứng cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn xuất hiện ở đời.

Này Đồng tử! Bấy giờ Thanh Đức Như Lai Ứng Chánh Biến, hội chúng đầu tiên của Đức Phật ấy tập hợp tám ức Thanh văn, đều là các bậc A-la-hán, lậu hoặc đã hết, đạt được tự lợi, sạch hết hữu kết, nương nơi chánh giáo, tâm khéo giải thoát, có thể đạt được tất cả tâm tự tại.

Hội chúng thứ hai gồm có bảy ức chúng, hội chúng thứ ba gồm có sáu ức chúng. Tất cả những vị đó đều là Đại A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, đạt được tự lợi, sạch hết các kết, nương vào chánh giáo, tâm khéo giải thoát, có thể đạt đến tất cả tâm tự tại.

Này Đồng tử! Bấy giờ Đức Phật ấy thọ bốn vạn năm, lúc ấy Diêm-phù-đề được an ổn, giàu có, sung sướng, dân chúng phồn thịnh, khắp nơi sung mãn.

Này Đồng tử! Bấy giờ ở Diêm-phù-đề có hai vị đại vương, một vị tên là Kiên Cố Lực, vị thứ hai tên là Đại Lực. Hai vị đại vương này mỗi người thống lãnh một nửa cõi Diêm-phù-đề. Lãnh thổ của hai vua an ổn, giàu có, sung sướng, dân chúng phồn thịnh, khắp nơi sung mãn.

Khi ấy Như Lai Thanh Đức xuất hiện ở đời tại nước của vua Đại Lực. Này Đồng tử! Bấy giờ vua Đại Lực thỉnh Như Lai Thanh Đức và Tỳ-kheo tăng tròn một ngàn năm. Vị vua ấy đem tất cả sự tùy thuận thanh tịnh, không lỗi lầm, dùng tất cả y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc thang, mà cúng dường.

Này Đồng tử! Đức Như Lai Thanh Đức và Tăng chúng Thanh văn được nhiều lợi dưỡng, cung kính tán thán. Lúc đó có các Bà-la-môn, các trưởng giả, tịnh tín đối với Đức Như Lai Thanh Đức và Tỳ-kheo tăng liền phát ý dũng mãnh, học vua Đại Lực cách cúng dường. Nghĩa là dùng tiền của thế gian làm vật cúng dường thù thắng thì người ấy không biết cách thực hành cúng dường. Vậy thực hành cúng dường bằng cách nào?

–Đó là thọ trì năm giới, tám giới, xuất gia đi đến chỗ Đức Phật, thân cận thưa hỏi để thấy pháp nhẫn sâu xa.

Này Đồng tử! Lúc đó Như Lai Thanh Đức nghĩ như vầy: “Các chúng sinh này ý chí hạ liệt, không thể thọ trì năm giới, tám giới, xuất gia đến chỗ Phật thân cận, thưa hỏi để thấy pháp nhẫn sâu xa, tu các phạm hạnh tịch tĩnh, viễn ly, thọ giới cụ túc, được phần Tỳkheo và đem thiện căn rốt ráo thọ hành. Tịch diệt như vậy thì nhạc cụ, diệu lạc vô thượng thảy đều xa lìa, chỉ dùng của cải thế gian để cúng dường ta. Các chúng sinh này chỉ mong sự vui nhỏ mà cho là vui cùng tột. Các chúng sinh này chỉ trọng pháp hiện tại và pháp đời sau mà không thể yêu quý căn lành cứu cánh.

Sao gọi là coi trọng pháp hiện tại? Đó là ưa thích ngũ dục.

Sao gọi là quý trọng căn lành đời sau? Đó là ưa thích sinh lên trời.

Sao gọi là căn lành cứu cánh? Đó là sự thanh tịnh cứu cánh, tốt đẹp cứu cánh, phạm hạnh cứu cánh, cùng tận cứu cánh, tối hậu cứu cánh, Niết-bàn cứu cánh.

Nay ta muốn nói pháp như vậy khiến cho chúng này sinh hạnh bố thí, không vì sự cúng dường tối thắng cứu cánh, chỉ vì hạnh vô thượng mà cúng dường ta.”

Này Đồng tử! Lúc ấy Như Lai Thanh Đức muốn giác ngộ cho vua Đại Lực và các trưởng giả Bà-la-môn đó… nên nói bài kệ:

Nếu người hành bố thí tài thực
Còn tâm bỉ thử không kính nhau
Việc làm như vậy không đáng khen
Chư Phật, bậc Trí đã xa lìa.
Nếu nói bậc Trí tuệ vô ngã
Thắng nhân như vậy nên phụng sự
Nơi Thánh đế ấy tin bất động
Phụng kính như vậy Phật mới khen.
Nếu đem tài thực mà dâng thí
Chỉ được ít lợi nơi hiện tại
Có thể xa lìa thí như vậy
Người ấy thành tựu hạnh xuất gia.
Nếu ai hay khởi tâm không của
Lại hay hiển thị pháp không của
Cũng hay tịnh tín người không của
Người đó mau thành đạo Vô thượng.
Không có ở trong năm dục lạc
Với vợ và con sinh ái trước
Kẻ ngu mãi sống ở trong nhà
Người đó đâu hay được lậu tận.
Nhàm chán năm dục như hầm lửa
Hay lìa ái nhiễm với vợ con
Sợ hãi cư gia cầu ra khỏi
Thành tựu Bồ-đề mới không khó.
Không có chư Như Lai quá khứ
Cùng với hiện tại và vị lai
Thường ở tại gia, sống trong dục
Mà có thể đắc đạo thắng diệu.
Vứt bỏ ngôi vua như nước miếng
Sống nơi xa lìa, chỗ thanh nhàn
Đoạn trừ phiền não, hàng phục ma
Ngộ rõ đạo vô vi ly cấu.
Nếu hằng sa đời rất hùng mạnh
Ngàn vạn ức năm mà cúng dường
Có thể chán sợ ở tại gia
Công đức như vậy mới tối thượng.
Chẳng phải ẩm thực và y phục
Các diệu hoa hương và hương xoa
Những thứ như vậy cúng dường Phật
Như kẻ xuất gia phụng hành pháp.
Nếu ai thích cầu đạo Bồ-đề
Hay lợi chúng sinh, chán thế gian
Hướng đến không nhàn đi bảy bước
Phước báo như vậy mới tối thượng.

Này Đồng tử! Khi vua Đại Lực nghe Như Lai Thanh Đức, Bậc Ứng Chánh Biến Tri nói về nghĩa lợi của sự xuất gia tu hành như vậy xong, lại suy nghĩ rằng: “Như ta đã hiểu nghĩa lý lời Phật dạy, Đức Như Lai chẳng phải nói Đàn ba-la-mật để được thanh tịnh cứu cánh, tốt lành cứu cánh, phạm hạnh cứu cánh, tận cùng cứu cánh, tối hậu cứu cánh, Niết-bàn cứu cánh.”

Vua Đại Lực lại nghĩ như vầy: “Không phải sống tại gia mà có thể đắc sự tu hành vô thượng, đắc sự lợi lạc, tu hành vô thượng, nhưng ta hiện nay xa lìa hạnh này. Nay ta cần phải cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, xuất gia hành đạo!”

Này Đồng tử! Khi ấy vua Đại Lực cùng với quyến thuộc là tám vạn người vây quanh trước sau, đến chỗ Đức Phật Thanh Đức, đảnh lễ dưới chân, nhiễu bên phải ba vòng, rồi ngồi sang một bên.

Này Đồng tử! Bấy giờ Như Lai Thanh Đức biết vua Đại Lực cùng với quyến thuộc trong tâm có sự ưa thích liền vì họ phân biệt, chỉ bày, tuyên nói Tam-muội tất cả các pháp thể tánh bình đẳng không có hý luận.

Này Đồng tử! Khi vua Đại Lực nghe Tam-muội này, vui mừng khôn xiết, trong lòng hết sức yêu thích, liền ở chỗ Đức Phật Thanh Đức xả bỏ ngôi vua, chánh tín xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y. Khi vua đã xuất gia, thì có thể rộng nghe, đọc tụng, nhớ nghĩ, gìn giữ, phân biệt nghĩa lý, tu hành tương ưng với Tam-muội này. Nhờ căn lành này, nên ở trong hai ức kiếp không đọa ác đạo, tuần tự được lại gặp hai ức chư Phật, ở trong Phật pháp thường được xuất gia, ở nơi mỗi mỗi Đức Phật, vua thính thọ, đọc tụng, phân biệt nghĩa lý, tu hành tương ưng với Tam-muội này. Nhờ căn lành này nên tuần tự tròn một trăm ức kiếp được thành Phật đạo, hiệu là Như Lai Trí Dũng, Bậc Ứng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, làm lợi ích vô lượng, vô biên chúng sinh, sau đó mới nhập Bát-niết-bàn.

Này Đồng tử! Ông hãy quán thần lực của Tam-muội này thì có thể khiến cho Bồ-tát chiêu cảm được trí Phật.

Này Đồng tử! Vua Đại Lực ấy đã dẫn tám vạn quyến thuộc đến nghe Tam-muội này, làm cho họ vui mừng vô hạn, tâm rất ưa thích. Họ cũng theo vua, chánh tín xuất gia, cạo bỏ râu tóc, thân mặc pháp y. Các người xuất gia ấy nghe Tam-muội này thì liền đọc tụng, thọ trì, phân biệt, giải thuyết, tu hành tương ưng. Nhờ căn lành này nên ở trong hai ức kiếp không đọa ác đạo. Trong mỗi mỗi kiếp họ gặp một ngàn vạn Đức Phật, ở chỗ các Đức Phật ấy thường được xuất gia. Đã xuất gia rồi nghe Tam-muội này thì đọc tụng, thọ trì, ứng dụng trong sự tu hành. Nhờ căn lành này nên sau đó tròn một trăm ngàn kiếp mỗi vị ở mỗi thế giới đều thành Phật đạo, đồng một danh hiệu là Như Lai Kiên Cố Dũng Kiện, Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh rồi sau đó các Ngài mới nhập Vô dư Niếtbàn.

Này Đồng tử! Tam-muội này có đại oai lực như vậy, hay khiến cho các Bồ-tát đạt đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bấy giờ Đức Thế Tôn muốn nói lại nghĩa này nên nói bài kệ:

Ta nhớ đời quá khứ lâu xa
Chẳng nghĩ bàn kiếp có Đức Phật
Hay làm lợi lạc cho chúng sinh
Hiệu là Thanh Đức Đại Tiên Tôn.
Hội đầu tập chúng tròn tám ức
Đều là các đệ tử Thanh văn
Hội hai tập chúng số bảy ức
Hội ba sáu ức A-la-hán.
Đã sạch hết lậu, không phiền não
Các sức thần thông đã rốt ráo
Đức Phật sống đến bốn vạn tuổi
Thế giới quốc độ rất nghiêm tịnh.
Cõi Diêm-phù-đề có hai vua
Tên là Đại Lực, Kiên Cố Lực
Lãnh thổ của hai vị vua này
Mỗi vua thống lĩnh nửa Diêm-phù.
Phật sinh trong nước vua Đại Lực
Các vị trời, người dâng cúng dường
Nhà vua tịnh tín nơi Đức Phật
Cung kính cúng dường tròn ngàn năm.
Vô lượng dân chúng học theo vua
Cúng dường Đức Như Lai các thứ
Dùng của cải đời phi pháp cúng
Phật và Thanh văn đều đầy đủ.
Bấy giờ Thế Tôn mới nghĩ rằng:
“Ta nói pháp này để bỏ dục
Sẽ khiến nhà vua sinh nhàm chán
Ở trong pháp ta mà xuất gia”.
Khi ấy Nhân Tôn nói kệ rằng:
“Vứt bỏ pháp ác là Phật giáo
Tại gia lỗi nhiều, đủ các khổ
Tu hành như pháp là cúng Phật”.
Khi vua nghe nói kệ như vậy
Đến chỗ thanh vắng nghĩ như vầy:
“Nay ta không thể ở gia đình
Mà làm pháp cúng dường tối thắng”.
Liền bỏ ngôi vua như nhổ đàm
Cùng với tám vạn các quyến thuộc
Đồng lúc đi đến chỗ Đức Phật
Đầu mặt đảnh lễ đứng trước Phật.
Phật biết tâm họ đều ưa thích
Nên nói định tịch diệt khó thấy
Họ nghe, ái kính và vui mừng
Mọi người hoan hỷ liền xuất gia.
Khi xuất gia rồi với định này
Đọc tụng, thọ trì, rộng phân biệt
Lần lượt trong số hai ức kiếp
Chưa từng đọa lạc ba đường ác.
Vị ấy nhờ các thiện nghiệp này
Được thấy trăm ức các Như Lai
Ở trong Phật pháp thường xuất gia
Tuyên thuyết Tam-muội thù thắng này.
Về sau họ sẽ được thành Phật
Đồng hiệu: Kiên Cố Đại Tinh Tấn
Lợi ích vô lượng ức chúng sinh
Sau nhập Niết-bàn như lửa tắt.
Vào thuở xa xưa vua Đại Lực
Thành Phật từ lâu hiệu Trí Dũng
Lợi ích vô lượng trăm ức chúng
Chứng Bồ-đề rồi nhập Niết-bàn.
Đã nghe lợi ích lớn như vậy
Mạt thế trì kinh, Phật khen ngợi
Nếu hay phụng trì Phật pháp tạng
Họ sẽ mau chóng thành Thế Tôn.

Này Đồng tử! Đó là Đại Bồ-tát vì yêu thích định này nên phải tu tập định này trước tiên.

Này Đồng tử! Vì sao Bồ-tát đối với Tam-muội này phải tu trước tiên?

Này Đồng tử! Đại Bồ-tát dùng tâm đại Bi làm đầu. Nếu Phật ở tại thế hay Phật đã diệt độ, thường xuyên cúng dường, đó là: Vòng hoa, hương bột, hương xoa, dù lọng báu, âm thanh, ca múa, hát xướng, kỹ nhạc, y phục, ẩm thực, thuốc thang, chữa bệnh. Dùng căn lành này đều để hồi hướng Tam-muội như vậy. Lại không mong cầu các việc khác mà để cúng dường Phật, không cầu sắc đẹp, không cầu tiền của, không vì sinh lên trời, không cầu quyến thuộc, chỉ niệm pháp Tam-muội này. Bồ-tát ấy vẫn ở trong pháp, không thấy có Phật, huống lại ngoài pháp mà thấy có Phật sao!

Cho nên, này Đồng tử! Đó là cúng dường Phật chân chánh mà cũng không thấy có Phật để thành, không chấp ngã tưởng, không cầu quả báo. Bồ-tát ấy Tam luân thanh tịnh, dùng vòng hoa, hương bột, hương xoa, phan, lọng, dù báu, âm thanh, ca múa, hát xướng, kỹ nhạc, y phục, ẩm thực, thuốc thang, chữa bệnh… cúng dường Đức Như Lai để hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nhờ căn lành này nên được công đức không thể nghĩ bàn, quả báo không thể nghĩ bàn. Được Tam-muội này nên mau thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Nếu ai dâng hương Vô Biên Trí
Hay được vô lượng quả báo hương
Trong ngàn vạn kiếp lìa đường ác
Hoàn toàn không có các xú uế,
Trong ngàn vạn kiếp hành thắng hạnh
Cúng dường trăm vạn ức Như Lai
Thành Phật đạt được thắng giới hương.
Nếu lại rõ hiểu không chúng sinh
Thí hương, nhận hương cả hai không
Nếu hay khởi tâm thí như vậy
Sẽ được Thuận nhẫn thắng nhu nhuyến.
Nếu người tu nhẫn tăng thượng này
Bị người cắt thân giống như trước
Trong ngàn vạn ức hằng sa kiếp
Nhưng tâm kiên cố không thoái chuyển.
Vì sao mà được gọi là Nhẫn?
Vì sao lại gọi là Tùy thuận?
Vì sao được gọi Không thoái chuyển?
Vì sao lại gọi là Bồ-tát?
Tự tánh hân hoan không ngã chấp
Vì không ngã tưởng, không phiền não
Hay biết các pháp đều tận diệt
Do nhân duyên này gọi là Nhẫn.
Điều chư Phật học, tùy thuận học
Người trí như pháp thường tu hành
Biết pháp chư Phật không nghi hoặc
Cho nên được gọi là Tùy thuận.
Nếu tu hành lúc đời có ma
Hiện làm thân Phật nói lời rằng:
Phật đạo khó được, làm Thanh văn
Không chịu tín thọ là Không thoái.
Giác ngộ các chúng sinh ác kiến
Họ không thể chứng đạo cam lồ
Khuyên bỏ ác đạo, trụ thiện đạo
Cho nên được gọi là Bồ-tát.
Người nhẫn trụ nơi đạo tùy thuận
Nhờ không ngã pháp, khiến khai ngộ
Cho đến trong mộng không khởi niệm
Còn có chúng sinh, tưởng thọ mạng,
Nếu ma vô lượng như hằng sa
Hóa làm thân Phật đến chỗ ta
Hoặc nói trong thân có thần ngã
Liền nói Vô ngã, ngươi “phi Phật”.
Nhờ trí liễu đạt các pháp “Không”.
Biết rồi không sống cùng phiền não
Do hý luận nên nói là Có
Thấy rồi vắng lặng, hành thế gian.
Ví như người đời đã sinh con
Tùy ý của mình đặt tên gọi
Tìm tên khắp nơi cũng không có
Nên biết tên ấy không chỗ đến.
Lập danh Bồ-tát cũng như vậy
Bồ-tát khắp nơi không thể tìm
Cho đến thật tế cầu không được
Người biết như vậy gọi Bồ-tát.
Giả như trong biển đốt lửa cháy
Bồ-tát không hề khởi thân kiến
Bồ-tát được trụ sơ phát tâm
Đoạn sạch ác kiến, hết phiền não.
Không thấy có các pháp sinh diệt,
Gọi là Chúng sinh và Thọ mạng
Thể các pháp không, giống như huyễn
Việc này ngoại đạo không thể biết.
Hoặc sinh tham trước việc ăn uống
Khởi tâm luyến tiếc nơi y bát
Cùng với trạo cử và khinh tháo
Thì không thể biết Phật Bồ-đề.
Ham thích ngủ nghỉ và lười biếng
Gian ngụy, hung bạo không thu nhiếp
Không lòng tịnh tín nơi chư Phật
Thì không thể biết Phật Bồ-đề.
Hủy phá giới cấm không hổ thẹn
Ở trong Phật pháp không uy tín
Không kính các phạm hạnh đồng tu
Thì không thể biết Phật Bồ-đề.
Không hủy tịnh giới, có hổ thẹn
Ở trong Phật pháp rất ưa thích
Hay cung kính người đồng phạm hạnh
Thì mới biết được thắng Bồ-đề.
Lấy cảnh giới Thánh làm niệm xứ
Hoan hỷ chính là giường, ngọa cụ
Lấy thiền làm cơm, định làm canh
Như vậy mới biết Phật Bồ-đề.
Vô ngã, nhẫn là chỗ kinh hành
Ở trong rừng không hành chánh niệm
Hương hoa thất giác rất đáng yêu
Ngửi xong liền thành đạo Vô thượng.
Thể đạo Bồ-tát chỗ tu hành
Không phải việc làm của người khác
Gọi là Thanh văn và Duyên giác
Chỉ có người trí không tham đắm.
Ví thọ mạng ta rất lâu dài
Như cát sông Hằng, vô lượng kiếp
Nối sợi lông Phật đức vô tận
Chút đức của Phật nói không hết.
Nếu nghe lợi ích lớn như vậy
Không sợ những điều Thế Tôn nói
Mau tự dạy người giữ định này
Được Bồ-đề vô thượng không khó.

Này Đồng tử! Cho nên Đại Bồ-tát phải biết nhập vào ba pháp nhẫn một cách khéo léo. Đó là biết nhẫn thứ nhất, nhẫn thứ hai và nhẫn thứ ba. Trong nhẫn này phải biết một cách khéo léo. Lại đối với trí ấy cũng phải biết một cách khéo léo. Vì sao? Vì nếu Đại Bồtát đối với trong Nhẫn trí mà biết một cách khéo léo thì Đại Bồ-tát ấy mau được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Cho nên, này Đồng tử! Đại Bồ-tát nếu cầu mau chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì cần phải thọ trì ba môn pháp nhẫn này, thọ trì rồi phân biệt, nói rộng cho người khác nghe, làm lợi ích an lạc vô lượng chúng sinh, cứu giúp thế gian, làm lợi ích an lạc chư Thiên và loài người.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Đồng tử Nguyệt Quang liền nói câu kệ tụng pháp môn nhập vào ba nhẫn này:

Đối với chúng sinh không tranh cãi
Miệng không nói ra lời vô ích
Thường hay an trụ pháp lợi sinh
Gọi đó tên là Nhẫn đầu tiên.
Biết tất cả pháp giống như huyễn
Liền nơi tướng này không chấp thủ
Hay ở trong trí không tăng giảm
Nên gọi là Thắng nhẫn đầu tiên.
Đã tu học các Tu-đa-la
Trí và khéo nói hằng tương ưng
Không nghi hoặc trí Phật vô lượng
Đó gọi là Thắng nhẫn đầu tiên.
Nếu nghe tất cả, khéo thuyết pháp
Giống như Phật thuyết không có nghi
Hay tin tất cả, các pháp Phật
Đó gọi là Thắng nhẫn đầu tiên.
Với kinh liễu nghĩa thường tuyên diễn
Diễn thuyết như chỗ Phật đã nói
Nếu nói: Ngã, nhân và chúng sinh
Liền biết phương tiện mà tiếp dẫn.
Các dị kiến của nhiều ngoại đạo
Với họ, tâm Bồ-tát không đông
Lại đối vơi họ càng xót thương
Gọi là tướng Thắng nhẫn thứ hai.
Các Đà-la-ni đến trước mặt
Với môn Tổng trì không nghi hoặc
Những lời nói ra đều chân thật
Gọi là tướng Thắng nhẫn thứ hai.
Giả sử tướng bốn đại chuyển biến
Đó là đất, nước, gió và lửa
Với Bồ-đề Phật vẫn không lùi
Gọi là tướng Thắng nhẫn thứ hai.
Các nghề công xảo ở thế gian
Bồ-tát thảy đều khéo tu học
Không thấy có người giỏi hơn mình
Gọi là tướng Thắng nhẫn thứ ba.
Sức Xa-ma-tha được điều phục
Núi Tỳ-bà-xá-na bất động
Tất cả chúng sinh không thể khinh
Gọi là tướng Thắng nhẫn thứ ba.
Những lời nói ra thường tại định
Đi, đứng, nằm, ngồi luôn thanh tịnh
Chánh định kiên cố đến bờ kia
Gọi là tướng Thắng nhẫn thứ ba.
Trụ nơi chánh định được thần thông
Đến nhiều cõi Phật để thuyết pháp
Sức thần túc bậc Trí không giảm
Gọi là tướng Thắng nhẫn thứ ba.
Hoặc khi tu tịch định như vậy
Tất cả các loại quần sinh khác
Không thể biết ngằn mé tâm họ
Gọi là tướng Thắng nhẫn thứ ba.
Giả sử các chúng sinh thế giới
Cùng lúc thành Phật diễn nói pháp
Người đó đều hay thọ lãnh hết
Gọi là tướng Thắng nhẫn thứ ba.
Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn phương phụ
Hai phương Trên, Dưới cũng như vậy
Ở trong các phương đều thấy Phật
Gọi là tướng Thắng nhẫn thứ ba.
Có thể biến hiện vô lượng thân
Tất cả đều có sắc vàng ròng
Đến vô lượng cõi để thuyết pháp
Gọi là tướng Thắng nhẫn thứ ba.
Các cõi Diêm-phù, thế giới Phật
Tất cả đều thấy hình Bồ-tát
Chư Thiên và người đều hay biết
Gọi là tướng Thắng nhẫn thứ ba.
Trong pháp chư Phật, chỗ Phật hành
Có các oai nghi của Đạo sư
Bậc Trí có thể khéo tu tập
Gọi là tướng Thắng nhẫn thứ ba.
Có các chúng sinh trong thế giới
Đều đến khen ngợi Bồ-tát này
Bồ-tát với họ tâm hân hoan
Là chưa tu học nơi trí Phật.
Có các chúng sinh trong thế giới
Mắng nhiếc, hủy báng Bồ-tát này
Với họ, nếu khởi tâm sân hân
Nên biết chưa tu học trí Phật.
Nếu được lợi dưỡng tâm không mừng
Khi bị chống trái không buồn khổ
Tâm mình an trụ giống như núi
Gọi là tướng Thắng nhẫn thứ ba.
Một là tùy thuận âm thanh nhẫn
Hai là tư duy tùy thuận nhẫn
Ba là nhẫn tu tập vô sinh
Học ba nhẫn này được Bồ-đề.
Nếu nơi ba Thắng nhẫn như vậy
Bồ-tát nào có thể đắc được
Thiện Thệ khi thấy Bồ-tát ấy
Liền thọ ký Vô thượng Bồ-đề.
Nếu ai một mình nghe thọ ký
Số ức chúng sinh không nghĩ bàn
Đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề:
Ta cần phải làm Nhân trung tôn.
Nghe nói tiếng thọ ký như vậy
Tức thời đại địa sáu chấn động
Hào quang chiếu khắp mười phương cõi
Mưa hoa thắng diệu nhiều vô lượng.
Nếu nơi ba Thắng nhẫn như vậy
Chỉ có Bồ-tát mới đạt được
Lại không còn thấy có chúng sinh
Nơi đó sinh diệt cũng như vậy.
Nếu nói ba Thắng nhẫn như vậy
Chỉ có Bồ-tát mới được vậy
Đã già, hiện già đều không thấy
An trú trong pháp được như vậy.
Bồ-tát biết rõ các thứ pháp
Thể tánh không tịch giống như huyễn
“Không” ấy cũng lại chẳng sinh diệt
Vì thể các pháp vốn không tịch.
Nếu có chúng sinh đến cung kính
Lễ bái, tôn trọng và cúng dường
Với họ Bồ-tát không ái kiến
Vì thâm đạt thể tánh thế gian.
Nếu có chúng sinh lại đánh mắng
Với họ, Bồ-tát không khinh ghét
Lại khởi lòng Từ với người ấy
Vì muốn khiến họ được giải thoát.
Nếu dùng dao gậy và ngói đá
Với họ trong lòng không tức giận
An trụ trong pháp nhẫn vô ngã
Bồ-tát không sợ, khởi sân hận.
Bồ-tát rõ biết vô số pháp
Thể tánh không tịch, giống như huyễn
Nếu hay an trụ trong pháp này
Làm Bậc cúng dường cho trời, người .
Có người tay cầm dao bén nhọn
Cắt đứt từng phần cơ thể ta
Tâm hay nhẫn chịu không tức giận
Thêm lớn tình thương, trước không hoại.
Khi dùng dao cắt từng chi tiết
Bồ-tát liền sinh ý nghĩ này:
“Nếu ngươi chưa chứng đạo Bồ-đề
Ta nguyện chớ chứng được Niết-bàn”.
Nhẫn lực như vậy tối vô thượng
Vì nhờ an trụ nhẫn vô ngã
Là đại danh xưng các Bồ-tát
Tu tập vô lượng na-do kiếp.
Lại hơn số ấy như hằng sa
Vẫn chưa thể chứng được Bồ-đề
Ngay trong lúc đó tu hạnh Phật
Huống là giác trí đâu thể nói.
Dù nói ức kiếp chẳng nghĩ bàn
Đức hiệu của Phật vô cùng tận
Khéo an trụ nơi nhẫn vô ngã
Là đại danh xưng các Bồ-tát.
Nếu muốn hay biết được Bồ-đề
Cần phải trụ nơi diệu trí tụ
Nếu tu pháp nhẫn chư Phật dạy
Được Thắng Bồ-đề sẽ không khó.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Đồng tử Nguyệt Quang:

–Vào thời quá khứ rộng lớn lâu xa hơn a-tăng-kỳ kiếp, vô lượng vô số không thể nghĩ bàn, khi ấy có Đức Phật tên là Vô Sở Hữu Khởi Như Lai, Bậc Ứng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn xuất hiện ở đời. Sao gọi là Như Lai Vô Sở Hữu Khởi, Bậc Ứng Chánh Biến Tri?

Này Đồng tử! Khi Đức Phật này sinh ra thường bay trong hư không cao đến bảy cây Đa-la, bước bảy bước mà nói rằng: “Tất cả các pháp đều vô sở hữu! Tất cả các pháp đều vô sở hữu!” Tiếng nói vang khắp tam thiên đại thiên thế giới. Khi ấy Địa thần từ từ loan truyền nhau biết. Cho đến trời Phạm thiên rằng: “Trong thế giới này có Phật ra đời, hiệu là Như Lai Vô Sở Hữu Khởi, Bậc Ứng Chánh Biến Tri. Lúc mới sinh, bước đi bảy bước ở trên hư không, nói rằng: “Tất cả các pháp đều vô sở hữu!”

Này Đồng tử! Do nhân duyên đó nên hiệu của Phật là Vô Sở Hữu Khởi. Khi Đức Phật ấy thành Chánh giác, tất cả cây cối, rừng rậm, cỏ thuốc đều phát ra tiếng nói: “Tất cả các pháp đều vô sở hữu!”

Này Đồng tử! Thế giới lúc ấy đều phát ra các âm thanh cũng nói rằng: “Tất cả các pháp đều vô sở hữu!”

Này Đồng tử! Bấy giờ Đức Như Lai Vô Sở Hữu Khởi khi đang thuyết pháp có một vị vương tử tên là Tư Duy Đại Bi, hình mạo đoan chánh, ai cũng yêu thích, tâm hành điều hòa, nhu nhuyến.

Này Đồng tử! Khi ấy vương tử đi đến chỗ Đức Như Lai Vô Sở Hữu Khởi, đảnh lễ dưới chân, nhiễu quanh ba vòng, rồi lui về ngồi một bên. Bấy giờ Đức Như Lai Vô Sở Hữu Khởi biết vương tử Tư Duy Đại Bi thâm tâm ưa thích liền nói: “Tam-muội thể tánh tất cả pháp bình đẳng không hý luận.”

Vị vương tử nghe xong, được tâm tịnh tín, xuất gia hành đạo, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa. Khi đã xuất gia, vương tử đọc tụng, thọ trì, vì người khác phân biệt, hiển bày rộng rãi Tam-muội này. Nhờ căn lành này nên vương tử ấy trong hai mươi kiếp không đọa ác đạo, cứ trong mỗi kiếp gặp được hai ức Đức Phật, hơn hai mươi kiếp thì được thành Phật đạo, hiệu là Như Lai Thiện Tư Nghĩa, Bậc Ứng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn xuất hiện ở đời.

Này Đồng tử! Ông nên quán thấy Tam-muội này có oai lực ấy có thể khiến cho Bồ-tát chiêu cảm được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Đồng tử! Đại Bồ-tát nên an trụ trong pháp Nhẫn sâu xa ấy. Vì sao Đại Bồ-tát có thể an trụ trong pháp Nhẫn sâu xa?

Này Đồng tử! Đại Bồ-tát nên quán như vầy: Tất cả pháp giống như huyễn hóa, như mộng, như ngựa hoang, như tiếng vang, như ánh nắng, như trăng dưới nước, như tánh của hư không; nên biết như vậy.

Này Đồng tử! Đại Bồ-tát nếu quán như thật về tất cả pháp như huyễn hóa, như mộng, như ngựa hoang, như tiếng vang, như ánh nắng, như trăng dưới nước, như tánh của hư không. Đó gọi là Đại Bồ-tát an trụ Nhẫn sâu xa.

Nếu thành tựu được Nhẫn sâu xa, Bồ-tát ở nơi pháp nhiễm mà không nhiễm, ở nơi pháp sân mà không sân, ở nơi pháp si mà không si. Vì sao? Vì Bồ-tát này không thấy nơi pháp, cũng vô sở đắc, không thấy người ô nhiễm, không thấy nghiệp ô nhiễm, không thấy người sân, không thấy việc sân, không thấy nghiệp sân, không thấy người si, không thấy việc si, không thấy nghiệp si.

Đại Bồ-tát đối với pháp như vậy đều không chỗ thấy, đều không chỗ đắc. Đó là hoặc nhiễm, hoặc sân, hoặc si. Bồ-tát ấy vì không chỗ thấy, nên liền không chỗ bị nhiễm, không chỗ sân, không chỗ si. Bồ-tát ấy như thật không nhiễm, không sân, không si, nên tâm không điên đảo, được gọi là định, gọi là không hý luận, gọi là đáo bỉ ngạn, gọi là đất bằng, gọi là đến chỗ an ổn, gọi là đến chỗ vô úy, gọi là thanh lương, gọi là trì giới, gọi là bậc trí, gọi là bậc tuệ, gọi là phước đức, gọi là thần túc, gọi là nhớ nghĩ, gọi là thọ trì, gọi là trí tuệ, gọi là người ra đi, gọi là người hổ thẹn, gọi là người tín nghĩa, gọi là người công đức Đầu-đà, gọi là người không đắm trước nữ sắc, gọi là người không nhiễm trước, gọi là bậc Ưng cúng, gọi là người đã dứt sạch các lậu hoặc, gọi là người tự tại không phiền não, gọi là tâm người giải thoát, gọi là tuệ người giải thoát, gọi là người điều phục, gọi là Đại long, gọi là việc làm đã xong, gọi là không còn gì để làm nữa, gọi là xả bỏ gánh nặng, gọi là đã được tự lợi, gọi là sạch hết hữu kết, gọi là nương chánh giáo, tâm khéo giải thoát, gọi là đến tất cả tâm tự tại, gọi là Sa-môn, gọi là Bà-la-môn, gọi là người tắm rửa, gọi là người đã qua sông, gọi là bậc biết rõ ràng sáng suốt, gọi là người nghe, gọi là Phật tử, gọi là Thích tử, gọi là người vứt bỏ gai góc, gọi là người vượt qua hầm hố, gọi là người nhổ tên độc, gọi là người không nóng, gọi là người không còn bụi bặm, gọi là Tỳ-kheo không ngăn che, trói buộc, gọi là Trượng phu, gọi là Thiện trượng phu, gọi là Thắng trượng phu, gọi là Đại trượng phu, gọi là Sư tử trượng phu, gọi là Đại long trượng phu, gọi là Ngưu vương trượng phu, gọi là Khéo điều phục trượng phu, gọi là Dũng kiện trượng phu, gọi là Trượng phu gánh vác, gọi là Tinh tấn trượng phu, gọi là Hung dữ trượng phu, gọi là Như hoa trượng phu, gọi là Liên hoa trượng phu, gọi là Phân-đà-lợi trượng phu, gọi là Điều ngự trượng phu, gọi là Mặt trăng trượng phu, gọi là Mặt trời trượng phu, gọi là tác nghiệp trượng phu, gọi là Lưỡng túc trung thượng, gọi là tận cùng bờ trí, gọi là hơn bậc Đa văn tối thắng, gọi là đã tu phạm hạnh, gọi là việc làm rốt ráo, gọi là không nhiễm tất cả điều ác.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài kệ tụng:

Khi kiếp tận, ta họa
Thế giới trở thành không
Như trước, sau cũng vậy
Ví các pháp cũng thế.
Xem khởi tạo thế gian
Đều như trụ trên nước
Như dưới trên cũng vậy
Các pháp cũng như thế.
Như bầu trời không mây
Bỗng nhiên nổi âm u
Biết nó từ đâu sinh
Các pháp cũng như thế.
Như Lai Niết-bàn rồi
Ý tưởng thấy hình Phật
Như trước, sau cũng vậy
Các pháp cũng như thế.
Giống như đống bọt nước
Bập bềnh trên dòng thác
Thấy nó không chắc thật
Các pháp cũng như thế.
Như trời mưa trên nước
Bọt nước nổi nơi nơi
Sinh đâu liền diệt đó
Các pháp cũng như thế.
Ví như trong ngày xuân
Ánh sáng chiếu rực rỡ
Bóng nắng giống như nước
Các pháp cũng như vậy.
Như bẹ thân cây chuối
Nếu chặt tìm chỗ cứng
Trong ngoài đều không chắc
Các pháp cũng như vậy.
Như huyễn, tạo nhiều thân
Là nam, nữ, voi, ngựa
Tướng ấy chẳng chân thật
Các pháp cũng như thế.
Ví như có đồng nữ
Đêm nằm mộng sinh con
Sống mừng, chết ưu khổ
Các pháp cũng như vậy.
Như người mộng hành dâm
Tỉnh giấc chẳng thấy gì
Ngu si trọn chẳng được
Các pháp cũng như vậy.
Như trăng sáng bầu trời
Bóng hiện nơi ao sạch
Mặt trăng đâu vào nước
Các pháp cũng như vậy.
Như người tự ưa thích
Lấy kiếng soi mặt mình
Bóng gương chẳng thể nắm
Các pháp cũng như vậy.
Như ngựa hoang thấy nước
Người ngu muốn đến uống
Không thật, sao cứu khát!
Các pháp cũng như vậy.
Như người ở hang núi
Tiếng ca khóc, nói cười
Tiếng vang chẳng thể cầm
Các pháp cũng như vậy.
Như bảng cấm các nước
Thiện ác theo đó làm
Không ngôn giáo chẳng có
Các pháp cũng như vậy.
Như người uống rượu say
Thấy mặt đất xoay chuyển
Kỳ thật đất chẳng động
Các pháp cũng như thế.
Pháp duyên khởi không có
Không có lại chẳng có
Người phân biệt có không
Tức là khổ không diệt.
Nơi “có” không phân biệt
Tranh luận tịnh, bất tịnh
Xa lìa hai bên ấy
Bậc Trí trụ trung đạo.
Quán thân lúc ban đầu
Nơi thân, không tưởng thân
Nếu hay biết như vậy
Chính là tánh vô vi.
Mắt, tai, mũi vô hạn
Lưỡi, thân, ý cũng vậy
Người phân biệt nơi căn
Thì không dùng Thánh đạo.
Với các căn vô hạn
Thể ngoan không, vô ký
Muốn mong vui Niết-bàn
Phải tu nghiệp Thánh đạo.
Diễn thuyết bốn Niệm xứ
Ngu bảo thân chứng mạn
Thân chứng không ngã mạn
Vì hay diệt các mạn.
Diễn thuyết về bốn Thiền
Ngu bảo đắc thiền hành
Người diệt mê không mạn
Nhờ tuệ quán đoạn mạn.
Diễn thuyết bốn Chân đế
Kẻ ngu bảo thấy Đế
Thấy thật thì không mạn
Thế Tôn nói như vậy.
Tuy đọc hết các kinh
Ỷ đa văn, hủy giới
Đa văn không thể cứu
Phá giới khổ địa ngục,
Tự thị việc trì giới
Mà không học đa văn
Phước báo trì giới hết
Trở lại thọ các khổ,
Đa văn cùng trì giới
Cả hai không ỷ lại.
Khinh mạn người phước mỏng
Do đó sinh các khổ
Mạn là gốc các khổ
Các Đạo sư đã nói
Có mạn khổ tăng trưởng
Lìa mạn khổ liền diệt.
Đời tuy tu Tam-muội
Mà không lìa ngã tưởng
Lỗi lầm lại khởi lên
Giống như Ưu-điệt-ca.
Nếu tu sự vô ngã
Trong đó sinh vui mừng
Là nhân vui Niết-bàn
Chẳng do pháp thế gian.
Như bị lũ giặc vây
Vì sống, muốn chạy trốn
Không chân, không thể chạy
Liền bị giặc giết hại.
Kẻ si phá giới vậy
Muốn ra khỏi thế gian
Không giới, không thể đi
Bị lão, bệnh, tử giết.
Như giặc mạnh cầm đao
Cướp giật hại khắp nơi
Phiền não cũng như vậy
Hại căn lành chúng sinh.
Nhiều người nói ấm không
Không biết ấm vô ngã
Nếu hỏi ấm có không
Nhăn mày, giận đối đáp.
Nếu biết ấm vô ngã
Nghe chửi, tâm không giận
Mê hoặc buộc, thuộc ma
Ngộ không, không phẫn nộ.
Như người bệnh, thân đau
Nhiều năm khổ bức não
Bệnh này qua nhiều năm
Muốn tìm thuốc chữa lành.
Người ấy hỏi nhiều nơi
Liền gặp được thầy hay
Thầy thương cho thuốc tốt
Bảo uống, sẽ lành bệnh.
Người ấy được thuốc hay
Không uống, bệnh không lành
Không phải lỗi thầy thuốc
Nên biết lỗi người bệnh.
Nơi pháp này xuất gia
Đọc tụng Đạo phẩm giáo
Nói và làm không giống
Làm sao được giải thoát?
Thể tánh các pháp không
Con Phật quán việc ấy
Tất cả hữu đều không
Ngoại đạo không hề có.
Trí ngu không tranh nhau
Dũng mãnh nên lìa bỏ
Bị mắng không trả thù
Pháp ngu ngươi chớ ghét.
Trí, không ngu qua lại
Khéo biết tánh huân tập
Tuy lại cùng thân nhau
Sau trở thành oán ghét.
Trí không thân với ngu
Biết chí họ không bền
Thể tánh tự phá hoại
Đừng làm bạn với ngu.
Nếu nghe lời như pháp
Người hủy giới không vui
Tự nhiên khởi sân hận
Nên biết là người ngu.
Người ngu hợp người ngu
Như phân trộn với phân
Trí với trí cùng ở
Như hợp hai đề hồ.
Không xét lỗi thế gian
Không tin vào nhân quả
Không tin lời Phật dạy
Ở đời bị xa lìa.
Bần cùng không của cải
Không sống, cầu xuất gia
Đã xuất gia pháp ta
Lại tham trước y, bát,
Họ gần ác tri thức
Phá hủy cấm giới ta.
Không tự quán việc mình
Trong tâm không an trú
Ngày đêm sống phi pháp
Làm ác không biết chán.
Thân tâm luôn phóng dật
Miệng thường nói lời thô
Luôn rình mò lỗi người
Thấy rồi nói người khác.
Tự che lỗi của mình
Là tướng rất ngu si
Người ngu ham ăn uống
Không thể biết độ lượng.
Nhờ Phật được ăn uống
Vẫn không tâm báo đền
Được món ăn thượng diệu
Không đúng với pháp ấy
Ngược lại ăn bị hại

Như voi ăn sen bùn.
Tất cả món thượng vị
Người trí tuy ăn vào
Căn vắng lặng không tham
Chọn món ăn như pháp.
Tuy có người trí sáng
Hỏi kẻ ngu đâu đến?
Không thân luyến với họ
Chỉ khởi lòng xót thương.
Người trí lợi kẻ ngu
Kẻ ngu làm suy tổn
Ta thấy lỗi này rồi
Như nai ở chỗ vắng.
Người trí thấy lỗi này
Không ở chung với ngu
Nếu lui tới kẻ ngu
Mất trời huống Bồ-đề.1
Người trí thường Từ bi
Từ, Bi hợp với hỷ
Thường Xả tất cả hữu
Tu định, chứng Bồ-đề.
Ngộ đạo, trừ lo sợ
Thấy người già chết khổ
Nên khởi lòng xót thương
Nói lời hợp chân nghĩa.
Nếu người biết Phật pháp
Lìa ngôn thuyết Thánh đế
Nếu ai nghe pháp này
Lìa tham thực, Thánh thương.

Này Đồng tử! Vì nghĩa lý đó nên muốn được thành tựu hạnh kiên cố, Bồ-tát nên học như vậy. Vì sao? Này Đồng tử! Nhờ hạnh kiên cố nên Bồ-tát đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không khó khăn, huống gì là Tam-muội này vậy.

Bấy giờ Đồng tử Nguyệt Quang bạch Phật:

–Hy hữu thay Thế Tôn! Như Lai, Bậc Ứng Chánh Biến Tri đã khéo nói về hạnh kiên cố này để nhập vào pháp Tam-muội ấy. Ngài đã khéo nói, khéo kiến lập tất cả sở học Bồ-tát. Đó chính là tất cả hành xứ của Như Lai, không phải là địa vị của Thanh văn, Bích-chiphật làm được, huống gì là ngoại đạo!

Bạch Thế Tôn! Nay con sẽ trụ hạnh kiên cố này. Vì sao? Vì con muốn sở học như Phật. Nay con muốn học vì con muốn biết quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ấy. Con muốn phá hoại ma Ba-tuần và quyến thuộc của chúng. Con muốn giải thoát tất cả khổ cho chúng sinh. Cúi mong Đức Như Lai và Tỳ-kheo tăng cùng các quyến thuộc chứng minh, chấp nhận sự thỉnh cầu của con, là vì thương xót con.

Bấy giờ Đức Như Lai và Tỳ-kheo tăng im lặng chấp nhận. Đồng tử Nguyệt Quang thỉnh Phật và Tỳ-kheo tăng sáng ngày mai đến thọ thực và được Phật chấp nhận.

Bấy giờ Đồng tử Nguyệt Quang đã được Đức Như Lai chấp nhận sự cúng dường nên vui mừng khôn xiết, hạnh sâu xa, liền từ tòa đứng dậy, bày áo vai bên phải, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng rồi cáo từ ra về.

Bấy giờ Đồng tử Nguyệt Quang hướng về thành Vương xá để trở về nhà mình. Về đến nhà thì ngay đêm ấy liền chuẩn bị các thứ ẩm thực thượng vị nhiều vô số. Tại thành Vương xá, nơi nơi đều treo lụa năm màu, rải các loại hoa, dựng tràng phướn lọng, đốt các hương thơm, bố thí các mùng màn, quét sạch đường sá, vứt bỏ ngói gạch. Tại ngã tư đường rưới nước làm cho sạch sẽ, rải tung bột chiên-đàn và các loại quý báu khắp nơi; lại tung các loại hoa, các thứ hoa báu xen kẻ trên mặt đất giống như hình vẽ; lại dùng vô lượng vật dụng chạm trổ, trang nghiêm các nẻo đường. Trong thành, khắp nơi đều có hoa Ưubát-la, hoa Câu-vật-đà, hoa Bát-đầu-ma, hoa Phân-đà-lợi. Ở trong nhà toàn dùng chiên-đàn ngưu đầu rải quanh, dùng các thứ trang nghiêm, giăng các trướng báu. Vì Đức Phật Thế Tôn mà Đồng tử bày những món ăn thượng vị.

Khi Đồng tử làm những việc trang nghiêm thành quách, đường sá, nhà cửa như vậy, bày các vật cúng dường suốt đêm đầy đủ đến lúc sáng sớm, cùng với tám mươi na-do-tha Bồ-tát, mà Bồ-tát A-dậtđa-làm thượng thủ. Các vị ấy là Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí, Bồ-tát Hương Thượng, Bồ-tát Bảo Tràng, Bồ-tát Man Thắng, Đồng tử Bồ-tát Văn-thù Sư Lợi, Bồ-tát Dũng Kiện Quân, Bồtát Diệu Tý, Bồ-tát Bảo Hoa, Bồ-tát Bất Hư Hiện. Các Đại Bồ-tát như vậy đối với các Bồ-tát khác làm bậc Thượng thủ, cùng các chúng Đại Bồ-tát như vậy, vây quanh trước sau, ra khỏi đại thành Vương xá, đến chỗ Đức Như Lai, sửa lại y phục, đầu mặt đảnh lễ, nhiễu quanh bên phải ba vòng, bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Đã đến giờ thọ thực, trai soạn đã dọn xong, mong Thế Tôn hạ cố vào thành Vương xá đến nhà con, vì lòng xót thương mà thọ nhận sự cúng dường của con.

Bấy giờ Đức Thế Tôn, trước đó đã đắp y, cầm bát, cùng Đại Tỳ-kheo cả thảy đến trăm ngàn vị, vô lượng trăm ngàn ức na-do-tha Đại Bồ-tát, Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già… vô lượng trăm ngàn vị đồng tử đã thiết lễ cúng dường, cung kính tán thán đại oai lực của Phật, đại thần túc của Phật, đại biến hiện của Phật, đại oai nghi của Phật, đã phóng ra trăm ngàn vạn ức na-do-tha ánh sáng, tấu lên trăm ngàn loại kỹ nhạc, mưa các thứ hoa trời. Vì thọ nhận sự cúng dường của Đồng tử Nguyệt Quang, nên Đức Phật vào thành Vương xá.

Đức Phật với sự tích tập vô lượng căn lành từ lâu, nên lúc bàn chân có bánh xe ngàn căm bước vào thành thì hiện ra vô số sự thần biến chưa từng có. Chư Phật Như Lai, nếu khi vào thành, pháp như vậy là đều hiện sự thần biến ấy. (Nay các ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì các ông mà nói).2

Khi Đức Phật vào thành, có thần đức nói kệ tụng rằng:

Đại Tiên vào thành vua
Chân Ngài bước vào thành
Oai lực động đại địa
Chúng sinh đều hoan hỷ.
Các người thiếu ăn uống
Được lìa khổ đói khát
Thân ấy đều no đủ
Nhờ Phật vào cổng thành.
Người điếc, đui, câm, ngọng
Kẻ bần cùng, phước mỏng
Các căn đều đầy đủ
Nhờ Phật vào cổng thành.
Ngạ quỷ cõi Diêm-la
Ăn đờm, mủ, phân, tiểu
Được món ăn của trời
Nhờ Phật bước vào thành.
Các núi và núi báu
Các thứ hoa quả rừng
Khom mình hướng về Ngài
Nhờ Phật bước vào thành.
Biển cả, thành, tụ, ấp
Đất có sáu chấn động
Không bức não chúng sinh
Nhờ Phật bước vào thành.
Người, Trời, Cưu-bàn-trà
Hoan hỷ ở không trung
Cầm lọng báu che Phật
Phát tâm đại Bồ-đề.
Các âm nhạc không đánh
Tự nhiên phát tiếng hay
Mọi ngươi đều hoan hỷ
Nhờ Phật bước vào thành.
Trăm ngàn vạn ức cây
Dâng Phật đủ hoa quả
Chư Thiên đứng giữa không
Chẳng phải người bày cúng.
Trăm ngàn các Ngưu vương
Vua thú, sư tử rống
Voi, ngựa đều cúi lạy
Nhờ Phật bước vào thành.
Các đại vương trong nước
Thấy Thế Tôn Thập Lực
Đạo sư sắc thắng diệu
Hoan hỷ nên đảnh lễ.
Mọi người tâm mừng khen
Hoặc tung các diệu hoa
Chắp mười ngón tay lại
Khen Phật là đại Bi.
Hoặc tung các anh lạc
Ấn Cừ tý kim ngân
Hoặc tung lên sư tử
Phát tâm đại Bồ-đề.
Người nữ dâng tóc vàng
Hoặc rải các hoa thơm
Hoặc cởi vàng, anh lạc
Trang điểm nơi thân thể.
Có người tung hoa vàng
Các vật để trang sức
Tuy bỏ không một lòng
Mong cầu chư Phật đạo.
Dân chúng mặc y đẹp
Hoặc lại rải đảnh châu
Và giăng các lưới báu
Vì Phật vào cổng thành.
Nếu người bệnh khổ bức
Cung tên ưu sầu bắn
Tất cả đều an lạc
Nhờ oai đức Đạo Sư.
Câu-sí-la, anh võ
Khổng tước và Tần-già…
Các chim trong không trung
Phát tiếng hay, hòa nhã.
Các chim tâm vui mừng
Khi phát diệu âm này
Diệt được người tu hành
Phiền não, tham, sân, si.
Vô lượng ức chúng sinh
Nghe tiếng được thuận nhẫn
Làm Thánh thọ ký họ
Vị lai đều thành Phật.
Thấy thân Phật Thập Lực
Chúng sinh thích trí Phật
Con làm sao để được
Phật biết muốn thọ ký.
Mỗi lỗ chân lông Phật
Phóng trăm ngàn ánh sáng
Chiếu khắp các cõi Phật
Do Phổ Nhãn vào thành.
Trời, trăng bị khuất lấp
Lửa trời ma-ni báu
Các ánh sáng không hiện.
Vì Phật vào cửa thành.
Trăm ngàn hoa sen nở
Ngàn cánh ra khỏi bùn
Đấng Thập Lực bước lên
Cùng chúng dạo khắp thành.
Đường đi thật sạch sẽ
Toàn trải bằng hương quý
Khắp thành đốt hương thơm
Mùi thơm rất đáng yêu.
Đường sá thật tráng lệ
Trừ khử hết ngói, gạch
Nhờ công đức Thập Lực
Đủ các thứ hương hoa.
Trăm ngàn ác Dạ-xoa
Thấy thân Phật sắc vàng
Khởi tâm đại Bi mẫn
Tịnh tâm quy y Phật.
Các Thiên cung trống không
Đều đến chiêm ngưỡng Phật
Hư không mưa các hoa
Khi Phật vào thắng thành.
Nếu có người rải hoa
Chỗ đức Nhân Thiên Sư
Thành lọng hoa che Phật
Thân trang nghiêm tốt đẹp.
Người, Trời và Tu-la…
Thấy Phật, Bậc Thập Lực
Tâm hoan hỷ vui mừng
Chưa từng có nhàm chán.
Bên phải trăm ngàn Phạm
Bên trái trời Đế Thích
Vô số trời trong không
Cung kính Tam Giới Tôn.
Khi Phật thần biến xong
Khai thị thắng diệu pháp
Trăm ngàn chúng nghe xong
Phát tâm đại Bồ-đề.
Tướng tốt, hoa làm thân
Như sao đầy bầu trời
Phật đi đường của vua
Như trăng tròn trên trời.
Như báu tịnh ma-ni
Trong sạch, không tỳ vết
Phóng ánh sáng mười phương
Cõi Phật chiếu cũng vậy.
Các vị trời vây quanh
Nhân Tôn vào thành vua
Đi trên đất như vẻ
Vào nhà của Nguyệt Quang.
Thành quách đều trang nghiêm
Trăm ngàn ức phướn lọng
Chiên-đàn rải mặt đất
Tung hoa để trang nghiêm.
Đi Phật đi trên đường
Phát lòng thương rộng lớn
Miệng phóng vô lượng quang
Tỏa hương mà thuyết pháp.
Thấy thân Phật liền vui
Hoan hỷ chẳng nghĩ bàn
Khi nào chúng ta được
Cúng dường Bậc Pháp Vương.
Vô lượng người phát tâm:
“Sáng mai ta thỉnh Phật
Bậc thương đời cứu độ
Rất lâu khó gặp được”.
Hoặc dọn sạch đường thành
Thắng diệu tự trang nghiêm
Đủ các hoa, anh lạc
Cúng Phật, vì Bồ-đề.
Hoặc vòng hoa Chiêm-ba
Bà-sư, Mục-đa-già
Hoặc là giăng vải lụa
Phát chí tâm thuần nhất.
Hoặc tại gia, tâm tịnh
Y đẹp tự trang nghiêm
Dùng lụa đẹp, các hoa
Cúng dường chúng Tỳ-kheo.
Với hoa Ưu-bát-la
Lại tung hoa Diệu kim
Các thứ báu ma-ni
Hoặc tung bột chiên-đàn.
Hiện các việc hy hữu
Không thể tính số lượng
Khi Phật đi vào thành
Nhiều người phát tâm đạo.
Không phiền não thấy đế
Trời Thiện hiện, Thiện kiến
A-ca-ni ly dục
Tất cả đến xem Phật.
Thân ngọt ngào quả lớn
Trăm na-do-tha chúng
Như ma-ni chiếu sáng
Đều đến chiêm ngưỡng Phật.
Vô số Tịnh Thiên tử
Và các trời Thiểu tịnh
Vô lượng Tịnh Thiên tử
Đều đến xem Đại Tiên.
Các Thiên tử Thiểu quang
Và trời Vô lượng quang
Các Thiên tử Quang âm…
Cũng đều đến xem Phật.
Thiên tử trời Phạm phụ
Cùng với trời Phạm chúng
Các định tạng Đại phạm…
Đều đến xem Thế Tôn.
Tha hóa Thiên hoan hỷ
Hóa lạc Thiên thiện tâm
Chúng Đâu-suất, Diêm-ma
Thiên vương Tam thập tam,
Bốn phương bốn Thiên vương
Tài chủ Tỳ-lâu-lặc
Ác Nhãn Đề-lại-tra
Liền đến lễ kính Phật.
Vua Dạ-xoa đại lực
Cùng quyến thuộc tâm tịnh
Cùng thân tộc trên không
Mưa các diệu hoa trời.
Hằng Túy cầm hoa trời
Nắm các thứ vòng hoa
Cùng quyến tộc hoan hỷ
Cúng dường Thắng trượng phu.
Bách Khí Túc Dạ-xoa
Cùng vợ và quyến thuộc
Tự tấu âm nhạc hay
Cúng dường Đức Như Lai.
Vui mừng say sưa hát
Là vua Khẩn-na-la
Sống ở đỉnh Hương sơn
Vui mừng đến tập hội.
Bà-nhã Thiểm-bà-lợi
La-hầu Tỳ-ma-chất
Cùng đại oai đức khác
Mưa các loại vật báu.
Hơn vô lượng La-sát
Nhiều chúng đang vây quanh
Đều cầm các diệu hoa
Cung kính tung lên Phật.
Đại Long vương A-nậu
Nữ thiện học âm nhạc
Tấu trăm thứ tiếng hay
Thành tâm cúng dường Phật.
Năm trăm Nậu Long tử
Cầu trí Bồ-đề rộng
Cùng quyến thuộc vây quanh
Đều cúng Vô thượng tôn.
Long vương A-ba-la
Chắp tay hướng về Phật
Cầm trân châu Long thắng
Trên không cúng dường Phật.
Long vương Mục-chân-đà
Nỗi vui mừng khôn xiết
Tung các áo đẹp quý
Tịnh tâm mà cúng dường.
Họ khởi tâm kính Phật
Niệm vô lượng công đức
Các thân quyến vây quanh
Đều đến khen ngợi Phật.
Nan-đà, Bạt-nan-đà
Đức-xoa, Hắc-cù-đàm
Cùng quyến thuộc đến Phật
Quỳ gối lạy Thiện Thệ.
Long vương Y-la-bát
Trăm quyến thuộc khóc lóc
Nhớ nghĩ Phật Ca-diếp
Chán ghét sự thọ sinh.
Xưa ta mãi nghi hoặc
Phá Tiểu Y Lan Diệp
Nên sinh nơi nạn xứ
Không thể biết Phật pháp.
Rất ghét thân rắn này
Muốn mau bỏ loài rồng
Biết được pháp thanh lương
Đã đạt được đạo tràng.
Hằng ngàn Long vương khác
Hải long, Ma-na-tư
Đem áo rồng thượng diệu
Đến dâng Nhân Trung Tôn.
Điều-đạt ném đá Phật
Dạ-xoa trú hư không
Tên là Kim-tỳ-la
Cung kính đến trước Phật.
Thành A-tra Dạ-xoa
Đại Dạ-xoa Không Thiên
Giao hẹn cùng tập hội
Cúng dường Bậc Đại Tiên.
Dạ-xoa Khôi Mao
Châm A-tra-bà đáng sợ
Tuyết sơn, Đà-đa-sơn
Lừa Dạ-xoa quy Phật.
Các thân hình khác nhau
Mặc áo rách đáng sợ
Quỷ Đa-na-do-tha
Dâng vật quý cúng Phật.
Kim sí điểu Thực Hải
Biến thành Bà-la-môn
Mão báu tự trang nghiêm
Trên hư không lạy Phật.
Các thành ở Diêm-phù
Tất cả trời Đại lâm
Thần của thành đồng đến
Cúng dường Thế Gian Giải.
Vô lượng Lâm thiên đến
Cùng với các thọ thần
Cùng tất cả thần sông
Vân tập đến Pháp vương.
Thần núi Phong Nham Lãnh
Trời Đội Phụ cùng đến
Thần suối với ao hồ…
Cùng Hải thần vui đến.
Trời, Người, Quỷ, Tu-la
Ca-lâu với Cưu-bàn…
Ngạ quỷ, Phú-đơn-na
Đều đến cúng dường Phật.
Chư Thiên, chúng Tu-la
Ly mạn, đều cúng dường
Thấy Phật vào Vương thành
Nhìn mãi mà không chán.
Hơn tu Bồ-tát hạnh
Cúng dường Phật Thế Tôn
Phật làm tịnh nghiệp này
Chúng sinh nhìn không chán.
Núi Tu-di luân thảy
Và các núi Diêm-phù
Không thể làm chướng ngại
Chư Phật chiếu sáng khắp.
Các biển Ta-bà này
Đất đai đều bằng phẳng
Cõi Phật đều biến khắp
Rải các hoa khắp đầy.
Trăm ngàn các ánh sáng
Phóng dưới chân Pháp vương
Địa ngục đều mát mẻ
Trừ khổ được an lạc.
Đấng Thập Lực thuyết pháp
Trời, người được tâm tịnh
Vô lượng trăm ngàn chúng
Quyết định nơi Phật đạo.
Vô đẳng đẳng vào thành
Hiện sự thần biến này
Vô lượng trăm ngàn kiếp
Phật nói vãn không cùng.
Thắng đức tụ như vậy
Ngưu vương vượt bờ kia
Tất cả đức cứu cánh
Cúi lạy Phật phước điền.

Bấy giờ Đức Thế Tôn cùng các Tỳ-kheo vây quanh trước sau, đi đến chỗ ở của Đồng tử Nguyệt Quang, ngồi lên tòa đã đặt sẵn. Các Tỳ-kheo thứ lớp ngồi xong, khi ấy Đồng tử Nguyệt Quang biết Đức Phật, Bồ-tát, Tỳ-kheo đã ngồi xong, tự tay bưng dọn các món ăn tuyệt hảo. Đó là: Khư-thiền-ni, Bồ-thiền-ni, Lê-kha-na, Chư-sani… Lại đem nước uống, dùng thức ăn trăm vị, làm cho Đức Như Lai và đại chúng được no đủ. Khi thấy chư Tôn đã no đủ, Đồng tử vui mừng nhảy nhót, hết sức hân hoan.

Đức Phật và đại chúng đã thọ thực xong, cất bát, rửa tay. Đồng tử dùng y giá trị vạn ức dâng lên Như Lai. Chúng Tỳ-kheo tùy theo thứ lớp: Thượng, trung hay hạ, đồng tử đều thứ lớp dâng cúng. Bấy giờ Đồng tử Nguyệt Quang dâng y lên Phật và Tăng xong, bày áo vai bên phải, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay đảnh lễ, đứng trước Đức Phật, im lặng, nói bài kệ để hỏi Đức Thế Tôn:

Bồ-tát, bậc Trí làm hạnh gì Thường hay biết rõ các pháp tánh?

Làm sao thay vào nghiệp đã tạo?
Cúi mong Đạo Sư nói cho con.
Làm sao biết được kiếp quá khứ?
Làm sao không vào bào thai nữa?
Làm sao để được chúng không hoại?
Làm sao để được vô lượng biện?
Định tuệ Vô thượng Lưỡng Túc Tôn?
Như điều con hỏi xin Phật nói
Biết được tâm hạnh các chúng sinh
Với tất cả pháp không còn nghi.
Phật biết thể tánh tất cả pháp
Pháp lìa ngôn ngữ, dùng ngôn thuyết
Như sư tử hống, dã can sợ
Phật hàng ngoại đạo cũng như vậy
Biết việc làm của chúng sinh
Thông đạt các pháp đến bờ kia
Trí tuệ vô ngại, cảnh giới tịnh
Cúi mong Thế Tôn nói cho con
Biết đời quá khứ và vị lai
Với đời hiện tại Phật biết rõ
Trí vô ngại ba đời biết được
Cho nên con hỏi Thích sư tử
Các Phật pháp tất cả ba đời
Thế Tôn Pháp vương đều biết rõ
Với thể tánh pháp khéo giác ngộ
Cho nên con hỏi Đại trí hải
Hay lìa tất cả lỗi các pháp
Vì hay đoạn trừ tâm ô uế
Cắt đứt tất cả dây si uế
Mong Phật nói cho hạnh Bồ-đề
Mà Phật đạt được các pháp tướng
Như tướng sở đắc nói cho con
Con nghe pháp tương như vậy rồi
Nương tướng đã nghe hành Bồ-đề
Hành tướng chúng sinh nhiều sai biệt
Con làm hạnh gì để hiểu được?
Mong nói cho con pháp nhập hạnh
Con nhờ nghe được nên mới biết
Tất cả các pháp đều sai biệt
Thế thì không tịch, tánh xa lìa
Bồ-đề làm sao hay biện chứng?
Mong nói cho con pháp mẫu này
Với tất cả pháp đến bờ kia
Ngôn thuyết pháp cú đã tu học
Chính mình không nghi trừ nghi người
Vì con hiển thị Bồ-đề Phật.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10