PHẬT NÓI KINH NGƯỜI CON CỦA THIỆN SINH
Hán dịch: Đời Tây Tấn_ Sa Môn CHI PHÁP ĐỘ
Việt dịch: HUYỀN THANH

 

Nghe như vầy. Một thời Chúng Hữu (Bhagavat: một Hiệu của Đức Thế Tôn) đi đến núi Kỳ Xà Quật (Gṛdhrakūṭa: núi Linh Thứu) ở La Duyệt Kỳ

(Rājagṛha:Vương Xá). Lúc đó vị cư sĩ Thiện Sinh (Sujàta) bị bệnh tật rất nặng, răn dạy người con rằng: “Sau khi Ta mất, con nên vái lạy sáu phía (6 hướng)”

Vào ngày khác thời Thiện Sinh mất mạng. Người con (tên là Sīṅgālaka:Tác Thiện Sinh) liền tôn kính đưa tiễn, cúng dường, làm tang lễ xong xuôi rồi luôn luôn thức dậy sớm, tắm gội, mặc áo mới, ở trên mặt nước (? bên bờ sông) bái yết sáu phía rồi nói rằng: “Tôi xin cung kính nghiêm túc kính lễ mầm giống sinh ở phương Đông. Cầu xin loài ấy cũng lại tôn kính tôi như vậy”.

Vòng khắp phương Nam, phương Tây, phương Bắc, phương trên, phương dưới…mỗi một phía đều đồng một lời khấn.

Bấy giờ, sáng sớm Đức Phật mặc áo, cầm bình bát muốn đi vào thành, nhìn thấy người con của cư sĩ Thiện Sinh ở trên mặt nước, bái yết sáu phía như vậy. Chúng Hữu (Đức Thế Tôn) liền đến, rồi hỏi rằng: “Này người con của cư sĩ ! Ngươi nghe thế nào mà ngay lúc sáng sớm, thức dậy, tắm gội, mặc áo mới, bên trên mặt nước, bái yết sáu phía rồi tự nói cung kính nghiêm túc vái lạy ở các phương rồi lại muốn cho phương ấy tôn kính mình. Đấy là Pháp của vị Thầy nào ? Hỡi người con của Thiện Sinh !”

Người con của Thiện Sinh đáp rằng: “Khi cha của con sắp chết, trước đó có dạy bảo điều này cho nên con phải tuân hành, chứ chẳng phải nghe từ vị Thầy nào cả”.

Chúng Hữu (Đức Thế Tôn) bảo rằng: “Này người con của cư sĩ ! Lời cha ngươi đã nói, chẳng phải là sáu phương này vậy. Một mai, tờ mờ sáng chỉ ngồi, hướng về sáu phía mà ham muốn. Như có bốn phía, làm điều nhơ xấu thời chẳng thể hối hận kịp, tức thân ấy bị chết, tinh thần sẽ sinh vào đường ác, trong Địa Ngục. Phàm con người do bốn việc này phải chịu lao nhọc… nên phải hiểu biết.

Thế nào là bốn?

1_ Yêu thích sát sinh.
2_ Yêu thích trộm cắp
3_ Làm điều dâm tà
4_ Ưa thích nói dối.

Đức Phật tụng nghĩa ấy là:

Sát sinh và trộm cắp
Lọc lừa, ưa nói nói
Hướng đến vợ người khác
Người Trí chẳng hề khen

Lại, người con của cư sĩ ! Có bốn việc dẫn đến đường ác. Thế nào là bốn ?

1_ Ham muốn (dục)
2_ Giận dữ (nộ)
3_ Ngu si (si)
4_ Sợ hãi (úy).

Tụng nghĩa ấy là:

Có Dục, giận, si, sợ
Chẳng nương nhận Chính Pháp
Đấy gọi là chốn thấp
Giống như trăng khuyết dần
Không dục, giận, si, sợ
Mà nương nhận Chính Pháp
Đấy gọi là chốn cao
Giống trăng đang tròn đầy

Lại, người con của cư sĩ ! Có sáu tai vạ làm tiêu tan tiền của, đi vào đường ác…cần phải hiểu biết. Thế nào là sáu?

  1. Nghiền rượu, chơi bời buông thả.
  2. Chẳng đúng thời đi vào phòng của người khác.
  3. Cờ bạc, chơi bời buông thả.
  4. Rất ưa thích kỹ nhạc
  5.  Chơi với bạn ác
  6. Lười biếng

Tụng nghĩa ấy là:

Uống rượu, vào phòng khác
Thích cờ bạc, hát xướng
Bạn ác với lười biếng
Bậc Thánh Triết chẳng khen.

Phàm Rượu có sáu điều chính đáng nên biết. Thế nào là sáu?

  1. Làm tiêu tan tiền của
  2. Dẫn đến bệnh tật,
  3. Dấy lên sự tranh đấu
  4. Gây nhiều sự giận dữ,
  5. Bị mất danh dự
  6. Bị hao tổn Trí.

Do có điều xấu này liền phế bỏ sự nghiệp, tiền của chưa đến thì chẳng thể có được, làm tiêu tan tiền của đã được giúp đỡ, vốn tích trữ bị hao hết.

Dâm Tà có sáu điều chính đáng nên biết. Thế nào là sáu ?

  1. Chẳng tự bảo vệ được thân mình
  2. Chẳng thể che chở vợ con
  3. Chẳng thể giúp đỡ gia thuộc
  4. Do nghi ngờ nên sinh điều ác
  5.  Kẻ oan gia được dịp thuận tiện gây hại
  6. Bị mọi điều khổ bủa vây.

Do có điều xấu này liền phế bỏ sự nghiệp, tiền của chưa đến thì chẳng thể có được, tiền của đã có được bị tiêu tan, vốn tích trữ bị hao hết.

Cờ bạc có sáu điều chính đáng nên biết. Thế nào là sáu ?

  1. Khi thắng liền sinh oán thù
  2. Khi thua ắt nổi nóng
  3. Khiến cho bạn bè lo lắng
  4.  Kẻ oan gia thích thú
  5.  Bị ngục tù, lo lắng diều xấu
  6.  Bị mọi người nghi ngờ.

Do có điều xấu này liền phế bỏ sự nghiệp, tiền của chưa đến thì chẳng thể có được, tiền của đã có được bị tiêu tan, vốn tích trữ bị hao hết.

Ưa thích kỹ nhạc có sáu điều chính đáng nên biết. Thế nào là sáu ?

  1. Để tâm vào điệu múa
  2. Để tâm vào lời ca
  3. Để tâm tại dây đàn
  4. Để tâm tại nhịp phách
  5. Để tâm vào cái trống
  6. Để tâm vào các việcấy.

Do có điều xấu này liền phế bỏ sự nghiệp, tiền của chưa đến thì chẳng thể có được, tiền của đã có được bị tiêu tan, vốn tích trữ bị hao hết.

Bạn ác có sáu điều chính đáng nên biết. Thế nào là sáu ?

  1. Tập cho say sưa, mê muội
  2. Tập cho mù mờ, rối loạn
  3. Tập cho phóng túng buông thả
  4. Tập quen với nhà bán rượu
  5. Tập quen với kẻ tiểu nhân
  6. Tập quen với lời nói thô bỉ.

Do có điều xấu này liền phế bỏ sự nghiệp, tiền của chưa đến thì chẳng thể có được, tiền của đã có được bị tiêu tan, vốn tích trữ bị hao hết.

Lười biếng có sáu điều chính đáng nên biết. Thế nào là sáu?

  1. Lúc no chẳng chịu làm
  2. Khi đói chẳng chịu làm
  3. Lúc lạnh chẳng chịu làm
  4. Lúc nóng chẳng chịu làm
  5. Sáng sớm chẳng chịu làm
  6. Chiều tối chẳng chịu làm.

Do có điều xấu này liền phế bỏ sự nghiệp, tiền của chưa đến thì chẳng thể có được, tiền của đã có được bị tiêu tan, vốn tích trữ bị hao hết.

Tụng nghĩa ấy là:

_Ưa sắc đẹp, ca múa
Ngày nghỉ, đêm theo nó
Bạn ác với lười biếng
Kẻ sĩ hao tổn lớn
_Cờ bạc, rượu, hoảng sợ
Tâm để tại người nữ
Xa hiền mà gần ngu
Huỷ nát giống trăng tàn
_Hành thân (lập thân ở đời) tự kiêu ngạo
Khinh huỷ Đạo Sa Môn
Hành Tà Kiến, keo kiệt
Ðấy là kẻ Mạn Đãng (?kẻ nhờn láo đáng bị khinh bỉ)
_Phàm rượu hại tiền của
Ít lợi, uống càng khát
Nước bệnh thêm nợ nần
Làm loạn nguy thân bệnh.
_Hoặc dùng rượu kết bạn
Hoặc vì rượu phạm pháp
Nếu muốn lợi, tốt đẹp
Do nén nhịn việc này.
_Hoặc ngày như giữ Giới
Mờ tối phạm trộm cắp
Sẽ y theo lò rượu
Như đây, chớ gần gũi.
_Chẳng từ lạnh đến nóng
Như cỏ chẳng quý mình
Tinh tiến sửa sự nghiệp
Lợi ấy là tổn hại .
_Nếu chịu được nóng lạnh
Như cỏ chẳng quý mình
Tinh tiến sửa sự nghiệp
Liền yên, lại có ích.
_Quen xuống, tiêu tan dần
Tập lên, chưa từng tổn
Khéo theo Tôn Siêu Nhiên (cao siêu xuất chúng)
Làm Thiện ắt được Thiện (Kuśala).
_Rất Thiện liền gặp Thiện
Tin Thiện, hay gom tập
Điều thân thích ưa chuộng
Phụng Giới để diệt ác
_Thế nên cần tập làm
Đã có làm, lại làm
Kẻ ấy trên thân thích
Như vua đến nơi Chúng.

Lại nữa, này người con của Cư Sĩ ! Có bốn loại giống như bạn nhưng chẳng phải là bạn nên hiểu biết. Thế nào là bốn?

  1. Chọn lấy vật lạ
  2.  Nói lời nịnh hót
  3.  Yêu thương ngoài mặt
  4. Dạy bảo điều sai quấy

Tụng nghĩa ấy là:
Bạn chọn lấy vật lạ
Nói tốt đẹp thuận tai
Bàn bạc, luôn nịnh nọt
Dạy Tà bậy, hiểm nguy
Ðây chẳng phải là bạn
Người Trí chẳng làm bạn
Ðã biết, nên lìa xa
Giống ra khỏi đường xấu.

Bạn chọn lấy vật lạ nên dùng bốn việc để biết. Thế nào là bốn ?

  1. Tham lam chọn lấy vật ấy
  2. Cho ít mà mong muốn nhiều.
  3. Vì sợ cho nên theo làm quen
  4. Vì lợi cho nên theo làm quen

Tụng nghĩa ấy là:

Phàm đã lấy vật ấy.
Cho ít mà muốn nhiều
Làm quen vì sợ, lợi
Người tham, bạn đúng thế.
Ðây chẳng phải là bạn
Người Trí chẳng làm bạn
Ðã biết, nên lìa xa
Giống ra khỏi đường xấu.

Bạn nói lời nịnh hót, nên dùng bốn việc để biết. Thế nào là bốn ?

  1. Nói chuyện riêng tư của người
  2. Tự dấu chuyện riêng tư của mình;
  3. Gặp mặt, dối trá khen tốt lành
  4. Lui ra liền dấy lời nói xấu

Tụng nghĩa ấy là:

Thích nói chuyện của người
Chuyện của mình, tự dấu
Gặp mặt khen tốt lành
Lui ra liền nói xấu
Ðây chẳng phải là bạn
Người Trí chẳng làm bạn
Ðã biết, nên lìa xa
Giống ra khỏi đường xấu.

Bạn chỉ yêu thương ngoài mặt nên dùng bốn việc để biết. Thế nào là bốn?

  1. Nói việc yếu kém đã qua của người.
  2. Ngầm tìm lỗi ở tương lai;
  3. Cho chẳng lấy làm quý
  4. Mong muốn người có tai hoạ.

Tụng nghĩa ấy là:

Làm điều chẳng thể làm
Bất lợi, nói dối trá
Cho, chẳng lấy làm qúy
Nguyện người nguy, cầu mình.
Ðây chẳng phải là bạn
Người Trí chẳng làm bạn
Ðã biết, nên lìa xa
Giống ra khỏi đường xấu.

Bạn dạy bảo điều sai quấy, nên dùng bốn việc để biết. Thế nào là bốn ?

  1. Đem việc sát sinh để khuyên bảo người
  2. Đem việc trộm cắp để khuyên bảo người
  3. Đem việc Dâm Tà để khuyên bảo người
  4. Đem việc lừa dối để khuyên bảo người

Tụng nghĩa ấy là:

Sát sinh với trộm cắp
Lọc lừa, nói dối trá
Hướng đến vợ người khác
Khuyên người làm điều này
Ðây chẳng phải là bạn
Người Trí chẳng làm bạn
Ðã biết, nên lìa xa
Giống ra khỏi đường xấu.

Lại người con của Cư Sĩ ! Có bốn loại bạn vì lòng nhân từ sáng suốt, muốn lợi cho người nên hiểu biết. Thế nào là bốn?

  1. Cùng chung khổ, vui
  2. Cùng làm lợi cho nhau
  3. Cùng gây tạo Bản Nghiệp
  4. Vì lòng nhân từ thương xót.

Tụng nghĩa ấy là:

Cùng người chung an, nguy
Thâu nhiếp làm thiện lợi
Hậu đãi sự nghiệp người
Thương xót dẫn đường chính.
Như đây mới là bạn
Nơi kẻ Trí làm quen
Nên làm theo người này
Lợi ích, chẳng làm ác.

Bạn cùng chung khổ vui, nên dùng bốn việc để biết. Thế nào là bốn?

  1. Đem cho vật báu của mình;
  2. Đem lại lợi ích cho vợ con
  3. Đem cho hết thảy người trong nhà
  4.  Nói lời trung thực nhẫn nhịn

Tụng nghĩa ấy là:

Đem cho lợi của mình
Có tài lợi cũng cho
Cho để lợi trong nhà
Nói trung thực nhẫn nhịn.
Như đây mới là bạn
Nơi kẻ Trí làm quen
Nên làm theo người này
Lợi ích, chẳng làm ác.

Bạn cùng làm lợi cho nhau, nên dùng bốn việc để biết. Thế nào là bốn?

  1. Chẳng nói chuyện riêng tư của người kia
  2. Chẳng dấu chuyện riêng tư của mình
  3. Gặp nhau nói lời tốt lành
  4. Nhanh chóng làm ngưng sự chê bai.

Tụng nghĩa ấy là:

Chẳng nói đời tư người
Chẳng dấu đời tư mình
Gặp nhau bàn nói tốt
Nhanh chóng ngưng chê bai
Như đây mới là bạn
Nơi kẻ Trí làm quen
Nên làm theo người này
Lợi ích, chẳng làm ác.

Bạn cùng gây tạo Bản Nghiệp, nên dùng bốn việc để biết. Thế nào là bốn?

  1. Làm lợi cho sự nghiệp
  2. Dùng sức tạo sự nghiệp
  3. Can ngăn sự phóng túng
  4. Dùng điều tốt lành để nuôi dưỡng.

Tụng nghĩa ấy là:

Dùng tài lợi dựng Nghiệp
Dùng sức giúp cho yên
Cắt mài sự phóng túng
Nuôi dưỡng chí tốt lành
Như đây mới là bạn
Nơi kẻ Trí làm quen
Nên làm theo người này
Lợi ích, chẳng làm ác.

Bạn có lòng nhân từ thương xót, nên dùng bốn việc để biết. Thế nào là bốn?

  1. Khuyên dạy đứng vững để thành tựu niềm tin
  2. Khuyên dạy đứng vững để thành tựu Giới
  3. Khuyên dạy đứng vững để thành tựu điều đã nghệ
  4. Khuyên dạy đứng vững để thành tựu sự bố thí

Tụng nghĩa ấy là:

Ðạo Tin (Śrāddha:tín), Giới (Śīla), nghe (Śruta:văn), cho (Dāna:bố thí)
Luôn dùng khuyến hóa người.
Như đây mới là bạn
Nơi kẻ Trí làm quen
Nên làm theo người này
Lợi ích, chẳng làm ác.

_ Lại, người con của Cư Sĩ ! Phàm phía Đông giống như người con đối với cha mẹ vậy. Do đó người con nên dùng năm việc tôn kính chân chính, phụng dưỡng chân chính, an ổn chân chính đối với cha mẹ. Thế nào là năm ?

  1. Nhớ nghĩ báo đáp việc nhà
  2. Mong được sửa sang, đảm nhận gánh vác việc nhà
  3. Mong được phân tích rõ sự việc để nhắc nhở can ngăn cha mẹ
  4. Mong được thuận theo cung cấp nuôi dưỡng cha mẹ
  5.  Mong được thấy cha mẹ vui mừng

Cha mẹ lại nên dùng lấy năm việc yêu thương con cái. Thế nào là năm?

  1. Tạo hưng cơ nghiệp;
  2. Giúp cho lo tính việc lợi ích
  3. Giúp cho có con dâu đẹp
  4. Dạy bảo học Đạo Lý trong Kinh sách
  5. Liền đem hết thảy của cải giao phó cho con.

Ðấy là hai phần được mong muốn của phương Ðông, là phép tắc được bậc Thánh xưa đã chế ra. Làm con phải hiếu thảo, làm cha mẹ phải thương yêu hết mực, kẻ sĩ Trượng Phu ước mong lợi ích mà Pháp lành (Kuśala-dharma: Thiện Pháp) chẳng bị suy kém.

_ Phàm phía Nam giống như Đệ Tử đối với người Thầy vậy. Do đó Đệ Tử nên dùng năm việc tôn kính chân chính, phụng dưỡng chân chính, an ổn chân chính đối với Thầy. Thế nào là năm ?

  1. Mong muốn xét kỹ điều đã được nghe
  2. Mong muốn yêu thích điều đã học
  3. Mong muốn siêng năng hầu hạ Thầy
  4. Mong muốn không có hành vi lầm lỗi
  5. Mong muốn cúng dường Thầy

Người Thầy lại nên dùng năm việc thương yêu dạy bảo Đệ Tử. Thế nào là năm?

  1. Dùng điều mình đã học để cho Đệ Tử học
  2. Đem hết nghề của mình để dạy bảo Đệ Tử.
  3. Khiến cho Đệ Tử siêng năng học hành
  4. Đem đường lối tốt lành để dẫn dắt Đệ Tử
  5. Bảo cho Đệ Tử biết đầy đủ về người bạn hiền

Ðấy là hai phần được mong muốn của phương Nam, là phép tắc được bậc Thánh xưa đã chế ra. Làm Đệ Tử phải khiêm cung, làm Thầy phải dùng lòng nhân từ dạy bảo, kẻ sĩ Trượng Phu ước mong lợi ích mà Pháp lành (Kuśala-dharma: Thiện Pháp) chẳng bị suy kém.

_ Phàm phía Tây giống như người chồng đối với người vợ vậy. Do đó người chồng nên dùng năm việc kính trọng chân chính, nuôi dưỡng chân chính, an ổn chân chính đối với người vợ. Thế nào là năm?

  1. Tâm chân chính kính trọng người vợ
  2. Chẳng hận với ý của người v
  3.  Chẳng có tình với người khác
  4. Ðúng thời cấp cho quần áo, thức ăn
  5. Ðúng thời đem cho vật trang sức báu.

Người vợ lại nên dùng mười bốn việc để phụng sự người chồng. Thế nào là mười bốn?

  1. Khéo làm việc.
  2. Khéo hoàn thành mọi việc
  3. Khi nhận sự giao phó phải suy xét cẩn thận
  4. Thức dậy sớm
  5. Ban đêm nghĩ ngơi
  6. Làm việc phải học hỏi
  7. Đóng cửa chờ đợi Quân Tử (người chồng)
  8. Khi Quân Tử (người chồng) trở về, nên hỏi han
  9. Nói lời êm dịu hoà nhã
  10. Nói năng thuận theo người chồng
  11. Bàn ghế, mền chiếu phải ngay ngắn
  12. Thức ăn uống phải tinh khiết
  13. Nhớ nghĩ việc bố thí
  14. Cung dưỡng người chồng.

Ðấy là hai phần được mong muốn của phương Tây, là phép tắc được bậc Thánh xưa đã chế ra, lễ nghi của vợ chồng, kẻ sĩ Trượng Phu ước mong lợi ích mà Pháp lành (Kuśala-dharma: Thiện Pháp) chẳng bị suy kém.

_ Phàm phía Bắc giống như người bạn đối với người bạn vậy. Do đó người bạn nên dùng năm việc kính trọng chân chính, nuôi dưỡng chân chính, an ổn chân chính đối với bạn bè. Thế nào là năm?

  1. Tâm chân chính kính trọng bạn
  2. Chẳng hận với ý của bạn
  3. Chẳng có tình khác
  4. Thường thường phân chia vị ngon ngọt
  5. Chẳng quên ân sâu dày.

Bạn bè lại nên dùng năm việc để nhiếp lấy người bạn ấy. Thế nào là năm?

  1. Có việc sợ sệt thì khiến quay về với Ta.
  2. Bạn mải rong chơi gây lầm lỗi thì liền trách mắng.
  3. Liền đem che giấu việc riêng tư của bạn
  4.  Cung cấp nuôi dưỡng làm cho lợi ích lâu dài hơn
  5. Nói lời trung thực nhẫn nhịn.

Ðấy là hai phần được mong muốn của phương Bắc, là phép tắc được bậc Thánh xưa đã chế ra, cách giao tiếp của bạn bè, kẻ sĩ Trượng Phu ước mong lợi ích mà Pháp lành (Kuśala-dharma: Thiện Pháp) chẳng bị suy kém.

Phàm phía bên dưới giống như người chủ (Trưởng Tử) đối với tôi tớ trong nhà (Nô khách). Do đó người chủ nên dùng năm việc tôn trọng chân chính, nuôi dưỡng chân chính, an ổn chân chính đối với tôi tớ. Thế nào là năm?

  1. Sai bảo việc vừa với sức của tôi tớ.
  2. Dùng thức ăn, quần áo đúng thời
  3. Thường thường phân chia vị ngon ngọt.
  4. Thường thường khuyên dạy tôi tớ chuyên chú vào công việc
  5. Tôi tớ có bệnh tật liền cho nghỉ ngơi.

Tôi tớ làm việc lại nên dùng mười việc để cung dưỡng người chủ. Thế nào là mười?

  1. Khéo làm việc
  2.  Khéo hoàn thành công việc
  3. Khi nhận sự giao phó phải suy xét cẩn thận
  4. Đêm nẳm nghỉ
  5. Sáng dậy sớm
  6. Phàm việc làm đều phải học hỏi
  7. Làm việc phải dốc sức siêng năng
  8. Nhà chủ nghèo chẳng được khinh thường
  9. Khi người chủ gặp cảnh ngặt nghèo túng thiếu thì chẳng nên rời bỏ.
  10. Khi ra khỏi cửa đều xưng nói là: “Người chủ của nhà tôi sáng suốt có Trí Tuệ”.

Ðấy là hai phần được mong muốn của phương bên dưới, là phép tắc được bậc Thánh xưa đã chế ra, nghi tắc nắm việc của người chủ, kẻ sĩ Trượng Phu ước mong lợi ích mà Pháp lành (Kuśala-dharma: Thiện Pháp) chẳng bị suy kém.

_ Phàm phía bên trên giống như người bố thí tại gia đối với bậc Sa Môn Phạm Chí. Do đó người tại gia nên dùng năm việc tôn kính chân chính, nuôi dưỡng chân chính, an ổn chân chính đối với bậc Sa Môn Phạm Chí. Thế nào là năm?

  1. Mở cửa chờ đợi.
  2. Ði đến nghinh đón, thăm hỏi
  3. Sắp đặt bàn ghế chỗ ngồi
  4. Giúp đỡ bảo vệ cất giữ Kinh Pháp
  5. Bố thí thức ăn trong sạch thanh tịnh. Đem thức đó cúng dường bậc Sa Môn Phạm Chí.

Bậc Sa Môn Phạm Chí lại nên dùng năm việc để đáp lại nhà bố thí. Thế nào là năm?

  1. Dạy bảo khuyên răn để trở thành người có niềm tin chân chính
  2. Dạy bảo khuyên răn để trở thành người có Giới Hạnh
  3. Dạy bảo khuyên răn để trở thành người nghe nhiều hiểu rộng (Bahu-śruta: Đa Văn )
  4. Dạy bảo khuyên răn để trở thành người biết bố thí
  5. Dạy bảo khuyên răn để trở thành người có Trí Tuệ.

Ðấy là hai phần được mong muốn của phương bên trên, là phép tắc được bậc Thánh xưa đã chế ra, nghi tắc của người tại gia với bậc Sa Môn Phạm Chí, kẻ sĩ Trượng Phu ước mong lợi ích mà Pháp lành (Kuśala-dharma: Thiện Pháp) chẳng bị suy kém.

Tụng nghĩa ấy là:

_Phía Ðông là cha mẹ
Thầy dạy hợp phía Nam
Phía Tây là vợ con
Bạn bè là phía Bắc.
Tôi tớ làm việc, (phía) dưới
Sa Môn Phạm Chí, (phía) trên
Như đây nên làm lễ
Cũng là nghi tại gia
_ Phàm người giàu có tiền
Nên nghĩ dùng lợi người
Cùng người đồng tài lợi
Kẻ bố thí lên Trời
Ðược lợi cùng với người
Nơi nơi được an vui
_ Nghĩa thu nhiếp Thế Gian
Đây gần với gốc vui
Phàm ban ân nhiếp người
Như mẹ vì người con
_Khéo nhiếp giúp Thiên Hạ
Phước ấy tính chẳng kịp
Trên được ở Chúng Hội
Hay lợi ích, an vui
Thành Tín Giới của người
Ắt khiến được nghe tên
_ Ý thường chẳng lười biếng
Vứt bỏ hạnh keo kiệt
Nhiếp người dùng tình bạn
Ăn uống cùng ban cho
Qua lại rồi lại đi
Tên như vậy chẳng giảm
_ Người tu thân cẩn thận
Ấy là kẻ khôn ngoan
Cất chứa hàng hóa báu
Nên dấy làm nhân nghĩa
Học hành là hơn hết
Tiếp mới tìm của cải
Nếu kiếm được tiền của
Nên thường chia bốn phần
Một phần lo cơm áo
Hai là gốc cầu lợi.
Dấu một phần dự trữ
Lúc nguy có thể cứu
_Làm ruộng, buôn nuôi trâu
Nuôi dê, nghề…có bốn
Thứ năm sửa chữa nhà
Thứ sáu lo cưới hỏi.
Chứa hàng hóa như vậy
Ngày ngày thêm lợi ích
_ Phàm tiền tụ ngày đêm
Như nước chảy về biển
Của cải, cầu làm dần
Ví như ong lấy mật
Có tiền không giúp giàu
Lại không cho biên phương (nơi nghèo khổ)
Keo kiệt với nghiệp ác
Có sức không giúp bạn
Trong việc bèn liền học
Chẳng dùng, đừng tự hại
_Xem người dùng công việc
Sáng, tốt như lửa rực
Kẻ ấy trong thân tộc
Kiêm làm hai điều tốt
Cùng người thân ngồi yên
Như vui ở cung Trời.

Lúc đó, người con của Thiện Sinh nghe ĐứcChúng Hữu (Thế Tôn) nói xong, liền cúi đầu lễ bàn chân của Đức Phật rồi từ dưới đứng dậy, nhiễi quanh Đức Phật ba vòng, vui mừng tự Quy y, theo Đức Phật thọ nhận Giới.

PHẬT NÓI KINH NGƯỜI CON CỦA THIỆN SINH
_Hết_

20/02/2011