PHẬT THUYẾT NGŨ VÔ PHẢN PHỤC KINH

Hán dịch: Đời Tống, cư sĩ Tự Cừ Kinh Thanh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở nước Xá-vệ, cùng với đông đủ một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo. Bấy giờ, có một vị Phạm chí người nước La-duyệt-kỳ đã từng nghe: Dân chúng trong nước Xá-vệ hiền từ, hiếu thuận, phụng trì kinh pháp, tu tập đạo hạnh, cung kính thừa sự ngôi Tam bảo nên ông liền đi đến nước Xá-vệ, thấy có hai cha con đang cày ruộng, nọc độc của rắn sát hại người con, người cha vẫn cứ cày ruộng, không để ý đến con của mình, cũng không một chút khóc than. Phạm chí liền hỏi:

–Người này con của ai?

Người cày đất trả lời:

–Nó là con của tôi.

Phạm chí hỏi:

–Con của ông, sao ông không than khóc mà vẫn cứ cày như vậy.

Người kia đáp:

–Con người sống thì phải có chết, sự vận thành rồi cũng có hoại. Người hiền lành có quả báo tốt, người hung ác có quả đối nghịch, lo buồn không vui khóc than áo não thì có lợi ích gì cho người chết. Hôm nay ông vào thành, nhà của tôi ở chỗ nọ, xin ông chuyển lời giùm con tôi đã chết, chỉ cần đem một phần ăn thôi.

Vị Phạm chí suy nghĩ: “Người này là thế nào mà sao lại chẳng biết suy nghĩ gì cả. Đứa con chết còn chưa chôn cất đã không lo buồn, mà ngược lại còn mong cầu ăn uống, người này không có lòng từ, không có ai mà như vậy cả.”

Sau đó, Phạm chí đi vào thành, đến nhà của người cày ruộng, gặp người mẹ của đứa con chết kia, liền nói với bà ấy:

–Con của bà đã chết, cha của nó nhắn tin rằng: “Chỉ còn lo liệu một người ăn”, vì sao mà không thương nhớ con mình?

Người mẹ của đứa con liền lấy ví dụ để nói chuyện với Phạm chí:

Con trẻ thác sinh đến đây, tôi cũng không kêu gọi, hôm nay nó tự bỏ đi, chẳng phải tôi có thể giữ lại, cũng ví như người khách đến thăm viếng chủ nhà, hôm nay khách ra về, đâu có thể nào giữ lại được. Mẹ con của tôi cũng lại như vậy, đi hay ở, tới hay dừng, đều chẳng phải là sức của tôi, tùy theo hành nghiệp căn bản của nó, không thể nào giữ lại được, ưu buồn khóc than thì nào có lợi ích gì cho người chết.

Phạm chí lại hỏi với người chị của người chết:

–Em của cô chết, sao cô không khóc?

Người chị cũng ví dụ để trả lời Phạm chí:

–Em trai của tôi giống như người thợ khéo vào núi đốn cây, kết làm chiếc bè lớn đặt vào trong nước, bỗng gặp gió lớn thổi đến làm chiếc bè tan hoại, theo dòng nước trôi đi, trước sau cũng phân lìa, không nhìn thấy nhau, em tôi cũng vậy, do nhân duyên hòa hợp cùng sinh vào một nhà, tùy theo mạng sống dài hay ngắn, sống chết vô thường, có hòa hợp tức có chia lìa, mạng em tôi đã hết, tùy theo hành nghiệp của nó, làm sao giữ lại được, ưu buồn khóc than, thì người chết nào có lợi ích gì?

Phạm chí lại nói với người vợ của người chết:

–Chồng của bà đã chết, sao bà không than khóc?

Người vợ lấy ví dụ nói với Phạm chí:

–Vợ chồng chúng tôi, ví như bầy chim, đêm về đậu ở cây cao, cùng nhau nghỉ ngơi, thời gian chốc lát, sáng sớm thức dậy, đều tự bay đi, tìm cầu ăn uống, có duyên thì tụ hợp, không có duyên thì chia lìa. Vợ chồng chúng tôi cũng lại như vậy, đi hay ở vào hay ra chẳng phải là sức của tôi, mà tùy theo hành nghiệp của anh ấy, không thể nào giữ lại được, ưu buồn khóc than thì người chết nào có ích lợi gì?

Phạm chí lại nói với người giúp việc của người chết:

Đại gia (chủ nhà) của ông đã chết, sao ông không than khóc?

Người giúp việc lấy ví dụ nói với Phạm chí:

–Chủ nhà của tôi, do nhân duyên hòa hợp nên tôi giống như con trâu nghé, theo sau con trâu lớn. Người ta giết con trâu lớn, con trâu nghé ở bên cạnh không thể nào cứu giúp được mạng sống cho con lớn, ưu sầu không vui, khóc than áo não, cũng không có ích gì cho người chết.

Phạm chí nghe những lời nói như vậy, mặt mũi tối tăm, tinh thần mê loạn, không còn nhận biết gì nữa, liền nghĩ: “Ta từng nghe nước này dân chúng hiếu thuận, phụng sự, cung kính Tam bảo, cho nên từ xa đến đây, nhằm muốn học hỏi, nhưng khi đến đây rồi thì không được tích sự gì cả.” Phạm chí bèn hỏi người đi đường: –Đức Phật đang ở đâu, tôi muốn được đến đó thưa hỏi.

Người đi đường đáp:

–Đức Phật đang ở gần tinh xá Kỳ hoàn.

Phạm chí liền đi đến chỗ của Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi đứng qua một bên, ưu buồn im lặng không nói lời nào.

Đức Phật biết được ý nghĩ của ông ta, liền gọi Phạm chí và nói:

–Vì sao lại cúi đầu buồn bã không vui?

Phạm chí bạch với Đức Phật:

–Không như sở nguyện, trái với bản tâm của con, nên con không được vui.

Đức Phật hỏi:

–Có điều gì khiến cho ông ưu sầu không vui?

Phạm Chí thưa:

–Bạch Thế Tôn! Con từ nước La-duyệt-kỳ đến đây, muốn được học hỏi, nào ngờ khi đã đến đây rồi chứng kiếng năm chuyện ngược đời.

Đức Phật hỏi:

–Những gì là năm chuyện ngược đời?

Phạm chí thưa:

–Con thấy hai cha con người cày ruộng gieo trồng, người con chết nằm trên đất mà cha cũng không chút lo buồn, ngược lại còn mong cầu ăn uống. Mọi người lớn nhỏ trong nhà cũng không buồn rầu, như vậy là đại nghịch.

Đức Phật bảo:

–Không đúng như lời ông nói đâu, năm người này rất biết suy xét. Biết rõ thân vô thường, tài vật chẳng phải của mình có được, ngay đến Thánh nhân còn không thoát khỏi khổ não này, huống gì kẻ phàm phu, gào thét khóc la có lợi ích gì cho người chết. Người đời trong thế gian, từ vô số kiếp đến nay, lưu chuyển trong sinh tử, biến đổi không dừng, chết rồi lại sinh như bánh xe vận chuyển không lúc nào dừng nghỉ, sau sự chết hướng đến sự sinh, chẳng phải lo buồn mà được.

Phạm chí nghe được điều này, tâm ý được khai mở, không còn lo buồn nữa:

–Con nghe Phật thuyết giảng, như bệnh được khỏi, như mù được thấy, như đêm tối được ánh sáng. Ngay khi ấy, Phạm chí chứng được quả Dự lưu. Đối với tất cả sự chết không còn gì đáng để than khóc, muốn vì người chết thỉnh cầu Đức Phật và chúng Tăng, xông hương cúng dường, đọc tụng kinh điển, hằng ngày có thể đảnh lễ, chí tâm cúng dường Tam bảo là điều cốt yếu nhất.

Bấy giờ, Phạm chí cúi đầu đảnh lễ Phật lãnh hội giáo pháp rồi ra về.