KINH NGHIỆM TU TRÌ CỦA TÔI
 NỮ CƯ SĨ Quả Lan
 Hạnh Đoan Tuyển Dịch

 

Tôi bắt đầu học Phật từ ba mươi tuổi, nhờ một nhân duyên rất hay là: Lần nọ trong lúc đi dạo tình cờ ghé vào tiệm sách, tôi gặp một bức thư pháp ghi những lời khai thị quý báu của ngài Ấn Quang:

1. Bất kể là người xuất gia hay tại gia, sống cần nên trên kính dưới hòa, nhẫn được những điều người ta không thể nhẫn, làm được những điều người ta không thể làm.

2. Phải biết chịu nhọc thay cho người , làm những điều tốt đẹp cho người, thường tĩnh tọa kiểm lỗi tự tâm, khi nói chuyện không bàn đến lỗi người.

3. Từ sáng đến tối, đi đứng nằm ngồi, mặc áo hay ăn cơm cần niệm Phật không gián đoạn.

Hoặc niệm nhỏ tiếng hay niệm thầm, ngoài niệm Phật ra không khởi niệm khác.

4. Nếu vọng niệm khởi, thì nên niệm Phật cho vọng tiêu tan.

5. Thường sinh tâm hổ thẹn biết ăn năn sám hối, cho dù thường xuyên tu trì, phải luôn cảm thấy công phu mình rất kém.

6. Không tự kiêu khoe khoang. luôn nhìn thấy cái sai của mình, không nhìn lỗi người.

Chỉ thấy điều tốt, không nhìn cái xấu.

Xem tất cả là Bồ tát , ta là phàm phu, nếu hành được như tôi nói, chắc chắn có thể vãng sinh thế giới Tây phương Cực lạc.”

Khi tôi xem đoạn khai thị này rồi, tâm sinh hoan hỉ, lập tức xin chủ tiệm cho phép mình đi sao chụp lại rồi cho đóng khung lộng kiếng, đem về treo nơi lối đi nơi cầu thang, hằng ngày lên xuống bao nhiêu lượt, đều đọc đến thuộc làu. Nhờ vậy mà lời dạy của ngài Ấn Quang tự nhiên thấm sâu vào tâm não. Tôi y theo lời ngài dạy, đem một câu niệm Phật hành trì miên mật, dù làm việc hay đi, đứng, nằm, ngồi… tôi đều niệm liên tục không rời, không để cho tiếng niệm Phật bị gián đoạn.

Có được chút định lực rồi, thì càng lúc tôi càng phát hiện: Mình không được bình thường! Vì những lúc tôi mở miệng phát ngôn, thường là không phải do ý tôi muốn, trong trạng thái tâm vô thường. điên đảo liên tục, nên chỗ chỗ luôn gặp việc bất như ý, thường cảm thấy rất oan uổng, vì tuyệt không phải do chủ ý của tôi phát ra, nhưng việc tôi làm lại thường hay bị người hiểu nhầm…

Dần dần tôi quan sát và phát hiện: Trong não mình hình như có một tiếng nói khác nữa, và tôi còn bị thanh âm này khống chế…

Tôi nhớ lại hồi nhỏ khi học tiểu học, có lần khoảng bảy tám giờ tối, tôi ngồi làm bài tập trong nhà (ở dưới quê), thì thấy trên mặt cửa kính nhà mình bỗng xuất hiện một bóng quỷ đen hù, miệng nhe hai cái răng nanh trắng dài cười khả ố.

Bây giờ nhớ lại tôi mới hiểu câu hắn nói:

– Ha ha ha! Cuối cùng ngươi cũng bị ta tìm ra!

Thế là liên tiếp hai đêm đều có một cái mặt xanh lè hiện ra trước chỗ ngủ của tôi. Mặc dù tôi đã nhắm chặt mắt, trùm mền kín mít, nhưng vẫn nhìn thấy cái mặt xanh lè, hai con mắt to tướng của hắn ngó tôi trừng trừng, khi tôi chìm trong cơn hoảng sợ tột cùng thì hắn biến mất…

Nhưng kể từ đó vận rủi không ngừng đeo theo tôi, đi đâu cũng gặp trắc trở, tôi luôn gặp nhiều chướng ngại bủa vây, bị người hiểu nhầm, vu oan, thậm chí bị cả đám đông công kích, chỉ khi tôi nằm ngoắc ngoải thoi thóp bên bờ vực suy sụp thì nghịch cảnh mới chuyển đổi…

Do bốn mặt tám phương luôn có chướng nạn bủa vây, không ngừng truy đuổi, đã khiến tôi âm thầm giác tỉnh sâu xa: Thế gian này quả thực quá khổ đi! Có lần khổ đến mức tôi suýt phát cuồng, cơ hồ bị chấn thương não, lúc đó tôi đã khóc vùi trước tượng Bồ tát Quan Âm, van xin, khẩn cầu ngài chỉ giúp cho một danh sư để tôi nương theo tu hành an ổn… Thế là tôi được biết đến Hòa thượng Tuyên Hóa.

Khi tôi tình cờ đọc cuốn sách “Khai Thị” của ngài, tôi như được trân bảo, tôi đọc một lèo đến hết, không ăn không ngủ, trải qua mấy ngày pháp hỷ sung mãn.

Sau đó tôi tìm cho bằng hết tất cả những kinh sách thuyết giảng của Ngài, để khơi nguồn trí tuệ, thâm nhập Phật pháp. Tôi bỏ ra nửa năm để tìm đọc, nghiên cứu yếu nghĩa của nhân sinh.

Có lần ngài Tuyên Hóa về nước giảng pháp. Ký giả hỏi thăm ngài làm sao có thể độ được các thanh niên ở quốc gia Tây phương vốn quen thói tự do, khó điều phục, không chịu khép mình vào khuôn khổ luật lệ… lại có thể tình nguyện vâng hành tu theo Phật pháp?

Ngài đáp:

– Đó là nhờ vào chú Lăng Nghiêm, chú Đại Bi và Bồ tát Quan Thế Âm!

Tôi nghĩ một bậc đại Thiện tri thức như ngài mà còn nói thế, thì huống nữa là phàm phu như tôi? Thế là từ đó tôi bắt đầu trì chú Đại Bi, chú Lăng Nghiêm.

NHẤT LÀ CHÚ LĂNG NGHIÊM! Hằng ngày tôi đi làm, việc đầu tiên là mở máy tụng chú Lăng Nghiêm ra nghe suốt, từ sáng đến tối, cả ngày mười mấy tiếng đồng hồ, tôi đều mở chú nghe bên tai. Khi rảnh thì ngồi cầm bổn để trì tụng chú Lăng Nghiêm.

Quả thực kỳ diệu không thể nghĩ lường, ngay khi các khổn nạn vừa phát sinh, thì tôi liền nhiếp tâm trì chú Lăng Nghiêm, nhờ vậy mà có thể kham nhẫn… và hoạn nạn mau chóng được hóa giải.

Cuối cùng tôi minh bạch: Sở dĩ tôi có thể khéo chuyển phiền não thành Bồ đề, là: MỖI KHI PHIỀN NÃO TỚI, TÔI CỨ BÌNH TÂM AN ĐỊNH TRÌ TỤNG CHÚ LĂNG NGHIÊM, THÌ PHIỀN NÃO SẼ NHANH CHÓNG ĐÌNH CHỈ. Chú Lăng Nghiêm giống như kiếm bén, có thể chặt dứt mọi nóng nảy và phiền não vô minh.

Ngài Tuyên Hóa nói: Phàm mọi việc phải nhớ hồi quang phản chiếu, phải thường tự nhìn lỗi mình, không nên hướng ngoại tìm cầu.

LÚC PHIỀN NÃO VÔ MINH PHÁT KHỞI, THÌ NGAY ĐÂY CẦN SINH TÂM XẤU HỔ, SÁM HỐI, PHẢI LUÔN THẤY MÌNH KHÔNG ĐÚNG.

KHI CƯ XỬ LUÔN PHẢI DÙNG TÂM TRI ÂN ĐỂ HÓA GIẢI.

Phiền não vô minh từ đâu đến? Tất cả đều do một niệm trong tâm ta phát khởi tạo ra, MỘT NIỆM NÀY KHI ĐÃ CHUYỂN TỐT THÌ TẤT CẢ BẤT NHƯ Ý LIỀN TIÊU TAN!

Trong sinh hoạt hay công tác nếu gặp chuyện tranh chấp thì tôi liền nhớ đến lời sư phụ dạy: “Người cần thì mình cho, họ không cần thì ta nhặt lại, thế thì đâu còn tranh chấp gì?”

TU LÀ ĐỂ LIỄU SINH TỬ, LÀ VÌ LỢI ÍCH CHÚNG SINH, mà muốn thành Phật, Bồ tát thì không thể tách lìa chúng sinh.

Tôi rất cảm ân vì đã gặp được pháp Phật vi diệu và bậc đại thiện tri thức tuyệt vời, chính nhờ vậy mà tôi có được ngọn đèn sáng, soi đường dẫn lối mình trên đường tu hành thành Phật.

Khi tôi tụng chú Lăng Nghiêm được hai năm, tôi thầm thể hội uy lực chú Lăng Nghiêm rất lớn, NẾU TU BIẾNG LƯỜI THÌ BỊ CẢNH CHUYỂN, CÒN TINH TẤN DỤNG CÔNG THÌ CÓ THỂ TỰ ỨNG PHÓ RÕ RÀNG. Trong lúc đi đứng nằm ngồi, tôi luôn nhắc mình: Phải tu làm Bồ tát, không nên làm phàm phu, VÌ PHÀM PHU LÀ BỊ CẢNH CHUYỂN, CÒN BỒ TÁT THÌ CÓ THỂ CHUYỂN TẤT CẢ CẢNH.

Lời ngài Tuyên Hóa dạy luôn vang vọng bên tai tôi: Trong định Lăng Nghiêm, có thể như như bất động, liễu liễu thường minh, thì không bị cảnh chuyển, mà có thể chuyển tất cả cảnh.

Không có định Lăng Nghiêm thì dễ bị cảnh chuyển, do vậy mà cái gì đến, thì liền chạy theo rồi bị cảnh xỏ mũi!

Nhìn lại những thống khổ, những tháng ngày chua cay tôi từng nếm qua, mới thấy mình giống như con rối bị giật dây điều khiển, chẳng thể tự quyết. So với cảm thọ nhờ tụng trì chú Lăng Nghiêm của tâm cảnh bình an bây giờ thì thực là cách xa trời vực.

Trong cuộc sống tôi thường dùng tâm hoan hỉ, tâm tri ân, tâm hổ thẹn, tâm sám hối để cư xử, và tùy duyên tiêu nghiệp cũ. Tôi không để bất kỳ ai làm cho mình phải khởi phiền não. Khi tâm khai thì cảnh mở, vì tất cả nghiệp đều do tâm khởi, TÂM VONG NGHIỆP CŨNG VONG.

Đối với các ác nghiệp oan trái tôi ngu si tạo ra trong đời quá khứ, tôi luôn có lòng tàm quý, ăn năn sám hối, nguyện dứt ác tu thiện, thề làm tất cả điều lành.

Đức lớn thì oan nghiệt tiêu, oan khiên giải được thì chướng tan. Lúc nào tôi cũng luôn tự cảnh tỉnh mình: Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả. Vì vậy tất cả hành vi ý nghĩ, tôi không được làm sai nhân quả, để tránh chiêu quả xấu.

Hôm nay tôi viết ra bài này, là vì muốn đem những điều hay vi diệu từ chú Lăng Nghiêm ra chia sẻ, hi vọng mọi người đều có thể thực nghiệm, để cùng được lợi ích.
Hạnh Đoan – dịch xong 13/4/2019