KINH TỲ KHEO NA TIÊN
Càn Long Đại Tạng Kinh Quyển 108, trang 706-753
Thiện Nhựt phỏng dịch và tìm hiểu

 

Vài cảm-nghĩ về Kinh Tì-kheo Na-Tiên 
Bài Tham-luận thuyết-trình tại Tổ-đình Từ-Quang, Montreal, Canada 
Khoá Nghiên-Tu An-Cư 
Tháng Bảy 2005

1.- Tại sao tôi lại phỏng-dịch ”Kinh Na-Tiên”?

Quyển ”Na-Tiên Tì-kheo Kinh” là một bộ Luận ghi bằng tiếng Pali, rất nổi danh, được phiên-dịch ra nhiều thứ tiếng: tiếng Hán, tiếng Việt, tiếng Miến, tiếng Thái, tiếng Tích-lan, tiếng Anh, tiếng Pháp, v.v. Tại Việt-Nam, đã có các bản dịch của các Cư-sĩ Đoàn-Trung-Còn, Cao-Hữu-Đính, và của Hòa-Thượng Giới-Nghiêm, rất phổ-biến. Tại sao Thiện Nhựt còn ”đèo-bồng” mang ra dịch nữa?

1.- Thiện Nhựt học Kinh kệ Phật xuất-xứ từ Hán-Tạng, nên chỉ biết đọc và tìm hiểu các bản Kinh kệ được dịch ra tiếng Việt của các bực đại-sư Việt-Nam. Chẳng phải các Kinh sách chữ Anh, chữ Pháp quá khó-khăn, nhưng khi tìm hiểu về chúng, Thiện Nhựt cảm thấy chúng ”hơi xa lạ” đối với người Việt có sức học trung-bình, tu theo đường-lối của ông-bà để lại. Như trong Hán-tạng dùng hai chữ Hỉ và Lạc để chỉ hai thiền-chi của Sơ-Thiền, các sách Anh-ngữ đã dịch ra là Joy, Happlness, Bliss… ; trong khi đó tiếng Việt thuần-túy của ta lại có hai chữ Mừng và Vui, rất dễ hiểu mà mô-tả rất rõ-ràng tâm-trạng của thiền-giả khi sắp bước vào định-tâm: Mừng thì thân còn đang xúc-động, tâm còn vọng-động. Vui thì khi nỗi mừng đã lắng-dịu, tâm-ý lâng-lâng, nhẹ-nhàng. Sao ta lại bỏ quên chẳng dùng những tiếng Việt thông-thường ấy để diễn-đạt hai thiền-chi đó, một cách giản-dị và rất chính-xác? Chính vì lẽ đó mà Thiện Nhựt đã mạo-muội đem bản văn Hán-tạng phỏng-dịch ra tiếng Việt thông-thường ngày nay, trước để cho mình tìm hiểu và học-hỏi bằng tiếng Việt, sau cũng có thể giúp được phần nào lợi-ích cho các bạn đạo cùng tu.

2.- Mỗi cuối tuần vào chùa lạy Phật nghe kinh, nhìn lên các tủ kiếng sắp hàng-hàng lớp-lớp các bộ Kinh chữ Hán trong Đại-Tạng, Thiện Nhựt chẳng khỏi bùi-ngùi nghĩ đến thân-phận dốt-nát của mình còn chưa dám mở một quyển nào ra đọc, vì lẽ vốn-liếng chữ Hán của mình quá ít-oi, hiểu được mặt chữ đã là khó, nói chi đến nghĩa-lý cao-siêu, huyền-diệu được ”gói-ghém kỹ” trong các dòng chữ mà con mắt thịt mình nhìn thấy quá ư bí-hiểm! Các bộ Kinh được Việt-dịch cũng chẳng dễ chi mà hiểu cho tận-tường, vì lẽ còn nhan-nhản các danh-từ Phạn-ngữ được phiên-âm ra Hán-văn, có lẽ còn khó nghe hơn chữ Pali chánh gốc. Hoạ-hoằn lắm mới thấy nơi vài quyển, sau phần dịch-thuật và cước-chú, có năm ba trang hiếm-hoi ở phía sau, giải-thích vắn-tắt ý-nghĩa cao-sâu lời chư Phật và Bồ-tát mở lối cho con đường tu-tập. Người học Phật, với thành-tâm mong được giác-ngộ và giải-thoát, khó mà tìm thấy một quyển Kinh với đầy-đủ lời giải-thích bằng ngôn-từ thông-thường, cùng sự phân-tách rõ-ràng các điểm chánh-yếu cần lưu-tâm, để vững lòng bước đi, từ bước một, trên con đường học-hỏi giáo-lý nhà Phật. Nói tóm lại, còn chưa thấy có nhiều kinh-sách được soạn dưới hình-thức giáo-khoa-thư, để cho một người bập-bẹ mới biết học Phật như Thiện Nhựt có thể dùng làm quyển sách gối đầu giường mà học Kinh học Kệ.

Nhân tìm thấy trong Hán-Tạng bản cổ-văn dịch từ chữ Phạn, bộ Luận Milinda panha, nhan đề là ”Na-Tiên Tì-Kheo Kinh”, thiếu tên dịch-giả, được sao-lục lại từ thời Đông-Tấn bên Tàu (khoảng thế-kỷ thứ 5), Thiện Nhựt mới mạo-muội đem ra ”phỏng-dịch” thành tiếng Việt thông-thường ngày nay. Mục-đích chỉ là để có một bản Việt-văn mà học ôn lại giáo-lý, vì nội-dung bộ Luận nầy nêu ra gần trăm câu thắc-mắc, nghi-ngờ, của vua Milinda (Di-Lan) cùng với lời giải-thích khá rõ-ràng và đầy-đủ của Tì-kheo Nagasena (Na-Tiên) về Giáo-pháp của Đức Phật. Trong khi phỏng-dịch, Thiện Nhựt nhận thấy vài từ-ngữ chuyên-môn về Phật-học trong bản dịch Hán-văn hết còn thích-hợp với các thuật-ngữ ngày nay, như Ba-mươi-bảy Phẩm Kinh thay vì nói Ba-mươi-bảy Phẩm Trợ-Đạo, như Hiếu-thuận thay vì Giới-hạnh, như Danh-Thân thay vì Danh-Sắc, như Lộc riêng thay vì Nghiệp-lực, v.v. nên Thiện Nhựt muốn đề-nghị thay-thế bằng các danh-từ đang hiện-hành, nhưng chẳng dám tự-tiện sửa lại trong phần phỏng-dịch theo Hán-văn, mà chỉ xin ghi lại ở sau, nơi phần Tìm hiểu Nghĩa Chữ. Và nhân đó, có chép lại hơn hai mươi trang lời giải-thích vắn-tắt các chữ khó, sắp-xếp theo thứ-tự A, B, C, để các bạn trẻ nào muốn dùng đến tập sách nhỏ ấy, khỏi phải mất công tra thêm Từ-điển.

Lại nữa, các câu hỏi thắc-mắc của vua Di-Lan thường là tùy-hứng, nghe giảng đến đâu thì hỏi đến đấy, chẳng theo một đề-mục nhứt-định nào, lại thêm được nhắc tới nhắc lui nhiều lần ở lắm chỗ khác nhau, nên Thiện Nhựt, khi tìm hiểu về ý-nghĩa giáo-lý trong quyển Luận nầy, thấy nên sắp xếp lại các câu hỏi đó ra mười vấn-đề, chín thuộc về giáo-lý và một về các câu hỏi linh-tinh có liên-quan đến kiến-thức tổng-quát. Khi sắp-xếp các câu hỏi của vua Di-Lan lại, đúng theo thứ-tự các vấn-đề giáo-lý, Thiện Nhựt có ghi lại trong phần Tìm hiểu Nghĩa Y của mình, các điểm bất-đồng ý-kiến với vị Tì-kheo lỗi-lạc, đó chẳng phải là dám khoe mình có ”biết chút đỉnh” về giáo-lý, mà chính là để gợi lên cơ-hội cho các bạn trẻ, đem đặt lại vấn-đề với các vị Thầy dạy Đạo của mình, hầu có được lời giải-đáp thích-đáng (và nhớ làm ơn cho Thiện Nhựt biết với, để học hỏi thêm).

2.- Xuất-xứ của quyển ”Na-Tiên Tì-Kheo Kinh”.

Bộ Luận Milinda panha được ghi lại bằng tiếng Phạn, tác-giả là ai, hiện còn chưa được các học-giả về Phật-học trên thế-giới xác-định rõ. Bắc-Tông cho rằng Bồ-tát Long-Thọ (Nagarjuna) đã sáng-tác quyển nầy, vì Ngài muốn mượn tên của Na-Tiên (Nagasena) để đối-đáp về Giáo-pháp với vua Ménandre mà Ngài ám-chỉ là Di-Lan (bản dịch của đại-cư-sĩ Đoàn-Trung-Còn gọi là Di-Lan-Đà). Còn Hòa-thượng Giới-Nghiêm, nguyên Tăng-Thống Giáo-hội Phật-giáo Nguyên-thủy Việt-nam, ghi tên tác-giả là Ngài Pitakaculàbhaya, gốc người Trung-Ấn.

Quyển Milinda panha được gọi là Kinh, vì được kết-tập trong hệ Pali nơi Tiểu-Bộ-Kinh (Khuddaka Nikaya). Bản dịch Hán-văn ”Na-Tiên Tì-Kheo Kinh” được ghi trong Hán-Tạng, Càn-Long Đại-Tang Kinh, quyển số 108, các trang từ 706 đến 753. Đúng ra đó là một bộ Luận được một vị đại-sư trước-tác, sở dĩ được tôn-vinh là Kinh, có lẽ vì nội-dung cao-sâu tựa như lời của chư Phật hay Bồ-tát.

Các bạn thanh-niên nghiên-cứu về Phật-học có thể đòi hỏi thêm về tiểu-sử của tác-giả, cùng lý-do nào đã khiến tác-giả sáng-tác nên bộ Luận nầy. Đòi hỏi nầy rất chính-đáng khi ta cần nghiên-cứu kỹ-lưỡng một vấn-đề triết-học hay văn-chương. Nhưng Thiện Nhựt chẳng thấy có mảy-may thắc-mắc chi về các chi-tiết quan-trọng đó. Tại sao? Vì khi học Kinh-kệ, Thiện Nhựt chỉ cần biết đó là một bản Kinh được ghi trong Đại-Tạng, điều quan-trọng là tìm hiểu ý-nghĩa về lời dạy tu-tập, còn việc nghiên-cứu đúng theo các phương-pháp khoa-học của nhà khảo-cổ, thì xin kính-cẩn chờ sự chứng-minh chính-xác với đầy-đủ bằng-cớ của các bực đại-trí-thức. Lại nữa, mìnhđọc Kinh Phật chỉ cần hiểu và biết ứng-dụng lời dạy tu-tập về đường tu của mình, hơn là thắc-mắc về danh-xưng, tiểu-sử, v.v…, thí-dụ như trong Tâm-Kinh Bát-Nhã có nói đến Bồ-tát Quán-Tự-Tại, được các vị đại-sư giải-thích đó là tên khác của Bồ-tát Quán-Thế-Âm, mình cần chi thắc-mắc là đúng hay sai; còn chỗ đáng thắc-mắc là mình có theo Kinh đó để tu-tập tánh Không chưa, và nay đã tới mức nào rồi. Do đó, Thiện Nhựt đề-nghị nên xem bộ Luận ”Na-Tiên Tì-Kheo Kinh” do một bực cổ-đức nào đó đã sáng-tác vào một thời xa-xưa, vậy thôi!

3.- Nội-dung được bố-cục có phần hơi ”lỏng-lẻo”.

Bộ ”Na-Tiên Tì-Kheo Kinh” trong Hán-Tạng được chia ra làm ba quyển: Thượng, Trung, Hạ, nhưng xét theo ý-nghĩa, lời văn, thì chẳng thấy có sự phân-biệt rõ-ràng giữa ba quyển đó, vì lẽ các câu hỏi ở quyển Thượng lại được nhắc lại ở quyển Trung và quyển Hạ; cũng như ở hai quyển sau, vẫn thấy còn bàn lại các vấn-đề đã được thảo-luận ở quyển trước. Sở dĩ có sự trùng-điệp đó là vì các câu hỏi của vua Di-Lan phần lớn là tùy-hứng, nhân nghe giảng một đoạn rồi liền nêu lên thắc-mắc, khiến cho mạch kinh-văn… hơi ”lỏng-lẻo”.

Về Nội-dung, bộ Luận ”Na-Tiên Tì-Kheo” có thể tạm chia ra làm ba phần:

1.- Tiền-kiếp của Tì-kheo Na-Tiên và của vua Di-Lan;
2.- Các câu vấn-đáp giữa nhà Vua và vị Tì-kheo lỗi-lạc;
3.- Tâm-trạng của Vua Di-Lan và Tì-kheo Na-Tiên sau cuộc đàm-luận lý-thú về giáo-lý.

Riêng phần vấn-đáp, trong Hán-tạng có ghi vào khoảng một trăm câu hỏi; nơi Tạng Pali, số câu hỏi thay đổi lên xuống tùy vào nơi xuất-bản, khoảng hơn hai trăm sáu mươi câu. Điều nầy cho thấy bản nguyên-tác bằng chữ Phạn có thể bị thêm bớt, thay đổi, tùy theo thời-gian và nơi chốn đã xuất-bản bộ Luận.

Để tiện việc nghiên-cứu, Thiện Nhựt đã sắp-xếp lại, trong Phần Tìm hiểu Nghĩa Y của mình, thành mười vấn-đề: chín về giáo-lý, và một về các kiến-thức tổng-quát linh-tinh. Vì tuân theo thứ-tự trong bản nguyên-tác khi các câu hỏi được vua Di-Lan lần-lượt nêu lên, nên chín vấn-đề giáo-lý được ghi chép lại như sau:

1.- Tại sao đi tu làm Sa-môn?
2.- Sự tái-sanh, nghiệp-lực và thuyết Luân-hồi;
3.- Sự phân-biệt các điều thiện và ác;
4.- 37 Phẩm trợ-Đạo;
5.- Trí-huệ;
6.- Các loại cảm-thọ;
7.- Sự đắc Đạo và cõi Niết-bàn;
8.- Đức Phật;
9.- Con ”người” và thuyết vô-ngã.

Lẽ ra, nếu nhìn chung toàn-bộ tư-tưởng diễn-đạt trong bộ Luận ”Na-Tiên Tì-Kheo Kinh”, ta sẽ thấy ý-tưởng cốt-cán là: Tại sao đi tu làm Sa-môn? Đó là vì muốn được giác-ngộ và giải-thoát. Giác-ngộ về điều gì? Giác-ngộ về lẽ sống-chết và thân-phận của con người. Giải-thoát khỏi điều gì? Giải-thoát khỏi cảnh Khổ trong vòng Luân-hồi để được an-nhiên, tự-tại trong cõi Niết-bàn.

Để khai-triển ý-tưởng cốt-cán nói trên, tác-giả bộ Luận lần-luợt đề-cập đến nghiệp-lực đã dẫn-dắt chúng-sanh theo sáu nẻo của vòng Luân-hồi; rồi chỉ cho ta thấy lối phá vở vòng lẩn-quẩn sanh-tử đó, bằng cách (a) biết phân-biệt đìều thiện, điều ác; (b)tuân theo 37 Phẩm Trợ-Đạo; (c) phát-triển Trí-huệ để tiêu-diệt đến tận gốc-rễ các trở-ngại là phiền-não-chướng và sở-tri-chướng. Để tận-diệt hết các trở-ngại lớn-lao đó, tác-giả đã phân-tách tỉ-mỉ sự phát-khởi của các cảm-thọ nơi thân-tâm thường đưa đến các phiền-não-chướng, và vạch rõ sự cố-chấp vào các tà-kiến, đã đưa tới các sở-tri-chướng, nhứt là ngã-kiến, một tà-kiến trầm-trọng hơn cả. Để đối-trị lại với ngã-kiến, tác-giả đã nhiều lần chứng-minh rằng trong năm uẩn kết-tụ lại thành thân-tâm nầy chẳng có ”cái chi” thường-hằng, chẳng thấy ra được ”con người” nào đứng làm chủ cả: đó là thuyết vô-ngã trong Phật-học. Và sau cùng, hễ theo đúng con đường tu-tập ấy, hành-giả sẽ đắc Đạo, chứng được Niết-bàn vô-sanh và an-tịnh, theo như gương của Đức Phật đã đi trước.

4.- Viên ngọc quí thứ nhút trong bộ Luận ”Na-Tiên Tì-Kheo Kinh”

Đi sâu vào nội-dung của bộ Luận ”Na-Tiên Tì-Kheo Kinh” ta tìm thấy khá nhiều viên ngọc quí, chẳng trách nào bộ Luận đã được tôn-vinh là ”Kinh” và được sự hâm-mộ của các hàng trí-thức trên khắp thế-giới từ xưa đến nay. Viên ngọc đầu-tiên là ”Vua Di-Lan thử-thách Tì-kheo Na-Tiên hai lần”, như vầy:

Lần thứ nhứt:

Ngay tại buổi sơ-kiến, sau các lời thăm hỏi xã-giao, vua Di-Lan thử-thách Tì-kheo Na-Tiên, bằng một câu hỏi khó:

– Na-Tiên! Ai là Na-Tiên? Đầu là Na-Tiên chăng?
– Đầu chẳng phải là Na-Tiên.
– Mắt, tai, mũi, miệng là Na-Tiên chăng?
– Mắt, tai, mũi, miệng chẳng phải là Na-Tiên.
… … …
– Vậy chớ chỗ nào là Na-Tiên?
Na-Tiên hỏi lại Vương:
– Xe kia, chỗ nào là xe? Trục xe có phải là xe chăng?
– Trục xe chẳng phải là xe.
– Vành bánh xe có phải là xe chăng?
– Vành bánh xe chẳng phải là xe.
… … …
– Vậy thì cái gì là xe?

Vương im lặng chẳng trả lời được.

Na-Tiên liền nói:

– Kinh Phật có nói đến, hiệp-tụ các bộ-phận (…) đó lại, là nguyên-nhân để có được chiếc xe. Con người cũng lại như vậy, hễ hiệp-tụ đầu mặt, tai, mũi, miệng… chung lại thì thành con người.

Vương khen: Lành thay! Lành thay!

Lần thứ hai:

Vương nói:

– Ta có điều muốn hỏi.
– Xin Đại-Vương cứ hỏi.
– Ta đã hỏi xong.
– Tôi cũng đã đáp xong.
– Đáp những gì đâu?
– Đại-Vương hỏi tôi những gì đâu?

Vương nói:

– Ta chẳng có chỗ hỏi, Na-Tiên cũng chẳng có chỗ đáp…

Giờ đây ta thử hỏi: Đâu là chỗ thử-thách? Đâu là viên ngọc quí?

Trước nhứt là câu hỏi: ”Ai là Na-Tiên?” Nghĩa sâu-kín của câu hỏi đó là: Vậy chớ cái gì mới thật là Na-Tiên? Bản-chất của con người là gì? Nơi thân-tâm con người, có cái gì là cái Ta, là bản-ngã không? Hoặc nói theo những người còn mê-tín, trong thân-tâm nầy, có cái linh-hồn tồn-tại mãi qua thời-gian chăng?

Các câu trả lời của Na-Tiên, cùng lời kết-luận trích-dẫn trong Kinh Phật đều qui-hướng về một vấn-đề căn-bản của Giáo-lý nhà Phật: lý vô-ngã, trong thân-tâm con người chẳng hề có cái Ta, chẳng hề có cái bản-ngã. Tuy Na-Tiên chẳng nói rõ ra, nhưng ta biết thân-tâm con người chỉ là sự tập-hợp của năm uẩn: sắc-uẩn là phần vật-chất, gọi là thân, và bốn uẩn kia, thọ, tưởng, hành, thức-uẩn thuộc về phần tinh-thần, tức là tâm. Chẳng hề thấy trong thân-tâm nầy, đâu là ông chủ gọi là Ta, đâu là linh-hồn, gọi là phần hồn của Ta cả, chỉ có các uẩn tập-hợp lại mà thôi. Đó là lý-lẽ rất vững-chắc chứng-minh Chơn-lý vô-ngã trong Phật-học.

Na-Tiên đã vượt qua dễ-dàng chỗ Vua thử-thách bằng cách hỏi ngược lại: ”Xe là gì? Cái gì trong xe là xe?” Nhà Vua đã chẳng trả lời được, như thế Na-Tiên đã thắng. Rất tiếc là nhà Vua chẳng hỏi thêm các chi-tiết về lý vô-ngã nữa, để chúng ta được dịp học-hỏi về cách-thức Na-Tiên giải-đáp các mối nghi-ngờ còn sót lại về Chơn-lý quan-trọng nầy. Chơn-lý vô-ngã là chơn-lý khó hiểu, khó chứng nhứt trong ba Chơn-lý: Vô-thường, Khổ, Vô-ngã.

Nhưng nhà Vua lại đưa thêm một câu hỏi rất khó, nếu những ai mà lớ-quớ, chẳng nhanh-trí như Na-Tiên, thì liền lọt vào cạm-bẫy ngay. Hỏi mà chẳng nêu ra câu hỏi là hỏi làm sao? Đáp mà chẳng nói ra lời, là đáp cách nào? Vua và Na-Tiên đang so gươm trí-huệ với nhau đấy!

Nhà Vua muốn hỏi Na-Tiên mà chẳng nêu câu hỏi ra, tức là nhà Vua muốn hỏi gì đây? Hai đằng đang bàn-luận về giáo-pháp, thế thì câu nhà Vua muốn hỏi là câu hỏi thuộc về Pháp (Dharma, Giáo-Pháp) chớ gì. Tại sao Vua chẳng nói ra đó là câu hỏi về Pháp? Bởi lý-lẽ rất cao-siêu là Pháp vốn Không, tức là Pháp vốn rỗng-rang, chẳng chứa đựng gì, chẳng dính-mắc gì, chẳng có hình-tướng gì, thì làm sao diễn-tả ra bằng lời nói được. Nếu có nói ra câu hỏi về Pháp, tức là mặc-nhiên phủ-nhận tánh-chất rỗng-rang của Pháp rồi, đâu nêu lên được chỗ Pháp-không trong giáo-lý, lại còn khoác thêm cho Pháp một hình-tướng ngôn-từ nữa.

Na-Tiên quả là nhanh-trí, biết ngay chỗ ẩn-ý của nhà Vua, nên mới đáp là ”đã đáp xong”, mà chẳng nêu rõ là đáp những gì. Nếu Na-Tiên vô-tình hỏi lại nhà Vua, Vua vừa nói ”đã hỏi rồi” là hỏi những gì đâu? thì Na-Tiên liền rơi ngay vào cạm-bẫy của Vua, chờ đợi một câu hỏi về Pháp bằng ngôn-từ. Pháp vốn là Không sao diễn ra bằng hình-tướng của lời nói để hỏi thành câu hỏi, hoá ra còn chưa hiểu được điểm giáo-lý rất quan-trọng của nhà Phật hay sao?

Trở lại câu hỏi đầu-tiên: ”Ai là Na-Tiên?”, ý-nghĩa sâu-xa của câu hỏi nầy là vấn-đề Ngã-không trong Giáo-lý Nam-Tông. Câu hỏi thử-thách thứ nhì của nhà Vua: ”Ta có điều muốn hỏi” có liên-quan đến vấn-đề Pháp-không trong Giáo-lý Bắc-Tông. Cả hai lần thử-thách khó-khăn nầy đều được Na-Tiên vượt qua một cách xuất-sắc: dùng gậy ông mà đập lưng ông. Nhưng còn rất xuất-sắc hơn nữa là tác-giả bộ Luận ”Na-Tiên Tì-Kheo Kinh” nầy, đã trình-bày hai vấn-đề cực-kỳ tế-nhị dưới hình-thức vấn-đáp hết sức đơn-giản, dễ hiểu và đầy hứng-thú!

Đó là viên ngọc quí thứ nhứt được tìm thấy và nay xin đem dâng-hiến lên quí Vị. Còn nhiều viên ngọc quí khác nữa, Thiện Nhựt e-ngại sức học của mình chưa tới mức để tìm thấy ra hết.

5.- Viên ngọc quí thứ hai trong bộ Luận ”Na-Tiên Tì-Kheo Kinh”.

Viên ngọc nầy liên-quan đến Thái-độ đứng-đắn trong khi bàn-luận về Giáo-Pháp. Xin chép lại đoạn văn quan-trọng sau đây trong bộ Luận ”Na-Tiên Tì-Kheo Kinh” nói đến thái-độ đứng-đắn ấy:

Vương hỏi Na-Tiên:

– Sư có thể cùng Ta bàn-luận về các Kinh khó chăng?
– Nếu Vua dùng trí-huệ để hỏi tôi, thì có thể cùng nhau bàn-luận. Nếu Vua dùng ý lời vương-giả kiêu-quí, thì chẳng thể cùng Vua bàn-luận được.
– Trí-huệ có bao nhiêu loại?
– Bực trí-giả, khi đàm-luận, hết sức vặn hỏi cùng nhau, giải rõ cùng nhau, lời nói cao, lời nói thấp, lời nói chánh-trực, lời nói bất-chánh; có thắng, có thua tự mình biết lấy phải trái, đó là trí-huệ tối-thượng, chẳng cần chút giận-hờn. Bực trí-giả là như thế đó.
– Lời nói vương-giả có bao nhiêu loại?
– Lời nói vương-giả tự phóng theo cảm-nghĩ của mình, hễ có chỗ trái lệ chẳng như ý Vua, tức thời Vua bắt tội nặng, phạt giết đi. Như thế đó là lời nói bực vương-giả.

Vương liền nói rằng:

– Nguyện dùng lời nói của bực trí-giả, chẳng dùng lời nói của vương-giả, chẳng giữ ý-nghĩ vương-giả trong lời mình nói, chỉ nên nói theo như lời đệ-tử của chư Sa-môn, như lời các vị ưu-bà-tắc. Nên theo lời của chư Sa-môn mà khiến cho lòng mình chẳng mang sợ-hãi, chánh-tâm cũng được khai-ngộ.

Na-Tiên liền thốt lên rằng:

– Thật lành thay!

Sự phân-biệt của Na-Tiên giữa lời nói của bực trí-giả và lời nói của bực vương-giả, đưa đến thái-độ đứng-đắn cho những ai tham-dự một cuộc tranh-luận về Giáo-Pháp. Lời nói ngay-thẳng, chơn-chánh, hướng về Chơn-lý, có thua, có thắng, tự mình mình biết lấy phải-trái, dẫu thất-bại cũng chẳng chút giận-hờn, trái-ngược hẳn với thái-độ của kẻ bướng-bỉnh, ngoan-cố, biết rõ mười-mươi đối-phương hữu-lý mà vẫn cố cượng-cầu, phải chăng đó là vì tự-ái còn quá sâu-đậm, cái Ngã còn to-tướng như … cái bồ! Lời nói kiêu-quí, phóng theo cảm-nghĩ của riêng mình, gặp chỗ chẳng vừa ý thì hung-hăng chống-đối, để bảo-vệ các thành-kiến cố-chấp, đó là thái-độ của kẻ tự-cao trong một phút ”bốc-đồng” đã dại-khờ bỏ qua mất cơ-hội hưởng lợi-lạc được đến gần với Chơn-lý mà đối-phương đã mang tới cho mình.

Đức khiêm-cung của vua Di-Lan được biểu-lộ ra rất rõ-ràng trong lời nói sau đây, thật đáng cho ta khâm-phục:

– Nguyện dùng lời nói của bực trí-giả, (…) chẳng giữ ý-nghĩ vương-giả trong lời mình nói…

Viên ngọc quí thứ hai của bộ Luận chính là nằm ngay tại đấy.

*

Khi suy-gẫm về đoạn văn ”quí-giá” trên đây thuật lời đối-đáp giữa Na-Tiên và vua Di-Lan, Thiện Nhựt có thêm vài cảm-nghĩ thô-thiển của mình, về thái-độ chơn-chánh tại các buổi nói chuyện Đạo:

1.- Kinh-sách Phật-học thường nhắc đến lời Đức Phật dạy là phải tránh các cuộc hí-luận. Thế nào là hí-luận? Hí là vui-đùa. Luận là bàn-cãi. Thường thấy, tiếp theo các buổi trà dư tửu hậu, nhiều người tự nhận là ”bực trí-thức hiểu Đạo” ngồi nhâm-nhi tách trà, bàn-luận nhau với lời-lẽ dao to búa lớn mà ý-nghĩa lại rỗng-tuếch, phê-bình vịđại-sư nầy, khen ngợi vị thiền-giả kia, từ Đông sang Tây, hết kim đến cổ, đó là … bàn luận chơi cho vui, vậy thôi, chớ nào phải đi tìm Chơn-Lý để rút lấy kinh-nghiệm tu-tập. Thế cho nên, Đức Phật mới gọi là hí-luận và dạy ta cần phải tránh.

2.- Kinh-sách Phật-học phân-biệt hai loại Chơn-Lý: (1) sự-thật ở thế-gian, có thể đúng nơi nầy, vào lúc nầy, mà cũng có thể chẳng hợp với chỗ kia, vào một thời khác, cho nên gọi đó là tục-đế, nghĩa là sự-thật tương-đối trong đời sống thế-tục; (2) sự-thật đúng muôn đời và khắp mọi nơi, đưa con người tu-hành đến nơi giác-ngộ và giải-thoát, vì thế cho nên mới gọi là chơn-đế, nghĩa là Chơn-Lý tuyệt-đối của lãnh-vực xuất-thế-gian. Bởi thế người hiểu-biết bao giờ cũng nghĩ là mình chưa hề nắm vững được Chơn-đế, nên phải giữ thái-độ khiêm-hoà, chẳng dám liều-lĩnh bảo rằng điều mình nói đây là sự-thật duy-nhứt và tối-thượng. Trái lại, tâm-trạng kẻ ấy nên mở rộng ra đón nhận tạm-thời lời-lẽ của người đối-thoại, hẹn với lòng mình sẽ truy-cứu thêm chỗ đúng cùng sai, hầu rút lấy kinh-nghiệm tu-tập cho bản-thân.

3.- Thái-độ thích-nghi khi luận-bàn về Giáo-lý là phải hết sức thành-khẩn trong tư-tưởng và lời nói:

a.- Về phía người thưa hỏi, ở vị-thế của người đi học Đạo, cần phải giữ lễ-độ với người mà mình thưa-thỉnh. Thái-độ đứng-đắn là nêu ra các câu hỏi cho rõ-ràng, chú-trọng đến chỗ mình còn nghi-ngờ chưa được giải rõ. Và khi nghe lời giảng-giải, phải lắng lòng, chú-tâm, chẳng vội chấp-nhận mà cũng chẳng bài-bác ngay, nếu có chỗchưa kịp hiểu, thì xin được minh-chứng thêm bằng các thí-dụ cụ-thể trong đời sống hằng ngày.

b.- Về phần người được hỏi, chẳng bao giờ để khởi lên trong lòng mình một chút ý-nghĩ tự-hào cỏn-con nào rằng mình biết Đạo hơn người kia, nếu chẳng đáng làm Thầy thì cũng là người đi trước. Và khi giảng-giải, phải tùy theo căn-cơ của người nghe mà dùng lời-lẽ giản-dị, rõ-ràng, dễ hiểu, kèm theo các thí-dụ thực-tế.

4.- Trong một cuộc thảo-luận về các vấn-đề đạo-giáo, có hai điều mà kẻ hỏi và người đáp, cần nên tránh, thì mới xứng-danh là một cuộc thảo-luận đứng-đắn và hữu-ích:

a.- Về phía người hỏi, chớ bao giờ có ẩn-ý muốn dồn kẻ đối-thoại vào … ngõ bí. Trên điạ-hạt tâm-linh, có nhiều vấn-đề mà chính Đức Phật đã gọi là bất-khả tư-nghì, nghĩa là chẳng thể nghĩ bàn rốt-ráo được với lời-lẽ của thế-gian. Đừng đòi hỏi có cho được những bằng-cớ thật cụ-thể, tai nghe mắt thấy, có thực-nghiệm của khoa-học chứng-minh rồi mới chấp-nhận. Điều mình chẳng tin được, trong khung-cảnh thời-gian và không-gian hiện-tại, chưa chắc hẳn là chẳng thể nào có được, biết đâu đó lại là một sự-thật tại một cảnh-giới khác, vào một thời khác. Thế cho nên, thái-độ khoa-học chơn-chánh là phải tỏ ra dè-dặt, chớ vội bác-bỏ hoàn-toàn mà chưa xét kỹ lại khả-năng thông-hiểu của trí-óc con người (và trí-óc của mình nữa).

b.- Về phía người đóng vai-trò hướng-dẫn, tưởng cũng chẳng nên đưa ra ”tối-hậu-thơ”: ”Tôi nói như thế, có tin thì tu theo, còn chẳng tin, thì cứ giữ lấy quan-niệm của mình vậy!” Người thưa hỏi thành-tâm muốn được giải chỗ còn hoài-nghi, nghe câu nói đó rất chán-nản, và đạo-tâm vì thế mà lùi-sụt.

Lại nữa, cũng đừng nên dùng luôn câu nói quá dễ-dàng nầy: ”Tôi nói thế, đạo-hữu cứ đọc đi, tụng đi, thi-hành theo đi, rồi sẽ có ngày hiểu rõ được ý-nghĩa sâu-xa mà đạo-hữu muốn hỏi.” Người hỏi đang chờ đợi một vài câu khuyên thực-tiễn, đôi lời giảng-giải gọn-gàng về ý-nghĩa trong đoạn Kinh, câu kệ hiện còn thắc-mắc ấm-ức trong bụng, làm sao mà tiếp-tục đọc-tụng thêm được nữa, nếu chỗ hồ-nghi còn chưa được giải-toả. Tưởng chẳng có chi là đáng hổ-thẹn khi chính mình nhận thấy mình còn chưa đủ lời-lẽ để phân-tách điều đang được hỏi, sao lại chẳng thành-thật nhìn-nhận sự thiếu-sót của mình và mời người hỏi tìm đến một bực cao-minh nào khác?

5.- Và trong mọi trường-hợp, chớ chẳng cứ là chỉ trong các dịp thảo-luận mà thôi, luôn luôn nên giữ thái-độ cởi-mở, đón nhận mọi lý-lẽ, — tin hay chẳng chịu tin, đó là quyền tự-do tư-tưởng riêng bên trong của mình — hãy lắng nghe để cho người đối-thoại có đủ cơ-hội trình-bày lập-trường. Thái-độ đáng trách nhứt là cố-chấp, ôm giữkhư-khư các ý-kiến, các cảm-nghĩ cá-nhơn, và cả các thành-kiến.

6.- Nhân nhìn thấy ”hòn ngọc ẩn” trong lời đáp của Tì-kheo Na-Tiên về vấn-đề Tái-sanh.

Vấn-đề Tái-sanh trong vòng Luân-hồi được cứu-xét rất dài-dòng trong bộ Luận ”Na-Tiên Tì-Kheo Kinh”, nhắc đi nhắc lại, dưới nhiều khiá-cạnh, rải-rác khắp ba quyển Thượng, Trung, Hạ. Có điều khá ngạc-nhiên là chẳng thấy tác-giả bộ Luận bàn đến điểm mấu-chốt thường gây mối thắc-mắc lớn trong hàng các thanh-niên nam-nữ trẻ tuổi được hấp-thụ nền văn-minh khoa-học vật-chất ngày nay: việc tái-sanh có thật hay chẳng có thật? Phải chăng, tác-giả bộ Luận đã xem việc tái-sanh là một hiện-tượng thiên-nhiên dĩ-nhiên, như mưa bão, sấm sét của vũ-trụ, như cây-cối gìa cỗi có trái, có hột, khi tàn-tạ thì mọc lên cây khác sởn-sơ bên cạnh, rồi chấp-nhận và tin-tưởng đúng theo thuyết Luân-hồi trong Giáo-lý: chúng-sanh khi hết mạng sống nầy sẽ tái-sanh lại ở cõi đời sau? Có lẽ vì lý-do đó, tác-giả bộ Luận khi nói đến việc tái-sanh, bàn ngay đến các khía-cạnh như: Tại sao phải tái-sanh? Ai phải tái-sanh lại? Ai được giải-thoát khỏi tái-sanh? Khi tái-sanh, có phải do thân-tâm cũ mà mang lấy thân-tâm mới không?…, mà chẳng hề xét việc tái-sanh thật có hay không.

Ta hãy tạm gát lại câu hỏi mấu-chốt: tái-sanh có phải là một hiện-tượng thật-sự chắc-chắn xảy ra không?, và hãy đọc qua lời chất-vấn của vua Di-Lan với Tì-kheo Na-Tiên: ”Na-Tiên có còn phải tái-sanh nữa không?” với hi-vọng tìm thấy ra ”hòn ngọc ẩn”:

(1) Vương lại hỏi Na-Tiên:

– Có người chết rồi chẳng phải sanh lại nữa chăng?
– Có người phải sanh lại, mà cũng có người chẳng phải sanh trở lại
– Ai còn phải sanh lại và ai chẳng còn sanh lại?
– Người quyến-luyến niềm ân-ái nhiều, lắm sự ham-muốn, thì sanh lại đời sau; người đã dứt sạch sự ân-ái, bỏ hết mọi ham-muốn thì đời sau chẳng phải sanh trở lại ….

(2) Vương lại hỏi Na-Tiên:

– Có người chẳng sanh lại ở đời sau không, và có tự biết được việc chẳng sanh lại ấy chăng?
– Dĩ nhiên, có người như thế, tự biết mình chẳng còn tái-sanh.
– Làm sao biết được?
– Người ấy tự biết mình chẳng còn quyến-luyến ân-ái, chẳng còn ham-muốn, chẳng có điều ác, nhờ đó biết mình chẳng còn phải sanh lại nữa. Thí-dụ như người nông-phu trồng lúa, được nhiều thóc, trữ lại để về sau, sang năm anh chẳng trồng lúa nữa, chỉ lấy lúa dự-trữ ra ăn. Người nông-phu ấy có mong được lúa gạo mới chăng?
– Người nông-phu ấy chẳng mong được lúa mới.
– Tại sao biết người ấy chẳng được lúa mới?
– Người nông-phu ấy chẳng cầy cấy, chẳng trồng lúa, thì có chờ mong được chi nữa.
– Người đã đắc-đạo cũng lại như thế, tự biết rằng đã dứt bỏ ân-ái, sướng-khổ, chẳng còn tham-tâm, do đó biết đời sau chẳng sanh lại.

(3) Vương lại hỏi Na-Tiên:

– Na-Tiên nay có sanh trở lại đời sau không?
– Lời Đại-Vương hỏi tôi đây, trước tôi đã đáp rồi. Nếu như tôi còn có sự lưu-luyến về ân-ái, thì đời sau sẽ sanh trở lại; còn nếu dứt được sự ân-ái, thì chẳng sanh lại nữa. …

Ba đoạn văn ngắn (1), (2) và (3) vừa được trích dẫn trên đây, nằm cách xa nhau đến cả chục trang, nơi hai quyển Thượng và Trung của bộ Luận. Đọc lại cả bộ Luận nhiều lần, Thiện Nhựt mới tìm thấy được một điểm vừa khéo, vừa quí, và gọi đó là một ”viên ngọc ẩn” Chẳng biết trí thô-thiển của Thiện Nhựt có nhìn lầm chăng?

Đoạn (1) nói về: tại sao có người còn tái-sanh, có người chẳng phải tái-sanh nữa? Đoạn (2) bảo rằng: người đã đắc Đạo tự mình biết rõ chẳng sanh lại vào đời sau. Đoạn (3) ghi lời đáp của Na-Tiên về câu Vua hỏi: Na-Tiên nay có sanh trở lại đời sau không? Mỗi đoạn rời-rạc đó chẳng cho ta thấy được ẩn-ý của vua Di-Lan khi đặt ra câu hỏi: Na-Tiên nay có tái-sanh nữa không? Nhưng nếu đọc kỹ lại cả ba đoạn ta thấy nổi bật lên ”ẩn-ý” của nhà Vua khi đưa ra một câu hỏi như thế. Ẩn-ý gì? Nhà Vua muốn vị Tì-kheo xác-nhận cho rõ-ràng bằng lời nói, rằng Na-Tiên đã đắc Đạo chưa, để biết chắc được mình chẳng còn phải tái sanh nữa? Nhưng nhà Vua chỉ nhẹ-nhàng hỏi: Na-Tiên nay còn tái-sanh nữa không?, tuy nhẹ-nhàng nhưng thẳng-thắn, và đang chờ-đợi ở vị tu-hành một câu trả lời dứt khoát: Có (đắc Đạo) hay là Không.

Tì-kheo Na-Tiên quả là người tinh-tế khi đáp: Lời Đại-Vương hỏi tôi đây, trước tôi đã đáp rồi. Nếu như tôi còn lưu-luyến ân-ái, thì đời sau sẽ sanh trở lại; còn nếu dứt được sự ân-ái, thì tôi chẳng sanh lại nữa… Lời đáp có vẻ ”phân hai” chẳng nói ”Có” mà cũng chẳng bảo ”Không”. Thế thì ”khéo” ở chỗ nào đâu, khi nói … lửng-lơ như thế? Thưa, rất khéo, và khéo ở tại chữ ”Nếu”. Mình tu đắc Đạo tự mình mình biết, có ai chứng cho mình là mình đã đắc Đạo? Mình đã dứt được sự ân-ái, tự mình mình biết, có ai chứng cho mình việc dứt bỏ sự ân-ái đó? Mình quả-quyết nói ra mình đắc Đạo và mình đã chứng được vô-sanh, lấy chi làm bằng-cớ? Và nhứt là nói ra mình đãđắc Đạo, đó phải chăng đã là một sự khoe-khoang, mà lại còn e kẻ khác nghĩ lầm mình nói ra để được Vua trọng-vọng rồi cúng-dường ”hậu-hỉ” cho mình. Cho nên với chữ ”Nếu”, Na-Tiên đã vừa tránh được sự khoe-khang, lại vừa khỏi phải che-dấu sự-thật.

Thế thì, còn ”quí” ở chỗ nào? Tì-kheo Na-Tiên, trước khi ra hành đạo, đã tu chứng đạo-quả A-la-hán rồi, tại sao chẳng tỏ ra cho vua biết, hoặc thi-triển các thần-thông đã đắc được để cho vua tin? Đó là hạnh khiêm-nhường, với tâm thanh-tịnh hoàn-toàn, trong lòng chẳng hề khởi lên tự-kiêu, tự-mãn, phô-trương cùng người sự chứng-đắc của mình. So với thời mạt-pháp ngày nay, có biết bao kẻ mạo-danh tu-hành rêu-rao chẳng ngượng mồm đã đắc được đạo nầy, quả nọ, đã vỗ ngực xưng là bực vô-thượng-sư, là đấng Phật-sống, còn cho bọn đồ-đệ mê-tín ngông-cuồng dùng các phương-tiện quảng-cáo rầm-rộ những trò buôn thần bán thánh theo đường lối thương-mại, khiến các bực chơn-tu sùng Đạo phải đau lòng.

Cầu mong sao thái-độ khiêm-nhường kín-đáo của Tì-kheo Na-Tiên được các hàng Phật-tử lấy đó làm gương để khiến cho mối Đạo giữ tròn được sự trong-sáng.

Bây giờ, xin trở lại vấn-đề mấu-chốt: Tái-sanh là một hiện-tượng có thật hay chẳng có thật? 

Gọi là ”hiện-tượng” một sự-việc thật-sự có thật, xảy ra trong một khung-cảnh không-gian và thời-gian. Việc tái-sanh, nếu thật-sự xảy ra, phải trải qua ba giai-đoạn: (1) lúc chết, (2) sự thay-đổi từ trạng-thái của đời sống cũ sang trạng-thái đời sống mới, (3) lúc sanh ra. Trong ba giai-đoạn đó, ta chỉ biết được có hai: lúc chết và lúc sanh, còn sự thay đổi, nếu có, từ trạng-thái cũ sang trạng-thái mới, phải xảy ra tại một cảnh-giới khác, trong khung-cảnh thời-gian và không-gian khác với cõi trần-thế nầy. Chính vì lẽ nầy, mà khoa-học hiện-đại vẫn còn chưa có câu trả lời dứt-khoát: việc tái-sanh có thật hay chẳng có thật? Như thế, dựa theo lập-luận duy-lý, việc tái-sanh nếu thật sự có thật hoặc chẳng có thật, đều phải có nguyên-nhân của nó.

Thế gian chẳng hề có một sự-việc nào tự-nhiên tự nó mà sanh ra: phải có nguyên-nhân rồi mới sanh ra hậu-quả. Xét cho cùng kỳ-lý, vấn-đề tái-sanh có thật hay chẳng có thật chỉ là một vấn-đề tin-tưởng mà thôi: hoặc tin là có, hoặc tin là chẳng có. Nhưng muốn vững tin, phải có những lý-do chắc-chắn làm căn-bản cho niềm tin đó: đã đành khi tin thì tin bằng một niềm tin; mà khi chẳng tin, chẳng chịu tin, thì thái-độ nầy cũng vẫn là một niềm tin, một niềm tin chắc-chắn cho rằng, chẳng hề có việc tái-sanh. Những ai theo khoa-học vật-chất đòi hỏi các bằng-cớ cụ-thể, mắt có thấy, tai có nghe mới chịu tin, thì ta thử hỏi, họ đưa ra những lý-lẽ nào vững-chắc để quả-quyết rằng việc tái-sanh chẳng có thật, ngoài việc cứ một mực thẳng tay bài-bác việc tái-sanh mà chẳng chứng-minh được sự hữu-lý của việc họ chống-đối đó với các bằng-cớ.

Về phía những người đang vững tin ở lời Phật dạy, ta thấy rõ niềm tin của họ dựa trên những lý-lẽ chẳng phải là thiếu căn-bản:

1.- Lời tuyên-bố minh-bạch của Đức Phật tại Bồ-đề đạo-tràng khi Ngài đắc ngôi-vị Phật: với thiên-nhãn-minh, Ngài nhìn thấy các chúng-sanh chết nơi đây, sanh lại nơi kia. Đó còn chưa phải là việc tái-sanh có thật, đang xảy ra, tại cảnh-giới nầy mà chính mắt Ngài đã nhìn thấy được với khả-năng siêu-phàm của thiên-nhãn-minh sao?

2.- Lý Mười hai Nhân-Duyên trong Giáo-Pháp của Đức Phật giải-thích rõ-ràng nguyên-nhân của việc tái-sanh, ngay tại các Nhân-duyên đầu, thuộc giai-đoạn quá-khứ: (1)Vô-minh duyên Hành, (2) Hành duyên Thức, (3) Thức duyên Danh-Sắc.

Vô-minh là gì và do đâu mà có? Vô-minh tức là sự ngu-tối, mê-mờ. Lúc cá-thể sắp lìa cuộc sống, lòng luyến-tiếc sanh ra sợ-hãi, mong muốn cuộc sống được tiếp-tục mãi, đó là vô-minh, ham sống trong cõi Luân-hồi để gánh mãi cảnh Khổ triền-miên, đó chẳng phải là sự dại-khờ nặng-nề hay sao?

Vô-minh duyên Hành nghĩa là gì? Câu nầy có nghĩa: hễ vô-minh khởi lên, thì Hành được phát-động.

Hành là gì? Đây là danh-từ Hán-Việt dùng để dịch chữ Phạn Sankhàra, với ba ý-nghĩa chánh: (1) điều-kiện gây ra sự biến-đổi; (2) sự-vật bị điều-kiện-hoá, tức là các sự-vật bị các điều-kiện xung quanh làm biến-đổi; (3) chính sự biến-đổi do các điều-kiện gây ra. Như thế, chữ Hành ở đây trỏ các pháp hữu-vi, tức là các sự-vật phải chịu thay đổi vì các điều-kiện của hoàn-cảnh xung quanh. Các pháp hữu-vi đó, trong việc tái-sanh, là những pháp nào? (pháp= dharma/dhamma = sự-sự, vật-vật). Đó là ảnh-hưởng của nghiệp-thức do các hành-động cố-ý của thân, của miệng, và nhứt là của ý, đã gây ra, còn tiềm-tàng và được tàng-trữ trong tạng-thức, tức là trong Thức A-lại-da (Alaya).

Do đó mà ta có: Hành duyên Thức, nghĩa là hễ Hành khởi lên thì Thức được phát-động.

Thức là gì? Thức đây là nghiệp-thức vừa nói ở trên, tức là các ảnh-hưởng của những hành-vi cố-ý, tạo nên nghiệp-quả, dẫn-dắt chúng-sanh đi theo sáu nẻo của Luân-hồi. Do đó mà có: Thức duyên Danh-Sắc, nghĩa là hễ nghiệp-thức chuyển-động thì Danh-Sắc phát-sanh ra. Khi Danh-Sắc sanh ra thì việc tái-sanh được thành-tựu, vào thời-kỳ hiện-tại.

Danh-Sắc là gì? Chữ Danh-Sắc là một danh-từ Hán-Việt dịch chữ Phạn Nàma-Rùpa, nghĩa là: tinh-thần và vật-chất. Như thế, nghĩa là gì? Khi nghiệp-thức chuyển-động, thì phần tinh-thần, Danh, của cá-thể đi vào thai-nhi, do tinh cha huyết mẹ kết thành, tức là phần vật-chất, Sắc, của cá-thể. Vì cả hai phần tinh-thần và vật-chất còn phôi-thai, chưa được hoàn-bị, nên mới gọi là Danh-Sắc, vì thai-nhi chưa tượng-hình đầy-đủ các bộ-phận sinh-lý, cũng như các khả-năng tâm-lý của nó chưa được phát-triển sung-mãn.

Nói tóm lại, ba nhân-duyên đầu-tiên của Lý Nhân-Duyên đã nêu ra, rất rõ-ràng và rất đầy-đủ, nguyên-nhân của việc tái-sanh, mà hậu-quả là khiến cho chúng-sanh cứ trôi lăn triền-miên trong cõi Luân-hồi đau-khổ.

Thiện Nhựt sở dĩ ”dài dòng văn-tự” như thế, đó là vì muốn nêu ra cho các bạn trẻ thấy rõ-ràng niềm tin có tái-sanh đã được đặt trên hai căn-bản vững chắc: (1) lời tuyên-bố của Đức Phật đã nhìn thấy sự tái-sanh; (2) ba nguyên-nhân dây chuyền: Vô-minh, Hành, Thức đã đưa đến hậu-quả tất-yếu là việc tái-sanh ra Danh-Sắc. Các bạn trẻ còn hơi khó tánh có thể đòi-hỏi có được thiên-nhãn-minh để nhìn thấy tận mắt mình, thì Thiện Nhựt xin thưa, phải tu-tập cho đến mức giác-ngộ và giải-thoát hoàn-toàn như Đức Phật mới có khả-năng siêu-phàm đó. Hoặc các bạn ấy muốn đem ra ”thực-nghiệm” các nguyên-nhân: Vô-minh, Hành, Thức, để xem chúng có mang đến hậu-quả là có việc tái-sanh xảy ra hiện-tiền hay không, theo như kiễu các nhà khoa-học đã kiểm-chứng trong các phòng thí-nghiệm, thì Thiện Nhựt xin thưa, các nguyên-nhân được kể trong Lý Mười hai Nhân-Duyên đều là các pháp hữu-vi, vô-hình-tướng, làm sao mà lấy đem ra được, để ”thí-nghiệm” như các hóa-chất?

Thiện Nhựt tự xem mình là một Phật-tử, gọi Đức Phật là đấng Từ-Phụ, thì có lẽ nào mình chẳng chịu tin lời của đấng Cha lành, khi Ngài bảo, chính Ngài đã nhìn thấy các chúng-sanh chết nơi đây, sanh lại nơi kia.

Làm con mà chẳng chịu tin lời Cha, thì còn tin ai đây?

*

7.- Lời nói ngàn vàng của Ngài Xá-lợi-phất.

Cuối quyển Thượng, bộ Luận ”Na-Tiên Tì-Kheo Kinh” có một đoạn văn ghi lại một câu đáng sơn son thếp vàng:

Vương lại hỏi Na-Tiên:

– Như người đắc đạo, chẳng phải sanh lại ở đời sau, có còn phải chịu cảnh khổ nữa không?
– Hoặc còn phải chịu khổ nữa, hoặc chẳng còn phải khổ nữa.
– Thế nào là còn phải chịu khổ, là chẳng phải chịu khổ nữa?
– Thân còn chịu khổ, tâm-ý hết chịu khổ. Sở dĩ thân còn phải chịu khổ là vì trong hiện-tại thân đó còn là nguồn-gốc của sự khổ; tâm-ý sở dĩ hết khổ là vì đã dứt bỏ tất cảcác điều ác, chẳng còn ham-muốn chi, cho nên chẳng phải chịu khổ nữa.
– Nếu như người đắc Đạo chẳng thể lìa thân khổ nầy, thì đó là chưa đắc được Niết-bàn chăng? Người đắc Đạo chẳng còn ân-ái, mà thân còn khổ, dầu tâm-ý đã an-ổn, thì sự đắc Đạo để làm gì? Nếu như người đắc Đạo đã thành-công, thì vì cớ gì mà còn lưu lại ở đây?
– Thí-dụ như trên cây, trái còn chưa chín thì chẳng vội hái, nên đợi cho chín muồi. Đại-Vương có biết lời nói của Đại- Đức Xá-lợi-phất chăng? Ngài Xá-lợi-phất lúc còn sống có nói: ”Tôi chẳng cầu chết, tôi cũng chẳng cầu sống, tôi chỉ chờ đúng thời ra đi thì ra đi.”

Vua khen ngợi: ”Lành thay! Lành thay!”

Tóm-tắt:

Vua Di-Lan có hai thắc-mắc: (1) người đang sống, đắc Đạo có còn phải chịu khổ nữa không? (2) đã đắc Đạo rồi mà thân vẫn còn khổ, sao chẳng lìa thân đi; nếu giữ thân sống thêm, hoá ra đắc Đạo chẳng vô-ích lắm hay sao?

Về thắc-mắc thứ nhứt, Na-Tiên giải-đáp: người đã đắc Đạo còn sống thì thân còn khổ mà tâm đã dứt các phiền-não nên hết khổ.

Giải-toả mối thắc-mắc thứ hai về việc ”tìm cái chết cho hết khổ”, Na-Tiên đưa ra một thí-dụ rất hay: ”trái cây chưa chín, chưa vội hái, nên đợi lúc trái đã chín muồi”. Và Na-Tiên nhắc lại lời nói vô cùng quí-báu của Ngài Xá-lợi-phất:

”Tôi chẳng cầu chết, tôi cũng chẳng cầu sống, tôi chỉ chờ đúng thời ra đi thì ra đi.”

Nhận-xét:

1.- Người đắc Đạo đang sống thì thân vẫn còn cảm-xúc nên phải chịu cảnh khổ của gìa và bịnh; nhưng về phần tinh-thần, tâm-ý đã thoát khỏi các phiền-não, chướng-ngại, nên được an-nhiên, tự-tại. Đây là dịp khiến ta nên suy-gẫm đến hai chữ đau-khổ trong tiếng Việt thuần-túy của ta. Đau khác. Khổ khác. Đau thì thân đau; còn Khổ thì tâm khổ ; như khi có cái răng đau, miệng thì nhức-nhối, sao ta lại còn chồng thêm nỗi Khổ lên cho tâm, để khiến cho lòng phải buồn-bực, bứt-rứt? Đau răng còn chưa đủ hay sao mà lại sanh thêm bực-tức, cau-có để gây thêm Khổ cho lòng mình và cho cả các người ở chung quanh?

2.- Thử phân-tách và tìm hiểu chỗ quí-báu trong lời nói của Ngài Xá-lợi-phất:

a.- ”Tôi chẳng cầu chết…” Tại sao? Vì tấm thân hiện nay còn đây chỉ là tấm thân dư-y; sở dĩ còn sống là để trả nốt dư-nghiệp còn sót lại. Hơn nữa, cầu chết là thái-độ trốn-tránh nợ đời; khi nghiệp-lực vẫn còn mà cầu lấy cái chết, thì theo vòng Luân-hồi phải tái-sanh lại để rồi phải chịu Khổ dài-dài. Lại nữa, mạng-sống con người là điều vô cùng quí-giá, nhờ nó mà ta mới có đủ cơ-duyên biết đến, và tu-tập theo, con đường giải-thoát vĩnh-viễn.

b.- ”Tôi cũng chẳng cầu sống…” Tại sao? Khi sanh ra, nào phải tự tôi cầu cho tôi được sanh ra đâu, vòng Luân-hồi cứ xoay-chuyển mãi theo nghiệp-lực cũ mà tái-sanh. Trong cuộc sống hiện-tại còn lại đây, mọi sự ham-muốn đều chấm dứt nơi tâm tôi, còn có điều chi nữa khiến tôi cố đòi ham sống để hưởng? Tâm tôi an-nhiên xem cả hai sự sống, chết đều ngang nhau; sống gởi, thác về, nào có chi mà ngại, mà cầu chớ?

c.- ”Tôi chỉ chờ đúng thời ra đi, thì ra đi.” Lúc nào mới đúng thời ra đi? Đó là lúc đã dứt sạch nghiệp, do một cái chết tự-

nhiên và thanh-thản mang đến. Tôi ra đi, chẳng chút luyến-tiếc, cũng chẳng chút háo-hức, an-nhiên mà ra đi vào cõi vắng-lặng.

d.- Đây là lời nói của một bực đắc Đạo, đã giác-ngộ hoàn-toàn về lẽ sống chết trong vòng Luân-hồi và con đường giải-thoát về nơi an-lạc vĩnh-cửu. Tưởng nên viết lên thành đôi câu liễn, sơn son thếp vàng, để ghi lấy đó làm điều tâm-niệm:

* Tôi chẳng cầu chết; tôi cũng chẳng cầu sống

* Tôi chỉ chờ đúng thời ra đi, thì ra đi.

8.- Bộ Luận ”Na-Tiên Tì-Kheo Kinh” giúp ta ôn lại Giáo-lý với nụ cười hàm-tiếu!

Kinh-sách giảng Giáo-Lý phần nhiều quá cao-siêu và khó … nuốt cho trôi! Nhưng bộ Luận ”Na-Tiên Tì-Kheo Kinh” nầy, ngoài những đoạn văn giải-thích các điểm thắc-mắc một cách tỉ-mỉ và sâu-sắc ra, còn có những câu hỏi, những lời đáp hóm-hỉnh, dí-dỏm và cũng đượm đôi chút mỉa-mai. Xin trích ra một đoạn:

Vương lại hỏi Na-Tiên:

– Sa-môn có mến-thương thân-thể của mình không?
– Sa-môn chẳng tự thương-mến thân mình.
– Sa môn đã chẳng mến-thương thân mình, cớ sao khi nghỉ-ngơi lại muốn nằm nơi êm-ả, khi ăn-uống lại muốn vật ngon của đẹp, tự săn-sóc mình như thế?

Na-Tiên hỏi lại Vương:

– Đại-Vương có từng ra ngoài trận chiến-đấu chăng?
– Dĩ nhiên, Ta đã từng ra trận chiến-đấu.
– Tại trận chiến-đấu, Đại-Vương có từng bị đao, kiếm chém, hay tên bắn trúng chăng?
– Ta nhiều lần bị trúng đao, kiếm.
– Khi bị đao, kiếm, tên (…) gây thương-tích, Đại-Vương làm gì?
– Ta dùng thuốc (…) dùng bông gòn băng bó lại.
– Đại-Vương vì mến-thương vết thương mà dùng thuốc (…) dùng bông băng-bó lại vết thương chăng?
– Ta đâu có mến-thương vết thương.
– Chẳng mến-thương vết thương sao lại dùng thuốc, dùng bông băng lại?
– Ta chỉ mong muốn vết thương mau lành, chớ dâu có mến-thương gì nó.
– Sa-môn cũng lại như vậy, chẳng mến-thương thân mình; tuy ăn-uống, tâm chẳng vui-khoái, chẳng muốn làm đẹp, chẳng muốn làm tốt, chẳng muốn da thịt sắc hồng-hào, mà chỉ muốn cho thân-thể khoẻ-mạnh để có thể phụng-hành giới-luật, Kinh-kệ của Phật. Kinh Phật có giảng: ”Thân người có chín lỗ hổng, tựa như vết đâm của mâu-thương, từ nơi chín lỗ đó chảy ra chất dơ hôi-thúi.”

Vương khen: ”Lành thay!”

*

Còn rất nhiều đoạn khác nữa, cả thảy hơn chín mươi câu vấn-đáp giữa vị Vương-gia thông-tuệ và vị Tì-kheo lỗi-lạc; rải-rác khắp bộ Luận ẩn-chứa nhiều đoá hoa thơm, còn đang chờ được thưởng-thức. Tưởng chẳng cần dài-dòng tán-dương thêm nữa một bộ Luận đã từng được sự ngợi-khen nồng-nhiệt của các học-giả từ Đông sang Tây, tự cổ chí kim.

Montreal, 12-04-2005
Thiện Nhựt 
Kính trình.

Pages: 1 2 3 4 5